Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/10/2018

Ký ức về những đợt đánh tư sản dưới trướng Đỗ Mười

Diễm Thi

Đối với nhiều người, khi đề cập đến nhân vật Đỗ Mười họ không thể quên chiến dịch đánh tư sản sau năm 1975 trên toàn miền Nam. Từ của cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội là Cải tạo kinh tế tại miền Nam Việt Nam tiếp quản từ Việt Nam Cộng Hòa.

kyuc1

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười nói chuyện với các nhà báo trong thời gian nghỉ tại Đại hội đảng lần thứ 8 tại Hà Nội ngày 30 tháng 6 năm 1996. AFP

Bị tịch thu nhà và đẩy đi kinh tế mới

Chỉ trong vòng mấy năm sau ngày 30/4/1975, người dân miền Nam Việt Nam phải chịu mấy đợt gọi là ‘đánh tư sản’, đưa dân đi vùng kinh tế mới. Kèm theo đó là mấy đợt đổi tiền.

Đối với nhiều người đó là những ký ức không bao giờ phai trong tâm trí, đặc biệt là nạn nhân. Một cô bé chỉ mới 10 tuổi vào thời điểm 1975 kể với chúng tôi :

Khi đó tôi lên 10 nhưng tôi nhớ rất rõ là bị đánh thức vào lúc 2 hay 3 giờ sáng gì đó… và rồi người ta đã lục xạo nhà tôi. Họ kiểm tra từng viên gạch, từng bát nhang trên bàn thờ, từng chân nến, từng khe cửa, từng bộ quần áo. Và chúng tôi ra khỏi nhà đúng nghĩa là hai bàn tay trắng.

Đợt đánh tư sản đầu tiên là vào tháng 9/1975 tại khắp các tỉnh thành phía Nam, tịch thu nhà cửa của những cư dân bị cho là tiểu tư sản, tư sản mại bản và cưỡng bức dân đi kinh tế mới. Một người dân nay đã hơn 80 tuổi nói với RFA :

Nó nhảy tường vô nhà nó lấy cớ là trốn quân dịch rồi nó khám xét tứ lung tung, nhưng nhà bác chẳng có gì cả, chỉ có mấy cái đồng hồ tốt thì nó lấy giống như ăn cướp ấy. Nó bắt ký giấy rằng của cải không phải của bác mà là tiền lấy của dân. Sau đó nó đến nhiều lần, nó đóng chốt rồi nó mang bác nhốt ở phường một đêm. Có mấy cái máy đan len đâu phải là tư sản, càng ngày bác càng biết ra nó ăn cướp. Nó cứ đổ oan cho mình vì mình sợ quá. Nó cứ bắt đi họp rồi nó bảo nhà này phải đi kinh tế mới.

Trong cuốn "Bên thắng Cuộc" của tác giả Huy Đức có đoạn ông Nguyễn Văn Trân, viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương nói rằng "Khi bắt đầu chiến dịch, Bộ Chính trị chuyển anh Nguyễn Văn Linh sang làm Dân vận rồi đưa anh Đỗ Mười vào vì anh Đỗ Mười đã làm cải tạo công thương nghiệp ở Hà Nội. Anh Mười vào Sài Gòn áp dụng y chang những gì đã làm ở miền Bắc trong năm 1960".

Câu chuyện đánh tư sản và đẩy dân đi kinh tế mới chỉ lạ với người dân miền Nam vào thời điểm đó, nhưng với người dân miền Bắc thì họ không hề lạ gì. Bà Đức nói với RFA :

Tôi vào miền Nam từ năm 1954 thế nhưng tôi có một người anh kẹt lại ở miền Bắc và ông sống gần như suốt đời ở đó. Năm 1977 ông có vô miền Nam thăm gia đình, và ông đặn tôi rằng, thứ nhất là phải giữ chặt quyển sổ mua gạo. Thứ hai là phải "bám chặt" lấy cái cột điện và đường nhựa. Ý ông ấy dặn tôi là phải ở thành phố chứ đừng nghe người ta dụ đi kinh tế mới.

