Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

17/01/2017

TQĂN - Phần Năm - Vươn mình lớn dậy

Nguyễn Gia Kiểng

Nguyên bản (PDF)

Tổ Quốc Ăn Năn

 

 

5-tqan1

*******************

Một thoáng suy tư về châu Phi

 

 

5-tqan2

Cuốn sách này đã đi tới phần kết luận, và phần kết luận chắc phải tập trung vào Việt Nam vì đây là cuốn sách của một người Việt Nam viết cho những người Việt Nam. Tuy vậy, trước khi thực sự nói chuyện đất nước tôi vẫn thấy cần vòng qua một lục địa khá xa lạ đối với người Việt : châu Phi, bởi vì trên một vấn đề rất quan trọng chúng ta lại khá gần với họ. Dĩ nhiên tình trạng của chúng ta không đến nỗi bi đát như các nước châu Phi, nhưng đôi khi cũng cần nhìn những thái cực để hiểu rõ bản chất của một vấn đề.

Đối với tôi châu Phi trước hết là phần châu Phi Da Đen ở miền Nam sa mạc Sahara và không kể nước Nam Phi ở cực Nam. Năm nước Bắc Phi (Algeria, Morocco, Tunisia, Libya và Ai Cập) là những nước da trắng, Nam Phi cũng là một nước do người da trắng thành lập và do thiểu số da trắng cai trị trong hàng thế kỷ. Sáu quốc gia này tuy cũng thuộc châu Phi nhưng có những vấn đề của mọi quốc gia bình thường. Họ không giống phần còn lại, phần ở giữa, gồm gần bốn mươi quốc gia toàn người da đen, với gần 80% dân số châu Phi và với cùng một thảm kịch.

Châu Phi này đối với tôi có một sức thu hút đặc biệt. Ánh sáng của trí tuệ lần đầu tiên vụt hiện tại đó, tạo nên giống người, rồi tiếp tục soi sáng dẫn dắt con người tiến lên trong hơn một triệu năm. Sau đó loài người tỏa rộng ra châu Âu và châu Á. Nhưng sau đó hình như ánh sáng cũng ra đi và bóng đêm trở lại với vùng đất này. Châu Phi Da Đen không tiến hóa thêm nữa.

Một cảm giác kỳ lạ khác là mặc dù đã bỏ ra một số thì giờ để tìm hiểu, hơn thế nữa còn may mắn có nhiều bạn đã làm việc nhiều năm tại châu Phi và cũng có nhiều đồng nghiệp da đen, để có thể học hỏi nơi họ, tôi vẫn không sao nhìn thấy được sự khác biệt giữa các nước châu Phi Da Đen với nhau. Các nứớc này đối với tôi vẫn chỉ là một khối lạc hậu, có quá khứ nhưng không có lịch sử và chưa chắc chắn có một tương lai đáng gọi là một tương lai.

Ngày nay vùng châu Phi này là một thảm kịch không chỉ riêng cho người da đen mà cho cả nhân loại. Hiện tại đã đen tối, tương lai lại còn đen tối hơn. Đất đai đang khô cằn đi, nạn nhân mãn ngày càng trầm trọng, bệnh AIDS gia tăng kinh khủng, chết đói quanh năm, chiến tranh bộ lạc thường ngày, đôi khi với những cuộc diệt chủng khó tưởng tượng. Tất cả mọi chương trình phát triển châu Phi Da Đen với sự tài trợ và yểm trợ của các định chế quốc tế cho tới nay đều đã thất bại.

Lý do chính, nếu không muốn nói là duy nhất, khiến mọi cố gắng đưa châu Phi ra khỏi bế tắc đều thất bại là các chính quyền đều rất yếu. Chúng chỉ có hình thức mà không có nội dung. Một đám loạn quân ô hợp chừng vài ngàn người, có khi chỉ cần vài trăm người, cũng có thể đánh gục một chính quyền hợp pháp. Một đại úy, có khi một trung sĩ, cũng có thể đảo chính lật đổ chính quyền, tự xưng là tổng thống, kiêm đại tướng tổng tư lệnh tối cao quân lực, để rồi sau đó ít lâu cũng bị lật đổ. Các chính quyền trong đại đa số chỉ là những chính quyền giả tưởng, không đủ sức mạnh để tự vệ, chưa nói để đôn đốc những cố gắng phát triển. Gần đây các phe đảng hình như đã khám phá ra sự thực hiển nhiên này và nội chiến trở thành một phương thức gọn nhẹ nhất để giải quyết tranh chấp quyền lực. Vào lúc này, cuối năm 2000, hiện có khoảng mười cuộc nội chiến đủ tầm vóc để được dư luận thế giới biết đến.

Trong suốt ba thập niên 1960, 1970 và 1980 độc tài đã được coi là giải pháp để giải quyết vấn đề yếu kém của các chính quyền. Nhưng các chế độ độc tài đã không đem lại những nhà nước mạnh mà chỉ đem đến tham nhũng và nghèo khổ, có khi còn làm tan vỡ nhiều quốc gia như Somalia, Ethiopia, Liberia, Sierra Leone, Sudan, v.v... Từ thập niên 1990, dân chủ được dùng làm thuốc chữa. Kết quả tuy có khá hơn nhưng cũng không mấy khả quan.

Nhưng tại sao các chính quyền châu Phi lại đều yếu ? Lý do là vì chúng không phải là những nhà nước - quốc gia, nghĩa là những nhà nước được xây dựng trên một lãnh thổ thực sự và một dân tộc thực sự.

Cho tới nay giải thích thông thường nhất và hình như được mọi người chấp nhận là các biên giới quốc gia tại châu Phi đều giả tạo, do các chính quyền thực dân châu Âu vạch ra một cách tùy tiện, dựa trên những vùng chiếm đóng của các nước châu Âu trước đây chứ không phản ánh một thực tế chủng tộc và văn hóa nào cả. Có những sắc tộc bị ngăn cách và phân tán trong nhiều quốc gia, ngược lại phần lớn các quốc gia đều bao gồm những sắc tộc thù địch với nhau. Giải thích này có lý. Các biên giới tùy tiện này chắc chắn không đóng góp tạo ra sự ổn định. Tuy nhiên có những điều có lý mà không đúng, và đây là một trường hợp.

Nếu những bất ổn tại châu Phi là do các biên giới do các chính quyền thực dân vạch ra thì phải trả lời thế nào hai câu hỏi sau đây :

- Tại sao Tổ Chức Đoàn Kết Châu Phi [OUA-Organisation de l'Unité Africaine hay AUO-African Unity Organization] đã nhanh chóng thỏa thuận coi những biên giới này là chính thức và phải được tôn trọng ? Cần lưu ý là quyết định này đã là quyết định đầu tiên của các nước châu Phi và đã được đồng thanh biểu quyết.

- Tại sao cho tới nay chưa hề có những tranh chấp biên giới ? Thực ra cũng đã có một tranh chấp biên giới nhỏ giữa Libya và Chad, nhưng nguyên nhân chỉ là vì hai nước chiếm đóng trước đây, Pháp và Ý, chưa qui định biên giới rõ ràng. Ngạc nhiên hơn nữa là khi một quốc gia tan rã không còn chính quyền, như trường hợp Somalia, cũng không có nước nào lấn chiếm lãnh thổ.

Như vậy phải kết luận rằng biên giới giả tạo không phải là nguyên nhân đưa đến sự yếu kém của các chính quyền châu Phi Da Đen.

Vậy nguyên nhân thực sự là gì ? Đó là một nguyên nhân nội tại của châu Phi Da Đen và hiện diện trong mọi nước. Nói một cách vắn tắt, các guồng máy nhà nước tại châu Phi đều yếu vì chúng là những nhà nước không có quốc gia. Châu Phi Da Đen chỉ có những nhà nước chứ không có quốc gia nào.

Các quốc gia này đều giả tạo vì đều không dựa trên một nền tảng dân tộc, lịch sử và văn hóa nào cả. Người Mỹ đã mau chóng tự thành lập được một quốc gia từ số không nhưng người châu Phi lại không làm được với sự trợ giúp của thế giới, bởi vì họ không có ý thức dân tộc, nghĩa là không có nguyện ước sống chung với nhau và xây dựng với nhau một tương lai chung. Họ không nhìn nhau như đồng bào mà như những kẻ thù, hay cùng lắm như những người xa lạ. Đó là hậu quả của đợt săn bắt và buôn bán nô lệ đã diễn ra một cách man rợ trong ba thế kỷ 17, 18 và 19. Nhưng trước khi đi xa hơn chúng ta hãy ghi nhận một sự hiển nhiên nhưng nhiều người lại dễ quên : những quốc gia trong đó người dân không chấp nhận lẫn nhau sẽ không có một tương lai nào.

Trong một bộ phim về lịch sử những người da đen tại Hoa Kỳ, một người nô lệ sau khi bị đánh đập tàn nhẫn, than thở : "Tôi đang vào rừng đốn khúc cây để làm một cái trống thì chúng ập đến bắt tôi đi, rồi chúng đưa tôi tới đây làm nô lệ. Cha mẹ tôi, anh em tôi ở đâu bây giờ ?". Thật là xúc động. Trong trí tưởng tượng tập thể của thế giới, việc săn bắt và buôn bán nô lệ đã xảy ra tương tự như thế, nghĩa là những người da đen châu Phi bị bắt cóc, dồn xuống tàu và chở qua châu Mỹ. Nhưng theo các tài liệu khảo cứu nghiêm túc, sự thực đã không xảy ra như thế. Những người bị đưa sang Mỹ làm nô lệ cũng không phải là những người xấu số nhất, trái lại họ đã rất may mắn so với nhiều đồng bào họ.

Không phải các toán thực dân da trắng đã lùng bắt người da đen. Cũng không phải người da trắng đã chỉ huy các toán quân da đen đi săn bắt nô lệ. Người phương Tây đã chỉ mua nô lệ của các trung tâm cung cấp nô lệ. Việc truy lùng và săn bắt nô lệ hoàn toàn do các tổ chức da đen tại châu Phi thực hiện. Có thể buộc tội người phương Tây đã có trách nhiệm tạo ra một thị trường tiêu thụ, nhưng cũng phải nhìn nhận ngược lại rằng việc xuất cảng nô lệ đã có từ thế kỷ thứ 10 tại châu Phi. Người da trắng đã chỉ tìm thấy một thị trường xuất cảng nô lệ vào giữa lúc mà sự phát triển của nông nghiệp Hoa Kỳ đòi hỏi nhiều nhân lực mới. Tục buôn bán nô lệ không biết đã có từ thời nào tại châu Phi. Có lẽ nó đã có ngay từ khi người châu Phi Da Đen bắt đầu sống có tổ chức. Xã hội châu Phi đã ra đời trong sự thiếu vắng hoàn toàn một ý thức về loài người như là một chủng tộc với cấu tạo cơ thể, những khả năng và những nhu cầu như nhau và do đó cần kính trọng lẫn nhau. Tuyệt đối không có sự thương yêu giữa người và người, ngoại trừ liên hệ bộ tộc và huyết thống. Đây là lý do giải thích tại sao châu Phi đã dừng lại ở trình độ bán khai. Mức độ phát triển của một xã hội tùy thuộc một cách mật thiết ở mức độ quí trọng con người của xã hội đó. Châu Phi đã hoàn toàn không có sự quí trọng con người. Các bộ lạc và các gia đình có thế lực đã săn bắt nô lệ phục dịch cho mình và đem buôn bán hoặc giết bỏ như một vật dụng từ một thời rất xa xưa. Đến thế kỷ thứ 10 bắt đầu có dịch vụ xuất cảng nô lệ sang các nước Ả Rập, đặc biệt là Ai Cập. Việc buôn bán nô lệ giữa khối Ả Rập và châu Phi vẫn tiếp tục trong thời gian có làn sóng buôn bán sang châu Mỹ. Theo ước lượng của một số nhà nghiên cứu thì số lượng nô lệ bị bán qua châu Mỹ trong hơn hai thế kỷ, khoảng mười triệu người, cũng tương đương với số lượng nô lệ bị bán sang khối Ả Rập trong chín thế kyœ.

Việc buôn bán nô lệ sang châu Mỹ đã làm cho phong trào săn bắt nô lệ gia tăng hẳn lên cả về qui mô lẫn mức độ tàn bạo. Các tổ chức nhà nước đầu tiên ra đời tại châu Phi đã là những nhà nước "sản xuất nô lệ" (một cụm từ thông dụng thời đó). Các thủ đô của những nhà nước sản xuất nô lệ được thành lập tại các vùng bờ biển, đó vừa là những trung tâm tập trung nô lệ cuối cùng trước khi xuống tàu vừa là nợi tập trung những hàng hóa được chở tới để trao đổi. Khi nguồn nhân lực vùng bờ biển suy giảm, một số vệ tinh được thành lập trong đất liền để săn bắt sâu hơn trong lục địa. Các nhà nước nô lệ vì vậy còn có những chư hầu trong lục địa thi đua làm công tác săn bắt nô lệ và bán lại cho thủ đô. Sau đó còn có một số bộ lạc khác vì muốn sống yên ổn cũng phải đi lùng bắt nô lệ để nộp cho các trung tâm lớn hơn. Nhiều khi các bộ lạc giao chiến với nhau để vừa tự vệ vừa bắt tù binh làm nô lệ.

