Cải cách Ruộng đất xảy ra trong bối cảnh nào ? Tại sao bộ tứ lãnh đạo Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp lại dần bị giải thể, cùng với đó là sự trỗi dậy của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ ?
Ông Hồ Chí Minh (phải) khóc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 1 (29/12/1956-25/1/1957) khi nói về sai lầm trong Cải cách Ruộng đất.
Việt Nam vừa trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực. Vào ngày 19/7, vị tổng bí thư lâu năm của Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng qua đời. Ông Trọng đã già yếu, nên trong một thời gian dài, có rất nhiều suy đoán về việc ai sẽ kế nhiệm ông làm lãnh đạo Đảng.
Như thường lệ đã xảy ra nhiều lần dưới chế độ cộng sản, không rõ việc chuyển giao quyền lực thực sự diễn ra như thế nào. Đã có các cuộc thảo luận không chính thức trên khắp các diễn đàn về những phe phái quyền lực khác nhau trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta vẫn không biết rõ làm thế nào mà ông Tô Lâm lại trở thành người quyền lực nhất.
Trong bài viết này, tôi muốn quay ngược đồng hồ về một quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong quá khứ. Cuộc chuyển giao quyền lực đó chứng kiến sự giải thể dần dần bộ tứ lãnh đạo : Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian ba năm từ 1956 đến 1959.
Bộ tứ lãnh đạo (từ trái qua phải) : Trường Chinh, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian ba năm từ 1956 đến 1959.
Bốn người này đã thành lập một trong những nhóm lãnh đạo Đảng mạch lạc và hiệu quả nhất trong lịch sử Đảng cộng sản. Họ đã lãnh đạo Đảng kéo dài từ năm 1941, khi Hồ Chí Minh chính thức hội nhập trở lại phong trào cộng sản Việt Nam.
Nhưng mười lăm năm sau, vào năm 1956, một phản ứng dây chuyền xảy ra, chỉ trong vài năm đã dọn đường cho sự trỗi dậy của hai lãnh đạo khác là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Hai người họ sẽ lãnh đạo Đảng trong 27 năm tiếp theo.
Tại sao và làm thế nào việc chuyển giao quyền lực đó diễn ra ?
Một số cách giải thích
Lời giải thích điển hình thường có hai phần.
Phần đầu tiên tập trung vào chiến dịch Cải cách Ruộng đất đầy bạo lực được thực hiện từ năm 1953 đến năm 1956 ở miền Bắc Việt Nam. Theo lý thuyết đó, những lãnh đạo Đảng gắn bó chặt chẽ nhất với Cải cách Ruộng đất đều phải bị kỷ luật vì đã để cuộc cải cách diễn ra một cách "thái quá". Khi Hồ Chí Minh "biết được" những điều xấu xảy ra trong chiến dịch, "Người" đã can thiệp và kỷ luật những người có trách nhiệm.
Có nhiều người nhận án kỷ luật, ở đây tôi chủ yếu nói về Tổng bí thư Trường Chinh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Văn Lương và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hoàng Quốc Việt.
Khi Trường Chinh bị buộc phải từ chức Tổng bí thư, Hồ Chí Minh đã lên thay chức vụ của Trường Chinh và chính thức nắm giữ trong 4 năm tiếp theo. Trong khi đó, ông Hồ chắc chắn đã quyết định để Lê Đức Thọ thay Lê Văn Lương làm Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng. Đó là một vị trí quan trọng để giành quyền lực vì Lê Đức Thọ có ảnh hưởng lớn đến việc ai được đề bạt vào chức vụ cấp cao nào trong Đảng.
Phần thứ hai của cách giải thích tập trung vào yếu tố địa lý. Hồ Chí Minh biết chiến trường lớn tiếp theo của Đảng là miền Nam Việt Nam nên muốn đưa người có kinh nghiệm hoạt động ở miền Nam, nói cách khác là "người từ Nam ra" lên làm lãnh đạo. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ phù hợp với yêu cầu đó.
Trong bài viết này, tôi sẽ đưa ra một vài ý kiến khác với cách giải thích trên.
Tôi sẽ lập luận rằng Cải cách Ruộng đất (1953-1956) là điều kiện quan trọng dẫn tới sự chuyển giao quyền lực này nhưng nguyên nhân thực sự của sự thay đổi là do Đại hội lần thứ 20 của Liên Xô.
Đại hội 20 diễn ra vào tháng 2/1956. Đấy là dịp nhà lãnh đạo tương đối mới của Liên Xô Nikita Khrushchev đọc "Diễn văn bí mật" huyền thoại của mình. Trong bài phát biểu nhan đề "Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó", Khrushchev đã dành hơn ba giờ để thảo luận về triều đại 28 năm tàn bạo của Joseph Stalin. Đại hội lần thứ 20 cũng chứng kiến sự tiến bộ khi đưa ra ba đường lối chủ đạo dành cho các đảng cộng sản anh em trên khắp thế giới :
1) Chống sùng bái cá nhân ;
2) Tăng cường dân chủ trong đảng ;
3) Áp dụng pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Đối với các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, bối cảnh diễn ra Đại hội 20 – đầu năm 1956, tức là ngay giữa làn sóng cải cách ruộng đất lớn nhất – là một bối cảnh đặc biệt tồi tệ.
Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev (giữa) vào năm 1960
Cần khẳng định Cải cách Ruộng đất là một chính sách trong phong trào cộng sản Việt Nam. Nhiều tài liệu (phần lớn nằm trong bộ Văn kiện đại hội Đảng toàn tập) cho thấy Cải cách Ruộng đất – chính sách cưỡng chế, tịch thu, chia lại ruộng đất để giành sự ủng hộ của nông dân – là khát vọng tiêu biểu của cộng sản Việt Nam trong suốt phong trào của họ những năm 1920 và 1930. Vấn đề không phải là Đảng có thực hiện Cải cách Ruộng đất hay không mà là khi nào sẽ thực hiện và Đảng sẽ dùng nó làm mục đích tuyên truyền để lôi kéo giai cấp nông dân thế nào.
Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa Lenin chính thống ở chỗ ông tin tưởng mạnh mẽ vào công thức cách mạng hai giai đoạn của Lenin đối với các nước thuộc địa. Cách tiếp cận hai giai đoạn đó cho rằng Đảng cộng sản trước tiên nên tập trung sức lực vào việc chống lại và tiêu diệt quyền lực thực dân. Để đạt được mục đích đó, những người cộng sản nên sử dụng lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc để chiêu mộ giai cấp tư sản bản địa yêu nước vào sự nghiệp chống thực dân. Đây là giai đoạn chống đế quốc.
Sau khi chính quyền thực dân bị đánh đuổi, người cộng sản sẽ bắt đầu giai đoạn thứ hai. Đó là giai đoạn chống phong kiến, phản tư sản, khi Đảng giám sát đấu tranh giai cấp trong nước, giúp đỡ nông dân và công nhân lật đổ giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp tư sản bản địa.
Khi Hồ Chí Minh trở lại Châu Á vào năm 1938 và dần dần tái khẳng định mình là người lãnh đạo phong trào cộng sản Việt Nam, ông đã tổ chức Đại hội Đảng vào năm 1941. Hồ Chí Minh điều chỉnh cương lĩnh của Đảng theo hướng chủ trương cách mạng phù hợp hơn với công thức hai giai đoạn của Lenin. Do đó, ông đã chỉ đạo các đồng chí của mình như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng loại bỏ hầu hết những đề cập đến đấu tranh giai cấp khi tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh cho dân chúng.
Về cơ bản, ông đã chỉ đạo đồng chí của mình bám sát các khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa cùng một số lý tưởng xã hội tiến bộ cơ bản. Những chính sách và mục tiêu khác vẫn chưa bị bỏ rơi, chỉ là chúng không phù hợp với tình hình lúc đó, khi Việt Nam cần tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Bài toán lương thực
Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chính thức bắt đầu vào tháng 12 năm 1946 khi giới lãnh đạo cộng sản rời Hà Nội rồi mở cuộc tấn công vào các đơn vị Pháp ở thủ đô và những vùng xung quanh tại miền Bắc. Người Pháp không có đủ binh lính để giành quyền kiểm soát toàn bộ Việt Nam một cách hiệu quả. Phần lớn miền Trung và Tây Bắc bị người Pháp bỏ lại. Đây trở thành những khu vực mà cộng sản sẽ hoạt động để thành lập bộ máy nhà nước của họ.
Các tài liệu mà tôi nghiên cứu về giai đoạn này cho thấy, tại các vùng do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát, lãnh đạo Đảng rất cần sự đóng góp về lương thực, lao động và binh lính. Trong ba thứ đó, lãnh đạo Đảng gặp khó khăn nhất là vấn đề làm sao để có được gạo.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần một lượng lớn gạo để nuôi các quan chức và quân đội ngày càng tăng của mình. Khi chiến tranh tiếp diễn, nhu cầu về gạo ngày càng tăng và nhiệm vụ thu mua gạo ngày càng khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, những người cộng sản đã đưa ra đủ loại biện pháp nhằm kích thích tăng sản lượng nông nghiệp. Họ thử nghiệm các chiến dịch thi đua yêu nước – mọi người phải cùng nhau ra đồng và thách thức nhau làm việc chăm chỉ hơn. Họ cố gắng thuyết phục các lãnh đạo Đảng ở địa phương đưa ra một loại hợp đồng nông nghiệp với nông dân địa phương. Về cơ bản, nông dân sẽ nộp kế hoạch canh tác và sau đó ký tên đồng ý sản xuất một số lượng gạo nhất định. Họ cũng chia lại cho nông dân đất đai thu được từ giới thượng lưu đã trốn khỏi nông thôn lên thành phố.
Tuy nhiên, đất đai không hoàn toàn được trao cho nông dân. Nó chỉ được tạm thời trao cho họ và với điều kiện là phần lớn sản lượng canh tác phải được chuyển cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều nông dân phản đối rằng sản lượng từ mảnh đất được chia này không đủ lớn để trang trải chi phí canh tác và đóng thuế nặng nề.
Cuối cùng, đối với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không có biện pháp nào trong số này giải quyết được vấn đề làm thế nào để huy động đủ lượng gạo đóng góp cho chiến tranh.
Chính quyền của ông Hồ Chí Minh cần lương thực để nuôi bộ máy chính quyền và một đội quân ngày một lớn
Năm 1949, triển vọng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc chiến đã được nâng cao đáng kể nhờ chiến thắng của phe cộng sản Trung Quốc (trong Nội chiến Quốc-Cộng) và sau đó là việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được Trung Quốc, rồi Liên Xô và các nước khối cộng sản khác, công nhận. Stalin quyết định rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được cố vấn bởi Trung Quốc, nước sẽ điều phối việc cung cấp vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc cho quân Bắc Việt.
Ngay sau đó, các nhóm cố vấn Trung Quốc đã đến cùng với số lượng lớn vũ khí. Không có gì ngạc nhiên khi nhóm cố vấn Trung Quốc kỳ vọng sẽ có quyền kiểm soát lớn đối với các hoạt động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh có lẽ cảm thấy rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc chiều theo những cố vấn kiểm soát viện trợ đó.
Số vũ khí viện trợ lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong Chiến dịch biên giới thu đông (1950). Trận chiến là một chiến thắng vang dội của quân Hồ Chí Minh và khiến quân Pháp rơi vào khủng hoảng tinh thần. Nhưng sau đó, trong khoảng một năm rưỡi, quân của ông Hồ đã bế tắc với quân Pháp và đồng minh tại những vùng do nhà nước Việt Nam cai quản.
Đồng thời, tình hình kinh tế ở các khu vực do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát tiếp tục xấu đi. Chính quyền đã trở nên cực kỳ khó khăn trong việc huy động sự đóng góp vật chất bằng gạo và các thực phẩm cần thiết để nuôi sống năm sư đoàn bộ binh. Và cố vấn La Quý Ba của Trung Quốc đã gây áp lực buộc lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải sử dụng cải cách ruộng đất để giải quyết các vấn đề lương thực.
Tôi nghĩ Hồ Chí Minh có niềm tin thực sự rằng cần phải tuân theo công thức hai giai đoạn chính thống của chủ nghĩa Lenin, rằng cải cách ruộng đất nên được hoãn lại cho đến sau khi chiến tranh kết thúc. Vì vậy, tôi nghi ngờ rằng ông Hồ đã thất vọng khi ông tới Moscow vào cuối năm 1952 và Stalin cũng nói với ông rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tiến hành cải cách ruộng đất.
Thế là, với mong muốn có thêm viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã đồng ý thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của La Quý Ba ngay trong chiến tranh, phản lại hai bước của Lenin.
Vở kịch kinh hoàng
Hình các lãnh tụ cộng sản Georgy Malenkov, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông tại một cuộc đấu tố trong Cải cách Ruộng đất (trái). Bên phải là một vụ đấu tố thời Cải cách Ruộng đất.
Sau nhiều năm suy nghĩ về Cải cách Ruộng đất, tôi thấy chiến dịch này giống như một màn trình diễn kinh hoàng do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt lên toàn bộ người dân nông thôn. Đó là chương trình yêu cầu mọi người trong cộng đồng phải đóng một vai trò nào đó. Để vở kịch có hiệu quả, mỗi làng phải có đủ số đối tượng để tố cáo và trừng phạt. Nói cách khác, phải có đủ số lượng "nhân vật" địa chủ.
Thực tế ở nông thôn Việt Nam không có nhiều người đủ tiêu chuẩn "làm địa chủ".
Trong nghiên cứu của mình, tôi tìm thấy một cuộc điều tra dân số được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào năm 1951, khoảng một năm rưỡi trước khi bắt đầu Cải cách Ruộng đất. Cuộc điều tra dân số được thực hiện tại hai xã thuộc tỉnh Nghệ An. Số địa chủ ở hai xã điển hình đó chỉ chiếm 0,3% dân số. Trong khi các nhà lãnh đạo Bắc Việt đặt ra hạn mức địa chủ là 5,68% dân số và gây đủ mọi áp lực lên các cán bộ thực hiện Cải cách Ruộng đất để đảm bảo rằng họ tìm được đủ số lượng địa chủ, để chương trình diễn ra như kế hoạch.
Sự kết thúc của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất gây ra hai khó khăn cho cuộc Cải cách Ruộng đất.
Thứ nhất, Hiệp định Genève rõ ràng cấm cả hai bên thực hiện hành vi trả thù người dân trên lãnh thổ của họ.
Thứ hai, Hiệp định tuyên bố rằng, trong thời hạn 300 ngày, về cơ bản, từ mùa hè năm 1954 cho đến mùa xuân năm 1955, bất kỳ người dân nào ở Việt Nam đều được tự do di chuyển đến khu vực Bắc hay Nam tùy theo lựa chọn của mình.
Để tiếp tục Cải cách Ruộng đất mà không bị gắn mác vi phạm Hiệp định Genève, các nhà lãnh đạo Đảng đã chuyển chiến dịch sang các vùng xa bờ biển hơn, nơi người dân khó trốn vào Nam hơn. Họ cũng điều chỉnh ngôn ngữ chính thức của chiến dịch để nó không trực tiếp nhắm vào những người được xem là chống cộng.
Các nhà lãnh đạo Đảng đã tổ chức Cải cách Ruộng đất thành 5 đợt liên tiếp với quy mô càng ngày càng lớn, đợt sau lại lớn hơn tất cả các đợt trước gộp lại. Điều này có nghĩa là làn sóng thứ năm và cũng là làn sóng cuối cùng, diễn ra từ tháng 1/1956 cho đến mùa hè năm đó, là thời kỳ có số lượng người dân trải qua Cải cách Ruộng đất lớn nhất.
Làn sóng cuối cùng rộng lớn này trùng với Đại hội lần thứ 20 của Liên Xô, được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 25/2/1956.
