Danh sách các tổ chức chính trị Việt Nam trước năm 1975 rất dài nhưng tất cả đều “biến mất” sau biến cố 30/4/1975. Một số tổ chức được khôi phục lại tại hải ngoại sau đó, chủ yếu là tại Mỹ. Đông nhất là các tổ chức tách ra từ Việt Nam Quốc Dân Đảng của (chủ tịch) Nguyễn Thái Học, tiểu biểu là hai tổ chức: Tân Đại Việt của ông Nguyễn Ngọc Huy và Đảng Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký, được khôi phục lại năm 1988 tại Mỹ.
Sau 1975 tại Việt Nam, chính thức chỉ còn một tổ chức chính trị duy nhất đó là Đảng cộng sản và hai tổ chức ngoại vi của nó là Đảng xã Hội Việt Nam của Nguyễn Xiển và Đảng Dân Chủ Việt Nam của Dương Đức Hiền. Hai tổ chức này đều bị dẹp bỏ năm 1988.
Có khá nhiều tổ chức “bất hợp pháp” trong nước được thành lập như Đảng Thăng Tiến Việt Nam của linh mục Nguyễn Văn Lý, Đảng Vì Dân của Nguyễn Công Bằng, Đảng Dân Chủ Việt Nam của Hoàng Minh Chính, Con đường Việt Nam của Trần Huỳnh Duy Thức...
Ở hải ngoại sau năm 1975 có thêm các đảng chính trị như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (Đảng Việt Tân) của Đỗ Hoàng Điềm, đảng Nhân Dân Hành Động của Nguyễn Sĩ Bình và Nguyễn Xuân Ngãi (đây là tổ chức do công an Việt Nam lập ra để bắt bớ những người đối lập), đảng Dân chủ Nhân dân của Đỗ Thành Công và bảy ‘chính phủ lâm thời’ của Nguyễn Hữu Chánh (2003), Đào Minh Quân, Lý Tòng Bá, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Thế Quang, Trần Dần...
Những “chính phủ lưu vong” như thế này không phải là các tổ chức chính trị mà chỉ là “phường chèo”.
Trước hết cần hiểu thế nào là một tổ chức chính trị? "Một tổ chức chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi".
Một tổ chức chính trị thật sự phải có ít nhất hai điều kiện: Một tư tưởng chính trị và một đội ngũ nhân sự chính trị. Đó cũng chính là hai thứ mà các tổ chức chính trị đóng góp cho phong trào dân chủ Việt Nam. Tư tưởng chính trị để làm kim chỉ nam dẫn đường cho các thành viên của tổ chức và đồng thời tư tưởng đó phải được đúc kết thành văn bản với tên gọi “Dự án chính trị” (hay cương lĩnh chính trị) để giới thiệu cho người dân. Bất cứ một tổ chức nào cũng phải đưa ra được một Dự án Chính trị để người dân biết tổ chức đó đề nghị những gì, muốn gì và sẽ làm gì trong hiện tại lẫn tương lai. Đội ngũ cán bộ nòng cốt, là những người nắm rõ tư tưởng đường lối của tổ chức, thống nhất trong lập trường và trong mọi hành động của tổ chức nhằm thực hiện những gì mà tổ chức đề nghị trong Dự án chính trị.
Nếu mọi người đồng ý với nhận định trên thì có thể thấy là các tổ chức chính trị hiện nay của Việt Nam mà tôi vừa liệt kê ở trên, hầu hết đều không có thực chất. Theo nhận định của chúng tôi thì hiện giờ chỉ còn hai tổ chức đang hoạt động là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Việt Tân. Tất cả các đảng phái khác chỉ còn tên chứ không có hoạt động gì. Thỉnh thoảng các tổ chức ở Mỹ cũng ra vài bản tuyên bố này nọ, nhân một sự kiện nào đó nhưng chúng đều rơi vào sự thờ ơ của quần chúng.
Bảy (7) “chính phủ lưu vong” như của Đào Minh Quân hoàn toàn không phải là các tổ chức chính trị mà chỉ là những “phường chèo” do mấy ông già về hưu, không có việc gì làm, buồn, nên bày ra để mua vui với nhau. Điều đáng nói là Đảng cộng sản Việt Nam đã bắt bớ và kết tội không ít người dân trong nước với lý do tham gia vào các tổ chức “phường chèo” đó. Lên án các tổ chức “phường chèo” là tất nhiên nhưng lên án họ một thì phải lên án đảng cộng sản hai. Đảng cộng sản đã mất hết sĩ diện lẫn sự xấu hổ khi buộc tội người dân vì tham gia vào các “chính phủ lưu vong” như vậy. Đảng cộng sản thừa biết đó là các phường chèo và họ đâu có gây hại gì cho chính quyền.
Đấu tranh chính trị là làm những gì? Không phải ai cũng biết điều này. Đã có nhiều người hiểu ra rằng, đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị vì thế để chiến thắng nó thì phải có một tổ chức chính trị ngang tầm hoặc hơn tầm.
