Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 27 décembre 2019 22:48

Vấn đề "thoát Trung" và "thân Mỹ".

Những vấn đề đáng "quan tâm" trong năm 2019

Chống Trung Quốc không hề là một "chứng minh thư" về lòng yêu nước. Cũng như việc chống Nho giáo không hề là động lực nhằm thúc đẩy dân chủ. Lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy không phải lúc nào Việt Nam cũng "lệ thuộc" vào Trung Quốc và cũng không phải lúc nào Việt Nam cũng "chống" Trung Quốc. Những khoản thời gian Việt Nam phát triển thường trùng hợp với các giai đoạn Việt Nam "độc lập" với Trung Quốc.

thoat2

"Thoát Trung" là thoát về cái gì ? về ý thức hệ ? văn hóa ? kinh tế ?

Nếu ta hiểu "Trung Quốc" bao gồm dân số 1 tỉ 400 triệu người với tổng sản lượng quốc gia 12.362 tỉ đô la, việc chống Trung Quốc đồng nghĩa với việc lao đầu vào đá. Hiển nhiên đây không phải là công việc của người Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam làm thế nào để giữ "độc lập" trước môt Trung Quốc giàu mạnh, đang lột xác trở thành một "đế quốc bành trướng" ?

Không chỉ Việt Nam, mà toàn khu vực Châu Á Thái bình dương, nền hòa bình bị sự "trỗi dậy" của Trung Quốc đe dọa.

Một nước Đức giàu có hòa bình hôm nay với một nước Đức quốc xã hùng mạnh ngày trước khác nhau chỗ nào ? Cơ bản khác biệt chế độ dân chủ tự do đối nghịch với chủ nghĩa quốc xã.

Hitler bị hạ bệ, cùng với hiến pháp dân chủ ra đời, nước Đức quốc xã trở thành nước Đức giàu có và nhân ái.

Nếu xóa bỏ "chủ nghĩa xã hội theo màu sắc Trung Quốc" cùng với việc hạ bệ Tập Cận Bình, nhiều xác suất Trung Quốc sẽ được "dân chủ hóa" và trở thành một Đài Loan ở bình diện lớn.

Vì vậy thay vì hô hào (một cách điên cuồng) "chống Trung Quốc" như để chứng minh lòng yêu nước. Trí thức Việt Nam nên ủng hộ Đài Loan và Hong Kong, ủng hộ việc "dân chủ hóa" lục địa.

***

Như thông lệ, hễ mỗi lần Trung Quốc có những hành vi xâm phạm chủ quyền (hay các quyền phụ thuộc chủ quyền) biển đảo của Việt Nam, Biển Đông trở nên căng thẳng. Thì trong nội bộ Việt Nam, tầng lớp gọi là "trí thức" (trong hay ngoài đảng) hô hào việc "thoát Trung" (song song với việc kết thân với Mỹ). Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến các việc "thoát Trung" và "thân Mỹ" được xem như là một giải phải để Việt Nam thoát ra khỏi sự ràng buộc (và hiếp đáp) của Trung Quốc. Vậy thế nào là "thoát Trung" và thế nào mới gọi là "thân Mỹ" ? Không (hay ít) thấy ai có lời giải thích nội hàm của hai việc này một cách thấu đáo.

Thực tế trong lịch sử Việt Nam có nhiều phen "thoát Trung".

Về "văn hóa", sau khi bị Pháp thuộc, nhà cầm quyền bảo hộ Pháp đã có những nỗ lực buộc Việt Nam "thoát" khỏi ảnh hưởng văn minh Trung Hoa bằng cách dạy chữ "quốc ngữ" cho dân Việt Nam đồng thời mở các trường, từ cấp tiểu học cho tới đại học, để đào tạo nhân sự. Người Pháp gọi đó là "devoir de civilisation - bổn phận khai hóa". Đến năm 1954, Pháp bắt đầu rời Việt Nam thì quá trình "thoát Trung" về văn hóa xem như đã hoàn tất.

Ở miền Bắc, việc "thoát Trung" được tiếp tục thể hiện qua các cố gắng "Việt hóa" các từ ngữ gốc Hán. Nhưng về chính trị (ý thức hệ) thì miền Bắc lại "rập khuôn" mô hình cộng sản (nông dân) của Trung Quốc (khác với mô hình cộng sản công nhân của Liên Xô). Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng cho phát hành tiền tệ trên đó có viết cả chữ Hán.

Ở miền Nam việc "thoát Trung" vẫn tiếp tục. Về ý thức hệ với sự tiếp nhận nền "dân chủ kiểu Mỹ". Về kinh tế chính quyền ông Diệm tìm cách gạt ảnh hưởng của người Hoa lên nền kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Sau 1975, do sự xung đột về đường lối áp dụng "ý thức hệ" giữa hai đàn anh Trung Quốc và Liên Xô. Việt Nam ngả về Liên Xô chống Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục "thoát Trung" cho đến năm 1990, qua các việc "thanh trừng" những "đồng chí" nào thân Trung Quốc. Khúc quanh "hội nghị Thành Đô", Việt Nam "quẹo cua" 180° trở lại rập khuôn ý thức hệ chính trị của Trung Quốc với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", cái tên khác một chút nhưng 100% tư tưởng là sản phẩm của Đặng Tiểu Bình.

Kể từ đó (Hội nghị Thành Đô) Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc vào Trung Quốc, từ ý thức hệ chính trị cho tới văn hóa, kinh tế.

Bây giờ muốn "thoát Trung" và "thân Mỹ". Nhưng "thoát Trung" là thoát về cái gì ? về ý thức hệ ? văn hóa ? kinh tế ?

Còn "thân Mỹ" là thân như thế nào ?

