Gần nửa thế kỷ đã đi qua từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, vấn đề hòa hợp - hòa giải dân tộc lại được bàn luận mỗi dịp 30/4. Cho đến nay, điều này vẫn chưa đạt được với những người sống trong thời chiến hoặc thế hệ thứ hai sau chiến tranh.
FP
Tuy nhiên, trong cái nhìn của các bạn trẻ thế hệ thứ ba thì sao ? Họ nghĩ gì về cuộc chiến, về màu cờ của hai phía và nhìn nhận của họ về hòa hợp - hòa giải dân tộc ?
Tôn trọng và chấp nhận giá trị của nhau
Phương Anh, 23 tuổi, lớn lên ở miền Nam California, nơi được mệnh danh là "Thủ phủ người Việt tị nạn cộng sản", và hẳn nhiên là khi còn nhỏ, Phương Anh mặc nhiên cho rằng lá cờ Việt Nam là cờ nền vàng với ba sọc màu đỏ :
"Từ lúc nhỏ cho tới lớn thì ở đâu em cũng thấy lá cờ vàng có ba sọc đỏ và đó là lá cờ mà em lớn lên và được hiểu biết là của người Việt Nam.
Chỉ có sau này khi em được coi trên YouTube và về Việt Nam thì em mới được thấy lá cờ đỏ có ngôi sao màu vàng thôi. Ở trong lớp tiếng Việt thì thầy của em cũng nói rằng ở bên đây cái cờ vàng là cờ mà mình muốn xài, nếu mình nói về lá cờ kia thì người ta có thể buồn".
Ông nội của Phương Anh từng là một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tuy gia đình Phương Anh chưa bao giờ nói điều gì xấu về miền Bắc hay dạy cô phải ghét lá cờ của họ, nhưng tự cô cũng hiểu rằng người thân của cô sẽ không vui và không thoải mái nếu nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng :
"Mình không có được học để ghét một lá cờ nào hết, nhưng mà em đã hiểu biết ra là ở bên đây, nếu mà người ta thấy lá cờ đỏ thì người ta sẽ không được vui lắm tại vì người ta không muốn suy nghĩ về lá cờ đó.
Còn ở Việt Nam thì rất là khác. Em đi đâu cũng không thấy một cái dấu vết nào của hồi đó, lịch sử của lá cờ vàng nó đã mất hết ở Việt Nam".
Không quá khó khăn để Phương Anh nhận biết được sự chia rẽ sâu sắc giữa hai ý thức hệ đại diện cho hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Điều này khiến những người trẻ gốc Việt như Phương Anh gặp một chút khó khăn khi tìm hiểu về nguồn cội Việt Nam :
"Lá cờ là đại diện cho một nhóm hoặc là một quốc gia nhưng mà bây giờ mình lại có hai lá cờ, mà hai bên không có muốn công nhận cờ của nhau thì nó làm cho Việt Nam rất là chia rẽ.
Em là người Việt Nam, em rất muốn về Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa, ăn được nhiều thức ăn của Việt Nam nhưng mà bây giờ mình đã bị chia rẽ quá thì cũng hơi khó".
Với quan điểm của một người trẻ thế hệ thứ ba sinh ra sau chiến tranh Việt Nam, Phương Anh công nhận rằng "cờ đỏ-sao vàng" là cờ chính thức của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với cô, cờ vàng vẫn là lá cờ đại diện cho mình và cho cộng đồng người Việt ở Mỹ :
"Tại vì cờ đỏ đã là cờ của Việt Nam hiện nay rồi, cái đó là một thực tế hiện tại. cho nên em nghĩ là mình phải chấp nhận điều đó.
Nhưng mà thậm chí với cái thực tế đó thì cái lá cờ vàng mà người Việt Nam dùng ở bên này là đại diện cho danh tính mà người ta đang nhớ về thời mà người ta sống ở bên Việt Nam, đó là cờ của người ta".
Phương Anh cho biết cô chưa từng nghe tới cụm từ "hòa hợp - hòa giải dân tộc, nhưng theo cô, bất kỳ ai muốn sử dụng lá cờ đỏ ở Mỹ cũng không sao, điều quan trọng nhất vẫn là hai bên nên biết tôn trọng và chấp nhận những giá trị của nhau :
"Nếu như có một bạn nào chỉ muốn dùng lá cờ màu đỏ thì cũng không sao, nhưng mà phải biết rằng, phải hiểu suy nghĩ của những người Việt Nam ở bên này là người ta nếu nhìn thấy lá cờ màu đỏ có thể người ta sẽ cảm thấy buồn và khó chịu, cho nên hai bên cũng phải chấp nhận lẫn nhau.
Nếu mà người ta có thể hòa giải được với nhau thì đó là một điều tốt tại vì bây giờ mình đang rất là chia rẽ, nhưng mà em cũng hiểu điều đó sẽ rất là khó cho mọi người.
Em cảm thấy là ở bên đây người ta sẽ rất là khó để quên được chuyện đó".
Thừa nhận, thấu hiểu nỗi đau của người ra đi
Thế hệ trẻ gốc Việt ở Mỹ. Ảnh : Reuters
Trái ngược với Phương Anh, Johnny Huy, 29 tuổi, là một người sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, cho biết anh chưa hề thấy một lá cờ vàng ba sọc đỏ hay bất kỳ một di sản nào của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngoài đời thực khi ở Việt Nam.
Từ tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ, Huy cho biết, lúc nhỏ, cũng như tất cả học sinh trên khắp Việt Nam, anh được học và được nghe nói về cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ một chiều : rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ là "bù nhìn, tay sai" cho Mỹ ; và rằng miền Bắc, đại diện là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã giải phóng miền Nam thoát khỏi sự cai trị của Mỹ.
Lớn lên, dù sống trong một đất nước có hệ thống thông tin bị kiểm duyệt chặt chẽ, Huy vẫn có cơ hội tiếp xúc với các thông tin đa chiều hơn về chiến tranh Việt Nam, thông qua các nền tảng mạng xã hội mà chính phủ Việt Nam chưa thể chặn được một cách triệt để tại Việt Nam, ví dụ các bài báo, hình ảnh trên Facebook hay các phóng sự, phim ảnh quốc tế liên quan đến lịch sử Việt Nam.
Cũng từ đó, Huy biết được rằng sau cái ngày mà anh được dạy là "đại thắng mùa xuân" - 30/4/1975, có một làn sóng người hàng triệu người đã liều mình vượt biên đào thoát khỏi Việt Nam. Huy chia sẻ, nếu muốn hòa giải dân tộc sau hàng chục năm chia rẽ như vậy, chính phủ Việt Nam cần thừa nhận nỗi đau của những người rời bỏ Việt Nam sau 1975, phải cho người dân trong nước được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau về cuộc chiến này :
"Mình hiểu được cái nỗi đau của dân tộc thì mới có cái sự hòa hợp được. Em thấy những cái chuyện này là những cái chuyện mà dân tộc mình cần phải biết, mình cần phải thừa nhận nó và mình phải thừa nhận nỗi đau của những người mà sau năm 75 họ phải chạy trốn, vượt biên.
Không phải là thấy kèo thơm thì gọi là người Mỹ gốc Việt còn kèo thối thì gọi là ba que".
Huy cho rằng cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, ngày càng có nhiều người, đặc biệt thuộc thế hệ trẻ như mình tìm hiểu và biết được một khía cạnh khác của chiến tranh Việt Nam mà vốn chưa từng được phổ biến trong nước :
"Sự thật nó là sự thật và sự thật mình không thể che giấu được. Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ nhìn nhận được vấn đề và họ không còn thấy thù ghét nhau nữa".
Tuy nhiên, Huy nhận thấy có vẻ như Hà Nội, ngoài mặt kêu gọi Hòa hợp - hòa giải bằng các chính sách được tuyên truyền trên các kênh truyền thông nhà nước ; nhưng thực chất thì khác :
"Có thể việc hòa hợp hòa giải dân tộc chưa chắc đã là cái điều mà chính quyền Việt Nam mong muốn. Nếu người miền Bắc và người miền Nam, rồi Người Việt hải ngoại mà cùng hòa hợp hòa giải và có chung một tiếng nói là một mối nguy cho chính quyền Việt Nam. Thành ra, em nghĩ là chính phủ mong muốn những điều đang diễn ra hiện tại vì nó tốt cho chế độ".
Nguồn : RFA, 25/04/2024
Phần 1
Năm nay, các trang báo trong nước tiếp tục khơi gợi lại khái niệm "hòa giải - hòa hợp dân tộc". Đây là một khái niệm nằm tại Điều 11 Chương 4 trong Hiệp Định Paris 1973.
Việt Nam kỷ niệm ngày 30 tháng 4 - AFP
Nguyên văn như sau :
Điều 11
Ngay sau khi ngừng bắn hai bên miền Nam Việt Nam sẽ :
- Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia ;
- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân : tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
Giải thích : "Hai bên miền Nam Việt Nam" có nghĩa : Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (thành lập vào năm 1960), về sau đổi thành Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Cộng hòa miền Nam Việt Nam - tồn tại từ tháng 6/1969 đến 1976), với lá cờ nửa đỏ nửa xanh và ngôi sao vàng ở giữa. Sau khi thành lập, Cộng hòa miền Nam Việt Nam được 23 nước công nhận và có 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Cộng hòa miền Nam Việt Nam là ông Nguyễn Hữu Thọ và Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là ông Huỳnh Tấn Phát. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam là bà Nguyễn Thị Bình (bà Bình cũng là Trưởng đoàn đàm phán của Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Hiệp định Paris 1973).
Cần nói rõ thêm : Khái niệm "hòa giải - hòa hợp dân tộc" KHÔNG HỀ nhắc đến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bởi dù muốn hay không, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một quốc gia riêng biệt, không nằm trong phạm vi "hòa giải - hòa hợp dân tộc" như Hiệp định Paris 1973 đã nêu rõ.
Có lẽ, đây là điều đáng kinh ngạc và gây bất ngờ, đối với lớp trẻ sinh sau đẻ muộn. Tuy nhiên, điều đáng chê bai, bởi vì nhiều người nổi tiếng, trong đó có các nhân vật mang danh giáo sư - tiến sĩ thuộc "Bên Thắng Cuộc", tiếp tục lên tiếng kêu gọi "hòa giải - hòa hợp", lại gây ra "sững sờ" về kiến thức lịch sử quá kém cỏi, khi ngộ nhận (khó bỏ qua) về khái niệm "hòa giải - hòa hợp dân tộc" như thể do chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đẻ ra vào những năm đầu của thế kỷ 21 (!).
Những nhân vật có tên và có tuổi thuộc "Bến Thắng Cuộc" - dù là "người đương thời" hay "người lỗi thời" - chẳng lẽ không biết rằng : Nhờ xé bỏ Hiệp định Paris 1973, mà đội quân Bắc Việt đã có một chiến thắng phi nghĩa - bất nhơn - bạo tàn mang tên "giải phóng miền Nam Việt Nam - thống nhất đất nước" ?! Ngay đây cũng cần mở ngoặc, để giải thích với thế hệ trẻ : Tại sao trước 1975, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa thường gọi "quân Bắc Việt" mà không gọi là "Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa". Đây ngỡ chuyện nhỏ nhưng rất quan trọng, vì Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ coi Bắc Việt là một nhà nước đúng với nguyên nghĩa, bởi Bắc Việt không do DÂN bầu lên.
Quả đáng trách cho những sử gia - chuyên gia của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại không am hiểu tính Chân Thật, vốn là thuộc tính quan trọng nhứt của Lịch Sử.
Không phải là những câu chữ màu mè như người ta thường thấy : "Nhân dân ta đã viết lên những trang sử chói lọi", "Những trang sử hào hùng của dân tộc ta" v.v. mà Lịch Sử cần phải được nhìn nhận "rõ ràng - sòng phẳng - mẹ nó - sợ gì" như phát ngôn của đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng Năm năm 2022, trong chuyến công du tại Mỹ quốc. Hơn nữa, ngày 30 tháng Tư năm 1975 là Lịch sử hiện đại, bởi thời gian chỉ 48 năm kể từ khi Việt Nam Cộng Hòa vong quốc.
Di họa từ Hiệp định Paris 1973, không chỉ là sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa mà còn kinh khủng hơn ngàn lần, bởi sự trầm luân của hơn 20 triệu người dân từ vĩ tuyến 17 trở xuống cực Nam, cùng hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn đang tiếp diễn...
Gần nửa thế kỷ, khi nói về tính Vận Động - vốn là thuộc tính căn bản nhứt của Triết Học - ngày 30 tháng Tư năm 1975 vẫn bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhìn nhận như là chuyện quá vãng, không khác một "Dấu Chấm Hết" - Một Dấu Chấm Hết trong tức tưởi vẫn còn nguyên đó...
Cho cả sự nhục nhã - đớn hèn và cay đắng của công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày hôm nay...
(03/05/2023)
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Hiep-dinh-Cham-dut-chie...
*********************
Phần 2
Như đã trình bày [1] trong phần 1, khái niệm "Hòa giải - hòa hợp dân tộc" đã có từ 50 năm về trước, khi bốn bên : Việt Nam Cộng Hòa - Hoa Kỳ - Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng đặt bút ký kết vào ngày 27/01/1973, Hiệp định với tên gọi chính thức "Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam".
Như vậy, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ là một bên tham chiến và là NƯỚC NGOÀI, tương tợ như Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa, khái niệm "hòa giải - hòa hợp dân tộc" không quy định cho "nhà nước" Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thật vậy, 2 chế độ Việt Nam Cộng Hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam - đều cùng nằm dưới vĩ tuyến 17 kéo dài đến cực Nam và hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa - cần "hòa giải - hòa hợp", bởi cả quá trình từ 1960 đến 1975, các vụ khủng bố bằng cách chọi lựu đạn, đặt chất nổ, ám sát, thủ tiêu, gây rối loạn đến cuộc sống của người dân miền Nam Việt Nam, hầu hết đều do người của Cộng hòa miền Nam Việt Nam gây ra, với các án tử hình - án tù, như : Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng v.v. hoặc tử hình khiếm diện như : Lê Hiếu Đằng, tất cả họ đều sanh trưởng và thành nhơn tại miền Nam Việt Nam.
Dĩ nhiên, hầu hết không một nhà quan sát thời cuộc nào, đủ ngây thơ để tin loại "hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình" như vậy sẽ xảy ra. Bởi hiệp định Paris 1973 là cơ hội để chánh phủ Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến mà người dân sở tại đã cùng nhau phản chiến rầm rộ, cũng như Hoa Kỳ không còn thấy "lợi ích quốc gia" cần phải tiếp tục tồn tại, ở vĩ tuyến 17 trở xuống cực Nam của miền Nam Việt Nam.
Ngay cả Cộng hòa miền Nam Việt Nam có lẽ cũng thừa hiểu Hiệp định Paris 1973 là lớp áo hào nhoáng, giúp cho họ cướp được chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa một cách hợp pháp và công khai. Điều này dễ gây choáng váng cho nhiều người dân trên cả nước, nếu không có bài báo của đài BBC với tựa "Sau 30/4/1975 từng có hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc" phát hành ngày 24/04/2019. Bài báo viết rõ [3] : "Ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn sụp đổ, thì lá cờ của quân chiến thắng được kéo lên nóc dinh Tổng thống ở Sài Gòn là lá cờ nửa đỏ nửa xanh, chứ không phải là cờ đỏ sao vàng. Sau ngày 30/4/1975, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thay thế Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cai quản đất nước từ vĩ tuyến 17 vào Nam".
Xe tăng ủi rào tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/04/1975 treo cờ nửa đỏ nửa xanh, chứ không phải là cờ đỏ sao vàng.
Thật vậy, vào trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, dù chỉ là một thiếu niên, tác giả viết bài còn nhớ rất rõ, những toán quân mặc đồ bộ đội với nón tai bèo và dép râu, kéo nhau đi từng đoàn, ngang qua trước nhà nằm sát bên chùa Ấn Quang (một cơ sở Việt Cộng nằm vùng nổi cộm vào lúc bấy giờ), với những lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Bài báo từ BBC viết tiếp : ...Giữa tháng 7/1975, hai nước Việt Nam "rủ nhau'' nộp đơn vào Liên Hiệp Quốc, nói theo lời của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ. Hai vị đại diện cho hai nước là ông Nguyễn Văn Lưu, đại diện cho Hà Nội, và ông Đinh Bá Thi đại diện cho Sài Gòn. Ngày 11/8/1975 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng ý cho hai nước Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, trừ Mỹ bỏ phiếu chống...
