Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 02/10/1018, nhà báo tự do Jamal Khashoggi người Saudi Arabia, 60 tuổi biến mất sau khi đến tòa lãnh sự của Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ xin giấy tờ làm đám cưới với người yêu. Sự mất tích của Khashoggi khiến cho truyền thông thế giới xôn xao, ngoại trưởng của các nước Mỹ, Đức... đều lên tiếng.

khas1

Thái tử Mohammad bin Salman

Jamal Khashoggi là ai mà sự mất tích của ông lại khiến cho Mỹ, Đức phải quan tâm, nhiều nước theo giõi cuộc điều tra ? Khashoggi là một nhà báo tự do có uy tín, được nể trọng ở Saudi Arabia, đã có những bài viết phê bình chế độ độc tài của nước mình.

Là người ủng hộ sự cải cách của chế độ ở Saudi Arabi, ông phải rời khỏi nước sau khi thái tử Mohammad bin Salman lên nắm quyền lực. Chạy trốn qua Mỹ nhưng Khashoggi không hề nghĩ rằng mình có thể bị bắt giữ, dẫn độ hay sát hại. Chính vì suy nghĩ ngây thơ như vậy, đầu tháng 10 vừa qua Khashoggi đến tòa lãnh sự của Saudi Arabi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để xin giấy tờ kết hôn, rồi mất tích một cách bí ẩn.

Khashoggi từng du học ở Mỹ lúc còn trẻ, đồng thời cũng là phóng viên theo chân Osama bin Laden trong cuộc chiến du kích chống sự chiếm đóng của người Nga ở Afghanistan. Tôn trọng giá trị của tự do, là người có niềm tin vào đạo Hồi, ông dứt khoát nói không với sự khủng bố bằng bạo lực của Osama bin Laden.

Nhờ vào gốc gác, vị thế của gia đình, xây dựng được những liên hệ với các nhân vật quyền lực trong hoàng gia, Khashoggi trở thành ký giả nổi tiếng của nhiều tờ báo ở Riyadh, cùng lúc là phóng viên ở nhiều nước, ngoài ra thỉnh thoảng còn là cố vấn và phát ngôn viên không chính thức cho hoàng gia trong nhiều vấn đề, dù những bài phê bình của ông cũng làm cho chế độ cai trị ở Riyadh khó chịu, bực bội. Hai lần, năm 2003 và 2010 ông bị cách chức chủ bút của tờ báo Al-Watan, xuất bản ở Riyadh vì những bài phê bình của mình.

Tuy nhiên, từ khi thái tử Mohammad bin Salman trở thành người nắm giữ quyền lực ở Saudi Arabia năm 2015 mọi chuyện đều thay đổi. Mohammad bin Salman tìm cách thâu tóm quyền lực, triệt hạ tất cả các tiếng nói đối kháng, sự cân bằng của thể chế ở Saudi Arabia nghiêng hẳn về khuynh hướng độc tài.

Sợ bị bắt giữ, Khashoggi bỏ trốn qua Mỹ vì ông biết rằng không thể tiếp tục viết phê bình, chỉ trích đường lối chính trị của chế độ nếu còn ở trong nước.

Việc Khashoggi nắm giữ chuyên mục phê bình ở tờ Washington Post với hơn 1,7 triệu người theo dõi trên mạng Twitter là một cái gai trong mắt Mohammad bin Salman. Tuy nhiên Khashoggi vô tình, không nhận ra được sự nguy hiểm này, ngay khi nhiều thân nhân, bạn bè của ông bị bắt giữ. Trong tháng sáu, Khashoggi còn tuyên bố, thái tử Mohammad bin Salman không có gì phải lo ngại, không hề có đối kháng trong nước.

Ngày 02/10/2018, Khashoggi đến tòa lãnh sự Saudi Arabia xin giấy tờ để kết hôn với vị hôn thê Hatice Cengiz rồi mất tích không để lại dấu vết.

