Hậu Thành Đô 3 - Trung Quốc muốn làm chủ luôn cả miền Nam
Phần 3
Muốn làm chủ luôn cả miền Nam Việt Nam
Triển khai chiến lược Sáng kiến Vòng Đai Con Đường của Tập Cận Bình trên toàn cõi Việt Nam
Theo nội dung những Tuyên bố chung và Thông cáo chung đã được ký kết từ năm 2000 trở lại đây, mốc năm 2020 đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ để mở ra một chu kỳ mới trong quan hệ hợp tác giữa hai Đảng và hai Nhà nước cộng sản Trung Quốc và Việt Nam.
Nhìn lại những gì mà phía Trung Quốc đã thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong suốt 20 năm qua, người Việt có lý do để lo âu về số phận và tương lai của dân tộc và đất nước.
Ba đặc khu kinh tế Vân Đồn - Bắc Vân Phong và Phú Quốc - Ảnh minh họa
Tổng quát những thực hiện từ năm 2000 đến nay
1. Phía Trung Quốc
Đối với Bắc Kinh, chiến lược xây dựng "hai hành lang, một vành đai kinh tế" trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam coi như hoàn tất. Những mục tiêu mà Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đặt ra cho Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành đúng theo những lộ trình được ghi trong từng giai đoạn của những Tuyên bố chung và Thông cáo chung.
1.1. "Hai hành lang, một vành đai kinh tế"
- Hai tuyến đường bộ và đường sắt, gọi là hành lang kinh tế : Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng đều đã hoàn tất đúng như dự định và đã đi vào hoạt động.
- Vành đai kinh tế trong Vịnh bộ, từ Móng Cái tới Đà Nẵng, đã được tăng cường và củng cố : không nơi nào, không một sinh hoạt kinh tế và dịch vụ nào dọc vùng duyên hải miền Bắc không có bóng dáng người Trung Quốc. Công ty và cơ sở kinh doanh do người Trung Quốc làm chủ mọc lên như nấm và ngày càng lấn át sinh hoạt kinh tế của những cư dân bản địa như buôn bán sỉ và lẽ, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi heo gà công nghiệp, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng ăn uống, giải trí, kể cả buôn lậu ma túy và thú quí hiếm.
1.2. Vịnh Bắc bộ, nỗi ám ảnh về an ninh quốc phòng của Bắc Kinh, ngày nay đã được giải quyết.
Sau những thỏa thuận với Đảng cộng sản Việt Nam, Vịnh Bắc bộ đã hầu như trở thành ao nhà của Trung Quốc. Trong suốt 20 năm qua, phía Trung Quốc không ngừng tu chỉnh, sửa đổi nội dung những thỏa thuận về hợp tác cùng phát triển, khảo sát chung, tuần tra chung, tàu hải quân hai nước thăm viếng lẫn nhau. Quan trọng nhất là qua "Thỏa thuận (nhiều lần sửa đổi) giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam-PVN) và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation - CNOOC) liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ", Hải quân Trung Quốc đã hoàn tất việc đo đạc và thiết đặt hệ thống phòng thủ toàn diện trên và dưới mặt biển Vịnh Bắc bộ. Tất cả mọi ra vào Vịnh Bắc bộ của tàu thuyền quốc tế đều phải xin phép Trung Quốc. Cũng nên lưu ý là tàu chiến quốc tế muốn đến thăm Việt Nam chỉ ghé các hải cảng từ Đà Nẵng trở xuống.
1.3. Một toại nguyện khác là an ninh lãnh thổ phía đông-nam của Trung Quốc đã được củng cố : khu vực trái đệm từ Việt Nam đến Myanmar không những đã được thành lập mà còn kết hợp với 4 tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc ở vùng biên giới phía nam để thành một tổng thể mới (hiện chưa có anh xưng chính thức).
Từ sau khi trở thành cường quốc kinh tế số 2 trên thế giới, các cấp lãnh đạo Trung Quốc muốn phục hồi lại hào quang và sức mạnh văn hóa, kinh tế và quân sự của thời nha Minh trong quá khứ, đặc biệt là phục hồi lại những lãnh thổ đã mất dưới thời nhà Thanh trong thế kỷ 19.
Đối với người Hán, những sắc dân và lãnh thổ vùng cực nam của Trung Quốc trước kia là những thuộc man và thuộc quốc thần phục Thiên triều phương Bắc. Ngày nay, khi sức mạnh văn hóa, kinh tế và quân sự đã được phục hồi, việc lôi kéo những sắc dân sinh sống dọc vùng biên giới phía nam về lại mẫu quốc là lẽ tự nhiên.
Tại Việt Nam, Bắc Kinh đang tiến hành khôi phục lại khu tự trị biên giới giữa hai nước, gồm 7 tỉnh của Việt Nam : Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc : Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam và lấy đồng nhân dân tệ là kim bản vị trao đổi chính thức.
Khu tự trị này một cách gián tiếp vô hiệu hóa mọi cố gắng phân định và cắm mốc biên giới của Việt Nam, Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 31/12/1999 do đó cũng mất hết nội dung.
2. Phía Việt Nam
Một cách khách quan, sau 20 năm thực hiện những thỏa thuận giữa hai Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam - Trung Quốc, mức sống của người dân Việt Nam tại miền Bắc đã được nâng cao so với trước năm 1990, nhiều ngành nghề thu hút đông đảo nhân công phát triển mạnh như may mặc công nghiệp, sản xuất giầy dép, du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến thủy sản…
Danh xưng "cửu vạn" biến mất trong sinh hoạt qua lại biên giới. Vết tích chiến tranh biên giới 1979 đã gần như bị xóa bỏ trong các tỉnh, thành phố bị hư hại trong cuộc chiến như Cao Bằng, Lạng Sơn, Vị Xuyên.
Trung Quốc đã góp phần chính trong việc thay đổi bộ mặt miền Bắc Việt Nam để có dáng bề ngoài phát triển : nhà cửa ẩm mốc và rêu phong trước năm 1990 đã được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang bằng vật liệu cứng, nhiều nhà cao tầng đã được xây dựng hàng loạt dọc theo các trục giao thông rộng rãi, hàng quán đông người, hàng hóa sung túc, đông người mua sắm... Người và hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng trên các tuyến đường bộ và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường bộ cao tốc Móng Cái - Vân Đồn, Móng Cái - Hạ Long, Lạng Sơn - Hà Nội. Trong nội thành Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang đi vào hoạt động.
Sự sung túc này không phải do dân cư miền Bắc tạo ra, mà do Đảng cộng sản Việt Nam mượn bàn tay của Trung Quốc thực hiện, qua trung gian những thỏa thuận đã ký như được công bố trong những Tuyên bố chung.
Trong hàng trăm hải đảo dọc vùng duyên hải miền Bắc, đời sống người dân cũng đã có phần khác trước nhờ dịch vụ buôn bán, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch khách sạn và ăn uống.
Một hiện tượng khá phổ biến là không nơi nào không có bóng dáng người Trung Quốc, dưới hình thức thương nhân, ngư dân hay khách du lịch. Chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh thôi, sinh hoạt của người Trung Quốc đã gần như áp đảo trong thành phố Móng Cái và 49 đảo trực thuộc tỉnh. Người Trung Quốc sống tập trung trong vịnh Bái Tử Long, đặc biệt là huyện Vân Đồn, nơi có Đặc khu kinh tế Vân Đồn. Xa hơn ngoài khơi thành phố Hải Phòng, người Trung Quốc đang xây dựng những khu nghỉ dưỡng trên các đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hòn Dậu và quần đảo Long Châu. Tàu thuyền vận tài và đánh cá Trung Quốc lưu hành đông nghẹt trong Vịnh Bắc bộ và ven duyên Móng Cái - Hải Phòng.
Khống chế được những đảo lớn của Việt Nam ngoài khơi Vịnh Bắc bộ này, phía Trung Quốc coi như nắm giữ mọi cửa ngỏ ra vào Vịnh Bắc bộ nói chung và vùng duyên hải miền Bắc Việt Nam nói riêng.
Chi tiết thực hiện những thỏa thuận trong từng lãnh vực
Theo nội dung những Tuyên bố chung và Thông cáo chung đã được công bố, sau 20 năm thực hiện, hai Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam - Trung Quốc đã đạt một số thành quả như sau.
1. Cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước
1.1. Thắt chặt quan hệ giao lưu hợp tác giữa hai Đảng :
- Kế hoạch hợp tác giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc qua các giai đoạn từ 2011 đến 2015 và kế tiếp đã được thực hiện có hiệu quả ;
- Các cuộc trao đổi về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và về xây dựng Đảng, quản lý đất nước ; các cuộc Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước đã được tăng cường và tổ chức tốt ;
- Công tác hợp tác đào tạo cán bộ Đảng và chính quyền đã được mở rộng đến mọi cấp đảng ủy ;
- Các cuộc gặp gỡ cấp Trưởng ban theo cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và hai Ban Tuyên truyền hai Đảng đã được tổ chức vào những thời điểm thích hợp ;
- Các cuộc giao lưu giữa Quốc hội Việt Nam với Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc đã thường xuyên hơn để thúc đẩy sự hợp tác hữu nghị tích cực ;
- Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc quy hoạch tổng thể và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực được hai bên nhất trí : kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục ;
- Thành lập các Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng, Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ, đồng ý tăng cường điều hành, phối hợp giữa các nhóm này và Nhóm Công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và trên các lĩnh vực phát triển toàn diện.
- Trung Quốc giúp Việt Nam đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ; thành lập cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa các bộ, ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh…
1.2. Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai quân đội :
- Các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao giữa quân đội hai nước đã được tăng cường cùng với việc thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước ;
- Các cuộc Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng quốc phòng vẫn được tiếp tục ;
- Phía Trung Quốc nhận tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ Việt Nam ;
- Nhiều thí điểm tuần tra chung trên biên giới đất liền đã được triển khai vào thời điểm thích hợp ;
- Hải quân hai nước tăng cường hợp tác trong các mặt như tổ chức tuần tra chung trong Vịnh Bắc Bộ và tàu hải quân hai nước thăm viếng lẫn nhau.
1.3. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh : chuyên gia pháp luật Trung Quốc cố vấn Bộ Công an và an ninh Việt Nam soạn thảo các dự luật an ninh viễn thông (Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/06/2018), một số luật trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm kiểu mới như lừa đảo viễn thông và sắp tới đây giúp trang bị hệ thống theo dõi định hình công dân trên khắp các thành phố lớn.
1.4. Về ngoại giao, phía Việt Nam chính thức cam kết :
- ủng hộ lập trường của Bắc Kinh : chỉ có một nước Trung Quốc và không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan ;
- thực hiện "Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc" ;
- sử dụng các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, thương mại, công an, an ninh, báo chí của hai nước và Ban Đối ngoại trung ương, Ban Tuyên giáo của hai Đảng…
2. Trên đất liền
Chiến lược củng cố khu vực biên giới phía Nam của Trung Quốc được Bắc Kinh tiến hành với ba nước ASEAN : Việt Nam, Lào và Myanmar. Tại mỗi quốc gia, Bắc Kinh thi hành cùng một chính sách : khuyến khích hình thành một vùng trái độn, gọi là "Khu hợp tác kinh tế qua biên giới", gồm các tỉnh biên giới của quốc gia sở tại với bốn tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc : Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Châu và Hải Nam. Với Việt Nam chính sách này mang tên "hai hành lang, một vành đai", theo đó :
2.1. Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt - Trung là cơ chế thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, như :
- tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới, ngăn ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới ;
- tăng cường hợp tác về cửa khẩu giữa hai nước và cửa khẩu giữa các địa phương : thúc đẩy việc mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu biên giới, áp dụng các biện pháp nâng cao mức độ tiện lợi hóa thông quan, trao đổi, bàn bạc về quy phạm hoạt động mở các đường qua lại tại khu vực biên giới.
2.2. Hai bên đồng ý về phương án tổng thể chung về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới và thúc đẩy các dự án kết nối cơ sở hạ tầng một cách và thiết thực :
- Trung Quốc giúp xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới và tích cực khuyến khích giới đầu tư Trung Quốc vào hai Khu Công nghiệp Long Giang (Tiền Giang) và An Dương (Hải Phòng) ở Việt Nam ;
- xây dựng và chỉ đạo doanh nghiệp hai nước thực hiện tốt các dự án hợp tác như gang thép (Thái Nguyên, VnSteel, Hòa Phát…) và phân đạm (Ninh Bình, Hà Bắc, VinaChem…) do doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu xây dựng tại Việt Nam ;
- thúc đẩy hợp tác trong các ngành nghề nông nghiệp, chế tạo, dịch vụ và các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, kiểm nghiệm, kiểm dịch, v.v.
2.2. Phía Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư phát triển và phía Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cần thiết cho các doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư vào các dự án phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Phía Việt Nam tạo thuận lợi để Trung Quốc thành lập Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng, bù lại phía Việt Nam được quyền thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại tại Hàng Châu.
Hai bên tạo điều kiện để Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) cung cấp các nguồn vốn cho các dự án đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng, trong đó khuyến khích sự tham gia của các nhà thầu và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc. Phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc và các nguồn vốn khác theo các quy định liên quan.