Nhân vật Đinh Bá Thi tên thật là Hồ Đản (1921 - 1978) là người được cử làm Phó đoàn đàm phán của Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris giữa 4 bên (Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa) nhằm đem lại "hòa bình" tại Việt Nam. Tại diễn đàn này, Đinh Bá Thi đã nêu cao vai trò của chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam (tức là Cộng hòa miền Nam Việt Nam) [4].
Sau khi Cộng hòa miền Nam Việt Nam thất bại với việc xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, tháng 11/1975 một hội nghị tên gọi là "Hội nghị hiệp thương thống nhất" được tổ chức tại Sài Gòn. Tới tháng 4/1976, một Quốc hội thống nhất được bầu lên. Cộng hòa miền Nam Việt Nam và lá cờ nửa đỏ nửa xanh bị tiêu diệt êm gọn - như số phận của những con người (có lẽ) ngây thơ - cả tin - khờ dại trong một âm mưu chính trị dữ dội, làm cho người dân Việt Nam Cộng Hòa phải mang thân phận vong quốc ! Sài Gòn chính thức mất tên gọi và thay bằng Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/7/1976.
Sau khi người dân Việt Nam Cộng Hòa vong quốc, đã không có "hòa giải - hòa hợp" đã đành mà sự trả thù tàn bạo và cướp bóc man rợ đã xảy ra rộng khắp. Từ hình thức đổi tiền vốn cướp trắng tài sản của người dân Việt Nam Cộng Hòa, cho đến nhiều lần đánh tư sản, kinh tế mới - vốn người dân là những người vô tội trong cuộc chiến. Sự trả thù bạo tàn khiến hàng triệu người dân sống không nổi đến mức buộc phải vượt biên, chấp nhận đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do. Cũng kể từ đó, khái niệm "thuyền nhân" ra đời và tồn tại hơn 20 năm về sau. Ngay cả những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa - vốn chỉ là những người lính tuân theo quân lịnh - cũng bị trả thù man rợ bằng hình thức gọi là "học tập cải tạo" gây chấn động lương tri thế giới. Về sau, Hoa Kỳ đã buộc phải lập ra chương trình nhân đạo mang tên H.O, bắt đầu từ năm 1980.
Nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam với các nhân vật chủ chốt vào lúc bấy giờ, như : Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Bình, v.v. thất bại hoàn toàn trong mưu toan cầm quyền, sau khi lật đổ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Cho đến ngày 20/09/1977, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được kết nạp vào Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhân vật Đinh Bá Thi sau khi mãn nhiệm tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào năm 1978, ông ta trở về Việt Nam chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Trên đường công tác, Đinh Bá Thi chết, được biết do "tai nạn giao thông" từ Phan Thiết vào Thành phố Hồ Chí Minh đang lúc tuổi đời chưa quá già (57 tuổi).
Các nhân vật nổi tiếng của Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hầu hết chỉ nắm những chức vụ "hoa lá cành" sau thất bại thảm hại, như : Nguyễn Hữu Thọ (chức vụ cuối cùng - Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Huỳnh Tấn Phát (chức vụ cuối cùng - Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Phát cũng là tác giả của lá cờ nửa đỏ nửa xanh), Nguyễn Thị Bình (chức vụ cuối cùng - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) v.v. Một số nhân vật nổi tiếng, như : Dương Quỳnh Hoa (chức vụ cuối cùng là Thứ trưởng Bộ Y tế (1979) và cùng năm xin ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam) hoặc Trương Như Tảng (vượt biên và sống lưu vong tại Pháp, sau khi hiểu ra thân phận bọt bèo của mình). Ngoài ra, trang csmonitor.com cbo biết [5] : Vào ngày 15/05/1975, ông Tảng chứng kiến trên lễ đài trong buổi duyệt binh không thấy lá cờ nửa đỏ nửa xanh, mà chỉ có cờ đỏ sao vàng. Lúc bấy giờ, ông Tảng hỏi ông Văn Tiến Dũng thì được trả lời "Quân đội đã được thống nhất" (!). Như vậy, sự đắc thắng của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được "phúc đáp" một cách không thể tê tái hơn, từ sự phản bội ráo hoảnh và lạnh lùng của "người anh ruột thịt" từ phương Bắc !
Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - đại diện cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã tiêu vong gần nửa thế kỷ nhưng lịch sử không phải là Dấu Chấm Hết, bởi mới đây, Úc Đại Lợi phát hành đồng tiền để kỷ niệm 50 năm làm Đồng Minh với Việt Nam Cộng Hòa. Trên đồng tiền đó, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ xuất hiện và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, đại diện bởi bà Phan Thu Hằng - Phó phát ngôn thuộc Bộ Ngoại giao phản đối với lý do "chế độ không còn tồn tại". Có lẽ bà Hằng nên học lại và học cho kỹ về Lịch Sử Việt Nam, trong đó có sự hình thành Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, vốn gây nhiều tranh cãi nhưng thực tế lá cờ đó tồn tại từ 1949, trên toàn cõi Việt Nam từ Bắc chí Nam, chứ không phải chỉ riêng chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - đại diện cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã tiêu vong gần nửa thế kỷ nhưng lịch sử không phải là Dấu Chấm Hết
Bẽ bàng nhứt - tê tái nhứt và lố lăng nhứt, lại chính là những người thuộc "Bên Thắng Cuộc" với lời kêu gọi đầy sáo rỗng "hòa giải - hòa hợp" khi đối diện với lời phản đối Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Có lẽ, họ quá kém cỏi về lịch sử để đủ hiểu rằng : Khái niệm "hòa giải - hòa hợp" vốn không hề do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đẻ ra.
Cũng nên nói rõ với những "người đương thời" và cả những "kẻ lỗi thời" : Chưa bao giờ, trong các Nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam có cái gọi là "hòa giải - hòa hợp".
Nguyễn Ngọc Già
[1] https://www.rfavietnam.com/node/7624
[2] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/le-hieu-dang-update-012320140535...
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48009443
Việt Nam đã hòa giải thành công với các cựu thù Mỹ, Hàn, Úc… và được quốc tế ngợi khen nhưng người Việt vẫn còn những điều chưa hòa giải được với nhau dù chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỷ.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NQ36) do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Nghị quyết 36 về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành năm 2004, coi "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam".
Và "Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp ; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài…".
Kiểm duyệt cả người đã khuất
Vậy mà, khi nhà phê bình Đặng Tiến, người có uy tín trong giới yêu văn chương Việt Nam tại Pháp qua đời, nhiều tờ báo uy tín nhất trong nước mới đây nhanh chóng thông tin để tỏ lòng tiếc thương và ghi nhận sự đóng góp của ông. Thế nhưng sau đó phải nhanh chóng gỡ bài vì chỉ đạo từ trong chính quyền - không đưa tin về Đặng Tiến, nếu đã đưa tin thì phải gỡ bài.
Ông Đặng Tiến là sản phẩm của miền Nam và tham gia Văn đoàn Độc lập - một tổ chức về văn học không theo sự quản lý của chính quyền.
Theo tôi được biết, lý do làm cho nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến 'trở nên vô hình' trong nền báo chí cách mạng chỉ vì ông là sản phẩm của miền Nam và tham gia Văn đoàn Độc lập - một tổ chức về văn học không theo sự quản lý của chính quyền. Cứ cái gì không kiểm soát được thì phải cấm, phải xóa - triết lý trị nước hóa ra là vậy.
Kiểm duyệt giới trẻ ở nước ngoài
Hồi tháng 2 năm nay, cô ca sĩ Hanni Pham, thành viên của nhóm nhạc New Jeans ở Hàn Quốc đã bị cơn cuồng nộ tẩy chay. Đó là do các hội nhóm của chính quyền từ trong nước thổi lên. Với lý do, gia đình của cô ca sĩ gốc Việt này ở phe miền Nam trong cuộc chiến ý thức hệ 1954 - 1975 và từng thể hiện tình cảm với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khi đã định cư tại Úc.
Hanni Phạm của nhóm NewJeans tham dự Lễ trao giải The Fact Music Awards 2022 vào ngày 08 tháng 10 năm 2022 tại Seoul, Hàn Quốc
Hai sự việc kể trên trong thời gian gần đây chứng minh cho thực tế việc hòa giải của bên thắng cuộc không có thực tâm. Chủ nghĩa lý lịch sau chiến tranh tưởng chừng như đã kết thúc khi đã gây ra không biết bao nhiêu oan khiên cho những số phận, gia đình, đau đớn cả dân tộc đã sống dậy như con ma của lịch sử được hồi sinh.
Bất chấp đều máu đỏ - da vàng - tóc đen, có chung truyền thuyết con Lạc cháu Hồng, lập quốc từ thời Hùng Vương, người Việt còn tiếp tục chia phe để nhận mình dòng dõi chính tông.
Bên thắng cuộc vẫn xem bên chiến bại và những người không cùng ý thức hệ như con hoang của dân tộc.
Cấm đoán nhà văn và tác phẩm
Một người Việt lưu vong đang rất nổi tiếng trên văn đàn tiếng Việt và thế giới trong tuần qua với việc đạt giải Cino Del Duca năm 2023. Đó là nhà văn Dương Thu Hương, đang phải sống tỵ nạn tại Pháp.
Đây là giải thưởng về văn học rất cao quý ở Châu Âu mà trang Actualite ở Pháp nói là với tiền thưởng "chỉ sau giải Nobel Văn học".
Giải Cino-Del-Duca 2023 đã được trao cho tác giả 'Đỉnh cao chói lọi' để "tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại", theo Institut de France
Chính quyền Việt Nam thì vẫn tìm cách xóa Dương Thu Hương trước mắt người Việt. Không một tờ báo trong nước được phép hoặc dám đưa tin về một người Việt đạt giải Cino Del Duca để có thể tự hào với nhau.
Sách của nhà văn Dương Thu Hương vẫn bị cấm ở Việt Nam dù nó được viết bằng tiếng Việt.
Bởi với cách viết không kiêng nể, 'kỵ húy' chế độ, nhà văn Dương Thu Hương bị chế độ bỏ tù và trục xuất khỏi tổ quốc gần 30 năm chưa được phép trở lại cố hương.
Dán nhãn cho bạn bè vì tâm thế quá khứ
Có nhiều tên gọi cho cuộc chiến 1954 - 1975 tại Việt Nam tùy theo cách nhìn của mỗi bên. Tiếng súng đã im, mấy thế hệ đã ra đời, lớn lên nhưng sự phân cực ý thức hệ độc tài với các giá trị phổ quát của con người không ngừng được khoét sâu nhằm đề cao chiến thắng và hạ nhục đối phương.
Để gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến trong một nước Việt mà bất kỳ ai nói, thúc đẩy cho các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền đều bị xem "phản động" là tàn dư của "dân chủ ba que". Ai không rõ cứ mở các trang Facebook lên là thấy ngôn từ hận thù công kích.
Dịp Tết Quý Mão vừa rồi tôi về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình, thăm người thân, gặp bạn hữu… trực tiếp thấy sự phát triển về kinh tế của Việt Nam tôi thật vui, nhưng cũng nhìn thấy chính trị ở quê nhà vẫn còn rất nặng nề. Tôi trở thành một nạn nhân khi bị bạn bè chụp mũ "phản động".
Trong một buổi gặp nhau của những người bạn thời học cấp hai đã kết thúc gần 30 năm trước, tôi đã bị nhiều đứa bạn tiếp xúc với đầy sự nghi ngại. Trái với sự háo hức, chờ đợi trong tôi, ngồi chưa được 5 phút tôi chứng kiến nhiều đứa được kéo ra ngoài trong vài phút lại trở vào với thái độ dè chừng.
Tôi được một đứa khuyên, "Thôi mi về đi Ánh, mấy đứa kia đang cảnh báo nhau, mi là phản động và không nên nói chuyện".
Phải chăng tôi phản động vì những bài viết trên BBC, VOA… và Facebook cá nhân như một góc chia sẻ qua sự quan sát và trải nghiệm của bản thân ?
Nhưng chuyện như thế chẳng phải lạ, nó xuất phát từ quan điểm chính thống. Chính quyền Việt Nam vẫn dùng chứng cứ ở các bài viết, trả lời phỏng vấn của các báo tiếng Việt ở hải ngoại để kết tội, bỏ tù công dân trong nước theo điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Không chỉ trong nước, mà nhiều người Việt tại Mỹ cũng phải tự kiểm duyệt mình để về được quê mẹ. Ngay cả bản thân tôi cũng nhận được không ít sự cảnh báo, ngưng viết một thời gian để đi Việt Nam được bình an.
Quan hệ với Mỹ trở thành đổi chác
Với ý thức hệ Bên thắng cuộc, từ "phản động" biến những người dân khác quan điểm với chính quyền trở thành tù nhân trong các vụ án giàn dựng và phiên tòa được đạo diễn. Chính quyền dùng tù nhân thành món hàng để trao đổi, mặc cả, tỏ thành ý với những vị khách VIP đến từ phương Tây.
Hồi giữa tháng tư này Việt Nam đã thả gia đình tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên được đi Mỹ ngay những giờ trước khi ông Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ đến Việt Nam.
Trước đó, tháng 10/2018, khi ông Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam, bloger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được thả.
Bốn năm trước khi blogger Mẹ Nấm đến Mỹ, blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) cũng được thả một ngày trước chuyến viếng thăm của ông Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động đến Việt Nam…
Tiếng súng đã ngưng gần nửa thế kỷ nhưng cuộc chiến ý thức hệ vẫn chưa có kết thúc với bên thắng cuộc. Chế độ trong nước vẫn buộc người dân ra đi trong tức tưởi vì khác quan điểm. Đất nước thống nhất để áp đặt ý thức hệ hơn là chấp nhận người Việt với nhau.
Nhưng chỉ còn người Việt chưa hòa giải được với nhau
25 năm Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao những kẻ thù cũ đã hòa giải được với nhau. Người Mỹ coi rất nhiều vấn đề xưa nên đặt vào quá khứ.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp tại Nhà Trắng vào năm 2015 cho thấy Hoa Kỳ thay đổi cách nhìn tôn trọng thế chế của Việt Nam. Điều này đến từ chỗ chủ nghĩa cộng sản thực sự đã sụp đổ nên chẳng còn gây nguy hiểm cho thế giới của các giá trị tự do.
Những năm gần đây với nhiều sự kiện ngoại giao dồn dập cho thấy Hoa Kỳ muốn cùng Việt Nam nâng lên thành đối tác chiến lược, tức là tin tưởng nhau ở một mức cao hơn.
Trước đó, chính quyền Việt Nam đã hòa giải được với Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Nhật.
Nhìn lại ngậm ngùi, chỉ có người Việt chưa hòa giải được với nhau vì ý thức hệ vẫn đè lên giống nòi.
Hằng năm cứ đến gần kề ngày 30/4, một bên tưng bừng mừng chiến thắng, bên kia tưởng nhớ trong xót xa. Tiếng súng đã ngưng trong 48 năm qua nhưng cuộc chiến quốc gia - cộng sản xem ra vẫn chưa kết thúc.
Việt Nam đã nối liền một dải nhưng lòng người vẫn chưa thống nhất. Tôi nghĩ hẳn cần thêm một cuộc giải phóng khỏi ý thức hệ thì người Việt mới không bị thế giới cầm tù và hòa giải được với nhau.
Võ Ngọc Ánh
Nguồn : BBC, 24/04/2023
Ông Võ Ngọc Ánh, hiện sống tại Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ.
Nhìn qua ngoảnh lại, ngày 30/4 lại đến với gần nửa Thế kỷ chia cách trong-ngoài mà sao vết thương dân tộc vẫn chưa lành ?
Ông Nguyễn Đình Bin : "Tôi vẫn buồn : vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành !" (Ảnh : Huỳnh Phan)
Câu hỏi này không mới mà từ năm 2019, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài của Nhà nước cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Đình Bin, đã trăn trở : "Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn : vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành !".
