Ông Đỗ Mười được đặt tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh dù có di sản gây tranh cãi đối với miền Nam
Cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười có một di sản chính trị đầy tranh cãi tại miền Nam giai đoạn sau năm 1975, trong đó có việc biến một Sài Gòn năng động thành một Thành phố Hồ Chí Minh tê liệt thời thập niên 1980.
Ông Đỗ Mười giữ chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997
Truyền thông trong nước ngày 14/8 dẫn kết quả từ tờ trình Sở Văn hóa và Thể thao gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc đặt tên đường cho các lãnh đạo đảng, nhà nước.
Theo sở này, việc đặt tên đường cho các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Hoàng Cầm, Lê Quang Đạo, Phan Văn Khải và Văn Tiến Dũng đã được "đa số người dân đồng thuận".
Chính quyền không nêu rõ cách thức và quy mô của việc lấy ý kiến.
Theo tờ trình, tên đường Đỗ Mười được đặt cho đoạn Quốc lộ 1A từ nút giao Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến nút giao An Sương (đi qua thành phố Thủ Đức và quận 12), dài 21 km.
Trước đó, thông tin ông Đỗ Mười được đặt tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện từ tháng 4.
Ở Hà Nội cũng đã có tuyến đường Đỗ Mười dài 6,2 km, rộng 68 mét, ở quận Hoàng Mai.
Hồi tháng 1, thành phố Hải Phòng đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng đường Đỗ Mười.
Ông Đỗ Mười làm tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997, kế nhiệm ông Nguyễn Văn Linh, người được xem là tổng bí thư đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới được đề ra tại Đại hội lần thứ 6 của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986).
Trước đó, ông Đỗ Mười là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là thủ tướng chính phủ) từ tháng 6/1988 đến tháng 7/1991.
'Bàn tay sắt'
Ông Đỗ Mười, khi giữ chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, trả lời phóng viên trong và ngoài nước tại Đại hội Đảng lần thứ 8 ở Hà Nội vào ngày 30/6/1996
Khi giữ chức phó thủ tướng kiêm nhiệm trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệpx hội chủ nghĩa, ông Đỗ Mười đã thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam sau năm 1975 với "bàn tay sắt", để lại nhiều hậu quả nặng nề cho kinh tế, xã hội và chính trị.
Trước năm 1975, Sài Gòn đã có một cơ sở vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp cả miền Nam. Nơi đây tập trung hơn 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân, theo một bài viết của báo Tuổi Trẻ vào năm 2006.
Để công hữu hóa tư liệu sản xuất và đưa công nhân lao động làm chủ nhà máy, xí nghiệp, sau năm 1975, chính quyền cách mạng đã tiến hành vận động hai đợt cải tạo công thương nghiệp.
"Kết quả là đã quốc hữu hóa tài sản của 171 tư sản mại bản, 59 tư sản thương nghiệp cỡ lớn, khôi phục 400 xí nghiệp quốc doanh, 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thu hút 27 vạn công nhân và lao động, vận động hồi hương lập nghiệp và từng bước phân bố lại lao động", theo bài viết Kê biên tài sản của báo Tuổi Trẻ vào năm 2006.
Mô tả việc đánh tư sản của Tổng bí thư Đỗ Mười, nhà báo Huy Đức viết trong cuốn Bên thắng cuộc :
"'Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh' ở miền Nam, tiến hành từ sau 1975, đã cải tạo 3.560 cơ sở tư bản tư doanh công nghiệp, trong đó có 1.354 cơ sở của tư sản mại bản bị công hữu hóa, tịch thu, 498 cơ sở bị chuyển thành công tư hợp doanh ; chuyển 5.000 tư sản thương nghiệp sang sản xuất ; chuyển chín vạn tiểu thương sang sản xuất ; sử dụng 15.000 người vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa".
"Sau Cải tạo, dưới dạng kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, Nhà nước nắm : 100% ngành năng lượng ; 45% ngành cơ khí ; 45% ngành xay xát lương thực ; 100% ngành bia, nước ngọt, bột ngọt, thuốc lá ; 45% trong các ngành chế biến đường, dầu thực vật ; 60% ngành dệt ; 100% ngành sản xuất giấy ; 80% ngành sản xuất bột giặt, xà phòng. Thương nghiệp quốc doanh nắm 80% nguồn hàng công nghiệp ; 92% số xã trên toàn miền Nam có hợp tác xã mua bán".
"Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận : 'Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn'", nhà báo Huy Đức viết trong cuốn sách nêu trên.
Sau năm 1975, chính quyền đã tiến hành hai đợt cải tạo công thương nghiệp tại miền Nam. Ảnh một ngôi chợ ở Sài Gòn vào ngày 3/9/1978
Cũng trong sách Bên thắng cuộc, nhà báo Huy Đức viết :
"Ông Đỗ Mười sùng bái nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và chấp hành nghị quyết một cách chân thành. Năm 1958, khi làm bộ trưởng Bộ Nội thương, ông chỉ huy đánh tư sản ở Hà Nội. Hai mươi năm sau, cũng chính ông dẫn 'đại quân' vào Sài Gòn đánh tư sản ở miền Nam. Nhưng đến Tết năm 1989, khi đã trở thành người đứng đầu của một chính phủ thi hành nghị quyết 'đổi mới', ông lại lên ti vi 'chúc mọi người làm ăn phát tài'".
Trả lời báo Tiền Phong vào năm 2006, ông Mai Chí Thọ, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng kể lại thời kỳ này như sau :
"Sau chiến thắng 30/4/1975 với chủ trương 'Tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội', ngay sau khi giải phóng, TW [Trung ương] đã giao nhiệm vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh phải bắt tay ngay vào chiến dịch mang bí số X1 và X2 với nội dung 'Cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa' vẫn được quen gọi là 'Đánh tư sản mại bản'".
Theo lời ông Mai Chí Thọ, chiến dịch X1 là công cuộc cải tạo những tư sản có liên quan tới đế quốc, dù trong số họ không ít người chỉ thuần túy "làm kinh tế".
Còn trong chiến dịch X2 thì suốt một thời gian dài, "hàng chục vạn lượt nhân dân lao động, thanh niên, sinh viên, học sinh rầm rộ xuống đường với khẩu hiệu, biểu ngữ, loa tay, loa phóng thanh, nắm tay hô vang khẩu hiệu 'Đả đảo tư sản mại bản' khiến cho lớp 'người giàu' thuộc chế độ cũ kinh hồn bạt vía", theo lời ông Thọ.
"Từ một thành phố hưởng thụ, một trung tâm công nghiệp lớn nhất, vậy mà chỉ sau mấy năm khi 'Chiến dịch X1, X2' đi qua, toàn bộ nền sản xuất công nghiệp của thành phố bị tê liệt tới mức cạn cùng : nguyên vật liệu không còn, viện trợ từ các phía bị cắt đứt, cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng, máy móc phương tiện 'đắp chiếu' ngủ triền miên hết năm này sang năm khác".
Cũng theo báo Tiền Phong, chủ trương duy ý chí này "đã làm sa sút ghê gớm, biến dạng diện mạo cũng như nội lực của thành phố, xóa đi hết những ưu thế, cơ sở vật chất sẵn có của 'Hòn ngọc Viễn Đông'".
'Vừa bảo thủ, vừa đổi mới'
Từ một người nổi tiếng cứng rắn, bảo thủ, ông Đỗ Mười lại gây ngạc nhiên khi ủng hộ cải cách tự do hóa kinh tế, theo nhà nghiên cứu Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ nói với BBC vào tháng 10/2018, thời điểm ông Đỗ Mười qua đời.
"Ông ấy đã tiếp nối được di sản tự do hóa kinh tế của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh".
Ông Đỗ Mười được nhìn nhận là một người vừa bảo thủ, vừa đổi mới, khi là thủ tướng cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và tổng bí thư đầu tiên của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá với BBC hồi tháng 10/2018 rằng ông Đỗ Mười là nhà lãnh đạo "bản lề" của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.
"Không như các lãnh tụ cộng sản trước ông như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, nhưng lại giống các lãnh tụ sau này như Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, sự lãnh đạo của ông Đỗ Mười không có chiều sâu triết lý. Ông có lúc uyển chuyển, thực tế nhưng nhiều lúc giáo điều, cứng nhắc mà không theo một quy luật nào".
"Có thể nói ông Đỗ Mười cùng với Nguyễn Văn Linh là hai người để lại dấu ấn lớn nhất và là hai người 'đặt đường ray' cho thời kỳ Đổi mới của Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ 1986-2006", Giáo sư Vuving đánh giá.
Dù thế, ông Đỗ Mười vẫn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò trung tâm của kinh tế nhà nước.
"Trong thư gửi Bộ Chính trị đề ngày 2/11/2000, Cố vấn Ban Chấp hành trung ương đảng Đỗ Mười cho rằng quan điểm 'thu hẹp doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh các thành phần kinh tế khác là một khuynh hướng sai lầm cần uốn nắn'", theo sách Bên thắng cuộc.
Báo Dân Trí trong bài viết vào ngày 2/10/2018 dẫn lời ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết ông Đỗ Mười là "người tạo động lực mạnh mẽ cho thành công của công trình đường dây 500kV Bắc – Nam".
Ông Đỗ Mười khi đương chức tổng bí thư cũng được cho đã có những chỉ đạo kịp thời đối với ngành viễn thông để Việt Nam chính thức tham gia vào mạng Internet toàn cầu từ ngày 19/11/1997, theo báo Thanh Niên trong bài viết vào ngày 17/5/2015.
Như những người tiền nhiệm, ông Đỗ Mười được xem không chấp nhận sự tồn tại của một đảng đối lập, theo Financial Times.
Cụ thể, theo báo này, hồi năm 1997, trong một lần trả lời hiếm hoi trước các nhà báo nước ngoài liên quan đến việc liệu Đảng cộng sản Việt Nam có chấp nhận sự tồn tại một đảng đối lập nhỏ hay không, ông Đỗ Mười phát biểu (được tạm dịch sang tiếng Việt) như sau :
"Nếu một bầy ong có hai con ong chúa thì sẽ vỡ tổ. Và trong một trận bóng đá, chỉ có thể có một trọng tài... nếu có hai người... thì không thể kiểm soát được trận đấu".
Tiểu sử ông Đỗ Mười
Ông Đỗ Mười cùng các lãnh đạo đảng và nhà nước tham dự lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại tại Quảng trường Ba Đình vào năm 2005
Ông Đỗ Mười, tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tháng 6/1939, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam).
Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở nhà tù Hà Đông và nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông làm bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.
Đầu năm 1946, ông làm bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
Năm 1956, ông làm thứ trưởng Bộ Thương nghiệp.
Năm 1958, ông làm bộ trưởng Bộ Nội thương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (tháng 9/1960), ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành trung ương đảng, giữ chức bộ trưởng Bộ Nội thương.
Từ năm 1967-1968, ông làm chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ.
Năm 1969-1973, ông làm phó thủ tướng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản nà nước.
Năm 1973, ông làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Xây dựng, phó chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến trung ương và chống phong tỏa Cảng Hải Phòng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng (tháng 12/1986), ông tiếp tục được bầu lại làm ủy viên Trung ương đảng và được bầu vào Bộ Chính trị, được phân công làm thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng.
Tháng 6/1988, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là thủ tướng chính phủ).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 của Đảng (tháng 6/1991), ông được bầu giữ chức tổng bí thư, bí thư Quân ủy Trung ương.
Tại Đại hội 8 (tháng 6/1996), ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức tổng bí thư Ban chấp hành trung ương đảng, bí thư Quân ủy Trung ương.
Tháng 12/1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương đảng lần thứ tư khóa 8, ông xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương đảng, thôi giữ chức tổng bí thư, được Ban Chấp hành trung ương đảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hànht ương đảng đến năm 2000.
Ông Đỗ Mười qua đời vào ngày 1/10/2018.
Nguồn : BBC, 14/08/2024
Từ lâu, mỗi khi đọc, hiểu về lịch sử đau thương của Việt Nam giai đoạn 1945-1975, luôn tồn tại trong tôi một khoảng trống mà ở đó trí tuệ và sự suy nghĩ rạch ròi không thể len lỏi vào, chỉ còn lại những nỗi khắc khoải và đau nhức của cảm xúc ngập tràn dần làm tê liệt chính mình.