Anh Đông, một người từng đi kinh tế mới năm 1977, hiện sống ở Colorado nói với chúng tôi rằng vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân lúc đó không có điện, không có nước, không có trường học. Mỗi hộ gia đình được cấp một cái chòi chỉ có mái, tứ bề trống rỗng. Anh nói thêm :

Lên trên đó thì cứ mỗi sáng ông già phải đi làm. Nó khoán cho mình một khu đất trồng mía, thơm. Không hoàn thành thì nó cắt phần lương thực của mình. Đi kinh tế mới từ năm 1977 đến năm 1980 sống khổ quá mấy anh em trốn về trước.

Lấy hết tài sản rồi "mượn" nhà

kyuc2

Một nhóm người Việt Nam gần cổng trại tị nạn Pillar Point ở Hồng Kông ngày 30 tháng 5 năm 2000. AFP

Chị Cẩm Vân, hiện ở Canada, con gái của ông Bùi Văn Lự, một tư sản lớn ở Sài Gòn trước năm1975, chủ nhiều kios kinh doanh phụ tùng xe gắn máy ở trung tâm quận 1 kể cho chúng tôi câu chuyện của gia đình chị mà đến bây giờ, ba chị đã 95 tuổi vẫn còn bị ám ảnh trong giấc ngủ.

Rạng sáng ngày 10/9/1975, cả gia đình đang ngủ thì họ đến họ bao vây hết hai khu nhà, một bên là 29-29bis Ngô Tùng Châu, một bên là 62-64 Ngô Tùng Châu. Nó đập cửa vô và đọc giấy "Vi phạm luật giao thông". Tôi mới nói các ông nói vô lý vì ba giờ khuya cả nhà đang ngủ, không ai chạy xe mà lại bắt tội vi phạm luật giao thông. Lúc đó họ mới nói "đó là cái cớ để bắt gia đình này".

Lúc đó nó kiểm kê và niêm phong hết hàng hóa, còn tiền bạc nó lấy đi. Gạo từng bao cả trăm ký nó chở đi hết. Nó nhốt cả nhà vô phòng mà trong không ra được, ngoài không vô được. Sáng hôm sau nó chở ba tôi lên bót ở đường Trần Hưng Đạo và giam ở đó đến 24/12/1975 mới chở về và nó đọc lệnh phải chịu sự quản lý của nó. Hàng hóa thì thuộc về Sở Công nghiệp, còn căn nhà ở số 62-64 Ngô Tùng Châu phải ký giấy cho Sở Công nghiệp mượn 10 năm.

Tháng 12 năm 1976, chính phủ tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản lần thứ hai. Gia đình chị Cẩm Vân lại một lần nữa bị đánh tư sản :

Năm 1978 là chiến dịch cải tạo công thương nghiệp lần thứ nhì là ông Đỗ Mười làm mạnh dữ lắm. Cũng vô nhà tôi đóng chốt mà lúc đó hàng hóa của mình nó lấy đi hết rồi, tiến bạc nó lấy đi hết rồi, nghĩa là mình không có cái gì để mình sinh sống hết. Lúc đó khổ lắm. Nó bắt mình lên phường ký giấy để đi kinh tế mới nhưng ba tôi và gia đình không ai chịu ký giấy, cứ ngồi ở phường, nó nhốt hai, ba ngày cũng chịu, nhất định không đi kinh tế mới.

Hậu quả

Nhà báo Võ Văn Tạo, cũng là một cựu binh vô Sài Gòn năm 1978 nói với chúng tôi cảm giác của ông về vùng đất phồn thịnh mà ông chỉ được coi qua sách báo trước đó :

Năm 1978 Sài Gòn như một thành phố chết. Mọi hoạt động công nghiệp gần như không còn nữa. Những người dân có tiền trước đó, những tiểu thương bị tống đi kinh tế mới hết nên thành phố nó thưa, nó vắng.

Rồi nạn ngăn sông cấm chợ nên người dân quê lấy gạo trắng cho vịt cho heo ăn vì có đem lên Sài Gòn bán được đâu, trong khi Sài Gòn thì đói kinh khủng vì không có gạo với chủ trương tỉnh nào giữ cho tỉnh nấy.

