Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Có gì đâu ta cầu khẩn van lơn ?
Có gì đâu ta ôm mối căm hờn ?
Hãy đứng dậy, ta có quyền vui sống !
Đây là trích đoạn bài thơ "Hãy đứng dậy" của nhà thơ cách mạng Tố Hữu viết tại Huế tháng 4 năm 1938. Nếu chỉ xét theo câu chữ của bài thơ, mà bỏ qua những hiểu biết của chúng ta về tác giả sau này, thì tôi nghĩ có rất nhiều người hoàn toàn đồng ý với Tố Hữu.
Ngày 18/01/2019, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 - Ảnh minh họa
Việt Nam là đất nước có lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển trên cái nền văn hóa Á Đông. Sự vâng phục đã trở thành một căn tính trong con người của bất kỳ người Á Đông nào chứ không riêng Việt Nam. Chính vì thế các nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 đã khai thác vấn đề này trong nhiều loại hình thơ ca, văn học đấu tranh... để khơi gợi tinh thần công dân cũng như sự dũng cảm đứng lên làm cách mạng.
Rất tiếc, với bao xương máu của dân tộc đã đổ xuống, cuộc cách mạng ấy sau gần một thế kỷ đã không mang lại cơm no áo ấm cho người dân như họ đã hứa, mà chỉ đem đến sự bất công khủng khiếp. Người dân thì phải đối mặt với bao nhiêu vấn nạn xã hội, từ y tế, giáo dục, việc làm, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó đại bộ phận giới cầm quyền thì sống phè phỡn, lầu nọ phủ kia, của cải và quyền lực không biết bao nhiêu mà kể hết.
Không chỉ phản bội lại chính những lời đã hứa, đã dẫn dụ quốc dân đồng bào đi làm cách mạng năm xưa, người cộng sản còn ngang nhiên cổ suý và tuyên truyền cho thái độ cam chịu của người dân bằng những hình thức cực kỳ tinh vi và xảo quyệt. Có nhiều loại hình và phương pháp tuyên truyền để thúc đẩy tâm lý xã hội này, nhưng chủ đề chung của nó đều xoay quanh hai chữ ỔN ĐỊNH.
Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, trên tivi hay báo đài thì ổn định luôn là khái niệm được truyền thông nhà nước nhắc đến như là một điều kiện quan trọng nhất để phát triển xã hội. Có lẽ khái niệm này được đưa ra ở Việt Nam lần đầu tiên từ cuộc hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận trung ương và Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) tổ chức ngày 23/9/2010 tại Hà Nội. Trong cuộc hội thảo này chủ đề "Mối quan hệ giữa Đổi mới, Ổn định và Phát triển trong quá trình xây dựng đất nước" đã được đặt ra, và sau đó đây trở thành cơ sở lý luận của báo đảng cũng như hệ thống tuyên truyền ngoại vi trong suốt nhiều năm qua.
Thế rồi thời gian gần đây, khi có rất nhiều vấn đề nảy sinh vô cùng khốc liệt với đất nước chúng ta, như vấn đề chủ quyền biển đảo, ô nhiễm môi trường, nợ công tăng cao, tham ô tham nhũng, cướp đất của dân... Nhưng mỗi khi có tiếng nói phản biện nào đó trong xã hội đòi hỏi phải xem xét lại vai trò của đảng và nhà nước trong các vấn đề điều hành và quản lý đất nước thì đồng loạt một thông điệp quen thuộc lại được phát ra. Dù lời lẽ nặng nhẹ khác nhau tuỳ từng trường hợp, nhưng những thông điệp này cũng chỉ xoay quanh lý luận cơ bản là : ổn định để phát triển.
Đến cả đội ngũ dư luận viên, là thành phần thấp cấp nhất trong hệ thống tuyên truyền của đảng cũng sử dụng rất nhuần nhuyễn lý luận này. Cứ ai mở mồm nói gì đó là chúng lại bật băng cho nghe điệp khúc : phải ổn định thì xã hội mới phát triển, muốn đất nước có chiến tranh loạn lạc như cách mạng màu bên Trung Đông không...
