Nga duy trì mục tiêu "giải phóng" toàn bộ Donbass
Thanh Hà, RFI, 17/09/2022
Trong cuộc họp báo hôm 16/09/2022 sau khi kết thúc thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải OCS tại Uzbekistan, tổng thống Vladimir Putin khẳng định "giải phóng toàn bộ vùng Donbass", miền đông Ukraine, vẫn là "mục tiêu quân sự" của Moskva. Trong khi đó, nhiều thành viên trong khối kêu gọi Nga nhanh chóng kết thúc chiến tranh Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo sau khi kết thúc thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 16/09/2022. AP - Sergei Bobylev
Bên lề thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan kêu gọi Moskva nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi thì cho rằng đây "không phải là thời điểm cho một cuộc chiến". Đáp lời thủ tướng Modi, tổng thống Nga tuyên bố "cố gắng để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh", thế nhưng quả bóng đang ở bên sân của Ukraine, mà Kiev, theo ông Putin, chỉ muốn đi đến cùng bằng "một giải pháp quân sự".
Theo hãng tin Mỹ AP, trong cuộc họp báo chiều 16/09/2022 trước khi rời thủ đô Uzbekistan, tổng thống Vladimir Putin lại khẳng định Moskva "không vội"trong hồ sơ Ukraine, "giải phóng toàn bộ vùng Donbass", miền đông Ukraine, vẫn là mục tiêu Moskva nhắm tới. Về tình hình chiến sự tại Ukraine từ hơn một chục ngày qua, tổng thống Vladimir Putin ngầm đe dọa : "Hãy chờ thêm xem tình hình chuyển biến theo hướng nào, và Nga sẽ có cách đáp trả đích đáng hơn".
Khác hẳn với không khí căng thẳng này, điện Kremlin đã cố phô trương hình ảnh tổng thống Putin hoàn toàn không bị cô lập trên trường quốc tế, như giải thích của thông tín viên Anissa El Jabri từ Moskva :
Recep Tayyib Erdogan, Ilham Aliev, Vladimir Putin, Alexander Lukashenko tươi cười chung quanh một bàn tiệc thịnh soạn. Cố vấn của các nhà lãnh đạo này đứng ở phía sau. Tại Sarmakand, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Azerbaijan và Belarus đã có một khoảnh khắc thư giãn. Đây là hình ảnh được bình luận nhiều nhất về thượng đỉnh lần này.
Một biểu tượng khác : chủ tịch Trung Quốc và nguyên thủ Nga sát bên nhau. Vladimir Putin muốn chứng minh ông không bị cô lập, chung quanh Moskva là cả một liên minh để chống lại Hoa Kỳ. Thực ra thì hầu như tất cả mọi người ở đây đều đồng lòng về mục tiêu đó, ngoại trừ thủ tướng Ấn Độ. Narendra Modi đã tuyên bố, xin trích : "Đây không là thời điểm cho một cuộc chiến".
Chính ông Vladimir Putin cho biết khi đề cập đến sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine, chủ nhân điện Kremlin đã nói với chủ tịch Trung Quốc rằng ông "thông cảm với nỗi băn khoăn" của Bắc Kinh. Hơn thế nữa, Trung Quốc đúng là ủng hộ nước Nga, nhưng đó chỉ là qua lời nói. Một cách cụ thể, Bắc Kinh vẫn không xuất khẩu phụ tùng công nghiệp hay trang thiết bị quân sự cho Moskva.
Tổng thống Putin dù vậy vẫn muốn chứng tỏ rằng điều đó không quan trọng lắm, bởi vì ông tin chắc là đang làm chủ về mặt thời gian. Trước báo giới, tổng thống Nga tuyên bố "Chúng tôi không vội".
**************************
Wagner tuyển tù nhân bù đắp quân số thiếu hụt ?
Minh Anh, RFI, 16/09/2022
Phải chăng do thiếu quân và vì chưa thể ban hành lệnh tổng động viên, Nga đang tuyển quân trong các trại tù ? Một đoạn video đăng trên mạng Twitter ngày 14/09/2022, cho thấy Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo công ty Wagner, chuyên tuyển bộ lính đánh thuê, gặp các tù nhân trong một trại tù và hứa hẹn họ được tự do nếu đến chiến đấu tại Ukraine.
Trực thăng chuyển lính Nga đến một địa điểm tại Ukraine. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 30/07/2022. Trực thăng chuyển lính Nga đến một địa điểm tại Ukraine. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 30/07/2022. AP
Trước các tù nhân trong bộ đồ mầu đen, tuổi độ từ 22-50, nhân vật này phát biểu : "Các bạn hãy đến chiến đấu tại Ukraine và các bạn sẽ được hậu thưởng bằng sự tự do, nếu các bạn sống sót trở về". Người này còn cho các tù nhân biết là nếu được tuyển, họ sẽ chiến đấu trong một cuộc xung đột còn khó khăn hơn rất nhiều so với cuộc chiến mà Nga tiến hành tại Chechnya và Afghanistan.
Lãnh đạo công ty quân sự tư nhân này còn dọa rằng, "tôi có số đạn dược nhiều gấp 2,5 lần so với ở Stalingrad. Tội đầu tiên là đào ngũ. Không ai bị ngã, không ai tháo chạy, không ai bị bắt làm tù nhân. Trong quá trình huấn luyện, bạn sẽ được học cách sử dụng hai quả lựu đạn mà bạn phải mang theo khi đầu hàng. Không một ai trở lại nhà tù. Bạn có 6 tháng trên mặt trận và bạn được trở về nhà, được tha bổng. Những ai muốn ở lại thì cũng có thể được. Còn những ai thay đổi ý kiến ngay ngày đầu tiên, bị xem như là đào ngũ và sẽ bị hành quyết".
Trong đoạn video này, người ta thấy các tù nhân có 5 phút để quyết định. Nếu chấp nhận đi chiến đấu, những tù nhân này phải cam kết không dùng thuốc phiện và rượu, cấm cướp bóc và không có "quan hệ tình dục với phụ nữ hay đàn ông địa phương".
Câu hỏi đặt ra : Vì sao đoạn video đó được cho đăng tải vào lúc này ? Theo Lukas Aubin, chuyên nghiên cứu địa chính trị về Nga, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), trả lời RFI phân tích, việc phát tán đoạn video này còn nhằm chứng tỏ điện Kremlin vẫn còn nhiều quân bài chưa sử dụng hết.