Dù không chứng kiến kinh tế Sài Gòn trước 1975 nhưng ông chắc chắn rằng sau 1975 thì Sài Gòn tiêu điều đi rất nhiều. Chính vì điều đó dẫn đến làn sóng vượt biên vì người dân không sống nổi thì phải bỏ nước ra đi thôi dù biết là đi thì một sống một chết. Ông nói thêm :

Ngoài chính sách kinh tế sai lầm thì còn sự thù hận về mặt chính trị. Con em của những người tham gia quân lực hay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì có học giỏi mấy cũng không được vào đại học. Những chuyện đó họ thấy nghẹt thở thì họ phải đi tìm tự do thôi. Có hiện tượng vượt biên thì phải xử tội chính phủ này chứ không phải xử tội người vượt biên.

Mấy mươi năm đã trôi qua, hậu quả của các đợt đánh tư sản trong Nam cũng như cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc để lại những nỗi đau thương, mất mát cho người dân qua biết bao thế hệ cả về tinh thần lẩn vật chất.

Nhà báo Huy Đức dẫn lời ông Võ Văn Kiệt thừa nhận rằng "Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 04/10/2018

*******************

"Đánh tư sản" ở Miền Nam sau 1975

Tú Hoa, nghiencuulichsu, 14/07/2015

I. Đánh tư sản

Đánh tư sản cũng là một sự kiện chấn động lịch sử Việt Nam ngang hàng sự kiện thuyền nhân Việt Nam và chỉ xảy ra sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.

kyuc3

Sài Gòn trước 1975 - Ảnh minh họa

Sự kiện Đánh tư sản do Hà Nội thực hiện đối với người dân miền Nam Việt Nam theo Quyết Định mang số 111/CP vào ngày tháng 4 năm 1977 do Phạm Hùng ký chỉ đặc biệt nhằm vào việc tịch thu nhà cửa đất đai của nhân dân miền Nam 

Các đợt Đánh tư sản đối với người dân miền Nam được Hà Nội cho ký số X1, X2 và X3.

Đợt  X1 được bắt đầu vào sáng ngày 11 tháng Chín năm 1975 xảy ra khắp 17 tỉnh thành miền Nam và thành phố Sài Gòn. Đợt này chủ yếu nhắm vào nhà của các cư dân thành thị, tịch thu nhà và cưỡng bức toàn bộ những nạn nhân phải đi về vùng Kinh tế mới sống. Đợt X1 này tập trung vào những người dân Việt gốc Hoa vốn đã di dân vào miền Nam Việt Nam từ cuối triều Minh, đầu triều nhà Thanh, sanh sống thanh công tại miền Nam ngót nghét hơn 200 năm.

Đợt X2 được Hà Nội tiến hành từ tháng Ba năm 1978 và được kéo dài cho đến sau Đổi Mới, tức là khoảng năm 1990 thì mới chấm dứt. Đợt này chủ yếu nhắm vào tư thuơng, tiểu tư sản, các thành phần sản xuất nhỏ vốn rất đa dạng và phồn thịnh trong nền kinh tế tự do do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khuyến khích hậu thuẩn cho quốc dân từ bấy lâu.

Nền công nghiệp nhẹ, sản xuất đồ sài gia dụng trong nhà của Việt Nam đã hoàn toàn chính thức bị phá hũy. Người dân Việt Nam sẽ không còn thấy các sản phẩm tự hào của dân tộc như nồi nhôm hiệu Ba Cây Dừa , xà-bông (savon) hiệu cô Ba, xe hơi hiệu La Đalat, hiệu đèn trang trí Nguyễn Văn Mạnh, v.v. Không những thế, các nhà máy nhỏ sản xuất nhu yếu phẩm như đường, bột giặt, giấy… cũng bị tê liệt vì chủ nhân bị quốc hữu hóa.

Riêng tại Sài Gòn, báo Tuổi Trẻ đã phải thừa nhận là đã có trên 10.000 tiệm bán bị đóng chỉ qua một đêm, khiến một viên thuốc trụ sinh cũng không có mà mua, mà dùng. Nhà sách Khai Trí lừng lẫy, biểu tượng của cả Sài Gòn cũng bị báo đài tại Sài Gòn lúc bấy giờ rêu rao là tư bản và cần phải tịch thu. Nhà sách Khai Trí vốn đã từ tâm giúp đỡ biết bao văn nghệ sĩ của miền Nam, âm thầm thực hiện đường lối khai dân trí của cụ Phan Chu Trinh cho dân tộc.

