Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 09 octobre 2024 23:25

Thiên tai và năng lực phản ứng

1. Từ chuyện cầu Phong Châu

Bão Yagi và những đợt mưa, lũ, sạt lở kéo dài suốt từ đầu tháng 9 đến nay tiếp tục tô đậm những thắc mắc về viễn kiến, năng lực của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Nếu không hành động, chắc chắn giá phải trả sẽ càng ngày càng lớn...

thientai1

Chiếc cầu sập do lũ gây ra bởi bão Yagi ở tỉnh Phú Thọ, 9/9/2024.

Chưa đầy 48 giờ sau khi hoàn tất cầu phao nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ, Lữ đoàn Công binh 249 đã cắt cầu vì "mưa lớn, lũ trên sông Hồng lên nhanh, không thể bảo đảm an toàn" [1].

Cầu phao vừa đề cập được lắp đặt nhằm tạm thay cầu Phong Châu đã bị sập hai nhịp vào sáng 9/9/2024 khiến hàng chục người thiệt mạng. Bởi cầu Phong Châu giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối Hà Nội với khu vực Đông Bắc và ngược lại nên ngay sau khi cầu bị sập, giới hữu trách đã yêu cầu Bộ Quốc phòng khảo sát, lắp đặt cầu phao [2]. Tuy nhiên đến 30/9/2024 việc lắp đặt cầu phao mới hoàn tất. Lý do chậm trễ là vì "thời tiết và lưu lượng nước trên sông" chưa "cho phép".

Theo Quyết định 05/2020/QĐ-TTg, mực nước trên hệ thống sông ngòi tại Việt Nam được chia thành ba cấp (từ một đến ba) khi cần báo động về lũ [3]. Bởi "nước trên sông Hồng tại khu vực cầu Phong Châu đã rút xuống dưới mức báo động 1", năm ngày sau khi cầu Phong Châu sập, UBND tỉnh Phú Thọ gửi công văn thúc giục lực lượng vũ trang "triển khai phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích và xe cộ bị rơi xuống sông" nhưng quân đội vẫn không thể lắp đặt cầu phao với lý do như đã dẫn [4].

Những tình tiết liên quan đến việc lắp đặt cầu phao tạm thay cầu Phong Châu cho thấy, quân đội Việt Nam "có vấn đề" cả về năng lực lẫn phương tiện. Cứ vào Google, dùng các từ khóa như "ponton bridge" hay "floating bridge" ắt sẽ tìm được rất nhiều video clip ghi lại cảnh quân đội nhiều quốc gia trên thế giới có thể dễ dàng lắp đặt những cầu phao dài hơn, rộng hơn, trong hoàn cảnh khắc nghiệt hơn,... nhưng hiệu quả sử dụng với tăng, thiết giáp, đại bác tự hành, vận tải quân sự,... cao hơn nhiều.

Vì sao quân đội Việt Nam phải mất đến ba tuần mới có thể lắp đặt cầu phao tạm thay cầu Phong Châu với chiều dài chưa tới 190 mét và dù đã cấm các loại xe vận tải lưu thông nhưng cuối cùng vẫn phải chủ động cắt cầu do không an toàn ?

***

Cầu phao tạm thay cầu Phong Châu chỉ là một trong nhiều ví dụ liên quan đến sự hạn chế cả về năng lực điều động, phối hợp lẫn phương tiện của lực lượng vũ trang Việt Nam nhằm ứng phó hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp.

Mưa bão, lũ lụt kéo dài từ đầu tháng trước đến nay cho thấy, lực lượng vũ trang Việt Nam thiếu cả trang bị tối thiểu để bảo vệ cá nhân tham gia cứu nạn lẫn phương tiện thiết yếu để trợ giúp nạn dân. Bởi các cá nhân hữu trách chỉ quan tâm đến "biểu diễn" nên mới có những chuyện như thuộc cấp của tướng Phạm Hoàng Chương – Tư lệnh Quân khu 2 – hồn nhiên ghi lại và gửi lên mạng xã hội khoe việc ông đứng bên ngoài khu vực xảy ra thảm họa, dõng dạc chỉ đạo "sơ tán nhân dân ra khỏi vùng lũ" qua điện thoại di động.

Không may cho ông trung tướng nói riêng và quân đội nói chung là nhiều người sử dụng mạng xã hội phát giác ông tướng mũ mão chỉnh tề, bệ vệ chỉ đạo thuộc cấp mang "300 người vào đâu cũng phải hiệu quả" ấy vung vẩy cánh tay mang đồng hồ Rolex trị giá khoảng 300 ngàn Mỹ kim [5]. Sở dĩ phải lưu ý đến "tiểu tiết" này bởi nếu đặt nó bên cạnh một video clip khác cũng được đưa lên mạng xã hội vào thời điểm đó, hẳn sẽ thấy nhiều điều phải ngẫm nghĩ.

Hãy xem video clip ghi lại cảnh một nhóm quân nhân thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai chạy tới, chạy lui tìm cách cứu đồng đội đang ngăn sà lan không người điều khiển đâm vào trụ cầu Cốc Lếu thì bị hất văng xuống sông... Qua video clip dài 2 phút 17 giây, ai cũng thấy, sở dĩ người lính lâm nạn sống sót, không bị nước lũ cuốn xuống hạ lưu là nhờ đồng đội ngẫu nhiên nhặt được một cái "que" trên bờ (0 :30), may mắn là cái "que" đủ dài và đủ chắc chắn để anh níu nên mới được kéo lên bờ [6].

Không rõ ngân sách đã chi bao nhiêu cho các cuộc "diễn tập thực binh", hàng năm được tổ chức rầm rộ từ xã, huyện, tỉnh/thành phố đến quân khu để tạo ra những cái được quảng cáo là "khu vực phòng thủ" ? Vì sao sau vô số đợt "diễn tập thực binh", các "khu vực phòng thủ" từ địa phương đến trung ương cùng tê liệt, không biết phải làm thế nào để đối phó với những sà lan sau bão Yagi trôi từ Trung Quốc sang Việt Nam hết va vào cầu này thì đâm vào cầu khác ?

Công văn số 3290/UBND-NLN của chính quyền tỉnh Yên Bái gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào ngày 9/9/2024, cấp báo có hai sà lan đứt neo đã vượt biên giới Việt – Trung, trôi qua tỉnh Lào Cai và sẽ vào Yên Bái trong khi ở tỉnh này có tám cây cầu bắc qua sông Thao, riêng cầu Yên Bái được xây dựng như cầu Phong Châu ở Phú Thọ nên "đề nghị giúp đỡ lực lượng, trang thiết bị để xử lý" chính là câu trả lời cả về năng lực quản trị lẫn điều hành cho phòng thủ theo đúng nghĩa của từ này [7] !

2. Thiếu khả năng tiên liệu

Ngoài những sự kiện khiến thiên hạ dở khóc, dở cười như cầu phao tạm thay cầu Phong Châu bị sập, hay chính quyền các tỉnh khu vực thượng lưu sông Hồng chỉ biết cấp báo và kêu gọi chính quyền trung ương hỗ trợ ứng phó với những phương tiện trôi giạt trong lũ, hoặc các thành viên thuộc lực lượng cứu nạn thiếu những trang bị tối thiểu để bảo vệ mình và cứu người,... như đã đề cập trong phần một, sự hạn chế về năng lực quản trị và điều hành trong thảm họa của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn cho thấy các viên chức hữu trách không có khả năng, thậm chí tệ hơn - không thể tiên liệu để chuẩn bị những giải pháp bảo vệ tính mạng, bảo toàn tài sản công dân.

thientai2

Nhân viên cứu hộ tại một vùng đất trùi tại một làng thuộc tỉnh Lào Cai sau bão Yagi, 12/9.