Đáng lo ngại nhất là, bất chấp khả năng sản xuất của Việt Nam, phía Trung Quốc sửa đổi "Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung", thúc đẩy thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2017. Chỉ tiêu này buộc phía Việt Nam phải nhập siêu và nợ Trung Quốc ngày càng nhiều hơn.
2.3. Về văn hóa, giáo dục và du lịch :
- "Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011-2015" cho phép nhân rộng số lượng lưu học sinh Việt Nam sang Trung Quốc học tập.
- Hai nước đã tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, như Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung nhằm bồi dưỡng ngày càng nhiều thế hệ tiếp nối sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc ; triển khai mạnh mẽ giao lưu hữu nghị giữa thanh thiếu niên, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức nhân dân ; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
- Ban tuyên giáo Việt Nam tăng cường định hướng dư luận và quản lý báo chí, thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giữ gìn đại cục quan hệ hữu nghị hai nước, làm cho tình hữu nghị Việt-Trung được kế thừa và phát huy rạng rỡ.
- Phía Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng Cung hữu nghị Việt - Trung vào năm 2017, thành lập Trung tâm văn hóa và vận hành có hiệu quả Học viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội.
- Hai nước đã ký "Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực Thác Bản Giốc" và "Hiệp định về quy chế tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân" ; giao cho Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt - Trung quyền quyết định xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới hai bên, nâng cao mức độ mở cửa hợp tác của các cửa khẩu biên giới hai nước, đặc biệt là tăng cường sự hợp tác giữa các tỉnh/khu biên giới hai bên, thúc đẩy cùng phát triển khu vực biên giới hai nước…
3. Trong Vịnh Bắc bộ
3.1. Vịnh Bắc bộ là vùng biển chiến lược :
Trong hơn 10 Tuyên bố chung và Thông cáo chung, không lần nào Vịnh Bắc bộ bị quên nhắc tới. Đối với Trung Quốc, Vịnh Bắc bộ chính là trọng tâm của sự hợp tác toàn diện giữa hai đảng và hai nước trong khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai", vì đó là hậu cứ chiến lược bảo vệ "Vành đai và Con đường" do Tập Cận Bình phát động từ năm 2013 và chính thức thực hiện từ năm 2015.
Cũng nên biết, Vịnh Bắc bộ là nơi được Trung Quốc chọn để xây dựng căn cứ tàu ngầm chiến lược (phía tây đảo Hải Nam). Nỗi lo lắng của Bắc Kinh là Việt Nam, nếu không thuyết phục được Hà Nội trong việc phân chia quyền lợi hay quyền lực trong vùng, chiến lược phòng thủ của Trung Quốc trên Biển Đông có thể sẽ bị đe dọa vì Vịnh Bắc bộ là cửa ngỏ ra vào của tàu thuyền Trung Quốc, dân sự cũng như quân sự.
3.2. Nội dung những thỏa thuận :
Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ" và "Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ" :
- kiểm tra và điều tra liên hợp nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung , tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ ;
- thúc đẩy hợp tác thăm dò, khai thác cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ ;
- tiếp tục đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ (tức ngoài khơi Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa) và tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển, sớm khởi động khảo sát chung ở khu vực này ;
- thực hiện các Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ ; nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocene khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.
Những hậu ý của Đảng cộng sản Trung Quốc
1. Về những thỏa thuận trên đất liền
Hiện nay có bao nhiêu người biết được việc chính thức mở cặp cửa khẩu quốc gia Hoành Mô - Động Trung để làm gì ? Có bao nhiêu người biết nội dung "Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc" phân chia quyền lợi như thế nào ? Có ai hiểu được hậu ý sâu xa của việc ký kết "Hiệp định tàu thuyền qua lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân", việc xây dựng các cầu qua lại biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu ? Có ai biết có bao nhiêu người Trung Quốc đã sang Việt Nam mua nhà và định cư ?...
Có ai biết lý do nào Đảng cộng sản Việt Nam đã thúc đẩy việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng "bản tệ" (ngôn từ do chính phía Việt Nam sử dụng, nghĩa là lấy đồng nhân dân tệ làm đồng tiền địa phương) ?... Có ai biết việc ký kết "Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới" giữa ngân hàng Trung ương hai nước năm 2003 không qua Quốc hội là vi hiến, đe dọa sự độc lập tài chính của Việt Nam ?
Có bao nhiêu người biết Khu công nghiệp An Dương ở Hải Phòng đi vào hoạt động từ lúc nào, sản xuất cái gì và ai được vào khu này đầu tư khai thác ?
Có ai biết Cung hữu nghị Việt - Trung được xây dựng trên khu đất rộng 14.000 m2, với một tổng đầu tư gần 800 tỷ đồng, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khánh thành hôm 12/11/2017 với mục đích gì ?
Có ai biết dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường bộ cao tốc Móng Cái - Vân Đồn đã ngốn bao nhiêu tiền ngân sách, Việt Nam đã vay mượn của Trung Quốc bao nhiêu tiền và bao nhiêu công nhân Việt Nam được quyền tham gia vào những công trình xây dựng này ?
Có ai hiểu tại sao chỉ những công ty và xí nghiệp Trung Quốc trúng thầu hầu như tất cả những đại dự án và công trình xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn miền Bắc Việt Nam ?
Có ai biết trong suốt gần 10 năm đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng (27/06/2006 – 7/4/2016), ông Nguyễn Tấn Dũng đã thỏa thuận những gì với Trung Quốc và bao nhiêu công ty Trung Quốc đã vào Việt Nam xây dựng cơ sở ?
Và đáng lo âu nhất là có ai biết bao nhiêu đảng viên cấp chính ủy đảng bộ trung ương và địa phương, cấp ủy đảng bộ quân đội, công an, an ninh, sĩ quan cao cấp trong các binh chủng đã được đưa sang Trung Quốc đào tạo về chính trị và đường lối hợp tác ? Có ai biết sau khi về lại Việt Nam những người này đã nắm những chức vụ gì trong những cơ quan và guồng máy đảng, chính quyền, quân đội và công an ? Mỗi năm có bao nhiêu sĩ quan trẻ trong các binh chủng, bao nhiêu thanh niên ưu tú của Việt Nam đã được sang Trung Quốc đào tạo ?
Để trả lời, sau những thỏa thuận đã ký với Trung Quốc, chỉ riêng một quyết định về đất đai do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 21/08/2006, số 1107/QĐ-TTg, dưới tên gọi "Quy hoạch phát triển của khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020", Việt Nam đã cho phép những người nước ngoài có quyền sử dụng một diện tích đất tổng cộng gần 32.400 ha, trong đó : Danh mục 1 gồm 117 khu công nghiệp (26.823 ha) dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và Danh mục 1 với 27 khu công nghiệp (5.560 ha) dự kiến mở rộng để đầu tư và xây dựng cơ sở. Các danh mục này không bao gồm các khu công nghiệp thuộc các khu kinh tế đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch chung từ trước. Đây là một trong những cánh cửa mở ra cho doanh nghiệp Trung Quốc tràn vào Việt Nam chọn những vùng đất tốt để đầu tư và cho tham nhũng bất động sản trong nước hối mại quyền thế để ăn chia.
2. Về những thỏa thuận trong và ngoài Vịnh Bắc bộ
2.1. Trong Vịnh Bắc bộ :
Trong những Tuyên bố chung, phía Trung Quốc không ngừng nhắc nhở phía Việt Nam phải thực hiện tốt "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ" và "Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ".
Không chỉ riêng về nghề cá (giữ gìn trật tự sản xuất nghề cá bình thường, tích cực triển khai hợp tác nghề cá), phía Trung Quốc còn gợi ý thực hiện "Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung, phấn đấu sớm đạt kết quả thực chất trong hợp tác thăm dò, khai thác chung các cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ ; bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn trên biển ở Vịnh Bắc Bộ.
Hậu ý của những đề nghị này đã quá rõ ràng :
- Nguồn cá trong Vịnh chắc chắn không còn nhiều vì tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc được trang bị hiện đại hơn đã đánh bắt cạn kiệt, chỉ còn lý do nguồn dầu khí. Nhưng theo những khảo sát gần đây nhất, trữ lượng dầu khí dưới Vịnh Bắc bộ là không đáng kể (1), như vậy chỉ còn lý do quân sự.
- Về quân sự, lo âu của Trung Quốc là dưới lòng biển. Căn cứ tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc nằm trong Vịnh Bắc bộ, đúng hơn là trong vịnh Bắc Hải-Thanh Bình, tỉnh Quảng Đông, chứ không phải ở đảo Hải Nam như đồn đoán. Với thỏa thuận cùng khai thác cấu tạo dầu khí vắt ngang Vịnh Bắc bộ, hải quân Trung Quốc có quyền tiến sát vào vùng bờ biển Việt Nam đặt cáp (cable) ngầm dưới dáy biển để phát hiện sự qua lại của tàu thuyền và tàu ngầm, đồng thời cũng để phát hiện thủy lôi của kẻ thù có thể lẻn đặt vào vùng biển này.
Để trấn an phía Việt Nam, Bắc Kinh gia tăng mật độ đàm phán của Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt-Trung. Trong năm 2013, Trung Quốc thực hiện ba dự án tưởng như vô thưởng vô phạt, đó là Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ. Riêng dự án thứ ba, thoạt nghe tưởng như không quan trọng, là Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocene khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang (chữ Holocene cũng bị viết sai cả lỗi chính tả). Thật ra, nghiên cứu lớp trầm tích dưới lòng đất chỉ là lý cớ, lý do ngoài mặt là dò tìm nguồn khí đốt dưới lòng đất Việt Nam, lý do thật là dò tìm những loại "đất hiếm" (vì Việt Nam đã giao cho một công ty Canada quyền khai thác đất hiếm tại Lai Châu), đó là chưa kể khả năng xây dựng một tuyến phòng thủ quân sự giữa sông Trường Giang (Trung Quốc) và sông Hồng Hà (Việt Nam) khi có chiến tranh.
2.2. Ngoài khơi Biển Đông :
Năm 2013, trong một Tuyên bố chung, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đồng ý : "Khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước (PVN và CNOOC), nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực".
Còn giải thích gì nữa ? Chính cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam đã đồng ý cùng nhau dò tìm và khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi cửa Vịnh Bắc bộ với Trung Quốc, tức là ngoài khơi các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa trên Biển Đông. Vụ giàn khoan dầu HD-981 hoạt động ngoài khơi Vịnh Bắc bộ từ ngày 1/5 đến 16/7/2014 gây xôn xao trong dư luận là một thử nghiêm của Trung Quốc đối với cam kết từ phía Việt Nam ; Ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam hoàn toàn im lặng trong suốt thời gian này, những phản ứng của dư luận Việt Nam chỉ là cơn bão trong ly nước. Xâu chuỗi lại những sự kiện xảy ra ngoài khơi Hoàng Sa từ năm 2014 đến nay, các loại tàu thuyền quân sự cũng như dân sự của Trung Quốc tấn công liên tục tàu cá Việt Nam "xâm phạm hải phận" của họ mà không hề gặp phản ứng mạnh nào từ phía Việt Nam, ngoài những lời lên án bâng quơ và quen thuộc của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Trong những ngày sắp tới, khi thời tiết trên Biển Đông ổn định, Bắc Kinh sẽ còn cho nhiều tàu thuyền thăm dò địa chất khác tiến sâu và tiến sát vào vùng biển độc quyền kinh tế của Việt Nam dò tìm và đo đạc. Những sự kiện này phù hợp với thỏa thuận duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên giữa hai Đảng về vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ tầm cao chính trị và chiến lược, kịp thời chỉ đạo xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển để bảo vệ đại cục.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là Việt Nam đang chơi trò gì khi ủng hộ tự do hàng hải ngoài khơi Biển Đông, mời tàu chiến quốc tế đến thăm Việt Nam, mua vũ khí của Mỹ, hợp tác quân sự với Nhật Bản và Ấn Độ ? Gián diệp nhị trùng hay là chỉ giản dị là trung gian mua vũ khí của Mỹ và phương Tây để giao lại cho Trung Quốc mỗ xẻ ?
3. Về những thỏa thuận thành lập Khu tự trị vùng biên giới mở rộng
Việc tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam đã được chuẩn bị từ năm 2000, ngay sau khi ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền với Việt Nam năm 1999, nhưng chỉ chính thức được đề cập đến trong Tuyên bố chung ngày 21/06/2013. Đây là một chủ trương lớn của Trung Quốc để củng cố an ninh vùng biên giới phía nam và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc đến 3 quốc gia ASEAN liên quan : Việt Nam, Lào và Myanmar. Trong hợp tác này, Việt Nam là đối tác quan trọng nhất về diện tích đất và dân cư, dưới tên gọi mới là "Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc".
