Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

26/12/2019

Thoát Trung : Cơ hội cho ai ?

Việt Nghĩa

Theo phân tích và nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy một quyết định lịch sử là "thoát Trung, theo Mỹ". Đầu tháng 12/2019 nhà báo David Hutt của The Diplomat cũng khẳng định bước ngoặt này qua bài "Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Việt Nam khó xoay xở", tác giả nhấn mạnh chi tiết "thoát Trung vì đảng" mà tôi đã nêu trong bài viết "Cú nhảy định mệnh" vào tháng 9/2019. Trong nước, vào tháng 10/2019 nhà báo Phạm Chí Dũng cũng lặp lại nhận định này qua bài "Cộng sản Việt Nam loay hoay giãn Trung, gần Mỹ". Vậy bước ngoặt này đóng vai trò như thế nào đối với đảng cộng sản và đối lập dân chủ ?

Đảng cộng sản và khả năng cụ thể hóa cơ hội ?

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm đang có một lợi thế chưa từng có trong lịch sử, quyết định chuyển trục song song với việc loại bỏ những tàn dư cuối cùng của đối thủ lớn nhất, ông Nguyễn Tấn Dũng, đang gây được tiếng vang trong dư luận Việt Nam. Đến lúc này không ai còn nghi ngờ về việc "thân Trung" của vị cựu thủ tướng với hàng loạt các dự án trọng điểm như Boxit Tây Nguyên, Formosa, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các nhà máy nhiệt điện... Tất cả đều được giao cho Trung Quốc dưới thời Nguyễn Tấn Dũng và đều có chung một số phận là thất bại thảm hại và để lại gánh nặng khổng lồ cho Việt Nam. Do đó, tất cả các đàn em thân tín của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào "lò" không những được đa phần người dân Việt Nam vui mừng và ủng hộ, mà nó cũng góp phần tạo dựng uy tín cho cá nhân đương kim tổng bí thư cũng như phe nhóm. Đây cũng chính là một phần lý do giúp cho ông Trọng nắm được quyền lực tuyệt đối trong bộ máy đảng cộng sản nổi tiếng về đấu đá, tranh giành nội bộ.

Sau khi dẹp yên nội bộ đảng cộng sản, bộ máy của tổng bí thư thực hiện chiến thuật "vừa đánh vừa xoa" đối với lực lượng đấu tranh dân chủ Việt Nam. Họ vẫn muốn độc quyền lãnh đạo Việt Nam kể cả nếu có phải dân chủ hóa đất nước thì họ cũng muốn độc quyền. Họ luôn xem đối lập là các "thế lực thù địch" thay vì Trung Quốc. Trong năm 2019 hàng loạt tiếng nói phản kháng bị bắt bớ và phải chịu đựng những bản án nặng nề (trên dưới 10 năm tù). Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng trao trả những tù nhân lương tâm này cho các quốc gia dân chủ như Mỹ, Âu Châu... hoặc thậm chí là nhắm mắt, che tai để hàng loạt người đấu tranh vượt biên sang Thái Lan tị nạn. Chiến thuật này cũng cho thấy nhà cầm quyền khá "khôn ngoan", một mặt dằn mặt và làm suy yếu lực lượng tranh đấu trong nước, đặc biệt khi đội ngũ này còn chia rẽ, phân tán và chọn con đường đấu tranh thiếu hiệu quả.

Mặt khác, đảng cộng sản tận dụng lợi thế "cần Việt Nam" của khối các nước dân chủ trong cuộc đối đầu gay cấn với Trung Quốc. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy từ Mỹ, Liên Âu, Nhật... dù có chia rẽ và lớn tiếng với nhau như thế nào đi nữa, nhưng đối với Việt Nam thì họ luôn ngon ngọt và mật độ tiếp xúc cao chưa từng thấy trong lịch sử, với những cam kết chắc chắn về đảm bảo chủ quyền ở biển Đông cho Việt Nam. Nhiều khả năng có một thoả thuận ngầm giữa đảng cộng sản và khối dân chủ: "chúng tôi kết án như thế nào là quyền của chúng tôi, nếu các ông thật sự quan tâm đến các tù nhân này thì chúng tôi sẽ trao họ cho quí vị", thỏa thuận này cộng với yếu tố "cần Việt Nam" khiến cho các nước dân chủ quá lắm thì chỉ bày tỏ "quan ngại" trước chiến dịch bắt bớ rầm rộ và kết án nặng nề của nhà cầm quyền. Có thể có một lý do nữa khiến đảng cộng sản gia tăng bắt bớ và kết án nặng các tiếng nói bất đồng chính kiến là để tung hỏa mù, che giấu cho kế hoạch "thoát Trung" của họ...