Theo tôi, quan trọng hơn hết trong nội hàm "thoát Trung" là vấn đề "ý thức hệ chính trị". Các quốc gia như Nam Hàn, Nhật… văn hóa ở các xứ này vẫn bàng bạc văn hóa Trung hoa. Về kinh tế, các nước này gắn bó với Trung Quốc đến mức không thể tháo gỡ được nữa. Ta có thể nói là Trung Quốc được phát triển hôm nay là nhờ Nhật, Nam Hàn (và tài phiệt người Hoa ở hải ngoại như Hong Kong và Đài Loan).

thoat1

Còn "thân Mỹ" là thân như thế nào ?

Thử nhìn hai trường hợp Đài Loan và Hong Kong. Dân chúng hai vùng lãnh thổ này không bao giờ chịu nhận họ là "Trung Quốc". Gặp trường hợp bị gọi là "chinese-chinois" họ liền đính chánh : "tôi là người Hong Kong" hay "tôi là người Đài Loan, không phải Trung Quốc". Mặc dầu họ là người Hán 100% và lãnh thổ 100% thuộc về Trung Quốc.

Về Hong Kong và Đài Loan, một số chi tiết quan trọng cần nói rõ một chút.

Trên danh nghĩa pháp lý (de jure), Đài Loan và Hong Kong là hai lãnh thổ thuộc về một quốc gia duy nhứt mang tên Trung Quốc. Trên thực tế (de facto), Hong Kong là mô hình "quốc gia hai chế độ". Lãnh thổ Hong Kong được Anh trả lại cho Trung Quốc, với điều kiện Bắc Kinh nhìn nhận "quyền tự trị" cho lãnh thổ này, trong một khoảng thời gian là 50 năm.

Trường hợp Đài Loan có phần phức tạp hơn. Đài Loan là một lãnh thổ thuộc Nhật (vĩnh viễn) theo Hiệp ước Simonoseki 1894. Đến khi Nhật thua trận Thế chiến thứ II, Nhật buộc phái trả lại Đài Loan cho Trung Hoa. Điều này được khẳng định qua Hội nghị quốc tế San Francisco 1951. Tức là trên danh nghĩa pháp lý (de jure) Đài Loan là một lãnh thổ thuộc về quốc gia mang tên Trung Hoa. Nhưng sau 1949, chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng giới Thạch thua hồng quân của Mao Trạch Đông phải "di tản" ra Đào loan. Từ đó có hai "Trung hoa", một có chính phủ ở Bắc Kinh, một có chính phủ ở Đài bắc. Cả hai đều tự nhận là "chính phủ đại diện chính thức" cho toàn thể lãnh thổ Trung hoa. Tại Liên Hiệp Quốc, phe Quốc dân đảng được ghế đại diện cho tới năm 1971. Từ 1971 đến nay ghế Liên Hiệp Quốc thuộc về Bắc Kinh. Như vậy trường hợp Trung Quốc lục địa và Đài Loan, về "pháp lý" người ta gọi đó là "quốc gia bị phân chia". Điều này khá tương đồng trường hợp Việt Nam trong thời kỳ 1954-1975. Mỗi bên Việt Nam là những "quốc gia chưa hoàn tất". Nhưng trong trường hợp Đài Loan từ khi có văn bản ký kết giữa hai đại diện ở Singapour đầu thập niên 90, gọi là "đồng thuận Singapour", thì cách gọi giữa hai bên có phần thay đổi : một quốc gia Trung hoa nhưng có nhiều cách lý giải.

Ta thấy Nam hàn, Đài Loan, Hong Kong (trong chừng mực Nhật)... văn hóa ở đây thấm đượm sâu xa văn hóa Trung Hoa. Kinh tế các quốc gia (và vùng lãnh thổ) này "liên thuộc" chặt chẽ với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng về nội trị họ giữ vững độc lập (ngoài trừ Hong Kong), về kinh tế họ thịnh vượng và quốc phòng họ thừa sức chống lại Trung Quốc (dĩ nhiên nhờ những kết ước an ninh hỗ tương với Mỹ). Điểm chung các quốc gia này là có nền "dân chủ pháp trị" vững chắc.

Vì vậy việc điều quan trọng hơn cả trong việc "thoát Trung" là "ý thức hệ chính trị".

Ý thức hệ thuộc về tư tưởng mà tư tưởng mới "chỉ đạo" mọi hành động.

Từ nhiều thập niên nay tôi không hô hào "thoát Trung" mà chỉ kêu gọi "dân chủ hóa chế độ" và xây dựng nền tảng "pháp trị". Ngay cả "hồ sơ Biển Đông" mà tôi bỏ nhiều năm nghiên cứu, kết luận của tôi vẫn là : muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam phải ra luật "hòa giải quốc gia" mà thực chất (hòa giải quốc gia) là "dân chủ hóa chế độ". Việt Nam phải kế thừa di sản Việt Nam Cộng Hòa mới có thể khẳng định danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, sau đó tìm cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua một trọng tài quốc tế.

Còn về "thân Mỹ". Tôi có viết nhiều lần là 24 năm vói 3 đời tổng thống Mỹ mà ai cũng có cảm tình với dân chúng Việt Nam là Clinton, Bush (con) và Obama. Việt Nam đã bỏ lỡ không biết bao nhiêu cơ hội để "thân thiết" hơn với Mỹ (so với bây giờ). Lãnh đạo cộng sản Việt Nam vì muốn bảo vệ "đại cục" với Trung Quốc mà bỏ quên đi cái "cục" lớn nhứt là sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và lợi ích của dân tộc. Những người cộng sản Việt Nam yêu chủ nghĩa hơn yêu nước. Những hành vi, chính sách của họ chỉ nhằm củng cố quyền lãnh đạo của đảng chớ không nhằm đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân, theo tôn chí "dân giàu nước mạnh".