Hội nghị lần thứ 9 Ủy ban Công tác Liên hợp giữa 4 tỉnh biên giới của Việt Nam và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)
Theo Kế hoạch công tác năm 2013 của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền hai nước, việc điều hành định chế hành chính mới này sẽ do Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới phụ trách. Phía Việt Nam cung cấp mặt bằng, phía Trung Quốc đảm nhiệm công tác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ quan hành chính và thương mại địa phương nhằm thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển, cụ thể là hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…
Các khu hợp tác kinh tế qua biên giới này làm nhớ lại Khu tự trị Thái-Mèo (1955-1962), những quan lại địa phương tự quyền ký kết những văn kiện xin sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Không hiểu bị thúc đẩy bởi động cơ nào mà Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay lại chấp nhận những thỏa thuận như loại này, một hình thức tái lập tình trạng sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh, mỗi thủ lãnh địa phương là một lãnh chúa độc lập với trung ương. Có thể nói đây là một hình thức sang nhượng chủ quyền lãnh đạo đất nước cho Trung Quốc, nếu không muốn nói là một hành động bán nước có chủ trương.
Một thí dụ cụ thể là ngày 22/03/2019, Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn tổ chức đăng cai Chương trình gặp mặt đầu xuân năm 2019 và Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban công tác liên hợp giữa bốn tỉnh biên giới Việt Nam là Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn và Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) lần thứ tư. Tại hội nghị, "hai bên nhất trí" (tức hai cấp lãnh đạo địa phương chứ không phải trung ương) tiếp tục tăng cường hợp tác, giao lưu hữu nghị ; đi sâu hợp tác thiết thực các lĩnh vực trọng điểm ; tăng cường giao lưu hợp tác các cấp ủy đảng và đơn vị trực thuộc của các bên ; tăng cường giao lưu đối ngoại nhân dân để củng cố nền tảng hữu nghị và tăng cường hợp tác quản lý biên giới, cùng xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị. Ðồng thời (nên lưu ý) bốn tỉnh biên giới của Việt Nam cũng ký kết 7 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Hai bên nhất trí duy trì cuộc gặp mặt đầu xuân trở thành hoạt động hằng năm ; duy trì các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có, tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn... (2).
Cho tới nay (tháng 6/2019) không ai biết phía Trung Quốc đã và đang xây dựng những gì trên toàn lãnh thổ miền Bắc. Chỉ sau khi xảy ra sự cố, dư luận trong nước mới hay biết sự thật. Thí dụ như vào cuối tháng 11/2018, báo Soha.vn loan tin "Trung đoàn 921 về Yên Bái : Su-22 đoàn Không quân Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc" (3), dư luận trong nước mới giật mình khám phá an ninh khu vực biên giới phía Bắc đang bị đe dọa. Rồi nếu không có phát biểu của Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó tư lệnh quân khu 2, tại diễn đàn Quốc hội ngày 30/05/2019 lên tiếng báo động : "Nhiều sông, suối ở biên giới đang bị ô nhiễm" (4), không ai hay biết nạn ô nhiễm môi trường trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc do nước thải độc hại từ các khu công nghiệp, chế xuất… của Trung Quốc đổ vào các sông suối xuyên biên giới chảy về Việt Nam đã nguy ngập đến dường nào. Đó là chưa kể Việt Nam đã cùng Trung Quốc thác Bản Giốc từ một vài năm trở lại đây.
Nhìn chung, quyền lãnh đạo 7 tỉnh khu vực biên giới phía Bắc đang vuột khỏi tầm tay của Đảng cộng sản Việt Nam. Nỗi lo của 20 cựu sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014 và 97 triệu dân Việt Nam là có cơ sở : Đảng cộng sản Việt Nam đang tự nguyện hiến 7 tỉnh biên giới Việt Nam thành một khu tự trị của Trung Quốc "như Nội Mông, Tây Tạng hay Quảng Tây". Nếu vì bất cứ một lý do nào, bị xúi giục hay tự nguyện, dân cư trong 7 tỉnh này xuống đường yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý xin sát nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, phản ứng của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ ra sao ? (Việc Quốc hội Việt Nam trì hoãn Luật biểu tình không phải vì lo sợ sự chống đối của giới đối lập và nghiệp đoàn mà vì lo sợ những cuộc biểu tình của dân cư 7 tỉnh biên giới phía Bắc).
Cũng theo dự phóng này, cố vấn Trung Quốc trong các Nhóm công tác biên giới đang xúc tiến ráo riết để trong một tương lai không xa hội nhập các tỉnh biên giới của Việt Nam, Lào và Myanmar vào các tỉnh biên giới phía nam của Trung Quốc. Nhiều giả thuyết cho rằng Quảng Ninh có thể sẽ hội nhập vào tỉnh Quảng Đông hay Hải Nam, 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang vào tỉnh Quảng Tây, trong khi 3 tỉnh còn lại là Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên sẽ cùng với 3 tỉnh biên giới của Lào là Phongsali, Udongsai, Luangnamtha và bang Kachin của Myanmar sẽ cùng hội nhập vào tỉnh Vân Nam.
Qua chủ trương kết hợp những tỉnh biên giới Việt Nam và Trung Quốc, chỉ tốn vài chục tỷ USD, Trung Quốc có thể thu tóm những vùng lãnh thổ chiến lược và kinh tế rộng lớn nhất và tốt nhất của Việt Nam mà không tốn một viên đạn. Cột mốc năm 2020 đang lừng thừng đi tới…
Động cơ và hệ lụy của những thỏa thuận đã ký với Trung Quốc
Ai là thủ phạm trong việc chuyển nhượng chủ quyền lãnh đạo đất nước ?
Chắc chắn không phải là Trung Quốc. Phía Trung Quốc không có gì để giấu, tất cả những việc gì họ muốn, đã đang và sẽ làm ở Việt Nam đều công khai và tuân hành đúng theo luật pháp và cách tổ chức của chế độ cộng sản Việt Nam, nghĩa là Đảng cộng sản quyết định, Quốc hội hợp thức hóa bằng luật pháp, Chính phủ thi hành. Phía Trung Quốc chỉ thực hiện đúng những gì họ đã hứa, đã ký và công bố.
Chính Đảng cộng sản Việt Nam mới là thủ phạm chuyển nhượng chủ quyền đất nước cho Trung Quốc qua việc ký kết những thỏa thuận với Trung Quốc trong âm thầm và không muốn dư luận trong nước, kể cả trong Đảng biết.
Nhưng tại sao Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lại dễ dàng ký kết những thỏa thuận có thể dẫn đến mất chủ quyền và bất lợi cho Việt Nam ?
Có nhiều lý do để giải thích :
- Vì lo sợ mất địa vị lãnh đạo, do đó phải nhờ Trung Quốc bảo hộ. Mất quyền lãnh đạo là mất tất cả : địa vị, quyền thế và bỗng lộc do địa vị mang lại ; đáng lo nhất là mất tính mạng do trả thù báo oán.
- Vì tưởng có thể lợi dụng được sự giúp đỡ của Trung Quốc để phát triển (không cần phải bỏ công và bỏ của cũng vẫn có bộ mặt phát triển như thiên hạ), qua đó tranh thủ được niềm tin đảng viên và sự kính phục của dân chúng.
- Vì tưởng nhượng bộ và chiều lòng Trung Quốc thì sẽ không còn bị hiếp đáp và mất thêm lãnh thổ.
- Cuối cùng vì khờ khạo và lòng tham : nắm vững tâm lý và trình độ kiến thức của những đối tác Việt Nam (Bộ chính trj và Trung ương Đảng cộng sản), những cố vấn Trung Quốc đã biết khai thác bằng tiền, bằng gái đẹp, bằng hứa hẹn địa vị để khuyến dụ những người có trách nhiệm chấp thuận tất cả những điều kiện do phía Trung Quốc đưa ra.
Một vài thí dụ về sự khờ khạo : phía Trung Quốc vẽ ra bức tranh thật đẹp về phồn vinh và phát triển tại những nơi mà họ muốn đến xây dựng cơ sở và khai thác tài nguyên, như các tỉnh khu vực biên giới, thành phố dọc bờ biển Vịnh Bắc bộ, các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, hay tại các tỉnh trên Tây Nguyên, Đồng Nai, Tiền Giang và Kiên Giang ; họ còn đề nghị xây xa lộ cao tốc, đô thị thông minh để mời gọi những cấp lãnh đạo Việt Nam ký kết chấp thuận. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, từ trung ương đến địa phương, đều bị mê hoặc và chấp thuận tất cả, có nhiều bộ trưởng còn sử dụng danh xưng "giữ gìn đại cục" để chỉ trích những ai chống đối.
Gần đây nhất là khu đô thị Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong một lúc cao hứng đã khai toẹc ra rằng muốn nhờ Trung Quốc biến Thủ Thiêm thành Phố Đông (Pudong như Thượng Hải). Điều này cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam đang tìm mọi cách chiếm lại Thủ Thiêm từ tay Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để giao lại cho phía Trung Quốc thực hiện ước mơ đó, kể cả vay nợ và nhượng luôn quyền quản trị trong một thời gian dài.
Cái bẫy mà cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị sa vào trước đó là hình ảnh "Người hùng đem lại phồn vinh cho Việt Nam" : thành lập nhiều đại công ty có tầm vóc quốc tế kiểu những chaebol của Đại Hàn, tăng vốn cho Tập đoàn PVN mở rộng tầm hoạt động ra nước ngoài (Venezuela), cho những đại gia bất động sản vay tiền từ các Ngân hàng đầu tư do Trung Quốc cung cấp vốn. Để đáp trả, Nguyễn Tấn Dũng cho phép Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác bô-xít Đắc Nông (2005) gây ô nhiễm môi trường, vào Tiền Giang lập Khu công nghiệp Long Giang (2007) gây ô nhiễm sông ngòi, Formosa Hà Tĩnh (2008) gây ô nhiễm bờ biển phía bắc miền Trung, xây dựng đường ống sông Đà (2009) liên tục bị vỡ, nhà máy đạm Ninh Bình (2011) để rồi bỏ hoang, nhiệt điện than… dọc vùng biển miền Nam gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường... Nói chung tất cả những đại dự án chủ trương lớn của Đảng cộng sản Việt Nam đang là những tai họa về môi trường và ngân sách quốc gia.
Với những số tiền khổng lồ (hàng chục tỷ USD) được Trung Quốc cho vay, thay vì dùng vào đầu tư nghiên cứu phát triển những quan chức cao cấp trong Đảng cộng sản Việt Nam lập hồ sơ giả để rút tiền bỏ vào túi riêng. Nhưng những quan tham nhũng lại quên một điều then chốt : Trung Quốc không cho ai một cái gì và cũng không cho không một cái gì và họ cũng không có luôn sự rộng lượng của Ông già Noel. Giới đầu tư Trung Quốc không bao giờ làm từ thiện hay nghĩ tới từ thiện. Họ là những người thực dụng : bỏ tiền ra để mua một món hàng chứ không cho không hay làm từ thiện. Họ là những người chi tiền, do đó tự coi có quyền tuyệt đối trên những số tiền đã bỏ ra. Ai đánh cắp hay sử dụng sai trái những đồng tiền đó chắc chắn phải bị trừng phạt : giới giang hồ có luật Thiên địa hội, doanh nhân Trung Quốc có Ủy ban Kiểm tra trung ương do Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo.
Nhìn lại những vụ án chống tham nhũng gần đây, gọi là "đốt lò", rồi những luật đất đai, luật đặc khu, luật an ninh mạng, luật lao động… tất cả đều diễn ra một cách có hệ thống, đúng theo thứ tự thời gian, và ngày càng thúc bách, cho dù ông Nguyễn Phú Trọng có bị đột quỵ hay không. Xâu chuỗi lại những sự kiện, người ta dễ dàng nhận xét những sự kiện này đang diễn ra theo một lộ trình đã được quyết định từ bên kia biên giới phía Bắc đưa sang.
Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Đảng cộng sản đã xử nhiều vụ án lớn, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan cao cấp trong Bộ Chính trị, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và nhiều bộ ngành khác bị điều tra và tống giam. Ai cũng mừng vì tưởng rằng vị Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quyết tâm diệt trừ tham nhũng, "lò nóng lên rồi, củi tươi vào cũng phải cháy".
Nhưng ai bị cháy ? Soi kỹ lại từng vụ việc, những thanh củi bị đốt toàn là những người đã từng nắm giữ những chức vụ liên quan đến những nguồn lợi mà phía Trung Quốc đã bỏ tiền ra nhưng không được sử dụng đúng mục tiêu và nay, qua trung gian Đảng cộng sản Việt Nam, muốn thu hồi lại. Tại sao chỉ Vinashin, Vinalines, PVN, MobiFone-AVG, BIDV, Casino, bất động sản Đà Nẵng… bị truy tố mà không xảy ra ở những công ty hay cơ quan nào ở những địa phương khác ?
