Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 14 octobre 2021 07:30

Dân trí không bao giờ là đủ cao

Người Việt ai cũng biết đến câu nói nổi tiếng của cụ Phan Châu Trinh (1872-1926) : "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Trong đó "khai dân trí" (mở mang sự hiểu biết cho người dân) là quan trọng nhất để có "dân khí" (ý chí, sức mạnh tinh thần) và "dân sinh" (đời sống vật chất sung túc).

"Khai dân trí" mà cụ Phan Châu Trinh nói đến là để thay đổi tư duy và văn hóa Nho giáo (Khổng giáo). Văn hóa Nho giáo là công cụ làm ngu dân và là một ý thức hệ biện minh cho sự cai trị của các chế độ phong kiến. Theo ông Hà Sĩ Phu thì mục đích của việc khai dân trí mà cụ Phan Châu Trinh chủ xướng là để "Đánh thức giới sĩ phu ra khỏi cơn mộng mị của ý thức hệ Nho giáo, để trí thức thời đó tỉnh giấc, can đảm nhìn thẳng vào thực tại và dấn thân vào cuộc đấu tranh để giành lại quyền làm chủ cho nhân dân, đòi quyền tự trị cho dân tộc, tiến đến giành độc lập hoàn toàn" (1).

Dân trí của người Việt Nam hôm nay thế nào ? Theo anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì dân trí của người Việt Nam hôm nay đã đủ để chuyển hóa đất nước về dân chủ. Vậy tại sao đất nước vẫn chưa có dân chủ ? Câu trả lời là "trí trí" của Việt Nam đang có vấn đề. Tức là tầng lớp trí thức Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của thời cuộc.

Thế giới đã thay đổi và Việt Nam cũng đã thay đổi. Thời kỳ của các "minh quân" hay "lãnh đạo thần thánh" đã qua. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang của những vị "anh hùng áo vải" cũng đã hết thời. Cuộc dân chủ hóa đất nước mà chúng ta đang theo đuổi là một cuộc cách mạng về văn hóa vì vậy nó phải do tầng lớp trí thức hướng dẫn và lãnh đạo. Rất tiếc là trí thức Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để đảm nhận sứ mệnh đó.

Trong văn hóa Nho giáo, sĩ phu (trí thức) sinh ra là để làm tôi tớ, phục vụ vô điều kiện cho các ông vua bà chúa chứ không phải để phục vụ nhân dân, càng không phải để thay đổi xã hội. Thỉnh thoảng có những sĩ phu có bản lĩnh và đạo đức thì họ sẽ từ quan về quê vui thú điền viên sau khi đưa ra kiến nghị mà vua không nghe như trường hợp Chu Văn An, Nguyễn Khuyến...Hiện nay, trí thức Việt Nam có khá hơn khi nhiều người đã dám lên tiếng công khai chỉ trích chế độ. Nhưng cũng chỉ đến thế rồi dừng lại. Chưa bao giờ trí thức Việt Nam chủ động thay đổi xã hội bằng cách liên kết với nhau hình thành lên những hội nhóm hay đảng phái chính trị để làm gương và hướng dẫn cho quần chúng đấu tranh.

dantri1

Chu Văn An (1292-1370), một nhà giáo, một sĩ phu tiêu biểu thời phong kiến.

Hầu như tất cả những người được xem là trí thức và hiểu biết đều ngụy biện bằng một câu cửa miệng quen thuộc rằng : "Cần nâng cao dân trí cho người dân. Khi nào người dân khôn lên thì khi đó mới có dân chủ". Sự thực không phải hoàn toàn như vậy. Dân trí của người Việt Nam hôm nay đã vượt xa dân trí của người Hà Lan, người Anh, người Mỹ cách đây 200 năm, khi đất nước họ bắt đầu có dân chủ. Vấn đề của Việt Nam hôm nay là thái độ của tầng lớp trí thức vẫn không thay đổi. Tư duy và văn hóa của họ vẫn bị ảnh hưởng và bị chi phối bởi văn hóa Khổng giáo.

Các cuộc khởi nghĩa hay lật đổ các triều đại trong lịch sử đều do các đại thần hoặc do các tay anh chị có bản lĩnh khởi xướng và lãnh đạo vì các cuộc thay đổi đó đều dựa trên bạo lực. Cuộc cách mạng lần này không có bạo lực mà chỉ cần tư tưởng và lý luận vì vậy nó bắt buộc phải do tầng lớp trí thức đảm nhiệm. Đa số trí thức Việt Nam không hiểu được điều đó. Bản thân tôi cũng từng bị một trí thức khá nổi tiếng, đã từ quan, "mắng" cho một trận vì "tội" góp ý với ông ta rằng trí thức phải hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng chứ không phải chạy theo quần chúng bằng cách ca ngợi Donald Trump hết lời. Theo vị trí thức này thì đất nước Việt Nam tan nát như ngày hôm nay là vì "bị định hướng và lãnh đạo" bởi Đảng cộng sản vì thế ông sẽ không bao giờ để ai định hướng nữa và cũng sẽ không định hướng cho bất cứ ai. Tôi không tranh luận tiếp vì biết có giải thích gì cũng vô ích.