Bây giờ, thời Trump, lại hô hào "thân Mỹ". Vấn đề là Mỹ có muốn "thân" với Việt Nam hay không ?

Ngay cả học giả Mỹ (hàng trăm người) vừa viết thư ngỏ lên ông Trump yêu cầu phải làm rõ chính sách của Mỹ. Thực chất căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc là về kinh tế hay cạnh tranh địa chiến lược ?

Với chính sách "đụng đâu đánh đó" của Trump hiện nay, cả thế giới đều bị thiệt hại, không chỉ Trung Quốc. Với những hành vi được cho là "tùy hứng", như đơn phuong rút khỏi hiệp ước về nguyên tử với Iran, nói là để "làm khó" Trung Quốc, nhưng Mỹ đã vi phạm luật quốc tế. (Vì Iran vẫn tôn trọng hiệp ước trong khi Mỹ đơn phương trừng phạt bằng cách cấm vận Iran). Về hồ sơ Bắc Hàn, sự tùy hứng kéo dài của ông Trump khiến uy tín nước Mỹ bị tổn thương mà hiệu quả không có chi. Khả năng nguyên tử của Bắc Hàn bây giờ có thể phủ trùm lãnh thổ Hoa Kỳ.

Làm thế nào để Việt Nam thân Mỹ ? Làm sao có câu trả lời khi mà cả thế giới, ngay cả học giả Mỹ, vẫn không biết đâu là đường lối, chính sách của Mỹ hiện nay.

Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ đơn thuần có mục đích thương mại, thì Việt Nam tiếp cận cách nào cũng không tránh khỏi mũi dùi sắp tới của ông Trump.

Còn nếu sự căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là thể hiện bước đầu của mục tiêu địa chiến lược thì Việt Nam mọi cách phải tiếp cận "thân" với Mỹ thế nào để Việt Nam có "vị thế" quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chiến lực này.

Trong quá khứ, Mỹ đạt được mục tiêu chiến lược "thắng cuộc chiến tranh lạnh" trong hơn 4 thập niên. Mục tiêu của Mỹ sắp tới là "dân chủ hóa" Trung Quốc hay là đánh cho Trung Quốc tan nát thành nhiều quốc gia nhỏ ? Câu hỏi (coi bộ hay) là thời gian là bao lâu ?

Vì vậy những lời hô hào khơi khơi "thoát Trung" và "thân Mỹ" hiện nay chỉ nhằm "mị dân", nói cho sướng miệng, không thể hiện cái gì cụ thể.

Theo tôi, không có cách nào khác, muốn "thoát Trung" là phải "dân chủ hóa chế độ". Và cách tốt nhứt để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là "hòa giải quốc gia" để kế thừa di sản VNCH. Từ đó lấy làm căn bản để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng một trọng tài quốc tế.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : facebook.nhantuan.truong, 27/12/2019

Published in Diễn đàn
jeudi, 26 décembre 2019 19:21

Thoát Trung : Cơ hội cho ai ?

Theo phân tích và nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy một quyết định lịch sử là "thoát Trung, theo Mỹ". Đầu tháng 12/2019 nhà báo David Hutt của The Diplomat cũng khẳng định bước ngoặt này qua bài "Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Việt Nam khó xoay xở", tác giả nhấn mạnh chi tiết "thoát Trung vì đảng" mà tôi đã nêu trong bài viết "Cú nhảy định mệnh" vào tháng 9/2019. Trong nước, vào tháng 10/2019 nhà báo Phạm Chí Dũng cũng lặp lại nhận định này qua bài "Cộng sản Việt Nam loay hoay giãn Trung, gần Mỹ". Vậy bước ngoặt này đóng vai trò như thế nào đối với đảng cộng sản và đối lập dân chủ ?

Đảng cộng sản và khả năng cụ thể hóa cơ hội ?

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm đang có một lợi thế chưa từng có trong lịch sử, quyết định chuyển trục song song với việc loại bỏ những tàn dư cuối cùng của đối thủ lớn nhất, ông Nguyễn Tấn Dũng, đang gây được tiếng vang trong dư luận Việt Nam. Đến lúc này không ai còn nghi ngờ về việc "thân Trung" của vị cựu thủ tướng với hàng loạt các dự án trọng điểm như Boxit Tây Nguyên, Formosa, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các nhà máy nhiệt điện... Tất cả đều được giao cho Trung Quốc dưới thời Nguyễn Tấn Dũng và đều có chung một số phận là thất bại thảm hại và để lại gánh nặng khổng lồ cho Việt Nam. Do đó, tất cả các đàn em thân tín của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào "lò" không những được đa phần người dân Việt Nam vui mừng và ủng hộ, mà nó cũng góp phần tạo dựng uy tín cho cá nhân đương kim tổng bí thư cũng như phe nhóm. Đây cũng chính là một phần lý do giúp cho ông Trọng nắm được quyền lực tuyệt đối trong bộ máy đảng cộng sản nổi tiếng về đấu đá, tranh giành nội bộ.