"Tất cả những điều này chẳng có gì mới cả và điều đó cho thấy rõ trước tiên chỉ nhằm tạo hiệu ứng thông báo. Bởi vì chúng ta đã biết rằng quân đội Nga, rộng hơn nữa là các lực lượng Nga đã từng tuyển quân trong các nhà tù. Đã có nhiều cuộc điều tra được thực hiện về chủ đề này ngay từ đầu cuộc chiến.
Người ta cũng biết là quân lính của Wagner hiện diện trên thực địa từ đầu cuộc chiến tranh, do vậy, mẩu video này chỉ góp phần tăng cường cuộc chiến tâm lý do ông Putin tiến hành. Đương nhiên, tổng thống Nga đang tìm cách gây ấn tượng đối với quân đội Ukraine và rộng hơn nữa là với các cường quốc phương Tây.
Ông ấy đã làm điều tương tự gần đây khi tiến hành một dạng chiến tranh năng lượng, dọa cắt khí đốt và dầu hỏa với các nước phương Tây. Hiện chúng ta đang trong một cuộc chiến tâm lý, cuộc chiến hình ảnh mà ông Putin, ông ấy biết là đã bị thua ngay từ đầu và giờ tìm cách thắng cuộc chiến này".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 16/09/2022
Thụy My, RFI, 22/06/2022
Quân đội Nga đã tăng cường lực lượng trên đảo Rắn ở Hắc Hải, triển khai nhiều hệ thống phòng không. Có thể đoán được rằng Moskva không dễ gì nhả ra địa điểm chiến lược này, bất chấp mối đe dọa từ các khẩu đại pháo và hỏa tiễn của Ukraine.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một vụ tấn công được cho là bằng drone của Ukraine vào đảo Rắn ở vùng Biển Đen, ngày 06/05/2022. AP
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất từ các nguồn mở cho thấy nhiều hệ thống hỏa tiễn địa đối không trên hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Ukraine và Rumani, đồng thời Nga còn bố trí các loại vũ khí này trên các chiến hạm gần đó để mở rộng chu vi bảo vệ.
Nhà nghiên cứu Pháp Pierre Grasser, chuyên về quốc phòng Nga, nhận xét : "Nga triển khai trên đảo nhiều hệ thống phòng không, tạo ra nhiều mối đe dọa khác nhau từ SA-13, Pantsir, Tor, cho đến đại bác ZU-23-2".
Một nguồn tin quân sự Pháp giấu tên phân tích : "Mới đây Nga đã củng cố vị trí, với các hỏa tiễn địa đối không trên đảo và các tòa nhà xung quanh. Việc này mang ý nghĩa chiến lược, cho dù phải đối phó với các vũ khí mới của Ukraine, như đại pháo Caesar hay Himars".
Phương Tây đã viện trợ cho Kiev nhiều hệ thống pháo cơ động, trên lý thuyết có thể tấn công từ bờ biển cách đó khoảng ba chục cây số. Trong số đó có thể kể đại pháo Caesar của Pháp, nhất là hệ thống phóng rốc-kết Himars do Mỹ tặng, hiện đang có mặt ở Tây Âu và Ukraine.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cuối tuần qua tuyên bố : "Chúng tôi chờ đợi những hệ thống đại pháo này sắp tới đây sẽ tham gia chiến đấu, và bảo đảm tiếp tục cung ứng đạn dược".
AFP dẫn lời chuyên gia Grasser khẳng định các hệ thống phòng không đang được Nga triển khai "không thể chặn được các quả rốc-kết do Himars bắn đi, đó là điều chắc chắn".
Tuy nhiên, ông nói thêm : "Tất cả đều cơ động, nên quân Nga có thể làm những gì mà Ukraine đang thực hiện rất tốt kể từ đầu cuộc chiến. Đó là dịch chuyển mỗi khi nhận thấy mối đe dọa đang cận kề. Cần phải phản ứng nhanh nhưng hiệu quả, ngay cả trên một hòn đảo có diện tích nhỏ bé". Cũng theo nhà nghiên cứu, với số lượng Ukraine đang có, Himars không thể bao phủ toàn bộ diện tích của đảo.
Phòng không Nga được bố trí dày đặc trên đảo chủ yếu để chống đặc nhiệm Ukraine đổ bộ. Kiev đã thử tấn công đêm 07 rạng 08/05/2022, nhưng đội đặc nhiệm đã hy sinh dưới hỏa lực địch.
Đảo Rắn có tầm quan trọng đặc biệt. Ngay từ ngày đầu của cuộc xâm lăng hôm 24/02, quân Nga đã chiếm trọn hòn đảo nhỏ bé, bằng phẳng này, và cố giữ cho bằng được dù thiệt hại nhiều mạng lính và vũ khí. Cũng ở gần đảo này, soái hạm Moskva đã bị một hỏa tiễn Ukraine đánh chìm, đòn nặng nhất đối với hải quân Nga kể từ nhiều thập niên qua.
Hôm thứ Sáu 17/06, Ukraine thông báo đã bắn hỏa tiễn trúng một tàu hộ vệ Nga có hệ thống phòng không ở gần đảo Rắn. Theo ông Grasser, "Tàu này có chức năng ban đầu là cứu hộ trên biển, nay được dùng làm bệ phóng hỏa tiễn phòng không tạm thời. Một hệ thống Tor đã được bố trí trên đó".
Trên mạng Twitter, nhà phân tích quốc phòng HI Sutton chuyên về hải quân cho rằng "các tàu trên đây được dùng để tiếp liệu" cho hòn đảo rất quan trọng này. Đảo Rắn "không đơn thuần là một hòn đảo bé nhỏ, mà là một lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược không chỉ về quân sự ,mà cả về kinh tế".
Đảo Rắn nằm ngoài khơi cửa sông Danube, một trong những con sông lớn nhất Châu Âu và là một con đường giao thương mại của Châu lục, ai kiểm soát đảo thì có thể nhắm vào cửa sông này, và có thể từ đó bắn hỏa tiễn vào Odessa, thậm chí sang Rumani. Gần bên đảo Rắn là những mỏ dầu khí.
