Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

17/01/2017

TQĂN - Phụ lục

Nguyễn Gia Kiểng

Nguyên bản (PDF)

Tổ Quốc Ăn Năn

 

Phụ lục

Một số nhận định về TỔ QUỐC ĂN NĂN và tác giả

communication Speech Bubble

Tổ Quốc Ăn Năn là một tác phẩm chính luận rất khác với những gì chúng ta thường đọc. Mục đích của sách là đề nghị một kế sách cho việc phát triển đất nước khi thật sự bước vào kỷ nguyên dân chủ đa nguyên. Nhưng không phải chỉ có thế. Tác giả quyển sách đã trải qua kinh nghiệm của một nhà hoạt động, và dựa trên kinh nghiệm bản thân để nhận ra những khó khăn của một hành trình dân chủ và phát triển cho đất nước. Tác giả đã làm một việc rất mới lạ đối với một luận văn chính trị : đó là duyệt lại di sản của lịch sử và văn hóa của dân tộc mà ông xem là những trở ngại chính cho một hành trình về tương lai phồn vinh cho đất nước. Di sản của lịch sử và văn hóa là những nguyên lai của sự kiện tại sao dân tộc chúng ta lại lạc hậu bần cùng như ngày nay. Duyệt lại di sản văn hóa của dân tộc là một việc lớn, và khó. Tác giả đã làm một việc như thế trong suốt ba phần đầu của sách. Một cống hiến xuất sắc nữa là tác giả đã đưa ra một chương trình kiến tạo lại đất nước để thật sự tiến về kỷ nguyên dân chủ đa nguyên, phồn vinh và phát triển.

Bàng bạc sau những trang viết là một tấm lòng nhân ái và tấm lòng lo trước của một công dân yêu tổ quốc thắm thiết.

Đoàn Xuân Kiên

(chuyên viên ngữ học, nhà bình luận - London, Anh Quốc)

Được đọc, góp ý và sửa chữa Tổ Quốc Ăn Năn là một niềm vui lớn cho tôi. Độc giả có thể đồng ý hay không đồng ý với tác giả, nhưng Tổ Quốc Ăn Năn là cuốn sách chính luận độc đáo nhất do một người Việt Nam viết ra trong thế kỷ 20. Nó cũng là một cuốn sách có thể dùng làm chuẩn cho thể văn chính luận tiếng Việt và, một phần nào, cho tiếng Việt nói chung. Rất ít khi tiếng Việt được sử dụng một cách chính xác và truyền cảm bằng trong cuốn sách này, nó làm cho người ta yêu tiếng Việt và tự hào về tiếng Việt. Chắc chắn nhiều độc giả sẽ đồng ý với tôi.

Nguyễn Văn Huy

(chuyên viên dân tộc học, nhà báo - Paris, Pháp)

Nguyễn Gia Kiểng không thích đi đường mòn. Hắn luôn khai phá. Luôn đặt ngược những sự việc đã tưởng mặc nhiên là thế, không cần bàn cãi nữa. Chuyện hắn thích chọc ngoáy những cái đã định hình, và chuyện về những vấn đề mà hắn đã nêu ra và sẽ còn nêu ra, là chuyện thường ngày, chuyện đương nhiên, không thể khác.

Chấp nhận hay không chấp nhận lập luận của Kiểng là việc của mỗi người đọc hắn, tùy thuộc ở nhãn quan, và cả tính tình, của người đó.

Cái mà Kiểng muốn là sự tranh cãi, chứ không phải những tràng vỗ tay. Hãy để cho hắn có cái mà hắn muốn. Tôi không thích tranh luận về những đề tài Kiểng nêu ra. Phần lớn chúng nằm ngoài thời biểu của tôi. Một số nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi.

Điều tôi ghi nhận ở những gì tôi đọc được của Kiểng là cái mới, cái độc đáo, của văn phong mang dấu ấn không trộn lẫn được của Nguyễn Gia Kiểng. Hắn đưa vào tiếng Việt những cách nói mới, có vẻ phương Tây đấy, mà lại rất Việt.

Sẽ có những người nghiên cứu ngữ ngôn đánh giá công lao của hắn, và biết đâu đấy, rồi đây họ lại chẳng trân trọng cho hắn hẳn một vòng nguyệt quế ?

Vũ Thư Hiên

(nhà văn, tác giả Đêm Giữa Ban Ngày, Pháp)

Một lần nữa, "kẻ hèn" Nguyễn Gia Kiểng lại làm một chuyện chẳng hèn chút nào : một quyển sách dầy 600 trang và buộc tất cả chúng ta phải xét lại toàn bộ những định kiến về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Chúng ta đã được hé thấy một phần suy nghĩ táo bạo của tác giả qua mấy bài đã được công bố trên báo lấy từ cuốn sách ra : bài về kẻ sĩ, bài về Quang Trung, v.v. Không ít người bực tức vì những niềm tin sắt đá được nuôi dưỡng từ nhỏ, từ trong gia đình ra ngoài xã hội đến vào học đường, bỗng một sớm một chiều bị lung lay tận gốc rễ. Nhưng ở trong đời, chính những biến cố lớn, những vụ động đất mới dễ làm cho ta thức tỉnh.

Đồng ý hay không là một chuyện, nhưng có điều chắc là sống mà tỉnh thức thì rất nên, nên lắm nữa là khác.

