Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 24 juin 2021 07:59

Thời của các nhân sĩ đã qua

Đúng như dự đoán, Lương Thế Huy, ứng cử viên "độc lập" duy nhất, tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa 15 đã bị loại. Ông Lương Thế Huy chỉ được 101.479 phiếu, tức 17,69% số phiếu tại đơn vị bầu cử số 6, gồm quận Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai.

Chỉ có 4/9 người tự ứng cử trúng cử khóa 15 này và đều là người cũ. Đó là ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân và ông Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội huyết học và truyền máu Việt Nam. Hai người còn lại là ông Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty nhôm Namsung Việt Nam. (Bà Mai từng là lãnh đạo sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân Dân tỉnh Nam Định).

Không ít nhân sĩ Việt Nam vẫn mong muốn và hy vọng được đắc cử vào Quốc hội để có tiếng nói...điều đó là viễn vông và vô ích. Lý do chúng tôi đã trình bày trong bài viết "Quốc hội bù nhìn" (1). Nội bộ Đảng cộng sản đang chao đảo và phân hóa mạnh. Họ không muốn có thêm bất cứ một rắc rối hay phiền toái nào, dù nhỏ. Họ cần sự "thống nhất" giả tạo trong nội bộ để che đậy những rạn nứt và bối rối.

Đảng cộng sản Việt Nam luôn xem các nhân sĩ, dù ôn hòa đến mấy cũng thuộc thành phần "cơ hội chính trị". Theo Tạp chí Cộng sản thì : "Đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là : nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu nổi được. Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát ; bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau" (2).

Cũng theo Tạp chí Cộng sản thì : "Những kẻ cơ hội chính trị gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp cách mạng của dân tộc và uy tín của Đảng, xâm hại tới lợi ích của quần chúng nhân dân cũng như làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì thế, đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội chính trị là trách nhiệm của các tổ chức đảng, đồng thời có sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân".

Đảng cộng sản rất rõ ràng và dứt khoát trong việc dựng nên một làn ranh giữa họ và các nhân sĩ khi đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ là phải :

"Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân ; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước".

(Quy định số 89 của Bộ Chính trị khóa XII, ngày 4/8/2017, về "Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp) (2)

cohoi1

Đảng cộng sản ngày càng kiên quyết dựng lên một làn ranh giữa họ và các "phần tử cơ hội chính trị".

 Rõ ràng là Đảng cộng sản đang quyết tâm sàng lọc những "phần tử cơ hội chính trị", kể cả đảng viên nhưng phát ngôn mạnh mẽ và có vẻ đứng về phía lẽ phải như Lưu Bình Nhưỡng, Ksor H’Bơ... Dù vậy một số nhân sĩ vẫn không biết điều đó, có lẽ do họ không đọc báo của Đảng cộng sản. Đáng lẽ ra trước khi có ý định tham gia vào guồng máy của Đảng cộng sản, kể cả Quốc hội thì các nhân sĩ phải tìm hiểu xem qui định của họ như thế nào. Không nên hời hợt quá như vậy. Nhắc lại, nhân sĩ là những người tranh đấu cho dân chủ một mình, họ không tham gia hay ủng hộ cho tổ chức nào.

Nhân đây chúng ta cùng nhớ lại sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã tự giải thể để phản đối Quyết định 97 của Đảng cộng sản, cấm các tổ chức nghiên cứu công bố những phản biện trước khi được nhà nước thông qua, ngày 14/09/2009.

"Các thành viên IDS không phải là những người đối kháng. Họ không đòi đa nguyên, đa đảng, nhân quyền. Chưa bao giờ có ai trong họ bày tỏ sự bất bình trước những vụ án chính trị thô bạo. Họ không quan tâm đến phong trào dân chủ và cũng không đánh giá cao những người dân chủ. Họ chọn con đường phục vụ chế độ và cố gắng để cải tiến nó. Họ tự đánh giá là những trí thức lớn, điều này có phần đúng, và họ đã chọn làm những trung thần của chế độ. Họ tôn trọng Đảng cộng sản và muốn phục vụ chế độ một cách thông minh. Vậy mà họ đã bị chèn ép đến mức phải tuyên bố tự giải thể" (3).