Thụy My
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 21/06/2022
Bước qua ngày thứ 118 vào hôm 21/06/2022, cuộc chiến tại Ukraine vẫn diễn ra ác liệt, đặc biệt là tại hai thành phố sát cạnh nhau Lysychansk và Severodonetsk ở vùng Luhansk, miền đông Ukraine. Chính quyền Kiev lại lên tiếng báo động về những "tàn phá thảm khốc" mà quân đội Nga tiếp tục gây ra.
Một góc phố của thành phố Lysychansk, vùng Luhansk, Ukraine, hôm 13/05/2022. AP - Leo Correa
Trong một thông báo trên mạng Telegram vào sáng nay, thống đốc vùng Luhansk, Serguiï Gaïdaï cho biết là giao tranh vẫn diễn ra tại khu công nghiệp Severodonetsk, trong lúc thành phố lân cận Lysychansk đã phải gánh chịu những vụ "tàn phá thảm khốc".
Thống đốc tỉnh miền đông Ukraine này công nhận rằng "24 tiếng đồng hồ vừa qua thật khó khăn" đối với lực lượng Ukraine, trong bối cảnh Nga "muốn chinh phục hoàn toàn vùng Luhansk trước ngày 26/06". Thế nhưng quan chức Ukraine khẳng định Nga sẽ không thể thành công trong vỏn vẹn 5 ngày.
Ngay từ hôm qua, chính quyền Ukraine đã ghi nhận việc quân đội Nga gia tăng pháo kích vào khu vực Kharkov ở miền đông bắc, và Donetsk, ở miền Đông. Theo ông Vadym Liakh, thị trưởng thành phố Sloviansk ở Donetsk, nhiều thị trấn Ukraine trong khu vực đang chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của quân đội Nga, với đường chiến tuyến đã áp lại gần hơn từ 15 đến 20 km trong những tuần lễ gần đây.
Đối với với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Moskva đang "tập hợp lại lực lượng" để tiến về Kharkiv và khu vực Zaporijia (phía nam).
Hai đặc phái viên RFI tại Ukraine, Sébastien Németh và Jad El Khoury đã đến tìm hiểu tình hình mặt trận phía nam tại Zaporija, nơi quân đội Ukraine đã chiếm lại được một vài ngôi làng trước đó bị lực lượng Nga chiếm đóng. Sau đây là ghi nhận trong chiến hào của một tiểu đoàn đang chiến đấu ở Zaporija :
"500 phát mỗi phút, tầm bắn 1 km, đạn với cự ly 12,7mm... Tiểu đoàn Ukraine này rất tự hào về khẩu đại liên Browning được lắp trên một chiếc xe bán tải (pick-up). Một người lính trẻ có biệt danh Fura cho biết khẩu súng do Mỹ chi viện đó đã trở thành vũ khí không thể thiếu đối với họ.
Anh nói : "Chúng tôi cần loại vũ khí này, vì nó có thể tiêu diệt một số loại xe bọc thép, sử dụng cũng không khó, với cách vận hành đơn giản, giống như bất kỳ loại súng máy nào khác mà chúng tôi đang có. Chỉ cần một ngày tập huấn là đủ. Về đạn dược thì hiện giờ chúng tôi có đủ, tất nhiên sẽ tốt hơn nếu có nhiều hơn. Và để bảo trì loại vũ khí này, chúng tôi có một số binh sĩ biết cách sửa chữa, vì họ đã được đào tạo đặc biệt. Trợ giúp này rất quan trọng, rất hữu ích và rất cần cho quân đội của chúng tôi để đánh bại quân Nga".
Để phòng thủ, tiểu đoàn Ukraine này đã đào một chiến hào dài uốn lượn dọc theo rìa một khu vực cây cối rậm rạp, không xa các vị trí của quân Nga. Một người lính trẻ khác, bí danh là Barmalei, đã dẫn chúng tôi xuống chiến hào và cho biết :
"Nguy hiểm lớn nhất là các vụ pháo kích rất thường xẩy ra ở đây. Nếu đạn pháo rơi xuống đúng chiến hào thì cơ may sống sót của chúng tôi rất nhỏ. Chúng tôi đào chiến hào để tránh mảnh đạn pháo, ví dụ nếu đạn pháo rơi xuống, mảnh đạn sẽ văng ra theo một góc 40 độ.
Nguyên tắc vàng là phải bình tĩnh, nghe lệnh của cấp chỉ huy, có đủ đạn dược và và phương tiện bảo vệ khác, luôn chú ý, quan sát xung quanh và không mạo hiểm một cách không cần thiết. Phải hiểu rằng mạng sống của mình đang bị đe dọa.
Đôi khi các nhóm trinh sát và phá hoại của Nga, với 20 hoặc 30 người có thể lẻn đến vào ban đêm nhờ ẩn nấp sau các rặng cây. Và như thế chúng tôi lâm vào tình thế phải đánh giáp lá cà, có thể thắng mà cũng có thể thua.
Đôi khi tôi cũng nghĩ về cái chết, nhưng luôn cố gắng nghĩ về gia đình và tự nhủ phải sống sót để trở về nhà. Chiến tranh là như vậy. Lúc này, tình hình đang yên tĩnh, nhưng chỉ 10 phút nữa, mọi thứ đều có thể thay đổi và chúng tôi phải lâm trận".
Và quả nhiên, chỉ một ít lâu sau, pháo binh Nga lại bắn phá, và Barmalei phải thét lên với chúng tôi : "Này ! Núp xuống ngay đi ! Núp xuống ! Nguy hiểm ! Một tên lửa ! Nguy hiểm !"
Hết báo động. Barmalei trở lại vị trí của mình, như một người lính đã quen với chiến tranh, khi chỉ mới 22 tuổi.
Trọng Nghĩa
*******************
Thùy Dương, RFI, 21/06/2022
Quân đội Nga hôm 21/06/2022 thông báo đã phủ sóng truyền hình Nga đối với toàn bộ vùng Kherson ở miền nam Ukraine mà quân Nga chiếm được. Kể từ nay, toàn bộ vùng sẽ được tiếp sóng truyền hình Nga "miễn phí".