Trường Chinh ‘bị tế thần’
Vai trò của Trường Chinh (phải) trong Cải cách Ruộng đất có lẽ khác với những gì Đảng cộng sản Việt Nam đã công khai
Hồ Chí Minh quyết định cử Tổng bí thư Trường Chinh và Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ dự Đại hội 20. Họ lên đường đến Moscow vào đầu tháng 2 năm 1956. Nói cách khác, Trường Chinh không phải là công cụ quan trọng thực hiện Cải cách Ruộng đất đến mức cần thiết phải ở lại để lãnh đạo chiến dịch khổng lồ khi hơn một nửa dân số miền Bắc bị tiến hành cải cách. Chi tiết này đặt ra câu hỏi về mức độ trách nhiệm sau này của Trường Chinh đối với những "sai lầm" được cho là của chiến dịch.
Tại Đại hội 20, vào tối muộn ngày 24/2, Khrushchev đã đọc "Diễn văn bí mật" huyền thoại tố cáo tội ác của Stalin. Về cơ bản, mọi điều tồi tệ mà các nước tư bản nói về Stalin - rằng ông là nhà độc tài phù phiếm, hoang tưởng và độc ác - đều được Khrushchev khẳng định.
Đối với Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng Việt Nam khác, có ba khía cạnh đặc biệt đáng lo ngại trong "Diễn văn bí mật".
Đầu tiên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rõ ràng đã có sự sùng bái cá nhân toàn diện, điều này là trái ngược với tư tưởng của Marx và Lenin.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo Đảng tại Việt Nam lúc bấy giờ đã tự do phát huy vai trò lãnh đạo vĩ đại của chính mình. Áp dụng vào "Diễn văn bí mật", họ trông giống như các nhà độc tài hoang tưởng, kẻ giết người, kẻ vụng về tai hại trong những ngày đầu của Thế chiến II.
Thứ ba, "sự vi phạm pháp luật xã hội chủ nghĩa" của Stalin mà Khrushchev mô tả cũng tương tự như những thực tiễn mà các lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam khi đó đã áp dụng trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất. Đó là thúc đẩy quan điểm cho rằng "kẻ thù" rình rập trong mọi cộng đồng, ép buộc nhận tội thông qua đe dọa và tra tấn, từ bỏ những thủ tục tư pháp thông thường và gây áp lực chính thức lên các tòa án Cải cách Ruộng đất để đưa ra các bản án có tội nhanh chóng.
Những thực tế trên đi ngược lại với ba khẩu hiệu mà Khrushchev đã đưa ra để làm kim chỉ nam cho chính sách của khối cộng sản : 1) Không sùng bái cá nhân, 2) Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, 3) Tăng cường dân chủ trong đảng.
Hàng ngàn bản sao "Diễn văn bí mật" của Khrushchev đã được cung cấp cho các chi bộ cộng sản trên khắp Liên Xô và cả cho đại diện các đảng cộng sản anh em tại Đại hội, trong đó có Trường Chinh và Lê Đức Thọ.
Tình hình này gây ra đủ loại bất ổn trong giới lãnh đạo Đảng tại Việt Nam. "Diễn văn bí mật" về mặt lý thuyết được cho là "bí mật", điều đó khiến các nhà lãnh đạo Đảng có cớ để không nói gì về nó trong một thời gian. Thật không may cho họ, tin tức về nội dung "Diễn văn bí mật" đã nhanh chóng bị rò rỉ ra thế giới không cộng sản. Báo chí Việt Nam Cộng hòa đã có vài ngày sục sôi với sự kiện này.
Trong khi đó, cuộc Cải cách Ruộng đất đang đi những bước cuối cùng, khi làn sóng khổng lồ của chiến dịch được tiến hành. Sự lục đục, thiếu nhất quán của giới lãnh đạo Đảng năm 1956 đã khiến họ chần chừ một chút trước sự xuất hiện của một vài ấn phẩm độc lập, trong đó nổi tiếng nhất là tờ Nhân văn và tạp chí văn học Giai phẩm. Hồ Chí Minh và các thành viên Bộ Chính trị hẳn đã cảm thấy rằng việc đàn áp các tạp chí định kỳ đó có thể bị nhóm cố vấn Liên Xô giải thích là coi thường các chính sách hiện hành của Moscow.
Tại thời điểm nhạy cảm này, các nhà lãnh đạo Đảng đã cho phép một điều gì đó giống như một cuộc thảo luận thực sự về Cải cách Ruộng đất diễn ra. Nói cách khác, lãnh đạo Đảng đã mất quyền kiểm soát thông tin tuyên truyền và không thể tiếp tục giả vờ rằng mọi việc đều ổn.
Vào cuối tháng 10, Hồ Chí Minh đã quyết định rằng cần phải có một số nỗ lực để trấn an công chúng và cứu vãn danh tiếng của ban lãnh đạo Đảng. Do đó, "một câu chuyện" đã được tạo ra, trong đó Ủy ban Cải cách Ruộng đất được miêu tả giống như một cơ quan chính phủ lừa đảo. Và Trường Chinh, với tư cách là tổng bí thư, phải chịu trách nhiệm nặng nề về bạo lực và bất công của chiến dịch. Điều này xảy ra bất chấp thực tế là ông Chinh đã ở Liên Xô để dự Đại hội 20 trong một tháng, cùng thời gian diễn ra đợt cải cách quan trọng và bi thảm nhất của chiến dịch.
Để tránh xa hệ lụy không hay từ Cải cách Ruộng đất, Hồ Chí Minh tuyên bố sẽ giữ chức vụ tổng bí thư, sau khi lôi Trường Chinh ra làm con dê tế thần. Hàm ý là "tôi đây rồi, tôi đã là tổng bí thư rồi, tôi sẽ giải quyết vấn đề, đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn thôi".
Đó là vết nứt lớn đầu tiên trong bộ tứ.
Nhân tố Lê Duẩn
Sau Cải cách Ruộng đất, Lê Duẩn bắt đầu trỗi dậy trong chính trường
Trong suốt năm 1957, Hồ Chí Minh quyết định phát huy sự lãnh đạo của Lê Duẩn, người có lợi thế là có mối liên hệ với nửa phía Nam của đất nước, nơi sẽ diễn ra cuộc đại chiến tiếp theo.
Trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1958, Lê Duẩn đã có những bước đi vững chắc để tập trung quyền lực vào tay và hóa giải các mối đe dọa. Chẳng hạn, Võ Nguyên Giáp là người có uy tín và được nhiều người biết đến, một "nguy cơ" cho con đường chính trị của Lê Duẩn. Suốt những năm sau đó, Lê Duẩn đã theo đuổi Giáp bằng nhiều cách khác nhau để đảm bảo rằng ông không nắm được quyền lãnh đạo Đảng. Và Lê Duẩn dường như cũng đã làm giảm bớt ảnh hưởng của Hồ Chí Minh. Với Phạm Văn Đồng, người rõ ràng có tính cách mềm mỏng, đã không bị Lê Duẩn coi là mối đe dọa nghiêm trọng nên được giữ lại làm thủ tướng.
Như vậy, nhìn vào quá trình chuyển giao quyền lực của bộ tứ cộng sản cuối năm 1956, thì "Diễn văn bí mật" của Khrushchev và các chính sách kèm theo của Liên Xô đã tạo điều kiện để một sự kiện lớn như Cải cách Ruộng đất có thể trở thành động lực cho thay đổi.
Trong một vài tháng, các nhà lãnh đạo Đảng đã mất quyền kiểm soát câu chuyện mà họ định tuyên truyền về Cải cách Ruộng đất và do đó buộc phải thực hiện một số nỗ lực để bù lại sự tàn phá mà nó đã gây ra.
Nếu không có "Diễn văn bí mật", tôi tin rằng Trường Chinh sẽ tiếp tục làm Tổng bí thư Đảng và có thể trở thành nhà lãnh đạo số một của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi tuổi tác và sức khỏe buộc Hồ Chí Minh phải rút lui.
Giáo sư Alec Holcombe (ảnh nhỏ) đã có nhiều năm nghiên cứu về Cải cách Ruộng đất và xuất bản sách về giai đoạn này
Di sản quan trọng của "Diễn văn bí mật" là chỉ ra những mối nguy hiểm liên quan đến tệ sùng bái cá nhân. Việc Khrushchev dỡ bỏ giáo phái Stalin đã gây ra làn sóng chấn động trong khối cộng sản và dẫn đến những thay đổi ở Ba Lan và Hungary.
Trong suốt lịch sử, các nhà lãnh đạo Đảng ở Việt Nam chưa bao giờ nghiêm túc xem xét việc từ bỏ "đạo" Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng họ biết được mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với chế độ của họ nếu từ bỏ nó. Ở thời điểm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 ấy, mặc dù Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có lẽ đã gạt ông Hồ ra ngoài lề trong nhiều vấn đề đại sự, nhưng họ vẫn cẩn thận duy trì sự sùng bái "Bác". Có thể nói, họ đã củng cố một truyền thống quan trọng về bảo tồn tín ngưỡng sùng bái cá nhân mà chúng ta vẫn thấy ở Việt Nam ngày nay.
Alec Holcombe
Nguồn : BBC, 01/09/2024
Tác giả Alec Holcombe có bằng cử nhân văn chương tại Đại học Brown, bằng tiến sĩ lịch sử tại Đại học UC Berkeley, hiện là giáo sư – viện trưởng Viện Lịch sử đương đại của Đại học Ohio. Bản tiếng Việt được hoàn thành với sự giúp đỡ của Miracle Vũ.
Chính quyền Việt Nam dù đã thừa nhận sai lầm của Cải cách Ruộng đất nhưng vẫn che giấu phần lớn sự thật lịch sử. Ở hải ngoại, đang có nhiều nỗ lực để đưa những trang sử bị chôn vùi này đến với các thế hệ công chúng người Việt.
Bà Nguyễn Thị Năm (tức Cát Hanh Long), người có công với cách mạng nhưng đã bị đem ra đấu tố và bị xử bắn đầu tiên trong Cải cách Ruộng đất. Bên phải là hình ông Hồ Chí Minh khóc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 1 (29/12/1956-25/1/1957) khi nói về sai lầm trong Cải cách Ruộng đất.
Trong hai ngày 17 và 18 tháng 8/2024, tại Bảo tàng Bowers, thành phố Santa Ana, miền Nam California (Mỹ) đã diễn ra hội thảo mang tên : Cải cách Ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam và Di cư 1954, hai sự kiện thay đổi lịch sử Việt Nam hiện đại (North Vietnam’s Land Reform and the 1954 Exodus : Two Life-changing Events in Modern Vietnamese History).
Triển lãm và hội thảo này do Bảo tàng Di sản người Việt (Vietnamese Heritage Museum), Trung tâm Việt Nam Trường đại học Texas Tech và Trung tâm Việt Mỹ Trường đại học Oregon đồng tổ chức.
Soi rọi một lịch sử đẫm máu bị chôn giấu
Người thực hiện phần lớn nội dung cuộc triển lãm và hội thảo này là giáo sư Alex-Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech.
Điều đặc biệt trong nghiên cứu về cải cách ruộng đất của giáo sư Alex-Thái Võ là các kết luận được được rút ra từ chính tài liệu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc Việt Nam), trong đó có tập hợp các văn kiện Đảng dài hàng ngàn trang.
Chính trong các tài liệu văn kiện Đảng này mà ông đã phát hiện ra lá thư của viên cố vấn Trung Quốc La Quý Ba, người cố vấn cho Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1951-1976) về Cải cách Ruộng đất.
Ông Alex-Thái Võ cũng có trong tay một bức thư, trong đó người bộ đội miền Bắc ở chiến trường hỏi gia đình mình có được chia đất hay chưa. Tức là Cải cách Ruộng đất cũng được sử dụng để khuyến khích thanh niên nông dân ở miền Bắc đăng lính.
Điều này cũng từng được nhắc tới trong một hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp về trận đánh Điện Biên Phủ ("Những năm tháng không thể nào quên"), trong đó ông có ghi lại sự sung sướng của người bộ đội, đang ở chiến trường và nghĩ về gia đình mình đang được chia ruộng đất ở hậu phương. Cải cách Ruộng đất đã được Đảng Lao động Việt Nam thực hiện trong các vùng đất do họ kiểm soát trong thời kháng chiến chống Pháp.
Theo nghiên cứu của giáo sư Alex-Thái Võ, số người bị giết trong Cải cách Ruộng đất là hơn 170.000 người, trong đó có hơn 70% bị "nâng thành phần" lên thành "địa chủ cường hào ác bá".
Ông Alex-Thái Võ nói với tôi rằng vào năm 1956, chính quyền miền Bắc đã công nhận có nhiều sai lầm trong Cải cách Ruộng đất, nhưng Đảng Cộng sản vẫn cho rằng việc phát động cải cách ruộng đất là đúng.
Theo ông, việc nhìn nhận sai lầm lúc đó là để đối phó với tình hình hỗn loạn của khối cộng sản, vào thời điểm có sự phê phán của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đối với sự sùng bái cá nhân Joseph Stalin, phong trào nổi dậy của công nhân và trí thức tại Ba Lan và Hungary, chiến dịch Trăm hoa đua nở tại Trung Quốc…
Sự tiếp nhận của công chúng
Quang cảnh buổi hội thảo tại thành phố Santa Ana, miền Nam California
Vào tháng 9/2014, Bảo tàng lịch sử quốc gia của Việt Nam có tổ chức Triển lãm Cải cách Ruộng đất 1946-1957.
Báo chí trong nước thoạt tiên hoan nghênh việc tổ chức cuộc triển lãm.
Tờ VnExpress gọi thời kỳ Cải cách Ruộng đất là "một giai đoạn bi thương và xáo trộn, trong bài có nhan đề Khoảng lặng bên trong triển lãm Cải cách Ruộng đất".
Tờ Tuổi Trẻ đăng bài "Triển lãm Cải cách Ruộng đất : Cần sòng phẳng với lịch sử".
Cuộc triển lãm được dự định kéo dài đến hết năm đó, nhưng chỉ sau 4 ngày mở cửa đã đóng cửa, viện lý do kỹ thuật và không mở cửa trở lại.
Cuộc triển lãm ấy có bốn chủ đề : Chủ trương, Thực hiện, Sai lầm và Thắng lợi. Tuy nhiên, chủ đề Sai lầm chỉ được nói thoáng qua. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nguyễn Thủy Chung, cháu nội bà Nguyễn Thị Năm, người có công lớn với Đảng Cộng sản nhưng bị đem ra đấu tố và xử bắn đầu tiên. Ông Chung nói : "...Nội dung thứ ba (Sai lầm) quá khiêm tốn, nhạt nhòa".
Điểm qua các bài báo được viết trong những ngày đó ở Việt Nam, thì những người đến xem và được trích lời đều là những người lớn tuổi.
Trong các tài liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm ở Santa Ana, có cả một số tác phẩm về cải cách ruộng đất do các tác giả trong nước viết và xuất bản trong nước, như Tô Hoài, Tạ Duy Anh, Phan Thúy Hà.
Ông Tô Hoài (1920-2014), một nhà văn nổi tiếng của văn học Việt Nam thời cận đại, tác giả tác phẩm "Ba người khác", kể lại câu chuyện của chính ông, một cán bộ của Đảng thực hiện Cải cách Ruộng đất. Quyển sách này được ông viết vào năm 1992, nhưng đến năm 2006 mới được xuất bản.
Đáng chú ý là hiện nay có một tác giả trẻ tuổi trong nước là Phan Thúy Hà (sinh năm 1979), với tác phẩm "Gia đình", kể lại những chuyện thật mà cô hỏi những nhân chứng còn sống, hoặc con cháu của những nhân chứng, về những gì xảy ra thời kỳ cải cách ruộng đất.
Tuy nhiên, giáo sư Alex-Thái Võ nói với tôi rằng giới trẻ trong nước hiểu biết rất sơ sài về Cải cách Ruộng đất.
Hình các lãnh tụ cộng sản Georgy Malenkov, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông tại một cuộc đấu tố trong Cải cách Ruộng đất (trái). Bên phải là hình ảnh thường gặp thời Cải cách Ruộng đất.