Phương pháp hay lộ trình tranh đấu của một tổ chức chính trị để dành được chính quyền bằng phương pháp bất bạo động là gì? Theo chúng tôi thì phương pháp đó là: "Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân, vận động tranh cử và cố gắng dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị". (1)
Giải pháp thay thế của Tập Hợp được trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong Dự án chính trị có tên gọi: Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Muốn chiến thắng đảng cộng sản và thiết lập dân chủ cho Việt Nam thì phong trào dân chủ phải có một vài tổ chức chính trị thực sự có tầm vóc. Các tổ chức chính trị này phải có một “giải pháp thay thế” khả thi để thuyết phục và động viên quần chúng. Quần chúng cần một giải pháp mới và một niềm tin vào thắng lợi. Họ cần được hướng dẫn và lãnh đạo, quan trọng nhất, quần chúng cần biết sau chế độ cộng sản sẽ là gì? Nếu không hình dung được tương lai thì quần chúng sẽ không ủng hộ cho bất cứ cuộc cách mạng nào. Giải pháp thay thế của Tập Hợp được trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong Dự án chính trị có tên gọi: Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Như vậy nhiệm vụ chính của các tổ chức đối lập là đưa ra một “giải pháp thay thế” cho “giải pháp cộng sản” và thuyết phục người dân rằng giải pháp đó sẽ mang lại tự do, dân chủ cho mọi người và sự phồn vinh cho đất nước. “Hành động” quan trọng nhất trong cuộc tranh đấu hiện nay chủ yếu là trên mặt trận lý luận và tư tưởng. Hai nhiệm vụ của các tổ chức chính trị là thuyết phục và kết hợp.
Hầu hết các tổ chức đối lập hiện nay không hoặc chưa đưa ra được các giải pháp cho Việt Nam. Cứu cánh (mục đích sau cùng) của một tổ chức dân chủ là mang lại tự do và dân chủ thực sự cho Việt Nam. Đánh bại Đảng cộng sản chỉ là một công việc trên hành trình thiết lập dân chủ cho đất nước chứ đó không phải là cứu cánh. Nếu thuyết phục được người dân để họ ủng hộ cho một giải pháp mới thì khi đó không cần phải xuống đường biểu tình thì Đảng cộng sản cũng phải rút lui vào lịch sử. Đảng cộng sản Liên Xô đã sụp đổ dù không có các tổ chức đối lập dân chủ. Tuy nhiên, vì thiếu vắng các tổ chức dân chủ thực sự nên hậu quả là nước Nga đã chuyển hóa từ chế độ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân (Putin).
Một tổ chức dân chủ phải có tư tưởng và nhân sự. Nhân sự của các tổ chức đối lập là bí mật của các tổ chức vì vậy để nhận diện các tổ chức chính trị dân chủ đối lập chỉ còn một cách là nhìn vào tư tưởng, dự án chính trị và lãnh đạo của tổ chức đó.
Tầm vóc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn còn khá khiêm tốn vì chưa nhận được sự ủng hộ của người dân, nhất là trí thức Việt Nam. Văn hóa Khổng Giáo vẫn còn ngự trị và chi phối mạnh mẽ tư duy của giới trí thức Việt Nam. Nên biết văn hóa Khổng Giáo hoàn toàn mâu thuẫn và chống đối văn hóa dân chủ. Trí thức Khổng Giáo được đào tạo để làm công cụ, tay sai cho chế độ chứ không phải để tranh đấu và lãnh đạo xã hội.
Suốt mấy ngàn năm lịch sử của nước ta, các cuộc thay đổi triều đại đều do các quan võ hoặc các anh hùng hảo hán lãnh đạo chứ chưa bao giờ do giới trí thức lãnh đạo, kể cả cuộc cách mạng cộng sản.
Cuộc cách mạng lần này dứt khoát là phải do trí thức lãnh đạo. Có thế Việt Nam mới thực sự bước vào kỷ nguyên dân chủ. Nếu không chúng ta chỉ thay đổi chế độ độc tài cộng sản bằng một chế độ độc tài khác như ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.
“Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta khác hẳn với cuộc cách mạng cộng sản. Nó là cuộc cách mạng của trí tuệ, lẽ phải và lòng quảng đại; nó dứt khoát từ chối bạo lực và hận thù. Nhưng nó cũng vẫn là một cuộc cách mạng và phải cũng diễn ra theo qui luật của những cuộc cách mạng. Vì thế chúng ta không thể tiết kiệm những cố gắng để xây dựng một tổ chức mạnh về cả tư tưởng lẫn đội ngũ. Không thể đốt giai đoạn”. (2)
Cuộc cách mạng do trí thức lãnh đạo khác gì các cuộc cách mạng khác trong lịch sử Việt Nam? Khác biệt lớn nhất và quan trọng của cuộc cách này này là quan niệm về chính trị. Phải xem chính trị là đạo đức ứng dụng, là một cố gắng thể hiện, qua pháp luật, lẽ phải và các giá trị đạo đức trong xã hội. Cứu cánh của chính trị là phục vụ và tôn vinh con người. Như vậy, bắt buộc những người hoạt động chính trị phải có sự hiểu biết về quốc gia và thế giới, hiểu biết về cách vận hành của các định chế quốc tế và bộ máy nhà nước. Đức tính mà những người làm chính trị cần có đó là sự dũng cảm, lòng bao dung, sự lương thiện, tôn trọng lẽ phải, sự thật và nhất là lý tưởng phục vụ con người và xã hội.
Cuộc cách mạng này “không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục bất cứ ai mà để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có”.
(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)
Sở dĩ trí thức Việt Nam vẫn chưa ủng hộ cho các tổ chức đối lập là vì họ không hiểu, thế nào là một tổ chức chính trị, cứu cánh của hoạt động và đấu tranh chính trị là gì? Họ không biết vì họ không muốn biết chứ không phải vì chúng quá khó hay vì chúng chưa được khám phá.