Riêng về chỉ thị 43 của Bộ Chính Trị  vào tháng Năm năm 1978 đã quốc hữu hóa toàn bộ đất đai của nông dân miền Nam vào tay nhà nước thông qua hình thức "Tập Đoàn Sản Xuất" dẫn đến nạn đói năm 1979 ngay liền sau đó vì lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp bị sút giảm toàn diện tại miền Nam.

Tình trạng ở nông thôn miền Nam càng kinh khiếp và dữ dội hơn ở Sài Gòn dù không ồn ào bằng.

Tổng số lúa của nông dân miền Nam bị chở ra ngoài Bắc không thông qua quy chế thu mua được loan truyền là khoảng 4 triệu tấn gạo vào đầu năm 1978 trên đài phát thanh Hà Nội khi ca ngợi thành tích Đánh tư sản của các đảng bộ địa phương miền Nam. Đương nhiên, con số chính thức được các nông dân kêu ca là lớn hơn nhiều.

Sang đến năm 1979, Võ Văn Kiệt đã phải loan báo thu mua lúa từ nông dân với giá cao gấp cả ngàn lần giá quy định của Nhà Nước (!) để cứu vãn tình thế bất mãn không còn dằn được nữa của nông dân miền Nam trước những đợt thu lúa từ năm 1977 trở đi.

Song song với chiến dịch X2 là chiến dịch X3 đặc biệt tập trung tại Sài Gòn. Sau chiến dịch X3, hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu. Theo thừa nhận ngắn ngủi từ báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Công An khi bàn đến vấn đề trả lại nhà cho những "đối tượng" bị đánh tư sản oan ức vào tháng 9 năm 1989, ước tính lên đến khoảng 150 ngàn người thuộc gia đình cán bộ gốc miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu.

Đỗ Mười, sau này là Tổng bí thư Đảng, lúc bấy giờ thay thế ông Nguyễn Văn Linh làm trưởng ban cải tạo trung ương. Vào ngày 16 tháng Hai năm 1976 ông Đỗ Mười là người chỉ huy trực tiếp đợt thực hiện này.

Trong chiến dịch này, số lượng người Sài Gòn phải bị mất hết tài sản và bị cưỡng bức đi Kinh tế mới là khoảng 600.000 người, tạo ra một sự hoảng sợ hoang man chưa từng có trong lịch sử phát triển Sài Gòn qua các triều đại. Cuối đợt X3, ghi nhận của Hà Nội là có khoảng 950.000 người Sài Gòn bị cưỡng bức đi Kinh tế mới, không hoàn thành chỉ tiêu đề ra là 1,2 triệu người !

Sức mạnh kinh tế Sài Gòn tự nhiên bị phá hoại đến kiệt quệ hoàn toàn sau chiến dịch X3 do Đổ Mười trực tiếp chỉ huy. Hơn 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại Sài Gòn rất cần cho nền kinh tế quốc dân, với khoảng 270.000 nhân công hoàn toàn bị trắng tay, đóng cửa với tổng số thiệt hại tài sản trước mắt lên đến gần 9 đến 21 tỷ Mỹ kim và tiến trình phát triển công nghệ của đất nước trong tự cường hoàn toàn không còn hy vọng để phục hồi.

Riêng về tổng số vàng, nữ trang tịch tư từ tư bản ở miền Nam được các báo đài của Đảng thừa nhận lên đến 4.000 lượng vàng- nhưng đây chỉ là con số tượng trưng tính riêng ở Sài Gòn từ tháng 5/1977 đến tháng 2/1978 mà thôi. Cả thảy trên dưới gần 35.000 ngàn lượng vàng (hơn 1,3 tấn vàng), tính luôn cả nữ trang và kim cương thu trong những đợt Đánh tư sản ở miền Nam.

Xin được ghi chú thêm là chỉ nội vụ Hà Nội tiến hành cho phép người Việt gốc Hoa ra đi bán chính thức nếu đóng khoảng 120 lượng vàng (4,5 kg) đã góp vào gần 10 ngàn lượng vàng (375 kg) tổng cộng.

