Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 28 octobre 2022 09:19

Trung Quốc sau Đại hội 20

Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc sau một tuần làm việc từ ngày 16 đến 22/10/2022 với 2.296 đại biểu đến từ 38 đơn vị bầu cử của 4,9 triệu tổ chức đảng cấp cơ sở trên cả nước, đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên. Chủ đề chính của đại hội 20 là : "Giương cao ngọn cờ vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, quán triệt toàn diện tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, phát huy mạnh mẽ tinh thần xây dựng Đảng vĩ đại, tự tín tự cường, đổi mới liêm chính, hăng hái mạnh mẽ, dũng cảm tiến lên, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện, đoàn kết phấn đấu thúc đẩy phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại". Tuy nhiên ấn tượng lớn nhất của đại hội 20 Trung Quốc không phải là các bài diễn văn dài lê thê của Tập Cận Bình mà là việc ông Hồ Cẩm Đào bị hai người đàn ông xốc nách kéo ra khỏi hội trường trước khi ông Tập Cận Bình phát biểu kết thúc kỳ họp.

Chuyện Đảng cộng sản Trung Quốc phá bỏ điều lệ đảng để ông Tập Cận Bình tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ 3 không hề làm ai ngạc nhiên vì kết quả đó đã được dự đoán trước. Hành động ‘đuổi’ ông Hồ Cẩm Đào ra khỏi hội trường có nhiều thông điệp, quan trọng nhất có lẽ là Tập Cận Bình muốn khẳng định Đảng cộng sản Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới và các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc cũ không còn ảnh hưởng gì đến các quyết định của ban lãnh đạo hiện nay.

dh1

Hành động gây ấn tượng nhất trong kỳ Đại hội 20 của Trung Quốc là việc ông cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Hồ Cẩm Đào bị xốc nách kéo ra khỏi hội trường.

Việc Tập Cận Bình làm thêm một nhiệm kỳ nữa không phải là chuyện tốt cho Trung Quốc, nó chứng tỏ Đảng cộng sản Trung Quốc đang bế tắc và khủng hoảng. Tập Cận Bình không phải là một nhân vật xuất sắc và uyên bác mà ngược lại là một người thiếu nhân cách và viễn kiến. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông Tập Trọng Huân, bố của Tập Cận Bình, phó thủ tướng Trung Quốc bị đem ra đấu tố và hành hạ. Tập Cận Bình không chỉ im lặng mà còn tham gia đấu tố bố mình đến... 200 lần. Tập Cận Bình đã 7 lần viết đơn để được vào Đoàn Thanh niên cộng sản và sau đó viết đơn đến 10 lần để được vào Đảng cộng sản. Tập Cận Bình theo học ngành ‘công nghệ hóa học’ tại Đại học Thanh Hoa theo kiểu ‘chuyên tu’. 14 năm sau Tập Cận Bình quay lại trường này để học về lý thuyết của chủ nghĩa Marx và tốt nghiệp với bằng tiến sĩ luật. Tập Cận Bình bắt đầu sự nghiệp chính trị với chức vụ phó bí thư huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc và sau đó là lãnh đạo các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải. Tháng 10/2007, tại Đại hội 17 Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương kiêm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Tháng 11/2012 Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc kiêm chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương cho đến tận bây giờ.

Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc lúc thế giới đang trải qua thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 với sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, nổ bong bóng bất động sản, chứng khoán giảm sâu, tiền tệ mất giá trên qui mô lớn, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Tất cả các quốc gia đều phải chọn cách thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu công… Tập Cận Bình khi đó đã lấy một sáng kiến rất đặc biệt là ‘Vành đai và Con đường’ với hứa hẹn không những đưa Trung Quốc thoát khỏi tình cảnh suy giảm kinh tế mà còn tiếp tục giúp Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành một siêu cường mới trên thế giới. Hàng trăm tỉ đô la Mỹ đã được tung ra giúp các nước nghèo xây dựng hạ tầng cơ sở để kết nối các châu lục lại với nhau và với trung tâm là Trung Quốc. Kế hoạch ‘vĩ đại’ này đã giúp Tập Cận Bình chinh phục hoàn toàn giới lãnh đạo cũng như người dân Trung Quốc và giúp Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong lúc cả thế giới suy thoái.

Kế hoạch ‘Vành đai và Con đường’ đã nhanh chóng rơi vào thất bại và quên lãng đúng như nhận định và phân tích của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì nó đi ngược lại các qui luật kinh tế. Chúng tôi gọi đó là cách ‘chạy trốn về phía trước’ của Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc. Cách đây không lâu, chỉ cần vài tỉ USD là Trung Quốc có thể cứu được Sri-Lanka, một quốc đảo có tầm quan trọng đặc biệt trong dự án nói trên nhưng Trung Quốc đã không làm gì để mặc Sri-Lanka rơi vào khủng hoảng. Lào cũng bị Trung Quốc bỏ rơi nên phải quay sang cầu cứu Việt Nam. Điều này cho thấy Trung Quốc đã cạn tiền sau khi bỏ ra cho các nước thuộc sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ vay mượn nhưng không đòi được.

dh2

Ban lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Trung Quốc sau đại hội 20.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang vô cùng ảm đạm và bế tắc khi ngành xây dựng chiếm đến 30% GDP đang rơi vào khủng hoảng. Trung Quốc đã lạm dụng ngành xây dựng một cách quá đáng khi vượt xa ngưỡng an toàn là 10% GDP. Sai lầm của Tập Cận Bình là lúc thì lạm dụng ngành xây dựng một cách quá đáng lúc thì tìm cách ‘bóp chết’ nó khi ra lệnh cho các ngân hàng không giải ngân cho các công ty xây dựng. Ngành đóng tàu thủy và tàu điện cao tốc cũng đang rơi vào khủng hoảng như bất động sản. Đại hội 20 đã phải hoãn công bố tỷ lệ tăng trưởng của quí 3/2022 và nhiều chỉ số kinh tế khác. Chiến dịch ‘Zero Covid’ của Tập Cận Bình suốt 3 năm qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc. GDP quí 2/2022 chỉ là 0,4%. Trung Quốc hiện có có 600 triệu người dân có thu nhập dưới 140 USD/tháng, tức gần một nửa nước sống dưới mức cơ cực. Tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc hiện nay là 20%, một con số rất lớn. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông Geogre Friedman thì Trung Quốc có đến 1,1 tỉ người dân sống dưới 3 USD/ngày, chỉ vào khoảng 70 USD/tháng.