Ông đặt câu hỏi : "Vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau ? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà " nhiễu điều phủ lấy giá gương , người trong một nước phải thương nhau cùng", thì lại chưa hòa giải được với nhau ?" (Nguyễn Đình Bin, ngày 21/03/2019)
Thắc mắc của ông Bin, sinh ngày 10/07/1944 tại Hải Dương, có lý do nhưng Đảng cộng sản Việt Nam không nói ra vì không muốn nhận trách nhiệm chủ động trong công tác "hòa hợp, hòa giải" dân tộc. Hơn nữa, trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại thành phần "kiêu ngạo cộng sản", tự cho mình quyền từ chối đối thoại với những người bại trận. Những người này, tiêu biểu như Nhà nghiên cứu, doanh nhân, luật sư Nguyễn Trần Bạt nói rằng : "Vấn đề hòa giải nên xem lại, bởi vì bài toán xung đột của chiến tranh đã được giải xong rồi, người thắng kẻ thua cũng rõ rồi. Hòa giải là phải có hai bên, vì thế tôi nghĩ bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải. Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các phe chính thống giai đoạn trước 30/4/1975. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng cộng sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ, là một trong những thành tựu chính trị quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam" (Quân đội Nhân dân, ngày 26/04/2020).
Như vậy, nếu "bên thắng cuộc" mà chỉ muốn "bên thua cuộc" quay về tập hợp dưới trướng cai trị độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam thì làm sao có thể đoàn kết dân tộc được.
Nghị quyết 36 – Kết luận 12
Vì vậy, sau 19 năm ra đời của Nghị quyết 36 (NQ-36) "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", ban hành ngày 26/3/2004, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Vì vậy, Bộ Chính trị phải ra thêm Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 (KL-12) "về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới".
KL-12 nhìn nhận : "Công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn một số hạn chế. Có nơi, có lúc công tác người Việt Nam ở nước ngoài chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức ; công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời ; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài" (Kết luận 12-KL/TW, ngày 12/8/2021).
Do đó, Bộ Chính trị cho rằng "công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn", đặt lên hàng đầu "chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc".
KL-12 cũng lập lại những gì đã viết trong NQ-36, theo đó :"Đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài".
Chủ trương này rõ ràng là nhà nước cộng sản Việt Nam muốn thao túng hàng ngũ các tổ chức của người Việt ở nước ngoài để kéo họ vào qũy đạo với cộng sản Việt Nam.
Nhưng KL-12 cũng như NQ-36 đã không che được bản chất "nói một đường làm một nẻo" của Ban lãnh đạo, vì ngay đối với người trong nước mà nhà nước chưa "hòa giải" được thì làm sao nói chuyện phải trái với người Việt phải bỏ nước ra đi chỉ vì không sống nổi với chế độ.
Theo ước lượng của các Tổ chức nhân quyền Quốc tế thì Việt Nam đáng giam cầm từ 200 đến 300 tù nhân lương tâm. Những tù nhân nổi tiếng gồm có Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Trương Châu Hữu Danh và Trần Đức Thạch.
Những người này bị tù vì bị nhà nước cáo buộc có "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Nhưng chính phủ Việt Nam nói bừa rằng ở Việt Nam "không bao giờ có cái gọi là "tù nhân lương tâm" mà thực chất đó chỉ là những người vi phạm pháp luật" (Quân đội Nhân dân, ngày 25/05/2020)
Chuyện cũ nhai lại
Trong Nghị quyết 36, Đảng cộng sản Việt Nam tuyến bố : "Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam".
Nhưng cụm từ "cộng đồng" ở đây chỉ nên được hiểu là "cộng đồng thiểu số thân Hà Nội ở nước ngoài", tập trung ở Nga và Đồng Âu cũ, và ba nước Thái-Campuchea và Lào.
Bên cạnh đó còn có "cộng đồng đa số người Việt" chống cộng sản bỏ nước ra đi từ sau biến cố 30/4/1975, phần lớn định cự ở Mỹ, Canada và Úc Đại Lợi.
Trong Nghị quyết 36, Đảng cộng sản Việt Nam hứa : "Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp ; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Nhưng sự thật là đảng chỉ muốn mở cửa kêu gọi người Việt về nước đầu tư và đem kiến thức khoa học, kỹ thuật về giúp đảng phát triển kinh tế. Theo KL-12 "cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển".
Nhưng số vốn đầu tư của Việt kiều vào Việt Nam không nhiều, trong khi số chuyện gia về giúp nước lại càng ít và không thường xuyên.
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì : "Tính đến tháng 11/2020 người Việt Nam ở nước ngoài đã có 362 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó dẫn đầu về số dự án là từ kiều bào Hoa Kỳ, tiếp theo là Pháp, Australia, Trung Quốc và Cộng hòa liên bang Đức. Phần lớn các dự án đầu tư của kiều bào tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 143 dự án, vốn đăng ký 725,14 triệu USD, chiếm 39,5% số dự án và 45,2% vốn đăng ký. Các nhà đầu tư Việt kiều đã đầu tư vào 42/63 địa phương trong cả nước, trong đó dẫn đầu là Hà Nội với 79 dự án, vốn đăng ký 476,8 triệu USD (chiếm 21,8% số dự án và 29,7% vốn đăng ký), tiếp theo là các địa phương Long An, Bình Thuận, Hải Phòng, Đồng Nai và các địa phương khác. Các dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào hoạt động khá hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương".
Vẫn nhạt nhòa
Tuy vậy, vẫn không có nhiều đầu tư của người Việt ở nước ngoài vào Việt Nam. Số chuyên gia vế giúp nước càng khiêm tốn hơn.
Tình trạng này đã được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng nói với phóng viên báo Báo Điện tử Chính phủ ngày 9/2/2023.
Ông Dũng nói : "Điển hình chỉ riêng cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã có hơn 150 giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi, khoảng 200 kỹ sư gốc Việt hoạt động trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, cùng nhiều chuyên gia làm việc trong các ngành khoa học khác.
Số lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước nói chung và hoạt động trong đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn, khi chỉ đạt con số chưa đến 0,1% trong tổng số gần 600.000 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài".
"Bên cạnh đó", ông Dũng còn tiết lộ, "việc kết nối giữa kiều bào tiềm năng, có nhu cầu về nước cống hiến và phát triển sự nghiệp, với các bộ ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu còn khó khăn do thiếu thông tin, hạn chế về cơ chế, ngân sách, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, xử lý và phản hồi đối với các ý kiến của chuyên gia, trí thức kiều bào…".
Vì vậy ông Mai Phan Dũng đã kiến nghị Chính phủ : "Công tác thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức kiều bào hỗ trợ công cuộc đổi mới sáng tạo cần củng cố về nhiều mặt.
Trước hết là cần thống nhất nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… Tiếp đến, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng, đãi ngộ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam…".
Ngoài ra, ông Dũng còn đề nghị : "Rà soát để bãi bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết hoặc gây khó khăn đối với kiều bào, đặc biệt trong đầu tư, đất đai, thủ tục hành chính, vay vốn, ưu đãi thuế cho trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực, các lĩnh vực kinh tế-xã hội ưu tiên…".
Du học sinh
Tuy nhiên không thấy ông Dũng nói gì đến tình trạng du học sinh, sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài đã không chịu về nước . Cho đến thời điểm năm 2022, đã có trên 190.000 sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài, phần lớn ở Châu Âu và bắc Mỹ.
Chính phủ Việt Nam không thống kê số sinh viên "không chịu về nước" sau khi tốt nghiệp, nhưng số này không nhỏ, dù điều kiện ở lại làm việc không dễ.
Có nhiều lý do, nhưng phần dông du sinh cho biết họ không muốn trở về vì khó tìm được việc làm đúng khả năng chuyên môn. Hơn nữa họ còn phái đối phó với tình trạng phe phái và tham nhũng. Vì vậy trong dân gian mới có các câu vè :
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Thứ tư trí tuệ
hay :
Thứ nhất tiền tệ
Thứ nhì hậu duệ
Thứ ba ngoại lệ
Thứ tư đồ đệ
Ngôn ngữ khinh miệt và kỳ thị giữa "kẻ thắng, người thua"
Về phương diện chính trị, sau 48 năm "bằng mặt nhưng chưa bằng lòng" giữa Đảng cộng sản Việt Nam và người Việt sống lưu vong, thứ ngôn ngữ hàm chứa sự khinh miệt và kỳ thị giữa "kẻ thắng, người thua" vẫn tồn tại trong đầu lãnh đạo. Vẫn còn thái độ phủ nhận chế độ chính trị ở miền Nam trước năm 1975, mặc dù Bộ sách Lịch sử mới của Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chính thức dùng tên "Chính quyền Việt Nam Cộng hòa và quân đội Việt Nam Cộng Hòa thay cho khái niệm ngụy quân-ngụy quyền" (VoV.vn, ngày 30/08/2017.
Bộ sách Lịch sử mới của Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nói với phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam,VOV) : "Trước đây, trong một số tài liệu và công trình nghiên cứu thường dùng khái niệm ngụy quân, ngụy quyền để chỉ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hay quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, trong giới sử học cho rằng, khái niệm đó không hoàn toàn chính xác khi chỉ về một chế độ chính trị đã từng tồn tại trong lịch sử".
Thế nhưng, trong bài viết "Không thể "đánh bùn sang ao", phủ nhận lịch sử" trong Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của báo Quân đội Nhân dân, tác giả Lữ Ngàn đã đổi trắng thay đen với lập luận : "Theo từ điển tiếng Việt : "Ngụy" là từ chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, bất hợp pháp, không chính thống, không được công nhận. Như vậy, "ngụy quân", "ngụy quyền" là để chỉ đội quân, chính quyền không hợp pháp, không chính thống, không được công nhận. Ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 là chính quyền tay sai do Mỹ dựng lên. Họ lập ra đội quân công cụ bạo lực của chính quyền tay sai ấy để thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa".
Sự thật ai cũng biết, Việt Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị hợp pháp được nhiều nước trên thế giới công nhận. Và Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ là "thuộc địa" của Hoa Kỳ như xuyên tạc của cộng sản Việt Nam.
Vì vậy, càng không chính xác khi bài báo ngụy biện rằng : Đằng sau những luận điểm ngụy tạo, đòi bỏ cách gọi "ngụy quân", "ngụy quyền", thực chất là kiểu đánh tráo khái niệm, pha loãng, xét lại, phủ nhận lịch sử, biến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thành cuộc "nội chiến", "huynh đệ tương tàn".
Nhưng nếu miền Bắc không xua quân xâm lược miền Nam thì làm gì có cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 20 năm (1955-1975) giữa người Việt với nhau ; làm gì có trên 5.000 thường dân đã bị thảm sát ở Huế trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968 của quân cộng sản ?
Cũng như thế, lịch sử sẽ làm rõ : Bên nào đã gây ra thảm cảnh ngày 30/4/1975 để bây giờ, nửa Thế kỷ sau, vết thương dân tộc vẫn chưa lành ?
Phạm Trần
(14/02/2023)
Cứ mỗi khi tháng Tư về là người Việt Nam trên khắp thế giới, báo chí và những người lớn tuổi đã từng tham gia chiến tranh thời kỳ 1954-1975 đều nhắc đến Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Dù nói nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu và nắm được khái niệm (định nghĩa) về Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc. Vậy Hòa giải và Hòa hợp là gì ? Hòa giải là cùng nhau giải quyết những xung đột và mâu thuẫn đã xảy ra để tiến tới cùng hợp tác và làm việc chung với nhau. Hòa hợp là cùng hợp tác và làm việc chung với nhau. Hòa hợp là mục đích còn Hòa giải là một quá trình để đi tới Hòa hợp.
Dự án chính trị của Tập Hợp có giải thích : "Hòa giải là tháo gỡ những hận thù và hiềm khích để tiếp tục sống chung với nhau, trong khi hòa hợp là quí mến nhau và hợp tác mật thiết với nhau. Như thế, khi giữa các cá nhân hay giữa các tập thể đã có sự xung đột và bất hòa thì Hòa giải phải được thực hiện trước, Hòa hợp chỉ có thể có sau khi đã hòa giải xong. Hòa hợp dân tộc, hay đoàn kết dân tộc cũng thế, là mục đích. Hòa giải là một chặng đường cần thiết để có hòa hợp.
Lập trường "Hòa giải và Hòa hợp dân tộc" là chủ trương Hòa giải người Việt Nam với nhau để tiến đến Hòa hợp dân tộc, nghĩa là tiến đến tình trạng trong đó người Việt tin tưởng và quí trọng nhau để cùng bắt tay nhau xây dựng một tương lai chung. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là vấn đề tình cảm giữa người và người, chứ không phải giữa các lực lượng và phe phái. Giữa các lực lượng và phe phái cùng lắm chỉ có vấn đề hợp tác hay thỏa hiệp".
Như vậy phải có Hòa giải trước thì mới có Hòa hợp. Việc nhiều người nói và viết "Hòa hợp và Hòa giải dân tộc" là không chính xác. Hòa giải phải đứng trước Hòa hợp vì có giải quyết được các bất đồng trong quá khứ thì mới có thể tiến tới hợp tác với nhau trong hiện tại và tương lai.
Hòa giải phải có trước để dẫn đường cho Hòa hợp.
Người Việt Nam có cần Hòa giải và Hòa hợp dân tộc hay không ? Chắc chắn là có. Những người phản đối có lẽ chưa hiểu được các khái niệm và tầm quan trọng của chúng. Do lịch sử và các cuộc nội chiến liên miên trong quá khứ mà người Việt Nam rất chia rẽ và kỳ thị lẫn nhau. Dân tộc Việt Nam rất cần hòa giải giữa người Công giáo và Phật giáo, giữa người Kinh và các sắc tộc thiểu số, giữa người Bắc - Trung - Nam, giữa người cộng sản và người Việt Nam Cộng Hòa, giữa người Việt hải ngoại và người trong nước và nhất là giữa người Việt Nam với đất nước Việt Nam... Từ các nhà nước phong kiến cho đến cộng sản, các chế độ cầm quyền đã nhân danh đất nước, tổ quốc để đày đọa người dân thay vì phục vụ người dân. Lòng yêu nước của người Việt Nam đã bị tổn thương rất nặng. Nhiều người đã bỏ nước ra đi trong tuyệt vọng và hờn tủi.
Hòa giải và Hòa hợp dân tộc không chỉ cần thiết để giải quyết những vấn đề trong quá khứ mà còn cần cho cả hiện tại và tương lai. Quá trình toàn cầu hóa khiến cho tất cả mọi quốc gia đều có vấn đề về bình đẳng xã hội. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn dẫn đến sự phẫn nộ của các thành phần dân chúng bị thua thiệt và bị bỏ rơi trong mọi quốc gia. Nước Mỹ, siêu cường số một thế giới cũng bị chia rẽ sâu sắc dẫn đến việc Donald Trump, một kẻ dân túy, thiếu cả khả năng lẫn nhân cách đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tân tổng thống Joe Biden đang cố gắng thay đổi và sửa chữa nước Mỹ bằng cách tăng cường liên đới xã hội và thu hẹp sự bất bình đẳng bằng một dự án lớn lên đến nhiều ngàn tỉ đô la để tài trợ cho trẻ em, học sinh - sinh viên và những gia đình nghèo khó. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc đã trở thành triết lý điều hành quốc gia. Hòa giải là bắt buộc của mọi dân tộc dù ở trình độ nào và có lịch sử nào và Việt Nam là một trong những dân tộc cần hòa giải hơn cả.
Hòa giải và Hòa hợp dân tộc cũng là một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nhiều người không hiểu nên đã đồng hóa lập trường Hòa giải của chúng tôi với sự đầu hàng hay bắt tay với Đảng cộng sản... Chúng tôi xác quyết rằng việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc phải dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và sòng phẳng với quá khứ dựa trên nền tảng dân chủ chứ không phải bỏ qua và xí xóa mọi thứ. Nếu không có Hòa giải thì sẽ không có Hòa hợp dân tộc và vì thế Việt Nam sẽ không có tương lai. Cũng như một gia đình sau một cuộc xung đột, chỉ có hai lựa chọn, một là Hòa giải để tiếp tục chung sống hai là chia tay nhau. Vợ chồng có thể chia tay nhau và đi lấy người khác nhưng một dân tộc thì không thể thích là chia tay và giải tán đường ai nấy đi. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là lựa chọn bắt buộc đối với chúng ta.