Quân đội Nga kiểm soát nhà máy thủy điện tại Kherson, Ukraine. Ảnh chụp ngày 20/05/2022. AP
Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các chuyên gia của các đơn vị truyền phát của các lực lượng vũ trang Nga đã kết nối và cấu hình lại để phát các kênh truyền hình Nga từ cả 7 thiết bị truyền hình ở vùng Kherson. Khoảng một triệu dân trong vùng nay được xem "miễn phí" các kênh truyền hình chính của Nga, đặc biệt là các kênh của tổ hợp phát thanh truyền hình Nhà nước VGTRK.
Xin nhắc lại, vùng Kherson, giáp với bán đảo Crimée mà Nga đã sáp nhập của Ukraine, đã bị quân đội Nga chiếm ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc tấn công hồi cuối tháng 02/2022. Theo AFP, kể từ đó, Moskva đã thực hiện chính sách Nga hóa các vùng lãnh thổ miền nam Ukraine đã rơi vào tay quân Nga : đồng tiền rúp của Nga đã được đưa vào sử dụng và hộ chiếu Nga đã bắt đầu được cấp cho người dân Ukraine.
Để hạn chế sự "tuyên truyền thù địch của Nga"Quốc hội Ukraine hôm 19/06 thông qua đạo luật hạn chế phát nhạc Nga trên mọi kênh phát thanh truyền hình và tại các nơi công cộng, trường học và cả trong hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, lệnh cấm này không nhắm vào toàn bộ di sản Nga, mà chỉ được áp dụng với các nhà soạn nhạc có quốc tịch Nga từ sau năm 1991, tức là sau khi Ukraine giành được độc lập.
Về văn học, việc nhập sách in từ Nga và Belarus cũng bị cấm. Nhằm củng cố vị thế của tiếng Ukraine, dự luậtQuốc hội Ukraine mới thông qua còn quy định mọi cuốn sách bằng tiếng Nga cũng phải có giấy phép thì mới được xuất bản.
Thùy Dương
*********************
Minh Anh, RFI, 20/0/2022
Chủ Nhật 19/06/2022, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Nga sẽ "tăng cường các cuộc tấn công" trong tuần này, trong khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu.
Những người lính Ukraine bị thương ngồi trong xe cấp cứu trước khi rời bệnh viện ở Kramatorsk, vùng Donetsk, Ukraine để đến bệnh viện quân sự ở Dnipro. Ảnh chụp ngày 17/06/2022. AP - Efrem Lukatsky
Theo AFP, trong hai ngày 23-24/06/2022, khối 27 nước thành viên này sẽ phải biểu quyết về việc có trao quy chế ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cho Ukraine hay không. Trong tuần rồi, lãnh đạo ba nước đầu tầu của khối là Pháp, Đức và Ý, khi đến thăm Kiev, đã tuyên bố ủng hộ việc trao ngay quy chế ứng viên cho Ukraine. Ý kiến này cũng đã được Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Sáu 17/6 đồng tình.
Trong khi chờ đợi quyết định thống nhất của cả khối, tổng thống Ukraine dự báo Nga sẽ tăng cường các cuộc tấn công. Theo ông Zelensky, quân đội Nga "đang dồn quân về hướng Kharkiv, đông bắc Ukraine cũng như vùng Zaporijjia (nam), và vẫn tiếp tục oanh kích các cơ sở cất trữ nhiên liệu". Tuy khẳng định quân đội vẫn có thể kháng cự, tổng thống Ukraine thừa nhận có "những thiệt hại lớn đáng kể".
Ở mặt trận miền Nam, quân đội Ukraine cho biết quân Nga, "do không thể tiến trên địa bàn" đã oanh kích bằng tên lửa hành trình phá hủy một nhà máy và nhiều trang thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp cho Kiev.
Tại mặt trận Donbass, quân đội Ukraine khẳng định đã đẩy lui được các đợt tấn công của Nga gần Severodonetsk. Trong khi đó, ở Lyssytchansk, phía nam vùng Donbass, AFP cho biết quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho cuộc chiến đường phố : đào hào, giăng dây kẽm gai và đốt xe để dựng chiến tuyến, cản đà tiến quân Nga.
Vào lúc chiến sự dữ dội ở Donbass, một lượng lớn thương binh được đưa về chăm sóc tại nhiều bệnh viện khác nhau ở Dnipro trong những điều kiện khó khăn. Từ Dnipro, đặc phái viên đài RFI Clea Broadhurst và Julien Boileau gởi về bài phóng sự :
"Tại khu vực của một bệnh viện ở Dnipro được chuyển đổi để tiếp nhận thương binh, Kostyantyn, một binh sĩ đến từ phía đông Donbass, vẫn còn bị chấn động sau khi một quả mìn phát nổ gần anh, cho biết anh chưa bao giờ chứng kiến kiểu pháo kích như thế. Mọi thứ rơi vãi xung quanh sau một vụ nổ. Theo anh, mọi việc bây giờ phụ thuộc vào pháo binh mà Ukraine đang thiếu. Họ cũng thiếu pháo chống tăng, và thiếu cả chiến đấu cơ.
Tất cả các binh sĩ Ukraine đều nói rằng hiện họ đang thiếu nhiều phương tiện để có thể đẩy lui quân Nga. Sergyi, vừa kịp thoát một quả pháo rốc-kết rơi gần vị trí của anh, nói : "Chúng tôi rời Rubizhne cuối tháng Tư vì chẳng còn gì cả. Quân Nga đã phá sạch mỗi nẻo đường, mỗi căn nhà. Họ tiếp tục oanh kích bằng tất cả những gì họ có : pháo hạng nặng, súng cối… Chúng tôi thì lại không có cùng nguồn lực. Họ có đông binh sĩ, họ xua quân như hồi trong Đệ Nhị Thế Chiến bởi vì phụ nữ sẽ sản sinh những binh sĩ khác…"
Các bác sĩ đã luôn trong tư thế sẵn sàng từ hồi tháng Hai. Đó là trường hợp của Valentyna, nữ giám đốc bệnh viện. Cô nói : Chúng tôi sẵn sàng làm việc mọi lúc. Ban đầu chúng tôi đón rất nhiều bệnh nhân, ai cũng hoang mang và lo lắng. Chúng tôi tự hỏi những người gọi là anh em sao lại có thể tấn công chúng tôi ? Chúng tôi không hề sợ, vì đó là công việc của chúng tôi, chúng tôi phải chữa trị cho họ. Trong mọi trường hợp, chúng tôi chiến đấu cho mỗi mạng sống. Chúng tôi là những bác sĩ, chúng tôi chăm sóc, giúp đỡ và giữ vững hậu phương".