Kiểm điểm lại danh sách những người bị bắt, tất cả đều dính líu không nhiều thì ít đến những số tiền mà phía Trung Quốc đã đổ vào Việt Nam, đặc biệt là dưới thời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để xây dựng hạ tầng cơ sở chuẩn bị cho sự hiện diện lâu dài của người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam, qua các định chế ngân hàng, tập đoàn bất động sản, du lịch, khách sạn và giải trí… Đó là những Ngân hàng OceanBank, Sacombank, DAB, VNCB, BIDV, những đại công ty quốc doanh TKV, EVN, PVN, PetroLimex, VinaShin, VinaLines…
Trên đất nước này, từ Bắc vô Nam, không nơi nào không có tham nhũng qui mô ở cấp cao và nạn ăn cắp tiền công quỹ. Chỉ cần khui ra một vài dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư phát triển dọc các vùng biên giới miền Bắc, miền Trung và miền Nam dư luận sẽ dựng tóc gáy nếu biết những số tiền thực sự bị biển thủ hay đánh cắp. Những quan tham rất dễ nhận diện : chỉ cần nhìn vào dinh thự, cơ ngơi địa ốc, nhà cửa, nội thất và cách ăn xài của con cháu họ là biết. Nhưng hiện nay chỉ những quan tham và những người đối lập nào động chạm đến quyền lợi của người Trung Quốc mới bị trừng trị. Một sự kiện đáng chú ý là sự giàu sang của những quan địa phương trong 7 tỉnh biên giới - thể hiện qua các dinh thự, biệt phủ được xây dựng một cách lộ liễu ở những khu đất vàng giữa thành phố hay trong những khu rừng thuộc vườn quốc gia - không hề được báo chí nhắc tới và cũng không ai dám đụng tới.
Song song với lãnh vực quốc doanh, nhiều tập đoàn tư nhân Trung Quốc đã bỏ tiền tài trợ những đại gia bất động sản ở Việt Nam như VinGroup, NovaLand, FLC Group, SunGroup… thay mặt họ chọn những vùng đất tốt, đắc địa để xây dựng cơ ngơi, nhà cửa và cơ xưởng sản xuất. Phương thức hợp tác với những đại gia Việt Nam xem ra có vẻ thành công vì những người này biết đút lót đúng người, đúng chỗ để thâu tóm những vùng đất béo bỡ cho những chủ đầu tư. Những vùng đất béo bỡ là gì ? Đó là những khu đất vàng, đất tốt giữa trung tâm thành phố, cạnh những bờ biển đẹp, những trục giao thông lớn, nhà ga, phi cảng, bến sông, bến cảng, thuận hợp phong thủy… để xây cơ sở, địa ốc, nhà cửa.
Tại sao những chủ sòng bạc, đặc biệt là sòng bài công nghệ cao cũng bị đưa vào lò ? Tại vì tổ chức casino sòng bài, cờ bạc là nghề của người Hoa ; Hồng Kong và Mã Cao trước kia là thiên đường của những sòng bạc quốc tế. Nhớ lại Mạc Cửu thế kỷ 17, một người Hoa gốc Quảng Đông chạy loạn nha Minh xuống Hà Tiên tị nạn, tại đây Mạc Cửu đã xây dựng cho mình một thế lực lớn bao gồm nhiều lãnh địa dọc bờ biển Vịnh Thái Lan nhờ tổ chức sòng bạc. Tất cả những quân cướp biển địa phương đều đến Hà Tiên tiêu xài tiền bạc trong những sòng bài do Mạc Cửu làm chủ. Ngày nay, trong những đặc khu nhượng cho Trung Quốc quyền quản lý 99 năm như Boten, Sihanoukville, sinh hoạt cờ bạc rất là năng động, những chủ sòng bài đều là người Trung Quốc. Những sòng bài ở Boten (Bắc Lào) là để thu hút nguồn tiền do buôn lậu nha phiến mang lại, tại Sihanoukville để thu hút nguồn tiền của người bản địa giàu có trong Vịnh Thái Lan. Hai ông tướng công an Việt Nam, mờ mắt trước những số tiền khổng lồ thu được, đã không biết điều đó nên đã bị bắt và bị tước đoạt hết mọi quyền lợi (chắc chắn là bị "kẻ lạ" tố cáo). Qua những vụ bắt bớ này, thông điệp của phía Trung Quốc đã rất rõ ràng : không ai có được quyền tranh giành tổ chức cờ bạc với người Trung Quốc.
Tại sao đánh lớn vụ PVN và AVG ? Rất dễ hiểu : Trong những Tuyên bố chung, Bắc Kinh muốn Việt Nam chia phần trong việc khai thác tài nguyên dầu khí dưới Biển Đông, và muốn hệ thống truyền thông Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, qua Hoa Vi. Dưới thời "Đồng chí X", PVN đã tỏ ra cứng đầu không ăn chia với các công ty offshore Trung Quốc mà còn kết cấu với các công ty dò tìm quốc tế khác khai thác thềm lục địa. Về truyền thông trên mạng, chính Thủ tướng Việt Nam, Phúc nổ, ca ngợi kỹ thuật cao của Hoa Vi và mong muốn hợp tác để học hỏi kinh nghiệm.
Trở lại với những tập đoàn bất động sản tư nhân do tư sản Trung Quốc chống lưng, thời vàng son của tiền bạc dễ dàng đang chấm dứt. Để thực hiện chiến lược Sáng kiến vành đai con đường sau cột mốc 2020, Bắc Kinh muốn doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp vào Việt Nam đầu tư xây dựng cơ sở mà không cần phải qua trung gian những tập đoàn bất động sản tư nhân Việt Nam do họ cấp vốn và cấp phương tiện dựng lên như trước. Thật ra Trung Quốc không muốn Việt Nam có những đại gia đầy quyền lực, họ đang nhờ bàn tay của Đảng cộng sản để loại trừ như vụ bắt giữ Phạm Nhật Vũ (em trai đại gia Phạm Nhật Vương, VinGroup), đang điều tra những Mường Thanh, Vạn Thịnh Phát, Quốc Phương Gia Lai, FLC, SunGroup…
Đà Nẵng là một thí dụ điển hình khác, vụ bắt giữ Vũ nhôm cho thấy giới đầu tư Trung Quốc không còn muốn qua trung gian quan chức địa phương để xây dựng cơ sở khai thác dịch vụ du lịch và khách sạn, họ muốn liên lạc thẳng với những cán bộ đảng ủy địa phương. Tất cả những mục tiêu chiến lược trên địa bàn Đà Nẵng đều đã thành tựu : Tổng lãnh sự quán Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo sinh hoạt của những xí nghiệp lớn của người Trung Quốc tại Đà Nẵng vàn bán đảo Sơn Trà, trong tương lai sẽ lấn ra đảo Lý Sơn.
Có thể nói gần như toàn bộ những đảng viên có địa vị và quyền lực trong Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, từ trung ương đến địa phương là những tay sai đắc lực cho thế lực đồng tiền. Quốc hội Việt Nam chỉ là cơ quan ăn theo và có nhiệm vụ hợp thức hóa và hợp lệ hóa những quyền lợi của phía Trung Quốc tại Việt Nam.
Cái gì sẽ xảy ra sau năm 2020 ?
Đảng cộng sản sẽ tiếp tục ký thêm những thỏa mới với Trung Quốc bất lợi cho Việt Nam
Như đã nói, Sáng kiến Vành đai Con đường và Tập Cận Bình đã chính thức đi vào hoạt động năm 2015. Trong suốt giai đoạn từ 2015 đến 2018, chuyên gia Trung Quốc trong những Nhóm công tác đã ráo riết làm việc với những đối tác Việt Nam từ các cấp đảng cao nhất đến các cấp bộ, ngành liên quan, đặc biệt là những Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Giao thông và vận tải, Giáo dục…
Trước mắt có hai công tác lớn dọn đường cho những nhà đầu tư lớn của Trung Quốc đến từ Hoa Nam vào Việt Nam khai trương cơ sở kinh doanh và thương mại một cách đại trà : thuê bao dài hạn 3 đặc khu kinh tế và xây dựng đường bộ cao tốc và đường sắt Bắc-Nam. Phía Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn tiền, phương tiện và người tham gia xây dựng ; họ đang chờ phía Việt Nam cung cấp đất và tạo điều kiện pháp lý để hợp thức hóa sự hiện diện lâu dài của người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam, qua những luật mà Quốc hội Việt Nam sắp ban hành. Thời gian thực hiện dự trù bắt đầu vào năm 2019. Vấn đề còn lại là chọn thời điểm nào để ra một Tuyên bố chung. Thời điểm đó được dự trù vào dịp Diễn đàn Sáng kiến Vành đai Con đường lần thứ hai họp tại Bắc Kinh từ ngày 25 đến 27/04/2019. Nhưng không may cho Tập Cận Bình (nhưng là cái may cho dân tộc Việt Nam) : Dự Luật đặc khu bị "dân chúng bất mãn" chống đối nên phải gác lại. Ông Nguyễn Phú Trọng, cấp lãnh đạo cao nhất Việt Nam, bị đột quỵ không thể đi phó hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thay nhưng không phải là cấp lãnh đạo tối cao đủ tư cách để thay mặt Tổng bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ra một Tuyên bố chung có tầm quan trọng quyết định đến tương lai Việt Nam với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng cho dù có thế nào đi chăng nữa, Bắc Kinh sẽ làm áp lực với Hà Nội để bộ Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Luật đặc khu, sớm được Quốc hội Việt Nam thông qua.
1. Ba đặc khu kinh tế
Tháng 6/2018, sau khi hay tin Quốc hội Việt Nam thảo luận về Dự Luật đặc khu kinh tế, quy định cho nhà đầu tư nước ngoài quyền thuê đất dài hạn trong 99 năm, một làn sóng phẫn nộ xảy ra tại khắp nơi, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình chống Luật đặc khu.
Theo nhận xét riêng, tin về Dự Luật đặc khu và những cuộc biểu tình đều do Đảng cộng sản tung ra và tổ chức. Ai tung tin, ai vận động tổ chức biểu tình, và nhằm mục đích gì, người đó chỉ có thể là chính quyền hay Đảng cộng sản Việt Nam. Làm sao có thể qui tụ một cách bất ngờ trong một ngày số người biểu tình đông đảo lên đến hàng chục ngàn người và xuất hiện đồng loạt tại nhiều tỉnh thành lớn với những ban rôn đã in sẵn bằng chữ lớn nếu không có chuẩn bị trước ? Có thể Đảng cộng sản muốn đo lường phản ứng của người dân trước một hành động mang tính "bán nước" quá lộ liễu đến như vậy.
Từ đó dư luận trong nước mới biết Đảng cộng sản Việt Nam muốn qua công cụ trung gian là Quốc hội để biểu quyết hợp thức hóa Dự Luật đặc khu (6 chương, 88 điều) để thỏa mãn yêu sách cho người nước ngoài thuê ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong 99 năm. Mặc dầu chính quyền cộng sản Việt Nam cứ loanh quanh, biện bạch cải chính, mọi người đều biết ba đặc khu này chỉ dành riêng cho Trung Quốc. Trong vụ việc này, cái vô lý là Dự luật đặc khu viết rất rõ ràng và chi tiết cách điều hành của đặc khu sau khi cho thuê, như thể chính quyền Việt Nam là người trực tiếp điều hành mọi sinh hoạt trong đặc khu. Vấn đề là sau khi cho thuê 99 năm, người nước ngoài có toàn quyền sử dụng vùng đất đó theo những mục tiêu đã khai báo trước, chính quyền Việt Nam lấy tư cách gì để vào can thiệp ? Cũng như chủ nhà làm sao có quyền chỉ đạo người thuê cách sử dụng điện nước, đi lại và sinh hoạt sau khi cho thuê ?
Chỉ riêng đặc khu Vũng Áng Hà Tĩnh với 228 km2 diện tích và thời hạn cho thuê 70 năm, sau khi Formosa Hà Tĩnh (33 km2) gây ra sự cố ô nhiễm, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phải chờ hơn 10 ngày sau mới được vào tham quan, vì đây là khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài không thuộc thẩm quyền của chính quyền Việt Nam, và khi được vào thăm ông Trọng cũng chỉ đi thăm những nơi người nước ngoài muốn cho đi thăm và không dám nhắc tới vụ cá chết hàng loạt.
Tại sao Trung Quốc chọn ba địa điểm này ? Hoàn toàn vì những mục tiêu chiến lược phục vụ cho kế hoạch Sáng kiến Vành đai Con đường của Tập Cận Bình. Kế hoạch này đã được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình công bố tại Kazakhstan tháng 9/2013 và chính thức khởi động năm 2015.
Hậu ý kinh tế của Trung Quốc trong những đặc khu kinh tế này là để xây dựng cơ sở và hãng xưởng với lực lượng nhân công đến trực tiếp từ Trung Quốc sản xuất hàng hóa ngay trên lãnh thổ Việt Nam, rồi sau đó xuất khẩu sang những quốc gia khác với nhãn "Made in Vietnam", như vậy Trung Quốc sẽ không còn bị chỉ trích là hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam. Không một người Việt Nam nào được hưởng lợi trong những thương vụ này, kể cả chính quyền cộng sản Việt Nam, vì tất cả đều do người Trung Quốc trực tiếp quản lý và điều hành.
1.1. Đặc khu kinh tế Vân Đồn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, là quần đảo lớn nhất khu vực miền Bắc, diện tích 2.171,33 km2 (đất liền 581,83 km2) và mặt biển 1.589,5 km2, tập hợp hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ. Với ưu thế, Vân Đồn được đánh giá là có những tiềm năng nổi trội để xây dựng một Đặc khu của miền Bắc.
Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh theo Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/21012.
Từ năm 2007, Trung Quốc đã cho Việt Nam vay vốn để xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn, với mục tiêu trên danh nghĩa là thúc đẩy phát triển kinh tế ở Quảng Ninh, nhưng trong thực tế là chuẩn bị mặt bằng để giao cho Trung Quốc thuê dài hạn 99 năm. Ông Phạm Minh Chính, cựu bí thư Quảng Ninh, còn đề nghị tăng thời hạn cho Trung Quốc thuê lên 120 năm (5). Đảng cộng sản Việt Nam hy vọng qua việc cho thuê này, Trung Quốc sẽ biến Vân Đồn thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, một trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế với một khu thương mại phi thuế quan (6). Phục vụ giao thông cho Khu kinh tế Vân Đồn có Cảng Vạn Hoa và Sân bay quốc tế Vân Đồn, do Tập đoàn SunGroup xây dựng và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai trương ngày 31/12/2018.
Trong thực tế, đặc khu kinh tế Vân Đồn đã nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc từ lâu rồi, vấn đề còn lại chỉ là hành chính, nghĩa là hợp thức hóa sự hiện diện của người Trung Quốc trên vùng đất này bằng Luật đặc khu.
Vân Đồn là nơi xuất phát bằng đường biển chiến lược Sáng kiến Vành đai Con đường và cũng là nơi gần những căn cứ hải quân chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là căn cứ tàu ngầm chiến lược Nam Hải (Quảng Đông). Không ai biết Trung Quốc sẽ xây dựng những gì trong đặc khu Vân Đồn sau khi được quyền sử dụng 99 năm. Nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, Vân Đồn chắc chắn sẽ là một căn cứ phòng thủ hỗ trợ hải quân Trung Quốc.
1.2. Bắc Vân Phong là một khu kinh tế nằm ở phía bắc Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, với một diện tích rộng 1500 km², trong đó phần trên biển rộng tới 800 km². Khu này được thành lập vào năm 2006 với mục tiêu trở thành một hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam.
Đây là một đặc khu kinh tế tổng hợp gồm hai khu : Khu phi thuế quan gồm : khu cảng trung chuyển container quốc tế là chính, khu hậu cần cảng và khu trung tâm thương mại – tài chính. Còn khu thuế quan gồm khu cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và khu hành chính.
Trung Quốc dự trù sẽ xây dựng đặc khu kinh tế này thành một biểu tượng thu hút sự nễ trọng của những quốc gia ASEAN khi hợp tác với Trung Quốc. Hiện nay hàng chục ngàn "du khách Trung Quốc" đến Nha Trang đang chờ được vào đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong làm việc.
Về chiến lược, Bắc Vân Phong là một hải cảng ven bờ xa Trung Quốc nhất về phía nam. Nếu có xảy ra xung đột trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ biến Bắc Vân Phong thành một căn cứ tiếp liệu hậu cần ho tàu thuyền của họ hoạt động trên Biển Đông, đồng thời cũng là căn cứ do thám sự ra vào của các tàu chiến Việt Nam và quốc tế trong vịnh Cam Ranh.
1.3. Đặc khu kinh tế Phú Quốc gọi tắt là Đặc khu Phú Quốc là một huyện của tỉnh Kiên Giang ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km².
Khu kinh tế Phú Quốc chính thức được thành lập ngày 22/5/2013, theo quyết định số 31/2013/QĐ-TTg. Khu kinh tế Phú Quốc chính thức được thành lập khi quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/07/2013. Khu này được quy hoạch làm một trung tâm kinh tế biển tổng hợp mạnh của cả nước và sẽ là một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, tức chính quyền Hà Nội.
Tiềm năng kinh tế và du lịch của khu kinh tế này rất lớn nhờ có một bờ biển đẹp và nhiều hải cảng nước sâu. Trung Quốc dự trù sau khi có toàn quyền sử dụng đặc khu kinh tế này, bộ mặt của Phú Quốc sẽ được cải đổi để trở thành tụ điểm du lịch vùng biển cao cấp nhất Đông Nam Á.
Về chiến lược, đặc khu kinh tế này được Trung Quốc dành cho các mục tiêu kinh tế và dịch vụ du lịch triển khai Sáng kiến Vành đai Con đường của Tập Cận Bình, vì Sihanoukville không phải là một cảng nước sâu nên tàu thuyền lớn không thể vào neo đậu được. Hơn nữa Trung Quốc đang biến Sihanoukville thành một căn cứ quân sự.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng xuống Kiên Giang tham quan trong tháng 4/2019 vừa qua không phải tình cờ, ông có sứ mệnh thuyết phục "lãnh chúa địa phương" Nguyễn Thanh Nghị, con trai trưởng của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chấp thuận để cho Trung Quốc thuê đảo Phú Quốc làm đặc khu kinh tế trong 99 năm, một khi luật đặc khu được Quốc hội thông qua.
1.4. Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam muốn thỏa mãn yêu sách thuê ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc của Trung Quốc trong 99 năm ?
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cũng nên tìm hiểu cách cho vay của Trung Quốc. Khác với các định chế tài chính quốc tế, cho vay qua ngân hàng với những điều kiện và khả năng thanh khoản cùng những lãi suất rõ ràng, phía Trung Quốc cho vay theo kiểu tiệm cầm đồ hay chơi hụi. Người vay tiền phải thế chấp một món hàng tương với số tiền muốn vay, khi trả không được thì chủ nợ siết món hàng thế chấp, đó là trường hợp của Sri Lanka với cảng Hambantota nhượng cho Trung Quốc 99 năm, hay nước Tajikistan (Trung Á) với một phần lãnh hồ rộng hơn 1000 km2 trong tỉnh tự trị Gorno-Badakhshan trên cao nguyên Pamirs đã được chuyển giao cho Trung Quốc để trả các khoản nợ. Chính vì thế, phải hiểu cho Trung Quốc thuê bao 99 năm là một hình thức bị siết nợ hay cấn nợ. Việc một ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức trung ương, ông Phạm Minh Chính đề nghị cho Trung Quốc thuê 120 năm (5) là một thái độ tôi đòi, nịnh bợ đáng khinh bỉ.
Đối với Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á khác, Trung Quốc cho vay kiểu chơi hụi : muốn vay bao nhiêu cũng được nhưng sau khi hốt hụi rồi thì phải trả tiền lời lẫn vốn cho những người cho vay với những lãi suất rất cao cho tới khi người tới cho vay cuối cùng thu hồi vốn (hốt hụi) mới chấm dứt. Nhưng với Việt Nam, người cho vay cuối cùng này sẽ không bao giờ hết vì phía Trung Quốc luôn đẻ ra những đề án mới buộc Việt Nam phải vay thêm. Một thí dụ, sau khi "trúng thầu" tất cả những dự án xây đường bộ và đường sắt tại miền Bắc, Trung Quốc đang đề nghị qua hình thức "đấu thầu" xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc Nam, và những dự án đại trà kế tiếp…
Sự gian manh của phía Trung Quốc mà nhiều người tưởng là tốt bụng muốn giúp những quốc gia yếu kém hơn vay tiền bằng cách khuyến khích vay càng nhiều càng tốt, dưới hình thức thương vụ để PIB của quốc gia được vay gia tăng đáng kể. Trung Quốc khuyến khích Việt Nam gia tăng thương vụ từ 10 tỷ USD năm 2010 lên 100 tỷ USD năm 2017, sự sai biệt giữa hai con số này trong khoảng thời gian 7 năm là những khoảng nợ khổng lồ mà Việt Nam phải vay của Trung Quốc.
Nếu không trả được nợ thì sao ? Thì phải thế chấp ! Việc Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hối thúc Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sớm thông qua những dự luật bất lợi cho nền độc lập và chủ quyền đất nước khiến dư luận suy đoán là để khất nợ, hay trừ nợ. Chấp thuận cho Trung Quốc thuê ba đặc khu kinh tế trong 99 năm là một hình thức cấn nợ, hay bị siết nợ/ Hiện nay tổng số nợ này phải cao gấp ba lần khoảng nợ mà Sri Lanka đã vay của Trung Quốc.
Sắp tới đây dư luận Việt Nam sẽ còn sửng sốt trước những tin Trung Quốc yêu cầu Việt Nam nhường cho họ quyền xây xa lộ cao tốc Bắc Nam để vận chuyển người và hàng hóa nhanh xuống miền Nam. Những yêu cầu này chắc chắn sẽ được chấp thuận vì, như đã nói, Đảng cộng sản Việt Nam muốn nhờ Trung Quốc vẽ cho mình bức tranh phồn vinh do đó sẽ dành cho người họa sĩ toàn quyền chọn sơn và cảnh vật. Chưa hết, xây dựng xong xa lộ cao tốc, phía Trung Quốc sẽ còn đòi thêm quyền xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, cảng sông Biên Hòa, phi cảng Long Thành, các khu đô thị thông minh Thủ Thiêm, Long Hưng, Long Tân (Biên Hòa), rồi quyền sở hữu nhà đất…
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành đưa vào khai thác - Ảnh an toàn giao thông
Tham vọng, nếu không muốn nói âm mưu, của Trung Quốc tại Việt Nam là muốn làm chủ toàn bộ sinh hoạt kinh tế của miền Nam, loại trừ thế lực kinh tế và ảnh hưởng văn hóa của người Hoa miền Nam, Đài Loan, Nhật Bản và Đại Hàn, và làm chủ luôn vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.Việc cố ý trì trệ thanh khoản 100 triệu USD cho nhà thầu Nhật Bản để tiếp tục công trình xây dựng hệ thống đường sắt nội thành Thành phố Hồ Chí Minh là một thí dụ. Ai cũng thấy hậu ý của Bắc Kinh, qua trung gian Đảng cộng sản Việt Nam, là muốn hất cẳng Nhật ra khỏi miền Nam để giao cho Trung Quốc quyền xây dựng độc tôn những hệ thống đường sắt nội thành Thành phố Hồ Chí Minh và trong tất cả tỉnh thành phố khác ở miền Nam Việt Nam.
2. Việt Nam sau năm 2030
Nhưng tham vọng của Bắc Kinh trên lãnh thổ Việt Nam không dừng ở đó, họ muốn chơi lá bài trường kỳ, nghĩa là đảm nhiệm luôn công tác trồng người (bách niên chi kế mạc như thụ nhân). Hiện nay Trung Quốc đang nhắm vào thế hệ thanh thiếu niên sinh sau năm 2000, tức những thế hệ không dính líu gì tới quá khứ chiến tranh và tranh chấp với Trung Quốc trong những thập niên 1970 và 1980. Một việc làm âm thầm nhưng bền bỉ của Nhóm công tác văn hóa trong Bộ giáo dục là sửa đổi lại các sách giáo khoa về phần lịch sử có tranh chấp với Bắc triều, loại bỏ tiếng Anh và thay thế bằng tiếng Quan thoại như sinh ngữ 1. Thời gian đang ưu đãi Trung Quốc vì những thế hệ Cách mạng tháng 8, chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đang mai một dần và biến mất. Những thế hệ lớn lên trong chiến tranh Việt Nam - Hoa Kỳ và Việt Nam - Trung Quốc hiện nay đang cầm quyền không có ưu tư nào về chủ quyền lãnh thổ và độc lập dân tộc, con cháu của họ không có lý tưởng, chỉ biết tới quyền và tiền.
Có lẽ chính vì vậy, trong lần xuất hiện ngày 16/05/2019 tại Hội nghị Trung ương 10 tại Hà Nội, ngoài ba câu hỏi về định chế : "Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không ? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không ? Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam hay không ?", ông Nguyễn Phú Trọng còn đặt thêm một hỏi có vẻ bâng quơ nhưng qua đó đã phác họa viễn ảnh của một nước Việt Nam mới : "Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào ? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào ?" (7).
Năm 2030 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 2045 là kỷ niệm 100 năm ngày cướp chính quyền trong Cách Mạng Tháng 8. Lời nói của một người biết mình đang gần đất xa trời luôn luôn thành thật. Ông Nguyễn Phú Trọng có lẽ là người thấy rõ tương lai Việt Nam qua hai mốc thời gian này. Những gợi ý kỷ niệm 100 năm chỉ là lý cớ, lý do thật sự là bước vào ngưỡng cửa hai mốc thời gian này nước Việt Nam sẽ thuộc về ai và mang tên gì.
Sự lệ thuộc vào Trung Quốc hiện nay mọi người đều rõ, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh đến văn hóa và giáo dục, không có lãnh vực nào không có dấu ấn bàn tay Trung Quốc. Những cố gắng biện bạch ông Nguyễn Phú Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam đang muốn thoát Trung để xích lại gần Mỹ chỉ xuất phát từ những người ở ngoài Đảng hay chống lại đảng cộng sản. Còn những thành phần cán bộ, đảng viên trong guồng máy cai trị, lực lượng vũ trang, kể cả những người đã về hưu hay đang ở tù về tội tham nhũng, đều răm rắp trung thành và chấp hành những mệnh lệnh của Đảng cộng sản Việt Nam.
