Sau khi ‘nhất thể hóa’ hai chức danh cao nhất, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giờ đây đã trở thành Tập Cận Bình của Việt Nam. Tuy nhiên với một lãnh đạo ‘thân’ Trung Quốc như ông Trọng, đã xuất hiện những lo ngại liệu mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ ra sao trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đặt "nước Mỹ trên hết".
Ông Trọng là Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ năm 2011 và chính thức kiêm nhiệm chức chủ tịch nước sau khi được gần 99,8% số phiếu thuận của Quốc hội nghị gật hôm 23/10.
Vị tân chủ tịch nhậm chức chỉ một tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Việt Nam lần 2 giữa những thông tin không chính thức về chuyến thăm của Chủ tịch Trọng tới Nhà Trắng trong nay mai.
Thân Bắc Kinh
Theo nhận định của các nhà quan sát chính trường Việt Nam, ông Trọng có nhiều mối quan hệ mật thiết với Bắc Kinh. Bản thân tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc cũng cho rằng ông Trọng là một nhân vật theo đuổi các chính sách thân Bắc Kinh nên Mỹ và các nước phương Tây lo ngại "các thành phần thân Trung Quốc có quan điểm trung hòa" sẽ chi phối chính sách đối ngoại Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, các chuyên gia mà VOA tiếp xúc nhận định rằng ông Trọng sẽ rất thận trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ với hai siêu cường thế giới.
"Khó lòng mà một lực lượng chính trị nào ở tại Việt Nam mà lộ mặt rõ để (ngả) hẳn về phía Trung Quốc. Nếu họ ngả hẳn về phía Trung Quốc thì coi như bản án tử hình về mặt chính trị của họ. Có thể có một số thành phần nào đó trong Đảng muốn nhưng lòng dân Việt Nam đang hướng về thế giới (phương Tây)", theo Luật sư Vũ Đức Khanh, hiện đang là phó tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam.
"Không ai ở Việt Nam ủng hộ Trung Quốc", giáo sư người Úc chuyên theo dõi về Việt Nam Carl Thayer nhận định.
Tư tưởng chống Trung Quốc tăng cao kể từ khi Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014 và sau đó là các hành động quân sự hóa trên biển Đông cũng như ép buộc Việt Nam trong các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi. Các cuộc biểu tình của người dân nổ ra trong năm qua đều để phản đối các chính sách có liên quan tới Trung Quốc.
Duy trì ổn định sẽ là ưu tiên hàng đầu của vị tân chủ tịch nước, theo nhận định của các chuyên gia.
"Ông ấy được cho là sẽ tiếp tục cân bằng các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ", Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Châu Á của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết. "Ông ấy sẽ hướng về Trung Quốc vì thương mại và đầu tư và hướng về Washington vì sự ủng hộ về an ninh khi Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn trên Biển Đông".
Trung Quốc vừa trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào tháng 2 năm nay nhưng tranh chấp trên Biển Đông giữa hai quốc gia chung đường biên giới lại ngày càng trở nên căng thẳng. Trong khi đó mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ phát triển mạnh mẽ hơn với những chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cao nhất của bộ quốc phòng hai nước. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng qua, Bộ trưởng Mattis đã tới thăm Việt Nam hai lần với lần gần đây nhất là vào 16-17/10.
Nhận định từ Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS lại cho rằng "xu hướng đối ngoại của ông Trọng không hẳn là thân Trung Quốc".
"Trong những năm dưới nhiệm kỳ (tổng bí thư) của ông Trọng, rõ ràng Việt Nam ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc so với trước đây. Và song song với đó có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang xích dần hơn về phía Mỹ để đối trọng lại với áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông".
Thăm Nhà Trắng
Ông Trọng trở thành vị Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên tới thăm Nhà Trắng khi ông gặp mặt Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du Mỹ năm 2015.
Theo nguồn tin vận động hành lang của LS Khanh, ông Trọng có thể sẽ tới thăm Mỹ trong thời gian gần đây trên tư cách chủ tịch nước. Hiện chưa có thông tin chính thức nào từ cả hai chính phủ về chuyến thăm này.
Theo Luật sư Khanh, nếu chuyến đi xảy ra, đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam thay đổi khi ông Trọng có cơ hội trực tiếp gặp gỡ Tổng thống Trump để bàn về việc tăng cường mối quan hệ với Mỹ trong nhiều mặt.
"Trải qua những đời tổng thống từ Cộng hòa tới Dân chủ thì chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vẫn trước sau như một, tức là muốn tiếp cận với Việt Nam và muốn giữ Việt Nam trong một chừng mực mà có thể bảo vệ được thế giới phương Tây".
Chính phủ đầu tiên lên tiếng chúc mừng việc ông Trọng được bầu làm chủ tịch nước là Mỹ thông qua vị đại sứ của họ ở Hà Nội, Daniel Kritenbrink hôm 23/10. Trung Quốc là nước thứ hai gửi lời chúc mừng tới việc bổ nhiệm tân chủ tịch nước Việt Nam bằng một thông điệp từ Chủ tịch Tập chỉ vài giờ sau đó.
"Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ tới Chủ tịch Trọng để tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác toàn diện Mỹ-Việt", Đại sứ Kritenbrink viết trong thông cáo chúc mừng ông Trọng.
******************
Dự thảo Nghị định An ninh mạng Việt Nam : 'Đổi mà chưa đổi’ (BBC, 25/10/2018)
Dự thảo mới nhất của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng của Việt Nam đã có một số thay đổi, nhưng "bản chất" vẫn chưa đổi, theo một cây bút nhiều kinh nghiệm.
Luật An ninh mạng có ảnh hưởng nhiều đến 'quyền kinh tế, chính trị' của công dân ?
Ông Huy Đức, trong bài viết trên Facebook, vừa tiết lộ chỉ riêng trong tháng 10, Việt Nam đã thay đổi đến ba phiên bản dự thảo - 3/10, 11/10 và bản mới nhất.
Các văn bản này đều chưa được công bố chính thức.
Ông Huy Đức đánh giá : "Khác với người tiền nhiệm, lãnh đạo mới của Cục An ninh mạng (A05 - nhập từ A68 và C50) đã lắng nghe ý kiến của Bộ Thông tin Truyền thông và của các bộ ngành hơn".
Cụ thể, dự thảo mới nhất "đã bỏ khá nhiều quy định xâm phạm quyền tự do kinh doanh từng bị phản đối trong 2 dự thảo trước", theo cây bút Huy Đức.
Dự thảo mới cũng đã bỏ yêu cầu "doanh nghiệp kinh doanh online phải xin phép và có sự đồng ý của Cục An ninh mạng" ; bỏ việc thành lập trung tâm dữ liệu và tiếp nhận dữ liệu doanh nghiệp chuyển giao.
Dự thảo cũng không còn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dữ liệu gốc, chưa mã hóa của người dùng cho cơ quan điều tra.
Thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp chuyển dữ liệu bây giờ là bộ trưởng bộ công an thay vì cục trưởng cục an ninh mạng như 2 dự thảo cũ.
'Chưa thay đổi'
Tuy nhiên, cây bút Huy Đức nhận xét : "bản chất của dự thảo này vẫn chưa thay đổi".
