Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việc chính quyền Việt Nam loay hoay mãi không thu hồi được khu đất rộng 157 ha dùng làm sân golf ngay cạnh sân bay Tân Sân Nhất đang quá tải có nhiều lý do khó hiểu nhưng có một lý do mà ai cũng hiểu đó là vì khu đất thuộc quyền quản lý của Bộ quốc phòng.

golf1

Sân golf Tân Sơn Nhất - Ảnh minh họa

Nhân sự kiện này dư luận Việt Nam đang quan tâm và đặt câu hỏi về việc quân đội có nên tham gia làm kinh tế hay không ?

Rõ ràng là quyền lực và sự tham gia rất sâu của quân đội vào nền kinh tế Việt Nam là có thật. Một bài báo cũ (năm 2015) trên BBC đã phân tích khá rõ sự việc này (1).

Ngay từ năm 2007, tức là cách đây 10 năm, ông cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã cho biết là "Hội nghị TW 4 vừa kết thúc đã thống nhất chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần của cơ quan Đảng, quân đội, công an sang cơ quan Nhà nước quản lý từ năm 2007” (2).

10 năm trôi qua, các doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng đã phát triển và trở thành những ‘nhóm lợi ích’ khổng lồ mà chính ban lãnh đạo đảng cộng sản có muốn giải quyết dứt điểm cũng không được. Sau khi ông tướng Lê Chiêm tuyên bố ‘Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa. Tất cả các doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn hết. Cái nào của quốc phòng chỉ để phục vụ cho quốc phòng chứ không có lăn tăn gì hết. Quân đội sẽ không làm kinh tế vì như thế sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội’ thì một ông tướng đầy quyền lực khác là Trần Đơn đã viết một bài viết dài khẳng định ‘làm kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng của quân đội và phù hợp với chủ trương của đảng cộng sản’ (3).

Báo chí Việt Nam đăng tải nhiều ý kiến khác nhau chung quanh chủ đề này vậy còn quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là như thế nào ?

Trong Dự án chính trị - Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương V : "Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam", phần 5 : ‘Dứt khoát chọn lựa một nền kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng’ có viết :

"Kinh nghiệm thế giới trong nhiều thập niên qua đã chứng tỏ rằng các chính sách kinh tế tập thể, quốc doanh đều dẫn đến thất bại. Kinh nghiệm cũng đã cho thấy rằng thị trường tự do là hướng dẫn chính xác nhất cho sản xuất và là bảo đảm chắc chắn nhất cho một sự phân phối hiệu nghiệm. Chọn lựa kinh tế phải có cho Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, lấy xí nghiệp tư làm nền tảng, lấy óc kinh doanh và sáng kiến làm sức mạnh, lấy tinh thần cầu tiến và làm giàu làm động cơ, lấy lợi nhuận làm phần thưởng và chất kích thích.

Chọn lựa ấy có nghĩa là nhà nước sẽ không làm những gì mà tư doanh có thể làm được. Vai trò kinh tế chủ yếu của nhà nước là bảo đảm sự ổn vững của đồng tiền, ngăn ngừa những cạnh tranh bất chính, đầu tư vào những ngành nhiều triển vọng mà tư nhân chưa dám hoặc chưa đủ khả năng đầu tư, đảm nhận một số công trình khảo cứu, nghiên cứu và dự phòng cần thiết. Nhà nước cũng có chức năng cảnh giác trước những khuynh hướng kinh doanh có hại và khuyến khích những hoạt động kinh tế có lợi, nhưng nhà nước thực hiện chức năng này chủ yếu bằng thông tin và nâng đỡ chứ không phải bằng mệnh lệnh và cấm đoán. Nhà nước sẽ dồn mọi cố gắng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ trật tự an ninh, bảo vệ công lý, bảo vệ môi trường sinh sống, phát huy các mối bang giao quốc tế có lợi, xây dựng và củng cố đồng thuận dân tộc, nghĩa là làm đúng chức năng của một nhà nước.

Để làm trọn chức năng đó và bảo đảm sinh hoạt kinh tế thị trường lành mạnh nhà nước phải liên tục nỗ lực xây dựng một hệ thống luật pháp đúng đắn trên tinh thần thực nghiệm, bắt đầu từ những căn bản đúng đắn và không ngừng được bổ sung dựa trên những án lệ’.

Trong Chương VIII : "Chuyển tiếp thành công về dân chủ", Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có đưa ra một lộ trình thay đổi như sau :

Việc cụ thể đầu tiên phải làm là phi chính trị hóa guồng máy chính quyền, quân đội và công an.  Công chức và quân nhân có quyền gia nhập các tổ chức chính trị nhưng không được có hoạt động chính trị. Mọi sinh hoạt đảng phái trong mọi cơ quan hành chính, an ninh và quân sự của nhà nước sẽ bị nghiêm cấm. Bộ máy hành chính, quân đội và công an phải là những công cụ phi chính trị, hoàn toàn độc lập với mọi chính đảng, tuyệt đối tôn trọng hiến pháp, tuyệt đối phục tùng mọi chính quyền dân cử.

Quân đội và công an sẽ trở lại với sứ mạng cao cả là bảo vệ đất nước, giữ gìn trật tự an ninh, và do đó cần được tách rời hẳn khỏi mọi hoạt động kinh doanh. Các công ty hiện do quân đội và công an làm chủ sẽ được giải tư. Những người đang làm việc tại các công ty đó nếu muốn có thể được giải ngũ để tiếp tục công việc.

Quân đội sẽ được hiện đại hóa về trang bị và huấn luyện, đồng thời cũng sẽ được tinh giản quân số. Ngân sách quốc phòng sẽ chủ yếu ưu tiên tăng cường hải quân và không quân’.

Như vậy, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xác quyết rằng quân đội không có chức năng làm kinh tế. Cả lực lượng công an cũng vậy. Nhà nước cũng vậy. Nền kinh tế Việt Nam trong tương lai mà Tập Hợp đề nghị đó là một nền kinh tế tư nhân 100%.

Nếu không có dân chủ thì việc ban lãnh đạo đảng cộng sản cấm quân đội và công an kinh doanh là không thể thực hiện được. Bằng chứng là đã 10 năm rồi nhưng quân đội và công an vẫn cứ kinh doanh và qui mô ngày càng phình to ra thay vì thu hẹp lại.

 ‘Quản trị quốc gia’ là công việc khó khăn và phức tạp chứ không đơn giản như đảng cộng sản nghĩ. Muốn chế ngự được các nhóm lợi ích và tạo ra một sân chơi minh bạch, bình đẳng thì chỉ có một giải pháp duy nhất là dân chủ hóa đất nước.

Để ‘giúp’ đảng cộng sản có đủ lý do dân chủ hóa đất nước thì trí thức Việt Nam trong cũng như ngoài đảng cần lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập. Khi các tổ chức chính trị đối lập có tiếng nói và tầm vóc đủ lớn thì khi đó đảng cộng sản dù muốn hay không cũng phải ‘đối thoại’ để cùng thay đổi về hướng dân chủ. Không còn con đường nào khác.

Việt Hoàng 

(08/07/2017)

(1) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/05/150507_vietnam_army_golf_course

(2) https://thongluan2016.blogspot.com/2017/07/a-en-luc-quan-oi-khong-nen-lam-kinh-te.html

(3) https://thongluan2016.blogspot.com/2017/07/quan-oi-thuc-hien-tot-nhiem-vu-tham-gia.html

Published in Diễn đàn
Trang 8 đến 8