Gần đây nhất, ngày 17/06/2019 Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có một bài viết "Không để thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội", trong đó ông ta viết thế này :
"...Trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam là một lợi thế quan trọng để phát triển. Nhờ nhất quán quan điểm : "Ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động, tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được" mà môi trường chính trị, xã hội ổn định, an ninh, an toàn được giữ vững, nội lực đất nước được khơi dậy và phát huy, ngoại lực được tiếp nhận và sử dụng hiệu quả, nên sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, của du khách, là điểm hẹn của khát vọng hòa bình thế giới...".
Ổn định là ổn định thế nào ? Có phải chỉ ổn định mới mang lại sự phát triển hay không ? Phải chăng ổn định là lý luận quan trọng để níu kéo quyền lực, để bảo vệ cho sự trì trệ của đảng cộng sản, và để đàn áp thẳng tay những người lên tiếng đòi hỏi sự thay đổi của đất nước này ?
Ông bà ta khi xưa đã dạy : "An cư (thì mới) lạc nghiệp". Câu nói này ở một khía cạnh nào đó rất đúng, và vì thế nó mới được truyền dạy qua bao đời nay đến tận bây giờ. Đưa ra lý lẽ ổn định để phát triển, phải nói rằng các nhà lý luận cộng sản rất giỏi, vì họ đã khéo léo lợi dụng một triết lý sống từ bao đời nay để làm phương tiện cho mình trong việc đè nén và cai trị dân chúng.
Tuy nhiên nếu nhìn lại lịch sử phát triển của loài người, nếu cam chịu và chấp nhận, liệu người vượn cổ đại có dám dùng lửa để chinh phục tự nhiên hay không ? Nếu cam chịu và chấp nhận, liệu xã hội loài người có dám làm những cuộc cách mạng long trời lở đất để từ xã hội thị tộc, bộ lạc tiến dần lên chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, xã hội công nghiệp, rồi đang tiến đến một xã hội công nghệ cao như bây giờ không ?
Việt Nam vốn là một đất nước lạc hậu, chậm phát triển, nhưng không nằm ngoài sự tác động của các cuộc biển đổi trên thế giới, và nó đang trên đà nhanh chóng từ một xã hội truyền thống trở thành một xã hội hiện đại. Dù muốn hay không thì những tác động này vào Việt Nam là không thể tránh khỏi, bởi luồng gió văn minh thì như cơn bão, ai mà ngăn được gió thổi qua hàng rào thưa ?
Nhưng chính vì sự biến đổi quá nhanh chóng ở Việt Nam thời gian gần đây đã tạo ra sự xung đột nghiêm trọng giữa nhà nước và xã hội. Nhà nước trở nên hụt hơi, lạc hậu và không thể kiểm soát được xã hội. Mâu thuẫn này có thể ví y như việc nuôi dạy một đứa trẻ. Lúc vài tuổi chúng ta có thể đe nẹt, bắt trẻ con nó làm cái này cái kia. Nhưng đến khi nó 15-17 tuổi, ta không thể làm như vậy nữa bởi nó đã bắt đầu trưởng thành, có sức lực, có nhận thức và có sự phản kháng nếu chúng ta không thay đổi sự giao tiếp với chúng.
Những lời nói của ông Võ Văn Thưởng như vừa nêu bên trên thực ra chỉ là một ví dụ điển hình trong lối tư duy chung của nhà nước trước xã hội, coi người dân như "con dân" chứ không phải là "công dân". Nó không làm cho mâu thuẫn xã hội dịu đi, mà còn làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội.
Một hệ thống chỉ ổn định khi các lực phát sinh trong lòng hệ thống đó được giải quyết hài hòa. Có lực tác động thì ắt sẽ có phản lực. Nhắm mắt hô hào ổn định mà không giải quyết triệt để những xung động trong lòng xã hội thì không khác gì cố sơn phết vỏ một cỗ máy cho đẹp, nhưng bỏ mặc những rơ ráo lệch lạc máy móc bên trong. Cỗ máy ấy sẽ vỡ nát sớm thôi.
Vì vậy tôi muốn có một lời với ông Thưởng và các nhà lý luận cộng sản như thế này. Mặc cho các ông hô hào ổn định thế nào, bỏ tù bao nhiêu người đòi thay đổi, nhưng sự phát triển của xã hội này là một tất yếu xã hội, các ông không thể chống lại được đâu. Đừng lấy khái niệm ổn định để che chắn cho sự trì trệ, ngu dốt của các ông.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 07/07/2019 (nguyenlanthang's blog)
Trong bài viết : "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" Ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng : "Trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam là một lợi thế quan trọng để phát triển…". Điều minh định này không sai nhưng hoàn toàn không đúng hẳn bởi phía sau những gì mà ông Thưởng nhìn thấy qua lăng kính của Tuyên giáo chưa hẳn xã hội và chính trị Việt Nam ổn định hoàn toàn như ông Thưởng xác định.