Các tổ chức đối lập dân chủ Việt Nam muốn nhận được sự ủng hộ của người dân thì phải thay đổi các quan niệm cũ về hoạt động chính trị bằng những quan niệm mới, văn minh, tiến bộ và phù hợp với thời đại. Trí thức và người dân Việt Nam cũng thế, phải dành thì giờ để tìm hiểu về chính trị và các tổ chức chính trị để quyết định nên ủng hộ cho tổ chức nào. Đảng cộng sản Việt Nam đã chết vì nó không có bất cứ một Dự án chính trị nào cho đất nước. Chủ nghĩa Mác Lênin đã được thực tế chứng minh là hoang tưởng, độc ác và nhảm nhí. Chủ nghĩa đó đã bị cả thế giới lên án như là tội ác chống lại nhân loại và đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử.
Việt Hoàng
(16/04/2020)
(1). https://www.thongluan.blog/2020/01/tranh-au-nao-e-thang-loi-viet-hoang.html?
(2). https://www.thongluan.blog/2016/12/chon-lua-giua-van-ong-quan-chung-va.html
Một tài liệu mà mọi người dân chủ Việt Nam phải có. Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai trình bày một cách cô đọng nhưng chính xác những gì cần biết. Tại sao chúng ta lại là chúng ta ngày nay ? Đất nước đang đứng trước những thử thách và hy vọng nào ? Chúng ta có thể mơ ước tương lai nào và phải đấu tranh như thế nào để thực hiện ước mơ đó ?
Một dư án tương lai lạc quan nhưng khả thi cho Việt Nam, đồng thời cũng là một tác phẩm văn hóa và văn chương chính trị.
Đặt mua sách trên Amazon (sẽ nhận được sách chậm nhất là sau hai ngày) :
Tại Mỹ (12 USD) : amazon.com
Tại Pháp (11,69 €) : amazon.fr
Tai Anh (7,94£) : amazon.co.uk
Tại Đức (11,85 €) : amazon.de
Các bạn có thể tải về (download) dạng PDF : khai-sang-ky-nguyen-thu-hai.pdf
Đọc trên Facebook : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai
**************
Cảm tưởng :
(…) Tự trong thâm tâm, chúng tôi cho rằng anh chị em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phải có niềm tin để tin vào tiền đồ của đất nước, và phải có niềm hãnh diện.
(…) Trên bình diện khai phá và xây dựng nguồn tư tưởng làm ý thức hệ căn bản của tổ chức, ông Nguyễn Gia Kiểng và các chí hữu của ông cũng đã tạo cho tổ chức của mình một bản sắc cá biệt và một tầm uy tín có hạng kể từ khi tổ chức được thành hình cho đến ngày hôm nay.
Nguyễn Đức Cung
(học giả, sử gia, nhà lý luận của Đảng Đại Việt)
(…) Nội dung trong cuốn sách là cả một sự bao quát lớn về tình hình đấu tranh hiện nay.
Người Buôn Gió
(nhà báo độc lập)
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, vừa ra mắt ở California và Paris, là bản tu chính lần thứ tư dự án đầu tiên, cũng là bản dự án hoàn chỉnh, đầy đủ nhất, được thảo luận công phu nhất trong nội bộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trước khi được trình làng rộng rãi.
Bùi Tín
(nhà báo, cựu đại ta phó tổng biên tập nhất báo Nhân Dân, tiếng nói của Đảng cộng sản Việt Nam)
Tôi đồng ý với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là chúng ta "đã không đầu tư đủ suy nghĩ để nhìn rõ những vấn đề trọng đại đặt ra cho mình và để tìm ra hướng giải quyết." Tôi cũng đồng ý là "chúng ta cần khẩn cấp một bước nhảy vọt về tư tưởng chính trị để nhanh chóng đạt tới đồng thuận trên nhũng giá trị nền tảng mới cho tổ chức xã hội."
Lê Xuân Khoa
(học giả, cựu viện trường Đại Học Sài Gòn)
*******************
Mua sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai để ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên !
Việt Hoàng, 21/06/2015
Độc giả của Thông Luận, các thân hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và những ai quan tâm đến chính trị Việt Nam đều biết là trong hai ngày 30/5/2015 tại trụ sở báo Người Việt Hoa Kỳ và ngày 6/6/2015 tại Paris-Pháp, chúng tôi đã ra mắt cuốn sách Khai sáng kỷ nguyên thứ hai. Cuốn sách này là một tác phẩm khoa học-chính trị công phu nhất, đồ sộ nhất và có nội dung phong phú nhất từ trước đến nay của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Đây là Dự Án Chính Trị 2015 vừa được chúng tôi cập nhật và tu chính vào cuối năm 2014. Cuốn sách này là tư tưởng, nền tảng, cương lĩnh và định hướng của chúng tôi về một giải pháp chính trị nhằm thay thế cho "giải pháp cộng sản" đã thực thi tại Việt Nam 70 năm qua.
Có lẽ đến giờ phút này thì nhiều người Việt Nam đã hoàn toàn thất vọng với những gì mà đảng cộng sản Việt Nam thực thi trong suốt 70 năm cầm quyền tuyệt đối và duy nhất tại Việt Nam. Chính vì Đảng cộng sản Việt Nam đã cầm quyền tuyệt đối và duy nhất tại Việt Nam trong suốt 70 năm qua nên trách nhiệm của Đảng cộng sản Việt Nam về những thất bại và sự tụt hậu của Việt Nam cũng là "tuyệt đối và duy nhất". Không còn lý lẽ gì để biện minh cho sự phá sản và thất bại của chủ nghĩa Mác-Lênin tại nước ta. Chính ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng than thở rằng không biết đến cuối thế kỷ 21 thì chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam đã thành công hay chưa ?
