Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 27 juillet 2024 23:03

Điều không bình thường

17 giờ 01 phút ngày 26/07/2024, điện thoại của tôi nhận được tin nhắn :

"Bộ Công an thông báo : Đồng bào, đồng chí cả nước có thể gửi lời chia buồn đến gia đình đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên Sổ tang điện tử của ứng dụng VNelD mức độ 2".

congan1

Tổng bí thư là người đứng đầu đảng cộng sản, đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam.

Nhắc nhở người dân gửi lời chia buồn đến gia đình Tổng bí thư, với tổ chức đảng là việc của Ban Tuyên giáo, nơi có trách nhiệm chăm lo giữ gìn, nâng cao giá trị tinh thần của đảng, có nhiệm vụ vun đắp làm phong phú, giầu có tình cảm của người dân, của xã hội với đảng.

Với bộ máy nhà nước, nhắc nhở người dân cả nước chia buồn với mất mát của gia đình Tổng bí thư hiển nhiên là việc của hai bộ :

- Bộ Văn hóa, bộ Lễ, bộ lo việc lễ tiết, hiếu hỉ quốc gia.

- Bộ Thông tin và truyền thông, bộ quản lí hoạt động của các nhà mạng và tạo chính sách, luật lệ cho các nhà mạng khai thác cơ sở vật chất kĩ thuật các mạng thông tin điện tử quốc gia.

Xây dựng hệ thống kĩ thuật thông tin điện tử và làm dịch vụ cho người dân sử dụng mạng thông tin điện tử trong mối quan hệ hữu cơ mật thiết : Nhà mạng cung cấp dịch vụ và khách hàng sử dụng dịch vụ. Khai thác mạng thông tin điện tử vừa là chức năng kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, vừa là chức năng chính trị của cơ quan quản lí nhà nước.

Tạo ra Sổ Tang điện tử và nhắc nhở người dân gửi lời chia buồn đến gia đình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua Sổ Tang điện tử hiển nhiên là nghiệp vụ kĩ thuật của các nhà mạng và là nhiệm vụ chính trị đích thực của Bộ Thông tin và truyền thông.

Tạo ra không khí tươi vui, rộn rã, tưng bừng dịp quốc khánh, xây dựng chương trình nhã nhạc mừng ngày lập nước đương nhiên là phần việc của Bộ Văn hóa thì việc nhắc nhở người dân chia sẻ nỗi buồn với sự mất mát của gia đình người lãnh đạo đảng và nhà nước cũng đương nhiên là việc vủa bộ Văn, bộ Lễ.

Việc tang lễ hiếu hỉ là việc bình thường của cuộc đời diễn ra hàng ngày trong xã hội. Lời chia buồn với tang gia cũng là chuyện dân sự thường ngày trong đời sống tình cảm con người, không liên quan đến chức năng, nghiệp vụ công an, không phải công việc của Bộ Công an.

Với tin nhắn của Bộ Công an chỉ vẻn vẹn bốn chục từ, người dân có muốn gửi tin nhắn vào Sổ Tang điện tử chia buồn với gia đình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đành chịu. Còn với cơ quan nhà nước quản lí mạng thông tin điện tử muốn người dân gửi tin nhắn chia buồn với gia đình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Sổ tang điện tử thì họ biết phải làm gì để đông đảo người dân dễ dàng thực hiện.

Được nhà nước dồn ngân sách lớn nuôi dưỡng đội ngũ công an đông đúc và trang bị vũ khí, công cụ bạo lực hiện đại thì chức năng nghiệp vụ và trách nhiệm chính trị của công an là tập trung sức mạnh công cụ bạo lực nhà nước trấn áp tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân và bảo đảm an ninh cho xã hội.