Vấn đề ô nhiễm môi trường của Trung Quốc không còn thuốc chữa. Miền Bắc gần như không còn nước. Mấy năm qua Trung Quốc đã chi khoảng 100 tỉ USD để dẫn nước từ miền Nam lên miền Bắc nhưng các con sông và hồ chứa nước cũng không còn nước. Trung Quốc đang có kế hoạch di chuyển khoảng 150 triệu người từ phía Bắc xuống phía Nam nhưng dự án không tưởng này rất khó để thực hiện.

Một tác động mạnh nữa lên nền kinh tế Trung Quốc là sự rút lui dứt khoát của các công ty Mỹ và phương Tây khỏi nơi vốn được mệnh danh là ‘công xưởng của thế giới’. Quá trình này đã diễn ra và sẽ còn kéo dài một thời gian nữa vì việc di chuyển các nhà máy lớn không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên tiến trình này là không thể đảo ngược, nhất là sau khi Putin xua quân xâm chiếm Ukraine. Cả thế giới bàng hoàng, phẫn nộ và sau đó cay đắng nhận ra rằng việc hợp tác với các quốc gia độc tài với hy vọng sự phát triển về kinh tế sẽ kéo theo sự cởi mở về chính trị chỉ là một ảo tưởng. Một trật tự thế giới mới đang hình thành với việc các nước dân chủ sẽ chấm dứt hoặc hạn chế ở mức thấp nhất trong việc hợp tác và làm ăn với các nước độc tài. Nhiều công ty đa quốc gia đã phải bán hết cơ sở nhà máy ở nước Nga với giá 1 USD như hãng xe hơi Nissan, Hyundai, Renault… Đây là bài học đau đớn khi đầu tư vào các nước độc tài. Phong trào toàn cầu hóa duy lợi và xô bồ sẽ chấm dứt và nhường chỗ cho sự hợp tác giữa các quốc gia dân chủ với nhau hoặc với các nước đồng minh đang hoàn thiện thể chế dân chủ. Chính quyền Mỹ đã cấm xuất khẩu các sản phẩm vi điện tử (chip bán dẫn) và công nghệ cao sang Trung Quốc. ‘Công xưởng của thế giới’ sẽ chỉ còn là một dĩ vãng vang bóng một thời.

Nền kinh tế phát triển nóng, bất chấp môi trường của Trung Quốc đang phải trả giá nặng nề. Không chỉ thế, sự phát triển hoang dã đó đã làm phân hóa sâu sắc xã hội Trung Quốc khi hố giàu nghèo ngày càng lớn. Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Số lượng tỉ phú của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để đứng đầu thế giới với 1.133 người (Mỹ có 716 tỉ phú). Sự phân hóa giàu nghèo trong bất cứ quốc gia nào cũng là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến bất ổn xã hội. Tập Cận Bình cũng hiểu rõ điều đó nên mới đề ra chương trình ‘thịnh vượng chung’ (cộng đồng phú dụ) đánh vào giới tư bản và các ngôi sao siêu giàu như Mã Vân (Jack Ma) hay Phạm Băng Băng… với hy vọng làm giảm sự bức xúc của dân chúng và chia bớt số tài sản khổng lồ của các nhà tài phiệt Trung Quốc đã phất lên như diều gặp gió nhờ chính sách mở cửa của Trung Quốc suốt 4 thập niên qua. Tuy nhiên kế hoạch này cũng sẽ chết yểu như dự án ‘Vành đai và Con đường’ và chỉ làm cho các nhà đầu tư lo lắng, bất an.

dh3

Việc ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ nữa cho thấy sự bế tắc của Trung Quốc.

Việc ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ nữa cho thấy sự bế tắc của Trung Quốc. Khi các chế độ độc tài bế tắc, mất đồng thuận và không còn giải pháp cho đất nước thì họ sẽ chuyển hóa từ chế độ độc tài đảng trị sang chế độ độc tài cá nhân trị. Đảng cầm quyền sẽ dành hết quyền lực cho một người để người đó áp đặt và lấy các quyết định khó khăn thay cho đảng. Mặt khác cũng không mấy ai muốn ngồi vào ‘ghế nóng’ đó vì không ai muốn đi đổ vỏ cho người khác.

Sẽ không có nhà độc tài nào là sáng suốt và xuất chúng vì nếu sáng suốt thì họ đã không… độc tài. Không có dân chủ nên các nhà độc tài sớm muộn cũng sẽ hủy hoại đất nước của họ, Putin của nước Nga là một ví dụ. Trung Quốc cũng biết là phải dân chủ hóa đất nước thì mới có thể thoát khỏi sự suy tàn nhưng họ không thể làm được điều đó. Như anh em Tập Hợp đã nhiều lần phân tích, Trung Quốc là một đế quốc, tồn tại dựa trên một đội quân hùng hậu và một hệ tư tưởng chính trị (ý thức hệ chung). Khi hệ tư tưởng cộng sản (trước đó là Khổng giáo) không còn thì đế quốc Trung Hoa không còn lý do để tồn tại với lãnh thổ và dân số như hiện giờ. Việt Nam là một quốc gia nên hoàn toàn có thể chuyển hóa về dân chủ nhưng Trung Quốc thì không.

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới nên mọi sự thay đổi của nó đều ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính trị toàn cầu. Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ Trung Quốc, từ quốc phòng an ninh đến kinh tế xã hội và chính trị. Việc ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc khi Đại hội 20 vừa kết thúc là một minh chứng. Tuy nhiên khác với các lần trước, cuộc thăm viếng lần này của ông Trọng chỉ mang tính trình diễn và hình thức chứ không có nội dung và chiều sâu. Trung Quốc còn không lo nổi cho họ thì làm sao giúp được Việt Nam.

Việc ‘đu dây’ của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ chứng minh cho thiên hạ thấy là họ quá bế tắc, không còn đồng thuận hay bất cứ dự án nào cho đất nước và cho cả chính họ. Trong trật tự thế giới mới thì nỗ lực ‘đu dây’ hay còn gọi một cách mỹ miều là ‘thế cân bằng chiến lược’ không còn đất để dụng võ. Với sự suy thoái và co cụm của Trung Quốc thì họ không còn khả năng đe dọa ai nữa và vì thế các nước dân chủ không còn lý do gì để chiều chuộng và o bế Việt Nam như trước. Mặt khác thái độ và chọn lựa đứng về phe độc tài thay vì chọn lẽ phải của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ làm mất đi một cơ hội ngàn năm có một cho dân tộc khi các nhà đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc nhưng không chuyển các nhà máy đến Việt Nam. Họ không muốn ‘tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’ một lần nữa.

Sự khủng hoảng của nền kinh tế Trung Quốc đã đến lúc không còn che giấu được nữa nhưng vì là một đế quốc nên sự suy thoái của Trung Quốc sẽ kéo dài trong một thời gian chứ không đến ngay một lúc như nhiều người nghĩ. Việt Nam đang sống cạnh một đám cháy lớn, nếu không có một chính quyền lương thiện và sáng suốt thì hậu quả sẽ rất khó lường. 