Đỗ Mười khi đến dự hội nghị Thành Đô năm 1991 : Không ai có thể xác tín nội dung của mật ước Thành Đô cho đến khi nó được giải mật, nhưng rất có thể, đây là một hiệp ước dần biến Việt Nam thành nhượng địa của Trung Quốc
Lật lại từng trang sử của Việt Nam, mà gần nhất là giai đoạn từ năm 1945 lại đây thôi, không ai có thể chối bỏ rằng đó là một giai đoạn xảy ra quá nhiều biến cố đau thương nối tiếp nhau. Quá nhiều giả định và câu hỏi "giá như và tại sao ?…". Ngay cả trong trí tưởng tượng cũng không thể giúp tôi tránh né chính mình, nhất là với suy nghĩ của một người nghiêm túc đối với những vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện tại như tôi. Những suy tư đó càng ngày càng thôi thúc tôi tìm hiểu chính xác và đúng đắn về quá khứ của Việt Nam, dù nó đau lòng và có thể đả phá tâm lý hay niềm tin, sự lạc quan mà tôi đã được nhào nặn từ những dữ kiện sai trong một thời gian dài.
Dù không đánh giá thấp sự u mê, ngu dốt của con người, nhất là những người do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy được nắm quyền bính trong tay nhưng tôi vẫn không thể nào tưởng tượng được về những quyết định mà họ đưa ra đã dẫn đến những hậu quả tai hại và lâu dài cho cả một cộng đồng, một dân tộc lại kinh khủng đến thế. Khi đọc lại giai đoạn lịch sử cận đại, nhất là hàng loạt biến cố đau thương xảy ra với đất nước mình, với đồng bào mình thì những vết tích, thương tổn đó vẫn hiện diện như chỉ mới đây thôi. Tôi cảm thấy rất khó chấp nhận những tác nhân đã tạo ra những bi kịch như cải cách ruộng đất, nhân văn- giai phẩm, cải tạo tư sản ở miền Nam hay hàng loạt những quyết định ngu dốt khác của nhiều lãnh đạo đảng cộng sản từ trước tới giờ.
Đã có nhiều bài viết hay những nghiên cứu nghiêm chỉnh của những trí thức yêu nước, học giả với cố gắng lý giải một bối cảnh khách quan của lịch sử đã dẫn dắt, chi phối các hành động và quyết định của đảng cộng sản khiến cả đất nước đi vào ngõ cụt và đêm đen, trong đó có giai đoạn 1945-1975. Loạt bài về "Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8" của ông Nguyễn Gia Kiểng là một tài liệu đáng quí với những bài học và kinh nghiệm tranh đấu dân chủ cho những người yêu nước, mong mỏi một cuộc đổi đời cho đất nước.
Trong bài viết này của mình, tôi chỉ muốn nêu một số sự kiện để lý giải cho câu hỏi tại sao những con người rất yếu kém về mặt trí tuệ và vô cảm như ông Đỗ Mười hay bất cứ một nhân vật quan trọng nào trong guồng máy của đảng cộng sản như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Tố Hữu... lại có thể khống chế cả đất nước Việt Nam và kéo lùi đất nước chúng ta trên tất cả mọi phương diện, mọi địa hạt như vậy. Đặc biệt là ông Đỗ Mười, một người cộng sản "toàn nguyên". Theo nhiều người, dù là cộng sản hay không, đều phải thừa nhận rằng ông ấy có những đức tính và đại diện tuyệt đối cho mẫu người "cộng sản chân chính".
Ông Đỗ Mười, từ một người làm nghề lao động tay chân, tin tưởng và đi theo tiếng gọi của đảng cộng sản. Ông đã đi lên từng bước một và cuối cùng leo lên những cấp bậc cao nhất, có mặt và trực tiếp tham gia vào những quyết định quan trọng trong vụ cải tạo tư sản ở miền Nam hay hội nghị Thành Đô năm 1991. Cho đến bây giờ nhìn lại, thì tất cả đều kinh hãi trước những hậu quả nặng nề và tai hại mà ông là đạo diễn. Các quyết định của Đỗ Mười làm ảnh hưởng lên số phận hàng triệu người, có nhiều người đã phải mất mạng, giềng mối xã hội hay những giá trị về tình yêu thương, gia đình, thứ bậc đều bị xé bỏ trong sự vô cảm, không một chút luyến tiếc.
Việc đánh tư sản ở Miền Nam đã dẫn đến thảm cảnh thuyền nhân khi hàng triệu người bỏ nước ra đi, nhiều người mất nhà, mất đất một cách tức tưởi. Cũng không ai có thể xác tín nội dung của mật ước Thành Đô cho đến khi nó được giải mật, nhưng rất có thể, đây là một hiệp ước dần biến Việt Nam thành nhượng địa của Trung Quốc vì cùng chung ý thức hệ cộng sản. Điều này cũng rất có khả năng là sự thật. Tại sao ?
Tại sao trong hàng ngũ những người lãnh đạo cộng sản, hầu hết đều sắt máu như ông Đỗ Mười nhưng cũng có những con người vì thời cuộc hay một chuyển biến tự nhiên về thời gian mà họ có thể được nâng lên hay bị đặt xuống như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh... duy chỉ có ông Đỗ Mười là đường Đảng lộ chỉ có đi lên chứ không có xuống ?
Cứ nhìn những hình ảnh khóc thương của các thế hệ lãnh đạo cộng sản trong tang viếng ông Đỗ Mười gần đây, tôi tin rằng dù ít hay nhiều, thì họ cũng đều từng là học trò hay đệ tử của ông Đỗ Mười, có người được ông nâng đỡ cũng có người được ông đối xử trung dung. Tôi tin rằng họ khóc hay buồn rầu vì luyến tiếc thật.
Cứ nhìn những hình ảnh khóc thương của các thế hệ lãnh đạo cộng sản trong tang viếng ông Đỗ Mười gần đây, tin rằng họ khóc hay buồn rầu vì luyến tiếc thật.
Có thể nhìn nhận rằng ông Đỗ Mười là đại diện cho tính cách của một người cộng sản "toàn nguyên". Với ông ấy, chủ nghĩa cộng sản còn lớn hơn cả một chủ nghĩa, nó như một tôn giáo, nghĩa là ông tin nó và xác quyết những tín điều của nó, bất cần lý luận, bất cần chứng minh. Trong tất cả những quyết định của mình, ông Đỗ Mười đã bỏ hẳn tính cách độc lập của một cá nhân như sự suy xét, phản biện, lòng trắc ẩn, hay tình thương, tình bạn... ông đại diện cho tính Đảng và chỉ làm tất cả vì quyền lợi của đảng với một niềm tin và một sự phục tùng tuyệt đối.
Trong quyển Bên Thắng Cuộc của Huy Đức có thuật lại giai đoạn đánh tư sản ở miền Nam mà ông Đỗ Mười chỉ đạo, chính những đồng chí của ông như Hoàng Tùng, Võ Văn Kiệt cũng phải bối rối, bất lực và bỏ cuộc trước sự lạnh lùng của Đỗ Mười khi ông đưa ra những quyết định ảnh hưởng lên đời sống của hàng triệu người miền Nam thời điểm đó.
Nhưng tại sao những người như Đỗ Mười, hay những đồng chí của ông, vừa kém trí tuệ vừa thiếu khả năng vừa không có lòng yêu nước... lại có thể áp đặt sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản lên Việt Nam bắt đầu từ miền Bắc từ 1945 và trên cả nước từ năm 1975 ?
Có lẽ họ có văn hóa tổ chức và tận dụng được hiệu lực và sức mạnh của tổ chức ? Chủ nghĩa cộng sản là một sự nối tiếp hoàn hảo của các chế độ phong kiến tập quyền trước đây được hỗ trợ bởi văn hóa Khổng Giáo vẫn còn hiện diện và ảnh hưởng mạnh mẽ trong tâm lý xã hội Việt Nam sau cả ngàn năm tồn tại ? Đó là những biến cố lịch sử thuận lợi như nạn đói Ất Dậu năm 1944, sự suy yếu của những đảng phái yêu nước, sự vụng về và thiếu minh bạch của người Pháp hay sự hời hợt của tầng lớp trí thức khoa bảng của Việt Nam giai đoạn đó ?
Sống ngắc ngoải trong nạn đói lịch sử năm Ất Dậu - Ảnh minh họa (PLO, 12/01/2015)
Yếu tố nào ảnh hưởng nhất hay tất cả các yếu tố trên đã dẫn đến một bi kịch kéo dài cho đến ngày nay ?
Trong nhận xét riêng của mình, tôi đưa ra một lý giải đó là khi xuất hiện một khoảng trống mà sự phẫn uất bị dồn nén đã bị đẩy lên cao trào dẫn đến việc trí tuệ không thể len lỏi vào để bình tĩnh suy xét, dẫn đường. Cho đến khi tất cả nhận ra thì đảng cộng sản đã nắm quyền bính và họ đã khống chế toàn xã hội bằng cả sự khủng bố tinh vi về tinh thần lẫn vật chất.
Nhắc lại một bài học để chúng ta hiểu rằng giai đoạn tranh đấu cho phong trào dân chủ hiện nay cần sự kết hợp của cả con tim, khối óc và những cái nắm tay thật chặt. Không ai không xúc động và nghẹn ngào khi hàng ngày mở báo ra đều đọc thấy những tin tức về nạn lạm dụng tình dục trẻ em, tai nạn giao thông, cơ sở hạ tầng yếu kém do tham nhũng, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi...Nhưng sự uất hận đó rất có thể dẫn dắt chúng ta đến một khoảng trống mà khi đó sự suy nghĩ lạc quan về tương lai của đất nước không còn, chỉ còn lại những xúc cảm tùy từng người định nghĩa như lòng thù hận, sự manh động, bi quan, chán nản, tuyệt vọng...
Trong giai đoạn này, những ai còn biết đau thương với nỗi đau của đồng bào sẽ là một niềm an ủi, một sự hy vọng cho tương lai. Chúng ta cần phải dành một sự cố gắng lớn lao hơn, cần phải vượt qua một nỗi đau tập thể để hiểu rõ mình, hiểu rõ lịch sử của đất nước mình trong nỗ lực tạo ra một lịch sử mới cho Việt Nam của ngày hôm nay và mai sau. Và quan trọng nhất, phải hiểu rằng đảng cộng sản hiện nay chỉ còn là một hư cấu, nó đã dần biến chuyển từ một chế độ độc Đảng (mà những đại diện toàn nguyên như Đỗ Mười đã không còn) sang một chế độ độc tài cá nhân. Tuy nhiên quá trình này càng dẫn nó đến sự sụp đổ nhanh hơn.
Sự khốc liệt của guồng máy cộng sản đã triệt tiêu dần mọi cá nhân tài năng và bỏ qua những tiêu chuẩn đạo đức làm người. Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm bế tắc. Sự bế tắc của một tổ chức như đảng cộng sản có thể dẫn đến một sự sụp đổ trong tương lai gần, nhưng nếu phong trào dân chủ Việt Nam không xây dựng được một tổ chức đứng đắn sẽ không thể huy động được quần chúng để làm đối trọng với đảng cộng sản. Lúc đó tình hình sẽ càng hỗn loạn và bi đát. Tương lai của Việt Nam sẽ bất định hoặc sẽ bị một nhóm tài phiệt lợi dụng chiêu bài đổi mới nổi lên cướp chính quyền và tiếp tục duy trì tình trạng cũ, tiếp tục chia quyền, đoạt lợi dưới một hình thức dân chủ giả hiệu.
Đừng để lịch sử đau thương lặp lại. Chúng ta đã có rất nhiều bài học đau lòng nhất là khi trí tuệ, tinh hoa của người Việt bị gạt ra bên lề để dành chỗcho một lực lượng vô học và dốt nát lên nắm quyền.
Chúng ta đã là chúng ta của ngày hôm nay chỉ vì đã dành quá nhiều sự đam mê mà thiếu đầu tư vào tư tưởng và xây dựng những dự án chính trị nghiêm chỉnh cho đất nước. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn kiên trì đổi mới và cập nhật tư tưởng bằng dự án chính trị gần nhất là "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2" nhằm tìm kiếm một tương lai mới cho người Việt.
Thế giới đang bước vào một kỷnguyên mà sự tiến bộ như vũ bão về công nghệ, sinh học... sẽ đưa loài người đến những vận hội mới cùng những thử thách mới. Dù vậy vẫn có một sự thực đau lòng mà chúng ta không thể chối bỏ đó là hơn 95 triệu người Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ các quyền của con người. Chúng ta vẫn bị kìm hãm và không thể vươn lên được, đây sẽ là một câu hỏi nhức nhối cần phải đặt ra đối với bất kì ai còn nghĩ đến một tương lai chung cho Việt Nam.
Việt Dân
22/10/2018
Chúng tôi cũng một thời nghe về Đỗ Mười, sau 1975 đã dẫn đầu những cuộc đánh tư sản Miền Nam. Những âm mưu của bè lũ tư bản, tư sản đối với công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên cả nước ra sao và thành tích cũng như tài trí của Đỗ Mười như thế nào qua những chiến công đó.