Sau khi dẹp yên nội bộ đảng cộng sản, bộ máy của tổng bí thư thực hiện chiến thuật "vừa đánh vừa xoa" đối với lực lượng đấu tranh dân chủ Việt Nam. Họ vẫn muốn độc quyền lãnh đạo Việt Nam kể cả nếu có phải dân chủ hóa đất nước thì họ cũng muốn độc quyền. Họ luôn xem đối lập là các "thế lực thù địch" thay vì Trung Quốc. Trong năm 2019 hàng loạt tiếng nói phản kháng bị bắt bớ và phải chịu đựng những bản án nặng nề (trên dưới 10 năm tù). Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng trao trả những tù nhân lương tâm này cho các quốc gia dân chủ như Mỹ, Âu Châu... hoặc thậm chí là nhắm mắt, che tai để hàng loạt người đấu tranh vượt biên sang Thái Lan tị nạn. Chiến thuật này cũng cho thấy nhà cầm quyền khá "khôn ngoan", một mặt dằn mặt và làm suy yếu lực lượng tranh đấu trong nước, đặc biệt khi đội ngũ này còn chia rẽ, phân tán và chọn con đường đấu tranh thiếu hiệu quả.

Mặt khác, đảng cộng sản tận dụng lợi thế "cần Việt Nam" của khối các nước dân chủ trong cuộc đối đầu gay cấn với Trung Quốc. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy từ Mỹ, Liên Âu, Nhật... dù có chia rẽ và lớn tiếng với nhau như thế nào đi nữa, nhưng đối với Việt Nam thì họ luôn ngon ngọt và mật độ tiếp xúc cao chưa từng thấy trong lịch sử, với những cam kết chắc chắn về đảm bảo chủ quyền ở biển Đông cho Việt Nam. Nhiều khả năng có một thoả thuận ngầm giữa đảng cộng sản và khối dân chủ: "chúng tôi kết án như thế nào là quyền của chúng tôi, nếu các ông thật sự quan tâm đến các tù nhân này thì chúng tôi sẽ trao họ cho quí vị", thỏa thuận này cộng với yếu tố "cần Việt Nam" khiến cho các nước dân chủ quá lắm thì chỉ bày tỏ "quan ngại" trước chiến dịch bắt bớ rầm rộ và kết án nặng nề của nhà cầm quyền. Có thể có một lý do nữa khiến đảng cộng sản gia tăng bắt bớ và kết án nặng các tiếng nói bất đồng chính kiến là để tung hỏa mù, che giấu cho kế hoạch "thoát Trung" của họ...

me-nam

Mặc dù nhiều người như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án rất nặng nhưng chính quyền Việt Nam sẵn sàng cho họ ra đi khi có quốc gia nào đó tiếp nhận.

Về đối ngoại, đảng cộng sản thực hiện hẳn một chiến dịch chống Trung Quốc rầm rộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy chưa có năm nào mà Việt Nam lên án Trung Quốc tới hai lần tại Liên Hiệp Quốc. Về kinh tế thì nổi bật nhất là vụ bắt giữ kho nhôm trị giá hơn 3 tỷ USD có nguồn gốc từ Trung Quốc với cáo buộc "giả mạo xuất xứ". Còn hàng loạt các sự kiện lớn, nhỏ khác liên quan yếu tố Trung Quốc nhưng có một điểm chung là gắn liền với tiêu cực và phạm pháp như : tội phạm, ma túy, phim đồi truỵ...

Tuy nhiên, việc thông qua đạo luật cho phép thành lập "công đoàn độc lập" nhanh chưa từng thấy đã cho thấy sự nhượng bộ lớn đến bất ngờ của nhà cầm quyền cộng sản. Trước đây chúng ta chỉ thấy sự chây ỳ và cò cưa của Hà Nội khi vấn đề này được đề cập, đến mức người lạc quan nhất cũng cho rằng phải mất rất nhiều thời gian, công sức gây áp lực để nhà cầm quyền chấp nhận đạo luật này. Ngay cả đại sứ quán Mỹ cũng phải thốt lên đây là "đạo luật lịch sử" khi hay tin nó được thông qua. Điều đó cho thấy đảng cộng sản đã chịu sức ép lớn như thế nào khi muốn xích lại gần khối dân chủ, và họ đã quyết định đánh cược táo bạo vào một ván cờ mà họ sẽ gặp nhiều khó khăn sau này.

Một thách thức nữa mà Đảng cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt đó là những đòi hỏi từ EU, một định chế dân chủ bậc nhất thế giới, về vấn đề lao động, môi trường và cả nhân quyền trước khi các hiệp định quan trọng (EVFTA và IPA) chính thức được phê chuẩn. Lo lắng này không còn là dự đoán nữa, mà nó đang được đưa ra tranh cãi quyết liệt ở nghị viện EU. Không loại trừ khả năng nhà cầm quyền cộng sản sẽ rơi vào hoàn cảnh "phóng lao phải theo lao" và phải chấp nhận thêm những nhượng bộ lớn hơn.

Rõ ràng tới lúc này Đảng cộng sản Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ quyết định chuyển trục của mình. Trong khi tất cả các quốc gia trên thế giới có một năm kinh tế trì trệ với con số tăng trưởng bi quan và kém hơn hẳn năm 2018, thì Việt Nam vẫn đón nhận loạt sóng đầu tư rầm rộ và những chỉ số kinh tế rất tốt. Hàng xuất khẩu thì được ưu ái đến mức không chỉ Trung Quốc mà Hàn Quốc và Đài Loan cũng tranh thủ lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng vào Mỹ, Âu Châu với mức thuế ưu đãi.

Hầu hết các viện nghiên cứu chiến lược trên thế giới đều dự đoán 2020 Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất khi được chọn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế sau khi họ rút khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, với thành tích đối ngoại tích cực và đối nội "khôn ngoan" như đã nêu ở trên tạo cho đảng cộng sản những lợi thế rất lớn trong những bước đầu chập chững trên một con đường mới hoàn toàn. Tuy nhiên, khả năng tận dụng và duy trì được lợi thế này như thế nào lại là một dấu hỏi rất lớn, Việt Nam không thể khiến thế giới phải phụ thuộc và nhượng bộ mãi như "mỏ dầu" Ả Rập Xê Út, mà ngược lại Việt Nam rất cần thế giới để duy trì được nền kinh tế vốn lệ thuộc rất nặng vào ngoại thương. Giai đoạn đầu của chiến dịch toàn cầu "chống Trung" sẽ mang lại những lợi thế lớn kèm theo những bất lợi nhỏ cho nhà cầm quyền cộng sản, nhưng theo thời gian thì mọi thứ sẽ ngược lại.