Việt Hoàng

(28/10/2022)

Published in Quan điểm

Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc và ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam

Khái niệm "nhất định" ở đây có ý nghĩa "kép". Một sự kiện lớn như thế "sát nách" Việt Nam, nhất định (surely) là có ảnh hưởng rồi. Nhưng ảnh hưởng ấy quy mô cỡ nào thì ngay bây giờ khó có câu trả lời chuẩn xác. Cũng đành "wait and see" và trong trường hợp tối ưu, bài viết chỉ có thể đề cập đến những khả năng "nhất định" (certain) nào đó, chứ chưa thể kết luận một cách rốt ráo được.

dcs1

Người dân Trung Quốc đứng xem Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Trung Quốc qua màn hình lớn ở đường phố Thượng Hải hôm 16/10/2022 - AFP

Đưa "gene đỏ" vào máu và tim

Đường hướng trị quốc của ba thế hệ tiền bối trước ông Tập Cận Bình (Đặng – Giang – Hồ) dường như đều xem nhẹ chủ thuyết Mác – Lê mà coi trọng vai trò thị trường trong kinh tế và theo đuổi một chính sách đối ngoại tối ưu hóa việc Trung Quốc tham gia vào trật tự kinh tế thế giới do các nước văn minh cầm đầu. Từ khi lên cầm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đột ngột chấm dứt kỷ nguyên quản trị thực dụng mà ông cho là phi lý luận ấy. Thay vào đó, ông Tập cho phát triển một hình thức mới của chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng mác-xít, định hình cách thức thể hiện bản chất của một nền chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại đặc thù Trung Quốc. Họ Tập đẩy nội trị, đặc biệt xây dựng kinh tế theo hướng khuynh tả của chủ nghĩa Marx – Lenin và đối ngoại theo cánh hữu của chủ nghĩa dân tộc. Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) tái khẳng định đường hướng này, nhấn mạnh tính kế tục chứ không đề cập đến bất cứ thay đổi lớn nào về đường lối (1).

Đại hội 20 vừa qua là cơ hội để Tập Cận Bình tái thực thi tham vọng phục hưng Trung Hoa. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây, các bài học của chiến tranh Ukraine, cũng như suy giảm kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch, chắc chắn sẽ khiến ban lãnh đạo mới phải tính lại chính sách để đối phó với rủi ro và thách thức trong một thế giới biến động khôn lường. Suốt hơn hai thiên niên kỷ, các hoàng đế của Trung Hoa là tâm điểm của nhà nước và sự tôn kính của công chúng và là nhân vật trung tâm trong hệ thống đối ngoại. Khi "đế chế Trung Hoa" trỗi dậy trở lại, thì một vị hoàng đế mới cũng xuất hiện. Đó chính là tầm vóc Tập Cận Bình đã giành được tại Đại hội Đảng vừa kết thúc ở Bắc Kinh. Các cuộc họp chính trị này tiết lộ với quốc gia và thế giới về những người chiến thắng trong cuộc giành giật ở hậu trường. Lần này, ông Tập, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc từ 2012 và là Chủ tịch nước từ năm 2013 đã đi chệch khỏi tiền lệ hiện đại, với yêu cầu tái nhiệm lần thứ ba. Điều này khiến ông nắm quyền cho đến năm 2027, và rất có thể ông Tập sẽ cầm quyền vô thời hạn. Vì vậy, Đại hội 20 giống như một "lễ đăng quang" hơn là Đại hội của Đảng cộng sản Trung Quốc (2).

Trong diễn văn dài 104 phút, Tập Cận Bình hoàn toàn tin tưởng vào địa vị lãnh đạo vững chắc của mình và địa vị của Trung Quốc với sản lượng kinh tế 17,7 ngàn tỷ mỹ kim và giao thương với 120 quốc gia khác, trên con đường làm bá chủ thế giới. Chỉ có một dấu hiệu bất ổn : Bản báo cáo kinh tế đáng lẽ được đưa ra trong kỳ đại hội này đã bị hoãn lại, không nêu lý do. World Bank tiên đoán kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ chỉ gia tăng được 2,9%, thấp hơn tỷ số 5,9% trong năm 2021. Sau 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình làm cho Trung Quốc giảm bớt cơ hội tiến xa hơn. Bất cứ một chế độ độc tài nào cũng rơi vào thứ cạm bẫy như vậy, tự đẩy mình vào chân tường, vì không chấp nhận các ý kiến khác biệt. Tuy vậy, Tập Cận Bình chưa yên tâm, tiếp tục dùng chiến dịch chống tham nhũng để loại trừ các đối thủ. Theo "Wall Street Journal", trong số 281 thành viên Thường vụ Tỉnh ủy, hiện nay tất cả đều là tay chân của Tập, trừ bảy người ! Năm ngoái, trong khi "đóng cửa" cả nước để ngăn bệnh dịch Covid, Tập Cận Bình vẫn thanh trừng 627.000 đảng viên, nhiều gấp bốn lần con số bị bắt năm 2012 khi Tập mới lên nắm quyền (3).

Đối với ông Tập, Đảng cộng sản Trung Quốc là Chúa trời. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd khẳng định từ cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập rõ ràng đã biến Đảng cộng sản Trung Quốc thành một thứ Giáo hội cao cấp của một đức tin thế tục được hồi sinh. Cuối năm 2019, ông Tập mở một chiến dịch giáo dục toàn đảng có tiêu đề "Đừng quên mục đích ban đầu của Đảng, hãy ghi nhớ sứ mệnh". Theo một tài liệu chính thức được công bố, mục tiêu của sáng kiến này là nhằm để các đảng viên được mài dũa lý luận và "được rửa tội về hệ tư tưởng và chính trị". Truyền thông quốc tế đã nghiên cứu các trang "Nhân dân Nhật báo" (People's Daily) để nhận diện một số thuật ngữ phổ biến định hình thời đại của Tập. "Nhà lãnh đạo cốt lõi" liên quan đến ông Tập xuất hiện từ năm 2016. Đảng cộng sản Trung Quốc hướng tới nền lãnh đạo được cá nhân hóa hơn và quay trở lại việc sùng bái cá nhân. Tập Cận Bình thường xuyên kêu gọi nam phụ lão ấu đất nước "đưa gene đỏ vào máu và trái tim" để "quốc gia đỏ này" có thể được truyền đi qua các thế hệ (4).

dcs2

Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 ở Bắc Kinh hôm 16/10/2022. Reuters

Các cú "đánh úp" tiếp theo sẽ là gì ?