Đảng cộng sản Việt Nam có muốn Hòa giải và Hòa hợp dân tộc không ? Chắc chắn là không. Họ chỉ nói đến Hòa hợp dân tộc chứ không bao giờ nhắc đến Hòa giải dân tộc. Tức là họ chỉ kêu gọi người Việt Nam cùng hợp tác với họ và quên đi quá khứ chứ không muốn Hòa giải dân tộc. Lý do cũng dễ hiểu, họ đã gây ra quá nhiều sai lầm và tội ác. Họ không đủ can đảm và bản lĩnh để nhìn nhận những sự thật đó. Tập Hợp kêu gọi Hòa giải và Hòa hợp dân tộc trong đó có cả những người cộng sản cấp tiến nhưng chúng tôi không chủ trương Hòa giải và Hòa hợp với Đảng cộng sản và chủ nghĩa cộng sản.
Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Vì sao Tập Hợp chủ trương Hòa giải và Hòa hợp dân tộc ? Có thể chia quá trình này ra thành hai giai đoạn. Giai đoạn tranh đấu cho dân chủ hiện nay và giai đoạn hậu cộng sản. Cho đến bây giờ, dù mắc phải hết sai lầm này đến gia lầm khác nhưng Đảng cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại và cầm quyền vì trước mặt họ không hề có một tổ chức chính trị nào đủ tầm vóc để làm đối trọng. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc để mọi người dân Việt Nam hiểu nhau, cảm thông cho nhau và đoàn kết với nhau để cùng hình thành một mặt trận dân chủ có tầm vóc. Chỉ khi đó thì phong trào dân chủ Việt Nam mới có đủ sức mạnh để buộc Đảng cộng sản ngồi vào bàn đàm phán.
Giai đoạn thứ hai là khi Việt Nam đã có dân chủ. Nếu khi đó Tập Hợp được người dân Việt Nam tín nhiệm và lựa chọn làm đảng cầm quyền hoặc thuộc về liên minh cầm quyền thì chúng tôi sẽ thực thi việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc ngay lập tức. Chúng tôi sẽ nhân danh sự liên tục và kế thừa của nhà nước để nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và giải quyết những vấn đề đang tồn đọng. Trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có nói rõ :
"Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ phải phục hồi danh dự cho những người đã bị hạ nhục, phải bồi thường thiệt hại, dù chỉ là một cách không đầy đủ, cho những nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới. Xóa bỏ hận thù có nghĩa là sẽ không có những vụ án chính trị, ngược lại sẽ có một đạo luật cấm nhà nước truy tố bất cứ ai vì chức vụ mà họ đã giữ, trừ khi họ đã vi phạm một cách rất nghiêm trọng ngay chính những luật lệ đương hành lúc họ tại chức. Mọi công dân có quyền tố cáo những hà hiếp mà mình đã là nạn nhân và nhà nước sẽ xử lý những tranh tụng đó như những tranh tụng giữa những công dân bình đẳng trước pháp luật trong tinh thần hòa giải dân tộc".
Sau khi chế độ cộng sản cáo chung và Việt Nam có dân chủ thì chúng ta vẫn còn tiếp tục sống trong khó khăn và nghèo khổ thêm một thời gian nữa. Hố ngăn cách giàu nghèo mà Đảng cộng sản tạo ra là quá lớn mà một nhà nước dân chủ không dễ dàng gì khắc phục được trong một thời gian ngắn. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc sẽ là một triết lý để điều hành quốc gia.
Đảng cộng sản không hề muốn Hòa giải mà chỉ muốn khoét sâu thêm sự chia rẽ của người Việt. Họ không cần người Việt Nam phải yêu họ mà chỉ muốn người Việt Nam không yêu nhau. Người Việt Nam càng mất đoàn kết chừng nào thì Đảng cộng sản sẽ còn cầm quyền lâu chừng ấy.
Hòa giải dân tộc chưa bao giờ là thói quen và là phản xạ của người Việt. Văn hóa Khổng giáo là "đuổi cùng giết tận", kẻ thắng không cần phải hòa giải với kẻ thua vì họ đã bức hại tất cả những người thua cuộc. Thế hệ người Việt Nam mới cần thành tâm hàn gắn những vết thương do lịch sử để lại, chúng ta cần Hòa giải để dần dần tiến tới Hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Chúng ta sẽ cùng nhau khép lại một trang sử đau buồn của đất nước và mở ra một trang sử mới viết bằng tình tự dân tộc.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không chỉ có mỗi lý thuyết mà còn áp dụng trong thực tế. Chúng tôi là một tổ chức chính trị tiên phong trong quá trình Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Tập Hợp là tổ chức bao gồm các thành viên xuất thân từ mọi thành phần dân tộc, từ các cựu quân dân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa cho đến các cựu đảng viên Đảng cộng sản và nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên sau ngày 30 tháng 4/1975. Mục tiêu sau cùng (cứu cánh) của chúng tôi đó là dân chủ hóa Việt Nam. Trên tinh thần đó chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận mọi người, thuộc mọi thành phần tham gia vào tổ chức của chúng tôi. Lãnh đạo hiện nay của Tập Hợp là ông Nguyễn Gia Kiểng, một cựu công chức của Việt Nam Cộng Hòa và trong tương lai chúng tôi sẵn sàng bầu chọn một cựu đảng viên Đảng cộng sản vào chức vụ lãnh đạo cao nhất của Tập Hợp nếu người đó có khả năng và xứng đáng.
Sức mạnh của một dân tộc là sự đoàn kết. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc để có đoàn kết dân tộc, cùng nhau chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, kỷ nguyên của tự do và dân chủ thật sự.
Việt Hoàng
(04/05/2021)
Báo chí trong nước hôm 12/5/2020 đưa tin Bộ Công an cho hay dự luật biểu tình chưa thể được trình lên Quốc hội vì "cần phải được nghiên cứu kỹ, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng".
45 năm Việt Nam vẫn chưa có hòa bình - Ảnh minh họa
45 năm qua dường như Đảng cộng sản Việt Nam chưa có được một ngày hòa bình, trong tâm trí họ xung quanh lúc nào cũng có những "thế lực thù địch" đe dọa sự tồn vong của thể chế.
Câu chuyện "hòa hợp hòa giải dân tộc" đã được nói đến ngay từ khi Chiến tranh kết thúc năm 1975, nhưng đến nay nhà cầm quyền vẫn đề cao lịch sử của "bên thắng cuộc" và tiếp tục coi mọi tiếng nói khác biệt là thù địch.
Mục tiêu của cuộc chiến là gì ?
Ngày 30/4/2020, trên VTC News, Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Nguyễn Chí Vịnh từ góc nhìn của "bên thắng cuộc" cho rằng "Hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công", ông nhấn mạnh :
"…chiến thắng này đem lại lợi ích cho cả người thắng lẫn kẻ thua và thời gian đã chứng minh điều ấy."
Sau 30/4/1975, miền Nam từ một xã hội đa nguyên gồm nhiều sinh hoạt dân sự, có cả những sinh hoạt thân cộng sản, đã được miền Bắc "hợp" nhất thành một mối, từ người công an khu vực, phường đội, quận đội, mọi cơ quan hành chính miền Nam đều do người miền Bắc nắm giữ hoặc chỉ đạo.
Những người miền Nam thân cộng hay theo cộng sản là những người đầu tiên bất "hòa" với việc "thống nhất" theo mô hình lạc hậu của miền Bắc.
Những người này tin rằng theo Hiệp định Paris miền Nam sẽ có vài năm chuyển tiếp, người miền Nam được hòa giải với nhau và sau đó sẽ được quyền tự quyết dân tộc.
Mới đây, nhân dịp 30/4/2020, câu chuyện của Bác sĩ Bùi Quỳnh Hoa con gái Đại tá Quân đội Bắc Việt Bùi Văn Tùng kể trên BBC tiếng Việt có những điểm đáng được quan tâm.
Ông Bùi Văn Tùng là Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, cấp chỉ huy cao nhất vào tiếp thu Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, ông Tùng đã soạn Tuyên bố Đầu hàng cho Đại tướng Dương Văn Minh và chính ông đã đọc lời Chấp nhận Đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Trong vai trò Chính ủy trước đây ông Tùng phải tuyên truyền để bộ đội Bắc Việt "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", nhưng theo lời kể của Bác sĩ Quỳnh Hoa cho đến chết ông vẫn hỏi bà : "Tại sao Mỹ lại đánh nhau với mình thế hả con ?"
Rõ ràng cho đến cuối đời ông Bùi Văn Tùng vẫn chưa có được một lời giải thích thỏa đáng nguyên nhân của cuộc chiến tại Việt Nam, lịch sử với cộng sản chỉ để tuyên truyền nên không thể thuyết phục ngay cả những chứng nhân "bên thắng cuộc".
Khi được mở lòng trên BBC tiếng Việt, Bác sĩ Bùi Quỳnh Hoa đã hòa giải tâm lý bị đè nén bấy lâu nay, bà cũng đã hòa giải giúp cho cha bà ông Bùi Văn Tùng.
Thân phận của điệp viên Phạm Xuân Ẩn, của ký giả Lý Chánh Chung và của nhiều nhân vật miền Nam khác cũng cần được cặn kẽ xem xét để xem họ nghĩ gì về chiến thắng của Quân đội Bắc Việt.
Khác với nhiều ỵ́ kiến cho rằng vấn đề hòa giải đã xong, hoặc chỉ là chuyện của chính quyền với dân, ở Việt Nam dường như chưa có những cuộc nghiên cứu để tìm hiểu tâm lý của những bộ đội cộng sản trong chiến tranh Việt Nam để xem mức độ "hòa giải tâm lý" của binh sĩ bên thắng cuộc.
Bởi thế không ai có thể kết luận : "hòa hợp và hòa giải đã thành công" đối với bên thắng cuộc.
Bên thua cuộc thì sao ?
Còn người miền Nam thuộc "bên thua cuộc" thì khăn gói 10 ngày "học tập cải tạo", có người 17 năm mới rời khỏi nhà tù, nhiều người chết trong tù.
Một số nhân viên miền Nam cấp thấp không bị tù, được giữ lại làm việc ít lâu, nhưng khi người miền Bắc đã nắm được chuyên môn, thì họ bị sa thải vì là người của chế độ cũ.
Nền tảng chính trị, kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, xã hội, báo chí, văn nghệ, nghệ thuật, của miền Nam bị xóa bỏ để xây dựng xã hội mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
Những trận đánh tư sản, đánh văn hóa, cưỡng bức dân đi kinh tế mới, cưỡng bức dân vào hợp tác xã, ngăn sông cách chợ, phân biệt đối xử giữa người cũ với người mới đã buộc người miền Nam phải bỏ nước ra đi, nhiều người chết trên đường tìm tự do.
Đến nay tại Việt Nam từ giáo dục, báo chí, văn nghệ, nghệ thuật đến cuộc sống hằng ngày, mọi thứ vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm của "cách mạng", của "chiến thắng 30/4/1975", của người thắng kẻ thua.
Những người miền Nam thuộc "bên thua cuộc" còn ở lại Việt Nam, 45 năm qua chưa một ngày được đối xử công bằng, thậm chí đến đời con, đời cháu của họ vẫn bị đối xử kỳ thị vì cha ông đã phục vụ cho miền Nam tự do.
Những người sống ở nước ngoài và con cháu họ vẫn bị kỳ thị về chế độ thị thực, bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam nếu nhà cầm quyền cho họ vào "sổ đen".
Chấm dứt chiến tranh bộ máy cầm quyền thay vì xóa bỏ xung đột để tiến đến hòa hợp và hòa giải dân tộc thực sự, thì hố cách biệt giữa những người Việt với nhau càng sâu hơn, một lịch sử có "hợp" nhưng không có "hòa".
Không "hòa" không "giải"
Không có "hòa" thì không thể nào giải quyết được những xung đột về văn hóa, về niềm tin, về chính trị, về lịch sử, giữa Đảng cộng sản và những người thuộc "bên thua cuộc".
Người miền Nam thuộc "bên thua cuộc" vẫn luyến tiếc và giữ niềm tin vững mạnh là họ sẽ phục hồi lại văn hóa, lại giáo dục, lại kinh tế, lại công bằng, tự do và dân chủ cho Việt Nam.
Ý tưởng này vẫn tồn tại và phát triển trong sinh hoạt của những người miền Nam yêu chuộng tự do trong và ngoài nước.
Cùng lúc, những người Việt ra hải ngoại du lịch và du học, những người Việt về nước du lịch hay làm việc, và không gian mạng toàn cầu, đã tạo cơ hội người Việt trong và ngoài nước, người Việt thuộc nhiều thế hệ khác nhau, người Việt thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, người Việt thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, cùng hòa hợp với nhau, từng bước hòa giải, xóa bỏ những mâu thuẫn, những xung đột cùng hướng về tương lai.
Mặc dù không còn đất nước, không còn chính phủ nhưng bài học "hợp" nhưng không "hòa" không "giải", không cho phép người Việt hải ngoại tái phạm sai lầm đã xảy ra, nên không hề có chuyện người Việt tự do có nhu cầu phải đối thoại với giới chức cộng sản.
Sau 45 năm người Việt hải ngoại không còn suy nghĩ thắng thua hay không có nhu cầu phải hòa hợp hay hòa giải với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Các xung khắc mới…
Miền Bắc sau 30/4/1975 lúc đầu đời sống kinh tế có phần tốt hơn, nhưng về lâu dài cả hai miền Bắc Nam đều cùng chung số phận và sau 45 năm "thống nhất", xung đột đã từng bước chuyển sang những hình thức mới.
Xung đột giữa người cầm quyền với người bị trị, với những nông dân mất đất, xung đột giữa người dân làm không đủ ăn với những nhóm tư bản thân hữu phân chia lợi ích quốc gia, xung đột giữa những trí thức ưu tư về vận mệnh quốc gia và những người kiên định con đường cộng sản, và nhiều xung đột khác do thể chế chính trị gây ra.
Những xung đột này thay vì được giải quyết một cách dân chủ trong vòng luật pháp, nhà cầm quyền cộng sản lại khép cho những người bị thua thiệt là "thế lực thù địch", rồi thẳng tay đàn áp, bắt bớ, bỏ tù.
45 năm qua dường như Đảng cộng sản chưa có được một ngày hòa bình, chung quanh họ lúc nào cũng có những "thế lực thù địch" đe dọa sự tồn vong của thể chế Cộng sản.
Trở lại với cách suy nghĩ ông Nguyễn Chí Vịnh cho thấy những người cộng sản 45 năm nay vẫn không hề thay đổi, vẫn còn nghĩ thắng thua, chưa nghĩ đến chuyện "hòa" thì đừng mong nghĩ đến chuyện "giải" để có được kết luận "Hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công".
Bài học từ 30/4/1975
Ở thời điểm 30/4/1975 mấy ai nghĩ rằng cho đến năm 2020, nghĩa là 45 năm trôi qua, việc hòa hợp và hòa giải dân tộc vẫn chưa được nhà cầm quyền cộng sản thực hiện.
Hai năm trước mấy ai nghĩ đến chiến tranh thương mãi Trung Mỹ, chỉ vài tháng trước mấy ai nghĩ đại dịch viêm phổi xảy ra khắp toàn cầu, và mấy ai nghĩ đến việc Trung cộng đang phải đối đầu với suy thoái kinh tế, với nạn thất nghiệp, với việc thay đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu và rất có thể Trung cộng sẽ phải thay đổi chính trị : "thay đổi không thì chết".
Môi Bắc Kinh hở, thì răng Hà Nội lạnh, nhiều thay đổi ắt sẽ xảy ra tại Việt Nam trong những ngày sắp tới.
Bài học của 30/4/1975 cho thấy hòa hợp và hòa giải dân tộc không thể xảy ra trong thể chế độc tài, đảng trị, mà chỉ có thể có nhờ môi trường dân chủ, đa nguyên, đa đảng với bầu cử thực sự tự do.
