Hiệp định Paris 1973 : Trong lòng âm mưu bức tử nền cộng hòa
Tuấn Khanh, RFA, 30/01/2023
Câu chuyện "Hiệp định Paris" được nhìn lại ở nửa thế kỷ, bất kỳ ai quan sát đủ, cũng có thể thấy đó là kế hoạch định trước từ nhiều thành phần, mà nội dung của hiện rõ sự bức tử một nền cộng hòa. Người Mỹ muốn phủi tay ở một cuộc chiến mà họ mệt mỏi theo đuổi với đồng mình của mình. Chính quyền miền Bắc cũng bám vào một cơ hội ngừng bắn mà cuộc sinh tử lộ rõ những thất cơ thuộc về mình, đồng thời toan tính bước hai của kế hoạch nếu có được một chính phủ liên hiệp. Và Kissinger, tay cố vấn Do Thái đã khuynh đảo mọi thứ theo toan tính riêng của mình. Việt Nam Cộng Hòa trở nên cô đơn hơn bao giờ hết khi bị dí tay vào hiệp ước, buộc ký trong một tình thế chẳng đặng đừng.
Cố vấn Kissinger và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Dinh Độc Lập năm 1972
Xung đột lớn nhất của hiệp ước này, là cuộc tranh cãi không ngớt giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cố vấn – bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger. Trong mọi suy tính của ông Kissinger là ép Việt Nam Cộng Hòa phải ngồi lại đàm phán với thế yếu cùng chính quyền Bắc Việt – Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Có thể ông Kissinger hình dung nếu Việt Nam Cộng Hòa đủ sức lèo lái, thì nước Việt Nam sẽ tự vật lộn với nhau trong 20 hay 30 năm, nước Mỹ sẽ rảnh tay lo chuyện khác về cuộc bắt tay mới Mỹ – Trung, mà nạn nhân tiếp theo, lịch sử được chứng kiến chính là Đài Loan vào tháng Một 1979.
Nhưng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì nhìn rõ âm mưu ấy, và cô đơn chống lại một cách quyết liệt. Điều này khiến năm 1972 là năm mà mối quan hệ Mỹ – Việt lúc đó hết sức căng thẳng. Khởi đầu, khi bản thảo của hiệp ước mang tên Hội đồng Hòa giải Dân tộc (Committee of National Reconciliation) được Kissinger soạn thảo và đưa cho Tổng thống Thiệu, ông Thiệu đã chỉ ra ngay đó là âm mưu trá hình của chính phủ liên hiệp – mà lại liên hiệp với những thành phần chỉ mang khát vọng vô cớ muốn ăn tươi nuốt sống nền cộng hòa miền Nam. Chiến cuộc Bắc Nam lúc đó đang vào thế rất cam go, vì dường như có tin bắn đi phía Mỹ – hoặc Kissinger – nên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức các đợt tấn công lớn và liên tục, không ngại tổn thất, có vẻ như một cách để phô trương thanh thế và tạo thượng phong cho việc bước vào hội nghị của hiệp định đang soạn thảo.
Ít ai biết, chiến thắng Quảng Trị vào tháng Chín 1972 có những giá trị đặc biệt quan trọng trong thời điểm đó. Điều này ảnh hưởng đến các lý lẽ ép buộc Việt Nam Cộng Hòa phải ngừng chiến của Kissingger. Thiếu vũ khí, thiếu sự hợp tác của Hoa Kỳ, quân miền Nam vẫn anh dũng chứng minh sức kháng cự của mình khiến mọi người kinh ngạc. Ngay cả Hà Nội cũng phải hạ giọng. Ngay vào ngày Quảng Trị được tái chiếm, ông Lê Đức Thọ vội đưa ra kế hoạch 10 điểm, gửi cho Kissinger về "Chính Phủ Hòa Hợp và Hòa Giải Dân Tộc Lâm Thời", mục đích để tạo ra một chính quyền Trung ương cho toàn cõi miền Nam. Kế hoạch này được Kissinger hậu thuẫn và sắp xếp để Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ngồi đối trọng ngang hàng với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Điều bất thường là những tính toán này, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Kissinger biết trước, còn ông Thiệu chỉ biết sau.
Khi Tổng thống Thiệu yêu cầu được đọc văn bản này với cả hai thứ tiếng Việt và Anh, ông chú ý ngay cụm từ mà Kissinger mô tả chính phủ liên hiệp rất mơ hồ là ‘Administrative Structure’, còn trong văn bản tiếng Anh có nghĩa như ‘Cơ cấu Quản trị hành chính’. Khi Tổng thống Thiệu chất vấn và đòi làm rõ về cụm từ này, thì Kissingger trả lời rất mập mờ rằng những thứ này chỉ là mô tả một tổ chức không thực quyền, và còn nhấn mạnh với Tổng thống Thiệu rằng "đây chỉ là một hội đồng đáng thương. Nó chẳng có quyền hành gì. Nó chỉ là một cơ quan tư vấn thôi ("It is a miserable little council. It has no power. It is only a consultative body", trich Tâm tư Tổng Thống Thiệu, tr.278).
Dĩ nhiên với một người thông minh như Tổng thống Thiệu, chuyện không thể đơn giản ngừng ở đó. Các cuộc tranh cãi gay gắt lại diễn ra. Khi ông Kissinger đơn phương họp báo và ca ngợi kế hoạch này với tuyên bố "Peace is at hand" như chuyện đã rồi, Tổng thống Thiệu đã gửi điện tín thẳng cho Tổng thống Nixon để phản đối. Lúc đó, cách giải thích của Kissinger với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không khác gì lời chào đón ở các trại hơi ngạt của phát xít Đức dành cho dân Do Thái, với câu cửa miệng là "các bạn sẽ được sắp xếp để ổn định cuộc sống". Nhưng kết quả là gì, thì gần nửa thế kỷ sau, nhân loại đã rõ. Tương tự vậy, câu chuyện Kissinger đứng sau bức màn của cuộc bức tử một nền cộng hòa non trẻ, cũng đã rõ sau vài thập niên đau đớn và thế giới trắng mắt chứng kiến.
Tuy nhiên, câu hỏi là làm sao Tổng thống Mỹ Nixon có thể bị Kissinger xỏ mũi như vậy ? Henry Kissinger muốn bảo vệ chủ thuyết chính trị chinh phục thế giới của mình nên tự biến mình xảo biện như là một ban tuyên giáo tuyên truyền, vô cùng tráo trở. Ông ta mô tả với Nixon về Tổng thống Thiệu và các tướng lĩnh thân cận là một tập thể diều hâu và hiếu chiến – và điều này sẽ buộc Mỹ phải gánh vác vô chừng hậu quả chiến phí. Diễn giải với Nixon, Kissinger nói ông Thiệu dù được giới thiệu nhiều giải pháp hòa bình, nhưng "ông ta (Thiệu) vẫn chưa sẵn sàng để ngưng chiến". Còn để thuyết phục Tổng thống Nixon đồng ý về kế hoạch chính phủ ba thành phần, Kissinger cũng nói mơ hồ là "Chỉ là một phương cách giữ thể diện cho cộng sản để che đậy sự thất bại của họ".
Tổng thống Nixon và cố vấn Kissinger năm 1972
Tin vào Kissinger và đồng thời chịu nhiều áp lực từ quốc nội Hoa Kỳ, Tổng thống Nixon đã từng ép Tổng thống Thiệu phải chấp nhận một chính phủ liên hiệp như vậy, đến mức gần như đe dọa. Ngày 21 tháng Mười, Kissinger tự mình đọc điện thư của Tổng thống Nixon cho Tổng thống Thiệu nghe như một tối hậu thư "Quyết định (phản đối) của ngài sẽ mang đến những hậu quả nghiêm trọng nhất về việc yểm trợ ngài và chính phủ miền Nam Việt Nam". Nói với tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn, Tổng thống Thiệu đã lo âu nói rằng nếu một chính phủ liên hiệp được lập ra như vậy, thế yếu sẽ thuộc về Việt Nam Cộng Hòa, và trong tương lai, việc bầy sói liên kết nuốt chửng miền Nam Việt Nam là điều chỉ là sớm muộn mà thôi.