Nhưng từ nhiều năm qua với quân số đông đúc, Bộ Công an đã phủ bóng rộng rãi lên các sinh hoạt đời sống xã hội, đã bao sân, làm thay việc của nhiều bộ, nhiều ngành khác. Đó là điều rất không bình thường trong cuộc sống bình yên, trên đất nước thanh bình.

congan2

Từ nhiều năm qua, với quân số đông đúc, Bộ Công an đã phủ bóng rộng rãi lên các sinh hoạt đời sống xã hội

Công an dư thừa sức người và sức mạnh bạo lực, ngạo nghễ bao sân, lấn sang chức năng, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khác thể hiện rất rõ, rất đau lòng ở vụ việc thôn Hoành xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Người dân khiếu nại việc sở hữu mảnh đất sinh sống với chính quyền là việc dân sự nhỏ nhặt, thường tình diễn ra hàng ngày, ở khắp mọi miền đất nước. Tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền không giải quyết được bằng quyền lực hành chính thì đã có tòa án. Tòa án là phán quyết tối cao của luật pháp.

Năm mươi chín hecta đất Đồng Sênh tranh chấp giữa người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm với chính quyền thành phố Hà Nội còn đang được các cấp chính quyền xem xét, chưa được trình ra tòa án thì Bộ Công an ỷ vào sức mạnh bạo lực nhà nước ầm ầm xe pháo đưa ba ngàn công an mang súng lớn, súng nhỏ, xả súng vào người dân thôn Hoành đang khiếu nại giữ mảnh đất Đồng Sênh !

Thay quyền lực hành chính của chính quyền, thay luật pháp nhà nước của tòa án, công an đã dập tắt tức tưởi tiếng kêu cầu công lí của người dân thôn Hoành, đã kết liễu thê thảm sự khiếu nại dân sự hợp pháp của người dân thôn Hoành bằng sức mạnh bạo lực nhà nước, bằng máu dân.

Bóng dáng công an, bóng dáng công cụ bạo lực nhà nước có mặt rộng rãi trong cuộc sống yên hàn, trong cả đời sống tình cảm con người làm cho không khí xã hội nặng nề, đi ngược với xu thế xã hội loài người đang mạnh mẽ dân sự hoá chính quyền nhà nước và dân chủ hoá đời sống xã hội.

Phạm Đình Trọng

(27/07/2024)

Additional Info

  • Author Phạm Đình Trọng
Published in Quan điểm

Biến Bộ Công an trở thành "siêu bộ", Tô Đại và Thủ Chính chặn đường Lương Cường ra sao ?

Trà My, Thoibao.de, 16/07/2024

Việc Tổng Trọng vắng mặt liên tiếp trong các kỳ họp quan trọng gần đây, liên quan đến việc chuẩn bị cho Kế hoạch Nhân sự của Đại hội 14, đã trở thành điều dễ hiểu.

bocongan1

Ông Trọng đang được các bác sĩ điều trị tích cực trong Bệnh viện Quân đội 108 tại Hà Nội

Ông Trọng xuất hiện trước công chúng lần cuối vào chiều ngày 20/6, trong buổi tiếp và làm việc với Tổng thống Nga Putin. Hình ảnh từ truyền thông nhà nước cho thấy, Tổng Trọng có một thể trạng quá yếu, không có khả năng tự đứng lên hay đi lại. Các nguồn tin nội bộ cho biết, ông Trọng đang được các bác sĩ điều trị tích cực trong Bệnh viện Quân đội 108 tại Hà Nội.

Liên quan đến cuộc đua vào ghế Tổng bí thư, để thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng, được cho là khả năng cao sẽ nghỉ trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 10 (vào tháng 10/2024). Theo giới quan sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Tô Lâm đang là 2 ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế này.

Theo giới thạo tin, giữa 2 ông Lâm và Chính vẫn thường xuyên nghi ngờ lẫn nhau. Dẫu rằng, nguồn tin nội bộ khẳng định, ông Tô Lâm và ông Chính cùng là đàn em của cựu Thủ tướng Ba Dũng. Nhưng cuộc đua vào chiếc ghế quyền lực bậc nhất này, không có sự khoan nhượng.