Cũng không phải tình cờ danh xưng "tộc Kinh" được báo chí trong nước nhắc tới và đề cao từ năm 2013 (8). Gần đây, tháng 5/2018, một nhóm người Hoa lục địa âm mưu thành lập một cộng đồng tộc Kinh ở một thành phố ngoại ô phía đông Paris nhưng bị cộng đồng người Pháp gốc Việt địa phương phản đối nên đã thất bại. Rất nhiều người lo ngại nước Việt Nam sau này bị đổi tên thành "Khu tự trị người Kinh" hay "Khu hành chính đặc biệt Việt Nam".
Có lẽ phía Trung Quốc đã chuẩn bị khá kỹ càng sự hội nhập Việt Nam vào quỹ đạo ảnh hưởng của họ. Trong những lần viếng thăm Trung Quốc, ngoài Bắc Kinh các cấp lãnh đạo tối cao trong Đảng cộng sản Việt Nam đều được mời tham quan 4 tỉnh và khu tự trị dọc vùng biên giới phía nam Trung Quốc như : năm 2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời thăm tỉnh Hải Nam, nơi có một cộng đồng tộc Kinh sinh sống ; năm 2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được mời tham quan tỉnh Quảng Đông ; năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng được mời tham quan tỉnh Quảng Đông, nơi thiết lập bản doanh của Ủy ban chỉ đạo song phương Việt Nam-Trung Quốc ; năm 2015 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm tỉnh Vân Nam ; năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được mời thăm Khu tự trị người Choang (Tráng) thuộc tỉnh Quảng Tây, nơi có tộc Kinh Tam Đảo sinh sống, và Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông ; năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được mời tham quan tỉnh Chiết Giang thuộc vùng bờ biển phía đông Trung Quốc ; năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được mời thăm tỉnh Phúc Kiến… Khi mời tham quan những địa danh này, Bắc Kinh muốn cho những cấp lãnh đạo Việt Nam thấy tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào khi gắn kết với Trung Quốc.
Trong viễn ảnh từ 5 năm đến 10 năm tới, nếu Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn tiếp tục cầm quyền và nếu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cứ vẫn như hiện nay, chủ quyền Việt Nam sẽ do Trung Quốc nắm giữ và Đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn là một đảng thừa hành, một đảng quan lại tay sai được Bắc Kinh ủy nhiệm cầm quyền. Người Việt Nam nào chấp nhận tương lai đó ?
Phải nghĩ gì về Ban lãnh đạo Đảng cộng sản cầm quyền hiện nay ? Khôn ngoan vì biết lợi dụng Trung Quốc để tạo cho mình bộ mặt phát triển ? Khờ khạo vì bị Trung Quốc lừa đảo để chiếm đoạt hợp pháp nhiều phần lãnh thổ ? Là những hậu duệ, con cháu Hồ Quí Ly đến lúc phải dâng vùng đất đang chiếm đóng cho mẫu quốc ? Phản bội đất nước, phản lại quyền lợi của dân tộc để được Trung Quốc nuôi dưỡng và bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng cộng sản ? Tự nguyện chuyển nhường quyền lãnh đạo và điều hành đất nước có phải là bán nước không ?
Phải làm gì để thay đổi số phận lệ thuộc ?
Chờ đợi Đảng cộng sản Việt Nam công bố nhân sự lãnh đạo mới sau Đại hội 13 để bình luận cho qua ngày ? Hay phải đi tìm một kết hợp chính trị mới để thay đổi nguyên trạng ?
Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (9) của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có thể là một tài liệu xây dựng đất nước chưa hoàn hảo, nhưng ít ra cũng là những đề nghị hữu ích để những người Việt còn quan tâm đến đất nước tham khảo và đào sâu những khái niệm và biến những lý luận thành hành động.
Trái với lầm tưởng của nhiều người, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không phải là tập hợp của những trí thức khoa bảng mà là sự kết hợp của những người còn quan tâm đến tương lai đất nước và dân tộc. Đến với Tập Hợp là đến với tình tự dân tộc trong tình anh em tìm lại để cùng nhau thực hiện Giấc mơ Việt Nam chung, trong đó mọi người và mỗi người đều có chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau.
Nguyễn Văn Huy
(1) "Về việc phát hiện dầu tại vịnh Bắc Bộ", Nhân Dân điện tử, 17/09/2010
(2) PV, "Hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc", Nhân Dân điện tử, 23/03/2019
(3) Bình Nguyên, "Trung đoàn 921 về Yên Bái: Su-22 đoàn KQ Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc", Soha.vn, 24/11/2018
(4) "Tướng Sùng Thìn Cò : Nhiều sông, suối ở biên giới đang bị ô nhiễm", VnExpress, 30/05/2019
(5) Cát Linh, "Phạm Minh Chính và Đặc khu Vân Đồn", RFA tiếng Việt, 19/06/2018
(6) Lan Hương, Hồng Nhung, "Xây dựng Đặc khu Vân Đồn : Khát vọng đổi mới", Báo Quảng Ninh, 01/06/2018
(7) Trần Đình Thu, "Ba câu hỏi, nhiều thông điệp của ông Nguyễn Phú Trọng", BBC tiếng Việt, 19/05/2019
(8) Vương Văn Quang, "Dân tộc Kinh ở Quảng Tây", Nghiên cứu lịch sử, 30/05/2013, Phạm Hoàng Quân dịch
(9) Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai", Thông Luận, 04/02/2017
Thời gian đang ưu đãi Trung Quốc vì những thế hệ Cách mạng tháng 8, chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đang dần mai một và biến mất. Những thế hệ lớn lên trong chiến tranh và hiện nay đang cầm quyền không có ưu tư nào về chủ quyền lãnh thổ và độc lập dân tộc, con cháu của thế hệ này đang thay thế cha anh cầm quyền chỉ biết tới quyền và tiền.
---------------------------
Mục lục
Phần Một
Đặc khu kinh tế không còn cần thiết với Việt Nam
Đặc khu kinh tế ra đời ở những nước chưa phát triển, chưa có nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Nền sản xuất công nghiệp hiện đại là vốn tư bản, công nghệ tư bản, thị trường tư bản, một thị trường toàn cầu, không biên giới và con người tư bản, những ông chủ của nền sản xuất đó. Chưa phát triển là nói tránh cho đỡ tủi thân chứ thực sự là nước nghèo, thiếu thốn đủ thứ, đói khát đủ thứ. Đói vốn. Đói công nghệ. Đói thị trường toàn cầu. Đói khát cả cung cách làm ăn của những con người công nghiệp. Chỉ có đất tự nhiên đang chìm đắm trong giấc ngủ ngàn năm và sức lao động thừa thãi, rẻ mạt.
Đặc khu kinh tế không còn cần thiết với Việt Nam - Ảnh Zing.vn
Trong khi đó những ông chủ tư bản ở những nước phát triển lại đang có nhu cầu phủ đồng vốn, phủ hoạt động kinh doanh, phủ thị trường ra cả thế giới và tìm kiếm, khai thác sức lao động đang dư thừa ở những nước nông nghiệp dân cư đông đúc trên khắp thế giới.
Hai nhu cầu này gặp nhau như cô gái con nhà nghèo có chút nhan sắc đến tuổi cập kê gặp chàng trai có sự nghiệp đang muốn kiếm vợ. Đặc khu kinh tế ra đời từ đó.
Thời hệ thống cộng sản thế giới tan rã. Bức màn sắt bưng bít thế giới cộng sản bị thời đại, bị lịch sử xé toang như bức tường bê tông ngăn đôi đông tây Berlin, nước Đức, bị phá bỏ. Không còn bị bưng bít, những người lãnh đạo các nước cộng sản dụi mắt nhìn ra thế giới, chợt nhận ra đất nước của họ đã bị các nước tư bản bỏ lại phía sau quá xa. Cách xa cả một tiến trình sản xuất, tiến trình sản xuất nông nghiệp và tiến trình sản xuất công nghiệp hiện đại. Cách xa cả một chế độ xã hội, chế độ mang danh xã hội chủ nghĩa nhưng thực ra là chế độ xã hội phong kiến trung cổ bạo lực, tối tăm, ngưng đọng và chế độ tư bản văn minh, phát triển.
Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người của đất nước họ đâu có kém mà sao đến nông nỗi này. Láu cá và quyết đoán, Đặng Tiểu Bình đã đi đầu trong việc lập đặc khu kinh tế và chọn 2050 cây số vuông đất Thẩm Quyến của những làng chài xơ xác, sát biền, sát Hồng Kông, thuận tiện giao thương. Từ Hồng Kông sang Thẩm Quyến chỉ nửa bước chân. Những ông chủ tư bản Hồng Kông cùng nói tiếng Quảng Đông với người Thẩm Quyến đến Thẩm Quyến như về nơi quê cha đất tổ. Đất đẹp cùng nhiều ưu đãi đặc biệt đón những ông chủ tư bản mang đồng vốn tư bản, mang công nghệ tư bản, mang thị trường tư bản vào đất nước vừa trải qua cuộc cách mạng văn hóa tốn máu của hàng chục triệu mạng người nhưng xã hội càng chìm sâu vào hướng ngược chiều văn hóa.
Dưới nòng súng pháo hạm của sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới thời đó là hải quân hoàng gia Anh, nhà Thanh phải cắt đất Hồng Kông nhượng cho nước Anh 99 năm. Đó là nỗi cay đắng, nỗi ô nhục muôn đời của lịch sử, của dân tộc Trung Hoa nên dù mê mẩn thèm khát đồng vốn tư bản, mê mẩn thèm khát công nghệ tư bản, Đặng cũng chỉ cho ưu đãi về thuế, về giá thuê đất, về xuất nhập cảnh, tuyệt đối không ưu đãi về thời gian thuê đất.
Từ một huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Đông, trở thành đặc khu kinh tế, Thẩm Quyến trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh rầm rộ, phát triển nhất Trung Quốc. Năm 2017, sản lượng kinh tế của Thâm Quyến đạt 338 tỷ USD, vượt qua Quảng Châu, Hồng Kông, đứng thứ 3 trong số 659 thành phố của Trung Quốc, chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Từ một bãi biển xơ xác, đặc khu kinh tế đã đưa Thầm Quyến trở thành cảng biển lớn thứ hai Trung Quốc chỉ sau cảng biển Thượng Hải đã có từ mấy trăm năm trước.
Thành công ngoài mong đợi của đặc khu Thẩm Quyến đã gọi những đặc khu kinh tế Chu Hải, Hạ Môn, Sán Đầu, Hùng An mọc lên. Về diện tích, các đặc khu kinh tế này nhỏ hơn một tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc nhưng đã đóng góp tới 22% GDP của Trung Quốc và chiếm 45% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Các đặc khu kinh tế Trung Quốc đã trở thành động lực kéo nền kinh tế Trung Quốc băng băng chạy đua với các nền kinh tế thế giới, góp phần đưa Trung Quốc có mặt trong tổ chức G20, nhóm các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới. Năm 2016 tổng sản phẩm trong nước của Trung Quốc đạt 11,2 ngàn tỉ đô la, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mĩ.
Ngoài ra, các đặc khu kinh tế còn như những chiếc van cực lớn giảm áp lực về dân số cho những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu. Trước đây dân nghèo đói ở miền Tây, ở các tỉnh nông nghiệp thường lũ lượt kéo về Bắc Kinh, Thiên Tân... làm thuê kiếm sống thì nay họ tìm đến các đặc khu kinh tế.
Với sự thành công của cải cách kinh tế và đặc khu kinh tế, đến thời Tập Cận Bình, Trung Quốc trở thành chủ nợ của thế giới, trở thành ông chủ nắm vận mệnh nhiều nước châu Phi, châu Á. Dưới sức mạnh pháo hạm của hải quân Anh, Trung Hoa phải gán đất Hồng Kông cho Anh 99 năm. Ngày nay dưới sức mạnh đồng tiền vay nợ của Trung Quốc, nhiều nước châu Á, châu Phi đã phải gán đất 99 năm cho chủ nợ Trung Quốc.
Đi sau Trung Quốc hơn một nhiệm kì đại hội đảng, năm 1986 Việt Nam mới bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới cách làm kinh tế. "Đổi mới" chỉ là cách nói kể công của những người cộng sản, thực ra chỉ là quay về với cách làm kinh tế tự chủ, sáng tạo và hiệu quả đã có ở xã hội Việt Nam trước đây mà những người cộng sản đã xóa bỏ, tiêu diệt. Tiêu diệt những tinh hoa biết làm giầu bị gán cho tội giai cấp tư sản. Hủy hoại công nghệ, cơ sở vật chất của một nền công nghiệp hiện đại đang hiện hình. Hủy hoại cả trật tự xã hội, văn hóa xã hội đang đi vào văn minh đô thị sang trọng, lịch lãm. Hủy hoại cả đời sống dân chủ trong xã hội. Hủy hoại cả ý thức cá nhân trong mỗi con người. Xã hội không nhìn nhận cá nhân. Con người không còn ý thức cá nhân. Xã hội trở về bầy đàn. Bầy đàn thì chỉ có bạo lực. Không thể có bình yên. Không thể có kỉ cương. Không thể có văn hóa.
