LTS : Tham nhũng tại Việt Nam hiện nay đang là một đe dọa lớn đến sự tồn tại của chế độ cộng sản Việt Nam. Đảng và Chính phủ đã không ngừng ban hành Nghị quyết, Chỉ thị hướng dẫn phòng chống tham nhũng dưới những danh từ hoa mỹ như "chống tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… nhưng cho tới nay đã như công cốc. Phong trào tham nhũng đã không bị ngừng trệ mà còn đang biến thành một khoa học luồn lách tuyệt sảo. Không những báo chí trong nước mà cả giai cấp trí thức quốc doanh đều nhảy vào cuộc để phân tích và bình luận trước sự dửng dưng đồng lõa của chế độ.
Điều đáng ngạc nhiên là cả người cho lẫn người nhận đều cho rằng dịch vụ biếu tặng "siêu xe" là hợp pháp, "đúng quy trình" trước sự bất lực của luật pháp và chính quyền đương nhiệm. Thật ra trị giá của những chiếc xe này chẳng là bao tại những quốc gia phát triển, nhưng đối với Việt Nam đó là những "siêu xe" (như báo chí trong nước đặt tên) vì quá đắt tiền so với lợi tức đầu người hiện nay, mà cả một đời làm việc của công nhân viên chức nhà nước hay người dân khó có thể đắc thụ một cách hợp pháp. Chính vì thế, bằng mọi giá, những cho cũng như người nhận đều tìm cách hợp pháp hóa hành vi cho-nhận của mình.
Người cho, dĩ nhiên, không muốn bị trả lại vì, theo như nhận định của báo chí và trí thức quốc doanh, "không ai cho không cái gì". Người nhận, càng dĩ nhiên hơn, không muốn bị tịch thu hay buộc phải trả lại món quà tặng riêng cho mình, vì đó là cả mơ ước của một gia đình : biểu tượng của thành công và giàu sang. Nhưng những biểu tượng này lại chính là đối tượng ganh tức của những người cùng ao ước nhưng không ước mơ không được toại nguyện. Tố cáo, loại trừ những người giàu có hơn mình đang là phản ứng phổ cập của những người đang ở trong guồng máy đảng và nhà nước không được ăn hay không kiếm được nhiều tiền. Ganh tức và t tiêu diệt lẫn nhau đang là nỗi lo của đảng cộng sản Việt Nam.
Nói tóm lại, cố gắng chống tự diễn biến và tự chuyển hóa trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là những cố gắng bất lực trước thế lực tham nhũng đang hoành hành trên cả nước. Phải thành thực nhìn nhận : còn bao nhiêu đảng viên, cán bộ trong guồng máy đảng và nhà nước quan tâm đến tương lai đất nước ? Chắc chắn là không nhiều.
Nguyễn Văn Huy
*****************
Tặng siêu xe tiền tỷ cho chính quyền Tỉnh, Thành phố : Có ai cho không ai gì đâu ? (Infonet, 26/02/2017)
"Xét cho đến cùng thì có ai cho không ai cái gì đâu ? Doanh nghiệp người ta bỏ ra vài tỷ đến vài chục tỷ để mua xe tặng tỉnh, Thành phố thì người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ, chứ đâu chỉ có chuyện lòng tốt mà bỏ ra ngần ấy tiền"
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương : "Doanh nghiệp người ta bỏ ra vài tỷ đến vài chục tỷ để mua xe tặng tỉnh, Thành phố thì người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ…".
Đây là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương xung quanh câu chuyện các doanh nghiệp tặng xe cho một số tỉnh, thành phố đang gây chú ý dư luận.
Nhiều doanh nghiệp tặng xế sang cho Tỉnh, Thành phố
Mới đây, dư luận tại Cà Mau bàn tán về 2 chiếc xe Lexus trị giá mỗi chiếc trên 3 tỷ đồng do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau quản lý. Thông tin cho biết, vào tháng 3/2016, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tặng cho Cà Mau 2 "siêu xe" nói trên với giá xuất hóa đơn mỗi chiếc 3,1 tỷ đồng. Theo giải thích của người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau, thời điểm Công ty Công Lý tặng xe, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt.
Công ty Công Lý khi tặng xe nêu rõ ràng mục đích tặng xe cho tỉnh là để phục vụ công việc như đi kiểm tra chỉ đạo đê, kè, khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng..., không tặng riêng cho người nào.