Thủ tướng Chính được cho là ở vị thế "lép vế hơn" so với Chủ tịch nước Tô Lâm, với lý do, ông Tô Lâm và Bộ Công an nắm rất rõ các sai phạm của Thủ Chính, trong mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Công ty AIC – nhân vật đang bị nhà nước Việt nam truy nã.

Tuy nhiên, bà Nhàn là người có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là các tướng lĩnh Quân đội. Bởi bà có liên quan tới nhiều hợp đồng mua bán vũ khí, thay thế cho vũ khí của Nga.

Đây là lý do vì sao, khả năng Việt Nam bắt được bà Nhàn về Hà Nội quy án, là điều gần như không thể.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn xuất thân từ Tướng Tổng cục 5 – Tổng cục Tình báo của Bộ Công an. Ông cũng là một chính khách khôn khéo, quyền biến khôn lường. Thủ Chính là người có nhiều mưu ma chước quỷ, người ta gọi ông Chính là "tắc kè hoa đổi màu". Đó là lý do, các đối thủ chính trị hay các đồng minh khó có thể biết rõ, ông Chính đang có những toan tính hay âm mưu gì ?

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, không thể bỏ qua vai trò của Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, như một ứng viên sách giá. Ông Cường có thể bất ngờ sẽ vượt lên, để trở thành Tổng bí thư tại Đại hội 14 tới đây, bỏ qua cả 2 ứng viên là Tô Lâm và Phạm Minh Chính.

Ngày 10/7, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin, về việc Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết Định số 613/QĐ-Thủ tướng. Theo đó, Thủ tướng "phân công" cho Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thay mặt Chính phủ, làm việc với các địa phương Hưng Yên và Đà Nẵng, về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập cảng.

Cụ thể, Quyết định số 613/QĐ-Thủ tướng nêu rõ, Bộ trưởng Lương Tam Quang có trách nhiệm làm việc về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập cảng, tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn.

Công luận đặt câu hỏi, chỉ đạo kể trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính xuất phát từ đâu ? Từ gợi ý của Chủ tịch Tô Lâm, hay tự bản thân Thủ Chính chủ động đề xuất ?

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, Quyết định số 613/QĐ-Thủ tướng do Thủ tướng Chính ký, cho thấy, Bộ trưởng Quang được giao vai trò như một thủ tướng chính phủ, và vai trò của các bộ trưởng, đối với 2 tỉnh vừa kể. Và điều đó cũng cho thấy, vị thế khuynh loát tuyệt đối của Bộ Công an trong giai đoạn hiện nay.

Việc Thủ tướng Chính bước đầu áp dụng một thủ tục đặc cách, chỉ là một ví dụ ban đầu, để khẳng định rõ vai trò "siêu bộ" của Bộ Công an. Đây sẽ là tiền đề, mở đầu cho chủ trương biến Bộ Công an hiện nay dưới thời Chủ tịch Tô Lâm, có vị thế là một "siêu bộ". Tiến tới, trong một thời gian ngắn nữa, "siêu bộ" này có thể hoàn toàn khống chế và vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống quyền lực chính trị hiện nay. Bao gồm cả Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và kể cả Ban Chấp hành Trung ương, là điều có thể.

Trà My

****************************

Nhóm lợi ích Bộ Công an bắt đầu tiếp thu "chiến quả" từ phe Nghệ Tĩnh ?

Trà My, Thoibao.de, 16/07/2024

Tổng Trọng cầm quyền từ năm 2011, đến nay đã gần 13 năm. Kể từ sau Đại hội 12 (năm 2016), với sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Bắc Kinh, Tổng Trọng trở thành một lãnh đạo có quyền lực bao trùm trong Đảng.

bocongan2

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh rộng 964,84 ha do Công ty cổ phần đầu tư khu công nghiệp Vinhomes là nhà đầu tư.