Sự bất ổn chính trị vẫn có nguy cơ bùng phát khi những mầm mống chín muồi.
Nếu cho rằng chính trị Việt Nam ổn định người nghi ngờ có thể đặt câu hỏi ổn định trên cơ sở nào ? Không có dấu hiệu đảo chánh từ trong nội tại, không có dấu hiệu phản ứng của người dân, không có yêu sách của quần chúng có thể dẫn đến biểu tình bạo loạn đi đến lật đổ chính quyền, không có dấu hiệu sụp đổ kinh tế hay không có nguy cơ chiến tranh với lân bang có thể dẫn đến một sự bất ổn ngoài dự liệu ?
Những câu hỏi trên tuy có thể thấy là "chưa" nhưng không phải là hoàn toàn không thể xảy ra và vì vậy sự bất ổn chính trị vẫn có nguy cơ bùng phát khi những mầm mống chín muồi.
Trong thể chế cộng sản như Việt Nam hiện nay khó thể xảy ra đảo chánh nhưng một cuộc thanh trừng nội bộ vẫn có nguy cơ rất cao diễn ra giữa những thế lực khác nhau trong đảng. Người ta có thể thấy rõ trong những năm gần đây, khi ông Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch "đốt lò" nhằm chặt vây cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng, người từng khiến ông Trọng khóc tức tưởi vì bất lực không thể trừng phạt ông Dũng trong hội nghị 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội. Ông Nguyễn Tấn Dũng được đặt cho biệt danh là đồng chí X và từ đó đến nay người dân không ngớt chứng kiến hình ảnh chiếc lò của ông Trọng mang đi khắp nơi tìm và diệt tay chân ông Dũng một cách kiên trì. Kết quả tuy còn chưa ấn tượng lắm nhưng cũng đủ để phe cánh ông Dũng tìm đường phản công để tìm sự sống.
Vì vậy ông Trọng vẫn chưa ngủ ngon vì phe đồng chí X không phải dễ dàng đầu hàng chiếc lò thanh trừng của ông Trọng. Câu chuyện Nguyễn Thanh Hải, Tất Thành Cang tại Sài gòn vẫn được dân chúng râm ran truyền khẩu cho sự bất lực của ông Trọng trước chiếc vòi bạch tuột còn rất nguy hiểm của dồng chí X. Tranh dành quyền lực vẫn đang tiếp diễn tuy còn trong bóng tối nhưng sức nóng của nó không phải âm thầm nữa trong những ngày mùa hè sắp tới và vì vậy chưa chắc sự ổn định chính trị của Việt Nam còn kéo dài hết năm 2020.
Vế thứ hai là bất ổn có thể nảy sinh từ người dân vẫn tiềm ẩn nhưng không khó thấy. Nếu miền Bắc có Đồng Tâm, Dương Nội thì miền Trung có nguyên một dãy liên tỉnh nạn nhân của Formosa và miền Nam thì sức nóng của cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 chống dự luật Đặc khu vẫn còn âm ỉ. Mỗi nơi mỗi khác nhưng dân chúng chưa khi nào hoàn toàn yên ắng như nhà nước mong muốn, có chăng bởi họ giỏi che chắn trước dư luận thế giới nhưng tới một lúc nào đó khi sự chịu đựng không còn nữa thì cơn bão chống đối từ dân chúng sẽ bùng phát khắp nơi nếu chính sách của nhà nước vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Vế thứ ba thuộc chu kỳ kinh tế là một câu hỏi hóc búa cho chính trị Việt Nam.
