Thái Lan : Người biểu tình thách thức chế độ quân chủ
Thanh Hà, RFI, 20/09/2020
Phong trào phản kháng tại Thái Lan bước sang một khúc quanh mới với đòi hỏi cải tổ chế độ quân chủ. Ngoài yêu sách sửa đổi Hiến Pháp do tập đoàn quân sự áp đặt và đòi thủ tướng Prayut Chan O Cha từ chức, ngày 20/09/2020 người biểu tình Thái Lan đã tiến thêm một bước với lời khẳng định "Đất nước này thuộc về nhân dân" chứ không thuộc về nhà vua. Quốc vương Thái Lan hiện sống tại nước ngoài.
Thông tín viên RFI Carol Isoux từ thủ đô Bangkok gửi về bài tường trình :
"Sáng sớm nay người dân đã thức dậy dưới cơn mưa tại khu ký túc xá mênh mông của đại học Thammasat, ngay ở khu trung tâm lịch sử của thủ đô Thái Lan. Phong trào đấu tranh trong hai ngày cuối tuần này đã đem lại hai kết quả cụ thể.
Tối qua, một đảng chính trị mới mang tên Dân Tộc Mới vừa được khai sinh với sự tham gia của nhiều chính khách và lãnh đạo phong trào sinh viên.
Kết quả thứ hai mang tính biểu tượng cao là vào sáng nay, đúng ngay tại nơi từng đặt một tấm bia kỷ niệm ngày Thái Lan chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, một tấm bia đã biến mất gần đây, người biểu tình đã đặt lại một bảng đồng khác nhắc nhở rằng Thái Lan thuộc về nhân dân chứ không phải là của riêng nhà vua.
Một người trong cuộc nói : "Với tấm biển này chúng tôi hy vọng là rốt cuộc nền dân chủ sẽ được tôn trọng tại đất nước chúng tôi và chế độ quân chủ sẽ sử dụng quyền lực trong khuôn khổ của Hiến Pháp.
Đây chính là chủ đề chia rẽ công luận Thái Lan. Một bộ phận tin rằng quyền lực của nhà vua là thiêng liêng, thể hiện bản sắc Thái Lan và đó là một điều không thể bị xét lại công khai .
Nếu như trước mắt, chính phủ chưa có phản ứng về những diễn biến này thì ngược lại trên các mạng xã hội, đã xuất hiện những phản ứng phẫn nộ từ hàng ngũ phe bảo vệ hoàng gia đến cùng".
Thanh Hà
***********************
Thái Lan : Hàng chục nghìn sinh viên biểu tình đòi thủ tướng từ chức
Trọng Thành, RFI, 19/09/2020
Phong trào phản kháng của giới sinh viên Thái Lan diễn ra liên tục từ giữa tháng 7/2020 đến nay. Hôm nay 19/09/2020, những người tổ chức hy vọng sẽ có ít nhất 50.000 người tham gia cuộc xuống đường tại Bangkok để kêu gọi thủ tướng từ chức, chấm dứt đàn áp và sửa đổi bản Hiến pháp 2017 do tập đoàn quân sự áp đặt. Khoảng 10.000 cảnh sát được triển khai tại Bangkok.
Biểu tình tại Bangkok đòi thủ tướng từ chức và sửa đổi hiến pháp 2017. Ảnh ngày 19/09/2020. Reuters - SOE ZEYA TUN
Cho đến nay, các cuộc tuần hành diễn ra trong không khí ôn hòa. Chính quyền Prayout Chan-O-Cha không đàn áp biểu tình, nhưng tìm cách hạn chế quy mô của phong trào, đặc biệt với việc siết chặt kiểm soát Internet. Chính quyền ngăn chặn khoảng 2.000 trang mạng được coi là có liên quan đến phong trào sinh viên.
Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết cụ thể :
"Hàng trăm trang mạng bị đóng, cũng như các trang Facebook hay Twitter của các nhà tranh đấu có ảnh hưởng nhất. Chính quyền Thái Lan coi việc gia tăng kiểm soát Internet là cần thiết để tránh cho các cuộc tập hợp thu hút quá đông người tham gia. Cách nay ít tuần, hơn 20.000 người tham gia biểu tình. Lần này, những người biểu tình được kêu gọi qua đêm tại chỗ, cho đến tối ngày mai, Chủ Nhật 20/09.