Tương tự, tại Đà Nẵng, Thành ủy , Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đang quản lý 8 ô tô do doanh nghiệp tặng, hỗ trợ Đà Nẵng từ nhiều năm trước cho đến nay.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, cho biết được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Hoa Lư (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan) tự nguyện tặng cho tỉnh Ninh Bình 3 ôtô tiền tỷ. UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ Tài chính đồng ý cho xác lập quyền sở hữu nhà nước và hướng dẫn việc sử dụng đối với 3 ôtô này để phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Ninh Bình đã từ chối "món quà" mà doanh nghiệp này tặng.
Không đến mức thiếu thì không nên nhận
Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, Đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, pháp luật không cấm việc tặng xe với tư cách là quà tặng, biếu đặc biệt trong bối cảnh chính quyền địa phương cũng có thể khó khăn về phương tiện đi lại. Do để giữ cho nợ công không tăng cao, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cũng yêu cầu thắt chặt mua sắm xe công nên nhiều địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, Đại biểu Sỹ Cương cũng nhấn mạnh "việc thiếu phương tiện đi lại đấy có đến mức làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ cũng như thực hiện chỉ đạo điều hành của các tỉnh,thành phố hay không thì cần phải xem xét kỹ. Bởi vì lãnh đạo tỉnh, Thành phố thiếu xe để đi tuần tra, kiểm tra, chỉ đạo điều hành trong phạm vi địa phương có đến mức phải nhận xe của doanh nghiệp không ? Tôi khẳng định là không. Như vậy không đến mức thiếu mà phải đi mượn hay nhận xe dưới dạng biếu, tặng… thì không nên làm".
Không phủ nhận thiện ý tốt của doanh nghiệp đối với các địa phương trong điều kiện có khó khăn, nhưng Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định : "Thiện ý là một phần. Vấn đề đằng sau phải chăng là để tạo mối quan hệ, tăng cường mức độ ảnh hưởng đối với chính quyền để rồi khi có đề nghị chính quyền phải tạo điều kiện trở lại cho doanh nghiệp".
"Xét cho đến cùng thì có ai cho không ai cái gì đâu ? Doanh nghiệp người ta cũng nghĩ bỏ ra vài tỷ đến vài chục tỷ để người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ, chứ đâu chỉ có chuyện lòng tốt không mà bỏ ra ngần ấy tiền. Đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính số tiền như thế không phải là nhỏ. Để kiếm được những khoản tiền tỷ đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính không phải dễ dàng"- Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
Việc chính quyền địa phương nhận xe của doanh nghiệp theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương sẽ tạo ra suy nghĩ cho các doanh nghiệp khác về sự công bằng. Bởi họ nghĩ rằng, cho rằng, những doanh nghiệp lớn, "hữu hảo" với chính quyền tỉnh đó chắc chắn được quan tâm, được tạo điều kiện hơn những doanh nghiệp khác. "Nhất là với những doanh nghiệp nhỏ, khó khăn, không có điều kiện để biếu tặng xe sẽ cho rằng mình bị lép vế, cũng có thể bị chính quyền quản lý chặt chẽ hơn, trong khi những doanh nghiệp kia được giải quyết thóang hơn. Đó là chưa kể dư luận có thể nghĩ rằng doanh nghiệp đó đã được "cái gì" rồi nên họ trích một phần biếu chính quyền là lẽ đương nhiên"- Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị Chính phủ cần có văn bản quy định nên cấm các địa phương nhận xe dưới dạng biếu, tặng. Bởi việc nhận xe đắt tiền do được doanh nghiệp tặng để làm nhiệm vụ vẽ nên hình ảnh không đẹp.
"Chính phủ nên có sự chỉ đạo yêu cầu các địa phương không nên làm việc đó. Nếu địa phương thực sự khó khăn về phương tiện đi lại làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ thì Chính phủ cũng có thể lo được. Tôi tin không khó đâu, bởi vì dù nợ công cao nhưng mà để trang bị ở mức tối thiểu nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thì không đến mức mà chúng ta không lo được. Chúng ta không đến mức khó khăn như thế đâu" – Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định.
N. Huyền
*********************
Chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ ! (GDVN, 26/02/2017)
Qua hai vụ doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan công quyền bị phát hiện, một câu hỏi lớn được đặt ra : Liệu có kẽ hở pháp luật về vấn đề này không ?