Cuối tháng 8/2024, các chuyên gia khí tượng – thủy văn ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã cảnh báo về tác động của bão Yagi đến Việt Nam. Các viên chức cao cấp đáp lại bằng hàng loạt mệnh lệnh, yêu cầu "khẩn trương, nghiêm khắc, không hối tiếc" [8]. Yêu cầu này được toàn bộ hệ thống từ trên xuống dưới lặp đi, lặp lại song... chỉ có thế mà thôi ! Gió lớn, mưa to đã lột trần thế nào là "nghiêm khắc" kiểu cộng sản. Ví dụ trồng cây là vùi cả bầu bọc kín rễ cây xuống đất trong khi thực trạng này đã từng tạo ra scandal sau một cơn giông lớn từ... 2015 [9]. Chính quyền chưa bao giờ "hối tiếc" nhưng dân chúng thì sao ? Họ có nên hối tiếc khi đóng thuế nuôi bộ máy hoạt động theo kiểu như vậy ?

Gió lớn, mưa to còn khiến kính của nhiều cao ốc là khách sạn, chung cư ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh,... "bay lả tả như lá cây" [10]. Đó là chưa kể nhiều căn hộ tuy nằm cao hơn mặt đất hàng chục mét vẫn bị nước, theo các kẽ hở, tràn vào [11]. Không ít video clip ghi lại cảnh vách kính phía trước một số căn hộ dập dềnh, chỉ chực rời ra, rớt xuống bởi tường quanh khung bao rách toạc [12]. Trên mạng xã hội, một số người am tường lĩnh vực kiến trúc và xây dựng bảo rằng, đó là hậu quả tất nhiên khi thiết kế, xây dựng không tính đúng, tính đủ về hiệu ứng Bernoulli nên chênh lệch áp suất giữa trong và ngoài làm nổ kính, thậm chí có thể cuốn mọi thứ ra ngoài [13].

Bên cạnh việc đặt ra đủ loại quy chuẩn liên quan đến nhà ở, đặc biệt là các cao ốc dùng làm nơi cư trú (Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, Quy chuẩn về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, Quy chuẩn về an toàn sinh mạng và sức khoẻ, Quy chuẩn về an toàn cháy, Quy chuẩn về hệ thống cấp thoát nước ;...), chính quyền Việt Nam còn thiết lập một bộ máy từ trung ương đến địa phương để thẩm định, nâng lên đặt xuống chán chê rồi mới duyệt thiết kế, sau đó là giám sát thi công, săm soi đủ đường mới thừa nhận hoàn công. Chẳng lẽ bộ máy ấy chỉ nhận lương và đủ loại đãi ngộ, bởi "không hối tiếc" nên không cần chịu trách nhiệm khi duyệt, nghiệm thu những sai sót căn bản về kỹ thuật ?

Tương tự, phải hiểu thế nào là "khẩn trương" ứng phó khi chính quyền phát giác 115 cư dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai "mất tích" vẫn còn sống nhờ họ chủ động khảo sát địa hình, địa mạo rồi chủ động rời nơi cư trú trước khi xảy ra sạt lở [14]. Nếu thật sự nghiêm túc trong chuẩn bị ứng phó với thiên tai chắc chắn sẽ không có chuyện ngậm ngùi loan báo toàn bộ cư dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (128 người) đã bị đất đá vùi lấp khi lũ quét qua khu vực này hôm 10/9/2024 [15] và sau đó năm ngày thì hồ hởi thông báo về "kỳ tích" 29 người còn sống [16] bởi kịp thời chạy lên núi lánh nạn trước khi đất đá đổ xuống hoặc đi làm, đi học nên thoát chết.

Chính quyền và dân chúng - phía nào nên "hối tiếc" khi khả năng tàn phá của bão Yagi đã được dự đoán trước đó cả tuần nhưng sau khi bão quét qua, nhiều nạn dân và thân nhân của họ phải gửi lời kêu cứu lên mạng xã hội bởi bị mắc kẹt giữa biển nước, kiệt sức do đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật. Bão, lũ, sạt lở vốn không phải tình huống hoàn toàn bất thường với dân chúng Việt Nam nhưng trong những ngày đầu tiên sau bão, thiên hạ chỉ thấy dân chúng nhiều vùng gom góp, vận chuyển thực phẩm, đặc biệt là các phương tiện cứu nạn như xuồng, ca nô đến những nơi bị lụt nặng [17]. Phía nào nên "hối tiếc" khi lực lượng vũ trang tham gia cứu nạn thiếu đủ thứ phương tiện cơ bản và thiết yếu ?

Bao giờ chính quyền thật sự "hối tiếc" khi đã dốc công quỹ vào tượng đài, cổng chào, những dự án vô bổ, những kế hoạch gia tăng năng lực trấn áp dân chúng và thiết giáp, các loại xe, các loại phương tiện chuyên dùng để chống bạo loạn, đàn ngựa của trung đoàn kỵ binh thuộc lực lượng cảnh sát cơ động,... nên không có phương tiện, trang bị cứu nạn dân gặp thiên tai. Chẳng lẽ chính quyền không hổ thẹn, "không hối tiếc" khi dân chúng góp 170 triệu để mua chiếc tàu mà một doanh nghiệp ở Quảng Bình cho Công an Yên Bái mượn sau khi nghe ông Vi Văn Hải (Thượng tá, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Cứu nạn cứu hộ của công an tỉnh này) bảo rằng, nhờ chiếc tàu vượt thác lũ rất tốt ấy mới cứu nạn được [18] ?

3. ‘Tâm’ và ‘tầm’ ở đâu ?

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thường tự quảng cáo về "tâm" và "tầm" nhưng hiện trạng kinh tế - xã hội cho thấy cả hai thứ nay đều là "xa xỉ phẩm" mà các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương hoặc không muốn sắm, hoặc không có khả năng để sắm cả hai ! Đó là lý do ngạn ngữ "mười voi không được bát nước xáo" luôn luôn đúng đến đau lòng, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai, thảm nạn.

thientai1

Một cánh đồng lúa ngập nước tại Chương Mỹ, Hà Nội, 24/9.

Ngày 20/8/2024, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt tuyên truyền về "Hội thao tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không năm 2024" do quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức tại sân bay Hòa Lạc (Hà Nội) nhằm "kiểm tra trình độ, năng lực của phi công và lực lượng tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không của các đơn vị trực thăng" [19].

Giống như các đợt "diễn tập thực binh" được tổ chức rầm rộ hàng năm từ xã, huyện, tỉnh/thành phố đến quân đoàn/quân khu, hội thao vừa đề cập cũng có sự góp mặt của tất cả các nhân vật "tai to, mặt lớn" đại diện chính phủ (Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn), đại diện quân đội chễm chệ ngồi nghe báo cáo, hứa hẹn quyết tâm, sau đó tuyên bố về thành công, tiến bộ...

Nếu các đợt "diễn tập thực binh" thường niên góp phần tạo ra một hệ thống khi hữu sự không biết làm gì với các phương tiện đường thủy lừng lững xuyên biên giới Việt Trung, dễ dàng vượt qua các tỉnh phía thượng lưu để xuống hạ lưu sông Hồng, có nguy cơ va vào các cây cầu trọng yếu [20] thì kết quả của "Hội thao tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không năm 2024" cũng vậy !

Khoảng ba tuần sau hội thao, khi bão Yagi vừa quét qua khu vực Đông Bắc và để lại đổ nát, sạt lở khắp nơi, tạo ra vô số nạn dân kiệt sức vì đói khát, ướt át, lạnh lẽo, kêu cứu do bị cô lập ở những vị trí hiểm trở, bất chấp đề nghị nên sử dụng trực thăng cứu nạn của dân chúng, trực thăng của quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam vẫn "án binh bất động".

Đó cũng là lý do dư luận dậy lên thành bão bởi một tuần sau khi "trời yên, gió lặng", trực thăng của quân chủng Phòng không - Không quân mới xuất hiện ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng để dân chúng, trẻ con quàng khăn đỏ đổ đến xem "bộ đội cụ Hồ" dỡ khoảng trăm thùng mì gói, nước uống đóng chai từ trực thăng, xếp thành đống phía sau tấm bạt kẻ vẽ cẩn thận nhằm giới thiệu vật phẩm cứu trợ đã được mang đến bằng phương tiện cứu nạn hiện đại để chụp ảnh, quay phim phục vụ... công tác tuyên truyền [21] !

Chuyện sử dụng trực thăng cứu hộ - cứu nạn đã được nêu ra từ lâu, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai, thảm nạn (bão lụt, cháy rừng,...) nhưng dường như hy vọng, sự mong đợi của công chúng chỉ tạo điều kiện cho quân đội nhân dân phóng tay tổ chức thêm các "hội thao tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không" và công an nhân dân củng cố lập luận cần phải được đầu tư để thành lập trung đoàn trực thăng riêng !