Theo giới quan sát, từ sau Đại hội Đảng 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ là "cái bóng" của Tổng bí thư. Để đạt được kết quả như vậy, không thể không kể tới sự đóng góp đáng kể của Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm, trong thời gian 8 năm, kể từ sau Đại hội 12 đến nay.

Trong một thời gian dài, ông Tô Lâm đã được Tổng Trọng hết sức trọng dụng. Đồng thời ông Trọng cũng sử dụng vai trò điều tra, khởi tố… của Bộ Công an, trong công cuộc "đốt lò".

Tổng Trọng đã sử dụng Tô Lâm như một cung cụ, để loại bỏ bất cứ cá nhân nhân nào không ủng hộ, hay tỏ ra chống đối cá nhân ông Tổng. Mà thực chất, đó chỉ là phương tiện để thanh trừng phe phái.

Nhưng kết quả của công cuộc "đốt lò" của ông Trọng đã không đạt được kết quả như công luận kỳ vọng. Công cuộc chống tham nhũng sau gần 8 năm, kể từ sau Đại hội 12, kết quả cho thấy, càng chống thì tham nhũng càng gia tăng, như nấm mọc sau mưa.

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, với một danh sách gồm 7 ủy viên Bộ Chính trị bị cho thôi chức hoặc miễn nhiệm, trong đó có nhiều ứng viên tiềm năng cho Danh sách Nhân sự chủ chốt của Đại hội 14.

Hơn thế nữa, một tình trạng kéo bè, kết cánh trong nội bộ Đảng, là chủ trương có thật. Đây là điều vô tiền khoáng hậu, trong lịch sử 80 năm cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam. Hai phe Nghệ An và Hà Tĩnh, vốn là bệ đỡ, đồng thời là lực lượng ủng hộ tuyệt đối cho Tổng Trọng, được ưu ái quá lớn trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo, với số lượng ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị chiếm tỷ lệ quá lớn.

Đó là, chưa kể đến tình trạng những chiếc ghế bộ trưởng trong Chính phủ, hay trưởng các ban quan trọng của Đảng, cũng được giao trọn cho phe này nắm giữ và quản lý… Song ngược lại, các lãnh đạo phe Nghệ Tĩnh vi phạm kỷ luật, dính dáng đến tham nhũng… thì lại không bị xử lý, hay xử lý rất qua loa, chiếu lệ, khiến công luận bất bình.

Do vậy, dẫu biết rằng, việc ông Tô Lâm tiến hành cái gọi là "tạo phản" trong nội bộ Đảng, để thiết lập một chế độ "công an trị" sắt máu hơn, nhưng một bộ phận không nhỏ dân chúng vẫn hy vọng, và coi đây là hành động cần thiết, để tạo ra những bước chuyển động mới, giúp chính trị Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng và bế tắc.

Tuy nhiên, trước và trong chuyến thăm Lào và Campuchia của Tô Chủ tịch, việc Bộ Công an cho khởi tố, bắt tạm giam Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, với cáo buộc "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", theo Điều 358, Bộ luật Hình sự, đã cho thấy, Tô Lâm vẫn tiếp tục chủ trương triệt hạ những tiếng nói đối lập, phản biện, dám thách thức các nhóm lợi ích của Đảng, cả trong và ngoài Quốc hội.

Ngược lại, giới quan sát bất ngờ với việc, Tô Chủ tịch chịu bỏ thời gian quý giá, để show diễn, trong việc đích thân lái xe đưa Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, dạo một vòng trước tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Vientiane. Hành động này nhằm quảng cáo cho sản phẩm xe ô tô điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, rõ ràng, ngài Chủ tịch nước không quên "nhóm lợi ích" của mình.

Truyền thông nhà nước hôm 13/7 cho biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định chấp thuận chủ trương, đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh, kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, Hà Tĩnh. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn tất trước cuối quý IV/2030, và có thời hạn hoạt động 70 năm. Vinhomes có tỷ lệ sở hữu 69,34% trong tổng vốn 13.200 tỷ đồng của dự án này.