Sẽ có người cho rằng dân trí Việt Nam chưa cao với nhiều dẫn chứng cụ thể. Tôi không phản đối điều đó. Sự thực là không chỉ mỗi Việt Nam mà hầu như ở tất cả các quốc gia khác trên thế giới, luôn có nhiều người dân không quan tâm đến chính trị. Mọi cố gắng "khai trí" cho họ đều vô ích vì họ không có nhu cầu. Tôi đã giải thích điều này trong bài viết "Ai cần khai dân trí" (2).

Làm chính trị và quan tâm đến chính trị luôn là ưu tư của một thiểu số nhỏ trong mỗi quốc gia. Ngay tại các nước dân chủ hàng đầu trên thế giới như Mỹ và Anh thì dân trí của họ cũng đang có vấn đề. Dễ thấy nhất là tại Mỹ. Cho đến bây giờ, 9 tháng sau bầu cử thì vẫn có đến 30% người dân Mỹ không thừa nhận Joe Biden là tổng thống. Họ cho rằng Joe Biden đánh cắp cuộc bầu cử mà chiến thắng đáng lẽ ra phải thuộc về Donald Trump. Chưa bao giờ nước Mỹ chia rẽ đến như vậy. 40% người dân Mỹ muốn nước Mỹ tan vỡ và chia thành nhiều nước nhỏ. Không chỉ tại các bang Cộng hòa mà ngay cả các bang theo đảng Dân chủ như Califonia cũng muốn tách ra khỏi nước Mỹ.

Nhiều người Mỹ không chịu tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong khi nhiều nước như Việt Nam không có thuốc để tiêm. Các dân biểu và nghị sĩ đảng Cộng hòa luôn luôn "nói không" với bất cứ một dự luật nào được đưa ra bởi đảng Dân chủ. Thế giới ngạc nhiên với dân trí Mỹ. Không ai hiểu được vì sao một dân tộc hình thành trên nên tảng và các giá trị dân chủ mà lại trở nên cực đoan và vô lý như vậy. Donald Trump không phải là nguyên nhân mà chỉ là hậu quả của một nước Mỹ đã xuống cấp nghiêm trọng về chính trị. Chế độ tổng thống đã hủy hoại các chính đảng và nhường chỗ cho chủ nghĩa dân túy. Lỗi không phải tại người dân mà tại những người làm chính trị.

dantri2

Ba vấn nạn lớn của thế giới ngày hôm nay là Covid-19, mối đe dọa từ Trung Quốc và chủ nghĩa dân túy. (Ảnh : Một số nhà lãnh đạo dân túy trên thế giới)

Những người Mỹ ủng hộ Donald Trump dù có cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với trước đây nhưng không thể bằng những người xuất sắc, có kỹ năng vượt trội và điều đó là hoàn toàn bình thường. Donald Trump và các chính trị gia Cộng hòa thay vì giải thích và giúp người dân nâng cao hiểu biết thì đã lợi dụng và khai thác sự bất mãn vô lý đó. Nên biết chủ nghĩa dân túy luôn đánh vào tâm lý và những tình cảm sơ đẳng, chúng tạo ra ảo tưởng có những giải pháp dễ dàng cho những vấn đề phức tạp. Dưới sự "dẫn dắt" của Donald Trump và các chính trị gia dân túy, không ít người dân Mỹ đã nổi giận khi cho rằng nước Mỹ đang mất vào tay những người di dân. Điều ngược đời là người Mỹ ủng hộ Trump vì họ bất mãn và muốn đập phá nước Mỹ trong khi những người Việt ủng hộ Trump lại vì yêu nước Mỹ. Tương lai của nước Mỹ rất ảm đạm chứ không sáng sủa như nhiều người Mỹ gốc Việt nghĩ.

Nhìn sang nước Anh, một trong những quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhất, có văn hóa vững vàng nhất, có nhiều nhà tư tưởng nhất, có nền kinh tế và quân sự cũng thuộc vào hạng nhất thế giới. Thế nhưng chính họ cũng bị cuốn vào chủ nghĩa dân túy mà không hay biết. Đến bây giờ, có lẽ người dân Anh đã nhận ra rằng Brexit là một sai lầm. Cuộc "khủng hoảng xăng dầu" vì thiếu lái xe vận chuyển xăng dầu từ nhà máy đến các trạm bán lẻ mấy tuần qua chỉ là một ví dụ nhỏ. Khi bước tường biên giới được dựng lên giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu (EU) thì vô số vấn đề đang diễn tiến bất lợi cho nước Anh. Người lao động có tay nghề khó khăn hơn khi nhập cảnh vào Anh khiến nhiều ngành nghề thiếu hụt lao động. Các quĩ đầu tư và ngân hàng lớn đang rút dần khỏi London chuyển sang Pháp, Đức, Bỉ để tiếp cận thị trường EU.