Bất chấp sự khó hiểu đang đè nặng lên cuộc sống thường nhật, binh sĩ và bác sĩ vẫn trong tư thế sẵn sàng cho những tháng sắp tới".
Chiều hôm nay, 20/06/2022, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có bài phát biểu qua video trước các đại sứ Châu Phi, tụ họp tại trụ sở của Liên Hiệp Châu Phi (AU) ở Addis-Abeba, thủ đô Ethiopia. Đây là lần đầu tiên nguyên thủ Ukraine phát biểu trước AU. Buổi đọc diễn văn này diễn ra trong bối cảnh cách nay không lâu tổng thống Senegal, Macky Sall có chuyến công du Nga.
AFP cho biết, cách nay hai tháng rưỡi, nhân cuộc gọi với đồng nhiệm Senegal, tổng thống Zelensky đã bày tỏ mong muốn phát biểu trước khối Liên Hiệp. Nếu như nội dung bài phát biểu chưa được tiết lộ, thì theo nhận định của thông tín viên đài RFI, Nóe Hochet-Bodin tại Addis-Abeba, lãnh đạo Ukraine tìm cách thuyết phục các nước Châu Phi, sau sự kiện hôm 07/04 vừa qua, tại cuộc bỏ phiếu đình chỉ Nga ở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, một nửa các nước tại Châu lục này đã vắng mặt.
Minh Anh
***********************
Thanh Hà, RFI, 19/06/2022
Tại miền đông Ukraine, từ Donbass đến Lugansk, tình hình càng lúc càng căng thẳng. Hôm 18/06/2022, chiến sự leo thang gần Severodonetsk, tại thành phố sát cạnh là Lysychansk và khắp cả vùng. Theo truyền thông Nga, quân đội Ukraine phản công hòng chiếm lại Donetsk.
Một binh sĩ Ukraine đứng gần khẩu pháo M777 do Mỹ cung cấp, tại Donetsk, miền đông Ukraine, thứ Bảy 18/06/2022. AP - Efrem Lukatsky
Theo lời ông Serguii Gaidai, thống đốc Lugansk được AFP trích dẫn, quân đội Nga gia tăng hỏa lực, dội bom gần như "24 giờ trên 24" xuống các địa điểm có giao tranh. Dân cư Severodonetsk và Lyssytchansk đang tháo chạy. Nhưng Ukraine bác bỏ tin Severodonetsk đã thất thủ và hoàn toàn do quân đội Nga kiểm soát.
Trong khi đó, theo một báo cáo của Mỹ do Viện Nghiên Cứu về Chiến Tranh, trụ sở tại Washington thực hiện và được công bố hôm 18/06/2022, "Nga có khả năng làm chủ tình hình tại Severodonetsk trong một vài tuần lễ sắp tới, nhưng sẽ phải tập trung phần lớn tiềm lực quân sự để chiếm được thành phố này".
Trên mặt trận Donetsk, thủ phủ của vùng tự xưng là nước Cộng Hòa tự trị Donetsk, trruyền thông Nga và phe thân Nga cho biết quân đội Ukraine đang phản công, gây tử vong cho thường dân.
Thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri từ Moskva tường thuật :
"Giờ đây, tiếng đại bác vang lên hàng ngày tại Donetsk. Từng tràng đạn pháo vang dội ngày đêm. Có khi trong một giờ đồng hồ, cả chục lần còi báo động và loa phóng thanh kêu gọi dân cư khẩn cấp đi tìm chỗ trú ẩn. Các đợt oanh kích dồn dập đôi khi ngăn cản nhân viên cứu thương thi hành nhiệm vụ. Hôm qua chẳng hạn, đại bác không ngớt rơi xuống thành phố.
Theo một thông cáo chiều qua của phe thân Nga, hơn 200 quả đại bác đã dội xuống nhiều khu vực Donetsk. Các đợt tấn công đó không chỉ còn giới hạn ở khu vực phía bắc. Từ nhiều ngày nay và đặc biệt là ngày hôm qua, trung tâm thành phố bị pháo kích. Theo truyền thông Nga, một rạp chiếu phim, một quán cà phê đã bị bắn trúng. Có ít nhất 5 thường dân thiệt mạng 12 người bị thương.
Cách Donetsk khoảng 150 km đường chim bay, chiến sự tiếp diễn tại Severodonetsk. Giao tranh khốc liệt diễn ra tại thành phố then chốt này. Phe thân Nga và quân đội Nga tiếp tục được điều đến tăng viện trong khu vực".
Trả lời báo Bild của Đức hôm 19/06/2022, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo chiến tranh Ukraine có thể sẽ "kéo dài trong nhiều năm" hơn bao giờ hết Kiev cần được phương Tây nỗ lực yểm trợ cho dù là "cái giá phải trả sẽ đắt cả về phí tổn quân sự, năng lượng, thực phẩm …". Nhưng đó là điều kiện để Moskva không tiếp tục tước đoạt những vùng lãnh thổ của các quốc gia khác như đã xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraine.
Để kịch bản đó không tái diễn lãnh đạo Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương kêu gọi tăng cường viện trợ vũ khí cho Kiev, đặc biệt là trang bị thêm cho Ukraine "vũ khí tối tân". Đó sẽ là phương tiện giúp Ukraine đẩy lui quân Nga ra khỏi vùng Donbass.
Thanh Hà
**********************
Trọng Thành, RFI, 19/06/2022
Thứ Bảy 18/06/2022, vào ngày thứ 115 của cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga, nguyên thủ Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến đi bất ngờ đến thành phố cảng miền nam Mykolaiv, thủ phủ tỉnh cùng tên. Đây là một thành phố có vị trí chiến lược, án ngữ trục đường đến cảng Odessa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Mykolaïv, miền nam đất nước, ngày 18/06/2022. via Reuters – Ukrainian Presidentia Press SER
Thành phố Mykolaiv nằm ven sông Inhul, cách Biển Đen khoảng 60 km, cách thủ đô Kiev khoảng 400 km, thường xuyên bị quân Nga tấn công. Theo AFP, ngày 17/06, ngay hôm trước chuyến đi thị sát của tổng thống Ukraine, Mykolaiv đã bị oanh kích, ít nhất hai người chết và 20 người bị thương. Tỉnh Mykolaiv nằm giáp với tỉnh Kherson, hiện bị quân Nga chiếm gần như toàn bộ. Chính quyền Nga không che giấu ý đồ sáp nhập tỉnh Kherson vào lãnh thổ Nga.