Nguyễn Ngọc Bích

(học giả, nhà báo, Hoa Kỳ)

Nguyễn Gia Kiểng thuộc hàng ngũ chuyên viên trẻ phải bỏ nước ra đi sau năm 1975. Sáng kiến, lối suy luận độc đáo, can đảm trí thức và lòng yêu nước đã tạo cho ông một thế đứng đặc biệt trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Các bài viết của ông từng gây ra tranh luận sôi nổi và tạo cho ông lắm kẻ thù nhưng cũng đem lại cho ông nhiều người mến mộ. Nếu cứ nhìn vào việc trước mà tính đến chuyện sau, người ta có thể đoán rằng cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn" sẽ gây ra nhiều tranh luận và kích thích được những suy nghĩ hữu ích.

Trong thư viết cho bạn bè, ông tâm sự rằng "nếu tôi nói lên được mười điều mà trong đo có chín điều sai, một điều đúng thì cũng là một đóng góp rồi". Lập luận đó làm tôi giật mình. Một người nhún nhường quá đáng hoặc đang bị "lửa đốt tâm can" mới thốt ra như vậy. Người làm chính trị mà như vậy, nhỡ người ta bảo rằng "anh này sai nhiều hơn đúng" thì sao ?

Nguyễn Mạnh Hùng

(giáo sư đại học George Mason, Virginia, chủ tịch Indochina Institute, Hoa Kỳ)

Nguyễn Gia Kiểng là một trí thức dám thẳng thắn và can đảm nói lên những điều mình nghĩ, mình tin là đúng, cho dù có làm phật lòng người khác. Đó là điểm son của Nguyễn Gia Kiểng. Khác với đa số người khác, chỉ nói cho "phải đạo" với đám đông.

Đinh Quang Anh Thái

(ký giả, cựu tù nhân chính trị, Hoa Kỳ)

Ông Nguyễn Gia Kiểng là một người vốn có ý kiến độc đáo về các vấn đề đất nước. Và cách trình bày của ông thường làm người khác ý kiến dễ bất mãn.

Nhưng - tôi nghĩ - chủ ý của ông Kiểng là bằng cách đó mới tạo ra tranh luận để các vấn đề được đào sâu.

"Tổ Quốc Ăn Năn", chỉ đọc cái đầu đề của cuốn sách đã muốn tranh luận rồi, huống chi đọc hết hơn 600 trang cuốn sách đa sự của ông.

Trần Bình Nam

(nhà hoạt động và bình luận chính trị, Hoa Kỳ)

Nguyễn Gia Kiểng nhìn về tương lai mà không để ý đến quá khứ. Thuần về phân tách mà xao lãng tổng hợp. Phê phán nhiều mà ít khi khen ngợi. Hình như chỉ muốn đi tìm đối thủ mà ít khi kết nghĩa bạn bè. Tuy nhiên điều kỳ lạ là mới gặp anh lần đầu mà tôi đã có cảm tưởng như đã quen biết từ nhiều kiếp trước. Anh phê phán nhiều vì dân tộc chúng ta đang dẫy chết trên xảo ngữ ngọt ngào. Anh chỉ phân tách vì chúng ta đầy ắp những tổng hợp vô giá trị. Anh dũng mãnh tiến vào tương lai vì đã gói ghém trong tâm thức quá khứ đau thương của dân tộc. Tôi coi Nguyễn Gia Kiểng là một đồng chí rất tốt trong cuộc đấu tranh cho tương lai Việt Nam.

Đào Tăng Dực

(luật sư, Hiệp Hội Dân Chủ Pháp Trị, tác giả Việt Nam Dân Chủ Tranh Đấu Luận, Úc)

Nếu giá trị của nghị luận chính trị là thúc đẩy người đọc hình thành một nhận định, có một thái độ và từ đó (nếu có thể) làm một hành động chính trị, thì Nguyễn Gia Kiểng là người thành công nhất ở hải ngoại và trong một giới hạn nào đó, cả ở trong nước.

Tại sao những bài viết của Nguyễn Gia Kiểng có sức hấp dẫn người đọc ? Tôi cho là ông Nguyễn Gia Kiểng nắm được cả hai yếu tố nội dung và hình thức khiến một bài nghị luận phải được chú ý. Đó là ý tưởng và nghệ thuật diễn đạt ý tưởng.

Nhờ có đầu óc cấp tiến, một kỹ thuật phân tích thuận lý và một cách lý luận thông minh, Nguyễn Gia Kiểng gây hứng khởi cho rất nhiều suy nghĩ về tương lai Việt Nam. Giá trị các bài viết của Nguyễn Gia Kiểng còn được nhân lên nhiều lần nhờ lối hành văn trong sáng.

Bằng một thái độ tranh luận thẳng thắn, lương thiện và triệt để, Nguyễn Gia Kiểng đã tạo được sự chú ý của dư luận qua nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi trong nhiều tầng lớp người Việt hải ngoại. Cũng chính những đức tính ấy đã góp phần tạo nên sắc thái độc đáo của riêng một Nguyễn Gia Kiểng trên diễn đàn dân chủ hiện nay.

Sơn Dương

(ký giả, Úc)

Tổ Quốc Ăn Năn là kết quả của một cuộc khảo cứu, sưu tầm, nghiền ngẫm rất công phu. Nó là một cống hiến rất lớn cho công cuộc giải quyết vấn đề trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam ngày nay, và trong tương lai.

