Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

31/07/2017

Cai trị và quản trị nhà nước !

Việt Hoàng

Các chế độ phong kiến, trên khắp thế giới, từng tồn tại hàng ngàn năm, rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Sỡ dĩ phải kết thúc vì chúng đã không theo kịp đà tiến hóa và phát triển của con người. Dù rất cố gắng để thay đổi nhưng đặc điểm dễ nhận thấy nhất của các chế độ phong kiến đó là ‘tính cai trị’. Vua và triều đình mặc nhiên xem đất nước là của riêng mình và toàn quyền quyết định mọi việc.

Résultat de recherche d'images pour "L'art de gouverner"

Chế độ cộng sản Việt Nam ngày nay thực chất chỉ là một biến thái của chế độ phong kiến từ văn hóa Trung Hoa

Cai trị là gì ? Hiểu một cách giản dị đó là khi chế độ cầm quyền sử dụng mọi phương tiện, tài nguyên của đất nước để cai quản xã hội một cách áp đặt, chuyên quyền, độc đoán, không bình đẳng nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp hoặc thế lực cầm quyền thay vì phục vụ cho toàn thể dân chúng.

Chế độ cộng sản Việt Nam ngày nay thực chất chỉ là một biến thái của chế độ phong kiến trước đây. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước cai trị. Càng ngày sự lúng túng và bất lực của đảng cộng sản càng hiện rõ trong việc quản lý và lãnh đạo đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, văn hóa cho đến chính trị. Trước năm 1975 ở miền Bắc và năm 1988 trên cả nước, khi đất nước vẫn còn khép kín với bên ngoài thì xã hội Việt Nam vẫn tạm ‘ổn định’ theo kiểu tất cả đều nghèo khổ như nhau. Chỉ có một số ít quan chức cấp cao là có cuộc sống khá giả hơn nhưng cũng không quá cách biệt với người dân như bây giờ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế trong giai đoạn 1979-1988 đạt đỉnh điểm khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 874,7% trong năm 1986 khiến đại hội VI của đảng cộng sản Việt Nam lấy quyết định ‘đổi mới’ về kinh tế. Dù cuộc đổi mới này chỉ có giới hạn nhưng cũng làm thay đổi sâu sắc xã hội Việt Nam. 30 năm sau, cuộc đổi mới đó đã đạt đến hết giới hạn của nó và cần một cuộc đổi mới khác. Lần này cuộc đổi mới không còn giới hạn trong lĩnh vực kinh tế nữa mà cần phải đổi mới về chính trị bởi vì kinh tế và chính trị liên quan mật thiết với nhau như là đôi chân trên một cơ thể.

Càng ngày chính quyền Việt Nam càng ý thức được rằng cần phải thay đổi nhưng tư duy giáo điều và quán tính cai trị vẫn còn ngự trị và dẫn dắt cách hành xử của chính quyền. Thực sự là ban lãnh đạo cộng sản muốn thay đổi nhưng lại không muốn mất quyền lãnh đạo độc tôn. Cạnh tranh chính trị và thay đổi tư duy từ ‘nhà nước cai trị’ sang ‘nhà nước quản trị’ là những điều quá mới mẻ đối với họ. Đảng cộng sản lo sợ sẽ trở thành nạn nhân của sự thay đổi. Tuy nhiên nếu biết cách dân chủ hóa đất nước một cách thông minh và có viễn kiến thì sẽ không có bất cứ một sự đỗ vỡ nào. Sẽ không có ai là ‘nạn nhân’ của sự đổi mới. Muốn thế thì đảng cộng sản phải chủ động làm ‘tác nhân’ để thay đổi đất nước về hướng dân chủ.

Mọi nhà nước cai trị đều đã lỗi thời dù nó có tinh vi đến đâu đi nữa. Xã hội càng phát triển chừng nào thì sự quản lý xã hội càng khó khăn và phức tạp chừng đó chừng đó. Muốn hay không thì mọi nhà nước trên thế giới đều phải ‘chuyển hóa’ từ cai trị sang quản trị.

