Thầy Thích Minh Tuệ đi chân đất, mặc áo vá, ngày ăn một bữa, tối ngủ trong nghĩa trang. Lời nguyện của thầy : "Con nguyện ước chúc mọi người được hạnh phúc". Chỉ cần bước đi thong thả, đi không cần tới, niềm vui trong ánh mắt, trên miệng cười của thầy đã đem một luồng gió mát mẻ, an lành cho mọi người cùng hưởng.
Sư Minh Tuệ, thế danh Lê Anh Tú.
Thầy nói : "Con đi tu là để cầu giải thoát". Thầy cho thấy ai cũng có thể tìm đường giải thoát. Hình ảnh bao nhiêu người cung kính đi theo thầy Thích Minh Tuệ cho thấy đạo Phật vẫn còn sống động trong xã hội Việt Nam, dù chung quanh vẫn còn là một kinh tế tư bản thời sơ khai và đề cao một chủ nghĩa duy vật lỗi thời.
Có nhiều cách hành trì Đạo Phật, hàng trăm ngàn cách theo căn cơ mỗi người. Đức Thích Ca đã lấy thí dụ ba thửa ruộng khác nhau, mỗi thửa ruộng nên trồng hạt giống lúa khác nhau. Có người chọn sống trong tu viện, có người lên rừng sống một mình, có người chuyên lo đi chữa bệnh như Phật Thầy Tây An. Thầy Thích Minh Tuệ đã tu tập trong chùa nhưng sau cùng chọn tu theo Hạnh Đầu Đà. Thầy Minh Tuệ giúp chúng ta nhớ lại phép tu cổ truyền này, mà người đầu tiên thực hành là Thầy Ca Diếp, đệ tử lớn nhất của Phật. Chính đức Thích Ca đã khuyên thầy Ca Diếp không nên giữ mãi các giới luật Đầu Đà nhưng đồng ý cho đệ tử tiếp tục. Từ đó, nhiều người đã sống theo 12, 13 giới, tạo thành một truyền thống độc đáo.
Dù sống trong tu viện hay trong rừng, người tu hành vẫn đi theo cùng một con đường "giữ giới luật". Trong lịch sử đạo Phật đã xuất hiện nhiều tông phái khác nhau, nhưng hầu hết các giới luật đều giống nhau. Thầy Minh Tuệ tu với bước chân đi ngoài đường, nhưng các giới luật không khác những vị tu trong chùa. Người ta không thể nói tu cách nào chính thống hơn hoặc mang lại hiệu quả cao hơn.
Có câu chuyện hai người bạn tu ở chùa Thuparama, trong thủ đô cũ của Sri Lanka, Tích Lan. Một ông đi lên rừng để tiếp tục tu, một ông ở lại. Mười năm sau, ông bạn "lên rừng" trở về thăm tu viện cũ. Hai người cùng đi khất thực với nhau. Ông tu sĩ trên rừng ngỏ ý mời người bạn theo mình đến nơi vắng lặng, thanh tịnh hơn. Ông bạn sống ở tu viện cũng muốn thử cho biết, đồng ý. Qua cổng thành, ông thong thả bước chân hướng đi ra ngoài thành phố, ông tu sĩ trên rừng ngạc nhiên hỏi :
- Anh đi đâu ?
- Tôi mới nói rằng tôi đi theo anh mà !
- Nhưng anh không trở lại tu viện lấy vật dụng, hành lý của mình hay sao ?
- Tôi chỉ có một cái giường và một cái ghế, cả hai đều thuộc về tu viện. Tôi không có cái gì khác.
- Nhưng tôi còn để lại trong chùa mấy thứ, một cây gậy, cái ống đựng dầu và cái túi đựng dép.
- Anh mới về đây có một ngày mà được cúng dường nhiều thứ nhỉ !
Ông tu sĩ trên rừng thú nhận : "Anh không cần phải đi với tôi. Anh ở đâu thì cũng như ở trong rừng",
Đạo Phật không phải chỉ là một niềm tin mà trước hết là hành động. Phật tử Việt Nam nói "tu hành", tu là một hành động. Hành động đầu tiên là rời khỏi gia đình để đi tìm đường thoát khổ, như chính đức Phật đã bắt đầu, khi hơn 30 tuổi. Phật tử dùng chữ "xuất gia" để gọi những người đi tu. Nhưng có những vị bồ tát, như Duy Ma Cật vẫn sống trong gia đình.
Đức Thích Ca không phải là người đầu tiên đã "xuất gia". Ở Ấn Độ, từ ngàn năm trước đã có những người rời khỏi gia đình đi "tìm đường giải thoát". Trong những năm xuất gia đầu tiên, Đức Phật đã làm bạn với mấy vị đạo sĩ như vậy. Phần lớn họ thuộc giới "brahmana", đẳng cấp cao nhất của các tu sĩ chuyên nghiệp. Thái tử Tất Đạt Đa có lẽ là một người xuất gia hiếm hoi thuộc một đẳng cấp khác,ksatriya, tầng lớp những nhà cai trị. Kế đến đẳng cấpvaisya, chuyên lo sản xuất và thương mại. Sau này, Phật thu nhận các đệ tử không phân biệt đẳng cấp, một cuộc cách mạng trong xã hội Ấn Độ.
Một người xuất gia rời bỏ gia đình, sống một mình để tu tập, một truyền thống đã có từ trước thời đức Phật. Những người đó được gọi là sramana (sa môn, phát âm theo chữ Pali là samana). Các "sa môn" chỉ theo đuổi một mục đích trong đời là cầu tiến, cải thiện lâm linh. Cùng thời với Đức Phật, một truyền thống khác ở Ấn Độ là phái "Jain" và một số chi phái Ấn Độ Giáo cũng xuất hiện các sa môn như vậy. Truyền thuyết kể rằng khi Thái tử Tất Đạt Đa đi qua bốn cổng thành, chứng kiến các hiện tượng lão, bệnh, tử, ngài đã gặp một sa môn và thấy người đó an lạc, hạnh phúc.
Từ trước thời Đức Phật đã có những người "từ bỏ cuộc sống bình thường" (samnyasin), ra khỏi nhà để "tầm đạo". Họ không còn đóng vai phần tử trong một gia đình cũng như trong cả xã hội ; họ không làm một công việc sản xuất hay thương mại, sống nhờ khất thực. Đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, phong trào này khá lớn khi Đức Thích Ca tham gia, theo Rupert Gethin, giáo sư Tôn giáo Ấn Độ tại Đại học Bristol, Anh Quốc, trong cuốnThe Foundation of Buddhism.
Thầy Minh Tuệ đang đi theo con đường như Đức Phật ngày xưa. Hiện tượng này sẽ nhắc nhở các Phật tử Việt Nam nhìn lại một truyền thống hơn 2.500 năm trước. Một bài học hiển nhiên ai cũng thấy là con người có thể sống hạnh phúc mà không cần chạy đuổi theo của cải, danh vọng, quyền hành. Thầy Minh Tuệ nhắc nhở bài học rất giản dị là : "Mọi người hãy cố gắng giữ 5 giới : không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu". Ai cũng có thể tập theo năm giới, dù vẫn sống đời bình thường, và thấy mình hạnh phúc hơn.
Người xuất gia có thể vào trong rừng sống một mình. Thầy Hư Vân, người Trung Hoa trong thế kỷ 19, 20 đã bắt đầu như vậy. Thân phụ thầy chỉ có một con trai, đã cưới cho con hai cô vợ để bảo đảm có cháu nối dõi tông đường. Thầy đã thuyết phục cả hai cô dâu cùng tiết dục như mình, rồi thầy bỏ nhà vào sống trong rừng. Đến một ngày, một vị hòa thượng đi qua, khuyên thầy nên đến một tu viện, sống theo các giới luật thì mới học đạo được đầy đủ, thầy đã nghe lời, rồi trở nên một đại sư đi giảng dạy khắp nơi, sống đến 120 tuổi.
Sống trong tu viện, người ta sẽ có cơ hội học những giáo pháp như Tánh Không, như Lý Duyên Khởi, vân vân. Những người sống một mình và chỉ đi ngoài đường sẽ không có cơ hội, tự mình khó tìm ra, khó chiêm nghiệm và thực chứng những giáo nghĩa sâu xa đó.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 20/06/2024
Có những ngày tháng không thể nào quên, bởi ngày tháng chứa bão nổi của nhân loại, ngày tháng làm xới tung vỉa quặng lịch sử, ngày tháng làm tan nát tâm can, ngày tháng làm cho cái nhìn của bạn về thế giới trở nên đảo chiều đột ngột, rơi bâng quơ...