Như đã thấy qua Đại hội 20, ông Tập cho lấp đầy đội ngũ lãnh đạo của Đảng bằng những người trung thành với mình, và ông vẫn là một "Hoàng đế" không có người kế vị. Tới đây sẽ là thời kỳ tranh chấp bất ổn, vì nhiều quan chức sẽ ganh đua để kế vị Tập. Các chính sách vi mô ngày càng khó lường, vì mỗi lời "Hoàng đế" nói ra sẽ là "luật lệ". Với ngôi vị "Thiên tử", Tập sẽ theo đuổi một trật tự khu vực mà các nước láng giềng, bất kể gần hay xa, đều trở thành chư hầu. Việt Nam trong con mắt của Trung Quốc cũng bị nhìn nhận như thế, không thể nào thoát được. Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao ngay sau Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, với việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sang thăm Bắc Kinh. Lời mời này được ông Cường đưa ra khi điện đàm với ông Chính hôm 19/9/2022 (5). Theo một nguồn tin không muốn để lộ danh tính, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có kế hoạch sang Bắc Kinh sau Đại hội để chúc mừng Đảng cộng sản Trung Quốc nếu điều kiện sức khỏe cho phép. Hai chuyến thăm này sẽ được gộp lại hay tách riêng ra thì chưa rõ thông tin.

Nếu ông Chính hay ông Trọng hoặc cả hai cùng sang Trung Quốc thì các ông sẽ mang gì về cho dân tộc Việt Nam ? Hy vọng, hai ông sẽ đủ cảnh giác để không bị "buộc vào cổ" thỏa thuận về "Cộng đồng chung vận mệnh" là động lực thúc đẩy chính sách đối ngoại hiện nay và tương lai của Trung Quốc ! Bức điện của Đảng cộng sản Việt Nam gửi Đại hội 20, truyền đi cam kết : Việt Nam nguyện "trước sau như một coi trọng" mối quan hệ với Bắc Kinh. Sau Đại hội 20, liệu Việt Nam có tái cam kết với kế hoạch "Vành đai và con đường" (BRI) gây tranh cãi ? Dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc năm nào phản ánh chính sách phát triển công nghiệp "không chiến lược" của Việt Nam (6). Khi Covid-19 vừa tạm lắng, Chính phủ bất ngờ công bố thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn. Đây là đòn "đánh úp" đối với toàn xã hội. Chính phủ đưa vào vận hành khu kinh tế này khi Trung Quốc tăng sức ép trên Biển Đông, đang gây bức xúc cho cả giới chuyên gia lẫn người dân (7).

Sau cú "đánh úp" thứ nhất ấy, dư luận vừa bức xúc, vừa nóng lòng, chờ xem các cú "đánh úp" tiếp theo sẽ là gì, dưới tác động không mấy lạc quan của Đại hội 20 ? Đầu tháng 10, RFA vừa cho đăng loạt bài về "Cải cách ruộng đất : Ảnh hưởng của Cố vấn Trung Quốc". Mô phỏng kinh nghiệm bên Tàu, cải cách ruộng đất do Việt Nam thực hiện giai đoạn 1953 – 1956 có lẽ là chính sách đối nội quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó. Trong một thước phim thời sự, thấy Hồ Chí Minh lấy khăn mùi-soa lau nước mắt trong cuộc mít-tinh nói là để sửa sai sau cải cách ruộng đất, có thể đoán được ông Hồ đã đau xót như thế nào khi phải làm theo lệnh Bắc Kinh (8).

Vụ va đập tiếp theo về ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam là những năm Cách mạnh văn hóa bên Tàu. Chiến lược Việt Nam lúc bấy giờ là làm sao thống nhất đất nước bằng cách phải thắng cuộc chiến tranh, còn định hướng của Trung Quốc là lợi dụng cuộc chiến Việt Nam để thúc đẩy "cách mạng liên tục" ra thế giới (9). Tức là bang giao những lúc "môi hở răng lạnh" mà cũng toàn là ảnh hưởng tiêu cực, chứ chưa nói tới những kinh nghiệm đầy máu và nước mắt những lúc hai nước "choảng nhau" trên biên giới hay ngoài hải đảo.

Nguyễn Việt Trung

Nguồn : RFA, 21/10/2022

Tham khảo :

1. https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20221013-tap-can-binh-su-tro-ve-chu-nghia-marx-lenin

2. https://www.theatlantic.com/international/archive/2022/10/xi-jinping-china-national-party-congress/671718/

3. https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-tu-day-vao-chan-tuong/6798018.html

4. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c84gel0nge7o

5. https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-tin-trung-quoc-se-thanh-cuong-quoc-xhcn-vao-giua-the-ky-21/6792972.html

6. http://viet-studies.net/kinhte/VuQuangViet_DuLuatDacKhu.html

7. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52749462

8. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/land-reform-how-chinese-expert-influence-vn-decision-part-1-10072022101622.html

9. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160513_china_vn_cultural_revolution

Published in Diễn đàn

Ngày 16/10/2022 gần 2.300 đại biểu toàn quốc tề tự về thủ đô Bắc Kinh dự Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia Alex Payette, đại học Canada và giám đốc cơ quan tư vấn Cercius tại Montréal đánh giá : "Sẽ rất khó để tìm được thế cân bằng trong thành phần nhân sự Ban Thường vụ Bộ Chính trị" và bộ mặt sắp tới của Quân ủy Trung ương sẽ cho thấy Bắc Kinh có thôn tính Đài Loan bằng sức mạnh hay không. 

daihoi1

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Bắc Kinh ngày 24/10/2017. Reuters – Thomas Peter 

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần, bầu ra 205 thành viên, 172 đại biểu dự khuyết, trong Ban chấp hành trung ương ; 25 ủy viên Bộ Chính trị và bộ phận quan trọng nhất trong guồng máy của Đảng gồm 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Gần như chắc chắn ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ tịch nước và tiếp tục là chủ tịch Quân ủy Trung ương. Câu hỏi còn lại liên quan đến thành phần Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và "thế cân bằng" trong số 7 nhân vật của Ban Thường vụ.

Trẻ hóa guồng máy lãnh đạo Trung Quốc ?

Trung Quốc liệu có trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo hay không, là điểm thứ nhất cần theo dõi. Trước mắt một số nhà quan sát dự báo sẽ có một "thay đổi về mặt thế hệ" ở cấp Ban chấp hành trung ương. Thậm chí có thể là 80% các thành viên sắp tới sẽ thuộc thế hệ sinh vào thập niên 1960. Đây sẽ là một thay đối lớn bởi vì tới nay, theo ghi nhận của Chris Johnson viện nghiên cứu Asia Society Policy Institute của Mỹ, trong khóa mãn nhiệm, một nửa Ban chấp hành trung ương thuộc thế hệ "trẻ" dưới 60 tuổi.

