Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) ra đời đến nay vừa tròn 30 năm. Trong suy nghĩ của người dân Việt Nam và một số người tranh đấu thì Tập Hợp có lẽ là một tổ chức chính trị không giống ai và nhất là không giống với các tổ chức từng có và từng được biết đến của người Việt.
Buổi ra mắt Dự án chính trị dân chủ đa nguyên Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai tại Paris ngày 6/6/2015
Có ý kiến cho rằng không thấy Tập Hợp làm gì ngoài việc… viết và nói. Một việc làm có vẻ kỳ cục nữa là Tập Hợp đã dành nhiều thời gian để viết, cập nhật và nói đi nói lại về cái gọi là Dự Án Chính Trị của mình đến lần thứ… 5 với tên gọi là Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Nhiều người không hiểu "dự án chính trị" là cái gì và để làm gì ?...
Tập Hợp cũng là tổ chức chưa từng kêu gọi bất cứ một cuộc biểu tình nào từ trước đến nay tại Việt Nam. Tập Hợp cũng là tổ chức đối lập chưa bao giờ kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản bằng bạo lực….
Tập Hợp cũng là tổ chức không thấy công khai lực lượng trong cũng như ngoài nước. Tổ chức của Tập Hợp có vẻ lỏng lẻo, không có cấp bậc và ban bệ rõ ràng, Tập Hợp giống một câu lạc bộ hơn là một tổ chức chính trị…
Tập Hợp cũng là tổ chức nói nhiều về tầm quan trọng của tổ chức trong lúc nhiều người vẫn tranh đấu mà không cần có tổ chức.
Tổ chức là cái gì và nó có thật sự cần thiết và quan trọng không ?
Có lẽ các ý kiến đều có phần đúng nhưng đó chỉ là bề nổi. Bản chất của sự việc khác hoàn toàn.
Có một sự thật là suốt trong dòng lịch sử của dân tộc, người dân Việt Nam chưa bao giờ thành lập và xây dựng được cho mình một tổ chức chính trị đúng nghĩa vì vậy đại đa số vẫn chưa hiểu thế nào là một tổ chức chính trị và đấu tranh chính trị là như thế nào ?
Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một tổ chức chính trị đúng nghĩa vì nó ra đời như là một phân bộ của Quốc tế cộng sản 3 do Liên xô đứng đầu. Đảng cộng sản Việt Nam tồn tại dựa trên dối trá và bạo lực với một hệ tư tưởng độc hại là chủ nghĩa Mác-Lênin. Mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ trên toàn thế giới.
Trước hết thế nào là một đảng chính trị ?
Theo định nghĩa của chúng tôi, thì "một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị nghiêm túc và để thực hiện một dự án chính trị đúng đắn".
Như vậy "một đảng (hay một tổ chức) chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi".
Một tổ chức chính trị mà không có tham vọng và cố gắng để trở thành đảng cầm quyền không phải là một chính đảng thực sự. Những người tranh đấu mà không có tham vọng tham gia vào chính trường trong tương lai cũng không phải là các chính trị gia thật sự mà chỉ là các nhà hoạt động xã hội dân sự.
Đấu tranh dân chủ là gì ? Đâu là bản chất và nguyên tắc đấu tranh của một tổ chức dân chủ ?
Theo chúng tôi thì bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là : "Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp chính trị’ mới, với những khác biệt so với chính sách hiện hành của đảng cầm quyền, thuyết phục người dân để tạo ra sự đồng thuận, sau đó là vận động tranh cử và cố gắng dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tự do để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị".
Nguyên tắc và luật chơi của dân chủ là như vậy, tuy nhiên ở Việt Nam thì khó khăn hơn vì quá trình này bị một lực lượng phản dân chủ là Đảng cộng sản Việt Nam cấm đoán, bắt bớ và đàn áp. Việc giới thiệu, thuyết phục và giải thích các ‘giải pháp chính trị’ của các tổ chức dân chủ đến người dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa sự cản trở đến từ văn hóa bảo thủ và cam chịu của Khổng giáo cũng ảnh hưởng rất lớn cho quá trình thuyết phục người dân thay đổi. Cho dù như vậy thì ‘nguyên tắc và bản chất’ của cuộc đấu tranh dân chủ là không thay đổi. Hầu hết những tổ chức dân chủ và những người đang đấu tranh cho dân chủ không hiểu điều này.