Nói chung, trong suốt ba thế kỷ 17, 18 và 19, cả châu Phi tan tác vì một phong trào săn lùng nô lệ rộng khắp và điên cuồng. Số nô lệ tới được bờ biển để xuống tàu chỉ là một tỷ lệ tương đối nhỏ so với số người bị thiệt mạng vì bị giết trong lúc bị truy lùng hay chết vì kiệt sức trên đường áp tải ra bờ biển. Mặc dầu vậy, vào năm 1815, khi nước Anh cấm các nước thuộc ảnh hưởng của mình buôn bán nô lệ, họ đã phải bồi thường thiệt hại cho số lượng 800.000 nô lệ "tồn kho". Con số này tự nó nói lên qui mô và mức độ man rợ của phong trào buôn bán nô lệ.

Bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 tại Anh, nước buôn bán nô lệ nhiều nhất, đã có những tiếng nói phản đối. Năm 1807 quốc hội Anh biểu quyết một đạo luật cấm mọi hoạt động buôn bán nô lệ. Tích cực trong việc buôn bán nô lệ trước đó bao nhiêu, nước Anh sau đó tận tình trong cố gắng bài trừ việc buôn bán nô lệ bấy nhiêu. Họ gặp sự chống đối của Tây Ban Nha và sự chần chừ của Pháp. Tuy vậy vào năm 1815, nhờ sức mạnh áp đảo, họ cũng đã áp đặt được một hiệp ước quốc tế cấm buôn bán nô lệ. Từ đó các tàu chiến của Anh ráo riết truy kích các tàu buôn nô lệ trên biển cả. Việc buôn bán nô lệ sau đó tuy vẫn còn tiếp tục một cách lén lút nhưng đã giảm hẳn đi.

Trong nửa sau thế kỷ 19, mặc dầu việc buôn bán nô lệ sang châu Mỹ đã coi như chấm dứt, việc săn bắt nô lệ tại châu Phi không giảm đi mà chỉ tăng thêm về mức độ dã man. Số cầu về nô lệ giảm đi càng khiến các nhà nước sản xuất nô lệ trở nên tàn ác hơn. Những nô lệ yếu đuối bị tàn sát thẳng tay để chỉ giữ lại những nô lệ khỏe mạnh và được giá.

Năm 1885, khi các cường quốc châu Âu họp tại Berlin và quyết định chia nhau cai trị trực tiếp châu Phi, tệ xuất cảng nô lệ mới chấm dứt.

Tới nay lương tâm nhân loại vẫn còn xúc động vì phong trào buôn bán nô lệ, nhưng ngoài một số nhà nghiên cứu ít ai tìm hiểu thực chất của nó. Tập quán buôn bán nô lệ đã là một truyền thống lâu đời của người châu Phi. Nhưng, như mọi tập quán, nó đã được thời gian bình thường hóa. Người châu Phi, kể cả những nạn nhân, đều dần dần sống quen với nó, và châu Phi Da Đen cũng đã ổn định ở một mức độ văn minh và phát triển tối đa mà một xã hội không có ý thức về con người có thể đạt tới. Sự giao dịch với khối Ả Rập đã biến việc buôn bán nô lệ gia tăng và trở thành một hoạt động ngoại thương từ thế kỷ thứ 10, nhưng dần dần với thời gian nó cũng đã thành một điều mà người châu Phi cam chịu như một định mệnh. Trái lại, chính đợt săn lùng qui mô và man rợ diễn ra từ thế kỷ 17, khi người châu Âu bắt đầu buôn nô lệ sang châu Mỹ, đã vượt quá mọi sức chịu đựng và làm châu Phi hoàn toàn tan nát. Sau đó sự cai trị của người châu Âu đã dần dần khai hóa cho người châu Phi Da Đen khiến họ ý thức được sự tàn bạo mà họ đã là nạn nhân, rồi căm thù những thủ phạm. Nhưng các thủ phạm lại không ai khác hơn là những người đang cầm quyền, hay các bộ lạc lân cận. Đó là lý do khiến các nhà nước mới thành lập không thể mạnh vì chúng không được xây dựng trên một nguyện ước sống chung và xây dựng một tương lai chung.

Di sản của cuộc buôn bán nô lệ để lại vẫn còn rất nặng nề. Hơn một nửa thế kỷ dưới trật tự áp đặt của người châu Âu đã phần nào hàn gắn những đổ vỡ, nhưng gần một nửa thế kỷ độc lập đã chỉ mở lại những vết thương khi các bộ lạc da đen phải trực diện với nhau.

Cần ý thức rằng khi các nước châu Âu quyết định chia nhau cai trị châu Phi thì tại lục địa này chỉ có những nhà nước sản xuất nô lệ. Những kháng cự ít ỏi mà họ gặp đã chỉ là những kháng cự của các nhà nước này. Châu Phi lúc đó đã hoàn toàn tan rã và kiệt quệ, những con người duy nhất có chút khôn ngoan đều là những kẻ săn nô lệ. Để cai trị, người châu Âu đã phải dùng lại chính những người này. Sau đó đến khi các nước châu Âu rút ra họ cũng trao lại chính quyền cho con cháu của những trùm săn bắt và buôn bán nô lệ, những kẻ mà với ngôn ngữ ngày nay ta có thể gọi là tội phạm đối với nhân loại. Các chính quyền châu Phi vì vậy không có căn bản chính đáng nào. Tập đoàn cầm quyền luôn luôn phải dựa trên một sắc tộc trong khi các sắc tộc khác nhìn sắc tộc cầm quyền, và nhìn nhau, như những kẻ thù không thể đội trời chung.

Trong bốn thập niên được độc lập, châu Phi đã thiếu hẳn một tư tưởng chính trị làm nền tảng để tạo dựng ra những quốc gia. Cũng có một vài cố gắng lẻ tẻ, như Leopold Sedar Senghor, cựu tổng thống Senegal và thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, đưa ra thuyết Négritude, nhưng chỉ là những biểu văn hời hợt. Châu Phi vẫn còn thiếu một phân tích lương thiện về chính mình, điều mà các trí thức và các chính khách châu Phi không thể làm, do chính xuất thân của họ.

Diễn văn thông thường của các chính trị gia châu Phi cho tới nay vẫn chỉ là đổ tội cho người phương Tây đã bắt và bán người châu Phi làm nô lệ, rồi sau đó chiếm đóng và vơ vét tài nguyên của châu Phi. Cáo trạng này không phải là sai, nhưng rất thiếu sót và chắc chắn không đủ để đoàn kết người châu Phi trong một căm thù chung đối với người phương Tây. Nguyên nhân của thảm kịch chính là văn hóa (hay sự thiếu vắng văn hóa ?) của châu Phi. Hận thù lớn nhất vẫn là hận thù giữa người châu Phi với nhau, mà chỉ có một cố gắng hòa giải tích cực và bền bỉ trong hàng thế kỷ mới có thể xóa bỏ được. Nhưng cho tới nay chưa có chính quyền châu Phi nào đủ sáng suốt để nhìn thấy sự cần thiết của cố gắng hòa giải này.

Những phần tử tinh hoa của châu Phi Da Đen mà tôi đã tiếp xúc - và tôi đã may mắn gặp được khá nhiều người như vậy, những trí thức lỗi lạc, những người đã cầm quyền, những người đang cầm quyền và cả những người đang cố gắng để giành vị trí lãnh đạo trong nhiều nước châu Phi - đều không nhận thức được nhu cầu hòa giải dân tộc hay, rộng hơn, hòa giải giữa người châu Phi Da Đen với nhau. Họ thừa hưởng một di sản lịch sử và họ coi đó là một sự kiện bình thường. Họ cho rằng người châu Phi không có gì để thù hận nhau vì không ai có trách nhiệm cả, thay vì nghĩ rằng mọi người đều có trách nhiệm. Họ không hiểu rằng nếu không trút bỏ được di sản lịch sử đó thì các nước châu Phi sẽ không có một tương lai nào cả.

Tôi không phải là một nhà nghiên cứu để có thể bỏ thì giờ tìm hiểu những vấn đề tại lục địa rất xa xôi này. Tôi đã chỉ chú ý đến châu Phi sau khi qua một vài hiểu biết đầu tiên tôi nhận ra là có những vấn đề của châu Phi rất đáng để người Việt Nam chúng ta suy nghĩ và rút ra những kết luận cho mình.

Trước hết là về chính thảm kịch buôn bán nô lệ. Yêu cầu nhân lực nô lệ của châu Mỹ đã tạo ra thảm kịch săn lùng man rợ trong hơn hai thế kỷ bởi vì nó đã gặp môi trường thuận lợi tại châu Phi. Thị trường tiêu thụ nô lệ châu Mỹ đã không tạo ra mà chỉ biến một tệ nạn có sẵn thành một tai họa khủng khiếp. Trí thức và các nhà chính trị châu Phi, con cháu những trùm săn bắt nô lệ phải nhận phần trách nhiệm trước hết, phải sám hối và phải nỗ lực hàn gắn những vết thương mà ông cha họ đã gây ra. Thiếu thành tâm ăn năn và hàn gắn này châu Phi sẽ không có tương lai.

Cũng tương tự, khi chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa đặt nền tảng trên căm thù (căm thù giai cấp) được du nhập vào Việt Nam nó đã tìm thấy một mảnh đất mầu mỡ : một đại đa số nghèo khổ bị chà đạp từ cả ngàn năm, những hận thù chồng chất do chiến tranh Trịnh - Nguyễn, nội chiến Nguyễn Ánh - Tây Sơn, chính sách cấm đạo, rồi cuộc chiếm đóng của người Pháp với những người theo Pháp và những người chống Pháp v.v... Chủ nghĩa cộng sản vì thế đã thành công tại Việt Nam vì đất nước ta đã chín muồi để chờ đợi một tiếng gọi thù hận. Không nên đổ lỗi cho Pháp, cho Mỹ, cho Lênin, Stalin hay Mao. Cũng không nên đổ lỗi cho Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Bảo Đại hay Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu. Họ chỉ là những sản phẩm của một di sản lịch sử đau buồn và một đất nước bệnh hoạn. Không có họ thì cũng sẽ có những con người khác làm những điều họ đã làm. Thiếu một cái nhìn vượt thoát, chúng ta sẽ không thể hiểu thực trạng của mình và nhìn ra lối thoát.

Sau đó là tình trạng bi đát hiện nay và tương lai bế tắc của châu Phi. Hơn một thế kỷ sau, vết thương của việc săn bắt và buôn bán nô lệ vẫn như còn nguyên vẹn. Những trí thức châu Phi, mà tôi đã gặp, đều hằn học với các sắc tộc khác trong nước họ mà không hề ý thức rằng các sắc tộc khác cũng có những lý do tương tự để hằn học với họ, và chính sự hận thù giữa các sắc tộc đã là lý do khiến châu Phi bế tắc. Những xung đột đẫm máu bao giờ cũng để lại những hậu quả rất dai dẳng, lưu truyền qua các thế hệ. Hận thù không tự nó tan biến với thời gian. Nó vẫn còn đó và làm tê liệt châu Phi. Ngay cả với một cố gắng hàn gắn thành thực và kiên trì thì xã hội cũng chỉ có thể tạm lành bệnh sau một thời gian rất dài. Châu Phi vẫn còn rất bi đát và bế tắc vì di sản của những hận thù do một thảm kịch cách đây hơn một thế kỷ. Một mình thời gian không đủ, còn cần một cố gắng hàn gắn thật quả quyết.

Chúng ta cũng thế, chúng ta đã trải qua hơn ba thế kỷ chia cắt, nội chiến, xung đột và ngoại thuộc, kết thúc bởi một cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo dài ba thập niên với hàng triệu người thiệt mạng và sau đó là vô số biện pháp phân biệt đối xử. Chúng ta cũng bị thương tích rất nặng. Mỗi lần nghe những người khẳng định dân tộc Việt Nam là một khối thuần nhất, không hận thù nhau và không cần hòa giải, tôi lại sững sờ vì sự vô tư của họ. Cũng như các nước châu Phi, chúng ta đã đổ vỡ và tổn hại rất nặng trong thể xác và trong tâm hồn. Hòa giải dân tộc cũng là chuyện dời sông lấp biển đối với chúng ta. Nhưng nếu không thực hiện được hòa giải và hòa hợp dân tộc thì chúng ta sẽ chỉ là một dân tộc bại liệt, và dù dưới chế độ nào đi nữa cũng chỉ có một tương lai thua kém. Trước mắt, nếu không hòa giải được với nhau, nếu mỗi người vẫn khư khư giữ lấy cái lý riêng của mình, chúng ta sẽ vẫn còn tiếp tục chia rẽ người Nam - người Bắc, Phật Giáo - Công Giáo, Quốc Gia - Cộng Sản và tiếp tục quằn quại dưới chế độ độc tài đảng trị.

