Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

26/07/2017

Khi nào người trong nước sẽ đồng loạt “xuống đường” ?

Mai V. Phạm

Đã 87 năm đảng cộng sản chiếm đóng Tổ quốc Việt Nam, khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cơ cực và nghèo khổ. Khoảng cách giàu và nghèo ngày càng tăng : giàu chỉ là thiểu số, họ là những người đã và đang nhận lợi ích từ việc cúi đầu thần phục đảng ; trong khi đó, nghèo khổ và uất hận lại chiếm phần lớn dân số Việt Nam. Nguyên nhân và tác nhân của sự chênh lệch giàu nghèo quá lộ liễu và quá áp đảo này là đảng cộng sản Việt Nam.

Làm sao thay đổi ? Cải tiến được không ? Thực tế đã chứng minh, chế độ cộng sản không thể nào cải tiến được,cần phải loại bỏ nó.

Chính vì thế, “Khi nào người dân Việt Nam sẽ đồng loạt xuống đường yêu sách đảng cầm quyền dân chủ và bầu cử tự do ?” là câu hỏi mà mỗi một người dân yêu chuộng dân chủ tự do đều thắc mắc.

Khi chứng kiến những đàn áp mà người dân trong nước phải gánh chịu, cũng như thái độ thần phục vô điều kiện của đảng cộng sản trước Trung cộng, nhiều người Việt hải ngoại và một số người dân trong nước, rất mong muốn một ngày nào đó, toàn dân Việt Nam sẽ xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, vì đợi chờ mà không thấy người dân hành động, nhiều người đã than phiền trách móc họ. Có một số người còn sôi sục đến độ chỉ trích người dân trong nước là : hèn thì ráng mà sống với cộng sản”.

Vi người viết, những trách móc và lên án người dân, không phải là một thái độ đúng đắn. Vì sao ? hai nguyên nhân chính :

  • Thứ I : Phần lớn người dân trong nước vẫn chưa vượt qua nỗi sợ hãi và thói quen tuân phục chế độ cộng sản đã có từ khá lâu : 87 năm với người miền Bắc, 42 năm với người miền Nam. Hơn nữa, không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện để tự khai sáng, trong khi chế độ vẫn tiếp tục duy trì chính sách “ngu dân”. Quan trọng hơn, đại đa số người dân Việt Nam không có kinh nghiệm về dân chủ. Do đó, nếu đùng một cái bảo họ cứ xuống đường biểu tình giải thể chế độ độc tài, thì thực sự rất là viễn vông. Hiện tại, ít nhất 75% người dân trong nước hiểu được sự thối nát tận cùng của chế độ, nhưng họ chưa xuống đường là vì họ tin sẽ không có cơ hội thành công. Một dẫn chứng dễ hiểu hơn : bao nhiêu phần % người hải ngoại đi biểu tìnhchống cộng khi được kêu gọi ngay ở những nước dân chủ như Mỹ, Canada, Úc… ? Trong thực tế, số người đi biểu tình còn khá khiêm tốn so với hơn 5 triệu đồng bào hải ngoại. Vì sao ? Bởi do khá nhiều người suy nghĩ rằng “biểu tình có làm gì được cộng sản đâu ? nên họ không tham gia. Và rõ ràng, suy nghĩ “có làm được gì cộng sản đâu” đồng nghĩa với niềm tin những cuộc biểu tình đó chỉ dẫn tới thất bại. Nói ngắn gọn, người dân rất thực tiễn và không lãng mạn, nên họ chỉ xuống đường khi biết chắc chắn rằng những cuộc biểu tình sẽ mang đến thắng lợi và thành công.
  • Thứ II : Đây cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, đó là người dân chỉ xuống đường khi có một tổ chức đủ uy tín, tầm vóc, hoặc ít nhất là một cá nhân có uy tín, đứng ra kêu gọi, lãnh đạo và hướng dẫn họ bằng những phương pháp, chiến lược hoạch định toàn diện và cụ thể.

Biểu tình là một động tác thể chất, do đó cần được kích động trực tiếp. Quan trọng hơn, cần phải nhớ rằng những đám đông xuống đường biểu tình không thể tự suy nghĩ và hành động được, mà đám đông đó chỉ có thể làm theo sự hướng dẫn của những người lãnh đạo.

Đặc tính dễ thấy của đám đông là tính nhất thời và dễ bỏ cuộc. Nên nhớ, không thể động viên hàng chục, trăm ngàn người trong một khoảng thời gian dài nếu không có tổ chức với chiến lược tổng thể. Chỉ sau vài ngày nếu biểu tình không có kết quả, thì sự phấn khởi của việc xuống đường đó sẽ nhường chỗ cho sự chán nản hoặc tệ hơn nữa là bạo loạn. Mà trong thực tế, biểu tình yêu sách chế độ độc tài giải thể ở bất cứ nơi nào trên thế giới, kéo dài ít nhất hàng tuần, hàng tháng, chứ không phải một, hai ngày là có được dân chủ.

Hãy nhìn Venezuela : đảng đối lập đã lãnh đạo hàng ngàn đến chục ngàn người dân Venezuela xuống đường biểu tình yêu cầu tổng thống Maduro từ chức trong nhiều cuộc biểu tình kéo dài suốt hơn 3 tháng. Bao nhiêu chục người phải thiệt mạng vì bạo lực mà dân chủ thực sự vẫn chưa có tại Venezuela. Huống chi tại Việt Nam, người dân không có kinh nghiệm dân chủ, lại chưa có một tổ chức đối lập đủ mạnh, thì làm sao có thể trách người dân không xuống đường.

Nếu không có tổ chức đưa ra những chiến lược và phương pháp tổng thể, thì người dân sẽ không biết những bước tiếp theo là gì để dẫn tới thắng lợi.

Hãy thử nhìn vào những cuộc biểu tình chống cộng ở hải ngoại hoặc bất cứ một cuộc diễn hành nào trên thế giới, để có một cái nhìn khách quan và công bằng hơn. Có phải là bất kì một cuộc biểu tình ở hải ngoại đều phải có sự kêu gọi và dẫn dắt của một tổ chức cộng đồng người Việt ở đó hay không ? Hãy thử nghĩ xem, nếu không có tổ chức kêu gọi biểu tình, người tham gia có biết đường nào mà lần” hay không ? Người viết đã tham gia biểu tình ở Hoa Kì, và có vài lần nghe rằng “tổ chức chán quá, lần sau ai mà đi. Hoặc lần biểu tình gần đây nhất “chào đón” ông thủ tướng Phúc qua DC thăm tổng thống Trump. Vì lý do an ninh, nên cảnh sát đã không cho đoàn người biểu tình đến gần White House. Vì thế, cả đoàn người biểu tình buộc phải di chuyển và đi qua khu vực khác để đứng. Do đó, đã dẫn đến lộn xộn, nên người viết nghe một số Bác lớn tuổi nói :Ban tổ chức gì mà không biết tổ chức, chán quá…

Lời kết :

Người viết kể ra những chuyện biểu tình ở Mỹ không phải với mục đích chê bai, nhưng để mọi người cùng nhìn thấy và hiểu được tầm quan trọng của TỔ CHỨC.

Chưa hình thành được một tổ chức đối trọng đủ mạnh và có tầm vóc, thì đừng nên trách móc những người dân trong nước tại sao không chịu đồng loạt xuống đường ?

Chưa hiểu được tầm quan trọng của đấu tranh có tổ chức, mà vội vàng mắng và dạy dỗ những người trong nước tại sao không đồng loạt xuống đường ? thì thực sự là rất vội vàng và sai trái.

Nguyễn Gia Kiểng, Thường Trực Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức như sau : một ngộ nhận cho rằng đấu tranh chính trị chỉ là hành động và hành động chủ yếu là vận động quần chúng và có thể vận động quần chúng đứng dậy mà không cần một tổ chức mạnh. Ngộ nhận này rất lan tràn, và biết bao nhiêu cố gắng đã đổ ra để chỉ gặt hái được những kết quả rất khiêm tốn như chúng ta đã thấy qua các cuộc biểu tình trong suốt những năm vừa qua. Như thế vận động quần chúng khi chưa có một tổ chức mạnh là điều không thể làm được và nếu có đạt được một vài kết quả khiêm tốn lúc ban đầu thì cũng chỉ gây thất vọng sau đó.


Sự thành công của đấu tranh bất bạo động đã chứng minh, chỉ cần tổ chức đối lập mạnh có chiến lược và phương pháp tổng thể, lãnh đạo 3% đến 5% dân số xuống đường ôn hòa, kiên nhẫn theo kế hoạch đã hoạch định, là có thể giật sập bất kì chế độ độc tài hung ác nào. Tuy nhiên, để vận động được 3% dân số Việt Nam, thì trước hết cần phải có một tổ chức mạnh với lực lượng nòng cốt đủ lớn. Chưa có tổ chức có tầm vóc thì chưa thể tổ chức được những cuộc biểu tình lớn.

Lenin, một trong những ông tổ sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản, một chiến lược gia về đấu tranh cách mạng và vận động quần chúng, có nói : "Trong cách mạng có ba vấn đề : tổ chức, tổ chức và tổ chức". Nếu những ai thành thực mong muốn Việt Nam có được dân chủ, thì hãy thử tìm hiểu tư tưởng và những đề nghị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trên tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Nếu đồng thuận, thì hãy mạnh dạn tham gia với Tập Hợp. Nếu không thể tham gia, thì hãy ủng hộ anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bằng một tấm lòng.

Chúng ta, những người khát khao dân chủ - tự do cho Việt Nam, yếu là vì thiếu tổ chức. Đảng cộng sản Việt Nam dở tồi tệ, nhưng nó vẫn là một tổ chức với những người cộng sản nắm vững được tầm quan trọng của tổ chức. Rõ ràng, chỉ có đoàn kết trong mô hình tổ chức mới tạo ra được sức mạnh.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn quan niệm rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Chưa có một tổ chức làm đối trọng với đảng cầm quyền, thì không thể lãnh đạo và vận động quần chúng "xuống đường" thành công được.

Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi “Khi nào người dân Việt Nam sẽ đồng loạt xuống đường yêu sách đảng cầm quyền dân chủ và tự do bầu cử ?” phụ thuộc vào sự hình thành và lãnh đạo của một hay nhiều tổ chức chính trị đối trọng với đảng cộng sản Việt Nam.

Mai V. Phạm

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

(26/07/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 9364 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)