Hình ảnh của ngài Thích Minh Tuệ như một cơn sấm động, một tia chớp rạch ngang bầu trời làm lộ ra không biết bao yêu ma quỉ quái.
Có những ngày tháng con người trở nên nhỏ nhoi tội nghiệp trước lịch sử và lịch sử trở nên bé mọn với sự thật, và sự thật trở thành trò chơi lắc léo càng cua...
Những ngày tháng Năm, tháng Sáu trôi qua với cảm thức như vậy, nó vây bủa con người trong cái vỏ bọc kì dị của nó, chưa bao giờ như vậy.
Từ việc cả nước, mà nói chung là cả tôn giáo đang trở nên tệ hại, nhặng xị bởi những kẻ mượn danh thực hành tôn giáo và thực hành lãnh đạo tôn giáo. Điều này khiến người ta nghĩ đến cơ mạt pháp và tuyệt nhiên mất niềm tin, tuyệt vọng đến đỉnh cùng vì những điều tưởng chừng thiêng liêng.
Thế rồi xuất hiện một vị chân tu, vị ấy sinh ra, lớn lên và xuất hiện ngay trong cái chốn mà người ta khó tin rằng có thể xảy ra điều ấy. Vị ấy sinh ra trong môi trường cộng sản xã hội chủ nghĩa, sống và học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, phục vụ quân đội xã hội chủ nghĩa, làm công ăn lương trong cơ chế xã hội chủ nghĩa, đó là chưa muốn nói đến gốc gác xã hội chủ nghĩa mà ba mẹ của vị này đã mang từ phía Bắc vĩ tuyến 17 vào Nam... Có một ngàn lẻ một lý do và cơ sở để nói rằng gia đình của công dân Lê Anh Tú (tục danh của Thầy Thích Minh Tuệ) là một gia đình xã hội chủ nghĩa.
Thế nhưng, chính từ mảnh đất chết này, chính từ mảnh đất thiếu vắng tình người và giàu lòng thù hận, chính từ mảnh đất luôn có sẵn các loại bẫy với đồng loại nhưng không mấy ai dám chìa tay, chính từ mảnh đất mà con người luôn phải nói chuyện với nhau bằng chiếc mặt nạ, gắn một nụ cười mặt nạ với nhau để tồn tại này, hạt mầm từ tâm vẫn đủ sức tồn tại, sinh trưởng và sum suê tán lá, mập mạp thân cây, vững chãi rễ cành.
Cái điều tưởng chừng như không tưởng này đang hiện hữu, ngay trong lòng đất nước xã hội chủ nghĩa, khiến cho hàng triệu con người phải giật mình, đặc biệt là các đảng viên cộng sản. Họ giật mình bởi bỗng dưng xuất hiện một thứ thế lực mềm quá khủng khiếp, nó như vũ bão quét tan mọi thứ giá trị xã hội chủ nghĩa, mọi thứ giá trị vật dục, mọi chủ thuyết vật chất họ dày công xây dựng mấy mươi năm sau khi thừa kế một bề dày khác cả trăm năm, những tưởng làm nên diện mạo, căn cơ cho xứ Việt này.
Và họ giật mình bởi họ những tưởng rằng con người của họ vốn dĩ rất vững chãi về tư tưởng, một loại tư tưởng lấy chủ nghĩa vật dục làm kim chỉ nam, hướng nhân loại đến với các giá trị vật dục... Bỗng có một ngày, một con người na ná vô gia cư, một con người na ná bần cố nông, một con người na ná đấu tranh cho lý tưởng, sống và chết cho lý tưởng, một con người na ná kiên định lập trường... bỗng xuất hiện và khiến cho mọi giá trị chao đảo trong chính họ.
Không thiếu các đảng viên sẵn sàng vứt bỏ hình ảnh khệnh khạng, bệ vệ, và vứt mọi lớp vỏ bọc để đi đến lựa chọn đảnh lễ một vị sư mà giáo hội nhà nước không công nhận.
Và họ thừa hiểu rằng việc chọn hành vi đảnh lễ một vị sư mà trong mắt các nhà kĩ trị và trong mắt của những kẻ có quyền thế trong giáo hội nhà nước là cái gai, là kẻ gây mất ăn mất ngủ... thì chẳng khác nào tự trói chân sự nghiệp của mình, tự biến mình trở thành một cái gai khác trong các đồng chí gồm cả cạo đầu và đầu xanh. Nhưng họ đã chọn như vậy.
Sự lựa chọn của họ đến từ một cuộc đại ngộ, một sự bừng tỉnh trong giá trị tương đương mà lý tưởng của họ lâu nay bị bọc một lớp vỏ không thể nhận biết được, một lớp vỏ không rõ hình dạng nhưng nó lại khiến cho mọi thứ trở nên lu mờ và mất đi nhận dạng. Nói khác đi, hình ảnh của ngài Thích Minh Tuệ như một cơn sấm động, một tia chớp rạch ngang bầu trời làm lộ ra không biết bao yêu ma quỉ quái.
Và song hành với tia chớp này là một cái cây đã mọc lên, một cái cây mà hạt giống của nó là cốt lõi nhân loại, tức Yêu Thương lâu nay bị kìm nén, bị chôn vùi dưới lớp đất đá của các lý thuyết vị kỉ và thực dụng.
Hình ảnh Thích Minh Tuệ như một chứng minh, một phản đề lâu nay thiếu vắng trong hành trình tiến bộ của dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung. Ông lấy cái "không có gì của mình" để chứng minh cho những cái tưởng chừng như chân lý, tưởng chừng như "tất cả" trở thành cái "không có gì".
Và đáng nói là cái "không có gì" của ông chưa bao giờ được lập ngôn để chứng minh cho những mệnh đề đang bị xô ngã. Nó như một cái cây mọc dưới mặt trời, dưới cơn nắng gắt và chói chang, bóng mát của cái cây khiến cho mọi sự nhìn thấy trở nên mềm mại và đáng yêu, trở nên nhẹ nhàng và từ tâm, trở nên bình dị đến độ dung dị, chẳng có gì cả.
Và vô tình hay hữu ý cũng chưa rõ, song hành với câu chuyện Thích Minh Tuệ, có nhiều câu chuyện khác xuất hiện, những câu chuyện thâm cung bí sử, tưởng chừng như con người bình thường không bao giờ chạm tới được bỗng dưng trở thành chuyện khôi hài, chuyện hề, chuyện mua cười rẻ tiền.
Và, cũng chưa bao giờ người ta trở nên ngạc nhiên, bất ngờ, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong một chuỗi Domino tình cờ, lịch sử trở thành chuyện ngẫu nhiên tình cờ.
Thế giới trong con mắt người hôm nay có thể bỗng dưng ngờ nghệch đáng cười, xô bồ và rẻ rúng, thế giới cứ như một loại hiệu ứng đám đông gây nghi kị và khiến nhiều người bỗng dưng biết mắc cỡ.
Nhưng cũng trong chính cái thế giới xô bồ, hỗn độn ấy lại hàm chứa một thứ gì đó vượt ngoài khả năng dự đoán của con người, vượt ngoài mọi thước đo văn hóa hay nhân cảm. Nó đến một cách đầy đặng và bất ngờ trong bước chân khệnh khạng mà non nớt của nó.
Nó khiến cho mọi qui chuẩn và thước đo về giá trị chính thống cũng như mọi thước đo quyền lực đều trở nên mờ nhạt một cách không có lý do.
Và điều ấy không phải chỉ riêng Thích Minh Tuệ hay một vị nào đó làm được. Nó chỉ cho thấy rằng các giá trị chân như, các giá trị thật của nhân loại vẫn có chỗ đứng riêng của nó, một chỗ đứng đầy cô đơn và huyền nhiệm, một chỗ đứng mang hình hài và sức sống riêng.
Chưa bao giờ có một mùa hạ giàu ý nghĩa và độc đáo, bất ngờ như mùa hạ năm nay. Vẫn còn biết bao điều ở phía trước. Cuộc đời tươi đẹp cho dù nhân loại không thiếu kẻ ăn thịt người, cuộc đời tươi đẹp cho dù hơn ba phần tư đã phủ gai góc của tâm địa hiểm ác, cuộc đời tươi đẹp bởi các giá trị thật của nhân loại vẫn luôn được đón nhận theo đúng cách thế của nó.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 18/06/2024
Bạch hóa ngày tháng sanh của ông Lê Anh Tú và tên ngôi chùa cụ thể là bước đầu tiên nên làm
Trước khi trở thành "hiện tượng tôn giáo" có một không hai về việc đi khất thực theo trường phái Hạnh Đầu Đà, ông Thích Minh Tuệ đã nhiều lần làm việc này nhưng không gây tăm tiếng và tai tiếng nào cả.