me-nam

Mặc dù nhiều người như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án rất nặng nhưng chính quyền Việt Nam sẵn sàng cho họ ra đi khi có quốc gia nào đó tiếp nhận.

Về đối ngoại, đảng cộng sản thực hiện hẳn một chiến dịch chống Trung Quốc rầm rộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy chưa có năm nào mà Việt Nam lên án Trung Quốc tới hai lần tại Liên Hiệp Quốc. Về kinh tế thì nổi bật nhất là vụ bắt giữ kho nhôm trị giá hơn 3 tỷ USD có nguồn gốc từ Trung Quốc với cáo buộc "giả mạo xuất xứ". Còn hàng loạt các sự kiện lớn, nhỏ khác liên quan yếu tố Trung Quốc nhưng có một điểm chung là gắn liền với tiêu cực và phạm pháp như : tội phạm, ma túy, phim đồi truỵ...

Tuy nhiên, việc thông qua đạo luật cho phép thành lập "công đoàn độc lập" nhanh chưa từng thấy đã cho thấy sự nhượng bộ lớn đến bất ngờ của nhà cầm quyền cộng sản. Trước đây chúng ta chỉ thấy sự chây ỳ và cò cưa của Hà Nội khi vấn đề này được đề cập, đến mức người lạc quan nhất cũng cho rằng phải mất rất nhiều thời gian, công sức gây áp lực để nhà cầm quyền chấp nhận đạo luật này. Ngay cả đại sứ quán Mỹ cũng phải thốt lên đây là "đạo luật lịch sử" khi hay tin nó được thông qua. Điều đó cho thấy đảng cộng sản đã chịu sức ép lớn như thế nào khi muốn xích lại gần khối dân chủ, và họ đã quyết định đánh cược táo bạo vào một ván cờ mà họ sẽ gặp nhiều khó khăn sau này.

Một thách thức nữa mà Đảng cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt đó là những đòi hỏi từ EU, một định chế dân chủ bậc nhất thế giới, về vấn đề lao động, môi trường và cả nhân quyền trước khi các hiệp định quan trọng (EVFTA và IPA) chính thức được phê chuẩn. Lo lắng này không còn là dự đoán nữa, mà nó đang được đưa ra tranh cãi quyết liệt ở nghị viện EU. Không loại trừ khả năng nhà cầm quyền cộng sản sẽ rơi vào hoàn cảnh "phóng lao phải theo lao" và phải chấp nhận thêm những nhượng bộ lớn hơn.

Rõ ràng tới lúc này Đảng cộng sản Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ quyết định chuyển trục của mình. Trong khi tất cả các quốc gia trên thế giới có một năm kinh tế trì trệ với con số tăng trưởng bi quan và kém hơn hẳn năm 2018, thì Việt Nam vẫn đón nhận loạt sóng đầu tư rầm rộ và những chỉ số kinh tế rất tốt. Hàng xuất khẩu thì được ưu ái đến mức không chỉ Trung Quốc mà Hàn Quốc và Đài Loan cũng tranh thủ lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng vào Mỹ, Âu Châu với mức thuế ưu đãi.

Hầu hết các viện nghiên cứu chiến lược trên thế giới đều dự đoán 2020 Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất khi được chọn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế sau khi họ rút khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, với thành tích đối ngoại tích cực và đối nội "khôn ngoan" như đã nêu ở trên tạo cho đảng cộng sản những lợi thế rất lớn trong những bước đầu chập chững trên một con đường mới hoàn toàn. Tuy nhiên, khả năng tận dụng và duy trì được lợi thế này như thế nào lại là một dấu hỏi rất lớn, Việt Nam không thể khiến thế giới phải phụ thuộc và nhượng bộ mãi như "mỏ dầu" Ả Rập Xê Út, mà ngược lại Việt Nam rất cần thế giới để duy trì được nền kinh tế vốn lệ thuộc rất nặng vào ngoại thương. Giai đoạn đầu của chiến dịch toàn cầu "chống Trung" sẽ mang lại những lợi thế lớn kèm theo những bất lợi nhỏ cho nhà cầm quyền cộng sản, nhưng theo thời gian thì mọi thứ sẽ ngược lại.