"Phạm vi dữ liệu người dùng bị buộc phải lưu trữ ở Việt Nam vẫn còn rất rộng - gần như toàn bộ dữ liệu của mạng xã hội và các dịch vụ online - chi phí của nền kinh tế để thi hành luật là vẫn vô cùng lớn và vô lý".
Ông Huy Đức lo lắng "không chỉ dân chúng mà cả Quốc hội cho đến tận bây giờ cũng chưa hiểu hết tầm ảnh hưởng của Luật An ninh mạng".
Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6/2018 với tỷ lệ đồng ý là 86,86%.
Vào tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Công an xây dựng 03 văn bản chính trình Chính phủ gồm : Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng ; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng và Quyết định của Thủ trướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Cuộc họp ngày 9/10 của Bộ Công an cho biết giới chức đang "khẩn trương hoàn thiện" các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, bảo đảm hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Cây bút Huy Đức nhận định : "Luật An ninh mạng và các quy phạm đang hình thành trong nghị định không những không có giải pháp nào bảo vệ hữu hiệu mạng VN trước các hackers mà còn đặt nó trong những nguy cơ cao hơn khi ép lưu trữ dữ liệu cá nhân trong một quốc gia có nền tảng công nghệ thấp và đội ngũ thi hành công vụ rất dễ lạm quyền".
Ông đề xuất : "Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ chính trị và Tân Chủ tịch nước nên nghe lại, đầy đủ và nhiều chiều. Nếu nghị định không hạn chế được các ảnh hưởng xấu của Luật thì nên hoãn thi hành nó".
Tuyên truyền về luật
Trong những ngày này, tại một số địa phương ở Việt Nam đã diễn ra các sự kiện nhằm tuyên truyền về Luật An ninh mạng.
Hôm 24/10, Thành ủy Vũng Tàu tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề về luật này.
Trang tin điện tử UBND thành phố Vũng Tàu nói hội nghị giúp cán bộ, đảng viên "nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản, cốt lõi của Luật An ninh mạng".
Tương tự, ngày 19/10, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt, trong đó có nội dung về phổ biến Luật An ninh mạng.
Tại đây, một đại diện của Bộ Công an được dẫn lời nói "mong rằng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và đối với Luật An ninh mạng nói riêng sẽ đạt được hiệu quả cao hơn và tạo sự đồng thuận trong nhân dân".
*********************
Trump đang đẩy lùi tiến trình dân chủ ở Việt Nam ? (BBC, 25/10/2018)
Chính sách đối ngoại của Washington dựa trên quan điểm "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump đã có nhiều tác động lớn nhỏ đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Chính quyền Trump có đang tác động đến sự dân chủ hóa ở Việt Nam ?
Và Việt Nam là một trong những nước chịu một sự ảnh hưởng không nhỏ từ sự thay đổi này, bắt đầu từ những hiệp ước thương mại cho đến tiến trình dân chủ hóa, theo như hai nhà báo Simon Denyer và David Nakamura của Washington Post.
"Không còn ràng buộc bởi các điều kiện do chính quyền Barack Obama áp đặt để tham gia nhập hiệp ước thương mại, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã xóa bỏ các kế hoạch cho phép các tổ chức công đoàn hoạt động và tiến hành cuộc trấn áp gay gắt nhất từ trước đến nay đối với giới bất đồng chính kiến", Denyer và Nakamura viết trong một bài bình luận trên tờ Washington Post.
Ông cho rằng Việt Nam là một ví dụ điển hình cho sự suy thoái vốn ít được để ý đến kể từ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Trump.
Khi xây dựng một thỏa thuận thương mại TPP, chính phủ Hoa Kỳ khi đó buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải cho phép các công đoàn độc lập hoạt động, tăng cường bảo vệ môi trường và cho phép Internet tự do và cởi mở.
Và bằng cách thành lập một trật tự dựa trên quy tắc của Washington, nó cũng là một nỗ lực để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Khi TPP đang được đàm phán, trên mạng xã hội Việt Nam cũng đã xuất hiện một phong trào do các nhà hoạt động Việt Nam khởi xướng để truyền bá về quyền lợi người lao động, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và thậm chí về sự dân chủ, bài của Washington Post viết.
"TPP đã có thể là một làn gió xuôi cánh buồm của các nhà hoạt động Việt Nam, các công đoàn và các nhà môi trường", Brad Adams, giám đốc khu vực Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói với Nakamura. "Việc rút khỏi TPP là một bước thụt lùi lớn".
Bài viết của Nakamura và Denyer sau đó đã được toàn ban biên tập Washington Post ủng hộ.
"Thay đổi không dễ dàng... Nhưng từ bỏ cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thì sẽ luôn luôn khiến tình trạng đàn áp ngày càng nhiều hơn, trong khi việc đấu tranh cho những giá trị này có thể thu nhận được kết quả, dù không đồng đều và không hoàn hảo", bài bình luận thể hiện quan điểm của toàn ban biên tập Washington Post viết hôm 21/10.
Tranh cãi giữa các nhà báo kỳ cựu
Nhận định của Nakamura và Denyer vô tình tạo ra tranh cãi giữa những nhà báo đã từng tường trình hay theo dõi sát về Việt Nam từ khi cuộc chiến Việt Nam chưa chấm dứt.
Cựu nhà báo của hãng tin Associated Press, Carl Robinson, cho rằng Hà Nội sẽ không bao giờ cho phép TPP đưa Việt Nam về hướng dân chủ hơn.
Ông cho rằng bản phân tích của Nakamura khá "ngây thơ" và cả chính quyền Obama cũng "ngây thơ" khi nghĩ rằng TPP có thể khiến Việt Nam hướng thêm về dân chủ.
"Người Việt Nam thực ra chỉ rất là thực tế và sẵn lòng nói bất cứ điều gì, làm bất cứ điều gì để thể hiện một hình ảnh nhất định. Nhưng thực tế, họ sẽ không bao giờ dao động với mô hình Một Đảng của mình", vị nhà báo kỳ cựu từng làm cho AP trước năm 1975 nhận định.
Ông Robinson cũng cho rằng ông Trump "vẫn quan tâm về nhân quyền" vì dựa trên bài phát biểu của ông trước Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9, khi ông lên tiếng chỉ trích Venezuela.
"Ánh hoàng quang về nhân quyền chắc chắn là không còn nhưng tôi muốn nói rằng có rất nhiều điều đang xảy ra sau hậu trường", ông Robinson nói, tự nhận mình là một nhà quan sát thường xuyên về tình hình Việt Nam.
"Nếu có một thông điệp nhất quán ở đây thì đó là Hoa Kỳ chẳng đếm xỉa gì đến bất kỳ ai ngoài quyền lợi của riêng nó", ông nói.
Trong khi đó Paul Mooney, một nhà báo tự do ở khu vực Châu Á hơn 30 năm qua thì lại đồng tình với Nakamura.
Ông Mooney cho biết đã trao đổi với một vài nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến Việt Nam và một vài tổ chức nhân quyền thì tất cả đều "xác nhận rằng Trump không nói một lời về nhân quyền, hay nhắc đến tên những người đã bị trấn áp khi ông ta đến thăm Việt Nam".
"Và họ nói rằng tình trạng nhân quyền đã xấu đi đáng kể kể từ khi ông Trump nhậm chức vì chính phủ Việt Nam và những nước trong khu vực - biết rằng họ không phải phản hồi lại áp lực của Mỹ đối với những vấn đề này nữa".