Cuối cùng là một tật nguyền chung của người châu Phi Da Đen và chúng ta : thiếu hẳn phản xạ hòa giải.

Trong hàng triệu năm người châu Phi Da Đen chỉ biết một phương thức để giải quyết các mâu thuẫn, đó là tiêu diệt đối phương hoặc bị đối phương tiêu diệt, do đó vấn đề hòa giải không bao giờ đặt ra vì không có đối tượng. Tôi đã hỏi rất nhiều trí thức châu Phi Da Đen và đều nhận được một câu trả lời : không những ý niệm hòa giải không có trong đầu óc người châu Phi mà ngay cả từ ngữ êhòa giảiê cũng không có trong bất cứ một thổ ngữ nào.

Chúng ta không đến nỗi như vậy, nhưng tật nguyền của chúng ta cũng rất trầm trọng. Kể từ đời nhà Trần, nghĩa là từ gần tám thế kỷ nay, nhổ cỏ tận gốc, tiêu diệt toàn bộ, tru di tam tộc vẫn là những biện pháp được người cầm quyền sử dụng để thay thế cho hòa giải, để khỏi phải hòa giải. Xét cho cùng đó cũng là một cách để giải quyết nhu cầu hòa giải. Dần dần với thời gian, cách ứng xử hung bạo đó đã ăn rễ vào tâm lý tập thể và làm cho ý niệm hòa giải trở thành xa lạ và bất bình thường đối với người Việt.

Khi nhóm Thông Luận, sau này là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đưa ra chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc, chúng tôi đã bị đả kích gay gắt từ mọi phía. Chính quyền cộng sản cho đó là một âm mưu để đánh phá chính quyền cách mạng bằng cách đưa ra một nhu cầu giả tạo (vì dân tộc Việt Nam là một khối thuần nhất dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản). Các lực lượng chống cộng coi đó chỉ là toan tính chính trị đen tối trong ý đồ bắt tay hợp tác với chế độ cộng sản vì tham vọng cá nhân (vì dân tộc Việt Nam là một khối thuần nhất chống lại bạo quyền cộng sản). Rất ít người nhìn thấy đó là đoạn tuyệt tâm lý để thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của hận thù và chia rẽ, được làm vua thua làm giặc đang giam hãm chúng ta trong sự thua kém bi đát.

Hòa giải và hòa hợp dân tộc có thể là một chiến lược, trong chừng mực nó công phá tinh thần bất dung, óc độc quyền lẽ phải và tham vọng độc quyền chính trị, nhưng nó trước hết là một triết lý chính trị mới cho đất nước.

Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng vượt lên trên những quan tâm nhất thời. Nó nhắm tháo gỡ tất cả mọi hận thù và hiềm tyï có thể có giữa người Kinh và người Thượng, người Nam và người Bắc, người Công Giáo và người Phật Giáo, người quốc gia cũ và người cộng sản cũ, người hải ngoại và người trong nước, người thành thị và người thôn quê, người giàu và người nghèo, những người đã chịu nhiều mất mát và những người được hoàn cảnh ưu đãi, nói chung là mọi nguyên nhân chia rẽ do điều kiện địa lý, di sản lịch sử và các thành kiến để lại. Để thay thế tâm lý được-thua bằng tâm lý cùng thắng. Để quan niệm quốc gia không phải như một chiến trường mà như một không gian liên đới cho những cố gắng mưu tìm những thành công riêng cho mỗi người trong khuôn khổ một thành công chung cho tất cả.

Một lời trước khi chấm dứt. Tôi đã bỏ qua nước Nam Phi vì nó không giống những nước châu Phi Da Đen khác. Tuy nhiên cũng có một điều đáng suy nghĩ về quốc gia này. Tại đây thiểu số da trắng trước khi đầu hàng đã áp dụng chính sách phân cách [Apartheid]. Họ lùa những người da đen vào những khu tự trị riêng biệt. Đó là một chiến lược để biến những người da đen thành những người ngoại quốc, để biến một vấn đề đối nội thành một vấn đề đối ngoại. Ngày nay cũng có những người Việt Nam nói rằng dân tộc Việt Nam rất thuần nhất, không hận thù nhau và không có nhu cầu hòa giải, chỉ có một thiểu số cộng sản phản bội và chống lại dân tộc (hay chỉ có một thiểu số phản động chống lại tổ quốc xã hội chủ nghĩa) cần phải loại bỏ. Cùng một ngôn ngữ, ngôn ngữ Apartheid, muốn biến những người trong nước thành những người ngoại quốc để khỏi phải hòa giải. Ngôn ngữ này đã bị vất bỏ tại Nam Phi. Nó cũng sẽ phải bị vất bỏ tại Việt Nam.

 

*********************

Tổ quốc ăn năn

 

 

5-tqan3

Cuốn sách này đã tự giới hạn ở mức độ thảo luận ý kiến. Tuy vậy, trong khi trình bày và phân tích các vấn đề, tác giả cũng đã gợi ý một số giải pháp.

Chúng ta có rất nhiều điều phải làm, nên làm, có thể làm và nếu làm được sẽ mở ra cho đất nước những vận hội rất lớn. Mặt khác chúng ta cũng có những điều nên thôi làm ngay lập tức, và nếu chấm dứt được thì cũng đã là cả một phúc lớn cho mọi người. Nhưng mọi ý kiến sẽ chỉ là những ý kiến để thảo luận, và mọi đề nghị cũng sẽ chỉ là những đề nghị để đó, chừng nào chúng ta chưa thay thế được chế độ độc tài này bằng một chế độ dân chủ. Và muốn thay đổi được chế độ cực kỳ ngoan cố này chúng ta cần một điều mà chúng ta chưa có và cũng chưa có dấu hiệu nào là sẽ có trong một tương lai nhìn thấy được : đó là một sức bật mới của lòng yêu nước.

Tinh thần quốc gia dân tộc của chúng ta hiện nay đã xuống rất thấp.

Hiện tình của chúng ta là một đảng cầm quyền đã cai trị đất nước một cách thô bạo trong một nửa thế kỷ, đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt, đã gây vô số tội ác mà không hề gặp một chống đối qui mô nào. Phải nhìn nhận rằng trên thế giới này khó tìm ra một dân tộc bạc nhược như vậy. Mà có phải con người Việt Nam bạc nhược đâu. Cũng những con người ấy khi được tổ chức và chỉ huy đã đánh bại quân Tống, quân Nguyên, quân Thanh, đã từng chiến thắng vẻ vang tại Điện Biên Phủ, đã từng tàn sát lẫn nhau một cách rất dũng cảm tại Bình Long, Quảng Trị. Khả năng chiến đấu của người Việt Nam không ai chối cãi. Cũng những con người ấy đã dám chất nhau trên những chiếc thuyền ọp ẹp vượt biển cả tìm cuộc sống mới. Chúng ta không chống lại không phải vì chúng ta thiếu can đảm mà vì chúng ta đã rã hàng. Sự rã hàng đó cho người Việt Nam một cảm giác bất lực và làm tê liệt mọi ý chí tranh đấu. Dầu vậy, họ không cố gắng để tái lập lại hàng ngũ vì họ đã mất niềm tin và hy vọng.

Bạn tôi, một trí thức dân chủ có uy tín ở trong nước từng làm thế giới xúc động khi anh bị bắt giam, nói với tôi là các con anh tốt nghiệp đại học một cách rất xuất sắc nhưng hoàn toàn không biết gì về tình hình Việt Nam, chúng không cần biết tên ông tổng bí thư đảng cộng sản, cũng chẳng cần biết ai đang làm thủ tướng, bộ trưởng, v.v... Chúng sống tại Việt Nam, nhưng sống ngoài lề mọi biến chuyển. Tôi có khá nhiều bạn trong và ngoài nước cùng theo đuổi lý tưởng dân chủ. Con cái họ nói chung cũng đều như thế cả. Tình trạng của họ nói chung là bi đát. Họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ, cô đơn ngay trong gia đình. Một giải thích thường được đưa ra là người Việt Nam đã quá chán chế độ cộng sản và không muốn nghĩ đến nữa. Nhưng giải thích này không ổn vì người Việt Nam cũng không cần biết những ai đang đấu tranh cho dân chủ. Họ không cần biết gì hết. Thực ra họ chán ngán tất cả những gì liên quan đến chuyện nước non.

Dĩ nhiên đối với dân tộc nào thì dấn thân chính trị cũng chỉ là sự kiện của một thiểu số. Nhưng khi thiểu số đó không tới một phần trăm thay vì ở mức năm, mười phần trăm thì phải nói là không còn tinh thần dân tộc. Số người Việt ở hải ngoại trên hai triệu người với gần nửa triệu người có trình độ đại học và một tổng số thu nhập cao hơn tổng sản lượng trong nước. Chỉ cần 10% của khối người này mà biết tranh đấu thông minh để động viên những ước vọng dân chủ trong nước cũng đủ để đánh bại đảng cộng sản. Nhưng thực tế nếu cộng hết những phần tử thực sự dấn thân trong mọi đoàn thể đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền chúng ta cũng chưa có được hai ngàn, nghĩa là một phần ngàn. Trong khi đó thì những Thanh Hải Vô Thượng Sư, Lương Sĩ Hằng, Lương Minh Đáng, có thể có hàng chục ngàn, hay hàng trăm ngàn đệ tử. Người Việt có thể hưởng ứng nồng nhiệt những tổ chức nhảm nhí nhưng chỉ dành cho quê hương đất nước một quan tâm nhỏ.

Hàng năm có hàng trăm ngàn người Việt từ nước ngoài về thăm quê hương. Từ 1975 đến nay đã có nhiều triệu chuyến đi về. Chỉ cần một phần trăm những người đi về vừa thăm nhà vừa vận động dân chủ thôi, dù là trong khuôn khổ của một tổ chức hay chỉ ở mức độ cá nhân, tình hình Việt Nam cũng đã khác. Nhưng tất cả đã về nước mà không mang theo một thông điệp tự do, dân chủ hay nhân quyền nào.

Nếu chỉ cần 10% của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đủ để đánh bại đảng cộng sản thì một tỷ lệ nhỏ hơn của những người trong nước cũng đủ để buộc đảng cộng sản phải nhượng bộ. Trong tình trạng hiện nay của nó, chế độ cộng sản không dám bắn vào đám biểu tình mà cũng không dám bắt giam hàng loạt. Nhưng một người quen tôi nói rằng khi đề cập tới chuyện đất nước thì người trong nước không muốn nghe. Và anh ta có lý. Tôi đã từng nhờ một số thanh niên, vừa tốt nghiệp đại học và may mắn tìm được một chỗ thực tập khá dài hạn tại Việt Nam quan sát, làm quen và tìm hiểu tuổi trẻ trong nước. Tất cả cho tôi một câu trả lời giống nhau : họ không gặp ai quan tâm tới chính trị cả, tuổi trẻ trong nước chỉ có một mục đích là kiếm tiền và ăn chơi. Không phải vì lý do an ninh, Việt Nam đã thay đổi khá nhiều so với mười năm về trước ; việc bàn chuyện chính trị, ngay cả đả kích đích danh và thậm tệ những lãnh tụ cộng sản cũng không còn là một nguy hiểm nữa, chính quyền chỉ đàn áp những tiếng nói có uy tín và những dự định kết hợp thành tổ chức thôi. Người Việt không muốn nói và không muốn nghe chuyện đất nước chỉ vì không muốn chứ không phải vì không dám.

Cũng không phải vì không có vấn đề. Ai cũng có vấn đề cả. Người ta thù ghét sự tham nhũng và những đặc quyền đặc lợi. Người ta chán ngấy những báo và đài của đảng quanh năm nói lấy được, những ông lãnh đạo đảng và nhà nước lúc nào cũng huênh hoang là được sự hưởng ứng nồng nhiệt của toàn dân. Người ta tức đến lộn ruột khi nhìn những phần tử quyền thế, mánh mung phô trương sự giàu có. Người ta chịu đựng hàng ngày, hàng giờ sự bực bội của quan liêu bàn giấy, trộm cướp, mãi dâm, bụi bặm, hôi thối, kẹt xe. Người ta còn có thể căm thù vì chính sách phân biệt đối xử đối với mình hay đối với con cái mình tại trường học, sở làm. Người ta khổ vì nghèo túng. Và trong thâm tâm người ta đều biết tất cả là hậu quả của chế độ và chỉ có thể chấm dứt cùng với chế độ. Nhưng người ta không phản ứng bởi vì trong vô thức người ta đã lấy quyết định gạt bỏ đất nước ra khỏi đời mình. Dân chủ, tự do cho không thì lấy chứ nhổ một sợi lông chân cho đất nước cũng không làm. Mỗi người chỉ lo giải quyết những vấn đề cá nhân của mình bằng những giải pháp cá nhân. Chúng ta không còn suy nghĩ chung, phản xạ tập thể và tinh thần quốc gia dân tộc. Đa số người Việt đã quay lưng lại với đất nước. Vấn đề cấp bách hiện nay là hòa giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam.