Đổi mới, nền kinh tế không còn khép kín, bế quan tỏa cảng nữa. Hướng nội, kinh tế tư nhân được nhìn nhận. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể không còn độc tôn nữa. Hướng ngoại, mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, mang công nghệ hiện đại vào. Đây chính là thời điểm tốt nhất, cần thiết nhất và cũng là thời điểm duy nhất cần có đặc khu kinh tế. Nhưng đặc khu kinh tế đã bị bỏ qua. Nhà nước cộng sản Việt Nam không tính đến đặc khu kinh tế hay nhà nước cộng sản đàn anh Trung Quốc không cho Việt Nam làm đặc khu kinh tế ?
Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam phát triển, giàu mạnh. Mãi mãi yếu hèn, Việt Nam sẽ phải mãi mãi phụ thuộc vào họ. Họ luôn tìm mọi cách đánh phá nền kinh tế Việt Nam. Tung đội quân buôn gian bán lận xục xao mua móng trâu, mua rễ tiêu, mua tất cả những thứ có thể làm hại nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Tung đội ngũ nhà thầu đểu thâu tóm các dự án kinh tế của Việt Nam bằng cách hối lộ quan chức chủ thầu, bỏ giá thầu cực thấp để trúng thấu rồi khi thi công liên tục đội giá lên. Đưa lao động cơ bắp Tàu sang lập làng Tầu. Đưa máy móc cộng nghệ phế thải hoặc tồn kho do đã lạc hậu từ bên Tàu sang. Thi công dầm dề kéo dài như vô tận. Nhà thầu Tầu giở đủ trò đánh phá các dự án kinh tế Việt Nam nhưng đám quan chức chủ thầu đã ăn hối lộ đầy mồm cứ phải nhắm mắt chấp nhận và hầu hết các công trình, dự án kinh tế của Việt Nam đều lọt vào tay các nhà thầu đểu Trung Quốc.
Đánh phá nền kinh tế Việt Nam, kìm hãm sự phát triển của Việt Nam không từ một thủ đoạn bẩn thỉu, đê tiện nào là chủ trương xuyên suốt của nhà nước Trung Quốc. Lấy ý thức hệ cộng sản và lấy đồng tiền hối lộ sai khiến quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam thì Trung Quốc sai khiến gì cũng phải nghe. Thời điểm tốt nhất, cần thiết nhất để Việt Nam mở đặc khu kinh tế, nhưng bị Trung Quốc ngăn cản không cho làm cũng là điều bình thường, có sác xuất rất cao là sự thật.
Không làm đặc khu kinh tế, những chuyên gia kinh tế Việt Nam vội xây dựng luật đầu tư nước ngoài với sự cởi mở của tấm lòng và nhiều ưu đãi về chính sách. Luật đầu tư nước ngoài ra đời. Nhà đầu tư nước ngoài nhộn nhịp vào Việt Nam đã lấp đầy các khu công nghiệp mọc lên trên cả nước. Nhiều khu công nghiệp rất thành công, ngày càng được mở rộng như khu công nghiệp Vietnam – Singapore ở Bình Dương, khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai...
Đặc khu kinh tế như cái ống thông giữa hai cái bình trên một mặt bằng. Một bình đầy nước, đầy vốn tư bản, đầy công nghệ tư bản là các nước công nghiệp phát triển. Một bình trống không là nước nghèo đang khát vốn tư bản, khát công nghệ tư bản. Năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, mở đường cho các nước đầu tư vào Việt Nam. Khi đó nền kinh tế Việt Nam là cái bình trống không. Cái bình trống không đó nếu có cái ống thông là đặc khu kinh tế nối với cái bình đầy vốn tư bản, đầy công nghệ tư bản thì Việt Nam đương nhiên cũng phải có những Thẩm Quyến rực rỡ, phồn vinh. Thời cơ duy nhất, tốt nhất để làm đặc khu kinh tế nhưng Việt Nam đã không làm hay không được làm.
Không có đặc khu kinh tế nhưng với luật đầu tư nước ngoài đúng đắn do nhiều chuyên gia kinh tế góp trí tuệ soạn thảo, Việt Nam đã mở rộng tấm lòng, mở rộng cửa khẩu đón nguồn vốn, đón công nghệ từ các nước phát triển chảy vào. Các khu công nghiệp là những đặc khu kinh tế phân tán nhỏ mọc lên trên khắp đất nước làm cho cái bình trống không đã óc ách nước.
Thời điểm duy nhất, tốt nhất cho đặc khu kinh tế đã qua rồi. Lúc này, đặc khu kinh tế không còn cần cho Việt Nam nữa vì :
- Ngày nay với một dải đất hẹp và trải dài thì các khu công nghiệp trải rộng trên cả nước vừa sức với trình độ các nhà quản lí Việt Nam là phù hợp nhất, tốt nhất.
- Những nguồn vốn, những ngành công nghệ của các nước muốn đầu tư vào Việt Nam một cách chân chính, đàng hoàng, chỉ vì mục đích kinh tế, đều đã đầu tư rồi. Thương trường là chiến trường. Kinh doanh phải nhạy bén, phản ứng, chớp thời cơ mau lẹ như người lính ngoài mặt trận. Việt Nam mở cửa, tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đã 30 năm. Những nhà đầu tư chậm chân nhất cũng đã kịp có mặt.
- Với kinh tế tri thức, các nhà đầu tư ra nước ngoài tìm trí tuệ, tìm tinh hoa, săn đầu người chứ không tìm đất đai, không tìm sức lao động phổ thông nữa. Những ông chủ tư bản chỉ làm kinh tế không còn nhiều quan tâm đến đầu tư nước ngoài. Phải phân biệt rõ những ông chủ tư bàn chỉ làm kinh tế khác với những người mượn cớ đầu tư kinh tế ra nước ngoài để làm chính trị sẽ nhắc đến ở phần sau. Vào làm chủ Nhà Trắng, một trong những việc đầu tiên Donald Trump làm là thúc giục những ông chủ tư bản Hoa Kỳ rút đầu tư nước ngoài về để tạo việc làm cho người lao động Mỹ.
- Hơn 20 năm đổi mới cung cách làm kinh tế đã đánh thức nội lực Việt Nam vươn vai đứng dậy thành những ông chủ lớn, những nhà đầu tư ngang ngửa với nước ngoài thì đâu cần phải vọng ngoại tìm nhà đầu tư nước ngoài. Lập đặc khu kinh tế, ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, chèn ép doanh nghiệp trong nước như thời thuộc Pháp, nhà nước Pháp ưu đãi doanh nghiệp Pháp, chèn ép doanh nghiệp bản địa Việt Nam vậy.
Ngày nay người dân Việt Nam đã nhận ra bộ mặt thật những nhà đầu tư như bô xít Tây Nguyên, như Formosa nhảy vào Việt Nam không hẳn vì mục đích kinh tế mà vì cái lớn hơn, sâu xa hơn, độc địa hơn kinh tế là đất đai, lãnh thổ. Có quá nhiều nhà đầu tư loại này đang lăm le muốn nhảy vào Việt Nam.
Làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam một sức sống mới. Nhưng độc tài về chính trị, tham nhũng về kinh tế cũng đã rước những nguồn đầu tư mang lại tai họa khôn lường, gây nên những ung nhọt nhức nhối trên cơ thể đất nước Việt Nam. Như dự án bô xít đang tàn phá màu xanh Tây Nguyên, đang làm chảy máu dai dẳng nền kinh tế Việt Nam. Như tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh, như nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận đã và đang giết chết biển Việt Nam, đuổi người dân ra khỏi bến bãi, biển bờ ngàn đời của họ, để biển Việt Nam không còn bóng dáng những người dân đánh cá Việt Nam, những cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển. Trong chuyện gấp gáp, hăm hở làm đặc khu kinh tế lúc này cũng thấy rõ bóng dáng của độc tài chính trị. Đồng hành với độc tài chính trị luôn luôn là tham nhũng quyền lực và tham nhũng kinh tế.
**********************
Phần Hai
Những bất thường trong Dự luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và trong cách đưa dự án ra Quốc hội
Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, bộ tam đặc này xin được viết gọn là Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc, có quá nhiều điều bất thường từ dự thảo luật, nội dung luật, tạo sức ép để ra được luật. Tất cả những bất thường đó cho người dân hai cảm nhận.
Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
Một là, Những cam kết giữa ông đảng trưởng cộng sản Nguyễn Văn Linh và ông đảng trưởng Trung Quốc Giang Trạch Dân ở Thành Đô năm 1990 vẫn đang còn giấu kín. Nhưng dường như Luật Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc chính là bước đi theo lộ trình đã vạch ở Thành Đô năm 1990. Khi Luật Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc được hơn 90% ông bà nghị là đảng viên cộng sản bấm nút thông qua thì ngày nhà nước Việt Nam độc lập bị thực sự xóa sổ đã cận kề.
Hai là, Thế lực đen tối ở bên ngoài Việt Nam áp đặt Việt Nam phải làm bô xit Tây Nguyên nay lại lù lù xuất hiện áp đặt Việt Nam phải làm đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc. Sự áp đặt đó đang đè nặng xuống phòng họp Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội ở Ba Đình.
Áp đặt
Nền kinh tế Việt Nam không cần có đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc cũng như nền kinh tế Việt Nam không cần khai thác bô xít Tây Nguyên. Con mắt, tầm nhìn Việt Nam không chọn Đồn – Phong – Quốc làm đặc khu kinh tế. Nhưng một thế lực từ bên ngoài đã nhòm ngó, thèm khát Tây Nguyên. Nay thế lực đó lại nhòm ngó, thèm khát ba yếu huyệt Đồn – Phong – Quốc. Vì vậy mà đã có dự án khai thác bô xít Tây Nguyên và nay lại có Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc.
Trước tiếng nói của một công thần nhà nước cộng sản Việt Nam, đại tướng Võ Nguyên Giáp, ba lần lên tiếng về nguy cơ của dự án bô xít Tây Nguyên, trước những cơn sóng lừng phản đối dự án bô xít Tây Nguyên của đội ngũ trí thức và đông đảo người dân, ông thành viên bộ chính trị đảng cộng sản và là Thủ tướng nhà nước cộng sản Việt Nam lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng chỉ đáp gọn lỏn : Dự án bô xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng. Chủ trương lớn của đảng vì trước đó người đứng đầu đảng Việt Cộng, Nông Đức Mạnh đã cam kết với người đứng đầu đảng Trung Quốc Hồ Cảm Đào về việc cùng với Trung Quốc khai thác bô xít Tây Nguyên của Việt Nam. Một ông đảng trưởng không có quyền hành pháp, tự tiện quyết định công việc nhà nước, công việc hành pháp, áp đặt cho cả bộ máy nhà nước phải thực hiện.
Đảng áp đặt thì dân phải gánh chịu và nước phải lãnh đủ. Áp đặt về kinh tế, Đảng cộng sản Việt Nam đã mang lại cho dân tộc Việt Nam những thảm họa lớn như
Đảng Việt Cộng nghe Trung Quốc xui khôn xui dại áp đặt cải cách ruộng đất thì hàng trăm ngàn nông dân làm ăn giỏi có cuộc sống sung túc phải trở thành địa chủ, bị xử bắn và người bị đảng bắn chết thê thảm đầu tiên, bắn chết ở ngay bản doanh kháng chiến của cơ quan đầu não cộng sản Việt Bắc là người đàn bà ân nhân của đảng, bà Nguyễn Thị Năm. Cải cách ruộng đất không chỉ giết hàng trăm ngàn nông dân làm ăn giỏi, những người sáng tạo nên nền văn minh lúa nước Việt Nam mà còn phá nát nền văn hóa làng xã Việt Nam.
Đảng áp đặt cải tạo tư bản, tư doanh thì nền công nghiệp hiện đại mang khát vọng dân tộc Việt Nam đang lớn mạnh liền bị quốc hữu hóa. Giao vào tay những người chỉ có lòng hận thù giai cấp, chỉ biết có bạo lực cách mạng, nền công nghiệp hiện đại nhanh chóng tan nát.
Chủ trương lớn của đảng đã áp đặt thì hàng trăm ngàn tỉ tiền thuế của dân phải ném vào dự án bô xít, thì cánh cửa khẩu nhập cảnh, cánh cửa an ninh quốc gia phải mở rộng đón hàng chục ngàn lao động cơ bắp từ Trung Quốc tràn vào Tây Nguyên. Màu xanh bất tận Tây Nguyên bị hủy diệt. Nền văn hóa rừng đặc sắc Tây Nguyên bị đánh bật gốc rễ. Mỗi năm dự án khai thác bô xít Tây Nguyên thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng. Cả chục năm nay từ khi khai thác bô xít Tây Nguyên nền kinh tế Việt Nam bị chảy máu xối xả.
Kín đáo hơn, sâu xa hơn, mềm mại, uyển chuyển hơn nhưng sự áp đặt vẫn lồ lộ ra trong việc đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đang gấp gáp triển khai ba đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc. Ngày 21/5/2018 Quốc hội mới nhóm họp để xem xét dự luật Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc nhưng từ hơn tháng trước, ngày 16/4/2018 bà chủ tịch Quốc hội Thị Kim Ngân đã quán triệt, nhắc nhở và cả chỉ thị cho thành viên ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc họp chuẩn bị cho kì họp Quốc hội tháng sau : Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật.