Trong suốt gần 30 năm đổi mới Việt Nam tỏ ra thành công trong vấn đề xây dựng kinh tế một cách thần kỳ. Từ bao cấp xoay hẳn sang kinh tế thị trường đã khiến đất nước được thế giới đón chào, tham gia làm đối tác trên lĩnh vực kinh tế khiến thu nhập GDP tăng và đời sống người dân dễ chịu hơn thời kỳ bao cấp rất nhiều. Tuy nhiên những Tổng công ty nhà nước, những vụ bê bối bạc tỷ đô la, những món nợ công đụng trần đang chờ giải quyết những món nợ quốc tế tới ngày đáo hạn và cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung quốc ngày càng trở nên nguy hiểm cho Việt Nam hơn bởi những món nợ khó trả đối với Bắc Kinh trong các dự án từ trước tới nay…không dễ dàng cho con tàu kinh tế Việt Nam chút nào trong tương lai gần khi mọi sự đang đến chu kỳ đi xuống của nó. Khi nợ đáo hạn không thể trả, khi xuất khẩu bị tác động, khi tài nguyên cắp nón ra đi và nhất là ngày càng phát hiện ra hàng trăm công trình trọng điểm bị rút ruột hay thiếu vốn thì Việt Nam có còn ổn định nữa hay không ?
Vế thứ tư tuy ít nguy hiểm hơn nhưng hoàn toàn không phải không thể xảy ra nếu một cuộc chiến xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam có quá nhiều kinh nghiệm về người bạn "vàng" này nhất là sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Có kinh nghiệm chiến đấu lẫn kinh nghiệm bị Trung Quốc dắt mũi đã khiến Việt Nam vừa sợ vừa giận. Tư duy giữ đảng tuy quá mạnh nhưng với tình hình hiện nay khi Mỹ dứt áo trở mặt với Bắc Kinh Việt Nam vừa mừng vừa lo cho một giải pháp an toàn trước mắt làm sao để tránh đối mặt với Trung Quốc nhằm giữ đảng nhưng cũng không thể lơ là với Mỹ khi siêu cường này cần một thái độ dứt khoát tại Biển Đông nhằm thắt chặt chiến lược phong tỏa sức mạnh hải quân của Bắc Kinh trong đó Hà Nội giữ một tư thế quan trọng trong địa chính trị của khu vực.
Tới lúc đó hẳn nói Việt Nam có ổn định chính trị hay không.
Mong muốn ổn định để phát triển là một mong muốn chính đáng nhưng sự ổn định có được do sức mạnh đàn áp người dân, hoạch định kinh tế theo tầm nhìn ngắn hạn, đi giây trong đối sách ngoại giao hay che dấu đấu đá nội bộ không phải là một nền chính trị ổn định bền vững.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 21/06/2019 (canhco's blog)
Cần đánh tan ngụy biện "cần ổn định chính trị để phát triển". Những lập luận bênh vực cho lý luận này đều đưa tới một điều là cần có sự lãnh đạo lâu dài hoặc mãi mãi của một cá nhân, của một đảng, hay của một chế độ.
Nhà nước cộng sản Việt Nam mong muốn ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo độc quyền của đảng cộng sản
Lý luận này cho rằng chỉ có "ổn định" mới có thể dẫn dắt xã hội tới phát triển. Với lối lý luận giản đơn này, những chế độ độc tài đã tận dụng đến mức tối đa để ca tụng nó nhằm che mắt và lừa gạt dân chúng, và đương nhiên là để ngồi mãi trên quyền lực. Nhưng ổn định là gì ?
Ổn định có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là ổn định dân sự, nghĩa là ổn định trong cuộc sống, ổn định trong hoạt động của pháp luật và các quyền của người dân. Nghĩa thứ hai là ổn định sự cầm quyền của tập đoàn cai trị. Khi các chế độ độc tài nói cần ổn định để phát triển, nhiều người đồng ý với họ vì hiểu đó là ổn định dân sự trong khi họ thực hiện qua nghĩa thứ hai, nghĩa là ổn định của tập đoàn cầm quyền. Lối ngụy biện gian trá kiểu này cần phải bị tố giác.
Dự án chính trị dân chủ đa nguyên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (2015), Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương 5 có viết :
"Cũng cần chấm dứt một sự lẫn lộn gian trá về ổn định. Ổn định có hai nghĩa.
Nghĩa thứ nhất là ổn định dân sự, nghĩa là ổn định trong cuộc sống của mỗi công dân, là đảm bảo không bị bắt bớ, tịch thu tài sản, cấm kinh doanh, không là nạn nhân của những thay đổi luật pháp đột ngột và thường xuyên, hay những quyết định tùy tiện của chính quyền. Ổn định này rất cần thiết cho phát triển kinh tế, vì có như thế người dân mới có thể yên trí để tiên liệu và hoạch định sinh hoạt của mình. Ổn định này đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp trị.