Những câu chuyện đó qua báo chí, sách vở và truyền miệng đã đưa đến một hình ảnh lãnh đạo đất nước tài giỏi như Đỗ Mười khiến chúng tôi thấy thật hạnh phúc nếu được diện kiến.
Cố Tổng bí thư Đỗ Mười tại một cuộc gặp ở Hà Nội hôm 1/9/2009 - AFP
Gặp Đỗ Mười
Điều choáng nhất đối với tôi đầu tiên khi động đến chính trị và các lãnh đạo đất nước, đó là sau khi vào Đại học Xây Dựng Hà Nội. Khi đó, Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội vẫn còn sơ tán ở Hương Canh, Vĩnh Phúc.
Một buổi chiều, tôi ra nhà ông Hoàng Xuân Liễn, là người quen của bố tôi khi học Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông làm Trưởng phòng Giáo vụ nhà trường. Đến nhà ông chơi, tôi chăm chú đọc tờ báo Liên Xô Ngày Nay, một loại họa báo in đẹp, tuyên truyền về Liên Xô, thành trì của Cách mạng vô sản và là Anh Cả trong phe xã hội chủ nghĩa.
Trên tờ họa báo, có in một đoạn bút tích của Hồ Chí Minh khi đến viếng Lenin. Đọc mãi mà tôi không thể hiểu được ý của ông Hồ định viết cái gì. Câu văn thì lủng củng, ngữ pháp không rõ ràng, khó hiểu. Tôi hỏi ông Liễn :
- Bác có biết Bác Hồ viết như thế này là ý nghĩa gì không?
Thật bất ngờ, ông trả lời tôi :
- Vớ vẩn. Tay này viết ngớ ngẩn.
Tôi giật bắn mình và không dám hỏi gì thêm. Bởi khi đó, với thế hệ chúng tôi ở miền Bắc, nói về Hồ Chí Minh mà nói vậy là sự xúc phạm còn hơn phá Nhà thờ. Bởi phá nhà thờ là điều chúng tôi thường thấy khi đó.
Năm thứ 3 ở Đại học Xây dựng, chúng tôi đã chuyển về học ở Đồng Tâm, Hà Nội. Khi đó, Trường Đại học Xây dựng có đến mấy cơ sở, Đồng Tâm là một trong 3 nơi. Nơi đó như một vũng lầy, đường sá bẩn thỉu, ngõ hẹp quanh co, lớp học và Ký túc xá ở lẫn nhà dân.
Người dân ở đó trồng rau, trồng hành, mùi… đủ thứ. Đến khi họ tưới phân thì khỏi học, ngồi trong lớp học hoặc ký túc xá cũng như ngồi trong nhà vệ sinh công cộng. Cơ sở vật chất của Đại học Xây dựng chẳng có gì ngoài mấy dãy nhà cấp 4. Nhếch nhác, bẩn thỉu và xô bồ và đói là những gì mà thời sinh viên chúng tôi được hưởng.
Năm 1984, Trường Đại học Xây dựng tổ chức Hội nghị Khoa học. Không có hội trường nên nhà trường mượn Hội trường C2 Đại học Bách khoa Hà Nội để tổ chức.
Đến dự, có Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Chúng tôi nô nức vì lần đầu được gặp một nhà lãnh đạo đất nước.
Cả hội trường tập trung một lúc lâu thì ông đến. Công an thì gác trong gác ngoài hết sức đông đúc và nghiêm trọng, cẩn mật.
Đỗ Mười đến, lên bục phát biểu một hồi dài. Phong cách của ông là chém tay liên tục. Tôi ngồi dưới hội trường thấy ông nói chuyện, giọng khàn đực và chém tay lia lịa, không thể nhớ được nhiều. Nhưng tôi choáng khi nghe ông nói có những nội dung mà tôi không nghĩ là người như ông lại nói thế. Tôi chỉ nhớ mấy ý như sau :
Tôi nhận được lời mời đến Đại học Xây dựng dự Hội nghị, mà tìm mãi không biết nó ở chỗ nào, mãi mới biết là mượn Hội trường của Bách Khoa. Các đồng chí được nhà nước giao cho trấn giữ ở phía Nam thủ đô, phải xây dựng cao lên, không chỉ năm, bảy tầng mà là mười tầng hoặc cao hơn nữa.
Ông Hiệu trưởng nhà trường mừng rỡ vì những lời này, cả hội trường yên chí rằng trường mình chắc sẽ được đầu tư đẹp hơn, tốt hơn.
Ông lại chém tay nói tiếp:
Đảng và nhà nước hết sức quan tâm đến lĩnh vực xây dựng. Các đồng chí thấy vừa qua Hà Nội mới mưa một trận đã ngập lụt khủng khiếp như thế chưa. Là những người xây dựng, chúng ta phải chú ý đến Thủ đô, nâng nó lên, ao hồ lấp hết đi.
Cả hội trường cười như vỡ chợ. Là Bộ trưởng Xây dựng một thời gian dài, chẳng lẽ ông không biết rằng lấp ao hồ đi thì ngập lụt sẽ càng tăng lên ? Quả thật là sau đó, Hà Nội thi nhau lấp ao hồ thật và ngập lụt lại cứ triền miên như hiện nay.
Điều thứ hai ông nói về đội ngũ trí thức Việt Nam, lại làm tôi chú ý. Ông nói :
Chúng ta có đội ngũ trí thức hết sức đáng quý. Tình hình hiện nay là rất khó khăn. Các đồng chí tưởng tôi là Phó thủ tướng chính phủ là sung sướng lắm à ? Suốt ngày đi ăn xin, xin lương thực, xin viện trợ.
Cả hội trường lại cười nhưng những tiếng cười khác trước. Có lẽ là cái cười đau khổ nhất của một tập thể mà tôi thấy. Đỗ Mười nói tiếp :
Anh Trường Chinh nói rằng, các giáo sư, tiến sĩ của ta lương chỉ đủ sống có 15 ngày. Nhưng tôi tính thì chỉ đủ 7 ngày. Còn lại thì chúng ta nuôi lợn, chúng ta đi rửa bát thuê cho hàng phở, chúng ta trồng rau, tự túc lương thực để nghiên cứu khoa học. Thế đấy, chúng ta có đội ngũ khoa học, trí thức đáng quý như thế đấy. Nó như thép đã tôi, tôi đi rồi tôi lại.
Lại một lần nữa, hội trường cười như chưa từng được cười. Dưới hội trường xầm xì : Trí thức mà cứ phải đi rửa bát thì làm sao còn có thể nghiên cứu khoa với chả học ? Đói bỏ mẹ lo ăn chưa xong lại còn nghiên với cứu ? Tôi thép chỉ tôi một lần chứ ai tôi đi rồi tôi lại…
Phó Thủ tướng Đỗ Mười đến dự hội nghị khoa học công nghệ trường Đại học Xây dựng Hà Nội năm 1984 - Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh
Cả hội trường cứ râm ran và cười. Đỗ Mười thấy vậy cứ tưởng phía dưới hưởng ứng càng chém tay mạnh hơn.
Chợt Huỳnh Ngựa, một anh bạn cùng lớp đứng bật dậy đi ra. Hắn ra đến hiên nhà vừa đi vừa chửi : "Đm, chẳng có tướng mạo con c. gì". Chúng tôi lại choáng vì công an cả đàn cả lũ đang đứng gần đó nhìn theo. Có lẽ anh ta cũng như chúng tôi đã gặp con người thực tế của một lãnh đạo đất nước không như những gì chúng tôi đã được nghe, được tuyên truyền xưa nay nên anh ta thất vọng.
Lần gặp trực tiếp Đỗ Mười ấy, đã làm xáo trộn trong tôi về hình ảnh một lãnh đạo đất nước không như tôi nghĩ, không như tôi nghe, cũng tầm thường và thiếu hiểu biết chứ không như những ông Thánh trong chuyện cổ tích chúng tôi vẫn được tuyên truyền.
Khi tôi về công tác tại Viện Thiết kế Bộ Giao thông, thỉnh thoảng chúng tôi được nghe về những câu chuyện của các lãnh đạo quốc gia bởi những người đã gặp, những câu chuyện họ đã nghe. Những câu chuyện về đời thực của các lãnh đạo, đều như những câu chuyện phản động nào đó, ít ai dám nói công khai.
Một lần, nói đến những nhà lãnh đạo, một chị trong phòng kể :
Ông chồng chị, một lần đi công tác với Đỗ Mười, về nhà thấy thì thầm với chị : Đúng là tay Đỗ Mười này ăn nói cục súc thật, như thằng ngoài chợ. Chị hỏi chuyện gì, ông kể rằng hôm nay, đi cả đoàn cùng với Đỗ Mười thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Đến chỗ dệt, có một bộ phận cuốn sợi hay chỉ gì đó ông cũng không rõ, Đỗ Mười hỏi : Đây là cái gì thế ? Sau khi được giải thích đây là bộ phận nọ kia trong quá trình dệt vải. Đỗ Mười nói một câu : "Nhìn như cái l. đàn bà ấy". Cả đoàn choáng và ông cũng choáng về cách ăn nói của lãnh đạo đảng và nhà nước trước cả đoàn cán bộ cao cấp.
Ông Kiến trúc sư kể lại : Hồi tôi thiết kế phương án Trụ đầu cầu Thăng Long, sau khi thiết kế xong thì phải đến thông qua Đỗ Mười, nhưng không thể gặp ban ngày mà người ta bố trí buổi tối gặp ông ấy tại nhà. Chúng tôi đến quần áo chĩnh chiện nghiêm trang như đi hội nghị. Đến nhà, ông ấy bận một bộ quần áo ngủ tiếp khách. Ngồi nghe chúng tôi trình bày phương án xong ông phán mấy câu : Phải hiện đại, phải dân tộc, phải đáp ứng yêu cầu nọ kia của tình hữu nghị Việt – Xô… nghe xong chúng tôi ra về mà không hiểu cần làm như thế nào để đáp ứng tất cả những yêu cầu ấy. Chán.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đến phiên khai mạc Đại hội đảng lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 21/1/2016 AFP
Những câu chuyện tôi trực tiếp thấy và nghe về Đỗ Mười từ những con người cụ thể đã từng gặp là có thế. Sau này, khi mạng Internet đã vào Việt Nam, tôi mới hiểu hơn về thân thế, xuất thân cũng như những hành động, những mặt đằng sau của các lãnh đạo đất nước không như những lời mà hệ thống tuyên truyền đã bơm vào đầu cả dân tộc này bao nhiêu năm qua.
Tôi đã đọc Hồi Ký của Đoàn Duy Thành, hiểu rõ hơn về chân dung Đỗ Mười, về những kế hoạch tàn bạo, man rợ của tư duy cướp bóc bất chấp luật pháp và lẽ phải của ông ta trong những quyết định, những chỉ thị khi làm lãnh đạo. Tôi ấn tượng về câu chuyện khi ông đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng, nhìn thấy ngôi nhà hai tầng của một thủy thủ tàu viễn dương bên đường, ông ta hỏi nhà thằng nào mà đẹp thế. Sau đó ông chỉ thị tịch thu tất cả những nhà cao tầng của bất cứ người dân nào để làm công sở, làm nhà trẻ không cần biết xuất xứ.
Tôi cũng thấy hiện lên qua đó, hình ảnh chân thực hơn về một trong những lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp thất học và những hạn chế về kiến thức nhưng được giao quyền lực lớn đã để lại những hậu quả to lớn như thế nào đối với đất nước, dân tộc này.
Tôi cũng đọc nhiều về những việc làm, lời nói và cách lãnh đạo, bè phái trong đảng khi chọn người làm lãnh đạo đất nước như lời Đỗ Mười : "Nó lật tao thì tao lật nó".
Và rồi hệ thống tuyên truyền với tư duy nói mãi thì sự dối trá cũng thành sự thật, tôi nghe một sư quốc doanh như Thích Thanh Hiền ca ngợi Đỗ Mười là "Bồ tát thị hiện" mà ngao ngán cho một tôn giáo đã bị lũng đoạn khủng khiếp như Phật giáo quốc doanh ngày nay.
Đặc biệt, tôi nhớ hình ảnh Đỗ Mười trong cái gọi là Hội nghị Thành Đô với Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam với bản mật ước mà đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giấu diếm như một điều gì đó khủng khiếp dù nó liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, của đất nước Việt Nam này. Người ta đồn đoán, người ta lên án sự bất minh đó.
Bởi thường những gì phải lén lút, giấu diếm một cách bất minh thì thường là sự bất chính.
Một đất nước, một dân tộc mà đưa sinh mạng, tương lai cũng như tất cả mọi thứ của cả trăm triệu con người giao vào tay một cái đảng với những lãnh đạo như thế này, thì tương lai sẽ về đâu ? Câu hỏi không khó trả lời cho lắm.