Muốn đánh giá "tâm" và "tầm" của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng, nên dành chút thời gian xem kỹ thông tin, hình ảnh về "hội thao" liên quan đến "tìm kiếm – cứu nạn đường không" diễn ra hồi tháng 8/2024. Làm sao hoạt động tìm kiếm – cứu nạn có thể có hiệu quả khi chỉ chú trọng đầu tư vào vài "đội tuyển" tập trung thi "lý thuyết, thao diễn chào mừng hội thao", phần "thực hành tìm kiếm – cứu nạn" chỉ có vài "vận động viên" níu dây tuột từ trực thăng xuống sông ? Khi nào thì tính mạng, tài sản của công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam quan trọng hơn những chuyện như "bay biểu diễn kéo cờ đảng, quốc kỳ" để "kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ" và quân đội nhân dân Việt Nam cũng tích cực điều động tới 11 trực thăng tham gia tập luyện, thực hiện một phi vụ [22] ?

***

Hình ảnh, thông tin về tình trạng thiếu thốn đủ thứ từ trang bị cá nhân cho những người tham gia tìm kiếm cứu nạn tới phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng trong ứng phó thiên tai, thảm họa khiến kẻ viết bài này nhớ đến một đề nghị của quân đội Mỹ hồi giữa thập niên 2010. Sau khi quân đội Mỹ công bố ý định xây dựng hệ thống kho dự trữ quân cụ, quân nhu để có thể triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai tại khu vực Đông Nam Á nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng… một số quốc gia Đông Nam Á đã chủ động đề nghị quân đội Mỹ đặt hệ thống kho vừa đề cập trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên tướng Dennis Via, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của Lục quân Mỹ vào thời điểm đó (2016) cho biết, quân đội Mỹ muốn xây dựng hệ thống kho này tại 2 quốc gia, trong đó có Việt Nam [23].

Khi ấy, một số nguồn thạo tin còn đề cập đến khả năng, nếu Việt Nam đồng ý, quân đội Mỹ sẽ thiết lập hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu cho các chiến dịch nhân đạo tại khu vực Đông Nam Á ở miền Trung Việt Nam. Sau tướng Via, tướng Robert Brown (Tư lệnh Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương từ 2016 đến 2019) tiếp tục lập lại ý định về việc thiết lập hệ thống kho dùng vào việc hỗ trợ nhân đạo song ông nói thêm rằng ngoài Việt Nam, có thể quân đội Mỹ sẽ xem xét thêm đề nghị xây dựng hệ thống này ở Malaysia, Bangladesh, hoặc Cambodia... Giống như tướng Via, tướng Brown giải thích tại sao quân đội Mỹ bận tâm về chuyện này : Đó là khu vực chắc chắn sẽ xảy ra những thảm họa. Kế hoạch này nhằm tư vấn, hỗ trợ cứu được nhiều mạng người nhất trong toàn khu vực [24] !

Tại sao quân đôi Mỹ đã xác định Việt Nam là địa điểm lý tưởng để xây dựng hệ thống cất trữ phương tiện, vật dụng dành riêng cho các chiến dịch nhân đạo và hợp tác Mỹ - Việt có vẻ càng ngày càng chặt chẽ nhưng ý tưởng vừa kể dường như chẳng đến đâu ? Câu trả lời nằm ở chỗ Việt Nam vẫn luôn phải "nhìn trước, ngó sau" và vẫn khăng khăng sẽ kiên định với "chính sách ba không" (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác), rồi tăng thêm một "không" (không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) thành "chính sách bốn không", lúc phải đối đầu với thiên tai, thảm họa thì phát sinh thêm một "không" nữa là… "không có gì hết" !

4. Từ khai thác cát và rừng

Dẫu Yagi được xem là trận bão có cường độ mạnh chưa từng thấy trong 30 năm vừa qua, đồng thời có một số đặc điểm khác thường, chẳng hạn chỉ 24 giờ, cường độ tăng thêm tám cấp và suy giảm rất chậm nhưng xét cho đến cùng đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của cả cá nhân lẫn quốc gia.

thientai1

Chèo thuyền trong lụt sau bão Yagi tại làng An Lạc, Hà Nội, 13/9.

Các số liệu thống kê cho thấy, tuy Quảng Ninh và Hải Phòng – hai nơi đón bão đổ vào có nhiều căn nhà, ruộng vườn, công trình công cộng hư hỏng, 27 người chết, 1.100 người bị thương song những thiệt hại ấy vẫn chưa là gì so với tổn thất sau đó bởi mưa to, lũ lớn, sạt lở tại 24 tỉnh/thành phố khác, đặc biệt là khu vực cao nguyên miền Bắc khiến số người thiệt mạng và mất tích tăng thêm hơn 300, số người bị thương tăng thêm khoảng 1.000, tổng thiệt hại tài sản tăng thêm khoảng 46.000 tỉ (thiệt hại tài sản của Quảng Ninh và Hải Phòng chỉ trong khoảng 34.000 tỉ). Tổn thất do thiên tai dù khó tránh và khó lường nhưng ở Việt Nam rất nhiều tổn thất có thể phòng ngừa, hoặc giảm thiểu hậu quả.

Ví dụ sẽ không mất 895 tỉ để xây lại cầu Phong Châu ở Phú Thọ [25] nếu không cho phép khai thác cát vô tội vạ ở khu vực này, thậm chí khi tình trạng xói lở trở thành nghiêm trọng, lúc nước rút có thể thấy móng một số trụ cầu "lơ lửng" giữa đáy mới của sông và mặt cầu [26], dân chúng liên tục cảnh báo nhưng chính quyền tỉnh Phú Thọ vẫn không làm gì, chỉ hỏi xin và chờ tiền xây dựng cầu mới. Sau khi cầu Phong Châu sập, các viên chức hữu trách ở Phú Thọ bảo rằng tai nạn là do cầu yếu, đã xin nhưng Bộ Giao thông vận tải chưa cấp tiền, Bộ Giao thông vận tải biện bạch sở dĩ chưa cấp vì ngân sách eo hẹp [27]. Quản trị như thế thì bao nhiêu tiền mới đủ ?

Cũng liên quan đến quản trị và điều hành, giữa đợt lũ sau bão Yagi, thiên hạ choáng váng khi chứng kiến các phương tiện đường thủy trôi từ thượng lưu xuống hạ lưu, hết đâm vào cầu này [28] thì va vào cầu khác [29] nhưng không có bất kỳ ngành nào ở cấp nào ngăn chặn. Chắc chắn thiệt hại từ những vụ "đâm, va" ấy sẽ giảm đáng kể nếu các cầu, kể cả mới dựng, có hệ thống trụ chống va như cầu Long Biên mà người Pháp xây dựng hồi cuối thế kỷ 19 [30]. Vì sao mức độ hiểu biết về đặc điểm sông ngòi Việt Nam, ý thức trách nhiệm về hiệu quả, mức độ an toàn của công trình công cộng nơi viên chức "chính quyền thực dân" lại vượt xa "công bộc" của "chính quyền nhân dân" ?

***

Cho dù lũ lụt, sạt lở sau bão Yagi khiến nhiều người sửng sốt, choáng váng [31] nhưng trong thực tế, điều này đã trở thành bình thường tại Việt Nam và ai cũng biết đó là hậu quả của việc phá rừng, phê duyệt các loại quy hoạch vừa thiếu kiến thức, vừa đầy gian ý, bất chấp hậu quả !

Vì sao trong hai thập niên vừa qua, lũ quét, sạt lở cả ở rừng núi lẫn bờ, sông, bờ biển tại Việt Nam càng ngày càng trầm trọng ? Nếu chịu khó đối chiếu, hẳn sẽ thấy tình trạng ấy xuất hiện sau khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hăm hở thực hiện "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Điều đáng nói là cho dù hậu quả càng ngày càng tàn khốc nhưng các viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn tiếp tục gạt bỏ khuyến cáo của các chuyên gia, vẫn hành xử theo kiểu "sống chết mặc bay", lối hành xử này cho thấy, với họ, tính mạng, tài sản công dân luôn là "chuyện nhỏ" !

