Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

06/03/2019

Vô lễ với chính trị và hậu quả của nó

Việt Hoàng

Trí thức mà tôi đề cập đến trong bài viết này là "trí thức dấn thân" hay "trí thức chính trị" chứ không phải "trí thức khoa bảng", tức là những người có bằng cấp cao trong các lãnh vực nhưng không quan tâm đến chính trị.

trithuc0

Vô lễ với chính trị tức là coi thường, không tôn trọng và không có thái độ đúng đắn đối với kiến thức về chính trị.

Đầu tiên : Trí thức là ai ? Hiểu một cách ngắn gọn thì trí thức là những người do được đào tạo hay tự học đã đạt tới một trình độ hiểu biết và lý luận trên trung bình, quan tâm tới những vấn đề chính trị và xã hội, suy nghĩ một cách lương thiện, biết tự đặt cho mình những câu hỏi và tìm câu trả lời của mình cho những câu hỏi đó và sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình. Người trí thức chính trị phải suy nghĩ một cách độc lập và nghiêm túc học hỏi về kiến thức chính trị.

Chính trị là gì ? Với nhiều người Việt Nam thì họ xem việc tham gia vào chính trị là sự tìm kiếm thành công cá nhân chứ không phải là một hành động vị tha để phục vụ và tôn vinh con người. Với chúng tôi thì làm chính trị là để cống hiến cho lý tưởng của đời mình, để làm cho đất nước giàu có phồn vinh, nhân phẩm con người Việt Nam được tôn trọng và có chổ đứng xứng đáng như bao dân tộc tiến bộ khác.

Vô lễ là gì ? Vô lễ đồng nghĩa với hỗn xược, có nghĩa là không tôn trọng, không có thái độ đúng đắn đối với người lớn tuổi hoặc người có hiểu biết hơn mình. Vô lễ với chính trị tức là coi thường, không tôn trọng và không có thái độ đúng đắn đối với kiến thức về chính trị. Sự vô lễ với chính trị dẫn đến nhiều người nói và xác quyết về chính trị "như đúng rồi" nhưng thực tế họ không có hoặc rất thiếu hụt về kiến thức chính trị.

Một đặc điểm của người Việt là ai cũng cho là mình biết về chính trị và có quyền nói về chính trị dù họ chưa từng học hỏi về chính trị. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì :

"Thái độ vô lễ với kiến thức chính trị này là một di sản văn hóa và lịch sử. Trong hàng nghìn năm, giai cấp sĩ, tiền thân của những người được coi hoặc tự coi là trí thức hiện nay, là một loại người vừa vô học vừa vô đạo về mặt chính trị. Họ không phải là trí thức mà còn là cái ngược lại của trí thức. Nghị luận đối với họ chỉ là tìm mọi lý lẽ để biện hộ cho trật tự chính trị sẵn có. Đó là những người mà mộng đời là được làm tay sai không điều kiện cho các bạo quyền để hà hiếp và bóc lột những người dân cùng khổ...Với một cố gắng học hỏi vừa phải họ có thể hiểu biết về chính trị và, nếu dám sống thực nói thẳng, có thể trở thành những người trí thức. Nhưng cố gắng này họ không chịu làm vì họ có thành kiến là chính trị không cần phải học. Bất cứ ai hễ có quyền lực hoặc có bằng cấp cũng cảm thấy có đủ tư cách để nói về chính trị một cách đầy tự tin".

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người Việt Nam đặt niềm tin hay trông chờ vào sự xuất hiện của một vị "minh chúa" nào đó. Từ các chế độ phong kiến cho đến Hồ Chí Minh, bộ máy tuyên truyền luôn dựng lên hình ảnh người lãnh tụ như là "người do trời phái xuống" cứu dân độ thế, ví dụ câu sấm tương truyền của Trạng Trình : "Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh" có nghĩa là "Khi nào núi Đụn bị phân chia ra 2 hay nhiều bộ phận, khe Bò Đái (hay Bồ Đái) chảy không nghe tiếng nữa thì huyện Nam Đàn sẽ sinh ra một vị thánh" và đó là thánh Hồ.

Nhiều người có thể cười và cho rằng đây là chuyện nhảm nhí nhưng chúng vẫn đang tồn tại trong thực tế. Ví dụ, tại hải ngoại không ít người kêu gọi thành lập chính phủ lưu vong và đoàn kết sau lưng ông Lương Xuân Việt vì ông là thiếu tướng trong quân đội Mỹ, hay bà Dương Nguyệt Ánh vì bà đã nổi tiếng sau khi phát minh ra một vũ khí có khả năng xuyên thủng những bức tường rất dầy. Trong nước thì nhiều người ủng hộ tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, hay thậm chí giáo sư Chu Hảo trở thành "tổng thống" và dẫn dắt phong trào dân chủ Việt Nam. Trong thực tế, những người này chưa bao giờ có ý định như vậy.

