Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

21/03/2020

"Vận động tái họp Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973"

Nguyễn Quốc Khải

Một tổ chức có tên là Ủy ban Vận động tái họp Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973 vừa được thành lập để vận động một hội nghị quốc tế để xử lý những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông. Ủy ban này gồm những thành viên là Luật sư Lâm Chấn Thọ, Giáo sư Nguyễn Chính Kết, Linh mục Bùi Phong và bà Lisa Nguyễn. 

Một thỉnh nguyện thư do Linh mục Bùi Phong soạn thảo đã được đệ trình Tòa Bạch Ốc vào ngày 15/3/2020. Cho tới 4g chiều 19/3/2020, thỉnh nguyện thư này đã thu thập được 2.723 chữ ký. Muốn được Tòa Bạch Ốc cứu xét, thỉnh nguyện thư phải có ít nhất 100.000 người ủng hộ trong 30 ngày. 

Linh mục Phong cho biết việc đệ trình thỉnh nguyện thư lúc này rất thuận tiện vì cả thế giới đang tức giận vì "Chinese virus". Còn đợi cho hết cuộc khủng hoảng này thì khó biết được đến bao giờ. 

nqk1

Theo nội dung của thỉnh nguyện thư, UBVĐHNQT-HĐ PARIS 1973 kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ thực hành đạo luật PL 93-559 triệu tập một hội nghị quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris 1973. Ủy ban không nhắm phục hồi Hiệp định Paris 1973, mà chỉ dùng Hội nghị Paris 1973 để chống lại việc Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông. 

nqk2

Luật sư Lâm Chấn Thọ trong buổi hội luận trên Facebook vào ngày 15/03/2020 đã xác nhận rằng ông không bao giờ chủ trương phục hồi Hiệp định Paris 1973. Ông Thọ từng hợp tác với ông Nguyễn Ngọc Bích và ông Hồ Văn Sinh của Ủy ban lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, ông Bích nhiều lần tuyên bố rằng ông chủ trương phục hồi Hiệp định Paris 1973 để tái lập Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam và với danh nghĩa này, Việt Nam Cộng Hòa sẽ đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Hồ Văn Sinh trong cuộc họp báo "quốc tế" tại National Press, Washington-DC vào ngày 30/04/2019 một lần nữa "kêu gọi thế giới yểm trợ cho Việt Nam Cộng Hòa trở lại". 

Bà Trần Thị Ái Liên, một trong hai người điều hợp cuộc hội luận, khẳng định rằng nếu nghĩ rằng Hiệp định Paris sẽ dẫn đến việc chia đôi đất nước một lần nữa là một sai lầm vì đây là một cố gắng tập họp một hội nghị quốc tế để xử lý việc vi phạm Hiệp định Paris 1973, chứ không phải để tái lập Hiệp định Paris 1973, không phải là để "dựng lại một xác chết đã chôn lâu ngày". Theo bà Liên không ai ngu dại gì lại chia đôi đất nước Việt Nam. Đó là một trò chơi quá khứ. Chia đôi đất nước không có lợi gì cho Mỹ và Trung Quốc. 

Tuy nhiên theo cựu Trung tá Lê Nguyễn Công Tâm (biệt danh), một thành viên trong Chính phủ pháp định Lệ Trong Quát và là một cố vấn ngoại vi của Tổng thống Donald Trump theo lời ông kể, cuộc hội luận có vài lấn cấn. Theo đúng Hiệp định Paris 1973, miền Nam Việt Nam sẽ phải có một cuộc tổng tuyển cử để dân lựa chọn người lãnh đạo giữa hai phe Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Không một thành viên nào trong cuộc hội luận có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề do ông Tâm nêu lên. Như vậy điều này có nghĩa là việc chia đôi Việt Nam không thể tránh được.

Mục đích của tổ chức phô bầy ngay trên danh xưng "Ủy ban tái họp Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973". Điều này dễ làm cho độc giả hiểu rằng những thành viên trong tổ chức muốn có một hội nghị quốc tế theo khuôn khổ của Hiệp định Paris 1973 để thảo luận về hiệp định này. Tuy nhiên thỉnh nguyện thư lại nhấn mạnh về việc dùng Hiệp định Paris 1973 để xử lý về việc Trung Quốc không tôn trọng sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam khi xâm chiếm Biển Đông. Một điều cần chú ý là Trung Quốc cũng như Liên Xô được mời tham dự hội nghị quốc tế về Đông Dương. Hai quốc gia này không ký vào Hiệp định Paris 1973 mà chỉ ký vào Định ước quốc tế về vấn đề Việt Nam, bảo đảm việc thực thi Hiệp định Paris 1973. 

Ngoài ra, Việt Nam Cộng Hòa (Republic of Vietnam) không còn hiện diện trên thực tế và trên căn bản pháp lý. Vì vậy bao gồm Việt Nam Cộng Hòa trong thỉnh nguyện thư mà Linh mục Bùi Phong và Luật sư Lâm Chấn Thọ cho là một điều siêu việt, hiển nhiên không có tác dụng. Chính phủ hiến định của ông Lê Trọng Quát cũng không có một căn bản pháp lý nào cả để đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa. Ngay cả chính phủ lưu vong Nguyễn Bá Cẩn, trước ông Lê Trọng Quát, cũng chỉ có cái tên, không phải là chính phủ cuối cùng của miền Nam Việt Nam, không được ai công nhận. 