Cứu cánh (mục đích cuối cùng) duy nhất của Tập Hợp là "xây dựng một nền dân chủ thật sự cho Việt Nam". Đảng cộng sản là lực lượng cản đường nên phải "đánh bại độc tài" thì mới xây dựng được dân chủ cho Việt Nam. Tập Hợp cho rằng không thể và không nên theo đuổi một cuộc cách mạng đường phố bằng lật đổ và bạo loạn, đập phá đi tất cả những gì liên quan đến cộng sản…
Tập Hợp đề nghị và theo đuổi một cuộc cách mạng "dân chủ đa nguyên" bằng phương pháp "bất bạo động", trên tinh thần "hòa giải và hòa hợp dân tộc". Đối lập dân chủ sẽ buộc Đảng cộng sản Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán và chuyển giao quyền lực trong hòa bình và ôn hòa. Đối lập dân chủ sẽ "kế thừa" những di sản, cả xấu lẫn tốt của chế độ cộng sản chứ không mong muốn xóa đi tất cả để làm lại từ đầu. Bộ máy hành chính nhà nước với hệ thống nhân sự của nó vẫn giữ nguyên, mọi thay đổi chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật. Chúng ta chỉ cần thay đổi hệ tư tưởng cộng sản lỗi thời và bất lực.
Muốn làm được điều đó thì Phong trào dân chủ Việt Nam phải có lực lượng và phải được quần chúng ủng hộ.
Muốn được quần chúng ủng hộ thì các tổ chức đối lập dân chủ phải có ít nhất hai điều kiện căn bản :
Một là phải có một lực lượng cán bộ nòng cốt, là những người đã thống nhất và đồng thuận với nhau trên những lập trường và quan điểm chung cơ bản của tổ chức.
Thứ hai là tổ chức đó phải có những đề nghị và giải pháp rõ ràng và cụ thể cho lộ trình tranh đấu, trong hiện tại lẫn tương lai.
Tập Hợp đã có cả hai yếu tố đó. Giải pháp thay thế và đề nghị của chúng tôi được trình bày rõ ràng và cụ thể trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Người lãnh đạo cũng như một tổ chức có tham vọng lãnh đạo phải là người dẫn đường, là người lựa chọn giữa các sáng kiến và ý kiến, là người đưa ra các quyết định cuối cùng để đưa tổ chức đi đến thắng lợi cuối cùng.
Ai cũng có thể nói và bàn luận về chính trị nhưng không phải ai cũng đưa ra được những quyết định, giải pháp và lựa chọn tốt nhất trong chính trị. Phải có tầm nhìn và kiến thức sâu rộng về chính trị thì mới có thể làm được việc đó. Nếu ai cũng làm được thì đâu còn nước nghèo, nước giàu, nước phát triển và nước kém phát triển ?
Làm chính trị là để thay đổi xã hội theo hướng tích cực và tốt đẹp hơn chứ không phải để "vinh thân phì gia". Làm chính trị cũng là để cống hiến và phục vụ cho người dân thông qua một tư tưởng và một số giá trị quảng đại.
Chúng tôi cho rằng dân chủ hóa đất nước là bổn phận của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước. Mỗi người làm mỗi việc, mỗi người góp một tay cho phong trào chung. Đất nước không phải là phần thưởng hay chiến lợi phẩm để chia chác hay ban phát cho bất cứ ai vì vậy không ai có quyền và có thể ‘tranh dành’ ở đây. Chúng tôi tin rằng, trong một chế độ dân chủ mọi người Việt Nam đều có một vị trí và một công việc phù hợp với khả năng của từng người. Thật lòng là chúng tôi lo lắng khi đất nước có dân chủ thì sẽ thiếu người có năng lực để làm việc thay vì phải ‘mua bán’ hay tranh dành như hiện nay.
Tập Hợp đang làm một cuộc cách mạng dân chủ "bất bạo động" nên nó sẽ không giống với bất cứ cuộc cách mạng nào trước đây.
Nói ngắn gọn thì Tập Hợp đã đưa ra một giải pháp toàn diện và tổng thể cho Việt Nam mà nội dung của nó đã được trình bày đầy đủ trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Giải pháp này sẽ thay thế cho giải pháp cộng sản đã thực thi suốt 70 năm qua và đã phá sản trên thực tế. Tiếp theo sẽ là thuyết phục, giải thích cho người dân Việt Nam hiểu rõ về giải pháp đó. Khi nào người dân Việt Nam đồng ý vì thấy "giải pháp thay thế" của Tập Hợp là đúng đắn và hợp lý thì khi đó người dân sẽ ủng hộ cho Tập Hợp. Khi đã có được một sự đồng thuận lớn trong dân chúng thì Tập Hợp sẽ kêu gọi và tổ chức một cuộc biểu tình đòi tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc. Tập Hợp sẽ cố gắng cùng với các "đồng minh" chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử này để trở thành đảng cầm quyền và cuối cùng là thực thi những gì đã đề nghị trước đó trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Tập Hợp không muốn "cầm tay chỉ việc" hay đốt cháy giai đoạn bằng cách xách động quần chúng biểu tình khi chưa có được sự đồng thuận mà chỉ muốn thuyết phục người dân bằng một con đường, một giải pháp hợp lý và khả quan cho tất cả mọi người. Chúng tôi tin rằng với sự kiên nhẫn và bao dung thì đến một lúc nào đó người dân sẽ nhận ra rằng Tập Hợp chính là một giải pháp cho đất nước. Khi đó tự người dân sẽ yêu cầu Tập Hợp ‘phất cờ khởi nghĩa’ và Tập Hợp sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm đó.
Hiện tại người dân vẫn còn phân vân, tuy không còn hy vọng hay trông chờ gì vào sự thay đổi của đảng cộng sản nữa nhưng mọi người lại chưa sẵn sàng ủng hộ cho một tổ chức chính trị mới như Tập Hợp. Dù cũng rất sốt ruột nhưng chúng tôi cũng không thể nhảy khi chưa có nhạc. Muốn hay không thì cũng phải kiên nhẫn thuyết phục người dân trước đã. Giữa việc chán ngán cộng sản và việc ủng hộ cho một tổ chức chính trị mới là một đoạn đường dài.
Sở dĩ Tập Hợp không thành lập ra các ban bệ với các chức vụ này khác vì nó chưa cần thiết. Cũng giống như việc chuẩn bị xây một ngôi nhà, trước hết phải có bản vẽ, vật liệu và nhân lực… Khi đã có tất cả các yếu tố đó rồi thì bắt đầu phân công công việc cũng không muộn. Hiện tại Tập Hợp đang tìm kiếm và xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt, là những người hiểu rõ lộ trình tranh đấu của tổ chức và có kiến thức thực sự về chính trị.
Công việc chính hiện tại của Tập Hợp là truyền thông, cho nên việc đặt ra các chức vụ là không cần thiết. Việc công khai lực lượng cũng vậy, ở trong nước Tập Hợp chỉ có các thân hữu, khi thời cơ đến thì do nắm vững được tư tưởng và đường lối đã ghi trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, họ dễ dàng và nhanh chóng trở thành các thành viên chính thức. Khả năng của một vị tướng là biết trao dồi kiến thức, xây dựng lực lượng và tổ chức cách điều hành và chỉ huy trong mọi tình huống.
Nói, viết, thảo luận và đưa ra các ý kiến về các vấn đề quan trọng của cuộc sống... là biểu hiện cho sự sống của một tổ chức chính trị. Đảng cộng sản Việt Nam coi như đã chết vì họ không còn gì để thảo luận với nhau và không còn gì để nói với quần chúng ngoài chuyện đàn áp. Trong khi đó Tập Hợp vẫn nói, vẫn viết, vẫn thảo luận công khai với người dân mỗi ngày. Có thể nói Tập Hợp gần như là người phát ngôn kiên trì của phong trào dân chủ Việt Nam.
Một lý do khiến Tập Hợp vẫn chưa nhận được sự ủng hộ cần có của người dân Việt Nam là vì ảnh hưởng của văn hóa. Cuộc đổi đời mà Tập Hợp đang cố gắng xây dựng và thực hiện là văn hóa. Thể chế chính trị xét cho cùng cũng là sự thể hiện văn hóa của mỗi quốc gia. Chúng ta đã quen với văn hóa tôn sùng bạo lực, thù hận, nóng vội, hời hợt và chia rẽ trong khi đó văn hóa hòa giải, bao dung, kiên nhẫn, viễn kiến và cách làm việc có tổ chức... vẫn còn rất mới lạ. Tuy nhiên dù khó khăn đến đâu Tập Hợp cũng sẽ cố gắng và kiên nhẫn thuyết phục người dân Việt Nam vì thứ văn hóa mới đó là cần thiết cho chúng ta, nó sẽ đưa chúng ta tới dân chủ và phồn vinh.
Muốn xây dựng được nền văn hóa mới thì phải xây dựng một tư tưởng chính trị để thay đổi nền văn hóa cũ, thay đổi cách suy nghĩ và hành động của mọi người, dẫn tới thay đổi văn hóa của cả dân tộc. Cuộc vận động tư tưởng phải luôn đi trước để dẫn đường cho một cuộc thay đổi toàn diện. Đây là phương pháp mà Tập Hợp đang cổ xướng và theo đuổi.
Anh em Tập Hợp tin rằng, người dân Việt Nam sẽ sớm nhận ra được tầm nhìn đầy viễn kiến của những người đã khai sinh ra Tập Hợp và đang được tiếp nối bởi sự cố gắng không mệt mỏi của các trí thức chính trị trẻ đầy nhiệt huyết và có trách nhiệm trong sứ mệnh dân chủ hóa Việt Nam. Hãy tìm hiểu và ủng hộ cho chúng tôi.
Việt Hoàng
(15/10/2018)