Đặc phái viên Pauline Godart, France Média Monde, từ Ukraine cho biết cụ thể về chuyến đi của tổng thống Zelensky :
"Tổng thống Zelensky hiếm khi rời khỏi Kiev kể từ đầu chiến tranh, bởi lý do an ninh. Chuyến đi này được giữ bí mật tuyệt đối. Tổng thống Ukraine đến Mykolaiv, thành phố liên tục bị Nga oanh kích. Mykolaiv nằm cách không xa thành phố Kherson, hiện bị quân Nga chiếm đóng, và nằm trên tuyến đường đến thành phố Odessa, hải cảng lớn nhất nước.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến thăm một khu nhà bị hư hại do tên lửa Nga. Tiếp theo đó, ông Zelensky đã có buổi làm việc với giới chức địa phương. Tổng thống Ukraine sau đó đã gặp gỡ nhân viên một bệnh viện của thành phố, cảm ơn nỗ lực quý báu của họ và trao tặng huân chương. Chủ Nhật này tại Ukraine là ngày toàn quốc vinh danh ngành y tế. Chuyến đi của tổng thống Zelensky có mục tiêu trấn an dân chúng, cho thấy ông rõ ràng là người đứng đầu Nhà nước, quản lý toàn bộ các vùng lãnh thổ tự do của Ukraine".
Ukraine không nối lại đàm phán với Nga "trước tháng 8"
Chính quyền Ukraine không từ bỏ quyết tâm lấy lại toàn bộ các vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng kể từ đầu cuộc xâm lăng, ngày 24/02/2022. Hôm qua, 18/06, trong cuộc trả lời đài phát thanh Mỹ Voice of America, trưởng đoàn đàm phán Ukraine, ông David Arakhamia nhấn mạnh là đàm phán sẽ chỉ diễn ra khi quân đội Ukraine đảo ngược tình hình, đẩy lùi quân Nga, hoặc phía Nga "tự nguyện" trở lại các vị trí trước ngày 24/02/2022. Thời hạn mà phía Ukraine dự đoán có thể nối lại đàm phán là "trước cuối tháng 8".
Trọng Thành
Thu Hằng, RFI, 04/05/2022
Hôm 03/05/2022, sau hàng loạt cuộc oanh kích, quân Nga đã huy động lực lượng trên bộ để tấn công toán quân Ukraine còn cố thủ trong nhà máy Azovstal ở Mariupol. Trong cùng ngày, nhiều thành phố của Ukraine bị Nga oanh kích.
Khói bốc lên từ nhà máy Azovstal ở Mariupol, thành phố cảng phía nam Ukraine, 03/05/2022. © Reuters – Alexander Ermochenko
Trong tin nhắn cuối cùng đăng trên mạng Telegram chiều qua, ông Sviatoslav Palamar, phó chỉ huy trung đoàn Azov, miêu tả "một cuộc tấn công dữ dội vào khu vực nhà máy Azovstal, có xe bọc thép, xe tăng yểm trợ và nhiều lần quân Nga tìm cách đổ bộ" bằng đường biển. Trước đó, một người phát ngôn của Bộ quốc phòng Nga xác nhận "nhiều đơn vị quân đội Nga và của nước Cộng hòa (tự xưng) Donetsk, sử dụng pháo binh và máy bay, bắt đầu phá hủy các chốt bắn" của quân Ukraine ở Azovstal.
Quân Nga dồn tổng lực tấn công nhà máy Azovstal khi vẫn còn nhiều thường dân bị kẹt tại đây. Theo AFP, hai phụ nữ đã chết và khoảng 10 thường dân khác bị thương trong đợt không kích của Nga. Trước đó, nhờ chiến dịch sơ tán do Liên Hiệp Quốc và Ukraine điều phối, 101 thường dân đã được đưa ra khỏi nhà máy trong cuối tuần qua và đã đến Zaporijia hôm 03/05.
Trong khi đó, chiến sự tiếp diễn ở vùng Donbass, phía đông Ukraine. Ít nhất 10 người thiệt mạng và khoảng 15 người bị thương trong vụ oanh kích của Nga vào một nhà máy ở thành phố Avdivka, gần chiến tuyến. Theo Bộ quốc phòng Anh, các thành phố Izium, Kramatorsk và Severodonetsk, ở phía bắc vùng Donbass, có nguy cơ bị quân Nga nhắm đến. Nga đã triển khai 22 tiểu đoàn chiến lược gần thành phố Izium để đẩy đà tiến ở phía bắc Donbass và củng cố sự kiểm soát phía đông bắc vùng này.
Song song với các cuộc tấn công ở Mariupol và vùng Donbass, quân Nga cũng tìm cách tiến xuống phía Nam với Odessa trong tầm ngắm. Đặc phái viên Anastasia Becchio tóm lược tình hình thành phố cảng tối 03/05 :
"Tiếng còi báo động vang lên nhiều lần vào buổi tối và ban đêm ở Odessa. Chính quyền thành phố cho biết có 3 vụ bắn vào các công trình hạ tầng, nhưng không gây thương vong và một vụ tấn công khác nhắm vào thành phố Artsyz cách Odessa 115 km về phía tây nam. Odessa bị oanh kích rất nhiều lần trong những tuần qua. Thứ Hai 02/05, một thiếu niên 15 tuổi đã bị thiệt mạng và một thiếu nữ 17 tuổi bị thương.
Nỗi sợ ở đây, đó là khu cảng lớn bên bờ Biển Đen nằm trong số những mục tiêu của Moskva, đặc biệt là kể từ khi một tướng Nga khẳng định rằng chiến dịch tấn công nhắm đến mục tiêu thiết lập một hành lang nối từ Nga đến vùng ly khai Transnistria ở Moldova ngay gần đó. Quân đội Nga cũng đã nhiều lần oanh kích một cây cầu trên cửa sông Dniestr, làm xáo trộn lưu thông từ Rumani và Moldova".
