Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 21 janvier 2022 14:53

Một năm sau Đại hội 13

"Rối loạn chức năng toàn trị" thêm trầm trọng

Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 (Đại hội 13) diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế và thay đổi cuộc sống xã hội bình thường. Giới lãnh đạo mong muốn coi đây là dấu mốc xua tan thực trạng u ám, bi quan về kinh tế, xã hội và thể chế và khởi đầu cho thời kỳ phát triển mới. Chiến dịch tuyên truyền về "Việt Nam hùng cường", chiến lược để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào các mốc kỷ niệm 100 năm Đảng cộng sản ra đời (2030) và thành lập nước (2045) ghi trong Văn kiện Đại hội 13 được triển khai rầm rộ đồng thời đưa ra thông điệp cải cách thể chế chính trị. Tuy nhiên, sau một năm nhìn lại, tình hình kinh tế xã hội, trái lại, có phần ảm đạm hơn, những khó khăn và thách thức vẫn rất lớn cho những năm sắp tới của nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như chiến lược phát triển.

dh131

Phong tỏa trên đường phố Hà Nội để phòng chống dịch Covid-19 hôm 29/8/2021. AFP

Chế độ Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối (toàn trị) có nguồn gốc từ mô hình của Lê-nin sử dụng bạo lực để huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với thời gian chế độ toàn trị đã thay đổi và, một trong những biến thể là mô hình Trung Quốc mà Việt Nam đang noi theo là duy trì chức năng toàn trị đồng thời chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường với các nguyên tắc vận hành thay thế cho kế hoạch hóa tập trung. Biến thể này có ưu thế trong thời kỳ đầu khi còn dư địa tăng trưởng lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhưng đã dần giảm ưu thế, cho đến khi diễn ra khủng hoảng kinh tế kéo theo bất ổn thể chế. Thời gian gần đây sự rối loạn chức năng toàn trị trở nên ngày càng nghiêm trọng, chế độ luôn trong tình trạng đối phó bị động trước thay đổi.

Bản chất của chế độ được phản ánh trong những tình huống bất thường. Trước Đại hội 13 với những biểu hiện rối loạn đã được thừa nhận như "trên bảo dưới không nghe", "trên nóng dưới lạnh", "bộ máy trì trệ", "tham nhũng", "lợi dụng chức quyền", "tham vọng quyền lực’, "cua cậy càng cá cậy vây"… thì trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng các biểu hiện trên trở nên trầm trọng hơn, trong đó bốn vấn đề chủ yếu được phân tích dưới đây liên quan đến sự vận hành của hệ thống trong năm vừa qua, như thất bại chiến lược "Không Covid", chậm trễ đề xuất chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi phân quyền lớn hơn cho địa phương và thách thức lớn hơn với chính sách chống tham nhũng, tiêu cực

Trước hết, về thất bại chiến lược "Không Covid". Như đã biết, sau khi Những chuyến xuất ngoại dồn dập của các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước sang các nước EU, Nga, Mỹ (Liên Hiệp Quốc), Nhật, Hàn, Ấn Độ… vì mục đích kinh tế đã bị ‘lu mờ’ bởi ngoại giao vắc-xin trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trở nên cấp bách hơn.

Chủ quan về chiến lược mua vắc-xin là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại lớn vật chất và tinh thần cho người dân. Chính sách "Không Covid", vốn trước đợt dịch thứ 4 vào tháng 5/2021 được ca ngợi là "cách tiếp cận hiệu quả với chi phí thấp", thể hiện tính ưu việt của chế độ đã bị thay thế bởi chính sách "thích ứng an toàn với Covid" theo Nghị quyết 128 tháng 10/2021 của Chính phủ… Tuy nhiên, khi thực thi các chính quyền địa phương vẫn cát cứ, "phép vua thua lệ làng", lạm dụng xét nghiệm gây cản trở lưu thông hàng hóa, lao động và cuộc sống hàng ngày của người dân…