Ông Kiểng nói Tổ Quốc Ăn Năn là "một cuốn sách của một người Việt Nam viết cho những người Việt Nam". Đúng vậy ! Ông đã đưa ra một lối tiếp cận cung cấp cho những người Việt Nam thực tâm muốn giúp dân Việt Nam tìm một lối thoát ra khỏi một tình trạng bế tắc kéo dài từ hàng chục, hàng trăm năm nay, một phương pháp sưu khảo sâu rộng, đa diện, phân tách cặn kẽ, khách quan, suy ngẫm chính xác, nhận định lương thiện, giúp họ ý thức được rằng muốn biết căn nguyên của tình trạng nô lệ nghèo khổ của họ và lạc hậu của xứ sở mình, họ phải tìm trong lãnh vực văn hóa tâm lý những nết tật mà người Việt Nam mang trong cơ thể tâm thần của họ, những nết tật mà họ đã tiêm nhiễm và truyền cho nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Ông Kiểng nhấn mạnh rằng muốn biết rõ thực trạng của xứ sở và tìm ra được một lối thoát, phải có một cái "nhìn vượt thoát". Do đó, cuộc tái xét phải toàn bộ, bao gồm suốt dòng lịch sử Việt Nam. Đây là một lối tiếp cận rất mới, và rất hiệu nghiệm, theo nghĩa "powerful" của giới khoa-kỹ Mỹ.

Tôn Thất Thiện

(giáo sư, nhà nghiên cứu và bình luận chính trị, Canada)

Lập trường của Nguyễn Gia Kiểng là chỉ nên đưa ra những ý kiến mới, hoặc khác ; nếu mình nói ra mười điều mới trong đó có tới chín điều sai và chỉ có một điều đúng thì mình vẫn còn đóng góp được một cái gì đó, còn hơn là viết mười điều đúng cả mười nhưng đều là những điều đã biết rồi. Tôi cho đó là một thái độ khiêm tốn, tôn trọng thì giờ của người đọc.

Nguyễn Hữu Chung

(chuyên gia, nhà bình luận chính trị, Canada)

Nguyễn Gia Kiểng viết Tổ Quốc Ăn Năn không phải để "chửi cả nước." Đó là một công trình suy nghĩ đáng kể. Tổ Quốc Ăn Năn đưa ra những nhận xét sâu sắc, đôi khi độc đáo, cần thiết cho sự phản tỉnh của một dân tộc, bên cạnh những ý kiến làm người ta bực mình, muốn ngồi nhỏm dậy, viết bài phản bác. Tổ Quốc Ăn Năn đặt vấn đề một cách thẳng thắn, dứt khoát, can đảm, khác hẳn cái lối nghị luận nửa nạc, nửa mỡ, vô thưởng vô phạt, rào trước đón sau của người Việt Nam. Đó là một cuốn sách phải đọc. Khẩn cấp.

Trần Công Sung

(nhà văn, nhà báo - Paris, Pháp)

Nguyễn Gia Kiểng đã làm một cuộc duyệt xét lại hết, để nhìn ra những yếu kém, tật nguyền đã thành nếp trong con người Việt Nam. Đó là công việc lội ngược dòng cực kỳ khó khăn. Ngược dòng với chính mình, rồi ngược dòng với truyền thống vốn là một cái gì kiên cố không những hóa thạch nơi ý thức mà cả nơi vô thức của mỗi người. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật đó là một cuộc phá chấp, phá vỡ vô minh (tức là ngu dốt, hoặc tin mù quáng, không cần đến ánh sáng của trí tuệ). Vì vậy công việc của tác giả rất lớn lao, vừa phải có khả năng nội quan mãnh liệt để nhìn lại từ đáy sâu hồn mình cũng như dân tộc mình, vừa phải học hỏi một cách rất là bách khoa để chứng minh cho những luận cứ có thể là hoàn toàn mới của mình, về đất nước, lịch sử, ngôn ngữ, tâm lý... Việt Nam.

Tác giả không muốn nói mọi điều dễ dãi theo cảm tính để tự kỷ ám thị, đại loại như đất nước ta giàu đẹp, dân tộc ta anh hùng. Ông muốn lời nói của mình phải thuyết phục, và một khi đã tìm ra đủ bằng chứng và luận cứ, ông không ngần ngại nói ra những điều "động trời" đối với não trạng sẵn có của người Việt Nam. [...] Nhưng những trang sách để chứng minh những điều "ngược ngạo" đó mới là đáng kể, tất cả tài năng và tâm huyết của tác giả bộc lộ ở đây. Đó là công việc của một người đã thấy kết quả rất xấu và lần mò đi tìm hiểu tại sao như thế, và mỗi khi khám phá thấy được một nguyên nhân thì không kềm giữ được mà la lớn lên. Dĩ nhiên, nhân nào thì quả đó (hay ngược lại), cho nên những khám phá của tác giả sẽ đụng chạm đến niềm kiêu hãnh đã được đào tạo của chúng ta nhiều lắm.