Hôm nay, Đỗ Mười đã trở về cát bụi như một quy luật tất yếu của tạo hóa. Liệu ông ta được xây lăng to, mộ lớn thì có làm yên lòng dân, có làm cho con cháu và họ hàng được tự hào ?
Hãy nhìn những phản ứng của người dân trên mạng xã hội, ngoài quán nước và trong lòng dân thì sẽ hiểu.
Nhất là nếu là người tin có đời sống tâm linh thì liệu Đỗ Mười có được thanh thản nơi chín suối khi có thời gian để ngẫm lại những việc của mình đã từng làm trên đời này khi sống một kiếp người ?
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 02/10/2018
Trong vài ngày, hai đại tang, quốc táng. Đại tang đối với Đảng, bởi vì đối với dân, đó là những tin mừng. Chỉ cần vào mạng xã hội sẽ thấy cái vui mừng ấy nổ như pháo, như champagne.
Trong một xứ có một ngày vui, có vạn ngày buồn, người ta tìm mọi cách để vui. Vui không được với trái banh, vì tranh giải túc cầu bị loại, người ta tìm cái vui trong việc lãnh tụ chầu trời. Trăm hoa khôi hài đua nở, và, trong chính trị cũng như ở ngoài đời, khôi hài là võ khí lợi hại nhất, hữu hiệu nhất.
Trong một xứ có một ngày vui, có vạn ngày buồn, người ta tìm mọi cách để vui.
Một quốc gia người dân chúng vui mừng nghe tin lãnh tụ chết, người ta dễ tưởng tượng thực trạng cũng như tương lai của đất nước đó thế nào.
Đó là những tiếng cười tuyệt vọng, bởi vì với một chế độ độc tài, tập đoàn cầm quyền được đào tạo như nhau, được huấn luyện như nhau, suy nghĩ như nhau, canh chừng nhau, chia chác với nhau, anh này chết, anh khác sẽ lên. Sẽ làm cùng một trò hề độc ác, man rợ, tai hại. Anh nào nghĩ khác, làm khác sẽ bị nghiền nát.
Vấn đề là thay cả cuốn sách, không phải thay vài trang.
Nên vui hay buồn ?
Biết vậy, nhưng vui được thì cứ vui. Hay, mượn chữ của Phan Khôi, "nắng được thì cứ nắng". Diễu cợt được thì cứ diễu cợt. Khôi hài là một hình thức lễ phép của sự tuyệt vọng (L’humour est la politesse du désespoir) (1).
Nghĩ đi, thấy lãnh tụ chết cũng vui. Nghĩ lại, chưa chắc đã là tin mừng. Vì một anh lãnh tụ chết, sẽ xây nghĩa trang bao la, dân hết đất trồng trọt, cắm dùi, sẽ nhăn răng chết theo. Và mỗi lần một anh anh chết, giá xăng lại tăng vọt.
Tuy vậy, không phải cả nước vui mừng. Đám tang ông Quang đã có nhiều người khóc.
Ngoài gia đình, hay những lâu la đã hưởng ơn mưa móc, hay các đồng chí phải đóng kịch buồn rầu, người ta không hiểu khóc vì lý do gì. Ông Quang khi là Bộ trưởng Công an đã hành hạ, tra tấn, giết hại bao nhiêu người, đã nâng cao "phong trào dân đến đồn Công an tự tử". Có cảm tình với đương sự, bởi vì nghe nói ông chống Trung Quốc, bị đầu độc vì muốn thoát Trung ? Nếu chuyện đó có thật, cái chống Tàu của ông nó cũng không đến nỗi hung hăng lắm, vì ông vẫn ngậm miệng ăn tiền cho tới chết.
Ông Đỗ Mười, xuất thân từ người hoạn lợn, đã thiến cả nước, miền Bắc trước, miền Nam sau. Trong mười năm làm Thủ tướng, Tổng bí thư, với những chiến dịch đánh tư sản tàn khốc, dã man, đần độn, ông ta đã làm tiêu tan tiềm lực quốc gia, tan nát hàng triệu gia đình, đưa hàng trăm ngàn người đến vùng kinh tế mới để hoặc bỏ mạng, hoặc trốn về thân tàn ma dại, đã đẩy hàng triệu người xuống thuyền vượt biển tìm đường sống, một phần ba bỏ mình trên biển cả.
Ngày đưa tang ông Quang, có người khóc. Đưa ông Đỗ Mười, học sinh bị lùa ra đứng hai bên đường, không khóc, nhưng cũng phải đóng vai buồn rầu cho đúng quy trình, mặc dù chẳng biết ông ta là ai.
Những hung thần đó, vẫn có những người khóc, mặc dù ngày nay, thời đại Internet, dân không ngoan hơn, hay bớt ngu hơn. Không còn cảnh vật vã than khóc hơn cả khi cha chết, như trong những đám tang Staline, Mao, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành…
Người ta, nhất là người Tây Phương, thường ngạc nhiên, đúng ra là ngỡ ngàng, trước cảnh than khóc lãnh tụ ở những xứ cộng sản.
Phải đọc một tác giả Bắc Hàn, mới hiểu được hiện tượng đó.
"Truyện La scène (Màn kịch), trong tuyển tập truyện ngắn Tố cáo (La dénonciation) của Bandi, mô tả không khí xã hội những ngày dân Bắc Hàn để tang Kim lãnh tụ. Trong buổi họp phường khóm, công an phường cảnh cáo : "Ngay trong hàng ngũ cán bộ cũng có những tên đáng bắn bỏ (vì không bày tỏ đủ lòng thương tiếc Đại lãnh tụ kính yêu)… Chúng ta phải khuyến cáo cán bộ cảnh giác hơn nữa : hàng ngàn con mắt, hàng ngàn lỗ tai, hàng ngàn nắm tay vũ bão phải tích cực canh chừng hơn nữa, phải như vậy mới bảo đảm sẽ không có tên nào dám lầm lỗi".
Mọi người thi đua tới bàn thờ tưởng niệm lãnh tụ. Người ta biết công an đứng ghi tên từng người. "Dân chúng tới than khóc ít nhất một lần mỗi ngày. Dần dần trở thành một thông lệ được mọi người tuân theo, và con số những người tới sáng, trưa, chiều, tối càng ngày càng đông". Cả nước vật vã khóc, kể cả những người bị chế độ hành hạ thân tài ma dại. Tác giả viết mỗi người đóng một vai kịch, sống trong da thịt vai kịch (se glisser dans la peau du personnage) đến nỗi trở thành nhân vật, những giọt nước mắt trào ra, tự nhiên. Mỗi người mang tới bàn thờ lãnh tụ một bông hoa. Hậu quả là hoa trong vườn, trong công viên bị hái sạch, thiên hạ, kể cả học sinh nhỏ tuổi phải leo lên núi kiếm hoa, nhiều người rơi xuống hang núi chết, nhiều người bị rắn độc cắn bỏ mạng. Cán bộ phường : "Các người tưởng rằng như vậy là đủ trung thành à ? Tưởng rằng hái tất cả hoa trong thành phố để kính dâng hương hồn Đại Lãnh Tụ, tưởng rằng leo lên núi hái hoa có thể rớt xuống hang hay bị rắn độc cắn là đủ à ? Trong giai đoạn bi thảm này, dù chúng ta có than khóc đến chết, vẫn không đủ để bày tỏ nỗi đau buồn đã mất người cha chung của dân tộc" (2).
Trong số những người vật vã than khóc, có những người khóc thật, vì được nhồi sọ từ nhỏ, tin rằng mình sống, ăn, ngủ, hít thở khí trời là nhờ lãnh tụ. Cũng có, rất nhiều người, than khóc vì bị lây. Giữa một đám đông, cá nhân không còn nữa, người ta suy nghĩ, phản ứng như đám đông. Y khoa gọi đó là hiện tượng "mimétisme".
Mimétisme, nơi súc vật : thay lông, đổi mầu để lẫn vào cảnh vật chung quanh ; nơi con người : lập lại một cách máy móc, vô thức những hành động, thái độ của những người chung quanh. Trong cả hai trường hợp, đó là một phản ứng để sống còn
Từ vô thần tới Niết Bàn
Như tất cả những người cộng sản, các ông Trần Đại Quang, Đỗ Mười đều hãnh diện khoe trong lý lịch là vô thần, nhưng khi chết, đột nhiên thấy cần Phật hơn là Marx.
Nơi chín suối, Phật hình như có thẩm quyền hơn Đảng, Phật là Tổng bí thư. Hối lộ, phải hối lộ đúng chỗ. Bèn vội vàng, khẩn cấp quy y. Bèn vội vàng triệu tập hàng ngàn sư sãi quốc doanh tụng kinh, gõ mõ. Vẫn cái chiến lược lấy thịt đè người. Trước cửa Phật, cũng dàn quân như công an chống biểu tình, nghĩ nếu tương quan lực lượng càng ngả về phe ta, Phật càng phải nhượng bộ sớm, vội vàng mở cửa Niết Bàn. Tội càng nặng, lực lượng sư sãi càng đông, tụng kinh, gõ mõ càng lớn để áp đảo tinh thần đối phương.
Tội càng nặng, lực lượng sư sãi càng đông, tụng kinh, gõ mõ càng lớn để áp đảo tinh thần đối phương.
Vẫn cái chiến thuật nói láo, theo đúng lời dạy của Lenin : một sự dối trá nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ trở thành sự thực. Các dư luận viên đã áp dụng chiến thuật đó với dân. Các sư quốc doanh áp dụng chiến thuật đó với Phật. Một thượng toạ Thích Cầu Siêu hớn hở loan tin, cũng đáng tin cậy như tin trên báo Đảng : Chủ tịch Trần Đại Quang đã về tới Niết Bàn.
Sau giai thoại đồng chí Chủ tịch thuở nhỏ bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học bài, người ta tưởng nghệ thuật điếu đóm đã tới tột đỉnh. Nhưng không, vẫn có những thằng cha muốn đi xa hơn nữa. Thích Minh Hiển, một thượng tọa quốc doanh khác, làm lobby cho cựu Tổng bí thư nơi cửa Phật, tuyên bố ngon lành : "Cụ Đỗ Mười có đủ đức tính của một Bồ Tát thị hiện". Nói chắc nịch, như phát ngôn viên chính thức của Đức Phật, sau khi đã xét hồ sơ.
"Cụ Đỗ Mười có đủ đức tính của một Bồ Tát thị hiện".
Hai ông trùm một đảng cướp lăn ra chết, cả nước phải để tang. Hiện tượng quái dị đó phải trách ai ? Đảng cướp lộng hành hay một dân tộc thụ động, cam chịu ?
Lòng dân, ý Trời
Bộ Ngoại giao kiêu hãnh loan tin : nhiều nước gởi điện chia buồn với nhân dân Việt Nam và gia đình cựu Tổng bí thư Đỗ Mười.
Tò mò, muốn biết "nhiều nước "là những nước nào ? Trả lời : Trung Quốc, Lào và Campuchia. Thấy thiêu thiếu. Nếu có thêm Bắc Hàn và Cuba, có thể khẳng định ít nhất 100% nhân dân thế giới đã tiếc thương Bồ tát.
Nước nào tiếc thương nhiều nhất ? Tàu. Trung Quốc vô cùng thương tiếc "một đồng chí, và một người bạn thân thiết nhất của Đảng và nhân dân Trung Hoa".
Trung Quốc có thể an tâm. Đồng chí này chết, đồng chí khác lên thay. Cái chức "bạn thân thiết nhất của Đảng và nhân dân Trung Hoa", nhiều đứa sẵn sàng giết nhau để tranh giành cho kỳ được. Chưa bao giờ, phong trào khoe khoang những hành động và thành quả của tình hữu nghị Hoa Việt lên cao hơn như những ngày gần đây.
Nhìn cảnh vua quan mặt mũi rầu rĩ tiễn đưa các đồng chí ra đi, viết (hay chép lại) những lời ai điếu thống thiết trên sổ vàng, người ta không thể không nghĩ tới đám tang của những godfathers trong cuốn phim về mafia của Coppola. Và một câu nói của một nhà văn Pháp : những con cá sấu chưa dự đám tang lãnh tụ, sẽ không biết khóc.
Bây giờ đang là mùa lãnh tụ băng hà, các godfathers khi xếp hàng thắp hương phúng điếu cũng nên thận trọng, nhìn trước nhìn sau. Ngày xưa, trong truyện Tàu, mỗi lần các quan chức tiếp nhau, bao giờ cũng mời khách ngồi dựa lưng vào tường. Ra cái điều là mình không có ý xấu, không tính chuyện thích khách, đâm vào lưng khi khách ngồi nhậu.
Ông Quang ngỏm, bác Trọng lên thay thế, kiêm nhiệm. 100 % Bộ chính trị đã đề cử bác. Ít nhất 100% Đại biểu sẽ bỏ phiếu cho bác, theo ý nguyện của ít nhất 100% nhân dân. Con số 100% hơi khả nghi, vì trong số gần 100 triệu người Việt, có hai người không đồng ý.