Bảy mươi (70) năm tại Miền Bắc và 40 năm tại Miền Nam là quá đủ cho cuộc thí nghiệm về chủ nghĩa cộng sản theo đường lối Mác-Lênin. Đã đến lúc đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam.
Một câu hỏi rất quan trọng mà nhiều người dân đặt ra lúc này là: Chế độ nào sẽ thay thế cho Đảng cộng sản Việt Nam trong tương lai ? Câu trả lời chỉ có một : Chế độ dân chủ. Tuy nhiên hình hài và khuôn mặt của chế độ dân chủ đó là như thế nào thì không phải ai cũng hình dung ra được. Chính vì không hình dung ra được mô hình của một nước Việt Nam dân chủ trong tương lai nên nhiều người dân lẫn trí thức Việt Nam vẫn chưa đủ tự tin, cảm hứng và sức mạnh để dấn thân cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.
Muốn đập bỏ ngôi nhà cũ kỹ để xây lại một ngôi nhà mới thì người dân cần biết ngôi nhà mới đó sẽ như thế nào ? Có tốt hơn hơn ngôi nhà cũ hay không ? Họ sẽ sống ra sao trong ngôi nhà mới đó ? Bản thiết kế của ngôi nhà mới sẽ ra sao ?… Sở dĩ phong trào dân chủ Việt Nam vẫn chưa thuyết phục được người dân Việt Nam tham gia và ủng hộ cho mình cũng là vì lý do đó.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập có tham vọng thay đổi lịch sử Việt Nam. Hai công việc mà chúng tôi mất nhiều công sức nhất để thực hiện trong hơn 30 năm qua đó là "xây dựng một cơ sở tư tưởng" và "xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt". "Cơ sở tư tưởng" mà chúng tôi muốn nói đến đó là một mô hình, là hình hài và khuôn mặt của một nước Việt Nam dân chủ trong tương lai mà chúng tôi đề nghị cho quốc dân và đồng bào Việt Nam. Có thể vẫn có ai đó cho rằng công việc của chúng tôi đang làm là mất thì giờ, lý thuyết suông và không hiệu quả nhưng đó lại là chủ thuyết hành động của chúng tôi. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho rằng phải đưa ra được một mô hình của nhà nước và xã hội Việt Nam trong tương lai, thuyết phục mọi người dân Việt Nam chấp nhận mô hình đó… để rồi có được sự thống nhất và đồng thuận chung, cuối cùng mới đến giai đoạn hành động, tức là vận động và kêu gọi người dân Việt Nam đứng dậy đấu tranh thiết lập một nhà nước mới, một mô hình mới như chúng tôi đề nghị.
Dự Án Chính Trị 2015 – Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một nỗ lực và là một sự đóng góp quan trọng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho chủ thuyết tranh đấu mà chúng tôi đã, đang và sẽ theo đuổi đến cùng.
Cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 viết những gì ? Đưa ra những đề nghị gì? Mô hình nào cho Việt Nam được giới thiệu trong đó ? Đâu là chổ đứng của mỗi người Việt Nam trong tương lai ? Liệu dân tộc Việt Nam có còn tương lai nữa hay không ?… Tất cả những ưu tư và thắc mắc đó đều có lời giải đáp trong cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Bản thân cuốn sách này là một sự tóm lược về quá khứ, hiện tại và tương lai cho Việt Nam vì vậy chắc chắn nó sẽ còn nhiều thiếu sót. Sự thiếu sót đó không phải vì chúng tôi vô tình hay bỏ qua mà vì nếu trình bày đầy đủ mọi vấn đề thì cuốn sách này phải dày hai mươi nghìn trang (20.000 trang) chứ không phải hai trăm trang (200 trang) như hiện nay. Sẽ còn nhiều thắc mắc, lấn cấn và phân vân dành cho cuốn sách này. Chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày và giải thích để mọi người Việt Nam thấu hiểu để cùng đồng thuận với nhau về một tương lai chung, một phương pháp đấu tranh chung để có thể đạt được kết quả cuối cùng.
Hiện tại phiên bản điện tử của cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có trên trang nhà Thông Luận và trên mạng FB (Sau khi bạn đăng nhập vào FB thì gõ vào ô tìm kiếm dòng chữ "Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên" thì bạn có thể đọc được cuốn sách này). Sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai cũng đã được Amazon phát hành :
Tại Mỹ (12 USD) : amazon.com
Tại Pháp (11,69 €) : amazon.fr
Tai Anh (7,94£) : amazon.co.uk
Tại Đức (11,85 €) : amazon.de
Theo cách làm việc của Amazon thì giá in mỗi cuốn là khoảng 3,5USD, cộng với tiền gửi là 4 USD. Tại Châu Âu họ chỉ tính có 1 cent tiền gửi, tại Mỹ nếu mua 3 cuốn thì họ tặng luôn tiền gửi. Còn lại chia đôi : Tác giả (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) được 4 USD, Amazon được 4 USD còn lại.