Được biết, tại Vũng Áng, VinGroup đã kết hợp với Trung Quốc, xây dựng một nhà máy pin xe điện, với diện tích gần 13 ha, vào cuối năm 2021, và bắt đầu cung cấp những sản phẩm đầu tiên cho mẫu xe điện VF 6 từ giữa năm 2023. Ngoài ra, VinGroup cũng muốn đầu tư vào dự án cảng biển, logistics, với vốn 40.000 tỷ đồng, và khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh tại Vũng Áng.

Những điều vừa kể để thấy, mục đích cao nhất của Chủ tịch nước Tô Lâm và nhóm lợi ích của Bộ Công an, cũng chỉ là miếng bánh mà họ giành được từ phe Nghệ Tĩnh mà thôi.

Trà My

Additional Info

  • Author Trà My
Published in Diễn đàn

Hiện nay, Bộ Công an được hưởng ngân sách lớn thứ nhì trong Chính phủ, chỉ sau Bộ Quốc phòng.

Hồi tháng 4, Bộ này đã tuyển và huấn luyện thêm 16.000 cảnh sát cơ động. Có thể, đây không phải là đơn vị duy nhất tăng quân số, mà còn nhiều đơn vị khác. Ngân sách leo thang từng năm, quân số tăng lên, thì tất nhiên, ban bệ cũng phình ra, và từ đó, ông Bộ trưởng có thể cơ cấu thêm người của mình.

boncongan1

Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước, nhưng vẫn muốn thủ ghế Bộ trưởng Bộ Công an

Thông thường, muốn giành ghế ngon cho phe mình, Tô Lâm cho chuyển người đang nắm giữ vị trí bị nhắm đến đi nơi khác, để chèn đệ tử của mình vào. Một cách nữa để giành ghế là gia tăng ban bệ, gia tăng quân số. Những yêu cầu như thế này, trước đây được Tô Lâm trình lên Bộ Chính trị, lấy lý do là vì an ninh chính trị, và luôn được ông Trọng đáp ứng. Để rồi sau đó, Tổng Trọng đã nhận một đòn thật nặng từ thuộc hạ mà ông vẫn luôn nuông chiều.

Tám năm nắm chức Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm đã mượn lý do trấn áp dân, để xây dựng quyền lực cho riêng mình. Như vậy, Tô Lâm đã đem người dân ra để che mắt ông Nguyễn Phú Trọng.

Tại Trung ương Đảng khóa 12, Bộ Chính trị chỉ rụng một mình ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên, ở Trung ương Đảng khóa 13 này, chỉ mới 3 năm, mà đã rụng đến 5 ủy viên Bộ Chính trị, đấy là chưa kể hàng loạt các ủy viên Trung ương Đảng đang ngồi bóc lịch. Vai trò của Tô Lâm trong những đợt thanh trừng này là rất lớn, ít nhất, 3/5 người rụng là do Tô Lâm tự đánh, không phải nhận chỉ thị của Tổng Trọng.

Như vậy, Bộ Công an đã trở thành công cụ cho cựu Bộ trưởng đốn hạ "đồng chí", để mưu cầu quyền lực cá nhân.

Tô Lâm là người rất toan tính, ông âm thầm xây dựng lực lượng hậu thuẫn cho cá nhân, trong suốt nhiều năm ròng rã. Đến lúc cho rằng, tình thế đã chín muồi, ông mới ra tay, dùng Bộ Công an – như là công cụ của riêng ông – trong việc triệt hạ các "đồng chí".

Có thể nói, sự nuông chiều của Đảng cộng sản, mà cụ thể là Tổng Trọng, đối với Bộ Công an, giờ đây đã khiến cho người đứng đầu Đảng không thể cầm cương con voi dữ – Bộ Công an. Dùng quá nhiều tiền tài, vũ khí và quân lính để trấn áp dân, để rồi từng người, từng người trong hàng ngũ lãnh đạo đã phải trả giá.