Việc mất tích của Khashoggi gây ra chấn động về ngoại giao giữa Saudi Arabia với Mỹ, Đức... Người ta nhắc đến những loại vũ khí của Đức, Mỹ bán cho Saudi Arabia đã từ lâu không hề được nghe nói tới, không ai biết những vũ khi này đã đi về đâu, được chuyển giao cho ai, đặc biệt là bom và hỏa tiễn. Liệu Khashoggi có bị Mohammad bin Salman thủ tiêu vì có thể đã có những tiết lộ liên quan đến số vũ khí này ?

Dưới áp lực của quốc tế, tòa tổng lãnh sự Saudi Arabia đã đồng ý cho một toán điều tra đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ vào tòa tổng lãnh sự của họ điều tra về sự mất tích của Khashoggi. Chính phủ Đức cũng đã suy nghĩ, xem xét lại hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia, chỉ những vũ khi không bị chính quyền lên án mới được bán qua Saudi Arabia .

Sau cuộc điều tra, căn cứ vào báo cáo của toán đặc nhiệm, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào ngày Khashoggi mất tích, một toán 15 nhân viên đặc biệt của Saudi Arabia gồm có cận vệ của hoàng gia, sĩ quan tình báo, quân đội và chuyên viên giải phẫu đã đến Istanbu l. Thổ cũng công bố danh sách 15 người này.

Theo tờ Washington Post - nơi Khashoggi thường xuyên viết bình luận – tình báo của Mỹ đã nghe được một cuộc thảo luận về âm mưu bắt cóc Khashoggi và thái tử Mohammad bin Salman là người chịu trách nhiệm trực tiếp đến kế hoạch. Tuy nhiên phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc phủ nhận hoàn toàn tin này.

Nội các của tổng thống Donald Trump đã lần lừa, trì hoãn không nói gì đến sự mất tích bí ẩn của Khashoggi. Một tuần lễ sau, Mỹ mới lên tiếng về vụ mất tích này nhưng Donald Trump cũng không hề lên án hay chỉ trích Saudi Arabia (đương nhiên) – một đồng minh thân cận của Mỹ với những hợp đồng bán vũ khí béo bở, trị giá hàng trăm tỉ đô la và là nguồn cung cấp dầu hỏa lớn nhất cho Mỹ.

Không hài lòng với phản ứng của Trump và nội các, quốc hội quyết định có hành động riêng, sử dụng luật trừng phạt, cấm vận quốc tế năm 2012 để buộc chính quyền Trump phải mở cuộc điều tra về sự mất tích của Khashoggi.

Cuộc điều tra về sự mất tích của Khashoggi sẽ là một thử thách để đánh giá lại mối liên hệ giữa Washington và Riyadh dưới chính quyền Donald Trump. Quốc hội đã chỉ trích thái tử bin Salman và chính quyền của ông ta nặng nề, đồng thời yêu cầu Donald Trump phải có đường lối cứng rắn hơn với Riyadh.

Tuy nhiên nói với đài Fox News, ông Trump cho biết ông không muốn cấm vận vũ khí bán qua Saudi Arabia vì đó là nguồn lợi to lớn cho nước Mỹ - "Cấm bán vũ khí qua Saudi Arabia sẽ gây tổn thương nặng nề cho Mỹ, nước Mỹ sẽ mất việc làm, nhiều chuyện sẽ xẩy ra...đó là một viên thuốc đắng, khó nuốt cho xứ sở chúng ta".

Hơn thế nữa, Trump còn khuyên đừng vội kết tội chính quyền Riyadh khi nội vụ còn đang điều tra, làm như thế giống như đã làm với việc bổ nhiệm thẩm phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện.

Ngày chủ nhật vừa qua, bộ ngoại giao của Saudi Arabia gửi tin trên mạng xã hội Twitter rằng : "Chính phủ Saudi Arabia chân thành cám ơn các quốc gia kể cả nước Mỹ đã không vội vã đưa ra kết luận về cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn về sự mất tích của Khashoggi".

Bao giờ sẽ có kết quả điều tra về sự mất tích của Khashoggi ? Sẽ chẳng bao giờ có. Mọi chuyện sẽ chìm xuồng trong vài ngày tới cho dù bộ trưởng ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo đã đích thân đến Riyadh để thúc đẩy cuộc điều tra.