Ở cấp cao hơn, Bộ Chính trị vẫn trong tay tầng lớp thuộc thế hệ những 1950, tức thuộc thế hệ của Tập Cận Bình. Có nhiều khả năng ông Tập "giữ lại" những nhân vật thân tín cùng thế hệ, những gương mặt có uy tín, trong một số lĩnh vực như kinh tế. Trong bài viết "Toward Xi’s third term : China’s 20th Party Congress and beyond", chuyên gia Cheng Li của viện Brookings đã nêu lên khả năng có đến 90% bộ phận này là những người trung thành với đương kim lãnh đạo Trung Quốc hay là những người được ông Tập cất nhắc trong thời gian vừa qua.

Câu hỏi kế tiếp liên quan đến "Câu lạc bộ" 7 thành viên Ban Thường vụ. Nếu xét theo tiêu chuẩn tuổi tác được quy định, không một ủy viên nào trên 68 tuổi được tái bổ nhiệm, quy luật đó không còn tính thời sự khi mà ông Tập Cận Bình, 69 tuổi, chuẩn bị tại chức thêm một nhiệm kỳ 3. Trong số 6 thành viên còn lại, hai người đã đến tuổi về hưu gồm các ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), 72 tuổi và phó thủ tướng thứ nhất Quốc Vụ Viện, Hàn Chính (Han Zheng), 68 tuổi.

Ai để ngồi vào 2 chiến ghế để trống ? 

Ai sẽ được đề cử thay thế vào hai chiếc ghế bị bỏ trống này ? Đây là điểm thứ nhì đáng chú ý nhân Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần này. Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius- Montréal, giáo dư đại học Glendon-York University, Toronto trên đài RFI tiếng Việt nhấn mạnh : đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn đối với ông Tập Cận Bình :

"Sẽ khó để ông Tập Cận Bình tìm được một thế quân bình giữa các phe phái : cái khó ở đây là phải đưa vào Thường Vụ Bộ Chính trị những người thân tín với ông, phải có một cử chỉ nào đó để những người này tiếp tục trung thành với ông. Đồng thời ông Tập cũng cần tránh để lộ quá rõ những bất công, những chia rẽ quá lộ liễu ngay trong ba tổ chức quan trọng nhất điều hành cả một cỗ máy đồ sộ của Đảng là Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban Thường vụ. Vậy thì ông Tập phải chọn ai, vì sao cất nhắc những người này ? Đừng quên rằng, Tập Cận Bình cũng cần mở rộng câu lạc bộ những thành phần ủng hộ ông ấy. Thí dụ như là để phát triển một số lĩnh vực, tôi muốn nói tới bên quốc phòng, hay công nghệ hàng không, không gian…".

Báo chí quốc tế nêu bật tên tuổi của hai nhân vật : người thứ nhất là phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), 59 tuổi. Ứng viên thứ nhì là bí thư tỉnh ủy Trung Khánh, Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er), 62 tuổi.

Thủ tướng Trung Quốc tương lai ? 

Điểm đáng chú ý thứ ba liên quan đến người được chỉ định vào chức vụ thủ tướng, thay thế ông Lý Khắc Cường (Li Keqiang), 67 tuổi. Truyền thông quốc tế nêu bật hai cái tên mà chủ tịch Tập Cận Bình có thể cất nhắc vào chức vụ thủ tướng. Ứng viên thứ nhất là Uông Dương (Wang Yang), 67 tuổi, đương kim chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc, nhân vật thứ tư trong danh sách 7 ủy viên Ban Thường vụ. Người thứ hai có triển vọng thay thế Lý khắc Cường là phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa. Không loại trừ khả năng ông Hàn Chính (Han Zheng) phó thủ tướng thứ nhất được thăng chức, để ngồi vào chiếc ghế của ông Lý Khắc Cường. Vào lúc kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu hụt hơi, ông Tập Cận Bình cần dựa vào một số nhân vật có kinh nghiệm để vượt qua thách thức này. Nhất là theo như  giải thích của chuyên gia về Trung Quốc, Alex Payette, cũng có thể ông Tập thiên về giải pháp "bình mới rượu cũ" :

"Nếu như chúng ta thiên về giả thuyết Tập Cận Bình ý thức được rằng trong nội bộ Đảng, các bè phái đang đấu đá gay gắt và hiện tượng huynh đệ tương tàn đó có thể đe dọa ổn định và sự tồn tại của Đảng, thì ông Tập có khuynh hướng ‘giữ nguyên trạng’, không thay đổi gì nhiều về mặt nhân sự. Ông sẽ vẫn giữ lại những chính khách cùng thế hệ với ông ta cho dù phải vượt qua quy tắc về những giới hạn tuổi tác. Trong trường hợp đó chúng ta thiên về kịch bản mà tôi gọi là rất ‘bảo thủ’, hiểu theo nghĩa đây sẽ là sự tiếp nối của bộ phận nhân sự trong khóa mãn nhiệm".

Những đối thủ của ông Tập có mạnh hay không ? 

Câu hỏi thứ tư mọi người chờ đợi là liệu rằng các phe phái thù nghịch với ông Tập Cận Bình có phản ứng gì hay không trong Đại hội lần này ? Chính sách bài trừ tham những Bắc Kinh tiến hành từ 2013 tới nay không chỉ nhằm "trong sạch hóa" thành phần lãnh đạo vì lợi ích của nhân dân. Chủ trương bài trừ triệt để Covid-19 do đích thân ông Tập giám sát đẩy kinh tế của nhiều tỉnh thành vào "thế kẹt" cũng là một mầm mống chống đối mà Bắc Kinh không thể bỏ qua. Ba tuần trước Đại hội Đảng, Bắc Kinh mạnh tay trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", xử 6 "con hổ lớn". Ba trong số đó bị tuyên án tử hình, nhưng được hoãn thi hành án và sau 2 năm bản án đó được giảm xuống tù chung thân. Phương Tây nói đến một "đợt thanh trừng" trước Đại hội Đảng. Alex Payette, cơ quan tư vấn Cercius - Canada thì chú ý nhiều hơn đến thời điểm các bản án này được công bố :

"Bản án về thực chất là thông điệp mà chính quyền muốn gửi đi vào thời điểm này. Đây không phải là một đợt thanh trừng mới. Có điều, các bản án phạt nặng những nhân vật có tên tuổi như cựu thứ trưởng Công An, Tôn Lực Quân (Sun Lijun), hay cựu bộ trưởng Tư Pháp, Phó Chính Hoa (Fu Shenghua)… được đưa ra vài tuần trước Đại hội Đảng theo tôi, là một tín hiệu của Trung Ương răn đe một số các quan chức ở cấp tỉnh, kềm hãm bớt tham vọng chính trị của số này. Dù vậy việc chuyển án tử hình sang án chung thân nhằm một công đôi việc. Một là Tập Cận Bình tránh khiêu khích những nhân vật thế lực hơn bảo vệ cho các ông Tôn Lực Quân hay Phó Chính Hoa, tránh gây ‘thêm thù’ và hai là giữ các ông này như những con cờ để khi cần, Bắc Kinh có thể còn ‘với lên cao hơn nữa’  triệt hạ những ô dù của những quan chức này. Tức là Bắc Kinh còn nhắm tới những nhân vật ở cấp cao hơn thế nữa".

