Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chắc có lẽ không mấy ai còn phản đối ý kiến "đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân". Tất nhiên là như thế vì tranh đấu cá nhân chỉ là hoạt động chính trị nhân sĩ. Nếu ai chưa rõ thế nào là đấu tranh kiểu nhân sĩ thì có thể xem lại bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Gia Kiểng với nhà văn Phạm Thị Hoài "Về văn hóa chính trị nhân sĩ" (1).

chinhtri1

Chính trị là làm việc chung, để cùng cống hiến cho một lý tưởng đẹp và quảng đại chứ không phải tìm kiếm vinh quang cho cá nhân. Ảnh minh họa nghề làm muối (tiin.vn)

Một trong những điều kiện cần của thể chế dân chủ là phải có "đa đảng". Đa đảng cũng chưa hẳn có dân chủ như trường hợp Nga, Iran, Venezuela… Nhưng nếu chỉ có một đảng thì không thể có dân chủ. Đa đảng để làm gì ? Tất nhiên là để cạnh tranh với nhau. Mỗi tổ chức sẽ đưa ra một Dự án chính trị (hay còn gọi là Cương lĩnh chính trị) về quản trị quốc gia. Dự án nào khả thi, hợp lý và được nhiều người dân ủng hộ nhất thì đảng đó sẽ được dân bầu để trở thành đảng cầm quyền.

Theo định nghĩa của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, thì "một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị".

Nếu làm chính trị chỉ để tranh giành quyền lực và sau đó xem đất nước như là một chiến lợi phẩm để chia chác và ban phát cho nhau như đảng cộng sản đang làm thì đó không phải là làm chính trị mà là… làm cướp. Cướp chính quyền cũng là cướp.

Như vậy "một đảng (hay một tổ chức) chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi" (2).

Chính trị là làm việc chung, để cùng cống hiến cho một lý tưởng đẹp và quảng đại chứ không phải tìm kiếm vinh quang cho cá nhân. Chính vì không phải tìm kiếm thành công cho cá nhân nên một tổ chức chính trị phải có Dự án chính trị để giới thiệu với người dân. Căn cứ những đề nghị trong Dự án chính trị đó mà người dân có thể biết được và đánh giá tổ chức đó muốn gì, đề nghị cụ thể gì cho đất nước. Cũng căn cứ vào Dự án chính trị đó để người dân theo dõi xem tổ chức có làm theo đúng những gì đã đề nghị hay không.

Xin nhắc lại ba đặc tính căn bản của một xã hội dân chủ đó là :

- Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tín ngưỡng.

- Tự do kết hợp, tức là tự do lập hội và tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự hoặc các đảng phái chính trị.

- Tự do bầu cử và ứng cử vào các cơ quan công quyền.

Như vậy dân chủ bắt buộc phải có đa đảng và bầu cử tự do để người dân lựa chọn và trao quyền lãnh đạo đất nước cho một tổ chức chính trị mà họ cảm thấy có khả năng nhất. Nếu không có các chính đảng lớn và có tầm vóc, kể cả khi không còn cộng sản nữa thì Việt Nam vẫn không có dân chủ. Một đất nước dân chủ không phải có chính quyền mạnh mà là có đối lập mạnh. Không có cạnh tranh chính trị thì đất nước sẽ không có tiến bộ và phát triển. Đảng cộng sản Việt Nam "một mình một chợ" lãnh đạo đất nước hơn 70 năm qua nhưng thay vì phát triển thì họ càng ngày càng suy thoái và sẽ sớm bị đào thải. Họ không có cơ chế và công cụ để thay đổi vì không có cạnh tranh chính trị.

Với mức độ tự do hiện nay, nếu có quyết tâm và biết cách thì vẫn có thể thành lập các chính đảng. Việc đầu tiên là tổ chức đó phải có một "tư tưởng chính trị" để gắn kết các thành viên lại với nhau. Tiếp theo là tổ chức đó phải xây dựng và đào tạo được một "đội ngũ cán bộ nòng cốt", là những người hiểu rõ tư tưởng và lộ trình tranh đấu của tổ chức, có quyết tâm và khả năng động viên quần chúng bằng lý luận, bằng sự hiểu biết thông qua khả năng diễn thuyết, viết, nói… Các bước tiếp theo là kiểm điểm phương tiện, xây dựng cơ sở quần chúng và bước cuối cùng mới là đứng lên "hiệu triệu quần chúng" khi cơ hội đến.

Để tránh bị chính quyền đàn áp thì ban lãnh đạo của các tổ chức chính trị Việt Nam lúc ban đầu bắt buộc phải đặt đầu não và cơ quan truyền thông ở hải ngoại. Phân công công việc cho hợp lý giữa người trong nước và ngoài nước là rất quan trọng. Việc cho rằng đấu tranh là phải đối đầu trực diện với chính quyền, ví dụ việc đặt ban lãnh đạo trong nước là một sai lầm như trường hợp Hội Anh Em Dân Chủ, với hậu quả toàn bộ ban lãnh đạo bị bắt và kết án rất nặng. Tranh đấu dân chủ là con đường dài và gian nan, bảo toàn lực lượng phải là ưu tiên lớn nhất của các tổ chức chính trị đứng đắn.

Thành lập một tổ chức chính trị mới là điều không hề đơn giản, kể cả ở hải ngoại, nơi mà người Việt hoàn toàn tự do và không bị ai đàn áp. Không có Kinh thì không thể có Đạo. Không có tư tưởng chính trị thì không thể qui tụ được thành viên. Chưa kể văn hóa Khổng giáo ngăn cấm mọi kết hợp tự do của người dân nên người dân Việt Nam khá xa lạ với "văn hóa tổ chức", dù chỉ là tổ chức xã hội dân sự. Việt Nam có hơn 20 tổ chức xã hội dân sự đã ra đời nhưng sự thực có bao nhiêu tổ chức hoạt động có hiệu quả ? Và chính những người đã từng tham gia vào các tổ chức xã hội đó mới thấu hiểu những khó khăn khi làm việc với những người khác trong một tổ chức. Chính vì khó nên đa số người Việt luôn chọn cách đấu tranh nhân sĩ, tức là một mình.

Cũng cần biết rằng một tổ chức chính trị rất khác với một tổ chức xã hội dân sự. Tổ chức xã hội dân sự là tất cả những kết hợp tự do của người dân và độc lập với chính quyền. Các tổ chức xã hội dân sự không có tham vọng cầm quyền và chỉ có một (hay vài) mục tiêu cụ thể như bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ tự do tôn giáo… Trong khi đó, tổ chức chính trị là một tổ chức phức tạp nhất và cao nhất trong các hình thái của các tổ chức vì nó có nhiều mục tiêu khác nhau và có tham vọng cầm quyền để nhằm thực thi một dự án chính trị đã đề nghị trước đó. 

Do đó, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức chính trị hoàn toàn khác nhau. Khác nhau về mục tiêu cũng như phương pháp hành động. Nên hiểu điều này để không chỉ trích lẫn nhau vì các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức chính trị là đồng minh quan trọng của nhau. Ví dụ một tổ chức xã hội dân sự chuyên làm từ thiện thì phải công khai và kêu gọi mọi người ủng hộ nhưng một tổ chức chính trị thì nếu muốn làm từ thiện cũng phải bí mật vì nếu không chính quyền sẽ chụp mũ người nhận từ thiện là ‘nhận tiền của các thế lực thù địch’... Các tổ chức chính trị cần đi xa hơn với mục tiêu là thay đổi chế độ trong khi các tổ chức từ thiện là ‘cấp cứu’ hay ‘cứu nguy’ ngay lập tức những người lâm nạn hay cần giúp đỡ. Từ thiện là hành động cao đẹp của tâm hồn con người mà chúng ta cần ủng hộ và tôn vinh.

Trong quá trình tham gia vào các tổ chức xã hội sẽ có những người sẽ khám phá ra rằng ra gốc rễ của mọi vấn đề ở Việt Nam nằm trong thể chế độc quyền chính trị và họ sẽ dấn thân thêm một bước cao hơn là kết hợp lại với nhau trong một tổ chức chính trị.

Giai đoạn kết hợp lại với nhau trong một tổ chức chính trị để cùng tranh đấu là giai đoạn quan trọng nhất của mỗi người. Nó đánh dấu việc kết thúc tranh đấu cá nhân và tiến lên một bậc cao hơn: Đấu tranh có tổ chức. Từ một tiếng nói lương tâm chuyển lên đấu tranh chuyên nghiệp, quyết tâm thay đổi xã hội cùng với những người chung chí hướng’ (3).

Đảng cộng sản Việt Nam đang tồn tại trong vật vã vì khủng hoảng toàn diện. Họ rất muốn thay đổi nhưng lại không thể thay đổi. Họ muốn chống tham nhũng nhưng không thể chống được vì ‘ta đánh ta’. Vì không có cạnh tranh chính trị nên họ không có áp lực và công cụ để thay đổi bất cứ điều gì, từ thể chế đến nhân sự. Việc ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quị khi đang thăm và làm việc tại Kiên Giang sau đó phải cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy đã khiến không chỉ dư luận Việt Nam nổi sóng mà còn khiến nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam chao đảo. Nếu vì lý do sức khỏe mà ông Trọng không thể tiếp tục công việc của mình thì chính trường Việt Nam sẽ gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Các phe nhóm sẽ đấu đá dữ dội để tranh giành quyền lực trong hoàn cảnh không có một khuôn mặt nào sáng giá và có khả năng để thay thế ông Trọng (nếu có thì ông Trọng đã được nghỉ hưu lâu rồi chứ không phải một mình ngồi hai ghế).

Một điều cũng rất không bình thường trong vụ ông Trọng bị đột quị đó là dư luận và mạng xã hội không có bất cứ ai tỏ ý buồn rầu hay lo lắng cho ông Trọng mà trái lại là một tâm lý hả hê, vui mừng... Chỉ trong một đất nước không bình thường thì người dân mới có tâm lý đó. Đây là một cảnh báo nghiêm trọng cho Đảng cộng sản Việt Nam. Họ đã đánh mất hết niềm tin trong dân chúng. Đã đến lúc họ cần phải chủ động thay đổi đất nước về hướng dân chủ thay vì tiếp tục ‘cố đấm ăn xôi’ khi kéo dài sự cai trị của mình.

Tình trạng ruỗng nát của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực và rất có thể các nhóm tài phiệt tư bản đỏ sẽ cấu kết với các nhân sĩ để giành lấy chính quyền và lấp vào khoảng trống quyền lực đó (4). Nếu trong thời điểm chuyển giao sắp tới mà đất nước vẫn chưa có một giải pháp nào để thay thế cho giải pháp cộng sản thì chính quyền sẽ rơi vào tay giới tư bản đỏ. Chính vì lẽ đó mà người dân Việt Nam cần phải ủng hộ cho một hay vài tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn với một giải pháp mới vào thời điểm lịch sử sang trang. Tổ chức chính trị đó sẽ mang lại một hy vọng và niềm tin cho đất nước đồng thời có tác dụng ngăn chặn các thế lực bất chính lên nắm quyền và giải quyết các di sản mà chế độ cộng sản để lại.

Người Việt Nam vẫn còn tâm lý ‘nước đến chân mới nhảy’ khi có những người phát biểu rằng ‘cứ lật đổ chế độ cộng sản đi cái đã, mọi chuyện sau đó hẵng tính’. Rất tiếc là khi đó mọi chuyện đã quá muộn. Ai Cập là một ví dụ. Sau khi lật đổ được nhà độc tài Hosni Mubarak bằng một cuộc ‘cách mạng đường phố’ thì nay họ lại rơi vào một chế độ độc tài khác của tướng Sissi. Muốn hay không thì người dân Việt Nam cũng phải ủng hộ cho một tổ chức chính trị nào đó để chuẩn bị và thay thế cho chế độ cộng sản. Nên ủng hộ cho các tổ chức chính trị thay vì các nhân sĩ.

Các tổ chức chính trị dân chủ đang còn hoạt động của người Việt không nhiều nên không quá khó để chọn ủng hộ ai, tổ chức nào ? Đồng ý là cho đến giờ vẫn chưa có một tổ chức chính trị đối lập nào thật sự có tầm vóc và hùng mạnh, chính vì lẽ đó mà người dân Việt Nam trong và ngoài nước cần tìm hiểu để ủng hộ cho các tổ chức để các tổ chức đó trở nên hùng mạnh và có tầm vóc.

Làm thế nào để ‘yên tâm’ tham gia hay ủng hộ một tổ chức chính trị đối lập ? Làm sao để biết được một tổ chức chính trị nào là tốt hay xấu ? Chỉ có một yếu tố duy nhất để có được điều đó chính là NIỀM TIN. Niềm tin đó phải có điều kiện, vì niềm tin vào một tổ chức chính trị khác với niềm tin vào một tôn giáo. Đức tin của các tôn giáo gần như là mặc định và không bàn cãi, nhưng niềm tin vào một tổ chức chính trị phải dựa ít nhất trên hai yếu tố, thứ nhất là ‘tư tưởng chính trị’ và thứ hai là ‘đội ngũ nhân sự’ của tổ chức đó’ (5).

Việt Hoàng

(22/04/2019)

(1) https://www.thongluan.blog/2019/02/ve-van-hoa-chinh-tri-nhan-si-pham-thi.html

(2) https://www.thongluan.blog/2018/01/vi-sao-viet-nam-chua-co-cac-to-chuc.html

(3) https://www.thongluan.blog/2017/10/niem-tin-yeu-to-quyet-inh-cho-moi-thang.html

(4) https://www.thongluan.blog/2019/04/canh-giac-voi-cac-lien-minh-quyen-tien.html

(5) https://www.thongluan.blog/2018/10/phuong-phap-au-tranh-cua-tap-hop-dan.html

Published in Quan điểm

Sự kiện tập đoàn kinh tế Masan "tham gia" vào việc viết ra một "dự thảo về tiêu chuẩn của nước mắm" đang gây bất bình trong dư luận, nhất là từ các công ty và hộ gia đình sản xuất nước mắm truyền thống. Nhiều người gọi đây là một dạng của tham nhũng : "Tham nhũng chính sách". Masan không phải là trường hợp cá biệt khi các tập đoàn kinh tế tư nhân bắt tay với chính quyền lũng đoạn chính sách để trục lợi.

lienminh1

Một khi Tập đoàn Masan (MSN) đưa doanh nghiệp nào vào tầm ngắm sáp nhập và mua bán (M&A) thì sớm hay muộn họ sẽ hoàn thành mục tiêu. Masan không phải là trường hợp cá biệt khi các tập đoàn kinh tế tư nhân bắt tay với chính quyền lũng đoạn chính sách để trục lợi. Ảnh minh họa

Những vụ việc nổi cộm như vụ bán công ty AVG khiến nhà nước thiệt hại hơn 7000 tỷ đồng với hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn "nhập kho". Vụ đại gia Xuân Trường được giao hàng nghìn ha đất cùng nhiều nghìn tỉ đồng để xây chùa và kinh doanh tâm linh, rồi LFC thâu tóm rất nhiều đất ven biển để xây các khu nghỉ dưỡng… Đấy chỉ là những ví dụ, trong thực tế thì hầu hết các công ty và tập đoàn lớn đều "đi đêm" và bắt tay với chính quyền để xây dựng cho mình một cơ ngơi khổng lồ từ việc trục lợi chính sách.

Sau khi các "cú đấm thép", tức là các doanh nghiệp nhà nước được cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ưu ái và hỗ trợ mọi nguồn lực do học theo mô hình các tập đoàn lớn của Hàn quốc bị vỡ nợ như Vinashin, Vinalines thì chính quyền Việt Nam chuyển sang ủng hộ và "đầu tư" cho các tập đoàn kinh tế tư nhân. Điều này hoàn toàn đúng.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương đặt sinh hoạt kinh tế Việt Nam trên nền tảng kinh tế tư nhân, nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân chưa muốn hoặc chưa thể làm được. (Ai quan tâm có thể đọc trong dự án chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai) Như vậy việc dẹp dần các doanh nghiệp nhà nước và chuyển dịch nền kinh tế sang các công ty tư nhân là điều hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên dưới chế độ cộng sản thì những điều đúng đắn nhất cũng bị bóp méo vì nạn tham nhũng và độc tài.

Các tập đoàn tư nhân lớn và có ảnh hưởng tầm quốc gia bắt đầu được hình thành như TOP 10 bao gồm : VinGroup, LFC, Thép Hòa Phát, Trường Hải, Masan, VinaMilk, DOJI, FPT, VietJet, VPBank. Ngoài ra còn rất nhiều các tập đoàn kinh tế tư nhân đình đám không kém như Vạn Thịnh Phát (Trương Mỹ Lan), Him Lam (Dương Công Minh), Geleximco (Vũ Văn Tiền), Tân Hiệp Phát…

Đặc điểm chung có thể dễ thấy nhất là mối quan hệ "nồng ấm" của các tập đoàn này với chính quyền. Rất khó để biết bao nhiêu quan chức Việt Nam có cổ phần hoặc là cổ đông trong các công ty đó. Trong một xã hội độc tôn quyền lực chính trị như Việt Nam nếu không biết hối mại quyền thế thì không thể nào kinh doanh được và đó là điều hiển nhiên mà ai cũng biết. Đút lót, hối lộ, bôi trơn cho chính quyền là luật chơi bắt buộc khi muốn làm ăn tại Việt Nam, không chỉ các công ty trong nước mà các công ty nước ngoài cũng vậy.

Tuy nhiên vấn đề là các công ty này bắt tay với chính quyền để thao túng nền kinh tế đất nước đến mức độ nào là vấn đề cần quan tâm và bàn đến. Nếu họ hoạt động bình thường theo đúng pháp luật thì không có gì để nói mà ngược lại còn phải tạo điều kiện cho họ làm việc. Thực tế có ít công ty làm được như vậy. Các doanh nhân Việt Nam dù muốn hay không cũng phải "đi đêm" với chính quyền để tồn tại và phát triển. Các doanh nhân phải "đu dây" giữa nền kinh tế thị trường và hệ thống chính trị theo "định hướng xã hội chủ nghĩa". Hơn ai hết, các doanh nhân Việt Nam biết rõ sự tha hóa và thối nát của chính quyền nhưng họ không thể làm khác vì chính quyền có súng và có quyền ban hành các chính sách. Chiều chuộng và hầu hạ các quan chức cộng sản và gia đình họ là một cực hình và là một sự nhục nhã mà không phải doanh nhân nào cũng muốn làm. Không những thế mỗi khi chính trường Việt Nam biến động bởi sự thay đổi nhân sự trong đảng thì nhiều doanh nhân bị vạ lây. Nhẹ thì mất nghiệp, nặng thì bị tù tội và vướng vòng lao lý.

Một điều mà tôi lo lắng là sự bắt tay giữa các nhà tài phiệt với chính quyền để chuyển hóa tài sản chung của đất nước thành tài sản cá nhân, và nhất là việc các nhà tài phiệt tham gia, chi phối nền chính trị trong hiện tại lẫn tương lai theo vết xe đổ đã xảy ra tại Nga và các nước Liên Xô cũ sau khi tan rã. Tài sản của nhà nước nhanh chóng trở thành tài sản của cá nhân thông qua các cuộc mua bán và sát nhập mờ ám. Sau một thời gian nền kinh tế của các nước đó nằm gọn trong tay các nhà tài phiệt, trừ một số ngành nghề chủ lực như điện, nước, xăng dầu là còn do nhà nước quản lý. Các nhà tài phiệt mới này có quan hệ khăng khít và chặt chẽ với chính quyền. Họ thao túng chính sách và giúp các nhà độc tài duy trì quyền lực. Đất nước vẫn là của riêng một nhóm người dù tên gọi quốc gia có thay đổi từ chủ nghĩa xã hội thành dân chủ hay cộng hòa đi chăng nữa, bên ngoài sự hào nhoáng là một sự giả hiệu ở bên trong.