Cuối năm 1982, vài ngày trước khi xuất ngoại đi Pháp, tôi rủ một người bạn đi uống cà phê. Buổi chia tay nào cũng buồn. Chúng tôi nói chuyện trời đất loanh quanh chỉ để ngồi với nhau. Rồi có một lúc không hiểu vì lý do gì tôi nói đến hai tiếng yêu nước. Bạn tôi, một nhà tư tưởng lớn, nói một cách vừa mỉa mai vừa chua xót :

- Hai tiếng "yêu nước" bây giờ đã trở thành tục tĩu !

Sau câu nói đó cả hai chúng tôi đều im lặng, mỗi người theo một mạch suy nghĩ.

Bạn tôi nói đúng. Vào thời điểm đó, và ngay cả sau đó, hai tiếng "yêu nước" thật là thô bỉ. Mỗi lần xuất hiện ở đâu chúng đều có tác dụng nhảm nhí hóa, nhiều khi làm ngược hẳn ý nghĩa của khái niệm mà chúng đi kèm. "Trí Thức Yêu Nước" là hội của những người có học thức nhưng đã chấp nhận từ bỏ tư duy của chính mình để nói vuốt đuôi theo lập trường của đảng, nghĩa là những người không còn là trí thức. "Công Giáo Yêu Nước", "Phật Giáo Yêu Nước", là tổ chức của những người ủng hộ chính sách đàn áp và bôi nhọ tôn giáo, nói cách khác là những người đã phản bội tôn giáo của mình. Hai tiếng "yêu nước" sau cùng đã nhảm nhí đến độ chính đảng cộng sản cũng không còn đủ trơ trẽn để dùng nữa.

Phải khách quan mà nhìn nhận rằng đảng cộng sản đã hủy diệt lòng yêu nước một cách rất có hệ thống. Họ nổi lên lúc đầu như một phong trào vô tổ quốc, lấy giai cấp vô sản trên toàn thế giới làm đối tượng phục vụ, kêu gọi hận thù giai cấp và tiêu diệt lẫn nhau giữa người Việt. Sau đó, tình cờ (?) trùng hợp với lúc Stalin đưa ra chủ thuyết "xây dựng chủ nghĩa xã hội trong từng quốc gia", họ mới quay lại sử dụng chiêu bài dân tộc, nhưng lại nhân danh tổ quốc để tàn sát những người không chấp nhận chủ nghĩa của họ. Tổ quốc trở thành đao phủ. Những người địa chủ và tư sản không những bị ruồng bỏ mà còn bị coi là thù địch và bị tàn sát. Rồi cũng nhân danh tổ quốc họ phát động cuộc chiến thôn tính miền Nam làm hàng triệu người chết và đất nước kiệt quệ. Tổ quốc đồng nghĩa với chiến tranh và chết chóc.

Toàn thắng rồi, tổ quốc xã hội chủ nghĩa quên phắt cam kết thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tổ quốc bỏ tù và hạ nhục hàng triệu người. Tổ quốc đánh tư sản, tống cổ con cái "ngụy quân, ngụy quyền" ra khỏi trường học và lùa đi vùng kinh tế mới. Tổ quốc khống chế và hăm dọa bằng công an thành, công an tỉnh, công an huyện, công an phường. Biết dân chúng không còn chịu đựng được nữa và muốn bỏ nước ra đi, tổ quốc đứng ra tổ chức vượt biên bán chính thức để lấy tiền chuộc mạng của những người muốn chạy trốn nanh vuốt của mình. Tổ quốc hành động như bọn giặc cướp. Đến khi bị dư luận thế giới lên án dữ dội vì hành động bỉ ổi này, tổ quốc dẹp luôn đợt vượt biên bán chính thức và dĩ nhiên không trả lại tiền. Tổ quốc đểu cáng và lật lọng.

Đối với những người ra đi, tổ quốc là sóng gió, hải tặc, là cái chết trong bụng cá, may mắn hơn là những ngày ê chề trong những trại tập trung trước khi tìm được một quê hương mới. Tổ quốc là một dĩ vãng cần quên đi. Đối với những người ở lại, tổ quốc đổi tiền mấy lần để cướp giật, tổ quốc sách nhiễu từng ngày. Tổ quốc nói trắng cũng được, nói đen cũng xong, cấm rồi lại cho phép, cho phép rồi lại cấm, muốn bắt hay tha tùy ý, người dân phải chịu đựng hết. Vì tổ quốc có súng.

Tổ quốc của phe "quốc gia" chắc chắn không hiểm độc bằng tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng không kém phần nhảm nhí. Từ ngày thành lập năm 1948 (trên một chiến hạm Pháp), chế độ quốc gia chưa bao giờ coi lòng yêu nước có một giá trị gì. Chính quyền luôn luôn nằm trong tay những người hoặc không có một ý thức nào về quốc gia dân tộc, hoặc đã từng làm việc cho chính quyền thuộc địa Pháp, thường thường là cả hai. Lòng yêu nước và ý thức dân tộc hoàn toàn vắng mặt trong những tiêu chuẩn được dùng để chọn lựa nhân sự, ngay cả ở những cấp cao nhất. Không những không được trọng nể, những người yêu nước còn bị ngờ vực và chèn ép. Mẫu người tốt của các chính quyền quốc gia là mẫu người không thắc mắc và quan tâm gì đến chính trị. Chính nghĩa quốc gia chỉ đơn thuần là chống cộng. Quân đội được tổ chức như một quân đội chuyên nghiệp, nhưng lại không chuyên nghiệp đúng nghĩa bởi vì phần lớn các tướng lãnh chỉ là những trung úy, đại úy trong quân đội Pháp và lên lon do bè cánh chứ không phải vì khả năng. Chiến tranh tâm lý chủ yếu là tổ chức những buổi văn nghệ giải trí cho quân đội.

Trong bài diễn văn cuối cùng để từ chức của ông, sau tám năm cầm quyền trong đó ông đã làm nản lòng mọi người và cuối cùng thất bại thê thảm trước cuộc tổng tấn công của quân cộng sản, ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qui trách Mỹ bằng một lập luận độc đáo : "Trước đây người Mỹ bỏ ra trên 20 tỷ đô la mỗi năm, nay họ chỉ cấp cho tôi chưa đầy một tỷ thì tôi chỉ đánh được hai tuần". Trong thâm tâm chắc chắn ông đang nghĩ ông đánh giặc cho người Mỹ.

Công bằng mà nói, do chính sự lỏng lẻo và xô bồ của nó, chế độ miền Nam cũng đã cho phép một số người có khả năng và thiện chí lên đến được những cấp bậc khá cao (cũng như họ đã để cho cán bộ cộng sản lọt vào chức cố vấn tổng thống hoặc lên đến cấp tướng), nhưng con số những người này quá ít ỏi và cũng chưa ai trong bọn họ có được vai trò quyết định. Tổ quốc của phe quốc gia vẫn chỉ là những ông bà lớn bảnh bao thỏa mãn, là những giấy phép nhập cảng, là những trương mục ngân hàng. Đó cũng là những đợt bắt quân dịch, những thương phế binh đi ăn xin ngoài đường nếu thấp cổ bé miệng, hay đi cắm dùi chiếm đất nếu táo bạo hơn và có băng đảng. Là những người mẹ, người vợ xanh xao thiếu đói chầu chực để lãnh tiền tử tuất của chồng con.

Tôi đã có mặt tại Việt Nam trong hai năm cuối của cuộc chiến. Trước khi về nước tôi đã biết là tương lai miền Nam rất hiểm nghèo, mười phần thua chỉ có một phần thắng ; nhưng chỉ vài ngày sau đó tôi hiểu ngay là chế độ Việt Nam Cộng Hòa chắc chắn sẽ sụp đổ. "Chính nghĩa quốc gia" đã mất hết nội dung. Đa số quần chúng vẫn ghét và sợ cộng sản, nhưng không còn ai nghĩ đến đất nước.

Các anh em họ của tôi ở Hố Nai đều là lính kiểng lính ma. Họ vui mừng vì gia đình đã chạy được tiền mua một chỗ lính văn phòng xa trận mạc. Một người em họ tôi là hạ sĩ quan không quân, hắn khoe rằng vào không quân như hắn là trước ngực đeo một chữ thọ, sau lưng đeo một chữ nhàn. Hố Nai là vùng của người di cư từ miền Bắc vào, đó là những người chống cộng kịch liệt nhất và gan dạ nhất. Các bà mẹ chạy tiền mua chỗ lính kiểng cho con cũng chính là những bà vợ trước năm 1955 đã cùng với chồng lăn xả vào cận chiến với quân cộng sản để bảo vệ các làng tề công giáo.

Một bạn học cũ của tôi là thiếu tá tiểu đoàn phó Dù. Câu đầu tiên hắn hỏi tôi là : "Sao mày ngu thế, thua đến nơi rồi còn đâm đầu về làm gì nữa ?". Tuy vậy hắn và đơn vị của hắn vẫn chiến đấu dũng cảm cho tới giờ phút chót. Hắn chiến đấu không phải vì lòng tin mà vì danh dự cá nhân. Nhiều người khác đã đặt cho tôi câu hỏi tương tự và khi tôi trả lời là đã biết trước miền Nam rất có thể sẽ thua nhưng vẫn về thì họ rất ngạc nhiên. Họ không thể tưởng tượng được là có thể có một người vì đất nước mà liều lĩnh đến thế. Nếu được đề nghị đi làm tùy viên quân sự ở nước ngoài thì chắc chắn không tướng tá nào từ chối. Ý chí chiến đấu của miền Nam vào lúc đó đã hoàn toàn sụp đổ.

Tổ quốc của phe cộng sản là một tổ quốc gian ác, trong khi tổ quốc của các chính quyền quốc gia là một tổ quốc tầm phào. Mặc dầu vậy, hai cái tổ quốc đó đã làm chết gần bốn triệu người trong một cuộc chiến kéo dài gần ba mươi năm. Trong số những người nằm xuống ở cả hai bên đã có những con người thực sự dũng cảm và thực sự yêu nước, nhiều người đã bị kết tội phản quốc và bị hạ sát.

Một số độc giả đọc tới đây có thể giận dữ vì tác giả đã ăn nói một cách hàm hồ. Quí vị có thể cho là tôi đã xúc phạm khi lẫn lộn các nhà nước, hay các chính quyền, với tổ quốc. Các chính quyền chỉ là những tập đoàn nhất thời, có thể tàn ác và thô bỉ, nhưng tổ quốc là vĩnh cửu, cao cả, thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Nhưng thưa quí vị, ở bất cứ lúc nào chính quyền tuy không phải là tổ quốc cũng là người đại diện chính thức của tổ quốc. Người dân có thể cảm nhận về tổ quốc thế nào tùy ý, nhưng họ chỉ tiếp xúc thực sự với tổ quốc qua các chính quyền. Nếu trong một thời gian rất dài mà tổ quốc chỉ có những người đại diện gian ác và thô bỉ thì phải nói rằng chính tổ quốc có vấn đề. Sự chán nản kéo dài quá lâu với các chính quyền chắc chắn sẽ biến thành sự chán nản đối với chính đất nước. Nếu phần nổi của lý trí không cho phép ta nhìn nhận sự thực đó, thì tiềm thức và trái tim của chúng ta cũng đã nghĩ như vậy, và đôi chân của chúng ta đã làm như vậy, hoặc muốn làm như vậy. Không phải ai bỏ nước ra đi từ 1975 cũng là ra đi để chuẩn bị cho ngày trở lại, trái lại đại đa số đã ra đi để vĩnh viễn tìm cho mình và cho con cháu một quê hương mới và một quốc tịch mới. Mộng ước của rất nhiều người Việt Nam trong nước ngày nay cũng chỉ giản dị là được rời khỏi Việt Nam và làm công dân một nước khác.