Chuyện doanh nghiệp tặng quà cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội,… bấy lâu nay đã thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Nếu chỉ là những món quà biểu thị tình cảm theo kiểu "vừa đi Nha Trang về có chút quà biếu sếp" thì chẳng ai nói làm gì, âu cũng là hợp với cái lẽ trọng tình xưa nay của người Việt mình.
Nhưng việc tặng quà bây giờ đã thay đổi cả về bản chất và giá trị. Nó không còn xuất phát thuần túy từ tình cảm, từ sự quí trọng nhau. Giá trị món quà cũng tăng theo cấp lũy thừa.
Chuyện một doanh nghiệp ở Cà Mau tặng Tỉnh ủy, UBND tỉnh này 2 xe sang trị giá trên 6,2 tỉ đồng khiến dư luận xôn xao những ngày qua là một minh chứng.
Vụ việc đang tạo ra những ý kiến trái chiều.
Hướng tới chính phủ liêm chính : Cần chế tài nghiêm cấm cơ quan nhà nước nhận quà doanh nghiệp. (Ảnh : Vietnamnet.vn)
Cả người cho (ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, và người nhận (UBND tỉnh Cà Mau) đều khẳng định việc tặng - cho 2 chiếc xe trên là "đúng quy định pháp luật".
Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, giao dịch này không trái với Bộ luật dân sự, không có rào cản với việc một cá nhân hoặc tổ chức tặng tài sản cho một cơ quan cụ thể trong bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, theo luật sư Dương Tuấn Lộc (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), việc tặng - cho giữa một bên là chủ thể quản lý nhà nước và chủ thể bị quản lý ngay trong phạm vi địa phương là vấn đề hết sức nhạy cảm.
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng (ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội) cũng cho rằng : Rất khó để chứng minh việc cho - nhận như vậy có tiêu cực hay không, nhưng dư luận có quyền hoài nghi.
Có lẽ vì thế mà hồi đầu tháng 8/2016, trước sự phản ứng mạnh mẽ của báo chí và dư luận, UBND tỉnh Ninh Bình trong một hoàn cảnh tương tự đã phải từ chối nhận 3 xe hạng sang có giá gần 7 tỉ được một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tặng
Qua hai vụ doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan công quyền bị phát hiện, một câu hỏi lớn được đặt ra : Liệu có kẽ hở pháp luật về vấn đề này không ?
Bộ luật dân sự, như các chuyên gia pháp lí đã khẳng định, không nghiêm cấm việc một cá nhân hoặc tổ chức tặng tài sản cho một cơ quan cụ thể trong bộ máy nhà nước.
Điều 228 của bộ luật này ghi : "Tài sản thuộc hình thức sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội !
1. Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, tài sản được tặng cho chung và từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội".
Quyết định số 64/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ giới hạn đối tượng cho - tặng quà và nộp lại quà tặng là các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Phải chăng đang có một khoảng trống pháp luật trong việc doanh nghiệp cho - tặng quà cơ quan nhà nước ?
Khoảng trống này nếu không được khỏa lấp thì hệ lụy sẽ khôn lường. Nhiều câu hỏi đang được dư luận đặt ra trong những ngày qua.
Doanh nghiệp bỏ ra hàng tỉ đồng mua xe tặng cơ quan quyền lực địa phương liệu có phải xuất phát từ nhã ý "đóng góp" cho địa phương và không nhằm mục đích lấy lòng lãnh đạo ?
Nếu vì nhã ý đóng góp cho địa phương sao không tặng những công trình dân sinh khác thiết thực hơn là tặng xe sang khi mà các cơ quan công quyền đã có chế độ sử dụng xe theo qui định
Nếu không lấy lòng lãnh đạo thì tại sao sau khi tặng, doanh nghiệp dễ dàng tạm ứng ngân sách hàng chục tỉ, lại còn được ưu ái các dự án lớn, thậm chí vi phạm pháp luật chỉ bị xử lí nhẹ nhàng ?