Năm 2012, một số chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện Dự án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam" để xác lập hai loại bản đồ : Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai. Tuy nhiên những Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai ở 15 tỉnh miền Bắc Việt Nam, đã có từ giữa thập niên 2010 [32] hoàn toàn vô nghĩa. Không phải tự nhiên những chuyên gia vừa kể nhiều lần nhắc rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu các vùng nguy cơ, hệ thống quan trắc sẽ chẳng đến đâu nếu chính quyền không bận tâm.

Các chuyên gia địa chất cũng đã từng đề cập đến việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mà theo ước đoán của họ, trị giá khoảng vài trăm triệu Mỹ kim song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cùng không màng, dẫu chi tiêu cho hệ thống này chẳng thấm vào đâu so với các khoản đã chi cho hệ thống cổng chào, tượng đài, nhà hát, quảng trường ! Đầu năm 2019, loạt bài do Tin Tức thuộc Thông tấn xã Việt Nam thực hiện về thực trạng sạt lở ở Việt Nam cho thấy không màng là trở ngại lớn nhất đối với phòng ngừa thảm họa. Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã lưu ý, ngay cả khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc tự động mà không màng thì cũng… vô nghĩa.

Hãy dành thời gian dùng link [33] bên dưới bài viết này xem loạt bài mà Tin Tức thực hiện hồi đầu năm 2019. Trong bài 1 của loạt bài, các chuyên gia có đề cập đến Xín Mần ở Hà Giang như một ví dụ về "cảnh báo đỏ", bởi "các khối trượt đã hình thành". Sau đó hãy dùng Google với từ khóa là "Xín Mần+sạt lở" để xem từ đó đến nay đã có bao nhiêu dân lành uổng mạng, bao nhiêu tài sản cá nhân và công trình công cộng đã bị vùi lấp. Tương tự, hãy dành thời gian dùng link [34] bên dưới bài này để xem cảnh báo từ 2016 về trượt lở tại Lào Cai và hãy đối chiếu các địa danh được cảnh báo cách nay tám năm ắt sẽ nhận ra thảm nạn sau bão Yagi ở Lào Cai là từ đâu.

Giành, giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu như đã biết và đang thấy thì cần thêm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu của dân lành ? Thiệt hại do bão Yagi được ước đoán khoảng 81.000 tỉ. Ai gánh những thiệt hại đó và vô số những thiệt hại cả tinh thần lẫn vật chất khác ?

Trân Văn

Nguồn : VOA, 09/10/2024

Chú thích :

[1] https://tuoitre.vn/tam-dung-giao-thong-qua-cau-phao-phong-chau-2024100119032031.htm

[2] https://thanhnien.vn/quan-doi-se-lap-cau-phao-gan-cau-phong-chau-185240910130217323.htm

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-05-2020-QD-TTg-muc-nuoc-tuong-ung-voi-cac-cap-bao-dong-lu-tren-song-pham-vi-ca-nuoc-433671.aspx

[4] https://vtv.vn/xa-hoi/lap-dat-cau-phao-thay-the-cau-phong-chau-trong-thoi-gian-ngan-nhat-20240915105621213.htm

[5] https://xamvn.tech/r/nong-nhat-trung-tuong-pham-hong-chuong-tu-lenh-quan-khu-2-deo-dong-ho-rolex-gan-300-000-usd-khoe-khoang-voi-ba-con-ngheo-vung-lu-lut-roi-cuoi-ha-he.1162650/

[6] https://www.facebook.com/SamNgocLinh/videos/3803634746579521/

[7] https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/posts/2572060029850419/

[8] https://vnexpress.net/pho-thu-tuong-chong-bao-voi-tinh-than-nghiem-khac-khong-hoi-tiec-4789442.html

[9] https://vietnamnet.vn/trong-cay-boc-nilon-dan-nghi-ngo-y-thuc-trach-nhiem-248857.html

[10] https://www.baogiaothong.vn/bao-so-3-yagi-do-bo-nhieu-cao-oc-kinh-bay-la-ta-nhu-la-cay-192240907184942245.htm

[11] https://www.youtube.com/watch ?v=UlH5NDYZz2c

[12] https://www.facebook.com/VuAnhNguyen010980/videos/1982117922214366

[13] https://www.facebook.com/Thong.Vo.Van.1972/posts/pfbid023XDgdG655oxiMMEHD4VVdQc4WBpCX3hTRkogkWYrMQLG2DN9C891XoecovajApYpl

[14] https://vietnamnet.vn/thay-nguy-co-sat-lo-dat-truong-thon-dua-115-nguoi-len-len-nui-lanh-nan-an-toan-2321501.html

[15] https://baolaocai.vn/lu-quet-kinh-hoang-tai-xa-phuc-khanh-bao-yen-post389941.html

[16] https://baophapluat.vn/them-18-nguoi-mat-tich-tai-lang-nu-duoc-xac-minh-con-song-post525498.html

[17] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid031vPZmmfUYBsRyAds8zh2GvNrt6e5pFDKwPnqwvBvv9TNLPf6dmvuP74uKDa8pcBFl&id=100000176827961

[18] https://www.facebook.com/son.ho.9237/posts/pfbid0njGHssFVyRyQZY12h59gGW25LoyQex6FhwMicwJ8Njm4Putp8d3FRQACC9tZoVuul

[19] https://dantri.com.vn/xa-hoi/luc-luong-phong-khong-khong-quan-nhay-du-tim-kiem-cuu-nan-20240820133244875.htm

[20] https://thegioianh.diendandoanhnghiep.vn/nguy-co-kho-luong-tu-2-tau-xa-lan-troi-dat-tu-trung-quoc-ve-dia-phan-viet-nam/

[21] https://www.facebook.com/ludoanphaobinh675/videos/1492151288330923

[22] https://nhandan.vn/anh-truc-thang-mang-co-dang-co-to-quoc-rop-troi-dien-bien-ngay-tong-duyet-post807926.html

[23] https://thediplomat.com/2016/03/deterring-china-us-army-to-stockpile-equipment-in-cambodia-and-vietnam/

[24] https://www.armytimes.com/pay-benefits/military-benefits/2016/08/25/army-grows-pacific-pathways-ties-with-asian-partners/

[25] https://thanhnien.vn/phu-tho-de-nghi-xay-cau-phong-chau-moi-kinh-phi-865-ti-dong-185240914134030819.htm

[26] https://www.facebook.com/TrungNgo76/posts/pfbid0YQwVrDe7RCtWMb2hjCr5NHHyfNK6K1wF7ECdCP3hm9sPVtpX9UmZB9Wr1fYev5Jpl

[27] https://tuoitre.vn/cau-phong-chau-da-sua-3-lan-truoc-khi-bi-sap-cu-tri-tung-de-nghi-nang-cap-20240909152307771.htm

[28] https://www.facebook.com/trungblao/videos/1373050616984728

[29] https://www.facebook.com/nguyen.anhquy.796/videos/1037116257658138/

[30] https://www.facebook.com/susu.l0ve/posts/pfbid09FEWcuzHWUcJd6jdHQFjSf8vm9xP1kCcYth6pHe7KPFqs13G3PHUNmjGUgV15yofl

[31] https://www.facebook.com/thanhhang1501/posts/pfbid05CRp6yLGbRAPPNnU4HUdxvH3MPbhrdynTFJWbYbitEzWF2goJKyBSTZkUs9dCr3wl

[32] https://vtv.vn/trong-nuoc/hoan-thanh-ban-do-truot-lo-dat-da-tai-15-tinh-mien-nui-phia-bac-20170925073343964.htm

[33] https://baotintuc.vn/xa-hoi/sat-lo-dat-o-viet-nam-bai-1-thuc-trang-va-thach-thuc-20190206152108633.htm

[34] https://www.vietnamplus.vn/ban-do-phan-vung-canh-bao-nguy-co-truot-lo-dat-da-tai-lao-cai-post415970.vnp