Và rồi điều lo lắng nhất của tổng thống Thiệu cũng đã đến. Ngày 27 tháng Một năm 1973, Hiệp định Hòa bình Paris đã được ký kết với nhiều giằng co và bất mãn từ chính quyền của Tổng thống Thiệu. Tuy gọi là hiệp định hòa bình. Nhưng chiến tranh chưa bao giờ ngừng ở đó. Không có người dân Việt nào được chứng kiến một nền hòa bình thực sự trên bàn cờ sinh mệnh của một dân tộc tự do ấy, cho đến sự sụp đổ vào Tháng Tư 1975. Chỉ duy nhất có một nỗ lực ngày càng mạnh hơn, từ phía những phía muốn thủ tiêu hoàn toàn Việt Nam Cộng Hòa.
Kết thúc Hiệp định Paris, điều được các bên cùng ký xác quyết "Ngày 28/1/1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành". Và sự thật lịch sử đã diễn ra như thế nào, thì những ai quan tâm cũng đã biết. Báo Nhân Dân của Đảng cộng sản Việt Nam nhân kỷ niệm 50 ngày ký kết Hiệp định Paris, đã có bài viết với tựa lớn đầy tự hào "Hiệp định Paris 1973 - Đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm". Nghệ thuật mà bài báo ấy nhắc đến, chắc chắn không thể thiếu bóng tối của Henry Kissinger.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 30/01/2023
Vài dòng ký ức về cuộc chiến
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 31/01/2023
Sinh ra trong một làng quê nghèo vùng Công giáo thuộc miền Trung. Vùng đất có vị trí tự nhiên ngặt nghèo về mọi mặt, cộng thêm thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt.
Ấn tượng của cuộc chiến Việt Nam để lại trong thế hệ chúng tôi thật rõ nét, đó là thời kỳ của bom đạn chiến tranh.
Cuộc chiến Việt Nam bắt đầu và kết thúc khi tôi còn quá nhỏ để phân định, để tìm hiểu được những chuyện đúng, sai hoặc bản chất cuộc chiến là gì.
Chúng tôi biết đến cuộc chiến, đối diện với cuộc chiến đó khi đang ở lứa tuổi chỉ biết nhìn, biết chấp nhận, biết học hỏi và quan sát mà thôi. Đến khi chúng tôi bắt đầu cảm nhận, tò mò tìm hiểu về những vấn đề xảy ra quanh mình, thì khi đó, cuộc chiến đã chấm dứt.
Cứ vậy, chúng tôi được biết đến một cuộc chiến "chống Mỹ cứu nước", cả nước hò hét nhau "Vì miền Nam ruột thịt, vì Chủ nghĩa xã hội, mỗi người làm việc bằng hai". Rồi "Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước.
Những dấu ấn về cuộc chiến
Ấn tượng của cuộc chiến Việt Nam để lại trong thế hệ chúng tôi thật rõ nét, đó là thời kỳ của bom đạn chiến tranh.
Ở cái tuổi bắt đầu đi học, chúng tôi cảm nhận chiến tranh qua những buổi học đầu tiên ở lớp vỡ lòng. Lớp học là vườn cây của nhà cô giáo, bàn ghế là những gốc cây cọ từ lâu đời đã nhẵn thín không còn những cánh tay và được dùng làm bàn, nơi kê vở để tập viết. Học sinh là một đám láo nháo bất kể tuổi nào, chênh lệch nhau dăm bảy tuổi trong một lớp là chuyện bình thường. Có những đứa học ba bốn năm không vượt qua lớp 1 cũng không phải là chuyện hiếm.
Những buổi học vỡ lòng như vậy không được lâu, chúng tôi bắt đầu những năm học phổ thông là những năm chiến tranh bắt đầu với bom đạn, với pháo phòng không, với ca nông từ biển có thể bắn vào bất cứ lúc nào, với bom tọa độ với máy bay không người lái… đi vào sinh hoạt hàng ngày, vào bữa ăn, giấc ngủ của thế hệ chúng tôi.
Quả là nói rằng những âm hưởng của chiến tranh đi vào trong cuộc sống chúng tôi thì đúng là không ngoa. Bởi trong bất cứ lúc nào dù đang chơi, dù đang ăn hoặc làm bất cứ việc gì, cứ nghe tiếng máy bay từ xa, là đã cảnh giác ra xem là có mấy chiếc, loại gì, và từ hướng nào để đoán xem nó sẽ ném bom ở đâu, mục tiêu nào là chính. Bởi nhà tôi ở gần một chiếc cầu chiến lược quan trọng trên con đường quốc lộ 1A vào Thành phố Hà Tĩnh, vốn là mục tiêu bắn phá hàng ngày của máy bay Mỹ nhằm ngăn chặn việc chuyển tiếp tế cho miền Nam. Thế nên bom đạn thường xuyên ném xuống đó và nhiều khi chẳng phải chỉ có chỗ mục tiêu.
Rồi từng đoàn quân, từng đoàn bộ đội khi thì hành quân bộ, khi thì di chuyển bằng xe, rồi đạn dược, rồi xe cộ và các loại phục vụ chiến tranh, các loại phụ tùng thay thế xe cộ, pháo đạn, lương thực thực phẩm quân trang quân nhu… không thiếu thứ gì.
Cả miền Bắc được hệ thống loa hò hét kêu gọi "Vì miền Nam ruột thịt" đi "giải phóng đồng bào Miền Nam đang rên xiết dưới gót giày quân xâm lược". Khi đó, chúng tôi chỉ biết đến một Miền Nam đau đớn khổ sở và rùng rợn bởi bọn xâm lược ăn thịt người. Chúng đang mổ bụng moi gan trẻ em, hãm hiếp phụ nữ và đủ mọi trò ma qủy để biến người dân miền Nam thành nô lệ.
Khi đó, mỗi buổi sáng đến trường, ngồi trong chiếc lán được làm bằng tre và bốn phía đắp bằng đất thành lũy cao để tránh bom, chúng tôi gân cổ lên hát thật to : "Giải phóng Miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt Đế Quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan, máu rơi, lòng hận thù ngất trời…".
Những bài ca, tiếng hát đó là hành trang cho thế hệ chúng tôi bước vào đời trong "Thiên đường xã hội chủ nghĩa".
Dù khi đó còn ở lửa tuổi thậm chí nhiều đứa chưa mặc quần hoặc chẳng có quần mà mặc, thì chúng tôi cũng đã biết loại máy bay đang vào là loại gì, và khi nào thì máy bay chuẩn bị ném bom, thậm chí bom đã nổ ở xa hay gần, pháo phòng không bắn lên là loại gì, là pháo 12,7mm hay pháo 37mm, 57mm hay 85mm… chúng tôi phân biệt rất rõ.
Thời đó, giai đoạn từ 1965 đến trước 1972, hầu hết bom đạn ném xuống là loại không điều khiển, nghĩa là "bom ngu". Và mỗi lần máy bay bay đến mục tiêu, ngắm kỹ mục tiêu bằng vài vòng lượn quanh ngó nghiêng là lùi ra xa lấy đà và ngóc đầu lên cao, rồi mới bổ nhào nhắm mục tiêu và cắt bom. Và khi máy bay đã cắt bom, thì cứ nhìn vào những quả bom ném ra mà biết có cần tránh hay không. Nếu quả bom ra khỏi máy bay mà hình thon dài như hạt lúa, thì có nghĩa là nơi mình đứng an toàn, bởi nó đang đi hướng khác. Còn nếu bom ra khỏi máy bay mà hình tròn như viên bi, thì liệu mà vào hầm trú ẩn ngay lập tức, bởi bom đang lao chính diện xuống nơi mình đứng.