Rõ ràng sự việc không đơn giản như cách giải thích của ông chủ doanh nghiệp rằng, "thấy lãnh đạo tỉnh đi xe "bèo" quá
Đường sá ở Cà Mau nhiều nơi rất xấu nên tôi muốn tặng một "cặp" xe cho Tỉnh ủy một chiếc, UBND tỉnh một chiếc", hay trần tình của lãnh đạo tỉnh
"Cá nhân tôi và lãnh đạo Tỉnh ủy không sử dụng xe này, mà chủ yếu dùng vào việc đi kiểm tra phòng chống lụt bão, cháy rừng, kiểm tra đê điều. Thỉnh thoảng có đoàn công tác của trung ương về thì sử dụng xe này để đưa đón..." [1].
Bởi thế, rất khó để loại bỏ nghi ngờ rằng tặng xe sang cho cơ quan, đơn vị, địa phương đang là "chiêu độc" của các doanh nghiệp "thân hữu" nhằm mưu đồ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lâu dài.
Mới đây nhất, khi lên tiếng phản bác thông tin một tờ báo đăng tải thông tin cho rằng chiếc xe 43A - 299.99 mang biển số giả, Bí thư Đà Nẵng lên tiếng bác bỏ và cho hay đây là tài sản do một doanh nghiệp tặng
Ông nói rằng, từ thời các vị tiền nhiệm trước cũng đã từng nhận một số xe do doanh nghiệp tặng, trong đó có hai chiếc Mercedes do Thành ủy quản lý, Ủy ban thành phố và đoàn Đại biểu Quốc hội mỗi đơn vị sử dụng 1 chiếc [2].
Ông cha ta từ bao đời nay đã có những lời răn thật thâm thúy : "Bánh ít trao đi bánh chì trao lại", "Ông mất chân giò bà thò chai rượu".
Ngẫm ra thật chí lí. Chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ !
Nguyễn Duy Xuân
Tài liệu tham khảo :
[1] http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170222/co-quan-nha-nuoc-co-duoc-nhan-xe-doanh-nghiep-tang/1268749.html
[2] http://news.zing.vn/bi-thu-da-nang-bac-thong-tin-di-oto-bien-gia-29999-post722694.html
**************************
Những chiếc xe công đắt tiền và sứ mệnh phụng sự nhân dân (VietnamNet, 25/02/2017)
Nhiều tỉnh, thành đang được doanh nghiệp tặng xe đắt tiền làm xe công. Các vị lãnh đạo địa phương nên ứng xử thế nào ? Nhận hay không ? Xung quanh câu chuyện đang là tâm điểm dư luận này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
PV : Từng làm lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, cơ quan cũng phải mua sắm, sử dụng, điều phối xe công, cá nhân ông nhìn nhận thế nào về việc nhiều địa phương được doanh nghiệp tặng xe công thời gian qua ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Tôi cho rằng mọi sự tặng cho tạo ra xung đột lợi ích, thì đều không nên.
Địa phương nhận xe của doanh nghiệp thì cũng giống như bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân. Người bác sĩ sẽ phải quan tâm hơn đến bệnh nhân đã biếu phong bì. Thế các bệnh nhân khác thì sao ? Một bệnh nhân tặng phong bì sẽ gây áp lực bắt buộc các bệnh nhân khác cũng sẽ phải tìm cách để tặng. Hiệu ứng tặng quà cũng sẽ như vậy đối với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhận quà thì sẽ dễ bị há miệng mắc quai. Và điều này xung đột với chức năng quản lý của địa phương.
Một trong hai xe Lexus GX460 được Công ty Công lý tặng cho tỉnh Cà Mau - Ảnh : Tuổi trẻ
PV : Theo quy định hiện hành, ai giữ chức vụ gì được sử dụng xe gì... đã rất chặt chẽ. Nếu cán bộ thuộc sử dụng xe do ngân sách Nhà nước mua vượt tiêu chuẩn là vi phạm rõ ràng, nhưng nếu cán bộ nào đó lại sử dụng xe vượt tiêu chuẩn mà xe này lại có từ nguồn gốc là quà được cho, được biếu tặng... thì sao ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Trước hết, xin khẳng định : Không bao giờ nên nhận xe của đối tượng mình đang quản lý.
Nếu xe được tặng không thuộc đối tượng bị quản lý, thì đó vẫn sẽ trở thành tài sản của nhà nước.Tài sản của nhà nước phải được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Nghĩa là vượt tiêu chuẩn thì không được sử dụng.