Trung bình , mổi người dân miền Nam nằm trong đối tượng bị Đánh tư sản mất trắng khoảng 9 lượng vàng không tính đất đai, nhà cửa, phụ tùng thiết bị, đồ cổ, và các tài sản khác. Trữ lượng vàng của toàn bộ người dân miền Nam có thể lên đến 250.000 lượng vàng (93,75 tấn) tính đến năm 1975 nhưng đồng bào khôn khéo giấu đi và phản kháng cũng như đem theo khi di tản.

II. Kinh tế mới

Tất cả những ai ở Sài Gòn bị đánh tư sản thì cán bộ Hà Nội liến vào tịch thu nhà và tài sản, sau đó phải đi về vùng Kinh tế mới, là những nơi mà cơ sở hạ tầng cho sinh hoạt chưa được xây dựng, trong đó không có điện nước, trường học và bệnh xá. Hơn 600.000 nạn nhân bị cưỡng bức qua đêm phải rời Sài Gòn để về những vùng Kinh tế mới và bỏ lại hết toàn bộ tài sản của mình từ nhà ở, của cải, đồ đạc cho Đảng quản lý.

kyuc4

Những người bị tịch thu nhà và sau đó dồn lên vùng kinh tế mới

Chỉ tiêu đề ra là phải đưa cưỡng bức khoảng gần một triệu người Sài Gòn ra các vùng Kinh tế mới và buộc họ phải bỏ hết tài sản nhà cửa lại cho người Hà Nội vào quản lý. Tổng kết từ các báo cáo thành tích cải tạo xã hội chủ nghĩa của Đảng, số người bị cưỡng bức đi Kinh tế mới từ Sài Gòn qua 10 năm "quá độ-đánh tư sản" như sau :

Thời kỳ Chỉ tiêu Kết quả thực hiện Ghi chú
1976-1979 4 triệu người 1,5 triệu người 95% là từ Sài Gòn
1979-1984 1 triệu người 1,3 triệu người 50% là từ Sài Gòn

Khi đến vùng Kinh tế mới để sống và tham gia các tập đoàn sản xuất hay còn gọi tắt là hộp tác xã, "thành quả lao động" của các nạn nhân này được phân phối chia ra như sau :

– 30% trả thuế

– 25% góp cho chính phủ theo giá thu mua của nhà nước ;

– 15% trả lương cho cán bộ quản lý ;

– 30% còn lại chia cho các thành viên tính theo số điểm thuế lao động.

Như vậy là sản phẩm nông nghiệp từ các nông trường vùng Kinh tế Mới đã bị Đảng tịch thu hết 70 % và chỉ còn 30% là chia lại cho các thành viên, vốn là các nạn nhân bị tịch thu nhà cửa sống trong vùng Kinh tế mới.

Thế là cả triệu người dân Sài Gòn đột nhiên lâm vào cảnh đói kém trầm trọng như là đòn trả thù hữu hiệu của chế độ Hà Nội đối với những bị liệt vào thành phần không phải "cách mạng", ngụy quân ngụy quyền và tiểu tư sản.

Ước tính có khoảng 300.000 trẻ em bị thất học vì sống ở các vùng Kinh tế mới này. Nhân dân miền Nam, cả triệu người đang sống sung túc bổng lao vào chịu đói kém khổ sở chưa từng có. Nạn đói kém lan tràn khắp mọi nơi, mọi nhà trước thảm cảnh.

Hàng vạn người dân Sài Gòn đã phải bỏ trốn khỏi các vùng Kinh tế mới, đi ăn xin trên đường về Sài Gòn, đói rách khổ sở. Đây là thời kỳ khốn khổ bi đát nhất trong lịch sử phát triển Sài Gòn.

III. "Đánh tư sản" ở miền Nam Việt Nam

Quyết định 111/CP của Hà Nội là một chứng liệu quan trọng. Quyết định này là nguồn gốc của mọi khổ đau, nghèo khó của người dân miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 và là lý do Việt Nam bị tụt hậu về mọi mặt, đứng hàng thứ ba nghèo nhất thế giới theo tuyên bố của Liên Hiệp Quốc vào năm 1985.