Điều này có lẽ cũng dễ hiểu, vì trong thời gian đằng đẳng 70 năm qua, Cải cách Ruộng đất chỉ được công khai nói với dân chúng trong duy nhất một cuộc triển lãm, bị dẹp bỏ ngay sau bốn ngày. Sách giáo khoa lịch sử trong nước, nếu có đề cập đến Cải cách Ruộng đất, thì chỉ vỏn vẹn một vài dòng, như : "Có một số sai lầm khi tiến hành cải cách". Tối giản đến mức tối nghĩa.
Trong cuộc hội thảo tại Santa Ana, California, hai ngày 17 và 18/8/2024, có câu hỏi rằng làm thế nào để người Việt trẻ tuổi trong nước biết được về câu chuyện Cải cách Ruộng đất 70 năm trước. Ông Châu Thụy, Giám đốc Bảo tàng di sản người Việt, nói rằng hoạt động hội thảo được truyền trực tiếp trên mạng xã hội.
Nhưng còn công chúng người Việt hải ngoại, người Việt ngay tại Little Saigon, miền Nam California, nơi không có sự kiểm duyệt gì cả, thì thế nào ?
Quan sát số người đến xem triển lãm và vào nghe hội thảo tại Santa Ana, tôi thấy có khoảng 150 lượt người đến, và rằng dù số người trẻ tuổi có đông hơn so với các sinh hoạt hội đoàn thường thấy, nhưng vẫn là rất ít so với số người ở độ 60 tuổi trở lên.
Họa sĩ Ann Phong có nêu một câu hỏi là làm thế nào để đưa những kiến thức lịch sử như thời kỳ Cải cách Ruộng đất và Di cư 1954 vào chương trình học cho các em nhỏ người Việt lớn lên ở Mỹ. Bà được trả lời là người Việt tại các khu học chánh đang cố gắng làm điều đó.
Trong vài năm gần đây, các giáo sư Vũ Tường, Alex-Thái Võ, cùng các đồng nghiệp trẻ, là những người Mỹ gốc Việt nghiên cứu về Việt Nam, đã có nhiều cố gắng, liên tục tổ chức các cuộc hội thảo về Việt Nam, Chiến tranh Việt Nam, về Việt Nam Cộng Hòa… và mới nhất chính là cuộc triển lãm và hội thảo tại Santa Ana, nhằm mục đích truyền lại những kiến thức lịch sử ấy cho thế hệ trẻ lớn lên ở Mỹ. Bước đầu đã có một số thành công nhỏ, như đưa được vài chương trình về người Mỹ gốc Việt vào các học khu miền Nam California, xuất bản được một số sách.
Nhưng có lẽ khó khăn vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân của những khó khăn này có thể có nhiều, chẳng hạn như là khoảng cách thế hệ với văn hóa khác nhau. Những người Việt lớn lên ở Mỹ có những lo lắng, quan tâm khác về nước Mỹ, chứ không phải Việt Nam, huống hồ gì là lịch sử Việt Nam. Những người trẻ ấy sống trong một khung cảnh hoàn toàn khác với không gian ký ức mà cha ông họ vẫn đang sống trong đó, dù đang ở Mỹ.
Một người dự hội thảo cho biết rằng gia đình ông đã trải qua cuộc di cư vào Nam vào năm 1954, và sau đó chính ông lại bỏ chạy sang Mỹ. Tuy nhiên, khi ông nói với các con ông về Việt Nam Cộng Hòa thì họ rất thờ ơ, tệ hơn nữa khi ông nói về quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì họ lắc đầu ngao ngán. Ông hy vọng câu chuyện về Cải cách Ruộng đất và những cuộc di cư khổ ải đó sẽ làm cho những người Việt trẻ tuổi hiểu rõ lịch sử hơn, xuất phát từ tình yêu thương gia đình.
Trong hai ngày hội thảo, vào dịp cuối tuần tại Santa Ana, nơi được xem là thủ đô của người Việt hải ngoại, với rất đông người Việt đảm nhận các chức vụ dân cử từ khu học chánh, thị trưởng, hội đồng thành phố, cho tới nghị sĩ tiểu bang California, nhưng tôi không thấy có vị dân cử nào đến dự. Không rõ tôi có bỏ sót không, hay là họ đến tham dự nhưng quá im lặng ?!
Khẩu hiệu Hồ Chủ Tịch muôn năm tại một phiên đấu tố của Tòa án nhân dân đặc biệt thời Cải cách Ruộng đất (trái). Bên phải là một cảnh đấu tố.
Tại cuộc triển lãm ở Việt Nam vào năm 2014, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói với báo Tuổi Trẻ rằng : "Có những mất mát không thể nào bù đắp và trở thành nỗi đau kéo dài rất lâu. Và những giá trị bài học ấy luôn có tính thời sự".
Trong buổi sáng ngày thứ hai của cuộc hội thảo tại Santa Ana vào năm 2024, sau khi sơ lược về cuộc di cư của gần một triệu người miền Bắc vào Nam năm 1954, ông Alex-Thái Võ nói rằng không ngờ là sau đó, vào năm 1975, lại có một cuộc di cư thứ hai, lần này tàn khốc hơn.
Ông xúc động mạnh khi nói điều đó và kết luận rằng mục đích của các nhà nghiên cứu như ông, khi trình bày lại lịch sử không phải là để kích động sự hận thù, mà để nhìn rõ lịch sử, như những gì thật sự đã xảy ra.
Joaquin Nguyễn Hòa
Nguồn : BBC, 26/08/2024
Cuối tuần vừa qua tôi đi dự hội thảo về Việt Nam tại Bảo tàng Bowers ở thành phố Santa Ana, thủ phủ của Quận Cam. Hai ngày hội thảo với hai chủ đề có liên quan với nhau là "Cải cách Ruộng đất 1953-56" và "Di cư 1954".
Ba thành viên ban tổ chức với bà phó giám đốc Bảo tàng Bowers. Từ trái : giáo sư Vũ Tường, bà Thủy Nguyễn, ông Châu Thụy và giáo sư Alex-Thái Võ (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Xong ngày đầu của hội thảo, đi ăn tối với một bạn sống ở Quận Cam từ năm 1978, khi biết chủ đề là về cải cách ruộng đất, bạn hỏi ngay : "Có hình Hồ Chí Minh cầm khăn khóc không ?". Bạn tôi ít quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng biết sử Việt vì là con trong gia đình bắc di cư 54, lớn lên tại miền Nam và sống ở đó cho đến khi vượt biển.
Hình Hồ Chí Minh khóc và sự kiện bà Nguyễn Thị Năm đóng góp nhiều vàng cho Việt Minh rồi cũng bị đấu tố trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam từ 1953 đến 1956 có lẽ là những hiểu biết cơ bản của nhiều người Việt, dù không chứng kiến hay trực tiếp là nạn nhân trong sự việc. Những hình ảnh đó hôm nay cũng đã được trưng bày tại Bảo tàng Bowers và có trong bài nói chuyện của diễn giả tại hội thảo.
Năm nay là kỉ niệm 70 năm ngày kí Hiệp định Genève 1954 chia đôi nước Việt tại Vĩ tuyến 17 với sự kiện gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam. Nguyên do nào đã tạo nên làn sóng di cư này, rồi 20 năm sau, 1975 lại có làn sóng người Việt bỏ nước ra đi là "thuyền nhân" kéo dài trong hai thập niên để hàng triệu người Việt có mặt tại Hoa Kỳ hôm nay.
Phòng triển lãm tại Bảo tàng Bowers (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Vì sao chúng ta có mặt tại đất nước này ? Giáo sư Alex-Thái Võ từ Đại học Texas Tech, là con của một gia đình H.O. đã từng tự hỏi. Ông kể lại trong phần giới thiệu chương trình :
"Tại làm sao tôi lại ở Hoa Kỳ. Điều gì đã đưa tôi đến đây ? Câu trả lời có thể là dễ. Đó là vì cuộc chiến Việt Nam và hậu quả quả nó. Nhưng khi nghiên cứu sâu vào thì thấy lịch sử có những móc dây chuyền với nhau, không phải là cái gì đứng một mình hay một động thái riêng, mà là những yếu tố dính chùm với nhau để rồi có ảnh hưởng đến chúng ta. Tôi nghĩ lại thì có Nhân văn Giai phẩm, nghiên cứu thêm tôi nhận ra Nhân văn Giai phẩm là phát xuất từ những sự phẫn uất nổi lên từ giai đoạn của cải cách ruộng đất mà ra. Vì thế tôi đã chọn chủ đề Cải cách Ruộng đất để nghiên cứu từ hơn 20 năm qua, đi tìm tư liệu về cải cách ruộng đất từ Hoa Kỳ, từ Việt Nam. Đọc 65 tập Văn kiện Đảng…".
Tốt nghiệp tiến sĩ sử từ Đại học Cornell và là người đồng phối hợp tổ chức sự kiện cuối tuần này với Giáo sư Vũ Tường, giám đốc US-VN Research Center tại Đại học Oregon, Eugene và giám đốc Vietnamese Heritage Museum Châu Thụy, giáo sư Thái có nhận định về Cải cách Ruộng đất và Di cư 1954 như sau :
"Đó là hai sự kiện lịch sử Việt Nam quan trọng bị che lấp, bóp méo hay xóa mờ dù ở Việt Nam hay ở một nước tự do dân chủ như Hoa Kỳ. Bằng cách đào sâu vào những câu chuyện lịch sử này chúng tôi không muốn gây hận thù, gây chia rẽ. Chúng tôi chỉ muốn khẳng định quyền của con người, quyền của người Việt Nam, quyền của người tị nạn được định hình tương lai của mình bằng một sắc thái thông thái…".
Tài liệu về Cải cách Ruộng đất (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Sự việc người Việt bỏ quê từ Bắc vào Nam năm 1954, rồi từ Việt Nam ra nước ngoài vào năm 1975 là bắt nguồn từ những hậu quả kinh hoàng trong cải cách ruộng đất do cộng sản chủ trương, đưa đến cái chết của hàng trăm nghìn người dân, bị qui là địa chủ mà phần lớn là qui sai nên đã chết oan. Một văn kiện đảng ngày 4/5/1954 qui định mỗi 1000 dân thì xử tử một người. Mỗi xã qui định là có 5% địa chủ. Vì thế nhiều người bị cho là địa chủ và bị đấu tố, làm nhục, hành hạ oan trái. Nhiều người khác thấy thế, sợ quá mà tự tử. Theo dẫn chứng của giáo sư Alex-Thái Võ.
Giáo sư Nguyễn Văn Canh, học giả về cộng sản Việt Nam tại Hoover Institute của Đại học Stanford, qua các nghiên cứu từ ngày còn ở quê nhà, cho biết nhiều thành phần trong xã hội bị qui chụp là địa chủ, có ông đồ dạy chữ nho, hay ông Phó lý tên Khoa ở xóm Chuối, Ninh Bình là một người có chức quyền ở nông thôn, ông chết rồi mà cán bộ còn định đem bà vợ ra xử thay khiến bà sợ quá mà tự vẫn. Ông nhận định rằng lãnh đạo cộng sản chủ trương vô sản chuyên chính, dùng bạo lực để thống trị và tiêu diệt văn hóa, xóa đi lịch sử, đưa giai cấp vô sản lên nắm chính quyền. Họ kích động người vô sản vùng lên giành quyền lợi trong cải cách ruộng đất, lấy ruộng của điền chủ chia cho dân. Khi chiếm được chính quyền thì áp dụng chính sách hộ khẩu, tổ chức làng xã bị đảo lộn, không còn phép vua thua lệ làng. Với những chính sách hà khắc, người nông dân lại bị ép buộc vào hợp tác xã đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước.
Hội thảo đoàn về Cải cách Ruộng đất với các giáo sư : Lan Cao, bìa trái, Vũ Tường, Alec Holcombe, Nguyễn Văn Canh và Alex-Thái Võ (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Một người nêu câu hỏi vì sao cộng sản tàn ác mà người dân miền Nam không được dạy cho biết. Giáo sư Canh trả lời đó là một thiếu sót và sai lầm của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Cho đến năm 1974, lúc ông làm phụ tá khoa trưởng Đại học Luật khoa Sài Gòn thì ông đã đưa chương trình giảng dạy về cộng sản vào đại học.
Giáo sư Vũ Tường trình bày về ý nghĩa của cuộc triển lãm với hình ảnh, sách báo và di vật là nguồn tài liệu phong phú nhất có được ở bên ngoài nước Việt Nam về hai chủ đề của hội thảo và triển lãm hôm nay. Giáo sư chia sẻ về lý do tại sao ông theo đuổi việc học tập và nghiên cứu về cộng sản Việt Nam :
"Tôi sống ở Việt Nam 15 năm. Tôi biết cộng sản. Ngoại trừ ông Alec Holcombe ngồi đây, còn ở trong nước thì cho rằng Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp là người yêu nước. Họ theo Nga Tầu để giành độc lập cho đất nước chứ họ không phải là cộng sản. Trong thời chiến tranh các học giả thiên tả cho rằng cộng sản là yêu nước. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là có chính nghĩa, còn Việt Nam Cộng hòa chỉ là bù nhìn của Mỹ. Nhiều sử gia và nhà báo Mỹ hiểu sai về người cộng sản Việt Nam nên đã thúc đẩy tôi nghiên cứu về câu hỏi này, thu thập nhiều bằng chứng và đưa ra lập luận vững chắc để bác bỏ những hiểu biết sai trái đó… Nhiều người đã sống dưới chế độ cộng sản nhiều chục năm, tôi sống 15 năm và ước gì các giáo sư người Mỹ cũng biết được câu trả lời như chúng ta".
Về hệ quả của cải cách ruộng đất, theo giáo sư Vũ Tường thì phương pháp dùng bạo lực đã dẫn đến rất nhiều sai lầm và đổ vỡ. Ông Hồ Chí Minh khóc lóc xin lỗi, ông Trường Chinh từ chức. Nhưng họ vẫn tiếp tục làm hợp tác xã nông nghiệp, chủ trương làm chủ tập thể và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Họ biết là sai nhưng vẫn làm, cho đến khi họ chết.
Vở kịch dựng lại cảnh đấu tố trong Cải cách Ruộng đất (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Giáo sư Alec Holcombe từ Đại học Ohio đã trình bày bằng tiếng Việt nguyên nhân đưa tới việc lãnh đạo Hà Nội cho thi hành chính sách Cải cách Ruộng đất :
Trong cuộc chiến chống Pháp, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần ba thứ quan trọng nhất : lương thực, lao động và binh lính.
Sau khi giành chiến thắng vang dội trong Chiến dịch Biên giới thu đông (1950) với sự góp sức của cố vấn Trung Quốc và vũ khí viện trợ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục khó khăn trong việc huy động lương thực để nuôi quân và bộ máy chính quyền.
Theo Giáo sư Holcombe, trong thời gian này, cố vấn La Quý Ba của Trung Quốc đã gây áp lực buộc lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải sử dụng cải cách ruộng đất để giải quyết các vấn đề của họ.
Giáo sư Holcombe cho rằng ông Hồ Chí Minh "có niềm tin thực sự rằng cần phải tuân theo công thức hai giai đoạn chính thống của chủ nghĩa Lenin : cải cách ruộng đất nên được hoãn lại cho đến sau khi chiến tranh kết thúc.
Tuy nhiên, với mong muốn có thêm viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã đồng ý thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của La Quý Ba ngay trong chiến tranh.
"Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi thấy Cải cách Ruộng đất giống như một màn trình diễn kinh hoàng do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt lên toàn bộ người dân nông thôn", Giáo sư Holcombe nói.
"Đó là một chương trình yêu cầu mọi người trong cộng đồng phải đóng một vai trò nào đó. Để vở kịch có hiệu quả, mỗi làng phải có đủ số đối tượng để tố cáo và trừng phạt. Nói cách khác, phải có đủ số lượng địa chủ".
Tuy nhiên, theo Giáo sư Holcombe, thực tế ở nông thôn Việt Nam "không có nhiều người đủ tiêu chuẩn làm địa chủ".
Tài liệu do giáo sư Holcombe đưa ra cho biết con số địa chủ được ấn định là 5,68% dân số. Tuy nhiên, theo kiểm tra dân số ở hai xã của tỉnh Nghệ An thì chỉ có 0,3% là địa chủ. Vì thế, nhiều người bị qui oan vì thực sự họ không phải là địa chủ.