Nghĩa thứ hai là ổn định của tập đoàn cầm quyền, hay nói khác đi là sự kéo dài của một chính quyền với cùng những người cầm quyền. Sự kéo dài này, nếu không do bầu cử tự do mà là do một chế độ độc tài bạo ngược, còn rất mâu thuẫn với ổn định dân sự và do đó hoàn toàn mâu thuẫn với phát triển, bởi vì người dân luôn luôn phải sống trong sợ sệt, không dám và không thể lập những kế hoạch kinh doanh lâu dài.
Kinh nghiệm cho thấy ổn định dân sự rất cần cho phát triển, trong khi ổn định của tập đoàn cầm quyền hoàn toàn không cần thiết, thậm chí còn có ảnh hưởng xấu vì các chính quyền kéo dài quá lâu gần như chắc chắn đưa tới lạm quyền và tham nhũng. Tại Nhật, từ sau Thế Chiến II tới nay, ít có chính phủ nào kéo dài được hai năm. Tại Ý, tuổi thọ trung bình của các chính phủ còn ngắn hơn nhiều. Mặc dầu vậy kinh tế của cả hai nước này đều phát triển nhanh chóng, họ đều là thành viên của nhóm bảy nước phát triển nhất. Trong khi các nước có những chính quyền kéo dài như Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên và nhiều nước thuộc Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh lại rất trì trệ và lạc hậu.
Khi các tập đoàn độc tài -như ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam- nói cần phải có ổn định để phát triển, nhiều người đồng ý với họ vì hiểu đó là ổn định dân sự trong khi họ thực hiện ổn định theo nghĩa thứ hai, nghĩa là ổn định của tập đoàn cầm quyền. Đó là một sự gian trá cần được tố giác”.
Tại Trung Quốc và Việt Nam, sau nhiều năm "đổi mới" hai nước này đã có những thành tích phát triển kinh tế khá cao nhờ nới lỏng tự do, nhưng đến nay cả hai đều đã khựng lại vì đảng cộng sản muốn duy trì "ổn định chính trị", tức là đổi mới về kinh tế nhưng không đổi mới về chính trị. Các chế độ độc tài là nguyên nhân của sự lụn bại, chúng phá hoại và gây ra những bế tắc trong sự vận hành quốc gia nhưng chúng lại logic với sự tồn tại của chế độ.
Khi những mâu thuẫn, bức xúc, bất mãn âm ỷ lâu ngày bùng nổ và do không có phương tiện hòa bình để phản ánh, logic đầu tiên là người dân xuống đường biểu tình một cách ôn hòa đòi quyền lợi, khi quyền lợi không được đáp ứng logic thứ hai là những cuộc xuống đuờng ngày càng nhiều hơn, logic thứ ba là không một chế độ độc tài nào chấp nhận cho người dân xuống đuờng do đó phải bị đàn áp, logic cuối cùng là khi bị đàn áp, người dân phải chống trả, đương nhiên là trong thế yếu, và bị đánh đập, cầm tù.
Do bị đàn áp và bị tước mọi quyền tự do căn bản, lòng quí mến và yêu chuộng chế độ giảm dần theo thời gian. Trong những điều kiện này, người dân chỉ có hai phản ứng : một là trở nên vô cảm, dửng dưng với chế độ, hai là thù hận chế độ để rồi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để thay đổi chế độ hay trả thù cá nhân. Nói cách khác, chỉ trong các chế độ độc tài mới nảy sinh ra các cuộc ‘cách mạng’ thay đổi cơ cấu quyền lực bằng bạo lực, gây nên bất ổn và xáo trộn xã hội nghiêm trọng. Bởi vậy để tránh bạo loạn thì cần có cơ chế thay đổi chính quyền trong hòa bình, cách tốt nhất là dân chủ hóa chứ không phải là củng cố nền độc tài bằng ngụy biện "ổn định chính trị".
Ở các quốc gia dân chủ không có một chính quyền nào là "ổn định" suốt đời, một chính quyền có thể bị thay thế ngay tức khắc nếu người lãnh đạo tồi dở, thông qua lá phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, hoặc qua các kỳ bầu cử, hay nói cách khác là thông qua lá phiếu của người dân, hoặc dư luận xã hội. Cứ mỗi 4 hay 5 năm một lần, cử tri có thể thay đổi chính quyền bằng con đường hòa bình thông qua lá phiếu của mình.