Miền tây Ukraine cũng không nằm ngoài vòng oanh kích của quân đội Nga. Ba nhà máy điện ở thành phố Lviv bị trúng tên lửa tối 03/05, khiến một phần thành phố bị mất điện.
Theo thống kê mới nhất của Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), hơn 3.000 thường dân đã thiệt mạng trong các vụ tấn công và không kích của Nga từ khi Moskva phát động cuộc chiến ở Ukraine ngày 24/02.
Thu Hằng
***********************
Thụy My, RFI, 04/05/2022
Belarus, nước láng giềng đồng minh của Nga, hôm 04/05/2022, đã bất ngờ tiến hành một cuộc tập trận "để kiểm tra khả năng phản ứng của quân đội", theo Bộ quốc phòng nước này.
Các bệ phóng tên lửa khai hỏa trong cuộc tập trận chung giữa Belarus và Nga tại trường bắn Brestsky, Belarus. 04/02/2022. AP
Thông cáo của Bộ quốc phòng Belarus nói rằng các đơn vị quân đội sẽ tập luyện khả năng "đặt vào tình trạng cảnh báo, tiến về những khu vực đã xác định trước và thực tập tác chiến". Cũng theo thông cáo trên, mục đích cuộc trắc nghiệm này là "đánh giá việc chuẩn bị và khả năng phản ứng nhanh chóng trước một cuộc khủng hoảng", và đây là một cuộc tập trận "đột xuất".
Bộ quốc phòng Belarus còn đăng hình ảnh các đoàn xe, trong đó có những chiếc xe tăng, đang chạy trên đường. Theo AFP, cuộc tập trận này được Kiev theo dõi chặt chẽ, do họ đã nhiều lần tuyên bố nghi ngờ Belarus muốn gửi quân sang Ukraine để hỗ trợ cho cuộc xâm lăng của Nga.
Belarus, được đồng minh Alexander Lukashenko của Vladimir Putin lãnh đạo với bàn tay sắt từ gần 30 năm qua, được dùng làm hậu cứ, và nơi tiếp vận cho lực lượng Nga tấn công Ukraine. Tuy vậy, sự tham gia gián tiếp vào cuộc xâm lăng Ukraine của Belarus không được sự đồng thuận trong nước. Nhiều vụ phá hoại đã xảy ra từ hai tháng qua, nhất là trong ngành đường sắt, nhiều nghi can đã bị bắt.
Hồi năm 2020, các phong trào phản kháng lịch sử đã làm rung chuyển đất nước Belarus sau khi ông Loukachenko tái đắc cử, trong một cuộc bầu cử bị tố cáo là gian lận, khiến ông phải cầu viện Putin để đàn áp.
Thụy My
************************
Thụy My, RFI, 04/05/2022
Hôm 04/05/2022, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu sẽ "gia tăng đáng kể" hỗ trợ quân sự cho Moldova, sau một loạt vụ tấn công hôm 23 - 24/04 vào Transnistria, vùng đất ly khai thân Nga không được quốc tế công nhận ở ngay bên cạnh nước này.
Dòng xe ô tô chờ để được kiểm tra trước khi rời Transnistria, khu vùng ly khai thân Nga, để đến thành phố Varnita của Moldova, ngày 28/4/2022. © Daniel Mihailescu / AFP
Phía Moldova cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Odessa. Quốc gia nhỏ bé chỉ có 2,5 triệu dân này lo sợ trở thành mục tiêu sắp tới của Nga, nếu Moskva tung ra đợt tiến công lớn vào miền nam Ukraine và huy động lực lượng từ Transnistria.
Đặc phái viên Juliette Gheerbrant quan sát thấy dòng xe cộ luôn nối dài tại trạm biên phòng Varnitsa ở phía Moldova và cho biết thêm :
"Ông Mikail cầm lái một chiếc xe cũ kỹ mang bảng số Transnistria, kiên nhẫn chờ đợi để về nhà, nhiều xe nối đuôi phía sau. Ông nói : "Đó là vì an ninh của Transnistria. Trước tình trạng báo động, họ đã tăng cường kiểm soát. Về phía Moldova vẫn như thường lệ, nhưng phía chúng tôi thì xét kỹ hơn hơn".
Một cảnh sát đã làm việc tại đây từ năm 2014 ghi nhận một sự thay đổi của hướng bên kia. Ông cho biết : "Trước đây, Transnistria chỉ kiểm soát luồng xe đi vào, nhưng nay cả những xe đi ra. Và họ còn bổ sung một trạm di động".
Mikail không mấy lo ngại, ông tự bằng lòng với hoàn cảnh và bác bỏ ý tưởng Transnistria sẽ can dự vào cuộc xung đột vì đang đón nhận người tị nạn Ukraine. "Đất nước đón tiếp họ như người nhà, tại sao lại tấn công vào Odessa chẳng hạn ? Không thể nào có chuyện đó".
Một người phụ nữ nói : "Nhìn chung thì như vậy, nhưng nghe ngóng tin tức thì chúng tôi cân nhắc đến việc phải đi xa hơn".
Những vụ tấn công tuần qua khiến bà lo sợ, nhưng hiện giờ thì bà đang quay lại Bender với hai con trai nhỏ. Bà cho biết : "Tôi đến để rút tiền, chỉ có ở Moldova ngân hàng mới cho nhận tiền và rút để sống tại Bender". Không chỉ các ngân hàng đông khách, cơ quan cấp hộ chiếu Moldova cũng tràn ngập đơn từ 10 ngày qua".
Thụy My
Tôi sẽ cố gắng viết 1 cách ngắn gọn nhất và bằng những ngôn từ đơn giản nhất.
Một khu dân cư ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraine bị quân đội Nga pháo kích tấn công
Thế kỷ 19, thời kỳ tích lũy tư bản của chủ nghĩa tư bản, đời sống của người lao động nói chung vô cùng cực khổ, chênh lệch giầu nghèo rất lớn ; chủ nghĩa cộng sản của Mác xuất hiện như một cứu tinh của nhân loại, như một lối thoát của nhân loại, nó đã thu hút và thu phục hàng tỷ người trên hành tinh và trở thành một phong trào tiến bộ của loài người (đấu tranh chống bóc lột, bất công). Đi đầu trong phong trào này là nước Nga vĩ đại. Sau chiến tranh thế giới thứ hai Nga trở thành một cường quốc, một đế chế khổng lồ bao gồm Liên Xô (12 nước cộng hòa trong đó có Ukraine) và hơn 10 nước xã hội chủ nghĩa khác chủ yếu về phía Đông. Chỉ trong một thời gian rất ngắn đế chế Nga đã mở ra vô cùng rộng lớn đến tận cả Việt Nam và Cuba ở tây bán cầu.