Như vậy nếu một người mua một cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai thì có nghĩa là người đó đã ủng hộ cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên 4 USD. Nếu có 250.000 người mua sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 thì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ có một triệu USD. Đây là một ước mơ của chúng tôi. Chúng tôi biết là sẽ rất khó nhưng chúng tôi tin rằng những ai còn quan tâm đến tương lai và tiền đồ của dân tộc thì nhất định sẽ ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi là một tổ chức chính trị đối lập dân chủ lương thiện và đứng đắn. Suốt hơn 30 năm nay chúng tôi tồn tại và phát triển bằng chính nội lực của mình, chúng tôi không nhận bất cứ một nguồn tài trợ nào, từ bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào ngoài sự đóng góp của chính anh em chúng tôi. Chúng tôi cũng không có các cơ sở kinh doanh để thu lợi cho mình. Tóm lại chúng tôi tồn tại và hoạt động bằng chính nội lực của bản thân, bằng một lý tưởng cao đẹp, trong sáng và bằng một ước mơ cháy bỏng về một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.
Một thói quen của người Việt Nam đó là thích dùng đồ miễn phí. Sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có thể dễ dàng tải xuống để đọc miễn phí, trong khi đó phải trả 12 USD để mua một cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, nhưng bù lại sách in sẽ đẹp hơn, trình bày trang nhã hơn do chính Amazon xuất bản và phát hành. Hơn nữa số tiền 12 USD cũng không phải là số tiền quá lớn. Sở hữu được cuốn sách này độc giả sẽ cảm nhận được nhiều thứ và quan trọng nhất là độc giả sẽ được thắp lên ngọn lửa của hy vọng, ngọn lửa của niềm tin vào tương lai và tiền đồ của dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn đã được hơn một triệu người tải về đọc (đó chỉ là thống kê của một vài website) trong khi đó, theo chúng tôi thì cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai hay hơn Tổ Quốc Ăn Năn rất nhiều. Chúng tôi mong muốn tất cả những ai đã đọc xong cuốn sách này thì hãy lên tiếng, hoặc là ủng hộ hoặc là góp ý thậm chí là chê bai hay đả kích. Hiện tại chúng tôi chỉ mới nhận được sự góp ý và phản biện của ông Nguyễn Đức Cung từ Đảng Đại Việt, chúng tôi xin thành thật cám ơn ông vì thái độ xây dựng và sự bao dung ngay cả khi ông bất đồng với chúng tôi. Bản thân tôi thuộc thế hệ thứ hai trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên , lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc, tôi không biết gì về các đảng phái của người Việt trước năm 1975. Dù vậy thì các bậc tiền bối trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn nhắc đến ông và Đảng Đại Việt với tất cả lòng kính trọng và quí mến. Đến một lúc nào đó, khi các đảng phái chính trị của người Việt cần liên minh với nhau để tạo ra một mặt trận dân chủ như lời đề nghị của giáo sư Lê Xuân Khoa và nhà báo kỳ cựu Bùi Tín thì chắc chắn rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Đảng Đại Việt sẽ là những đồng minh sớm nhất và quan trọng nhất. Chúng tôi mong là như vậy.
Một lý do quan trọng nữa mà chúng tôi muốn nói với mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước đó là chỉ có các "tổ chức chính trị dân chủ" mới là tác nhân chính để thay đổi Việt Nam chứ không phải là các tổ chức "xã hội dân sự" hay các cá nhân tranh đấu riêng lẻ. Ủng hộ cho một tổ chức chính trị dân chủ đối lập như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng là góp phần giúp cho Việt Nam thay đổi về hướng dân chủ. Việc làm đơn giản nhất nhưng hiệu quả và thiết thực nhất để giúp chúng tôi đó là hãy mua cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Với hơn bốn triệu kiều bào đang sinh sống tại hải ngoại thì chỉ cần 1/16 trong số đó mua sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là chúng tôi bán được 250.000 cuốn và có thể nhận được từ Amazon một triệu USD tiền nhuận bút.
Sẽ có người cho rằng chúng tôi mơ mộng nhưng quả thật là chúng tôi có mong ước như thế, thậm chí chúng tôi ước mơ là sẽ đến một ngày nào đó sẽ có hai triệu rưỡi người (2.500.000 người) Việt Nam mua và đọc cuốn sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Khi đó lịch sử Việt Nam sẽ mở sang một trang mới, một kỷ nguyên mới : Kỷ nguyên của dân chủ và tự do thật sự tại Việt Nam.
Việt Hoàng
Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (tài liệu học tập nội bộ)
Tại sao tương lai của một đảng cầm quyền lâu đời và cả tương lai của một cường quốc như Pháp lại có thể thay đổi hẳn vì một chuyện nhỏ nhặt của một người ? Tại sao một nhân vật không tài đức, không kinh nghiệm và cũng chẳng có lý tưởng cao đẹp nào ngoài những khẩu hiệu mị dân như Donald Trump lại có thể trở thành nhân vật quyền lực nhất thế giới ?
Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ
Trong sáu tháng cuối năm 2016 và tháng giêng năm 2017 đã diễn ra những cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ và Pháp, hai nước dân chủ lớn theo chế độ tổng thống. Những cuộc bầu cử này chiếu thêm một ánh sáng trong những suy nghĩ về việc chọn lựa chế độ chính trị sắp tới cho nước ta.