Độc tài và tự do báo chí là 2 khái niệm đối kháng nhau. Không một nhà độc tài hay có khuynh hướng độc tài nào trên thế giới chấp nhận chuyện tự do báo chí, ngược lại cũng không có nền tự do báo chí nào đồng ý sự cai trị của một lãnh đạo hay một thể chế độc tài.

Đừng ngạc nhiên khi nội các của Donald Trump trì hoãn, chậm trễ lên tiếng về chuyện mất tích của Khashoggi, đến khi lên tiếng lại tỏ vẻ bênh vực chế độ độc tài ở Saudi Arabia, đồng thời so sánh khập khiểng, lố bịch những trở ngại trong việc bổ nhiệm chánh án Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện với cuộc điều tra sự mất tích của Jamal Khashoggi.

Thạch Đạt Lang

(25/10/2018)

Published in Quan điểm

"Vụ cướp thế kỷ" 55 tỷ euro

Liên Hiệp Châu Âu bị một nhóm môi giới chứng khoán, các ngân hàng lớn "đánh cắp" 55 tỷ euro trong vòng 15 năm và nhiều tình tiết gay cấn trong vụ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị thủ tiêu là hai chủ đề chiếm nhiều trang báo Pháp ngày 19/10/2018.

cuop1

Vụ tẩu tán tài sản bắt nguồn từ Đức đã làm 11 quốc gia Châu Âu mất trắng gần 55 tỷ euros - Reuters/Regis Duvignau

"Từ một tiểu thuyết trinh thám tới phim kinh dị", Libération nhận định như trên về những thông tin rò rỉ liên quan tới vụ ông Khashoggi mất tích ngay giữa ban ngày, hôm 02/10/2018, tại tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một tờ báo thân chính quyền Ankara, nhà báo xấu số này đã bị hỏi cung, bị tra tấn. Người cầm bút để viết những bài báo chỉ trích vương triều Riyahd đã bị chặt nhiều ngón tay, rồi bị chặt đầu. Một bác sĩ pháp y đã xẻ thi thể nạn nhân ra từng mảnh ngay trong phòng làm việc của lãnh sự Saudi Arabia. Mọi chuyện diễn ra trong vòng 7 phút, theo tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Yeni Safak, được Libération trích dẫn lại.

Trong một đoạn băng thu âm, người ta nghe thấy tiếng lãnh sự Saudi Arabia, Mohammed Al Otaibi, phản đối những tay đồ tể Riyahd gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ. Lập tức có tiếng nói đáp trả : "Im mồm, nếu muốn toàn mạng khi mày về nước".

An ninh Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện 15 người thuộc nhóm "đặc nhiệm" được lệnh thủ tiêu Khashoggi. Họ đều là bộ hạ thân tín của thái tử Mohammad Bin Salman và đã từng tháp tùng thái tử Saudi Arabia khi ông sang Luân Đôn và Paris. Thêm một tiết lộ gay cấn khác là một trong số 15 người thuộc nhóm "đặc nhiệm" nói trên vừa thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi ngày 18/10/2018.

Le Monde bồi thêm : "Cận vệ thân tín nhất của thái tử Mohammad Bin Salman tham gia toán đặc nhiệm" triệt hạ nhà báo Khashoggi. Tờ báo liệt kê tên tuổi, chức vụ của nhiều thành viên trong nhóm 15 người này và kết luận : "Khó có thể tin rằng, ngần ấy nhân vật cao cấp trong guồng máy an ninh Saudi Arabia được điều đến Istanbul mà không có chỉ thị từ trên cao".

Jamal Khashoggi là ai ?

Vào lúc mà cái tên Jamal Khashoggi đã được báo chí quốc tế nhắc tới nhiều từ hai tuần qua, cái chết mờ ám của ông gây bối rối cho cả từ Hoa Kỳ đến Liên Hiệp Châu Âu và đương nhiên là vương triều Riyahd, Le Figaro dành một bài báo dài giới thiệu với độc giả "người bạn của các ông hoàng Saudi Arabia đã trở nên quá nguy hiểm".