PV : Còn việc một số cán bộ sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn nhưng lại sử dụng không thường xuyên, tức là có khi họ sử dụng xe đúng tiêu chuẩn, khi khác lại ngồi xe vượt tiêu chuẩn…. những trường hợp này nên được nhìn nhận thế nào cho đúng ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Chúng ta có nhiều xe công nhưng lại để phục vụ riêng cho các quan chức có tiêu chuẩn.
Nếu xe vượt tiêu chuẩn không được bố trí để phục vụ riêng cho một quan chức nào đó thì không có vấn đề gì. Nếu phải đi đón khách quốc tế mà phải ngồi xe vượt tiêu chuẩn thì cũng được chứ sao.
PV : Việc doanh nghiệp tặng xe công cho cơ quan nhà nước gần như chắc chắn là việc làm "đúng quy trình" nhưng người dân thì vẫn băn khoăn tại sao họ tặng xe, phải có mục đích động cơ gì đó, việc này thật sự là rất khó minh định phải không, thưa ông ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Đúng quy trình là một chuyện. Đúng đạo lý, đúng pháp luật lại là chuyện khác.
Người quản lý không thể nhận quà của đối tượng bị quản lý. Đó là đòi hỏi bắt buộc cả về đạo lý, cũng như pháp lý.
PV : Đó là bên tặng, còn bên nhận món quà biếu tặng đó nữa. Ví dụ, nếu ông ở cương vị Bí thư, Chủ tịch một tỉnh, ông nghĩ gì nếu một doanh nghiệp nào đó gợi ý tặng một chiếc xe công đắt tiền cho tỉnh ủy hay ủy ban ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Sứ mệnh của Bí thư, Chủ tịch tỉnh là phụng sự nhân dân tỉnh. Lợi ích của nhân dân, lợi ích của tỉnh phải là tối thượng. Việc nhận xe, nhận quà có xung đột với sứ mệnh của lãnh đạo tỉnh hay không, có ảnh hưởng đến lợi ích của tỉnh hay không là những câu hỏi cần phải được trả lời một cách trung thực và khách quan nhất ?
Nếu câu trả lời là có thì không bao giờ nên nhận bất cứ một thứ quà gì. Ngoài ra, là người của công chúng, lãnh đạo tỉnh cũng cần cân nhắc xem công chúng đánh giá việc nhận quà đó như thế nào để quyết định có nhận hay không.
PV : Vừa rồi báo chí cũng dẫn lại thông tin về việc một số địa phương đã giải trình với Thủ tướng về việc nhận xe sang. Ví dụ, về 2 chiếc xe Lexus của Công ty Công Lý. Cà Mau giải trình "Việc tặng xe là nhằm mục đích phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng. Họ cũng viện dẫn nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập sở hữu ; Thông tư 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Tài chính… và ý kiến đề xuất của Sở Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản (tiếp nhận tài sản sung vào tài sản công của tỉnh) đối với 2 xe ô tô được tặng. Là một chuyên gia luật pháp, ông có bình luận gì ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Về mặt pháp lý, chúng ta cần quan tâm đến quy định của văn bản có hiệu lực cao hơn là Luật phòng, chống tham nhũng. Khoản 3, Điều 40 của luật này quy định như sau : "Nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi".
Mà chúng ta đều biết Công ty Công lý đang phụ thuộc rất nhiều vào tỉnh, nên chứng minh sự bất vụ lợi của hành vi cho và nhận ở đây là rất khó khăn.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh, Luật phòng, chống tham nhũng còn nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà của "cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình" (Khoản 2, Điều 40, Luật phòng, chống tham nhũng).
PV : Cà Mau còn nói rằng, tại thời điểm cho và nhận xe Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là thời điểm Chính phủ không có chủ trương mua xe công, trong khi tỉnh Cà Mau đang thiếu rất nhiều xe sử dụng. Chính vì vậy, công ty Công Lý đặt vấn đề nhiều lần với tỉnh và sau đó có văn bản gửi UBND tỉnh nêu rõ rằng mục đích tặng xe cho tỉnh Cà Mau là để phục vụ tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, cháy rừng… không tặng cho riêng cá nhân nào. Theo ông như vậy có hợp lý không ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Tôi cho rằng tỉnh Cà Mau hơi đơn giản ở đây. Cũng có thể đây là việc rất mới mà tỉnh lại chưa có đủ các chuyên gia pháp lý.