Chiến dịch Cải cách Ruộng đất bắt đầu năm 1953. Tới sau khi kí kết Hiệp định Genève vào ngày 21/7/1954, để tiếp tục cải cách ruộng đất mà không bị gắn mác vi phạm hiệp định, các nhà lãnh đạo Đảng đã chuyển chiến dịch sang các vùng miền Bắc Việt Nam xa bờ biển hơn, nơi người dân khó trốn vào Nam hơn.
Lúc bấy giờ, người dân sống ở vùng biển từ Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tới Thanh Nghệ Tĩnh đã nghe biết về những vụ đấu tố, những người bị xử tử hay phải tự tử vì quá sợ hãi.
Sự kinh hoàng này đã khiến gần một triệu người di cư vào Nam, theo nhận định của Giáo sư Alex-Thái Võ, và khi cộng sản tiến vào Sài Gòn thì nhiều người cũng bỏ nước ra đi vì sợ cộng sản.
Diễn viên Kiều Chinh và giáo sư Vũ Tường trong hội thảo về Di cư 1954 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Ngày thứ hai của hội thảo là về Cuộc Di cư 1954. Diễn viên Kiều Chinh đã đọc một đoạn trong hồi ký về hoàn cảnh cô phải xa rời bố và anh, giã từ Hà Nội trong cơn hoảng loạn để vào Nam khi cô mới 15 tuổi và những hình ảnh đó cũng như cảnh di tản khỏi Sài Gòn vào tháng Tư 1975, mà khi tham gia đóng vai trong bộ phim "The Sympathizer" của Nguyễn Thanh Việt thì cô như được sống lại với thời điểm ở phi trường Gia Lâm 70 năm trước.
Giáo sư Trần Huy Bích, lúc đó 18 tuổi và đang ở Nam Định nhưng một mình đã quyết định di cư, bỏ lại bố, chị và bà nội vì biết rằng không thể sống với cộng sản qua trải nghiệm của một thanh niên từng sống trong vùng Việt Minh kiểm soát. Trong lớp học ông góp ý với cán bộ giảng dạy mà bị đề nghị báo cáo lên cấp trên. Ông kinh hoàng khi nghe cán bộ ca ngợi Liên Xô vĩ đại, nơi có nhà máy biến con bò thành hộp thịt và ngược lại cũng có thể biến hộp thịt trở lại thành con bò.
Cuộc trò chuyện giữa nhà văn Trần Phong Vũ và giáo sư Joseph Nguyễn của Đại học Cal State Long Beach về những gì ông đã trải qua ở miền Bắc trước 1954 và nguyên do khiến ông vào Nam là một hình mẫu cho thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu về những gì mà ông bà, cha mẹ của các em đã trải qua.
Giáo sư Hoàng Anh Tuấn từ Đại học Pepperdine chuyên nghiên cứu về sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đặc biệt là những cộng đoàn công giáo di cư trong những năm 1954 đến 1975 và cả khi đã ra nước ngoài. Những tuyển tập trong cuộc thi "Viết về nước Mỹ" do nhật báo Việt Báo tổ chức hằng năm từ 2006 đến nay là nguồn tài liệu phong phú về hành trình vượt biên, vượt biển ; về tiến trình hội nhập và buồn vui trong đời sống của người Việt hải ngoại.
Triển lãm – Hội thảo về cuộc di cư 1954 và Cải Cách Ruộng Đất (VOA tiếng Việt)
Song song với hội thảo là phần chiếu phim "Chúng tôi muốn sống" được sản xuất tại miền Nam vào năm 1956 về các chiến dịch đấu tố và hệ lụy của cải cách ruộng đất và phim tài liệu "Di cư 1954" về hành trình của gần một triệu người từ Bắc vào Nam định cư lánh nạn cộng sản.
Trước khi vào hội thảo, ban tổ chức cũng đã cho diễn vở kịch làm sống lại cảnh đấu tố trong cải cách ruộng đất do ban tù ca Xuân Điềm phụ trách, là cảnh tòa án nhân dân xét xử địa chủ, một người làm việc cho Pháp, bất mãn nên bị cho thôi việc, nhưng lại bị cán bộ cải cách qui là thành phần địa chủ, đem ra trước tòa án nhân dân và bị xử bắn. Đó là câu chuyện thật về ông Trần Bá Cường ở làng Quát, tỉnh Thái Nguyên.
Cho đến nay, sự kiện cải cách ruộng đất vẫn còn là điều nhạy cảm đối với lãnh đạo Hà Nội. Năm 2014, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có cuộc triển lãm với chủ đề này, dự trù kéo dài ba tháng nhưng mới mở cửa được ba ngày thì phải đóng cửa với lý do có sự cố về điện và không mở lại.
Tác phẩm "The Mountains Sing" (Sơn ca) của Nguyễn Phan Quế Mai [Nhà xuất bản Algonquin Books, 2020] là hồi ức về gia đình trong những năm từ 1930 đến sau chiến tranh, qua chuyện kể của bà ngoại của tác giả và có nhắc đến cải cách ruộng đất với những hệ quả đau buồn. Tuy tác phẩm đạt nhiều giải thưởng văn chương quốc tế, đã được dịch ra hơn mười ngôn ngữ nhưng đến nay bản tiếng Việt vẫn chưa được phép xuất bản ở Việt Nam.
Triễn lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954 : giáo dục về "sự kiện lịch sử bị lãng quên" (RFA tiếng Việt)
Cải cách ruộng đất, di cư 1954, rồi di tản 1975 và hành trình vượt biên trong hai thập niên sau đó vẫn còn là những đề tài không được nhắc đến trong nước hay bị bóp méo sự thực khi được đề cập tới.
Chính vì thế mà đã có hai ngày triển lãm và hội thảo vừa qua. Ông Châu Thụy, giám đốc Vietnamese Heritage Museum đã phát biểu khi khai mạc :
"Những biến cố lịch sử nêu trên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cần được làm sáng tỏ qua những tài liệu chuyên môn đang được lưu trữ tại các trung tâm quốc tế. Hôm nay chúng ta họp mặt, cùng tìm hiểu những lí do sâu xa về hai sự kiện lịch sử này. Lịch sử luôn cần được tìm hiểu hầu đưa ra ánh sáng những bí ẩn để từ đó chúng ta rút tỉa ra những kinh nghiệm, gìn giữ một cách trung thực nội dung di sản trí thức dành cho thế hệ con cháu của chúng ta ngay tại đây, bây giờ và mai sau".
Bùi Văn Phú
(22/08/2024)
"Vào năm giảm tô, ông nội bị bắt giam. Ông bị treo lên, đầu dọng xuống đất. Sao lại dọng đầu ông xuống đất, sau này tôi hỏi mẹ. Mẹ bảo, để cho ông có nuốt vàng vào trong bụng thì nhả ra. Họ dọng đầu ông như thế từ sáng đế trưa, từ trưa đến tối. Cho đến lúc không tra khảo gì nữa thì tống vào tù".
Hai tựa sách của Phan Thúy Hà, vừa được Hội Nhà Văn xuất bản ở Hà Nội, ghi lại lời kể của những nhân chứng còn sống sót thời Cải cách ruộng đất kinh hoàng, đẫm máu ở miền Bắc, từ 1953 tới 1956.
Đó là một cảnh đấu tố trong cuốn "Gia đình" của Phan Thúy Hà (Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam) ra mắt năm 2020. Tác giả đi gặp, ghi lại lời kể của những nhân chứng còn sống sót thời Cải cách ruộng đất kinh hoàng, đẫm máu ở miền Bắc, từ 1953 tới 1956.
"Đoạn đời niên thiếu", là cuốn thứ hai, cùng một đề tài, vừa được Hội Nhà Văn xuất bản ở Hà Nội (2023).
Người đọc, dù đã biết, đã đọc những chuyện tàn khốc, man rợ về những cuộc đấu tố, sẽ sững sờ trước những sự kiện, những kỷ niệm sống, vượt xa sức tưởng tượng của những nhà văn giầu tưởng tương nhất.
Hơn cả cái tàn ác, cái làm cho người đọc kinh hoàng là sự hủy hoại tình người, mà Tô Thùy Yên gọi là cái "thương tổn nặng nề cho nhân phẩm".
Gấp sách lại, người đọc tự hỏi : Tại sao con người có thể độc ác, tàn tệ với nhau đền như vậy ? Nhất là đây không phải là nghĩa vụ "uống máu quân thù". Đối tượng không phải là giặc Pháp, cũng chưa có "Mỹ Ngụy".
Đối tượng là những người láng giềng, cha mẹ, anh em, chiến hữu đã cùng nhau vào sinh ra tử, những người cùng đổ máu để xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa, hôm trước là chiến sĩ gương mẫu, hôm sau bị quy là địa chủ bóc lột, vì có vài sào ruộng, một con trâu, một đàn gà. Hay chỉ vì một chút hận thù, ganh ghét cá nhân.
Người đọc, dù đã biết, đã đọc những chuyện tàn khốc, man rợ về những cuộc đấu tố, sẽ sững sờ trước những sự kiện, những kỷ niệm sống, vượt xa sức tưởng tượng của những nhà văn giầu tưởng tương nhất.
39 gia đình tan nát
"Mẹ tôi nói : cha đấy con. Cha con là người vừa bị bịt mắt giải khăn đen kia. Cha giật giải khăn đen ra : Tôi không có tội gì cả. Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm (…). Buổi chiều trước ngày cha bị bắn, mẹ đưa cơm cho cha. Cha ăn cơm xong, người ta trả cái giỏ đựng nồi cơm cho mẹ. Mẹ thấy ở dưới đáy nồi mẩu giấy nhắn của cha : Ai ngờ vô tội mà chết oan. Âu cũng là số kiếp. Gắng mà nuôi con. Sau này Đảng có hỏi thì trình bày tới nơi tới chốn" (Gia đình, tr.171).
Đây không phải là một cuốn sách hư cấu.
Dưới hai cái tựa hiền lành, gần như lạnh lùng, tác giả ghi lại lời kể của các nhân chứng, không một lời bình luận. Những dự kiện trần truồng, không gói ghém, càng khiến cái man rợ man rợ hơn.
Sự thực, cũng chẳng cần bình luận. Sự kiện, tự nó nó nói. Khi cái man rợ lên tới tột độ, lời bình luận trở thành thừa thãi.
Gia đình (274 trang) là chuyện của 19 người, Đoạn đời niên thiếu (250 trang) là chuyện của 20 người, tổng cộng 49 nhân chứng, 39 gia đình tan nát.
Mỗi trang là một thảm kịch.
"Mỗi câu chuyện trong hai cuốn sách có cái tựa mang tên người kể chuyện : Lê Xuân Đài, Đặng Thị Dung, Đặng Văn Chương, v.v.
Đoạn trích trên đầu bài là lời kể của nhân chứng Võ Tá Tạo" (Gia đình, trang 49-53).
Ngoài ông nội, bị treo ngược đầu, sau đó chết vì bệnh, "Bác Võ Tá Cảnh, con trai cả của ông bà, chết trong trại giam. Có người nói bác tự vẫn (…). Anh chết, em phải thế mạng. Cha tôi, Võ Tá Tân, phải đền tội thay Võ Tá Cảnh. Cha về làng để nhận án tử hình thay thế bác Cảnh (…). Trên quả đồi trọc, những bó đuốc giơ lên. "Cho mi nói một lời cuối cùng với bà con nông dân". Cha nói : Con thưa bà con nông dân, con là một thằng phản dân, phản đảng, phản nước, con xin ông bà nông dân tha tội bắn cho con… Ba phát súng. Ở nhà chúng tôi nghe rõ. Cha tôi gục xuống".
Trước khi xử tử, người ta quy tội.
"Có người bị hành hạ vì tội đã học tiếng Pháp, chắc chắn là để làm mật thám cho Tây. Có người bị kết án vì lý do ngớ ngẩn : Thằng Bản (địa chủ bị gọi là thằng, xưng con, bất chấp tuổi tác) chặt cây ngụy trang chỉ điểm cho giặc. Bởi vì có lần bà ta đi ngang ngõ thấy cha tôi bắc thang trèo cây, tỉa bớt cành lá" (Gia đình, tr.27)
Tội trạng như vậy, đủ để bị trói, bị quỳ trên sỏi đá, cho dân làng nhục mạ. "Buổi chiều, tôi gấp một chiếc giẻ may vào phần đầu gối chiếc quần cho cha quỳ đỡ đau buốt. Đứa nào may thêm vải này cho mày ? Dạ thưa, con tự may. Lớp giẻ độn sau chiếc quần bị tháo ra. Đêm đó cha bị quỳ lâu hơn, đá nhọn dồn lên đầu gối sắc hơn hôm qua" (Gia đình, tr.28).
Cái đói, cái dã man hơn cả thú vật giữa người với người, cái nhục mạ, hành hạ thân xác, tinh thần những nạn nhân vô tội, và cái chết bi thảm, rùng rợn, của những người bị đạp ra khỏi xã hội hiện diện trên mỗi trang giấy.
Một xã hội chỉ có nhu cầu ăn cho no, sẵn sàng đạp lên xác người khác để có bát gạo. Trò giải trí duy nhất là đi coi, hay tham dự đấu tố, cái vui duy nhất là nhục mạ, giết người trước đó là anh em, láng giềng hay ruột thịt.
Cái tàn ác man rợ
Con đi bộ đội, một bà mẹ hiến đất, hiến của cho cách mạng :
"Chum, vại, đàn trâu bò mẹ bán hết để mua công trái quốc gia, đóng thuế nông nghiệp (…). Mẹ được tặng bằng "Gia đình vẻ vang". Con nhà người ta bị bắt đi tù, bị mang ra bắn, con mình được bằng khen. Mẹ bảo tôi tìm cho mẹ một cái ống tre khô, cuộn tròn tấm bằng khen, cất vào ống tre, để lên đầu giường. Một đêm, mẹ đang ngủ, dân quân gọi ra hội quán. Hôm sau tôi mang cho mẹ mấy củ khoai, thấy hai chân mẹ bị cùm, mẹ khóc. Hơn tháng sau, dân quân giải mẹ về, gọi tôi ra quỳ cùng với mẹ. Họ ra lệnh gì mẹ tôi cũng dạ" (Đoạn đời niên thiếu, tr.35-36).
"Ngoài sân như hội trường. Tiếng quát tháo, tiếng giành nhau đồ đạc. Cờ quạt dựng lên từ ngõ vào. Mẹ và bà nội bị bắt đi đâu không ai biết (…). Em tôi đói. Tôi cũng đói. Em lả dần và chết bên cạnh tôi. Người đấm đá vào lưng, vào gáy mẹ. Người ta lấy báng súng tọng lên lưng mẹ" (Gia đình, tr.39).
Cái cướp giựt
Đó là một xã hội cướp bóc, từ trên xuống dưới, công khai.
Nhà nước cướp : "Lúa chưa kịp phơi khô. Phải nộp hết. Gọi là thuế nông nghiệp" (Đoạn đời niên thiếu, tr.18). Thuế nông nghiệp, thuế khả năng và hàng chục thứ thuế khác. Nhiều người bị kết án tử hình sau khi đã cống hiến tất cả, nhưng vẫn chưa đủ.
"Cha bị bắt đi quản huấn. Ở nhà, thỉnh thoảng mẹ tôi bị bắt đến nhà một cố nông để khai báo còn cất bao nhiêu vàng bạc, lúa gạo. Còn gì mà khai báo. Vàng bạc đã cúng hiến cho kháng chiến trong "tuần lễ vàng", lúa gạo đã cúng hiến cho chiến dịch ba tháng "góp gạo nuôi quân", mùa lúa cuối cùng đã nộp hết cho thuế nông nghiệp" (Gia đình, tr.55).
Mặc dầu vậy, "mẹ tôi bị trói cổ tay bằng sợi dây xỏ mũi trâu bò, treo lên cành cây bưởi ở mé sân, chân không chạm đất. Đàn con ngồi trước mặt mẹ, chứng kiến mẹ bị treo lơ lửng" (Gia đình, Tr. 56)
Bị nhà nước cướp sách, dân đói, cướp lẫn nhau.