Nguy hiểm nhất với nước Anh là việc Scotland đòi ly khai khỏi Liên hiệp Anh để gia nhập EU. Scotland sản xuất đủ loại rượu mà nổi tiếng nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất là các loại Whisky và thị trường lớn nhất là EU. Sau Brexit rượu của họ bán vào EU trở nên khó khăn hơn vì phải chịu thuế. Theo các thăm dò dư luận thì 55% người dân Scotland muốn ra khỏi Liên hiệp Anh để thành một nước riêng rồi gia nhập EU. Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson là một chính trị gia dân túy và là tác giả của Brexit đang hứng nhiều chỉ trích và áp lực. Johnson là người giỏi, chính vì giỏi nên sai lầm mà ông gây ra càng lớn.

Đưa ra ví dụ về dân trí tại hai cường quốc dân chủ hàng đầu thế giới là Anh và Mỹ để thấy rằng "dân trí" không quan trọng bằng "quan trí" và "trí trí". Dân trí không bao giờ là đủ cao để quyết định các vấn đề quan trọng của đất. Người dân rất dễ bị các chính trị gia dân túy dẫn dắt và định hướng vì họ không có đủ thời gian và kiến thức để tìm hiểu sự thực. Việc trí thức im lặng hoặc hùa theo các chính trị gia dân túy sẽ kéo đất nước lùi lại phía sau. Với những đất nước chưa có dân chủ như Việt Nam thì tầng lớp trí thức càng phải cố gắng để định hướng và dẫn dắt người dân thay vì bàng quan như vị trí thức mà tôi nói ở trên.

Tầng lớp trí thức trong mỗi quốc gia luôn là trí tuệ, tâm hồn và tiếng nói của dân tộc. Vai trò và nhiệm vụ của trí thức là hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng chứ không phải vuốt ve chính quyền hay chạy theo quần chúng. Không lẽ để quần chúng dẫn dắt và lãnh đạo trí thức như dưới chế độ cộng sản ? Không lẽ lại tiếp tục sự nghiệp "trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ" ? Chẳng lẽ đại dịch Covid-19 và cách chống dịch của chính quyền cộng sản không làm cho trí thức Việt Nam sáng mắt sáng lòng ? Đến bao giờ thì trí thức Việt Nam mới chịu thay đổi ? Chẳng lẽ dân tộc Việt Nam không xứng đáng với một tương lai khác ?...

dantri3

Trí thức Việt Nam cần tìm hiểu và lên tiếng ủng hộ cho một giải pháp khác, ngoài giải pháp cộng sản. (Ảnh : Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Trí thức Việt Nam phải làm gì ? Câu trả lời cũng rất giản dị nhưng cũng rất khó. Khó là vì chưa quen và không phải là văn hóa truyền thống. Phải lên tiếng ủng hộ cho một giải pháp khác vì giải pháp cộng sản đã hoàn toàn thất bại và không giúp được gì cho đất nước. Giải pháp đó phải đến từ một tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn chứ không đến từ các cá nhân. Chính trị là "việc chung", mỗi người phải đóng góp một tay, một lời nói cho công việc chung của đất nước. Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức và trong khuôn khổ của các tổ chức. Phải nói không với lối làm chính trị kiểu nhân sĩ...

Trí thức Việt Nam phải nhận ra rằng số phận của mình gắn liền với số phận của cả dân tộc. Phải có một giải pháp chung thay vì các giải pháp cá nhân. Phải xem đất nước là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung.

Việt Hoàng

(14/10/2021)

(1) Mai Thái Lĩnh, "Từ dân trí đến dân khí", Thư viện Hà Sĩ Phu online, 12/04/2009-12/08/2009

(2) Việt Hoàng, "Ai cần khai dân trí ?", Thông Luận, 06/10/2017

Published in Quan điểm
mardi, 07 janvier 2020 00:11

Làm chính trị là làm những gì ?

Câu hỏi này tưởng chừng là dễ nhưng không phải người nào cũng biết. Lý do là người ta không muốn biết, không muốn học hỏi vì tưởng mình đã biết. Rất nhiều người cho rằng "làm chính trị" là phải "hành động", hành động gì thì không thấy ai trình bày cụ thể nhưng có lẽ là tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình. Từng có ý kiến gửi đến Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp), đại ý là các ông nói nhiều quá rồi, hãy hành động đi. Khi chúng tôi hỏi hành động gì thì không nhận được câu trả lời.

Người Việt Nam chúng ta có nhiều lĩnh vực thua kém thế giới, trong đó chính trị là rõ nét nhất. Người Việt Nam hiểu sai hoàn toàn về chính trị do bị ảnh hưởng nặng nề từ di sản lịch sử gắn liền với văn hóa Khổng giáo. Từ xưa đến nay, sự thay đổi các triều đại phong kiến và ngay cả sự cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam đều đến từ bạo lực và lật đổ. Chính vì vậy nhiều người Việt Nam cho rằng phải hành động bằng bạo lực thì mới lật đổ được đảng cộng sản. Nếu may mắn thì thành công còn nếu thất bại là do ý trời hay "không thành công thì thành nhân" như Nguyễn Thái Học từng nói.

lam1

Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên của Việt Nam đề nghị một phương pháp đấu tranh mới đó là "đấu tranh bất bạo động".

Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên của Việt Nam đề nghị một phương pháp đấu tranh mới đó là "đấu tranh bất bạo động". Nhưng vì nó quá mới, quá xa lạ với người Việt Nam nên phương pháp đó vẫn chưa nhận được sự ủng hộ mà lẽ ra nó phải có. Tuy vậy bằng sự kiên nhẫn suốt gần 40 năm qua mà những ý kiến và đề nghị của Tập Hợp ngày càng được lắng nghe và chấp nhận. Cuộc tranh đấu cho dân chủ mà Tập Hợp đề nghị là một cuộc tranh đấu khác hoàn toàn với các cuộc lật đổ bằng bạo lực, như từng xảy ra trong suốt dòng lịch sử Việt Nam. Sẽ không có bạo lực, không có tranh dành, cưỡng đoạt, không có đổ máu và không có ai phải chết. Đây sẽ là một cuộc đổi đời hòa bình và đẹp nhất trong lịch sử Việt Nam.

Vũ khí duy nhất của cuộc cách mạng dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị chính là tư tưởng và lời nói. Lời nói sẽ là hành động duy nhất trong cuộc đấu tranh này. Có người cho rằng "nói thì dễ, làm mới khó", điều này sai. Nếu nói tầm bậy tầm bạ, vô thưởng vô phạt (chém gió cho vui) thì dễ nhưng dùng lời nói để thuyết phục người khác đồng ý với mình, nhất là trong việc chọn ra một giải pháp chung cho cả dân tộc thì không hề dễ dàng. Chính vì thuyết phục là quá khó, quá phức tạp, quá mất thì giờ nên các chế độ phong kiến và độc tài đều chọn giải pháp đơn giản nhất là…đàn áp. Cứ ai trái ý là bỏ tù.

Lời nói là sản phẩm của trí tuệ, chỉ cần nghe một người nào đó nói chuyện vài lần là có thể biết được trí tuệ người đó như thế nào, và trí tuệ mới là quan trọng chứ không phải cơ bắp. Việc đề cao "hành động" mà xem nhẹ "lời nói" cũng chứng tỏ sự hời hợt và nông nổi của không ít người Việt Nam. Một ví dụ, trong một công ty hay nhà máy sản xuất đơn thuần thì người được trả lương cao nhất là những người "chỉ nói chứ không làm gì" đó là giám đốc công ty. Những người "hành động" nhiều nhất, nặng nhọc nhất, là người công nhân thì lại nhận được đồng lương thấp nhất. Lương của CEO 500 tập đoàn lớn nhất thế giới là 2 triệu đôla một năm, gấp 200-300 lần người công nhân trong cùng một xí nghiệp. Không chỉ thế mà nguy cơ bị mất việc và bị sa thải cũng là người công nhân lao động trực tiếp chứ không phải người quản lý. Nhiều công ty đã dùng rô-bốt để thay thế cho lao động chân tay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0) đang đẩy hàng chục triệu người lao động chân tay trên khắp thế giới vào hoàn cảnh bị mất việc và bị sa thải. Hậu quả là những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống này đã thổi bùng lên phong trào dân túy trên khắp thế giới mà chúng ta được chứng kiến trong mấy năm vừa qua.

Như vậy nhiệm vụ chủ yếu của những người hoạt động chính trị thực sự trong lúc này là "thuyết phục và động viên" quần chúng về một "giải pháp mới cho Việt Nam". Các tổ chức chính trị là công cụ và phương tiện để thuyết phục và động viên quần chúng. Các cá nhân không thể làm được việc đó vì đấu tranh chính trị là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Làm thế nào để thuyết phục và động viên quần chúng? Rõ ràng là phải dựa trên nền tảng một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị đứng đắn và khả thi. Những người làm chính trị nghiêm túc cần biết và hiểu rằng, chỉ có thể tạo ra đồng thuận dựa trên một tư tưởng chính trị. "Sai lầm lớn là cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể và bắt tay nhau hành động. Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý" (1).