Thoạt tiên sinh viên biểu tình có kế hoạch tuần hành đến trụ sở Quốc Hội, rốt cục, kế hoạch bị hủy, nhưng những người tổ chức - dường như kiên quyết hơn bao giờ hết - hứa hẹn sẽ có những bất ngờ. Cho đến nay, bạo lực không xảy ra, nhưng tình hình này sẽ kéo dài đến khi nào ? Cảnh sát Thái Lan cảnh cáo sẽ không để cho giới trẻ tấn công vào các tài sản của Hoàng gia".
Nếu cuộc tuần hành phản kháng hôm nay và ngày mai có 50.000 người tham gia, thì đây sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất tại Thái Lan kể từ cú đảo chính quân sự năm 2014, đưa thủ lĩnh tập đoàn quân sự, tướng Prayut Chan-O-Chan, lên cầm quyền.
Theo AFP, ngay từ cuối buổi sáng hôm nay, hàng trăm người biểu tình đã tràn vào khuôn viên đại học Thammasat, trung tâm thủ đô Bangkok. Đại học Thammasat là một địa điểm mang tính biểu tượng. Ngày 06/10/1976, hàng chục sinh viên phản đối sự trở lại của chế độ độc tài quân sự, sau giai đoạn ba năm dân chủ, đã bị lực lượng an ninh, với sự hậu thuẫn của các thành phần bảo hoàng cuồng tín, hạ sát.
Ẩn số lớn hiện nay là thái độ của dân chúng Thái Lan đối với phong trào sinh viên. Cho đến nay, các cuộc tuần hành diễn ra gần như hàng ngày, với thành phần chủ yếu là sinh viên, giới trẻ nói chung và dân cư đô thị. Nhà nghiên cứu Christine Cabasset, Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, đặt câu hỏi : Liệu các sinh viên có khả năng huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp dân nghèo hay không ? Cuộc biểu tình hôm nay là một trắc nghiệm.
Cải cách chế độ quân chủ : Đích nhắm khác của phong trào sinh viên
Đối với một bộ phận phong trào phản kháng của sinh viên, cái đích không chỉ là tập đoàn quân sự, mà cả chế độ quân chủ. Trả lời AFP, một trong những người tổ chức phong trào, bà Panusaya Sithijirawattanakul, biệt danh là "Rung", cho biết mục tiêu không phải là lật đổ chế độ quân chủ, mà là "hiện đại hóa nền quân chủ, để nền quân chủ thích ứng với xã hội hiện nay". Đòi hỏi của các nhà tranh đấu sinh viên là quốc vương không can thiệp vào các công việc chính trị, hủy bỏ luật về tội khi quân, thường được dùng để đàn áp đối lập chính trị, và đặt tài sản của Hoàng gia dưới sự quản lý của Nhà nước.
Các yêu sách nói trên được nhiều nhà quan sát đánh giá là táo bạo, bởi quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn, lên ngôi từ năm 2016, đang nắm giữ rất nhiều quyền lực, hơn rất nhiều so với quyền lực của nhà vua được thể chế quân chủ lập hiến Thái Lan quy định. Quốc vương Maha Vajiralongkorn thường xuyên điều khiển các hoạt động của chính quyền từ hậu trường. Kể từ năm 2018, quốc vương Thái Lan trực tiếp kiểm soát toàn bộ tài sản của Hoàng gia, ước tính hơn 40 tỉ đô la (gấp khoảng 40 lần tài sản Hoàng gia Anh).
Khác hẳn với vua cha Bhumibol Rama IX, được đông đảo người dân Thái ngưỡng mộ, quân vương kế nhiệm Rama X nổi tiếng với lối sống xa hoa, hành xử độc đoán và nhiều xì-căng-đan. Tháng 3/2020, trong lúc Thái Lan đang vất vả đối chọi với đại dịch Covid-19, quốc vương Rama X du ngoạn tại châu Âu, sống trong một khách sạn sang trọng ở thị trấn Garmisch-Partenkirchen, một điểm du lịch ở miền nam nước Đức, cùng với 20 cung phi.