Hai là, chậm trễ và đề xuất chương trình bị động phục hồi kinh tế. Tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2021 tiếp tục mức sụt giảm từ 2020 ở mức dưới 3% thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch mà Quốc hội xác định. GDP không phản ánh chất lượng tăng trưởng trong thị trường kém phát triển, nhưng vì nó đảm bảo cho tính chính danh và uy tín của Đảng cộng sản nên sự lựa chọn chính sách là "thử - sai" đòi hỏi chi phí cao và không bền vững. Không còn là chỉ tiêu kế hoạch hóa mang tính pháp lệnh, mà chỉ để "phấn đấu", nên các giải pháp đưa ra thường thiếu luận cứ thị trường cần thiết. Để tăng GDP năm 2022 từ 6 đến 6,5% được Quốc hội 15 vừa thông qua trong kỳ họp bất thường đồng thời với chương trình khôi phục kinh tế với quy mô gói kích thích "chưa từng có" lên tới gần 350 nghìn tỷ cho hai năm, 2022 và 2023, nhưng thiếu những luận cứ thuyết phục giải tỏa những lo ngại về lạm phát cao, ‘tiền không chảy đúng địa chỉ’, mà vào bất động sản, chứng khoán…, về sức cầu yếu, ‘cung’ trì trệ, "nghẽn đầu tư công" và thực thi chính sách kém hiệu quả.

Thực tế chỉ ra khi thị trường vận hành thiếu các nguyên tắc cần có và, hơn thế, việc thực thi chính sách luôn bị thao túng hoặc bóp méo bởi lợi ích nhóm, bởi quan hệ ‘tư bản thân hữu’ chính trị - kinh doanh. Trong môi trường như vậy luôn xảy ra các hiện tượng ‘khó lường’ của các đại gia, giới siêu giàu như đấu giá đất cao bất thường gây rối loạn thị trường bất động sản, ‘bán chui’ cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp dưới chuẩn, chuyển vốn ra nước ngoài… Đây là những dấu hiệu bất ổn kinh tế vĩ mô và, kéo theo là bất ổn xã hội và thể chế.

Ba là, đòi hỏi phân quyền lớn hơn cho địa phương thông qua cơ chế đặc thù. Phân chia quyền lực, tản quyền đối nghịch với tập quyền, là quá trình tất yếu chuyển đổi thị trường và dân chủ. Trước đây, quy chế đặc thù, có tính chất đặc biệt về chính trị hay kinh tế, cho Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì nay, trong năm vừa qua Quốc Hội 15 đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và Cần Thơ. Về hình thức nói mục đích ‘trao’ cơ chế đặc thù là nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực, nhưng thực chất là những đòi hỏi về phân quyền tự chủ nhiều hơn cho chính quyền địa phương. Thậm chí có ý kiến Đại biểu Quốc hội về sự cần thiết trao quy chế này cho tất cả tỉnh thành, vì mỗi tỉnh đều có những đặc thù…

Bốn là, thách thức lớn hơn với chính sách chống tham nhũng, tiêu cực từ đại án ‘Việt Á’ . Bộ Công an khởi tố lãnh đạo của doanh nghiệp này và các cá nhân, tổ chức liên quan với tội danh trục lợi ‘nâng giá bộ Kit xét nghiệm Covid’ và, với tính chất nghiêm trọng và sức nóng với xã hội, nó đã thành đại án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng Chống Tham nhũng, Tiêu cực. Những hành vi trục lợi trong bối cảnh khủng hoảng vì đại dịch luôn bị lên án, coi là tội ác, nhưng sự cám dỗ khủng, mức hoa hồng lên tới 45% của gói thầu bộ kít khiến quan tham ‘sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng’. Sự tha hóa quyền lực đã biến tham nhũng thành hiện tượng "lũng đoạn nhà nước". Sự ‘cấu kết bài bản’ giữa quyền và lợi, giữa quan chức và doanh nghiệp mang tính hệ thống. Công tác điều tra vẫn đang được ‘mở rộng không vùng cấm’ nhưng bước đầu đã có hàng loạt cán bộ lãnh đạo tỉnh, cấp vụ, thứ trưởng của các Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ bị khởi tố và kỷ luật Đảng. Rõ ràng đại án này đang phủ bóng đen lên sự ‘rất thành công’ về nhân sự của Đại hội 13. Dư luận đang đòi hỏi sự giải trình trách nhiệm của lãnh đạo liên quan tới cấp cao nhất.

Rối loạn chức năng toàn trị kéo dài và càng trầm trọng chỉ ra sự cần thiết thay đổi mạnh mẽ chính sách cải cách thị trường đồng thời với chuyển đổi dân chủ, vượt qua rào cản thể chế bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều. Động cơ ít quan trọng hơn nhiều so với hành vi, ‘huyền thoại’ chủ nghĩa xã hội không thể thay thế cách vận hành và, hơn thế, nếu lãnh đạo có ý định tốt, nhưng không thể biết cách hiện thực hóa nó, thì ‘nhiệt tình cách mạng’ chỉ là duy ý chí.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 21/01/2022

Additional Info

  • Author Phạm Quý Thọ
Published in Diễn đàn

Nước Mỹ đã thực sự bước vào trang sử mới khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Kỷ nguyên của Donald Trump đã thật sự chấm dứt sau cuộc “đảo chính” bất thành hôm 6/1/2021 khi đám đông ủng hộ Trump tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ trong lúc các thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ chứng thực lần cuối cùng kết quả bầu cử 2020.