Những ngày trời âm u, máy bay thường không hoạt động ném bom như bình thường được, thì Hạm Đội 7 thường dùng máy bay không người lái vào do thám rồi sau đó dùng máy bay vào ném bom mà chúng tôi hay gọi là "ném bom tọa độ" – nghĩa là ném bom căn cứ theo tọa độ định sẵn. Và loại bom này là hết sức nguy hiểm vì không chính xác dễ vào khu dân sinh. Mẹ tôi đã một lần suýt bị trận bom tọa độ vùi mất vào năm 1972 khi bà đang trên đồng đi cấy thêm vào buổi trưa.
Về bom bi, những năm 1968, quê tôi nhiều người chết vì bom bi rải thảm, những quả bom bi mẹ đổ ra hàng loạt bom bi con và nổ ra những loạt bi bắn tứ phía gây sát thương khủng khiếp. Tuy nhiên bom bi hồi đó, chỉ sát thương khi rơi vào hầm trú ẩn hoặc vào nhà.
Nhưng những năm sau, khoảng 1972, thì Mỹ dùng loại bom "bi dứa". Đó là loại bom có chong chóng phía sau có khả năng xuyên qua lớp đất khoảng 1 mét rồi mới nổ, loại này để tấn công hầm cá nhân. Mỗi buổi sáng dậy sau khi một trận bom bi rải thảm, thì trên các cánh đồng, nghĩa địa hoặc vườn nhà, những hố đào như con chồn hoặc con cáo đào hàng khoảng sâu 1 mét là lỗ của loại bom bi này. Năm 1972, gia đình tôi nằm trong tâm điểm của một trận ném bom bi, nhà tôi bị hai quả hai đầu nhà đã xé tan hai đầu cột gỗ. May mắn là cả nhà xuống hầm rất kiên cố mà gia đình tôi đã đắp trước đó ngay cửa nhà.
Có lẽ, nguy hiểm nhất là những trận pháo kích từ biển vào ban đêm. Bởi khi đó, người dân đang trong giấc ngủ, và khi nghe tiếng nổ thì mọi chuyện đã xong. Chúng tôi quen tiếng nổ này và gọi là Ca nông. Sau tiếng nổ đầu nòng, kèm theo một tiếng nổ khác rồi tiếng gió rít của đạn bay, và sau đó là tiếng nổ của đầu đạn.
Những đêm ngủ nửa chừng nghe tiếng Ca nông từ biển bắn vào, cả nhà nháo nhào chui xuống hầm trú ẩn… Những trận bom bi rải thảm những hăm 1968 để rồi chỉ nghe tiếng kêu, tiếng rên vang lên và sớm hôm sau, bọn trẻ con chúng tôi chỉ biết bảo nhau : Đêm qua, mấy người trong làng đã chết.
Có những người làng, tôi vừa gặp đi từ dưới xóm dọc đê đi lên, một lúc sau nghe tiếng bom nổ và tin đưa về là ông ấy đã chết ngay ở đầu đê lên cầu Cày.
Rồi có cả người bạn rất thân của tôi mà sau khi chiến tranh kết thúc đã gần chục năm, thì vẫn chết bởi bom bi. Nhưng nguyên nhân là lại bởi chính bố cậu ta thường lấy mìn về cho con nổ ở sông bắt cá những năm chiến tranh. Thế rồi đến khi anh ta đi học thì lấy bom bi về mở lấy thuốc nổ đánh cá, và tai nạn xảy ra.
Đó là những kỷ niệm vẫn in đậm trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ về bom đạn, về chiến tranh.
Tôi còn nhớ rất rõ những khát khao của người dân khi đó được sống trong hòa bình và không lo sợ chiến tranh, bom đạn. Trong một buổi tránh bom dưới chiếc hầm chữ A trước cửa nhà, tôi còn nhớ mẹ tôi nói rằng : Nếu mai hết chiến tranh, tôi sẽ mổ ngay con lợn to nhất để cả làng ăn mừng.
Hẳn nhiên, đó là nói lên nỗi khát khao hòa bình. Chứ lúc bấy giờ, con lợn là cả cơ nghiệp qúy giá của người nông dân quê tôi lúc đó nghèo khổ đến mức chẳng ai dám mổ để ăn mừng ngay cả khi vui mừng nhất.
Hiệp định Paris
Những câu chuyện về hội nghị Paris về lập lại Hòa bình ở Việt Nam đến với chúng tôi qua những chiếc loa của nhà nước, qua đó thì chỉ có đảng mưu trí, dũng cảm, tài tình và bọn "Đế Quốc Mỹ và chính quyền Ngụy Sài Gòn"thì tàn ác, mâu thuẫn và đang bị đồng bào Miền Nam đứng lên lật đổ.
Chúng tôi chỉ được biết về một Kissinger tài ba, học hành cao, đỗ đạt, thông thái mà đành phải bó tay chịu trận trước tài đàm phán như thần của Lê Đức Thọ.
Là trẻ con, những câu chuyện hóng hớt của những người lớn được dự các lớp nói chuyện thời sự rồi nói lại, đã đem lại cảm giác rằng đất nước ta được những lãnh tụ tài ba, được những nhà lãnh đạo sáng suốt như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ… là hồng phúc lớn. Tôi còn nhớ rõ câu này trong một buổi nói chuyện thời sự của một cán bộ mà tôi đi nghe lỏm : "Bây giờ vấn đề là ở chỗ phải đấu tranh với Mỹ, chứ còn ngụy quyền Sài Gòn, thì ông chủ đã ký thì đám đầy tớ sao cãi lại được".
Và chúng tôi, không chỉ chúng tôi là trẻ con mà hầu hết những người dân miền Bắc đã không hề biết được những mưu đồ, những ý định và kế hoạch "Xoay trục" của người Mỹ, kế hoạch bỏ rơi Miền Nam với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa để bắt tay với Trung Cộng – Một hành động mở đầu cho một giai đoạn làm sống dậy con rồng bá quyền Trung Quốc, mà mấy chục năm sau, tận cho đến gần đây, người Mỹ mới thấy được sự nguy hại với hành động của chính quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ với đường lối ngoại giao của Kissinger.
Khi đó, chúng tôi chỉ được biết về một Kissinger tài ba, học hành cao, đỗ đạt, thông thái mà đành phải bó tay chịu trận trước tài đàm phán như thần của Lê Đức Thọ.
Thế rồi cuộc chiến dừng lại sau những ngày bom đạn tơi bời cuối 1972 mà báo chí ra rả tố cáo tội ác Đế Quốc Mỹ với trận B52 ném bom Hà Nội. Ngày 27/1/1973 Hiệp định được ký kết.
Khắp nơi miền Bắc vui mừng, hệ thống loa trên các cột điện ra rả ngày đêm về chiến thắng quan trọng trong : Đã ký kết được hiệp định ngừng bắn, kết thúc chiến tranh, lập lại Hòa bình ở Việt Nam.
Thế nhưng cũng chính những lúc đó, chúng tôi đã nghe thấy những lời lẽ rằng : Như vậy là "Mỹ đã cút", nhưng cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục cho đến khi "Ngụy nhào" như lời "Bác Hồ" đã căn dặn. Điều đó, cũng có nghĩa rằng, những văn bản, những chữ ký chưa ráo mực kia, chỉ là để ký, để có lợi cho cuộc chiến của Bắc Việt vẫn tiếp tục để "Giải phóng miền Nam".