Nhìn vào Quân ủy Trung ương đế đoán về số phận Đài Loan

Đặc điểm thứ 5 được giới phân tích theo dõi liên quan đến thành phần Quân ủy Trung ương. Đương nhiên chức chủ tịch sẽ vẫn do ông Tập Cận Bình nắm giữ, nhưng hai chiếc ghế phó chủ tịch sẽ được trao cho ai ? Alex Payette nêu lên hai cái tên, và theo nhà phân tích này, qua việc chỉ định phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình sẽ để lộ một phần ý định trên hồ sơ Đài Loan.  

"Một điều hết sức quan trọng là cần theo dõi xem ai được chỉ định đại diện cho Quân ủy Trung ương, bởi vì sự lựa chọn này sẽ để lộ chiến lược của Trung Quốc về Đài Loan. Nếu như Đô đốc Hải quân Miêu Hoa (Miao Hua) được thăng chức, trở thành phó chủ tịch thì đây là dấu hiệu cho thấy bên bộ phận quân sự này của Đảng thực sự để ý đến Đài Loan. Nếu trái lại nhân vật được cất nhắc lại là thượng tướng Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin) thì có thể hiểu rằng, bên quân đội chưa vội vã trên vấn đề thống nhất Đài Loan. Chính sự chọn lựa này cho thấy Bắc Kinh sẽ chọn giải pháp cứng rắn hay không về Đài Loan và Đài Loan có là mục tiêu để tập trung những nỗ lực quân sự hay không".  

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 15/10/2022

Published in Diễn đàn

Chỉ còn 45 ngày nữa là nước Mỹ sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Liệu ông Joe Biden và Đảng Dân chủ Mỹ có giữ được đa số tại 2 viện quốc hội?

Trung Quốc sắp khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 20 vào ngày 16/10 tới đây trong không khí bất thường với tin đồn ông Tập Cận Bình bị đảo chính và câu lưu. Dù tin đồn đó là không đúng nhưng đã chứng tỏ nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều bất ổn. Ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tiếp tục làm Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa dù mọi kế hoạch của ông đã thất bại.

Việt Nam đang diễn ra Hội nghị trung ương 6 trong hoàn cảnh thế giới có nhiều biến động như cuộc chiến Ukraine-Nga đang ngày càng gay gắt và leo thang nguy hiểm với việc Putin đe dọa dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật tấn công Ukraine. Dù vậy Đảng cộng sản Việt Nam không hề bàn đến tình hình thế giới mà chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ như “hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN” và bàn về ngân sách năm 2022 và 2023…

Xin mời độc giả theo dõi cuộc hội luận giữa ông Nguyễn Gia Kiểng với ông Đinh Xuân Quân và ông Hoàng Bách trên kênh Youtube Người Việt Channal.

Nguồn: Người Việt Channal.

(5/10/2022)

Published in Video

Hơn ba tháng trước Đại hội thứ 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn phải tiếp tục có thêm nhiều nỗ lực để bảo đảm kiểm soát được tình hình, trước thềm sự kiện chính trị quan trọng này.

xi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lời chúc mừng năm mới trên truyền hình vào ngày 31 tháng 12 năm 2021. (Nguồn : GT)

Trong một phân tích đăng tải trên Asialyst, trang mạng chuyên về thời sự chính trị Châu Á, nhà chính trị học Alex Payette, giám đốc Groupe Cercius, trung tâm tư vấn chiến lược và địa chính trị, nhấn mạnh đến việc các phản kháng trong nội bộ đang buộc người được coi là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, tổng bí thư, chủ tịch nước Tập Cận Bình, phải huy động nhiều phương tiện, từ pháp lý cho đến truyền thông, hay kỷ luật nội bộ đảng, đặc biệt với mục tiêu răn đe các phe phái khác trong nội bộ. RFI xin giới thiệu một số nét chính trong bài nhận định "Chine : Xi Jinping proche d’une "victoire boiteuse" au XXème Congrès du Parti ?", Asialyst, 13/07/2022.

***

Quan chức địa phương tung hô Tập Cận Bình : Dấu hiệu "bất ổn định ngấm ngầm"

Bài phân tích của Alex Payette bắt đầu với việc mô tả không khí thành công tại các Đại hội đảng ở cấp tỉnh và các địa phương cấp dưới. Việc bầu chọn các đại biểu đi dự Đại hội đảng toàn quốc dường như diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt mà tác giả ghi nhận, đó là một số lãnh đạo cấp tỉnh đã bày tỏ sự trung thành với cá nhân ông Tập Cận Bình hơn mức bình thường, thông qua các tuyên bố công khai, hay qua các bài viết. Cụ thể là bí thư tỉnh tây bắc Thanh Hải, trong một bài viết công bố ngày đầu tháng 6. Bí thư tỉnh Sơn Đông, vào giữa tháng 6. Bí thư tỉnh Hồ Nam, vào cuối tháng 6. Cũng vào cuối tháng 6, lãnh đạo thành phố Thiên Tân tái khẳng định vai trò "lãnh đạo hạt nhân" (tức vị trí lãnh đạo tối cao, theo cách gọi mới trong đảng CS Trung Quốc) của ông Tập.

Thông thường, những phát biểu như trên gây ấn tượng là ông Tập có được đông đảo người trung thành tại các địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc các lãnh đạo địa phương phô trương lòng trung thành với Đảng và với cá nhân nhà lãnh đạo tối cao như trên có thể coi là một con dao hai lưỡi với chính bản thân họ. Cụ thể như hồi tháng 4/2022, một lãnh đạo tỉnh Quảng Tây đã cho ra mắt một "cuốn sách Đỏ" để ca ngợi ông Tập Cận Bình. Hành động này nhắc lại phong trào sùng bái lãnh tụ Mao Trạch Đông trước đây với cuốn Mao tuyển màu đỏ ("Mao chủ tịch ngữ lục"), một hành động dễ được coi như một nỗ lực sùng bái cá nhân mới, gây phản cảm. Theo nhà nghiên cứu Alex Payette, việc diễn ra dồn dập sáng kiến cá nhân của một số lãnh đạo địa phương ca ngợi quá mức như trên là điều "bất thường" trước dịp Đại hội đảng, phần nào cho thấy không khí "bất ổn định ngấm ngầm" trong nội bộ chính quyền Trung Quốc. Bởi, thông thường một lãnh đạo "đủ mạnh" có được sự ủng hộ của các chức sắc cao cấp cấp trung ương chắc chắn sẽ không cần đến người ta phải tung hô ủng hộ rầm rộ tại các hội nghị cấp tỉnh.