Có những bạn tôi nói một cách rất quả quyết rằng trong bất cứ trường hợp nào và bất kể trong thời gian bao lâu cũng phải phân biệt tổ quốc với người cầm quyền ; tổ quốc là vô hình, là cao cả, thiêng liêng, bất khả xâm phạm, chúng ta chỉ có bổn phận phải phụng thờ chứ không bao giờ có quyền oán trách. Như thế phải chăng chỉ có người dân có bổn phận với tổ quốc chứ tổ quốc không hề có một trách nhiệm nào đối với người dân ? Trong một trang trước tôi đã nhắc đến chuyện người Phénicien ở thời tiền sử có tục lệ giết con tế thần Hammon, nhưng ít ra họ cũng được quyền mong đợi Hammon sẽ đem lại cho họ chiến thắng và sự thịnh vượng. Cái tổ quốc hoàn toàn vô trách nhiệm này còn cay nghiệt hơn cả Hammon. Như thế thì tổ quốc có lợi gì cho đời ta và ta có lý do gì, ngoài một sự u mê, để gắn bó với tổ quốc ? Tốt hơn hết là ta đừng có tổ quốc, hay đi tìm một tổ quốc khác. Đó chính là điều nhiều người đã làm, hoặc đang muốn làm mà không nói ra. Có cộng đồng di dân nào mất căn cước dân tộc nhanh chóng cho bằng cộng đồng người Việt tị nạn ? Trong vài thập niên nữa sẽ rất khó gặp được một người Việt còn viết và đọc được tiếng Việt tại Mỹ và tại Pháp.

Khái niệm về tổ quốc và lòng yêu nước của chúng ta rất đặc biệt, khác với hầu hết các dân tộc tiên tiến. Tổ quốc của họ gần gũi và cụ thể hơn tổ quốc của chúng ta. Sự kiện này có một giải thích : quốc gia và lòng yêu nước là những ý niệm rất mới đối với chúng ta.

Đây cũng là một điểm có thể gây tranh luận rất gay gắt. Chúng ta có một lịch sử dựng nước khá dài, ít ra cũng trên hai ngàn năm, và chúng ta đã độc lập từ mười thế kỷ nay. Lịch sử ta cũng không thiếu những chiến công mở nước và dựng nước oai hùng. Vậy thì quả là một nghịch lý khi nói rằng chúng ta chỉ mới biết đến quốc gia và lòng yêu nước gần đây thôi.

Nhưng có những điều có vẻ nghịch lý mà vẫn đúng, nếu nhìn một cách khác.

Thực ra lòng yêu nước mới chỉ xuất hiện ở nước ta từ đầu thế kỷ 20 này thôi. Trước đó trong ngôn ngữ ta không hề có hai tiếng "yêu nước" hay "ái quốc", chúng ta chỉ biết có vua và khái niệm "trung quân" [trung thành với vua]. Lòng yêu nước khi xuất hiện đã có vẻ rất ngộ nghĩnh đối với dân ta. Những người đầu tiên bày tỏ quan tâm với đất nước và dân tộc được gọi là những "nhà ái quốc". Các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Ngọc Quyến v.v... là những nhà ái quốc. Ông Hồ Chí Minh lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Nếu ai cũng yêu nước cả thì làm gì có những người nổi bật như những "nhà ái quốc" ? Yêu nước vào đầu thế kỷ này như vậy phải là một điều lạ và một ngoại lệ.

Chúng ta được nhào nặn bởi văn hóa Khổng Giáo và, như đã nói ở một phần trước, văn hóa Khổng Giáo không có tổ quốc. Nước chỉ là một tài sản riêng của nhà vua, những người dân trong nước chỉ là những nô lệ của vua. Những người nô lệ không có bất cứ một quyền lợi nào và do đó cũng không có bất cứ một trách nhiệm nào. Họ chỉ phục tùng bạo lực mà thôi. Họ đã được "đạo đức" Khổng Giáo nhồi sọ trong hàng ngàn năm là phải biết ơn vua, tôn thờ vua và tuyệt đối phục tùng vua, và họ đã chấp nhận như một định mệnh. Nhưng nếu có kẻ nào khác giết vua và lên cầm quyền, họ cũng sẽ phục tùng vua mới như vậy. Họ không có tiếng nói và do đùó cũng không có ý thức gì về đất nước. Vũ trụ của họ chỉ là gia đình. Nước non xa xôi nghìn dặm. "Làng nước" là thế giới bên ngoài. Đất nước chỉ là đất và nước. Họ quyến luyến với mảnh đất chứa đựng hài cốt tổ tiên họ, như một tình cảm tự nhiên ràng buộc con người với môi trường quen thuộc. Tình cảm này tuy là một thành tố thực sự của lòng yêu nước nhưng không thể đồng hóa với lòng yêu nước, một gắn bó tự nguyện và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc gia. Ông cha chúng ta không chờ đợi một phúc lợi nào từ một chính quyền hoàn toàn không phải của họ ; trái lại họ phải đóng sưu thuế, phải đi lính và cũng có thể bị giết oan. Nhà nước chỉ là gánh nặng mà số phận nô lệ bắt họ phải chịu đựng, họ không có quyền đòi hỏi gì ở nhà nước. Cái ý niệm tổ quốc cao cả, thiêng liêng, không trách nhiệm và không thể trách cứ không gì khác hơn là di sản của tâm lý nô lệ.

Tình trạng này không phải là đặc thù của Việt Nam mà là của chung của các xã hội Khổng Giáo.

Chúng ta chỉ mới khám phá ra ý thức quốc gia và lòng yêu nước của chúng ta gần đây thôi. Điều không may cho chúng ta là ngay khi ý niệm quốc gia vừa xuất hiện, nó đã bị lấn át bởi ý thức hệ cộng sản, một ý thức hệ quốc tế chủ trương xóa bỏ không gian quốc gia để tiến thẳng tới xây dựng một thế giới đại đồng. Điều không may khác là, cũng như mọi ý niệm chính trị phương Tây được du nhập vào nước ta, ý niệm quốc gia và dân tộc đã chỉ được tiếp thu một cách hời hợt, qua lăng kính Khổng Giáo truyền thống, do đó ý niệm quốc gia vừa mới ra đời đã bị thiêng liêng hóa, rồi trở thành xa cách với người dân, một món nợ (nợ nước) hơn là một phúc lợi, một gánh nặng hơn là một may mắn. Tổ quốc thay thế cho thiên tử và cũng dễ sợ như thiên tử.

Sau đó những cuộc chiến đẫm máu, những đọa đày, đổ vỡ và thất vọng đã bóp nghẹt lòng yêu nước sơ sinh. Sự thiếu vắng của lòng yêu nước, và cái hệ luận tự nhiên của nó là tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, đã là nguyên nhân chính của khổ đau gần đây và bế tắc hiện nay.

Tôi biết hai ký giả Pháp khá nổi tiếng. Họ không phải là những nhà văn nhà báo lớn nhất của nước Pháp, nhưng trình độ nhận thức của họ cao hơn hầu hết các chính trị gia Việt Nam. Đặc điểm chung của họ là rất tha thiết đối với đất nước và con người Việt Nam, do đó họ hiểu biết đất nước Việt Nam hơn hẳn các chuyên gia về Việt Nam khác.

Một người là Pierre d'Harcourt. Tôi đã gặp và thảo luận với Pierre d'Harcourt suốt một ngày năm 1966. Lúc đó tôi còn là một sinh viên trong khi ông đã là một ký giả nổi tiếng. Sau đó tôi gặp lại ông ta trong vài cuộc thảo luận về Việt Nam nhưng chỉ đủ thì giờ để chào hỏi. Tôi không thể nói là thân với d'Harcourt, nhưng tôi vẫn theo dõi và biết những việc ông làm. Ông viết nhiều bài báo bênh vực Việt Nam Cộng Hòa thời chiến tranh, ông cũng từng tranh luận nhiều trên các đài phát thanh, truyền hình và tại các buổi mít tinh. Lần nào ông cũng tỏ ra sắc bén, lấn áp đối phương với những lập luận chính xác và đầy đủ dữ kiện. Phải hiểu rằng ở vào thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, khi chủ nghĩa cộng sản đang lên đến đỉnh cao của sự ngưỡng mộ và Đảng Cộng Sản Việt Nam được coi như lương tâm của thế giới, chọn lựa ủng hộ miền Nam, với những bê bối của các tướng lãnh được rêu rao và khuếch đại hằng ngày, là một chọn lựa rất can đảm của một người có lý tưởng. Sau năm 1975 Pierre d'Harcourt có viết một cuốn sách với một tít đầy ý nghĩa "Vietnam, qu'as-tu fait de tes fils ?" [Việt Nam, Ngươi Đã Làm Gì Với Các Con Của Ngươi ?], trong đó ông chất vấn đất nước Việt Nam về những ngược đãi mà người dân Việt Nam đã phải chịu đựng. Ông đánh giá cao con người Việt Nam và cho rằng đất nước Việt Nam đã phí phạm tài nguyên rất lớn nằm trong con người Việt Nam vì đối xử tệ bạc đối với con dân của mình. Dù chống cộng kịch liệt, Pierre d'Harcourt đã không đổ lỗi riêng cho đảng cộng sản mà trách cứ cả đất nước Việt Nam. Ông là một người phương Tây, và người phương Tây không coi tổ quốc là cao cả tuyệt đối đến nỗi không thể bị chất vấn.

Sau năm 1975 Pierre d'Harcourt vẫn tiếp tục bênh vực chế độ Việt Nam Cộng Hòa và công kích chế độ cộng sản. Ông cũng đã hoạt động nhiều để bênh vực những người tị nạn, kể cả đóng góp nhằm xây dựng một lực lượng đối lập hải ngoại. Không may, ông đã chỉ gặp phải những người không tốt, rồi đi đến kết luận là người Việt Nam không thực sự yêu nước. Tuổi già và sự thất vọng cuối cùng đã khiến ông bỏ cuộc.

Michel Tauriac thì tôi quen rất thân. Ông đã phỏng vấn tôi nhiều lần trên các đài truyền hình và phát thanh Pháp, rồi chúng tôi trở thành thân quen và gọi nhau bằng "tu, toi" [mày, tao] mặc dầu ông lớn hơn tôi gần hai mươi tuổi. Tauriac viết vô số bài và phóng sự về Việt Nam, ông cũng là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết với các nhân vật chính là người Việt. Tauriac hoạt động chính trị khá tích cực, đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành truyền thông, và cũng làm cố vấn cho Jacques Chirac về các vấn đề Việt Nam khi Chirac còn là chủ tịch đảng RPR [Tập Hợp Cộng Hòa] và thủ tướng Pháp.

Tauriac quả thật là hết lòng với Việt Nam, ông làm tất cả những gì có thể làm cho Việt Nam và hình như không bao giờ biết chán nản là gì. Trong tháng 8-1999, khi Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư tại trường đại học George Mason mà Tauriac từng quen biết và đã từng thăm viếng tại Washington DC, ghé Paris để tham dự một hội thảo quốc tế, Tauriac đã mời Nguyễn Mạnh Hùng và tôi dùng cơm tối. Trong câu chuyện, có lúc ông buột miệng than : "Chế độ cộng sản Việt Nam chẳng mạnh gì, vấn đề là người Việt Nam không có ý chí tranh đấu gì cả, người ta có cảm tưởng đó là một đàn cừu". Phải thân tình lắm Tauriac mới dám tự cho phép nói câu đó vì bình thường ông là người rất nhã nhặn. Thì ra ông cũng thất vọng. Cả Nguyễn Mạnh Hùng và tôi đều ngượng, nhưng đó là một sự thực mà chúng tôi không thể phản đối. Ý chí tranh đấu của chúng ta còn kém cả các dân tộc châu Phi, chưa nói châu Mỹ La Tinh. Ở bất cứ một nước nào khác, chắc chắn một chế độ như chế độ cộng sản Việt Nam không thể yên ổn như thế. Tôi chỉ biết giải thích cho Tauriac rằng người Việt Nam không hèn nhát, vấn đề là họ đã quá thất vọng với đất nước Việt Nam và đã mất đi lòng yêu nước. Một lần nữa tôi nghĩ rằng cần hòa giải người Việt với đất nước mình.

Một người có lý do nào để yêu nước ?

Người ta có thể yêu nước vì quyền lợi. Đất nước là trật tự an ninh, là công lý, là công ăn việc làm, là an sinh xã hội, là sự bảo vệ khi di chuyển trên thế giới. Nhưng tổ quốc Việt Nam lại chỉ là một đe dọa và một gánh nặng. Người dân có thể bị bắt giam, quản chế, tịch thu tài sản một cách tùy tiện. Họ phải đóng thuế, đút lót, hối lộ cho quan chức nhà nước mà không được chờ đợi ở nhà nước một quyền lợi nào cả, ngay cả quyền phát biểu ý kiến của mình.