Có điều lạ là dù có bị đau, nhiều khi đau lắm, chúng ta vẫn không dừng được mà vẫn say sưa, thích thú nữa, theo dõi từng bước đường tìm tòi chẩn đoán của tác giả. Trước tiên là nhờ vào lối trưng tài liệu độc đáo và luận giải rất thông minh và có văn tài, nhưng lý do thâm sâu hơn, đó là tự nơi thâm tâm, mỗi chúng ta đều ngầm thấy khoan khoái thỏa mãn, thấy một sự "đã đời" khi chạm đến các phanh phui ấy, chẳng khác nào như đang được bàn tay thầy thuốc nặn mủ cho một mụt nhọt bị nung đã lâu ngày.

Phạm Xuân Đài

(nhà văn, nhà báo, tạp chí Thế Kỷ 21 - California, Hoa Kỳ)

Những người ở lớp tuổi từ 20 đến 40 nên đọc cuốn sách này, lớp tuổi đó còn ít thành kiến và còn giàu nhiệt huyết hơn lớp đàn anh. Nhiều bạn trẻ chắc có thể cũng bất bình khi đọc những lời phê phán "tổ quốc của mình" trong đó. Ngay cuốn sách cũng là một thí dụ để tìm ra những nhược điểm mà tác giả nói đến, nếu không phải là nhược điểm của cả một dân tộc thì cũng là của một người Việt Nam. Nhưng đừng quá chú trọng đến các nhược điểm. Nguyễn Gia Kiểng không phải là người bi quan. Phần đầu cuốn sách anh phê phán người Việt Nam : "Chúng ta thiếu một cách tuyệt vọng tự hào dân tộc" (trang 63), nhưng sau cùng cũng viết, "Hành trang quan trọng nhất của chúng ta vẫn là niềm tin và hãnh diện âm thầm nhưng mãnh liệt ở trong lòng" (trang 593).

Tại sao một người tự mình ăn năn không đủ mà bắt cả Tổ Quốc phải ăn năn ? Nguyễn Gia Kiểng đã giải thích lý do : "Tổ quốc ăn năn thì tổ quốc sẽ hồi sinh, sẽ đẹp và mạnh" (trang 585). Liệu sau khi quý vị đọc xong cuốn sách này thì "tổ quốc sẽ hồi sinh, sẽ đẹp và mạnh" hay không, tôi không bảo đảm. Nhưng có lẽ nửa thế kỷ nay tôi mới nghe có người Việt Nam viết đến hai chữ Tổ Quốc, đến tình yêu nước, với tấm lòng thiết tha, chân thành như Nguyễn Gia Kiểng. Chỉ thái độ đó của một người Việt Nam cũng cho thấy Tổ Quốc Việt Nam của chúng ta vẫn sống, vẫn đẹp.

Vương Hữu Bột

(học giả, nhà văn, tạp chí Thế Kỷ 21 - California, Hoa Kỳ)

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt quyển sách 600 trang của Tổ Quốc Ăn Năn là xác quyết có dẫn chứng và phần lớn có tính thuyết phục : cần phải thay đổi nền văn hóa cổ truyền của người Việt bị thâm nhiễm từ Nho Giáo, một nền văn hóa bảo thủ, thui chột, giáo điều, độc tôn, hung ác và bạo hành... để đi đến một nền văn hóa cởi mở, khai quang, sáng tạo, bao dung, tương kính và đa phức đa nguyên. Đó là "vấn đề của mọi vấn đề", toát ra từ tác phẩm của anh.

Trên cơ bản, tôi đồng ý với những nhận định, phân tích và xác quyết nói trên của anh. Nhất là những suy tư đó đã được phát xuất từ "một con người hoạt động chính trị", như anh đã tự định nghĩa. Mà sách lược của "một người hoạt động chính trị" là phải có những tư tưởng vừa đúng, vừa giản đơn và sắc bén. Điều làm tôi suy nghĩ ở đây là : có lẽ nhu cầu giản đơn và sắc bén đôi khi có làm lu mờ đi chăng những nội dung toàn diện và căn bản, cũng như một tư duy tương phản và nghịch lý của thực tại.

Lưu Hồng Khanh

(mục sư, thiền sư, học giả - Frankfurt, Đức)

Không hay ho gì, thậm chí dại dột nữa, lại đi thú nhận tôi thường không dành nhiều thì giờ cho các trước tác của người Việt ta, trong và ngoài nước. Một tình cờ, Tổ Quốc Ăn Năn đến với tôi, và, một bất ngờ, tôi đã đọc nó gần như một mạch với nhiều bàng hoàng, hứng thú, kính phục, yêu thích, phấn khích… Rồi tôi không ngớt giới thiệu trong chỗ quen biết một quyển sách viết về đất nước ta và con người chúng ta trong số rất ít những quyển sách thuộc loại này hay nhất từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc.

Con người thuần lý, năng động và thực tiễn ấy của xã hội công nghiệp hiện đại, thoát thân từ cảnh quan của đồng quê sông Hồng và, phần nào có thể xem thuộc lớp "những người Mohican cuối cùng" của nền văn hóa "giáo khoa thư", của các bậc tôn túc Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc…, Nguyễn Gia Kiểng ấy, dù không nhiều thời gian, không sẵn điều kiện, vẫn đầu tư công sức còn lại cho một cái nhìn thật bao quát, thật xuyên suốt, thật tập trung vào nhiều vận động chủ yếu của Đất Nước và Con Người Việt ta, và nêu lên, và đề nghị những đường hướng khả thi mà, theo anh, là tối ưu.