Nghĩa là với suy nghĩ của những người cộng sản, thì những lời lẽ trong Hiệp định, ngay từ khi mới ký đã không phải là những điều để thực hiện trong thực tế.
Và sau cái Hiệp định đó, bom đạn lùi khỏi Miền Bắc, nhưng Hòa bình chẳng thấy tăm hơi. Cuộc chiến chuyển vào Miền Nam Việt Nam, bất chấp mọi hiệp định, mọi nguyên tắc.
Và công cuộc "Giải phóng Miền Nam" vẫn cứ tiếp tục, quân đội Miền Bắc vẫn ngày đêm tự do đi lại để vào "Giải phóng Miền Nam" khỏi thảm cảnh "Phồn vinh giả tạo", cho cả Miền Nam được hưởng một thời kỳ dài là "Nghèo đói, nhưng là nghèo đói thật".
Kỷ niệm 50 năm ngày Ký Hiệp định Paris về Việt Nam, nửa thế kỷ trôi qua, mà vẫn còn như mới.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
27/1/2023 là tròn 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, để Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến Việt Nam.
Tổng trưởng Trần Văn Lắm và chữ ký trong Hiệp định Paris
Nhìn lại Hiệp định Paris sau nửa thế kỷ, tôi phỏng vấn ông Từ Thức, ký giả của miền Nam có mặt theo dõi hội đàm từ đầu đến cuối ; sử gia Lê Mạnh Hùng ; và kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người sáng lập và đứng đầu Tập hợp Dân chủ Đa nguyên.
Hiệp định Paris có những lỗ hổng nào ?
Hiệp định Paris là hiệp định chấm dứt chiến tranh, ký ngày 27/1/1973. Các bên đàm phán chính thức là Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt), Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam), và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam).
Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, Thành viên Ban Lãnh đạo Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên
Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam "được coi như là một trong hai "bên miền Nam" trong khi ai cũng biết nó không có thực chất nào cả mà chỉ là một danh xưng rỗng nghĩa. Lực lượng cộng sản chiến đấu tại miền Nam hoàn toàn của Hà Nội và do Hà Nội điều khiển.
"Hai là hiệp định hoàn toàn không nói tới chính quyền cộng sản Bắc Việt, làm như là miền Bắc không có trách nhiệm gì trong cuộc chiến, trong khi chính quyền cộng sản Bắc Việt là kẻ chủ trương và điều động cuộc chiến đồng thời cũng là một trong hai bên đối thoại chính, cùng với Mỹ, trong hội nghị Paris.
"Ba là hiệp định quy định Mỹ sẽ rút hết quân khỏi miền Nam và hai bên miền Nam, đặc biệt là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, sẽ không được nhận thêm vũ khí và sử dụng cố vấn hay chuyên viên quân sự nước ngoài trong khi Hà Nội không bị bó buộc gì cả, không phải rút quân khỏi miền Nam và vẫn tiếp tục nhận viện trợ quân sự từ bên ngoài".
Ông nói thêm, những người hiểu lầm nhất về Hiệp định khi đó có lẽ là những người thuộc "lực lượng thứ ba".
"Họ nghĩ rằng hiệp định này sẽ dành cho họ một chỗ đứng trước hết trong Hội đồng Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc và sau đó trong một chính quyền miền Nam trung lập. Họ không hiểu rằng miền Nam đang đứng trước nguy cơ gần như chắc chắn sắp bị thôn tính. Trên thực tế họ chỉ tiếp tay làm cho Việt Nam Cộng hòa sụp đổ nhanh hơn".
Ai vi phạm Hiệp định Paris ?
Năm 1973, Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, hai nhân vật chủ chốt trong đàm phán, được trao giải Nobel Hòa bình. Ông Lê Đức Thọ từ chối.
Ký giả Từ Thức, người từng theo dõi về Hòa đàm Paris 1973 trong nhiều năm
Ông Từ Thức nói "Hiệp định Paris 1973 đòi ngừng bắn trên toàn miền Nam ; việc thống nhất đất nước sẽ được thực hiện bằng phương pháp hòa bình, qua tổng tuyển cử, trong thời hạn do miền Bắc và miền Nam đồng thuận. Trên thực tế, ngay sau khi ký Hiệp định, Cộng sản đã đánh phá nhiều nơi, gia tăng quân sự để chiếm thêm đất ở những vùng "da beo", thí dụ tổng công kích Bình Long, Ban Mê Thuột, và cuối năm 1974, đã chiếm trọn tỉnh Phước Long.
"Hiệp định Paris quy định miền Bắc phải ngưng việc đưa quân vào miền Nam. Trên thực tế, chỉ trong tháng 5/1973, Bắc Việt đã đưa thêm vào miền Nam 35.000 quân, 30.000 tấn võ khí".
Hiệp định Paris cũng yêu cầu hai bên rút quân khỏi Lào và Campuchia, nhưng "Bắc Việt không những không rút quân, còn gia tăng hoạt động quân sự tại hai nước này".
Sử gia Lê Mạnh Hùng thì cho rằng Hiệp định Paris "là một cách để Mỹ tháo chạy ra khỏi Việt Nam mà không mất mặt. Trên phương diện pháp lý nó không có cả tính chính đáng (legitimacy) vì cả bốn bên không bên nào thông qua. Việt Nam Cộng hòa, Bắc Việt và Giải phóng Miền Nam không nói làm gì, nhưng ngay cả đến Mỹ, Hiệp định này cũng không được Thượng viện Mỹ thông qua".
Theo ông, "vì được thiết kế để cho Mỹ rút quân thành ra có thể nói không có điều khoản nào ràng buộc phía bên kia cả. Ngoài ra cũng không có biện pháp chế tài nào nếu bên kia vi phạm. Vả lại vì nó không có tính cách pháp lý thành ra ta cũng không thể lên án bên kia là vi phạm được".
Nhưng Hiệp định Paris không chỉ nói ngừng chiến tranh và chấm dứt mọi can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ với vấn đề Việt Nam.
Ông Từ Thức nói thêm :
"Hiệp định Paris cấm mọi hành động trả thù, phân biệt đối xử. Sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, tháng 4/1973, hàng triệu người bị bắt vào trại cải tạo, nhiều người mất mạng vì bị hành hạ, đói khát, mở đầu cho phong trào "boat people" của hàng triệu dân miền Nam liều chết vượt biển, tìm cách thoát khỏi chế độ".
50 năm nhìn lại
Sử gia Lê Mạnh Hùng
Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng "Trên quan điểm lịch sử, sau 50 năm nhìn lại, tôi nghĩ rằng trong tình thế lúc đó, Hiệp định Paris là một cái gì tất yếu phải xảy ra. Như Afghanistan trong năm 2021 cho thấy, khi Mỹ thấy cần bỏ chạy là họ bỏ chạy. Đối với Nixon và Kissinger, Việt Nam không còn quan trọng nữa khi họ đã mua được Tàu thành ra bỏ chạy ra khỏi Việt Nam là tất yếu, nhất là khi sự chống đối chiến tranh Việt Nam đang dâng lên ào ạt tại Mỹ.
"Điều đáng buồn độc nhất là tuy rằng về phía Việt Nam Cộng Hòa, người ta có biết chuyện đó, nhưng giới lãnh đạo cũng vẫn không hoàn toàn tin hẳn rằng nó nói bỏ là bỏ ! Vì vậy không có bao nhiêu chuẩn bị để có thể cầm cự lâu dài với những phương tiện mình có hoặc là tìm thêm nguồn cung cấp vũ khí tại nơi khác".