Trong diễn văn nhậm chức Joe Biden đã nói nhiều về sự dối trá làm chia rẽ nước Mỹ đồng thời kêu gọi đoàn kết và hòa giải dân tộc. Ba nhiệm vụ chính của chính quyền Biden là chống đại dịch Covid-19, khôi phục nền kinh tế và hòa giải dân tộc. Sự bình yên trong ngày nhậm chức của Joe Biden khi không có cuộc bạo động nào xảy ra trên khắp nước Mỹ là một khởi đầu may mắn cho tân tổng thống. Các nhóm da trắng cực đoan đã hoàn toàn mất tinh thần khi “giáo chủ” Donald Trump trở mặt lên án những người tấn công vào Capitol Hill hôm 6/1 là tội phạm và đáng bị trừng phạt cộng thêm hành động truy lùng và bắt bớ của FBI khiến phong trào MAGA nhanh chóng lắng xuống.

VN-1

Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống 46 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ hôm 20/1/2021.

Lý do chính khiến nhiều người Mỹ, chủ yếu là người da trắng sống ở vùng thôn quê, ủng hộ Trump là vì họ cảm thấy bị bỏ lại đằng sau trong quá trình toàn cầu hóa mà Mỹ là quốc gia khởi xướng và tham gia nhiệt tình nhất. Họ không chỉ tụt hậu về kinh tế mà còn cả văn hóa và tinh thần. Nước Mỹ thay đổi quá nhanh và họ không theo kịp nên đã phẫn nộ và trút giận lên giới chính trị Mỹ và điều đó hoàn toàn chính đáng. Giới chính trị Mỹ đã mải mê chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng với hy vọng là kinh tế thị trường tự do sẽ tự điều chỉnh mọi vấn đề và bất công trong xã hội. Điều đó hoàn toàn sai. Chủ nghĩa phóng khoáng và toàn cầu hóa không có tổ quốc và tình liên đới quốc gia. Hố ngăn cách giàu nghèo gia tăng nhanh chóng tại Mỹ. 40% dân Mỹ không có nổi 400USD cho các khoản chi tiêu khẩn cấp.

75 triệu dân Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump có nhiều lý do khác nhau, phần lớn là muốn phá bỏ trật tự hiện nay để quay về quá khứ huy hoàng trước đây. Đó là thời kỳ mà người da trắng thật sự là chủ nhân ông của nước Mỹ, người da màu và dân nhập cư chỉ là công dân hạng hai.

Nhiều người thừa biết Trump dối trá, vô đạo đức và cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 là trung thực nhưng họ vẫn giả vờ tin vào Trump và lấy đó làm lý cớ để nổi loạn và bày tỏ những uất hận giấu kín trong lòng. Họ thấy Trump (có vẻ) là người đứng về phía họ hoặc họ thấy Trump là công cụ để họ thể hiện sự phẫn nộ. Trump đã lợi dụng đám đông và đám đông lợi dụng Trump. Một cuộc tình đồng sàng dị mộng. Trump đã bày tỏ sự thất vọng với sự ô hợp của đám đông biểu tình hôm 6/1 nhưng đó là sự thật, chỉ có những người đó mới bị Trump kích động.

Joe Biden muốn thành công trong việc hòa giải dân tộc thì phải giúp những người Mỹ kém may mắn bằng cách nâng đỡ họ và cho họ một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội Mỹ chứ không phải bằng cách phân tích lý lẽ đúng - sai. Họ không quan tâm điều đó, họ không muốn nghe bất cứ một lý lẽ nào, họ không cần sự thật thậm chí ngay cả lẽ phải.

Giáo dục và đào tạo sẽ là lĩnh vực quan trọng để giúp con em các gia đình Mỹ kém may mắn và nghèo khổ có được chỗ đứng đó. Nâng cao chất lượng các trường đại học công với học phí thấp là một ví dụ. Đây là một kế hoạch dài hơi, đòi hỏi nhiều đầu tư và kết quả chỉ có thể thấy được sau nhiều năm. Hy vọng là Joe Biden sẽ thành công.