"Tôi biết rằng các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ trước đây luôn lên tiếng thúc đẩy về nhân quyền ở nhiều quốc gia khi tôi còn đưa tin từ Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc và các nước khác trong gần 30 năm qua, và nó đã có một tác động nhất định".
"Khi Obama thăm Việt Nam lần cuối cùng, ông đã gặp một nửa tá nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến. Những thứ như thế này tuy mang tính biểu tượng, nhưng cũng gửi một thông điệp quan trọng".
"Ông có thể đưa ra bằng chứng nào chứng minh Trump đã làm gì thúc đẩy nhân quyền ở đó không ? Số người Việt Nam bị bắt đang tăng lên đáng kể kể từ khi ông ta được bầu. Nhưng Trump có bao giờ nhắc đến nổi một cái tên không ?" ông Mooney, người từng làm tại hãng tin Reuters đặt câu hỏi cho Robinson.
Rút khỏi TPP tác động đến nhân quyền ?
Trích lời một nhà đấu tranh, và đơn cử vài người trong giới bất đồng chính kiến, bài báo trên tờ Washington Post nhận định rằng sự thay đổi chính sách đột ngột đã gây ra một hệ lụy sâu sắc.
"Ngay sau khi Mỹ rút khỏi TPP, bạn đã thấy một sự thay đổi căn bản trong cách chính phủ [Việt Nam] đối xử với công nhân, các nhà hoạt động lao động và công đoàn", Đỗ Thị Minh Hạnh, một nhà hoạt động quyền người lao động 33 tuổi, nói tại một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh. "Rất nhiều người đã bị quấy rối, theo sau, bị cầm tù và bị đe dọa".
Trump luôn muốn rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
Bản thân bà Hạnh cũng phải đối mặt với tình trạng sách nhiễu, thậm chí bị nhiều đàn ông đeo khẩu trang ném đá và chất nổ vào nhà.
Dấu hiệu đầu tiên của cuộc trấn áp xảy ra ngày từ trước khi ông Trump đắc cử, bằng việc bắt giữ blogger Mẹ Nấm hồi tháng 10, 2016.
Đến vào giữa 2017, các cuộc bắt giữ các nhà hoạt động diễn ra nhanh chóng và dày đặc hơn, với số lượng các nhà hoạt động, blogger bị bắt giữ gia tăng cũng như mức án tù của họ, từ 10 năm đến mức kịch trần là 20 năm tù giam.
Bài viết của Nakamura và Denyer chỉ ra bản án 20 năm tù của nhà hoạt động Lê Đình Lượng và gọi ông là nhà đấu tranh về môi trường.
Nếu chính phủ Mỹ chịu ở lại TPP, "Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều cam kết về cải thiện nhân quyền, cải thiện tình hình cho người lao động", luật sư Nguyễn Văn Đài nói trong một cuộc phỏng vấn tại căn nhà hai phòng khiêm tốn ngoại ô Frankfurt.
"Nó đã có thể là một cơ hội để thay đổi đất nước tôi".
Hiệp ước quốc tế không chắc đem lại dân chủ
Bài báo của Washington Post, tuy nhiên, cũng trích quan điểm của Garrett Marquis, phát ngôn viên cho Hội đồng An ninh Quốc gia, rằng, thường các hiệp ước thương mại không nhất thiết hiệu quả trong việc đạt được cải cách dân chủ.
Ông Marquis dẫn chứng việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO vào 2001 "chứng tỏ thương mại quốc tế gia tăng không phải lúc nào cũng tự do hóa các quốc gia độc đảng chuyên chế. Thực tế, nó còn làm trì hoãn tiến hình tự do hóa vì khiến cho đảng cầm quyền mạnh hơn".
Việt Nam vẫn có ý định tham gia CPTPP phiên bản mới của TPP mà không có Hoa Kỳ. Nhưng thỏa thuận này không bao gồm những điều kiện buộc Việt Nam phải cam kết, gồm cả quyền của người lao động.
Trong quá trình đàm phán TPP, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius liên tục nhấn mạnh về sự cần thiết trong việc hiệp định thương mại được Quốc hội phê chuẩn và ông sẽ mang lá thư từ các nghị sĩ đến chính quyền Việt Nam, nhấn mạnh họ chú ý đến nhân quyền.
"Nó là một thông điệp rất, rất mạnh mẽ", vị cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam được bổ nhiệm dưới thời Obama nói.
"Điều này không có nghĩa họ sẽ mở cửa tất cả cánh cửa nhà tù, nhưng họ đã phải cân nhắc quan điểm của Hoa Kỳ mỗi khi họ đưa quyết định. Tôi không nghĩ điều này vẫn xảy ra kể từ khi chúng ta rút khỏi TPP", ông Osius nói.
Kém so với chính quyền của Obama ?
Nhà báo Nakamura và Denyer cũng chỉ ra sự khác biệt về phong cách đối ngoại của hai tổng thống Obama và Trump.
Cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Việt Nam tương tự như Obama theo hai cách : Tập trung mạnh vào việc phát triển mối quan hệ quân sự và an ninh, và giúp giới lãnh đạo Việt Nam tiếp cận tới cấp cao nhất của chính phủ Hoa Kỳ.
Hồi tháng 7, 2015, Obama đã làm một điều chưa từng có tiền lệ đó là gặp gỡ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Washington. Vị tổng thống Hoa Kỳ đã dành bốn tiếng chuẩn bị cho cuộc gặp và có một thông điệp quan trọng để truyền tải.
Ông Obama nói ông "tôn trọng" hai hệ thống chính trị khác biệt, theo ba nhân chứng có mặt trong văn phòng.
"Nhân quyền và tự do dân chủ vẫn rất quan trọng, nhưng Washington không có ý định lật đổ Đảng Cộng Sản".
Cuộc gặp hồi tháng 7/2015 giữa Tổng thống Barack Obama với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kết quả của cuộc gặp này là hàng loạt các thỏa thuận song phương chấn động, như việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí vào 2016 và một lá thư về thoả thuận TPP, trong đó Hà Nội hứa sẽ cho phép thành lập công đoàn độc lập, theo Evan Medeiros, giám đốc cấp cao về Châu Á cho Hội đồng An ninh Quốc gia.
"Tiền đề cơ bản dưới sự cai trị của một đảng là đảng kiểm soát tất cả mọi thứ. Để thiết lập các hiệp hội độc lập về mặt chính trị có thể được cho là mang tính khá cách mạng", Tom Malinowski, trợ lý thư ký về dân chủ, nhân quyền và lao động dưới thời Obama, cho biết.
Nhưng về những mặt khác thì nó rất khác.
Vào tháng 5/2017, khi ông Trump đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vị cố vấn an ninh khi đó H.R. McMaster chỉ có đúng 5 phút để cố vấn ông Trump, theo như cựu đại sứ Osius.
Nhưng hầu hết cuộc gặp đó là ông Trump nói những câu đùa thô thiển, theo ông Osius.
"Khá là rõ ràng là ngài tổng thống đã không biết người ông ấy sẽ gặp là ai, gặp về điều gì và thậm chí cũng không hề hứng thú về cuộc gặp đó", ông Osius nói thêm.
Trong khi đó Nhà Trắng phủ nhận ông Trump thiếu chuẩn bị cho cuộc gặp trên.