Quản trị nhà nước là gì ? Đó là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát các hoạt động của bộ máy nhà nước và sử dụng tất cả các nguồn lực của đất nước nhằm đạt được mục tiêu là mang lại sự phát triển kinh tế bền vững, sự thăng tiến và nhân phẩm cho toàn thể người dân.

Quản trị nhà nước, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), là “cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công”. Theo Daniel Kaufmann và Aart Kraay - hai nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, quản trị nhà nước là “tập hợp các quy trình để chọn, giám sát và thay thế chính quyền, năng lực của chính quyền trong việc vạch ra và thực hiện những chính sách ; và khung quản lý các tương tác giữa người dân và nhà nước”. (1)

Trong Dự án Chính trị Khai sáng Kỷ nguyên Thứ 2, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm và định nghĩa về ‘nhà nước-quốc gia’ như sau :

Các nhà nước - quốc gia mạnh và có ích lợi lớn vì chúng đã được quan niệm một cách đúng đắn. Quốc gia là của mọi người và ở trên tất cả. Nhà nước, hay chính quyền, chỉ có sứ mệnh phục vụ quốc gia, do đó phải ở trong và ở dưới quốc gia. Nhà nước không phải là cứu cánh mà chỉ là công cụ và vì thế chỉ cần được tạo dựng và duy trì ở mức độ thực sự cần thiết. Quốc gia mới là cứu cánh, mà quốc gia trước hết là tập thể những người công dân tự do và bình đẳng.

Nhà nước không có quyền lợi của riêng mình mà chỉ biết quyền lợi của quốc gia, trong khi quyền lợi của quốc gia do toàn dân quy định sau một đúc kết đúng đắn những ý kiến cá nhân được bày tỏ một cách tự do. Về cơ bản nhà nước - quốc gia là dụng cụ để thực hiện đồng thuận xây dựng tương lai chung của những con người tự do. Chính vì thế mà nhà nước ấy một mặt động viên được sự đóng góp của mọi người và, mặt khác, bảo đảm để mọi người phát huy tối đa khả năng của mình và đóng góp tối đa vào phúc lợi chung’.

Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của một ‘nhà nước dân chủ’ mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị như sau :

Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nhà nước không còn là người chỉ huy tuyệt đối. Vai trò của nhà nước là đảm nhiệm ba chức năng : trọng tài trong các quan hệ giữa các thành tố của xã hội, chế tài những vi phạm, và hòa giải những đòi hỏi mâu thuẫn của các thành phần dân tộc. Nhà nước hòa giải thay vì nhà nước chỉ huy là nét đậm của dân chủ đa nguyên. Nó phân biệt hẳn dân chủ đa nguyên với các chế độ chuyên chính, nhưng nó cũng khiến dân chủ đa nguyên khác với nhiều chế độ dân chủ trong đó chính quyền vẫn còn tham vọng định đoạt thay cho xã hội dân sự.

Chúng ta cần thay đổi xã hội và con người để có phát triển.

Chúng ta cần một xã hội dân chủ, quý trọng con người, đặt lòng tin ở con người, để cho con người tự do quyết định xây dựng đời mình. Chúng ta cần một nhà nước pháp trị, có luật pháp đầy đủ và không có quá nhiều thủ tục, chúng ta cần một cơ chế thị trường thay vì một kế hoạch áp đặt.

Chúng ta cần những con người tự do, trách nhiệm, lương thiện, gắn bó vào cộng đồng, cầu tiến và thi đua chứ không ghen tức và phá hoại. Chúng ta cần những con người ham thích kinh doanh, khao khát làm giàu một cách lương thiện.

Chúng ta cần một bộ máy kinh tế hoạt động không cưỡng chế. Nhà kinh doanh phải được phép tự do hành động theo các quy luật khách quan của kinh doanh và thị trường. Liên đới xã hội là một ưu tư thường trực của một chính quyền đứng đắn, nhưng liên đới xã hội phải được thực hiện ở khâu phân phối lợi tức quốc gia, qua thuế khóa, chứ không thể can thiệp trực tiếp vào sự điều hành hoạt động kinh doanh.