Viện IDS đã cố gắng chọn phương pháp mà họ cho rằng ôn hòa, giúp chế độ thay đổi và cải cách từ bên trong. Tuy nhiên lựa chọn đó đã thất bại. Chính thái độ "ngô không ra ngô, khoai không ra khoai" của họ khiến chính quyền coi thường họ và phong trào dân chủ Việt Nam cũng không được lợi ích gì, thậm chí còn có hại vì "sự hiện diện của khuynh hướng này đã có tác dụng khiến những người dân chủ đối đầu trực diện với chế độ một cách ôn hòa bị nhìn một cách oan sai như là cực đoan hoặc không thực tiễn và do đó ít được hưởng ứng".

IDS mâu thuẫn ở chỗ : "Tuy chủ trương phải hội nhập vào chế độ và hợp tác với nó để thay đổi nó từ bên trong nhưng họ lại không nói thay đổi để tiến tới cái gì. Nếu họ nói là thay đổi để tiến tới dân chủ đa nguyên đa đảng thì họ sẽ bị coi là đối lập và sẽ bị loại trừ ngay. Ngược lại họ cũng không thể công khai bênh chính quyền cộng sản vì nó bạo ngược. Họ làm như không có ý kiến. Nhưng không có ý kiến trên vấn đề dân chủ hóa đất nước là tự triệt thoái khỏi cuộc tranh luận nòng cốt nhất hiện nay. Muốn thuyết phục được ai thì ít nhất cũng phải cho người đó biết mình muốn gì. Cái nhập nhằng của khuynh hướng này là ở chỗ nó bắt cá hai tay, đối với những người dân chủ nó muốn được coi như một khuynh hướng dân chủ hóa trong khi đối với chính quyền cộng sản nó muốn được nhìn như một khuynh hướng ủng hộ và hợp tác" (3).

12 năm đã trôi qua từ ngày Viện IDS giải thể nhưng phương pháp đấu tranh kiểu nhân sĩ như vậy vẫn chưa bị đoạn tuyệt hoàn toàn. Các nhân sĩ vẫn cố gắng kêu gọi chính quyền cộng sản tự thay đổi chứ họ chưa lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập đứng đắn ngoài Đảng cộng sản. Một số nhân sĩ đi xa hơn bằng cách chỉ trích và phê phán những sai lầm của Đảng cộng sản. Dù đọc rất sướng và họ nhận được rất nhiều sự thích thú (like) của dư luận, nhưng rồi sao ? Chúng tôi chưa thấy các nhân sĩ đưa ra bất cứ một giải pháp nào để thay đổi đất nước. Nếu bị chất vấn thì tất cả biện hộ bằng câu thần chú : "Phải khai dân trí trước đã. Khi nào dân trí cao thì người dân sẽ tự đứng dậy làm cách mạng".

Các nhân sĩ thừa biết là thời của các cuộc cách mạng bằng bạo lực, đập phá và lật đổ đã đi qua. Người dân làm gì có phương tiện. Hơn nữa bạo lực luôn là đặc quyền và sở trường của các chế độ độc tài. Hậu quả của "bạo lực cách mạng" kinh khủng như thế nào thì người Việt Nam chắc rõ hơn ai hết.

Kye ngyteen3 (3)

Cuộc cách mạng dân chủ lần này chủ yếu diễn ra trên mặt trận tư tưởng và lý luận nên lời nói là tất cả.

Cuộc cách mạng dân chủ lần này chủ yếu diễn ra trên mặt trận tư tưởng và lý luận vì nó không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục bất cứ ai mà là để mở ra trang sử dân chủ và tự do cho dân tộc. Tổ chức nào chiến thắng trên mặt trận tư tưởng và lý luận thì sớm muộn cũng sẽ chiến thắng trên thực tế. Trong cuộc tranh đấu này lời nói là tất cả. Có người cho rằng "nói dễ, làm khó" nhưng sự thực không phải vậy, điều đó chỉ đúng trong những công việc chân tay chứ không đúng trong lĩnh vực lý luận và tư tưởng. Đành rằng ai cũng nói được nhưng nói cái gì và nói như thế nào thì lại là chuyện khác. Lời nói là sản phẩm của tâm hồn và trí tuệ mà trí tuệ của mỗi người luôn khác nhau.