Ông Từ Thức thì nói "Nhiều người ngạc nhiên trước sự thất thủ nhanh chóng của miền Nam năm 75, nhưng hãy tưởng tượng những gì xảy ra ở Ukraine ngày nay, nếu một sớm một chiều các nước Tây Phương cắt đứt viện trợ kinh tế, quân sự cho nước này ?"
Ông cho rằng "Hiệp định Paris là một ô nhục đối với những người tranh đấu cho quyền tự quyết của các dân tộc, một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ, vì đây là lần đầu cường quốc này đã bỏ rơi đồng minh, tháo chạy. Nixon và Kissinger chỉ có một mục tiêu, làm quà cho cử tri Mỹ bằng cách chấm dứt chiến tranh".
Vì làn sóng phản chiến tại nhà, và để ngưng chiến và mang quân Mỹ trở về, Nixon đã chấp nhận rút toàn bộ quân Mỹ nhưng không nói gì đến quân đội Bắc Việt ở miền Nam.
"Nixon hứa với ông Thiệu sẽ tái oanh tạc, sẽ phản ứng mạnh, nếu Bắc Việt vi phạm những điều đã ký kết, nhưng đã khoanh tay khi Cộng sản gia tăng chiến tranh, vì đang gặp khó khăn chính trị, đặc biệt là vụ Watergate. Sinh mệnh của hàng triệu người dân miền Nam rơi vào quên lãng".
Nixon, theo ông Từ Thức, muốn "hòa bình trong danh dự", nhưng cuối cùng "chẳng có hòa bình cũng chẳng có danh dự, như tựa đề một cuốn sách của sử gia Larry Berman, No Peace, No Honor : Nixon, Kissinger and the Betrayal in Vietnam. Theo Larry Berman, đó là một hiệp định tự sát, một hòa bình ô nhục".
Ông Nguyễn Gia Kiểng cho biết "Theo tôi hiệp định này đánh dấu một khúc quanh lớn của Mỹ trong đạo đức chính trị và chính sách đối ngoại. Đó là lần đầu tiên mà Mỹ rút lui và bỏ rơi một đồng minh, dần dần sự trở mặt đã thành một tập quán của Mỹ, dù là tại Liban, Iraq, Syria, Venezuela hay gần đây nhất tại Afghanistan.
"Điều mà tôi chỉ hiểu sau này khi các bí mật dần dần được tiết lộ là việc Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa có liên hệ mật thiết với việc Mỹ vừa bắt tay được với Trung Cộng. Theo tính toán của Nixon và Kissinger nếu Hà Nội thôn tính được Sài Gòn thì Việt Nam sẽ rơi hẳn vào quỹ đạo Liên Xô vì Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó theo Liên Xô và chống Trung Cộng, như thế Bắc Kinh sẽ phải sáp lại hơn nữa với Mỹ vì Liên Xô đang là thù địch của họ. Tính toán này ít nhiều được các tổng thống Mỹ sau đó tán thành, cho đến khi Trung Quốc trở thành mối đe dọa cho thế giới.
"Hệ quả là đất nước ta hoàn toàn bị đặt dưới chế độ cộng sản. Đó là một tai họa lớn. Chúng ta đang là một nước rất chậm tiến với một đảng cầm quyền cư xử như một lực lượng chiếm đóng hung bạo".
Ông Từ Thức nói "Bài học cay đắng là miền Nam nhỏ bé rơi vào trò chơi, tính toán chính trị của các thế lực quốc tế".
Nhìn lại sau 50 năm, ông Nguyễn Gia Kiểng nói "Thật đáng buồn, nếu miền Bắc chấp nhận bắt tay hợp tác với miền Nam để dần dần tiến tới thống nhất đất nước trong hòa bình thì bây giờ Việt Nam ít lắm cũng phải phồn vinh gấp nhiều lần hiện nay. Nhưng Đảng cộng sản đã đặt quyền lực và chủ nghĩa Mác Lênin lên trên hết".
Nguyễn Hải Di
Nguồn : Diễn Đàn Thế Kỷ, 27/01/2023
50 năm Hiệp định Hòa bình Paris : lời kể của một người phiên dịch cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
BBC tiếng Việt, 13/01/2023
Ông Nguyễn Ngọc Giao, giảng viên đại học ngành toán đã nghỉ hưu, từng làm phiên dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Hòa bình Paris từ 1968 đến 1973. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký kết hiệp định này, ông Nguyễn Ngọc Giao kể với BBC News tiếng Việt cơ duyên khiến ông, một Việt Kiều người Bắc di cư, lại trở thành phiên dịch cho phái đoàn VNDCCH, những kỷ niệm đáng nhớ về ông Xuân Thuỷ, Lê Đức Thọ và các đồng nghiệp làm phiên dịch cho các phái đoàn khác.
Nguồn : BBC, 13/01/2023
*************************
Tài liệu mới công bố : Hiệp định Paris 1973 không mang lại hòa bình
RFA, 12/01/2023
Một tài liệu mới công bố về giải thưởng Nobel về Hòa bình trao cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và lãnh đạo Việt Nam Lê Đức Thọ cho thấy Ủy ban giải thưởng Nobel đã biết Hiệp định Paris khó mang lại hòa bình.
Hình chụp hôm 25/1/1969 : các đại diện Bắc Việt Nam gồm ông Lê Đức Thọ (giữa) tại hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam (minh họa) – AFP
Hôm 1/1 vừa qua, 50 năm sau khi giải thưởng được trao, các tài liệu về giải thưởng trao cho hai nhà đàm phán Mỹ và Việt Nam được công bố theo yêu cầu.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ hồi tháng 1/1973 đã đạt được một thỏa thuận hòa bình mà theo đó Mỹ sẽ hoàn tất việc rút quân khỏi Nam Việt Nam.
Tuy nhiên lệnh ngưng bắn theo thỏa thuận ngay sau đó đã không có hiệu lực trên thực tế khi quân đội miền Bắc không bị yêu cầu rút quân khỏi miền Nam và cuộc chiến vẫn tiếp tục với việc quân đội Bắc Việt tiến vào miền Nam trong khi quân đội miền Nam không còn nhận được sự hỗ trợ như trước kia từ phía Mỹ. Cuộc chiến kết thúc với việc quân đội miền Bắc chiếm lại toàn bộ miền Nam vào ngày 30/4/1975.
Đề cử trao giải Nobel Hòa bình cho hai nhà đám phán Mỹ và Việt Nam đã vấp phải phản đối của những thành viên của Ủy ban giải Nobel Hòa bình. Hai người trong số họ đã từ chức để phản đối. Tất cả những người trong Ủy ban này vào lúc đó hiện đều đã qua đời.
Tờ The Guardian trích lời giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo nói sau khi xem tài liệu mới công bố rằng ông thật sự còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy Ủy ban giải Nobel Hòa bình lại có một quyết định tồi tệ đến vậy.
Tài liệu mới công bố cho thấy đề cử giải cho hai người được một thành viên của Ủy ban giải Nobel Hòa bình đưa ra vào ngày 29/1/1973, hai ngày trước khi Hiệp định được ký kết.
Người đề cử là ông John Sanness. Trong một bức thư được ông Sanness viết khi đó, ông này nói rằng ông lập luận rằng việc lựa chọn đề cử này là để nhấn mạnh tính tích cực của đàm phán dẫn đến thỏa thuận khiến chấm dứt xung đột vũ trang giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nhưng ông Sanness, người đã mất vào năm 1984, cũng viết rằng : "Chỉ có thời gian sắp tới mới có thể biết được rõ ràng tầm quan trọng trên thực tế của Hiệp định này".
Giáo sư Tonnesson nói rằng thư đề cử cũng như tài liệu về hai nhà đàm phán Mỹ và Việt Nam cho thấy Ủy ban đã biết một cách đầy đủ rằng Hiệp định khó có thể được thực hiện.