Mang nhau ra sỉ vả, tra tấn, hành hạ hay chém giết chỉ để cướp một cái chiếu sạch, một cái nồi đồng.
"Mẹ dậy nhóm bếp, bẻ nửa nải chuối cho vào niêu luộc. Ánh lửa hất ra đường, cốt cán Hoe Năng đi tuần phát hiện, vào kiểm tra đang nấu gì. Chuối ở đâu ra (…). Tịch thu, của ni không phải của mi. Hoe Vinh bê niêu chuối trên bếp lẫn nửa nải chuối chưa luộc, mang đi" (Đoạn đời niên thiếu, tr.34).
Cái cảnh cướp giựt, từ một miếng cơm, không biết nên cười hay nên khóc :
"Cả nhà ăn bữa cơm đầu tiên. Đang ăn, dân quân đứng ngoài nhìn vào. Mẹ nhanh trí làm đông tác như đang húp cháo. Nghĩ là ăn cháo, dân quân bỏ đi" (Đoạn đời niên thiếu, tr.50)
"Trước khi đi ngủ, tôi xếp mười chiếc nón vào hai cái thúng. Sáng dậy gánh đi chợ hạ. Ra đầu ngõ bị dân quân tịch thu". Đây là âm mưu của địa chủ phân tán tài sản. Từng là chiến sĩ thi đua, được cả trường tôn trọng, nay gặp những chuyện vô lý như thế, tôi uất ức, khó chịu. Nhiều đêm không ngủ được, tôi nghĩ đến chuyện tự tử" (Đoạn đời niên thiếu, tr.70).
Một người cha đi tù, chuyển lời về nhà :
"Các con cứ để cho họ lấy hết. Một cái vung cũng không được giấu. Các con cố giữ lại thứ gì, tội cha to thêm thứ đó. Các con giữ thêm một đồ vật, cha bị kết tù thêm một năm" (Gia đình, tr.34).
Cái đói
Cái đói là một ám ảnh lớn. Trang sách nào cũng có chuyện ăn vỏ khoai, ăn lá cây, dành giựt nhau một nắm cơm, một bát cháo.
"Bán 10 viên (kẹo vừng), lời 4 viên. Các cháu đói quá, ăn vụng mất của o, đang lời thành lỗ. Chị dâu làm bánh tẻ, bánh ít đem ra chợ. Người ta xúm lại bóc bánh ăn rồi đi, không trả tiền…" (Đoạn đời niên thiếu, tr.18).
"Làm việc cả ngày, được nghỉ trưa một tiếng để ăn cháo. Chị nấu ăn hôm đó dùng thùng thuốc trừ sâu đựng cháo. Thùng chưa vệ sinh sạch. Mấy người ăn bị ngộ độc. Họ nghi tôi, con địa chủ, bỏ thuốc độc vào nồi cháo. Không ai ăn cùng mâm, không nói chuyện với tôi" (Đoạn đời niên thiếu, tr.20).
Đôi khi người đọc mỉm cười : "Mẹ bị tố, cả nhà đói, người anh đi bộ đội gởi về tặng em một… trái mìn, để đánh cá. Mìn nổ trên mặt nước, chỉ chết vài con cá mương" (Đoạn đời niên thiếu, tr.36).
Cái sợ
Cai trị bằng cái sợ là một chính sách, một lý thuyết chính trị của Lenin, được Stalin, Mao, Pol Pot và những đệ tử Việt Nam trung thành áp dụng triệt để.
Sợ từ khi còn ngồi ghế nhà trường : "Lúc nào cũng mang nỗi sợ. Sợ mà không biết sợ gì" (Gia đình, tr.42).
"Văn đệ tứ, phải chọn giữa 3 đề, đề 2 : bình luận một câu của Trường Chinh, đề 3 : phương pháp tả người của Nguyễn Du. Cả lớp làm đề 3. Dại chi làm đề kia, viết hớ hênh một câu mất lập trường là nguy" (Đoạn đời niên thiếu, tr.21).
Cái sợ bám vào nạn nhân suốt đời, như một người cao tuổi, trong Gia đình, tới nay vẫn không dám thắc mắc một chuyện gì :
"Quá nửa đêm, dân quân không canh nữa, tôi vẫn sợ. Tôi đã tiểu ra quần. Nỗi khiếp sợ năm mười lăm tuổi. Nay tám mươi hai, tôi vẫn là một ông già sợ hãi. Tôi không dám thắc mắc một chuyện gì. Muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình, cầm bút lên tôi lại run".
Cái chết
Hậu quả của sự tàn bạo là cái chết.
Chết vì bị treo cổ, treo đầu nón chân, bị đánh đập, tra tấn, vì đói, vì tự tử.
"Chị ngồi tựa lưng vào gốc cây dối, dải yếm trễ xuống, thằng con như con nhái bén vẫn đang nhay vú mẹ. Lúc đó chị đã chết rồi mà tôi không biết" (Đoạn đời niên thiếu, tr.41).
"Bà nội chết vì rét hay vì đói. Từ hôm bị trúng viên gạch thằng Kỷ, bà nẳm một chỗ. Ba năm sau bốc mộ bà, thấy hai chiếc xương sườn bị gẫy" (Gia đình).
Huấn luyện viên căm thù
Người ta tự hỏi : tại sao những người nông dân, vốn hiền lành, đã trở thành ác quỷ ?
Con người có thể trở thành thánh, hay thú vật, tùy môi trường sống, tùy giáo dục. Lịch sử đã chứng minh điều đó, với xã hội Đức dưới thời Hitler, Nga dưới Stalin, Tàu dưới Mao, Cao Miên dưới Pol Pot. Việt Nam không phải là một ngoại lệ, nếu điều đó có thể an ủi người Việt.
Tất cả trò đấu tố đều học của Tàu, cố vấn Tàu sang dạy cách xử án, quy định tỷ số địa chủ phải mang ra làm thịt.
Đó là một xã hội xây dựng trên sự căm thù, được dạy dỗ, tập luyện từ nhỏ, từ ghế nhà trường :
"Thầy giáo nói hôm nay nghỉ học để tối đi đấu tố địa chủ… Xen vào những buổi đi học bình thường là những buổi nghỉ học để tối đi dự đấu tố. Học sinh đến trường tập trung. Mỗi em một bó đuốc, vừa đi vừa hô. Tôi cũng hô to không thua gì các bạn" (Đoạn đời niên thiếu, tr.64).
"Tấm biển "Địa chủ" dựng trước sân. Tôi hất đi thì hôm sau thằng bạn học cùng trương đến dựng lên. Trước đây nó cùng đội thiếu niên, tôi liên đội trưởng, nó liên đội phó" (Đoạn đời niên thiếu, tr.49).
Được dạy dỗ như vậy, bọn trẻ thơ ngây trở thành ác quỷ. Có lẽ cái giết sự ngây thơ, trong trắng của tuổi thơ, nó còn ghê rợn hơn cả chuyện giết người.
"Bị đuổi dạy, thầy giáo Banh nấu nước chè xanh đi bán ở các làng khác, khi về đến đầu làng bị nhóm trẻ con xúm vào đập vỡ hết bát, ném xuống sông, thầy ngồi khóc trên cầu" (Đoạn đời niên thiếu, tr.87).
"Ê, con địa chủ, con địa chủ. Mấy đứa lao vào tôi. Bọn con gái không đánh được thì giật tóc gõ, đầu, cấu véo. Tan học là tôi chạy. Cả đám rượt đuổi. Đuổi theo về đến nhà. Đánh chết thằng con địa chủ này" (Gia đình, tr.41).
Nhục mạ
Giết người chưa đủ, đánh tan nát gia đình nạn nhân chưa đủ, chia nhau từng cái chổi cùn chưa đủ, còn phải nhục mạ người sống, người chết.
"Vườn của bác đã là vườn của nộng dân. Không được chôn địa chủ trong vườn nông dân" (Gia đình, tr.23).
Có lẽ cái nhục mạ nạn nhân, cái thú man rợ khi tước đoạt luôn nhân phẩm con người chỉ có dưới chế độ cộng sản, đặc biệt là cộng sản Tàu và đàn em.
Dưới những chế độ độc tài khác, thường thường chỉ có cái ác.
Sửa sai
Năm 1957, Đảng nhận lỗi, sửa sai. Nhưng lỗi là lỗi của những phần tử quá khích. Đảng không thể có lỗi. Tại trường học, những ông hiệu trưởng, giáo viên trước đây được khen ngợi đã thành công trong việc giúp học sinh đấu tố nhau, bị kết tội do địch gài vào để phá hoại.
Nhà nước xin lỗi, thế là xong, yên chuyện, ai về nhà nấy, như không có chuyện gì xẩy ra. Như có người vô tình chạm vào tôi ngoài đường, xin lỗi. Dạ, không có chi.
Dù sao, chuyện Đảng công khai xin lỗi cũng cho phép gia đình nạn nhân được khóc công khai những người đã bỏ mạng. Và cho phép rất nhiều tác phẩm về cải cách ruông đất ra đời mà tác giả không đi tù hay mất mạng.
Mặc dù vậy, cái sợ hình như vẫn đâu đó.
Đại tá nhà văn Phan Kế Toại, đề tựa cho cuốn Gia đình, đề cao việc làm của tác giả, coi trọng việc đi tìm sự thực, không quên thoòng một câu, cho chắc ăn : "Mọi người cần chung tay cố gắng trân trọng sự đổi mới, gìn giữ thành quả dân chủ để đất nước không bao giờ trở lại thời kỳ ấu trĩ như thế nữa".
"Thành quả dân chủ" ! Câu kết luận politically correct không khỏi khiến người đọc mỉm cười, khi nghĩ đến thực trạng Việt Nam ngày nay về nhân quyền, về tự do báo chí, tự do tín ngưỡng…
Trong cùng một bài tựa, ông Toại kể : "Trong gia đình tôi (…), nhiều người đã bị quy địa chủ, phú nông hoặc phản động. Người bị tịch thu tài sản, người tự vẫn, người bị bắt giam, bị cùm chân, người bị xử tử". Dùng chữ "ấu trĩ" cho một xã hội lở lói khủng khiếp như vậy, có lẽ hơi nhẹ.
Bao nhiêu người là nạn nhân của "cách mạng" ?
Theo BBC, nhà nghiên cứu Mông Cổ Balazs Szalontai khai thác các tài liệu Đông Âu và Liên Xô, đưa ra con số 7,7 triệu người dân và hàng trăm ngàn gia đình "buộc phải tham gia và chịu hệ lụy" chỉ trong đợt giảm tô. Trong đợt chính thức Cải cách ruông đất, 4 triệu người "chịu tác động". Tác giả Hoàng Minh Chính đưa ra con số nửa triệu người (5% dân số miền Bắc) bị chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa giết.
Riêng Cải cách ruộng đất, theo Bernard Fall, 50.000 bị xử tử, ít nhất gấp đôi bị tù cải tạo (BBC 3/2/2022) (2).
Le Livre noir du cmmunisme (Sách đen của chủ nghĩa cộng sản) do sử gia Stéphane Courtois chủ biên, cũng đưa ra con số 50.000 người bị xử tử, từ 50.000 tới 100.000 người bị đưa đi tù cải tạo (3).
Le Livre noir là một cuốn sách dày 662 trang, do các sử gia, ký giả, giáo sư Pháp biên soạn, tố cáo những tội ác của cộng sản quốc tế, với 100 triệu nạn nhân đã bỏ mạng để xây dựng "xã hội chủ nghĩa".
Svetlana Alexievich
Đọc Phan Thúy Hà, người ta nghĩ tới nhà văn Nga Svetlana Alexievich.
Nhà văn Nga Svetlana Alexievich
Sinh năm 1948, cha người Belarus, mẹ người Ukraine, Alexievich, trong gần 40 năm, với cây bút và máy ghi âm, đi gặp và ghi lại lời kể, tâm trạng của người Nga sau tại nạn Chernobyl, sau ngày Nga Xô Viết sụp đổ, trong cuộc tham chiến của Nga ở Afghanistan (1).
Trong Les Cercueils de zinc (Những quan tài bằng kẽm, 1990), bà ghi lại tâm trạng của những bà mẹ, bà vợ, có chồng con chết ở Afghanistan, để thỏa mãn tham vọng của các lãnh tụ. Những xác chết từ mặt trận được chở về trong những chiếc quan tài bằng kẽm (zinc).
Bà viết : "Cái can đảm chiến đấu của người cộng sản chỉ là huyền thoại.
Chẳng có anh hùng gì cả, chỉ có những người lính trẻ bị lường gạt, đưa đi làm mồi cho đại bác, bị khủng bố, phải tiếp tục vì sợ".
Ngày tàn của người đỏ
Cuốn sách nổi tiếng nhất của Alexievich, "La Fin de l’homme rouge. Le temps du désenchantement" (Ngày tàn của người đỏ. Thời gian của vỡ mộng), được nhiều nhà phê bình coi là cuốn sách hay nhất, quan trong nhất trong năm (2013), vạch rõ thực chất của người cộng sản (người đỏ), cái ảo tưởng xây dựng xã hội đại đồng, sự thực chỉ là một cuộc lừa gạt đẫm máu để nắm quyền.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ trong 3 ngày, như đã lên nắm chính quyền trong 3 ngày, để viết La fin de l’homme rouge, Svetlana Alexievich, đã đi khắp nước Nga, nghe tâm sự của những người vỡ mộng về ảo tưởng thế giới đại đồng, lạc lõng trong một thế giới mới, xa lạ.
Bà nói : "Có lẽ cái thành công duy nhất của người cộng sản là đã hủy hoại nhân tính, để tạo những người Nga mới, không còn nhân phẩm".
Alexievich nói, trong một cuộc phỏng vấn, dụng ý của bà là qua những nhân chứng thực để tạo những tác phẩm văn chương.
"Mục đích của tôi không phải làm điên đầu người đọc với những chuyện kinh hoàng, mà là rút tỉa ý nghĩa từ những cái kinh hoàng đó. Để giúp con người tiếp tục còn là con người. Làm thay đổi con người, đó có lẽ là cái duy nhất mà họ đã làm được" (ở Liên bang Xô Viết). (Mon objectif n’est pas d’assommer (les lecteurs) par toutes les horreurs que j’écris, mais d’en extraire du sens. Et de permettre à l’humain de rester humain. Transformer l’homme. C’est peut-être la seule chose qui ait marché).
Alexievich đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015 cho toàn bộ tác phẩm của bà.
Phan Thúy Hà không có tham vọng đó.
Bà chỉ ghi lại lời kể chuyện của những nạn nhân còn sống sót.
Tác giả Đoạn đời niên thiếu viết trong lời tựa : "Sáu năm qua, viết sách, tôi được gặp nhiều tuổi quê Nghệ Tĩnh. Các ông bà đều tuổi trên tám mươi, chín mươi. Họ là con của những người yêu nước, tham gia cách mạng, bị Pháp bắt tù đày vào năm 1930-31, lớn lên trong những năm kháng chiến (…). Với những gì họ trải qua, nếu không ghi lại thì tiếc quá".
Gia đình, Đoạn đời niên thiếu là những cuốn sách nên dịch ra ngoại ngữ, để những người ngoại quốc hay thế hệ người Việt trẻ hiểu rõ thực trạng Việt Nam, hơn là những cuốn sách của những người chưa bao giờ đặt chân tới xứ này, hay chưa hề sống trong hỏa ngục.
Cũng như những tác phẩm của Alexievich nên dịch ra tiếng Việt, để thức tỉnh những người, ở thế kỷ 21, vẫn còn là những ông già ngồi đan rổ, mơ nước Nga, như trong thơ Tố Hữu.
Cũng hy vọng sẽ có nhiều cuốn sách tương tự, ghi lại chuyện thực, của những người di cư 1954, những nạn nhân tết Mậu Thân, của boat people, hay những ngày miền Nam, trước và sau 1975.