Thích Minh Tuệ đi khất thực theo trường phái Hạnh Đầu Đà
Theo wikipedia cho biết [1] : Ông Lê Anh Tú sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn (có nguồn ghi xã Kỳ Tân), huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Ông Tú là con thứ hai trong một gia đình có bốn người con. Năm 1994, ông ta cùng gia đình chuyển đến xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai lập nghiệp. Ông Tú lấy pháp danh là Thích Minh Tuệ, từng có thời gian ngắn tu tại chùa nhưng mập mờ về tên chùa. Trước đó, ông Tú là một địa chính viên.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin [2] : Ngày 10/6/2024, thiếu tướng Rah Lan Lâm - giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, xác nhận Công an tỉnh đã cấp căn cước công dân cho ông Lê Anh Tú (thường gọi Thích Minh Tuệ). Ông Tuệ nhận căn cước công dân vào chiều ngày 8/6/2024.
Điều lẽ ra nên làm - khi giao căn cước cho công dân - phía công an tỉnh Gia Lai và báo Tuổi Trẻ nên trình bày rõ ràng ngày tháng năm sinh của Lê Anh Tú, bởi vì muốn hay không, ông Tú đã là "người của công chúng", với sức ảnh hưởng có thật, tính trên con số hàng triệu người ngưỡng mộ gần 2 tháng qua.
Chi tiết hóa rõ ràng và thật về ngày tháng ông Tú chào đời, sẽ trở thành yếu tố quan trọng căn bản và đầu tiên. Nếu quả thật, ông ta sanh trùng ngày với ông Hồ Chí Minh, truyền thông sẽ khẳng định ngay sự trùng hợp ngẫu nhiên, để đánh tan dư luận, tính cho đến nay vẫn mập mờ và càng tạo cơ hội cho những "đám mây mù" về nhân thân ông Tú lẩn khuất quanh ngày 19 tháng Năm mà vô số người thêu dệt, lồng ghép tựa như ông ta là hiện thân của ông Hồ Chí Minh. Trong trường hợp, ông Tú sanh khác ngày 19/5, sự việc lồng ghép, cố tình gây nhiễu loạn nhơn tâm càng bị đánh bạt tất thảy.
Bên cạnh ngày tháng năm sanh, giới công an cũng nên làm rõ quãng thời gian ông Tú đã từng xuất gia tại chùa nào với thời gian bao lâu. Chi tiết căn bản này và chi tiết ngày tháng chào đời của ông Lê Anh Tú là điều rất cần làm rõ, trong hoàn cảnh hiện nay. Bởi việc ông Tú gọi là "tự nguyện" dừng khất thực và "ẩn tu" ngỡ mọi chuyện đã xong. Nhưng tin mới nhứt vào ngày 13/6/2024 của báo Thanh Niên [3] cho biết "Hàng ngàn lượt người đổ về nơi tu tập của ông Thích Minh Tuệ" cho thấy, người dẫn vẫn săm soi và bám sát ông Lê Anh Tú, không khác một báu vật thất lạc vừa được tìm lại.
Việc nói trên quá dễ nhưng rất tiếc giới công an và báo chí không làm để [4] "mong mọi người cũng việc ai nấy làm" từ ông Lê Anh Tú được như ý nguyện - như báo Dân Trí đưa tin ngày 12/6/2024.
Gần nửa thế kỷ, tính từ năm 1975, hầu như người dân nào cũng tỏ tường, khi sống trong xã hội Việt Nam ngày nay :
1. Không hình thành tổ chức nếu Đảng cộng sản Việt Nam không cho phép.
2. Không tụ tập đám đông mang tính chính trị và mang tính tôn giáo nếu Đảng cộng sản Việt Nam không cho phép.
Ngày 12/6/2024, đài RFA đăng trên fanpage dòng status [5] : Dân biểu Mỹ Michelle Steel lên án hành xử của chính quyền Việt Nam với sư Thích Minh Tuệ.
Ngày 14/6/2024, báo Công an Nhân dân có bài [6] "Minh chứng phản bác các nhận định sai lệch trong "Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2024" của USCIRF", trong bài báo này khẳng định : "...Ngày 1/5/2024, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) - một tổ chức do Chính phủ Mỹ lập nên đã công bố cái gọi là 'Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024' với những thông tin phiến diện, sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam…".
Tóm lại, bạch hóa ngày tháng ông Lê Anh Tú chào đời, cùng việc tu hành tại ngôi chùa nào trước khi đi khất thực, chắc chắn sẽ là bước đầu tiên để dân chúng hiểu rõ ông Lê Anh Tú chỉ là người phàm đang tự tu học như Thích Minh Tuệ đã tuyên bố rõ ràng.
Nam Gia
Nguồn : RFA, 14/06/2024
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Minh_Tu%E1%BB%87
[2] https://tuoitre.vn/video/ong-le-anh-tu-thich-minh-tue-nhan-can-cuoc-cong-dan-162518.htm
[3] https://thanhnien.vn/hang-ngan-luot-nguoi-do-ve-noi-tu-tap-cua-ong-thich...
[5] https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/pfbid0okqp7YDTxJFdU8BsfS7GwZhe...
[6] https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/minh-chung-phan-bac-cac-nha...
*****************************
Thầy Thích Minh Tuệ, trùng trùng kiếp nạn "tự do tôn giáo Việt Nam"
Gió Bấc, RFA, 13/06/2024
Theo Tây Du Ký, Đường Tăng phải vượt qua 81 kiếp nạn mới được Niết bàn. Nước Đại Đường xưa kém văn minh chưa có tự do tôn giáo nên vua Đường Thái Tông trao văn điệp và bát vàng, bạch mã cho thầy Huyền Trang đi thỉnh Kinh mà không xét lý lịch xem thầy có đăng ký với giáo hội hay chưa. Điệp văn cấp để giao thiệp đối ngoại, còn trong nước khắp nơi thầy đi qua chính quyền đều cung thỉnh. Kiếp nạn của Huyền Trang chỉ do bọn yêu ma.
Thầy Huyền Trang đi thỉnh Kinh, phải vượt qua 81 kiếp nạn mới được Niết bàn.
Ở Việt Nam tự do tôn giáo hiện nay, nhà sư đầu trần chân đất, bị kiếp nạn ngay từ chính triều đình và giáo hội. Chỉ trong vòng nửa tháng qua, thầy Minh Tuệ đột nhiên hai lần đột ngột "tự nguyện ẩn tu" : đêm 2 rạng 3/6 và đêm 13/6. Từ Huế, 72 vị đồng tu bỗng nhiên được phép màu Cân Đầu Vân của Tôn Ngộ Không đưa đi tản mác kẻ ra Hà Tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa, người vào tận Quảng Nam, Bình Định chỉ trong đêm 2/6. Sau kiếp nạn tan đàn lạc nghé, một số vị đồng tu lại tiếp tục bộ hành hàng trăm cây số tìm nhau, tìm thầy. Sau 5 ngày ẩn tu bí mật để làm căn cước công dân, thầy Minh Tuệ bất ngờ xuất hiện trên VTV qua hai clip trả lời phỏng vấn đầy tranh cãi về sự trung thực, cắt ghép về bối cảnh và nội dung câu chuyện. Các đoạn đối thoại chắp nối rời rạc giữa người hỏi kiêm bình luận và người trả lời.
Như để chữa cháy, truyền thông nhà nước đưa hai clip có vẻ chân thực hơn về Thầy Minh Tuệ nhận căn cước công dân và phóng viên báo Người Lao Động phỏng vấn. Xâu chuỗi nội dung các clip cho thấy phía truyền thông nhà nước gợi ý cài cắm để thầy Minh Tuệ thừa nhận tự nguyện ẩn tu và dừng bộ hành do tác hại của việc tụ tập đông người. Thậm chí gợi ý tạo điều kiện cho Thầy đi Ấn Độ thăm quan đất Phật. Thầy Minh Tuệ trước sau khẳng định nguyện vọng muốn bộ hành tu tập hạnh Đầu Đà. Thầy cũng thật thà ý nhị bộc lộ từng có ước mơ bộ hành sang Ấn Độ. Lời lẻ nhẹ nhàng ấy cho thấy ý chí của Thầy chưa bao giờ muốn ngừng bộ hành, ẩn tu. Dù sao, những hình ảnh cho thấy chừng như chính quyền đã cởi mở đồng thuận cho thầy Minh Tuệ tiếp tục tu tập trong sự quản lý của địa phương.
Thông tin trên mạng cho thấy, thầy Minh Tuệ dọn dẹp căn chòi nhỏ trong vườn sầu riêng của người em út, nơi thầy từng ở nhiều năm trước để làm nơi cư trú và tiếp đón phật tử, người đồng tu.