Trong số các tài liệu được công bố còn có bức điện thư mà ông Lê Đức Thọ gửi đi từ Hà Nội cho biết ông không thể chấp nhận giải thưởng.
Trong bức thư, ông Thọ viết : "Khi Hiệp định Paris được tôn trọng, tiếng súng im và hòa bình thực sự được lập lại ở Nam Việt Nam, tôi sẽ xem xét việc chấp nhận giải thưởng này".
Hiện cựu Ngoại trưởng Kissinger chưa đưa ra lời bình luận gì về thông tin mới này.
Nguồn : RFA, 12/01/2023
*************************
'Ủy ban Nobel biết Hiệp định Paris năm 1973 của Kissinger khó có thể mang lại hòa bình'
BBC, 12/01/2023
Giải Nobel Hòa bình năm 1973 cho nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ của Bắc Việt Nam, một trong những giải gây tranh cãi nhất trong lịch sử của giải này, đã được trao khi biết rõ rằng Chiến tranh Việt Nam khó có thể kết thúc sớm, các tài liệu mới được công bố cho thấy, theo Reuters.
Các đề cử cho Giải Nobel Hòa bình vẫn được giữ bí mật trong 50 năm. Vào ngày 1/1, các tài liệu về giải thưởng được trao cho ông Kissinger và trưởng đoàn đàm phán của Hà Nội, ông Lê Đức Thọ, được cung cấp theo yêu cầu.
Quyết định này đã gây sốc cho nhiều người vào thời điểm đó vì Kissinger, lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ và là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Richard Nixon, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam 1955-1975.
Stein Toennesson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, người đã xem xét các tài liệu, nói với Reuters: "Tôi giờ thậm chí còn ngạc nhiên hơn lúc đó, rằng ủy ban có thể đưa ra một quyết định tồi tệ như vậy".
Ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã đạt được Hiệp định Paris vào tháng 1/1973, theo đó Washington hoàn thành việc rút quân khỏi miền Nam Việt Nam sau khi đã chấm dứt phần lớn các cuộc tấn công và tránh xung đột với Cộng sản miền Bắc trước tình hình tinh thần quân đội ngày càng sa sút và các cuộc biểu tình phản chiến lớn ở Mỹ.
Nhưng lệnh ngừng bắn được quy định trong hiệp định đã sớm bị cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam phớt lờ. Miền Nam từ chối ký thỏa thuận và cho rằng bị phản bội do quân cộng sản Bắc Việt không bị buộc phải rút khỏi miền Nam.
Chiến tranh tiếp tục ác liệt với quân Bắc Việt nhanh chóng tiến vào miền Nam - giờ đây phải chiến đấu mà không có sự hỗ trợ quan trọng của Hoa Kỳ và bị suy yếu bởi tình trạng hỗn loạn và tham nhũng của nhà nước.
Giao tranh chỉ kết thúc vào ngày 30/4/1975 sau khi các lực lượng Bắc Việt chiếm được Sài Gòn, gây ra một cuộc sơ tán hỗn loạn và nhục nhã của những người Mỹ và các đồng minh bằng trực thăng từ sân thượng Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Ông Lê Đức Thọ từ chối Giải thưởng Hòa bình với lý do chưa có hòa bình. Hai trong số năm thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy - tất cả hiện đã chết - đã từ chức để phản đối.
Ông Kissinger, dù nhận giải thưởng, đã không đến Na Uy để dự buổi lễ và sau đó đã cố gắng trả lại giải thưởng.
Ông Lê Đức Thọ, qua đời ở tuổi 78 vào năm 1990, là một tướng lĩnh, nhà ngoại giao và là thành viên Bộ Chính trị cầm quyền của Bắc Việt Nam. Ông giám sát cuộc nổi dậy của Việt Cộng ở miền Nam chống lại chính quyền Sài Gòn từ cuối những năm 1950, và sau đó là cuộc tấn công quyết định của miền Bắc năm 1974-1975 mang lại sự thống nhất dưới sự cai trị của Hà Nội.
Ông Kissinger, 99 tuổi và vẫn là một nhà bình luận nổi tiếng về chính sách đối ngoại và giải quyết xung đột, bao gồm gần đây nhất là cuộc chiến Ukraine, đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về việc công bố hồ sơ Nobel Hòa bình năm 1973.
Biết rằng giải thưởng có thể không xứng đáng
Các bài báo, được Reuters xem xét, tiết lộ ông Kissinger và ông Thọ được một thành viên của ủy ban Nobel, học giả người Na Uy John Sanness, đề cử vào ngày 29/1/1973 - hai ngày sau khi ký kết hiệp định Paris.
Hàng nghìn người có thể đề cử các ứng cử viên cho giải thưởng, bao gồm một số giáo sư, người từng đoạt giải Nobel và nguyên thủ quốc gia.
"Lý do của tôi là sự lựa chọn này sẽ nhấn mạnh điều tích cực rằng các cuộc đàm phán đã dẫn đến một thỏa thuận sẽ chấm dứt xung đột vũ trang giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ", Sanness viết trong bức thư đánh máy bằng tiếng Na Uy của mình.
Nhưng ông Sanness, người qua đời năm 1984, nói thêm : "Tôi biết rằng chỉ trong thời gian tới người ta mới hiểu rõ (loại) ý nghĩa mà các hiệp định sẽ có trong thực tế".
Toennesson nói rằng thư đề cử và các báo cáo được chuẩn bị về ông Kissinger và ông Thọ cho các cuộc thảo luận của ủy ban cho thấy họ "nhận thức đầy đủ" rằng các hiệp định "không có khả năng được giữ vững".
Ông nói : "Giải thưởng được trao cho Kissinger vì đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam... mà không có bất kỳ giải pháp hòa bình nào ở Nam Việt Nam. Ông nói, ông Thọ được đề cử vì ban hội thẩm cảm thấy "không thể trao nó cho một mình Kissinger".
"Ông ấy (Kissinger) cần một đối tác và sau đó họ bổ sung thêm Lê Đức Thọ, người mà họ biết rất ít. Báo cáo về (ông ấy) khá yếu", Toennesson nói thêm.
Trong số các tài liệu được công bố có bức điện tín gốc mà ông Thọ gửi từ Hà Nội cho biết ông "không thể" nhận Giải thưởng Hòa bình.
Ông Thọ viết : "Khi hiệp định Paris về Việt Nam được tôn trọng, không còn tiếng súng và hòa bình thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam, tôi sẽ xem xét việc nhận giải thưởng này".
Sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam vào đầu những năm 1960 được coi là một động thái nhằm ngăn chặn sự lan rộng của Chủ nghĩa Cộng sản.
Cuối cùng, hiệp định Paris đã đóng dấu lối thoát của Hoa Kỳ khỏi khỏi một cuộc chiến bị nhiều người trong nước chỉ trích là một vũng lầy gây chia rẽ và tốn kém vô cùng, nhưng đã không làm im tiếng súng hay mang lại một nền hòa bình được đàm phán ở Việt Nam.
Vào ngày 1/5/1975, một ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ, kết thúc chiến tranh, Kissinger đã cố gắng trả lại giải thưởng, thông qua một bức điện của Hoa Kỳ tới ủy ban Nobel, trong đó ông nói rằng "hòa bình mà chúng tôi tìm kiếm thông qua các cuộc đàm phán đã bị đảo lộn bằng vũ lực".
Ủy ban từ chối nhận lại giải thưởng.