Người thứ nhất là tác giả bài này, từ đầu vẫn ủng hộ ông Quang Lùn thuộc nhóm Cờ Đỏ.
Người thứ hai là chính bác Trọng. Bác không hề hay biết chuyện đề cử này, rất ngạc nhiên, rất bức xúc, rất ngần ngại. Bác đã từng tuyên bố "Vừa là Tổng bí thư, vừa là Chủ tịch nước, ai sẽ là người kiểm soát ?". Rất ngần ngại, nhưng cuối cùng, đành phải nhận lời, ý dân không thể từ chối. "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", như lời Mạnh Tử
Như vậy, phải nói rõ là không phải hoàn toàn "một chăm phần chăm". Nhưng không sao. Thiếu một, hai người, nhưng có thêm một phiếu, quan trọng không kém : Trời. Thủ tướng Phúc, người ban chức "top" thế giới cho cả nước, khám phá ra chuyện đề cử bác Trọng "trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người".
Vô thần, nhưng khi cần vào Niết Bàn sớm để chiếm chỗ tốt, vồ nhà mặt tiền, không ngần ngại ra lệnh cho sư sãi quốc doanh tụng kinh loạn cào cào, khi cần thắng cử, không ngần ngại lôi Trời đi bỏ phiếu.
Mồ cao, mả đẹp
Mồ mả ông Quang xây hoành tráng, rực rỡ trên 2.000 thước vuông, gấp hàng trăm, hàng ngàn lần nơi an nghỉ của De Gaulle, Kennedy, Kohn là quốc trưởng, thủ tướng của những nước nhược tiểu, nghèo đói.
Mồ ông Đỗ Mười nhỏ hơn, trên 1.000 thước vuông, bởi vì ông được báo Đảng ca tụng là người sống giản dị, gần dân, tiết kiệm từng xu cho công quỹ. Giai thoại : khi đi thăm dân, ông từ chối không uống bia, vì "uống bia là uống dollars".
Mỗi người có một cái thú. Cái thú nho nhỏ của các đầy tớ dân là khi sống, mặc dù rất thanh liêm, thích cất những cái lều thật lớn, khi chết, xây mả to tổ bố. Muốn đời đời thiên hạ chiêm ngưỡng, nhớ ơn công đức của mình. Mặc dù là những người kiến thức bao la, nhờ vỏ trứng, đom đóm, các đỉnh cao trí tuệ loài người chắc chưa đọc những câu danh ngôn về cái sống, cái chết.
Mark Twain : hãy ăn ở làm sao để ngày đưa tang, ngay cả nhân viên nhà đòn cũng nhỏ lệ.
André Malraux : Ngôi mộ đẹp nhất là những kỷ niệm tốt đẹp để lại cho thiên hạ.
Ngạn ngữ Tàu : Đám tang người quyền thế không thiếu gì cả, chỉ thiếu người thực sự tiếc thương.
Paris 07/10/18
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 08/10/2018
(1) L’humour est la politesse du désespoir. Câu này, người ta gán cho Hugo, Wilde, Valéry, Vian, Churchill…, thực ra là của Chris Marher
(2) Trích từ "Văn chương phản kháng Bắc Hàn" trên tuthuc-paris-blog.com
Tuy không phải là Chủ tịch Nhà nước như ông Trần Đại Quang nhưng vì ông Đỗ Mười từng là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nên "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" Việt Nam lại phải tiếp tục để tang một cá nhân được mặc định như "quốc phụ" nữa !
Ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam
Tuần trước, nhiều facebooker tại Việt Nam đã chuyền cho nhau bài viết của ông Hồ Anh Hải, đăng trên website Nghiên Cứu Quốc tế (1), kể chuyện thiên hạ tổ chức "quốc tang" cho những ai, như thế nào. So với thiên hạ, việc Việt Nam dùng luật để đặt định "quốc tang" rõ ràng là phi lý, lãng phí, chưa kể hết sức nguy hại cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong việc thu phục nhân tâm.
Giống như tuần trước, sự kiện thêm một "quốc phụ" lìa đời thuộc loại "nhiều triệu người vui, rất ít người buồn". Có facebooker như Lệ Cam Trần tâm sự : Con hỏi, sao "tin buồn" mà nhiều người thả mặt cười vậy mẹ ? Mẹ "đơ" luôn. Sáng giờ ai thả mặt cười thì giải thích cho bé đi (2) ! Cũng đã có những facebooker như Nguyễn Thiện cảnh báo, chuyện lại có thêm hai ngày "quốc tang" gây thêm thiệt hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Nguyễn Thiện đề nghị giới làm luật nên đưa "quốc tang" vào nhóm "sự kiện bất khả kháng" để giải trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp khi không thể thực hiện hợp đồng đã ký (3).
Phiền toái của "quốc tang" nối tiếp "quốc tang", khiến sinh hoạt xã hội xáo trộn, công quỹ phải chi thêm những khoản không nhỏ chút nào là lý do để ông Phạm Hoài Nhân ngồi tính xem còn bao nhiêu "quốc tang". Theo đó thì tới giờ còn năm Chủ tịch Quốc hội, bốn Chủ tịch Nhà nước (chưa kể người sắp được bầu thay ông Quang), ba Tổng Bí thư, hai Thủ tướng chưa nghỉ thở, tựu chung là sẽ "còn tới… 14 cái quốc tang nữa". Tuy nhiên trong số vừa kể có một số người từng giữ chức vụ này (ví dụ như Chủ tịch Quốc hội) rồi sau đó giữ thêm chức vụ khác (ví dụ như Tổng Bí thư), nếu đảm nhiệm thêm chức vụ khác (ví dụ như Chủ tịch Nhà nước) và do các chức vị ấy cùng thuộc " diện" phải làm "quốc tang" nên ông Nhân báo hỉ, thay vì ba, sẽ chỉ cần làm một "quốc tang". Rõ ràng "ba trong một" đỡ mất thời gian và đỡ tốn tiền (4) !
***
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không tổ chức "quốc tang" cho ông Trần Đại Quang, ông Quang đừng chuẩn bị lăng để táng mình thì tuần trước, chắc chẳng có bao nhiêu người bình phẩm về "thân thế - sự nghiệp" của ông. Tuần này cũng vậy, điểm khiến thiên hạ nhớ - kể - nhắc với hậu sinh một cách tường tận ông Đỗ Mười đã gieo họa cho quốc gia, dân tộc thế nào. Rất nhiều facebooker như Trần Hồng Tiệm nhấn mạnh đến những "Di sản của Đỗ Mười" mà người Việt sẽ không bao giờ quên. Đó là "Hội nghị Thành Đô" mà ông Nguyễn Cơ Thạch – Ngoại trưởng Việt Nam thời đó từng cảnh báo là "mở ra thời kỳ Bắc thuộc mới" và "cải tạo công thương". Cho dù Đỗ Mười không phải là thủ phạm duy nhất nhưng Đỗ Mười không thể rũ bỏ được trách nhiệm (5). Tương tự, Nguyễn Đức Long nhận định, Đỗ Mười là một trong những người "khai sáng ra nghề đặt trạm" trên toàn Việt Nam vào thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Một thứ ác mộng mà dân gian đặt thành vè ""Nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Đỗ Mười". Long cho rằng, nên dùng danh tính của Đỗ Mười để đặt cho các trạm thu phí hiện nay (6).
Đỗ Mười thọ tới 101 tuổi nhưng những gì ông đã làm gieo họa cho nhiều thế hệ nên vẫn còn nhiều triệu nhân chứng là con, cháu, thân nhân, bè bạn của các nạn nhân lên tiếng thuật lại những gì họ đã trải qua hoặc chứng kiến trong các cuộc "cải tạo công thương". Lê Đại Anh Kiệt làm người ta ngậm ngùi cho "cu Dẹo" – bạn đồng môn. Cu Dẹo con ông Hài Hoành – chủ một trong hai tiệm sửa xe đạp ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tiệm ông Hai Hoành chỉ lấy tiền dân trong thị trấn nếu phải làm những việc khó từ vá xe trở lên, còn những chuyện lặt vặt như xiết lại ốc, chỉnh lại thắng,… thì chỉ làm giúp, miễn phí. Tiệm ông Hai Hoành cũng là chỗ để riêng hai ống bơm cho thiên hạ xài. Thay vì chạy nhảy, chơi đùa như nhiều bạn đồng lứa, sau giờ học, "cu Dẹo" chỉ biết giúp cha... Thế mà ông Hai Hoành bị quy là "tư sản", bị "đánh" trong "cải tạo công thương". Cả thị trấn sững sờ. May là các đợt "cải tạo công thương" ở miền Nam chỉ như "những cơn giông bạo phát, bạo tàn tràn qua rồi thôi, không chà đi, xát lại và lôi kéo cộng đồng dân cư vào những cuộc đấu tố, tàn sát lẫn nhau". Miền Nam sau 30 tháng 4 năm 1975 có rất nhiều gia đình tư sản bị "đánh" tan nát như gia đình "cu Dẹo" (7).
Cũng xu hướng đó, Nguyễn Chương Mt viết về "Dấu ấn của Bồ tát Đỗ Mười". Chương Mt nhấn mạnh, danh xưng "Bồ tát" không phải từ ông mà do Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương, "hoan hỉ tôn vinh" Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng), sau đó là Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chương Mt bảo rằng, bởi Đỗ Mười được tôn vinh làm "Bồ tát" nên ông ráng tìm hiểu về dấu ấn của "Ngài" Đỗ Mười và mong bá tánh giúp kiến giải thêm. Sau ngày đất nước liền một dải, "Ngài" Đỗ Mười đặc trách "cải tạo công thương" tại miền Nam. Toàn miền Nam suy sụp, rơi vào cảnh đói kém. Đang sống yên bình ở đô thị, thoắt cái, hàng trăm ngàn gia đình dắt díu nhau vào chốn rừng thiêng nước độc làm "kinh tế mới". Sống nay, chết mai. Có đó rồi mất đó. Nhờ vậy mới thấm thía công đức của "Bồ tát" Đỗ Mười. "Ngài" đã tạo "thiện duyên" trong nghịch cảnh, khiến người ta thấu được lẽ VÔ THƯỜNG của cuộc đời. Không nhờ "Bồ tát" Đỗ Mười, dễ gì cả triệu người giác ngộ "vô thường" ? Chuyện "Ngài" Đỗ Mười xác định "cải tạo công thương" là "trận chiến", sẵn sàng dùng súng ống trấn áp bất kỳ ai chưa giác ngộ là vì thương chúng sinh còn mê đắm trong thủ chấp tài sản. Cũng vì vậy mà "Ngài" Bồ tát Đỗ Mười cổ võ cả con cái "đấu tranh" với cha mẹ, xem cha mẹ cất giấu tài sản ở đâu để báo cho chính quyền. Trong môi trường sống mà con người xem nhau như những đối tượng để "đấu tranh", chẳng còn ai dám giữ cái "tôi" trong suy nghĩ, dần dà mọi người như một, cùng giác ngộ sự an toàn cao nhất, còn gọi là "an lạc thân tâm", từ bỏ cái "tôi" trở thành VÔ NGÃ cho khỏi rắc rối. Không có "Bồ tát" Đỗ Mười, dễ gì cả triệu người giác ngộ "vô ngã" ?
Theo Chương Mt, tuy "Bồ tát" Đỗ Mười đã vãng sanh nơi cõi Phật song những gì mà "Ngài" để lại đáng cho mọi người tụng niệm và đừng quên. Đó là : Đừng tưởng đã nắm trong tay là chắc ăn, có đó rồi sẽ mất đó, không thể dè trước... Đất nước đã bao giờ được như thế này đâu, đó là nhờ không chỉ có mỗi "Bồ tát" Đỗ Mười mà còn có nhiều "Bồ tát" nữa nhưng chưa lên bàn thờ (8).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/10/2018
Chú thích
(1) http://nghiencuuquocte.org/2018/09/25/chuyen-quoc-tang-o-cac-nuoc/
(2) https://www.facebook.com/lecam.tran.3/posts/1128454463985547
(3) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10213092983219311
(4) https://www.facebook.com/phnhan/posts/10212902492181765
(5) https://www.facebook.com/donga01/posts/10215807737218395
(6) https://www.facebook.com/duclong247/posts/10215386658432410
(7) https://www.facebook.com/photo.php ?fbid=692676084437051&set=a.164309720607026&type=3&theater
(8) https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/553922901708361
Đối với nhiều người, khi đề cập đến nhân vật Đỗ Mười họ không thể quên chiến dịch đánh tư sản sau năm 1975 trên toàn miền Nam. Từ của cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội là Cải tạo kinh tế tại miền Nam Việt Nam tiếp quản từ Việt Nam Cộng Hòa.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười nói chuyện với các nhà báo trong thời gian nghỉ tại Đại hội đảng lần thứ 8 tại Hà Nội ngày 30 tháng 6 năm 1996. AFP
Bị tịch thu nhà và đẩy đi kinh tế mới
Chỉ trong vòng mấy năm sau ngày 30/4/1975, người dân miền Nam Việt Nam phải chịu mấy đợt gọi là ‘đánh tư sản’, đưa dân đi vùng kinh tế mới. Kèm theo đó là mấy đợt đổi tiền.