Chúng ta cũng cần một bối cảnh pháp lý, nghĩa là hiến pháp và pháp luật, ổn định để người dân có thể yên tâm xây dựng cuộc sống và lập ra những dự định cho tương lai mà không lo sợ một thay đổi luật chơi đột ngột làm hỏng dự án kinh doanh của mình.

Trong một chủ thuyết phát triển như thế, vai trò của nhà nước chủ yếu là gìn giữ hòa bình và trật tự an ninh, bảo đảm quốc phòng và công lý, tạo những quan hệ bang giao tốt với cộng đồng thế giới, hòa giải và trọng tài những tranh tụng của xã hội dân sự. Vai trò của nhà nước trong kinh tế sẽ được giới hạn trong ba phạm vi : thuế, chi tiêu công cộng và điều chỉnh khối lượng tiền tệ...

Một lần nữa, nhu cầu phát triển buộc ta phải có một nhà nước hòa giải và trọng tài để cho xã hội dân sự lo việc phát triển thay vì một nhà nước chỉ huy và định đoạt thay cho xã hội dân sự. Vai trò hòa giải và trọng tài trong sinh hoạt kinh tế buộc nhà nước phải từ bỏ mọi chức năng kinh doanh. Các công ty quốc doanh không nên có, hay nếu có thì cần được coi là những bó buộc chẳng đặng đừng trong một thời gian nhất định. Trong chủ thuyết phát triển của chúng ta, nhà nước không chen lấn với xã hội dân sự, mà tập trung mọi cố gắng để làm tròn và làm tốt chức năng thực sự của một nhà nước’.

Một ‘nhà nước nhẹ’, không can thiệp quá sâu vào đời sống người dân và không định đoạt thay cho xã hội dân sự là mô hình nhà nước quản trị thay vì cai trị mà Tập Hợp đề nghị. Quản trị nhà nước không bao giờ là chuyện dễ dàng. Đừng quên rằng ‘cách thức tổ chức xã hội’ là nguyên nhân chính để một quốc gia trở nên phồn vinh hay thất bại.

Một nhà nước dân chủ được đánh giá trên những điểm chính sau : Sự tham gia của người dân vào chính trị, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng, các thủ tục hành chính và các dịch vụ công. Một bài viết mới đây của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng trên Tia Sáng đã đúc kết ra 7 chuẩn mực của quản trị nhà nước hiện đại :

- Pháp quyền (hay pháp trị hay Rule of Law)

- Trách nhiệm giải trình

- Minh bạch

- Sự tham gia của người dân

- Phản ứng tương thích và kịp thời

- Công bằng và không loại trừ

- Hiệu lực và hiệu quả (2)

Với những tiêu chí trên thì mô hình quản lý xã hội như hiện nay tại Việt Nam rõ ràng là không thích hợp. Mọi cố gắng để vá víu thay vì thay đổi tận gốc rễ đều sẽ sớm thất bại. “Tổ tư vấn kinh tế gồm 15 thành viên của thủ tướng” vừa được thành lập cũng sẽ nhanh chóng đi theo chân “Viện nghiên cứu Phát triển IDS” do ông Nguyễn Quang A đứng đầu (đã bị ông Nguyễn Tấn Dũng giải tán năm 2009). Thứ quan trọng nhất cần thay đổi là chính trị chứ không phải kinh tế. Mô hình tổ chức xã hội theo kiểu dân chủ Phương Tây (thực chất là trí tuệ của cả nhân loại) tuy không hoàn hảo nhưng vẫn đang là ưu việt nhất. Việt Nam không thể làm khác hay có thể tạo ra một con đường riêng cho mình. Thực tế đã chứng minh hùng hồn rằng lý tưởng và chủ thuyết cộng sản mà chính quyền Việt Nam theo đuổi suốt hơn 70 năm qua đã thất bại hoàn toàn. Không còn lý do gì để chần chừ và níu kéo.