Nguồn : BBC, 12/01/2023
***************************
Tài liệu: Ủy ban Nobel biết rõ Hiệp định Paris 1973 của Kissinger khó mang lại hòa bình
Reuters, VOA, 12/01/2023
Giải Nobel Hòa bình năm 1973 được trao cho nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ Henry Kissinger và Lê Đức Thọ của Bắc Việt, một trong những phần thưởng gây tranh cãi nhất trong lịch sử của Nobel Hòa bình, được trao với sự hiểu biết đầy đủ rằng cuộc chiến tranh Việt Nam lúc đó khó có thể kết thúc sớm, theo các tài liệu mới công bố.
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, đại diện đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ, Tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt. (Người đứng giữa, phía sau là Thư ký đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Lưu Văn Lợi)
Các đề cử cho Giải thưởng Hòa bình vẫn được giữ bí mật suốt 50 năm.
Hôm 1 tháng 1, các tài liệu liên quan tới giải thưởng trao cho ông Kissinger và trưởng đoàn đàm phán của Hà Nội, Lê Đức Thọ, được trưng ra theo yêu cầu.
Quyết định ấy đã gây sốc cho nhiều người vào thời điểm đó vì ông Kissinger, lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ và là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Richard Nixon, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ trong giai đoạn cuối của cuộc chiến Việt Nam 1955-1975.
Ông Stein Toennesson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, người xem xét các tài liệu vừa được tiết lộ, nói với Reuters : "Tôi giờ đây thậm chí còn ngạc nhiên hơn lúc đó rằng ủy ban có thể đưa ra một quyết định tồi tệ như vậy".
Ông Kissinger và ông Thọ đã đạt được Hiệp định Hòa bình Paris vào tháng 1 năm 1973, theo đó Washington hoàn thành việc rút quân khỏi miền Nam Việt Nam sau khi đã chấm dứt phần lớn các cuộc tấn công và tránh chiến đấu chống lại Cộng sản miền Bắc trước tình hình tinh thần quân đội ngày càng sa sút và các cuộc biểu tình phản chiến lớn ở Mỹ.
Nhưng lệnh ngừng bắn được quy định trong hiệp định đã sớm bị cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam phớt lờ, miền Nam từ chối ký thỏa thuận và tuyên bố bị phản bội vì lực lượng của Hà Nội không bị buộc phải rút khỏi miền Nam.
Chiến tranh tiếp diễn ác liệt, lực lượng của miền Bắc nhanh chóng tiến vào miền Nam trong khi miền Nam lúc đó phải chiến đấu không có sự hỗ trợ quan trọng của Hoa Kỳ và bị suy yếu bởi tình trạng hỗn loạn và tham nhũng cấp cao.
Giao tranh chỉ kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau khi các lực lượng Bắc Việt chiếm được thủ đô Sài Gòn của miền Nam, gây ra một cuộc sơ tán hỗn loạn và bẽ bàng của những người Mỹ còn lại và các đồng minh địa phương bằng trực thăng từ sân thượng Tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Ông Lê Đức Thọ từ chối Giải thưởng Hòa bình với lý do hòa bình chưa được thiết lập. Hai trong số năm thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy - tất cả nay không còn nữa - đã từ chức để phản đối. Ông Kissinger, dù nhận giải thưởng nhưng không đến Na Uy để dự buổi lễ và sau đó tìm cách trả lại giải thưởng nhưng vô vọng.
Ông Thọ, qua đời ở tuổi 78 vào năm 1990, là một nhà ngoại giao và là ủy viên Bộ Chính trị cầm quyền của Bắc Việt. Ông giám sát cuộc nổi dậy của Việt Cộng ở miền Nam chống lại chính quyền Sài Gòn từ cuối những năm 1950, và sau đó là cuộc tấn công quyết định của miền Bắc năm 1974-1975 mang lại thống nhất dưới sự cai trị của Hà Nội.
Ông Kissinger, nay 99 tuổi, vẫn là một nhà bình luận nổi tiếng về chính sách đối ngoại và giải quyết xung đột, bao gồm gần đây nhất là cuộc chiến Ukraine, đã không hồi đáp các yêu cầu bình luận về việc công bố hồ sơ Nobel Hòa bình năm 1973.
Biết rằng trao giải cho họ có thể không xứng đáng
Các tài liệu mà Reuters xem qua cho thấy ông Kissinger và ông Thọ được một thành viên của ủy ban Nobel, học giả người Na Uy John Sanness, đề cử vào ngày 29/1/1973 - hai ngày sau khi ký kết hiệp định Paris.
Hàng nghìn người có thể đề cử các ứng viên cho giải thưởng, bao gồm giáo sư, những người từng đoạt giải Nobel và các nguyên thủ quốc gia.
Ông Sanness viết trong bức thư đánh máy bằng tiếng Na Uy lúc đó rằng : "Lý do đề cử là sự lựa chọn đó nhấn mạnh điều tích cực rằng các cuộc đàm phán đã dẫn đến một thỏa thuận sẽ chấm dứt xung đột vũ trang giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ".
Nhưng ông Sanness, qua đời năm 1984, cũng nói thêm : "Tôi biết rằng chỉ trong thời gian tới người ta mới hiểu rõ (loại) ý nghĩa mà các hiệp định sẽ có trong thực tế".
Giáo sư Toennesson nói thư đề cử và các báo cáo về ông Kissinger và ông Thọ cho các cuộc thảo luận của ủy ban cho thấy họ "nhận thức đầy đủ" rằng hiệp định Paris "không có khả năng được giữ vững".
Ông nói : "Giải thưởng được trao cho ông Kissinger vì đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam... mà không có bất kỳ giải pháp hòa bình nào cho Nam Việt Nam". Vẫn theo lời giáo sư Toennesson, ông Thọ được đề cử vì ủy ban cảm thấy "không thể trao nó cho một mình ông Kissinger".
"Ông ấy (Kissinger) cần một đối tác và sau đó họ bổ sung thêm Lê Đức Thọ, người mà họ ít biết đến. Báo cáo về (ông Thọ) rất yếu", ông Toennesson nói thêm.
Trong số các tài liệu được công bố có bức điện tín gốc mà ông Thọ gửi từ Hà Nội nói rằng ông "không thể" nhận Giải thưởng Hòa bình.
Ông Thọ viết : "Khi hiệp định Paris về Việt Nam được tôn trọng, không còn tiếng súng và hòa bình thực sự được lập lại ở miền Nam Việt Nam, tôi sẽ xem xét việc nhận giải thưởng này".
Sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam đầu những năm 1960 được coi là một động thái nhằm ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản.
Cuối cùng, hiệp định Paris đã đóng dấu lối thoát của Hoa Kỳ ra khỏi một cuộc chiến mà nhiều người trong nước chỉ trích là một vũng lầy gây chia rẽ và tốn kém vô cùng, nhưng hiệp định ấy không làm im tiếng súng hay mang lại một nền hòa bình theo thương thuyết tại Việt Nam.
Vào ngày 1/5/1975, tức một ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ, kết thúc chiến tranh, ông Kissinger tìm cách trả lại giải thưởng, thông qua một bức điện tín từ Hoa Kỳ gửi tới ủy ban Nobel, trong đó ông nói rằng "hòa bình mà chúng tôi tìm kiếm thông qua các cuộc đàm phán đã bị đảo lộn bằng vũ lực".
Nhưng khi đó ủy ban không chịu lấy lại giải thưởng.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 12/01/2023
Một tổ chức có tên là Ủy ban Vận động tái họp Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973 vừa được thành lập để vận động một hội nghị quốc tế để xử lý những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông. Ủy ban này gồm những thành viên là Luật sư Lâm Chấn Thọ, Giáo sư Nguyễn Chính Kết, Linh mục Bùi Phong và bà Lisa Nguyễn.