Phẩm chất hay năng lực của một chính trị gia là gì? Thứ nhất là phải có kiến thức thật sự về chính trị và thứ hai là có thể làm việc chung với những người khác trong một tổ chức và thứ ba là khả năng thuyết phục quần chúng. Làm chính trị cũng phải học hỏi như bao nghề nghiệp khác. Thay vì tự ý mày mò, tự học thì nên kiếm thầy để học. Ông bà có câu "không thầy đố mày làm nên" là vì thế. Không ít bạn trẻ dấn thân tranh đấu cho dân chủ với một hành trang kiến thức về chính trị rất nghèo nàn nhưng lại thừa sự tự tin. Đáng ra, thay vì tìm đến một nhà tư tưởng chính trị nào đó để học hỏi thì họ lại tự "hành động" theo cách nghĩ của mình, cách mà họ cho là đúng và thực tế thường là…sai và dẫn đến thất bại. Nhiều "ngôi sao" dân chủ chưa kịp tỏa sáng đã vụt tắt. Một ví dụ trong kinh doanh liên quan đến người viết, một thanh niên trẻ học xong đại học và bước vào con đường kinh doanh có hỏi tôi là nên làm thế nào để sớm thành công thì tôi có khuyên là nên làm thuê cho một ông chủ nào đó vài ba năm để lấy kinh nghiệm trước khi ra làm riêng. Bạn trẻ không nghe vì cho rằng mình có thể tự khởi nghiệp và sẽ thành công. Sau 5 năm bạn ấy gặp lại tôi và cho biết là chẳng làm được gì trong thời gian đó ngoài chuyện tích lũy được một số kinh nghiệm và đáng ra bạn ấy nên nghe lời tôi là đi làm thuê trước khi làm chủ.

Môi trường duy nhất để đào tạo ra các chính trị gia là các tổ chức chính trị có tư tưởng và dự án chính trị rõ ràng. Chúng ta có bao nhiêu tổ chức chính trị như vậy hiện nay? Đáng buồn là quá ít. Đã thế, có người, hoặc là thấy nó quá phức tạp hoặc là quá "giản dị" nên xa lánh và tiếp tục mơ về một tổ chức khác hay hơn, dễ chịu hơn và ít nhức nhối hơn. Thực tế các tổ chức vừa hùng mạnh, vừa dễ dãi, vừa không phải mất công học tập như vậy không thể có được. Bao nhiêu tổ chức của người Việt Nam đã ra đời vội vàng và rồi tan rã cũng rất nhanh chóng trong thời gian qua vẫn không hề thức tỉnh được người Việt Nam. Chúng ta quá hời hợt và vô lễ với chính trị.

lam2

Phẩm chất quan trọng thứ hai của những người làm chính trị là biết làm việc chung vì chính trị là "việc chung" chứ không phải việc riêng của mỗi người.

Phẩm chất quan trọng thứ hai của những người làm chính trị là biết làm việc chung vì chính trị là "việc chung" chứ không phải việc riêng của mỗi người (2).

Phẩm chất thứ ba của người làm chính trị là biết cách thuyết phục quần chúng bằng kiến thức, sự lương thiện, tôn trọng sự thật và lẽ phải…thông qua các cuộc thảo luận nghiêm túc.

Điều khó khăn là người Việt Nam, đa số không biết cách thảo luận. Ai cũng cố dành phần thắng về phía mình thay vì đi tìm chân lý và lẽ phải. Một điều khiến cho các cuộc thảo luận nhanh chóng rơi vào bế tắc là thái độ hung bạo trong ngôn ngữ của người Việt Nam. Chỉ cần một ý kiến trái chiều là lập tức thóa mạ người đối thoại thay vì dùng lý lẽ và ngôn ngữ ôn hòa để tiếp tục thảo luận. Bạo lực từ hành động đến lời nói là sự đổ vỡ lớn nhất trong tâm hồn người Việt Nam hiện nay và đã đến lúc cần thay đổi, dù rất khó khăn nhưng phải cố gắng, nếu vẫn tiếp tục như vậy thì chúng ta sẽ không có tương lai.

Như vậy muốn trở thành một người làm chính trị chuyên nghiệp thì đầu tiên là phải tìm đến một tổ chức chính trị dân chủ nghiêm túc để học hỏi về kiến thức chính trị. Những người đấu tranh cho dân chủ dù nổi tiếng đến đâu nhưng chưa từng tham gia vào tổ chức nào thì cũng chẳng có gì để học hỏi nơi họ. Một người chưa từng xuống nước thì làm sao dậy bơi giỏi được. Chỉ có tham gia vào một tổ chức thì mới học hỏi và trau dồi được những đức tính như kiên nhẫn, lương thiện, bao dung, tôn trọng người khác và nhất là khả năng làm việc chung với nhau trong một tổ chức. Khả năng làm việc chung với nhau trong một tổ chức là khả năng cao nhất và cần thiết nhất để đạt được thành công trong mọi lĩnh vực, nhất là trong chính trị. Dân tộc nào có khả năng kết hợp và làm việc chung cao nhất thì dân tộc đó sẽ phát triển và văn minh nhất. Năng lực sau cùng của một người "làm chính trị" là khả năng thuyết phục người khác bằng các cuộc thảo luận nghiêm túc và đứng đắn. Để có các cuộc thảo luận nghiêm chỉnh thì phải dựa trên một vài đặc tính căn bản như ôn hòa, tôn trọng người đối thoại, tôn trọng lẽ phải và sự thật, cầu tiến và biết lắng nghe. Mục đích của các cuộc thảo luận là tìm ra chân lý và học hỏi lẫn nhau chứ không phải tranh dành hơn thua với nhau.