Đối lập dân chủ : cơ hội hiếm có

Theo ý kiến của người viết thì trong quyết định chuyển trục này, đối lập dân chủ đang có ưu thế chứ không phải chỉ mình đảng cộng sản như đa số nhìn nhận. Nhiều người phản đối việc các định chế dân chủ như Mỹ, Liên Âu, Nhật nâng tầm mối quan hệ với Việt Nam. Nhưng chỉ cần suy nghĩ một cách đơn giản thì không ai có thể phủ nhận rằng : phụ thuộc phương Tây và Nhật sẽ có cơ hội dân chủ hóa cho Việt Nam hơn nhiều so với việc phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều quan trọng không kém là chưa có đảng cộng sản nào trên thế giới chuyển đổi qua dân chủ thành công. Chưa kể đây là lần đầu tiên từ năm 1979 Đảng cộng sản Việt Nam từ bỏ thói quen "sao chép" Đảng cộng sản Trung Quốc. Điều đó chắc chắn sẽ khiến đảng cộng sản vô cùng bối rối, mà thách thức đầu tiên là lựa chọn nội dung cho cương lĩnh Đại hội đảng 13, nếu tiếp tục dùng "lưỡi gỗ" quả quyết kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin thì mâu thuẫn giữa lời nói và hành động lớn đến mức kệch cỡm, còn nếu tuyên bố sẽ "thoát Trung, theo Mỹ" thì sẽ gây hoang mang tột độ cho các đảng viên cộng sản trung kiên.

Đối lập dân chủ nếu không dự đoán được tình huống bước ngoặt này thì đó là một điều vô cùng đáng tiếc vì sẽ bỏ lỡ đi một cơ hội quí báu và sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để thay đổi phương thức tranh đấu phù hợp. Đáng buồn là thực tế đang diễn ra như vậy : ngoài hành động phản đối các hiệp định mà khối dân chủ đã và đang ký kết với Việt Nam như đã nêu trên, đối lập dân chủ phần nào còn bị cuốn vào chiến thuật "vừa đấm vừa xoa" của đảng cộng sản, nó tạo nên tâm lý hoang mang và khiến họ không nhận ra và khai thác được cơ hội từ những nhượng bộ rất lớn mà đảng cộng sản phải chấp nhận. Chưa kể việc thổi phồng, tung hỏa mù ở những phiên tòa "chống tham nhũng cấp cao" như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn... càng khiến cho đối lập dân chủ bị thu hút, phân tâm và khó tập trung vào chiến dịch truyền thông trọng tâm lẽ ra phải được đẩy mạnh nhằm tố cáo đảng cộng sản đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc khi dùng dằng trong việc chuyển trục, và vẫn muốn độc quyền dân chủ hóa đất nước…

Son&tuan

Các vụ xử cán bộ cao cấp như cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… là để dẹp yên nội bộ trước lúc "xoay trục" ?

Có một xu hướng tích cực trong giới đấu tranh dân chủ Việt Nam trong năm 2019 là xu hướng đấu tranh theo chiều sâu, giảm bớt các hoạt động đấu tranh bề nổi như biểu tình, kiến nghị, viết yêu sách... Có lẽ phần nào họ nhận ra được chân lý : làm chính trị là rất khó khăn và phải có tổ chức và kiến thức thật sự về chính trị. Đây là một tiền đề quan trọng để giới đấu tranh có thể đi xa và đạt hiểu quả cần có. Chỉ cần nỗ lực thay đổi tư duy tranh đấu cá nhân, chấp nhận hi sinh cái tôi để đứng vào hàng ngũ những tổ chức chính trị đứng đắn, họ sẽ tận dụng được cơ hội hiếm có này và biến nó thành sự thật.

Việt Nghĩa

(26/12/2019)

Published in Quan điểm

Nếu chú ý quan sát truyền thông nhà nước trong thời gian gần đây, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy giọng điệu của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc đã thay đổi. Tần suất nhắc đến những vấn nạn có nhãn Trung Quốc trên đất Việt Nam tăng nhanh, hơn nữa báo chí có thể công khai chỉ trích và mỉa mai bộ ngoại giao Trung Quốc : "Cảnh Sảng, đừng ngụy biện nữa !" Họ không cần chờ nói theo, như con vẹt, các phát ngôn chính thức của bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng như trước đây.

quanheVT1

Sự đổi giọng cho ta có quyền nhận xét đang có sự chuyển trục của đảng cộng sản Việt Nam từ Trung Quốc qua Mỹ.

Việc đổi giọng của đảng cộng sản Việt Nam từ "môi hở răng lạnh" qua "bành trướng Bắc Kinh" rồi đến "bốn tốt mười sáu chữ vàng" chắc không ai còn lạ. Sự đổi giọng cho ta có quyền nhận xét đang có sự chuyển trục của đảng cộng sản Việt Nam từ Trung Quốc qua Mỹ. Điều đáng buồn là, cái đảng luôn vỗ ngực xưng tên là đảng của nhân dân (trong thực tế nó luôn luôn là trên dân) nhưng lại luôn phải dựa vào thế lực bên ngoài. Để duy trì quyền lực lên người dân, đảng cộng sản luôn phải ôm chân thế lực ngoại bang. Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tự đứng trên đôi chân của mình. Hết từ Liên xô sang Tàu, chửi Tàu đi với Liên xô, rồi muối mặt ôm chân Tàu là một quá khứ hoàn toàn không xa.