Một khi nền kinh tế đất nước bị các nhà tài phiệt thao túng thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ bị méo mó và không thể phát triển được. Tham nhũng khiến bộ máy nhà nước tê liệt và tài nguyên của đất nước bị các nhóm lợi ích chiếm đoạt và chia chác với nhau. Thị trường bị bóp méo vì luật chơi không công bằng. Các ưu đãi dành cho các nhà tài phiệt sẽ khiến cảnh "cá lớn nuốt cá bé" xảy ra thường xuyên và bóp nghẹt mọi hoạt động kinh tế. Ví dụ công ty viễn thông quân đội Viettel, mặc dù ra đời muộn hơn so với các công ty viễn thông khác nhưng vì là doanh nghiệp nhà nước (và là của quân đội) nên nó nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và bành trướng khắp nơi và chắc chắn là ít thanh tra thuế dám vác sổ vào trụ sở của một doanh trại quân đội để đòi thuế.

Một hậu quả đau thương và nhức nhối để lại cho tương lai là việc nhiều tập đoàn kinh tế bắt tay với chính quyền thu hồi đất của người dân với giá rẻ mạt và sau đó bán lại với giá cao ngất ngưởng nhờ vào lỗ hổng của pháp luật "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý". Sự thông đồng này tạo ra hàng triệu dân oan trên khắp mọi miền và làm đổ vỡ niềm tin của người dân vào đất nước. Một thiểu số giàu lên kinh khủng trong khi hàng vạn người khác mất hết tài sản, cơ ngơi và không còn chốn dung thân. Văn Giang, Thủ Thiêm, Lộc Hưng… là những ví dụ.

Sự cộng sinh giữa các nhà tài phiệt và chính quyền gây ra nhiều đổ vỡ trước mắt và để lại nhiều di chứng cho tương lai, kể cả khi đất nước có dân chủ. Ukraine sau khi độc lập đã diễn ra hai cuộc cách mạng là "cách mạng Cam" và "cách mạng Maidan" với nhiều hy sinh và mất mát về người và cả lãnh thổ. Tuy nhiên sự cải cách dân chủ sau đó rất chậm chạp vì tham nhũng đã thấm sâu vào máu của công chức nhà nước và do sự thao túng của giới tài phiệt. Hai năm sau "cách mạng Maidan", điều kiện để Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước khi cho Ukraine vay tiền là "giải quyết triệt để tình trạng tham nhũng và đặt "dấu chấm hết" cho sự chi phối của giới tài phiệt" đang kiểm soát tình hình kinh tế và chính trị Ukraine (1). Tổng thống đương nhiệm Ukraine Poroshenko cũng xuất thân từ một nhà tài phiệt.

Tại Nga thì hầu hết các tỉ phú đều có quan hệ mật thiết với Putin, chính vì biết được điều đó nên các biện pháp trừng phạt của Mỹ luôn nhằm vào nhóm tài phiệt này khiến họ rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" (2). Ngày 14/12/2012, Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky nhắm vào các nhà tài phiệt và quan chức Nga liên quan đến cái chết của vị luật sư chống tham nhũng Sergei Magnitsky và đạo luật này đang mở rộng ra toàn cầu nhằm chế tài các quan chức vi phạm nhân quyền tại các nước độc tài.

Cho dù không có gì là chắc chắn nhưng người Việt Nam cũng cần cảnh giác với một liên minh quyền-tiền trong tương lai để tránh rơi vào hoàn cảnh như nước Nga. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn trong lúc Đảng cộng sản Việt Nam cáo chung có thể các nhà tài phiệt sẽ "bắt tay" với các nhân sĩ để tạo ra một lực lượng chính trị mới và cướp chính quyền. Họ sẽ dựng lên một nhà nước mới với tên gọi rất kêu và hoành tráng, nhưng chỉ là vỏ bọc bên ngoài còn bên trong vẫn là một thể chế độc tài. Đừng coi thường sức mạnh của vị thần mà họ tôn thờ đó là đồng tiền. Đồng tiền có thể sai khiến được nhiều người, nhất là các vị nhân sĩ trí thức Việt Nam, những người luôn chờ đợi để được ai đó sử dụng.

Nói như vậy để người Việt cảnh giác với các nhà tài phiệt và một số trí thức nhân sĩ, những người không có tổ chức, không có đội ngũ, không có tư tưởng và không có dự án chính trị gì. Nếu những người này bổng nhiên nhảy ra làm chính trị thì cần đặt dấu hỏi. Không nên ảo tưởng bởi ánh hào quang dởm do các trí thức nhân sĩ tạo ra nhằm đánh lạc hướng quần chúng để phục vụ cho một ông chủ nào đó.

Sự cảnh giác là không thừa nhưng cũng không nên quá lo lắng. Chân dung các nhân sĩ Việt Nam hầu hết đã khá rõ ràng. Lớp trí thức nhân sĩ đa số đều có tuổi, thời của họ sắp qua đi. Lớp trẻ khá hơn vì không biết làm nhân sĩ. Tuổi trẻ hoặc là không quan tâm chính trị hoặc là quan tâm một cách có khoa học và trí tuệ, họ biết phân biệt đúng-sai, tốt-xấu, hay-dở, dân chủ-độc tài…

Trong giai đoạn cất cánh, nhất là khi chuyển tiếp về dân chủ thì Việt Nam rất cần một tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa, là những người dám nghĩ dám làm và đóng góp vào sự thành công chung của đất nước. Họ phải là những người thành công nhờ vào khả năng kinh doanh của mình, vào bản lĩnh của mình thay vì hối mại quyền thế hoặc bắt tay với chính quyền để làm giàu bất chính.

Phát triển kinh tế trên nền tảng ý kiến và sáng kiến của các doanh nghiệp tư nhân là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất hiện nay và trong cả tương lai. Trong Dự án Chính trị của Tập Hợp, chương 5 : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, có trình bày rõ :

"5. Dứt khoát chọn lựa một nền kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng

Kinh nghiệm thế giới trong nhiều thập niên qua đã chứng tỏ rằng các chính sách kinh tế tập thể, quốc doanh đều dẫn đến thất bại. Kinh nghiệm cũng đã cho thấy rằng thị trường tự do là hướng dẫn chính xác nhất cho sản xuất và là bảo đảm chắc chắn nhất cho một sự phân phối hiệu nghiệm. Chọn lựa kinh tế phải có cho Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, lấy xí nghiệp tư làm nền tảng, lấy óc kinh doanh và sáng kiến làm sức mạnh, lấy tinh thần cầu tiến và làm giàu làm động cơ, lấy lợi nhuận làm phần thưởng và chất kích thích.

Chọn lựa ấy có nghĩa là nhà nước sẽ không làm những gì mà tư doanh có thể làm được. Vai trò kinh tế chủ yếu của nhà nước là bảo đảm sự ổn vững của đồng tiền, ngăn ngừa những cạnh tranh bất chính, đầu tư vào những ngành nhiều triển vọng mà tư nhân chưa dám hoặc chưa đủ khả năng đầu tư, đảm nhận một số công trình khảo cứu, nghiên cứu và dự phòng cần thiết. Nhà nước cũng có chức năng cảnh giác trước những khuynh hướng kinh doanh có hại và khuyến khích những hoạt động kinh tế có lợi, nhưng nhà nước thực hiện chức năng này chủ yếu bằng thông tin và nâng đỡ chứ không phải bằng mệnh lệnh và cấm đoán...

Để làm trọn chức năng đó và bảo đảm sinh hoạt kinh tế thị trường lành mạnh nhà nước phải liên tục nỗ lực xây dựng một hệ thống luật pháp đúng đắn trên tinh thần thực nghiệm, bắt đầu từ những căn bản đúng đắn và không ngừng được bổ sung dựa trên những án lệ".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương 5 : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam)

Các doanh nhân Việt Nam trong tương lai cần được đảm bảo một vị thế xứng đáng, họ sẽ được tôn vinh và ghi nhận vì những cống hiến của họ cho đất nước thay vì là nạn nhân của tham nhũng và sự đấu đá phe nhóm như hiện nay. Họ sẽ không còn phải luồn lách và đi đêm với chính quyền mà có thể đàng hoàng sống một cách tử tế và làm việc theo đúng năng lực của mình. Họ sẽ không còn là nạn nhân của thể chế chính trị. Họ sẽ hoạt động một cách minh bạch thay vì đu dây giữa chính quyền và người dân.

Một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nhân phải dựa vào chính quyền để tồn tại mà chính quyền thì không phải lúc nào cũng che chắn được cho họ khi uy tín của chính quyền ngày càng xuống thấp và nhất là khi sự "thù địch" giữa người dân Việt Nam và chính quyền ngày càng gia tăng. Chỉ cần một vài thông tin về sự "đi đêm" giữa các doanh nghiệp và chính quyền bị lộ ra ngoài là người dân lập tức kêu gọi tẩy chay các doanh nghiệp và sự thiệt hại của các công ty này vô cùng lớn mà không biết "ngỏ lời cùng ai", Tân Hiệp Phát, Masan là ví dụ. Đây là một hình thức "giận cá chém thớt" mà nguyên nhân là do sự thiếu minh bạch và độc lập của nền chính trị Việt Nam.

Bản thân tôi cũng là một doanh nhân (nhỏ) và tôi đã nhiều lần kêu gọi sự ủng hộ của giới doanh nhân cho dân chủ. Sự đóng góp và ủng hộ cho dân chủ vừa có lợi cho chính bản thân mình vừa cho đất nước. Đừng để đến lúc bị lột sạch gia tài mới kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng như trường hợp Trịnh Vĩnh Bình.

Việt Hoàng

(8/4/2019)

Published in Quan điểm

Tổng thống 45 của Mỹ, Donald Trump đã để lại "dấu ấn lịch sử" trong chính trường Mỹ chỉ 2 năm sau ngày nhậm chức. Dấu ấn lịch sử đó không phải là bức tường mới (có thể xây) giữa Mỹ và Mexico, cũng không phải là đã làm cho "nước Mỹ vĩ đại trở lại"… mà có lẽ là làm nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết.

my1

Dấu ấn lịch sử đó không phải là bức tường mới giữa Mỹ và Mexico… mà có lẽ là làm nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết.

Di sản buồn mà Trump để lại đối với nước Mỹ đã đành, không những thế Trump còn để lại cả dấu ấn trong cộng đồng người Việt Nam (cả ở Mỹ lẫn ở trong nước) đó là làm cho người Việt Nam cũng chia rẽ thành "hai phe", phe ủng hộ và phe phản đối Trump.

Với một số người thì Tập Hợp (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) thuộc về "phe phản đối Trump" nhưng khác với những người "cùng phe" là Tập Hợp chỉ trích Trump ngay từ khi ông ta lọt vào vòng chung kết đại diện cho đảng Cộng hòa để tranh chức tổng thống với Hilary Clinton. Chúng tôi không thích Trump và cũng không thích cả Hilary vì nhận thấy là cả hai ứng cử viên đều không đưa ra được một cương lĩnh chính trị thực sự có ích lợi cho thế giới trong đó có Việt Nam. Đừng quên là tổng thống Mỹ, đồng thời cũng là lãnh đạo của khối các nước dân chủ, luôn có ảnh hưởng trên qui mô toàn cầu. Buồn thay, các ưu tư của các tổng thống Mỹ chỉ đơn thuần bó hẹp trong phạm vi nước Mỹ.

Khi chúng tôi đưa ra đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam trong tương lai là "dân chủ nghị viện và tản quyền" thay vì mô hình chính trị "tổng thống chế" (bầu một người thay vì bầu một chính đảng) thì đã không nhận được sự chia sẻ của trí thức và người dân Việt Nam. Nước Mỹ, cường quốc số một thế giới đang bị khủng hoảng vì mô hình "tổng thống chế", sự tê liệt và xuống cấp của các chính đảng đã cho phép những người không có kiến thức về chính trị trở thành tổng thống như trường hợp Trump. Chính mô hình "tổng thống chế" đã buộc các ứng cử viên phải "dân túy" bằng cách mị dân và hứa hẹn mang lại những điều ngoài khả năng của họ. Ví dụ Trump hứa lấy tiền của Mexico để xây dựng bức tường mới ngăn cách hai nước, kế hoạch mang các công ty của Mỹ trở về Mỹ hay ngay cả cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-EU… Cũng đã gần như thất bại hoàn toàn.

Tập Hợp đã phân tích trong nhiều bài viết rằng tư tưởng chính trị của thế giới nói chung và của nước Mỹ nói riêng đã không theo kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì trí tuệ nhân tạo và máy móc đã thay thế rất nhiều cho con người trong nhiều lĩnh vực. Nhiều ngành nghề ăn nên làm ra nếu biết khai thác kỹ thuật mới như các công ty Apple, Facebook, Google, Amazon…Trong khi đó rất nhiều ngành nghề khác bị đi xuống nhất là những ngành dùng nhiều lao động chân tay như nông nghiệp, bưu điện hay đóng tàu, lắp ráp ô tô…

Rõ ràng là các chính trị gia thế hệ cũ đã lỗi thời vì không thay đổi kịp thời cuộc dù đó là Hilary Clinton hay các chính trị gia đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa. Trump xuất hiện và lấp vào khoảng trống đó bằng những lời hứa bạt mạng mà các chính trị gia truyền thống không dám phát ngôn. Sau khi Trump đắc cử và trở thành tổng thống Mỹ thì các chính trị gia Mỹ mới tá hỏa và tìm mọi cách "hạn chế" ông ta. Việc tống vào tù gần chục cộng sự đắc lực của Trump là nỗ lực nhằm hạn chế các hành động thất thường và mang tính răn đe với Trump nhưng có lẽ vì đôi lúc đảng Dân chủ quá "soi mói" và nặng lời với Trump khiến cho Trump càng được ‘thông cảm’ và ủng hộ bởi những người yêu mến. Họ cho rằng Trump là nạn nhân của một âm mưu phế truất vì cay cú của đảng Dân chủ…

Dù bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller vừa được công bố kết luận là Trump không "thông đồng" với Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử hồi 2016 nhưng điều đó không có nghĩa là Trump được yên thân. Chỉ riêng việc một tổng thống đương nhiệm bị nghi ngờ là thông đồng với "kẻ thù" truyền thống là Nga cũng đã là một sỉ nhục ghê gớm với Trump. Thật khó hình dung nếu bản kết luận của Mueller là ngược lại, khi đó bộ mặt của nước Mỹ sẽ giấu vào đâu ?

Uy tín của nước Mỹ bị sứt mẻ nghiêm trọng và hoàn toàn không thể phục hồi, kể cả sau khi Trump đã ra đi. Một ví dụ là vào đầu năm 2021 người Mỹ phải xin visa khi vào Châu Âu. Hay một ví dụ khác là Châu Âu và các nước Nam Mỹ đã không ủng hộ đúng mức và cần thiết cho tổng thống đối lập của Venezuela Juan Guaido, người được Trump công khai hậu thuẫn và cho dù cuộc ‘cách mạng’ này gần như đã thành công chỉ vì lý do là họ không thích Trump. Xin nhắc lại, Trump hoàn toàn đúng trong việc này.

Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên lên tiếng chỉ trích Trump ngay từ khi ông ta chưa thành tổng thống Mỹ. Chúng tôi không thù ghét hay liên quan gì đến ông ta mà chỉ vì ông ta không tôn trọng các giá trị đạo đức mà Tập Hợp cổ xướng và theo đuổi. Không chỉ có thế, Trump còn đi ngược lại và bỏ bê các giá trị tinh thần dân chủ đã làm nên một nước Mỹ vĩ đại như ngày hôm nay từ những Locke, Jefferson, Stuart Mills, De Tocqueville, James v.v.

Trump là lãnh đạo của nước Mỹ cũng đồng thời là đại diện cho thế giới văn minh vì vậy mọi người đều có quyền chỉ trích ông ta. Vấn đề yêu ghét không nên đặt ra khi tranh luận về Trump hay bất cứ ai. Cái cần đặt ra nhất là lý lẽ, là lý trí, là sự phân tích đúng sai, hay dở chứ không phải vì ông ta là một doanh nhân giỏi, có vợ đẹp hay làm việc không lương. Dù sao thì Trump cũng chỉ là một cơn gió thoảng qua lịch sử nước Mỹ, ông đến rồi ông đi. Giờ đây khi đã có nhiều tiếng nói chỉ trích và phê phán Trump trong cộng đồng người Việt Nam thì chúng tôi lại có ý kiến mới rằng Trump, sau những tiêu cực mang lại cho nước Mỹ và thế giới tự do thì sự "xuất hiện" của ông ấy lại đang mang lại những "tích cực" cần thiết cho nước Mỹ và thế giới.

Rồi họ (người dân và giới chính trị Mỹ) sẽ thấy được sự tai hại của những nhà lãnh đạo dân túy, rồi họ sẽ thấy được mô hình tổng thống có rất nhiều hạn chế, rồi họ sẽ thấy để một người "tay mơ" về chính trị lên làm lãnh đạo đất nước là nguy hại như thế nào, rồi họ sẽ thấy vai trò quan trọng của các giá trị đạo đức nền tảng mới làm cho nước Mỹ vĩ đại chứ không phải những lời lời đao to búa lớn và lỗ mãng, rồi họ sẽ thấy vai trò của các chính đảng là quan trọng như thế nào, rồi họ sẽ thấy một dự án chính trị là cần thiết ra sao kể cả đối với một quốc gia dù đã hùng mạnh như nước Mỹ, rồi họ sẽ thấy uy tín nước Mỹ đã bị hủy hoại như thế nào…Để rồi từ đó họ tìm cách để sửa chữa và khắc phục. Sự ưu việt của các thể chế dân chủ là chúng có cơ chế để thay đổi và sửa chữa mọi khiếm khuyết.

Tập Hợp quan niệm rằng lẽ phải và sự thật là tối thượng, thậm chí trên cả Thượng đế. Bảo vệ lẽ phải và những điều đúng đắn là việc bắt buộc phải làm và nên làm. Tập Hợp chưa bao giờ ngần ngại hay phân vân vì sợ nói ra sự thật và bảo vệ lẽ phải sẽ làm mất lòng ai đó. Chúng tôi chấp nhận "mất lòng" khi phê phán "đối lập dân chủ Việt Nam", trí thức Việt Nam hay Donald Trump. Vì Trump mà Tập Hợp mất đi một số thân hữu và một lượng người theo dõi trang Fanpage của Tập Hợp trên Facebook. Có người bày tỏ sự "tiếc nuối" khi thấy Tập Hợp phản đối Trump khiến họ phải "chia tay" Tập Hợp. Chúng tôi cũng lấy làm tiếc nhưng không thể làm khác. Chúng tôi không có gì thay đổi, chúng tôi vẫn là chúng tôi của hơn 30 năm về trước, nếu có khác thì chỉ là chúng tôi chín chắn hơn, trưởng thành hơn và "biết" nhiều hơn.

Làm chính trị là hò hẹn với tương lai, tức là phải có khả năng tiên liệu những điều có thể xảy ra trong tương lai để từ đó có đối sách và sự chuẩn bị. Một tổ chức chính trị mà không có viễn kiến, không tiên liệu được tương lai thì khó lòng có…tương lai. Tất nhiên sự tiên liệu không phải lúc nào cũng đúng nhưng đó là điều bắt buộc. Nếu không thì cũng sẽ giống như các nhân sĩ suốt ngày chạy theo các sự kiện, chạy theo các biến cố và rồi vì không "biết mình, biết địch" nên hành động và phát ngôn hời hợt và vô duyên, cuối cùng bị cả chính quyền lẫn người dân coi thường và phê phán.