Lối ngụy biện ‘ổn định chính trị’ sở dĩ đã tồn tại được vì chúng ta hiểu sai ổn định trong sinh hoạt chính trị quốc gia. Chính quyền luôn ngjuy biện rằng, trái ngược với ổn định chính trị là bạo loạn, đảo chính, lật đổ. Nhưng ổn định chính trị đúng nghĩa phải là đảm bảo cho xã hội được vận hành một cách trơn tru, bảo đảm cho sự hoạt động ổn định của các cơ quan pháp luật, hành chính, an ninh, và cuối cùng là các công dân có quyền và các biện pháp ôn hòa để thay đổi chính quyền. Đó mới là ổn định chính trị đúng nghĩa. Còn loại "ổn định chính trị " kiểu ngụy biện của các chế độ độc tài chỉ đem tới bất ổn xã hội vì, như đã nói, khi người dân không có phương tiện và cơ hội để phát biểu nguyện vọng thì cách duy nhất là xuống đuờng đòi hỏi quyền lợi. Cho dù những cuộc xuống đuờng có chính đáng hay không, phản ứng của mọi chế độ độc tài là đàn áp, bắt bớ, bỏ tù… Hậu quả tự nhiên của phản ứng này là người dân ngày càng xa lánh chế độ, và chế độ tự co cụm lại để trở nên hung bạo hơn.
Khi các mâu thuẫn trong xã hội dâng cao (do những bất mãn của người dân dồn nén lâu ngày) đạt đến đỉnh điểm thì cách mạng sẽ nổ ra. Càng nguy hiểm hơn khi cuộc cách mạng đó không được dẫn dắt bởi một lực lượng chính trị có viễn kiến và sự chuẩn bị. Bất cứ một cuộc ‘cách mạng đường phố’ nào xảy ra cũng để lại những di chấn tinh thần vô cùng lớn cho người dân và phải mất rất nhiều năm mới có thể hàn gắn lại được những đổ vỡ mà nó gây ra. Bằng chứng cho thấy, các cuộc ‘cách mạng đường phố’ chỉ xảy ra tại các nước độc tài, hay muốn trở thành độc tài. Venezuela là một ví dụ.
Một đặc điểm chung của các chế độ độc tài là luôn cố bám víu quyền lực đến cùng. Các chế độ độc tài thường sinh ra từ bạo lực và chỉ chấm dứt trong bạo lực. Mọi thay đổi chỉ là vụn vặt nhằm câu giờ chứ không thực tâm, các chế độ độc tài thừa hiểu rằng khi có dân chủ, nghĩa là có tự do bầu cử, họ sẽ bị loại khỏi chính quyền vì không được người dân tín nhiệm và lựa chọn.
Làm thế nào để các chế độ độc tài ‘hạ cánh an toàn’ cho chính họ và sau đó là cho cả đất nước ? Có cách nào khiến các chế độ độc tài chịu nhượng bộ không ? Các nước cộng sản Đông Âu đã chuyển hóa thành công về dân chủ trong hòa bình là câu trả lời hùng hồn cho câu hỏi trên. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể dân chủ hóa đất nước bằng con đường hòa bình.
Vậy chúng ta phải làm gì ? Chỉ có một con đường duy nhất là người dân Việt Nam, nói chung, và trí thức Việt Nam, nói riêng, phải chung tay xây dựng cho bằng được một vài tổ chức chính trị dân chủ đối lập, có tổ chức và có tầm vóc, để làm đối trọng buộc đảng cộng sản phải ngồi vào bàn đàm phán như ở Ba Lan trước đây.
Nếu không làm được việc này, đối lập dân chủ Việt Nam sẽ tiếp tục yếu và không thể làm được. Mặc dù đang bị chia rẽ và suy yếu, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nhượng bộ khi bị ép buộc, hay chưa thấy lối thoát chung. Như con thú trên bước đường cùng, họ sẽ chọn phương án đàn áp thay vì đối thoại. Các cuộc bắt bớ mới đây nhắm vào giới bất đồng chính kiến là một minh chứng.