Chính Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay mới có danh chính ngôn thuận để kiện Trung Quốc, nhưng rất tiếc họ chưa làm. Nếu Hà Nội chính thức lên tiếng, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ngay. Nếu ủng hộ thỉnh nguyện thư, Hoa Kỳ sẽ tạo mâu thuẫn với Hà Nội. Đó là điều Hoa Kỳ sẽ không bao giờ làm trong hoàn cảnh hiện nay.

nqk3

Theo Giáo sư Nguyễn Chính Kết, việc trình thỉnh nguyện thư là một việc làm khá hiệu quả so với những cuộc vận động Quốc hội mà ông đã từng tham dự. Thỉnh nguyện thư và Hiệp định Paris có sẵn luật lệ dễ được chính quyền thi hành. 

Trong quá khứ, Ủy ban Luật gia Việt Nam của Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Ủy ban Luật gia bảo vệ Nhân quyền của Luật sư Nguyễn Hữu Thống đã không thành công trong việc trở lại Hiệp định Paris 1973 vì không được Pháp và quốc tế hỗ trợ. 

Trong một buổi hội thảo vào cuối năm 1987 tại Paris do do Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 tổ chức, ông Henri Kissinger, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Richard Nixon, giải thích rằng : 

"Hoa Kỳ không phản ứng khi Hà Nội vi phạm hiệp định vì Hoa Kỳ đang bị lúng túng với vụ Watergate. Dư luận Hoa Kỳ cho rằng Hoa Kỳ đã rút hết quân rồi, việc Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris xâm chiếm miền Nam là việc nội bộ của Việt Nam, Hoa Kỳ không thể nào nhân cơ hội này trở lại Việt Nam để bị lôi cuốn một lần nữa vào ‘vũng bùn chiến tranh’ và Quốc hội Mỹ cũng không chấp nhận".

nqk4

Ông Hồ Văn Sinh từng tuyên bố Canada đã ủng hộ việc triệu tập một hội nghị về Hiệp định Paris 1973. Ông Lâm Chấn Thọ cũng nói tại buổi họp của Chính phủ pháp định Việt Nam Cộng Hòa tại Garden Grove vào 21/09/2019 rằng "chính phủ Canada đã đồng ý tái họp, Pháp đang xem xét và Ba Lan chắc chắn sẽ đồng ý". Tuy nhiên, chưa có thêm một bằng chứng nào khác để xác nhận như vậy 

Hoa Kỳ không đưa ra một quan điểm chính thức nào về việc vãn hồi Hiệp định Paris 1973 cho đến năm 1990. Sau khi cuộc vận động tại Tòa án Công lý Quốc tế không thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thống nhân danh Ủy ban Luật gia bảo vệ Dân quyền vận động thẳng với Chánh phủ Hoa Kỳ và được Tổng thống George H. W. Bush phúc đáp rằng Hoa Kỳ không trở lại Hiệp định Paris 1973 nữa. 

Cá nhân tôi mong Ủy ban vận động tái họp Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973 đạt được đủ chữ ký đúng thời hạn để được Tòa Bạch Ốc cứu xét và có một câu trả lời dứt khoát. Nhưng theo suy diễn của tôi cơ may để Hoa Kỳ có thể ủng hộ việc triệu tập một hội nghị quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris 1973 rất thấp và có thể nói là số không. 

Cách đây hai năm, Luật sư Lê Trọng Quát, nhân danh thủ tướng Chính phủ pháp định Việt Nam Cộng Hòa, đã gửi một lá thư ngỏ cho Tổng thống Donald Trump, đồng thời gửi cho lãnh đạo các nước Pháp, Anh, Canada, Nga, Nam Dương, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để xin "phục hoạt Hội nghị Paris nhằm thực hiện toàn vẹn các điều khoản của Hiệp định Paris 27 tháng 1, 1973". Nói một cách ngắn gọn, ông Quát muốn phục hồi Hiệp định Paris 1973.

Chúng ta chưa có may mắn được ông Quát chính thức cho biết phản ứng của Tổng thống Trump về việc này ra sao. Nhưng tôi đoán, nếu có một phản ứng tích cực nào đó, ông Quát đã cho mọi người biết rồi. 

Đối với Hoa Kỳ, Hiệp định Paris 1973 chỉ là một biện pháp mua thời gian để rút quân ra khỏi Việt Nam, một "Decent Interval". Hoa Kỳ bao lâu nay đã muốn quên hiệp định này.

Một vài thành viên tham dự hội luận cho rằng không có hi vọng ứng cử viên Joe Biden sẽ giúp cuộc vận động tái họp hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973 vì ông Biden chống Việt Nam Cộng Hòa và chống người tị nạn Việt Nam. Ông Donald Trump cũng không khá gì hơn vì ông từng nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tồi tệ, đáng nhẽ Hoa Kỳ không nên liên lụy vào.

Nguyễn Quốc Khải

(21/03/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quốc Khải
Read 1294 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)