Việc biến Bộ Công an thành công cụ để tranh ngai vàng của Tô Lâm sẽ tạo thành một tiền lệ xấu cho Đảng cộng sản. Chưa bao giờ, việc sắp xếp nhân sự cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an lại khó khăn như bây giờ. Có ít nhất 6 ứng viên, gồm 3 ủy viên Bộ Chính trị, và 3 ủy viên Trung ương Đảng, đang tranh nhau quyết liệt ghế này. Ai/Phe nào có thể nắm được Bộ này, thì tự nhiên có thể tranh ghế cao nhất trong Đảng.

Ông Tổng bí thư muốn an tâm ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ 4, thì phải đưa được người của ông vào ghế Bộ trưởng Công an. Ông Phạm Minh Chính muốn trở thành thế lực thay thế cho Tổng Trọng, thì cũng cần có người của ông nắm Bộ Công an. Ông Tô Lâm muốn yên ổn ở ghế Chủ tịch nước đến hết nhiệm kỳ, thì cũng phải giữ quyền kiểm soát Bộ Công an. Cứ như vậy, các bên tranh giành nhau và tung ra những cú đòn hiểm hóc. Một khi có người chiếm được toàn quyền để kiểm soát Bộ Công an, thì người đó sẽ tha hồ dùng Bộ Công an như "máy chém", dọn sạch những thế lực muốn cản đường.

Ghế Chủ tịch nước đã có chủ, sau gần 2 tháng tranh giành và ngã giá. Tiếp theo, đến lượt các ứng viên và thế lực hậu thuẫn họ, đấu tranh để giành ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Quá trình tranh chiếc ghế này, có khi còn quyết liệt hơn nhiều, so với việc tranh các vị trí trong "Tứ trụ" thời gian qua.

Cuộc chiến cho chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an vẫn còn đang tiếp diễn. Hãy cùng chờ xem !

Hoàng Phúc

Published in Diễn đàn

Về các đề xuất thay đổi "bộ chủ quản" một số lĩnh vực trong thời gian gần đây

Trong thời gian gần đây, vấn đề về thay đổi cơ quan chủ quản trong một số lĩnh vực đã được đề cập trên truyền thông và đề xuất đưa ra thảo luận lấy biểu quyết ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Có lĩnh vực mới chỉ đề cập, gợi ý mà chưa đưa ra thảo luận và biểu quyết như chuyển các cơ sở cai nghiện công lập từ bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sang bộ Công an. Có lĩnh vực đề xuất đưa ra thảo luận và biểu quyết như chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Nhìn lại Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019, lại có đề xuất chuyển việc quản lý các cửa khẩu từ Bộ tư lệnh Biên phòng sang bộ Công an. Như vậy, có thể hình dung, bộ Công an có nhiều đề xuất để quản lý một số lĩnh vực của các bộ ngành khác. Nhưng Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, việc đề xuất và thảo luận, lấy biểu quyết của đại biểu Quốc hội đã không thành công. Các đề xuất của bộ Công an dã không được thông qua.

bca1

Cơ cấu tổ chức Bộ Công an Việt Nam-Ảnh Wikipedia tiếng Việt

Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, bộ Công an lại đề xuất nhiều thay đổi với mục đích muốn quản lý các lĩnh vực mà các bộ ngành khác đang nắm giữ như vậy ? Tại sao cuối cùng bộ Công an cũng không đạt được mục đích của mình kể cả việc đề xuất xây dựng lực lượng Bảo vệ an ninh trật tự cơ sở bằng việc đề xuất Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ?