Câu nói "Đi với Tàu mất nước nhưng không mất đảng. Đi với Mỹ mất đảng nhưng không mất nước" không thể đến một cách tự nhiên, nó đến từ văn hóa chính trị nhược tiểu của đảng. Vì sự tồn vong của đảng họ sẵn sàng hy sinh cả dân và nước. Đáng ngạc nhiên là vấn đề tội phạm Trung Quốc dồn dập không chỉ về số sự vụ mà còn ở quy mô và số lượng lẫn loại hình như : buôn ma túy, sản xuất ma túy, đánh bạc, lừa tiền, giết người đến ấu dâm v.v...

Không thể nói rằng tất cả các vấn đề đột ngột xuất hiện, đột ngột gia tăng, mà phải nói rằng nó từ lâu đã có trên đất Việt Nam. Vậy điều gì đã xảy ra ? An ninh, công an Việt Nam đột ngột tài giỏi ? Không. Không có phép màu đó. Những tệ nạn đó đã bám sâu vào Việt Nam trong sự bảo kê của công quyền Việt Nam. Đất nước, con người Việt Nam chỉ là vùng độc quyền cướp phá của cán bộ cộng sản để xây dựng tương lai của chúng ở vùng đất khác.

Chuyện gì đã xảy ra ? Đảng cộng sản đã nhận ra câu thần chú "Đi với Tàu mất nước nhưng không mất đảng" đã không còn hiệu nghiệm. Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho Đảng cộng sản Việt Nam. Thực ra Trung Quốc sắp khủng hoảng và bắt đầu tiến trình sụp đổ, cố bám lấy Trung Quốc không chỉ chắc chắn làm mất đảng mà còn làm mất đảng sớm hơn, một cách ô nhục hơn. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đang phải tự cứu mình sau một quá trình phát triển một cách hoang dại.

Cần nói rõ thêm một điều là không có gì thực sự mất cho ai cả. Ngay cả Đảng cộng sản cũng không bị cấm trong một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên. Việc họ có được nhân dân Việt Nam tín nhiệm qua một cuộc bầu cử tự do hay không lại là chuyện khác. Còn ngoài ra không ai có lý do gì để lo ngại. 

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nói rất rõ : "... mọi đảng viên cộng sản và viên chức nhà nước cộng sản hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị cả, trái lại họ còn có mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn thế nữa, họ còn trút bỏ được mặc cảm tội lỗi tiếp tay cho một chế độ tồi dở và gian trá. Họ sẽ có niềm tự hào đóng góp đưa đất nước tiến lên với phúc lợi càng ngày càng lớn cho mọi người, kể cả chính họ..." (Chương VII) Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc không phải là luận điệu bây giờ mới xuất hiện mà là một lập trường nền tảng của Tập Hợp từ ngày thành lập, 37 năm trước.

Một yếu tố quan trọng của nước Mỹ đó là tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố nước Mỹ trên hết, bất chấp chuyện thế giới và nhân quyền. Điều này mở ra cho Đảng cộng sản Việt Nam một hy vọng đi với Mỹ chưa chắc mất đảng.

Không phải tự nhiên truyền thông nhà nước có giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc. Với bản chất nhu nhược, phản ứng này chỉ nói lên một điều : sự cầu viện vào Mỹ của Đảng cộng sản Việt Nam đã được chuẩn thuận. Không phải bây giờ, mà từ lâu, Đảng cộng sản Việt Nam đã nhận ra không còn có thể bám vào Trung Quốc nên đã âm thầm vận động phía Mỹ. Biểu hiện rõ nét nhất là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ đề cập tới Biển Đông trong tháng 9 vừa qua, mà không chỉ bàn, Quốc hội Mỹ đã đưa ra cả nghị quyết về Biển Đông. Hơn thế nữa, theo báo cáo của thứ trưởng ngoại giao, trong vấn đề này, Mỹ không đơn phương. Đã có sự vận động quốc tế và sự đồng thuận của Anh, Pháp, Đức, Canada, Nam Hàn và Nhật Bản.

Sự cấp tập tin tức là hệ quả của việc chuyển trục từ Trung Quốc sang Mỹ, kèm theo nó là sự giải phẫu quyết liệt trong đảng cộng sản.

Đi với Mỹ có cứu được đảng không ?

Trong tức thời dường như dựa lưng vào Mỹ, một siêu cường, sẽ nâng vị thế của Đảng cộng sản lên. Nhưng, đi với Mỹ cũng không cứu được đảng. Tổ chức chính trị cũng như một cơ thể sống, nó có phần xác và phần hồn. Phần xác của nó là thực thể cơ cấu tổ chức và các thành viên, phần hồn của nó chính là tư tưởng. Đảng cộng sản cũng vậy, nó có đời sống riêng của nó. Một thời, tư tưởng cộng sản từng là lý tưởng của nhiều người, khi phần xác và phần hồn còn có sự gắn bó, người ta sẵn sàng hiến cả thân cho lý tưởng. Nó đã giúp cho đảng cộng sản thành công trong chiến tranh, giành được quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ để thực thi lý tưởng của họ.

Những người bồng bột cách mạng không nhận thấy sai lầm của lý tưởng cộng sản qua lý thuyết thì sau đó đã nhận ra sự thật qua thực hành trong thời bình. Họ đã cất lên lời cảnh tỉnh như Trần Xuân Bách, Trần Độ… Khi đó đảng cộng sản có cơ may để tiếp nhận tư tưởng mới, sửa chữa và bắt đầu một đời sống mới. Nhưng không, họ bách hại những con người thành thật đó. Đảng cộng sản dứt khoát chọn con đường bất chính.