Đối với nhiều người đó là những ký ức không bao giờ phai trong tâm trí, đặc biệt là nạn nhân. Một cô bé chỉ mới 10 tuổi vào thời điểm 1975 kể với chúng tôi :
Khi đó tôi lên 10 nhưng tôi nhớ rất rõ là bị đánh thức vào lúc 2 hay 3 giờ sáng gì đó… và rồi người ta đã lục xạo nhà tôi. Họ kiểm tra từng viên gạch, từng bát nhang trên bàn thờ, từng chân nến, từng khe cửa, từng bộ quần áo. Và chúng tôi ra khỏi nhà đúng nghĩa là hai bàn tay trắng.
Đợt đánh tư sản đầu tiên là vào tháng 9/1975 tại khắp các tỉnh thành phía Nam, tịch thu nhà cửa của những cư dân bị cho là tiểu tư sản, tư sản mại bản và cưỡng bức dân đi kinh tế mới. Một người dân nay đã hơn 80 tuổi nói với RFA :
Nó nhảy tường vô nhà nó lấy cớ là trốn quân dịch rồi nó khám xét tứ lung tung, nhưng nhà bác chẳng có gì cả, chỉ có mấy cái đồng hồ tốt thì nó lấy giống như ăn cướp ấy. Nó bắt ký giấy rằng của cải không phải của bác mà là tiền lấy của dân. Sau đó nó đến nhiều lần, nó đóng chốt rồi nó mang bác nhốt ở phường một đêm. Có mấy cái máy đan len đâu phải là tư sản, càng ngày bác càng biết ra nó ăn cướp. Nó cứ đổ oan cho mình vì mình sợ quá. Nó cứ bắt đi họp rồi nó bảo nhà này phải đi kinh tế mới.
Trong cuốn "Bên thắng Cuộc" của tác giả Huy Đức có đoạn ông Nguyễn Văn Trân, viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương nói rằng "Khi bắt đầu chiến dịch, Bộ Chính trị chuyển anh Nguyễn Văn Linh sang làm Dân vận rồi đưa anh Đỗ Mười vào vì anh Đỗ Mười đã làm cải tạo công thương nghiệp ở Hà Nội. Anh Mười vào Sài Gòn áp dụng y chang những gì đã làm ở miền Bắc trong năm 1960".
Câu chuyện đánh tư sản và đẩy dân đi kinh tế mới chỉ lạ với người dân miền Nam vào thời điểm đó, nhưng với người dân miền Bắc thì họ không hề lạ gì. Bà Đức nói với RFA :
Tôi vào miền Nam từ năm 1954 thế nhưng tôi có một người anh kẹt lại ở miền Bắc và ông sống gần như suốt đời ở đó. Năm 1977 ông có vô miền Nam thăm gia đình, và ông đặn tôi rằng, thứ nhất là phải giữ chặt quyển sổ mua gạo. Thứ hai là phải "bám chặt" lấy cái cột điện và đường nhựa. Ý ông ấy dặn tôi là phải ở thành phố chứ đừng nghe người ta dụ đi kinh tế mới.
Anh Đông, một người từng đi kinh tế mới năm 1977, hiện sống ở Colorado nói với chúng tôi rằng vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân lúc đó không có điện, không có nước, không có trường học. Mỗi hộ gia đình được cấp một cái chòi chỉ có mái, tứ bề trống rỗng. Anh nói thêm :
Lên trên đó thì cứ mỗi sáng ông già phải đi làm. Nó khoán cho mình một khu đất trồng mía, thơm. Không hoàn thành thì nó cắt phần lương thực của mình. Đi kinh tế mới từ năm 1977 đến năm 1980 sống khổ quá mấy anh em trốn về trước.
Lấy hết tài sản rồi "mượn" nhà
Một nhóm người Việt Nam gần cổng trại tị nạn Pillar Point ở Hồng Kông ngày 30 tháng 5 năm 2000. AFP
Chị Cẩm Vân, hiện ở Canada, con gái của ông Bùi Văn Lự, một tư sản lớn ở Sài Gòn trước năm1975, chủ nhiều kios kinh doanh phụ tùng xe gắn máy ở trung tâm quận 1 kể cho chúng tôi câu chuyện của gia đình chị mà đến bây giờ, ba chị đã 95 tuổi vẫn còn bị ám ảnh trong giấc ngủ.
Rạng sáng ngày 10/9/1975, cả gia đình đang ngủ thì họ đến họ bao vây hết hai khu nhà, một bên là 29-29bis Ngô Tùng Châu, một bên là 62-64 Ngô Tùng Châu. Nó đập cửa vô và đọc giấy "Vi phạm luật giao thông". Tôi mới nói các ông nói vô lý vì ba giờ khuya cả nhà đang ngủ, không ai chạy xe mà lại bắt tội vi phạm luật giao thông. Lúc đó họ mới nói "đó là cái cớ để bắt gia đình này".
Lúc đó nó kiểm kê và niêm phong hết hàng hóa, còn tiền bạc nó lấy đi. Gạo từng bao cả trăm ký nó chở đi hết. Nó nhốt cả nhà vô phòng mà trong không ra được, ngoài không vô được. Sáng hôm sau nó chở ba tôi lên bót ở đường Trần Hưng Đạo và giam ở đó đến 24/12/1975 mới chở về và nó đọc lệnh phải chịu sự quản lý của nó. Hàng hóa thì thuộc về Sở Công nghiệp, còn căn nhà ở số 62-64 Ngô Tùng Châu phải ký giấy cho Sở Công nghiệp mượn 10 năm.
Tháng 12 năm 1976, chính phủ tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản lần thứ hai. Gia đình chị Cẩm Vân lại một lần nữa bị đánh tư sản :
Năm 1978 là chiến dịch cải tạo công thương nghiệp lần thứ nhì là ông Đỗ Mười làm mạnh dữ lắm. Cũng vô nhà tôi đóng chốt mà lúc đó hàng hóa của mình nó lấy đi hết rồi, tiến bạc nó lấy đi hết rồi, nghĩa là mình không có cái gì để mình sinh sống hết. Lúc đó khổ lắm. Nó bắt mình lên phường ký giấy để đi kinh tế mới nhưng ba tôi và gia đình không ai chịu ký giấy, cứ ngồi ở phường, nó nhốt hai, ba ngày cũng chịu, nhất định không đi kinh tế mới.
Hậu quả
Nhà báo Võ Văn Tạo, cũng là một cựu binh vô Sài Gòn năm 1978 nói với chúng tôi cảm giác của ông về vùng đất phồn thịnh mà ông chỉ được coi qua sách báo trước đó :
Năm 1978 Sài Gòn như một thành phố chết. Mọi hoạt động công nghiệp gần như không còn nữa. Những người dân có tiền trước đó, những tiểu thương bị tống đi kinh tế mới hết nên thành phố nó thưa, nó vắng.
Rồi nạn ngăn sông cấm chợ nên người dân quê lấy gạo trắng cho vịt cho heo ăn vì có đem lên Sài Gòn bán được đâu, trong khi Sài Gòn thì đói kinh khủng vì không có gạo với chủ trương tỉnh nào giữ cho tỉnh nấy.
Dù không chứng kiến kinh tế Sài Gòn trước 1975 nhưng ông chắc chắn rằng sau 1975 thì Sài Gòn tiêu điều đi rất nhiều. Chính vì điều đó dẫn đến làn sóng vượt biên vì người dân không sống nổi thì phải bỏ nước ra đi thôi dù biết là đi thì một sống một chết. Ông nói thêm :
Ngoài chính sách kinh tế sai lầm thì còn sự thù hận về mặt chính trị. Con em của những người tham gia quân lực hay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì có học giỏi mấy cũng không được vào đại học. Những chuyện đó họ thấy nghẹt thở thì họ phải đi tìm tự do thôi. Có hiện tượng vượt biên thì phải xử tội chính phủ này chứ không phải xử tội người vượt biên.
Mấy mươi năm đã trôi qua, hậu quả của các đợt đánh tư sản trong Nam cũng như cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc để lại những nỗi đau thương, mất mát cho người dân qua biết bao thế hệ cả về tinh thần lẩn vật chất.
Nhà báo Huy Đức dẫn lời ông Võ Văn Kiệt thừa nhận rằng "Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 04/10/2018
*******************
"Đánh tư sản" ở Miền Nam sau 1975
Tú Hoa, nghiencuulichsu, 14/07/2015
I. Đánh tư sản
Đánh tư sản cũng là một sự kiện chấn động lịch sử Việt Nam ngang hàng sự kiện thuyền nhân Việt Nam và chỉ xảy ra sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Sài Gòn trước 1975 - Ảnh minh họa
Sự kiện Đánh tư sản do Hà Nội thực hiện đối với người dân miền Nam Việt Nam theo Quyết Định mang số 111/CP vào ngày tháng 4 năm 1977 do Phạm Hùng ký chỉ đặc biệt nhằm vào việc tịch thu nhà cửa đất đai của nhân dân miền Nam
Các đợt Đánh tư sản đối với người dân miền Nam được Hà Nội cho ký số X1, X2 và X3.
Đợt X1 được bắt đầu vào sáng ngày 11 tháng Chín năm 1975 xảy ra khắp 17 tỉnh thành miền Nam và thành phố Sài Gòn. Đợt này chủ yếu nhắm vào nhà của các cư dân thành thị, tịch thu nhà và cưỡng bức toàn bộ những nạn nhân phải đi về vùng Kinh tế mới sống. Đợt X1 này tập trung vào những người dân Việt gốc Hoa vốn đã di dân vào miền Nam Việt Nam từ cuối triều Minh, đầu triều nhà Thanh, sanh sống thanh công tại miền Nam ngót nghét hơn 200 năm.
Đợt X2 được Hà Nội tiến hành từ tháng Ba năm 1978 và được kéo dài cho đến sau Đổi Mới, tức là khoảng năm 1990 thì mới chấm dứt. Đợt này chủ yếu nhắm vào tư thuơng, tiểu tư sản, các thành phần sản xuất nhỏ vốn rất đa dạng và phồn thịnh trong nền kinh tế tự do do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khuyến khích hậu thuẩn cho quốc dân từ bấy lâu.
Nền công nghiệp nhẹ, sản xuất đồ sài gia dụng trong nhà của Việt Nam đã hoàn toàn chính thức bị phá hũy. Người dân Việt Nam sẽ không còn thấy các sản phẩm tự hào của dân tộc như nồi nhôm hiệu Ba Cây Dừa , xà-bông (savon) hiệu cô Ba, xe hơi hiệu La Đalat, hiệu đèn trang trí Nguyễn Văn Mạnh, v.v. Không những thế, các nhà máy nhỏ sản xuất nhu yếu phẩm như đường, bột giặt, giấy… cũng bị tê liệt vì chủ nhân bị quốc hữu hóa.
Riêng tại Sài Gòn, báo Tuổi Trẻ đã phải thừa nhận là đã có trên 10.000 tiệm bán bị đóng chỉ qua một đêm, khiến một viên thuốc trụ sinh cũng không có mà mua, mà dùng. Nhà sách Khai Trí lừng lẫy, biểu tượng của cả Sài Gòn cũng bị báo đài tại Sài Gòn lúc bấy giờ rêu rao là tư bản và cần phải tịch thu. Nhà sách Khai Trí vốn đã từ tâm giúp đỡ biết bao văn nghệ sĩ của miền Nam, âm thầm thực hiện đường lối khai dân trí của cụ Phan Chu Trinh cho dân tộc.
Riêng về chỉ thị 43 của Bộ Chính Trị vào tháng Năm năm 1978 đã quốc hữu hóa toàn bộ đất đai của nông dân miền Nam vào tay nhà nước thông qua hình thức "Tập Đoàn Sản Xuất" dẫn đến nạn đói năm 1979 ngay liền sau đó vì lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp bị sút giảm toàn diện tại miền Nam.
Tình trạng ở nông thôn miền Nam càng kinh khiếp và dữ dội hơn ở Sài Gòn dù không ồn ào bằng.
Tổng số lúa của nông dân miền Nam bị chở ra ngoài Bắc không thông qua quy chế thu mua được loan truyền là khoảng 4 triệu tấn gạo vào đầu năm 1978 trên đài phát thanh Hà Nội khi ca ngợi thành tích Đánh tư sản của các đảng bộ địa phương miền Nam. Đương nhiên, con số chính thức được các nông dân kêu ca là lớn hơn nhiều.