Tập Hợp luôn đưa ra các nhận định về tình hình thế giới và sự ảnh hưởng của chúng đến Việt Nam suốt ba thập niên qua, từ dự đoán Liên Xô sẽ sụp đổ cho đến…Trung Quốc trong một tương lai gần. Nếu độc giả nào theo dõi Tập Hợp thường xuyên thì sẽ nhận thấy là hầu hết các dự đoán của chúng tôi đều đúng.

Thái độ của Tập Hợp sẽ không thay đổi, sẽ luôn đề cao các giá trị đạo đức, lẽ phải, sự lương thiện, bao dung với sự thẳng thắn trong tinh thần tương kính, lắng nghe và luôn sẵn sàng đối thoại. Chúng tôi hy vọng là những người hiểu lầm về thái độ của Tập Hợp với Trump sẽ hiểu ra vấn đề và tiếp tục ủng hộ chúng tôi trong tương lai khi mà mọi việc về Trump được rõ ràng và cụ thể.

Một điều mà tôi muốn tâm sự nhân việc nói về Trump, đó cũng là điều làm chúng tôi ngạc nhiên là chỉ vì không đồng ý với nhau về Trump mà nhiều người bỗng trở nên dữ tợn, hằn học và "tấn công" những ý kiến khác về Trump rất thô bạo ? Tại sao phải như thế ? Tại sao chỉ vì một người xa lạ (chắc không mấy người là bạn bè thực ngoài đời của Trump) mà lại sỉ vả nhau cạn tàu ráo máng như vậy ? Chúng ta có còn là đồng bào, là người Việt Nam nữa hay không ? Bản chất của xã hội dân chủ là tôn trọng mọi chính kiến khác biệt. Làm sao chúng ta có thể xây dựng một nước Việt Nam dân chủ mà lại không tôn trọng dân chủ ? Chắc gì ý kiến về chính trị của một cá nhân lại có thể đúng hơn ý kiến của một tập thể làm chính trị chuyên nghiệp ?

Có lẽ Việt Nam vẫn chưa có được dân chủ là vì người dân còn ngộ nhận nhiều thứ và mâu thuẫn với chính mình. Không ít người ủng hộ Trump, khi nói về Trump, họ không phân tích lý lẽ mà chỉ đưa ra lập luận rằng ông ta kinh doanh giỏi, vợ đẹp, sẵn sàng làm việc không lương…Mấy thứ đó có liên quan gì đến các hoạt động chính trị đâu ? Hầu hết các chính trị gia kiệt xuất đều không phải là doanh nhân và nếu vợ đẹp thì Melania đâu phải là hoa hậu ? Có lẽ tư duy "làm chính trị là tìm kiếm thành công cho bản thân" đã ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt. Tâm lý này khiến 2/3 cộng đồng người Việt tại Mỹ ủng hộ Trump trong khi các sắc dân thiểu số Châu Á khác chỉ là 1/3. Chúng ta là một dân tộc không giống ai.

Tư duy bị ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Khổng giáo khiến người Việt luôn ủng hộ cho các "cá nhân làm chính trị" thay vì ủng hộ cho các "tổ chức làm chính trị" bất chấp là các cá nhân mà họ ủng hộ có muốn hay không. Họ cho rằng chỉ cần một cá nhân nổi tiếng là có thể mang lại thành công chứ không cần một tổ chức. Điều này hoàn toàn sai vì đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân.

Suốt bao năm qua người Việt chỉ ủng hộ cho các cá nhân hoạt động chính trị chứ không mấy quan tâm đến các tổ chức chính trị. Một ai đó bị đi tù vì lý do chỉ trích chính quyền lập tức được nhiều người tung hô như một người hùng có thể "cứu nhân độ thế", tuy nhiên một người thì có thể làm được gì ? Bao nhiêu người đi tù được tung hô lên tận mây xanh nhưng sau khi ra tù hay được bảo lãnh ra được ngoài thì cũng đâu làm được gì hơn ?

Mâu thuẫn lớn ở đây là dư luận luôn ủng hộ và muốn "đôn" những người không có ý định hay khả năng làm chính trị trở thành "người dẫn đường", đứng lên "phất cờ khởi nghĩa" trong khi những tổ chức chính trị chuyên nghiệp lại không nhận được sự ủng hộ cần thiết đáng ra phải có đó. Việc này cũng giống như khi một người bị bệnh nan y, thay vì tìm đến bệnh viện với ê-kip các bác sĩ có chuyên môn cao thì họ đi tìm một thầy lang. Nhiều người ngụy biện "các tổ chức chính trị của người Việt Nam hiện nay không xứng đáng, chưa đủ trình, chưa thuyết phục…" nhưng khi hỏi vậy ai, tổ chức nào mới xứng đáng thì họ không có câu trả lời. Hoặc có người chê bai tất cả các tổ chức nhưng khi được hỏi sao không tự mình thành lập một tổ chức mới đi thì họ cũng không có câu trả lời...

Một tổ chức chính trị chuyên nghiệp và có thâm niên hoạt động, dù chưa thực sự hùng mạnh thì vẫn hơn tất cả những cá nhân và tổ chức mới ra đời. Kinh nghiệm, khả năng, tầm nhìn và uy tín của một tổ chức chính trị là những thứ không tự nhiên mà có được mà phải được chứng minh, thể hiện qua một quá trình dài. Nếu cho rằng vẫn có những người hay tổ chức khác có khả năng hơn, giỏi hơn nhưng chẳng qua là chưa muốn "xuất hiện"…vậy làm sao biết và kiểm chứng được họ là như thế nào ?

Thế giới thay đổi từng ngày trong khi tư duy về chính trị của người Việt Nam vẫn đang ngủ vùi trong giấc ngủ hơn hai ngàn năm của văn hóa Khổng giáo. Đã đến lúc người Việt phải thức dậy và lấy quyết định ủng hộ cho các tổ chức chính trị chuyên nghiệp, đứng đắn, cùng đồng hành với các tổ chức đối lập đó để mang lại dân chủ cho Việt Nam.

Việt Hoàng

(27/03/2019)

Published in Quan điểm

Đảng cộng sản Việt Nam dù rất bối rối và đang gặp khủng hoảng một cách trầm trọng, thời cơ dân chủ hóa đất nước rất gần, dù vậy phong trào dân chủ Việt Nam vẫn không đạt được tầm vóc và tiếng nói đáng ra phải có. Vì sao lại như vậy ?

Có nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất đó là trí thức Việt Nam vẫn chưa ủng hộ cho dân chủ, cụ thể là chưa tham gia hoặc lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức đối lập.

danchu1

Anh em chúng tôi còn một mong muốn nữa đó là cố gắng khơi nguồn cảm hứng cho một "Giấc mơ Việt Nam".

Tất cả vấn đề nghiêm trọng nhất tại Việt Nam hiện nay (ví dụ việc cưỡng chế đất đai của người dân tại Thủ Thiêm, Lộc Hưng, các BOT bẩn…) đều xuất phát từ thể chế chính trị. Muốn thay đổi thì phải có các "giải pháp chính trị" và các giải pháp đó chỉ có thể đến từ các tổ chức chính trị khác ngoài đảng cộng sản. Đảng cộng sản Việt Nam còn độc quyền thì họ sẽ không thay đổi mà muốn họ thay đổi thì phải có sức ép và cạnh tranh từ các tổ chức đối lập.

Phải có cạnh tranh chính trị thì mới có công bằng, minh bạch và lẽ phải. Trí thức Việt Nam chắn chắn hiểu điều đó nhưng tại sao họ không ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập ?

Lý do đầu tiên mà ai cũng rõ đó là Sợ. Sợ là đương nhiên và đôi lúc cũng phải biết sợ. Vấn đề ở đây là sợ cái gì và sợ khi nào ? Nên sợ cái đúng và lẽ phải, không nên sợ cái sai trái và bất công. Bản thân tôi không bao giờ uống rượi khi lái xe vì tôi sợ vi phạm luật pháp và sợ gây ra tai nạn. Nhưng lên tiếng chống lại sự bảo thủ, lạc hậu và độc tài của cộng sản tôi lại không sợ vì tôi biết việc mình làm là đúng. Trong khi đó với đa số đàn ông Việt Nam thì lái xe nhưng vẫn uống rượu (nhiều ít tùy từng người, từng lúc) nhưng khi đụng đến việc phê phán chính quyền là họ tránh ngay lập tức.

Đáng nói hơn nữa là có những người không sợ. Họ vẫn lên tiếng, thậm chí gay gắt chỉ trích chính quyền và bị chính quyền bỏ tù nhưng sau đó họ vẫn quay lại vuốt ve, tâng bốc chính quyền những điều không hề có và nói những điều không nên nói hoặc năn nỉ những điều mà họ thừa biết là không bao giờ nhận được...

Lý do mà chúng ta thường nghe nhiều trí thức Việt Nam thanh minh cho việc chọn lối hoạt động nhân sĩ là vì họ muốn "độc lập" vì như thế mới là "khách quan". Điều này hoàn toàn ngụy biện. Tôi tin là phần đông trong số họ nếu được vời ra làm quan thì họ sẽ nhận lời ngay lập tức. Từ thời chính phủ Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Hồ Chí Minh… đều đã thế thì giờ cũng sẽ vậy thôi. Thực tế là đa số họ ngồi chờ, đánh bóng tên tuổi, hy vọng một lúc nào đó, hay một chế độ mới sẽ mời họ ra làm quan chứ không hẳn hoàn toàn "khách quan" như họ nói.

Tâm lý chờ thời, giấc mộng "phò chính thống" của đa số trí thức Việt Nam rất nhỏ mọn và tầm thường vì chỉ nghĩ đến bản thân mình mà sẵn sàng hy sinh danh dự, lương tâm lẫn trí tuệ. Đây là thái độ hèn nhát, trốn tránh trách nhiệm, bất lương cần phải nhận diện và lên án. Nên nhớ rằng trí thức luôn là đại diện cho tiếng nói, tâm hồn và trí tuệ của mỗi dân tộc. Người dân Việt Nam không ngẩng mặt lên được vì trí thức Việt Nam luôn cúi đầu.

Tư duy của trí thức Việt Nam ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa nô lệ của Khổng giáo. Mộng ước của trí thức Việt Nam ngày nay (cũng như tầng lớp sĩ phu ngày xưa) vẫn là có được bằng cấp cao, được chính quyền trọng dụng… Ước mơ này đồng nghĩa với việc được làm công cụ cho chính quyền, cho kẻ cai trị để được "ăn trên ngồi trước" thậm chí là ngồi lên đầu nhân dân. Nhiều người về hưu rồi vẫn giương ra những chức vụ mình từng có, từng giữ như là niềm tự hào vì từng được làm… nô tài cho đảng. Đây là một "di sản" độc hại từ lịch sử, từ văn hóa Nho giáo mà trí thức Việt Nam được thừa hưởng từ Trung Quốc.

Xuất phát từ tâm thế nô lệ đó, trí thức Việt Nam không hề có bất cứ một ước mơ gì cao đẹp ngoài những thứ tầm thường như nói ở trên. Chính vì lẽ đó mà dân tộc Việt Nam cũng không có ước mơ gì lớn lao. Một dân tộc không có ước mơ là một dân tộc không có tương lai và không thể nào vươn lên được. Nếu không mơ về một chân trời tươi sáng và tự do, không tin vào những điều tốt đẹp của tương lai thì làm sao mỗi người, mỗi dân tộc có được động cơ để cống hiến và làm việc ?

Chúng ta đều nghe nói đến "Giấc mơ Mỹ" (American dream). "Giấc mơ Mỹ" đã mang lại một niềm tin mãnh liệt về một tương lai tự do và tươi sáng ở phía trước cho tất cả người Mỹ và những ai muốn tìm đến đây lập nghiệp và sinh sống. Chính nhờ "giấc mơ" này mà nước Mỹ, đất nước của những người di dân, của những người đi tìm "giấc mơ" đã phát triển rực rỡ và bỏ qua tất cả các phần còn lại trên thế giới. Không phải người dân Mỹ nào cũng đạt được giấc mơ của mình nhưng nếu không có giấc mơ đó thì họ không thể nào giàu có và thành công như bây giờ. Tập Cận Bình cũng đang kêu gọi và hứa hẹn về một "giấc mơ Trung Hoa" để động viên và gắn kết người dân Trung Quốc.

"Giấc mơ" của người Việt Nam thật buồn. Gần 100 năm trước, Chế Lan Viên viết :

Chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con…

100 năm sau, "giấc mơ con" đó vẫn không thay đổi bao nhiêu. Trên trường quốc tế, Việt Nam đứng cuối cùng trong danh sách các quốc gia có đóng góp cho nhân loại. Trong nước, giấc mơ của đa số người Việt chỉ là "mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ", tiếp đến là làm giàu, ăn nhậu và du lịch. Tất nhiên đây chỉ là nói về số đông, cần ghi nhận sự chia sẻ và dấn thân của các nhóm và tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam thời gian qua, những việc làm của họ là vết son và điểm sáng thắp lên hy vọng cho xã hội Việt Nam.

danchu2

Chim bồ câu tung cánh : Biểu tượng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sự ra đời và có mặt của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) cho đến giờ, ngoài nhiệm vụ tranh đấu dân chủ hóa đất nước thì anh em chúng tôi còn một mong muốn nữa đó là cố gắng khơi nguồn cảm hứng cho một "giấc mơ Việt Nam". Đó là giấc mơ chung cho tất cả 90 triệu người dân Việt Nam mà chúng tôi gửi gắm trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chương 8 : "Chung một giấc mơ Việt Nam" (2). Bản thân Dự án chính trị này cũng là một "giấc mơ" và "giấc mơ giữa ban ngày" đó hoàn toàn có thể trở thành sự thật nếu được đa số người Việt Nam chia sẻ và ủng hộ.

Anh em trong Tập Hợp khác với nhiều trí thức Việt Nam vì chúng tôi đã "chọn phe" đứng về phía người dân Việt Nam, xác định cho mình một vị thế rất rõ ràng đó là đối lập với Đảng cộng sản Việt Nam.

Chúng tôi không chơi trò "đu dây" hay "đi hàng hai" như một số trí thức "bất đồng chính kiến". Nhiều người trong số họ vẫn đang chơi trò "đu dây" như Đảng cộng sản, Đảng đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ (Phương Tây) còn trí thức Việt Nam đu dây giữa chính quyền và người dân. Một mặt tỏ ra đứng về phía người dân, mặt kia vẫn muốn van xin, năn nỉ và vuốt ve chính quyền. Trong khi ngay cả bản thân Đảng cộng sản Việt Nam đang ngày càng kiên quyết "thanh lọc đội ngũ" bằng cách khai trừ những đảng viên khác biệt chính kiến mà vụ khai trừ đảng ông Chu Hảo hay nhà nghiên cứu về Biển Đông Trần Đức Anh Sơn là ví dụ.

Đảng cộng sản Việt Nam buộc các đảng viên phải chọn phe, hoặc là phe đảng hoặc là phe dân. Trong giai đoạn 2011-2017 đã có 50.938 đảng viên bị xóa tên và khai trừ khỏi đảng (1). Mới đây ông Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố rất rõ rằng "Không cho phép ai làm trái cương lĩnh, quan điểm, chủ trương và đường lối của đảng". Đã đến lúc vạch ra một ranh giới rõ ràng : Họ là họ mà ta là ta. Họ làm việc của họ, ta làm việc của ta. Không nên mất thời giờ và quan tâm đến những việc vô ích như viết kiến nghị, xin xỏ, năn nỉ hay vuốt ve chính quyền.

Trí thức Việt Nam phải ủng hộ hoặc tham gia vào việc xây dựng một lực lượng chính trị cho chính mình. Đúng là việc này không dễ nhưng vẫn có thể làm được nếu có quyết tâm và thiện chí. Một cách dễ nhất là nên tìm hiểu kỹ các tổ chức đối lập đã có sẵn và ủng hộ cho tổ chức đó. Tuy nhiên trí thức Việt Nam với tâm thế "nô lệ" nên một mặt, không dám tự mình đứng ra thành lập các chính đảng mới hoặc cũng có thể vì họ nhận ra rằng xây dựng một tổ chức chính trị dân chủ là không hề dễ dàng. Mặt khác, vì văn hóa nhỏ mọn và ích kỷ thừa hưởng từ Khổng giáo khiến họ không muốn ủng hộ cho các tổ chức chính trị sẵn có vì họ cho rằng nếu tham gia vào một tổ chức như vậy thì họ sẽ mất đi vai trò và tiếng nói của mình. Họ thà làm một "bại tướng" nhưng được nhiều người biết đến còn hơn là làm một "sĩ tốt" trong một tổ chức nào đó. Họ làm ngược lại câu nói "thà làm một người lính trong đoàn quân thắng trận còn hơn làm một viên tướng trong đoàn quân bại trận".

Một lý do nữa khiến trí thức Việt Nam không ủng hộ cho các tổ chức đối lập hiện nay có lẽ là vì các tổ chức đối lập không thể ban phát cho họ quyền lợi và danh vọng chăng ? Có người hỏi chúng tôi tại sao không thấy Tập Hợp đặt ra các ban bệ và chức vụ như các tổ chức chống cộng khác ở hải ngoại ? Đúng là có những tổ chức không chỉ hải ngoại mà cả trong nước, chưa có người, chưa có bất cứ một sự chuẩn bị hay phương tiện gì nhưng việc đầu tiên họ làm là đặt ra các chức danh. Ở Mỹ có những tổ chức "hữu danh vô thực" không làm gì nhưng lãnh tụ tự phong cho mình làm "tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng hòa" như ông Đào Minh Quân…

Sở dĩ Tập Hợp không đặt ra các chức danh là vì chúng tôi quan niệm rằng "tham gia vào một tổ chức chính trị là để cống hiến và hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp" chứ không phải để mưu cầu danh lợi như nhiều trí thức Việt Nam nghĩ. Sau này nếu tình hình bắt buộc phải đảm nhận một công việc cụ thể nào đó, khi đó chúng tôi sẽ phân công nhau để làm việc và chúng tôi cũng chỉ xem đó là một bổn phận, một nghĩa vụ thay vì là đặc ân. Hơn nữa, một tổ chức đối lập chỉ là con số không cho đến khi được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền. Là con số không thì có gì để bày ra các chức vụ ảo rồi tranh dành nhau và dẫn đến đỗ vỡ.

Cách đây ba năm một nhóm nhỏ thành viên của Tập Hợp tiến hành một cuộc "đảo chính" nội bộ, họ cũng chất vấn như vậy, đại loại là sao không đặt ra các ban bệ, chức danh hay "hành động" này nọ ?… Có người lầm tưởng họ là quan trọng nhưng thực sự là không phải như vậy. Cũng có người có tham vọng cá nhân quá lớn, họ không ý thức được rằng làm chính trị là để cống hiến cho một lý tưởng quảng đại. Muốn thành công cá nhân thì nên kinh doanh. Sau một thời gian những người còn lương tri chấp nhận bỏ cuộc và rút lui lặng lẽ, một số người thì không chịu chấp nhận sự thật, họ cay cú và đổ lỗi thất bại của họ cho người này người kia và rồi chính họ làm khổ họ. Khi tâm trí bất an thì còn làm gì được nữa.