Việc hoãn lại luật biểu tình cho thấy Hà Nội vẫn xem dân là "kẻ thù", chứng tỏ trong suốt 45 năm qua họ đã thất bại không hòa giải được như mong muốn của người dân hai miền Bắc Nam.
Melbourne, Úc Đại lợi, 14/05/2020
Nguyễn Quang Duy
Hòa giải, biện pháp nào khả thi ?
Cánh Cò, RFA, 05/05/2020
Không nhớ rõ ai là người trưng ra cụm từ hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng mỗi khi nghe đến cụm từ này, đặc biệt giữa những ngày tháng 4 hàng năm thì không ít người tỏ ra tin rằng người Việt khó lòng ngồi lại với nhau để hòa giải những bất đồng, những gút mắc từ 45 năm qua khi mà chiếc xe tăng cắm cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam húc đổ hàng rào dinh Độc Lập mở đường cho làn sóng của bên thắng trận tràn vào khắp miền Nam và gây nên những thảm cảnh cho hàng triệu người.
Chiếc xe tăng cắm cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam húc đổ hàng rào dinh Độc Lập mở đường cho làn sóng của bên thắng trận tràn vào khắp miền Nam và gây nên những thảm cảnh cho hàng triệu người.
Những thảm cảnh ấy không có trong sách giáo khoa, không có trên mặt báo chính thống và cũng không có lấy một phân cảnh nào trên hệ thống truyền hình quốc gia. Những thảm cảnh ấy im lặng nằm sâu trong ký ức của nhân dân miền Nam, sâu đến nỗi mỗi lần nhớ lại hay có ai nhắc tới thì không ai bảo ai lặng lẽ chậm nhanh giòng lệ hay chí ít cũng quay mặt đi che nỗi buồn nay đã nhăn nheo với thời gian.
Nhưng có nhăn nheo cũ mốc thế nào thì nạn nhân miền Nam cũng nhớ tới nó. Nhớ vì nó quá uất ức, quá nhẫn tâm và nhất là quá sức chịu đựng của con người.
Hòa giải, nếu có thì ai có bổn phận phải là người cúi đầu nhận lỗi ? Bởi chỉ có thật tâm nhận lỗi thì hòa giải mới có ý nghĩa và lúc ấy dân tộc mới có thể ngã mình nghỉ ngơi sau bao nhiêu năm chia lìa, gãy khúc.
Cảm giác đầu tiên của người thắng cuộc khi nhắc tới hòa giải là tâm lý luôn nghĩ người miền Nam lúc nào cũng đau đáu nỗi dằn xé của câu chuyện từ 45 năm trước kéo dài đến tận bây giờ. Kẻ thua trận là những người lên án, phủ nhận mọi chính sách hòa giải của chính phủ. Họ không chấp nhận ngồi vào chiếc bàn tròn dân tộc, họ nhìn thành tựu của người thắng trận là thành quả của bóc lột, cưỡng chế và đánh tráo từ ngữ lẫn khái niệm từ đó bên thắng trận đòi hỏi bên thua phải mở lòng ra cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước. Họ kêu gọi không nên mang nặng hiềm khích, thành kiến và nhìn nhận thành tựu của đất nước như một kết quả không thể phủ nhận.
Lập luận đó vừa ngụy biện vừa trốn chạy sự thật. Nạn nhân lúc nào lại chẳng kêu đau và oán thán kẻ làm cho họ tan nhà nát cửa ? Bên thất trận rõ ràng là nạn nhân và không có một từ ngữ nào có thể thay thế nhằm diễn tả căn cước của họ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Vì là nạn nhân họ không thể chạy tới trước kẻ thắng trận tuyên bố chúng tôi bỏ qua không thù hận các anh nữa, chúng tôi xem các anh là đồng bào ruột thịt mặc dù chính các anh trù dập gia đình chúng tôi. Chúng tôi tình nguyện cùng các anh chung tay bảo vệ và phát triển đất nước và sẽ tuân theo mọi chỉ thị, chính sách mà các anh đề ra.
Những lập luận như thế chỉ có bọn dư luận viên, Việt kiều giả danh yêu nước, hay những kẻ túng quẩn phải chạy vào cơ sở nhà nước xin việc…liệu những kẻ như vậy có xứng đáng nói chuyện hòa giải hay không ?
Yêu cầu nạn nhân mở lời hòa giải là một yêu cầu ngây ngô và bất lương chính trị, nó không khác gì người bị đánh phải xin lỗi kẻ đánh mình để sau đó nghe vài lời "không có chi" của kẻ thủ ác.
Hòa giải không phải không làm được, nhưng ít ra phải phân định ai là người phải hành động một cách thiết thực trong tinh thần nhận lỗi và sửa sai.
Chính quyền đã sai từ những ngày đầu tiên sau khi chiếm được Sài Gòn. Thay vì ổn định lòng dân để lo phát triển đất nước, bên thắng trận đã nói dối với thành phần sĩ quan của quân đội thua trận, bắt hàng trăm ngàn người giam cầm liên tục trong gần hai thập niên, gây căm phẫn khắp nơi từ vĩ tuyến 17 trở vào tận mũi Cà Mau. Xác tù cải tạo chết vì bệnh tật, đói khát, hay bị tra tấn, trốn trại... không trại giam nào không có. Cho tới 45 năm sau, những xác chết vô thừa nhận ấy vẫn co quắp nằm trong vòng kẽm gai hoặc vùi lấp đâu đó không ai hay biết.
Sai lầm thứ hai là đánh tư sản mại bản gây ra sự hoảng loạn cùng cực cho nhân dân. Hàng trăm ngàn người bị đuổi ra khỏi nhà mình với hai bàn tay trắng, tha phương cầu thực không biết trôi nổi về đâu giữa lúc Sài Gòn hò reo chiến thắng. Những con người tội nghiệp ấy có kẻ phát điên phát khùng, có kẻ thân tàn ma dại, có kẻ ra nước ngoài với hai bàn tay trắng…
Sai lầm nối tiếp sai lầm khi chính sách kinh tế mới tiếp tay tạo nên nỗi sợ hãi khủng khiếp khiến hàng triệu người bỏ quê hương tìm đường vượt biên chấp nhận thà chết hơn là sống dưới một chế độ chỉ có chính sách hủy diệt. Họ ra đi và hàng trăm ngàn người chết không toàn thây trên biển Đông. Xác của họ trôi dạt trên nhiều hòn đảo và mỗi nơi chỉ có vài cây thánh giá, một ít bia mộ làm bằng…45 năm sau họ vẫn còn tha hương và chưa bao giờ được yên giấc ngàn thu như một con người.
Ba yếu tố làm cho bộ mặt miển Nam bi thảm ấy phải được san lấp mặc dù khó khăn và đầy trắc trở cũng phải làm cho bằng được nếu thật lòng muốn hòa giải.
Trước nhất đừng mở miệng nói thêm những mỹ từ nào nữa hãy âm thầm thành lập một Ủy ban Hòa giải Quốc gia có khả năng và quyền lực thật sự. "Khả năng" dựa trên tính chính danh từ Thủ tướng Chính phủ hay Chủ tịch nước cho phép và cử người điều hành. "Quyền lực" dựa trên sự ủy nhiệm của cấp cao nhất và sự ủy nhiệm này có mục đích phá bỏ mọi ngăn trở từ những nhóm quyền lực ăn theo quá khứ.
Hãy có kế hoạch gom nhặt hài cốt của người quá cố tại các trại cải tạo song song với việc ngoại giao với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines cảm ơn và xin phép họ cho cải táng hài cốt của những thuyền nhân Việt Nam đang nằm trên đất nước của họ. Thành lập một nghĩa trang chung cho những cải tạo nhân và thuyền nhân bất hạnh. Không cần phải hoành tráng to đẹp nhưng cần nhất tấm lòng trân trọng yêu thương họ như đồng bào ruột thịt.
Đối với người sống, thương phế binh VNCH là lớp người cần hòa giải nhất. Sau chiến tranh họ trở thành kẻ sống thừa và nấp vào tình thương của xã hội mà sống. Hãy chấp nhận họ như một thành viên trong ngôi nhà Việt Nam đau khổ vì chiến tranh. Hãy công nhận tư cách thương phế binh của họ như thương binh miền Bắc và cung cấp cho họ đủ sống. Nếu không làm như thế khi nhìn thấy những thân thể tàn phế lang thang kiếm ăn trên đường phố thì mọi nổ lực dành cho người chết sẽ không còn bao nhiêu ý nghĩa.
Đối với tài sản của người bị đánh tư sản mại bản hãy trả lại nếu họ có đơn đòi. Phải chấp nhận sự thật rằng đây là tài sản hợp pháp mà họ hay con cháu họ có quyền thừa hưởng. Mọi áp lực từ người thừa hưởng hiện tại cần phải được giải quyết thỏa đáng, đừng phạm sai lầm một lần nữa khi thẳng tay đuổi họ ra khỏi nơi cư trú vì chính sách hòa giải. Có thể phải xây chung cư cho họ tái định cư nhưng không cần phải nhà to cửa rộng để mua lấy sự im lặng của những người này.
Việc làm của chính phủ không cần khoa trương và nhất là đừng kêu gọi sự tiếp tay tài chánh của người Việt hải ngoại. Trong thời đại Internet hôm nay người Việt trên toàn thế giới nhìn vào và họ tự biết phải làm gì trước sự thành tâm hòa giải của chính quyền trong nước. Hãy để họ tình nguyện ca ngợi thành quả của Ủy ban Hòa Giải Quốc gia, khi ấy ai là người được lợi trong chính sách này chắc không phải là điều khó hiểu.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 05/05/2020 (canhco's blog)
*******************
Khi kẻ cầm súng nói chuyện hòa giải
Cánh Cò, RFA, 04/05/2020
Như lệ thường cứ đến ngày 30 tháng 4 là người ta lại nhắc lại việc hòa hợp hòa giải dân tộc. Bên cạnh những kỷ niệm đau đớn về ngày được mệnh danh là "giải phóng", người dân miền Nam và hải ngoại mỗi lần nghe nhắc tới cụm từ "hòa giải hòa hợp" thì chừng như càng xót xa hơn, bởi trong thâm tâm họ, những nạn nhân trước, trong và sau cuộc chiến hai chữ hòa giải chỉ nói lên được một ngữ cảnh : tuyên truyền cho chế độ.
Nguyễn Chí Vịnh trịch thượng và kiêu căng, thói kiêu căng của kẻ chiến thắng
Năm nay báo chí vẫn gọi là ngày kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng và thống nhất đất nước trong khi người ta biết chắc rằng hai chữ "giải phóng" chỉ là cưỡng từ đoạt lý. Có hai bài thuyết giảng về ngày này được báo chí chăm chút, bài thứ nhất của ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, và bài thứ hai của ông Thứ trưởng Bộ quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Bài của ông Nguyễn Thiện Nhân hình như đọc cho những người ngồi trong phòng họp nghe và sau đó được phân phối cho hệ thống Đảng để học tập và theo dõi, người dân không ai đá động tới, nó vô bổ và rổn rảng tiếng búa liềm.
Bài của ông Nguyễn Chí Vịnh thì khác, ông trả lời báo chí những câu hỏi có vẻ đi xa hơn vòng vây của guồng máy và cũng có thể đây là ý kiến của ông khi gợi ý cho báo chí những điều ông muốn nói. Người dân chú ý ông đá động tới vấn đề hòa giải hòa hợp, nhưng càng đọc người ta càng thấy ông trịch thượng và kiêu căng, thói kiêu căng của kẻ chiến thắng.
Trả lời câu hỏi : "Nói đến ngày chiến thắng 30/4, chúng ta thường nói về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Thượng tướng có nhận xét gì về tiến trình này ?" ông Vịnh cho rằng : "Khi nói về chiến thắng 30/4, đúng là một nửa thì vui, một nửa thì không vui. Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng, chiến thắng này đem lại lợi ích cho cả người thắng lẫn kẻ thua và thời gian đã chứng minh điều ấy".
Lời ích cho kẻ thắng thì ai cũng biết. Cứ nhìn vào nơi ăn chốn ở, tài sản chìm nổi của kẻ chiến thắng thì "lợi ích" của họ không đếm xuể. Nhưng nếu nói đến lợi ích của kẻ thua thì e rằng ông Vịnh chỉ nói lấy được. Lợi ích của họ là nhiều năm trong tù cải tạo, tài sản bị tịch thu khi Đỗ Mười chủ trương đánh tư sản mại bản. Hàng triệu người bỏ mạng trên biển đông hay trong những cánh rừng của đất nước Campuchia khi vượt biên sang Thái. Hàng trăm ngàn gia đình bị lùa đi kinh tế mới và sống đời sống rất "lợi ích" nhưng không ai mong muốn và lợi ích cuối cùng của những kẻ thất trận là niềm uất ức theo đuổi họ khôn nguôi trong suốt 45 năm nay.
Ông Vịnh nói đúng "Trong những năm đầu sau 1975, hận thù rất lớn, nhất là từ những người từng làm việc ở chế độ cũ. Tâm tư về sự thua cuộc của họ rất nặng nề" nhưng ông Vịnh lại sai trầm trọng khi cho rằng : "Điều đó khiến chúng ta trải qua giai đoạn rất khó khăn về hòa giải dân tộc. Chúng ta vừa phải giúp người dân nhận thức vấn đề thật đúng đắn, đồng thời khẳng định có kẻ thắng, người thua, không thể "hòa cả làng. Từ đó, các chính sách của Đảng và Nhà nước giúp những người trong chế độ cũ cảm thấy không bị kì thị, miễn là họ yêu nước. Chúng ta cũng không quay lại bới móc chuyện họ đã làm cho những kẻ xâm lược".
Đúng là Đảng cộng sản trong suốt 45 năm nay chưa bao giờ ngừng lên tiếng về chiến thắng trong ngày 30 tháng 4. Đảng đã khẳng định chỉ có Đảng mới có thể lèo lái con thuyền dân tộc tới chiến thắng ngoạn mực này và vì vậy kẻ thua phải chịu trừng phạt và dĩ nhiên không thể "hòa cả làng" như ông Vịnh xác định.
Tuy nhiên khi ông Vịnh cho rằng "các chính sách của Đảng và Nhà nước giúp những người trong chế độ cũ cảm thấy không bị kì thị" thì ông tỏ ra không khéo léo khi nói dối. Nói dối trắng trợn và không chớp mắt.
Chưa ngừng lại ở đó, ông Nguyễn Chí Vịnh tuy không phải là một yếu nhân của chính phủ nhưng lại phát ngôn khiến mọi chính sách của nhà nước về vấn đề hòa giải hòa hợp trở nên hài hước khi ông nói rằng "quan trọng nhất hiện nay là vị thế quốc gia và sự phát triển đất nước. Rõ ràng, không thể có chuyện kẻ thua mà xây dựng đất nước Việt Nam như ngày hôm nay được".
Trong câu nói trên ông chia thành hai đối trọng. Đối trọng thứ nhất là kẻ thắng, kẻ tự hào rằng đất nước được như ngày nay đều hoàn toàn trông cậy vào họ. Đối trọng thứ hai là kẻ thua, kẻ thua thì không có chuyện xây dựng đất nước như hôm nay được.
Ông quên rằng trước khi thua cuộc những kẻ bại trận từng có một vị thế quốc gia khiến nhiều nước phải nể phục. Họ từng có Sài Gòn hòn ngọc viễn đông, họ từng có Quốc hội lưỡng viện cùng một nền báo chí độc lập không bị chính phủ cưỡng đoạt. Họ từng có một hệ thống giáo dục mà ngày nay khi nhắc lại không ai có thể phê phán như hệ thống giáo dục hôm nay. Họ từng có tiếng vang trên những diễn đàn chính trị quốc tế cũng như họ từng có hàng trăm ngàn trí thức thật sự vì nước vì dân.
Ông Thượng tướng vốn không biết tới chế độ Việt Nam Cộng Hòa có lẽ lúc ấy ông còn quá trẻ để biết sự thực và vì vậy ông tiếp tục lừa bịp chính mình khi khẳng định rằng "Chiến tranh phải có kẻ thắng, người thua. Có điều là thắng rồi nhưng không trả thù mà khoan dung, tạo điều kiện cho anh quay lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đất nước Việt Nam".