Vào tháng 11/2017, Ông Trump gặp cố chủ tịch Trần Đại Quang và đưa ra một tuyên bố chung đề cập rằng "cả hai nhà lãnh đạo nhận ra sự quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền".
Trong khi đó, trong chuyến đi đến Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Obama đã có cuộc gặp với giới bất đồng chính kiến và các thanh niên trẻ.
Còn Trump thì nhấn mạnh vào tình trạng thâm hụt thương mại và tìm cách bán vũ khí Hoa Kỳ cho Hà Nội, bài báo của Washington Post viết.
Tuy vậy, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ Pope Thrower nói rằng chính quyền Hoa Kỳ sẽ "duy trì cam kết lâu dài với các đối tác chính phủ và phi chính phủ để thúc tiến quyền lao động ở Việt Nam".
Chính quyền Trump cũng nhiều lần lên tiếng rằng "vô cùng lo lắng" về sự kết tội đối với các nhà hoạt động và kêu gọi chính quyền Hà Nội cho phép các cá nhân "bày tỏ quan điểm của họ một cách tự do và tụ tập một cách ôn hòa".
Chính quyền của Trump cũng yêu cầu Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với điều kiện ẩn danh. Tuy nhiên viên chức này cũng thừa nhận Hà Nội hầu hết đều lờ đi các áp lực bên ngoài.
"Tình hình này đang khá xấu", viên chức này nói. "Tôi nghĩ đó là một trở ngại cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam".
Theo ông Adams, chính quyền Cộng sản hiện nay phần lớn lờ đi những khiếu nại của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
"Khi họ nhìn vào Trump, họ thấy một vị tổng thống Hoa Kỳ, người tỏ rõ quan điểm là ông ta không quan tâm đến nhân quyền và dường như tỏ ra thích những kẻ độc tài", ông Adams nói.
Ngày 08/08/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis tiếp đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Lầu Năm Góc, Virginia. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép tại Biển Đông, Hoa Kỳ cam kết củng cố hợp tác quân sự với Việt Nam và sẽ gửi một hàng không mẫu hạm đến thăm vào năm tới.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis (T) tiếp đồng nhiệm Việt Nam tướng Ngô Xuân Lịch, tại Lầu Năm Góc, Arlington, Virginia, ngày 08/08/2017 REUTERS
Theo Reuters, trong cuộc gặp gỡ tại bộ Quốc Phòng Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch đồng ý là hai nước sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng bị Trung Quốc lấn áp, quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh có dấu hiệu xấu đi.
Tại Biển Đông, ngư dân Việt Nam liên tục bị tấn công và gần đây nhất, hồi tháng 7, Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án thăm do dầu hỏa do áp lực của Bắc Kinh.
Tại hội nghị ASEAN, cuối tuần qua ở Manila, Philippines, Việt Nam đòi phải đưa lời lẽ cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh «quân sự hóa Biển Đông» vào bản thông cáo chung. Trung Quốc biểu lộ giận dữ hủy bỏ cuộc gặp cấp ngoại trưởng hai nước.
Trong bối cảnh này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố với đồng nhiệm Việt Nam là «mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam đặt trên nền tảng (bảo vệ) quyền lợi chung kể của quyền tự do lưu thông tại Biển Đông ».
Bộ trưởng Jim Mattis hoan nghênh vai trò «lãnh đạo đang lên » của Việt Nam trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Một trong những cử chỉ tiêu biểu cho xu hướng quan hệ ngày càng được củng cố giữa Mỹ và Việt Nam là chủ nhân Lầu Năm Góc thông báo một hàng không mẫu hạm sẽ đến Việt Nam vào năm 2018.
Dự án này đã được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận với tổng thống Donald Trump hồi tháng 5.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 09/08/2017
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Cộng hòa Donald Trump sẽ bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin để giải quyết nhiều "điểm nóng" trên thế giới từng chia rẽ hai nước dưới thời Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama,nhưng liệu Việt Nam thân Tầu có được ích gì không ?
Câu hỏi nằm trong bối cảnh chính trị mới của chinh quyền Donald Trump, người bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016, không do được nhiều phiếu bầu của cử tri mà bởi 304 lá phiếu trên tổng số 538 của Đại Cử tri đoàn (College Votes).
Đối thủ của ông Trump, bà cựu Ngọai trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ được hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu nhưng lại thua cuộc vì không hội đủ 270 phiếu cần thiết của Đại cử tri đoàn.
Bàn tay Nga ?
Sự thua cuộc của Bà Clinton không đơn giản, vì ông Trump, trước mắt người dân Mỹ, là Tổng thống của thiểu số cử tri. Ông Trump còn bị nhiều người Mỹ quan ngại cho tương lai quốc gia khi các Cơ quan an ninh và Tình báo Hoa Kỳ gắn kết chiến thắng của ông với kế họach phá họai cuộc bầu cử Mỹ của tình báo Nga.
Hai cơ quan, Tình báo Trung ương (Federal Security Service, FSB), trước đây là KGB và Tình báo Quân đội (GRU) của Nga bị nhận diện nhúng tay phá họai cuộc bầu cử Mỹ với chủ trương làm cho ông Trump đắc cử.
Tuy nhiên, các viên chức an ninh hàng đầu của Hoa Kỳ không xác định được mức độ ảnh hưởng của phá họai Nga đối với sự lựa chọn của cử tri Mỹ. Nhưng họ đã phúc trình với Tổng thống Barack Obama, ông Donald Trump và Quốc hội Mỹ rằng sự phá họai chống Bà Clinton và giúp ông Trump thắng cử nằm trong kế họach của tình báo Nga và do chính Tổng thống Putin ra lệnh và giám sát
Cơ quan an ninh-tình báo Mỹ cũng cho biết họ biết chắc an ninh Nga đã tung ra nhiều tin sai và sử dụng kỹ thuật điện cử cao tốc để chui vào đánh cắp các thông tin trong hệ thống máy điện tử của đảng Dân chủ và của ông John Podesta , Chủ tịch Ban vận động tranh của của bà Clinton.
Sau đó các cơ quan tình báo Nga lại chuyển cho Wikileaks, tổ chức chuyên phổ biến tin mật của nhiều nước để phát tán gây tác hại cho Bà Clinton.
Cũng có tin của an ninh Mỹ nói hệ thống máy của đảng Cộng Hòa cũng bị Nga xâm nhập nhưng họ không tung ra bất cứ tin nàocó hại cho ông Donald Trump.
Ông Donald Trump đã nhanh chóng chỉ trích đảng Dân chủ không biết bào vệ trước tấn công của tình báo Nga. Ông còn cáo buộc đảng Dân Chủ đã phối hợp với an ninh để tung tin Nga can thiệp vì quá thất vọng với thất bại ê chề.
Ông Trump hoàn toàn bác bỏ tin cho rằng ông Putin đã giúp ông đánh bại bà Clinton.Ông cũng không tin báo cáo của tình báo Mỹ chứa đựng sự thật
Cá nhân ông Trump và Ban Tham mưu của ông còn nói đi nói lại nhiều lần rằng vụ tin tặc Nga không thể thay đổi kết qủa bầu cử. Tất nhiên là không, nhưng ông Trump còn nói mà không đưa ra bằng cớ nào khi ông cáo buộc cơ quan an ninh-tình báo Mỹ đã tung tin sai lạc nhằm hạ úy tín ông
Sau khi có nhiều Dân biểu và Nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lên tiếng bất bình về thái độ coi thường cơ quan tình báo Mỹ của mình, ông Trump đã thay đổi lập trường
Lần đầu tiên, trong cuộc họp báo ngày 11/01/2017, ông Trumpđã thừa nhận Nga đã xâm nhập vào cuộc bầu cử ngày 8/11/2016.
