Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

06/10/2017

Ai cần ‘khai dân trí’ ?

Việt Hoàng

Đa số người Việt đều biết đến câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh :  ‘Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh’. Trong ba mục tiêu đó có lẽ việc ‘khai dân trí’ là quan trọng nhất và tâm đắc nhất của ông.

khai1

Khai dân trí để đất nước Việt Nam trường tồn và xinh đẹp hơn

Hơn 90 năm sau ngày mất của ông người dân Việt Nam vẫn tiếp tục công cuộc khai dân trí vĩ đại đó. Có lẽ phải đến hơn 90% những người trí thức hoặc có hiểu biết tham gia trên mạng xã hội đều nói rằng họ đang làm tiếp công trình dang dở của Phan Chu Trinh.

Nếu nhìn vào cuộc sống hàng ngày hoặc theo dõi trên các mạng xã hội thì có người sẽ phân vân tự hỏi hình như là ‘dân trí’ của Việt Nam có vấn đề ? Các chủ đề chính trị liên quan trực tiếp đến muôn mặt của cuộc sống thì luôn bị tránh né trong khi những vấn đề ‘tào lao’ thì lại được đón nhận cuồng nhiệt.

Một lý luận được nhiều người chia sẻ và hưởng ứng đó là hãy tập trung ‘khai dân trí’ cho người dân trước, khi người dân khôn ra và hiểu biết hơn thì họ sẽ đứng lên để thay đổi xã hội ? Nếu điều này đúng thì có lẽ là Phan Châu Trinh đã thất bại. Ông đã thất bại lúc đương thời khi mà người dân Việt Nam không ‘chọn’ con đường canh tân đất nước ôn hòa của ông mà đã chọn con đường cách mạng bạo lực và vũ trang của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản. Giờ đây, sau gần một thế kỷ thì công cuộc ‘khai dân trí’ của ông vẫn không tiến triển được bao nhiêu vì không những chính quyền mà một bộ phận người dân Việt Nam cũng đều cho rằng ‘dân trí người Việt còn thấp nên chưa thể có dân chủ’, và thực tế là đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có dân chủ.

Vậy dân trí của người Việt là thấp hay cao ? Có cần tiếp tục khai dân trí nữa không ? Bao giờ Việt Nam mới có dân chủ ? Ai mới là người cần ‘khai trí’ ? Khai trí là khai cái gì ?

Khai dân trí có thể hiểu là ‘sự mở mang trí tuệ, đầu óc nhằm mang lại sự hiểu biết cho người dân’. Đã là trí tuệ và sự hiểu biết thì nội dung của chúng vô cùng rộng lớn, bao la và cần cập nhập thường xuyên. Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng và có thể xem ông như là ‘một nhà dân chủ đầu tiên của Việt Nam’. Mục đích chính của ông khi đưa ra đề nghị ‘khai dân trí’ là để mở mang sự hiểu biết về chính trị cho người dân và nhất là trí thức nho học thời đó nhằm thoát ra khỏi sự mê muội và tăm tối của tư tưởng Nho giáo (Khổng giáo) để đón nhận và học hỏi nền dân chủ và văn minh của phương Tây.

Bài viết này chỉ bàn về sự khai dân trí trong lãnh vực chính trị chứ không bao gồm các lĩnh vực khác như kiến thức xã hội hay văn hóa vì phạm vi của chúng quá lớn như đã trình bày, hơn nữa người viết cho rằng khai mở về ‘chính trị’ mới là mục đích lớn nhất của Phan Châu Trinh. Ngay cả trong lĩnh vực chính trị thì các đối tượng cũng chia thành hai thành phần, thành phần dấn thân chính trị chuyên nghiệp (là một thiểu số nhỏ) bao gồm các nhà tư tưởng chính trị, các nhà cách mạng và các chính trị gia. Thành phần thứ hai là đa số người dân Việt Nam bao gồm những người có ‘thái độ chính trị’ rõ ràng và những người không quan tâm đến chính trị. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

1. Các nhà tư tưởng chính trị

Đây là những người quan trọng nhất để khơi nguồn và dẫn dắt cho nền văn minh và các cuộc cánh mạng của các dân tộc trên thế giới. Các nhà tư tưởng là những người uyên bác và viễn kiến. Trí tuệ của họ vượt qua thời gian và vượt lên trên đồng bào của mình. Họ là những người mở mang trí tuệ cho tầng lớp trí thức tinh hoa rồi từ tầng lớp trí thức tinh hoa đó sẽ lan tỏa ra đến mọi người. Không phải dân tộc nào cũng có các nhà tư tưởng chính trị. Có thể thấy các nhà tư tưởng đều ở Châu Âu và thế kỷ 18 là thời kỳ nở rộ các trào lưu tư tưởng với nhiều nhà tư tưởng kiệt xuất. Thế kỷ Ánh sáng đó đã tạo ra cuộc cách mạng Pháp 1789 và Cách mạng Mỹ 1775. Lịch sử thế giới cận đại thay đổi từ đó. Nhật bản may mắn có được một nhà tư tưởng vĩ đại là Fukuzawa Yukichi với tác phẩm bất hủ ‘Khuyến học’. Ông được người dân Nhật tôn vinh là ‘khai quốc công thần’ vì đã tạo nguồn cảm hứng và trí tuệ để nước Nhật hùng mạnh như ngày hôm nay. Việt Nam không có được may mắn đó. Văn hóa Khổng giáo được các triều đại phong kiến Việt Nam du nhập từ Trung Quốc và tiếp thu một cách máy móc rập khuôn nên đã triệt tiêu mọi sự tiếp cận với các luồng tư tưởng tiến bộ của khác.