Có người hỏi rằng, vậy Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên đã làm được gì trong gần 40 năm qua ? Xin nhắc lại, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng tôi đã làm được đó là đóng góp cho phong trào dân chủ Việt Nam một giải pháp toàn diện thay thế cho giải pháp cộng sản, tức là Dự án chính trị với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Việc thứ hai mà chúng tôi đã làm (và vẫn đang tiếp tục) đó là xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt cho tổ chức, là những người hiểu rõ lập trường và lộ trình tranh đấu của Tập Hợp. Việc thứ ba là chúng tôi đã thuyết phục và nhận được sự ủng hộ của một bộ phận quần chúng. Dù chưa được như mong muốn nhưng kết quả rất khả quan.

Anh em Tập Hợp rất lạc quan vì hiểu rõ con đường mình đang đi phải trải qua những chặng đường dài, cô đơn và mệt mỏi. Nhưng chúng tôi tin sớm muộn gì cũng sẽ đến đích vì các giá trị và lập trường của Tập Hợp đại diện cho một tương lai bắt buộc phải đến. Trong khi đó các "ngôi sao dân chủ" thì sao ? Họ đang ở đâu ? Rất buồn khi họ đã dần dần bỏ cuộc sau một thời gian vì bế tắc và thất vọng. Ngay cả một người rất nổi tiếng và bền bĩ tranh đấu cho dân chủ là luật sư Lê Công Định cũng đã bày tỏ sự thất vọng và mất niềm tin vào tương lai dân chủ của Việt Nam.

Chúng tôi đã thảo luận, nghiên cứu và trình bày rất nhiều về tầm quan trọng của tư tưởng chính trị. Chúng tôi hiểu, thay đổi văn hóa và tâm lý của cả một dân tộc chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Một ví dụ, dù người Việt tại Mỹ không hơn gì người Mỹ da đen nhưng sự phân biệt và kỳ thị với họ vẫn có trong tâm trí nhiều người Việt, dù không ai thừa nhận và nói ra. Một ví dụ nữa, trí thức Việt Nam hôm nay rất tôn vinh và đề cao nhà cách mạng Phan Châu Trinh, nhưng lúc sinh thời cụ Phan Châu Trinh không được trí thức ủng hộ. Cụ sống trong nghèo khổ và mất đi trong cô đơn, thiếu thốn và bệnh tật. Trong khi đó, dù Tập Hợp là tổ chức kế thừa và đi theo con đường của cụ nhưng ở mức độ cao hơn, trí tuệ hơn nhưng vẫn không nhận được sự ủng hộ của trí thức Việt Nam. Chuyện này nghe có vẻ kỳ cục nhưng sự thực là nó đang xảy ra như vậy. Chúng tôi tin là trí thức Việt Nam hiểu và đồng tình với dự án chính trị của Tập Hợp nhưng vì phương pháp tranh đấu của Tập Hợp quá mới, quá xa lạ với văn hóa truyền thống nên chưa được chấp nhận rộng rãi.

Dù vậy thì sự thực là thời của các nhân sĩ đã qua. Đảng cộng sản ít nhiều cũng "có công" trong việc chấm dứt lối làm chính trị nhân sĩ của người Việt Nam khi họ ngày càng co cụm lại để cố thủ trong nội bộ bằng cách loại bỏ mọi tiếng nói bất đồng. Cái gì thuộc về quá khứ thì nó phải qua đi và cái gì thuộc về tương lai thì nó bắt buộc phải đến dù chúng ta có muốn hay không. Tập Hợp vẫn luôn cố gắng, bằng tất cả sự bao dung và kiên nhẫn để thuyết phục người dân và trí thức Việt Nam ủng hộ cho giải pháp "dân chủ đa nguyên". Nếu đa số người dân Việt Nam chia sẻ và đồng thuận với dự án chính trị của Tập Hợp thì dân chủ và tự do sẽ nhất định sẽ đến với tất cả chúng ta.