[…]

Thú thực từ lâu tôi có cảm giác như mình phần nào đó thuộc lớp người "thiếu quê hương", hoặc "kẻ cô đơn trong các cuộc cách mạng" (le solitaire des révolutions) đã quên và muốn quên "vũ trụ giai phận sự". Thế rồi, cứ gọi là gặp đi, gặp một Nguyễn Gia Kiểng trời ơi đất hỡi ở bên Tây, thế rồi chẳng biết số kiếp sắp đặt thế nào lại gặp một anh "ta" cũng rất vu vơ ở ngay nước ta. Đầu đuôi câu truyện thế này : một hôm tôi ngồi trong một quán bia với một bạn trẻ và trao đổi về vụ khủng bố ngày thứ Ba đen tối ấy. Tôi để ý một người ngồi gần tôi, cũng còn trẻ thôi, đăm đăm nhìn tôi như một "cá chìm", rồi bỗng nhiên anh ta hỏi tôi về khả năng tấn công Afghanistan của Mỹ, về thân phận người dân Afghanistan dưới chế độ Taliban, về bản thân đất nước ta và dân tộc ta, về các vụ tự thiêu ở Thiên An Môn,… Tôi né tránh bày tỏ thái độ "quá" rõ ràng. Cuối cùng anh ta đứng dậy, bắt tay tôi rất chặt và nói trước khi đi thẳng : "Ông đã ăn đủ uống đủ của Trời Đất rồi, sao còn che chắn kỹ thế ?".

Thực tình tôi cũng không cảm thấy xấu hổ lắm như đáng ra tôi phải thế.

Nhưng quả thật nơi tôi cũng có "vấn đề" đấy. Hôm nay cầm bút "lời quê chép nhặt dông dài" là để giải tỏa phần nào cái "có vấn đề" ấy.

Điều tôi viết, dù dở dù không, dù bạn đọc thấy dở thấy không, tôi vẫn xin thành thực qua đây gửi lời cảm ơn đến các bạn và đến hai con người "gặp gỡ nhất thời duyên vạn kiếp" ấy.

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2001

Tinh Tiến

Tinh Tiến tên thật là Đặng Phúc Lai (1934-2003), triết gia và toán học gia, cựu tù nhân lương tâm, rời Việt Nam năm 2002, mất tại Paris (Pháp) đầu năm 2003. Hai đoạn trên là đoạn đầu và đoạn cuối của một nghiên cứu dài 80 trang về Tổ Quốc Ăn Năn do tác giả viết và phổ biến tại Hà Nội năm 2001.

[...] Những điểm tranh luận trong cuốn sách, nếu có (và đã có) thì có lẽ do cách viết có tính khẳng định của ông, chứ không phải do hình thức trình bày không ghi xuất xứ của ông, vì tất cả những khẳng định của tác giả đều căn cứ trên các cứ liệu có thể tìm thấy. Lập luận của Nguyễn Gia Kiểng thông qua cách viết khẳng định. Thí dụ ở trang 163, khi nói về giai đoạn Thiên Chúa Giáo phát triển ở Việt Nam, ông viết : "Quần chúng Việt Nam không còn nhìn các vua chúa như những đại diện của Trời mà họ phải phục tùng vô điều kiện nữa". Chữ "không" của tác giả khẳng định quá, trong khi câu kế đó ông nhận định rất đúng là "bớt sợ".

Nhưng có phải những điểm trích trên là sơ hở của tác giả không. Lần này tôi lại "khẳng định" là không. "Không" nếu chúng ta đọc toàn bộ cuốn sách không phải là để hiểu chữ hay vặn vẹo nghĩa chữ mà để nắm bắt luồng tư tưởng của Nguyễn Gia Kiểng. Ta hãy đọc Tổ Quốc Ăn Năn bằng cách như thế này - một đề nghị rất chủ quan - là nghe một người (Nguyễn Gia Kiểng) đang nói, hay đang thuyết trình, hay đang trả lời một câu hỏi từ hàng thính giả. Nghĩa là ta đang nghe một người đang trình bày luồng tư tưởng của mình trước một cử tọa biết lắng nghe, tốt hơn nữa nếu có thể hình dung người đó đang đứng trước mặt mình, nhìn rõ tay chân, diện mạo, cách diễn đạt, khi nào nghe mệt thì có thể nghỉ giải lao năm mười phút (hết một phần hay một chương sách), trong thời gian nghỉ (ngơi) đó người nghe cứ nghĩ (suy) về phần đã nghe, sau đó lại vào nghe tiếp.

Tôi đã đọc Tổ Quốc Ăn Năn bằng cách nghe như vậy, và luôn luôn cảm thấy hứng thú, cảm thấy bị thuyết phục với lời biện luận hùng hồn, súc tích nhưng đủ thông tin, có khi hơi dư thông tin vì có nhiều lúc luồng tư tưởng của người trình bày lập lại nhiều lần, thí dụ về văn hóa vô tổ quốc của Khổng Giáo, nhưng dù có lập lại, thì mỗi lần lập lại nảy sinh một biện luận mới, làm đà cho một luồng tư tưởng mới, có khi nghe xong rất lấy làm khoái trá.