Việt Tuệ
(05/09/2017)
Trong những ngày giáp Tết trùng hợp với Tổng thống mới của Hoa kỳ nhậm chức, các tổ chức nhân quyền thế giới lại ngạc nhiên khi thấy người bị bắt tại Việt Nam tăng lên đột ngột và khó hiểu. Họ không hề có một hoạt động chống chính phủ nào cụ thể nhưng nhà giam và những bản án vẫn tiếp tục áp đặt lên họ như một sự răn đe.
Chị Trần Thị Nga trong một lần xuống đường chống Trung Quốc. Youtube screenshot
Gia tăng bắt bớ
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người mở đầu danh sách tù nhân lương tâm. Bị bắt vào ngày 10 tháng 10 năm 2016 tại nhà riêng với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 Bộ luật hình sự.
Mẹ Nấm có tuyên truyền nhưng không phải chống nhà nước mà chị chống Formosa khi công ty này xả thải giết hại môi trường 4 tỉnh miền Trung trong khi chính quyền từ địa phương tới trung ương không có bất cứ biện pháp nào đối phó hay xử lý.
Sau Mẹ Nấm là anh Nguyễn Văn Hóa. Ngày 17 tháng Giêng năm 2017 anh bị bắt và ghép vào tội danh vi phạm điều 258 bộ luật hình sự, với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ làm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân…’.
Giống như Mẹ Nấm, anh Hóa là người tích cực lên tiếng tố cáo những gì đang xảy ra tại Kỳ Anh Hà Tĩnh khi người dân không còn gì để làm ăn sinh sống và sự chờ đợi nhà nước trợ giúp đã đi đến giới hạn của tuyệt vọng.
Anh Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh từng trực tiếp tường thuật những vụ nộp đơn kiện Formosa và bản án ghép anh vào tội danh 258 đã làm cho người dân ở đây phẫn nộ.
Hai ngày sau khi anh Hóa bị bắt, vào khoảng 22 giờ ngày 19 tháng 01 năm 2017, anh Nguyễn Văn Oai đang đi trên đường 36 thuộc Xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, thì bị một nhóm người được phục kích và bắt giữ.
Ông Nguyễn Văn Doãn, Trưởng công an xã Quỳnh Vinh thông báo cho gia đình biết về việc bắt giữ anh Oai. Nguyễn Văn Oai bị cáo buộc "chống người thi hành công vụ" và "không thi hành bản án quản chế".
Vợ anh Oai là chị Linh Châu kể lại :
Anh Oai bị bắt vào lúc 9 giờ 30 ngày 19 tháng 1 nghe nói anh bị tội danh "chống người thi hành công vụ" Họ bắt mà không đưa ra một loại giấy tờ gì cả coi như một cuộc bắt cóc. Nó còng tay anh Oai lại bỏ lên xe chở đi luôn. Người ta gán ghép cái tội là chống phá nhà nước bị tới 4 năm tù bây giờ họ phải quản chế, anh mới về 1 năm hay hơn 1 năm thôi.
Lý do anh Oai bị bắt cũng không khác với anh Hóa và blogger Mẹ Nấm, bởi vì anh lên tiếng và tiếp tay tung ra sự thật về vùng biển mà anh đang sinh sống.
Và quy trình bắt người theo nhịp độ hai ngày một lại xảy ra, ngày 21 tháng Giêng, tức trước Tết vài ngày, công an tỉnh Hà Nam lại đến nhà bà Trần Thị Nga đọc lệnh tạm giam với cáo buộc giống như Mẹ Nấm đó là "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88.
Nếu có quan tâm tới những người tranh đấu cho dân oan cũng như lợi quyền người lao động, người ta sẽ thấy sự cáo buộc "tuyên truyền" đối với bà Trần Thị Nga là đúng nhưng không phải chống nhà nước. Bà Nga chống lại những bất công, mờ ám từ các công ty môi giới xuất khẩu lao động ra nước ngoài vì chính bà là nạn nhân. Bà chống lại các vụ tịch thu đất đai trái phép và rất mạnh mẽ chống lại Formosa từ những ngày đầu tiên.
Vì sao ?
Blogger mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh File photo
Nhà báo Phạm Chí Dũng, người đang có những hoạt động về xã hội dân sự cho biết nhận xét của ông về hiện tượng bắt giữ người đồng loạt và có kế hoạch này như sau :
Có mấy sự kiện trùng lắp trong thời gian gần đây, thứ nhất là TPP tan vỡ, thứ hai là Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc đã về đó là những sự kiện quốc tế có thể tác động đến việc công an gia tăng đàn áp tại Việt Nam. Theo tôi còn một lý do nữa một số chính quyền và công an địa phương thù hằn đối với những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là đối với chị Trần Thị Nga. Chị Nga là một người đấu tranh cho dân oan phải nói là có tiếng và rất mạnh mẽ, không ngại gì cả và do vậy mà trước đây chị bị đánh gãy chân phải bó bột suốt mấy tháng ở bệnh viện.