Additional Info

  • Author Trân Văn
Published in Diễn đàn

1. Thiên tai một, nhân họa hai

Thiên tai là điều mà không có một quốc gia nào, một khu vực nào trên trái đất này có thể tránh khỏi. Nhưng ở những quốc gia nghèo, lại có một thể chế độc tài và tham nhũng, thiên tai thường gây ra hậu quả nặng nề hơn, nhất là về sinh mạng con người, vì đi kèm với nhân họa.

thientai1

Ngập lụt ở miền Bắc, Hà Nội yêu cầu phía Trung Quốc ngưng xả lũ - Ảnh minh họa Ngập lụt ở thị trấn An Châu (Sơn Động)

Chẳng hạn như ở Việt Nam, qua vụ bão lũ Yagi, số người chết và mất tích lên đến hơn 330 người cùng với những thiệt hại nặng nề về kinh tế vì nhiều lý do :

a) Nạn phá rừng - nhất là rừng phòng hộ, nạn nạo hút cát ở các con sông (đã có những người đặt ra câu hỏi về vụ sập cầu Phong Châu, phải chăng là do hút cát quá nhiều ở lòng sông gần khu vực cầu, làm xói mòn xung quanh trụ cầu nên khi lũ mạnh hơn là cầu bị sập ?), nạn xậy đập thủy điện bừa bãi đến khi buộc phải xả lũ khiến lũ chồng lũ, việc bạt núi, đồi để làm đường, xây dựng các công trình hay biệt thự, biệt phủ… dễ dẫn đến sạt lở v.v… Tất cả những điều này đã được nhiều nhà báo, blogger vạch ra trên báo chí truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội những ngày qua.

b) Sự yếu kém trong công tác phòng chống bão, lũ từ xa : Bão lụt là chuyện xảy ra khá thường xuyên ở Việt Nam, tất nhiên không phải bao giờ cũng có một cơn bão mạnh kinh hoàng như bão Yagi. Thế nhưng, công tác chuẩn bị cho người dân cũng như phòng ngừa bão lũ ở Việt Nam qua bao nhiêu năm vẫn rất yếu kém. Từ những chuyện nhỏ nhặt như tổ chức thường xuyên các lớp học dạy bơi cho trẻ em và cả người lớn ở vùng gần sông, biển, dạy các biện pháp cứu hộ, hướng dẫn, thực hành các kỹ năng sinh tồn, cứu giúp nhau nếu gặp bão - khi xảy ra chuyện mới thấy kỹ năng sinh tồn của đa số người Việt rất kém ; ở nông thôn, vùng sâu vùng xa xây những ngôi nhà cao chắc chắn cho dân tạm trú khi có bão lụt… Cho đến đầu tư vào việc mua đầy đủ phương tiện, thiết bị cứu hộ thay vì đổ tiền vào xây cổng chào, tượng đài nghìn tỷ ; huấn luyện đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp được trang bị, quần áo bảo hộ đầy đủ chứ không chỉ trông cậy vào bên quân đội dù có sức khỏe nhưng chưa chắc đã thực sự chuyên nghiệp, chưa kể như nhiều thông tin, hình ảnh cho thấy bộ đội cũng chỉ có những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, thuổng...

Chúng ta cũng chứng kiến ở một vài vùng có sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương khi có những nơi mưa to kéo dài tới mấy ngày mà không cảnh báo cho dân và không buộc dân phải di tản khỏi ven bờ suối, sông…

c) Những yếu kém trong công tác cứu hộ, cứu trợ : nạn độc quyền cứu trợ. Nhà cầm quyền Việt Nam không muốn có sự tồn tại và phát triển của các tổ chức xã hội dân sự vì lo ngại ảnh hưởng của các tổ chức này, ngay cả các cá nhân là nghệ sĩ, người của công chúng đi làm từ thiện cũng vậy. Các năm trước từ một vài vụ scandal làm từ thiện không minh bạch của một vài người nổi tiếng, báo chí chính thống và dư luận nhân đó "đập" te tua những người này khiến năm nay khi bão xảy ra, chả nghệ sĩ, doanh nhân nào dám đứng ra tổ chức quyên góp. Cuối cùng tiền đổ vào tổ chức Mặt trận Tổ Quốc đúng như ý muốn của nhà cầm quyền. Báo chí trong nước cho hay cho đến ngày 17/9 số tiền mà Mặt trận Tổ quốc nhận được là 1.236 tỉ đồng, tương đương khoảng 50 triệu đô la Mỹ, do các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước quyên góp. Lần này Mặt trận Tổ quốc đã tiến hành sao kê hàng chục ngàn trang giao dịch nhận tiền cứu trợ, một hành động đáng khích lệ, tuy nhiên, cần tiếp tục công khai số tiền đã và sẽ được chuyển đi đâu, sử dụng như thế nào, và cần phải có các tổ chức kiểm tra/kiểm toán độc lập.

Nhưng ngay cả như vậy thì vẫn không thể dành độc quyền việc cứu trợ cho một tổ chức, khi tai họa xảy ra sẽ không thể bao quát nổi mọi thứ. Ở các nước và ngay ở miền Nam trước kia dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, các tổ chức xã hội dân sự của thường dân cho tới Phật giáo, Công giáo, Hòa hảo, Cao đài… phát triển rất mạnh và thường làm rất tốt các công việc thiện nguyện. Việc không chấp nhận sự tồn tại của các tổ chức xã hội dân sự, thiện nguyện là một sự thiệt thòi lớn khi có thiên tai.

d) Tư duy, thái độ của quan chức và một bộ phận người dân đối với vấn đề thiên nhiên-môi trường góp phần làm cho tai họa thêm nghiêm trọng :

Đó là sự tham lam vô hạn độ của quan chức và đại gia, thói phô trương khoe mẽ có phần "trọc phú" khi đua nhau xây những ngôi biệt thự, biệt phủ "khủng" bằng gỗ hoặc nội thất toàn bằng gỗ loại hiếm, quý ; thậm chí ngay cả cái Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh sử dụng rất nhiều hạng mục bằng gỗ, đặc biệt hàng ghế ngồi bằng gỗ Đồng Kỵ chạm trổ cầu kỳ từng tạo nên dư luận khen chê trái chiều ; hay những bộ bàn ghế xa hoa bằng gỗ nguyên tấm của các quan chức, kể cả các sư thầy… được mạng xã hội đưa lên. Tất cả góp phần vào nạn "chảy máu rừng" với tốc độ kinh hoàng ở Việt Nam, so với các nước láng giềng.

Đó là thái độ tuy có tấm lòng nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, đua nhau theo phong trào nên kém hiệu quả và nhiều khi gây lãng phí. Trên mạng cũng đưa lên những hình ảnh từng làng xã đua nhau gói bánh chưng, bánh tét gửi tới vùng bị bão lũ, vừa nặng mà khi đến tận tay người dân thì đã bị hư thiu, rồi thừa ra, giống như trước kia cứ hễ lũ lụt là lại từng thùng mì gói ùn ùn gửi tới, người dân cũng phát ngán. Nhiều người cũng đã góp ý mỗi vùng mỗi tỉnh bị thiên tai có thể có những nhu cầu khác nhau, địa phương cần phải có những tổ chức đứng ra kê khai xem dân thực sự cần gì. Mà đó chỉ mới là trước mắt, còn kế hoạch lâu dài hậu bão lũ, người dân lại cần có những thứ khác nữa khi bắt tay xậy dựng, tái thiết lại mọi thứ.

Đó là những suy nghĩ đã hằn trong não từ quan chức, chính quyền cho đến người dân : cứ mỗi khi có chuyện thiên tai bão lụt là lại thấy nhà nước kêu gọi người dân đóng góp, các nghệ sĩ đứng ra quyên góp, bỏ tiền, rồi cùng nhau lao vào làm công việc cứu trợ. Dân giúp nhau là điều đáng quý, nhưng trên hết, đó phải là trách nhiệm của chính quyền. Người dân đóng thuế nuôi chính quyền để chính quyền làm việc cho dân chứ không phải cái gì cũng bắt dân phải lo, ngược lại khi dân nhận được món quà đóng góp (từ chính tiền của dân) thì lại cho là "ơn đảng, ơn chính phủ".