Vâng nhờ "khoan dung" mà hàng trăm ngàn sĩ quan chế độ cũ trôi nổi khắp thế giới với cái mác "ngụy" trên vai áo. Cái mác ấy khiến cho bao thế hệ sau đó lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì nhờ chính quyền khoan dung và tạo điều kiện cho họ đi bán chợ trời thay vì vào ghế đại học.
Bởi vì ông là người cầm súng trong văn phòng máy lạnh và vì vậy khó ai tin rằng ông thực sự bỏ cây súng sang một bên để cầm lên cây viết, phác thảo những câu chữ về hòa giải đối với đối phương vốn từng là đối thủ của bề trên của ông. Ông chưa đủ tư cách phát ngôn một vấn đề lớn như thế của quốc gia dân tộc. Ông chí có tư cách trong vai trò Thứ trưởng Quốc phòng đó là bảo vệ đất nước trước mọi kẻ thù mà kẻ thù trước mắt đáng lo nhất là Trung Quốc.
Trước kẻ thù này ông có dám hào nhoáng trong câu chữ, khệnh khạng trong ý tưởng hay nhỏ nhẹ, tránh né đáng hỗ thẹn như ông đã từng nói nhiều lần trước đây ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 04/05/2020 (canhco's blog)
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh phạm tội hình sự
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 01/05/2020
Dù đã 45 năm trôi qua, siêu thảm họa mang tên Ba Mươi Tháng Tư vẫn ám ảnh khôn nguôi lớp người trải qua thời ly loạn.
Dù đã 45 "mùa xuân đại thắng", người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục hát vang sự lẫy lừng, chấn động địa cầu với khẩu hiệu :
Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào
Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn…
Không có cảnh đoàn viên như người cộng sản Việt Nam vẽ ra, tệ hơn vậy, lớp trẻ ngày nay, họ vẫn bị "siêu thảm họa" đó bám theo và đeo đẳng với những oan nghiệt của 45 năm về trước, dù họ không hề tham gia vào "công cuộc nồi da xáo thịt" đó !
Phải định danh lại cuộc chiến
Mới đây, đài RFA cho hay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời VTC xung quanh "Bên Thắng Cuộc" về vấn đề hòa hợp hòa giải. Ông Vịnh nói [1] :
"Bảo là không có kẻ thắng người thua là không đúng. Thắng rồi nhưng tôi không có trả thù. Thắng rồi tôi khoan dung. Thắng rồi tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đảng và nhà nước mình".
Ba Mươi Tháng Tư, ngày mà người dân Việt Nam trong và ngoài nước, từ lớp già đến lớp sồn sồn rồi cả lớp trẻ ngày càng vỡ lẽ mục đích của người cộng sản Việt Nam, ngày càng không thể chối bỏ hậu quả thê thảm kéo dài tới tận bây giờ, tất cả cũng nhờ thời đại internet, mọi khuất lấp và khuất tất của cuộc chiến, từ chỗ hé lộ đến phơi bày khá trọn vẹn.
Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia, với những biểu hiện căn cứ theo công pháp quốc tế :
- Có lãnh thổ xác định
- Có dân cư xác định
- Có Chính phủ điều hành và kiểm soát toàn cõi
- Có quan hệ ngoại giao và tham gia các điều ước quốc tế (mặc dù lúc bấy giờ cả Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không được Liên Hiệp Quốc công nhận là thành viên, nhưng Việt Nam Cộng Hòa có quan hệ ngoại giao với 77 quốc gia).
- Có đồng tiền riêng
- Có quốc kỳ
và nhiều biểu hiện khác, như : mã vùng điện thoại quốc tế (084) hiện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang sử dụng cũng do tiếp nhận từ Việt Nam Cộng Hòa, chữ viết tắt SGN (dành cho cảng hàng không Tân Sơn Nhứt) cũng là tiếp nhận từ Việt Nam Cộng Hòa, các tòa lãnh sự ở các quốc gia trước 75 của Việt Nam Cộng Hòa đều được Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp nhận đầy đủ, các khoản nợ của Việt Nam Cộng Hòa thì Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm nhận và trả nợ v.v…
Ngoài ra, tại trang 7 của "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam", có viết :
Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với sự thỏa thuận của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,
Chính phủ Hoa Kỳ với sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam cộng hòa,
Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình ở Châu Á và thế giới.
Đã thỏa thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây :
Đoạn trích trên, do Vụ Thông tin báo chí - Bộ Ngoại giao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phát hành đợt đầu tại Nhà máy in Tiến bộ. Gửi lưu chiểu vào tháng 2 năm 1973.
Theo đó, Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia và lúc bấy giờ đang nỗ lực lập lại hòa bình bằng việc thỏa thuận ký kết Hiệp định Paris với 3 bên : Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (do bà Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký) và Chính phủ Hoa Kỳ.
Sau đó, khi Hoa Kỳ rút quân theo đúng cam kết của Hiệp định Paris thì Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã thông đồng phá hoại Hiệp định Paris dưới tên gọi chiến dịch [2] : "Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam" với tên gọi tắt : "Chiến dịch mùa Xuân năm 1975" - Tên gọi này là tên gọi chính thức của người cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ , tức là không thể chối bỏ sự toa rập để phá hoại Hiệp định Paris mà họ đã đặt bút ký.
Vì vậy, phải xác định ngày Ba Mươi Tháng Tư không phải là ngày miền Nam được "giải phóng" mà đó là ngày Hiệp định Paris bị phá hoại.
Chủ trương "hòa hợp hòa giải dân tộc" bị phá sản cũng do Hiệp định Paris không được tôn trọng và thi hành trên thực tế.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cần phải chịu tội với phát ngôn của mình
Ông Nguyễn Chí Vịnh cố tình bôi xóa lịch sử. Ông Vịnh nên nhớ, lịch sử không phải là cuốn tự truyện của kẻ chiến thắng. Do đó, trong tư cách một nhà quân sự và được biết là Phó Giáo sư - Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế cũng như đang đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Chí Vịnh không được phép bóp méo lịch sử, vì lịch sử là khoa học.
Hòa giải hòa hợp chỉ có ý nghĩa, khi và chỉ khi nhìn nhận sự thật lịch sử với lòng hướng thiện, phải nói về tình dân tộc - nghĩa đồng bào. Đặc biệt, không được phép đặt vấn đề "thắng - thua", nhất là ông Vịnh đang mang thân phận một người lính - Mục đích của người lính là bảo quốc an dân, không phải chỗ để bày tỏ "hơn thua" mà lại là "ăn thua đủ" với đồng bào của mình - Đây đã đủ kết luận Nguyễn Chí Vịnh phạm vào điểm a, điểm b mục 1 điều 116 thuộc Bộ luật hình sự như dưới đây :
Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm :
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội ;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ;
Kết
Hòa hợp hòa giải dân tộc là khát khao của người Việt Nam từ hàng chục năm qua.
Hình ảnh những vị thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa sống lây lất tại Vườn Rau Lộc Hưng bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh xua đuổi vào năm ngoái, vẫn đầy ám ảnh bởi khúc chân giả bị đánh rơi trong cơn hoảng loạn khi bỏ chạy để toàn mạng, nó vẫn còn nguyên đó…
Hòa hợp hòa giải làm sao đây ! ! !
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 01/05/2020 (nguyenngocgia's blog)
[1] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-true-that-national-reconci…
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_M%C3%B9a_Xu%C3%...
***************
Có đúng là hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công như lời ông Nguyễn Chí Vịnh ?
Diễm Thi, RFA, 30/04/2020
Thực tế
Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc từng được đặt ra ngay sau hiệp định Paris năm 1973 với việc ra đời của Hội đồng Hòa giải Hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để lo tổ chức tổng tuyển cử, tái lập hòa bình.
Bộ đội Bắc Việt vào Dinh Độc Lập, Sài Gòn hôm 30 tháng 4 năm 1975. AFP
45 năm sau sự kiện 30 tháng 4, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có cuộc trò chuyện với truyền thông trong nước và ông cho rằng tiến trình hòa hợp dân tộc đã hoàn thành. Ông nói :
"Quan điểm của tôi là chúng ta đã thành công. Thành công nhờ chính sách khoan dung của đảng và Nhà nước. Nhưng quan trọng nhất là nhờ sự phát triển của đất nước. Nó chứng minh chiến thắng ấy đem lại cho đất nước ta một sự phát triển mới mà không người dân Việt Nam nào cũng như bạn bè quốc tế không nhận thức được. Tôi cho là như vậy".
Nhà quan sát thời cuộc Quang Hữu Minh từ Sài Gòn nhận định :
"Sự kiện 30 tháng 4 chỉ thống nhất được lãnh thổ chứ không thống nhất được lòng người. Đến bây giờ nó vẫn là như thế.
Theo tôi thấy, chính sách thời hậu chiến của Đảng cộng sản Việt Nam về hòa hợp hòa giải dân tộc đến nay vẫn chưa thành công. Chính sách phải cụ thể từ tư duy đến hiện kim và hiện vật. Cuộc chiến này nếu bỏ từ "giải phóng" thì nó là nội chiến. Phía nào chiến thắng thì nên có trách nhiệm và sự nhân văn đối với phía bên kia".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già bày tỏ sự thất vọng khi nghe cuộc phỏng vấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với VTVnews hôm 30 tháng 4 năm 2020. Theo ông, cách trả lời của ông Vịnh bộc lộ ra những điểm mà gọi ông là ‘ngụy biện, phản khoa học, chính trị hóa lịch sử’.
Nhà báo này cho rằng việc hòa hợp hòa giải dân tộc không thể thực hiện khi hội chứng để lại sau chiến tranh quá năng nề với những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Số này phải sống lây lất ngay tại Việt Nam cho tới ngày hôm nay. Ông phân tích thêm :
"Cái gọi là chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc của người cộng sản chỉ là một chiêu bài mị dân. Tôi cho rằng đến nay họ thất bại hoàn toàn. Mục tiêu của chiêu bài hòa giải hòa hợp dân tộc là để đưa ra một chiêu bài nữa, đó là đoàn kết.
Cái chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc đã có từ rất lâu. Bàn về vấn đề này là một câu chuyện dài, nhưng trong cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, thì tôi thấy có một điều mà ông ta không thể thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc được, điều rất quan trọng, đó là ông ta nhấn mạnh nhiều lần về chuyện thắng - thua".
Theo ông Vịnh, chiến tranh phải có người thắng, kẻ thua. Ông khẳng định quân đội của cách mạng thắng. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thắng. Thắng kẻ xâm lược là Mỹ và tay sai. Ông Vịnh nói thêm :
"Bảo là không có kẻ thắng người thua là không đúng. Thắng rồi nhưng tôi không có trả thù. Thắng rồi tôi khoan dung. Thắng rồi tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đảng và nhà nước mình".
Việt Nam kỷ niệm ngày 30 tháng 4. AFP
Ông Quang Hữu Minh nhận định về chữ "trả thù" ở đây :
"Nếu nói theo ngôn ngữ của Đảng cộng sản Việt Nam thì đó gọi là ‘ổn định chính trị’, còn nói theo ngôn ngữ của người thua cuộc thì đó là ‘trả thù’. Tôi không thiên về từ ngữ mà tôi thiên về thực chất, thì trong những đợt học tập cải tại có những người chết, có những người bị chỉnh huấn, có trừng phạt khốc liệt. Đó là thực tế những gì đã diễn ra. Thành ra dùng chữ nào là do ở phía bên nào mà thôi chứ thực tế thì không ai có thể phủ nhận".
Vì sao chưa thể hòa hợp hòa giải ?
Theo ghi nhận của RFA, đa số người dân cả trong và ngoài nước đều cho rằng không thể có hòa hợp hòa giải với chính sách hiện nay của chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản khi vẫn tiếp tục bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến ; vẫn không có tự do ngôn luận ; không có tự do báo chí ; không có tự do tôn giáo và vẫn ăn mừng chiến thắng 30 tháng 4 hàng năm.
Theo họ, muốn hòa hợp hòa giải thành công thì cần rất nhiều yếu tố.
Ông Ngô Trường An, một người dân Sài Gòn nêu ý kiến của mình rằng, ông không nhận thấy một thiện chí nào tỏ ra hòa hợp hòa giải từ nhà cầm quyền hiện nay khi 30 tháng 4 hằng năm, tuyên giáo vẫn cho phát sóng dày đặc các chương trình giải phóng miền nam. Phóng viên phỏng vấn anh hùng này, mẹ liệt sĩ kia để tự hào ; những bài hát cách mạng vẫn được phát ra rả cả tuần trước đó. Nhà nước vẫn cho cán bộ công nhân viên nghỉ lễ, ăn mừng. Nhiều cơ quan còn có quà mừng, siêu thị giảm giá để nhân dân mua sắm ăn mừng… Đặc biệt, thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa vẫn bị giám sát, ngăn chặn khi họ tập trung nhận quà từ thiện từ các tổ chức tôn giáo.
Ông Quang Hữu Minh nêu những việc cần làm theo thiển ý của ông :
"Bây giờ việc cần làm đầu tiên là phải bỏ khái niệm "giải phóng" trong lịch sử đối với ngày 30 tháng 4 đi. Chuyện quá khứ mình không nói nhưng bây giờ nếu dùng từ "giải phóng" có nghĩa mặc nhiên Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận miền Nam Việt Nam thuộc về miền Bắc lúc đó thì mới có vấn đề giải phóng.
Cái thứ hai là nhà nước sau phải nhận trách nhiệm của nhà nước trước. Nếu bỏ khái niệm "giải phóng" thì đây chỉ là cuộc nội chiến và nhà nước sau phải có trách nhiệm với những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Nếu làm được hai điều đó thì nó sẽ tác động căn cớ đến hòa hợp và hòa giải dân tộc. Và cần phải có chính sách, tư duy then chốt chứ không thể chỉ hòa giải trên báo, hòa hợp trên miệng được".
Ông Nguyễn Chí Vịnh cho rằng : Trong những năm đầu hận thù rất lớn, nhất là những người từng làm việc ở chế độ cũ. Cái tâm tư về sự thua cuộc của họ cũng rất nặng nề. Chúng ta đã trải qua những giai đoạn rất là khó khăn trong việc hòa giải dân tộc. Làm sao để người dân nhận thức vấn đề một cách đúng đắn. Đúng đắn nhưng phải có kẻ thắng người thua chứ không hòa cả làng được. Đến bây giờ, với chính sách của đảng và nhà nước họ cảm thấy không bị kỳ thị. Miễn là họ yêu nước. Mình không quay lại bới móc những chuyện họ làm cho kẻ xâm lược. Chúng ta không làm chuyện ấy.
Ông Nguyễn Ngọc Già phân tích thêm lý do cho đến nay vẫn chưa thể hòa hợp hòa giải :
"Khi còn tư tưởng kiên định của người cộng sản Việt Nam là thắng – thua thì không nên nói về hòa hợp hòa giải. Bởi khi nói tới hòa hợp hòa giải là nói tới tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Đó là lý do thứ nhất tôi cho rằng tới ngày hôm nay, chủ trương hòa hợp hòa giải người Việt Nam hoàn toàn phá sản.
Thứ hai, không thể gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chiến thắng theo cách của người cộng sản. Chiến thắng ở đây theo ý kiến cá nhân của tôi, đó là chiến thắng phi nghĩa, bất chính danh và vô nhân đạo".
Nhiều người cho rằng miền Bắc Việt Nam vi phạm Hiệp định Hòa bình Paris được ký năm 1973 nên họ không cho đây là một chiến thắng của chính nghĩa.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 30/04/2020
***********************
Những người ‘chưa từng về lại Việt Nam từ sau năm 1975’
VOA, 30/04/2020
Một số người Việt rời Việt Nam đi tị nạn kể từ sau năm 1975 nói với VOA rằng họ chưa về lại lần nào, ‘vẫn sẽ không về nếu Đảng cộng sản vẫn còn cầm quyền ở Việt Nam’ và mô tả điều mà họ cho là ‘tình hình tối tăm’ ở trong nước hiện nay.
Người Việt hải ngoại vẫn tưởng nhớ ngày 30/4 hàng năm
Tháng Tư này đánh dấu tròn 45 năm ngày Sài Gòn sụp đổ mà chính quyền Hà Nội gọi là "ngày thống nhất đất nước", nhưng hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi lánh nạn chế độ cộng sản xem là ngày "ngày quốc hận", với làn sóng di tản ồ ạt của nhiều người Việt, mà phần đông là đến Hoa Kỳ.