Jamal Khashoggi đã ba lần dùng cơm tối với trùm khủng bố Usama Bin Laden, người chủ mưu loạt tấn công 11 tháng 9 trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Hai gia đình Bin Laden và Khashoggi biết nhau rất rõ. Jamal một thời từng là bạn đồng hành của Usama. Dòng họ Bin Laden làm giàu trong ngành xây dựng, còn chú ruột của nhà báo Jamal là một nhà môi giới trong các thương vụ mua bán vũ khí giữa Saudi Arabia với Hoa Kỳ.

Ông nội của nhà báo Jamal Khashoggi là bác sĩ riêng của nhà vua Abdulaziz al Saud, người sáng lập ra vương quốc Saudi Arabia. Nhà báo vừa bị sát hại này trước đây từng lui tới hoàng cung, chơi thân với các ông hoàng của triều đại Al Saud và thậm chí đã từng cố vấn cho các hoàng thân.

Năm ngoái, khi hoàng thái tử Mohammad Bin Salman tiến hành cuộc thanh trừng ngay trong nội bộ hoàng cung, răn đe những tiếng nói chống đối, nhà báo Jamal Khashoggi thu xếp hành lý sang định cư tại Hoa Kỳ. Ở Washington, ông quen biết rất nhiều, từ giới truyền thông đến các chính khách và cả các nhân viên tình báo.

Tại Mỹ, Jamal Khashoggi vẫn thường xuyên lui tới với các nhà ngoại giao Saudi Arabia, đều đặn được nhắc nhở đừng quá nhiệt tình kêu gọi cải tổ và đòi dân chủ tại những vùng đất "không bao giờ chia sẻ quyền lực".

"Vụ cướp thế kỷ" 55 tỷ euro

Hồ sơ lớn thứ nhì trong ngày trên các báo Paris là vụ trốn thuế gây thiệt hại 55 tỷ euro cho Châu Âu trong vòng 15 năm. Nhật báo Le Monde đã cùng với 18 đối tác truyền thông khác điều tra về những "vụ lách thuế" tài tình. Đằng sau các vụ này là nhiều ngân hàng tên tuổi trên thế giới, là cả một đội ngũ các luật gia các quỹ đầu tư.

Tờ báo gọi đây là một vụ "cướp lớn", mà ở đó nạn nhân là các nhà nước Châu Âu. Số tiền bị đánh cắp là 55 tỷ euro và băng đảng chủ mưu thì gồm có các ngân hàng, các tay môi giới chứng khoán và các chuyên gia về luật thuế quan của Châu Âu. Cả một mạng lưới lừa đảo tinh vi hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật.

Mánh khóe lách thuế bị khám phá hồi năm 2011, khi mà cả khối euro đang điêu đứng vì khủng hoảng nợ công, thì một phòng thuế vụ của Đức liên tiếp nhận được thơ đòi sở thuế này phải hoàn lại một khoản tiền ngoài sức tưởng tượng của phòng thuế vụ. Thư đòi tiền là của một quỹ đầu tư nhưng đằng quỹ đó là một người sống ở Mỹ.

Le Monde giải thích về mánh lới khá tinh vi của những tay trốn thuế và đáng nói hơn cả là vào lúc Châu Âu bị đe dọa nổ tung vì khủng hoảng tài chính, các chính quyền phải tung ra hàng chục tỷ euro cứu nguy các ngân hàng, thì một số các ngân hàng có uy tín trên Lục Địa Già lại tiếp tay với kẻ bất lương, rút ruột Châu Âu 55 tỷ euro.

Đức bị thiệt hại khoảng từ 7 đến 12 tỷ euro trong vòng 7 năm, Pháp bị nhẹ hơn chỉ mất chừng 3 tỷ euro. Le Figaro trong phần trang kinh tế nói tới một "vụ cướp được tổ chức ở quy mô quốc tế" vì ngoài Pháp và Đức, Na Uy, Thụy Sĩ cũng trong tầm ngắm của kẻ bất lương.