Người ta có thể yêu nước vì một niềm hãnh diện. Người Mỹ hãnh diện vì là công dân của siêu cường số một thế giới. Người Pháp, người Anh, người Đức và mọi người Tây Âu hãnh diện vì sự giàu có và những đóng góp to lớn về văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật của nước họ cho nhân loại. Người Việt Nam chỉ có thể tủi hổ vì sự thua kém bi đát trên mọi phương diện của đất nước mình. Thỉnh thoảng cũng có những người chưa giác ngộ cố gắng để tự hào rằng "chúng ta" đã đánh thắng Pháp, thắng Mỹ, v.v... Nhưng niềm tự hào đó chỉ có tác dụng khiến cho chúng ta trở thành quê kệch trong một thế giới văn minh ghê tởm tất cả những gì liên quan tới bạo lực ; hơn nữa nó còn xoáy vào một vết thương trên cơ thể dân tộc mà chúng ta cần quên đi.

Người ta cũng có thể yêu đất nước vì lý do giản dị là đó là đất nước của mình, như một người có thể yêu đứa con của mình không phải vì nó tài giỏi, thông minh hay giàu có, mà chỉ vì nó là con mình. Nhưng đất nước Việt Nam cũng không còn là của người Việt Nam. Nó đã bị chiếm đoạt làm của riêng của đảng cộng sản. Những công dân nào dám nói đất nước phải như thế này, thế kia mới khá có thể bị bỏ tù nếu những điều họ nói không giống như đảng muốn họ nói. Mà đảng cộng sản cũng không phải là của hai triệu đảng viên cộng sản. Những đảng viên, ngay cả các đảng viên cao cấp, cũng không tự do hơn người khác, có khi còn bị trói buộc hơn, càng cao cấp lại càng phải phục tùng đảng hơn trong lời nói và hành động. Đảng là một cái gì đó rất vô hình vì không là ai cả, nhưng lại rất cụ thể như công an, tòa án và nhà tù. Đất nước không còn là của ai cả, dù cộng sản hay không cộng sản. Vậy thì ai có lý do để yêu nước ?

Người ta cũng có thể yêu nước vì được đào tạo bởi một văn hóa yêu nước. Nhưng trong cả hàng ngàn năm chúng ta đã chỉ được đào tạo bởi văn hóa Khổng Giáo, một thứ văn hóa vô tổ quốc, dạy người dân thờ chủ chứ không yêu nước. Thực ra đó cũng không phải là một văn hóa đúng nghĩa mà chỉ là sự nhồi sọ có mục đích huấn luyện những kẻ nô lệ phục tùng chủ nhân một cách không thắc mắc.

Người Việt Nam không có lý do gì để yêu nước cho tới thế kỷ 20. Và sau đó họ được nhồi sọ là phải yêu nước vô điều kiện. Ngôn ngữ của tổ quốc Việt Nam đối với người dân là "mày phải yêu tao và phục tùng tao tuyệt đối, còn tao không có bất cứ bổn phận nào đối với mày cả". Tổ quốc xấc xược và thô bạo. Không có gì ngạc nhiên nếu người Việt Nam không yêu nước, ngay cả khi họ không dám thú nhận là không yêu nước. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người sẵn sàng từ bỏ tất cả để ra đi chạy trốn nanh vuốt của tổ quốc.

Nhiều người, trong đó có chính tác giả cuốn sách này, đã từng dự đoán sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Những dự đoán này đều đúng cả nhưng đã không xảy ra. Chúng ta dự đoán rằng đảng cộng sản sẽ mất hết chỗ dựa quần chúng, lý tưởng cộng sản trở thành lố bịch, khó khăn chồng chất, áp lực thế giới và trong nước lên đến mức ngột ngạt, nội bộ đảng và nhà nước phân hóa, v.v... Tất cả những dự đoán này đều đúng cả, nhưng chế độ vẫn không sụp đổ vì lý do giản dị là nó không gặp một sự chống đối đáng kể nào cả. Ngay cả khi nó có ngã gục trên chính quyền đi nữa, và trên thực tế có thể coi là nó đã ngã gục trên chính quyền, thì vẫn cần một sức mạnh nào đó để kéo cái thi thể đó đi chỗ khác. Nhưng sức mạnh này chúng ta lại không có. Sai lầm khổng lồ của nhiều tổ chức chống cộng là đã chỉ dồn cố gắng để cô lập và tẩy chay chế độ, trước đây chủ trương không gởi tiền giúp đỡ thân nhân, không "du lịch Việt Cộng", không đầu tư vào Việt Nam, sau đó vận động để Hoa Kỳ đừng bỏ cấm vận, đừng thiết lập quan hệ ngoại giao, đừng hợp tác thương mại, đừng cho chế độ cộng sản hưởng qui chế quan hệ thương mại bình thường, v.v... Mục tiêu của những cố gắng này là nhằm làm dân chúng căm thù chế độ và làm chế độ gặp thêm khó khăn. Nhưng dân chúng đã căm thù chế độ vô cùng rồi và chế độ cũng đã chao đảo lắm rồi, nói cách khác mục tiêu đã đạt được từ lâu rồi. Cái thiếu là một kết hợp trên ý chí đổi đời, và kết hợp này chỉ có một lòng yêu nước thực sự mới có thể mang lại.

Nhiều người không nhìn thấy rằng chìa khóa của lối thoát là lòng yêu nước. Nếu thực sự yêu nước thì người ta đã thấy ngay sự cần thiết của một tập hợp dân tộc mới và đã làm tất cả cố gắng và hy sinh để tập hợp này ra đời, người ta đã thực tâm đi tìm kiếm những người có tâm huyết và khả năng để kết nghĩa, đã hăng hái tham gia các tổ chức đấu tranh, đã sẵn sàng hy sinh tư kiến và lòng tự ái để tổ chức được bền vững và phát triển, đã mong mỏi sát nhập tổ chức của mình với các tổ chức khác để hình thành một tổ chức lớn hơn. Người ta cũng sẽ rất phẫn nộ với những phần tử bịp bợm, gian trá, phá hoại, v.v... và một mặt trận dân chủ có tầm vóc đã hình thành từ lâu rồi. Nhưng thực tế đã trái hẳn. Tôi đã chứng kiến nhiều tổ chức, chính trị cũng như cộng đồng, được xây dựng bằng rất nhiều công sức mà rồi tan vỡ chỉ vì những xích mích cá nhân rất nhỏ mọn. Tôi cũng đã chứng kiến những tổ chức thiếu cả về lý luận, nhân sự lẫn phương tiện nhưng không hề có ý định sát nhập vào một tổ chức nào lớn hơn để rồi tàn lụi dần đi. Và hàng ngày tôi vẫn thấy những khuôn mặt mà mọi người đều biết là hời hợt, cải lương, giả dối hay những tổ chức đã lộ rõ chân tướng là thiếu lương thiện vẫn tiếp tục hiện diện mà không bị lên án. Khi người ta không cần phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu là người ta thực sự không quan tâm.

Đất nước sẽ đi về đâu ?

Chúng ta thấy rõ là đất nước sẽ không ra khỏi được tình trạng bế tắc hiện nay, trừ trường hợp đảng cộng sản dám lấy một quyết định thực táo bạo là tự ý chuyển hóa thực sự về dân chủ. Nhưng không có dấu hiệu gì là họ có đủ dũng cảm để lấy quyết định này, trái lại chỉ có những dấu hiệu ngược lại. Mặt khác, sự thay đổi đơn phương này không phải là không có những rủi ro. Một chính sách cởi mở không chuẩn bị hoặc không lương thiện rất có thể sẽ chỉ làm bùng nổ những căm thù đã quá lớn và quá chồng chất, đưa đất nước vào tình trạng hỗn loạn. Để thay đổi, đảng cộng sản cần một đồng minh khách quan : một lực lượng dân chủ có hậu thuẫn quần chúng và thực sự muốn dân chủ hóa đất nước trong hòa bình và trong tinh thần hòa giải dân tộc. Nhưng lực lượng này chưa hình thành được vì một mặt người Việt Nam không còn đủ ý chí để kết hợp, và mặt khác, do một sự mù quáng khó tưởng tượng, chế độ cộng sản đang dồn mọi cố gắng để ngăn cản sự hình thành của mọi đối lập ôn hòa. Chúng ta bế tắc.

Như thế, với tình trạng này, chế độ sẽ ngày một yếu đi, tiếp tục ruỗng nát thêm từ bên trong, trong khi xã hội càng ngày càng phân hóa và hỗn độn, cho tới một lúc mà chính quyền trở nên rỗng tuếch và không kiểm soát được tình thế nữa vì không còn phương tiện để cai trị bằng bạo lực. Bất ổn và bạo loạn sẽ xảy ra khắp nơi, nhiều vùng sẽ không còn an ninh, trật tự và luật pháp. Lúc đó tất cả có thể xảy ra.

Đừng nên để lịch sử lặp lại một lần nữa. Chúng ta đã có một kinh nghiệm bi đát. Năm 1533, người giáo sĩ Thiên Chúa Giáo đầu tiên tới Việt Nam giảng đạo. Từ đó giao thiệp với phương Tây ngày càng gia tăng, và tư tưởng phương Tây cũng đến cùng với hàng hóa. Tới cuối thế kỷ 17 đã có khoảng 10% dân chúng theo đạo Công Giáo, ảnh hưởng của tư tưởng Thiên Chúa Giáo nói riêng và tư tưởng phương Tây nói chung đã khá phổ biến trong dân chúng. Khổng Giáo, nền tảng của chế độ quân quyền, đã lung lay không còn đảm bảo được sự chính đáng của chế độ nữa. Tuy vậy, cả họ Nguyễn ở Đàng Trong lẫn họ Trịnh ở Đàng Ngoài đều không ý thức được sự chuyển hóa không thể đảo ngược được của xã hội mà họ đang cai trị. Càng chao đảo họ càng đàn áp, càng đàn áp họ càng làm cho xã hội tan nát thêm và chế độ của họ yếu thêm vì mất cả lòng dân lẫn sự chính đáng. Cả hai chế độ Trịnh Nguyễn đều mất dần nội dung và thực lực. Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí mô tả một xã hội miền Bắc tan rã : chính quyền chỉ còn là cái vỏ rỗng, thiếu cả ngân khố lẫn quân đội. Quan triều đình ra đường bị dân chặn lại trấn lột ngay giữa kinh thành, dân chúng ai có sức khỏe thì đi ăn cướp. Ở Đàng Trong, họ Nguyễn cũng không khá hơn, trộm cướp còn nhiều hơn và có tổ chức hơn theo những ghi chép của các giáo sĩ và thương nhân phương Tây. Và cả trong Nam cũng như ngoài Bắc không có một lực lượng canh tân đứng đắn nào ra đời. Thế rồi triều Nguyền sụp đổ vì Trương Phúc Loan chuyên quyền và triều Trịnh sụp đổ vì loạn kiêu binh của đám lính Tam Phủ. Nhưng Trương Phúc Loan cũng như bọn lính Tam Phủ chỉ là những giọt nước cuối cùng làm tràn một bình đã đầy, hay một cơn gió nhẹ làm rụng một chiếc lá đã khô. Tất cả chỉ là biến cố ngẫu nhiên nhưng tất yếu của một quá trình phân rã. Không có Trương Phúc Loan này thì cũng sẽ có một Trương Phúc Loan khác, không có kiêu binh Tam Phủ thì cũng có kiêu binh khác, vì lý do căn bản là chính quyền đã mất căn bản chính đáng và quá yếu. Trong tình huống đó tất cả đều có thể xảy ra, dù không có gì có thể dự báo được.

Trong sự thiếu vắng của một lực lượng chính trị đúng đắn, sự suy yếu của cả hai chế độ Trịnh, Nguyễn cuối cùng đã chỉ để lại một khoảng trống quyền lực và một xã hội tan rã. Đảng cướp Tây Sơn, một đảng cướp thuần túy, không có bất cứ một dự án chính trị nào, đã cướp được chính quyền nhờ mưu lược và gan dạ. Họ đã cai trị đất nước một cách tàn bạo, để rồi cũng bị tiêu diệt một cách tàn bạo sau một cuộc nội chiến đẫm máu. Chúng ta biết những gì đã xảy ra sau đó : nước Việt Nam kiệt qu_ệ và đã thất bại dễ dàng trong cuộc xâm lăng của một đạo quân Pháp ít ỏi.