Ông nói : "Tôi nghĩ Nga đã làm như thế. Ông Putin không nên làm như vậy. Ông ấy sẽ không làm như thế. Nước Nga sẽ tôn trọng Hoa Kỳ hơn khi tôi lãnh đạo chứ không như dưới thời của người khác". ("I think it was Russia". Putin "should not be doing it. He won't be doing it. Russia will have much greater respect for our country when I am leading it than when other people have led it").
Nhưng ngay sau câu nói này, ông Trump lại chữa cháy : "Nga không phải là nước duy nhất tấn công vào các mục tiêu của Hoa Kỳ". (Russia is not the only nation that hacks US targets). Ông cũng nói thêm có thể là Trung Quốc, Nhật Bản hay nước nào đó.
Như thế rõ ràng là ông Donald Trump muốn giảm bớt sức nặng chỉ trích Nga trong câu nói của mình. Nhưng khi đề cập đến tin của an ninh Mỹ bị tiết lộ cho báo chí nói rằng gián điệp Nga đã có trong tay tin tức về cá nhân ông và tình hình tài chính của mình thì ông đã nổi cáu. Ông lên án sự tiết lộ ra ngoài những tin ông cho là "giả, sai lạc" về ông của an ninh Mỹ là đáng khinh bỉ (disgrace), bởi vì không ai khác ngoài ông đã đọc báo cáo của các viên chức an ninh đến thuyết trình cho ông biết.
Cơ quan FBI đang điều tra xem sự thật của tài liệu 2 trang này như thế nào, vì người cung cấp báo cáo này cho Chính phủ Mỹ là một cựu viên chức tình báo của nước Anh, được Mỹ thuê làm việc này, là người có quan hệ mật thiết với "nguồn tin Nga". Trong quá khứ, người này đã cung cấp cho Mỹ nhiều tin tức có "giá trị".
(Trích nguồn CNN - Cable News Network : "The allegations were presented in a two-page synopsis that was appended to a report on Russian interference in the 2016 election and drew in part from memos compiled by a former British intelligence operative, whose past work US intelligence officials consider credible").
Việt Nam được gì ?
Vậy, trước một Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan hệ thế này thế nọ với nước Nga, theo tình báo Mỹ, và hy vọng sẽ được Tổng thống Putin, cựu Tư lệnh KGB của Nga, hợp tác trong tương lai thì Việt Nam có được gì không ?
Trước hết, dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (khóa VI) năm 1986, Trung Quốc thời Giang Trạch Dân-Đặng Tiểu Bình từng có tham vọng tái lập Thế giới cộng sản thu hẹp với Việt Nam, sau sự sụp đổ của nước Nga thời Mikhail Gorbachev. Nhưng chuyện này bất thành vì cuộc xâm lăng Cao Miên năm 1978 của Việt Nam đã đưa đến 2 cuộc chiến tranh biên giới tàn khốc giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979-1990.
Hai nước nối lại bang giao năm 1991.
Sau đó, Việt Nam hoàn toàn bị lệ thuộc kinh tế và chính trị vào Trung Quốc để tồn tại. Càng về sau, từ thời các Tổng bí thư Đỗ Mười (khóa VII) , Lê Khả Phiêu (khóa VII), Nông Đức Mạnh (khóa IX và X) đến Nguyễn Phú Trọng (khóa XI và XII), đảng Cộng sản Việt Nam đã để cho Trung Quốc thao túng lãnh thổ qua các hợp tác kinh tế và phát triển trá hình. Nhân công Trung Quốc đã tràn ngập lãnh thổ, hàng hóa Tầu có mặt khắp nơi chốn và mỗi năm Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc trên 12 tỷ dollars.
Chỉ riêng kinh tế thôi, Việt Nam phải nhập phần lớn nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất và gia công cho các công ty nước ngoài, mà phần lớn là của Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.
Đối với nước Nga, Tổng thống Putin từng tuyên bố coi Việt Nam là đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mạc Tư Khoa ở Châu Á. Nước Nga bán đủ loại vũ khí, tầu ngầm, tầu chiến, máy bay chiến đấu, radar, hỏa tiễn phòng không cho Việt Nam.
Nước Nga còn có cả nhà máy chế tạo vũ khí hợp doanh với Bộ Quốc phòng Việt Nam và chịu trách nhiệm đào tạo sĩ quan và huấn luyện cho lính Việt Nam.
Nhưng oái oăm thay, trước cuộc xâm lăng biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, nước Nga đã bình chân như vại. Putin chỉ kêu gọi giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình nhưng lại hợp tác tập trận và tuần tra chung với Trung Quốc ở Biển Đông.
Nga cũng được Việt Nam cho sử dụng sân bay và hải cảng Cam Ranh để tiếp liệu cho không quân và sửa chữa tầu bè cho hải quân Nga.
Trong bối cảnh như thế thì Tổng thống Mỹ thân Nga, Donald Trump có giúp gì được cho Việt Nam, hay cứ để cho Hà Nội tự vùng vẫn mà tìm lối thoát giữa gọng kìm Nga-Tầu ?
Lý do vì ông Trump có rất ít kinh nghiệm với Trung Quốc ở Biển Đông, và càng chưa biết được con người thật và thế chiến lược của cựu trùm tình báo KGB, Vladimir Vladimirovich Putin.
Nhưng cũng chưa chắc Tổng bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã hiểu được đường đi nước bước của ông Trump như thế nào đối với Bắc Kinh. Chỉ có điều chắc chắn là quan hệ kinh tế và mậu dịch giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn sẽ không còn như cũ khi ông Trump bươc chân vào Tòa Bạch Ốc ngày 20/01/2017.
Dù hai bên có chính sách khác nhau, nhưng một "cuộc chiến mậu dịch" giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không ai muốn xẩy ra, nhất là đối với nền kinh tế nhỏ như Việt Nam. Quan hệ giữa Donald Trump và Tập Cận Bình, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Do đó chuyến thăm bất ngờ Trung Quốc từ 12 đến 15/01/2017 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trước ngày ông Donal Trump nhậm chức, cũng không phải là điều vô nghĩa.
Phạm Trần
(11/01/2017)
Khu trục hạm USS Mustin của Hải quân Hoa Kỳ. Chiếc Mustin đã ghé cảng Cam Ranh vào trung tuần tháng 12/2016, vào thời điểm thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, sau đó ra Biển Đông nhận lại tàu lặn Mỹ do Bắc Kinh trả lại. Nguồn : wikipedia
Năm 2016 vừa kết thúc đã được đánh giá là một năm đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Mỹ-Việt, với tuyên bố vào tháng 5/2016 của tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Thế nhưng năm mới 2017 đã mở ra với một ẩn số lớn cho Hà Nội : Quan hệ với tân chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump sẽ ra sao trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.
Phải nói là tình hình Biển Đông trong những ngày cuối năm 2016 nổi cộm với những thông tin liên tiếp về những động thái quyết đoán của Trung Quốc, trong lúc Hoa Kỳ gần như bất động vì bận bịu với công việc bàn giao quyền lực giữa tổng thống mãn nhiệm Barack Obama và tổng thống tân cử Donald Trump.