Đối lập dân chủ : cơ hội hiếm có

Theo ý kiến của người viết thì trong quyết định chuyển trục này, đối lập dân chủ đang có ưu thế chứ không phải chỉ mình đảng cộng sản như đa số nhìn nhận. Nhiều người phản đối việc các định chế dân chủ như Mỹ, Liên Âu, Nhật nâng tầm mối quan hệ với Việt Nam. Nhưng chỉ cần suy nghĩ một cách đơn giản thì không ai có thể phủ nhận rằng : phụ thuộc phương Tây và Nhật sẽ có cơ hội dân chủ hóa cho Việt Nam hơn nhiều so với việc phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều quan trọng không kém là chưa có đảng cộng sản nào trên thế giới chuyển đổi qua dân chủ thành công. Chưa kể đây là lần đầu tiên từ năm 1979 Đảng cộng sản Việt Nam từ bỏ thói quen "sao chép" Đảng cộng sản Trung Quốc. Điều đó chắc chắn sẽ khiến đảng cộng sản vô cùng bối rối, mà thách thức đầu tiên là lựa chọn nội dung cho cương lĩnh Đại hội đảng 13, nếu tiếp tục dùng "lưỡi gỗ" quả quyết kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin thì mâu thuẫn giữa lời nói và hành động lớn đến mức kệch cỡm, còn nếu tuyên bố sẽ "thoát Trung, theo Mỹ" thì sẽ gây hoang mang tột độ cho các đảng viên cộng sản trung kiên.

Đối lập dân chủ nếu không dự đoán được tình huống bước ngoặt này thì đó là một điều vô cùng đáng tiếc vì sẽ bỏ lỡ đi một cơ hội quí báu và sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để thay đổi phương thức tranh đấu phù hợp. Đáng buồn là thực tế đang diễn ra như vậy : ngoài hành động phản đối các hiệp định mà khối dân chủ đã và đang ký kết với Việt Nam như đã nêu trên, đối lập dân chủ phần nào còn bị cuốn vào chiến thuật "vừa đấm vừa xoa" của đảng cộng sản, nó tạo nên tâm lý hoang mang và khiến họ không nhận ra và khai thác được cơ hội từ những nhượng bộ rất lớn mà đảng cộng sản phải chấp nhận. Chưa kể việc thổi phồng, tung hỏa mù ở những phiên tòa "chống tham nhũng cấp cao" như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn... càng khiến cho đối lập dân chủ bị thu hút, phân tâm và khó tập trung vào chiến dịch truyền thông trọng tâm lẽ ra phải được đẩy mạnh nhằm tố cáo đảng cộng sản đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc khi dùng dằng trong việc chuyển trục, và vẫn muốn độc quyền dân chủ hóa đất nước…

Son&tuan

Các vụ xử cán bộ cao cấp như cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… là để dẹp yên nội bộ trước lúc "xoay trục" ?

Có một xu hướng tích cực trong giới đấu tranh dân chủ Việt Nam trong năm 2019 là xu hướng đấu tranh theo chiều sâu, giảm bớt các hoạt động đấu tranh bề nổi như biểu tình, kiến nghị, viết yêu sách... Có lẽ phần nào họ nhận ra được chân lý : làm chính trị là rất khó khăn và phải có tổ chức và kiến thức thật sự về chính trị. Đây là một tiền đề quan trọng để giới đấu tranh có thể đi xa và đạt hiểu quả cần có. Chỉ cần nỗ lực thay đổi tư duy tranh đấu cá nhân, chấp nhận hi sinh cái tôi để đứng vào hàng ngũ những tổ chức chính trị đứng đắn, họ sẽ tận dụng được cơ hội hiếm có này và biến nó thành sự thật.

Việt Nghĩa

(26/12/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Nghĩa
Read 1351 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)