Thảo luận đứng đắn sẽ giúp phong trào dân chủ Việt Nam và các tổ chức chính trị giải quyết được một vấn đề rất quan trọng nữa là tìm ra người lãnh đạo. Không ít người Việt Nam đang chờ đợi một vị "minh chủ" để phò tá nhưng vị lãnh tụ đó là ai, từ đâu tới và phải có những đức tính gì?...thì không ai biết. Sự thực thì một người lãnh đạo chính trị không thể từ trên trời rơi xuống mà họ sẽ xuất hiện và trưởng thành trong các tổ chức chính trị. Thông qua các cuộc thảo luận thành thực và tương kính mà các tổ chức chính trị sẽ nhìn nhận được khả năng của mỗi thành viên và những gì mà mỗi thành viên có thể làm được. Vấn đề lãnh đạo của mỗi tổ chức sẽ được giải quyết một cách dễ dàng và chính xác.

Việt Hoàng

(7/1/2020)

 -------------------

(1). https://www.thongluan.blog/2019/06/thu-thang-than-tra-loi-mot-cau-hoi-lon.html

2). https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/15527-chinh-tr-la-vi-c-chung

Published in Quan điểm
dimanche, 15 décembre 2019 20:49

Chính trị là việc chung

"Chính trị", một thuật ngữ mà chúng ta đang dùng hiện nay được dịch từ chữ Politics, tiếng Hy Lạp. Politics có nghĩa là việc của thành phố hay "việc chung". Thời đó mỗi thành phố gần như là một nhà nước, ví dụ thành phố Athens, gần như là một vương quốc. Người đầu tiên nói đến thuật ngữ này là triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle, tác giả của tác phẩm nổi tiếng : "Politics" (Chính trị luận). 

"Chính trị" là một từ Hán-Việt được dịch một cách sơ sài và cẩu thả. Nếu dịch đúng như ý nghĩa của nó là "việc chung" hay "việc nước" thì có lẽ người Việt Nam đã không hiểu sai và quan niệm sai về chính trị như vậy.

Hầu như đa số người Việt Nam vẫn cho rằng đấu tranh chính trị là tranh giành quyền lực bằng các thủ đoạn xấu xa nhơ bẩn, chính trị không cần học, không cần đạo đức miễn là đạt được mục đích, chính trị là việc tìm kiếm công danh riêng cho mỗi người… chính vì thế mà cho đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có các chính đảng dân chủ thật sự có tầm vóc với những người đấu tranh chính trị chuyên nghiệp (các chính trị gia). Trên các diễn đàn bàn về chính trị, người Việt cãi nhau như mổ bò và không ai nghe ai. Lý do là vì đa số người dân và trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu đúng về khái niệm chính trị hiện đại. Những ngộ nhận lớn này cần được giải tỏa.

Với chủ nghĩa Khổng giáo thì "chính trị" đơn giản chỉ là "cai trị có chính danh" và cái gọi là "chính danh" này rất sơ sài và nhiều lúc rất tùy tiện. Một hảo hán mà cướp được chính quyền thì đương nhiên sẽ có chính danh, ví dụ vua Đinh Bộ Lĩnh hay anh em nhà Tây Sơn.

khonggiao1

Với chủ nghĩa Khổng giáo thì "chính trị" đơn giản chỉ là "cai trị có chính danh" và cái gọi là "chính danh" này rất sơ sài và nhiều lúc rất tùy tiện.

Suốt dòng lịch sử Việt Nam và kéo dài cho đến tận bây giờ thì quan niệm về "chính trị" của giai cấp cầm quyền và người dân vẫn không thay đổi. Đảng cộng sản mặc nhiên cho rằng đất nước Việt Nam là "chiến lợi phẩm" do họ cướp được từ tay thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vì thế họ có quyền chiếm giữ, dứt khoát không chia cho bất cứ đảng phái nào. Lập luận của họ là "các ông có công trạng gì mà đòi chia quyền". Họ vẫn xem đất nước là một vùng lãnh thổ riêng của họ. Mỗi khi bị thế giới lên án vì vi phạm nhân quyền họ đều lớn tiếng "đây là công việc nội bộ, không ai được can thiệp". Với người dân thì họ chỉ xem như là đối tượng bị cai trị chứ không phải là "chủ nhân" của đất nước. Họ thường vẫn bảo "mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo", có nghĩa là "làm gì là việc của chúng tôi, người dân không có quyền tham gia".