Điều lo lắng thầm kín của những người cho rằng mình sẽ không được trọng dụng trong một tổ chức đối lập chứng tỏ sự thiếu tự tin của họ vào chính bản thân. Lo lắng lớn nhất của Tập Hợp trong tương lai, khi lịch sử sang trang là không có người để làm việc. Một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể hình thành và phát triển trong lúc khó khăn, khi chưa trở thành đảng cầm quyền. Giả sử Tập Hợp trở thành đảng cầm quyền thì sẽ có hàng trăm hàng, ngàn người mong muốn được tham gia nhưng khi đó khó khăn cho chúng tôi là không biết ai thật lòng, ai cơ hội. Ngày xưa ông Ngô Đình Diệm phải dùng những người quen biết để làm việc vì ông được đưa lên cầm quyền, ông không có tổ chức và đội ngũ nên không biết tin ai, dùng ai. Chính phủ của ông Trần Trọng Kim cũng vậy, dù tất cả các thành viên chính phủ đều là những trí thức hàng đầu Việt Nam lúc đó nhưng họ không phải người cùng một tổ chức, họ chưa từng sinh hoạt với nhau nên họ không hiểu nhau, không biết phải làm gì và làm như thế nào, cuối cùng họ bị một tổ chức khủng bố… có tổ chức cướp mất chính quyền.

Thiếu kiến thức về chính trị, vô lễ với chính trị khiến trí thức Việt Nam không nhận thấy rằng lịch sử đang sang trang. Vai trò lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam đang sắp chấm dứt. Đất nước cần được tổ chức và sắp xếp lại một cách hợp lý và đúng đắn để những người có khả năng được đặt vào đúng vị trí của mình. Đất nước rồi sẽ hồi sinh và vươn lên. Trí thức Việt Nam nên tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước một cách chủ động và thật lòng thay vì ngồi đợi và mơ về những thứ phù du và nhảm nhí như công danh, quyền lực...

Việt Hoàng

(14/03/2019)

-------------------

1. https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/giai-doan-2011-2017-50938-dang-vien-bi-xoa-ten-12499-dang-vien-bi-khai-tru-103475.html

2. Chung một giấc mơ Việt Nam

Nước ta có khả năng trở thành một nước lớn và giàu mạnh nếu động viên được mọi trái tim, mọi khối óc, mọi bàn tay trong sự nghiệp xây dựng tương lai chung. Tuy vậy thực tế đáng buồn là ngày hôm nay chúng ta vẫn còn đang phải đấu tranh cam go để có được điều mà hầu hết các dân tộc đã có : dân chủ.

Cuộc đấu tranh đã dài hơn chúng ta mong muốn vì ngoài những khó khăn đã được nhận diện còn thêm một lý do khác : đây là cuộc đấu tranh hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta. Từ trước đến nay chúng ta đã chỉ có những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các thế lực thống trị, hay những cuộc chiến chống ngoại xâm mà mục đích, xét cho cùng, cũng chỉ là để đổi một ách nô lệ ngoại bang lấy một ách nô lệ bản xứ. Chúng ta chưa bao giờ là một dân tộc tự do. Lần này chúng ta chiến đấu để mở ra cả một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai của lịch sử nước ta, kỷ nguyên của những con người Việt Nam tự do và của một nước Việt Nam dân chủ.

Đó là cuộc chiến đấu để đưa người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh. Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc chiến đấu thực sự xứng đáng để chiến đấu. Như vậy những con người Việt Nam hôm nay cần ý thức rằng họ đang đứng trước cơ hội để tạo ra biến cố lịch sử lớn nhất và vinh quang nhất, cơ hội mà các thế hệ mai sau sẽ không thể có.

Thử thách trước mặt chúng ta tuy rất lớn, nhưng hy vọng thôi thúc chúng ta còn lớn hơn bởi vì cuộc chiến đấu này không chỉ xứng đáng và vinh quang mà còn tất thắng. Chúng ta được chuyên chở và thúc đẩy bởi cả một làn sóng dân chủ toàn cầu và bởi nguyện ước chung của một dân tộc đã dần dần hồi phục sau những thương tích. Chúng ta đang được tiếp viện của cả một thế hệ mới đã tự khai phóng và quyết tâm làm những con người tự do. Đằng sau những trở ngại là cả một tương lai rực sáng.

Chúng ta nhất định thành công. Dân tộc Việt Nam đã thức tỉnh sau khi đã phải trả giá rất đắt cho hận thù và chia rẽ, cho óc độc quyền lẽ phải, cho sự cuồng tín và tôn thờ bạo lực. Chúng ta đã hiểu bằng máu và nước mắt và đã chấp nhận trong da thịt những giá trị giản dị nhưng mầu nhiệm như tự do, dân chủ, hòa bình, công lý, bao dung, cố gắng. Chúng ta đã nhuần thấm tình dân tộc nghĩa đồng bào trong sự tủi nhục chung vì thua kém. Chúng ta đã nhận ra rằng tất cả mọi người Việt Nam đều ràng buộc với nhau trong một số phận chung. Chúng ta đang có một đồng thuận dân tộc lớn nhất kể từ ngày ông cha mở nước. Đồng thuận ấy sẽ là vũ khí vô địch giúp chúng ta vượt mọi trở ngại.

Bài học lớn nhất của lịch sử thế giới là một dân tộc muốn vươn lên chỉ cần ba yếu tố: một xã hội tự do, những con người cần mẫn và đồng thuận dân tộc. Chúng ta là một dân tộc cần mẫn đã có đồng thuận dân tộc và sắp có tự do. Chúng ta sẽ vươn lên. Chúng ta có quyền lạc quan trong cuộc hành trình về tương lai.

Lạc quan và hãnh diện vì cuộc đấu tranh của ta trong sáng. Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có.

Chế độ độc tài này sẽ là chế độ độc tài cuối cùng tại Việt Nam. Rũ bỏ được nó chúng ta sẽ vĩnh viễn đi vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ, bao dung, đùm bọc, kỷ nguyên vinh quang của những cố gắng chung và của thành công chung.

Chúng ta hãy nắm tay nhau cùng cất cao một lời nguyền :

Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.

Đó là lý tưởng của thời đại chúng ta. Đó là di sản mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ mai sau. Đó là giấc mơ Việt Nam mà các chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng theo đuổi và muốn chia sẻ với mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, hôm nay và ngày mai !

Trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai

(Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Published in Quan điểm

Trí thức mà tôi đề cập đến trong bài viết này là "trí thức dấn thân" hay "trí thức chính trị" chứ không phải "trí thức khoa bảng", tức là những người có bằng cấp cao trong các lãnh vực nhưng không quan tâm đến chính trị.

trithuc0

Vô lễ với chính trị tức là coi thường, không tôn trọng và không có thái độ đúng đắn đối với kiến thức về chính trị.

Đầu tiên : Trí thức là ai ? Hiểu một cách ngắn gọn thì trí thức là những người do được đào tạo hay tự học đã đạt tới một trình độ hiểu biết và lý luận trên trung bình, quan tâm tới những vấn đề chính trị và xã hội, suy nghĩ một cách lương thiện, biết tự đặt cho mình những câu hỏi và tìm câu trả lời của mình cho những câu hỏi đó và sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình. Người trí thức chính trị phải suy nghĩ một cách độc lập và nghiêm túc học hỏi về kiến thức chính trị.

Chính trị là gì ? Với nhiều người Việt Nam thì họ xem việc tham gia vào chính trị là sự tìm kiếm thành công cá nhân chứ không phải là một hành động vị tha để phục vụ và tôn vinh con người. Với chúng tôi thì làm chính trị là để cống hiến cho lý tưởng của đời mình, để làm cho đất nước giàu có phồn vinh, nhân phẩm con người Việt Nam được tôn trọng và có chổ đứng xứng đáng như bao dân tộc tiến bộ khác.

Vô lễ là gì ? Vô lễ đồng nghĩa với hỗn xược, có nghĩa là không tôn trọng, không có thái độ đúng đắn đối với người lớn tuổi hoặc người có hiểu biết hơn mình. Vô lễ với chính trị tức là coi thường, không tôn trọng và không có thái độ đúng đắn đối với kiến thức về chính trị. Sự vô lễ với chính trị dẫn đến nhiều người nói và xác quyết về chính trị "như đúng rồi" nhưng thực tế họ không có hoặc rất thiếu hụt về kiến thức chính trị.

Một đặc điểm của người Việt là ai cũng cho là mình biết về chính trị và có quyền nói về chính trị dù họ chưa từng học hỏi về chính trị. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì :

"Thái độ vô lễ với kiến thức chính trị này là một di sản văn hóa và lịch sử. Trong hàng nghìn năm, giai cấp sĩ, tiền thân của những người được coi hoặc tự coi là trí thức hiện nay, là một loại người vừa vô học vừa vô đạo về mặt chính trị. Họ không phải là trí thức mà còn là cái ngược lại của trí thức. Nghị luận đối với họ chỉ là tìm mọi lý lẽ để biện hộ cho trật tự chính trị sẵn có. Đó là những người mà mộng đời là được làm tay sai không điều kiện cho các bạo quyền để hà hiếp và bóc lột những người dân cùng khổ...Với một cố gắng học hỏi vừa phải họ có thể hiểu biết về chính trị và, nếu dám sống thực nói thẳng, có thể trở thành những người trí thức. Nhưng cố gắng này họ không chịu làm vì họ có thành kiến là chính trị không cần phải học. Bất cứ ai hễ có quyền lực hoặc có bằng cấp cũng cảm thấy có đủ tư cách để nói về chính trị một cách đầy tự tin".

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người Việt Nam đặt niềm tin hay trông chờ vào sự xuất hiện của một vị "minh chúa" nào đó. Từ các chế độ phong kiến cho đến Hồ Chí Minh, bộ máy tuyên truyền luôn dựng lên hình ảnh người lãnh tụ như là "người do trời phái xuống" cứu dân độ thế, ví dụ câu sấm tương truyền của Trạng Trình : "Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh" có nghĩa là "Khi nào núi Đụn bị phân chia ra 2 hay nhiều bộ phận, khe Bò Đái (hay Bồ Đái) chảy không nghe tiếng nữa thì huyện Nam Đàn sẽ sinh ra một vị thánh" và đó là thánh Hồ.

Nhiều người có thể cười và cho rằng đây là chuyện nhảm nhí nhưng chúng vẫn đang tồn tại trong thực tế. Ví dụ, tại hải ngoại không ít người kêu gọi thành lập chính phủ lưu vong và đoàn kết sau lưng ông Lương Xuân Việt vì ông là thiếu tướng trong quân đội Mỹ, hay bà Dương Nguyệt Ánh vì bà đã nổi tiếng sau khi phát minh ra một vũ khí có khả năng xuyên thủng những bức tường rất dầy. Trong nước thì nhiều người ủng hộ tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, hay thậm chí giáo sư Chu Hảo trở thành "tổng thống" và dẫn dắt phong trào dân chủ Việt Nam. Trong thực tế, những người này chưa bao giờ có ý định như vậy.

Trong thư ngỏ nhân dịp Tết Kỷ Hợi của ông Chu Hảo có đoạn viết mà ai cũng biết :

"Tôi, cũng như nhiều quý vị và các bạn trong số chúng ta, không có nguyện vọng và năng lực hoạt động chính trị thực thụ ; nhưng có chính kiến trong thực hành phản biện xã hội trên tinh thần khoa học và xây dựng là nghĩa vụ của mỗi người, để xã hội này không rơi vào tình trạng "chết lâm sàng". Nói đúng sự thật, có lý lẽ, có tầm nhìn và có tâm trong sáng, thì chẳng gì có thể làm chúng ta sợ hãi. Có càng nhiều người can đảm không thờ ơ trước những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc thì sẽ càng ít có chỗ cho cường quyền lộng hành !".

Như vậy ông Chu Hảo nói rất rõ là ông không có "nguyện vọng và năng lực hoạt động chính trị thực thụ" và không phải tự nhiên mà ông viết như vậy, chắc phải có nhiều đề nghị ông "thành lập đảng mới" hay "phất cờ khởi nghĩa". Vô lễ với chính trị khiến nhiều người cho rằng muốn thành công thì chỉ cần một lãnh tụ có danh tiếng thay vì một tổ chức chính trị có đội ngũ cán bộ mạnh và một dự án chính trị đứng đắn.

Vô lễ với kiến thức chính trị khiến nhiều người Việt đặt niềm tin vào tổng thống Mỹ Trump một cách mù quáng. Nhiều người xác quyết một cách không có căn cứ rằng Trump sẽ đánh gục Trung Quốc và mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Ngoài lý do đến từ văn hóa Khổng giáo là "phò chính thống", "phò kẻ mạnh" thì có lẽ một lý do sâu xa khiến nhiều người thích Trump đó là họ tìm thấy hình ảnh của mình trong đó. Một người không có kiến thức và hiểu biết về chính trị, lỗ mãng, bạ đâu nói đấy, nói sai, nói dối... vẫn có thể làm tổng thống.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người không hiểu rằng "chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong xã hội". Nếu làm chính trị mà sẵn sàng dùng thủ đoạn, dối trá, lỗ mãng, bất chấp đạo đức... thì những kẻ đó sẽ lãnh đạo và dẫn dắt đất nước đi về đâu ? Nhiều người tung hô và sẵn sàng bỏ qua mọi vi phạm đạo đức cá nhân của những người người như Trump, Kim Jong-un... vì họ cho rằng quá khứ khác, giờ khác ? Đừng quên rằng đạo đức của mỗi người là bản chất của người đó. Một kẻ vô lại dù có làm đến chức vụ nào thì vẫn là một kẻ vô lại.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người tuyên bố một cách xanh rờn : Chính trị là xấu xa, nhơ bẩn và đấu tranh chính trị chỉ là giành giật quyền lực... Những người này không hiểu rằng không có chính trị xấu xa và nhơ bẩn mà chỉ có những kẻ xấu xa và nhơ bẩn làm chính trị. Cũng như không có ngành Y hay Giáo dục dơ bẩn mà chỉ có những bác sĩ hay giáo viên dơ bẩn tham gia vào ngành Y và Giáo dục. Chính những kẻ dơ bẩn này đã làm vẩn đục môi trường chính trị vốn được xem là một trong những lĩnh vực sạch sẽ và cao quí nhất.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người hô hào lật đổ cộng sản bằng mọi giá. Cuộc vận động dân chủ hiện này đúng là nhằm chiến thắng đảng cộng sản nhưng không phải để tiêu diệt hay lật đổ họ. "Đây là cuộc đấu tranh để đưa con người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh. Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam rất xứng đáng để có" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai). Động cơ của nó như vậy là lòng yêu nước và yêu đồng bào, là tình yêu chứ không phải lòng thù hận.

Vô lễ với chính trị khiến người Việt không thể thảo luận được với nhau về chính trị. Chỉ cần một ý kiến nào đó khác với quan điểm của mình là lập tức tấn công, chụp mũ, công kích gay gắt mà không hề dùng lý lẽ để phản bác hay tranh luận. Ai cũng có quyền đưa ra ý kiến, một quan điểm nào đó, có thể sai, có thể đúng nhưng không thể vì trái ý với mình mà "tấn công" người khác. Phê bình, chỉ trích cũng cần thái độ ôn hòa thay vì sử dụng "bạo lực ngôn ngữ". Lý do người Việt không thể thảo luận về chính trị là vì chúng ta hiểu rất khác nhau về các khái niệm chính trị. Sở dĩ có chuyện đó vì người Việt không chịu học hỏi. Đó chính là sự vô lễ với kiến thức chính trị. Không hiểu giống nhau về các khái niệm chính trị thì làm sao thảo luận về chính trị ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người tranh đấu dù có tấm lòng nhưng không chịu hiểu một điều giản dị là đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chứ không phải giữa các cá nhân. Chính vì vậy, thay vì tham gia, ủng hộ hay thành lập các tổ chức chính trị để tranh đấu thì nhiều người chỉ tranh đấu cá nhân và không những thế còn "tự hào" về điều đó. Bao nhiêu người tranh đấu cá nhân sau một thời gian đều âm thầm "biến mất" hình như vẫn không thay đổi đươc tư duy của người Việt ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều trí thức tự hào xem mình là "nhân sĩ" mà không ý thức được sự tầm thường, nhỏ mọn và ích kỷ của "giai cấp nhân sĩ", thậm chí nhiều người không hiểu nhân sĩ là gì và nó vớ vẩn đến cỡ nào. Thân phận "nô tài", "nô bộc", tay sai cho các thế lực cầm quyền nhằm ức hiếp dân chúng thì có gì vinh quang để mà tự hào ?

Vẫn theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì, "Văn hóa nhân sĩ như vậy ít nhất để lại cho trí thức Việt Nam hai thương tật : Một là coi hoạt động chính trị là để làm quan, là tranh giành công danh cho riêng mình, bằng cố gắng cá nhân. Hai là tâm lý phục tùng chính quyền thay vì đấu tranh để thay đổi nó, ngay cả khi đó chỉ là một chính quyền tồi dở và thô bạo. Hai tật nguyền này khiến các trí thức Việt Nam không kết hợp được với nhau để xây dựng một lực lượng có tầm vóc để đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Đa số không có văn hóa tổ chức hoặc ý chí thay đổi xã hội, hoặc cả hai" (Về văn hóa chính trị nhân sĩ). 

Nhiệm vụ và sứ mệnh quan trọng nhất của tầng lớp trí thức là hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng chứ không phải lẽo đẽo chạy theo và nhiều khi chạy sau cả quần chúng (chưa kể những người hùa với chính quyền để ru ngủ và đàn áp dân chúng) vì trí thức là đại diện cho tâm hồn, trí tuệ và tiếng nói của một dân tộc... Bao nhiêu trí thức Việt Nam hiểu được điều đó ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người khó khăn lắm mới có thể tham gia vào một tổ chức rồi cũng dễ dàng ra đi chỉ vì những bất đồng ý kiến nho nhỏ với những người khác. Họ không nghiên cứu và tìm hiểu về "văn hóa tổ chức" trong các tổ chức chính trị nên họ ngộ nhận nhiều thứ. Họ không hiểu là cần phải hy sinh ít nhiều cái tôi nhỏ bé của mình để có thể hòa đồng với tập thể, hy sinh cái nhỏ để đạt được ước muốn lớn lao là góp phần dân chủ hóa đất nước.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người ngụy biện và ngụy biện lớn nhất đó là "không thể làm gì được trong lúc này vì chính quyền đàn áp các tổ chức từ trong trứng nước". Việc công khai ủng hộ và quảng bá ầm ĩ cho những tổ chức mới ra đời và chưa có sự chuẩn bị nào ở trong nước là những hành động ngu ngốc và điên rồ vì chúng "hữu danh vô thực" và chỉ có tác dụng khiêu khích chính quyền. Với mức độ tự do hiện nay và với sự hỗ trợ của các mạng xã hội thì việc kết nối với các tổ chức không phải là chuyện quá khó. Ngay cả các thảo luận, trao đổi về chính trị mang tính tư tưởng không hề bị ràng buộc gay gặp cản trở nào mà chỉ có vấn đề là "muốn hay không muốn". Một số trí thức Việt Nam vẫn ủng hộ và tiếp tay với đảng cộng sản để kéo dài sự cầm quyền của họ mà không hiểu rằng thời đại của các chế độ độc tài dù hùng mạnh như Trung Quốc hay Nga cũng đã đến hồi cáo chung.

Vô lễ với chính trị dẫn đến bế tắc và trong không ít trường hợp những người bất đồng trong nước không cần tìm hiểu về các tổ chức chính trị ở hải ngoại mà đã vội bắt tay với họ khiến nhiều người chưa làm được gì đã bị bắt và bị kết những bản án rất nặng vì những tổ chức đó là cò mồi hoặc hữu danh vô thực, chuyên nổ và chém gió trên mạng.