Sang đến năm 1979, Võ Văn Kiệt đã phải loan báo thu mua lúa từ nông dân với giá cao gấp cả ngàn lần giá quy định của Nhà Nước (!) để cứu vãn tình thế bất mãn không còn dằn được nữa của nông dân miền Nam trước những đợt thu lúa từ năm 1977 trở đi.
Song song với chiến dịch X2 là chiến dịch X3 đặc biệt tập trung tại Sài Gòn. Sau chiến dịch X3, hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu. Theo thừa nhận ngắn ngủi từ báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Công An khi bàn đến vấn đề trả lại nhà cho những "đối tượng" bị đánh tư sản oan ức vào tháng 9 năm 1989, ước tính lên đến khoảng 150 ngàn người thuộc gia đình cán bộ gốc miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu.
Đỗ Mười, sau này là Tổng bí thư Đảng, lúc bấy giờ thay thế ông Nguyễn Văn Linh làm trưởng ban cải tạo trung ương. Vào ngày 16 tháng Hai năm 1976 ông Đỗ Mười là người chỉ huy trực tiếp đợt thực hiện này.
Trong chiến dịch này, số lượng người Sài Gòn phải bị mất hết tài sản và bị cưỡng bức đi Kinh tế mới là khoảng 600.000 người, tạo ra một sự hoảng sợ hoang man chưa từng có trong lịch sử phát triển Sài Gòn qua các triều đại. Cuối đợt X3, ghi nhận của Hà Nội là có khoảng 950.000 người Sài Gòn bị cưỡng bức đi Kinh tế mới, không hoàn thành chỉ tiêu đề ra là 1,2 triệu người !
Sức mạnh kinh tế Sài Gòn tự nhiên bị phá hoại đến kiệt quệ hoàn toàn sau chiến dịch X3 do Đổ Mười trực tiếp chỉ huy. Hơn 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại Sài Gòn rất cần cho nền kinh tế quốc dân, với khoảng 270.000 nhân công hoàn toàn bị trắng tay, đóng cửa với tổng số thiệt hại tài sản trước mắt lên đến gần 9 đến 21 tỷ Mỹ kim và tiến trình phát triển công nghệ của đất nước trong tự cường hoàn toàn không còn hy vọng để phục hồi.
Riêng về tổng số vàng, nữ trang tịch tư từ tư bản ở miền Nam được các báo đài của Đảng thừa nhận lên đến 4.000 lượng vàng- nhưng đây chỉ là con số tượng trưng tính riêng ở Sài Gòn từ tháng 5/1977 đến tháng 2/1978 mà thôi. Cả thảy trên dưới gần 35.000 ngàn lượng vàng (hơn 1,3 tấn vàng), tính luôn cả nữ trang và kim cương thu trong những đợt Đánh tư sản ở miền Nam.
Xin được ghi chú thêm là chỉ nội vụ Hà Nội tiến hành cho phép người Việt gốc Hoa ra đi bán chính thức nếu đóng khoảng 120 lượng vàng (4,5 kg) đã góp vào gần 10 ngàn lượng vàng (375 kg) tổng cộng.
Trung bình , mổi người dân miền Nam nằm trong đối tượng bị Đánh tư sản mất trắng khoảng 9 lượng vàng không tính đất đai, nhà cửa, phụ tùng thiết bị, đồ cổ, và các tài sản khác. Trữ lượng vàng của toàn bộ người dân miền Nam có thể lên đến 250.000 lượng vàng (93,75 tấn) tính đến năm 1975 nhưng đồng bào khôn khéo giấu đi và phản kháng cũng như đem theo khi di tản.
II. Kinh tế mới
Tất cả những ai ở Sài Gòn bị đánh tư sản thì cán bộ Hà Nội liến vào tịch thu nhà và tài sản, sau đó phải đi về vùng Kinh tế mới, là những nơi mà cơ sở hạ tầng cho sinh hoạt chưa được xây dựng, trong đó không có điện nước, trường học và bệnh xá. Hơn 600.000 nạn nhân bị cưỡng bức qua đêm phải rời Sài Gòn để về những vùng Kinh tế mới và bỏ lại hết toàn bộ tài sản của mình từ nhà ở, của cải, đồ đạc cho Đảng quản lý.
Những người bị tịch thu nhà và sau đó dồn lên vùng kinh tế mới
Chỉ tiêu đề ra là phải đưa cưỡng bức khoảng gần một triệu người Sài Gòn ra các vùng Kinh tế mới và buộc họ phải bỏ hết tài sản nhà cửa lại cho người Hà Nội vào quản lý. Tổng kết từ các báo cáo thành tích cải tạo xã hội chủ nghĩa của Đảng, số người bị cưỡng bức đi Kinh tế mới từ Sài Gòn qua 10 năm "quá độ-đánh tư sản" như sau :
Thời kỳ | Chỉ tiêu | Kết quả thực hiện | Ghi chú |
1976-1979 | 4 triệu người | 1,5 triệu người | 95% là từ Sài Gòn |
1979-1984 | 1 triệu người | 1,3 triệu người | 50% là từ Sài Gòn |
Khi đến vùng Kinh tế mới để sống và tham gia các tập đoàn sản xuất hay còn gọi tắt là hộp tác xã, "thành quả lao động" của các nạn nhân này được phân phối chia ra như sau :
– 30% trả thuế
– 25% góp cho chính phủ theo giá thu mua của nhà nước ;
– 15% trả lương cho cán bộ quản lý ;
– 30% còn lại chia cho các thành viên tính theo số điểm thuế lao động.
Như vậy là sản phẩm nông nghiệp từ các nông trường vùng Kinh tế Mới đã bị Đảng tịch thu hết 70 % và chỉ còn 30% là chia lại cho các thành viên, vốn là các nạn nhân bị tịch thu nhà cửa sống trong vùng Kinh tế mới.
Thế là cả triệu người dân Sài Gòn đột nhiên lâm vào cảnh đói kém trầm trọng như là đòn trả thù hữu hiệu của chế độ Hà Nội đối với những bị liệt vào thành phần không phải "cách mạng", ngụy quân ngụy quyền và tiểu tư sản.
Ước tính có khoảng 300.000 trẻ em bị thất học vì sống ở các vùng Kinh tế mới này. Nhân dân miền Nam, cả triệu người đang sống sung túc bổng lao vào chịu đói kém khổ sở chưa từng có. Nạn đói kém lan tràn khắp mọi nơi, mọi nhà trước thảm cảnh.
Hàng vạn người dân Sài Gòn đã phải bỏ trốn khỏi các vùng Kinh tế mới, đi ăn xin trên đường về Sài Gòn, đói rách khổ sở. Đây là thời kỳ khốn khổ bi đát nhất trong lịch sử phát triển Sài Gòn.
III. "Đánh tư sản" ở miền Nam Việt Nam
Quyết định 111/CP của Hà Nội là một chứng liệu quan trọng. Quyết định này là nguồn gốc của mọi khổ đau, nghèo khó của người dân miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 và là lý do Việt Nam bị tụt hậu về mọi mặt, đứng hàng thứ ba nghèo nhất thế giới theo tuyên bố của Liên Hiệp Quốc vào năm 1985.
Nguyên văn Quyết định 111/CP :
Trích :
IV. Đối với nhà đất của các tổ chức và cá nhân thuộc bộ máy cai trị ngụy quân, ngụy quyền và đảng phái phản động
1. Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày Giải phóng do chính quyền Mỹ ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc ngụy quân ngụy quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý.
2. Nhà cửa, đất đai của những người sau đây đều do Nhà nước trực tiếp quản lý :
- Sĩ quan ngụy quân cấp từ thiếu tá trở lên.
- Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung uý trở lên.
- Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của ngụy quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.
- Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.
Điều IV của QĐ 111/CP đã cho thấy rõ gia đình thân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải chịu mất nhà mất cửa rất thê thảm. Mọi quy chụp là phản động hay ngụy quyền thì coi như là bị tịch thu nhà cửa.
Dòng chữ cuối cùng của khoản 2 điều IV của QĐ 111/CP có ghi rõ là nhà cửa đất đai của các thành phần sau đây bị tịch thu : "Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng". Bởi không có định nghĩa rõ ràng thế nào là thành phần ác ôn nên các viên chức cán bộ cộng sản tha hồ kết tội thuờng dân vô tôi vạ là thành phần ác ôn của "Ngụy quyền" để tư lợi cướp bóc nhà cửa cho riêng mình, không cần tòa án nào xét xử cả. Ai ai cũng có thể là điệp viên CIA, hay là có lý lịch ba đời liên quan đến Ngụy quân, và điều có tư tưởng phản động và cần phải tịch thu nhà cửa dựa trên điều khoản này của QĐ 111/CP.
Không khí hoảng sợ , đau thuơng oán hận lan tràn khắp cả miền Nam.
V. Hậu quả Đánh tư sản của Hà Nội
Theo các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về kinh tế, Việt Nam tụt hậu hơn 50 năm về kinh tế vì các chính sách đánh tư sản này của cộng sản Hà Nội lên đầu người dân miền Nam. Việt Nam là quốc gia nghèo đứng hàng thứ ba trên thế giới vào năm 1985.
Cho đến giờ phút này, người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự có quyền tư hữu mà chỉ có quyền sử dụng, nghĩa là thảm họa bị Đánh tư sản trong quá khứ vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân Việt Nam bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra chiếu theo luật pháp hiện hành của Hà Nội.
Kinh tế của Việt Nam mãi đến năm 1997 mới thực sự khắc phục được một phần hâu quả của 10 năm Quá Độ, Đánh tư sản do Hà Nội tiến hành từ năm 1976 đến năm 1987.
Từ năm 1987 đến năm 1997, Hoa Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ cho những người Việt di tản hay vượt biên định cư tại Mỹ gởi tiền hàng ồ ạt về cứu đói thân nhân mình và vực dậy sự sinh động về kinh tế vốn có ngày nào của miền Nam. Tổng số ngoại tệ gởi về lên đến 8 đến 15 tỷ Mỹ kim mỗi năm trong suốt 10 năm đó.
Sang đến năm 1989, báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết Sài Gòn chịu 90% ngân sách của cả nước và bắt đầu tiến hành trả lại nhà cho một số nạn nhân bao năm trời khổ ải, cũng như bắt đầu bàn tới vấn đề cho phép các sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa được bán nhà vốn hầu hết đã bị tịch thu nếu ra đi theo chương trình HO (Humanitarian Operation) - Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo)
Chỉ số nghèo đói của Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới và chỉ mới có những tiến bộ cải thiện khi World Bank và USAID tăng tốc trợ giúp.
Mọi tài liệu, hình ảnh ca ngợi Đánh tư sản từ các báo chí đài phát thanh của Đảng cũng bị dẹp dần đi.
Hà Nội tới ngày nay vẫn chưa chính thức xin lỗi hai mươi mốt triệu người dân miền Nam về hành động này.
Tú Hoa
Nguồn bài đăng : Bên Thắng Cuộc: Phần I : Miền Nam / Chương III : Đánh tư sản (Huy Đức)
Việt Nam : Nguyên tổng bí thư Đỗ Mười từ trần (RFI, 02/10/2018)
Theo tin từ Thông tấn xã Việt Nam và các phương tiện truyền thông khác trong nước, nguyên tổng bí thư Đỗ Mười đã qua đời, sau một thời gian lâm bệnh nặng, lúc 21 giờ 12 phút ngày thứ Hai 01/10/2018, tại Quân Y viện 108, Hà Nội, thọ 101 tuổi.
Đỗ Mười, nguyên tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tại Đại hội Đảng lần thứ 11 ở Hà Nội (12/01/2011). HOANG DINH Nam / AFP
Tên thật là Nguyễn Duy Cống, ông Đỗ Mười sinh ngày 02/02/1917, tại Thanh Trì, Hà Nội. Ông đã làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 06/1991 đến tháng 12/1997.
Theo hãng tin Pháp AFP, nguyên tổng bí thư Đỗ Mười nổi tiếng vì tư tưởng bảo thủ và lập trường chống tư bản. Trong cuốn sách "Chính sách kinh tế của Việt Nam từ năm 1975" của Võ Nhân Trí, mà AFP trích dẫn, ông Đỗ Mười từng phát biểu : "Các nhà tư bản giống như những con chuột cống, bất cứ khi nào thấy chúng xuất hiện, ta phải đập chúng đến chết !". Sau năm 1975, chính ông đã chỉ đạo chiến dịch đánh tư sản ở miền Nam.
Tổng bí thư Đỗ Mười cũng đã là người giám sát nỗ lực của chính phủ Việt Nam để bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ vào năm 1995.