Sông Lô

(chuyên gia ngữ học, nhà phê bình, thuộc thế hệ sau 1975 - Melbourne, Úc)

Điều gì có thể bảo đảm là chúng ta sẽ không chọn lầm đường như sự lựa chọn từ chối phương Tây hai thế kỷ trước hay sự lựa chọn chủ nghĩa cộng sản một thế kỷ sau đó ? Chúng ta phải làm gì để không sai lầm ở những khúc rẽ khác của lịch sử ? Sự đóng góp quan trọng của Nguyễn Gia Kiểng là đặt ra những vấn đề gai góc đó trong nhận thức của chúng ta. Tổ Quốc Ăn Năn là một cố gắng dở dang. Nếu không đồng ý với người viết thì trách nhiệm của người đọc là phải tự tìm lấy câu trả lời cho chính mình.

Trần Trung Việt

(kỹ sư, thuộc thế hệ sau 1975 - Pennsylvania, Hoa kỳ)

Nội dung chuyển tải trong sáu trăm trang sách đã cho độc giả cơ hội quý báu để được tiếp cận với một khối lượng kiến thức đồ sộ, bao gồm những nhận xét thật tinh tế trước những vấn đề của đất nước. Những lời tâm huyết được trải rộng qua Tổ Quốc Ăn Năn cùng với nội dung tim óc của dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 đã cho tôi một niềm tin thật vững vàng.

Nguyễn Văn Hiệp

(kỹ sư, chủ tịch cộng đồng người Việt tại Charlotte, thuộc thế hệ sau 1975 - North Carolina, Hoa Kỳ)

Tổ Quốc Ăn Năn - Cẩm nang dân chủ và phát triển Việt Nam

Tôi được đọc cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn sớm, chỉ mấy ngày sau khi một lão thành cách mạng nhận được cuốn sách. Có thể nói, chưa có cuốn sách nào tôi đọc đi đọc lại nhiều lần như vậy. Tôi có ý định viết về cuốn sách đã lâu, song vẫn chần chừ vì sợ rông mình không thể hiện được hết ý nghĩa của cuốn sách đối với bản thân và một phần, cũng phải có thời gian nghiền ngẫm có điểm nào băn khoăn để trao đổi cùng tác giả.

Trước khi đi vào nội dung và ý nghĩa của cuốn sách, cần làm rõ hai điều. Thứ nhất, tôi chỉ viết lên những cảm nhận và những điều tâm đắc của mình chứ không phải là nhận xét và đánh giá về cuốn sách bởi vì tôi thực sự không đủ kiến thức và trình độ để làm việc đó ; thứ hai, đây hoàn toàn là ý kiến cá nhân, dựa trên một hiểu biết và một điều kiện hoàn cảnh cụ thể của một con người cụ thể.

Việc liệt kê những ưu điểm của cuốn sách là thừa bởi bất cứ người đọc nào cũng đều nhận thấy khi được tiếp xúc với một khối lượng kiến thức khổng lồ, những triết lý thực tiễn sâu sắc, văn phong trong sáng, khúc triết thể hiện trong toàn bộ tác phẩm. Bản thân tôi khi đọc cuốn sách đã thu lượm được rất nhiều bổ ích, vượt quá sự mong đợi bởi vì có nhiều điều rất mới mẻ mà tôi hoàn toàn chưa nghĩ tới, có những điều được khẳng định thêm và cũng có những điều cần điều chỉnh. Nhận thức của tôi được bổ sung và hoàn thiện trên một số vấn đề lớn như : chiều sâu của sự phát triển, định hình về cấu trúc dân chủ trong tương lai, tự do là cứu cánh của phát triển, tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Tâm lý và văn hóa của một dân tộc quyết định chiều sâu của sự phát triển - đây là một bất ngờ lớn, rất thú vị đối với cá nhân tôi. Trong nhận thức trước nay, cũng như rất nhiều người, tôi cho rằng nguyên nhân chính đã kìm hãm sự phát triển của đất nước là cơ chế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp và sự biến dạng của nó dựa trên sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản. Chính vì vậy mà mục tiêu của các lực lượng dân chủ chỉ đơn thuần là xóa bỏ cơ chế đó, xây dựng các thiết chế dân chủ. Điều này có thể là đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ, tất cả những thay đổi trên phải dựa vào sự thay đổi về tâm lý và văn hóa dân tộc mới bảo đảm sự phát triển ổn vững trong tương lai. Định hướng lớn này giúp tôi hình dung được quy mô và mức độ của những khó khăn và trở ngại cho cuộc vận động dân chủ đi tới thành công, song nó đã chỉ rõ con đường mà mình bắt buộc phải đi tới.