Vậy có cách nào để chữa căn bệnh "vô lễ với chính trị" không ? Theo tôi thì có và hoàn toàn không có gì là quá cao siêu, phức tạp. Ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà tư tưởng chính trị của Việt Nam hiện nay, viết :

"Đức tính đầu tiên và bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức. Tiếp theo là những khả năng và đức tính mà mọi người đấu tranh chính trị phải có : lương thiện, quyết tâm, kiên trì và bản lãnh chính trị -nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp. Dĩ nhiên cuộc chiến đấu nào cũng đòi hỏi sự dũng cảm, nhưng sự dũng cảm chính của những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong lúc này là dám tin tưởng vào thắng lợi dù biết cuộc đấu tranh sẽ rất dài và khó khăn, dám quên mình để xây dựng sức mạnh của tổ chức, dám gạt bỏ sự cám dỗ của danh tiếng, dám chấp nhận để người khác nghĩ rằng mình thiếu dũng cảm. Cuối cùng thời gian sẽ trả lại công lý cho mỗi người".

Việt Hoàng

(06/03/2019)

Published in Quan điểm

Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết là các dịch vụ tâm linh lại nở rộ hơn bao giờ hết, các chùa chiền đông nghịt khách đến thăm và đặc biệt là để dâng sao giải hạn. Chùa Phúc Khánh-Hà Nội là tiêu biểu với đợt rằm tháng Giêng lên đến 14 vạn người tham gia, họ đứng tràn ra cả đường và gây ách tắc giao thông. Ở Sài Gòn cũng tương tự, hàng nghìn người dân Thành phố Hồ Chí Minh chen nhau đội sớ cúng sao giải hạn trong ngày 12/02/2019 tại chùa Ngọc Hoàng, Quận 1.

cung1

Hàng ngàn người đội sớ cúng sao, giải hạn tại chùa Viên Giác ở quận Tân Bình dịp đầu năm - Ảnh minh họa 

Năm nay đặc biệt có thêm một lễ hội kỳ quái xuất hiện đó là "nhổ lông lợn" để lấy may. Đây là một bước "phát triển vượt bậc" so với các lễ hội như chém lợn, chém trâu, đút tiền vào miệng Phật hay giành giật một sợi chiếu để sinh con trai…

Quan chức Việt Nam thì khỏi nói. Cứ sau Tết là xe công biển số xanh tấp nập chở quan chức và vợ con đi chùa khiến nhiều nơi tắc đường. Càng quan chức và có chút chức sắc thì càng mê tín và cầu cúng nhiều hơn hẳn người dân thường.

Vì sao lại có những chuyện như vậy ? Vì sao người Việt bỗng nhiên đặt nhiều hy vọng vào thế giới tâm linh như thế ?

Giáo sư Mạc Văn Trang có bài viết rất hay và đáng suy nghẫm trong dịp năm mới, đó là bài "Một xã hội kỳ lạ". Ông cho biết :

"Các quan chức nhà nước từ Chủ tịch, Thủ tướng trở xuống hầu hết đều đầu tư khá lớn để xây Đền thờ cho họ mình, nhà mình, lo lăng mộ cho mình thật hoành tráng ; nhiều người âm thầm "công đức", "cung tiến" vào đền, chùa… khá nhiều tiền của. Rồi họ tổ chức cúng lễ linh đình, cầu khẩn thần, phật khắp nơi … Có những quan chức có cả thầy tướng số, phong thủy thân cận để thường xuyên "tham vấn" mọi việc từ lớn đến nhỏ…" (1).

Trong khi đó theo chủ thuyết Mác-Lê nin thì "tôn giáo là thuốc độc ru ngủ quần chúng" vì thế phải tiêu diệt mọi tôn giáo. Người cộng sản ngày xưa phá chùa, phá nhà thờ và lên án bài trừ các hoạt động tâm linh thì nay chính họ là người tỏ ra sùng bái và tin tưởng nhất vào những thứ đó. Điều này nói lên rằng chủ nghĩa Mác-Lê nin đã hết thiêng. Không ai còn tin vào nó nữa vì vậy họ phải tìm đến thánh thần.

Có hai bức ảnh rất đặc biệt là bức ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng và "đệ tử" Trần Bắc Hà ngồi rúm ró phía sau hồi sang thăm ngôi chùa Mahabodhi nổi tiếng ở Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ và bức ảnh thứ hai là hình ảnh ông cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân Nguyễn Thị Hiền cũng đến thăm ngôi chùa đó hôm 2/3/2018. Hình ảnh ông Quang gục mặt vào bức tường chùa trông rất thành tâm nhưng rồi sự thành tâm đó cũng không giúp ông thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

cung2

Ông Nguyễn Tấn Dũng và "đệ tử" Trần Bắc Hà ngồi rúm ró phía sau hồi sang thăm ngôi chùa Mahabodhi nổi tiếng ở Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ

cung3

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân Nguyễn Thị Hiền cũng đến thăm ngôi chùa Mahabodhi hôm 2/3/2018

Kinh doanh tâm linh đang là một nghề phát đạt nhất ở Việt Nam hiện nay. Các ngôi chùa được gọi là "lớn nhất Việt Nam và thế giới" luôn bị phá kỷ lục. Chùa An Nam Quốc Tự phải nhường chỗ cho Bái Đính và rồi Bái Đính đã phải nhường chỗ cho chùa Ba Chúc. Người ta có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng không tiếc tiền để cúng bái, giải hạn và xin xỏ thánh thần. Mỗi năm người Việt đốt khoảng 5.000 tỷ đồng tiền vàng mã và người ta đốt cả những thứ đặc biệt cho người chết như ô tô, xe máy, điện thoại di động, cả "chân dài" và ô-sin (2).

Ban đầu, đảng cộng sản "định hướng" cho người dân tin vào tâm linh là có lý do, họ muốn đổ hết trách nhiệm quản trị đất nước yếu kém của họ cho số phận. Ví dụ mỗi năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, thay vì nhận trách nhiệm thì Đảng cộng sản đổ thừa cho số… Trời. Đảng cùng với tổ chức Phật giáo quốc doanh thường xuyên làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân với sự tham gia của các cơ quan chính quyền và cả quan chức cao cấp của đảng (3).

Các lễ hội khắp đất nước được nâng cấp và phục hồi với việc quan chức Việt Nam thường xuyên đến thăm và thờ phụng khiến người dân tin và làm theo. Văn hóa bầy đàn và suy nghĩ "đến ông bà quan chức lãnh đạo cao cấp thế còn đến đây cúng bái thì chắc chùa phải thiêng lắm"… khiến người dân nô nức "học tập và làm theo". Ví dụ chùa Phúc Khánh, chỉ vì có chủ trì là ông sư Thích Thanh Quyết, cũng đồng thời là một quan chức của quốc hội nên có nhiều vị lãnh đạo đồng liêu đến cúng bái là chuyện đương nhiên, thế nhưng sự việc bình thường đó đã trở thành "thiêng liêng" trong con mắt người dân và thế là họ kéo đến đây để dâng sao giải hạn gây tắc cả đoạn đường xung quanh khu vực chùa. Chùa Ngọc Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhờ sự kiện ông Obama ghé thăm hồi tháng 5/2016 mà cũng trở thành địa điểm linh thiêng khi biển người đổ về đây cầu an.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì "sự cuồng tín được đẩy đi quá xa do các cơ sở tín ngưỡng đã lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi" (4). Theo ông thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho chuyện này. Theo tôi thì chưa đúng, vì trên Giáo hội còn Mặt trận tổ quốc và trên Mặt trận còn có sự lãnh đạo "toàn diện và tuyệt đối của đảng". Đừng quên rằng Giáo hội chỉ là một tổ chức ngoại vi của đảng, chịu sự quản lý và lãnh đạo của đảng. Sự thao túng của đảng vào nội bộ Giáo hội Phật giáo bằng cách o ép Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là điều mà ai cũng biết từ lâu.

Sự biến tướng của các lễ hội và sự cuồng tín của đám đông vào thánh thần không phải tự nhiên mà có. Đó là "sản phẩm" mà chính quyền tạo ra nhằm ru ngủ người dân và nhằm đổ hết mọi trách nhiệm và sự yếu kém của họ trong việc quản trị quốc gia cho thánh thần và số phận. Đám đông thì bị tâm lý bầy đàn chi phối và dẫn dắt. "Nhà dột từ nóc", quan làm sao thì dân làm vậy. Với người dân Việt Nam thì không khó để giải thích hiện tượng này vì văn hóa người Việt Nam quen với việc hối lộ và luồn lách để giải quyết các vấn đề của cá nhân. Việc thường xuyên phải hối lộ cho các công chức chính quyền mỗi khi đến "cửa quan" làm việc đã khiến cho văn hóa này "thăng hoa". Suy nghĩ "dương sao, âm vậy" làm cho người dân nghĩ rằng phải cúng bái, hối lộ cho thánh thần thì mới thành tâm và mới được phù hộ độ trì.

Trong Kinh Thánh có câu : "Người giàu đi vào nước trời khó như lạc đà chui qua lỗ kim" nhưng nay câu ấy không còn đúng với người giàu Việt Nam. Có lẽ "người giàu" và quan chức Việt Nam không còn tự tin vào bản thân và sức mạnh của đồng tiền nên đành chen nhau "chui qua lỗ kim" ?

Mọi tôn giáo đều hướng thiện và khuyên con người nên cư xử với nhau bình đẳng, bao dung, bác ái và nhân nhượng lẫn nhau vậy việc người Việt Nam tin vào tâm linh như vậy có khiến họ sống đúng với giáo huấn của nhà Phật hay không ? Có lẽ là không. Theo báo chí nhà nước thì mặc dù có giảm so với tết năm 2018, nhưng tết năm nay vẫn còn đến 6.000 người phải nhập viện do dùng nắm đấm "giải quyết mâu thuẫn".

Vì sao như vậy ? Theo tôi thì xã hội Việt Nam ngày nay đang đỗ vỡ nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực nhất là đổ vỡ về niềm tin và các giá trị đạo đức truyền thống. Các giá trị đạo đức theo "tiêu chuẩn cộng sản" (là làm bất cứ cái gì có lợi cho cách mạng) đã phá nát và làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống mà ông cha đã đúc kết từ hàng ngàn năm qua. Một xã hội tha hóa và đảo lộn mọi giá trị khiến người dân mất hết niềm tin nên phải tìm đến thánh thần để mong có một chỗ dựa dù mong manh và không có gì chắc chắn. Bản thân Đảng cộng sản cũng không còn niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin nên họ cũng phải tìm đến Trời Phật. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng không mấy ai tin vào con đường dân chủ hóa đất nước nên họ chỉ quanh quẩn trong việc "viết thư ngỏ" thay vì thành lập đội ngũ để tranh đấu một cách có bài bản và lớp lang…

tuyetvong1

Điều đáng nói là trí thức Việt Nam, tầng lớp tinh hoa của dân tộc cũng bế tắc và tuyệt vọng. Họ không biết làm gì để kéo dân tộc ra khỏi tình trạng này.

Tóm lại cả xã hội Việt Nam đang tuyệt vọng và mất niềm tin, cả người dân, đối lập lẫn chính quyền. Điều đáng nói là trí thức Việt Nam, tầng lớp tinh hoa của dân tộc cũng bế tắc và tuyệt vọng. Họ không biết làm gì để kéo dân tộc ra khỏi tình trạng này. Thay vì làm gương, cảnh báo và phân tích cho người dân để giúp họ nhận ra vấn đề thì thậm chí không ít người còn tiếp tay và hùa vào với chính quyền làm người dân đã u mê càng u mê hơn.

Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, một nhóm người vẫn có niềm tin vào tương lai Việt Nam, những người dám mơ ước về "giấc mơ Việt Nam" để rồi kiên nhẫn xây dựng một tổ chức dân chủ đối lập với một tư tưởng chính trị trong sáng và khả thi, xây dựng một đội ngũ nhân sự chính trị có đồng thuận và quyết tâm mang lại dân chủ cho Việt Nam như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có vẻ vẫn còn xa lạ và lạc lõng với quần chúng. Tuy nhiên làm chính trị là hò hẹn với tương lai nên chúng tôi vẫn có đủ niềm tin và nghị lực để đi đến cái đích sau cùng với sự kiên nhẫn và hy vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Việt Hoàng

(20/02/2019)

(1) https://www.thongluan.blog/2019/02/mot-xa-hoi-ky-la-mac-van-trang.html

(2) https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/dot-chan-dai-osin-cho-nguoi-am-cuong-tin-me-muoi-va-tham-lam-469080.html

(3) https://dantri.com.vn/xa-hoi/to-chuc-dai-le-cau-sieu-cho-cac-nan-nhan-tu-vong-vi-tngt-vao-ram-thang-7-20180822201223597.htm

(4) https://tuoitre.vn/chan-hung-van-hoa-di-chua-lam-sao-dep-nan-truc-loi-tam-linh-2019021808364236.htm

Published in Quan điểm

Có lần, một linh mục (ở hải ngoại) hỏi một thành viên Tập Hợp rằng : "Anh có tin vào tương lai, vào sự thành công của Tập Hợp hay không ?". Thành viên của Tập Hợp vừa cười vừa hỏi lại : "Là một linh mục vậy Cha có tin vào Chúa không ?". Vị linh mục không trả lời và bỏ đi.

tuonglai1

Tranh đấu chính trị là gieo trồng những mầm giống tốt cho tương lai.

Chính trị và tôn giáo có những điểm giống nhau và khác nhau. Cả hai đều giống nhau về bản chất đó là hướng thiện. Các tôn giáo lớn sỡ dĩ tồn tại đến hôm nay là vì chúng hướng thiện. Tranh đấu chính trị cũng là hướng thiện. Thế giới được hòa bình và phát triển như ngày hôm nay cũng nhờ vào sự tranh đấu chính trị không mệt mỏi của những người con ưu tú trên khắp thế giới. Trong hành trình gian nan tiến về tương lai đó vẫn có những luồng tư tưởng độc hại xuất hiện và gây hậu quả nghiêm trọng như chủ nghĩa khủng bố và cộng sản. Chính vì không hướng thiện nên sớm muộn chúng cũng sẽ bị đào thải.

Điểm khác nhau quan trọng nhất giữa chính trị và tôn giáo đó là niềm tin chính trị đặt trên tư tưởng và lý luận, tức là dựa trên những phân tích và đánh giá khoa học trong khi đó đức tin vào tôn giáo là bất biến, mặc định và không bàn cãi.

Dưới cái nhìn của những người hoạt động chính trị như chúng tôi thì Giê-su là một chính trị gia kiệt xuất, là người đã mở ra một nền văn minh mới cho nhân loại. Giê-su là người thứ hai sau triết gia Socrates chết vì lý tưởng của mình. Socrates sống vào cuối thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, Socrates đả kích gay gắt chế độ dân chủ vừa được tái lập tại Athens và bị chế độ dân chủ này xử án tử hình. Ông chấp nhận chết để bảo vệ ý kiến của mình. Giê-su là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng, ông kêu gọi hòa bình, yêu thương, bình đẳng, công bằng, lẽ phải và nhất là phương pháp đấu tranh bất bạo động bằng tinh thần bao dung, hòa giải. Giê-su đã chọn cái chết vì tình yêu thương đồng loại, vì muốn thay đổi nhân loại. Giê-su là người đầu tiên muốn xóa bỏ ranh giới giữa các tầng lớp trong xã hội (Do Thái thời đó vốn rất nhiều giai cấp) để tiến tới sự bình đẳng bằng việc rửa chân cho môn đồ của mình trước lúc chết. Giê-su cũng là người đầu tiên "phát minh" ra công thức "tam quyền phân lập" và sự tách biệt giữa chính trị và tôn giáo qua câu nói "cái gì của Caesar thì trả cho Caesar, cái gì của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa"…

Giê-su đi trước nhân loại hơn 2000 năm và có lẽ vì thế mà Giê-su được tôn vinh và trở thành giáo chủ của một tôn giáo lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới cho đến tận ngày hôm nay. Niềm tin của các tín đồ vào Chúa Giê-su là mặc định và không bàn cãi.

Chính trị là một công việc phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ và tư duy của con người mà tư duy, nhận thức của con người lại không giống nhau và chúng luôn thay đổi và bị chất vấn gay gắt. Tôn giáo hứa hẹn tương lai (thiên đàng) ở một thế giới khác, sau khi đã chết, còn chính trị là giải quyết các vấn đề dân sinh trong hiện tại. Chính vì thế mà chính trị phải cảm nhận được, phải cụ thể và có hiệu quả trong thời gian ngắn. Việc đặt ra các cuộc bầu cử trong một thời hạn nhất định là để người dân phúc kiểm các giải pháp chính trị xem chúng có hiệu quả hay không.

Việc đặt ra các thời hạn cho các chính đảng cầm quyền vừa có ưu điểm vừa có khuyết điểm. Ưu điểm là không để cho các chính phủ câu giờ hoặc ngủ quên trên chiến thắng, buộc họ phải cố gắng tối đa để tạo ra những thay đổi rõ nét trong nhiệm kỳ đó. Khuyết điểm của nó là khiến các chính phủ phải lấy những quyết định mang lại lợi ích trong ngắn hạn nhưng lâu dài thì có thể không tốt nhằm mục đích kiếm phiếu và tiếp tục cầm quyền. Chính khuyết điểm này là một trong những lý do tạo ra làn sóng dân túy trên toàn cầu trong thời gian qua. Nó càng đặc biệt nghiêm trọng trong các chế độ theo mô hình chính trị "tổng thống chế" khi mà người dân bầu cho một người thay vì một chính đảng. Hệ quả dĩ nhiên là tất cả các ứng cử viên tổng thống đều phải dân túy vì ngôn ngữ dân túy gần gũi và dễ hiểu với người dân thay vì các lý luận sâu sa, khó hiểu.

Giải pháp duy nhất cho vấn nạn trên là mô hình chính trị "dân chủ đại nghị và tản quyền". Chỉ dưới mô hình đó các chính đảng mới dám đưa ra một Dự án chính trị khả thi và bền vững cho hiện tại và cả tương lai. Tập Hợp đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam là "đại nghị và tản quyền" gần như Cộng hòa liên bang Đức.

"Cung cấp giải pháp" là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi chính đảng trước các cuộc bầu cử. Nếu muốn có giải pháp đúng và khả thi thì các chính đảng phải đầu tư rất nhiều cho tư tưởng chính trị và kiến thức chính trị…Chỉ khi đó may ra mới có được một giải pháp hiệu quả. Trên thực tế bất cứ một chính đảng nào dù cực đoan như đảng cộng sản thì họ vẫn đưa ra và thực thi một "giải pháp" mà họ cho là tốt, họ cũng muốn đất nước phát triển để họ được cầm quyền suốt đời nhưng vì thiếu kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị nên họ phải vay mượn một giải pháp ngoại lai và lỗi thời là chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin. Giải pháp đó là sai từ gốc và hoàn toàn đã bị vứt bỏ trên thế giới. Một trong những khủng hoảng lớn nhất của đảng cộng sản bây giờ là tư tưởng và lý luận. Họ biết sai nhưng lại không đủ can đảm để vứt bỏ nó vì như thế họ không có chính danh để cầm quyền. Biết thế, nhưng vì thấy trước mặt cũng không có tổ chức nào có thể cạnh tranh nên họ đành "cố đấm ăn xôi".

"Thực thi các giải pháp đã đề nghị" là nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của các tổ chức chính trị sau khi được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền. Muốn làm được việc thì tổ chức đó phải có một "đội ngũ nhân sự" để thực hiện và thực thi công việc. Đội ngũ cán bộ đó phải được chuẩn bị từ trước khi trở thành đảng cầm quyền. Họ phải hiểu nhau, đồng thuận với nhau trên những lập trường căn bản của tổ chức thì mới gắn kết thành một ê-kíp ăn ý nếu không sẽ "ông nói gà bà nói vịt", "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Chưa có một tổ chức nào thành lập sau khi cầm quyền mà có thể thành công. Muốn cho đội ngũ cán bộ đó tìm được nói chung thì họ phải liên tục học hỏi, thảo luận và nghiên cứu về đường lối và tư tưởng của tổ chức trong một thời gian dài trước đó. Tổ chức là môi trường để học hỏi và sàng lọc các ý kiến.