Theo ý kiến chủ quan của người viết thì hiện nay Việt Nam đang có một nhà tư tưởng chính trị nổi bật là ông Nguyễn Gia Kiểng với tác phẩm ‘Tổ Quốc Ăn Năn’. Ông không chỉ uyên bác, viễn kiến mà có một cái nhìn và phân tích rất sâu sắc về chính trị mà không ai có được.

2. Các nhà cách mạng

Nếu không có các nhà cách mạng, là những người theo đuổi một tư tưởng chính trị và chủ trương thay đổi xã hội theo tư tưởng đó thì cũng không có các cuộc cách mạng. Thời nào cũng có rất nhiều các nhà cách mạng và họ có thể thành công hoặc không. Những người cách mạng thành công là do hiểu rõ thời thế và nắm bắt được xu thế của thời đại. Những nhà cách mạng cộng sản là trường hợp ngoại lệ vì họ không có tư tưởng tiến bộ mà chỉ khai thác các bất mãn xã hội đương thời để cướp chính quyền. Lê-nin, người sáng lập ra nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới chỉ là một nhà cách mạng không có tư tưởng. Lê-nin đã vay mượn chủ nghĩa cộng sản của Marx và Engels (là hai triết gia hoang tưởng người Đức). Nếu không có Lê-nin thì chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể nằm trên giấy, trong các thư viện cũ ở Châu Âu. Các nước cộng sản tồn tại một thời gian ngắn rồi kết thúc vì tư tưởng dẫn đường của nó là độc hại, hoang tưởng và chống lại con người. Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng vĩ đại của Việt Nam, rất tiếc là ông đã không vượt qua được bức tường tâm lý nô lệ của văn hóa Khổng giáo đã ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam.

3. Các chính trị gia

Là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp theo một tư tưởng hay đường lối nào đó. Họ có thể thuộc đảng cầm quyền hoặc có thể thuộc các đảng đối lập trong một quốc gia. Nhiệm vụ của họ là nắm vững tư tưởng của tổ chức để thuyết phục người dân ủng hộ các đề nghị về cách thức quản trị quốc gia mới mà đảng của họ đưa ra để dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và cuối cùng là thực thi những lời hứa mà họ đã đề nghị trước đó. Chính trị gia là những người làm chính trị chuyên nghiệp thuộc một đảng chính trị nên cần có chuyên môn và sự hiểu biết cao hơn người dân thường, ngoài ra họ còn cần có khả năng hùng biện để thuyết phục người dân. Hiện tại Việt Nam rất thiếu tầng lớp này vì các đảng đối lập đang còn trong giai đoạn hình thành và phát triển còn quan chức của đảng cộng sản thì không phải là các chính trị gia mà chỉ là ‘những kẻ cai trị’. Kiến thức của họ còn tệ hơn cả dân thường, nói năng hàm hồ và thiếu trí tuệ.

4. Những người dân có thái độ chính trị rõ ràng

Đa số họ là những người có hiểu biết trên trung bình, quan tâm đến chính trị và ủng hộ cho một đảng chính trị nào đó. Họ đồng ý và chia sẻ với những đề nghị cụ thể và rõ ràng của một đảng chính trị mà họ tin là sẽ mang lại quyền lợi cho họ và cho đất nước. Họ không thể tham gia vào các tổ chức chính trị vì công việc và nghề nghiệp của họ đã chiếm hết thời gian. Đây là lực lượng dân chúng quyết định cho sự thành bại của các đảng chính trị. Thuyết phục được tầng lớp này thì cơ hội trở thành đảng cầm quyền gần như là chắc chắn.

5. Những người dân không quan tâm đến chính trị

Thành phần này chiếm đa số trong xã hội và có thể lên tới 50-60%. Đây là thực tế mà xã hội nào cũng có kể cả ở các nước dân chủ lâu đời ở Châu Âu. Ví dụ, tại nhiều quốc gia có qui định rằng một cuộc bầu cử chỉ hợp lệ khi số cử tri đi bầu trên 60% chẳng hạn. Những người này có nhiều lý do để không quan tâm đến chính trị, ví dụ như những người có tâm lý nổi loạn hay cực hữu, họ chống tất cả các đảng phái chính trị. Cũng có người vì không tin vào bất cứ chính trị gia nào nên không ủng hộ ai… Đó chính là hệ quả của tính đa nguyên trong mọi xã hội. Đừng quên rằng tại các quốc gia dân chủ và văn minh nhất trên thế giới như Mỹ, Nhật vẫn có đảng cộng sản tồn tại và hoạt động. Mọi cố gắng để ‘thuyết phục’ tầng lớp này đều vô ích và không cần thiết.