Chuyên gia Alex Payette cũng đặc biệt lưu ý đến việc ông Tập Cận Bình tìm cách kiểm soát chặt hai lĩnh vực trọng yếu là quân đội và hệ thống tuyên huấn.

"Chiến khu Tây Bộ" và "Hoạt động quân sự phi chiến tranh"

Quân đội là cái đích ông Tập Cận Bình nhắm đến kiểm soát trọn vẹn. Trong chuyến đi thị sát tại tỉnh Tứ Xuyên hồi đầu tháng 6, khi dừng chân ở thủ phủ Thành Đô, chủ tịch - tổng bí thư Tập Cận Bình đã không triệu tập các cuộc họp của đảng hay của chính quyền địa phương. Ngược lại, ông Tập cùng với phó bí thư Quân ủy Trung ương đã triệu tập một cuộc họp của "Chiến khu Tây Bộ" (một trong 5 đại quân khu của Trung Quốc). "Chiến khu Tây Bộ" là quân khu lớn nhất trong năm đại quân khu. Các chỉ huy quân sự và chính trị của quân khu này thường xuyên được thay thế trong những năm gần đây. Người đứng đầu "Chiến khu Tây Bộ" được thăng hàm thượng tướng dưới thời Tập Cận Bình.

"Chính quyền trên đầu ngọn súng" là châm ngôn của cố lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ông Tập cũng tiếp tục đi theo đường hướng nay. Theo Alex Payette, ông Tập Cận Bình ắt hẳn phải dựa vào quân đội để sẵn sàng đối phó trước hết với các phe phái phản kháng trong nội bộ, có thể tập hợp thành một "mặt trận chống đối", bao gồm những người phản đối chính sách Zero Covid nghiệt ngã, người phản đối chính sách ủng hộ chính quyền Nga, bất chấp cuộc xâm lăng Ukraine, bị cộng đồng quốc tế lên án, hay chính sách khiến nền kinh tế quốc gia rơi vào khủng hoảng hiện nay.

Một tài liệu đặc biệt của chính quyền Trung Quốc vừa được công bố cách nay ít tuần về "Đề cương về các hoạt động quân sự phi chiến tranh" đã được giới quan sát nhìn nhận chủ yếu trong liên hệ với Đài Loan, như một động thái mở đường về mặt pháp lý cho một can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, "‘Đề cương về các hoạt động quân sự phi chiến tranh" rất có thể hướng đến mục tiêu chính mang tính "chính trị nội bộ". Theo Alex Payette, tài liệu này cho phép đưa quân đội can thiệp vào các hoạt động như "chống khủng bố", "đàn áp các bạo động", "các hoạt động gây rối loạn trật tự công cộng", "kiểm soát biên giới"… Điểm được nhấn mạnh hàng đầu trong các hoạt động này là "chống khủng bố" và "chống bạo loạn".

Thay thế hàng loạt lãnh đạo Tuyên huấn 

Chuyến thị sát tại Thành Đô với việc tổ chức các cuộc họp với Chiến khu Tây Bộ và Đề cương các hoạt động "quân sự phi chiến tranh" là các ví dụ rõ ràng cho thấy ông Tập Cận Bình đang nỗ lực nắm chặt hơn nữa việc kiểm soát bộ máy vũ trang để buộc tất cả những ai bất đồng trong nội bộ phải dè chừng. Alex Payette nhấn mạnh đến một trong các đối thủ nội bộ hàng đầu trong nỗ lực này của ông Tập Cận Bình là thủ tướng Lý Khắc Cường. Quân đội có thể sẽ tiếp tục được điều động tham gia vào các hoạt động trấn áp, duy trì an ninh, như trong đợt phong tỏa Covid vừa qua tại Thượng Hải.

Về mặt tuyên huấn, chuyên gia Payette cũng chú ý đến việc Tập Cận Bình vừa bổ nhiệm mới nhiều lãnh đạo hệ thống tuyên huấn, từ lãnh đạo hệ thống phát thanh, truyền hình, cho đến Trường Đảng Trung ương. Việc bổ nhiệm Lý Thư Lỗi (Li Shulei), một trong những cận thần của ông Tập, là một chỉ dấu đáng chú ý. Mục tiêu là sẵn sàng gửi đi các tín hiệu răn đe trong nội bộ nhắm vào một số ít phương tiện truyền thông vẫn do đối thủ trong nội bộ nắm giữ như tạp chí "Bán Nguyệt Đàm" (Banyuetan) (tạp chí Bán Nguyệt Đàm do Tân Hoa Xã phát hành từ năm 1980), cũng như các quan điểm bất đồng được truyền đi qua đường tin đồn. Chuyên gia Payette dự đoán đấu tranh về ngôn luận trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh từ đây đến cuối tháng 8, đặc biệt liên quan đến những bất đồng từ phía các thành phần thuộc thế hệ Thái tử Đỏ (tức con cái các lãnh đạo cấp cao thời đầu) hay những giới chức cao cấp thuộc "chính quyền cũ" (từ dùng để chỉ vây cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân).

Trong bối cảnh hiện nay, các quan chức nào mạo hiểm cố tình thảo luận về các vấn đề chính trị nội bộ của đảng trong công luận, hay trong các nhóm nhỏ, sẽ có nguy cơ bị Ủy Ban Kỷ Luật của đảng "viếng thăm".

Quan hệ với các doanh nghiệp tư nhân : Đe dọa lơ lửng

Chuyên gia Alex Payette đặc biệt chú ý đến một số tín hiệu mạnh khác của Tập Cận Bình gởi đến các phe phái khác. Ngày 17/06, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc họp, với chủ đề chính là tiếp tục áp dụng lượt thứ 8 điều tra về tham nhũng trong nội bộ đảng. Thông điệp rất rõ ràng : các quan chức của đảng phải chịu trách nhiệm cả về các hành vi của những người trong gia đình, cụ thể liên quan đến các hoạt động "doanh nghiệp tư nhân". Các cán bộ lãnh đạo – trước khi được thăng chức – sẽ phải rút ra khỏi các hoạt động kinh tế tư nhân, và có nghĩa vụ khai báo về các liên hệ mà họ biết của các thành viên trong gia đình (bố mẹ, vợ chồng, con cái) với các hoạt động kinh doanh tư nhân.