Trong thư ngỏ nhân dịp Tết Kỷ Hợi của ông Chu Hảo có đoạn viết mà ai cũng biết :

"Tôi, cũng như nhiều quý vị và các bạn trong số chúng ta, không có nguyện vọng và năng lực hoạt động chính trị thực thụ ; nhưng có chính kiến trong thực hành phản biện xã hội trên tinh thần khoa học và xây dựng là nghĩa vụ của mỗi người, để xã hội này không rơi vào tình trạng "chết lâm sàng". Nói đúng sự thật, có lý lẽ, có tầm nhìn và có tâm trong sáng, thì chẳng gì có thể làm chúng ta sợ hãi. Có càng nhiều người can đảm không thờ ơ trước những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc thì sẽ càng ít có chỗ cho cường quyền lộng hành !".

Như vậy ông Chu Hảo nói rất rõ là ông không có "nguyện vọng và năng lực hoạt động chính trị thực thụ" và không phải tự nhiên mà ông viết như vậy, chắc phải có nhiều đề nghị ông "thành lập đảng mới" hay "phất cờ khởi nghĩa". Vô lễ với chính trị khiến nhiều người cho rằng muốn thành công thì chỉ cần một lãnh tụ có danh tiếng thay vì một tổ chức chính trị có đội ngũ cán bộ mạnh và một dự án chính trị đứng đắn.

Vô lễ với kiến thức chính trị khiến nhiều người Việt đặt niềm tin vào tổng thống Mỹ Trump một cách mù quáng. Nhiều người xác quyết một cách không có căn cứ rằng Trump sẽ đánh gục Trung Quốc và mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Ngoài lý do đến từ văn hóa Khổng giáo là "phò chính thống", "phò kẻ mạnh" thì có lẽ một lý do sâu xa khiến nhiều người thích Trump đó là họ tìm thấy hình ảnh của mình trong đó. Một người không có kiến thức và hiểu biết về chính trị, lỗ mãng, bạ đâu nói đấy, nói sai, nói dối... vẫn có thể làm tổng thống.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người không hiểu rằng "chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong xã hội". Nếu làm chính trị mà sẵn sàng dùng thủ đoạn, dối trá, lỗ mãng, bất chấp đạo đức... thì những kẻ đó sẽ lãnh đạo và dẫn dắt đất nước đi về đâu ? Nhiều người tung hô và sẵn sàng bỏ qua mọi vi phạm đạo đức cá nhân của những người người như Trump, Kim Jong-un... vì họ cho rằng quá khứ khác, giờ khác ? Đừng quên rằng đạo đức của mỗi người là bản chất của người đó. Một kẻ vô lại dù có làm đến chức vụ nào thì vẫn là một kẻ vô lại.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người tuyên bố một cách xanh rờn : Chính trị là xấu xa, nhơ bẩn và đấu tranh chính trị chỉ là giành giật quyền lực... Những người này không hiểu rằng không có chính trị xấu xa và nhơ bẩn mà chỉ có những kẻ xấu xa và nhơ bẩn làm chính trị. Cũng như không có ngành Y hay Giáo dục dơ bẩn mà chỉ có những bác sĩ hay giáo viên dơ bẩn tham gia vào ngành Y và Giáo dục. Chính những kẻ dơ bẩn này đã làm vẩn đục môi trường chính trị vốn được xem là một trong những lĩnh vực sạch sẽ và cao quí nhất.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người hô hào lật đổ cộng sản bằng mọi giá. Cuộc vận động dân chủ hiện này đúng là nhằm chiến thắng đảng cộng sản nhưng không phải để tiêu diệt hay lật đổ họ. "Đây là cuộc đấu tranh để đưa con người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh. Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam rất xứng đáng để có" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai). Động cơ của nó như vậy là lòng yêu nước và yêu đồng bào, là tình yêu chứ không phải lòng thù hận.

Vô lễ với chính trị khiến người Việt không thể thảo luận được với nhau về chính trị. Chỉ cần một ý kiến nào đó khác với quan điểm của mình là lập tức tấn công, chụp mũ, công kích gay gắt mà không hề dùng lý lẽ để phản bác hay tranh luận. Ai cũng có quyền đưa ra ý kiến, một quan điểm nào đó, có thể sai, có thể đúng nhưng không thể vì trái ý với mình mà "tấn công" người khác. Phê bình, chỉ trích cũng cần thái độ ôn hòa thay vì sử dụng "bạo lực ngôn ngữ". Lý do người Việt không thể thảo luận về chính trị là vì chúng ta hiểu rất khác nhau về các khái niệm chính trị. Sở dĩ có chuyện đó vì người Việt không chịu học hỏi. Đó chính là sự vô lễ với kiến thức chính trị. Không hiểu giống nhau về các khái niệm chính trị thì làm sao thảo luận về chính trị ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người tranh đấu dù có tấm lòng nhưng không chịu hiểu một điều giản dị là đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chứ không phải giữa các cá nhân. Chính vì vậy, thay vì tham gia, ủng hộ hay thành lập các tổ chức chính trị để tranh đấu thì nhiều người chỉ tranh đấu cá nhân và không những thế còn "tự hào" về điều đó. Bao nhiêu người tranh đấu cá nhân sau một thời gian đều âm thầm "biến mất" hình như vẫn không thay đổi đươc tư duy của người Việt ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều trí thức tự hào xem mình là "nhân sĩ" mà không ý thức được sự tầm thường, nhỏ mọn và ích kỷ của "giai cấp nhân sĩ", thậm chí nhiều người không hiểu nhân sĩ là gì và nó vớ vẩn đến cỡ nào. Thân phận "nô tài", "nô bộc", tay sai cho các thế lực cầm quyền nhằm ức hiếp dân chúng thì có gì vinh quang để mà tự hào ?