Người dân Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa có quyền hay bất cứ tiếng nói gì đối với các vấn đề chung của đất nước. Họ chỉ biết cam chịu và chấp nhận thân phận của một "thần dân" chứ không phải một "công dân". Khái niệm về quốc gia và công dân chỉ mới được khám phá và công nhận gần đây (từ thế kỷ 18) chứ trước đó nhà nước chỉ là một lãnh thổ của một ông vua bà chúa nào đó. Những ông vua bà chúa đó có toàn quyền chuyển nhượng, cho tặng bất cứ ai lãnh thổ của mình bao gồm cả người dân sống trong vùng đó. Chính vì không có quyền lợi gì nên người dân sống dưới các chế độ đó cũng không có trách nhiệm gì. Họ thờ ơ sống bên lề thời cuộc, chỉ lo kiếm miếng ăn cho gia đình mình. Các vua chúa không xem chính trị là việc chung mà chỉ là việc riêng của hoàng tộc nên họ tự xử lấy chứ không cần đến người dân. Nếu bằng biện pháp hòa bình không được thì họ dùng đến chiến tranh, bạo lực hay các thủ đoạn xấu xa khác để dành/cướp chính quyền bằng mọi giá. Quyền lực là tất cả với họ. Mỗi khi phế bỏ được triều đại cũ thì họ thường bôi bẩn và nếu cần thì bịa ra những chuyện xấu xa, nhơ bẩn để nhục mạ kẻ thua cuộc nhằm tạo cho họ chính danh để cầm quyền. Và các chế độ phong kiến (lẫn cộng sản) đã rất thành công khi nhồi được vào trong đầu của người dân rằng "chính trị là nhơ bẩn, xấu xa, người tốt đừng có dây vào, cứ để mặc họ giải quyết…".

Chính vì người dân được khuyến cáo và cấm đoán tham gia vào chính trị và vì họ chưa bao giờ là công dân thực thụ nên họ bàng quang với chính trị, họ xem chính trị là việc của "nhà nước" và "của người khác" chứ không phải việc của họ. Khi quân Pháp xâm lược nước ta và đánh nhau với quân triều đình Huế thì người dân kéo nhau đi xem "quân Tây đánh nhau với quân Nam". Hiện giờ cũng vậy, không ít người lên mạng chỉ để chém gió và khoe cảnh ăn chơi, thậm chí nhiều trang mạng còn có qui định cấm các thành viên không được bàn luận chuyện chính trị.

Với trí thức Việt Nam thì sao ? Chủ nghĩa Khổng giáo và sau đó tiếp nối bởi chủ nghĩa cộng sản luôn luôn khuyến khích "văn hóa luồn lách". Ngày xưa để làm quan thì chỉ cần thi đậu các kỳ thi do triều đình tổ chức và có những người đỗ đạt đến Trạng nguyên cũng chỉ nhờ giỏi về thơ phú hay những kiến thức không liên quan gì đến chính trị như học thuộc "Tứ thư, Ngũ kinh" hay trả lời giỏi các câu đối. Ví dụ trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần. Ông được lịch sử ghi nhận như là một trạng nguyên làm thơ hay và đối đáp giỏi khi đi làm sứ Trung Quốc.

Trí thức Việt Nam từ xưa đến nay được mặc định như là công cụ để phục vụ chính quyền. Họ không được suy nghĩ độc lập, không được kết hợp với người khác để gây ảnh hưởng lên các chính sách của chính quyền. Dư luận Việt Nam vừa qua chỉ trích nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (người vừa được bổ nhiệm làm tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế cho thủ tướng) hay tiến sĩ Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI) là hơi oan cho họ. Phần lớn trí thức Việt Nam đều thế cả. Họ ca tụng chính quyền, hùa theo chính quyền và tâng bốc chính quyền lên tận mây xanh kể cả những điều hoang tưởng như việc ông Lộc nói "Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác !".

nguyenduckien2

Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng : Thu giá là… thu giá.

Một thành phần ít ỏi các trí thức có trí tuệ và tấm lòng thì họ dứt khoát không làm "công cụ" cho chế độ nhưng họ, hoặc là im lặng, bỏ ra ngoài làm cho các công ty đa quốc gia hoặc là tranh đấu theo kiểu nhân sĩ, tức là một mình. Họ không tin ai, không phục ai và không muốn kết hợp với ai. Có lẽ họ không tin vào chính bản thân họ và không tin vào tương lai của đất nước. Họ không tin rằng những người như họ có thể thay đổi được hiện tại. Việc họ lên tiếng chỉ là bày tỏ tiếng nói của lương tâm chứ ít người tin rằng có thể chiến thắng được đảng cộng sản. Việc tranh đấu với đảng cộng sản là việc của người khác. Họ chỉ ủng hộ khi "những người khác" đó thành công. Chưa bao giờ trí thức Việt Nam đặt cho mình trách nhiệm "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng" dù đó mới chính là sứ mạng thật sự của tầng lớp trí thức trong mọi quốc gia.

Nhân đây cũng nói luôn một chuyện cho các trí thức nhân sĩ chờ thời được rõ là việc đánh bóng tên tuổi rồi ngồi chờ để được một chính phủ trong tương lai vời ra nhận một trách nhiệm lãnh đạo nào đó trong bộ máy chính quyền như ngày xưa là điều không thể xảy ra. Bất cứ chính phủ nào cũng có bổn phận giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội liên quan đến cuộc sống của người dân vì vậy họ chỉ có thể dùng những người là "nhân sự chính trị" thực sự, là những người có hiểu biết về chính trị, hiểu những vấn đề đặt ra cho đất nước và cách giải quyết và nhất là biết làm việc chung trong một tổ chức.