Việt Hoàng

(24/06/2021)

(1) Việt Hoàng, "Quốc hội bù nhìn", Thông Luận, 25/05/2021 

(2) Nguyễn Minh Tuấn, "Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy đảng những phần tử cơ hội chính trị", Tạp chí Cộng sản, 08/02/2021

(3) Nguyễn Gia Kiểng, "IDS : Nhân nghe một tiếng kêu ai oán", Thông Luận số 240, tháng 10/2009

Published in Quan điểm

Suốt dòng lịch sử của Việt Nam, các triều đại phong kiến bị thay thế đều do các đại thần phản nghịch, võ tướng hay anh hùng hảo hán chủ trương và lật đổ. Chưa bao giờ giới sĩ phu (trí thức) có vai trò chủ động hay khởi xướng các cuộc thay đổi đó. Lịch sử (do bên thắng cuộc) viết lại đều có nội dung giống nhau là triều đại bị phế truất rất xấu xa, tàn ác và đáng bị lật đổ để thay thế bởi một triều đại mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên sự thật không phải hoàn toàn như vậy, triều đại mới cũng hành xử giống hệt như cũ và không có ai chính nghĩa hơn ai mà chỉ giản dị “thắng làm vua, thua làm giặc”.

Đảng cộng sản Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi tổ chức thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền hồi tháng 8 năm 1945 thì họ cũng viết vào sách lịch sử và gọi sự kiện này là “cướp chính quyền”. Những gì xảy ra sau đó đến giờ đã cho chúng ta thấy rõ sự thật là Đảng cộng sản làm cuộc cách mạng đó là vì họ và cho họ chứ không phải cho người dân. Đảng cộng sản chỉ thay thế ách cai trị của thực dân Pháp bằng sự cai trị của họ, thậm chí còn dã man và hà khắc hơn. Đảng cộng sản xem họ như là một đội quân chiếm đóng người bản xứ chứ không xem mình là một thành phần của dân tộc Việt Nam. Khoảng 3 triệu đảng viên cộng sản còn đương chức nắm giữ toàn bộ quyền lực chính trị, kinh tế, văn hóa, tài nguyên của đất nước. Họ có suy nghĩ và lối sống hoàn toàn khác với 95 triệu người Việt Nam còn lại.

Việt Nam ngày nay dù có đủ mọi phương tiện hiện đại của thế giới như ô tô, điện thoại thông minh, mạng xã hội nhưng về chính trị thì đất nước ta vẫn đang ở thế kỷ 19. Các quyền tự do căn bản của công dân vẫn chưa có, mọi chỉ trích chính quyền đều bị trừng phạt với các bản án lên đến hàng chục năm tù. Câu hỏi chất vấn lương tâm của những người Việt Nam có hiểu biết là tại sao một chế độ phong kiến cải biên tồi dở, lạc hậu và kém cỏi như Đảng cộng sản vẫn còn tồn tại và kéo dài đến ngày hôm nay? Câu trả lời có nhiều, tùy theo mỗi người. Trong bài viết này tôi đưa ra câu trả lời là chúng ta vẫn chưa thoát ra được khỏi văn hóa tranh đấu nhân sĩ đã đeo bám chúng ta suốt chiều dài lịch sử.

vh-1

Người Việt Nam chúng ta vẫn chưa thoát khỏi văn hóa nhân sĩ đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Một trường học ở Hà Nam, Trung Quốc bắt học sinh quì bái Khổng tử.