Ngày nay hơn hai thế kỷ sau, chúng ta đang đứng trước một tình trạng tương tự. Các tiếp xúc dồn dập với thế giới bên ngoài và các phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại đã khiến khát vọng tự do dân chủ lên cao ; chủ nghĩa Mác-Lênin, nền tảng của chế độ cộng sản hiện nay cũng như Khổng Giáo đã là nền tảng của chế độ quân quyền ngày xưa, bị lố bịch hóa. Chính quyền không chịu đổi mới kịp đòi hỏi của tình thế và ngày càng phân hóa thêm. Cũng giống hơn hai thế kỷ trước, chúng ta không có một lực lượng xứng đáng làm một giải pháp thay thế. Chúng ta đang tiến tới một sự hỗn loạn tương tự, để rồi khi chính quyền đã quá yếu, một tay anh chị nào đó, nhờ táo bạo và khôn lanh, hay được hậu thuẫn của ngoại bang, sẽ nắm được chính quyền và làm đất nước đã tan nát lại càng tan nát thêm. Và cũng rất có thể nhiều người sẽ ca tụng tay anh chị đó và dùng đủ mọi lý luận để bênh vực, như nhiều người đã từng ca tụng Nguyễn Huệ.

Nhưng thảm kịch đã xảy ra hơn hai thế kỷ trước và thảm kịch có thể sẽ xảy ra sắp tới có thể chỉ giống nhau tới đó thôi chứ không thể giống nhau ở giai đoạn tiếp theo. Xã hội Việt Nam ngày nay đã quá phức tạp và con người Việt Nam ngày nay cũng quá khôn ngoan để một người hay một băng đảng dù mưu mô đến đâu có thể gồm thu về một mối mà không cần một dự án chính trị đúng đắn. Nước Việt Nam có thể bị rã nát thành nhiều mảnh, dưới sự kiểm soát của nhiều thế lực với những quyền lợi khác nhau và những chỗ dựa khác nhau, như chúng ta đã chứng kiến tại một số nước châu Phi. Lúc đó, trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, với ý niệm quốc gia dân tộc ngày càng bị tương đối hóa, sẽ chẳng có bao nhiêu người còn đủ tha thiết và quyết tâm để thống nhất lại đất nước. Vả lại có muốn cũng không được vì thống nhất là một điều rất khó thực hiện. Tôi có thể quả quyết điều này theo kinh nghiệm cá nhân : việc thống nhất các lực lượng rất thân hữu với nhau và có tất cả mọi lý do để kết hợp với nhau cũng đã qúá khó rồi !

Việt Nam có thể bị xóa bỏ như một quốc gia không ? Nhiều người quả quyết là không, và tôi cũng tin như vậy. Nhưng điều đó chưa chắc đã đáng mừng. Còn có một điều quan trọng hơn sự tồn vong của quốc gia Việt Nam, đó là cái trở thành của khối 80 triệu người Việt. Sự hấp hối của một quốc gia kéo dài rất lâu, hàng thế kỷ. Trong trường hợp một dân tộc đông đảo có lịch sử sống chung lâu đời, có một văn hóa khá đồng nhất và nhất là một ngôn ngữ chung như Việt Nam, cơn hấp hối đó có thể kéo dài vô tận. Không chết được nhưng cũng không sống. Và khối người Việt Nam sẽ ra sao ? Sẽ chỉ có một số rất nhỏ tìm được quê hương mới tại những quốc gia dân chủ văn minh, trong số rất nhỏ này cũng sẽ chỉ có một số rất nhỏ hội nhập được thực sự vào xã hội mới, số còn lại sẽ chỉ là những công dân hạng thứ. Nhưng đó là những người may mắn. Đại bộ phận người Việt sẽ sống lầm lũi, bơ vơ ngay trên đất nước mình dưới cái nhìn vừa thương hại vừa khinh khi của thế giới.

Nhất định chúng ta phải giữ lấy đất nước Việt Nam, ít nhất vì chính quyền lợi của chúng ta. Thế giới tương lai sẽ không phải là thế giới của những con người vô tổ quốc, đó sẽ là thế giới của những quốc gia thân hữu. Quốc gia là một bảo đảm và một không gian tương trợ cần thiết cho cố gắng chung và thành công chung. Quốc gia là môi trường tự nhiên cho mỗi người để phát triển, như khu rừng cần cho con cọp để vùng vẫy. Và quốc gia cũng là một tình yêu để sống có hạnh phúc như cái hôn của mẹ cần cho một đứa trẻ để lớn lên.

Muốn giữ vững đất nước phải làm lại đất nước. Và muốn làm lại đất nước chúng ta không thể thiếu lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm. Đó là chìa khóa của vấn đề. Nhưng làm thế nào để phục hồi lại lòng yêu nước ?

Trước hết mỗi người Việt Nam phải ăn năn và sám hối.

Ăn năn vì chúng ta, mỗi người chúng ta, đã ngây thơ coi tổ quốc như là vô tận, không thể hao mòn và đã không quan tâm làm cho tổ quốc ngày một vững mạnh hơn và đáng yêu hơn.

Hay vì chúng ta đã khờ khạo nghĩ rằng mình có thể tự giải quyết các vấn đề cá nhân của mình bằng những giải pháp cá nhân như luồn lách, móc ngoặc, hối lộ, bỏ nước ra đi, v.v... mà không ý thức rằng phải có một giải pháp chung cho thảm kịch chung của 80 triệu người cùng một lịch sử, văn hóa và cùng một số phận.

Hay vì chúng ta đã không đủ thông minh để thấy cần kết hợp với nhau, chung sức chung lòng để cùng làm lại đất nước. Mỗi người chống cộng với tư cách cá nhân, tranh đấu một mình hay hài lòng với những tổ chức bỏ túi. Chúng ta đã tự cho mình vai trò quá cao, bởi vì trí tuệ chúng ta quá thấp.

Hay vì chúng ta đã khiếp nhược, đã không dám chống lại sự tồi dở và sự bạo ngược, đã cúi đầu, đã giả câm giả điếc để được yên thân.

Hay vì, một cách giản dị, chúng ta đã sai lầm lớn khi nghĩ rằng đất nước không cần thiết lắm cho đời mình.

Sau đó, chính tổ quốc phải nhận lỗi về những đày đọa đã gây ra cho các con mình, và tự sửa đổi. Tổ quốc phải rời bỏ bàn thờ thiêng liêng, tối cao và vô trách nhiệm để thân thiện đến với mọi người. Tổ quốc phải lột xác để trở thành một tổ quốc khác, một tổ quốc hiền hòa thay vì dữ tợn, một tổ quốc có trái tim thay vì có nanh vuốt, một tổ quốc khuyến khích thay vì cấm đoán, một tổ quốc đáng yêu thay vì đáng sợ, một tổ quốc che chở thay vì đe dọa. Tổ quốc phải là một tổ quốc trách nhiệm, cụ thể như một dự án tương lai chung và gần gũi như một người bạn, một tổ quốc biết hối hận và ăn năn.

Tôi biết chuyện một gia đình đau khổ, người cha nghiện ngập, cờ bạc, hung bạo, gia đình là một địa ngục. Một ngày kia đứa con đã lớn lên và quyết định bỏ đi. Người cha bừng tỉnh, không ngăn con mà chỉ im lặng nhìn con sắp xếp hành lý. Khi đứa con đã ra đến cửa, ông rầu rầu xin lỗi nó và chúc nó may mắn. Ít lâu sau đứa con lại trở về.

Tổ quốc ăn năn thì tổ quốc sẽ hồi sinh, sẽ đẹp và mạnh. Và mỗi người sẽ đều được phúc lợi. Cọp lại có rừng để vùng vẫy, đứa trẻ lại có mẹ để hôn.

 

***********************

Gởi vào giấc mộng, nhắn ra cuộc đời

 

 

5-tqan4

Hồn ai có đi về trên khói sóng

Và giờ đây thông cảm với hồn ta

Thì lắng tai nghe mấy lời ca

Gởi vào giấc mộng, nhắn ra cuộc đời.

Vũ Hoàng Chương

Xin cảm ơn các độc giả đã chiếu cố đến cuốn sách này. Nếu bạn đã đọc đến đây thì hẳn bạn phải là một người khá đặc biệt, một người không cần đọc cuốn sách này để tìm những kiến thức và ý kiến. Bạn đã đọc hết cuốn sách vì đã tìm thấy ở đây một phần tư duy của chính mình.

Vậy xin kết thúc cuốn sách bằng một lời phi lộ. Một lời riêng nhưng cũng là chung.

Tôi ra đời vào giữa thế chiến II, lúc đất nước còn đang bị ngoại thuộc và, hơn thế nữa, bị ngoại thuộc một cách ô nhục nhất. Một nắm nhỏ người Pháp, đã thua trận và mất nước, vẫn còn duy trì được một ách thống trị khắc nghiệt trên cả nước. Họ đã chỉ bị quân Nhật lật đổ chứ không phải bị người Việt Nam đứng lên đánh bại. Đã có nhiều người Việt Nam đứng lên, nhưng trước mặt họ lại có một số người Việt Nam đông đảo hơn nhiều tiếp tay giúp người Pháp duy trì ách thống trị trên dân tộc mình. Điều này mãi mãi là một vết thương đau cho tôi bởi vì nó không cho phép tôi tự hào về dân tộc mình.

Từ đó đến nay đất nước không ngừng thua kém hơn so với thế giới, trong khi chúng ta đã phải trả những cái giá rất khủng khiếp. Những thất vọng liên tục chồng chất đã làm đại đa số người Việt mất lòng tin vào đất nước, không còn nghĩ tới nước nữa. Chúng ta không còn dự định chung, do đó chúng ta rã hàng và bất lực. Và đất nước trôi giạt về một tương lai đầy bất trắc.

Khi tôi ngồi viết những dòng này, tình hình đất nước cũng tương tự như khi tôi ra chào đời. Một nhóm người rất nhỏ, theo đuổi một chủ nghĩa đã hoàn toàn phá sản, lấy làm quan thầy và mẫu mực một chế độ đã sụp đổ, vẫn tiếp tục duy trì được ách thống trị thô bạo và chặn đường tiến của dân tộc về tương lai mà không gặp một chống đối đáng kể nào. Tôi vẫn không thể hãnh diện là người Việt.

Tôi đã có dịp sống và làm việc trong lòng chế độ cộng sản, đã trao đổi thân mật và hiện nay vẫn thường xuyên được tiếp xúc với nhiều người của chế độ, có khi ở những cấp bậc khá cao. Tất cả đều đồng ý rằng chế độ này phải dân chủ hóa, nó không thể và không được quyền tiếp tục như hiện nay. Nhưng chế độ vẫn còn đó, và tiếp tục cai trị một cách thô bạo. Cũng như trong thời thế chiến II, mọi người đều muốn dân chủ nhưng chỉ có một số ít đứng lên, trước mặt họ là một số người đông đảo gấp bội cố luồn lách để sống yên và, để sống yên, phải hợp tác với chế độ và giúp chế độ tiếp tục tồn tại. Sau hơn một nửa thế kỷ thăng trầm và đổ vỡ, thảm kịch của Việt Nam vẫn thế. Đó là thảm kịch của ý chí và niềm tin.

Tôi đã là một đứa trẻ may mắn. Cả làng tôi, và có lẽ cả huyện tôi, đã chỉ có một mình tôi được đi học đến nơi đến chốn, được đi du học sớm, được quan sát thế giới và cũng được một địa vị tương đối khá trên cả quê mình lẫn quê người. Dù đã trải qua nhiều khổ đau và mất mát, tôi vẫn là người rất được số phận ưu đãi so với đồng bào tôi. Có thể nói ngày nay tôi là một trong những người Việt ít ỏi không cần đất nước, nếu chỉ cầu mong một cuộc sống thoải mái cho mình.

Nhưng lòng không thể yên. Vẫn còn cái tâm sự bẽ bàng của một đứa con nhà nghèo đi làm con nuôi nhà giàu bỏ rơi anh em. Vẫn có sự hổ nhục âm thầm như khi đạp ga cho xe chạy nhanh, làm như không nhìn thấy gia đình người quen hư xe bên đường giữa một đêm mưa gió. Và một niềm ân hận rằng mình đã không phát huy được hết khả năng của mình, đã không làm được tất cả những gì mình muốn làm và có thể làm vì không ở trong môi trường tự nhiên của mình ; cuộc đời mình nhỏ lại và thấp xuống.

Điều làm tôi dằn vặt nhất hiện nay là hình như đại đa số người Việt không nhìn thấy một mối nguy lớn cho đất nước. Chúng ta đều đồng ý rằng tình hình hiện nay rất tệ hại cho đất nước và phải chấm dứt. Nhưng hình như chúng ta chỉ nghĩ rằng nếu tình hình này cứ tiếp tục thì đất nước sẽ trì trệ, sẽ chậm tiến và bị thua kém thế giới mà thôi. Chúng ta chưa ý thức rằng tình hình này có thể đưa đất nước đến chỗ giải thể. Thế giới đã đi vào một kỷ nguyên mới, trong đó ý thức quốc gia dân tộc bị xét lại một cách triệt để. Những quốc gia không được hiểu như một dự án tương lai chung, một tình cảm và một không gian tương trợ cho cố gắng vươn lên của mọi người sẽ không còn lý do tồn tại và sẽ không thể tồn tại. Những quốc gia như thế sẽ giải thể trong lòng người, rồi giải thể thực sự. Chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia tự tan vỡ mà không bị ngoại xâm. Chúng ta cũng đã thấy nhiều quốc gia rất dân chủ và phồn vinh mà vẫn bị chao đảo vì những chủ trương ly khai chỉ vì người dân không còn nhìn thấy công dụng thực sự của quốc gia nữa. Sẽ còn nhiều quốc gia khác bị tan vỡ, và những quốc gia tan vỡ đầu tiên sẽ là những quốc gia mà biên giới được coi là hàng rào ngăn cản những giá trị phổ cập của loài người, mà chủ quyền dân tộc được hiểu như quyền tự do lộng hành của một tập đoàn cầm quyền. Chúng ta đang là một quốc gia như thế và chúng ta đang đứng trước một tình trạng khẩn cấp.