Đó là những thói xấu làm hoen ố bức tranh tình người mà đồng bào dành cho nhau trong thiên tai : cho tiền ít nhưng nói vống thành nhiều, làm màu (người Việt mới có thêm một từ dành cho việc này : "phông bạt" (!). Từ mới được cập nhật vào danh sách dài những từ, cụm từ "đầy tính sáng/tối tạo" chỉ có dưới "chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp" như : tự xử, sao kê, trùm cuối, giải cứu, ngạo nghễ, vỡ òa, v.v. và v.v.), dàn dựng những video hình ảnh thương tâm trong mùa lũ hoặc cảnh cứu trợ để câu views, lấy tiếng v.v…khiến lòng tin của con người dành cho nhau dưới chế độ độc tài cộng sản ở Việt Nam vốn đã bị lung lay rất nhiều, càng thêm đổ vỡ. Mà một khi lòng tin vào nhà nước, lòng tin vào con người bị mất đi cũng sẽ góp phần cản trở thêm cho công cuộc cứu hộ, cứu trợ hay nhiều việc khác.

thientai2

Làm tốt công tác phát triển trồng rừng thay thế và bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần phòng chống lũ quét và sạt lở đất. Ảnh minh họa Yên Bái

2. Làm gì để tránh những bi kịch lặp đi lặp lại do những bài học không bao giờ thuộc như từ trước tới nay ?

Năm nào thiên tai bão lũ cũng xảy ra, nhưng dường như những bài học vẫn không được học, là vì những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn không được sửa chữa, thay đổi, dẫn đến hậu quá vẫn tiếp tục nặng nề, đầy máu và nước mắt, và những cái chết đau thương.

Đó là chưa nói đến chuyện khi cơn bão đi qua, nhiều người lại phải bắt tay vào làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Ở các nước dân chủ phát triển thì dân không phải lo, đã có những chính sách an sinh xã hội lẫn những chương trình giúp đỡ cho vay vốn làm ăn lại, nhưng còn ở Việt Nam, người dân chắc chắn lại phải tự mình xoay sở, vay mượn đâu đó, nợ chồng nợ.

Làm thế nào để tránh những bi kịch lặp đi lặp lại này ?

a) Thay đổi từ gốc, nghiêm trị bằng pháp luật nạn phá rừng, nạo hút cát, bạt núi đồi xây biệt thự, bắt đầu lại từ việc trồng rừng nhưng không phải chỉ trồng thuần một vài loại cây có lợi trước mắt về kinh tế nhưng là rừng nghèo như cây keo, rừng phải đa tầng đa dạng, giàu có về chủng loại thì mới có tác dụng giữ đất.

b) Đầu tư nghiêm túc vào công tác cứu hộ, cả thiết bị và con người.

c) Có những chính sách, kế hoạch phòng ngừa thiên tai lâu dài, và chuẩn bị đầy đủ cho người dân.

d) Chấp nhận sự ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội dân sự, thiện nguyện.

d) Thay đổi tư duy, nếp nghĩ, lối sống.

Với quan chức đó là tư duy, suy nghĩ đặt nhân dân, con người lên trên hết, đặt lợi ích lâu dài của đất nước, dân tộc lên trên hết, có tầm nhìn xa, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.

Với người dân (và cả quan chức) đó là tôn trọng thiên nhiên, sống hài hòa, cân bằng với thiên nhiên. Tại các quốc gia dân chủ phát triển con người được học để yêu thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, có ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường từ nhỏ. Và tất cả những chính sách này phải được thực hiện hàng ngày, ở khắp mọi nơi từ trường học, nơi làm việc, cơ quan chính phủ cho tới ngoài đường phố. Ở đây là thay đổi cả một lối sống, triết lý sống, sống giản dị, biết đủ, sống cân bằng, hài hòa với thiên nhiên môi trường chung quanh, sống vì người khác, thay vì chạy theo những cái bề ngoài trong đó có chuyện nhà to, biệt thự biệt phủ, đồ gỗ sang trọng, sống vị kỷ, chỉ biết có mình…

Chỉ có điều, tất cả những điều này sẽ rất khó thay đổi trong một thể chế độc đảng độc tài, nơi quyền lực không được kiểm soát và nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn, với lối sống chạy theo vật chất, không quan tâm đến đất nước-ngôi nhà chung đã trở thành phổ biến từ quan đến dân như ở Việt Nam.

Song Chi

Nguồn : RFA, 18/09/2024

Additional Info

  • Author Song Chi
Published in Quan điểm

Không tính đại dịch Covid-19, bão tuyết tại Texas là thiên tai đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Tổng thống Joe Biden, người cần chứng tỏ là một cấp lãnh đạo quốc gia như thế nào trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đây là cơ hội và một phép thử để người dân thấy được ông quan tâm đến họ ra sao, cũng như khả năng đối phó của ông và nội các thế nào.

thientai1

Trump có sang Puerto Rico nhưng các tường trình cùng những số liệu điều tra cho thấy ông và FEMA đã không đối xử Puerto Rico đầy ưu ái như với Texas.

Trong khi nhậm chức chưa đầy một tháng, giới chính khách Cộng hòa tại Texas đã dùng chính thiên tai ngay tại tiểu bang và trong trách nhiệm của mình để đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden. Còn những người chống đối ông thì lập tức lên tiếng chỉ trích, xem như ông là người chịu trách nhiệm cho thiên tai mà chính sách và cách vận hành của tiểu bang mình thiếu chuẩn bị nên đã dẫn đến tình trạng vừa qua. Cảm xúc cùng sự phân cực đảng phái luôn mang đến hai thái cực của nhìn nhận, bất kể sự thật thế nào.

Các tình trạng khẩn cấp quốc gia hay thiên tai nói riêng là một phép thử của bất cứ đời tổng thống nào khi mỗi người có các phản ứng, biện pháp và hành xử khác nhau. Vậy thì hãy điểm lại vài thái độ và đối phó của Tổng thống Donald Trump và Joe Biden trong hai nhiệm kỳ để thấy rõ hơn Tổng thống Biden đã ứng phó ra sao ?

Đợt bão Harvey vào tháng 8 năm 2017 theo sau là các trận bão Irma, rồi Maria có thể xem là thiên tai đầu tiên mà Trump cùng nội các của ông đối diện. Phản ứng của Trump cùng Cơ quan quản trị và ứng phó thiên tai liên bang (Federal Emergency Management Agency – FEMA) được xem là nhanh chóng và tối đa với tiểu bang Texas gặp nạn. Trump cùng phu nhân đã hai lần bay sang Houston ủy lạo ngay sau các trận bão.

Đây là cuộc trắc nghiệm đầu tiên cùng phản ứng đáng ghi nhận của Donald Trump trước thiên tai, nếu như ông cũng có cùng thái độ này với Puerto Rico, lãnh thổ của Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng nề hơn cả Texas trong đợt bão. Trump có sang Puerto Rico nhưng các tường trình cùng những số liệu điều tra cho thấy ông và FEMA đã không đối xử Puerto Rico đầy ưu ái như với Texas. Không những vậy, Trump còn lên Twitter đổ lỗi, chỉ trích qua lại với giới chính quyền sở tại Puerto Rico, hăm dọa cắt bỏ viện trợ.

Hãy tạm xem Puerto Rico không quan trọng và không là "con ruột" của nước Mỹ, nhưng với các tiểu bang Dân chủ như California và New York thì sao ?

thientai2

Trump bị chỉ trích đã im lặng quá lâu trước các vụ cháy rừng ở California lại còn đổ lỗi cho giới chức California không biết cách quản trị nên để xảy ra các vụ cháy rừng, gây ra thiệt hại to lớn.

Các vụ cháy rừng nguy hiểm và thiệt hại nặng nề tại California trong nhiệm kỳ Donald Trump đã bị xảy ra thường xuyên hơn. Dù vậy, Trump không ghé đến ủy lạo California cho đến tận năm thứ nhì và cũng chỉ ở lại dưới 24 tiếng. Tháng Chín năm 2020 Trump lại ghé qua California trong một chuyến vận động tranh cử tại các tiểu bang lân cận, sau khi bị chỉ trích đã im lặng quá lâu trước các vụ cháy rừng tại đây. Trump đổ lỗi cho giới chức California không biết cách quản trị nên để xảy ra các vụ cháy rừng, gây ra thiệt hại to lớn. Trump cũng lên tiếng hăm dọa cắt bỏ các ngân khoản hay tài trợ liên bang cho California sau các khẩu chiến qua lại.