Nếu theo cách lý luận thông thường thì các chế độ không hợp lòng dân, tham lam độc ác ắt bị đào thải bởi một lực lượng tiến bộ hơn. Vậy tại sao Đảng cộng sản chưa bị thay thế? Câu trả lời là thế giới đã thay đổi nhưng văn hóa tranh đấu của người Việt Nam vẫn không thay đổi. Thời kỳ của những minh quân hay anh hùng áo vải, phất ngọn cờ đào đứng lên kêu gọi khởi nghĩa đã đi qua. Phương pháp đấu tranh vũ trang cũng đã hết thời. Cuộc tranh đấu ngày hôm nay rất khác và rất mới, nó chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Cuộc tranh đấu này không nhằm lật đổ chế độ để giành chính quyền hay thay thế chế độ này bằng một chế độ khác cũng na ná như vậy. Cuộc đấu tranh này là để mở ra một trang sử mới cho dân tộc: Trang sử của dân chủ, tự do và nhân phẩm cho mọi người Việt Nam. Những người làm chính trị trong tương lai không còn là tầng lớp quan lại đè đầu cưỡi cổ người dân mà là những người phục vụ cho một lý tưởng đẹp và quảng đại, là những người có đạo đức và kiến thức được người dân bầu chọn để lãnh đạo và điều hành đất nước.

Chính vì sự khác biệt đó mà cuộc cách mạng này bắt buộc phải do trí thức lãnh đạo và hướng dẫn. Phong trào dân chủ Việt Nam đang bị tắc nghẽn ở điểm này. Trí thức Việt Nam trong suốt dòng lịch sử luôn luôn là công cụ của chính quyền. Các sĩ phu ngày trước chỉ cố gắng tự mình học hỏi rồi đi thi, được đỗ đạt làm quan và được phục vụ cho các ông vua bà chúa. Họ không có văn hóa đấu tranh thay đổi chính quyền để thay đổi xã hội, mục tiêu của họ chỉ là làm thế nào để có danh giá và có địa vị xã hội cao hơn người khác. Do đó họ không thấy sự cần thiết phải kết hợp với nhau thành tổ chức để có sức mạnh của tổ chức, điều kiện bắt buộc để có thể đương đầu với chính quyền và áp đặt sự thay đổi.

Lối đấu tranh hiện nay của trí thức Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi văn hóa tranh đấu cũ, đó là lối đấu tranh theo kiểu nhân sĩ. "Nhân sĩ" là một khái niệm của Nho giáo để chỉ những người "kẻ sĩ", nghĩa là những người có học, có chút tiếng tăm. Hoạt động chính trị kiểu nhân sĩ nghĩa là hoạt động với tư cách cá nhân, thỉnh thoảng ký tên vào một kiến nghị hay tham gia một hành động nhất thời chứ không dấn thân vào một tổ chức nào. Mục tiêu của các nhân sĩ là xây dựng uy tín cá nhân cho mình rồi chờ cơ hội để nắm hay tham gia vào chính quyền. Phương pháp hay văn hóa dấn thân của các nhân sĩ là “giải pháp cá nhân”. Họ chỉ lên tiếng trước những bất công của xã hội chứ không tìm cách giải quyết những bất công đó. Văn hóa nhân sĩ trái ngược với văn hóa tổ chức.

Ông Nguyễn Gia Kiểng từng nhận định, lối đấu tranh nhân sĩ để lại cho trí thức Việt Nam hai thương tật: Một là coi hoạt động chính trị là để làm quan, là tranh giành công danh cho riêng mình, bằng cố gắng cá nhân. Hai là tâm lý phục tùng chính quyền thay vì đấu tranh để thay đổi nó, ngay cả khi đó chỉ là một chính quyền tồi dở và thô bạo.

vh-2

Bổn phận của trí thức, ở đâu và thời nào cũng vậy đó là phải tranh đấu để thay đổi các chế độ bạo ngược và mang lại tự do dân chủ cho toàn dân.