Trọng Thành
************************
Bảng kêu gọi cải cách hoàng gia của sinh viên Thái Lan biến mất
BBC, 18/09/2020
Một tấm bảng do những người biểu tình chống chính phủ đặt xuống, tuyên bố Thái Lan "thuộc về người dân chứ không phải của vua" đã bị dỡ bỏ.
Tấm bảng (trái) và không gian trống sau khi nó biến mất
Được đặt xuống chỉ một ngày trước đó, bảng này được coi là một hành động táo bạo ở một quốc gia nơi chỉ trích chế độ quân chủ có thể đồng nghĩa với các án tù dài hạn.
Sự kiện này xảy ra sau nhiều tuần có các cuộc biểu tình chưa từng có, kêu gọi cải cách hoàng gia và sự từ chức của thủ tướng.
Cảnh sát cho biết họ đang điều tra việc tấm bảng mất tích, theo các hãng thông tấn.
Phó cảnh sát trưởng Bangkok Piya Tawichai cũng cảnh báo rằng họ có thể buộc tội những người biểu tình đã đặt tấm bảng xuống, theo Reuters.
Hôm thứ Bảy, Bangkok đã có một cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm gần Cung điện Hoàng gia, với hàng nghìn người thách thức chính quyền, yêu cầu cải tổ chính trị.
Tấm bảng được đặt trên cánh đồng Sanam Luang lịch sử giữa âm thanh của tiếng hò reo sáng Chủ nhật, tuyên bố bằng tiếng Thái : "Người dân bày tỏ ý định rằng đất nước này thuộc về người dân, chứ không phải của vua".
Các nhà đấu tranh nói tấm bảng này thay thế cho một tấm bảng khác đánh dấu sự kết thúc của chế độ quân chủ tuyệt đối vào thập niên 1930, đã biến mất năm 2017.
Các cuộc biểu tình chống lại chính phủ Thái Lan do sinh viên lãnh đạo lần đầu tiên, bắt đầu vào tháng 7.
Những người này kêu gọi Tướng Prayuth Chan-ocha, người đã nắm quyền vào năm 2014 và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm ngoái, từ chức.
Nhưng các cuộc biểu tình đã diễn biến một cách đáng kinh ngạc một tháng sau, khi họ bắt đầu bao gồm các lời kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.
Hoàng gia Thái Lan từ lâu đã được bảo vệ khỏi những lời chỉ trích của dân, theo bộ luật Khi quân hà khắc, có thể khiến những người bị buộc tội bị phạt tới 15 năm tù.
Vào tháng 8, những người biểu tình đã phá vỡ điều cấm kỵ và tại một cuộc biểu tình, một lời kêu gọi 10 điểm cải cách chế độ quân chủ đã được đọc lên.
Trong cuộc phỏng vấn của Nhà báo Trần Quang Thành, Linh mục Phan Văn Lợi cho biết phương cách đấu tranh hữu hiệu và cần thiết hiện nay là phải xuống đường biểu tình.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để biểu tình có hiệu quả và không bị đàn áp ? Muốn được như vậy, theo Linh mục Phan Văn Lợi, các cuộc biểu tình phải hội tụ đủ 5 điều kiện sau đây :
1. Tinh thần hiếu hòa, không bạo động dù có bị tấn công bởi lực lượng nhà cầm quyền.
2. Kỷ luật, luôn bình tĩnh giữ trật tự.
3. Có tổ chức, mọi tham dự viên trong nhóm biểu tình phải biết nhau và sát cánh bên nhau và có những dấu hiệu phân biệt nhau.
4. Phải đông đảo. Càng đông thì càng đỡ bị đàn áp.
5. Các cuộc biểu tình cần có người lãnh đạo hướng dẫn.
Muốn có năm điều kiện này thì phải tìm ở đâu ? Linh mục Phan Văn Lợi tóm lược trong cuộc phỏng vấn này.
Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :
YouTube phỏng vấn Linh mục Phan Văn Lợi
Trần Quang Thành thực hiên
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 21/07/2018
Đã 87 năm đảng cộng sản chiếm đóng Tổ quốc Việt Nam, khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cơ cực và nghèo khổ. Khoảng cách giàu và nghèo ngày càng tăng : giàu chỉ là thiểu số, họ là những người đã và đang nhận lợi ích từ việc cúi đầu thần phục đảng ; trong khi đó, nghèo khổ và uất hận lại chiếm phần lớn dân số Việt Nam. Nguyên nhân và tác nhân của sự chênh lệch giàu nghèo quá lộ liễu và quá áp đảo này là đảng cộng sản Việt Nam.
Làm sao thay đổi ? Cải tiến được không ? Thực tế đã chứng minh, chế độ cộng sản không thể nào cải tiến được, mà cần phải loại bỏ nó.
Chính vì thế, “Khi nào người dân Việt Nam sẽ đồng loạt xuống đường yêu sách đảng cầm quyền dân chủ và bầu cử tự do ?” là câu hỏi mà mỗi một người dân yêu chuộng dân chủ và tự do đều thắc mắc.
Khi chứng kiến những đàn áp mà người dân trong nước phải gánh chịu, cũng như thái độ thần phục vô điều kiện của đảng cộng sản trước Trung cộng, nhiều người Việt hải ngoại và một số người dân trong nước, rất mong muốn một ngày nào đó, toàn dân Việt Nam sẽ xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, vì đợi chờ mà không thấy người dân hành động, nhiều người đã than phiền và trách móc họ. Có một số người còn sôi sục đến độ chỉ trích người dân trong nước là : “hèn thì ráng mà sống với cộng sản”.
Với người viết, những trách móc và lên án người dân, không phải là một thái độ đúng đắn. Vì sao ? Có hai nguyên nhân chính :
Biểu tình là một động tác thể chất, do đó cần được kích động trực tiếp. Quan trọng hơn, cần phải nhớ rằng những đám đông xuống đường biểu tình không thể tự suy nghĩ và hành động được, mà đám đông đó chỉ có thể làm theo sự hướng dẫn của những người lãnh đạo.
Đặc tính dễ thấy của đám đông là tính nhất thời và dễ bỏ cuộc. Nên nhớ, không thể động viên hàng chục, trăm ngàn người trong một khoảng thời gian dài nếu không có tổ chức với chiến lược tổng thể. Chỉ sau vài ngày nếu biểu tình không có kết quả, thì sự phấn khởi của việc xuống đường đó sẽ nhường chỗ cho sự chán nản hoặc tệ hơn nữa là bạo loạn. Mà trong thực tế, biểu tình yêu sách chế độ độc tài giải thể ở bất cứ nơi nào trên thế giới, kéo dài ít nhất hàng tuần, hàng tháng, chứ không phải một, hai ngày là có được dân chủ.
Hãy nhìn Venezuela : đảng đối lập đã lãnh đạo hàng ngàn đến chục ngàn người dân Venezuela xuống đường biểu tình yêu cầu tổng thống Maduro từ chức trong nhiều cuộc biểu tình kéo dài suốt hơn 3 tháng. Bao nhiêu chục người phải thiệt mạng vì bạo lực mà dân chủ thực sự vẫn chưa có tại Venezuela. Huống chi tại Việt Nam, người dân không có kinh nghiệm dân chủ, lại chưa có một tổ chức đối lập đủ mạnh, thì làm sao có thể trách người dân không xuống đường.
Nếu không có tổ chức đưa ra những chiến lược và phương pháp tổng thể, thì người dân sẽ không biết những bước tiếp theo là gì để dẫn tới thắng lợi.