Một dằn vặt khác của tôi là hình như đa số người Việt không nhìn thấy sự cần thiết của đất nước cho chính đời mình. Chúng ta mơ ước, hoặc hài lòng với một cuộc sống trung bình tại hải ngoại. Chúng ta thỏa mãn khi tìm được một việc làm vừa đủ sống và không bị công an hạch sách ở trong nước. Những khổ đau và chịu đựng quá lớn và quá lâu đã làm cho chúng ta mất tham vọng và nhỏ lại. Chúng ta định cư trong sự nhỏ bé tinh thần và vật chất. Chúng ta đã mất đi sự cao cả trong trí tuệ và tâm hồn. Chúng ta không thấy rằng một quốc gia lành mạnh sẽ là một không gian phát triển cho phép đời ta vươn tới một tầm vóc lớn hơn, dù chúng ta sống ở trong nước hay ở nước ngoài.

Tôi đã sống lâu năm tại Pháp, trong tuổi sinh viên và trong tuổi hành nghề. Cuộc sống tại Pháp đã cho phép tôi nhìn thấy một vài điều. Nước Pháp có 60 triệu dân và có hơn nửa triệu xí nghiệp hoạt động một cách lành mạnh. Nước Pháp có khoảng một triệu cấp lãnh đạo, trong đó ít nhất một trăm ngàn cấp lãnh đạo rất quan trọng. Trong khi tôi đang viết những dòng này thì tổng sản lượng quốc gia của Pháp bằng 60 lần Việt Nam, lợi tức của mỗi người Pháp bằng 80 lần mỗi người Việt. Pháp không phải là một mẫu mực tại Tây Âu. Họ thua kém nhiều nước châu Âu khác. Tổ chức chính quyền của họ tập trung và kềnh càng. Các hoạt động phân phối một cách không đồng đều trên lãnh thổ. Tâm lý người Pháp cũng không lành mạnh. Nước Pháp gần như bị chia đôi, một nửa dân Pháp năng động và sáng tạo trong khi nửa kia vô trách nhiệm và trông đợi ở bao cấp.

Nhưng nếu chúng ta bằng được nước Pháp ? Đất nước chúng ta sẽ là một môi trường bao la cho biết bao tham vọng chính đáng, sẽ là đất dụng võ cho biết bao tài năng, sẽ là biết bao trách nhiệm vẻ vang cho biết bao nhiêu người. Chúng ta sẽ thiếu rất nhiều người cho rất nhiều công việc quan trọng và đầy say mê. Mọi người, trước hết là những người có kiến thức, sẽ đều có những trách nhiệm đáng tự hào, sẽ không ai phải lo âu không có được một chỗ đứng xứng đáng. Và chúng ta sẽ không còn phải hổ thẹn trước mặt người ngoại quốc. Chúng ta sẽ hãnh diện mà gọi tên đất nước mình.

Và tại sao chúng ta lại không thể bằng nước Pháp ? Tôi học với họ và làm việc với họ, tôi rất ngưỡng mộ người Pháp, nhưng tôi cũng không thấy họ hơn người Việt Nam, hay có hơn cũng không bao nhiêu. Con người Việt Nam có chất liệu tốt, chúng ta khá thông minh, hiếu học, rất chăm làm và cũng giỏi chịu đựng. Chúng ta có thể bắt đầu ngay bằng cái sở trường của chúng ta là chịu học và chăm làm. Dĩ nhiên về lâu về dài như thế chưa đủ ; chỗ đứng sau cùng của một dân tộc vẫn được quyết định bởi óc sáng tạo và tinh thần mạo hiểm, hai đặc tính mà chúng ta rất thiếu và cần phát minh ra ; nhưng trong tình trạng thua kém bi đát hiện nay, hiếu học, chăm làm và chịu đựng cũng là khá đủ để vươn lên. Rồi trong quá trình vươn lên chúng ta sẽ phát triển óc sáng tạo và tinh thần mạo hiểm. Rất nhiều dân tộc chậm tiến không có nổi tiềm năng con người của chúng ta.

Về lâu về dài chúng ta cũng không phải là không có thế mạnh. Chúng ta là một quốc gia bờ biển, biển mở rộng lãnh thổ của chúng ta, mở cửa đất nước chúng ta ra thế giới và đem thế giới đến với chúng ta. Chúng ta lại có một vị trí tuyệt vời, nằm ngay giữa trung tâm của một vùng đầy hứa hẹn và ngay sát nhiều trục giao thông quan trọng. Chúng ta có thể phát triển rất mạnh và, hơn thế nữa, còn có thể hưởng thụ được cả sự phát triển của các nước khác, bởi vì trong một châu Á phồn vinh sau này, chúng ta là bờ biển Thái Bình Dương của cả Thái Lan, Kampuchea, Lào và Vân Nam. Điều mà chúng ta thiếu chỉ là ý chí và tham vọng.

Hiện nay chúng ta đang đứng trước một ngã ba đường đặc biệt. Một ngả là sự giải thể quốc gia và cơn hấp hối rất dài, trong đó người Việt sẽ lầm lũi, bơ vơ, bị thế giới khinh thường và hắt hủi. Một ngả khác là một nước Việt Nam phồn vinh đem lại hạnh phúc và tự hào cho mọi người. Chúng ta chỉ có hai lối đi : một bên là đường hầm đen tối và lầy lội dẫn tới cái chết, một bên là đại lộ thênh thang dẫn tới vinh quang.

Đại lộ vinh quang, hơn nữa, cũng là đại lộ an toàn. Dân tộc ta đã phải trả giá quá đắt cho hận thù và chia rẽ, cho óc độc quyền lẽ phải, cho sự cuồng tín và tôn thờ bạo lực. Chúng ta đã hiểu bằng máu và nước mắt và đã chấp nhận trong da thịt những giá trị giản dị nhưng mầu nhiệm như hòa bình, tự do, dân chủ và bao dung. Chế độ độc tài này sẽ là chế độ độc tài cuối cùng tại Việt Nam, với điều kiện là chúng ta vẫn còn là một quốc gia sau cuộc thử thách này. Rũ bỏ được nó, chúng ta sẽ vĩnh viễn đi vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ, kỷ nguyên của những cố gắng chung và của thành công chung. Con đường tiến tới tương lai của chúng ta như vậy sẽ không quanh co. Mặt khác, trong khi các nước châu Á khác, vì chưa trải qua những kinh nghiệm đắt giá của chúng ta, còn lưỡng lự giữa truyền thống và tiến bộ, chúng ta sẽ chấp nhận một cách quả quyết và nhiệt tình những giá trị phổ cập của loài người tiến bộ, sẽ lấy tự do làm động lực để tiến tới, và chúng ta chắc chắn sẽ mau chóng bắt kịp được sự chậm trễ.

Sự chọn lựa là hiển nhiên. Tất cả vấn đề là chúng ta có còn đủ lạc quan và tin tưởng để chọn con đường thênh thang, và thực ra dễ dàng, dẫn tới vinh quang không, hay sẽ để cho sự mệt mỏi và tuyệt vọng xô đẩy vào con đường chông gai và tăm tối dẫn đến sự tiêu vong ?

Chính vì thế mà, hơn lúc nào hết, đất nước đang cần những con người hiếm hoi còn giữ được niềm tin và lòng yêu nước, như một cơ thể suy nhược cố tập trung sức lực còn lại. Những người này phải ý thức được rằng họ là một sắc tộc thiểu số phải dựa vào nhau để sống và vươn lên. Giữa họ phải có tinh thần kết nghĩa, phải chưa gặp đã là anh em, chưa quen đã là chí hữu. Phải kết hợp nhanh chóng, mạnh dạn, nhiệt tình.

Họ phải hãnh diện vì sứ mạng trọng đại và cao cả của mình. Đổi lại dòng lịch sử, đổi số phận của cả một dân tộc đông đảo gần một trăm triệu người không phải là một cơ hội mà đời người nào cũng có thể có.

Họ phải nhận diện đúng những trở ngại trước mắt. Trở ngại lớn nhất không phải là sự ngoan cố của chế độ cộng sản mà là sự mệt mỏi và tâm lý bỏ cuộc của người Việt. Thắng được sự thụ động của quần chúng, tạo được một sức bật mới của lòng yêu nước và của ý chí làm lại đất nước thì sự ngoan cố của chế độ cộng sản sẽ tan biến mau chóng. Chế độ này thiếu cả sức mạnh lẫn quyết tâm, nó xấc xược chỉ vì chúng ta nhu nhược.

Họ sẽ phục hồi thế giá cho hoạt động chính trị và cho những người đấu tranh vì đất nước bằng thái độ và hành động. Họ sẽ không mất thì giờ cho những hành động mị dân nhằm giành giật cảm tình của một quần chúng cần được thức tỉnh thay vì mơn trớn. Họ sẽ đốt đuốc đi tìm nhau. Họ sẽ nhận diện nhau như những tinh hoa của đất nước và như ý chí còn lại của dân tộc. Họ sẽ kính trọng nhau và truyền sự kính trọng đó cho quần chúng, gây lại niềm tin cho quần chúng và tranh thủ sự hưởng ứng của quần chúng.

Trong cái khó cũng có cái dễ. Cái khó là với tình trạng quần chúng hiện nay chúng ta không thể hy vọng hình thành nhanh chóng được một kết hợp lớn. Cái dễ là trong tình trạng phân rã hiện nay chúng ta không cần một lực lượng lớn mà vẫn có thể là lực lượng áp đảo nhất, và thành công. Trước hết hãy tự giới hạn trong thành phần tinh nhuệ, nghĩa là thành phần có đạo đức, lý tưởng, quyết tâm, có trình độ hiểu biết tạm đủ, và có khả năng hội nhập trong một đội ngũ. Một ngàn người như thế có thể là một lực lượng đủ để hành động. Hình thành được một tập hợp như vậy là chúng ta đã có thể báo tin mừng cho dân tộc về sự ra đời của hy vọng, bởi vì sau đó mọi việc đều dễ và tình hình đất nước có thể thay đổi rất nhanh chóng.

Chúng ta có cả một kho tàng nhân sự chưa được khai thác. Những người muốn đổi đời không thiếu trong nước cũng như ngoài nước, trong cũng như ngoài bộ máy nhà nước, kể cả đa số đảng viên cộng sản. Điều chúng ta thiếu là một tụ điểm cho những khát vọng. Một tập hợp của khoảng một ngàn người có trí tuệ và trái tim đủ để làm tụ điểm đó. Khó khăn là tạo ra tập hợp này. Nhưng đó là mục tiêu trong tầm tay.

Chúng ta không khởi hành từ số không. Chúng ta đã sẵn có một số người. Chúng ta có khát vọng thay đổi của tám mươi triệu người. Chúng ta cũng có cả một kho tàng những người muốn làm một cái gì cho đất nước nhưng còn cảm thấy bất lực vì cô đơn và đang chờ đợi một kết hợp dân chủ đáng tin cậy.

Nhưng hành trang quan trọng nhất của chúng ta vẫn là một niềm tin và hãnh diện âm thầm nhưng mãnh liệt ở trong lòng. Chúng ta đang phấn đấu để cứu đất nước do ông cha để lại và để chuyển nhượng lại một đất nước đẹp hơn và đáng tự hào hơn. Đó là một cuộc đấu tranh cao cả vì nó không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, mà nhằm giải thoát và thăng hoa mọi người. Đó là một cuộc đấu tranh chính nghĩa. Lòng dân hôm nay là của ta, chúng ta thực hiện di chúc dựng nước của người xưa với tình yêu nồng nàn dành cho các thế hệ mai sau. Chúng ta có đồng bào, tổ tiên và con cháu. Chúng ta có hiện tại, nghìn trước và nghìn sau.

Vậy thì chúng ta hãy nắm tay nhau cùng phấn đấu và cùng mơ ước một tương lai Việt Nam chung. Ngay hôm nay và bây giờ.

Paris, ngày 8 tháng 11 năm 2000

Nguyễn Gia Kiểng

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2223 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)