Trí thức Việt Nam không phải ai cũng hiểu chính trị là "việc chung" nên họ mới phát biểu một cách "phản chính trị" rằng "chính trị là xấu xa, nhơ bẩn". Và không ít trí thức Việt Nam trong lẫn ngoài nước hồn nhiên cho rằng "đấu tranh cho dân chủ là việc của người trong nước…". Đã là việc chung thì ai cũng có quyền và bổn phận như nhau, tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà mỗi người đều có thể đóng góp vào công việc chung. Tại sao lại phân biệt là trong hay ngoài nước ?

Vậy còn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm về chính trị như thế nào ? Có lẽ những ai theo dõi lâu đều thấy rõ là chúng tôi quan niệm về chính trị đúng như ý nghĩa gốc ban đầu của từ Politics, tức là xem chính trị là "việc chung" hay "việc nước". Chúng tôi xem chính trị là đạo đức ứng dụng, là sự thể hiện các giá trị đạo đức vào trong xã hội. Hoạt động chính trị là phải đặt lẽ phải và sự thật lên hàng đầu. Phải đề cao đạo đức và các giá trị tiến bộ đã được minh định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập của Liên Hợp Quốc. Chính trị phải là nơi sạch sẽ nhất với những con người có đạo đức, có tư cách và có trí tuệ nhất. Khi tôi chia sẻ điều này với một số trí thức thì họ đều cười và cho rằng không thể có chuyện đó. Chúng tôi biết là rất khó nhưng sẽ cố gắng làm như vậy.

Khi chúng tôi nói và viết về chính trị thì luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia và nhân phẩm của người dân Việt Nam lên trên tất cả. Chúng tôi thường xuyên chỉ trích đảng cộng sản nhưng không bao giờ xem họ là kẻ thù, mặc dù họ đang là phiến đá cản đường dân tộc Việt Nam đi tới tự do và dân chủ. Chúng tôi luôn khuyến khích đảng cộng sản làm tác nhân của lịch sử thay vì là nạn nhân. Chúng tôi cũng không ngại mất lòng một số nhân sĩ trí thức khi nói thẳng, nói thật về chính trị. Chúng tôi cũng không độc quyền chân lý và không bao giờ cho rằng Tập Hợp là duy nhất. Xã hội là đa nguyên nên Tập Hợp chỉ là một trong nhiều khuynh hướng chính trị của Việt Nam. Chúng tôi luôn kêu gọi những người dấn thân hãy đấu tranh có tổ chức và nếu không đồng ý với Tập Hợp thì ủng hộ một tổ chức khác hoặc tự thành lập một tổ chức mới…

Chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi và thảo luận về bất cứ chủ đề gì, với bất cứ ai trong tinh thần thẳng thắn và tương kính. Trong Dự án chính trị của mình, chúng tôi cũng xác quyết là sẵn sàng tham gia vào một liên minh dân chủ và nếu có một tổ chức nổi trội hơn thì chúng tôi sẽ đứng sau lưng họ để cùng hợp sức dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ. Chúng tôi nói rất rõ rằng công cuộc đấu tranh cho dân chủ là "những cố gắng chung và thành công chung". Nếu thắng thì cùng nhận lãnh trách nhiệm trước dân tộc và nếu thua thì sẽ làm một đối lập có trách nhiệm…

GP1

Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên - 2015

Như vậy, sở dĩ chúng ta vẫn chưa đạt được đồng thuận với nhau vì chúng ta hiểu về các khái niệm chính trị rất khác nhau. Đã đến lúc cần quan niệm lại về chính trị và các hoạt động chính trị. Chúng ta cần thẳng thắn trả lời hai câu hỏi quan trọng :

1. Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì ?

2. Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng ?

Câu trả lời của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là nhất quán và rất rõ ràng :

1. Đây là cuộc đấu tranh để đưa con người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh…Nó không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam rất xứng đáng để có.

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên - 2015)

2. Đức tính bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức. Lương thiện, quyết tâm, kiên trì và có bản lãnh chính trị, nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp. Có niềm tin vào thắng lợi sau cùng...

Việt Nam và thế giới đang đứng trước những thay đổi rất quan trọng. Cơ hội dân chủ hóa đất nước đang đến rất gần. Lịch sử đang sang trang. Thời gian không còn nhiều. Tất cả những người Việt Nam có ưu tư với đất nước cần nhanh chóng cập nhật lại các kiến thức cơ bản về chính trị và đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về chính trị và các hoạt động chính trị. Chỉ có thế chúng ta mới tạo ra được đồng thuận để cùng nhau tiến tới tương lai.

Việt Hoàng

(15/12/2019)

Published in Quan điểm