Tiếp đó, trong ba ngày 11,12, 13/6 thầy được đi khất thực hạn chế vài tiếng đồng hồ trong không gian thôn xã của làng quê nơi cư trú. Khu vực này được bảo vệ chặt chẻ bởi nhiều chốt công an nhưng tiếng vang nhanh chóng thu hút hàng ngàn phật tử khắp nơi kéo về chiêm bái. Dù đây là một xả hẻo lánh của Gia Lai nhưng Phật tử đứng ven đường và đi theo thầy Minh Tuệ dài hàng cây số. Nhiều đoàn Phật tử khắp nơi đã đổ về Gia Lai làm tự thiện. Xe khách, máy bay và khách sạn ở Gia Lai cháy vé. Có người còn mau mắn nghĩ đến việc chớp thời cơ phát triển Gia Lai thành trung tâm du lịch tâm linh.
Ngày 13/6 các thầy Minh Nhuận, Tuệ Minh, Minh Tạng, Minh Chiến đã lần lượt tới được Gia Lai và được tin đã gặp thầy Minh Tuệ. Nhóm các thầy Giác Ngộ, Minh Tự… đang bộ hành trên đèo Lò Xo cách Gia Lai 200km được xe biển xanh của Công an đón để đưa về Gia Lai gặp thầy Minh Tuệ theo nguyện vọng. Cứ ngỡ như sau chặng đường dài hàng trăm cây số tìm kiếm các thầy sẽ gặp nhau nhưng tiếp đó có nhiều dấu hiệu bất thường. Nhóm các thầy Minh Trí, Chơn Trí, Minh Thành cũng đang bộ hành trên đèo Lò Xo thì không còn tin tức.
Sư A Na cùng đi với hai bạn đồng tu mới bỗng dưng mất tích gần một cây xăng. Hai người đồng tu đón xe đò bỏ dở hành trình.
Trong đêm này, em trai thầy Minh Tuệ chủ mảnh vườn sầu riêng nơi thầy Minh Tuệ nương náu lại thông báo Minh Tuệ đã ẩn cư nơi khác. Chắc hẳn lần này sẽ ẩn tu lâu hơn và mức độ tan đàn lạc nghé sẽ triệt để hơn.
Xâu chuỗi các sự kiện có thể thấy rằng có kế hoạch liên hoàn phổi hợp. Có người tung tin qua các Youtuber, mượn lời sư Minh Nhuận kêu gọi các bạn tìm xe đi về Gia Lai. Có người truyền tin, tìm xe cho các thầy và "tình cờ" xe Công an trờ tới đón. Chiến dịch "tự nguyện ẩn tu" đêm 2/6 hàng trăm người bủa lưới vây một điểm nghỉ đêm của các sư. Chiến dịch ngày 13/6, do các thầy tản mác nhiều nhóm, nhiều nơi, màn lưới "tiếp đón" giăng rộng từ Gia Lai lên đến đèo Lò Xo và nhiều nơi khác kéo dài hàng trăm cây số. Quy mô gấp nhiều lần so với trước. Nếu cựu tướng Đỗ Hữu Ca Hải Phòng có mặt ông sẽ khen "Đây là trận đánh tuyệt đẹp". Có lẽ nguyện vọng tiếp tục bộ hành tu tập theo hạnh Đầu Đà của thầy Minh Tuệ và các đồng tu sẽ là thách thức khó có thể vượt qua.
Sư Minh Tuệ độc hành từ năm 2019, không nhận cúng dường tiền bạc, chìm lỉm giữa đất nước tự do tôn giáo phát triển với làn sóng chùa to - Phật lớn, cúng dường tiền chẵn… nên chỉ bị những kiếp nạn lẻ tẻ : người ta không cho ăn, xô đuổi, đánh vào mặt… Phẩm hạnh từ bi vô lượng thầy cầu mong cho người ta hạnh phúc nên kiếp nạn ấy đều qua.
Ấy nhưng khi giới truyền thông xã hội phát hiện, phật tử sùng kính, dư luận chú ý ngày càng tăng thì kiếp nạn của ngày càng lớn.
Tinh thần xả ly tuyệt đối, theo hạnh Đầu Đà rủ bỏ thế danh, đốt bỏ giấy tờ tùy thân, xem cha mẹ ruột bình đẳng với bao nhiêu người khác, không vướng mắc trong giáo phái, tự viện nào chỉ tu theo lời Đức Phật, thầy Minh Tuệ đã vướng vào kiếp nạn căn bản nhất của "tự do tôn giáo Việt Nam", tu mà không đăng ký với giáo hôi quốc doanh của nhà nước. Thầy Minh Tuệ không phải người đầu tiên cũng không phải cuối cùng.
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất ra đời từ năm thập kỷ 1960, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy ra đời từ năm 1939 đến nay vẫn bị đàn áp lên bờ xuống ruộng vì cái tội không đầu phục quốc doanh, ông cụ Lê Tùng Vân hơn 90 tuổi còn bị quy chụp giả sư, loạn luân. Thầy Minh Tuệ không thể thoát vòng kim cô đó. Giáo hội tuyên án Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập ở bất kỳ cơ sở nào mặc dù cả thế giới ngưỡng mộ phẩm hạnh Đầu Đà của ngài Minh Tuệ. Một tiến sĩ cao tăng quốc doanh không nhận cúng dường tiền lẻ gọi ông là "thằng ba trợn". Thượng tọa Thích Minh Đạo chỉ vì tình thật, tán thán phẩm hạnh của ông đã bị cấp trên cho "tự nguyện từ chức", quỳ lại sám hối chư tăng và biệt chúng nhập thất ngay trong lúc an cư kiết hạ.
Phẩm hạnh của sư Minh Tuệ như tấm gương làm lộ mặt ma tăng, sàm tăng đang đầy rẩy chi phối giáo hội quốc doanh tạo ra dư luận phản cảm. Pháp tu khổ hạnh của sư như luồng ánh sáng mầu nhiệm soi vào hố đen tham lam hôn ám, đã đập bể nồi cơm cúng dường phước báu của chư vị quan tu. Báo Giác Ngộ đã có bài than thở Vì sao nên nỗi ? Cái nỗi ấy là "Chùa dạo này vắng quá !" (1).
Với thể chế độc tài, tiếng vang, sự ngưỡng mộ quá lớn, quá mạnh mẽ của công chúng với thầy Minh Tuệ là điều không thể chấp nhận, không thể tồn tại trong nền "tự do tôn giáo Việt Nam". Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập đạo Phật giáo Hòa hảo đã "vắng bóng" từ năm 1947 khi đi họp với Việt Minh bàn việc hợp tác kháng chiến ở Đốc Vàng. Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập hệ phái Khất sĩ cũng vắng bóng từ năm 1954 ở Cái Vồn. Tiếng tăm da thịt của nữ hoàng nội y Ngọc Trinh cũng đủ cho em cái án tù lãng nhách. Ngay trong đảng, đệ nhất khai quốc công thần, đệ nhất danh tướng "Điện Biên Phủ chấn động năm châu rung động đia cầu" cũng có lúc bị làm nhục nên có thơ rằng "Ngày xưa đại tướng cầm quân, ngày nay đại tướng cầm quần chị em".
Vì vậy, cách tu hành và phẩm hạnh từ bi hỉ xả của thầy Minh Tuệ càng cao quý, càng được kính ngưỡng thì càng nguy hiểm cho nhục thân của Thầy.
Có người cho rằng cái xử sự nhẹ nhàng với thầy Minh Tuệ sau ngày 2/6 là nhờ trận lôi đình hơn 10.000 tia sét đánh vào Hà Nội ngày 5/6 và cơn mưa như hồng thủy ở Đại Nội Huế ngay trước giờ khai mạc Festival. Các quan chức anh minh thời nay vốn thiếu niềm tin vào sự thiện lương, chân lý nhân quả nhưng thừa mê tín vào phước báo theo biện luận của đám ma tăng. Thầy bói Hồ Hữu Hòa đã xuyên thủng lá chắn cấp hàm tướng tá. Mộ Võ Thị Sáu luôn tấp nập hương hoa cúng vái. Bái Đính, Ba Vàng đầy rẫy cây cổ thụ mang tên lãnh đạo.
Nhà tu mang tầm quốc tế như hòa thượng Huyền Diệu Tiến sĩ khoa thần học tại Đại học Sorbonne, Pháp, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo quốc tế Lâm Tỳ Ni hết lời tán thán thầy Minh Tuệ (2).
Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia vinh danh Thích Minh Tuệ và ghi nhận rằng "Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chấp nhận gọi ông là "tu sĩ Phật giáo", tuy nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công nhận điều này và khen ngợi ông hội đủ phẩm hạnh cho danh xưng đó. Đồng tình với việc gọi Thích Minh Tuệ là tu sĩ, dù chính ông không tự nhận mình như thế, các nhà quan sát nhận định việc đánh giá một cá nhân có phải là tu sĩ hay không không phụ thuộc vào sự đồng ý của bất kỳ tổ chức nào" (3).
Quyền lực thế tục của nhà nước cộng sản có thể bôi đen thêm lần nữa mỹ từ "tự do tôn giáo Việt Nam" bằng cách giam hãm hành hạ nhục thân, quyền tự do của thầy Minh Tuệ, thậm chí có thể làm Thầy "vắng bóng". Nhưng tấm gương sáng trong và pháp hành chánh đạo của Thầy đã khai mở, lay động tâm từ chỉ ra con đường chuyển hóa tham sân si hướng đến sự an nhiên giải thoát. Giá trị ấy không thể đảo ngược !
Có người hỏi nếu ai đó xin Thầy một phần thân thể thầy sẽ làm sao ? Minh Tuệ trả lời "Con chỉ xin được 10 ngày để thanh lọc cơ thể thật tinh khiết. Sau đó ai muốn lấy gì cứ lấy !". Với đại nguyện tận hiến ấy thì khó thách thức nào cưỡng ép được.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 13/06/2024
1.https://giacngo.vn/vi-dau-ra-noi-nay-post70771.html
2. https://www.niemphat.vn/ht-thich-huyen-dieu-noi-ve-su-thich-minh-tue
‘Hiện tượng Thích Minh Tuệ’ bừng sáng giữa thời điểm được xem là thời mạt pháp tại Việt Nam với những nhiễu nhương, lộng hành làm lung lay niềm tin của Phật tử. Nhưng ‘hiện tượng Thích Minh Tuệ’ đã nhanh chóng bị nhà cầm quyền mạnh tay trấn dẹp. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau khi cuộc bộ hành được nhiều người chú ý của ông phải đột ngột dừng lại vào sáng 3/6, và cách chính quyền phản ứng với ‘cơn sốt Thích Minh Tuệ’ đã gây ra nhiều nghi vấn.
Người dân cần giải đáp những gì, và họ đang trông chờ những gì ? VOA ghi nhận quan điểm của những người trẻ Việt Nam.
Nguồn : VOA, 10/06/2024
Bốn ngày sau khi lực lượng công an Việt Nam bố ráp đoàn khất sĩ trong đêm và đưa sư Thích Minh Tuệ đi mất, một nhóm các nhà hoạt động đã cùng ký vào một lá đơn đề nghị minh bạch thông tin về vị tu hành này.
- Thịnh Nguyễn/PL-TPHCM RFA edited
Đơn đề nghị được cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng soạn thảo và công bố trên trang Facebook cá nhân vào sáng ngày 07/6 để thu thập chữ ký.
Lá đơn sẽ được gửi đến Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an và Công an các tỉnh có liên quan đến ông Minh Tuệ, như Thừa Thiên-Huế là nơi xảy ra sự việc, Hà Tĩnh là nơi ông sinh ra, và Gia Lai là nơi ông đăng ký thường trú trước khi xuất gia.
Dẫn lại thông tin về cuộc bố ráp trong đêm qua lời kể của các khất sĩ, những người đồng ký tên cho rằng : "Từ đó đến nay, không ai còn thấy thầy xuất hiện, cũng không ai biết rõ thầy đang ở đâu và tính mạng của thầy ra sao, cũng như không có thông báo chính thức từ chính thầy Thích Minh Tuệ phát ra, mà chỉ thấy từ các cơ quan truyền thông báo chí nhà nước 'nói thay' cho thầy Thích Minh Tuệ".
Đồng thời nhấn mạnh "việc một công dân Việt Nam bị mời đi bởi nhà cầm quyền ngay trên đất Việt Nam và sau đó không xuất hiện nữa đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự minh bạch của Nhà nước".
Dẫn các quyền công dân và quyền con người trong Hiến pháp 2013 cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết, những người ký tên đề nghị nhà chức trách công bố lý do bắt ông Minh Tuệ và đồng đạo nhằm tránh suy đoán sai trong dân.
Họ cũng đề nghị các cơ quan công an công bố đoạn băng hình có âm thanh buổi làm việc với sư Minh Tuệ cũng như tình trạng an nguy hiện nay của ông.
Ông Nguyễn Viết Dũng hôm 07/6 chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) :
"Mặc dù thầy Minh Tuệ đã xác định kể cả tấm thân của thầy, thầy cũng sẵn sàng buông bỏ. Nhưng đấy là suy nghĩ của thầy, còn những người yêu mến thầy bày tỏ sự lo lắng quan tâm đến sự an nguy của thầy, quan tâm đến việc bây giờ thầy ra sao.
Những gì đã xảy ra trong đồn công an là những điều mà bất kỳ người nào yêu mến thầy cũng đều muốn biết và tôi cũng không là ngoại lệ".
Bản thân từng bị cơ quan an ninh tỉnh Nghệ An bắt cóc hai lần trong năm 2017, nhưng sau đó công an lại nói ông tự nguyện đến đồn công an làm việc, ông Dũng nghi ngờ về việc vị tu hành này "tự nguyện dừng khất thực" như tuyên bố của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Tu sĩ trẻ Minh Hải ở thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng nhà chức trách cần cho biết về tung tích của sư Minh Tuệ. Ông nói với RFA :
"Để trấn an dư luận, để yên lòng dân chúng thì nhà cầm quyền nên đưa một số hình ảnh của ông Tuệ đang an toàn ở (đâu) đó, người ông không bị bệnh tật hay không bị đánh đập hay là xiềng trói buộc gì cả thì sẽ tốt hơn.
Nếu mà trong cái video đấy ông cũng xác nhận là ông tự nguyện dừng bước thì sẽ là tốt hơn, chứ bây giờ không hề có thông tin chính xác gì từ ông Minh Tuệ để nói rằng ông dừng bước".
Tu sĩ này cũng cho rằng, việc chính quyền buộc sư Minh Tuệ phải ẩn tu ở một địa điểm nào đó có thể dẹp được tình trạng ùn tắc giao thông mỗi khi có đoàn của sư đi qua như thời gian qua và hạn chế các cá nhân dựa theo đó để trục lợi.
Tuy nhiên, theo ông "Điều không tốt là, theo hạnh nguyện của ông Minh Tuệ, ông muốn đi hành khất để gieo duyên cho chúng sinh, cũng là cách để mọi người thấy được vẻ đẹp của Phật giáo. Do vậy, bây giờ ông không được đi nữa thì đó là điều xấu cho ông ấy".
Phóng viên gọi điện thoại cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để hỏi về lá đơn nêu trên, người trực điện thoại từ chối trả lời qua điện thoại, yêu cầu nộp văn bản trực tiếp.
Một luật sư ở Sài Gòn không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh khẳng định, việc người dân quan tâm và muốn biết tình trạng hiện nay của sư Minh Tuệ, hoặc có bị cơ quan chức năng xử lý hay không là nhu cầu chính đáng. Ông nói :
"Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời chất vấn và minh bạch về tình trạng của thầy Minh Tuệ cũng như sự việc đã xảy ra, vì đó là yêu cầu chính đáng cả về mặt xã hội và pháp luật".
Tuy nhiên, một nhà quan sát về Phật giáo ở trong nước không nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho rằng chính quyền độc đảng ở Việt Nam sẽ không bao giờ phản hồi đơn đề nghị này. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA :
"Thói kiêu ngạo của kẻ cầm quyền độc tài sẽ không bao giờ nhượng bộ trên bề mặt, bất kỳ ý kiến gì thuộc về sai lầm của họ".
Tuy nhiên, theo ông đơn đề nghị vẫn có thể gây tác động buộc nhà chức trách phải thay đổi cách hành xử trong vụ việc này.
"Nhưng về mặt xã hội, nếu như nhà cầm quyền đang giam lỏng ông Thích Minh Tuệ, họ cũng sẽ phải chột dạ và cho ông xuất hiện một lúc nào đó, tối thiểu qua hình ảnh, để cho thấy rằng ông vẫn bình yên.
Câu hỏi sau đó, là ông Tuệ ‘bình yên’ trong sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, hay là bình yên để tiếp tục con đường tu hành riêng, đúng theo như ý nguyện của ông ta ?"