Những "đồng chí" quay lưng, im lặng trước sự đày đọa những con người trung thực là họ đã bắt đầu sự tha hóa. Những "đồng chí" chủ trương bách hại người trung thực là những kẻ bất lương. Đây là thời điểm đánh dấu Đảng cộng sản Việt Nam không còn khả năng sửa chữa. Tôi nhớ, cuối những năm 80, chúng tôi nói với người bạn sinh viên đang là cảm tình đảng "mày vào đảng đi để trong sạch quần chúng". Vào đảng từ đây thuần túy là sự luồn lách. Tư tưởng cộng sản không còn là lý tưởng, nó chỉ là giấy phép cho sự tranh giành quyền lực.

Đảng chính trị không còn lý tưởng là đảng chết. Trong đảng không còn niềm tin, không còn sự kính trọng nhau, chỉ còn sự thần phục và sự thống trị. Thân xác còn lại của nó hóa thân thành băng đảng, một băng đảng gắn bó tạm bợ với nhau chỉ vì quyền lợi cá nhân. Từ thời điểm mấu chốt đó, băng đảng đã đi một chặng đường dài thanh lọc ngược. Sự thăng tiến trong băng đảng không dựa trên tài năng đức độ mà dựa trên tài luồn lách, thượng đội hạ đạp.

Ngày nay không ai tin đốt lò là chống tham nhũng, cũng như không ai tin có cán bộ không tham nhũng. Đơn giản đó là chuyện đấu đá nội bộ, chuyện phân chia lại quyền lợi, quyền lực bất minh, đấu đá mang tính băng đảng mafia, đấu đá triệt tiêu không khoan nhượng. Một quá trình tự hủy không tránh khỏi.

Đảng cộng sản đã đi tới sự tận cùng của tha hóa, Mỹ cũng không cứu nổi, họa chăng kéo dài thêm chút đời sống thực vật.

Đỗ Xuân Cang

THDCDN (7/10/2019)

Published in Quan điểm
lundi, 16 septembre 2019 20:59

Cú nhảy định mệnh

Trước những biến cố dồn dập của thế giới và khu vực, chính quyền cộng sản Việt Nam đã đột ngột bẻ lái, tháo chạy khỏi con tàu mang tên cộng sản Trung Quốc, nơi mà chúng đã gắn chặt số phận từ lúc ra đời, kinh qua nhiều biến cố, và cả những lúc xung đột gay gắt nhất. Thay vì câm như hến khi tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, hay đàn áp dã man người biểu tình (phản đối Trung Quốc) như mọi khi, nhà cầm quyền Việt Nam đã phản đối, lên án kịch liệt, thậm chí còn tham gia tập trận với Mỹ và ASEAN để răn đe Trung Quốc.

taptran1

Tàu hộ vệ săn ngầm mang số hiệu 18 của Việt Nam nằm trong tốp chiến thuật số 3, và chính thức tham gia các hoạt động diễn tập chung Mỹ-ASEAN từ ngày 3 đến ngày 5/9 trong khu vực Vịnh Thái Lan

Khó có thể nói đây là 1 hành động dũng cảm, và càng không thể cho là vì lợi ích của dân tộc, nó chỉ đơn giản vì lý tưởng mà chính quyền cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ theo đuổi : vì đảng.

Trước đây nhiều người còn nghi ngờ đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn lý tưởng, vẫn trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin, nhưng khi rời khỏi con tàu duy nhất đại diện (hoặc được coi là như vậy) cho hệ tư tưởng này, thì chúng ta có thể quả quyết "vì đảng" đối với đảng viên cộng sản, là điều hệ trọng, là mối bận tâm duy nhất.

Trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam, rõ ràng Đảng cộng sản Trung Quốc đóng một vai trò vô cùng quan trọng, Bắc Kinh dù là một người anh xấu tính, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ Đảng cộng sản Trung Quốc. Có thể kể đến áp lực của khối dân chủ và thế giới đối với Hà Nội đã giảm đi rất nhiều. Sau khi Trung Quốc hợp tác với Mỹ, Việt Nam không còn bị trừng phạt hoặc cô lập như trước, thậm chí còn tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, nhất là sau khi chủ nghĩa thực tiễn lên ngôi.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cộng sản còn là con ngáo ộp luôn được phóng đại để chính quyền cộng sản đe dọa người đấu tranh. Chúng dựng lên thuyết âm mưu : Trung Quốc có thể xâm chiếm Việt Nam bất cứ lúc nào, nên cần một chế độ ổn định, dù có thể là sắt máu như chính quyền cộng sản Việt Nam, để chống lại dã tâm của Bắc Kinh. Và đòn tuyên truyền này hiệu quả đến mức người đấu tranh ngộ nhận là muốn dân chủ hóa đất nước, thì phải dùng lá bài Trung Quốc. Kết quả như thế nào thì chúng ta đã biết, phong trào bài Trung đã thất bại thảm hại, và sắp tới những người đấu tranh theo cách này có lẽ sẽ "hết bài"", khi nhà cầm quyền tung chiêu "chống Trung"