Bộ chính trị đã kết luận rồi chỉ là cách nói mềm mại, uyển chuyển của một sự thật : Bộ chính trị đã quyết định rồi. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ che giấu sự thật thì những người cộng sản Việt Nam là kiệt xuất. Như thành phố Sài Gòn đã chi hàng ngàn tỉ tiền ngân sách vào việc chống ngập lụt nhưng chỉ một trận mưa nhỏ những điểm ngập lại xuất hiện khắp thành phố, những người đã làm tiêu tan hàng ngàn tỉ tiền thuế của dân liền gọi tên sự ngập lụt đó chỉ là những điểm tụ nước. Thực chất Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhằm hướng tới Trung Quốc, nhằm mở cửa đón Trung Quốc. Nhưng để giấu kín ý đồ đó, trong luật, tên Trung Quốc đã được thay bằng "nước chung đường biên giới với Quảng Ninh". Tài đến thế là cùng !
Bộ chính trị đã quyết định rồi và ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở, chỉ thị cho thành viên ủy ban thường vụ Quốc hội đều là đảng viên phải chấp hành. Bộ chính trị đã quyết định rồi và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh phải quán triệt, đòi hỏi đảng viên trong đoàn "phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật" Ai cũng biết hơn 90% các ông nghị, bà nghị là đảng viên cộng sản thì cái kết luận, cái quyết định của Bộ chính trị đảng cộng sản cũng sẽ là cái quyết định của Quốc hội cộng sản mà thôi. Đây là điều người dân đang vô cùng lo lắng và phẫn nộ
Áp đặt ở nghị trường. Áp đặt trong đội ngũ quan chức nhà nước. Áp đặt cả với dư luận, với người dân. Dự luật hình thức là đặc khu kinh tế nhưng thực chất là văn bản pháp lí hợp thức hóa việc rước giặc vào nhà đang làm hầu hết người dân Việt Nam thắt tim lo lắng và bừng bừng phẫn nộ thì nhà nước cộng sản liền đưa một đoàn nhà báo công cụ của đảng sang chiêm ngưỡng sự phồn vinh hào nhoáng của đặc khu kinh tế Thẩm Quyến bên Tàu rồi mang sự phồn vinh hào nhoáng Thẩm Quyến về ru ngủ sự phẫn nộ của người dân Việt Nam.
Đặc khu kinh tế hay Đặc khu quân sự ?
Với Việt Nam, đặc khu kinh tế là sản phẩm của thế kỉ 20. Sắp hết thập kỉ thứ hai của thế kỉ 21 mới tính đến làm đặc khu kinh tế là đã quá lỗi thời, lạc lõng với thời đại. Dự luật đặc khu hành chính – kinh tế Đồn – Phong – Quốc với hai nội dung cho thuê đất 99 năm và những pháp nhân trong đặc khu được mời tòa án nước ngoài phân xử tranh chấp lại càng lạc lõng và vô cùng nguy hại.
Cho thuê đất 99 năm thực chất là gán đất, nhượng đất, là sản phẩm của hai thời lịch sử :
Thời thực dân cũ ở thế kỉ 19, nước thua trận phải nhượng đất 99 năm cho nước thắng trận. Như Trung Hoa Mãn Thanh phải nhượng đất Hương Cảng 99 năm cho nước Anh.
Thời thực dân tiền ở đầu thế kỉ 21. Với sự trỗi dậy của chủng tộc Đại Hán luôn có khát vọng đất đai lãnh thổ cũng là thời trỗi dậy của một thứ chủ nghĩa thực dân mới là chủ nghĩa thực dân tiền. Cải cách kinh tế đã nâng Tàu Công lên thành một cường quốc kinh tế. Cường quốc kinh tế Trung Quốc với đồng tiền rủng rỉnh liền làm sống lại chủ nghĩa thực dân, đi xâm lược, chiếm đất, vơ vét tài nguyên, nô dịch các dân tộc nhỏ yếu và Trung Quốc đã sáng tạo ra loại hình thực dân mới, thực dân tiền. Vung tiền cho các nước nghèo khó và các nước độc tài, tham nhũng vay. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Tiền vào nước độc tài, tham nhũng như nước chảy vào cái thùng không đáy. Tiền vay cho nền kinh tế nhưng phần lớn chảy vào túi quan tham thì lấy đâu ra tiền trả nợ ! Không có tiền trả nợ, con nợ phải nhượng đất 99 năm cho chủ nợ Trung Quốc. Sri Lanka đã phải nhượng cảng Hambantota 99 năm cho Trung Quốc. Campuchia cũng đã gán cảng Congpongsom 99 năm cho Trung Quốc...
Đặc khu kinh tế đã là quá khứ. Vì sao lúc này chóp bu cộng sản Việt Nam lại gấp gáp, máu me làm đặc khu kinh tế ? Cho thuê đất 99 năm thực chất là nhượng đất. Nước con nợ phải mang đất gán nợ cho nước chủ nợ. Vì sao lúc này nhà nước cộng sản Việt Nam lại phải hấp tấp, lấm lét và trí trá, lừa dối dân mang ba mảnh đất vàng ở ba vị trí chiến lược hiểm yếu ra gán nhượng ? Đặt ra hai câu hỏi này sẽ tìm thấy ngay câu trả lời là ở Trung Quốc.
Đây là lúc kinh tế Việt Nam cùng quẫn nhất, khốn đốn nhất, hậu quả để lại sau hai nhiệm kì của ông Thủ tướng dốt nát, tham nhũng và tàn bạo Nguyễn Tấn Dũng. Cả một Chính phủ hối hả tham nhũng với những Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Phùng Quang Thanh, Đinh La Thăng, Võ Kim Cự, Nguyễn Bá Thanh, Văn Hữu Chiến... Loại quan chức chưa mon men được tới cấp Chính phủ như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh… mỗi tên cũng nuốt hàng ngàn tỉ đồng thì ở cấp Chính phủ, số tiền tham nhũng còn khủng khiếp đến thế nào. Nền kinh tế đất nước bị phá tanh bành, ngân khố trống rỗng, công nợ ngập đầu. Lộn túi dân ra vét tiền bằng đủ các sắc thuế, sắc phí tàn ác hơn cả thời thuộc Pháp. Mang cả các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi Sabeco, nhựa Bình Minh... ra bán tống bán tháo cũng không cứu vãn được ngân sách trống rỗng. Rồi lại dồn dập đến kì hạn phải trả những khoản nợ vay nước ngoài và Trung Quốc là một chủ nợ lớn.
Cùng với kinh tế suy sụp là lòng dân li tán. Nhà nước độc tài và tham nhũng ngày càng đi ngược lợi ích của nhân dân và đất nước, ngày càng thù địch, đàn áp dân tàn bạo. Đàn áp đổ máu dân Hà Nội, Sài Gòn biểu tình phản đối sự có mặt của Tập Cận Bình ở Việt Nam. Đàn áp dân Nghệ An, Hà Tĩnh trong thảm họa Formosa. Lòng dân không chỉ li tán mà nỗi bất bình ngày càng ngùn ngụt bốc cao. Đây chính là lúc nhà nước cộng sản Việt Nam suy yếu nhất, run rảy nhất. Càng run rảy trước dân càng phải lấp liếm sự run rảy bằng bạo liệt đàn áp. Đây là lúc nhà nước cộng sản Việt Nam xa dân nhất, chới với nhất.
Trong cảnh kiệt quệ, khốn cùng, nền kinh tế Việt Nam khấp khởi trông chờ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Hợp tác thương mại với Liên Hiệp Châu Âu EVFTA. Nhưng Trời không dung độc tài và tham nhũng. Không những Mỹ rút ra khỏi TPP làm cho TPP không còn giá trị mà những công ty Mỹ đầu tư ra nước ngoài cũng đang tính nước rút về Mỹ. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP thay thế TPP thì chưa ngã ngũ. Sau vụ kéo cả một đám tướng tá an ninh nhà nước cộng sản Việt Nam lén lút sang nước Đức, đạp lên luật pháp nước Đức, đột nhập vào Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, quan hệ giữa nhà nước cộng sản Việt Nam với cả Liên minh châu Âu trở nên tồi tệ chưa từng có thì EVFTA còn treo lơ lửng vô thời hạn.
Để cứu vãn tình thế, ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng vội hấp tấp đến Pháp. Pháp cùng với Đức là hai nước trung tâm, rường cột của Liên minh châu Âu và Pháp cũng là nước có quan hệ thân tình, mật thiết với nước Đức. Dù phải mở cửa Điện Élysée tiếp ông đảng trưởng độc tài nhưng đất nước đã làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền từ thế kỉ 18 phá nhà ngục Bastille của độc tài phong kiến không thể chấp nhận độc tài và ông chủ trẻ của đất nước Tự do – Bình Đẳng – Bác ái đã tiếp ông đảng trưởng cộng sản quá lạnh nhạt, hờ hững như tiếp kẻ độc tài từ thế kỉ 18 lạc loài giữa ánh sáng văn minh. Ông đảng trưởng độc tài càng nhận rõ sự lạc lõng, cô đơn của nhà nước cộng sản Việt Nam và nhận ra những cái phao cứu sinh của nền kinh tế Việt Nam đều đã không còn. Việt Nam không những suy yếu mà còn đơn độc giữa thế giới loài người hơn bao giờ hết.
Trong khi đó Trung Quốc đã quân sự hóa xong các đảo cướp được của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Trên những sân bay hiện đại và những trận địa dã chiến giữa biển Đông, những máy bay ném bom hạng nặng đã vào vị trí xuất phát, những dàn tên lửa đã lên bệ phóng hướng về phía Tây, nơi có dải bờ biển hình chữ S.
Run rảy trước nhân dân trong nước. Cô lập lẻ loi trong thế giới loài người văn minh. Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy có mỗi thân hình lừng lững như hộ pháp và bộ mặt cuộn lên từng múi thịt của Tập Cận Bình. Thôi đành nhắm mắt thực hiện những cam kết cay đắng ở Thành Đô năm 1990, làm theo những gì con người hộ pháp kia cần. Bộ mặt nậc lên từng múi thịt đang hau háu thèm khát nhìn vào Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì phải gấp gáp làm luật biến ba nơi đó thành ba đặc khu kinh tế che mắt dân và lặng lẽ đón những kẻ ngàn đời thèm khát đất đai lãnh thổ vào mảnh đất Vân Đồn còn in dấu chân, in chiến công đánh đuổi giặc Nguyên của Đức Ông Trần Quốc Tảng đời nhà Trần.
Con đường tất yếu của kẻ đặt lợi ích vương triều thối nát của một dòng họ lên trên lợi ích trăm họ cũng là con đường tất yếu của những kẻ đặt lợi ích của một đảng độc tài lên trên lợi ích của dân tộc, của đất nước. Con đường bán nước.
Cuối thế kỉ 20, núp dưới danh nghĩa khai thác bô xít Tây Nguyên, Trung Quốc đã đưa hàng sư đoàn lên điểm cao Tây Nguyên, lập những làng Tầu trên nền đất văn hóa Tây Nguyên.
Đầu thế kỉ 21, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Võ Kim Cự đã dâng yếu huyệt Vũng Áng, Hà Tĩnh cho Hưng Nghiệp Formosa, danh nghĩa là Tàu Đài Loan nhưng thực chất là Tàu Bắc Kinh. Vũng Áng đã trở thành đất của Trung Quốc trong 70 năm. Người Việt Nam dù là quan chức quản lí đất đai cấp bộ cũng không được bén mảng đến. Sau bức tường cao quây kín Vũng Áng, lao động Tàu đang xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương cho tầu ngầm có thể neo đậu, biến cảng nước sâu Sơn Dương thành một đầu cầu cho quân từ biển đổ bộ vào đất liền, cắt đôi đất nước Việt Nam ở nơi hẹp nhất. Cảng nước sâu Sơn Dương cùng với căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam của Trung Quốc tạo thành cánh cửa thép khép kín vịnh Bắc Bộ, cắt đôi biển Việt Nam.
Năm thứ 18 của thế kỉ 21, ba đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc ra đời. Không có CPTPP, không có EVFTA thì chỉ có những dòng người từ Trung Quốc tràn vào với danh nghĩa nhà đầu tư.
Ba đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc mở ra đón dòng người từ đại lục Trung Hoa tràn đến. Dải đất Việt Nam sẽ nằm gọn trong bàn tay với năm ngón tay thép, năm gọng kìm lửa : Bô xít Tây Nguyên ở phía Tây. Đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh ở phía Bắc. Căn cứ Vũng Áng Formosa Hà Tĩnh và Đặc khu Bắc Vân Phong, Khánh Hòa ở miền Trung. Đặc khu Phú Quốc, Kiên Giang ở phía Nam. Những đặc khu danh nghĩa là kinh tế sẽ hiện nguyên hình thực chất là những đặc khu quân sự.
Phạm Đình Trọng
(06/06/2018)