Như đã đưa tin, ông Thích Minh Tuệ (thế danh : Lê Anh Tú) cùng hơn 70 khất sĩ bộ hành đến thành phố Thừa Thiên Huế vào chiều ngày 02/6. Khi họ gần tới trung tâm thành phố, công an chia tách đoàn ra khỏi những Phật tử đi theo và nhóm Youtuber, họ bị đưa vào một khu rừng phòng hộ thuộc xã Hương Thọ để nghỉ qua đêm.
Sáng ngày 03/6, nhiều người hoang mang khi không thấy đoàn tiếp tục bộ hành. Đến trưa cùng ngày, truyền thông nhà nước đồng loạt dẫn thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ nói thầy Minh Tuệ đã tự nguyện dừng việc khất thực sau khi làm việc với nhà chức trách.
Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 3/6, một số khất sĩ đã bất ngờ lên mạng xã hội cho biết đoàn đã bị bố ráp trong đêm ngày 2 và rạng 3/6/2024.
Theo đó, lực lượng an ninh đã xông vào khu vực đoàn khất sĩ đang ngủ và khống chế đưa họ lên xe thùng, một số người bị trói và còng. Họ bị đưa đi theo các hướng khác nhau, buộc phải ký giấy cam kết từ bỏ bộ hành và sau đó bị yêu cầu trở về bản quán.
Riêng sư Minh Tuệ bặt vô âm tín, hình ảnh cuối cùng về vị tu hành 39 tuổi trên truyền thông nhà nước là hình ảnh một viên công an đang lăn tay cho sư Minh Tuệ được cho là ở trụ sở công an tỉnh Gia Lai, trên người vẫn còn quấn y phấn tảo.
Nguồn : RFA, 07/06/2024
Ông Thích Minh Tuệ xuất hiện hơn một tháng trước đã tạo ra một hiện tượng lạ, bằng hình ảnh hàng chục ngàn người dân đeo bám và tạo vô số clip ghi lại hình ảnh "tu sĩ khất thực" theo trường phái Hạnh Đầu Đà - Một trường phái đã mai một từ cả ngàn năm qua.
Ông Thích Minh Tuệ xuất hiện hơn một tháng trước đã tạo ra một hiện tượng lạ
Tôn giáo - dù đạo nào - theo tương truyền đều dạy con người về Thiện - Ác.
Nhận định về Thiện - Ác không biết có tự bao giờ. Nhưng toàn nhơn loại gần như đồng quan điểm : Thiện là "như vầy như vầy như vầy". Ác là "như vậy như vậy như vậy". Cũng vì lẽ đó, người ta chia ra rõ rệt hai phe Chánh - Tà với quan điểm bất di bất dịch : Dù trải qua nhiều sóng gió - gian nan - nguy hiểm - cận kề cái chết v.v..., cuối cùng Thiện chắc chắn thắng Ác và Tà không thể nào thắng Chánh, cùng vô số những câu chuyện cổ tích và hiện đại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim đều được mặc định như vậy. Quan niệm đó đi vô từng cuốn tiểu thuyết - từng bộ phim - từng bài học cho con nít và cả người lớn - từng bài thuyết pháp - từng buổi cầu kinh v.v. Vô số hình ảnh và vô số lời vàng ý ngọc về Thiện - Ác của các bậc gọi là "đức cao vọng trọng" trên toàn thế giới, mà người ta dành cả đời cũng đọc không hết.
Phàm làm người, bất cứ ai cũng muốn học điều Thiện và thích hành Thiện. Ngay cả bọn tham nhũng từ cấp cao nhứt đến thấp nhứt, cho đến cả bọn buôn ma túy - buôn người - buôn lậu - cướp trộm - cho vay nặng lãi - đâm thuê chém mướn v.v. trên toàn thế giới, chắc chắn 100% chúng luôn luôn dạy con chúng điều Thiện.
Phàm làm người, bất cứ ai cũng muốn được nhìn nhận bản thân mình là người Thiện. Ngay cả bọn tham nhũng thứ dữ cho đến lèn quèn - buôn ma túy - buôn người - buôn lậu - cướp trộm - cho vay nặng lãi - đâm thuê chém mướn v.v. trên toàn thế giới, chắc chắn 100% chúng cũng muốn như vậy, với những lời sáo rỗng lòe loẹt. Chỉ cho đến khi mọi việc lòi chành ra, thiên hạ mới vỡ lẽ.
Con người - dù theo bất kỳ tôn giáo nào hoặc vô thần - cũng đều được dạy : hiếu thảo với cha mẹ - thương yêu vợ/chồng/con/cháu - làm lành lánh dữ - yêu thương đồng loại v.v. Trường học (kể cả trường của đạo Công giáo, Phật giáo và các đạo khác) luôn luôn dạy Thiện.
Vậy thử hỏi : Tại sao DẠY và HỌC điều Thiện ngập tràn trong xã hội trên toàn thế giới, từ hàng ngàn năm qua nhưng thế giới vẫn chiến tranh lan tràn - giành giựt kinh tế - tranh đoạt tài sản - thôn tính văn hóa - thao túng chính trị v.v. ?
Dưới góc độ phi chính trị, phải thẳng thắn thừa nhận, nhiều người khoác áo tu hành nổi tiếng tại Việt Nam, lại gây quá nhiều nhiễu nhương - thô lậu và thô bỉ trong vai trò giảng pháp - dạy đạo làm người, hàng chục năm qua. Những lời lẽ hoa hòe lòe loẹt của họ vốn không khác những liều thuốc ngủ "nặng đô", khiến chúng sanh trầm luân trong thói đời ô trọc mà cứ ngỡ đang làm đúng lời Phật dạy, để được hưởng phước. Làm theo lời họ tức là đang làm theo lời Phật. Cúng dường càng nhiều tiền càng có phước ! Một loại phước đức u mê mù quáng ngập tràn trong cõi ta bà, hàng chục năm qua !
Sau cơn mê man - ngầy ngật, từ những liều "thuốc ngủ nặng đô" như vậy, vốn bị ngấm độc quá lâu mà không hay biết, sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ như một liều thuốc giải độc hữu hiệu cho bá tánh. Chúng sanh như "bừng hai con mắt", vì sự chơn tâm bỗng xuất hiện bất ngờ và không mưu cầu bất cứ điều gì. Sự xuất hiện đó tựa như một cơn mưa lớn, trút xuống "cánh đồng niềm tin" khô cằn của bá tánh, bấy lâu nay. Có lẽ vì thế, hình ảnh Thích Minh Tuệ như thần tiên hạ phàm, cứu chúng sanh thoát bể trầm luân.
Sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ cũng mang cả dáng vóc tinh khôi và tươi mới lại rất chơn phương mà lâu lắm rồi, bá tánh mới được nhìn thấy lại một cô gái vẹn vẻ NÉT ĐẸP CHÂN QUÊ nguyên thủy.
Sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ cũng mang cả dáng vóc tinh khôi và tươi mới lại rất chơn phương mà lâu lắm rồi, bá tánh mới được nhìn thấy lại
Chúng sanh say đắm - đúng nguyên gốc của ngôn từ này - từ vẻ đẹp tinh khôi của Minh Tuệ với bộ Y Phấn Tảo vá chằng vá đụp, lại tạo thành xu hướng thời trang mà các nhà may nhanh chóng chộp lấy cơ hội kinh doanh có một không hai.
Có lẽ, người ta khao khát - Một nỗi khát khao về sự thật, trong vóc dáng hiền lành và thiện lương của Thích Minh Tuệ, vốn vắng bóng quá lâu và gần như mất hút trong xã hội ngày nay, bởi người người gần như chỉ biết chạy theo lợi danh, bằng mọi giá. Quý lắm ! Bởi vì quá hiếm ! Còn hơn cả vàng ròng !
Bá tánh bị thu hút mãnh liệt, còn bởi sự ung dung tự tại theo từng bước chân toát ra từ Thích Minh Tuệ. Trong dáng vóc dẻo dai đó, bá tánh nhìn thấy rõ đời sống tự do - khoáng đạt, như những áng mây trôi vô tư lự, phó mặc "bụi trần" vẫn bám riết theo. Thích Minh Tuệ không màng vật chất thường tình. Đó là tâm lý đám đông thật dễ hiểu ! Bởi văn hóa hiện nay, đẩy người Việt Nam mải miết lao về phía trước, với tiền tài và danh vọng.
Thích Minh Tuệ xuất hiện trong tư cách thần tiên hạ phàm, để giải tỏa khát khao cho người dân Việt Nam, không khác bầy chim phóng sanh, với hàng chục năm bị nhốt chật cứng trong lồng, chờ được tung cánh tự do, sau những bế tắc - vật vã - tuyệt vọng, trong xã hội toàn trị hôm nay !