Lần này chị Nga tiếp tục tố cáo một số bất công xã hội do các nhóm lợi ích chính sách đưa lên như vấn đề tăng giá xăng hay tăng thuế bảo vệ môi trường. Tôi cho chị Nga là cái gai trong mắt chính quyền Hà Nam và công an Hà Nam và chị cũng chửi công an Hà Nam rất nhiều. Đây là bối cảnh không thuận lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền bối cảnh mà công đoàn có thể bị hoãn vô thời hạn thì công an Hà Nam đã bắt chị.
Một phụ nữ khác khá nổi tiếng tại Huế là ca sĩ Dạ Thảo gần giống như trường hợp của bà Trần Thị Nga mặc dù Dạ Thảo chưa một lần có tiền án tiền sự.
Ca sĩ Dạ Thảo sống ở Huế, nơi phong trào bất đồng chính kiến rất nhỏ lẻ và không mấy ai biết tới bỗng dưng trở thành tầm ngắm của công an tỉnh.
Kể với chúng tôi về việc bị sách nhiễu chị cho biết công an và an ninh chìm nổi đã chặn xe chị tại nhà riêng yêu cầu tới phường làm việc. Do chị từ chối quyết liệt nhóm người đại diện công quyền này phải chùn bước nhưng vẫn hăm dọa, canh chừng trước nhà chị một cách công khai. Khi hỏi lý do khiến bị giam lỏng như vậy ca sĩ Dạ Thảo cho biết :
Từ lâu nay em nằm trong tầm ngắm của nó rồi mà em bị họ đe dọa không phải công khai như vừa rồi nhưng họ đánh tiếng qua những người bạn của Dạ Thảo coi chừng trước sau gì cũng bị, có nghĩa là em đã bị đe dọa trước đó rồi. Hôm vừa rồi em nghĩ chắc có lẽ là một động thái đe dọa em xem phản ứng của mình thế nào, nếu mình run sợ thì họ mời lên phường làm việc hỏi mình vừa rồi ai là người giăng biểu ngữ rồi ai là người đi cùng, chủ yếu của họ là vậy thôi.
Họ nói là có tài liệu có chứng cứ em là thành viên của Hội Anh em dân chủ có liên lạc có đi lại với cha Lý cha Lợi, có kết nối với một số thành phần ở Hà Nội, Sài Gòn những thành phần mà họ gọi là phản động, như vậy thì em nằm trong tầm ngắm của nó. Em chả làm gì để gọi là tội cả chẳng qua là mình lên tiếng ở Huế mà cái địa bàn rất nhỏ, mình lên tiếng nhiều cho nên không tránh được tầm ngằm của nó.
Với những người nổi tiếng trong đấu tranh thì chính quyền có phương cách khác để đối phó, hoặc ngăn cản hoặc bao vây cô lập tại nhà.
Luật sư Lê Công Định đã gặp cảnh ngăn cản khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ sang Việt Nam lần cuối cùng trước khi mãn nhiệm. Luật sự Định nhận được giấy mời gặp gỡ ngoại trưởng Mỹ nhưng công an biết được và ngăn cản không cho ông tới gặp, luật sư Định kể lại :
Họ nói với tôi là họ không muốn tôi gặp ông John Kerry chiều nay vì họ biết bên sứ quán Mỹ có mời tôi lúc 3 giờ chiều. Tôi không đồng ý chuyện đó thì họ nói anh không đồng ý thì cũng không thể đi được vì họ sẽ có biện pháp.
Dư luận của những người bất đồng chính kiến khi xâu chuỗi những việc bắt bớ liên tục này chỉ có thể giải thích rằng nhà nước đang nỗ lực bịt chặt các mầm mống gây bất ổn chính trị, nhất là nạn nhân trực tiếp của Formosa đang chờ đợi bồi thường mà trung ương vẫn chưa có giải pháp nào toàn vẹn.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Nguồn : RFA, 25/01/2017