Trong những ngày cuối tháng 12 năm 2016, Bắc Kinh đã phái tàu sân bay Liêu Ninh và đội chiến hạm bảo vệ đi vào Biển Đông, sau khi Hải Quân nước này công khai thách thức Hải Quân Mỹ khi thu giữ trong một vài ngày một chiếc tàu lặn Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, bất chấp mọi luật lệ quốc tế. Trước đó thì một trung tâm nghiên cứu Mỹ đã công bố loạt ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy rõ việc Bắc Kinh đang quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp trên cơ sở các bãi đá hay rạn san hô mà Trung Quốc đã chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa.
Tất cả những diễn biến trên chắc chắn sẽ tác động đến thời sự Biển Đông trong năm 2017. Theo chuyên san The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản, các động thái quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ còn gia tăng trong năm nay tại Biển Đông, trong bối cảnh một trong những nước Đông Nam Á từng đi đầu trong việc chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh là Philippines lại có dấu hiệu ngả theo Trung Quốc. Với việc Manila lên làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, ASEAN vốn đã bất lực trong việc ngăn chặn Trung Quốc sẽ lại càng thụ động hơn.
2016 : Việt Nam, nước cứng rắn nhất với Trung Quốc về Biển Đông
Trong số các nước bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trong năm 2016, Việt Nam đã nổi lên thành quốc gia duy nhất đã có những động thái cụ thể nhằm phản ứng lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, như chuyển pháo phản lực ra Trường Sa – điều mà chính quyền không hề chính thức công nhận – và củng cố thêm ít nhất là hai "đảo" dưới quyền kiểm soát của mình là Đá Lát và Trường Sa Lớn, bị ảnh vệ tinh phát hiện.
Vấn đề đối với Việt Nam là đồng minh chiến lược quan trọng của mình trong việc kháng lại Trung Quốc ở Biển Đông là Hoa Kỳ, lại chuẩn bị thay đổi chính quyền sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 08/11/2016, với chiến thắng của ông Donald Trump, một người từng xác định quyết tâm tập trung cho nước Mỹ cho nên được cho là có thể ít quan tâm hơn đến Biển Đông so với người tiền nhiệm Barack Obama.
Chính trong bối cảnh nêu trên mà việc ông Trump cho biết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam "để tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia" khi ông nhận điện chúc mừng của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc 14/12, cũng như lời chỉ trích Trung Quốc "xây một khu phức hợp quân sự lớn giữa Biển Đông" trong một tin nhắn Twitter ngày 04/12, đã được giới quan sát rất chú ý.
Động thái ngoại giao khéo léo đối với Donald Trump
Trả lời ban Việt Ngữ RFI về nội dung cuộc điện đàm giữa thủ tướng Việt Nam và tổng thống tân cử Mỹ, nhà báo Ngô Nhân Dụng của tờ Người Việt tại California cho rằng chính quyền Việt Nam đã có một cử chỉ ngoại giao khéo léo khi chúc mừng ông Donald Trump :
Ngô Nhân Dụng : Khi để thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại chúc mừng ông Donald Trump, chính phủ Việt Nam đã có 1 quyết định rất hay, rất đáng làm : Ai cũng chúc mừng, Việt Nam mà không thì gây ra cảm tưởng là Việt Nam không cần đến chính phủ sắp tới của nước Mỹ
Nhưng ý nghĩa của chuyện đó như thế nào, thì còn phải chờ xem chính sách ngoại giao của chính phủ Trump được thể hiện ra sao, và nhất là mối bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc ra sao, vì đó là điều quan trọng, sẽ ảnh hưởng tới bang giao Mỹ-Việt Nam.
Đối với nhà báo Ngô Nhân Dụng, tất cả những nội dung cuộc điện đàm - được chính phủ Việt Nam nêu lên một cách chi tiết, hay được phía ê kíp của tổng thống tân cử Mỹ xác nhận một cách ngắn gọn - chỉ mang tính chất xã giao thông thường, còn thực chất vấn đề thì phải chờ đến sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức và triển khai chính sách đối ngoại của mình, trong đó nhân tố quan trọng vẫn quan hệ Mỹ-Trung, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam.
Không nên ngộ nhận : Biển Đông chỉ là phụ với ông Trump
Câu hỏi đặt ra là mối quan hệ Washington-Bắc Kinh sẽ ra sao với ông Donald Trump, đặc biệt là khi trong thời gian gần đây, tổng thống tân cử Mỹ đã nhiều lần đả kích Trung Quốc, kể cả việc Bắc Kinh đã xây dựng những "pháo đài khổng lồ" giữa Biển Đông ? Trên vấn đề này, nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng không nên ngộ nhận về quan điểm của tổng thống tương lai của nước Mỹ, ông Trump rất cứng rắn với Trung Quốc, nhưng trên vấn đề kinh tế thương mại mà thôi, còn vấn đề an ninh Biển Đông chỉ là phụ :
Ngô Nhân Dụng : Ông Donald Trump tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc, trong tất cả mọi chuyện, chứ không chỉ trong vấn đề Biển Đông...
Có lẽ điều mà ông Trump nhấn mạnh nhất, ngay từ khi tranh cử cho đến khi đắc cử rồi, vẫn là chuyện về thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. Ông ấy chỉ nhắc đến chuyện Trung Quốc xây những pháo đài khổng lồ ở Biển Đông nhân dịp nói về vấn đề bang giao về kinh tế.
Thành ra vấn đề an ninh ở Biển Đông, vấn đề đụng chạm giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh tìm cách "xây những pháo đài khổng lồ", đó chỉ là chuyện phụ bên cạnh các vấn đề giao thương, kinh tế, trị giá đồng yuan với đô la, thuế xuất nhập cảng giữa hai nước...
Khi nào ông Trump với Trung Quốc đụng độ nhau về kinh tế, thương mại, lúc đó chính phủ Trump có thể mang vấn đề Biển Đông ra để làm đề tài "cãi nhau" tiếp, và việc cãi nhau đó có thể không phải là vấn đề chính trong bang giao giữa hai nước, mà chỉ là một vấn đề phụ mà chính quyền Trump trong tương lai sẽ đưa ra để làm áp lực thêm với Trung Quốc khi hai bên nói chuyện về kinh tế và thương mại.
Thành ra chúng ta không thể trông đợi là chính phủ Trump sẽ đặc biệt chú trọng đến vấn đề Trung Quốc đang lập những căn cứ quân sự ở Biển Đông.
Quan hệ Mỹ-Trung : Sóng gió trước mắt ?
Riêng về chính sách Biển Đông của ông Donald Trump, nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng trước mắt, chính quyền Trump vẫn duy trì đường lối của tổng thống Mỹ tiền nhiệm là Obama, dùng nguyên tắc tự do hàng hải để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, nhưng đứng ngoài các tranh chấp chủ quyền. Vấn đề là hồ sơ Đài Loan đang khuấy động quan hệ Mỹ-Trung, và quan hệ này trong ngắn hạn, sẽ phải trải qua một giai đoạn sóng gió.
Ngô Nhân Dụng : Có lẽ chính phủ Trump hiện giờ tỏ ra vẫn tiếp tục chính sách của chính phủ Obama, tức là dùng quyền giao thông hàng hải tự do làm lý do chính để tìm cách ngăn chặn sự bành trướng về quân sự của Trung Quốc ở trong vùng Biển Đông.