Cũng vậy, với New York, nơi gia đình Trump sinh ra và lớn lên, rồi tạo dựng sản nghiệp của mình tại đây cũng bị Trump đối xử hoàn toàn khác biệt so với các tiểu bang Cộng hòa hay đã bỏ phiếu cho mình khi trở thành Tổng thống. Trong suốt bốn năm cầm quyền, Trump không ngừng tấn công New York cùng giới lãnh đạo tiểu bang này, bị xem là người phản bội lại New York.

Trong đại dịch Covid-19, New York là tiểu bang bị Trump tấn công và hăm dọa nhiều nhất giữa lúc tiểu bang này bị đại dịch tấn công nặng nề ngay từ những ngày đầu tiên. Trump không thăm New York khi đại dịch đã giết chết vài chục ngàn người Mỹ tại đây. Trump chỉ trích giới lãnh đạo và bịnh viện giấu bớt máy thở, đóng cửa thành phố. Cho đến cuối năm qua, Trump còn hăm dọa sẽ không cung cấp thuốc chủng ngừa Covid cho New York.

Với Donald Trump, tiểu bang xanh-đỏ có những làn ranh rõ ràng. Việc điều hành quốc gia và đối xử với người dân dựa trên những thương ghét cá nhân, dùng để trừng phạt hay tặng thưởng, thay vì trong vị trí và vai trò người đứng đầu cả quốc gia.

Còn với Tổng thống Joe Biden thì sao ? Còn quá sớm để có thể nhận xét nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Nhưng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngày đầu tiên Texas bị rơi vào cơn bão tuyết đã cho thấy ông đang làm theo cam kết tranh cử của mình : là Tổng thống nước Mỹ, bất kể bang xanh hay đỏ, bất kể người ủng hộ hay chống đối ông.

thientai3

Ngay trong ngày đầu tiên Texas bị rơi vào cơn bão tuyết, Tổng thống Joe Biden ban bố tình trạng khẩn cấp trong khi Thống đốc tiểu bang Ted Cruz bỏ đi nghỉ mát ở Cancun Mexico.

Không tranh cãi, bào chữa trước những chỉ trích vô lý của giới chức tiểu bang này, ông đã ra lịnh không chỉ cho cơ quan FEMA mà cả Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh, Bộ Gia cư, Bộ Canh nông và Bộ Quốc phòng giúp đỡ Texas trong thiên tai này. Các máy phát điện, mùng mền, thực phẩm, nước uống... đã được chuyển cho Texas, cũng như gói cứu trợ cá nhân và cho tiểu bang sẽ chi tiết hơn một khi được công bố. Tổng thống Biden cũng vừa chuẩn thuận tình trạng đại thiên tai (major disaster declaration) bên cạnh tình trạng khẩn cấp hồi tuần trước nhằm giúp cho người dân và tiểu bang Texas nhiều hơn.

Hai tổng thống, hai cung cách điều hành quốc gia và thái độ trước thiên tai nước Mỹ khác nhau. Đến tận nơi ủy lạo cũng là hình thức ủng hộ tinh thần đáng quý nhưng thái độ quan tâm, sự giúp đỡ tức thời và thiết thực là điều quan trọng và cần thiết lúc này. Giữa những tai ương quốc gia, của người dân, không có những chỉ trích, tấn công qua lại giữa cấp lãnh đạo liên bang và tiểu bang mà chỉ có những cam kết giúp đỡ tối đa đã là điều hoàn toàn khác biệt.

Nếu những cảm nhận thông thường không biến thành một thứ trí tuệ vượt bậc nơi một số người như hiện nay, có lẽ chẳng mấy khó khăn để nhận ra những khác biệt giữa hai nhiệm kỳ tổng thống như vậy. Nhưng bất luận có những cố gắng phủ nhận sự thật thế nào, khó có thể cho rằng Tổng thống Joe Biden đã thất bại trong phép thử đầu tiên này.

Nhã Duy

(21/02/2021)

Additional Info

  • Author Nhã Duy
Published in Diễn đàn

Đã gọi là thiên tai thì sao lại là ‘chống’ ?

Ở Việt Nam có một cơ quan hành chính mang tên Tổng cục Phòng, chống thiên tai, là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều trong phạm vi cả nước ; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

thientai1

Gọi là "thiên tai", vậy thì cần làm thế nào để có thể "chống", bởi người ta chỉ có thể chủ động chống ‘nhân tai’, và có thể làm giảm nhẹ hậu quả do thiên tai mang lại.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai có một tổ chức trực thuộc mang tên Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng. Vụ này có chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Tổng Cục trưởng quản lý nhà nước về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và truyền thông về phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục.

Trên thực tế, thì ở đây tên gọi phù hợp cần có là "Quản trị thiên tai". Theo đó, quá trình quản lý rủi ro thiên tai gồm ba giai đoạn chính : 

Thứ nhất, phòng ngừa. Các hoạt động chuẩn bị được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra ; 

Thứ hai, ứng phó. Những hoạt động tiến hành trong khi thiên tai xảy ra bao gồm cả công tác cứu trợ ; 

Thứ ba, khắc phục hậu quả. Các hoạt động tiến hành sau khi thiên tai xảy ra.

Thực chất thì quản lý thiên tai không chỉ bao gồm ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Đây là một quá trình mang tính hệ thống nhằm giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực và các hậu quả do thiên tai gây ra, với mục đích : Giảm thiểu tổn thất thông qua công tác chuẩn bị và ứng phó hiệu quả ; Làm cho việc phục hồi hiệu quả và bền vững hơn.

Với tâm thế "Quản trị thiên tai" nên ở Trung Quốc đã lập hẳn "Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp" (MEM) được coi là một "siêu bộ" trong Quốc vụ viện Trung Quốc (bộ trưởng hiện là ông Vương Ngọc Phổ, người Liêu Ninh), với nguồn lực và quyền lực tập hợp từ 13 cơ quan thuộc các bộ khác nhau trước đó.

Chức năng quyền hạn của MEM ghi rõ, bộ có quyền "xử lý và làm rõ mối quan hệ giữa ứng phó và giảm nhẹ thiên tai", và "chỉ huy công tác giảm nhẹ thiên tai trong hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, động đất, và các thiên tai khác". Bộ cũng sẽ có quyền hạn xem xét các rủi ro mang tính tương thuộc của thiên tai trong một tầm nhìn dài hạn, điều luôn tối quan trọng với công tác ứng phó thiên tai, do hầu như không có thảm họa tự nhiên nào xảy ra đơn lẻ : "họa vô đơn chí".

Theo kết quả tổng kết thiệt hại đầu tháng 9 – 2020 của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, lũ đã tràn về 28 tỉnh thành, với hơn 70 triệu người bị ảnh hưởng và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp là hơn 214 tỉ nhân dân tệ (CNY - 1 nhân dân tệ = 3.500 đồng). Số người dân phải di dời tăng 47,3% so với trung bình 5 năm gần nhất, lên đến gần 4,7 triệu người, song số tử vong giảm 49,8%, với 271 người chết và mất tích.

Ngay từ năm 1998, Sách trắng quốc phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và ứng phó thiên tai như một trụ cột của quân đội. Theo đó, PLA (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc) có trách nhiệm "giải cứu và sơ tán dân chúng mắc kẹt vì thiên tai ; đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạ tầng quan trọng ; bảo đảm tài sản và trang thiết bị ; tham gia vào các chiến dịch đặc biệt như sửa chữa cầu, đường, hầm khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn trên biển, kiểm soát dịch bệnh, và hỗ trợ y tế ; loại bỏ và kiểm soát các mối đe dọa lớn ; và hỗ trợ chính quyền địa phương tái thiết hậu thiên tai".

Các chiến dịch quân sự không phục vụ chiến tranh được quy định thành trách nhiệm bắt buộc với PLA, và đưa vào đánh giá năng lực tác chiến. PLA cũng đã điều chỉnh chương trình huấn luyện, cơ chế chỉ huy – mệnh lệnh và quy trình triển khai quân tương ứng theo đó, tăng cường chuyên môn ứng phó thiên tai cho các lực lượng chuyên trách, và đẩy mạnh những hoạt động nhân đạo/đối phó thiên tai.