Chuyện cần làm
Đã có rất nhiều sách báo về những chuyện này, nhưng vẫn chưa đủ. Cần một tài liệu đồ sộ ghi lại các nhân chứng.
Nhà địa chủ, hình ảnh tại triển lãm Cải cách Ruộng đất tháng 9/2014 ở Hà Nội
Tôi nghĩ tới chuyện này, khi viếng thăm, cách đây mấy chục năm, một thư viện ở Do Thái, nơi tập trung hàng trăm ngàn sách, băng nhạc, ghi âm lời kể của những nạn nhân, hay gia đình nạn nhân Shoah còn sống sót. Người Do Thái coi trọng việc ghi lại ký ức cho thế hệ mai sau.
Ngày nay, nhiều người Việt đã thành công ở hải ngoại, dư tài chánh, có dư khả năng làm việc đó, thay vì làm những chuyện tào lao. Thí dụ tài trợ cho những nhóm trẻ đi phỏng vấn, thu thập dữ kiện tại tất cả những nơi người Việt tỵ nạn cư trú.
Đó là chuyện khẩn cấp. Bởi vì nhiều nhân chứng cao niên đang lần lượt ra đi.
Việc làm của Phan Thúy Hà, hay những việc làm tương tự, sẽ là những chất liệu quý cho những người sau này muốn viết văn, viết sử hay nghiên cứu về Việt Nam cận đại.
Nếu không, thế hệ sau này sẽ không biết gì về quá khứ. Nếu muốn tìm hiểu lịch sử đất nước chỉ có sách vở của những người muốn viết lại lịch sử, hay những người ngoại quốc, nói chuyện Việt Nam dưới lăng kính chính trị hay bác học, không có chất liệu sống.
"Không ghi lại thì tiếc quá".
Paris, tháng 9/2023
Từ Thức
(1) Tên người, tên tác phẩm, địa danh ngoại quốc trong bài này viết theo kiểu Pháp (Từ Thức), nhưng Thông Luận đã chuyển sang tiếng Anh để thống nhất với chủ trương của tòa soạn (đại đa số độc giả của Thông Luận sống ngoài khu vực Pháp thoại).
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59896978
(3) Le Livre noir du communisme, Ed Robert Laffont. Paris 1997
Được mô phỏng theo kinh nghiệm của Trung Quốc, cải cách ruộng đất do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện giai đoạn 1953–1956 có lẽ là chính sách đối nội quan trọng nhất của cách mạng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự khan hiếm của các nguồn tài liệu chính, có rất ít thông tin về ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc đối với chính sách này. Khuyến nghị của La Quý Ba về việc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất là một trong số rất ít tài liệu được biết đến do một cố vấn hàng đầu của Trung Quốc soạn thảo cho giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Việc cung cấp tài liệu này giúp bạn đọc có một cái nhìn rõ hơn về quan điểm và sự đánh giá của Trung Quốc về tình hình Việt Nam vào đầu những năm 1950. Nó cũng làm sáng tỏ khía cạnh về vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Trung - Việt vào thập kỷ đó, cũng như đối với những quyết định của Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong chương trình cải cách ruộng đất, vốn đã gây nhiều tranh cãi hơn nửa thế kỷ qua.
Vào ngày 9/10/1952, một tài liệu dài 7 trang, viết bằng tiếng Việt với tựa "Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953" đã được chuyển đến Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trực tiếp và có kế hoạch, bản khuyến nghị đã vạch ra các bước vận động quần chúng. Có thể lập luận bản khuyến nghị này là khuôn mẫu cho cuộc vận động quần chúng và cải cách ruộng đất do Đảng Lao động Việt Nam thực hiện từ năm 1953 đến năm 1956. Cuộc vận động đã thúc đẩy sự ủng hộ của nông dân với chính quyền, điều vô cùng cần thiết cho việc đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 và tạo điều kiện cho Đảng Lao động củng cố quyền lực của mình ở miền Bắc. Cuộc vận động quần chúng cũng là một chiến dịch bạo lực mang lại sự thay đổi "long trời lở đất" mà hầu hết người Việt Nam ở nông thôn miền Bắc đã trải qua trong những năm 1950.
File photo
Bản khuyến nghị gởi đến Hồ Chí Minh tầm đầu tháng 10, được ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952 bởi "Quý" - viết tắt của La Quý Ba, trưởng đoàn Cố vấn Chính trị Trung Quốc tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1951 đến năm 1954, và là đại sứ đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc từ năm 1954 đến năm 1957.
Số lượng nghiên cứu lịch sử về các cuộc chiến ở Việt Nam trong thế kỷ XX rất lớn và đang phát triển, nhưng rất ít bài viết về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946–1954) và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1959–1975). Một số ít nghiên cứu được xuất bản có xu hướng nhấn mạnh mối quan hệ giữa và quá trình ra quyết định, chính sách của các nhà lãnh đạo tầm quốc gia, những chủ đề như tình đồng chí giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh hay ảnh hưởng ngoại giao của Chu Ân Lai đối với việc đàm phán Hiệp định Geneva 1954. Một số tài liệu thảo luận về sự hiện diện của các cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam, và đặc biệt là ảnh hưởng của họ trong trận Điện Biên Phủ và chiến dịch cải cách ruộng đất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này thường chỉ phân nhóm các nhân sự Trung Quốc được cử sang Việt Nam một cách mơ hồ với cụm từ "cố vấn Trung Quốc" nhưng rất ít nỗ lực để giải thích những cố vấn này là ai, họ đóng vai trò cụ thể nào trong việc ảnh hưởng giới lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhấn mạnh bản ý kiến của La Quý Ba gởi cho giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và đặc biệt là Hồ Chí Minh, tôi lập luận về sự cần thiết nên phổ biến và nghiên cứu bản tài liệu lịch sử quan trọng này. Lý do vì nó làm sáng tỏ vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Việt - Trung trong những năm 1950, đặc biệt là về chiến dịch cải cách ruộng đất gây tranh cãi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tài liệu này quan trọng vì một số lý do. Thứ nhất, nó bối cảnh hóa mối quan hệ giữa cộng sản Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đặc biệt khi mối quan hệ đó liên quan đến việc tiếp thu kinh nghiệm và thực hành mô hình của Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các cố vấn Trung Quốc và các khuyến nghị của họ. Thứ hai, nó mô tả vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc trong việc hình thành và thực hiện chính sách cải cách ruộng đất ở Việt Nam từ 1953 đến 1956.
La Quý Ba đã chuẩn bị bản "Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953" vào thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đang cần nhất sự viện trợ của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc dưới hình thức vũ khí, vật chất cũng như những cố vấn chính trị và quân sự. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần củng cố quyền lực và giành được sự ủng hộ của số đông quần chúng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ba năm trước, vào năm 1949, Đảng Lao động dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã sa lầy vào cuộc chiến tranh du kích kéo dài với người Pháp. Liên Xô, ngọn hải đăng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã quan tâm đến Châu Âu hơn là với những diễn biến cách mạng ở Đông Nam Á. Cùng lúc, Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Trung Quốc thì lại bận rộn với cuộc nội chiến dữ dội chống lại chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Mãi đến khi Mao Trạch Đông chiến thắng và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào ngày 1/10/1949, hy vọng cách mạng của Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam mới được hồi sinh. Tháng 12/1949, Hồ Chí Minh cử hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy sang Bắc Kinh để đề nghị Trung Quốc hỗ trợ và công nhận ngoại giao đối với chính phủ của ông.
Khi nhận được yêu cầu của Hồ Chí Minh, quyền chủ tịch của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc vào ngày 24/12 nhằm xem xét tình hình Đông Dương. Bốn ngày sau, Lưu Thiếu Kỳ thay mặt cho Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc gọi điện cho Hồ Chí Minh để nêu rõ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc sẽ đồng ý thành lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và rằng Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc sẽ cử một nhóm đại diện sang Việt Nam nhằm đánh giá các nhu cầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến đầu năm 1950, Trung Quốc đã mở cửa liên lạc với Việt Nam. Lưu Thiếu Kỳ, được sự ủy quyền của Mao Trạch Đông khi ông ấy đang trên đường thăm Moskva, đã chọn La Quý Ba làm lãnh đạo đại diện liên lạc của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. La Quý Ba được chọn bởi kinh nghiệm cách mạng và lãnh đạo du kích của mình. Ngày 16/1/1950, La Quý Ba chính thức lên đường sang Việt Nam.
Văn bản ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của chuyên gia Trung Quốc La Quý Ba. Hình tư liệu do tác giả cung cấp
Sinh ngày 14/7/1908 tại huyện Nam Khang - tỉnh Giang Tây, La Quý Ba trở thành đảng viên của Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 1/1927. Từ năm 1927 đến năm 1934, ông là một chỉ huy quân sự và là một trong những thành viên sáng lập của Căn cứ Cách mạng Xô viết Nam Giang Tây. Từ tháng 11/1930 đến tháng 5/1931, ông tham gia vào cuộc phản công của Hồng quân Công nhân và Nông dân Trung Quốc chống lại chiến dịch bao vây lần thứ nhất và thứ hai của chính phủ Quốc dân đảng ở Giang Tây. Sau sự sụp đổ của căn cứ Nam Giang Tây, La Quý Ba tham gia cuộc vạn lý trường chinh dài một năm đến Diên An từ tháng 10/1934 đến tháng 10/1935, và ông nằm trong số tám nghìn người ước tính còn sống sót sau cuộc rút lui lịch sử này. Trong chiến dịch quân sự ngày 20/8 đến ngày 5/12/1940 chống lại lực lượng Nhật Bản ở miền Trung Trung Quốc, được gọi là "Đại chiến Bách Đoàn," La Quý Ba giữ chức Tư lệnh Mặt trận quân Nam của Khu vực biên giới Sơn Tây – Tuy Viễn. Trước khi được bổ nhiệm làm đại diện liên lạc của Trung Quốc tại Việt Nam, La Quý Ba từng là tổng đốc của Tổng văn phòng Ủy ban Quân sự Trung ương của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.
Với tư cách là đại diện liên lạc của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiệm vụ của La Quý Ba bao gồm thiết lập liên lạc với lãnh đạo cộng sản Việt Nam, điều tra tình hình chung ở Việt Nam và báo cáo những phát hiện của ông cho Bắc Kinh để các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra quyết định hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước chuyến đi, La Quý Ba đã gặp gỡ các đại biểu Việt Nam tại Bắc Kinh để làm quen với các phong tục và tập quán Việt Nam. Tháp tùng La Quý Ba trong chuyến đi Việt Nam có 8 nhân viên, bao gồm nhân viên điện báo, thư ký và bảo vệ. La Quý Ba cùng cộng sự đến Việt Nam vào ngày 26/2/1950. Đến nơi, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh đón tiếp. Chuyến đi tưởng chỉ chừng ba tháng của La Quý Ba đã kéo dài thành bảy năm.
Trong những năm đầu ở Việt Nam, La Quý Ba đã giúp thành lập Nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc và Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc. Với tư cách là người đứng đầu Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc, La Quý Ba lãnh đạo hơn một trăm cố vấn có chuyên môn về tài chính, ngân hàng và cung cấp ngũ cốc để tư vấn cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về các vấn đề quân sự, tài chính và kinh tế, an ninh công cộng, văn hóa và giáo dục, và các vấn đề như hoạt động của mặt trận thống nhất, hợp nhất đảng và pháp luật cải cách. Công việc của họ bao gồm giới thiệu kinh nghiệm của Trung Quốc cho Việt Nam ; phát triển các chiến lược cấp vĩ mô và các thủ tục hoạch định chính sách ; đưa ra khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến các quy tắc, quy định và chỉ thị ; và giúp giới lãnh đạo Việt Nam thực hiện các chương trình. Đến năm 1952, những cố vấn này đã trở thành công cụ giúp Hồ Chí Minh và chính phủ của ông thành lập các bộ máy pháp lý và các chính sách để củng cố quyền lực quân sự và chính trị xã hội.
Một trang trong ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của chuyên gia Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp
Xem kế hoạch của La Quý Ba về huy động quần chúng và thực hiện giai đoạn thử nghiệm của cải cách ruộng đất năm 1953 sẽ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại thời điểm này. Sau khi ký bản ý kiến sơ bộ của mình vào ngày 3/9/1952, La Quý Ba đã gởi cho "Thận" – tức Lê Văn Thận, một tên khác của Trường Chinh, người sau này làm trưởng ban chỉ đạo Ủy ban chỉ đạo Cải cách ruộng đất. Không rõ bản ký kiến này được chuyển cho Trường Chinh trong hoàn cảnh nào, nhưng rất có thể nó đã được chuyển đến tay tổng bí thư Đảng Lao động trước hoặc trong dịp La Quý Ba được mời tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động vào đầu-giữa tháng 9/1952. Ngày 9/10/1952, Trường Chinh ra lệnh cho nhân viên văn phòng của mình chuyển bản ý kiến của La Quý Ba cho Hồ Chí Minh, ngay lúc ông Hồ đang trên một chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh và Moskva. Hồ Chí Minh đã rời Việt Nam vào giữa tháng 9 và đến Bắc Kinh vào ngày 29/9. Thời gian ở lại Bắc Kinh của ông chủ yếu là để thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về Chiến dịch Tây-Bắc và các kế hoạch chiến lược khác, bao gồm cả cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam có thể đã sắp xếp chuyến đi để kịp thời cho ông tham gia đi cùng trong phái đoàn của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc sang tham dự Đại hội lần thứ 19 của Đảng cộng sản Liên Xô.
Do đó, bản ý kiến của La Quý Ba có thể đã đến tay Hồ Chí Minh khi ông đang ở Moskva tham dự đại hội (từ ngày 5 đến ngày 14/10/1952) và gặp trực tiếp Joseph Stalin - lãnh tụ tối cao của Liên bang Xô Viết, để thông báo cho ông ấy về tình hình Việt Nam, bao gồm mục tiêu cách mạng ở Việt Nam và vấn đề cải cách ruộng đất. Sau cuộc gặp với Stalin vào ngày 28/10, Hồ Chí Minh đã gửi hai bức thư cho Stalin vào ngày 30 và 31/10, để thông báo về tiến độ của chương trình cải cách ruộng đất của Việt Nam và kêu gọi sự trợ giúp của ông ta. Trong bức thư đầu tiên, Hồ Chí Minh nói rằng ông đã bắt đầu phát triển chương trình cải cách ruộng đất ở Việt Nam và ông sẽ trình bày nó với Stalin. Trong bức thư thứ hai, Hồ Chí Minh vạch ra chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam và yêu cầu Stalin xem xét và cho chỉ thị. Hồ Chí Minh cho biết ông đã lên kế hoạch cho chương trình với sự giúp đỡ của Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường, đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc tại Liên Xô từ năm 1949 đến 1951. Trong các cuộc trao đổi này, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Stalin cử các quan chức Liên Xô sang Việt Nam để khảo sát điều kiện và yêu cầu bổ sung 10 tấn thuốc trị sốt rét, vũ khí và cho phép Việt Nam gửi từ 50 đến một trăm sinh viên Việt Nam sang Liên Xô để huấn luyện quân sự và tư tưởng. Ngày 29/11, trong thư từ biệt Stalin, Hồ Chí Minh viết rằng ông sẽ làm việc siêng năng để thực hiện cải cách ruộng đất và tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp. Ông bày tỏ hy vọng sẽ trở lại Moskva sau hai hoặc ba năm để báo cáo về kết quả của những nỗ lực đó.
File photo
La Quý Ba trình bày đề xuất của mình vào thời điểm Đảng Lao Động Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ của cả Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, những quốc gia cộng sản hùng mạnh nhất thế giới. Sự hỗ trợ này làm giảm bớt nhu cầu của Đảng Lao động Việt Nam phải dựa vào giới địa chủ và nông dân khá giả để có nguồn lực chống lại Pháp. Nó đã tạo cho Đảng Lao động Việt Nam sự ủng hộ để thực hiện cải cách ruộng đất như một chiến lược xã hội, kinh tế và chính trị hầu củng cố quyền lực địa lý và chính trị ở nông thôn. Đề xuất này cũng được đưa ra hai năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của riêng họ vào mùa hè năm 1950. Do đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc và các cố vấn được cử sang Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm liên quan. Chưa kể trước đấy, La Quý Ba cũng đã có được kinh nghiệm của riêng mình khi thực hiện cải cách ruộng đất ở Giang Tây và Diên An trong những năm 1930. Kinh nghiệm này cho La Quý Ba đủ điều kiện để đề xuất với giới lãnh đạo Việt Nam đường lối vận động quần chúng và tiến hành cải cách ruộng đất.