Nguyên văn Quyết định 111/CP :

Trích : 

IV. Đối với nhà đất của các tổ chức và cá nhân thuộc bộ máy cai trị ngụy quân, ngụy quyền và đảng phái phản động

1. Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày Giải phóng do chính quyền Mỹ ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc ngụy quân ngụy quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý.

2. Nhà cửa, đất đai của những người sau đây đều do Nhà nước trực tiếp quản lý :

- Sĩ quan ngụy quân cấp từ thiếu tá trở lên.

- Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung uý trở lên.

- Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của ngụy quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.

- Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.

Điều IV của QĐ 111/CP đã cho thấy rõ gia đình thân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải chịu mất nhà mất cửa rất thê thảm. Mọi quy chụp là phản động hay ngụy quyền thì coi như là bị tịch thu nhà cửa.

Dòng chữ cuối cùng của khoản 2 điều IV của QĐ 111/CP có ghi rõ là nhà cửa đất đai của các thành phần sau đây bị tịch thu : "Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng". Bởi không có định nghĩa rõ ràng thế nào là thành phần ác ôn nên các viên chức cán bộ cộng sản tha hồ kết tội thuờng dân vô tôi vạ là thành phần ác ôn của "Ngụy quyền" để tư lợi cướp bóc nhà cửa cho riêng mình, không cần tòa án nào xét xử cả. Ai ai cũng có thể là điệp viên CIA, hay là có lý lịch ba đời liên quan đến Ngụy quân, và điều có tư tưởng phản động và cần phải tịch thu nhà cửa dựa trên điều khoản này của QĐ 111/CP.

Không khí hoảng sợ , đau thuơng oán hận lan tràn khắp cả miền Nam.

V. Hậu quả Đánh tư sản của Hà Nội

Theo các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về kinh tế, Việt Nam tụt hậu hơn 50 năm về kinh tế vì các chính sách đánh tư sản này của cộng sản Hà Nội lên đầu người dân miền Nam. Việt Nam là quốc gia nghèo đứng hàng thứ ba trên thế giới vào năm 1985.

Cho đến giờ phút này, người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự có quyền tư hữu mà chỉ có quyền sử dụng, nghĩa là thảm họa bị Đánh tư sản trong quá khứ vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân Việt Nam bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra chiếu theo luật pháp hiện hành của Hà Nội.

Kinh tế của Việt Nam mãi đến năm 1997 mới thực sự khắc phục được một phần hâu quả của 10 năm Quá Độ, Đánh tư sản do Hà Nội tiến hành từ năm 1976 đến năm 1987.

Từ năm 1987 đến năm 1997, Hoa Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ cho những người Việt di tản hay vượt biên định cư tại Mỹ gởi tiền hàng ồ ạt về cứu đói thân nhân mình và vực dậy sự sinh động về kinh tế vốn có ngày nào của miền Nam. Tổng số ngoại tệ gởi về lên đến 8 đến 15 tỷ Mỹ kim mỗi năm trong suốt 10 năm đó.

Sang đến năm 1989, báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết Sài Gòn chịu 90% ngân sách của cả nước và bắt đầu tiến hành trả lại nhà cho một số nạn nhân bao năm trời khổ ải, cũng như bắt đầu bàn tới vấn đề cho phép các sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa được bán nhà vốn hầu hết đã bị tịch thu nếu ra đi theo chương trình HO (Humanitarian Operation) - Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo)

Chỉ số nghèo đói của Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới và chỉ mới có những tiến bộ cải thiện khi World Bank và USAID tăng tốc trợ giúp.

Mọi tài liệu, hình ảnh ca ngợi Đánh tư sản từ các báo chí đài phát thanh của Đảng cũng bị dẹp dần đi.

Hà Nội tới ngày nay vẫn chưa chính thức xin lỗi hai mươi mốt triệu người dân miền Nam về hành động này.

Tú Hoa

Nguồn bài đăng : Bên Thắng Cuộc: Phần I : Miền Nam / Chương III : Đánh tư sản (Huy Đức)

Quay lại trang chủ
Read 1399 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)