Nhìn vào 5 thành phần nói trên thì có thể thấy được rằng gần như mọi suy nghĩ của những người Việt Nam đang tranh đấu cho dân chủ cho rằng đối tượng cần ‘khai dân trí’ nhất là thành phần thứ 5, tức là những người không quan tâm đến chính trị. Đáng buồn thay, thành phần này lại là thành phần không cần ai khai trí cho họ cả vì họ không có nhu cầu đó. Từ lúc Phan Châu Trinh đưa ra lời kêu gọi ‘khai dân trí’ đến nay ngót ngét đã gần một thế kỷ mà thành phần này chỉ có tăng lên chứ không hề giảm xuống. Ví dụ dễ thấy nhất là những câu chuyện tào lao trên mạng hay những câu phát biểu vu vơ của một ngôi sao nào đó thì có hàng trăm ngàn lượt thích (like) và chia sẻ trong khi những bài viết về thời sự hay chính trị quan trọng chỉ có vài chục người thích.

Không thể trách người dân vì rằng làm chính trị luôn là quan tâm của một thiểu số nhỏ.

Quay trở lại câu hỏi ‘dân trí người Việt cao hay thấp ?’, nếu chúng ta tạm không tính đến thành phần thứ năm (là những người hoàn toàn không quan tâm đến chính trị) thì có thể khẳng định rằng dân trí Việt Nam đủ cao để chuyển hóa Việt Nam về hướng dân chủ. Vậy tại sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ ? Có lẽ nguyên nhân là do chúng ta đã nhầm lẫn trong tư duy của mình. Thành phần cần ‘khai trí’ là tầng lớp ‘có hiểu biết’ chứ không phải thành phần ‘thiếu hiểu biết’. Thành phần đó gồm thành phần thứ 2 (các nhà cách mạng), thứ 3 (các chính trị gia) và 4 (những người dân có thái độ chính trị rõ ràng). Thành phần thứ nhất (các nhà tư tưởng) và thứ 5 (những người không quan tâm chính trị) không cần khai sáng.

Câu hỏi quan trọng nhất để kết thúc bài viết là ‘khai cái gì ?’ Vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất với Việt Nam trong lúc này là các vấn đề liên quan đến thể chế chính trị và vì thế chỉ có các giải pháp chính trị mới tạo ra được sự thay đổi. Việc cách chức ông Đinh La Thăng hay Nguyễn Xuân Anh không giải quyết được vấn đề gì. Chính trường cũng như thương trường, phải có sự cạnh tranh mới có sự tiến bộ. Phải có các đảng chính trị mới xuất hiện công khai để cạnh tranh với đảng cộng sản thì mới có thể tạo ra được sự thay đổi.

‘Khai trí’ quan trọng và cần thiết nhất trong lúc này là thuyết phục những người quan tâm đến chính trị thay đổi tư duy của mình bằng cách ủng hộ cho các đảng chính trị đã có hoặc thành lập ra các đảng chính trị mới để cùng nhau cạnh tranh với đảng cộng sản. Đấu tranh chính trị là phải có tổ chức và một tổ chức chính trị thì phải có ‘tư tưởng chính trị’ và ‘đội ngũ chính trị’.

Khi nào người Việt hiểu ra điều đó thì Việt Nam sẽ có sự thay đổi. Mọi đề nghị, yêu cầu hay tuyên bố này nọ đều vô ích vì sẽ bị chính quyền ném vào sọt rác. Không có lực lượng hậu thuẫn thì mọi kiến nghị đều vô ích và vô nghĩa.

Các nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần 3 đến 3,5% dân chúng ủng hộ cho một cuộc cách mạng là cuộc cách mạng đó có thể thành công. Việt Nam có thừa những người khao khát dân chủ như vậy, tiếc rằng cách vận động và tiếp cận của chúng ta bấy lâu nay là chưa đúng hướng.

Tầng lớp trí thức tranh đấu và dấn thân cho dân chủ Việt Nam cần xác quyết với nhau rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Vấn đề khai dân trí quan trọng nhất bây giờ là hãy đồng thuận và xác quyết với nhau rằng : Phải tranh đấu có tổ chức. Nếu có được một tổ chức chính trị dân chủ đối lập hùng mạnh thì chúng ta nhất định sẽ buộc được đảng cộng sản Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán để chuyển hướng Việt Nam về dân chủ.

Việt Hoàng

(06/10/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 7468 times

1 comment

  • Comment Link Van Do dimanche, 29 octobre 2017 09:23 posted by Van Do

    Trong nước và ngoài nước.
    Kính mời bác Việt Hoàng về nước tổ chức một nhóm chính trị đấu tranh công khai với CS. Chỉ cần nhóm của bác (khoảng 10 người hoạt động công khai) tồn tại được một tháng là coi như ý kiến của bài này ĐÚNG.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)