Được chia thành sáu phần, bản khuyến nghị của La Quý Ba nêu ra mục đích, yêu cầu và các bước cần thiết để lãnh đạo phong trào vận động quần chúng, tổ chức lại hệ thống làng-xã và giành ưu thế chính trị ở nông thôn. Mục tiêu cơ bản được đề ra là kích động quần chúng tấn công lật đổ tầng lớp địa chủ, giành quyền kiểm soát chính trị ở nông thôn, xoa dịu nông dân, tăng gia sản xuất nông nghiệp và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu rộng hơn của đề xuất này là phác thảo các bước cần thiết nhằm tích lũy tài nguyên và sự ủng hộ của số đông để Đảng Lao động Việt Nam củng cố vị trí của mình. Nó được viết ra (đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong phân đoạn thứ tư) dựa trên quan điểm của cố vấn Trung Quốc nhằm thúc giục lãnh đạo Việt Nam áp dụng "lập trường vững" và "thái độ rõ rệt" để vượt qua nỗi sợ hãi rằng việc huy động quần chúng sẽ làm cho mặt trận thống nhất bị hoang mang và chia rẽ, dẫn đến những phản ứng không lành từ giai cấp địa chủ.
Sự khuyến khích này từ La Quý Ba dường như đã đóng một vai trò trong việc khởi xướng động thái của Đảng Lao động Việt Nam từ mục tiêu "kéo địa chủ về phe kháng chiến" sang nhấn mạnh vào việc "trung lập một số địa chủ, đánh đuổi đế quốc và đại địa chủ phong kiến phản động". Nó cũng thể hiện sự trấn an của cố vấn Trung Quốc đối với ban lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam rằng việc đổi mặt đối các tầng lớp giàu có và đặc quyền đã từng ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cuộc kháng chiến trước đây sẽ không gây ra rủi ro quá đáng, vì Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (cũng như Liên Xô) sẽ thay thế các nhóm này làm hậu thuẫn về mặt quân sự và tài chính chính cho cuộc cách mạng của Đảng Lao động Việt Nam.
So sánh nội dung đề xuất của La Quý Ba với các chính sách vận động quần chúng ở nông thôn của Đảng Lao động Việt Nam trước và sau đó cho thấy rõ ảnh hưởng đáng kể của cố vấn Trung Quốc đối với việc phát triển cấu trúc phương pháp luận cho chiến dịch vận động quần chúng của Đảng Lao động Việt Nam - từ ý tưởng đến thực hành. Nội dung và ngôn ngữ của năm phần đầu tiên trong bản đề xuất của La Quý Ba đã trở thành khuôn mẫu để lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam phát huy rõ định hướng chính sách cũng như lý luận của mình, chủ yếu trong các chỉ thị, nghị định, thông tư, báo cáo, thông báo, cũng như những tập huấn luyện được lưu hành nội bộ. Ảnh hưởng này được thể hiện rõ nhất trong Chỉ thị 37/CT/TW do Tổng bí thư Trường Chinh ban hành ngày 24/4/1953, đêm trước đợt thi hành chiến dịch thí nghiệm phát động quần chúng, vì nó đã dùng giọng điệu và nội dung của La Quý Ba để xây dựng khuôn mẫu phát động quần chúng.
Hơn nữa, phần thứ sáu của đề xuất cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của La Quý Ba đối với sự chuẩn bị của Đảng Lao động Việt Nam cho việc bắt đầu chiến dịch cải cách ruộng đất. Để chuẩn bị cho một chiến dịch thử nghiệm mà các chiến dịch trong tương lai có thể sử dụng làm hình mẫu, La Quý Ba khuyến nghị nên cẩn thận đặt nền tảng cho việc huy động quần chúng để "thu được kết quả mong muốn, không xảy ra hoặc ít xảy ra lệch lạc". Công việc này bao gồm khảo sát vùng nông thôn, tuyên truyền các chính sách của Đảng Lao động Việt Nam, đào tạo cán bộ và lựa chọn các khu vực để thực hiện cải cách ruộng đất. Cụ thể hơn, ông ta đã khuyên Đảng Lao động Việt Nam phân công và đào tạo hai trăm cán bộ để thực hiện chiến dịch này tại hai mươi xã trong Liên khu I - hay Việt Bắc - và Liên khu IV, hai khu vực này từ lâu đã là thành trì của Đảng Lao động Việt Nam.
Văn bản Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp
Đã xin được sự chấp thuận và hậu thuẫn của Stalin và Mao, sau khi trở về từ Bắc Kinh và Moskva, Hồ Chí Minh đã làm việc cùng với các thành viên còn lại của ban lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam để bắt đầu thực hiện đề xuất của La Quý Ba về vận động quần chúng. Họ đã thực hiện các bước để thay đổi lập trường trước đây của họ về cải cách ruộng đất. Họ bắt đầu bằng cách yêu cầu một cuộc điều tra sâu hơn về các điều kiện ở nông thôn. Từ ngày 25 đến ngày 30/1/1953, họ đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tư của đảng để bắt đầu đưa ra các mục tiêu và đặt nền móng cho một chiến dịch cải cách ruộng đất rộng lớn. Nền tảng này bao gồm việc xây dựng nhiều khía cạnh trong đề xuất của La Quý Ba và đưa chúng vào chính sách của họ. Tại Hội nghị Trung ương, Hồ Chí Minh đọc báo cáo nêu rõ hai nhiệm vụ chính cần chú trọng trong năm 1953 để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những nhiệm vụ này bao gồm : lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và đưa ra các chính sách quân sự liên quan, vận động quần chúng giảm địa tô hơn nữa và thực hiện cải cách ruộng đất. Về chính sách ruộng đất, Hồ Chí Minh cho rằng, vì "hoàn cảnh đặc biệt," chỉ thực hiện giảm địa tô và giảm lãi suất trong những năm trước năm 1953. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đã thay đổi nên hiện nay cần thiết cho cuộc cách mạng mở rộng chính sách ruộng đất và "nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân" bằng cách thực thi cải cách ruộng đất một cách triệt để hơn. Những cải cách này sẽ bao gồm việc phân phối lại ruộng đất cho nông dân. Khi mục đích này thành công, Đảng Lao động Việt Nam sẽ có thể huy động đầy đủ nhân lực cần thiết từ giai cấp nông dân để tiến hành cuộc chiến kéo dài và giành thắng lợi tuyệt đối.
Để hiểu rõ quyết định đẩy mạnh cải cách ruộng đất triệt để hơn vào thời điểm này, cần phải chấp nhận một thực tế rằng cải cách ruộng đất đã là một mục tiêu cách mạng hàng đầu của Đảng cộng sản kể từ khi thành lập năm 1930. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên của cuộc chiến Đông Dương với Pháp, các chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với lĩnh vực nông nghiệp chỉ giới hạn trong việc giảm tô và thuế. Lý do vì giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam sợ rằng cải cách nông nghiệp triệt để hơn sẽ làm suy yếu sự thống nhất của mặt trận thống nhất chống Pháp bằng cách tạo sự chia rẽ với giai cấp địa chủ cũng như phú nông. Trong bối cảnh này, điều quan trọng cần lưu ý là các chủ đất và những người có tài sản là những người ủng hộ kinh tế chính cho nỗ lực chiến tranh, vì cho đến năm 1950 Đảng Lao động Việt Nam vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh cộng sản. Do đó, đảng chỉ có thể giới hạn việc thúc đẩy các chính sách cấp tiến hơn ở các khu vực do quân đội trực tiếp kiểm soát, chẳng hạn như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi Đảng cộng sản Trung Quốc đã thành công trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Quốc dân đảng, bắt đầu cử cố vấn sang Việt Nam, trực tiếp hỗ trợ quân sự và tài chính qua biên giới phía Nam của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam tin rằng đã đến thời điểm thích hợp để thực hiện toàn bộ cuộc vận động nông dân xóa bỏ "giai cấp thống trị" ở nông thôn miền Bắc và tập hợp nhân lực cần thiết để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong một báo cáo dài sau bài phát biểu của Hồ Chí Minh, Trường Chinh cho rằng cần tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc để lật đổ đế quốc Pháp và phong kiến. Theo sát các khuyến nghị của La Quý Ba, Trường Chinh xác định mục đích, ý nghĩa, phương châm và phương pháp cụ thể của các chính sách cải cách ruộng đất và đề ra kế hoạch thực hiện chúng. Báo cáo của Trường Chinh phản ánh sự thay đổi lập trường của đảng đối với tầng lớp địa chủ khi cho rằng lý do mà các chính sách cấp tiến về đất đai không được thực hiện trong những năm trước năm 1953 là do đảng này đã đánh giá quá cao mức độ hợp tác của giai cấp địa chủ. Trường Chinh tiếp tục cáo buộc các thành viên của tầng lớp này là những kẻ phản động phong kiến bất hợp tác, những người đã làm việc chống lại các chính sách của đảng và các nỗ lực chiến tranh. Do đó, ông đã mạnh mẽ kêu gọi "phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức ; chuẩn bị tiến tới cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng ở vùng tự do". Chỉ khi các chính sách này được thực thi đầy đủ thì Đảng Lao động Việt Nam mới "động viên nông dân hăng hái hy sinh cho kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, củng cố được chính quyền nông thôn".
Trên cơ sở các mục tiêu mà Hồ Chí Minh và Trường Chính đã vạch ra, Hội nghị Trung ương lần thư tư đã đề ra nghị quyết kêu gọi phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất ở những vùng do đảng trực tiếp kiểm soát. Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam bắt đầu ban hành một loạt đạo luật và quy định để mở đường cho việc thực hiện đề xuất của La Quý Ba. Để hỗ trợ cho giai đoạn quan trọng này của chiến dịch, vào mùa xuân năm 1953, Đảng cộng sản Trung Quốc đã bổ nhiệm Kiều Hiểu Quang sang Việt Nam để đứng đầu Ban Cải cách ruộng đất và Hợp nhất Đảng thuộc Nhóm cố vấn chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam. Bắc Kinh đã cử thêm 42 chuyên gia cải cách ruộng đất trong cùng năm đó để củng cố đội ngũ của Kiều Hiểu Quang. Theo đề xuất của La Quý Ba, các cố vấn này đã dạy các cán bộ Việt Nam, vốn đã được giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam chọn, cách khảo sát, phân tích và phân loại các điều kiện kinh tế xã hội và giai cấp của các làng xã. Sau khi các cán bộ cải cách ruộng đất được đào tạo, Đảng Lao động Việt Nam phát động đợt thí nghiệm phát động quần chúng vào ngày 15/4/1953. Chiến dịch kéo dài đến tháng 8/1953, được thực hiện ở 23 xã - nhiều hơn ba xã so với bản khuyến nghị của La Quý Ba - ở Việt Bắc và Liên Khu IV.
Chiến dịch vận động quần chúng thực nghiệm được thực hiện theo một quy trình phức tạp bao gồm nhiều bước để kích động đấu tranh giai cấp. Nó bắt đầu bằng việc cử một đoàn cán bộ phát động quần chúng được đào tạo đặc biệt đến một địa điểm được chọn, thường là một xã, để khảo sát các mối quan hệ giữa các tầng lớp của người dân trong xã và phân loại họ thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Cải trang thành nông dân, những cán bộ này thâm nhập vào xã bằng cách tiếp xúc với những nông dân và bần cố nông nghèo nhất. Họ làm quen với điều kiện của nông dân bằng cách áp dụng chiến lược "ba cùng" : cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thông qua quá trình "thăm nghèo hỏi khổ," các cán bộ gieo vào lòng nông dân sự căm thù đối với tầng lớp địa chủ (và sau này là phú nông và trung nông) bằng cách so sánh sự nghèo khổ của họ với sự sung túc của địa chủ. Các cán bộ phát động xúi giục giới nông dân phát động, nổi dậy chống lại địa chủ. Khi lòng căm thù đã dấy lên và điều kiện đấu tranh giai cấp đã chín muồi, cán bộ vận động tập hợp các địa chủ trong xã và đưa họ ra xét xử trước một "Tòa án Nhân dân đặc biệt," trong đó họ khích những người từ giới nông dân và bần cố nông tố cáo những "tội ác" và sự lộng hành của địa chủ. Sau phiên đấu tố, các tòa án đưa ra quyết định về số phận của các địa chủ, gia đình và tài sản của họ. Quá trình phát động này đã trở thành khuôn mẫu cho phần còn lại của chiến dịch cải cách ruộng đất từ tháng 4/1953 đến tháng 7/1956. Trớ trêu thay, một trong những người đầu tiên bị đưa ra xét xử và hành quyết là Nguyễn Thị Năm, một địa chủ yêu nước được mệnh danh là "mẹ kháng chiến," người đã ủng hộ cuộc chiến chống thực dân và nhiều lãnh đạo của Việt Minh, bao gồm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng.
La Quý Ba - Nguyễn : Tân Hoa Xã
Bản ý kiến sơ bộ của La Quý Ba có thể không phải là bản khuyến nghị duy nhất hoặc cuối cùng đã dẫn Đảng Lao động Việt Nam đến việc thi hành chương trình cải cách ruộng đất. Nhưng bối cảnh lịch sử La Quý Ba đưa ra những khuyến nghị đó và mức độ giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam tuân theo lời khuyên của người đại diện Đảng cộng sản Trung Quốc cho thấy cố vấn Trung Quốc và những góp ý của họ đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể nói là khung sườn cho chiến dịch vận động quần chúng và cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam từ tháng 4/1953 đến tháng 7/1956. Nó không phải là một bản thiết kế từng bước cho nỗ lực cải cách ruộng đất lâu dài, phức tạp và nhiều bạo lực, nhưng nó vừa là khuôn khổ để Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam xây dựng và phát triển, vừa là phương tiện để các cố vấn Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng đến nỗ lực đó. Quan trọng hơn, đề xuất này cho thấy chính xác những gì các cố vấn Trung Quốc đã thực sự trao đổi với các lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, điều chưa nghiên cứu nào về cải cách ruộng đất đề cập trước đây. Tài liệu có thể giúp chúng ta hiểu cách các cố vấn đó đã định khung các khuyến nghị của họ và mức độ mà phía Việt Nam chấp nhận chúng. Nó cho phép chúng ta hiểu cách lãnh đạo Việt Nam vàT rung Quốc quan hệ với nhau như thế nào khi họ xử lý tình hình xã hội, kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Đó là bản khuyến nghị cho thấy niềm tin của giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc rằng một chương trình cải cách ruộng đất nghiêm ngặt, thậm chí đầy bạo lực là cần thiết nếu Đảng Lao động Việt Nam muốn giành được không gian địa chính trị, nhân lực và tài lực cần thiết để tiến hành cuộc chiến toàn diện đối với Pháp.
Alex-Thái Đình Võ
Nguồn : RFA, 08/10/2022
___________________
Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học SOJOURN vào năm 2016, nay nhân dịp 70 năm việc khởi xướng chiến dịch cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xin dịch sang tiếng Việt và đăng lại cùng với bản photo của bản tài liệu gốc để độc giả rộng đường tham khảo.
Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Viện Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Cornell, và chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á.
Dân oan là danh từ quá quen thuộc đối với người Việt trong thế kỷ 21 này. Nó dùng để chỉ những nạn nhân của sự cướp đất từ phía nhà cầm quyền, như dân oan Dương Nội, dân oan Cồn Dầu, dân oan Tiền Giang, dân oan Văn Giang.v.v.
Từ "dân oan" không phải là từ mới, nhưng khi áp dụng cho những trường hợp trên thì nó sai căn bản.
Dân Cồn Dầu không phải là dân oan, họ là nạn nhân của sự cướp đất, bạo quyền thành phố Đà Nẵng chính là quân ăn cướp !