Cấu trúc dân chủ trong tương lai được phác hoạ tương đối rõ nét trong tác phẩm. Tác giả, với khả năng quan sát tinh tường dựa trên một kiến thức uyên bác, đã phân tích và so sánh chế độ cộng hòa tổng thống và cộng hòa nghị viện. Ông đã vượt qua được phản xạ tổng thống, được hình thành chủ yếu từ sự đồng nhất chế độ tổng thống với thành công của một quốc gia đặc thù là Hoa Kỳ, để khẳng định ưu thế vượt trội của chế độ đại nghị. Mặt khác, tác giả đã nêu bật tất cả phúc lợi mà một chế độ dân chủ tản quyền đem tới như sự phát triển đồng đều ở tất cả các khu vực, giảm thiểu những thủ tục hành chính của cơ chế tập trung, loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực của giới quân nhân đối với sinh hoạt chính trị v.v. Tôi rất tâm đắc với những phân tích của tác giả về cơ chế tản quyền trên nhiều điểm, ví dụ như băn khoăn của tôi về ảnh hưởng tiêu cực của giới quân đội đối với các xã hội châu Á khi chuyển sang chế độ dân chủ đã được giải toả. Tóm lại, chế độ dân chủ đại nghị dựa trên cơ chế tản quyền sẽ phát huy tối đa tiềm năng cũng như đem lại tất cả phúc lợi cho người dân ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Một vấn đề quan trọng trong nhận thức của tôi được củng cố là quan điểm tự do là cứu cánh của phát triển. Một cá nhân hay một dân tộc xét cho cùng sự hơn kém phụ thuộc vào khả năng sáng tạo, mà tiền đề của sáng tạo là tự do. Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất tự do của con người và trên nền tự do, mỗi một cá nhân phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình để thúc đẩy toàn xã hội tiến lên. Đây là điểm nhấn cần thiết trong tiến trình dân chủ hóa đất nước tránh tình trạng xã hội chỉ có dân chủ trong tuyển cử.

Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc tôi đã từng được nghe nhưng chưa có sự chú ý cần thiết. Đúng là nếu không có những phân tích, đánh giá về con người Việt Nam, nguồn gốc những bi kịch của dân tộc trong "Tổ Quốc Ăn Năn" có lẽ tôi đã bỏ qua luận điểm vô cùng quan trọng này. Tôi đồng ý với tác giả, hòa giải và hòa hợp dân tộc đang và sẽ là một triết lý mới của thế giới hiện nay. Nhưng theo thiển nghĩ của tôi, có lẽ hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng là một nội dung mới của công cuộc đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ. Sở dĩ tôi nghĩ như vậy vì nguồn gốc của những chia rẽ của dân tộc là do chúng ta đã không nhìn nhận cá nhân như một con người với đầy đủ quyền làm người trước khi nghĩ họ là người thiên chúa giáo, phật giáo, quốc gia, cộng sản. Chính vì vậy mà khi thực hiện hòa giải cũng chính là lúc ta thừa nhận con người với đầy đủ quyền làm người của họ.

Liên quan đến vấn đề này là thực tiễn nhức nhối của nước ta hiện nay. Việc triệu tập cưỡng ép hơn 20 người, cắt điện thoại của 7 người, quản chế người này, người kia của giới cầm quyền hiện nay đã vi phạm nghiêm trọng quyền làm người (giới hạn trong chính hiến pháp của chế độ này). Không những thế người ta còn cả một chiến dịch tố cáo và lên án những người đấu tranh cho tự do dân chủ trên báo chí. Tôi có theo dõi chiến dịch này và có người khuyên tôi viết bài tranh luận nhưng tôi từ chối. Lý do là việc tranh luận phải có diễn đàn, công khai và công bằng. Hai là, theo kinh nghiệm của tôi khi còn ở Tạp Chí Cộng Sản, bản thân những người viết bài chưa chắc đã được đọc những tài liệu mà họ tố cáo và lên án (tôi còn nhớ khi Tạp Chí Cộng Sản tổ chức viết bài đấu tranh với tướng Trần Độ, khi đặt bài cộng tác viên, hỏi những tài liệu của ông Trần Độ thì Ban biên tập lại không đưa - thật khôi hài). Ba là, trong thời gian tôi bị triệu tập đầu tháng chín vừa qua, khi trao đổi với một công an, anh ta nói rằng khi nào có điều kiện rất muốn tranh luận với tôi về vấn đề tự do dân chủ. Nhưng chỉ lúc sau anh ta lại nói việc đấu tranh cho tự do, dân chủ là vi phạm kỷ cương phép nước, cho các anh tự do là các anh muốn đánh ai thì đánh, muốn đốt nhà ai thì đốt. Có lẽ những nhà lưỡi gỗ cũng có quan điểm tương tự như anh công an kia, đồng nghĩa tự do, dân chủ với việc muốn đánh ai thì đánh, muốn đốt nhà ai thì đốt. Với những quan điểm như vậy thì không thể và không nên tranh luận. Tuy vậy, trong chiến dịch tuyên truyền vừa qua có một điểm mà tôi lưu ý, đó là ý kiến cho rằng con đường mà Đảng cộng sản lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, đem lại nhiều điều tốt đẹp cho nhân dân và không còn gì phải bàn luận. Tôi không nghĩ như vậy.

Cách đây khoảng hai năm, tức là những ngày cuối thế kỷ 20, tôi có trao đổi vấn đề có nội dung tương tự với một số người, đại ý là : nước ta trong suốt thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng và sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng cộng sản hay nói cách khác, Đảng cộng sản là chủ thể chủ yếu lãnh đạo và quản lý đất nước.