Thích Minh Tuệ hiện nay không rõ tung tích, sau hơn 1 tháng "hạ phàm" như cành dương liễu của Quan Âm Bồ Tát đang vẩy nước Cam Lồ, giúp cho chúng sanh đang "khát khô cả cổ" về TỰ DO - CHÂN THẬT, nay bỗng nhiên... vụt mất.
Người ta đang tức tưởi như em bé bị đánh thức giữa chừng, từ giấc mộng thần tiên. Người ta đang lo âu cho Thích Minh Tuệ, tựa như cô gái chân quê nết na thùy mị, bỗng lỡ sa chân vào ổ quỷ. Người ta đang trông ngóng và thắc mắc cùng những kêu gọi, để đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải cho biết tung tích hiện nay của Thích Minh Tuệ...
Nam Gia
Nguồn : RFA, 07/06/2024
Hiện tượng, tác động và hiệu ứng chính trị xã hội
Các khách mời là nhà phân tích, quan sát thời sự chính trị - xã hội Việt Nam từ Hoa Kỳ và hải ngoại thảo luận hiện tượng hành giả, khất sĩ Thích Minh Tuệ thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, dư luận Việt Nam và phản ứng từ cộng đồng, xã hội, chính quyền.
Nguồn : VOA, 06/06/2024
Sư Minh Tuệ ‘đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực’, theo truyền thông nhà nước. Đây là kết quả làm việc ‘của các cơ quan chức năng sau khi gặp gỡ trao đổi’ với Sư hay do sự đốn ngộ của nhà sư… mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới ?
Sư Minh Tuệ, người tu tập theo Hạnh đầu đà trong Phật Giáo, trở thành một hiện tượng tại Việt Nam trong thời gian qua. (Hình : Screenshot from laodong.vn)
Thật khó trả lời vế thứ hai của câu hỏi, vì đa số chúng ta không phải là bậc tu hành. Còn đối với vế thứ nhất thì khỏi cần phải trả lời ! Đại chúng từng mắt thấy tai nghe hằng hà sa số các trường hợp, ai đó bị Công an bắt vào đồn rồi tử thương do ‘bị té ngã’ ; hay nhờ sự vận động cũng ‘của các cơ quan chức năng’ mà trước đây Trịnh Xuân Thanh ‘đã tự thú và ‘cũng tình nguyện về nước (?!)Cái gì đến sẽ phải đến ! Đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Con người chỉ là những hạt cát nhỏ bé trong dòng chảy thời gian. Chấp nhận sự thật này giúp ta sống an nhiên và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời vô thường này. Mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới, mỗi phép thử là một cơ hội để dân trí trưởng thành hơn ? Hãy đón nhận mọi điều với tinh thần lạc quan và niềm tin vào ngày mai.Mặc cho hàng chục YouTuber quốc doanh la làng ‘cào lưng ăn vạ’ hãy cảnh giác với thế lực thù địch (1). Sáng s ớm ngày 3/6, nhiều thông tin trên mạng cho biết, sư Minh Tuệ đột nhiên ‘biến mất’, sau khi ngài đến địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế vào buổi chiều hôm trước, không ai rõ tung tích…
Thích Minh Tuệ đã ‘chân trần chí thép’ (2) từng hành thiền ba vòng rưỡi trên các nẻo đường từ Bắc vô Nam mà chẳng cần quảng bá. Minh Tuệ chưa bao giờ nhận mình là thầy. Ngài chỉ bộc bạch, con chỉ là người học tu… Sư đã bộ hành như thế hầu như suốt 6 năm trời ròng rã, một mình. Chỉ từ đầu tháng 5 vừa qua, khi đặt chân đến Thanh Hóa thì ‘cư dân mạng’ mới bắt đầu chú ý đến thầy. Và sau hơn một tháng, số người quan tâm ban đầu là hàng trăm, rồi lên đến hàng chục ngàn và giờ này gõ vào Google ba chữ ‘Thích Minh Tuệ’, số người quan tâm đã lên đến gần trăm triệu viewers. Phép tu ‘Hạnh đầu đà’ của Sư cũng chỉ là một trong hàng vạn phép tu mà Phật pháp từng xiển dương. Thế mà bỗng dưng những ngày qua, hiện tượng Thích Minh Tuệ đã trở thành một "trend" cuồn cuộn, cuốn hút hàng loạt tu sĩ tình nguyện đi khất thực cùng Sư. Sát cánh với ‘tăng đoàn tình nguyện’ ấy là đám đông đại chúng, gồm nh ững người hâm mộ lẫn những kẻ tò mò theo sát các vị từng cung đường, dưới cái nắng như lửa thốc vào mặt và những trận mưa rào xối xả…
Thích Minh Tuệ phải chăng là phép thử từ ‘Cõi Trên’ (a test from the ‘Upper Realm’) ? Phép thử ấy hàm ý về hành động tu tập hoặc sự hiện diện của Sư và Tăng đoàn ‘tình nguyện’ quá đỗi phi thường, cuốn hút cộng đồng trong và ngoài giới Phật tử, ở cả Việt Nam lẫn quốc tế. Phép thử ấy hàm ý như một cuộc kiểm tra về mặt thế tục cũng như tâm linh, nhưng trong một số biểu hiện cụ thể, nó còn là sự giao thoa và bổ sung lẫn nhau giữa những hoạt động đời thường với các trải nghiệm siêu nhiên. Kẻ chê bai, phỉ báng Sư vẫn còn đó, ngay trên báo chí nhà nước. Nhưng rồi lời thị phi và đố kỵ, những câu chuyện vu khống và ngã mạn của họ giảm dần theo từng bước chân tăng đoàn. Có cả tu sĩ từ ngoại quốc về để gia nhập cuộc khất thực do Thích Minh Tuệ dẫn đầu. Số người tràn ra đường quá đông đảo, nơi thì xô bồ như khi qua địa bàn Quảng Trị, nơi thì được tổ chức hết sức trật tự và văn minh như lúc đoàn tiến v ào cố đô Huế.
‘Phép thử Thích Minh Tuệ’ diễn ra như một phép lạ. Phép lạ nhưng lại rất đỗi đời thường… Đúng như bình luận trên truyền thôngnước ngoài, ‘một con người xuất hiện mà làm lộ ra bao nhiêu điều’ (3). Hay như một khái quát nhiều ẩn ý : ‘Thích Minh Tuệ– người được chọn ?’ (4). Điều không hiểu nổi là phản ứng của truyền thông trong nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trên thực tế họ đại diện cho chính quyền thế tục. Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra hai công văn nói sư Thích Minh Tuệ ‘không phải tu sĩ Phật Giáo’, người đàn ông bộ hành qua các tỉnh thành đã ‘gây dư luận trái chiều ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam’. Thật là những kẻ tự ‘lấy đá ghè chân mình’ (5).Hai công văn này nói lên ranh giới giữa ‘sư quốc doanh’ với các các bậc chân tu ? Còn báo chí nhà nước, ban đầu cũng có một số bài hàm ý xúc xiểm lối tu ‘ăn bờ, ở bụi’ của thầy (6), nhưng trước các trends của đại chúng, dàn báo chí mậu dịch được lệnh ‘wait and see’, không ‘má u lửa’ như hồi đầu.Nhưng nay thì lại bắt đầu la lối om sòm tuy vẫn còn đó hiện tượng ‘vượt rào’, như toát lên một sự thức tỉnh. Đó bài trên báo Hải Dương : ‘Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ’ (7).
Cuộc đời và hành tung của Thích Minh Tuệ còn là một thử thách về đức tin, về sự kiên cường của một con người tìm đến sự giác ngộ. Hãy nghe nhà sư bộc bạch tâm can : "Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng, chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới, bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với bốn nỗi khổ : sinh, già, bệnh, chết không".
Sự hiện diện và những phát ngôn của thầy có thể được coi là sứ điệp, nhằm hướng dẫn hoặc thách thức mọi người hướng tới sự hoàn thiện bản thân. ‘Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật’, nhà sư khuyến cáo chúng sinh nên ‘cố gắng giữ năm giới : không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu, sẽ được hạnh phúc. Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới – Định – Tuệ’ (8).Tất cả các phát biểu của sư Thích Minh Tuệ trong nhiều năm qua không phải là những lời kể lể về cá nhân, đấy chỉ là những câu thầy trả lời đại chúng. Vậy mà kỳ diệu biết bao, tất cả là một tập hợp rất logic và thống nhất bao gồm giáo lý, thiền định, thực hành đạo đức và phương pháp tu tập.