Một cách vắn tắt bầu cử sơ bộ là những cuộc bầu cử giữa những người ủng hộ một chính đảng để chọn ứng cử viên của đảng đó trong những cuộc bầu cử chính thức các chức vụ dân cử. Một số chính đảng tại khoảng mười quốc gia trên thế giới tổ chức những cuộc bầu cử này ở những mức độ khác nhau. Những cuộc bầu cử sơ bộ được biết đến nhất là những cuộc bầu chọn của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Mỹ để chọn ứng cử viên tổng thống. Tai Pháp Đảng Xã Hội đã tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng từ năm 2012, đảng Cộng Hòa mới tổ chức bầu cử sơ bộ lần đầu năm 2016. Tại Pháp cũng như tại Mỹ tất các đảng viên và cảm tình viên của mỗi đảng được mời tham gia tuyển chọn ứng cử viên của đảng vào chức vụ tổng thống.
Cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ đã đưa đến kết quả không ngờ là Donald Trump, một người không phải là một đảng viên Cộng Hòa chân chính và mới đầu rất ít người nghĩ là có thể thắng, được chọn làm ứng cử viên của đảng và sau đó đắc cử tổng thống Mỹ. Donald Trump không có tài đức gì, không có kinh nghiệm, cũng không có lý tưởng và tư tưởng chính trị. Ông thay đảng như thay áo, hết Đảng Cộng Hòa đến Đảng Dân Chủ, rồi lại Cộng Hòa. Có lúc còn gia nhập Đảng Cải Tổ của Ross Perot. Hoạt động chính của ông là kinh doanh nhà đất và hoạt náo những chương trình TV Reality khai thác thị hiếu tầm thường của quần chúng. Dầu vậy ông vừa trờ thành tổng thống Hoa Kỳ để khiêu khích cả thế giới và chủ trương kết thân với chế độ mafia của Putin tại Nga.
Tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ cũng đã gây sửng sốt. Bên Đảng Cộng Hòa (Les Républcains, thuộc cánh hữu ôn hòa) François Fillon đã vượt xa tất cả các ứng cử viên khác dù trước ngày bầu cử hai tuần ông chỉ đứng hàng thứ ba trong số các ứng cử viên với khoảng 13% số phiếu theo các cuộc thăm dò dư luận. Sang vòng chung kết ông hạ đo ván Alain Juppé, người trước đó vài tuần được coi như chắc chắn sắp là tổng thống Pháp, với tỷ số 66% - 33%. Lý do chính là François Fillon đã đưa ra một chương trình chính trị khuynh hữu một cách quả quyết. Bên cánh tả cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Xã Hội cũng gây ngạc nhiên không kém. Benoît Hamon, một ứng cử viên mờ nhạt, không hùng biện, không kinh nghiệm cũng chẳng có tài, ra ứng cử với một chương trình khuynh tả một cách hoang tưởng đã vượt hẳn các ứng cử viên khác trong vòng đầu dù trước đó chỉ hai ngày phần lớn các cuộc thăm dò dư luận cho rằng ông sẽ chỉ về hạng ba. Trong vòng hai Hamon loại cựu thủ tướng Valls với tỷ lệ áp đảo 58% - 41%. Hai Đảng Cộng Hòa và Xã Hội đã thay nhau cầm quyền trong gần 60 năm qua. Cả hai đảng đều có thể bị loại khỏi chính quyền trong cuộc bầu cử tống thống ba tháng nữa. Đảng Xã Hội gần như chắc chắn sẽ thất bại và sau đó bị xóa bỏ như đã được dự đoán từ khá lâu nhưng số phận của Đảng Cộng Hòa ly kỳ hơn nhiều. Mới cách đây hai tuần nó còn chắc chắn sẽ giành được chức tổng thống và lãnh đạo nước Pháp nhưng bất ngờ báo chí phát giác François Fillon đã từng trả lương cho vợ và các con với tư cách phụ tá cho ông trước đây khi ông còn là dân biểu mà không ai biết rõ họ đã thực sự làm gì. Điều này tuy không trái luật nhưng đủ để làm uy tín của Fillon tuột dốc và nếu cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong lúc này ông sẽ bi loại ngay vòng đầu.
Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao tương lai của một đảng cầm quyền lâu đời và cả tương lai của một cường quốc như Pháp lại có thể thay đổi hẳn vì một chuyện nhỏ nhặt như chuyện công việc của vợ và con ông François Fillon ? Một câu hỏi còn nghiêm trọng hơn là tại sao một nhân vật không tài đức, không kinh nghiệm và cũng chẳng có lý tưởng cao đẹp nào ngoài những khẩu hiệu mị dân như Donald Trump lại có thể trở thành nhân vật quyền lực nhất thế giới ?
Để trả lời hai câu hỏi đó có lẽ ta nên bắt đầu bằng hai câu hỏi khác cụ thể hơn.
Câu hỏi thứ nhất là tại sao các chính đảng không tự chọn lấy ứng cử viên tổng thống của mình mà lại phải nhờ cử tri của phe mình chọn hộ ?