VN-2

Các trường đại học có chất lượng của Mỹ với học phí 100.000 USD/năm nằm ngoài tầm tay của tuyệt đại đa số người dân Mỹ.

Nhiều người Việt Nam ủng hộ Donald Trump mà không hề biết lý do vì sao. Họ chỉ nhắc lại một cách máy móc những gì mà fan của ông Trump đã nói chứ không hiểu được lý do sâu xa của vấn đề. Thiếu kiến thức chính trị, nông nổi và hời hợt nên họ dễ dàng bị lôi cuốn vào một vòng xoáy vô định mà họ góp phần tạo nên. Người Mỹ ủng hộ Trump vì phẫn nộ và tuyệt vọng còn người Việt ủng hộ Trump vì hãnh diện và…trách nhiệm.

Quay trở lại với Việt Nam, chúng ta đều biết chỉ còn vài hôm nữa là Đảng Cộng sản tổ chức Đại hội 13. Đây là một sự kiện trọng đại của Đảng Cộng sản và cũng rất quan trọng đối với người dân Việt Nam vì đại hội này sẽ quyết định bộ máy lãnh đạo Đảng đồng thời cũng là bộ máy lãnh đạo nhà nước. Họ sẽ quyết định đường đi cho cả dân tộc Việt Nam trong 5 năm tới. Dù quan trọng vậy nhưng không mấy người dân quan tâm. Lý do cũng dễ hiểu, sau 75 năm lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam thì Đảng Cộng sản đã chứng tỏ họ là một tầng lớp khác và không có điểm gì chung với đa số người Việt, ngoài ngôn ngữ. Họ không còn xem họ là người Việt Nam. Tất cả mọi quyền lợi của đất nước đều thuộc về Đảng Cộng sản và các đảng viên của họ. 5,1 triệu đảng viên (5% dân số của Việt Nam) là một giai cấp chiếm đóng người bản xứ. Họ nắm giữ mọi nguồn lực của đất nước để phục vụ cho giai cấp của họ chứ không vì quyền lợi của toàn thể người dân Việt Nam. Họ là một giai cấp giàu có và may mắn hơn hẳn mọi tầng lớp khác trong xã hội Việt Nam.

Chưa bao giờ mà Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 2013 lại trở nên trơ trẽn, vô duyên và lạc lõng như vậy:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Trong số 5,1 triệu đảng viên cộng sản đó thì quyền lợi lại tập trung chủ yếu ở 3 triệu đảng viên đang còn đương chức, 2 triệu đảng viên về hưu gần như đã hội nhập trở lại với người dân Việt Nam. Tuy nhiên quyền lực thực sự nằm ở Bộ chính trị, Ban bí thư và 200 ủy viên trung ương đảng. 1587 đại biểu tham dự đại hội 13 cũng chỉ để làm cảnh và quay phim chụp ảnh chứ mọi vấn đề lớn nhỏ, nhất là vấn đề nhân sự, ai giữ chức vụ gì thì đã được quyết định từ trước, trong hội nghị trung ương 15.

Đại hội 13 đánh dấu một thay đổi vô cùng quan trọng đó là sự li dị hoàn toàn và dứt khoát giữa người dân Việt Nam và Đảng Cộng sản. Không mấy ai quan tâm và cũng không có ai góp ý hay kiến nghị gì với Đảng Cộng sản ngay cả các trí thức về hưu và trí thức phản biện trung thành. Một điểm đặc biệt nữa của đại hội lần này là không có sự đấu đá hay tranh giành khốc liệt ghế tổng bí thư như những kỳ đại hội trước. Theo thông tin lề trái thì ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục ở lại và giữ chức Tổng bí thư. Nếu đây là sự thật thì rõ ràng Đảng Cộng sản đã hoàn toàn bế tắc và tuyệt vọng. (1) Chúng tôi sẽ quay lại chủ đề này sau đại hội 13 khi kết quả đã rõ ràng.

Như vậy, đất nước Việt nam hiện nay không còn là của người dân Việt Nam mà chỉ là của riêng Đảng Cộng sản. Đã đến lúc người Việt Nam cần tìm hiểu và suy nghĩ về một đất nước Việt Nam khác, một tương lai khác cho bản thân và cho con cháu. Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một truyện thuyết mới, một hình dung mới, một giấc mơ mới, một đề nghị mới về tương lai của Việt Nam mà mọi người có thể tham khảo.

Việt Hoàng

(21/1/2021)  

(1). https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/17248-b-t-c-nhan-s-d-i-h-i-13

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm