Lời người dịch : Trên tờ The Atlantic có một bài viết giải đáp cho câu hỏi tại sao Maduro cố vẫn nắm quyền tại Venezuela.
Tổng thống Nicolas Maduro trong một cuộc duyệt binh tại Fort Tiuna, thủ đô Caracas, Venezuela, nhân ngày Quân lực 24/06/2017 - (AP Photo/Fernando Llano, File)
Maduro thực sự không còn cả ảo tưởng tiếp tục nắm quyền, sở dĩ ông ta tiếp tục cầm quyền là vì ông ta bị kẹt trong quyền lực. Thậm chí Maduro còn không thể đặt niềm tin vào Cuba - một đồng minh thân cận và nơi ông ta có thể tìm đến sống lưu vong. Cơ hội tìm kiếm cách hạ cánh an toàn ở quê nhà của mình cũng hoàn toàn tuyệt vọng khi đối lập Venezuela không có dấu hiệu sẽ bảo vệ ông ta khỏi kết cục tàn khốc khi Maduro rời khỏi vị trí tổng thống. Ông ta chọn cách tiếp tục duy trì cầm quyền bằng cách kiểm soát nhà nước và quân đội, một chọn lựa chọn hiểm nghèo nhưng duy nhất còn lại.
Mong các bạn cho ý kiến về trường hợp Venezuela, liệu phe đối lập đất nước này cần làm gì để chấm dứt tình trạng tiến thoái lưỡng nan này ? Liệu cách đối đầu đến cùng với Maduro có phải là một lựa chọn khôn ngoan ?
…………………………………
Thật khó để miêu tả tình trạng của Venezuela ngày hôm nay mà không đề cập tới những điều hãi hùng. Những cụm từ như "xác sống", "địa ngục sau ngày tận thế" thường xuất hiện trong lời tường thuật của những người đến nơi này gần đây, họ hoảng loạn chứng kiến một xã hội đã đạt tới độ mục ruỗng giống như thời loạn lạc, dù chẳng có một cuộc chiến tranh nào tại đây.
Trong một lời thuật lại tỉ mỉ, Anotoly Kurmanaev của tờ Wal Street - người tường thuật tại Caracas (thủ độ Venezuela) từ năm 2013 cho tới một vài tuần trước đã so sánh tình trạng của nước này tệ như tình trạng của Siberia những năm 1990.
"Sự sụp đổ của Venezuela tệ hơn những bất ổn mà tôi đã trải qua trong cuộc khủng hoảng hậu Liên Xô. Khi tôi còn là một chàng trai trẻ tuổi, tôi vẫn có thể có được giáo dục tốt tại một trường công với những bữa ăn được trợ cấp và hưởng điều trị miễn phí tại bệnh viên. Trái lại, khi suy thoái xảy ra tại Venezuela, chính phủ tự xưng là Xã Hội Chủ Nghĩa đã không có cố gắng nào để duy trì và bảo đảm dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, hai thứ tưởng chừng là trụ cột của chế độ".
Số liệu về Venezuala có thể khiến người ta nổ tung đầu ngay lập tức nhưng ở một mức độ nào đó, nó không phản ánh đúng hết những điều kinh hoàng xảy ra tại đây. Trong một đất nước từng là mẫu mực của Nam Mỹ về hòa bình, ổn định, dân chủ và phát triển trong nửa sau thế kỉ 20, thì giờ đây khoảng 2/3 dân số cho hay họ phải bắt buộc giảm cân để giảm đói khát. Trong những người báo cáo về tình trạng giảm cân, có những người sụt gần 9 cân chỉ trong năm ngoái.
Với tất cả những khó khăn của đất nước, tổng thống đương nhiệm trở lại cầm quyền với 68% tổng phiếu bầu như một trò đùa lố bịch. Cuộc bầu cử, không cần bàn cãi, đã bị lũng đoạn. Đối lập lên án cuộc bầu cử, và gần như tất cả các nền dân chủ lớn, các tổ chức đại diện cho dân chủ đều lên án tình trạng thiếu dân chủ và từ chối công nhận cuộc bầu cử : Liên Minh Châu Âu, Mỹ, Canada, G7 và mọi nước lớn ở Mỹ La Tinh. Một số nước vẫn còn công nhận Venezuela như : Cuba, Nga, Nicaragua, Bolivia và Iran. Thậm chí Bashar al-Asssad còn gửi cho Maduro một bức thư chúc mừng.
Dù "thắng cử" nhưng Maduro chẳng còn hy vọng nào để lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kì nữa. Là một người tài xế xe bus và cũng là một người Mác-xít có đường lối cứng rắn được huấn luyện bởi Cuba, Maduro đã đau đớn rơi xuống vực thẳm từ khi ông nắm quyền vào tháng 3 năm 2013. 5 năm sau đó ông không có thành tựu gì để phô diễn trong thời gian nắm quyền, cũng chẳng có một chiến công đáng kể nào để tiếp tục nắm quyền và giúp ông đánh bại dù là một đối thủ dù chỉ ở hạng trung bình.
Maduro đơn giản không còn cơ hội để đảo ngược những khủng hoảng chồng chất mà ông ta đã khởi động và nhai lại những lời hứa để rồi tiếp tục gây thất vọng trong nhiều năm trời. "Chiến dịch" của ông năm nay tập trung vào cam kết rằng một nhiệm kì nữa là tất cả những gì ông cần để đánh tan những âm mưu ngầm về kinh tế mà ông quy chụp một cách vô cớ cho nguồn cơn của siêu lạm phát và tình trạng sụp đổ nền kinh tế. Và ông sẽ thực hiện lời hứa của mình như thế nào ? Khi mà nguyên nhân thực tế của siêu lạm phát được các nhà kinh tế từ mọi trường phái đánh giá là do việc tăng cường kiểm soát giá và in tiền bừa bãi.
Sự vắng mặt của các chính sách mới đáng tin cậy cộng với sự từ chối thừa nhận sự đau khổ mà các chính sách của Maduro đã gây ra cho người dân đang thể hiện bộ mặt trơ trẽn của chế độ.
Tại sao mà ông ta vẫn còn muốn giữ một chức vụ đã ngoài tầm với của ông ?
Bởi vì Maduro đã tự đào hố chôn mình quá sâu, và nếu buộc phải rời chiếc ghế tổng thống rất có thể ông phải ngồi tù. Hoặc còn tệ hơn.
Bóng ma của nhà độc tài Panama Manuel Noriega còn đó, nó đặt ra cuộc thảo luận về tương lai của Maduro. Như Noriega, Maduro tham gia vào các cuộc buôn bán thuốc cấm có sự dính dáng của chế độ, và một vụ đã bị đưa vào giám sát của DEA (tổ chức chống ma túy) trong hàng năm trời. Hai đứa cháu của bà đệ nhất phu nhân bị kết tội ở Mỹ năm ngoái vì tội trao đổi ma túy với nhân viên mật vụ của DEA 800 kg cocaine tại Haiti một vài năm trước. Phó tổng thống của Maduro, Tareck El Aissami cũng được ủy nhiệm vào vị trí đầu mối trung tâm trong giao dịch ma túy.
Bất kể vai trò nào của Maduro trong những giao dịch ma túy này, rất có thể nhân viên điều tra Mỹ đã nắm được bằng chứng. Noriega đã chết năm ngoái khi vẫn bị quản thúc sau ba thập kỉ ở những nhà tù khác nhau tại khắp các châu lục, Maduro xem chừng khó thoát được.
Và các vụ buôn bán ma túy và thuốc cấm mới chỉ là bắt đầu. Maduro và những thành viên trong mạng lưới của ông ta đang bị cấm vận quốc tế vì một loạt những hành vi sai trái. Trong nhiều năm, các thành viên của chế độ đã bị tố cáo về việc xâm phạm nhân quyền, rửa tiền, hối lộ và tham nhũng cấp Olympic, trợ giúp Hezbolla, trợ giúp chương trình hạt nhân Iran (vào năm 2016), các tội ác liên quan đến môi trường mức độ lớn, cáo buộc bỏ tù người trái luật, hành động tra tấn…danh sách các tội ác còn nhiều vô kể. Vào tháng hai của năm nay, luật sư tố tụng tại tòa án tội phạm quốc tế đã tuyên bố rằng văn phòng của bà đang tổ chức các cuộc điều tra sơ bộ về những tội ác nhân quyền mà Venezuela đã gây ra từ năm 2017. Trước khi tất cả những điều đó được nói ra và thực hiện, Maduro không tránh khỏi cảm thấy mình đã bị dồn tới đường cùng.
Đó là một trong những lý giải, tại sao một người chẳng còn lý tưởng nào lại rất kiên quyết bảo vệ quyền lực, ông ta sợ. Và ông ta có những lý do hợp lý để sợ.
Ở thế hệ trước, mọi thứ dường như rất khác. Có truyền thống đảm bảo hạ cánh mềm cho những kẻ độc tài với một lý do chẳng hạn như cần nhiều thời gian hơn trong việc điều tra về gia đình của họ. Idi Amin, một kẻ độc tài nổi tiếng của Uganda đã kết thúc những ngày cuối cùng của ông ta trong một khu tổ hợp sang trọng tại Saudi Arabia. Tuy không còn quyền lực nhưng ông vẫn còn được sống một cuộc sống khá xa hoa. Nhà độc tài Filipino Ferdinand Marcos dùng những năm tháng tuổi già để uống cocktail tại Haiwaii và Guam. Mobutu Sese Seko nghỉ dưỡng tại Haiti và Duvalier có cuộc sống mới tại Riviera, Pháp. Đó là khoảng thời gian mà những kẻ độc tài tồi tệ nhất vẫn có thể được van nài từ bỏ quyền lực để đổi lấy những căn biệt thự xinh đẹp và một tài khoản ngân hàng hào phóng. Giờ điều đó đã kết thúc.
Câu chuyện về số phận của Maduro thường bao gồm suy đoán về Cuba như một địa điểm lưu vong của ông. Rất dễ giải thích : Cuba từ lâu đã là một đồng minh quan trọng nhất của chế độ. Thực tế "đồng minh" vẫn chưa phải một từ đúng để miêu tả mối quan hệ sâu sắc của hai chính quyền : cuộc khởi nghĩa Venezuela đôi khi người ta cảm tưởng như hoàn toàn được tài trợ từ chế độ Castro, với hàng ngàn chuyên gia huấn luyện, tư vấn và gián điệp đến từ Cuba đã được xâm nhập vào nhà nước Venezuela, và chẳng có một quyết định nào được đưa ra mà không thông qua Havana. Ví dụ, những ngày đầu tiên của Maduro, phóng viên Reuters cho hay dù kinh tế về công nghiệp dầu mỏ suy sụp, và thậm chí dù chính phủ thiếu tiền mặt để mua thuốc men quan trọng, Venezuela vẫn mua dầu tại thị trường quốc tế để chuyển tới Cuba với một điều khoản tín dụng ưu đãi : một nguồn doanh thu có giá trị cho chế độ Cuba.
Và dường như thật xa vời để Maduro có một viễn cảnh được sống lưu vong và xa hoa : Giữ Nicolas Maduro ở lại vị trí quyền lực có giá trị hơn nhiều với Cuba so với việc giúp ông ta rút lui. Saudi Arabia chưa từng phụ thuộc vào việc giữ Idi Amin ở lại vị trí quyền lực tại Kampala, Uganda để trục lợi như trường hợp Cuba với Venezuela. Nguồn dầu mỏ và trợ giúp về ngoại giao của Venezuela là những chiến lược sống còn với chế độ Cuba. Nếu viễn cảnh mà Cuba cho phép Maduro thoái lui, Maduro sẽ nhanh chóng trở thành món hời mà Cuba có thể lợi dụng. Biết đâu được họ sẽ bán ông ta cho Mỹ để đổi lấy sự nới lỏng cấm vận thương mại chẳng hạn.
Một sự nghỉ hưu thầm lặng tại quê nhà dường như là không thể với một nhà lãnh đạo đã gây ra quá nhiều tội ác với quá nhiều người : cảnh tượng bị truy tố luôn xuất hiện mập mờ. Thậm chí dù ông có thể chọn những người nối nghiệp tin cậy sẵn sàng đảm bảo an ninh cho ông thì ông vẫn khó có thể quên rằng Đại tướng Chile Augusto Pinochet đã trải qua những năm tháng cuối cùng của cuộc đời để vật lộn với sự truy tố ở cả quê nhà lẫn nước ngoài.
Thực tế, thật khó để cảm thấy được một kế hoạch rút lui đáng tin cậy mà Maduro, một nhà độc tài còn ở độ tuổi khá trẻ khi mới 55, sẽ tin tưởng lựa chọn để bảo vệ cho bản thân từ 2 đến 3 thập kỉ nữa trong tương lai. Do đó, Maduro đã chọn cách đặt niềm tin vào sự bảo vệ của lực lượng vũ trang quốc gia Bolivarian khi mà quân đội sở hữu tất cả sức mạnh vũ trang và lực lượng tình báo quốc gia.
Nicolas bám lấy quyền lực bởi vì ông ta mắc kẹt ở trong đó. Mọi sắp đặt thay thế đều là nhà tù với ông. Do đó dù không còn đủ sức lãnh đạo Venezuela, ông ta vẫn cố sử dụng nhà nước như một công cụ bảo vệ bản thân. Đây là giải pháp cuối cùng thay vì một cuộc đời sau song sắt.
Nguyên tác : Why Nicolas Maduro Clings to Power, The Atlantic, 30/05/2048
Nguyễn Việt Anh biên dịch
(01/06/2018)