Trước đây thời bao cấp, các lĩnh vực dân sự được chính trị hóa và thường được giao cho bộ Nội vụ, hay bộ Công an bây giờ quản lý, làm chủ quản. Nhưng thời kỳ đổi mới, việc dân sự hóa các quan hệ dân sự đã diễn ra phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường và xã hội hóa đất nước. Một số lĩnh vực thuộc bộ Nội vụ (bộ Công an hiện nay) đã được chuyển cho các bộ, ngành dân sự quản lý. Nhưng thời gian gần đây, bộ Công an dưới thời ông Tô Lâm đã và đang có nhiều kế hoạch muốn quản lý trở lại các lĩnh vực đó. Nếu việc quản lý các lĩnh vực dân sự được các bộ ngành dân sự quản lý là xu thế, và thông lệ của nhiều nước thì việc đòi hỏi quản lý trở lại các lĩnh vực này chắc chắn không xuất phát từ yêu cầu khách quan, mà là từ mong muốn chủ quan của bộ công an. Mong muốn đó có lẽ xuất phát từ những lợi ích to lớn nếu như được quản lý các lĩnh vực này. Đầu tiên, đó là việc đầu tư cơ sở, trang thiết bị để quản lý. Tiếp đến là các đầu mối nhân sự và một loạt các vấn đề kéo theo. Tóm lại, đó là những mối lợi khổng lồ đối với các cơ quan, lãnh đạo các cơ quan chủ quản. Có lẽ không chỉ dừng ở đó, bộ công an còn muốn trở thành một siêu bộ nhằm hợp thức hóa mô hình công an trị toàn xã hội. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã không thông qua bất cứ đề xuất nào của bộ công an trong các đề xuất và gợi ý nói trên.

Lý giải nguyên nhân cho việc không thành công với các đề xuất của bộ công an có thể có nhiều. Nhưng tựu trung lại có mấy nguyên nhân sau đây.

Trước hết, đây là vấn đề lợi ích. Bộ công an thấy được lợi ích thì các bộ ngành đang là chủ quản các lĩnh vực đó cũng đang hưởng lợi ích. Bộ công an vận động các cấp thì các bộ ngành kia cũng có quan hệ và cũng có lợi ích đan xen từ trên xuống dưới. Điều thuận lợi của các bộ ngành đang làm chủ quản đó là việc quản lý của họ phù hợp với xu thế phát triển, và thông lệ các quốc gia khác trên thế giới.

Hai là, việc thảo luận công khai ở Quốc hội hiện nay được sự theo dõi sát sao của người dân thông qua mạng xã hội. Những vấn đề đúng sai được mạng xã hội phân tích, bàn thảo có tác động rất lớn tới các ý kiến biểu quyết của các đại biểu. Mặt khác, các đại biểu có sự ủng hộ của mạng xã hội cũng không còn quá lo sợ sự trù dập của bộ công an nữa, nên họ thường cất lên những lời công chính, những ý kiến có thể gọi là đúng đắn trong phạm vi của chế độ này.

Ba là, bộ công an trong thời gian gần đây đã mất rất nhiều uy tín. Điển hình là vụ tấn công vào xã Đồng Tâm giết hại ông Lê Đình Kình và rất nhiều những vụ việc lùm xùm khác. Với các đại biểu quốc hội, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng, họ có được thông tin nhiều chiều và biết những gì đang xảy ra. Tuy ngoài mặt ủng hộ việc khủng bố người dân nhưng trong lòng họ không khỏi ghê sợ. Khi có cơ hội và có lẽ phải thì họ thể hiện sự bất bình thông qua các lá phiếu của mình.

Như vậy, mặc dù có được sự ưu ái rất lớn, quyền lực không hề nhỏ nhưng trước xu thế vận động của xã hội, trước bối cảnh công khai hóa hiện nay, bộ công an không thể thực hiện được những tham vọng của mình, không thể dùng bàn tay che hết được mặt trời cũng là điều dễ hiểu.

Hà Nội, ngày 17/11/2020

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 17/11/2020 (nguyenvubinh's blog)

Additional Info

  • Author Nguyễn Vũ Bình
Published in Diễn đàn