Từ xưa đến nay, chính sách của các chính phủ Mỹ từ thời Nixon là chỉ công nhận một nước Trung Hoa, và đối với Biển Đông là không can dự vào vấn đề chủ quyền các hòn đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa... các chính phủ Mỹ từ xưa đến giờ luôn cho là họ không có ý kiến về vấn đề chủ quyền (ở Biển Đông), để cho chính phủ các nước tự tranh cãi với nhau, Mỹ chỉ lo một chuyên thôi : Làm sao cho giao thông trên vùng biển đó không bị tắc nghẽn vì những xung đột giữa các nước đó.
Thành ra, sau khi ông Trump đã tuyên bố những câu nẩy lửa - như tại sao phải giữ lấy chính sách một nước Trung Hoa làm gì - hoặc là có hành động như nói chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn tổng thống Đài Loan, những chuyện đó có thể khiến cho bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên trong thời gian tới, ít nhất là trong mấy tháng sau khi ông Trump lên cầm quyền.
Căng thẳng Mỹ Trung không phải là một điều mới lạ, và khi mà Bắc Kinh biểu dương lực lượng thì Washington cũng đã phản ứng bằng cách phô trương sức mạnh. Đây là điều đã từng xấy ra thời tổng thống Bill Clinton, vào năm 1995, khi để răn đe Trung Quốc về việc bắn tên lửa thị uy qua eo biển Đài Loan, Mỹ đã phái hai hàng không mẫu hạm đến khu vực để khẳng định quyết tâm bảo vệ đồng minh Đài Loan.
Mỹ-Trung khó có khả năng gây hấn với nhau vì Biển Đông
Đối với ông Ngô Nhân Dụng, kỳ này, chuyện Mỹ-Trung căng thẳng với nhau hoàn toàn có thể xẩy ra, và gay gắt hơn trước đây, nhưng rõ ràng là khó có khả năng Washington và Bắc Kinh gây chiến với nhau vì Biển Đông.
Ngô Nhân Dụng : Những chuyện hai bên diễu võ đã từng xẩy ra trong quá khứ, và rất có thể Trung Quốc sẽ có những hành động như vậy, và kỳ này sẽ mạnh hơn, chẳng hạn như ta biết, họ đang đưa những giàn phòng không lớn đến những hòn đảo nhân tạo mà họ đã lập ở Biển Đông.
Thì chính phủ Mỹ cũng có thể có những hành động biểu dương lực lượng mạnh hơn, nhưng bình thường mà nói, không thể nào tin rằng hai bên Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến tranh với nhau chỉ vì những hòn đảo nho nhỏ ở Đông Nam Á, ở trong Biển Đông.
Thành ra cuộc "biểu diễn" đó sẽ còn tiếp tục, nhưng không nhất thiết đưa đến đứt đoạn về bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Bối cảnh đó sẽ quyết định là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Việt Nam cần duy trì quan hệ thân hữu với Mỹ
Tóm lại theo nhà báo Ngô Nhân Dụng do việc bang giao giữa chính quyền Trump với Trung Quốc sẽ tác động đến quan hệ Mỹ-Việt, chính quyền Việt Nam cần đẩy mạnh chính sách thân hữu với Hoa Kỳ để có được một đồng minh chống lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Ngô Nhân Dụng : Tôi nghĩ Việt Nam vẫn phải tìm cách tỏ ra thân thiện hơn với nước Mỹ, vì đó là những chính sách mà những nước như Singapore chẳng hạn vẫn theo từ trước đến giờ một cách hết sức khôn ngoan.
Chuyện ông Trump sẽ làm gì đối với với Biển Đông, hoàn toàn tùy thuộc vào bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Nhưng mà chúng ta biết rằng ông Trump, theo như nhận xét của các nhà tâm lý học, là người thích được mọi người khen ngợi hơn là bị người ta chê. Ai mà chê ông ấy một câu thì ông ấy nổi sùng lên và có khi ông ấy nhớ mãi, nhưng mà được ai khen ngợi thì ông ấy sung sướng ghê lắm.
Thành ra việc chính phủ Việt Nam gọi điện thoại đến chúc mừng ông Trump là làm đúng, đánh vào tâm lý của ông Donald Trump. Hy vọng rằng trong tương lai, chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đó, để có thể có nước Mỹ bên cạnh mình, trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Trong những tháng tới đây, người ta có lẽ sẽ rõ hơn về quan hệ Việt-Mỹ. Nếu suôn sẻ, rất có thể là ông Donald Trump sẽ đến Việt Nam vào cuối năm, nhân dịp Hà Nội làm chủ nhà đón hội nghị thượng đỉnh APEC.
Trọng Nghĩa, Ngô Nhân Dụng
Nguồn : RFI, 02/01/2017
***********************
Bài phỏng vấn bình luận gia Ngô Nhân Dụng
Khi để thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại chúc mừng ông Donald Trump, chính phủ Việt Nam đã có 1 quyết định rất hay, rất đáng làm : Ai cũng chúc mừng, Việt Nam mà không thì gây ra cảm tưởng là Việt Nam không cần đến chính phủ sắp tới của nước Mỹ.
Nhưng ý nghĩa của chuyện đó như thế nào, thì còn phải chờ xem chính sách ngoại giao của chính phủ Trump được thể hiện ra sao, và nhất là mối bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc ra sao, vì đó là điều quan trọng, sẽ ảnh hưởng tới bang giao Mỹ-Việt Nam.
Trong cuộc gặp gỡ qua điện thoại giữa ông Phúc với ông Trump, người ta thấy phía chính phủ Việt Nam loan tin rất long trọng, chẩng hạn như nói rằng ông Trump đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình hữu nghị với Việt Nam, của hợp tác với Việt Nam, và ông Trump đã khen ngợi thành tựu của Việt Nam, nói rằng ông sẽ thúc đẩy bang giao giưa hai nước ngày càng thân hơn, cộng tác với nhau nhiều hơn.
Hai bên không nói gì về chuyện ông Trump sẽ xóa bỏ hiệp ước TPP, tức Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.
Nhưng về phía Mỹ, nhóm chuẩn bị cầm quyền của ông Trump đã tường thuật lại cuộc điện đàm rất giản dị, nói rằng hai người đã bàn với nhau về rất nhiều vấn đề chung và đồng ý là sẽ cộng tác với nhau để làm cho bang giao giữa hai nước chặt chẽ hơn. Đó chỉ là câu nói hoàn toàn xã giao, không có ý nghĩa gì cụ thể cả.
Tóm lại, chuyện bang giao giữa Việt Nam với Mỹ không phải là sẽ thay đổi nhờ cuộc điện đàm giữa ông Phúc với ông Trump, mà tùy thuộc vào việc chính phủ Mỹ sẽ làm gì với Trung Quốc, vì đó mới là điều sẽ ảnh hưởng đến cả bang giao giữa Mỹ và Việt Nam.
Donald Trump thể hiện quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc
Ông Donald Trump tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc, trong tất cả mọi chuyện, chứ không chỉ trong vấn đề Biển Đông...