Đảng cộng sản Việt Nam, có lẽ cũng rất muốn chuyển hóa từ một chế độ cai trị và khủng bố sang một chế độ cầm quyền và quản trị vì đó là dòng chảy tự nhiên của lịch sử tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể chuyển hóa được không ? Câu trả lời chắc chắn là không. Lý do :

Đó là vì chuyển hóa từ một đảng khủng bố và tội ác sang một đảng cầm quyền và quản trị là một cuộc chuyển hóa cực kỳ khó khăn mà chưa một đảng cộng sản nào làm được. Cuộc chuyển hóa này đòi hỏi một thay đổi văn hóa. Phải thay văn hóa chiến tranh bằng văn hóa hòa bình, văn hóa căm thù bằng văn hóa anh em, văn hóa cướp bóc bằng văn hóa lương thiện, văn hóa khủng bố bằng văn hóa đối thoại và thoả hiệp, văn hóa phá hoại bằng văn hóa xây dựng. Và dĩ nhiên cũng cần thay những kiến thức cũ bằng những kiến thức mới. Đây là một cuộc cách mạng văn hóa to lớn và toàn diện, đòi hỏi những cấp lãnh đạo có văn hóa cao và tầm nhìn xa, những người mà đảng cộng sản hoàn toàn không có. Bộ máy khắc nghiệt của đảng đã loại bỏ khỏi vị trí lãnh đạo hầu hết những người lương thiện, có trí tuệ và nhân cách” (3).

Những suy tư, trăn trở và nhận định mà ông Nguyễn Gia Kiểng đặt ra cách đây 16 năm về trước vẫn còn nguyên tính thời sự :

Giai đoạn chuyển tiếp này (do đảng cộng sản tiến hành) đã kéo dài quá lâu và đã gây thiệt hại quá nhiều. Nó phải chấm dứt nhưng sự cáo chung của nó chỉ có ý nghĩa và cũng chỉ đáng mong muốn nếu để mở ra một kỷ nguyên dân chủ. Và muốn thế chúng ta cần một cố gắng tư tưởng vĩ đại để đạt tới một văn hóa dân chủ. Không có một cuộc vận động chính trị nào thành công nếu không được chuẩn bị trước bởi một cuộc vận động văn hóa. Chúng ta đã làm cố gắng này chưa và đã làm tới đâu rồi ? Chúng ta đã có bao nhiêu người dân chủ chân chính ? Dân tộc Việt Nam chắc chắn là muốn dân chủ và cũng xứng đáng để có dân chủ không kém nhiều dân tộc khác, nhưng chính trị ở nước nào và thời nào cũng chỉ là quan tâm và hoạt động của thiểu số tích cực. Vào thời điểm này chưa thể nói chúng ta đã có một văn hóa dân chủ và một đội ngũ dân chủ mà đất nước đòi hỏi” (3).

Nhìn nhận và hợp tác với các tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn để mở ra một sinh lộ mới cho dân tộc Việt Nam là sự lựa chọn sáng suốt và duy nhất mà đảng cộng sản cần làm và nên làm. Đảng cộng sản Việt Nam biết và hiểu điều đó nhưng họ không thể làm được vì đối lập dân chủ Việt Nam vẫn chưa có được một đội ngũ nhân sự chính trị cần thiết, một tổ chức có tầm vóc và vẫn chưa đạt được đồng thuận với nhau về một lộ trình dân chủ.

Việt Hoàng

(31/07/2017)

(1) http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/20140415/quan-tri-nha-nuoc-phai-do-luong-duoc-de-cai-thien/602418.html

(2) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/07/chuan-muc-cua-quan-tri-quoc-gia-hien-ai.html

(3) https://thongluan2016.blogspot.fr/2016/12/mot-cuoc-chuyen-hoa-khong-uoc-tl-148.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)