Đảng cộng sản đã hoàn toàn thất bại trong việc đem lại "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" cho người dân Việt nam dù rằng họ đã cầm quyền tuyệt đối hơn 70 năm qua. Nhân sự của đảng cộng sản ngày càng xuống cấp vì qui trình chọn lựa khép kín trong nội bộ thông qua việc "qui hoạch cán bộ" từ trung ương đến địa phương. Đây là hành động co cụm để tự vệ của đảng cộng sản. Chúng khiến cho nhân tài không có cơ hội tham gia vào bộ máy chính quyền và vì thế sự suy thoái của đội ngũ cán bộ đảng là không thể tránh khỏi.

Một yêu cầu quan trọng nữa đối với các chính đảng đó là tư cách và đạo đức của các thành viên của nó. Chính trị là đạo đức ứng dụng trong xã hội. Một người có tài đến đâu mà thiếu đạo đức thì cũng có ngày gây họa. Đạo đức phải được nuôi dưỡng và rèn luyện từ nhỏ trong một môi trường sạch. Điều này giải thích vì sao đạo đức công chức Việt Nam ngày càng suy đồi. Không chỉ mỗi họ (các công chức nhà nước) mà toàn thể người dân Việt Nam phải sống và làm việc trong một môi trường mà sự dối trá, luồn lách, cơ hội, vô cảm và chỉ biết đến bản thân…ngay từ nhỏ, từ lúc đi học mẫu giáo cho đến lúc đi làm rồi về hưu.

Người Việt không chỉ bị mỗi ô nhiễm môi trường sống mà còn bị ô nhiễm nặng về tinh thần và đạo đức. Có những chuyện mà không ai tin là có thật vẫn xảy ra hàng ngày tại Việt Nam. Chính sự đồi bại của giai cấp thống trị khiến xã hội đảo điên và xuống cấp theo, bởi vì "nhà dột từ nóc". Phương pháp cai trị dựa trên dối trá và bạo lực của đảng cộng sản đẩy xã hội Việt Nam vào một dòng xoáy của hận thù và bất dung. Mọi "bất đồng" đều được ưu tiên giải quyết bằng nắm đấm thay vì đối thoại…

Tập Hợp đã nghiên cứu và hiểu rõ tình hình xã hội Việt Nam. Chúng tôi có giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của Việt Nam qua 3 ví dụ nêu trên.

1. Tập Hợp đã chuẩn bị và cung cấp cho người dân Việt Nam một giải pháp chính trị "dân chủ đa nguyên" để thay thế cho "giải pháp cộng sản", đó là Dự án Chính trị với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Mọi người có thể đọc và so sánh với hệ tư tưởng Mác-Lênin mà đảng cộng sản đang áp dụng tại Việt Nam và với các hệ tư tưởng của các tổ chức đối lập khác.

2. Tập Hợp cũng đã chuẩn bị cho mình một đội ngũ cán bộ nhân sự nòng cốt có hiểu biết, viễn kiến, yêu nước và bao dung. Đội ngũ nhân sự của Tập Hợp sẵn sàng đảm nhận các công việc thích hợp để thực thi những đề nghị trong giải pháp chính trị mà chúng tôi đã đưa ra trong Dự án Chính trị của mình.

3. Các thành viên của Tập Hợp không ngừng nhắc nhở nhau và xiển dương các giá trị đạo đức căn bản (mà loài người đã tích lũy được từ hàng triệu năm qua) và nhất là cổ vũ cho tinh thần bao dung và hòa giải dân tộc. Chúng tôi xem đó là lập trường chủ đạo của tổ chức và cũng là triết lý cầm quyền và điều hành đất nước trong tương lai.

Tập Hợp đã, đang và sẽ làm tất cả phần việc của mình với sự cố gắng và kiên nhẫn cao nhất. Chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn cho Việt Nam một tổ chức chính trị đúng nghĩa mà chúng tôi tin là cần thiết và đứng đắn. Thế giới đang đứng trước những thay đổi dồn dập và khó lường, mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhất là sự tan rã không thể tránh khỏi của đế quốc Trung Hoa. Lịch sử thường sang trang vào những lúc bất ngờ nhất. Ví dụ không ai nghĩ rằng nước Mỹ thời Donald Trump lại từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới trong lúc đang ở đỉnh cao và hai nước độc tài lớn nhất thế giới là Nga và Trung Quốc đang suy yếu hơn bao giờ hết.

Năm 1945 thời cơ đến với Việt Nam cũng khá bất ngờ khiến trí thức và người dân không kịp hiểu, không kịp chuẩn bị gì để rồi một tổ chức duy nhất có chuẩn bị là đảng cộng sản giành được vai trò cầm quyền và biến Việt Nam thành một nước độc tài từ đó đến giờ. Tập Hợp không muốn điều đó xảy ra một lần nữa. Tập Hợp chấp nhận cô đơn vì đi trước để dẫn đường và chuẩn bị sẵn một phương án khả thi khi đất nước cần đến. Chúng tôi cho rằng làm chính trị là hò hẹn với tương lai. Chúng tôi đã nhìn thấy tương lai đó và tin rằng người dân Việt Nam sẽ tìm đến với chúng tôi, lựa chọn chúng tôi và tin tưởng giao cho chúng tôi trọng trách vào thời điểm lịch sử.

Chúng tôi đã tồn tại cho đến ngày hôm nay nhờ một yếu tố quan trọng, đó là NIỀM TIN. Niềm tin vào lẽ phải, niềm tin vào tương lai của dân tộc, niềm tin vào sự dấn thân trong sáng và lương thiện của các thành viên Tập Hợp…Niềm tin đó đã nâng đỡ và đồng hành cùng chúng tôi tiến về tương lai. Chúng tôi tin là Tập Hợp nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung sẽ có tương lai.

Việt Hoàng

(3/2/2019)

Published in Quan điểm

"Tập Hợp đã làm được gì ?" là câu hỏi mà thỉnh thoảng chúng tôi nhận được từ độc giả. Đây là câu hỏi hoàn toàn chính đáng vì nếu người dân không biết, không hiểu một tổ chức chính trị đã làm được gì, định làm gì và đề nghị những gì... thì họ không thể nào ủng hộ cho tổ chức đó được. Những người đặt câu hỏi này có thể lần đầu tiên biết đến Tập Hợp, cũng có người đã biết đến Tập Hợp từ lâu nhưng họ không thấy Tập Hợp làm gì vì họ không hiểu thế nào là một tổ chức chính trị.

taphop1

"Một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị".

Vậy thế nào là một tổ chức chính trị ? Nó được định nghĩa như sau : "Một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị". Định nghĩa này có lẽ là khó hiểu với nhiều người. Một cách giải thích khác về nhiệm vụ của một chính đảng là "Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân, vận động tranh cử và cố gắng dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai và minh bạch để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị đó".

Nếu làm cách mạng mà không có tư tưởng chính trị được cụ thể hóa bằng một dự án chính trị thì chỉ là làm loạn (thậm chí chỉ là làm giặc) vì nó chỉ nhằm mục đích duy nhất là cướp chính quyền.

Với văn hóa Khổng giáo thì "làm chính trị" là để làm quan, để "vinh thân phì gia" hơn là để phụng sự đất nước, phụng sự xã hội. Vì vậy quan niệm "ăn cây nào rào cây ấy" và "phò chính quyền", phò kẻ mạnh là tâm lý chung và áp đảo của kẻ sĩ ngày xưa, tức là trí thức bây giờ. Thái độ đó rất ích kỷ, nhỏ mọn và tầm thường. Nó làm người trí thức đánh mất đi tất cả : Danh dự, trí tuệ, tâm hồn. Mộng ước được làm tôi tớ và công cụ cho chính quyền khiến người trí thức luôn phải cúi đầu chịu nhục trước cường quyền. Có người thì ngụy biện rằng "chính trị là nhơ bẩn" vì thế họ không tham gia. Điều này sai hoàn toàn, chính trị là hướng thiện, là phụng sự xã hội, là công việc chung. Không có "chính trị dơ bẩn" mà chỉ có những kẻ dơ bẩn làm chính trị và những kẻ này sẽ bị đào thải không sớm thì muộn.

Tập Hợp là một tổ chức chính trị có mục tiêu (cứu cánh) rất rõ ràng đó là "đánh bại độc tài và xây dựng dân chủ cho Việt Nam". Cuộc cách mạng dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị không chỉ để thay đổi mô hình chính trị, tức là cách thức quản lý nhà nước mà còn để thay đổi văn hóa và tư duy của người Việt Nam về chính trị. Chính vì đụng phải bức tường văn hóa Khổng giáo nên cuộc vận động tư tưởng của Tập Hợp gặp không ít khó khăn và mất nhiều thời gian.

Nếu Tập Hợp toàn quyền cai trị Việt Nam như Đảng cộng sản thì chắc chúng tôi có nói con gà là con bò cũng sẽ có người gật đầu. Còn hiện tại thì chúng tôi có nói đúng đến đâu thì cũng không phải ai cũng tin, cũng nghe theo. Nhiều khi biết mười mươi là đúng thì họ cũng nghĩ trong đầu rằng "cứ để xem Tập Hợp có làm được gì không đã rồi tham gia cũng không muộn"… ? Có người từng nói rằng nếu Tập Hợp qui tụ được khoảng vài nghìn người thì họ sẽ tham gia. Nếu không họ sẽ ngồi đợi theo kiểu quan niệm "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau’. Ít người muốn lội cùng chúng tôi trong lúc khó khăn này.

Cũng có ý kiến cho rằng Tập Hợp không tập hợp được lực lượng vì kém và chưa thuyết phục được họ… Thử hỏi những người nghĩ vậy họ có ủng hộ ai hay tổ chức nào không ? Rõ ràng là không. Dấn thân chính trị là một lý tưởng, một đam mê và phải tự nguyện vì tham gia vào một tổ chức chính trị là để cống hiến và hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp chứ không phải để mưu cầu danh lợi. Không có trường học nào dạy về chính trị mà chỉ có môi trường để học hỏi về chính trị là các tổ chức chính trị.

Chính trị cũng là một nghề nghiệp với đặc thù riêng của nó. Người Việt Nam chưa từng biết đến sinh hoạt chính trị trong các tổ chức dân chủ. Đảng cộng sản là một ngoại lệ được tổ chức theo mô hình của Liên Xô trước đây dựa trên hai công cụ : dối trá và khủng bố. Cuộc cách mạng dân chủ hiện nay khác hoàn toàn không dụ dỗ cũng không khủng bố bất cứ ai mà chỉ kêu gọi sự tự nguyện dấn thân. Làm chính trị là để cống hiến cho lý tưởng của đời mình, để làm cho đất nước giàu có phồn vinh, nhân phẩm con người Việt Nam được tôn trọng và có chổ đứng xứng đáng như bao dân tộc tiến bộ khác.

Một tổ chức chính trị dù cầm quyền hay đối lập thì cũng có chức năng giống nhau là đưa ra các dự đoán về tình hình kinh tế-chính trị-xã hội của quốc gia và thế giới đồng thời phải đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề đó. Nếu một tổ chức không làm được như thế thì tổ chức đó coi như đã chết lâm sàng. Đảng cộng sản là một trường hợp như vậy và các đảng chính trị đối lập của người Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đó. Tức là họ không có gì để nói, không có ý kiến và viễn kiến cũng như không có giải pháp gì.

taphop2

Chim bồ câu tung cánh : biểu tượng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập Hợp là một ngoại lệ duy nhất. Chúng tôi vẫn nói, vẫn đưa ra các ý kiến và giải pháp hàng ngày, hàng giờ trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tập Hợp khác Đảng cộng sản ở chỗ là không có công cụ hay phương tiện để thực hiện các đề nghị của mình vì Tập Hợp chỉ là một tổ chức đối lập.

Tập Hợp không chủ trương "cướp chính quyền" mà muốn đem lại thay đổi thực sự cho Việt Nam vì thế chúng tôi chú trọng cho những kế hoạch dài hơi như xây dựng tư tưởng, xây dựng lực lượng, là một đội ngũ cán bộ nòng cốt có năng lực, phẩm chất và đạo đức, xây dựng một cộng đồng thân hữu…

Việc tham gia vào một tổ chức chính trị, học hỏi để trở thành những chính trị gia trong tương lai là rất khó chứ không dễ như nhiều người nghĩ. Có người cho rằng khi nào Đảng cộng sản chấp nhận đa đảng hoặc sụp đổ thì khi đó họ sẽ tham gia tổ chức. Những người nói như vậy chứng tỏ họ không hiểu gì về tổ chức. Giả sử, Đảng cộng sản sụp đổ thì một nhóm ô hợp chưa từng sinh hoạt cùng nhau lâu dài trước đó, không hiểu nhau, chưa từng đồng thuận với nhau, khi tập hợp lại chỉ tạo ra một đám đông ô hợp mới, tranh cãi loạn xạ. Đám đông ô hợp đó nếu có bầu ra được ban lãnh đạo thì những người cầm đầu cũng sẽ không biết tin ai để phân công công việc cho hợp lý vì chưa hoạt động cùng nhau bao giờ để hiểu khả năng và tư cách của nhau. Họ buộc phải bổ nhiệm những người thân quen khiến xung đột thêm trầm trọng. Đây là lý do khiến chính phủ Trần Trọng Kim và các chính phủ quốc gia kế tiếp tan rã nhanh chóng, hoặc trở thành độc tài rồi thất bại dù lên nắm quyền khá dễ dàng và được hậu thuẫn lớn từ ngoại bang.

Có ý kiến cho rằng Tập Hợp làm chính trị salon, lý thuyết suông… Xin phản bác ý kiến này bằng trường hợp của cụ Phan Châu Trinh. Nếu độc giả quan sát sẽ thấy trí thức Việt Nam hiện nay ca tụng Phan Châu Trinh hết lời, họ lập đại học mang tên ông, trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, lấy hình ảnh ông trên nhiều trang web. Nhưng chúng ta nên biết khi còn sống cụ Phan Châu Trinh rất cô đơn, khác hẳn với Phan Bội Châu được rất nhiều người hưởng ứng vì Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh ôn hòa, cộng sản gọi là "cải lương", trong khi Phan Bội Châu chủ trương hành động bằng bạo lực. Thanh niên thời đó dù theo đảng cộng sản hay các đảng phái quốc gia đều chịu ảnh hưởng của tinh thần Phan Bội Châu chứ không phải Phan Châu Trinh. Đến tận cuối đời, khi bị an trí tại Huế, Phan Bội Châu mới thừa nhận con đường mình đi là sai và Phan Châu Trinh đúng.

Sở dĩ Phan Bội Châu được hưởng ứng hơn vì con đường của ông giống với cộng sản, vẫn chỉ là "đường xưa lối cũ", dễ thực hiện, không phải chịu đựng sự đau nhức của lý luận, ưu tư sâu xa mà chỉ cần liều lĩnh (khác với can đảm) lại gây hiệu quả tức thì. Còn con đường của cụ Phan Tây Hồ là con đường hoàn toàn mới, gạt bỏ giải pháp bạo lực mà dân tộc ta vẫn quen dùng trong suốt chiều dài lịch sử, nó cần sự nhẫn nại, cố gắng học hỏi về kiến thức chính trị, đầu tư cho tư tưởng chính trị, tinh thần khoan dung...

Con đường của Phan Châu Trinh tương đồng với phương pháp tranh đấu của Tập Hợp nên khá xa lạ với văn hóa tôn sùng bạo lực và muốn ăn ngay của người Việt Nam. Quan điểm của Tập Hợp về sức mạnh, tầm vóc của một tổ chức chính trị chủ yếu là có một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị… Tập Hợp luôn sẵn sàng và có trách nhiệm phải giải trình những chính sách của mình.

Ngoài việc xây dựng một tư tưởng chính trị, một đội ngũ nhân sự chính trị, một vành đai thân hữu thì với tất cả sự khiêm nhường Tập Hợp nghĩ rằng phần đóng góp của mình đã không nhỏ là thay đổi được tâm lí đấu tranh bạo động, đẩy lùi văn hóa bạo lực, thuyết phục sự vô cùng cần thiết của tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, gạt bỏ sự tôn sùng những tư tưởng lạc hậu, những quán tính tệ hại của Khổng giáo, từ ngàn năm, đã là nguyên nhân chính cho sự tê liệt và trì trệ của con người và xã hội Việt Nam.

Tập Hợp cũng đã khơi nguồn và "ước mơ thay" cho 95 triệu người Việt Nam một giấc mơ về tương lai : "giấc mơ Việt Nam". Chúng tôi tin rằng, đất nước ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ, bao dung, đùm bọc, kỷ nguyên vinh quang của những cố gắng chung và thành công chung.

Tập Hợp sẽ cố gắng gây dựng và chứng minh những gì đã làm được để người dân Việt Nam so sánh với các tổ chức khác bằng sự lương thiện, sự nghiêm chỉnh của những ý kiến, sáng kiến của mình. Tập Hợp cho rằng tư tưởng, lý thuyết phải luôn đi trước để dẫn đường cho các hành động và cho cuộc cách mạng dân chủ sắp tới. Suy nghĩ, nghiên cứu, tìm hiểu, trình bày và liên tục thảo luận về chính trị để tìm đồng thuận trước khi hành động là "hành động" hiện thời và quan trọng nhất mà Tập Hợp đang nhắm tới. Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp bao gồm :

Website : https://thongluan-rdp.org/

Blog : https://www.thongluan.blog/

Fanpage : https://www.facebook.com/thong.luan.1/?ref=bookmarks

Gần như là địa chỉ duy nhất cung cấp cho độc giả và mọi người Việt Nam những kiến thức cơ bản nhất về chính trị như đấu tranh chính trị, cứu cánh của chính trị, cách thức thành lập và vận hành của một tổ chức chính trị…Những kiến thức này gần như vắng bóng trong mọi cuộc tranh luận và trên các trang mạng xã hội của người Việt Nam. Tất nhiên, vì là kiến thức nên khó đọc vì không phải ai cũng hiểu và ai cũng muốn biết nhưng đó lại là những kiến thức căn bản không thể thiếu được đối với những người dấn thân chính trị nghiêm túc.

Nên nhớ các chế độ từng tồn tại, từ Việt Nam Cộng Hòa đến cộng sản đều được hỗ trợ rất lớn từ ngoại bang nhưng vì thiếu hụt hoàn toàn về tư tưởng nên cuối cùng hoặc sụp đổ hoặc phụ thuộc vào các thế lực mờ ám.

Câu hỏi cuối cùng mà không ít người quan tâm đó là "Tập Hợp đi nhanh hay chậm ?" Thật lòng mà nói là Tập Hợp đang đi chậm, rất chậm so với thế giới cũng như so với đòi hỏi của đất nước. Nhưng rất buồn để nói rằng chúng tôi lại đi khá nhanh so với đồng bào mình. Sự ủng hộ của trí thức và người dân Việt Nam dành cho Tập Hợp vẫn còn khá khiêm tốn vì vậy chúng tôi có muốn đi nhanh cũng không được. Chúng tôi không thể "nhảy" khi chưa có "nhạc". Nhạc đó chính là sự lên tiếng ủng hộ của người dân. Trí thức Việt Nam, được bao nhiêu người lên tiếng ủng hộ chúng tôi ? Trong khi đó hàng ngàn người sẵn sàng ký tên vào một lá thư ngỏ hay kiến nghị gửi chính quyền mà bản thân họ biết mười mươi là sẽ bị chính quyền vứt vào thùng rác. Với một nền "nhạc" dân trí, thực ra là "trí trí" như vậy chúng tôi làm sao "nhảy" và đi nhanh được ? Muốn có một ngày hội lớn như những gì đang xảy ra tại Venezuela thì người dân Việt Nam phải lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức đối lập đứng đắn.