Chắc chắn không phải là vì như thế ứng cử viên của đảng sẽ phù hợp hơn với cử tri toàn quốc. Bộ máy của đảng phải có cái nhìn chính xác hơn và cũng có nhiều thông tin và phương tiện để biết rõ hơn những người bình thường. Càng không phải như thế sẽ chọn đúng người tài đức nhất. Điều này không ai biết rõ bằng ban lãnh đạo và các đảng viên nòng cốt. Lý do chỉ giản dị là đảng đã quá suy yếu, chia rẽ và phân hóa nên không còn đồng thuận để chỉ định người đại diện cho mình, vì thế bầu cử sơ bộ trở thành giải pháp bắt buộc để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng. Một trong những hậu quả tai hại nhất của chế độ tổng thống là làm các chính đảng yếu đi vì mất quyền lực và ảnh hưởng. Điều này anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi đã nhận định trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :
(…) Ông hay bà (ứng cử viên) có thể được bầu vì những lý do hời hợt như trẻ đẹp, đi đứng duyên dáng, nói năng hùng hồn, v.v. hơn là vì uy tín của đảng mình và khả năng chính trị của mình. Ứng cử viên này một khi đã đắc cử sẽ chế ngự đảng chứ không lệ thuộc đảng. Kinh nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước (…).
Cần lưu ý là Hoa Kỳ đã chỉ cần những cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống sau hơn một thế kỷ lập quốc và Pháp cũng chỉ mới có những cuộc bầu cử sơ bộ gần đây sau hơn nửa thế kỷ bầu tổng thống qua phổ thông đầu phiếu. Trong cả hai trường hợp bầu cử sơ bộ đã chỉ trở thành cần thiết sau khi chế độ tổng thống đã dần dần làm các chính đảng mất vai trò và sức mạnh.
Nhiều người, trong đó có chính kẻ viết bài này, đã từng nhận định sự xuống cấp của văn hóa chính trị tại Mỹ và Pháp trong những thập niên gần đây. Đó là vì các chính đảng đã suy yếu đi và không còn là môi trường sản xuất nhân tài và ý kiến nữa.
Câu hỏi thứ hai là tại sao khi đất nước đứng trước những chọn lựa khó khăn những cuộc bầu cử sơ bộ thường đưa tới thắng lợi của những ứng cử viên có lập trường cực đoan nhất ?
Điều này người ta đã có thế thấy qua thắng lợi của Donald Trump tại Mỹ, của François Fillon và Benoit Hamon tại Pháp. Câu trả lời chỉ giản dị là người ta không thể đòi hỏi ở quần chúng một chọn lựa đắn đo và trách nhiệm. Phản ứng bình thường của một người bình thường khi được yêu cầu bày tỏ thái độ là nói lên điều mình muốn mà không cần biết điều đó có hợp lý và khả thi hay không. Và các cử tri bình thường này đã nói bằng lá phiếu. Một người cánh hữu tham gia một cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu vì thế sẽ bầu cho ứng cử viên tiêu biểu nhất cho lập trường mà mình cho là "hữu" nhất. Tương tự, một cử tri phe tả sẽ có khuynh hướng bầu cho ứng cử viên "tả" nhất. (Cũng có khối cử tri trung lập bầu theo nhận định khách quan, nhưng những người này thường không tham gia những cuộc bầu cử sơ bộ). Đắn đo lựa chọn một giải pháp chính trị có sức thuyết phục đối với toàn thể dân tộc vì khả thi và phù hợp với bối cảnh quốc gia và quốc tế không phải là ưu tư của cử tri thuộc một khuynh hướng chính trị như trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Đó chỉ là ưu tư của những người hoạt động chính trị, nghĩa là những đảng viên nòng cốt. Thảo luận nghiêm túc và chấp nhận những thỏa hiệp giai đoạn nếu cần chỉ có nơi những người dấn thân chính trị. Một người dấn thân chính trị cánh tả có thể coi liên đới xã hội là giá trị cao nhất, có thể nghĩ rằng một xã hội văn minh không có quyền bỏ rơi những người yếu kém vì thế an sinh xã hội phải là ưu tiên số 1 của hoạt động chính trị, có thể tranh luận rất sôi nổi với một trí thức thuộc một đảng cánh hữu cho rằng tự do và tự hào mới là những giá trị cao nhất và tạo ra những người sống nhờ trợ cấp là xúc phạm tới phẩm giá con người, chính quyền vì vậy có trách nhiệm tạo ra những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân xây dựng đời mình nhưng không nên trợ cấp. Tuy vậy hai người đó hiểu nhau và nếu cần vẫn có thể thỏa hiệp để làm việc chung trong một chính phủ đoàn kết quốc gia trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng đó không phải là thái độ của những cử tri thuộc một khuynh hướng chính trị, những người này ít kiến thức chính trị và chỉ bầu cho người nói điều mà họ muốn nghe, nghĩa là những ứng cử viên cực đoan.
Sau khi đã trả lời hai câu hỏi trên ta có thể trở lại hai câu hỏi đã đặt ra trước đó. Cả hai câu hỏi này đều có cùng một câu trả lời : đó là do hậu quả của chế độ tổng thống. Chế độ này tập trung quyền lực vào một người, biên tế hóa và làm suy yếu các chính đảng, làm xuống cấp cuộc thảo luận chính trị và cuối cùng hạ thấp dân trí khiến quốc gia không thích nghi được với những thay đổi ngày càng dồn dập về khoa học, kỹ thuật, nếp sống và bối cảnh thế giới.
Một tật nguyền khác của chế độ tổng thống đã được trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là nó dành quá nhiều quyền cho một người, quá tách biệt hành pháp với lập pháp và tư pháp và rất dễ dẫn tới xung đột bế tắc giữa các định chế. Trong các quốc gia chưa có truyền thống dân chủ vững vàng như nước ta nó rất dễ đưa tới lạm quyền và độc tài với hậu quả là tham nhũng, đàn áp và bạo loạn, thậm chí nội chiến.