PV : Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam
Lan Anh thực hiện
*********************
Cục trưởng chống tham nhũng 'bào chữa' cho việc nhận xe sang ? (VOA, 27/02/2017)
Việc tặng xe ở Cà Mau và Đà Nẵng không phải lần đầu có việc doanh nghiệp tặng ô tô hay quà vật chất giá trị cao cho quan chức hay chính quyền địa phương. (Ảnh minh hoạ)
Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều trang tin lớn Việt Nam đăng tải trong ngày 26 và 27/2, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói nếu có doanh nghiệp tặng xe sang cho cục của ông, ông "sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng".
Báo chí đã phỏng vấn ông Đạt sau khi trong tuần trước có tin các doanh nghiệp khác nhau đã tặng tổng cộng 10 xe hơi hạng sang cho chính quyền hai tỉnh Cà Mau và Đà Nẵng. Giá trị mỗi chiếc xe dao động từ trên 1 tỷ đến hơn 6 tỷ đồng.
Trước giả định ông sẽ quyết định thế nào nếu có doanh nghiệp ngỏ ý tặng Cục chống Tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ một chiếc xe trị giá vài tỷ đồng, vị cục trưởng nói : "Tôi sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng".
Ông Đạt cũng nói rõ thêm rằng điều kiện quan trọng nhất là doanh nghiệp đó "phải không có liên quan gì đến hoạt động công vụ của cục". Ông nhấn mạnh là "doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, có nhiều vấn đề hoặc đang trong quá trình thanh tra thì tuyệt đối không được vì xung đột lợi ích".
Phần trích những phát biểu này của ông Đạt đã dẫn đến những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng những lời của ông không phù hợp với những chuẩn mực tối thiểu trong hành xử công vụ. Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải nhận xét với VOA :
"Tôi nghĩ chắc là ông cũng muốn biện bạch cho mấy cơ quan đang bị kêu là nhận tiền, nhận ô tô của doanh nghiệp. Theo tôi thì nó cũng rất là vô duyên. Trong trường hợp đấy, theo tôi cục trưởng chống tham nhũng không nên nói như vậy. Mọi giao dịch mang tính chất vụ lợi, đối với các công chức và cơ quan nhà nước, cần phải có quyết định rằng là không được phép. Bất kỳ một doanh nghiệp nào mà biếu một quan chức, theo chúng tôi đều là vụ lợi hết. Không có ai lại cho không ai cái gì. Tôi nghĩ là cái lời của ông ý là một cái lời vô trách nhiệm. Thực ra là để gọi là bào chữa cho cái hành vi mà lẽ ra phải xử lý của chính quyền của Cà Mau cũng như Đà Nẵng trong việc nhận ô tô của doanh nghiệp".
Việc tặng và nhận xe vừa qua đã gây sự chú ý lớn trong báo giới và công chúng. Trong cuộc phỏng vấn với báo giới Việt Nam, bản thân ông Đạt, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng cũng cho rằng "cần phải xem động cơ, mục đích của việc này".
Cụ thể hơn, ông nói cần kiểm tra lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa tặng xe ở Cà Mau và Đà Nẵng để xem họ hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước thế nào, hiệu quả kinh doanh ra sao, mà có thể tặng xe vài tỷ đồng. Ông cũng nói cần làm rõ sau khi tặng xe, doanh nghiệp có được chính quyền địa phương ưu đãi gì không. Tuy nhiên, ông Đạt cũng chỉ ra rằng việc làm rõ động cơ, mục đích này là "không dễ".
Đây không phải lần đầu có việc doanh nghiệp tặng ô tô hay quà vật chất giá trị cao cho quan chức hay chính quyền địa phương. Bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau và mạng xã hội, công chúng lâu nay cho rằng việc tặng quà có thể thực hiện kín kẽ về luật để "đạt lý" song vẫn "khó thấu tình".
Theo họ, nếu muốn đóng góp, tặng quà cho các địa phương, các doanh nhiệp có nhiều cách ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều, như xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, và nhiều hoạt động khác.
Họ lập luận rằng lợi ích từ những chương trình như vậy dễ được mọi người nhìn thấy, trong khi việc tặng xe thì chỉ phục vụ cho rất ít người, do đó, đương nhiên dư luận đặt ra mối nghi vấn.