VOA đã liên lạc với hai người trong số đó là ông Đinh Hùng Cường, hiện sống ở tiểu bang Virginia, và ông Võ Thành Nhân, hiện sống ở bang Maryland, để tìm hiểu lý do vì sao hai ông quyết định không về Việt Nam.
‘Vẫn là người Việt’
Ông Đinh Hùng Cường, trước năm 1975 nguyên là Quận trưởng Quận Thủ Thừa và có tham gia một trong những trận chiến cuối cùng với quân Bắc Việt vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, cho biết cả gia đình ông ‘đều chống Cộng’.
Ông nói trong 45 năm qua, những người thân của ông còn lại ở Việt Nam như cha mẹ, anh em hay thân hữu ‘đa số đều đã chết hết rồi’ và mỗi lần có người thân qua đời ở Việt Nam, ông đều không về dự tang.
"Tôi không về khi người thân qua đời bởi vì tôi không bao giờ tin tưởng cộng sản", ông nói. "Mặt khác, tôi là người chống Cộng ở hải ngoại nên nếu tôi về sẽ bị họ làm khó dễ nên tôi quyết định không về".
Ông Cường, từng là chủ tịch cộng đồng người Việt Quốc gia tại vùng Washington D.C., Maryland và Virginia, nói việc ông không về nước cũng là ‘một cách đối kháng với chính quyền cộng sản’.
Khi được hỏi có đau lòng không khi không về gặp người thân lúc sinh ly tử biệt, ông trả lời : "Đau lòng của tôi là đất nước mình đã rơi vào tay Đảng cộng sản làm cho cả dân tộc đau khổ còn người thân của tôi tới tuổi già thì phải chết thôi".
"Bao nhiêu người Việt Nam ở đây (tức ở Mỹ) chỉ vì họ thương gia đình, thương dòng họ, họ gửi về biết bao nhiêu tiền nuôi chế độ đó (tức chế độ cộng sản)", ông bức xúc nói.
Theo lời ông thì vợ ông còn chống Cộng hơn cả ông và các con trai, con gái của ông, mặc dù rời Việt Nam khi còn rất nhỏ, ‘lớn lên đều đi biểu tình chống cộng sản’ và các con ông ‘đều không có ý định trở về để làm việc ở Việt Nam’ vì họ ‘học theo hệ thống Mỹ nên hiểu tự do, dân chủ’.
Trả lời câu hỏi có bao giờ có ý nguyện về lại quê hương không, ông Cường nói : "Có chứ ! Tôi rất mong muốn trở về sinh sống với đồng bào, dân tộc tôi khi người cộng sản không còn là cộng sản. Họ phải có tình người, phải có nhân đạo. Còn nếu họ sống chỉ biết lợi lộc cho Đảng của họ thì trở về tôi cũng không thể sống như vậy được".
Dù xa quê hương đã nhiều năm, ông Cường, vốn sinh ra ở Hà Nội và di cư vào Nam vào năm 1954, nói trong ký ức của ông, ông vẫn nhớ miền Nam ‘hiền hòa, lương thiện, có tình người và đối xử với nhau rất tử tế’.
Ông cho biết ông ‘vẫn coi Việt Nam là quê hương’ dù sống ở Mỹ đã lâu. "Mình có sống ở Mỹ đến 100 năm cũng không thể đổi thành da trắng được và cũng không thể nói tiếng Mỹ như người Mỹ được", ông giải thích.
‘Không thực lòng hòa giải’
Về sự trở về của một số nhân vật nổi bật như cố Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, cố nhạc sĩ Phạm Duy, ông Cường nói ‘đó là quyền của họ’ mà ông không phê phán.
Tuy nhiên, ông bày tỏ nghi ngờ về ‘thành ý hòa giải’ của Đảng cộng sản và cho biết đó là một trong những lý do ông không có lòng tin để trở về.
Ông chỉ ra chuyện dễ nhất để hòa giải là ‘trùng tu nghĩa trang quân đội Biên Hòa’ mà ‘chính quyền trong nước không làm’. "Những người đó đã chết rồi. Nếu giữ gìn thì đó là cử chỉ hòa hợp hòa giải với những người của Việt Nam Cộng Hòa. Tại sao họ lại chà đạp nghĩa địa của những người đã chết như vậy", ông nói.
Ông cho rằng Đảng cộng sản hòa giải ‘theo kiểu của người chiến thắng muốn làm gì thì làm cần biết đến người chiến bại’ và nếu muốn hòa giải thật sự ‘cần phải bỏ sự kiêu căng đó đi’.
Cho dù chính quyền trong nước không còn gọi ngày 30/4 là ‘Ngày Giải phóng’ đi nữa mà chỉ gọi là ‘Ngày Thống nhất’ thôi thì vẫn chỉ là ‘bình mới rượu cũ’, ông nói.
"Vấn đề là sự thành thật, sự thật tâm. Nếu cộng sản có thực tâm thì đồng bào dân chúng ngoại quốc người ta nhìn thấy ngay", ông nói.
Mặc dù chưa về lại Việt Nam lần nào nhưng ông Cường cho biết ông ‘vẫn nắm tình hình tronrg nước’ qua ‘những người đấu tranh cho dân chủ tự do thông báo tin tức ra bên ngoài’ và thông tin mở rộng hơn xưa.
"Những chuyện như cướp nhà, cướp đất, giết người họ đều đưa lên mạng và chúng tôi nhìn thấy rõ ràng", ông nói.
Ngoài ra, ông cho biết ông cũng được nghe những bạn bè ông kể lại những điều họ mắt thấy tai nghe khi về nước mà ông cho là ‘phồn vinh giả tạo’ vì hố sâu cách biệt rất lớn giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị với nông thôn.
Ông thừa nhận rằng sau gần nửa thế kỷ thanh bình thì ‘dĩ nhiên Việt Nam phải có thay đổi’ nhưng ‘thay đổi đó không theo kịp đà phát triển của thế giới’ và ‘chỉ làm lợi cho những người trong Đảng chứ không phải người dân’.
Mặc dù mong chế độ cộng sản trong nước ‘thay đổi’ để ông có thể về Việt Nam nhưng ông Cường cũng nhìn nhận rằng ‘những người như ông không còn làm gì được để thay đổi tình hình trong nước’.
"Chúng tôi đã tị nạn 45 năm nay rồi thì lấy sức lực gì để đòi cộng sản thay đổi ?" ông nói. "Điều thực tế là những người cộng sản phải mở cái tâm họ ra và nhìn thấy thế giới hôm nay đã thay đổi".
Ông cho rằng ‘chế độ cộng sản khó có thể sụp đổ’ nhưng ‘không thể nào độc quyền cai trị mãi được’ và ‘sẽ có lúc thực hiện đa đảng để cho người dân dân chủ, tự do’.
‘Sợ lá cờ Việt Cộng’
Còn ông Võ Thành Nhân, đại diện của Đài truyền hình SBTN tại vùng thủ đô Washington D.C., nói một trong những nguyên nhân chính khiến ông không về nước trong 40 năm qua là vì ông ‘sợ lá cờ Việt Cộng’.
"Về nước sẽ nhìn thấy nhiều cờ Việt Cộng, những bích chương, biểu ngữ họ tuyên truyền nên tôi không thích", ông Nhân, người vượt biên sang Mỹ vào năm 1980 khi ông mới 23 tuổi, nói với VOA.
Theo lời ông giải thích thì lá cờ đỏ sao vàng gợi cho ông ‘cảm giác về một đoàn quân ác lắm trong chiến tranh’.
"Nhất là ngày 30/4 nhìn thấy cờ đỏ tràn ngập thành phố của mình (Sài Gòn), mình thấy khốc liệt quá, hãi hùng quá", ông nói thêm.
"Lúc còn nhỏ tôi thấy những người xung quanh đi ‘cải tạo’ không thấy ngày về cũng sợ lắm. Lúc đó ai dám nói lên tiếng nói chống đối sẽ bị bắn bỏ", ông giải thích thêm về ấn tượng của ông đối với màu cờ đỏ.
Ông cho biết lúc đi vượt biên thì ông đang học năm 4 Đại học Y khoa. Mặc dù sau khi tốt nghiệp ông có thể có tương lai vững vàng ở Việt Nam nhưng vì ‘không chấp nhận lý thuyết cộng sản’ nên ông quyết định ra đi. "Nếu ở lại thì tôi cũng phải gia nhập Đoàn, Đảng nếu muốn tồn tại, nhưng tôi không chấp nhận điều đó", ông nói.
Ông cho biết vào thời điểm đó ông phải ‘che giấu lý lịch’ khi đi học đại học và rằng ông sợ rằng sau này nếu bị phát hiện thì ông sẽ bị trù dập hoặc ‘sẽ không được ưu đãi’.
Ông là người duy nhất trong gia đình khi đó đi vượt biên, ông nói, và kể từ đó ông chỉ duy trì liên lạc với người thân bằng cách ‘gặp gỡ ở một nơi nào đó không nhất thiết ở Việt Nam’.
"Mình chấp nhận mình nhớ quê hương, chấp nhận bị cách ly đất nước nhưng mình chỉ về khi nào không còn cộng sản", ông Nhân nói.
‘Không còn cộng sản’ là điều mà ông Nhân cho rằng ‘có thể đến rất là bất ngờ, chẳng hạn như mâu thuẫn nội bộ khiến họ sụp đổ’.
Về vấn đề vì sao không thích chính quyền của Đảng cộng sản lại dẫn đến việc quay lưng lại với quê hương, ông Nhân nói ông ‘không đánh đồng Đảng với đất nước, người dân’ nhưng vẫn quyết định không về.
"Tôi vẫn gặp phần nào những người dân Việt Nam, những người không chấp nhận cộng sản sống xung quanh tôi ở đây", ông lý giải.
‘Sức chịu đựng cao’
Ông nói ông ‘khác với những người khác vốn đã từng về Việt Nam vì ‘thăm gia đình, thăm quê hương hay cha mẹ đau yếu’. "Sức chịu đựng của con người về sự nhớ thương quê hương, đất nước khác nhau. Tôi có thể chịu đựng được cả chiều dài đến khi nào cộng sản sụp đổ thì mới về", ông Nhân nói thêm.
Ông giải thích rằng cách nhìn nhận của ông về Việt Nam là ‘không chấp nhận cộng sản’. "Một khi đã cảm thấy là kẻ ác rồi thì suy nghĩ không thay đổi", ông nói.
Tuy nhiên, ông không cho rằng đó là định kiến mà là ‘cách nhìn nhận chung của nhiều người đang sống ở hải ngoại’
Khi được hỏi tại sao trong bức tranh đầy u tối mà ông nhìn nhận về Việt Nam mà trên 90 triệu người dân trong nước vẫn sống bình thường, ông Nhân nói : "Có thể người dân trong nước chấp nhận hoàn cảnh được sống là vui rồi. Trong khi đó hoàn cảnh của mình ở đây khác. Sự hiểu biết cho phép mình suy nghĩ khác. Sự khác nhau đó cho thấy rằng có thể người dân tiếp tục bị cộng sản áp đặt chế độ độc tài cai trị", ông Nhân nói. (46 :00)
Ông cũng chỉ ra rằng ‘có nhiều người không chấp nhận chế độ nên bỏ nước ra đi’ và rằng ‘nhiều người yên lặng chưa chắc là họ chấp nhận chế độ cộng sản’.
Nguồn : VOA, 30/04/2020
Mỗi năm đến ngày 30 tháng 4, vấn đề "hòa giải hòa hợp dân tộc" lại được đặt ra, nhưng năm nay, sau 45 lần nhắc nhở, chuyện "hòa giải" đã bị Đảng cộng sản dẹp bỏ để chỉ nhắc đến chuyện "hòa hợp" vào với họ.
Sau ngày 30/4/1975, hàng vạn người dân thành thị bị đẩy đi vùng kinh tế mới - Ảnh minh họa
Tại sao như thế ? Vì người cộng sản Việt Nam cho rằng, sau 45 năm họ thắng chiến tranh, thống nhất đất nước về với đảng thì không có lý do gì họ phải "hòa giải" với bên thua trận Việt Nam Cộng Hòa.
Lý do xa mặt cách lòng
Nhưng vấn đề không đơn giản như họ nghĩ để buộc người miền Nam phải làm theo vì không còn lựa chọn nào khác. Trong 45 năm qua, ai cũng biết nhà nước cộng sản Việt Nam đã đối xử kỳ thị và bất xứng với nhân dân miền Nam trên nhiều lĩnh vực. Từ công ăn việc làm đến bảo vệ sức khỏe, di trú và giáo dục, lý lịch cá nhân của người miền Nam đã bị "phanh thây xẻ thịt" đến 3 đời (ông bà, cha mẹ, anh em) để moi xét, hạch hỏi và làm tiền.
Những người miền Nam có liên hệ xa, gần với chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa, luôn luôn bị canh chừng, bị làm khó trong mọi hoàn cảnh. Cho nên, trong đời sống hàng ngày, sự quan hệ giữa người dân miền Nam với cán bộ, đảng viên cộng sản, nhất là đối với những cư dân có gốc gác di cư từ Bắc vô Nam năm 1954, luôn luôn có những bất công và thiếu trong sáng.
Ngay cả giữa những người cộng sản Bắc và cộng sản Nam cũng có những đối xử cách biệt với nhau, huống chi người dân hai miền. Đây là sự thật không ái dám phủ nhận, nhưng cũng ít ai dám công khai nói ra trong xã hội Việt Nam bây giờ, sau 45 năm thống nhất.
Vì vậy, cứ mỗi lần gặp khó khăn, người dân miền Nam lại nhớ và tiếc nuối cho những gì đã có dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhà nước cộng sản Việt Nam, dù đã tuyên truyền và vận động mỏi cổ "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết", vẫn thất bại ê chề trong nỗ lực đoàn kết với dân Nam thua trận.
Bởi vì người miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa và con cháu họ sau ngày 30/04/1975 đã mất nhiều tình tự dân tộc cùng chung dòng máu với nhiều thành phần người dân miền Bắc, những người đã bị coi là thành phần "chiếm đóng" hay "cai trị" miền Nam, từ sau 1975.
Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bị lên án kéo dài chia rẽ và hận thù dân tộc nếu lãnh đạo cứ khư khư ôm tính kiêu ngạo cộng sản, ngủ say trên vòng nguyệt quế, tự mãn, say sưa thành tích, như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cảnh giác trong cuộc phỏng vấn của báo quốc tế ngày 31/03/2005.
Có nhiều bằng chứng để nói về thái độ vênh mặt của người cộng sản Việt Nam.
Tỷ dụ như nhà nghiên cứu, doanh nhân, luật sư Nguyễn Trần Bạt đã nói :
"Vấn đề hòa giải nên xem lại, bởi vì bài toán xung đột của chiến tranh đã được giải xong rồi, người thắng kẻ thua cũng rõ rồi. Hòa giải là phải có hai bên, vì thế tôi nghĩ bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải. Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các phe chính thống giai đoạn trước 30/4/1975. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng cộng sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ, là một trong những thành tựu chính trị quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam" (Quân đội nhân dân, 26/04/2020).
Nhưng điều được gọi là "thành tựu chính trị" là thành tựu gì, nếu không phải là hành động dùng mọi thủ đoạn và cơ hội để thâu tóm quyền lực cho riêng người cộng sản từ năm 1946, bắt đầu từ chủ trương khủng bố các thành phần không cộng sản trong Chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng ?
Theo lập luận "hòa giải là phải có hai bên" của ông Nguyễn Trần Bạt, nhưng vì bên miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) đã thua, do đó, "bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải" nữa. Nói cách khác, theo cách nghĩ của ông Bạt, là không cần bàn đến nữa, dẹp đi, chỉ còn lại chuyện những người thua cuộc phải "hòa hợp" vào với đảng cầm quyền cộng sản mà thôi.
Nhưng "hòa hợp" để làm theo chủ trương, chính sách của Đảng cộng sản cầm quyền, phải phục tùng lãnh đạo của đảng thì "hòa hợp" là "hòa tan", không còn thực thể chính trị nào trong guồng máy nhà nước nữa.