Như vậy, ngay cả quân đội như PLA cũng không tâm thế "chống" như Việt Nam, mà đó là biết "ứng phó" theo những nguyên tắc quản trị thiên tai chung : "phòng" để "tránh", chứ không phải để "chống" !

Con người không thể ngăn chặn thiên tai, nhưng có thể ngăn nó biến thành một thảm họa, bằng cách giảm thiểu tác động, nghiên cứu về nguy cơ, hợp tác với nhau, xem xét các chính sách và giúp cộng đồng có khả năng chống chọi tốt hơn ; tăng cường đầu tư, quy hoạch đô thị tốt hơn, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức khoa học, giáo dục, sự tham gia của cộng đồng… sẽ giúp cứu sống nhiều sinh mạng và tiết kiệm tiền bạc.

Nói cách khác, việc xây dựng hệ thống quản lý tốt rủi ro thiên tai sẽ góp phần bảo đảm một tương lai thịnh vượng và an toàn. Đây chính là điều mà "Đảng – Nhà nước" của Việt Nam cần cầu thị để có những thay đổi thích hợp trong quản trị quốc gia.

Khánh Hòa

Nguồn : VNTB, 03/11/2020

**********************

Khi nào thì thủy điện gây thêm lũ ?

Hiền Vương, VNTB, 03/11/2020

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết vừa qua, hồ thủy điện Đắk Mi 4 với dung tích lớn đã giúp điều tiết, cắt lũ cho khu vực hạ du trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua ở miền Trung.

thuydien3

Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ sáng 2/11 - Ảnh : B.D.

Ngày 2/11, tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề cập đến vấn đề quản lý an toàn, vận hành hồ chứa thủy điện.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu với tính dị thường và cực đoan ngày càng lớn, chúng ta đã chứng kiến những cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung, kèm theo đó là lượng mưa lớn và kéo dài.

"Do đó, việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và và bão lụt, bảo đảm an toàn của hồ thủy điện, hồ chứa nước, hồ thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của Chính phủ với các bộ ngành" – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dẫn báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương để nói về tính dị thường và cực đoan của thời tiết. Theo đó, tại miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm thậm chí 3.000 mm.

"Với thời gian lưu bão lâu và lượng mưa lớn, liên tục tại khu vực miền Trung, trong khi đây là khu vực địa chất yếu dẫn đến hiện tượng đất lở, sụt lở gây tai nạn rất thương tâm như tại Rào Trăng 3, Trà Leng…" – lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.

Vậy thì khi nào thủy điện xả nước sẽ gây thêm lũ lụt ở miền Trung mùa mưa bão ?

Chia sẻ về quy hoạch và vận hành thủy điện nhỏ và vừa trên các hệ thống sông ở miền Trung và Tây Nguyên, Tiến sĩ Tô Văn Trường – chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, biện giải : "Khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, qua nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập rất cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường – xã hội".

Tiến sĩ Tô Văn Trường cho biết. đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, do chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn với dung tích hồ chứa rất nhỏ nên hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể.

Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu cho rằng trên thực tế, thông qua việc xây dựng thủy điện nhỏ có tiềm ẩn tình trạng lợi dụng việc phá rừng xây thủy điện để khai thác gỗ. Thủy điện nhỏ là thuộc địa phương quản lý nên việc kiểm tra cũng phụ thuộc vào địa phương nên khi làm thủy điện nhỏ, người ta còn nghĩ đến việc lấy thêm rừng.

"Quy hoạch năng lượng thủy điện khoảng 25.500 MW, trong khi các nhà máy đang vận hành đã sản xuất được 18.500 MW ; dự kiến 143 dự án đang triển khai có công suất khoảng 1.800 MW. Như vậy, còn khoảng 5.000 MW trong quy hoạch – đây rõ ràng là con số quá nhỏ và chúng ta hoàn toàn có thể thay thế được từ nguồn năng lượng khác thay vì hướng vào thủy điện" – ông Chu phân tích.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Trần Hồng Hà có ý kiến mang tính trung dung : "Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói về vấn đề này. Quan điểm của Bộ Tài nguyên và môi trường là đối với các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào thiết kế nó mới đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu.

Như các nhà máy thủy điện lớn hiện nay giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, các nhà máy thủy điện phải tuân thủ quy chế về điều tiết, đảm bảo an toàn.

Ở góc độ Bộ Tài nguyên và môi trường thì thủy điện bao giờ cũng có 2 mặt. Chúng ta không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Chúng ta đã giảm được trên 400 các thủy điện nhỏ trong thời gian vừa qua. Quốc hội đã khóa XIII thảo luận, Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm thủy điện nhỏ. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện con".

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra : thế nào là thủy điện nhỏ ?

Mặc dù, chưa có sự thống nhất chung quốc tế về định nghĩa thế nào là thủy điện quy mô nhỏ. Ở Canada, thủy điện nhỏ được xác định từ 20 – 15 MW, ở Mỹ và Việt Nam là dưới 30 MW, nhưng phần lớn các nước trên thế giới định nghĩa thủy điện nhỏ có công suất lắp máy là 10 MW.

Đáng chú ý, các nước trên thế giới hiện nay xem thủy điện nhỏ như một dạng năng lượng sạch. Nguyên nhân là do những công trình này được xây dựng trên các sông suối nhỏ ở vùng núi, chỉ có các đập chắn nhỏ, không tạo nên các hồ chứa, không làm ngập đất đai, không làm thay đổi sinh thái dòng sông, không phải di dân, tái định cư, không phá rừng hoặc rất ít tác động đến rừng.

Đại diện Bộ Công thương nhìn nhận ở Việt Nam, đa số nhà máy thủy điện nhỏ nhưng được xây dựng trên sông suối những con đập cao, tạo nên hồ chứa lớn để tận dụng, tăng công suất phát điện. Do vậy các công trình này dù nhỏ nhưng vẫn đang lấy đi rất nhiều diện tích rừng, và gây ra những tác động xấu đến môi trường. Điều này hoàn toàn trái với tiêu chí của một thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng sạch như các nước trên thế giới.

Đơn cử như thủy điện Rào Trăng 3, công suất 11 MW, về sau thay đổi thiết kế, nâng công suất lắp máy lên 13 MW, dự án đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2019, diện tích đất sử dụng là hơn 46 ha, trong đó có nhiều diện tích là rừng.

Hay thủy điện nhỏ Hố Hô (14 MW tại giáp ranh Quảng Bình – Hà Tĩnh). Dự án được xây ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu, khống chế diện tích lưu vực 278,6 km2, có đập cao đến 49m, hồ chứa có diện tích 265,26 ha, dung tích 38 triệu m3.

Trong lúc đó thì địa chất Miền Trung là đất yếu. Khi mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã như thế rồi, khi có tác động san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng, đặc biệt là các công trình thủy điện thì lại càng tác động đến kết cấu địa hình, nguy cơ càng lớn hơn.

thuydien4

Rừng bị lấy đi quá nhiều cũng là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Theo nhiều chuyên gia, thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng rừng bị mất đi khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.

Những ngày này, người dân miền Trung gồng mình chống chọi với những đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường. Nhưng đâu chỉ có thế ! Hàng loạt thủy điện nhỏ xả lũ cấp tập, khiến những dòng nước cuồn cuộn thêm xiết, cuốn phăng mọi thứ trên đường từ thượng nguồn đổ về hạ du.

Điều này cần được giải quyết một cách căn cơ chứ không thể dừng lại ở nội dung của những phiên họp hành ‘rút kinh nghiệm’.

Trên thực tế, thủy điện nhỏ vẫn đang mọc tràn lan. Theo kết quả rà soát, đến nay, số lượng thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành phát điện là 342 công trình (tổng công suất 3.582MW), số lượng đang tiếp tục được thi công xây dựng là 158 dự án (2.122MW) ; khoảng 300 dự án (3.121MW) đang được nghiên cứu đầu tư ; chưa nghiên cứu đầu tư là 69 dự án (hơn 622MW).

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 03/11/2020

Additional Info

  • Author Khánh Hòa, Hiền Vương
Published in Diễn đàn