Hãy thử nhìn vào những cuộc biểu tình “chống cộng” ở hải ngoại hoặc bất cứ một cuộc diễn hành nào trên thế giới, để có một cái nhìn khách quan và công bằng hơn. Có phải là bất kì một cuộc biểu tình ở hải ngoại đều phải có sự kêu gọi và dẫn dắt của một tổ chức cộng đồng người Việt ở đó hay không ? Hãy thử nghĩ xem, nếu không có tổ chức kêu gọi biểu tình, người tham gia có biết “đường nào mà lần” hay không ? Người viết đã tham gia biểu tình ở Hoa Kì, và có vài lần nghe rằng “tổ chức chán quá, lần sau ai mà đi.” Hoặc lần biểu tình gần đây nhất “chào đón” ông thủ tướng Phúc qua DC thăm tổng thống Trump. Vì lý do an ninh, nên cảnh sát đã không cho đoàn người biểu tình đến gần White House. Vì thế, cả đoàn người biểu tình buộc phải di chuyển và đi qua khu vực khác để đứng. Do đó, đã dẫn đến lộn xộn, nên người viết nghe một số Bác lớn tuổi nói : “Ban tổ chức gì mà không biết tổ chức, chán quá…”
Lời kết :
Người viết kể ra những chuyện biểu tình ở Mỹ không phải với mục đích chê bai, nhưng để mọi người cùng nhìn thấy và hiểu được tầm quan trọng của TỔ CHỨC.
Chưa hình thành được một tổ chức đối trọng đủ mạnh và có tầm vóc, thì đừng nên trách móc những người dân trong nước “tại sao không chịu đồng loạt xuống đường ?”
Chưa hiểu được tầm quan trọng của đấu tranh có tổ chức, mà vội vàng mắng và dạy dỗ những người trong nước “tại sao không đồng loạt xuống đường ?” thì thực sự là rất vội vàng và sai trái.
Nguyễn Gia Kiểng, Thường Trực Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức như sau : “Có một ngộ nhận cho rằng đấu tranh chính trị chỉ là hành động và hành động chủ yếu là vận động quần chúng và có thể vận động quần chúng đứng dậy mà không cần một tổ chức mạnh. Ngộ nhận này rất lan tràn, và biết bao nhiêu cố gắng đã đổ ra để chỉ gặt hái được những kết quả rất khiêm tốn như chúng ta đã thấy qua các cuộc biểu tình trong suốt những năm vừa qua. Như thế vận động quần chúng khi chưa có một tổ chức mạnh là điều không thể làm được và nếu có đạt được một vài kết quả khiêm tốn lúc ban đầu thì cũng chỉ gây thất vọng sau đó.”
Sự thành công của đấu tranh bất bạo động đã chứng minh, chỉ cần tổ chức đối lập mạnh có chiến lược và phương pháp tổng thể, lãnh đạo 3% đến 5% dân số xuống đường ôn hòa, kiên nhẫn theo kế hoạch đã hoạch định, là có thể giật sập bất kì chế độ độc tài hung ác nào. Tuy nhiên, để vận động được 3% dân số Việt Nam, thì trước hết cần phải có một tổ chức mạnh với lực lượng nòng cốt đủ lớn. Chưa có tổ chức có tầm vóc thì chưa thể tổ chức được những cuộc biểu tình lớn.
Lenin, một trong những ông tổ sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản, một chiến lược gia về đấu tranh cách mạng và vận động quần chúng, có nói : "Trong cách mạng có ba vấn đề : tổ chức, tổ chức và tổ chức". Nếu những ai thành thực mong muốn Việt Nam có được dân chủ, thì hãy thử tìm hiểu tư tưởng và những đề nghị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trên tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Nếu đồng thuận, thì hãy mạnh dạn tham gia với Tập Hợp. Nếu không thể tham gia, thì hãy ủng hộ anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bằng một tấm lòng.
Chúng ta, những người khát khao dân chủ - tự do cho Việt Nam, yếu là vì thiếu tổ chức. Đảng cộng sản Việt Nam dở tồi tệ, nhưng nó vẫn là một tổ chức với những người cộng sản nắm vững được tầm quan trọng của tổ chức. Rõ ràng, chỉ có đoàn kết trong mô hình tổ chức mới tạo ra được sức mạnh.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn quan niệm rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Chưa có một tổ chức làm đối trọng với đảng cầm quyền, thì không thể lãnh đạo và vận động quần chúng "xuống đường" thành công được.
Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi “Khi nào người dân Việt Nam sẽ đồng loạt xuống đường yêu sách đảng cầm quyền dân chủ và tự do bầu cử ?” phụ thuộc vào sự hình thành và lãnh đạo của một hay nhiều tổ chức chính trị đối trọng với đảng cộng sản Việt Nam.
Mai V. Phạm
Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
(26/07/2017)