Tại sao Hà Nội lại có thể từ bỏ những lợi ích rất lớn, mà Bắc Kinh ít nhất đã và đang mang lại ? Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải xét đến lịch sử thích làm tay sai của cộng sản Việt Nam. Như chúng ta đã biết, Hà Nội từng hăm hở, vui sướng như thế nào, khi tự nhận là tiền đồn cho cái phong trào cộng sản thảm hoạ, và dù cái giá phải trả là hàng triệu sinh mạng, cộng với thái độ khinh bỉ chủ nghĩa cộng sản đến mức quăng vào sọt rác của nhân loại, nhưng nhà cầm quyền vẫn luôn tự hào với vai trò ngu xuẩn này, đến mức đưa vào tất cả những gì chúng có thể (sách giáo khoa, khẩu hiệu, thơ...) Và như để tiếp nối thứ truyền thống ký sinh bệnh hoạn, trong tình cảnh phần lớn thế giới chống Bắc Kinh, cộng sản Việt Nam tự nhận mình là một ứng cử viên nặng ký cho vị trí "tiền đồn chống Trung Quốc". Phản bội người anh láng giềng môi hở răng lạnh, lại cùng ý thức hệ, cộng sản Việt Nam một lần nữa lộ rõ bộ mặt vô đạo.

Nhưng nếu chỉ dựa vào lý do hùa theo quốc tế sẽ không đủ thuyết phục người đọc về hành vi tráo trở của Hà Nội, chúng ta cần đi sâu hơn nữa về sức khỏe của Trung Quốc. Đầu tiên là về tăng trưởng kinh tế, đây là thoả thuận ngầm giữa Bắc Kinh và thần dân, nếu kinh tế tăng trưởng tốt thì thần dân sẽ chấp nhận bị bóc lột, chấp nhận vất vả để đổi lại chút lợi ích ít ỏi, nhưng ngược lại, như chính lời thú nhận của cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo : tăng trưởng dưới 8% thì Trung Quốc sẽ loạn. Kịch bản này sắp xảy ra, khi nguồn tài nguyên quan trọng nhất của một quốc gia, con người, bị khai thác đến mức kiệt quệ. Người Trung Quốc là một trong những dân tộc có sức chịu đựng tốt nhất thế giới, họ có thể vui vẻ làm việc gấp đôi giờ lao động bình thường, có thể chấp nhận một môi trường sống ô nhiễm trầm trọng nhất, có thể im lặng với chênh lệch giàu nghèo ở mức không thể tưởng tượng. Đó là lý do cộng sản Trung Quốc tin rằng có thể khai thác nguồn tài nguyên vô đối này trong một thời gian dài, và nó có thể sửa chữa mọi sai lầm về đầu tư của chính phủ. Nhưng sự chủ quan này là tử huyệt của chế độ, khi mà khoản nợ của Bắc Kinh được công bố chính thức là 30.000 tỷ USD (300% GDP), và chúng ta cũng thừa hiểu con số thực tế chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều. Nó dẫn đến một làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc, đồng CNY sẽ tiếp tục bị phá giá, nó đánh thẳng vào nồi cơm của người lao động, và chắc chắn họ sẽ rất chật vật trong thời gian sắp tới khi công việc ít lại, đồng tiền ngày càng mất giá.

Bất mãn trong dân Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng qua nguồn cảm hứng Hong Kong. Chưa bao giờ Bắc Kinh muối mặt như lúc này, phải rút lại dự luật dẫn độ được ban hành một cách nóng vội, ngạo mạn và kém hiểu biết. Hậu quả là Trung Quốc bất lực trong việc đấu trí và cả đấu sức với người Hồng Kông, khi mà không biết tự lượng cái sức khỏe yếu kém, bệnh hoạn và phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại thương của nền kinh tế Trung Quốc. Người Hồng Kông có thể dành vài tháng để biểu tình, khiến cho kinh tế đình trệ, ngược lại, cộng sản Trung Quốc, kẻ đang gánh nặng hàng trăm triệu công nhân, hàng triệu nhà máy chỉ còn cách đầu hàng một cách ô nhục nhất trong lịch sửa tồn tại.

Đứng trước những biến cố sờ sờ như vậy, Hà Nội đương nhiên lộ ngay bộ mặt tráo trở vốn có, khoét sâu vào vết thương của người anh từng che chở mình. Nhưng bản chất tráo trở của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ là phụ, còn cái chính là sự bất lực, Hà Nội còn lựa chọn nào khác ? Câu trả lời là không, Đảng cộng sản Việt Nam phải nhảy xuống và tự cứu lấy mình (bất chấp điều đó là ảo tưởng). Cú nhảy định mệnh này giúp chúng thoát khỏi một con tàu sắp đắm, nhưng giữa đại dương mênh mông, cộng sản Việt Nam cũng không thể tìm kiếm được một con tàu nào khác để thoát thân, hi vọng duy nhất của chúng là con tàu mang tên chủ nghĩa thực tiễn, nhưng bất hạnh thay, con tàu này cũng tráo trở, ọp ẹp và có thể đắm bất cứ lúc nào.

Cú nhảy thoát hiểm của Đảng cộng sản Việt Nam là biến cố mang tính bước ngoặt, nó chứng minh thuyết phục cho sự sụp đổ hoàn toàn của lý tưởng cộng sản ở Việt Nam, và đảng cộng sản đã tự chuyển hóa, tự vả vào những cái mồm suốt ngày ra rả "chống tự diễn biến, tự chuyển hóa". Khúc quanh lịch sử này là điều chúng ta, những người đấu tranh dân chủ, cần phải đặc biệt lưu tâm, chúng ta phải nghiêm túc xem lại phương tiện của mình. Rõ ràng lá bài chống Trung Quốc đã thất bại thảm hại.

Trong hiện tại và tương lai, "dân chủ hóa thật sự" dựa trên những giá trị tiến bộ (bình đẳng, công bằng,..) là lựa chọn duy nhất, là con đường độc đạo, mà chúng ta có thể bước theo, nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc.

Việt Nghĩa

16/09/2019

Published in Quan điểm