La Croix trong bài xã luận nhấn mạnh rằng vụ gian lận này có "tổ chức" và số tiền 55 tỷ euro đã bị cướp đi trong lúc mà Châu Âu áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm lương hưu và trợ cấp xã hội của người nghèo. Còn một số những người giàu và rất giàu vô lương tâm thì mướn cả một đội ngũ các chuyên gia về thuế khóa để bòn rút của nhà nước.

Johnny Hallyday : Tình yêu quê hương tôi

Sự kiện văn hóa được các báo quan tâm trong ngày là cuốn album vừa được phát hành của cố danh ca Johnny Hallyday : "Mon Pays C'est l'Amour" - món quà cuối cùng ông dành tặng cho người hâm mộ.

Libération đưa sự kiện này lên trang bìa và nhận định, phát hành đĩa hát khi nghệ sĩ đã qua đời, một con gà đẻ trứng vàng đối với các nhà sản xuất.

Johnny Hallyday trước khi vĩnh viễn ra đi đã dành lại 10 ca khúc, gửi gấm vào album "Tình yêu quê hương tôi". La Croix chú trọng đến cuốn album thứ 51 của ông vua nhạc rock người Pháp này : đây là đĩa hát cuối cùng được Johnny Hallyday thu âm khi đã lâm bệnh, nhưng giọng hát vẫn khỏe và rực lửa như thủa nào. "Chắc chắn đây là đĩa hát bán chạy nhất trong năm 2018".

Johnny Hallyday không là người đầu tiên và cũng không là ca sĩ cuối cùng cho phát hành đĩa hát khi đã thành người thiên cổ.

Trước ông, từ Michael Jackson đến Jim Morrison từng để lại một chút gì để an ủi những người hâm mộ. Những cuốn album ra đời muộn màng đó theo một nhà báo được Libération trích dẫn, là một sự lưu luyến, là nguyện vọng của người nghệ sĩ được ở lại mãi mãi trong lòng người hâm mộ.

Nhưng trong thế giới các nhạc sĩ tài hoa đã đi vào thiên thu, David Bowie và Leonard Cohen là những ngoại lệ : cả hai cùng đã khéo léo đàm phán với tử thần, để cho ra đời những đĩa hát cuối cùng trước khi họ vĩnh viễn trở về với cát bụi.

Ban nhạc pop Hàn Quốc BTS, một Beatles thời đại Youtube

Cũng về âm nhạc, Le Figaro chú ý đến ban nhạc Pop nổi tiếng của Hàn Quốc BTS, trình diễn hai buổi tối nay và tối mai tại Paris, nhưng vé đã bán hết từ rất lâu.

17.000 vé bán hết trong vòng 9 phút. Tác giả bài báo gọi nhóm K-Pop này là "hiện tượng của các chương trình truyền hình thực tế đang làm mê hoặc cả thế giới". BTS là ban nhạc Beatles của Anh trong thập niên 1960.

Vì sao ban nhạc thường chỉ hát bằng tiếng Hàn này lại có sức thu hút ngang ngửa với những Justin Bieber, hay Lady Gaga với hơn 16 triệu followers trên các mạng xã hội và 9 triệu đĩa hát đã bắn khắp năm Châu ? Đâu là bí quyết của ban nhạc với 7 chàng thanh niên này, để đến nỗi, BTS trở thành lá chủ bài của chính quyền Hàn Quốc trên con đường chinh phục thế giới bằng quyền lực mềm và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công du nước Pháp trong bốn ngày đã mời BTS tháp tùng ?

Theo tác giả bài báo trên Le Figaro, câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này khá đơn giản : ở thời đại kỹ thuật số, BTS hoạt động như một chương trình truyền hình thực tế, không lúc nào rời xa cộng đồng những người hâm mộ đến nửa bước. BTS chia sẻ với tất cả những thanh thiếu niên khắp năm Châu những vui buồn, những hy vọng và lo âu của tuổi trẻ.

Thanh Hà

Published in Quốc tế