Tối hôm qua, Thông tấn xã Việt Nam cho biết thông tin về lễ quốc tang nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười sẽ được thông báo sau.
Thùy Dương
*******************
Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời ở tuổi 101 (VOA, 02/10/2018)
Đỗ Mười, nguyên lão kỳ cựu nhất của Đảng Cộng sản Việt hiện tại, vừa qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 101 tuổi, báo chí Nhà nước Việt Nam đồng loạt loan tin vào rạng sáng thứ Ba ngày 2/10.
Ông Đỗ Mười phát biểu sau khi được bầu lại làm Tổng bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 8 vào năm 1996
Theo báo chí Nhà nước thì ông Mười qua đời vào tối ngày 1/10 tại Bệnh viện Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Ông Mười đã kinh qua những vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam : cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) và cựu Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ông hai lần được bầu giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ 7 (1991) và thứ 8 (1996). Tuy nhiên, khi chưa đi được giữa nhiệm kỳ hai thì vào hội nghị trung ương 4 (khóa 8) vào tháng 12 năm 1997, ông Mười từ chức để nhường cho ông Lê Khả Phiêu lên thay. Khi đó ông Mười được cho là ‘tình nguyện thoái lui’ để tạo điều kiện cho thế hệ lãnh đạo trẻ hơn.
Sau đó, ông Mười được cử làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, cùng thời với hai Cố vấn khác là các ông Lê Đức Anh (cựu chủ tịch nước) và Võ Văn Kiệt (cựu thủ tướng).
Tuy nhiên đến Đại hội 9 (2001), khi ông Lê Khả Phiêu bị mất chức Tổng bí thư mà nhiều luồng tin tức chưa được xác nhận cho là do tác động của hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh thì cả ba vị Cố vấn Ban chấp hành Trung ương, trong đó có ông Mười, đều bị bãi chức.
Trước khi leo lên đến vị trí cao nhất của Đảng, ông Mười từng kinh qua các vị trí Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Nội thương, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá, Phó thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết Cơ bản, Bộ trưởng Xây dựng, phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đỗ Mười (tên thật là Nguyễn Duy Cống) sinh năm 1917, nguyên quán ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông hoạt động cho Đảng Cộng sản từ khi ông 19 tuổi, tham gia vào Mặt trận Bình dân và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1939. Ông từng bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù tại nhà tù Hỏa Lò nhưng sau đó bốn năm ông vượt ngục thành công.
Trong những năm kháng Pháp, ông Mười chủ yếu hoạt động tại vùng đồng bằng Bắc Bộ và lần lượt làm bí thư các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và thành phố Hải Phòng.
Ông Mười là một trong những tổng bí thư ít học nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo tiểu sử chính thức do Đảng công bố thì ông xuất thân trong gia đình trung nông, nhưng nhiều nguồn tin không chính thức nói rằng ông xuất thân làm nghề thiến lợn.
Ông thuộc thành phần bảo thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với lập trường quyết liệt trong việc đánh đổ đế quốc và xóa bỏ bóc lột cũng như kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Sau khi quân đội miền Bắc tiến vào miền Nam năm 1975, ông Mười khi đó là phó thủ tướng đã được bổ nhiệm là ‘Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp xã hội chủ nghĩa’. Do đó, ông đóng vai trò quan trọng trong công cuộc ‘đánh tư sản’ khiến cho nhiều gia đình tư sản và phú hộ ở miền Nam mất hết tài sản và tan nát nhà cửa.
Ông lên làm tổng bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Văn Linh trong giai đoạn đất nước có nhiều chuyển đổi sâu sắc sau khi Đảng quyết định từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và tiến hành quá trình đổi mới mở cửa cho kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Thời gian đầu sau khi về hưu, ông Mười vẫn xuất hiện tại những sự kiện lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng trong những năm gần đây, ông hầu như biến mất khỏi công chúng và chỉ xuất hiện khi ông được các lãnh đạo đương nhiệm như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm hỏi.
Ông Mười qua đời vào lúc Việt Nam vừa tổ chức quốc tang cho ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước mất khi đang đương nhiệm, cách đó vài ngày. Trước đó, sau khi ông Quang qua đời, trên mạng xã hội cũng đã xôn xao tin tức về ông Mười cũng đã qua đời nhưng không cho công bố. Tuy nhiên thông tin này sau đó đã bị báo chí chính thống trong nước bác bỏ.
Hiện chưa có chi tiết về tang lễ cho ông Mười, nhưng nhiều khả năng với vị trí và vai trò của ông trong Đảng, tang lễ của ông sẽ được tổ chức với nghi thức cao nhất là quốc tang. Nếu như thế thì Việt Nam sẽ trải qua hai quốc tang chỉ trong vòng có vài ngày.
Lúc ông Mười qua đời cũng là lúc các ủy viên trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhóm họp ở Hà Nội chuẩn bị cho Hội nghị trung ương 8 sẽ khai mạc vào sáng thứ Ba ngày 8/10 với công tác nhân sự là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo.
Như vậy, sau khi ông Mười ra đi thì Việt Nam chỉ còn hai vị cựu tổng bí thư còn tại thế là các ông Lê Khả Phiêu và ông Nông Đức Mạnh. Một vị nguyên lão khác là ông Lê Đức Anh (cựu chủ tịch nước thời ông Mười làm tổng bí thư và là cộng sự thân cận của ông Mười) cũng đang được điều trị tại Bệnh y Quân Y 108.
*****************
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời (BBC, 02/10/2018)
Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười vừa từ trần tối ngày 1/10, Thông Tấn xã Việt Nam cho hay.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười xem duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/2005
"Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh nặng... đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108", thông báo của TTXVN tối thứ Hai viết.
"Thông tin về lễ tang đồng chí Đỗ Mười sẽ được thông báo sau".
Ông Đỗ Mười ra đi chỉ hơn mười ngày kể từ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Tuy nhiên, thông báo này chưa nói rõ thể thức có phải là quốc tang và nếu có thì là bao nhiêu ngày cho ông Đỗ Mười.
Ông Đỗ Mười, tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thứ ba của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ tháng 6/1988 đến tháng 7/1991.
Trước đó, ông từng là Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tại miền Nam.
Ông làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997.
Từ tháng 12/1997, ông làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trước đó, hôm 28/9, báo VietnamNet dẫn lời ông Phan Trọng Kính, trợ lý của ông Đỗ Mười khẳng định : "Cụ nằm ở bệnh viện 108 gần 6 tháng nay".
Từ một người nổi tiếng cứng rắn, bảo thủ ông lại gây ngạc nhiên khi ủng hộ cải cách tự do hóa kinh tế, theo một nhà quan sát từ Hoa Kỳ.
"Ông ấy đã tiếp nối được di sản tự do hóa kinh tế của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh", nhà nghiên cứu Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ nói với BBC.
Ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia chia sẻ trên Facebook cá nhân :
"Thời gian ông làm Tổng bí thư là thời gian mà Việt Nam có những dấu mốc lịch sử có ý nghĩa chiến lược sống còn và những đột phá chưa từng có về đối ngoại : gia nhập ASEAN, ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện với EU, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, bắt đầu đàm phán BTA…".
'Đánh tư sản mại bản'
Về di sản của cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, trả lời BBC hồi cuối tháng Chín, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, hiện sống ở Hà Nội, nói :
"Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là "cải tạo công thương nghiệp".
"Theo như tôi hiểu, ông làm điều này rất hung hăng vì học vấn ít, và cuồng tín cao".
"Hệ lụy của việc cải tạo công thương nghiệp rất bi thảm, khốc liệt, để lại tai họa rất lớn cho dân tộc".
"Nhưng có vẻ là trong nhiều năm ông Đỗ Mười tự hào về mình đã làm được việc kinh thiên động địa".
"Đến lúc cuối đời, ông không có vẻ gì ăn năn, hối cải về sai lầm của mình cả".
'Cầu thị'
Trong khi đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh, người từng làm thư ký kinh tế cho văn phòng của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, bình luận với BBC hồi tuần trước :
"Theo như tôi hiểu, ông Đỗ Mười là Đảng viên thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng".
"Chủ trương "cải tạo công thương" là của tập thể lãnh đạo, còn những người khác có chức vụ cao hơn ông ấy trong Đảng".
"Nếu những người này không đồng tình thì mình ông ấy không thể làm gì được".
"Sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988, ông Đỗ Mười được ghi nhận gửi lời chúc doanh nghiệp làm ăn phát tài, thực hiện đầy đủ chính sách cải cách tiền tệ, chuyển đổi tỷ giá, phát triển kinh tế tư nhân...".
"Ông cũng là lãnh đạo đầu tiên đi Nam Hàn mời gọi đầu tư vào Việt Nam".
"Nói như vậy để thấy không nên quy trách nhiệm cá nhân cho ông Đỗ Mười vì đó là sai lầm của một thời kỳ".
****************
Nguyên Tổng bí thư cộng sản Việt Nam Đỗ Mười qua đời (CaliToday, 01/10/2018)
Nguyên Tổng bí thư cộng sản Việt Nam Đỗ Mười qua đời lúc 23g12 ngày 1/10, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ông Đỗ Mười (giữa) tại lễ tang Tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội hồi tháng 10/2013 - Ảnh VNE
Nguyên Tổng bí thư cộng sản Việt Nam Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống. Ông năm nay 101 tuổi, 78 tuổi Đảng, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là "cải tạo công thương nghiệp".
" ông làm điều này rất hung hăng vì học vấn ít, và cuồng tín cao. Hệ lụy của việc cải tạo công thương nghiệp rất bi thảm, khốc liệt, để lại tai họa rất lớn cho dân tộc. Nhưng có vẻ là trong nhiều năm ông Đỗ Mười tự hào về mình đã làm được việc kinh thiên động địa. Đến lúc cuối đời, ông không có vẻ gì ăn năn, hối cải về sai lầm của mình cả.
Về việc đánh tư sản của Tổng bí thư Đỗ Mười, nhà báo Huy Đức viết trong cuốn Bên Thắng Cuộc :
"Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh" ở miền Nam, tiến hành từ sau 1975, đã cải tạo 3.560 cơ sở tư bản tư doanh công nghiệp, trong đó có 1.354 cơ sở của tư sản mại bản bị công hữu hóa, tịch thu, 498 cơ sở bị chuyển thành công tư hợp doanh ; chuyển 5.000 tư sản thương nghiệp sang sản xuất ; chuyển chín vạn tiểu thương sang sản xuất ; sử dụng 15.000 người vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa".
"Sau Cải tạo, dưới dạng kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, Nhà nước nắm : 100% ngành năng lượng ; 45% ngành cơ khí ; 45% ngành xay xát lương thực ; 100% ngành bia, nước ngọt, bột ngọt, thuốc lá ; 45% trong các ngành chế biến đường, dầu thực vật ; 60% ngành dệt ; 100% ngành sản xuất giấy ; 80% ngành sản xuất bột giặt, xà phòng. Thương nghiệp quốc doanh nắm 80% nguồn hàng công nghiệp ; 92% số xã trên toàn miền Nam có hợp tác xã mua bán".
"Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận : "Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn", nhà báo Huy Đức viết trong cuốn sách nêu trên.
Cũng trong một bài của nhà báo Huy Đức hồi năm 2013 đăng trên BBC viết :
"Dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười, có những câu chuyện làm nhân sự nghe cứ như giai thoại : Trước Đại hội VIII (1996), ông Đỗ Mười cho gọi một vị phó thủ tướng tới bảo : "Kỳ này tôi nghỉ anh thấy sao ?". Vị phó thủ tướng, vốn là một trí thức lịch lãm, chân thành hỏi lại : "Ai sẽ thay anh ?".
Kết quả, ông bị loại ra khỏi danh sách tái cử. Ông Đỗ Mười lại cho mời một nhà lý luận bảo thủ tới và khi ông vừa dứt lời thì nhà lý luận này liền đập tay xuống bàn : "Trời ơi, đất nước đang như thế này anh nghỉ làm sao được". Kết quả, nhà lý luận giữ được ghế ủy viên Bộ chính trị.
Ngày 19/06/1996, tại Hội nghị Trung ương 12 (Hội nghị trước khi Đại hội VIII bắt đầu), Tổng bí thư Đỗ Mười đã yêu cầu Trung ương đưa vào danh sách đề cử ủy viên Bộ chính trị hai nhân vật bị Hội nghị Trung ương 11 đưa ra và yêu cầu tái cử thêm hai ủy viên Bộ chính trị quá tuổi, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Bình.
Tuy bị ba ủy viên trung ương phản ứng, khi ông yêu cầu "giơ tay biểu quyết", đa số Trung ương phải "chấp hành" ý kiến của ông. Sau Đỗ Mười, không có tổng bí thư nào có khả năng thô bạo với Trung ương như thế".
Tổng hợp