Tuy nhiên chúng tôi không thất vọng, một lớp trí thức trẻ đang nhập cuộc với chúng tôi. Họ không nợ nần gì chế độ và nhất là họ biết cần phải làm gì và làm như thế nào. Chúng tôi tự tin vào tương lai vì trong lịch sử Việt Nam đã từng có nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ dẫu gặp muôn vàn khó khăn lúc ban đầu nhưng rồi cuối cùng cũng thắng lợi vì họ là hiện thân của tương lai, ví dụ cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống lại quân Minh. Những nỗi niềm và khó khăn đó đã được Nguyễn Trãi ghi lại trong tác phẩm bất hủ "Bình Ngô Đại Cáo" :

Những trằn trọc trong cơn mộng mị,

Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi

Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,

Chính lúc quân thù đang mạnh.

Lại ngặt vì :

Tuấn kiệt như sao buổi sớm,

Nhân tài như lá mùa thu,

Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,

Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,

Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,

Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.

Thế mà :

Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi.

Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối.

Phần vì giận quân thù ngang dọc,

Phần vì lo vận nước khó khăn,

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

Lúc Khôi Huyện quân không một đội.

Trời thử lòng trao cho mệnh lớn

Ta gắng trí khắc phục gian nan…

Việt Hoàng

(25/01/2019)

Published in Quan điểm

Khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thì một trong những việc đầu tiên ông ấy làm là mở rộng thêm hàng trăm Viện Khổng Tử trên khắp thế giới. Ước lượng có khoảng 500 Viện Khổng Tử ở 142 quốc gia.

tamthe1

Ước lượng có khoảng 500 Viện Khổng Tử ở 142 quốc gia.

Khổng Tử tức là Khổng Khâu hay Khổng Khưu, sinh năm 551 trước Công nguyên. Ông được xem là người khai sáng Nho giáo. Ông được tôn vinh như là một triết gia vĩ đại nhất của Trung Quốc và ông chính là người đặt nền móng văn hóa và trật tự cho các chế độ phong kiến Trung Quốc trong hơn 2500 năm qua.

Vì sao Tập Cận Bình tôn vinh và đề cao các giá trị của Khổng Tử ? Lý do rất giản dị vì văn hóa của Khổng Tử chính là văn hóa nô lệ và cam chịu. Hậu thế không thể trách Khổng Tử vì ông sống cách đây đã 2500 năm, ở thời kỳ tăm tối đó mà suy nghĩ và nói, viết ra được những điều như ông thì đã là rất vĩ đại và ông xứng đáng được tôn vinh. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay mà vẫn còn đề cao những văn hóa của Khổng Tử thì quả thật là có vấn đề. Đừng quên rằng trong 100 năm qua, nhân loại đã đạt được những thành tựu vĩ đại trong mọi lĩnh vực còn hơn cả 4000 năm lịch sử trước đó cộng lại.

Văn hóa Khổng giáo đã được các chế độ phong Trung Quốc trước đây và giờ là Tập Cận Bình lợi dụng và dùng để trói chặt người dân Trung Quốc vào một trật tự "ổn định" có lợi cho những kẻ cai trị. Văn hóa Khổng giáo hoàn toàn mâu thuẫn và chống đối văn hóa dân chủ. Văn hóa Khổng giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu và có ảnh hưởng lớn đến văn hóa, chính trị và xã hội của nước ta. Cũng vì thế mà Việt Nam cùng với Trung Quốc hiện vẫn đang là những quốc gia cuối cùng trên trái đất chưa có dân chủ.

Để tìm hiểu về tác hại và ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo trong tiến trình dân chủ hóa đất nước thì độc giả nên tìm đọc cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn" của ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông Nguyễn Gia Kiểng là một nhà tư tưởng chính trị nên cách phân tích và mổ xẻ vấn đề của ông rất khoa học và thuyết phục.

Hiện nay, đa số trí thức Việt Nam, nhất là các trí thức trẻ đã nhận ra được sự lạc hậu của văn hóa Khổng giáo và muốn đoạn tuyệt với chúng nhưng không phải dễ và ai cũng có thể làm được. Văn hóa là thứ đã ăn sâu vào tiềm thức trong mỗi con người chúng ta. Có thể chúng ta thấy nó là sai, muốn đoạn tuyệt với nó nhưng khi hành động thì chúng ta vẫn bị thứ văn hóa đó chi phối và dẫn dắt một cách vô thức.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức chính trị nói nhiều nhất về tác hại của văn hóa Khổng giáo, để làm gì ? Câu trả lời cũng đơn giản, nếu chúng ta không khai thông được tư tưởng và đoạn tuyệt với thứ văn hóa nô lệ đó thì đất nước sẽ không bao giờ có dân chủ. Sĩ phu ngày trước (tức là trí thức bây giờ) trong văn hóa Khổng giáo được mặc định là làm "nô lệ" cho một ông vua nào đó chứ không phải làm chủ đời mình càng không phải là tầng lớp tiên phong đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng.

Hiện tại rất nhiều trí thức Việt Nam đã lên tiếng phản bác các sai trái của chính quyền, mặc dù lời lẽ hay văn phong có lúc rất gay gắt nhưng thâm tâm vẫn là sẵn sàng "qui phục" chính quyền khi chính quyền thỏa mãn một phần nghìn những mong muốn của họ. Đảng cộng sản Việt Nam đã cầm quyền tuyệt đối trong hơn 70 năm qua và thực tế chứng minh rõ ràng là họ thất bại hoàn toàn trong mọi lĩnh vực. Dù thế trí thức Việt Nam vẫn đặt hy vọng và mong chờ vào sự thay đổi của Đảng cộng sản. Họ biết là vô ích nhưng họ vẫn làm vì họ bế tắc do bị ảnh hưởng bởi văn hóa nô lệ của Khổng giáo.

Phần lớn trí thức Việt Nam vẫn không tin vào chính mình, không tin vào thành quả trí tuệ của nhân loại về dân chủ, không tin vào tương lai nên họ vẫn loay hoay không biết làm gì để góp phần dân chủ hóa đất nước. Họ không tin là phong trào dân chủ có thể đánh bại được Đảng cộng sản nên thay vì tìm hiểu để ủng hộ cho một tổ chức chính trị dân chủ (hoặc tự thành lập một tổ chức chính trị nếu thấy không có tổ chức nào ưng ý) thì họ chỉ tìm cách năn nỉ và thuyết phục chính quyền.

tamthe2

Văn hóa nô lệ vẫn còn chi phối và dẫn dắt trí thức Việt Nam một cách vô thức nhưng rất mạnh mẽ.

Phần lớn trí thức Việt Nam chọn cách hoạt động nhân sĩ, tức là độc lập, một mình, không tham gia một tổ chức hay hội đoàn nào và thậm chí không ít người còn tự hào về điều đó. Kết quả là họ vẫn bị chính quyền bỏ tù và sau khi ra tù, thì họ, hoặc là bỏ cuộc hoặc là tiếp tục "góp ý" với chính quyền, mong chính quyền lắng nghe và thay đổi. Họ không biết rằng hoạt động và đấu tranh chính trị là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải là giữa các cá nhân. Cũng có thể họ biết như vậy nhưng họ không tin là có thể kết hợp được với nhau trong một tổ chức và không chắc là thành công.

Tóm lại văn hóa nô lệ vẫn còn chi phối và dẫn dắt họ một cách vô thức nhưng rất mạnh mẽ. Thực tế, đấu tranh chính trị mà không có tư tưởng và tổ chức thì sớm muộn gì cũng bỏ cuộc. Những người không bỏ cuộc thì sau một thời gian dài thấy không thay đổi được gì bèn quay lại... năn nỉ chính quyền. Một vòng tròn khép kín, một cuộc hành trình dài và kết thúc bằng việc quay về... vị trí xuất phát ban đầu. Rất nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam, kể cả những người đã từng ở tù hoặc là những cây bút bất đồng chính kiến nổi tiếng đã rơi vào vòng tròn luẩn quẩn này.

Cuốn sách "Tổ Quốc Ăn Năn" mà tôi đề cập ở trên hiện nay có lẽ đạt được 5 triệu lượt người đọc và tải về, tài liệu chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai không bằng nhưng cũng được nhiều người tìm đọc. Tôi tin là đa số những người đã đọc hai cuốn sách này đều thấy hay, thấy đúng và nhất là thấy có tương lai và hy vọng về đất nước, nhưng rồi sau đó thì sao ? Thực tế là đa số đọc rồi để đấy thay vì lên tiếng ủng hộ hay tham gia cùng chúng tôi. Có thể họ cũng tin rằng chúng tôi nói đúng và có tương lai nhưng họ thay vì nhập cuộc cùng chúng tôi thì họ…ngồi chờ. Có những ý kiến rằng : khi nào các bạn (tức Tập Hợp) mạnh lên và qui tụ được vài ngàn người thì tôi sẽ tham gia…Tại sao phải chờ, chờ ai và chờ cái gì ?

tamthe3

Cuốn sách "Tổ Quốc Ăn Năn" mà tôi đề cập ở trên hiện nay có lẽ đạt được 5 triệu lượt người đọc và tải về

Nhiều ý kiến cho rằng Tập Hợp kém, không làm được gì suốt hơn 30 năm qua… Kém thì có lẽ không sai nhưng bảo "Tập Hợp không làm được gì…" là không chính xác. Thực tế là đã có tổ chức nào làm được gì đâu ? Cũng nên nhớ rằng các tổ chức đối lập (như Tập Hợp) không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào cho đến khi cầm quyền. Các tổ chức đối lập cũng không có phương tiện và công cụ gì để giúp dân oan hay cải thiện đời sống người dân về giáo dục, y tế… Các tổ chức đối lập chỉ đưa ra các chính sách và đề nghị cho tương lai, nếu thấy đúng thì người dân ủng hộ để tổ chức đối lập đó trở thành đảng cầm quyền và khi đó chúng tôi mới có cơ hội và phương tiện để thực thi các đề nghị của mình trước đó.

Sở dĩ trí thức Việt Nam vẫn chưa ủng hộ cho các tổ chức đối lập là vì họ không (hoặc chưa) hiểu, thế nào là một tổ chức chính trị, cứu cánh của hoạt động và đấu tranh chính trị là gì ? Họ không biết vì họ không muốn biết chứ không phải vì chúng quá khó hay vì chúng chưa được khám phá. Họ không muốn biết vì tâm thế của họ vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tâm thế nô lệ từ văn hóa Khổng giáo. Cuộc vận động dân chủ mà Tập Hợp khởi xướng và đề nghị không tiến nhanh như nhiều người mong muốn là vì đụng phải bức tường văn hóa đó. Chúng tôi biết rõ điều này nên trong Dự án Chính trị có viết rằng để xây dựng được một tổ chức chính trị đúng nghĩa phải mất vài thập niên… Cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước của Tập Hợp cũng là cuộc "cách mạng văn hóa" nên không thể nào nhanh được.

tamthe3

Cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước của Tập Hợp cũng là cuộc "cách mạng văn hóa" nên không thể nào nhanh được.

Trong cuộc hành trình đó chúng tôi khá cô đơn, các nhân sĩ trí thức Việt Nam thay vì ủng hộ chúng tôi thì họ còn làm nhiều hành động "phản chính trị" như việc xin xỏ chính quyền, viết các loại thư ngỏ, kiến nghị hay chạy theo các sự kiện do Ban tuyên giáo nặn ra. Ví dụ Bản Yêu sách 8 điểm mới đây của các nhân sĩ. Có ba điểm đáng thảo luận.

Thứ nhất, tại sao phải "ăn theo" bản yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quấc cách đây 100 năm ? Đảng cộng sản suốt ngày ra rả "học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh" chưa đủ hay sao mà giờ cả các nhân sĩ đối lập cũng "học theo tấm gương" này ? Tại sao không phải là chính mình ? Sao không tự nghĩ ra, viết rồi ký tên một cách đàng hoàng ?

Thứ hai, sao lại có thể viết "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, việc Nhà nước Việt Nam thực hiện Yêu Sách Tám Điểm về các quyền căn bản nói trên của người dân là con đường duy nhất đưa nước Việt Nam thoát khỏi thực trạng lạc hậu về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, và nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang…" ? Sau 73 năm Đảng cộng sản đập phá đất nước mà vẫn còn "hoàn toàn tin tưởng" vào họ là thế nào ? Tại sao lại là "con đường duy nhất" ? Nếu họ không thực hiện (mà 100% là họ không thực hiện) thì phải chấp nhận sự cai trị vĩnh viễn của họ sao ?

Thứ ba, yêu sách viết "Chúng tôi kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy thực hiện các quyền hiến định của mình mà không đợi ai cho phép". Vậy là các nhân sĩ thừa nhận bản Hiến pháp 2013 ? Đây là một hiến pháp áp đặt và phản dân chủ mà rất nhiều nhân sĩ trên cũng đã từng ký tên phản đối, sao giờ lại kêu gọi người dân nhìn nhận nó ? Tại sao không viết là "…thực hiện các quyền căn bản được viết trong bản Tuyên ngôn Phổ cập về Quyền Con người của Liên Hợp Quốc ?"…

Các nhân sĩ sẽ lập luận rằng "cần phải thực tế, phải chấp nhận chế độ hiện hành vì chính quyền có nhà tù và dùi cui, phải đòi (xin) từ từ chứ không thể ngay một lúc, hoàn cảnh chỉ cho phép làm đến thế…" Những điều này không sai. Điều đáng nói ở đây là tinh thần, thái độ và cách nói. Đúng là kẻ yếu thì không làm gì được kẻ mạnh nhưng không vì thế mà phải khen ngợi và ve vuốt chính quyền, ca tụng những điều không có, sai và nhảm nhí. Không nên nói những điều không đáng nói vì chúng sẽ làm hạ thấp nhân cách của người nói, người viết. Chúng tôi cũng thường xuyên đưa ra những khuyến cáo cho Đảng cộng sản, phân tích cho họ những điều nên làm và không nên làm vì tương lai của chính họ và đất nước nhưng không bao giờ chúng tôi hạ thấp mình bằng những câu như "chỉ có đảng mới có thể làm được điều đó", "chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền"…

Một ví dụ nữa xung quanh vụ lùm xùm liên quan đến việc dùng xe công đón vợ bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Đối với quan chức Đảng cộng sản thì đây là chuyện "rất bình thường", ông Trần Tuấn Anh bị "tấn công" là do tranh chấp nội bộ và phe nhóm, các thông tin được báo chí chính thống tung ra kèm theo các văn bản mà chỉ nội bộ mới có. Chúng ta chỉ cần nhân cơ hội này để phơi bày rõ hơn sự lạm quyền của giới quan chức cộng sản là đủ. Không nên viết những câu như "phải mạnh tay để lấy lại uy tín của đảng", "nhân cơ hội này, chính quyền cần dẹp bỏ việc dùng xe công tùy tiện"… Nghe rất vô duyên và nịnh bợ.

Vụ dân oan Thủ Thiêm chưa giải quyết xong thì lại đến vụ Vườn rau Lộc Hưng. Bản chất của Đảng cộng sản có gì thay đổi đâu ? Người dân có lương tâm ai cũng đau lòng và phẫn nộ nhưng chúng ta có thể làm được gì ? Vấn đề "sở hữu đất đai" thuộc về chính sách nhà nước, là một vấn đề hoàn toàn thuộc về chính trị. Phải có những giải pháp chính trị từ thượng tầng, từ thể chế chính trị. Cái gốc của mọi bất công và oan trái mà người dân đang phải gánh chịu đều xuất phát từ thể chế chính trị độc quyền và độc tài của Đảng cộng sản. Không thay đổi được cái gốc đó thì không thể thay đổi được điều gì. Chỉ có các tổ chức chính trị có tầm vóc mới gây áp lực buộc Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi. Vì thế việc làm cấp thiết nhất bây giờ là tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị chứ không phải việc lên án, chỉ trích hay "khuyên nhủ và van xin" chính quyền.

Khi chúng tôi thảo luận các vấn đề này với anh em thân hữu thì có người khuyên là không nên "gây mất đoàn kết", các nhân sĩ cũng là người tốt và có tấm lòng…Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tránh né thảo luận các vấn đề nền tảng thì làm sao đoàn kết và hiểu nhau ? Đất nước đang lâm nguy mà chúng ta cứ "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" liệu có tốt và có nên không ? Chúng tôi sẽ và luôn thảo luận trên tinh thần xây dựng và tương kính chứ không có mục đích gì khác. Chúng ta là "đồng minh" trên con đường dân chủ hóa đất nước nên cần thẳng thắn thảo luận với nhau về mọi vấn đề khúc mắc. Giải tỏa được chúng thì phong trào dân chủ mới tiến nhanh được.

Trí thức Việt Nam phải nỗ lực rất lớn mới có thể rũ bỏ tâm thế nô lệ của văn hóa Khổng giáo. Cần tìm hiểu và học hỏi nghiêm túc về chính trị để tham gia, ủng hộ và xây dựng nên các tổ chức chính trị hùng mạnh và có tầm vóc. Đây mới là con đường đúng đắn và duy nhất để mang lại dân chủ cho Việt Nam.

Việt Hoàng

(10/1/2019)

Published in Quan điểm

Năm 2018 đang khép lại. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau suy ngẫm về tình hình thế giới và Việt Nam trong năm qua. Điều đầu tiên có thể thấy được đây là một năm có quá nhiều biến động. Phong trào dân túy vẫn tiếp tục gây sóng gió cho thế giới.

20180

2018, một năm nhiều biến động và lo âu - Ảnh minh họa

Bắt đầu từ nước Pháp

Mùa Giáng Sinh 2018 và năm mới 2019 diễn ra trong không khí buồn tẻ, lo lắng và đầy bạo lực tại Pháp bởi Phong trào Áo Vàng diễn ra suốt 6 tuần lễ qua. Sự việc bắt đầu từ việc chính phủ Macron tăng thuế xăng từ 1,53 Euro/lít lên 1,55 Euro/lít. Đây là mức tăng không đáng kể nhưng lại là giọt nước tràn ly của những mâu thuẫn trong lòng nước Pháp không được hòa giải và nhìn nhận.

Hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội Pháp vẫn còn sâu rộng bởi tâm lý nội chiến của người Pháp vẫn tiếp diễn sau cuộc cách mạng 1789 do thiếu sự hòa giải dân tộc. Macron là một tổng thống trẻ thiếu kinh nghiệm chính trường nên ông trở thành một tổng thống của người giàu trong mắt người dân Pháp dù rằng các quyết định của ông không sai. Việc tăng thuế xăng dầu mang lại cho ngân sách khoảng 3 tỉ Euro nhưng rồi sự nhượng bộ sau đó của ông về việc giảm thuế, tăng lương… đã làm thâm thủng ngân sách hơn 15 tỉ Euro, chưa kể 17 tỉ Euro thiệt hại do các cuộc biểu tình, phong tỏa và đốt phá gây ra. Việc bỏ đánh thuế tài sản (nhắm vào người giàu) cũng không sai vì làm chảy máu tài chính (Pháp thu được 4 tỉ Euro/năm từ việc đánh thuế này nhưng làm mất đi 40 tỉ Euro vì người giàu chuyển tài sản sang nước khác).