Nói cách khác, "hòa hợp" kiểu này là tự hóa thân, hay đã tự biến thành con thiêu thân để nhập cuộc với chế độ độc đảng.
Nhưng nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người cũng được báo Quân đội nhân dân phỏng vấn về ngày 30/04, sau 35 năm, đã so sánh khập khễnh giữa chế độ độc đảng và đa đảng như thế này :
"Chế độ một đảng mà làm tốt công tác chống dịch Covid-19 hơn hẳn các nước đa đảng, để toàn thế giới khâm phục, ca ngợi nước ta rất nhân văn, khi họ nhìn rõ Đảng, Nhà nước ta chống dịch rất hiệu quả, là bởi tạo sức mạnh đồng thuận toàn dân tộc. Tốt đẹp như thế thì vội vã thay đổi theo một số người, liệu có đưa xã hội tử tế hơn hiện thời không, hay lại tan nát, thậm chí loạn lạc, chiến tranh như ở Đông u hay Trung Đông đấy thôi ?" (Quân đội nhân dân, ngày 27/04/020).
So sánh như thế là sai. Chỉ lấy thành công trong việc phòng ngừa bệnh dịch Vũ Hán (Covid-19) để tung hô chế độc độc tài, độc đảng lên tận mây xanh là hời hợt. Chuyện chống dịch chỉ là nhất thời. Chuyện người dân có tự do, dân chủ, có được hạnh phúc, có tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội như đã quy định trong Điều 25 Hiến pháp hay không mới là quan trọng và cần được đem ra so sánh với các chế độ khác bên ngoài Việt Nam.
Cũng với quan niệm nịnh chủ lệch chỗ, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ví von sai bét rằng :
"Theo dõi đất nước gần đây tôi thấy, Đảng và Nhà nước ta đã làm được nhiều việc có ý nghĩa thiết thực, ra sức chấn chỉnh từ trong Đảng đến chính quyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng, cầu người hiền tài như những chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu để chuẩn bị Đại hội Đảng sắp tới. Điều này cũng tác động rất lớn vào vấn đề hòa hợp dân tộc. Nó làm người dân cả trong và ngoài nước thêm tin tưởng, đồng thuận ở Nhà nước, chính quyền Việt Nam".
Nếu ai cũng nhẹ dạ tin vào lời đường mật rẻ tiền rằng nhờ vào chủ trương xây dựng đảng, chống tham nhũng và chiêu hiền đãi sỹ của ông Nguyễn Phú Trọng mà sẽ "tác động rất lớn vào vấn đề hòa hợp dân tộc" là không thực tế. Lý do vì những người mà Đảng cộng sản Việt Nam muốn "hòa hợp" với muốn nhìn thấy những việc làm thực tâm và thật lòng trong công tác "hòa hợp dân tộc" của nhà nước, thay vì những lới nói và hành động tuyên truyền bánh vẽ như đã và đang xẩy ra sau 16 năm thi hành Nghị quyết 36 (NQ/TW (26/03/2004) "về Người Việt Nam ở nước ngoài".
Người tiếp theo nói về chuyện hòa giải, hòa hợp là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ông được hỏi : Sau 45 năm, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc nhưng lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế. Theo Thượng tướng đâu là vấn đề còn tồn tại ?
Đáp : "Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Riêng cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm nên hậu quả của nó để lại rất nặng nề. Đến khi miền Nam được giải phóng, cái được lớn nhất là đất nước giành được độc lập, non sông được nối liền một dải. Nhưng về phía bên kia, họ bị mất rất nhiều. Chính vì vậy nó gây ra một tiềm thức ăn sâu không dễ gì một sớm một chiều mà quên đi.
Đấy là tôi chưa nói đến sự hy sinh, mất mát của cả hai phía, bởi chiến tranh nào cũng gây ra nhiều sự hy sinh, mất mát to lớn. Từ những hậu quả như vậy nên có rất nhiều tầng lớp có những nhận thức khác nhau. Tuy nhiên, số người nuôi giữ hận thù chỉ là thiểu số. Họ không đại diện cho một thế hệ hay cho dân tộc Việt Nam. Còn đại đa số người dân Việt Nam, kể cả trong nước và ngoài nước, họ đều nhận thức được đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, cái nào là thật, cái nào giả".
Nhưng trong suốt 45 năm qua, và sau 16 năm thi hành Nghị quyết 36, Đảng cộng sản Việt Nam đã làm gì để hàn gắn vết thương dân tộc ? Đảng đã thật lòng muốn hòa giải và hòa hợp chưa hay chỉ muốn lợi dụng để tuyên truyền, mồi chài kiều hối mỗi năm ngót 20 tỷ dollars và tìm cách tiêu diệt những tiếng nói đối lập, hay đòi tự do và dân chủ ở trong nước ?
Ngụy quân - ngụy quyền
Cuối cùng, ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 9, được hỏi : Có ý kiến cho rằng : Muốn hòa hợp dân tộc phải từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, bỏ cụm từ ngụy quân, ngụy quyền. Thậm chí họ còn đòi Đảng, Nhà nước ta phải xin lỗi vấn đề cải tạo người chế độ cũ, xin lỗi vấn đề thuyền nhân… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?
Ông Nguyễn Túc : "Tư tưởng bao dung, nhân nghĩa thấm đượm từ ngàn đời trong nhân dân ta, tinh thần bao dung, nhân nghĩa đó được Bác Hồ kế thừa và phát huy. Tôi nhớ mãi trong bức thư Bác Hồ gửi đồng bào Nam bộ thể hiện quan điểm đối với những người lầm đường, lạc lối thì chúng ta bằng tình thương để giúp đỡ họ, cảm hóa họ.
Thực hiện tư tưởng đó của Người, sau năm 1975, chúng ta tập trung để cải tạo, cảm hóa, giúp đỡ hàng loạt ngụy quân, ngụy quyền, quan chức chế độ cũ. Việc làm đó nhằm giúp họ hiểu được đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời nhằm tránh xảy ra những việc đáng tiếc, khi ở miền Nam mỗi gia đình đều là một nghịch cảnh. Rất nhiều gia đình miền Nam do ngụy quân, ngụy quyền, thực hiện chính sách của Mỹ, bằng các chiến lược, trong đó có "Việt Nam hóa chiến tranh", "thay màu da trên xác chết", họ đã thực hiện những việc "trời không dung, đất không tha" như : Tố cộng, Luật 10/59… nếu ta thừa thắng xông lên, không khoan dung thì nhất định sẽ xảy ra đổ máu sau chiến tranh và đó là điều rất đáng tiếc…
Thế nhưng những năm gần đây, nhất là dịp 30/4 vẫn có một số người chống đối, rắp tâm để phá chế độ này, đòi cái nọ, đòi cái kia, đòi không được gọi ngụy quân, ngụy quyền. Bản chất anh là ngụy quân, ngụy quyền, thì người ta gọi. Bác Hồ cũng nói từ trong chiến tranh : "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Anh là ngụy thì người ta phải gọi là ngụy thôi. Anh là tay sai cho đế quốc thì người ta gọi là tay sai, người ta không nói gì sai cả…
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng ngàn đời của dân tộc ta. Có độc lập dân tộc, nhân dân ta mới có cuộc sống như hiện nay. Thế mà lại đòi xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng… thì không được".
Những lời tuyên truyền, ngụy tạo, đổi trắng thay đen của ông Nguyễn Túc về quyết định gọi là tập trung để cải tạo, cảm hóa" hàng trăm ngàn quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa sẽ được lịch sử để lại cho đời sau. Không ai biết đích xác số người đã chết trong các trại lao động khổ sai từ Nam ra Bắc sau ngày 30/4/1975, nhưng ai cũng biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói dối Chính phủ Pháp rằng nguyên Phó Thủ tướng, Luật sư Trần Văn Tuyên vẫn còn sống mạnh khỏe, trong khi ông đã chết trong trại tù khổ sai tại Hòa Bình ngày 26/10/1976.
Ngoài Luật sư Tuyên, còn có hàng ngàn trí thức khác, kể cả nguyên Thủ tướng Phan Huy Quát đã chết trong tay người cộng sản sau ngày 30/04/1975.
Miệng lưỡi cộng sản Nguyễn Túc cũng còn sỉ nhục những người của Việt Nam Cộng Hòa khi ông ta tiếp tục gọi họ là "ngụy quân, ngụy quyền", trong khi Bộ sách Lịch sử mới của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chính thức đổi là "chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn".
Nhưng ngay cả cách gọi này cũng xách mé, không nghiêm chỉnh vì trước năm 1975, Quốc tế và Liên Hiệp Quốc đã công nhận tên gọi Việt Nam Cộng Hòa, và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Nguyễn Đình Bin - Võ Văn Kiệt
Ngoài ra, nhân dịp 45 năm kỷ niệm ngày 30/04/1975, hãy cùng đọc lại những lời tâm tư của ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Bin đã giải bầy tâm sự của mình trong bài viết kỷ niệm 15 năm ra đời Nghị quyết 36 NQ/TW (26/03/2004 – 26/03/2019) do ông đóng vai chính hình thành.
Ông viết :
"Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn : vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành ! Với các nước ngoài đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, gây ra biết bao tội ác tầy trời, biết bao đau thương, mất mát, hậu quả khủng khiếp, nặng nề… mà nhân dân ta vẫn còn phải gánh chịu, với truyền thống khoan dung, hòa hiếu, chúng ta đã gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ và kết bạn, trở thành những đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện… vì tương lai của mỗi quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Vậy mà, vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", thì lại chưa hòa giải được với nhau ?".
Cuối cùng nguyên Thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt cũng đã dạy người cộng sản rằng :
"Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu" (Phỏng vấn của báo Quốc Tế, 31/03/2005).
Giờ đây, sau 45 năm ngày 30/04/1975, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và hàng ngũ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hãy tự hỏi xem ai muốn hòa hợp với những người độc tài và mị dân như họ ?
Phạm Trần
(30/04/1975-30/04/2020)
Hai bức ảnh chụp cách nhau 13 năm, đều nói về ngày đoàn tụ của hai người tù, hai người cùng một mẹ Việt Nam, nhưng từng bị đặt ở hai bên chiến tuyến.
Bức ảnh thứ nhất, chụp ở ga Hòa Hưng năm 1988. Người đàn ông râu tóc bạc phơ trong ảnh, được xác định, là Đại tá Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Công Vĩnh. Ông từ trại cải tạo theo đường xe lửa trở về, được vợ và con trai, tóc cũng đã điểm bạc, ra sân ga đón [không rõ ai là tác giả bức ảnh tuyệt vời này].
Bức ảnh thứ hai được nhà báo Lâm Hồng Long chụp ngày 4/5/1975, người đàn ông trong ảnh là Lê Văn Thức, tử tù Côn Đảo, khóc trên vai mẹ, bà Trần Thị Bính, quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông Thức được cài vào Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thủ Đức, được chính quyền Sài Gòn đưa đi học khóa "tình báo tác chiến" tại Malaysia. Về nước, với lon thiếu úy. Tháng 4/1968, Lê Văn Thức bị Tòa án binh Vùng 4 chiến thuật tuyên tử hình vì tội "hoạt động nội tuyến cho Cộng sản".
Đoàn tụ chắc chắn đều là mong ước của mọi gia đình. Nhưng họ khóc. Thật khó để nói, đó là những "giọt nước mắt vui" hay là những giọt nước mắt tức tưởi. Ngày 30/4/1975, gia đình thiếu úy Lê Văn Thức nằm trong số "triệu người vui" ; gia đình đại tá Nguyễn Công Vĩnh nằm trong số "triệu người buồn". Thật trớ trêu, cả hai sau đó đều không có ai được hưởng ân huệ của hòa bình cả. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị đưa đi cải tạo suốt 13 năm. Chỉ cần nhìn những chiếc răng rụng của người vợ một thời xinh đẹp của ông, nhìn mái tóc muối tiêu của con trai ông, đủ thấy họ đã cơ cực thế nào kể từ khi "miền Nam giải phóng".
Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp vợ chồng Tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Nhưng, nếu như giọt nước mắt ở ga Hòa Hưng năm 1988 của gia đình đại tá Nguyễn Công Vĩnh đã khép lại một bi kịch kéo dài hơn một thập niên. Thì, giọt nước mắt của mẹ con thiếu úy Lê Văn Thức lại mở ra những ngày buồn trước mắt. Bức ảnh mang lại cho nhà báo Lâm Hồng Long nhiều vinh quang nhưng không thể hóa giải tính khắc nghiệt của chiến tranh hằn lên nhân vật.
"Với lý lịch ‘thiếu úy ngụy’, kể từ ngày hòa bình trở về, Lê Văn Thức không được bố trí công tác mới. Mãi sau này, khi một cán bộ công tác ở UBND huyện Châu Thành, Bến Tre tình cờ đọc được những bài báo viết về nhân vật trong bức ảnh ‘Mẹ con ngày gặp lại’ (1991), đã tìm đến nhà anh Thức phỏng vấn và viết bài ‘Viên thiếu úy mang bản án tử hình’ (đăng trên báo Đồng Khởi thứ Bảy). Nhiều người ở địa phương mới biết đến các hoạt động trong quá khứ của anh. Và các cơ quan chức năng mới nhiệt tình vào cuộc để rồi công nhận những đóng góp, hy sinh có thực của Lê Văn Thức" [Theo Hoàng Bình Minh, báo CAND].
2006: Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp một Việt Kiều, nghe chất vấn nhiều về hòa giải. Đỗ Trung Quân tranh thủ trách móc "Chú Sáu đưa tụi con đi Thanh niên xung phong 8 năm".
Mấy hôm nay, chương trình thời sự của VTV vẫn như 45 năm qua, sắp tới 30/4 là xe tăng, pháo lớn lại nổ đinh tai nhức óc. Hơn 15 năm trước, Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mất vợ và 3 người con trong chiến tranh, đã phải đi một vòng các tỉnh miền Tây, gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo, nhà báo địa phương, ông gần như khẩn thiết kêu gọi họ đừng kỷ niệm 30/4 theo cách làm cũ nữa ; đừng tiếp tục nã xe tăng đại bác vào quá khứ.
Cuối năm ấy, 2004, ông trả lời tuần báo Quốc Tế, số Xuân : "Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu".
Hàng chục nghìn bản số báo Xuân đã in của tuần báo Quốc Tế, phải đình lại, bóc bài… Mãi tới 31/3/2005, quan điểm này của ông Võ Văn Kiệt về cuộc chiến trước 30/4/1975 mới được đưa ra công chúng.
Cũng năm ấy, trước 30/4/2005, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho ông Võ Văn Kiệt "Dự thảo diễn văn" Bí thư Thành ủy đọc tại Lễ kỷ niệm "30 năm ngày giải phóng miền Nam". Ông vô cùng thất vọng vì bài diễn văn vẫn lặp lại những ngôn từ sáo mòn, công thức ; vẫn xe tăng, vẫn đại bác… tiếp tục nã vào người anh em.
Đã 15 năm qua, tuy liều lượng có bớt đi nhưng cách tiếp cận của bộ máy tuyên truyền vẫn không thay đổi.
Khi nghĩ về ngày kết thúc chiến tranh, cả Trịnh Công Sơn và Văn Cao đều khá lạc quan. Trịnh Công Sơn tưởng rằng, những "giọt nước mắt vui" có thể "lay lòng gỗ đá". Văn Cao cũng hy vọng, nước mắt "sưởi ấm đôi vai anh". Và ông tưởng :
"Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…"
Sự khác nhau giữa Văn Cao và Trịnh Công Sơn, có lẽ ở chỗ, với một tâm hồn đầy trắc ẩn như Văn Cao, cho dù thốt ra như vậy, nhưng các dự cảm buồn vẫn ám ảnh từng phách, nhịp trong "Mùa Xuân Đầu Tiên" của ông.
Bao giờ, quê hương tôi mới hết những giọt nước mắt tức tưởi ; bao giờ mới thực sự có "những giọt nước mắt vui" ; bao giờ lòng người Bên Thắng Cuộc mới thôi gỗ đá.
Huy Đức
Nguồn : fb. Osinhuyduc, 25/04/2020