Có lẽ điều mà ông Trump nhấn mạnh nhất, ngay từ khi tranh cử cho đến khi đắc cử rồi, vẫn là chuyện về thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. Ông ấy chỉ nhắc đến chuyện Trung Quốc xây những pháo đài khổng lồ ở Biển Đông nhân dịp nói về vấn đề bang giao về kinh tế.
Thành ra vấn đề an ninh ở Biển Đông, vấn đề đụng chạm giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh tìm cách "xây những pháo đài khổng lồ", đó chỉ là chuyện phụ bên cạnh các vấn đề giao thương, kinh tế, trị giá đồng yuan với đô la, thuế xuất nhập cảng giữa hai nước...
Khi nào ông Trump với Trung Quốc đụng độ nhau về kinh tế, thương mại, lúc đó chính phủ Trump có thể mang vấn đề Biển Đông ra để làm đề tài "cãi nhau" tiếp, và việc cãi nhau đó có thể không phải là vấn đề chính trong bang giao giữa hai nước, mà chỉ là một vấn đề phụ mà chính quyền Trump trong tương lai sẽ đưa ra để làm áp lực thêm với Trung Quốc khi hai bên nói chuyện về kinh tế và thương mại.
Thành ra chúng ta không thể trông đợi là chính phủ Trump sẽ đặc biệt chú trọng đến vấn đề Trung Quốc đang lập những căn cứ quân sự ở Biển Đông.
Chính sách Biển Đông của chính quyền Trump dựa trên quyền tự do hàng hải
Có lẽ chính phủ Trump hiện giờ tỏ ra vẫn tiếp tục chính sách của chính phủ Obama, tức là dùng quyền giao thông hàng hải tự do làm lý do chính để tìm cách ngăn chặn sự bành trướng về quân sự của Trung Quốc ở trong vùng Biển Đông.
Từ xưa đến nay, chính sách của các chính phủ Mỹ từ thời Nixon là chỉ công nhận một nước Trung Hoa, và đối với Biển Đông là không can dự vào vấn đề chủ quyền các hòn đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa... các chính phủ Mỹ từ xưa đến giờ luôn cho là họ không có ý kiến về vấn đề chủ quyền (ở Biển Đông), để cho chính phủ các nước tự tranh cãi với nhau, Mỹ chỉ lo một chuyên thôi : Làm sao cho giao thông trên vùng biển đó không bị tắc nghẽn vì những xung đột giữa các nước đó.
Thành ra, sau khi ông Trump đã tuyên bố những câu nẩy lửa - như tại sao phải giữ lấy chính sách một nước Trung Hoa làm gì - hoặc là có hành động như nói chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn tổng thống Đài Loan, những chuyện đó có thể khiến cho bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên trong thời gian tới, ít nhất là trong mấy tháng sau khi ông Trump lên cầm quyền.
Nhưng mà bang giao Mỹ-Trung đã từng nổi sóng lên như vậy, và mỗi lần như vậy, chính quyền Trung Quốc thường tìm cách chứng tỏ là họ không sợ gì cả, biểu dương lực lượng để cho thấy là họ không sợ áp lực của Mỹ.
Vì đối nội, Tập Cận Bình có thể găng với Mỹ trong năm 2017
Cuối năm nay (2017) ở Trung Quốc đặc biệt có Đại Hội Đảng Cộng Sản, là đại hội mà ông Tập Cận Bình muốn dùng để củng cố thêm vây cánh của mình, đưa thêm người của mình vào trong Bộ Chính Trị, và Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Thành ra từ nay đến tháng10, ông Tập Cận Bình sẽ phải tìm cách để cho tất cả mọi người Trung Quốc thấy là ông rất cứng rắn, đặc biệt là đối với Mỹ.
Thành ra, sau khi lên cầm quyền mà ông Trump vẫn tiếp tục nói những câu như là không cần phải theo chính sách một nước Trung Quốc, thì ông Tập Cận Bình sẽ phải phản ứng mạnh.
Mà ngay bây giờ chúng ta đã thấy đã có những phản ứng rồi, khi mà Trung Quốc cho pháo đài bay có thể chở bom nguyên tử bay diễu ngang vùng biển phía nam, cũng như phía đông, bên cạnh Nhật Bản. Đó là hành động tự nhiên của ông Tập Cận Bình, phải tỏ ra rằng ông ấy cứng rắn đối với Mỹ.
Trước đây, ví dụ năm 1995, có lúc Trung Quốc đã tỏ ra mình đang nổi nóng như vây, khi chính phủ Clinton ở Mỹ đồng ý cho tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy được vào nước Mỹ đi thăm trường cũ của ông Huy là trường Cornell.
Ông Lý Đăng Huy qua Mỹ vào tháng Hai, thì đến tháng Sáu, tháng Bảy, Trung Quốc bắn hỏa tiễn qua eo biển Đài Loan. Họ làm liên tiếp như vậy trong mùa hè 1995, và đến tháng Ba năm 1996, họ lại bắn thêm một lần nữa.
Căng thẳng Mỹ-Trung nhưng không đến mức quá đà
Đấy là hành động coi như là để biểu dương lực lượng của chính phủ Trung Quốc hồi đó, và để đáp lại, thì Mỹ cũng biểu dương lực lượng, vào năm 1995, đã đưa 2 hàng không mẫu hạm đến bên cạnh Đài Loan và đi qua eo biển Đài Loan để chứng tỏ rằng nêu Trung Quốc tấn công Đài Loan thì Mỹ sẽ bảo vệ.
Những chuyện hai bên diễu võ đã từng xẩy ra trong quá khứ, và rất có thể Trung Quốc sẽ có những hành động như vậy, và kỳ này sẽ mạnh hơn, chẳng hạn như ta biết, họ đang đưa những giàn phòng không lớn đến những hòn đảo nhân tạo mà họ đã lập ở Biển Đông.
Thì chính phủ Mỹ cũng có thể có những hành động biểu dương lực lượng mạnh hơn, nhưng bình thường mà nói, không thể nào tin rằng hai bên Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến tranh với nhau chỉ vì những hòn đảo nho nhỏ ở Đông Nam Á, ở trong Biển Đông.
Thành ra cuộc "biểu diễn" đó sẽ còn tiếp tục, nhưng không nhất thiết đưa đến đứt đoạn về bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Bối cảnh đó sẽ quyết định là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Việt Nam cần đến Mỹ bên cạnh mình để chống Trung Quốc ở Biển Đông
Tôi nghĩ Việt Nam vẫn phải tìm cách tỏ ra thân thiện hơn với nước Mỹ, vì đó là những chính sách mà những nước như Singapore chẳng hạn vẫn theo từ trước đến giờ một cách hết sức khôn ngoan.
Chuyện ông Trump sẽ làm gì đối với với Biển Đông, hoàn toàn tùy thuộc vào bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Nhưng mà chúng ta biết rằng ông Trunp, theo như nhận xét của các nhà tâm lý học, là người thích được mọi người khen ngợi hơn là bị người ta chê. Ai mà chê ông ấy một câu thì ông ấy nổi sùng lên và có khi ông ấy nhớ mãi, nhưng mà được ai khen ngợi thì ông ấy sung sướng ghê lắm.
Thành ra việc chính phủ Việt Nam gọi điện thoại đến chúc mừng ông Trump là làm đúng, đánh vào tâm lý của ông Donald Trump. Hy vọng rằng trong tương lai, chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đó, để có thể có nước Mỹ bên cạnh mình, trong việc đối đầu với Trung Quốc.