Cuối cùng, trong một kỷ nguyên hôn ám của cả đạo lẫn đời ở Việt Nam hiện nay, phép thử Thích Minh Tuệ như một luồng sáng ban mai chiếu rọi vào cái không gian đầy bụi bặm. Đối với các bậc Chân Tu, chẳng bao giờ có nhị biên giữa ra đi và dừng lại ! Điều này thì không chỉ guồng máy đàn áp của nhà nước công an trị, mà ngay cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không thể đốn ngộ ! Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bộ máy kìm kẹp tôn giáo cảm thấy giờ là lúc họ phải ra tay đối với thầy và tăng đoàn, đồng thời cần phải bó hẹp hơn nữa đối với không gian truyền thông xã hội. Họ đâu biết, Sư Minh Tuệ và tăng đoàn sẽ tự hòa mình vào cuộc đời, vào cát bụi trần gian, trải dài mênh mông, tự do và tự tại, cho dù Sư sẽ ẩn trên hang núi hay xuống bến chợ lưng đèo… Tất cả sẽ hòa vào cuộc sống thường nhật… Đấy là minh triết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Minh triết về một cách sống an nhiên, tự tại giữa cuộc đời ô trọc :
‘Muôn dòng nhập cuộc rong chơi
Hòa chan cát bụi ngút vời phiêu nhiên’ (9).
Chính quyền tưởng cho an ninh ‘gặp gỡ trao đổi’ với Sư, cho báo chí gào thét ‘chống lại các thế lực thù địch’ là có thể giải tỏa khỏi áp lực về cái nhìn của đại chúng đối với bộ máy lãnh đạo đất nước đang mục ruỗng hiện nay. Họ nhầm !
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 03/06/2024
Tham khảo :
(1) https://www.youtube.com/watch?v=K3Q0TafmS0o
(2) https://www.dtv-ebook.com/chan-tran-chi-thep-james-g-zumwalt_6778.html
(3) https://www.rfavietnam.com/node/8065
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjqq7lgz532o
(5) https://www.voatiengviet.com/a/7616321.html
(6) https://www.youtube.com/watch?v=hFxivLZm4cc
(7) https://baohaiduong.vn/su-that-phoi-bay-qua-hien-tuong-thich-minh-tue-382107.html
(8) https://www.niemphat.vn/su-thich-minh-tue-phai-chang-ngai-da-dat-canh-gioi-vo-nga
(9) https://thuvienhoasen.org/a36117/hoa-am-cung-thien-ly-doc-hanh-ca
Một vị sư với y áo chắp vá bằng những mảnh vải rách, cầm nồi cơm điện thay bình bát đi khất thực. Hình ảnh nhận diện ông là đầu trần, chân đất, ông phát nguyện bộ hành dọc đất nước để tập học Phật pháp, được người dân khắp nơi tôn kính, dõi theo. Đánh từ khóa "sư Minh Tuệ" trên google search chỉ có một bài viết trên VTCNews nhắc đến ông, với tựa bài "Hãy để cho sư Minh Tuệ được yên thân tu tập", ngoài ra không thấy các trang web hoặc báo điện tử khác trong nước loan nhắc về ông.
Facebook Thinh Nguyen
Ông xưng pháp danh là Thích Minh Tuệ, tu theo 13 hạnh Đầu Đà. Không tự nhận mình là sư thầy, không theo một giáo hội nào, cũng không thuyết pháp nhưng hành trình của sư đã thu hút được sự chú ý và mến mộ từ rất nhiều người dân trong nước.
Truyền thông Nhà nước không nhắc đến ông nhưng hàng chục YouTuber đã đi theo sư Minh Tuệ, ghi lại từng nẻo đường mà vị sư này đi qua. Do đó, nếu tìm kiếm trên mạng, nhiều người sẽ thấy hàng chục video về ông được các trang YouTube hoặc Facebook đăng tải, khiến ông đang trở thành "hiện tượng".
Nói về sư Minh Tuệ, ông Thành Đỗ, từng là Trưởng ban nghiên cứu Phật học, giảng viên trường đại học Phật giáo ở Paris, giải thích tại sao vị sư chân chất này đang trở thành hiện tượng:
"Cái cốt lõi của đạo Phật, của một người tu sĩ là "Giới, Định và Tuệ". Khi một người tu sĩ giữ chặt những giới luật của một người tu sĩ thì cái "Giới" sẽ sinh ra cái "Định" và cái "Định" sẽ sinh ra cái "Tuệ".
Cái "Tuệ" khi mà đã có rồi thì giống như ngọn đèn được thắp sáng trong bóng đêm. Từ xa người ta nhìn thấy ngọn đèn đó sẽ tìm đến. Một vị sư mà giữ "Giới" thật là chặt thì tự nhiên sẽ tỏa sáng và mọi người sẽ đến với ông ta".
Một nhà báo trẻ trong nước, không muốn nêu danh tính, nói với RFA rằng đây là phản ứng của xã hội và nó cho thấy rằng người ta đã quá nhàm chán với các vị sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam :
"Các ông thầy ở Việt Nam được hậu thuẫn bởi Nhà nước, nói tầm bậy để thuyết phục cúng dường rồi vẽ ra những chuyện mê tín, điên khùng để thao túng người dân đi vào những hố sâu của mê muội. Cho nên, bản thân câu chuyện thanh bạch và đi hành đạo của thầy Thích Minh Tuệ cho thấy một sự khác biệt rất rõ.
Và cái sự ủng hộ đối với thầy Thích Minh Tuệ cũng cho thấy thái độ của người dân đối với Giáo hội Phật giáo Nhà nước quốc doanh Phật hôm nay là đã quá chán".
Đồng quan điểm với nhà báo này, bà Tố Nga, nhận định thêm rằng sở dĩ sư Thích Minh Tuệ được dân chúng sùng bái là bởi :
"Có nhiều tăng ni trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam xảy ra tình trạng kêu gọi phật tử cúng dường quá nhiều nên khi sư Minh Tuệ không nhận tiền cúng dường thì người dân sinh lòng thần tượng.
Người dân sống trong một cơ chế chính trị độc tài, giáo dục xuống cấp, tôn giáo cũng bị nhà cầm quyền thao túng nên họ mất niềm tin vào tổ chức tôn giáo của nhà nước, nên khi sư Minh Tuệ xuất hiện với pháp tu tự do, không nhận tiền bố thí thì người dân cảm thấy thầy là chân tu".
Dù đông đảo người dân chú ý và theo dõi hành trình của vị tu sĩ này khi mỗi video trên YouTube về sư Minh Tuệ có lượt view từ trăm ngàn cho đến cả triệu, nhưng hệ thống truyền thông chính thống nhà nước, cho đến ngày 14/5, vẫn rất hạn chế loan tải thông tin liên quan.
Lý giải cho điều này, một nhà báo trẻ giấu tên cho rằng :
"Việc từ chối tham gia một hệ phái do Nhà nước lập ra và thực hiện việc tu tập tự thân không có liên quan đến bất kỳ ai là một điều mà nhà nước hay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thích, không công nhận".
Còn ông Thành Đỗ thì nhìn nhận rằng, chính quyền vẫn đang đứng ngoài cuộc quan sát. Bởi lẽ, theo ông Đỗ, vì số lượng người ái mộ sư Minh Tuệ quá đông nên chính quyền vẫn chưa có động thái ngăn chặn nào. Tuy nhiên, ông Thành Đỗ cho rằng, một khi các sư thầy bên Giáo hội Phật giáo Nhà nước mà lên tiếng thì tương lai sẽ khó khăn cho vị sư này :
"Tôi nhận thấy một điều là vừa rồi có những vị sư mà mình hay gọi là sư quốc doanh của Giáo hội Phật giáo Nhà nước bắt đầu đăng đàn và phán như là một bề trên phán xuống là thầy Minh Tuệ làm như vậy là đúng, là sai, là không được quyền, không được phép… Có một ông trắng trợn nhất là Thích Chân Quang còn kêu thầy là "thằng ba trợn", thì những điều đó rất đáng lo ngại.
Nhà nước cho tới giờ này vẫn đứng ngoài đứng ngó thôi, nhưng mà khi bắt đầu có một áp lực là nó từ phía bên Phật giáo Việt Nam thì tôi e rằng sẽ dữ nhiều lành ít cho sự Minh Tuệ".
Thượng toạ Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Chùa Phật Quang từng phát biểu chỉ trích sư Minh Tuệ trong một bài thuyết pháp của mình, thậm chí còn nói rằng mọi người đang sùng bái một "thằng ba trợn mặc áo rách, ôm nồi cơm đi bộ hành".
Phát biểu này ngay lập tức nhận được hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội khiến sư Thích Chân Quang phải gỡ bỏ video sau một ngày đăng tải trên YouTube của chùa Phật Quang.
Nguồn : RFA, 15/05/2024