Bổn phận của trí thức, ở đâu và thời nào cũng vậy đó là phải tranh đấu thay đổi các chế độ bạo ngược để mang lại tự do nhân phẩm cho người dân. Muốn thế thì phải có sức mạnh của một lực lượng dân chủ có đội ngũ và tầm vóc. Đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân mà luôn luôn là đấu tranh có tổ chức. Các giải pháp cá nhân đều dẫn đến bế tắc và thất bại. Thà không đấu tranh còn hơn là đấu tranh kiểu nhân sĩ. Trí thức thực sự và dấn thân không thể ngụy biện rằng không làm gì được Đảng cộng sản đâu, ai làm được gì thì làm, ai lên tiếng được gì thì lên tiếng, như thế cũng là tốt rồi, không nên đòi hỏi này nọ...Những người tranh đấu mà có suy nghĩ như vậy có lẽ là vì lý tưởng dân chủ và lòng yêu nước không mạnh. Họ chỉ lên tiếng vì tức giận với chế độ cộng sản, hay tệ hơn nữa vì muốn có chút tiếng tăm cho bản thân. Việc trí thức Việt Nam cho rằng vì dân trí thấp nên chưa thể có dân chủ cũng là ngụy biện hoặc thiếu hiểu biết. Hầu hết các nước trên thế giới có dân chủ khi đa số người dân họ vẫn còn mù chữ. Họ thiết lập được dân chủ vì trí thức họ có kiến thức và quyết tâm.

Cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay là rất mới vì nó khác hoàn toàn các cuộc thoán đoạt hay lật đổ trong lịch sử. Chính vì mới nên cuộc cách mạng này đòi hỏi một văn hóa tranh đấu mới đó là đấu tranh có tổ chức và trong khuôn khổ của tổ chức. Muốn kết hợp hoặc tham gia vào tổ chức thì phải có văn hóa tổ chức. Văn hóa tổ chức là những kiến thức, cách suy nghĩ và hành động khiến chúng ta, một mặt hiểu tầm quan trọng của tổ chức và cảm thấy có nhu cầu sinh hoạt trong tổ chức, và mặt khác suy nghĩ và hành xử một cách phù hợp để giữ gìn và phát triển tổ chức. Văn hóa tổ chức cũng là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ văn minh và tiến hóa của một dân tộc.

Thay đổi một chính quyền tồi dở đã là khó, thay đổi văn hóa đã ăn sâu vào tâm hồn một dân tộc lại càng khó hơn. Cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị đồng thời cũng là một cuộc cách mạng văn hóa. Sỡ dĩ chúng ta chưa thành công là vì chưa thay đổi được văn hóa chính trị. Cuộc tranh đấu này không yêu cầu trí thức Việt Nam phải hy sinh thân mình, xông pha nơi hòm tên mũi đạn, vào tù ra tội hay bày tỏ sự dũng cảm trong các phiên tòa do chính quyền dàn dựng mà chỉ cần trí thức dũng cảm với...chính bản thân mình. Sự dũng cảm đó là tôn trọng sự thật, lẽ phải và can đảm xét lại những giá trị cũ đã lỗi thời như danh tiếng hay những hào quang phù phiếm, vô nghĩa để ủng hộ cho những gì đúng đắn, nhân bản và văn minh. Trí thức phải vượt lên chính mình và lịch sử để trở thành người tự do, tự kiến tạo tương lai cho mình và cho cả dân tộc.

Nếu thực sự muốn đấu tranh vì dân chủ và tương lai thì trí thức Việt Nam cần học hỏi, nghiên cứu, suy nghĩ để hiểu rằng nếu không có tổ chức thì không thể nào chiến thắng được Đảng cộng sản. Việc xây dựng một tổ chức dân chủ có tầm vóc là điều bắt buộc phải làm và vô cùng khó khăn vì thế tất cả mọi người cần phải đóng góp và ủng hộ một cách nhiệt tình và chủ động. Trí thức không thể kêu gọi đoàn kết khi bản thân mình không đoàn kết, không tham gia và không ủng hộ cho tổ chức nào. Nên đoạn tuyệt với lối đấu tranh nhân sĩ và văn hóa nhân sĩ. “Đối thủ chính của cuộc vận động dân chủ không còn là chủ nghĩa cộng sản nữa, nó đã chết rồi, mà là chủ nghĩa nhân sĩ”. (1)

Việt Hoàng

(10/5/2021)

(1)  https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/21372-nhin-l-i-cu-c-v-n-d-ng-dan-ch

Published in Quan điểm