Không có sự oan ức hay nhầm lẫn gì trong những trường hợp trên. Nguyễn Bá Thanh đã bất chấp nhân tâm, bất chấp sinh mạng con người để lấy bằng được Cồn Dầu. Tay chân của Nguyễn Bá Thanh đã đánh đập tra tấn dã man nhiều người và khiến một người chết, đẩy hàng chục người từ trẻ thơ 3 tuổi đến ông già 80 phải tha hương tới Thái Lan và còn tiếp tục săn đuổi họ. Không phải ông Thanh và nhà cầm quyền Đà Nẵng có ý định lấy Cồn Cỏ hay Cồn Hến, rồi bị thằng đánh máy đánh nhầm thành Cồn Dầu ! Họ quyết lấy đích danh Cồn Dầu. Đó là hành vi ăn cướp có vũ trang, giết người. Dân Cồn Dầu không phải là dân oan, họ là nạn nhân của sự cướp đất, bạo quyền thành phố Đà Nẵng chính là quân ăn cướp !
Tôi không biết ai đã sáng tác ra cụm từ này dành cho những người bị cướp đất. Chỉ có thể giả định người đó muốn đưa sự việc ra công luận nên đã uốn éo chữ nghĩa để làm giảm tính nghiêm trọng sự việc. Điều đáng tiếc là chúng ta mặc nhiên sử dụng thiếu suy nghĩ mà tiếp tay cho sự trí trá. Khi viết những dòng này, tôi khá buồn khi một bài hát ở hải ngoại liên tục nhắc đến từ "dân oan" trong buổi họp báo của Mục sư Nguyễn Công Chính : "Từ miền Tây đoàn dân oan tiến về Sài Gòn, từ miền Nam đoàn dân oan tiến về Hà Nội" v.v. Mong rằng những người làm việc với con chữ, đặc biệt trong văn hóa văn nghệ hãy khắt khe hơn, tránh vô tình tiếp tay cho nhà cầm quyền.
Đã đến lúc chúng ta cần đoạn tuyệt với những cái tên "dân oan Tiền Giang, dân oan Văn Giang, dân oan Dương Nội" mà phải gọi là : nạn nhân bị cướp đất ở Dương Nội, nạn nhân bị cướp đất ở Tiền Giang, nạn nhân bị cướp đất ở Văn Giang.
Người dân Dương Nội phản đối chính quyền địa phương cướp đất và ruộng vườn
Vậy kẻ cướp là những ai ? Những người dân phòng với dùi cui rệu rã kẻ đứng người ngồi, những cảnh sát cơ động được trang bị từ chân tới đầu ? những người chỉ huy ? Không ! Không phải là họ, họ cũng là nạn nhân theo một cách khác của bạo quyền cộng sản. Sự đói rách bần cùng khiến cho một vài triệu đồng cũng đủ để nhân cách bị lu mờ. Kẻ cướp không xuất hiện trong các vụ cướp. Chúng dùng nạn nhân đi cướp từ những nạn nhân khác cho chúng.
Sự việc đã lặp đi lặp lại hàng chục năm, đẩy hàng trăm ngàn người ra khỏi mảnh đất mà họ đã gắn bó. Kẻ cướp trực tiếp trong từng trường hợp là nhà cầm quyền xã, huyện, tỉnh và cả trung ương. Đứng sau đám cướp luôn là đám tài phiệt với lòng tham vô đáy. Trong tất cả mọi trường hợp, việc cướp bóc giết người không thể thiếu được sự đồng lõa hay làm ngơ của nhà cầm quyền cộng sản. Kẻ cướp chính là bạo quyền cộng sản các cấp. Vì vậy mọi sự kêu cứu : "Quốc hội ơi cứu dân", "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ơi cứu dân", "Đảng ơi cứu dân"… đều là kêu nhầm địa chỉ.
Tôi hoàn toàn cảm thông hoàn cảnh của những người khiếu kiện màn trời chiếu đất không biết bấu víu vào đâu nên đành ôm hình Hồ Chí Minh, ôm cờ, cầu cứu các chóp bu cộng sản, nhưng họ cũng nên hiểu rằng cách đó hoàn toàn vô vọng. Thực tế vụ Đoàn Văn Vươn là bài học, Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng, cá tôm vẫn bị cướp trắng trợn, anh em nhà Vươn vẫn đi tù. Tôi tin rằng mỗi người dân khiếu kiện nhiều năm đều có những kinh nghiệm thực tế rõ hơn tôi. Hãy đoạn tuyệt với hy vọng mơ hồ đảng hay Nguyễn Phú Trọng sẽ ra tay cứu xét. Phải nhìn nhận họ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đầu não của kẻ cướp chính là đảng cộng sản Việt Nam. Việc cầu cứu họ không làm thay đổi, mà lại còn đem cho Đảng một chút chính danh nào đó.
Cải cách ruộng đất là một sự cướp bóc và giết người tàn bạo.
Phải nhìn nhận cướp bóc, bạo lực, khủng bố là một hằng số xuyên suốt từ tháng 8 năm 1945 đến nay. Cải cách ruộng đất là một sự cướp bóc và giết người tàn bạo. Tước đoạt quyền sở hữu đất của toàn dân bằng chính sách hợp tác xã. Thanh trừng các đồng chí, bịt miệng giới văn nghệ sỹ qua vụ án Xét Lại Chống Đảng và Nhân Văn Giai Phẩm. Kể sao cho hết những hành động dã man của nhà cầm quyền cộng sản, họ gieo rắc sự sợ hãi lên toàn bộ trí thức. Một mặt họ bưng bít thông tin, mặt khác khoác lên trên tội ác của mình một tấm áo mỹ miều vì sự nghiệp cách mạng, vì nhân dân. Cả một guồng máy tuyên truyền khổng lồ, ngày đêm đầu độc từ khi sinh ra, khiến cả dân tộc hoang mang, bị cướp mà vẫn không nhận diện ra kẻ cướp là ai. Vẫn mơ màng Hồ Chí Minh vĩ đại, vẫn đảng anh minh !
4444444444444
Nhưng dù hiền lành đến mấy, chúng ta cũng không thể gọi kẻ cướp là ân nhân và kêu gọi lòng từ bi của kẻ cướp.
Đã đến lúc chúng ta rũ bỏ ảo giác để nhận diện đúng bản chất, thực trạng nghèo đói đau khổ, đạo đức băng hoại, kẻ có quyền, có tiền mặc sức cướp bóc, môi trường bị hủy hoại… chính là do Đảng cộng sản Việt Nam. Cần có sự minh định thẳng thắn giữa kẻ cướp và nạn nhân, đồng lòng xóa đi sự mơ hồ, chỉ đích danh kẻ cướp, như thế sẽ đặt nhà cầm quyền cộng sản trong mối tương quan mới.
Nói lên tất cả những điều này không phải để khơi dậy niềm uất hận nuôi dưỡng lòng căm thù. Chúng ta không thay đổi được quá khứ đau thương, nhưng có thể thay đổi được tương lai. Không vì bất cứ lý do gì để chúng ta tự cho mình quyền tiêu diệt ai và làm tổn thương dân tộc đã quá đau khổ này. Nhưng dù hiền lành đến mấy, chúng ta cũng không thể gọi kẻ cướp là ân nhân và kêu gọi lòng từ bi của kẻ cướp.
Cần minh định rõ rằng chúng ta đều là nạn nhân, chúng ta bị cướp từ đất đai đến quyền làm người. Thậm chí việc lên tiếng về những nỗi thống khổ của mình cũng không được phép. Kẻ gây ra những oan trái ngút ngàn đó, kẻ cướp đi của chúng ta tất cả…chính là đảng cộng sản Việt Nam.
Đỗ Xuân Cang
(22/08/2018)
Với sự chỉ đạo của Trung Quốc, năm 1953 Việt Nam tiến hành cải cách ruộng đất. Chiến dịch này có cố vấn Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam tư vấn chỉ đạo làm theo mô hình "thổ địa cải cách" mà Trung Quốc đã làm.
Tỷ lệ được đặt ra trong dân chúng phải có 5% là diện địa chủ, cường hào, bóc lột nhân dân.
Di ảnh bà Nguyễn Thị Năm
Địa chủ Nguyễn Thị Năm là người đầu tiên bị xét xử tử hình, một bài báo của tác giả cộng sản với tiêu đề Địa Chủ Ác Ghê nội dung lên án bà Cát Hanh Long Nguyễn Thi Năm bằng những con số tội ác như làm chết 32 gia đình gồm 200 người vì đưa họ đi khai phá đồn điền, bệnh tật, ốm đói. Đồng thời trực tiếp giết chết 14 nông dân, 15 trẻ con... tổng cộng gia đình địa chủ Nguyễn Thị Năm đã giết 240 người dân.
Một bài báo với tiêu đề Địa Chủ Ác Ghê nội dung lên án bà Cát Hanh Long Nguyễn Thi Năm
Kể lại về vụ xử địa chủ Nguyễn Thị Năm, ông Trần Đĩnh viết trong hồi ký của mình như sau :
Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long. Tôi nhận nhiệm vụ. Trường Chinh nói phân công tôi vì cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội.
Lời kể trên của Trần Đĩnh khái quát được thủ đoạn sử dụng truyền thông, gây sự căm phẫn của đám đông vốn mù thông tin trong cải cách ruộng đất của chế độ cộng sản Việt Nam hồi đó.
Hơn nửa thế kỷ sau, Trung Quốc lại đẻ ra mô hình Đả Hổ Diệt Ruồi, đối tượng của chiến dịch lần này ngược lại với Thổ Địa Cải Cách là nằm trong đám quan chức của đảng cộng sản. Mục tiêu của nó phải có ủy viên bộ chính trị đảng CS là đối tượng bị xử lý. Sau một thời gian triển khai ở Trung Quốc , mô hình này được áp dụng tại Việt Nam. Những cố vấn Trung Quốc chỉ đạo Việt Nam thực hiện chương trình này qua họp hành, hợp tác của ủy ban kiểm tra trung đảng hai bên.
Cũng như hồi cải cách ruộng đất, cuộc chiến đả hổ diệt ruồi được áp dụng vào Việt Nam cũng có những thủ đoạn truyền thông như Trần Đĩnh đã từng kể. Nếu trong cải cách ruộng đất một số văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn góp miệng ca ngợi chiến dịch này và lên án địa chủ cường hào, thì ngày nay chả có gì thay đổi, cũng một đống nhà báo, nghệ sĩ, văn sĩ hùa theo ca lên án những đối tượng mà đảng cộng sản Việt Nam chọn ra làm mục tiêu. Y những luận điệu cách đây hơn nửa thế kỳ về tội ác của địa chủ Nguyễn Thị Năm.
Đối tượng của chiến dịch này là Đinh La Thăng. Tại sao là ông ta ?
Nói về sai phạm và tham nhũng, tiêu cực tất cả dư luận đều đồng tình cán bộ cộng sản cấp cao không ai là không có tham nhũng và tiêu cực, bản thân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dính đến sai phạm áp giá đất rẻ cho doanh nghiệp ở dự án Ciputra làm thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng hồi ông ta làm bí thư Hà Nội , hồ sơ vụ việc này đang nằm trong tay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng chiến dịch do đảng phát động, ông Trọng đứng đầu đảng cho nên ông Phúc không thể đưa ra.
Vấn đề ở đây là những chuyên gia, cố vấn Trung Quốc chỉ đạo vụ việc này qua ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trần Quốc Vượng trưởng ban này đã được ông Trọng giới thiệu và cho tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc xin chỉ thị chỉ đạo chương trình đả hổ diệt ruồi ở Việt Nam. Các đối tượng đưa ra xử lý đều phải được Trung Quốc chấp nhận, có khi còn phải là những đối tượng mà Trung Quốc chỉ đích danh.
Đinh La Thăng là người dính đến những thất thoát ở PVN, từng lớn tiếng chửi nhà thầu Trung Quốc và mong muốn thân với Hoa Kỳ.
Thăng đã đủ hai tiêu chuẩn đầu tiên để làm nhân vật bị xử lý đó là dính đến thất thoát và bị Trung Quốc ghét. Tuy nhiên muốn đưa Thăng ra xử lý còn phải cần đến một vấn đề thứ ba nữa, đó là phải được sự đồng ý những phe cánh lớn trong đảng cộng sản Việt Nam. Phe tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn đưa Thăng ra xử là điều tất nhiên, nhưng nếu không có sự đồng tình của một phe lớn khác là cánh Trương Hòa Bình, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải thì Trọng khó đưa được Thăng ra. Những hành động của Thăng khi về làm bí thư thành phố Hồ Chí Minh đã động chạm đến những doanh nghiệp sân sau của nhóm Bình, Sang, Hải một cách vỗ mặt công khai, chẳng hạn như không tổ chức sự kiện, họp hành của thành phố tại những cơ sở của nhóm Bình, Hải, Sang... mà phần lớn những cơ sở này là do nhóm Hoa kiều nắm giữ.
Nhóm quyền lực chính trị Trương Hòa Bình, Lê Thanh Hải, Trương Tấn Sang trước đây đã từng không ưa Đinh La Thăng, nay thấy Thăng không những không biết thân phận mà còn dám động đến lợi ích của họ, khiến họ quyết định đưa Đinh La Thăng làm mục tiêu cho Nguyễn Phú Trọng thịt. Chưa kể đến nhóm Nguyễn Xuân Phúc đang muốn đục nước béo cò.
Chú ý theo dõi sẽ thấy, bên trong nội bộ phó thủ tướng Trương Hòa Bình dành hết cả một năm trời chỉ để tìm hồ sơ buộc tội Đinh La Thăng, chính Trương Hòa Bình liên tiếp đưa hồ sơ cáo buộc Thăng ra các buổi họp Trung ương và Bộ Chính Trị. Bên ngoài dư luận những đám nghệ sĩ, báo chí được nhóm lợi ích này nuôi dưỡng bấy lâu cũng liên tục tung ra những luận điệu nhằm vào Thăng để tạo dư luận ủng hộ.
Cuối cùng thì Đinh La Thăng hội tụ cả ba yếu tố hàng đầu, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất khiến Thăng bị nạn, là có thái độ chống Tàu thân Mỹ và yếu tố đụng đến nhóm lợi ích ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu chỉ là yếu tố làm thất thoát tiền bạc hàng ngàn tỷ, chắc chắn Đinh La Thăng không hề sứt mẻ, vì trong quan chức chóp bu cộng sản ai mà không dính quản lý thua lỗ. Làm thất thoát thế thường thì bị đồng bọn lôi ra chỉ trích để hạn chế bước thăng tiến, không thể đến mức cách chức, bỏ tù như hôm nay.
Đinh La Thăng hội tụ cả ba yếu tố hàng đầu, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất khiến Thăng bị nạn, là có thái độ chống Tàu thân Mỹ và yếu tố đụng đến nhóm lợi ích ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì thế nên những thất thoát ở PVN xảy ra cách đây đến cả chục năm, trước đây thỉnh thoảng Đinh La Thăng bị chỉ trích liên quan đến nhưng Thăng vẫn không hề sao và còn thăng tiến lên cao hơn mấy nấc. Nhưng từ khi chửi Tàu, tỏ thái độ thân Mỹ và đặc biệt khi về làm bí thư Hồ Chí Minh đụng đến nhóm lợi ích kia, cuộc tấn công bỗng trở thành dồn dập và quyết liệt. Những chuyện cũ được khơi lại thành hồ sơ khởi tố, không phải là những chỉ trích đe dọa như những năm trước nữa, mà là những đòn thực thụ để tiêu diệt Đinh La Thăng.
Cả hai sự kiện cách nhau nửa thế kỷ của cộng sản Trung Quốc và cộng sản Việt Nam lặp lại với mô hình, cách thức y chang nhau. Địa chủ Nguyễn Thị Năm ngày ấy cũng bị dân chúng sôi sục căm thù bởi tác động những bài báo như Trần Đĩnh đã kể.
Bây giờ số phận Đinh La Thăng cũng vậy.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 16/12/2017