Lý do thứ hai cực kỳ quan trọng dẫn đến tình trạng lộn xộn và bất ổn tại Pháp là thể chế chính trị : Chế độ tổng thống. Mô hình chính trị theo chế độ tổng thống đã mang lại chiến thắng cho Macron dù tỉ lệ ủng hộ ông ta không cao. Ở vòng hai người Pháp bầu cho ông để tránh phải bầu cho bà Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (vừa đổi tên thành Tập Hợp Quốc Gia). Phong trào dân túy nổi nên khắp thế giới thời gian qua do sự xuống cấp của các cuộc thảo luận về chính trị và nó đặc biệt gây tai họa tại các nước theo chế độ tổng thống bởi vì tất cả các chế độ tổng thống đều là dân túy.

Macron được bầu lên với tư cách cá nhân, với sự hỗ trợ của một số tổ chức xã hội dân sự. Ông không có sự hậu thuẫn của một tổ chức chính trị thực sự và vì thế ông thiếu đi một đội ngũ nhân sự chính trị, là những người cộng sự nắm vững các vấn đề chính trị để giúp việc một cách ăn ý. Ông cũng không có sự hậu thuẫn từ các đảng chính trị khác cũng như truyền thông vì ông luôn chủ trương "đối thoại trực tiếp với người dân". Qua Phong trào Áo Vàng, người dân Pháp đã "đối thoại trực tiếp" với ông bằng các cuộc biểu tình bạo động và yêu cầu ông từ chức. Macron đã im lặng trong hơn một tháng bởi vì không thể thảo luận với những người đang hò hét.

Phong trào Áo Vàng ban đầu xuất hiện như là một phong trào không có người lãnh đạo nhưng những ngày cuối vai trò lãnh đạo của đảng Le Pen đã lộ diện với thái độ bài ngoại, cực đoan và nhất là bản yêu sách 25 điểm. Đây là những yêu sách không thể nào thực hiện được vì chúng mâu thuẫn với thực tế. Không thể nào vừa giảm thuế, giảm giờ làm lại vừa có thể tăng các phúc lợi xã hội và tăng lương. Nhà nước không làm gì ra tiền mà chỉ thu thuế để chi trả cho an sinh xã hội, khi thất thu thì làm sao tăng chi được ? Yêu sách này còn đòi hỏi quyền phế truất tổng thống, trưng cầu dân ý về các điều luật và chính sách thuế… Đây cũng là những điều không thể thực hiện được vì người dân không đủ kiến thức để đưa ra hay phúc kiểm các đạo luật và hơn nữa sinh ra chính phủ để làm gì nếu người dân có thể làm được hết những việc đó ?

Phong trào Áo Vàng đang dần dần tan rã khi người dân Pháp nhận diện được sự hậu thuẫn của đảng cực hữu Le Pen. Các chính đảng và giới truyền thông Pháp cũng nhận thức được sự cần thiết của trật tự và an ninh dù họ không ưa Macron. Tuy nhiên các vấn đề của nước Pháp vẫn còn đó và sẽ tiếp tục bế tắc nếu các cuộc thảo luận chính trị nghiêm túc không được quan tâm một cách khẩn cấp trong môi trường các tổ chức chính trị.

Điểm tích cực nhất của Phong trào Áo Vàng dưới mắt nhiều người là nó đã buộc chính quyền Macron phải chấp nhận tổ chức những cuộc thảo luận kéo dài hai tháng trong mọi thị xã về hầu hết các vấn đề chính trị của nước Pháp. Điều không khó dự đoán là các cuộc thảo luận này sẽ nhanh chóng trở thành tẻ nhạt rồi tự tan biến bởi vì thảo luận chính trị không dễ, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị chu đáo và một trình độ lý luận và tổng hợp chỉ có trong các tổ chức chính trị.

Điều chắc chắn là uy tín của Emmanuel Macron đã suy giảm và khó có thể phục hồi. Người ta không còn nghe ông nói nữa dù ông nói đúng hay sai. Tổ chức mà ông thành lập để làm dụng cụ vận động tranh cử, En Marche (Đi Tới), là một tổ chức xã hội dân sự. Sau khi ông đắc cử nó đã trở thành một chính đảng, đảng La République en Marche (Nước Cộng Hòa Đi Tới) chỉ để phơi bày sự yếu kém và chứng tỏ rằng các tổ chức xã hội dân sự không thay thế được các chính đảng.

Sau nước Pháp là nước Mỹ với tổng thống Donald Trump

Nhiều người Việt thiếu hiểu biết và không chịu suy nghĩ cho rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên "chống Trump" vì chúng tôi ủng hộ đảng Dân chủ, thiên tả... Không có chuyện đó. Chúng tôi chỉ phân tích cho người dân Việt Nam thấy được sự thật bằng những lý luận và nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi không tả cũng không hữu, chúng tôi không chống Trump hay bất cứ tổng thống Mỹ nào.

Bài viết về cựu tổng thống Obama năm 2009 của ông Nguyễn Gia Kiểng "Obama tại Cairo : Dân chủ ở mức độ Zero" (1) cũng đã đánh giá sự thiếu viễn kiến về thế giới của Obama và đội ngũ cộng sự. Bài viết đó được viết khi Obama vừa nhậm chức tổng thống Mỹ trong niềm hân hoan của cả thế giới. Sự việc xảy ra trong hai nhiệm kỳ của Obama diễn ra đúng như chúng tôi dự đoán. Obama rút quân khỏi Iraq khiến nhà nước Hồi giáo cực đoan IS trỗi dậy và gây ra cái chết cho hàng trăm ngàn người dân vô tội cũng như làn sóng di cư khổng lồ từ Trung Đông đến Châu Âu.

Vì sao chúng tôi quan tâm đến tình hình thế giới và Mỹ ? Bởi vì một quyết định đúng đắn hay sai lầm của một tổng thống Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Người Việt chúng ta cần biết để có cách đối phó và ứng xử để không bị ảnh hưởng quá nặng nề từ những quyết định đó. Một nước nghèo cũng như một người nghèo, luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các chính sách của quốc tế cũng như của quốc gia.

Nước Mỹ đã thành công trong gần hai thế kỷ qua với mô hình "tổng thống chế" nhờ vào sự tản quyền và phân quyền cũng như một mạng lưới xã hội dân sự tự do, cởi mở và độc lập hoàn toàn với chính quyền. Và nhất là nhờ vào di sản tinh thần của những con người vượt biển ra đi tìm tự do, tinh thần được văn bản hóa bởi những tác phẩm của những John Locke, Stuart Mill, De Tocqueville v.v. và được chuyển tới quần chúng bởi những Người Cha Lập Quốc (Founding Fathers). Nay di sản tinh thần đó đang cạn kiệt vì không được đổi mới, mô hình Mỹ đang gặp khủng hoảng nhất là sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Liên Xô và các nước Đông Âu năm 1991. Các đời tổng thống Mỹ sau Ronald Reagan, bắt đầu từ Bill Cliton chỉ chú trọng đến việc làm kinh tế vì cho rằng chiến tranh lạnh đã chấm dứt với sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản. Các nhà chính trị Mỹ và tư tưởng Mỹ cũng nghĩ như vậy, điển hình là tác phẩm "Sự cáo chung của lịch sử ?" của Francis Fukuyama. Nguyên nhân chính của sự cạn kiệt tư tưởng chính trị này chính là chế độ tổng thống.

Dưới chế độ tổng thống người dân bầu cho "một người" thay vì "một chính đảng". Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là người được bầu làm tổng thống phải là người dân túy. Ngôn ngữ dân túy dễ tranh thủ sự hưởng ứng của quần chúng hơn là những phân tích phức tạp và sâu sa. Sự bịp bợm của ngôn ngữ dân túy là ở chỗ nó tạo ra một ảo tưởng là có thể có những giải pháp giản dị, nhưng đó cũng chính là ngôn ngữ dễ hiểu cho quần chúng. Trump trở thành tổng thống là vì vậy. Đặc tính của dân túy như đã nói, nó hứa hẹn đưa ra những giải pháp giản dị cho những vấn đề phức tạp. Ví dụ Trump đòi xây tường biên giới và bắt Mexico trả tiền, gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc và các đồng minh, đòi đem các công ty Mỹ về Mỹ, rút khỏi các hiệp ước quốc tế, gây đổ vỡ và nghi ngờ đối với các đồng minh truyền thống là EU và Nhật…

Khẩu hiệu tranh cử của Trump là "nước Mỹ trên hết". Đây không chỉ là câu mị dân sơ đẳng (có lãnh đạo nước nào không nói thế, kể cả Đảng cộng sản Việt Nam ?) mà còn bày tỏ sự thiển cận của Trump. Thế giới là một ngôi nhà chung và tất cả các quốc gia đều liên đới với nhau. Những vấn đề lớn như khủng bố, di dân, biến đổi khí hậu, giảm bớt chênh lệch giầu nghèo, bảo vệ nhân quyền v.v ; đều là những vấn đề quốc tế và không thể giải quyết trong khuôn khổ một quốc gia. Mỹ là quốc gia lãnh đạo thế giới vì thế trách nhiệm của Mỹ thường lớn hơn so với các nước khác và cả thế giới đã hỗ trợ, đứng sau lưng Mỹ. Nước Mỹ dù chi phí cho thế giới khá nhiều nhưng kinh tế Mỹ vẫn phát triển và người dân Mỹ ngày càng giàu lên cũng vì lẽ đó.

Trump không chỉ gây lộn xộn, bất ổn và hoang mang cho thế giới vì sự rút lui đột ngột của mình mà còn gây xáo trộn và bất an cho cả nước Mỹ. Trump đã kết thúc vai trò và sứ mệnh lãnh đạo thế giới một cách khá thô bạo và vụng về. Uy tín của nước Mỹ sẽ không bao giờ còn như trước nữa dù Trump không còn là tổng thống Mỹ. Đúng như nhiều người nói, Trump được "dân Mỹ" bầu lên chứ không phải "cướp chính quyền" như đảng cộng sản Việt Nam. Chính vì thế mà "dân Mỹ" sẽ phải trả giá cho sự sai lầm của mình. Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc hay việc hai công ty xe hơi Mỹ là GM và Ford phải đóng cửa nhà máy và sa thải hàng vạn công nhân chỉ là "món quà" đầu tiên của Trump dành cho người dân Mỹ. Trump cũng không quên "tặng quà" cho cộng đồng người Việt tại Mỹ đã ủng hộ ông ta hết lòng bằng việc dự định trục xuất hàng ngàn người Việt đã định cư ở Mỹ từ năm 1995.

Tình trạng nước Anh đang nhắc lại một sự thực hiển nhiên. Ai cũng phải có nghề nghiệp và chuyên môn của mình, làm chính trị cũng vậy, đây là công việc chuyên môn của giới chính trị gia và các đảng chính trị. Người dân hay đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Cách đây 2 năm đa số người dân Anh đã chọn Brexit, rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) và bây giờ cũng chính họ lại đòi ở lại EU bằng được. Sai lầm này không thể trách người dân Anh mà trách nhiệm thuộc về giới chính trị Anh, đặc biệt là cựu thủ tướng David Cameron.

EU được hình thành và mở rộng biên giới đến 28 quốc gia thành viên là một dự án đẹp và vĩ đại nhất của loài người từ trước đến nay. Cuộc mở rộng và thống nhất này diễn ra trong hòa bình và đồng thuận thay vì các cuộc chinh phạt đẫm máu như trước đây. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình hợp nhất EU, ví dụ sự chênh lệch giàu nghèo giữa các thành viên mới và cũ. Giới chính trị gia Anh thay vì thảo luận một cách nghiêm túc và có trách nhiệm thì họ đã làm một sai lầm : Trưng cầu dân ý để người Anh quyết định thay cho chính phủ trong một việc mà họ không thể hiểu hết.

Nước Nga toàn trị của Putin ngày càng trở nên cô đơn và không có tương lai

Chiêu bài chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà Putin vẫn dùng ngày càng mất tác dụng vì cũng giống như một chất ma túy, nó không thể kéo dài mãi. Sự hồ hởi khi lấy được bán đảo Crimea của Ukraine về cho nước Nga vĩ đại sớm chấm dứt nhường chỗ cho cuộc sống khó khăn hàng ngày và việc Putin tăng tuổi về hưu như giọt nước tràn ly. Các cuộc biểu tình diễn ra khắp nước Nga khiến uy tín của Putin tụt xuống dưới 40%. Điều này khiến Putin tiếp tục gây gỗ với nước láng giềng "anh em" Ukraine qua cuộc khủng hoảng tại biển Đen bằng việc bắt giữ 3 tàu quân sự của Ukraine và 23 thủy thủ.

Tập Cận Bình và người dân Trung Quốc sẽ đón một cái Tết không vui sau nhiều năm kinh tế phát triển mạnh mẽ

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Trump phát động không gây ra nhiều tổn thất cho Trung Quốc vì nó chỉ gây thiệt hại vào khoảng 20-30 tỉ USD, đây là con số quá nhỏ so với GDP 12.000 tỉ USD của Trung Quốc. Cũng không vì cuộc chiến này mà xuất siêu của trung Quốc vào Mỹ giảm đi mà thậm chí còn tăng lên. Các công ty Mỹ cũng không đem nhà máy nào về Mỹ như lời kêu gọi của Trump mà chúng còn mở rộng hơn như việc tập đoàn Tesla dự định chi 6 tỉ USD để xây dựng đại công xưởng sản xuất xe điện tại Trung Quốc, hay tập đoàn Boeing vừa xuất xưởng và bàn giao cho Trung Quốc chiếc máy bay Boeing đầu tiên sản xuất và lắp ráp hoàn toàn ở Trung Quốc…

Trung Quốc đang tiến dần đến hồi kết của một phép màu kinh tế sau 40 năm mở cửa. Khối nợ công của Trung Quốc đã vượt quá 30.000 tỉ USD. Sở dĩ Trung Quốc chưa tuyên bố phá sản là vì những lý do khách quan và chủ quan mà ông Nguyễn Gia Kiểng đã trình bày và phân tích một cách thuyết phục qua ba bài viết về Trung Quốc-2018 (2). Dự án Vành đai và Con đường của Tập Cận Bình sẽ kéo Trung Quốc xuống vực thẳm thay vì đưa Trung Quốc lên ngôi vị bá chủ thế giới vào năm 2025. Mô hình Trung Quốc không thể thành công vì nó mâu thuẫn với thực tế và vì nếu nó thành công thì chủ nghĩa tư bản đã tồn tại hơn 200 năm qua cùng với các sách vở và nghiên cứu của nó đều phải vứt bỏ. Tất nhiên là không có chuyện đó.

Cuối cùng chúng ta cùng nhau trở lại Việt Nam

Năm 2018 là một năm đầy biến động trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam với đỉnh điểm của nó là sự hợp nhất hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước làm một vào tay ông Nguyễn Phú Trọng. Cuộc thanh trừng và đấu đá nội bộ mang danh "chống tham nhũng" diễn ra một cách khốc liệt và kịch tính chưa từng có. Một ủy viên Bộ chính trị và nhiều bộ trưởng đương nhiệm cũng như đã hồi hưu, nhiều quan chức cao cấp và nhiều tướng tá quân đội lẫn công an bị khởi tố, kỷ luật và tống giam bởi "cái lò" chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Người dân Việt Nam thích thú theo dõi các cuộc thư hùng này và chúng sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong năm 2019 với việc bắt giam và khởi tố gần hết ban lãnh đạo cũ của chính quyền Sài Gòn. Dư luận đồn đoán rằng mọi ngả đường đang dẫn đến nhà cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Có một điều đáng suy ngẫm là dù người dân vô cùng thích thú và vỗ tay mỗi khi cụ Tổng tống giam một quan chức nào đó vào lò thì rất ít người tin rằng chiến dịch "chống tham nhũng" của ông Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam có thể thành công, và đó là sự thật. Khi một chế độ mà tham nhũng đạt đến một ngưỡng "phổ cập" như ở Việt Nam thì khi đó không còn thuốc chữa. Lịch sử của nhân loại đã chứng minh rằng chưa có một chế độ tham nhũng nào có thể tự cải tiến và thay đổi để hết tham nhũng. Việt Nam không thể là ngoại lệ. Lịch sử thế giới cũng chứng minh rằng khi một chế độ tham nhũng bắt đầu cải tiến và thay đổi cũng là khi chúng sắp sụp đổ. Liên xô dưới thời Gorbachev là một ví dụ.

Đảng cộng sản Việt Nam như một con tàu mà thuyền trưởng và thủy thủ đoàn không biết phải làm gì và không ai muốn làm gì. Tất cả đều chờ đợi và hy vọng chế độ kéo dài ngày nào hay ngày đấy. Không làm gì cũng chết mà làm gì cũng chết. Cuộc "nội chiến" nhân danh "chống tham nhũng" chỉ phơi bày cho người dân Việt Nam thấy những tồi tệ và thối nát đến cùng tận trong nội bộ đảng thay vì giúp nó thay đổi. Chỉ cần một ngày không tham nhũng là toàn bộ bộ máy chính quyền Việt Nam dừng hoạt động.

Đảng cộng sản Việt Nam không còn "nhân sự chính trị" và một "tư tưởng chính trị" để có thể tồn tại và phát triển. Tất cả những người được "qui hoạch" cho tương lai đều do mua bán và được phe cánh đưa vào cơ cấu. Người tốt và trung thực không còn chỗ trong ban lãnh đạo đảng. Ngay cả một người hiền lành, tử tế và "trung kiên" như giáo sư Chu Hảo mà vẫn bị khai trừ khỏi hàng ngũ đảng.

Dù phong trào dân túy đang như một cơn bão càn quét khắp thế giới nhưng nó lại không gây tác hại gì đối với Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cũng là một đảng dân túy vì nó mị dân suốt bao nhiêu năm qua tuy nhiên người dân đã quá chán ngán vì biết rõ bộ mặt thật của nó nên giờ, có nói gì, đảng cũng không thuyết phục được ai. Cái hay là người Việt không bị ảnh hưởng nhiều bởi phong trào dân túy (trừ cộng đồng người Việt ở Mỹ) nhưng cái dở mà người Việt cần thay đổi đó là việc chưa lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị đối lập mới, với những dự án và giải pháp mới cho đất nước.

Ghét chế độ cộng sản chưa đủ mà phải thay đổi nó bằng cách tạo ra đối trọng với nó. Đối trọng với Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có thể là các tổ chức chính trị dân chủ đối lập chứ không phải các cá nhân, các tổ chức xã hội dân sự hay các loại thư ngỏ, kiến nghị…

Phong trào dân túy sẽ sớm qua đi, dù Mỹ có gây ra nhiều bất ổn cho thế giới và cho chính nước Mỹ trước khi từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới thì các nước dân chủ sẽ sớm ổn định và lập ra các liên minh chính trị để thay thế vai trò đầu tàu của Mỹ. Các nước độc tài còn lại như Nga, Trung Quốc cũng không còn hơi sức đâu để bành trướng và hậu thuẫn cho các nước độc tài đàn em như Việt Nam.

Hy vọng trong năm mới 2019 sẽ có nhiều thay đổi tích cực trên thế giới và cả Việt Nam. Chúng tôi mong rằng người dân Việt Nam sẽ tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Việt Hoàng

(28/12/2018)

(1) Obama tại Cairo : dân chủ ở mức độ zero (TL 237, 06/2009)

(2) Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang

- Trung Quốc 2018 - 1 : Sau mười năm thách đố

- Trung Quốc 2018 - 2 : Cuộc phiêu lưu lịch sử 'Vành Đai và Con Đường'

- Trung Quốc 2018 - 3 : Một sự sụp đổ có thể là một tai họa toàn cầu

Published in Quan điểm