Vẫn theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì, "Văn hóa nhân sĩ như vậy ít nhất để lại cho trí thức Việt Nam hai thương tật : Một là coi hoạt động chính trị là để làm quan, là tranh giành công danh cho riêng mình, bằng cố gắng cá nhân. Hai là tâm lý phục tùng chính quyền thay vì đấu tranh để thay đổi nó, ngay cả khi đó chỉ là một chính quyền tồi dở và thô bạo. Hai tật nguyền này khiến các trí thức Việt Nam không kết hợp được với nhau để xây dựng một lực lượng có tầm vóc để đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Đa số không có văn hóa tổ chức hoặc ý chí thay đổi xã hội, hoặc cả hai" (Về văn hóa chính trị nhân sĩ). 

Nhiệm vụ và sứ mệnh quan trọng nhất của tầng lớp trí thức là hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng chứ không phải lẽo đẽo chạy theo và nhiều khi chạy sau cả quần chúng (chưa kể những người hùa với chính quyền để ru ngủ và đàn áp dân chúng) vì trí thức là đại diện cho tâm hồn, trí tuệ và tiếng nói của một dân tộc... Bao nhiêu trí thức Việt Nam hiểu được điều đó ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người khó khăn lắm mới có thể tham gia vào một tổ chức rồi cũng dễ dàng ra đi chỉ vì những bất đồng ý kiến nho nhỏ với những người khác. Họ không nghiên cứu và tìm hiểu về "văn hóa tổ chức" trong các tổ chức chính trị nên họ ngộ nhận nhiều thứ. Họ không hiểu là cần phải hy sinh ít nhiều cái tôi nhỏ bé của mình để có thể hòa đồng với tập thể, hy sinh cái nhỏ để đạt được ước muốn lớn lao là góp phần dân chủ hóa đất nước.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người ngụy biện và ngụy biện lớn nhất đó là "không thể làm gì được trong lúc này vì chính quyền đàn áp các tổ chức từ trong trứng nước". Việc công khai ủng hộ và quảng bá ầm ĩ cho những tổ chức mới ra đời và chưa có sự chuẩn bị nào ở trong nước là những hành động ngu ngốc và điên rồ vì chúng "hữu danh vô thực" và chỉ có tác dụng khiêu khích chính quyền. Với mức độ tự do hiện nay và với sự hỗ trợ của các mạng xã hội thì việc kết nối với các tổ chức không phải là chuyện quá khó. Ngay cả các thảo luận, trao đổi về chính trị mang tính tư tưởng không hề bị ràng buộc gay gặp cản trở nào mà chỉ có vấn đề là "muốn hay không muốn". Một số trí thức Việt Nam vẫn ủng hộ và tiếp tay với đảng cộng sản để kéo dài sự cầm quyền của họ mà không hiểu rằng thời đại của các chế độ độc tài dù hùng mạnh như Trung Quốc hay Nga cũng đã đến hồi cáo chung.

Vô lễ với chính trị dẫn đến bế tắc và trong không ít trường hợp những người bất đồng trong nước không cần tìm hiểu về các tổ chức chính trị ở hải ngoại mà đã vội bắt tay với họ khiến nhiều người chưa làm được gì đã bị bắt và bị kết những bản án rất nặng vì những tổ chức đó là cò mồi hoặc hữu danh vô thực, chuyên nổ và chém gió trên mạng.

Vậy có cách nào để chữa căn bệnh "vô lễ với chính trị" không ? Theo tôi thì có và hoàn toàn không có gì là quá cao siêu, phức tạp. Ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà tư tưởng chính trị của Việt Nam hiện nay, viết :

"Đức tính đầu tiên và bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức. Tiếp theo là những khả năng và đức tính mà mọi người đấu tranh chính trị phải có : lương thiện, quyết tâm, kiên trì và bản lãnh chính trị -nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp. Dĩ nhiên cuộc chiến đấu nào cũng đòi hỏi sự dũng cảm, nhưng sự dũng cảm chính của những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong lúc này là dám tin tưởng vào thắng lợi dù biết cuộc đấu tranh sẽ rất dài và khó khăn, dám quên mình để xây dựng sức mạnh của tổ chức, dám gạt bỏ sự cám dỗ của danh tiếng, dám chấp nhận để người khác nghĩ rằng mình thiếu dũng cảm. Cuối cùng thời gian sẽ trả lại công lý cho mỗi người".

Việt Hoàng

(06/03/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2254 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)