Đến cuối thế kỷ, tổng kết lại những cái được và chưa được (mất) trên cơ sở loại bỏ yếu tố khách quan (khách quan bao giờ cũng có thuận và nghịch, không thể dùng nó để biện minh hoặc thay thế yếu tố chủ quan) thì kết quả rất rõ ràng và đau đớn : Được : Độc lập dân tộc. Mất : 1. hy sinh khoảng 4-5 triệu người, thương tật cũng khoảng con số đó ; 2. Việt Nam là một trong vài chục nước nghèo nhất thế giới ; 3. Nền tảng đạo đức bị phá hủy nghiêm trọng. Ý kiến này tôi chưa thấy bất kỳ ai phản đối, thậm chí có người còn bổ sung về nội hàm của độc lập dân tộc ngày nay cũng khác trước, nhấn mạnh tới độc lập về kinh tế, yếu tố này xem ra hiện nay khá mong manh. Xin hỏi các nhà tuyên huấn, với tổng kết về kết quả như vậy, vấn đề con đường có nên đặt lại và thảo luận hay không ?

Tổ Quốc Ăn Năn còn rất nhiều gợi mở đặc sắc cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và giáo duc.Một ví dụ,tác giả đặt vấn đề, phân tích rất sâu sắc dựa vào việc khảo sát lịch sử Việt Nam, Cao Ly và đã khẳng định, Việt Nam chỉ có thể phát triển trên cơ sở sử dụng thành thạo và phát triển không ngừng tiếng Việt. Chúng ta tư duy bằng ngôn ngữ trước khi trình bày vì vậy việc phát triển và làm phong phú tiếng mẹ đẻ chính là phát triển tư duy, phát huy khả năng sáng tạo.

Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi có một số điều băn khoăn muốn trao đổi cùng tác giả. Trước hết, cuốn sách là một công trình khoa học lớn, công phu mà theo thiển nghỉ của tôi, tác giả đã dùng nhiều phương pháp tiếp cận, nghiên cứu mới. Hơn thế nữa, tôi được biết hiện nay đang có một sự thay đổi lớn về phương pháp luận trong khoa học. Người ta đang từ bỏ dần các phương pháp quy giản luận, tất định luận, những quy luật thống kê vv và đang thừa nhận từng bước các luận đề : tương lai là bất định, hỗn độn và vô trật tự chi phối hiện thực khách quan. Chính vì vậy sẽ là đầy đủ hơn nếu tác giả có một chương riêng khái quát về bức tranh đang thay đổi của phương pháp luận khoa học hiện nay. Điều này sẽ vô cùng bổ ích cho người đọc, nhất là lại được minh hoạ bằng những thực tiễn sống động mà tác giả đã quan sát và trải qua.

Trước đây tôi có được đọc một bài ngắn nghiên cứu về dân chủ. Ở đó người ta phân biệt các nước dân chủ trên thế giới thành hai nhóm nước, đó là dân chủ tự do và dân chủ tuyển cử. Nhóm nước phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp... thuộc về dân chủ tự do. Còn phần lớn các nước, cũng có đầy đủ các thiết chế dân chủ, nhưng nền kinh tế chưa phát triển thuộc về dân chủ tuyển cử. Do điều kiện hạn chế về tài liệu, tôi cũng chưa rõ cơ sở của sự phân chia này và tiêu chí để dánh giá, phân loại các nước. Nếu trong phần nói về dân chủ của cuốn sách có phân tích về vấn đề này sẽ càng tăng thêm sự sâu sắc vốn có của tác phẩm. Một ý nhỏ, trong phần khái niệm, nếu tác giả có thêm khái niệm xã hội công dân sẽ rất hay vì đây là một nội dung lớn của nền dân chủ nhưng độc giả trong nước còn rất xa lạ với khái niệm này.

Một vấn đề không liên quan tới nội dung mà là sự thể hiện. Trong phần đất nước và con người, tác giả đã phân tích và phê phán tâm lý và văn hóa của con người, dân tộc rất mạnh dạn và dũng cảm. Tôi đồng ý với những phân tích của tác giả mặc dù có cảm giác như vừa nuốt một cái gì cực lớn và cực đắng mà dường như không nuốt nổi. Song, có cần dùng những lời lẽ quá gay gắt thế không khi mà bản thân nội dung cũng đã đủ nặng nề với độc giả ?

Với tất cả nội dung của cuốn sách, Tổ Quốc Ăn Năn đã thành công khi phác hoạ chân dung con người và dân tộc Việt Nam. Tác giả đã chỉ rõ chúng ta là ai, chúng ta từ đâu tới, tại sao chúng ta như ngày nay và chúng ta sẽ đi về đâu. Giới hạn bởi kiến thức lịch sử sẵn có, nhiều lúc tôi rất hoang mang về những vấn đề, những sự kiện lịch sử mà tác giả lật lại, song tôi vẫn tin vào tác giả như tin vào một người suốt đời suy tư và tranh đấu cho dân tộc, đất nước mình.

Thưa tác giả, ở Việt Nam đã có chim. Tôi đã nhìn thấy những đàn chim 5 đến 7 con, ở nông thôn nhiều hơn. Cân bằng sinh thái đang trở lại, hy vọng sự cân bằng cũng sẽ trở lại trong tâm hồn người Việt Nam./.

Hà Nội, ngày 31/12/2001

Nguyễn Vũ Bình

Ghi chú : đúng hai năm sau ngày bài viết này, 31/12/2003, Nguyễn Vũ Bình bị xử 7 năm tù và 3 năm quản chế. Anh đã tuyệt thực hai tuần lễ để phản đối bản án vô lý.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2109 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)