Theo chuyên gia Payette, điều vốn được coi là bình thường tại phương Tây đã gây ra một cơn chấn động trong nội bộ đảng Cộng Sản tại Trung Quốc. Đây được coi là hành động tấn công có chủ đích nhắm vào thế hệ "Thái tử Đỏ", và những người trung thành với Giang Trạch Dân, đặc biệt trong đó có có nhiều trùm tài phiệt, nắm giữ quyền lực lớn trong kinh tế từ những năm 1990. Đe dọa treo lơ lửng này có khả năng buộc nhiều nhân vật cộm cán phải im tiếng trước thềm Đại hội đảng.

Ba vụ án

Chuyên gia Payette cũng đặc biệt chú ý đến ba phiên tòa quan trọng, trong đó có vụ xử tỉ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) ("mất tích" cách nay 5 năm), người có liên hệ mật thiết với nhiều chức sắc cao cấp và vụ cựu thứ trưởng Công An Tôn Lập Quân (Xun Lijun), bị bắt cách nay hai năm (vụ thứ ba là vụ xử cựu bộ trưởng Tư Pháp Phó Chính Hoa – Fu Zhenghua).

Vụ xử tỉ phú Tiêu Kiến Hoa ngay trước thềm Đại hội đảng nhắc lại hai vụ án chấn động, vài tháng trước các Đại hội đảng lần trước : vụ Bạc Hy Lai năm 2012 (Đại hội 18), và vụ Tôn Chính Tài 2017 (Đại hội 19). Vụ Tiêu Kiến Hoa – được đưa ra đúng vào lúc chế độ cộng sản Trung Quốc bắt đầu áp dụng lượt điều tra về tham nhũng thứ 8 trong nội bộ - đe dọa đưa nhiều quan chức cao cấp vào nhà tù Tần Thành (Qincheng), Bắc Kinh (Tần Thành là nơi giam giữ tù nhân chính trị và quan chức cao cấp).

Ba vụ xử nói trên được đưa ra trước Đại hội đảng gửi đi tín hiệu gì ? Theo chuyên gia Payette, có nhiều thông điệp. Bên cạnh thông điệp răn đe rõ ràng, cũng có cả thông điệp hòa dịu. Việc cựu thứ trưởng công an họ Tôn được giảm đi tội danh "lập phe phái" chống đối, và việc tội danh về "kinh tế" được nhấn mạnh, có thể được coi như một cử chỉ khoan dung từ phía lãnh đạo tối cao. Phán quyết từ các vụ án này có thể mang lại nhiều chỉ dấu về quan hệ giữa các phe phán trong nội bộ chế độ chính trị Trung Quốc.

Ngành Công an chưa chắc trong vòng kiểm soát

Thêm một chỉ dấu, mà theo nhà nghiên cứu Payette, cho thấy Tập Cận Bình khó khăn trong việc nắm trọn vẹn quyền lực, đó là việc thay thế bộ trưởng Công An. Quyết định có vẻ như khá bất ngờ, vì trước đó bộ trưởng tiền nhiệm vẫn được coi là chắc chắn tại vị. Dường như lần đầu tiên, ông Tập đưa được người thực sự thân tín nắm bộ Công An, ông Vương Hiểu Hồng (Wang Xiaohong). Việc bổ nhiệm diễn ra ngày 24/06 chỉ ít tuần sau khi bùng nổ vụ rò rỉ tài liệu quy mô lớn liên quan đến các đàn áp tại Tân Cương (các tài liệu Xinjiang Files – Hồ sơ Tân Cương - được liên minh của 14 cơ sở truyền thông quốc tế tung ra ngày 24/05/2020).

Các tài liệu rò rỉ trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc cho thấy hệ thống đàn áp quy mô lớn nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, và mệnh lệnh trực tiếp xuất phát từ cá nhân lãnh đạo tối cao họ Tập (theo chính một văn bản do bộ trưởng Công An tiền nhiệm Triệu Khắc Chí [Zhao Kezhi] ký tên). Chuyên gia Payette nhấn mạnh : vụ rò rỉ quy mô về Tân Cương có thể là hệ quả của "các đấu đá nội bộ". Tiếp theo đó là vụ rò rỉ thông tin liên quan đến gần tỉ dân Trung Quốc (từ bộ máy công an thành phố Thượng Hải), diễn ra chỉ 6 ngày sau khi Vương Hiểu Hồng nhậm chức.

Vụ tử vong bất ngờ đầu tháng 7 do "bệnh" của lãnh đạo Công An tỉnh Hồ Bắc (Lưu Tỉ Văn - Liu Wenxi), chỉ ít tuần sau khi được bổ nhiệm, cũng cho thấy có thể có sự đối đầu dữ dội giữa các phe phái, mà quan chức nói trên là một nạn nhân. Bởi thông thường sức khỏe của những người sắp được bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp là điều được theo dõi rất chặt chẽ tại Trung Quốc. Ông Lưu Tỉ Văn được bổ nhiệm với sứ mạng lập lại trật tự, sau khi bùng lên vụ hành hung "Đường Sơn Thị" (tỉnh Hồ Bắc), địa điểm nổi tiếng với nhóm tội phạm, nạn tham nhũng, và giới chức địa phương "ỳ trệ". Cựu lãnh đạo Công An tỉnh Hồ Bắc vốn được coi là một nhân vật thân tín với tân bộ trưởng Công An Vương Hiểu Hồng.

Kịch bản "Giang Trạch Dân" ?

Căn cứ trên các yếu tố vừa quan sát, chuyên gia Payette dự báo kịch bản có nhiều xác xuất trở thành hiện thực là Tập Cận Bình sẽ phải có nhiều thỏa hiệp với các phe phái chống đối. Phe Tập Cận Bình giương cao "thanh gươm" của các quy định nội bộ và của Ủy Ban Kỷ Luật, "trong lúc các phe phái khác tăng cường các tuyên truyền phản đối. Tuy nhiên hiện tại chưa bên nào dám vượt qua lằn ranh đỏ như Chu Vĩnh Khang hồi 2012 (nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, bộ trưởng Công An họ Chu bị bắt hồi 2014)". Lợi ích chung của các bên là "tránh sự sụp đổ của đảng". Ông Tập vẫn sẽ được tung hô và tiếp tục nắm quyền tại Đại hội 20, nhưng sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản rút dần, rút một cách an toàn ra khỏi vị trí lãnh đạo tối cao, tương tự như Giang Trạch Dân trước đây.

Alex Payette

Nguyên tác : "Chine : Xi Jinping proche d’une "victoire boiteuse" au XXème Congrès du Parti ?", Asialyst, 13/07/2022.

Trọng Thành tóm lược

Nguồn : RFI, 19/07/2022

Published in Diễn đàn