Thực tế là cho tới nay tất cả các chế độ tổng thống đều đã thất bại trừ trường hợp rất đặc biệt của Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây chính Hoa Kỳ cũng đã bối rối vì chế độ tổng thống, như thắng lợi của Donald Trump vừa chứng tỏ.
Hoa Kỳ đã ra đời với một tư tưởng chính trị lành mạnh đặt nền tảng trên các giá trị tư do, dân chủ và nhân quyền nhờ các Founding Fathers, những người cha lập quốc, vì thế đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành siêu cường số 1 của thế giới. Nhưng chế độ tổng thống với những tật nguyền của nó đã khiến cái vốn tinh thần này hao mòn dần đi thay vì được bồi đắp thêm. Không phải vì Hoa Kỳ thiếu những nhà tư tưởng mà vì những tư tưởng của họ không ra khỏi một vài trường đại học và một vài câu lạc bộ trí thức. Vai trò của các chính đảng là đem các tư tưởng chính trị vào sinh hoạt xã hội, nhưng chế độ tổng thống đã dần dần làm các chính đảng yếu đi và làm cuộc thảo luận chính trị xuống cấp. Đồng thuận dân tộc yếu dần và xã hội đi dần và khủng hoảng. Hoa Kỳ sớm hay muộn cũng phải bỏ chế độ tổng thống.
Trường hợp của Pháp càng có ý nghĩa hơn. Pháp trước đây theo chế độ đại nghị và là một nước dẫn đầu về tư tưởng chính trị. Chế độ đại nghị với thể thức bầu cử theo tỷ lệ đã khiến chính quyền mất ổn định vì không đảng nào có được một đa số ổn định để cầm quyền. Năm 1958 tướng De Gaulle đề nghị một chế độ bán tổng thống, trên thực tế gần như một chế độ tổng thống vì tổng thống được bầu trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu và có rất nhiều quyền, hơn cả tổng thống Mỹ. Từ năm 2002, khi nhiệm kỳ tổng thống được qui định là 5 năm như nhiệm kỳ của quốc hội, chế độ của Pháp trên thực tế đã trở thành một chế độ tổng thống, thủ tướng không khác một chánh văn phòng của tồng thống. De Gaulle đã làm một sai lầm lớn. Nguyên nhân của tình trạng bất ổn chính trị không phải là chế độ đại nghị mà là thể thức đầu phiếu theo tỷ lệ. Nếu muốn chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị chỉ cần chọn thể thức bầu cử đơn danh và một vòng. Hậu quả của chế độ tổng thống là các chính đảng ngày càng yếu đi và thảo luận chính trị ngày càng xuống cấp. Từ năm 2012 Đảng Xã Hội đã quá chia rẽ nên phải tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng. Năm 2016 đến lượt Đảng Cộng Hòa. Các cuộc bầu cử sơ bộ này càng làm cho đảng chia rẽ hơn, và yếu hơn, vì chúng áp đặt lên đảng một lãnh tụ mà đa số đảng viên không muốn. Trong đợt bầu cử sơ bộ vừa qua trong mỗi đảng đều có gần mười ứng cử viên với những chương trình chính trị rất khác nhau. Như vậy các đảng này còn đồng thuận nào để gắn bó các đảng viên với nhau và còn lý do gì để tiếp tục tồn tại ? Nhiều tiếng nói uy tín đã cất lên tố giác sự độc hại của chế độ tổng thống và kêu gọi trở lại chế độ đại nghị.
Tại Mỹ cũng như tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ ưu đãi những cá nhân được coi là "chống hệ thống" –những Donald Trump, Emmanuel Macron, Benoît Hamon, v.v.- nhưng thực ra là những sản phẩm của của hệ thống, hay đúng hơn sản phẩm của của tình trạng bệnh hoạn của hệ thống. Tại Mỹ cũng như tại Pháp không có đảng cầm quyền nào đủ mạnh để áp đặt những cải tổ cần thiết. Tại Mỹ cũng như tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ được sử dụng như một giải pháp chữa chạy cho sự suy yếu của các chính đảng nhưng hiệu ứng của chúng lại khiến các chính đảng tan nát hơn. Thuốc làm cho bệnh nặng hơn. Như vậy phải hiểu rằng chế độ tổng thống không có thuốc chữa. Nó không chỉ dở mà còn rất độc hại. Nó là một tàn dư của chế độ quân chủ cần phải vất bỏ một cách dứt khoát không nể nang.
Nhưng đối với người Việt Nam chúng ta bàn chuyện thể chế chính trị vào lúc này có lạc điệu không khi mà chế độ độc tài toàn trị vẫn còn đứng sừng sững một cách thách đố trước mặt chúng ta ? Không, vì ít nhất hai lý do.
Lý do thứ nhất là vì một số rất đông trí thức Việt Nam vẫn còn một thứ "phản xạ tổng thống" coi chế độ tổng thống như là đương nhiên sau chế độ cộng sản. Đây là một sai lầm lớn và nguy hiểm. Nó sẽ khiến chúng ta bối rối, chịu nhiều hậu quả tai hại và mất rất nhiều thì giờ sau chế độ cộng sản, trong khi chúng ta đã quá tụt hậu.
Lý do thứ hai là nếu biết một cách chính xác sẽ làm lại đất nước như thế nào một khi đã giành được thắng lợi cho dân chủ chúng ta sẽ tự tin hơn, quyết tâm hơn và đấu tranh hiệu quả hơn.
Nguyễn Gia Kiểng
(11/02/2017)