Có thể nói là trong lịch sử cận đại của nhân loại, không có 1 đế quốc nào có thể phát triển, bành trướng nhanh như thế. Napoleon, một ông tướng khủng của Pháp cũng chỉ đánh chiếm được một số nước ở Châu Âu, nhưng khi mang quân sang đánh Nga thì đại bại.
Để chống lại sự bành trướng như vũ bão của chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô lãnh đạo về phía Đông, Mỹ đã nhẩy vào Việt Nam. Sự thể như thế nào thì quý vị đã biết. Thế giới chia làm hai phe, nhăm nhe thịt nhau. Phe Phía Tây có Mỹ và đồng minh của Mỹ vói Hiệp ước bắc Đại Tây Dương (NATO) và Phe phía Đông có Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa với Hiệp ước Warszawa. Vị thế hai bên khá cân bằng. Sau bao lần dọa nạt, bên nào cũng hiểu đánh nhau là chết ráo nên chẳng ai muốn đánh ai. Lo mà đi làm kinh tế.
Vấn đề là chủ nghĩa cộng sản là một học thuyết sai, chỉ đẹp trên giấy, còn trên thực tế thì nó tạo ra một môi trường để cho nhiều cái xấu của con người phát triển : dối trá, độc đoán, độc tài, mất tự do, hoàn toàn không kích thích được sự sáng tạo của con người… Từ đó kinh tế lụn bại trong toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó phía bên kia, Phía Tây, kinh tế và mọi sinh hoạt khác nói chung đều phát triển và mạnh hơn trước rất nhiều. Lênin nói rất đúng là trong cuộc đua tranh này, năng suất lao động bên nào cao, tức sản xuất thêm nhiều cua cải xã hội, thì bên đó thắng (nói nôm na như vậy).
Trong thời gian đế chế Nga, tức Liên Xô, hùng mạnh, các nước chư hầu xã hội chủ nghĩa nào có biểu hiện không trung thành hay muốn tách ra thì Nga cho xe tăng và quân đội đến đàn áp ngay tức khắc và tàn sát những người nổi dậy : thí dụ như các trường hợp Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan… Những vụ đàn áp tàn sát này đã để lại những dấu ấn và tình cảm không mấy thiện cảm của các dân tộc này đối với Nga. Các nước khác thấy thế cũng chẳng dám vùng lên.
Năm 1991, nói tóm tắt cho nhanh, đế quốc Nga sụp đổ (sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô).
Phân tích về sự sụp đổ này
Dư luận viên ba củ thì cho là có sự phá hoại giật dây của Mỹ. Tuyên giáo thì bảo là tự diễn biến. Theo chủ nghĩa Mác thì đó là sự phát triển đến đỉnh điểm của các mâu thuẫn nội tại. Tùy quý vị muốn chọn cái nào cũng được. Mỗi người một quan điểm, tùy theo nhận thức và trình độ.
Tôi chỉ biết rằng, mà chắc tôi không sai, Gorbachev không phải là CIA và một mình Gorbachev không thể lật đổ được một đế chế nhất nhì thế giới.
Đế chế Nga sụp đổ, khối Warszawa tan tành, khối NATO một mình một chợ, thế là sự mất cân bằng thấy rất rõ ràng.
Một số nước vệ tinh cũ của khối Liên Xô tách ra và xin gia nhập NATO. Đương nhiên. Họ chưa quên câu chuyện ngày xưa.
Thế là Nga càng ngày càng bị gọng kìm NATO siết gần.
Tuy nhiên, Nga vẫn là một quốc gia mạnh có vũ khí nguyên tử. NATO dù có kết nạp thêm các thành viên mới cũng không thể, không muốn và không dám đe dọa hay đánh NGA.
Vấn đề là nhà độc tài Putin, không thể nào tiêu hóa được sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, sự sụp đổ của đế chế Nga thời Liên Xô. Ông ta có quyết tâm phục hồi nước Nga như trước, muốn trở thành Putin đại đế.
Putin Đại đế
Lấy cớ là NATO đe dọa an ninh của Nga, Putin đã xua quân xâm lược Ukraine. Chưa biết là đồng chí Putin có phục hồi được đế chế Nga hay không. Chỉ biết rằng gần như toàn bộ thế giới đã phản đối kịch liệt cuộc chiến bẩn thỉu này.
Rất nhiều bạn cuồng Tin (Putin) đứng ra ủng hộ cuộc chiến tranh này của Tin cho rằng là tại NATO nên Nga mới tấn công Ukraine.
Trước tiên, không có bất cứ một lý do nào có thể biện minh cho sự xâm lược của Nga vào Ukraine, một nước có chủ quyền và không hề gây hấn với Nga.
Đế chế Nga đã có các đồng minh thời Liên Xô. Liên Xô tự sụp đổ. Một số nước đồng minh cũ của Nga này tự nguyện xin ra nhập NATO. Nếu Nga là một nước mạnh, kinh tế mạnh, đối xử tốt với các đồng minh của mình thì các nước đồng minh không có lý gì để "ly dị" với Nga. Lỗi này là tại NATO ? Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Yêu cầu NATO không được kết nạp các thành viên mới giống như yêu cầu Đảng cộng sản Việt Nam không được kết nạp đảng viên mới. Đảng là một tổ chức chính trị. Ai muốn vào đảng thì làm đơn xin ra nhập và phải phấn đấu trở thành người tốt. Khi nào đảng thấy được, đảng sẽ kết nạp. Đó là quyền của Đảng và quyền của mỗi người dân.
Tuy chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, nhưng bóng ma của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Tấn công xâm lược Ukraine là một ý tưởng vô cùng điên rồ, có thể gây ra chiến tranh thế giới và hủy diệt cả thế giới. Chỉ có Putin, một sản phẩm của chủ nghĩa cộng sản mới dám làm chuyện này.
Như vậy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hiện nay là bóng ma của chủ nghĩa cộng sản.
Hoàng Quốc Dũng
(04/03/2022)