Một thỉnh nguyện thư do Linh mục Bùi Phong soạn thảo đã được đệ trình Tòa Bạch Ốc vào ngày 15/3/2020. Cho tới 4g chiều 19/3/2020, thỉnh nguyện thư này đã thu thập được 2.723 chữ ký. Muốn được Tòa Bạch Ốc cứu xét, thỉnh nguyện thư phải có ít nhất 100.000 người ủng hộ trong 30 ngày.
Linh mục Phong cho biết việc đệ trình thỉnh nguyện thư lúc này rất thuận tiện vì cả thế giới đang tức giận vì "Chinese virus". Còn đợi cho hết cuộc khủng hoảng này thì khó biết được đến bao giờ.
Theo nội dung của thỉnh nguyện thư, UBVĐHNQT-HĐ PARIS 1973 kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ thực hành đạo luật PL 93-559 triệu tập một hội nghị quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris 1973. Ủy ban không nhắm phục hồi Hiệp định Paris 1973, mà chỉ dùng Hội nghị Paris 1973 để chống lại việc Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông.
Luật sư Lâm Chấn Thọ trong buổi hội luận trên Facebook vào ngày 15/03/2020 đã xác nhận rằng ông không bao giờ chủ trương phục hồi Hiệp định Paris 1973. Ông Thọ từng hợp tác với ông Nguyễn Ngọc Bích và ông Hồ Văn Sinh của Ủy ban lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, ông Bích nhiều lần tuyên bố rằng ông chủ trương phục hồi Hiệp định Paris 1973 để tái lập Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam và với danh nghĩa này, Việt Nam Cộng Hòa sẽ đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Hồ Văn Sinh trong cuộc họp báo "quốc tế" tại National Press, Washington-DC vào ngày 30/04/2019 một lần nữa "kêu gọi thế giới yểm trợ cho Việt Nam Cộng Hòa trở lại".
Bà Trần Thị Ái Liên, một trong hai người điều hợp cuộc hội luận, khẳng định rằng nếu nghĩ rằng Hiệp định Paris sẽ dẫn đến việc chia đôi đất nước một lần nữa là một sai lầm vì đây là một cố gắng tập họp một hội nghị quốc tế để xử lý việc vi phạm Hiệp định Paris 1973, chứ không phải để tái lập Hiệp định Paris 1973, không phải là để "dựng lại một xác chết đã chôn lâu ngày". Theo bà Liên không ai ngu dại gì lại chia đôi đất nước Việt Nam. Đó là một trò chơi quá khứ. Chia đôi đất nước không có lợi gì cho Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên theo cựu Trung tá Lê Nguyễn Công Tâm (biệt danh), một thành viên trong Chính phủ pháp định Lệ Trong Quát và là một cố vấn ngoại vi của Tổng thống Donald Trump theo lời ông kể, cuộc hội luận có vài lấn cấn. Theo đúng Hiệp định Paris 1973, miền Nam Việt Nam sẽ phải có một cuộc tổng tuyển cử để dân lựa chọn người lãnh đạo giữa hai phe Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Không một thành viên nào trong cuộc hội luận có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề do ông Tâm nêu lên. Như vậy điều này có nghĩa là việc chia đôi Việt Nam không thể tránh được.
Mục đích của tổ chức phô bầy ngay trên danh xưng "Ủy ban tái họp Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973". Điều này dễ làm cho độc giả hiểu rằng những thành viên trong tổ chức muốn có một hội nghị quốc tế theo khuôn khổ của Hiệp định Paris 1973 để thảo luận về hiệp định này. Tuy nhiên thỉnh nguyện thư lại nhấn mạnh về việc dùng Hiệp định Paris 1973 để xử lý về việc Trung Quốc không tôn trọng sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam khi xâm chiếm Biển Đông. Một điều cần chú ý là Trung Quốc cũng như Liên Xô được mời tham dự hội nghị quốc tế về Đông Dương. Hai quốc gia này không ký vào Hiệp định Paris 1973 mà chỉ ký vào Định ước quốc tế về vấn đề Việt Nam, bảo đảm việc thực thi Hiệp định Paris 1973.
Ngoài ra, Việt Nam Cộng Hòa (Republic of Vietnam) không còn hiện diện trên thực tế và trên căn bản pháp lý. Vì vậy bao gồm Việt Nam Cộng Hòa trong thỉnh nguyện thư mà Linh mục Bùi Phong và Luật sư Lâm Chấn Thọ cho là một điều siêu việt, hiển nhiên không có tác dụng. Chính phủ hiến định của ông Lê Trọng Quát cũng không có một căn bản pháp lý nào cả để đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa. Ngay cả chính phủ lưu vong Nguyễn Bá Cẩn, trước ông Lê Trọng Quát, cũng chỉ có cái tên, không phải là chính phủ cuối cùng của miền Nam Việt Nam, không được ai công nhận.
Chính Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay mới có danh chính ngôn thuận để kiện Trung Quốc, nhưng rất tiếc họ chưa làm. Nếu Hà Nội chính thức lên tiếng, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ngay. Nếu ủng hộ thỉnh nguyện thư, Hoa Kỳ sẽ tạo mâu thuẫn với Hà Nội. Đó là điều Hoa Kỳ sẽ không bao giờ làm trong hoàn cảnh hiện nay.
Theo Giáo sư Nguyễn Chính Kết, việc trình thỉnh nguyện thư là một việc làm khá hiệu quả so với những cuộc vận động Quốc hội mà ông đã từng tham dự. Thỉnh nguyện thư và Hiệp định Paris có sẵn luật lệ dễ được chính quyền thi hành.
Trong quá khứ, Ủy ban Luật gia Việt Nam của Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Ủy ban Luật gia bảo vệ Nhân quyền của Luật sư Nguyễn Hữu Thống đã không thành công trong việc trở lại Hiệp định Paris 1973 vì không được Pháp và quốc tế hỗ trợ.
Trong một buổi hội thảo vào cuối năm 1987 tại Paris do do Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 tổ chức, ông Henri Kissinger, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Richard Nixon, giải thích rằng :
"Hoa Kỳ không phản ứng khi Hà Nội vi phạm hiệp định vì Hoa Kỳ đang bị lúng túng với vụ Watergate. Dư luận Hoa Kỳ cho rằng Hoa Kỳ đã rút hết quân rồi, việc Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris xâm chiếm miền Nam là việc nội bộ của Việt Nam, Hoa Kỳ không thể nào nhân cơ hội này trở lại Việt Nam để bị lôi cuốn một lần nữa vào ‘vũng bùn chiến tranh’ và Quốc hội Mỹ cũng không chấp nhận".
Ông Hồ Văn Sinh từng tuyên bố Canada đã ủng hộ việc triệu tập một hội nghị về Hiệp định Paris 1973. Ông Lâm Chấn Thọ cũng nói tại buổi họp của Chính phủ pháp định Việt Nam Cộng Hòa tại Garden Grove vào 21/09/2019 rằng "chính phủ Canada đã đồng ý tái họp, Pháp đang xem xét và Ba Lan chắc chắn sẽ đồng ý". Tuy nhiên, chưa có thêm một bằng chứng nào khác để xác nhận như vậy
Hoa Kỳ không đưa ra một quan điểm chính thức nào về việc vãn hồi Hiệp định Paris 1973 cho đến năm 1990. Sau khi cuộc vận động tại Tòa án Công lý Quốc tế không thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thống nhân danh Ủy ban Luật gia bảo vệ Dân quyền vận động thẳng với Chánh phủ Hoa Kỳ và được Tổng thống George H. W. Bush phúc đáp rằng Hoa Kỳ không trở lại Hiệp định Paris 1973 nữa.
Cá nhân tôi mong Ủy ban vận động tái họp Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973 đạt được đủ chữ ký đúng thời hạn để được Tòa Bạch Ốc cứu xét và có một câu trả lời dứt khoát. Nhưng theo suy diễn của tôi cơ may để Hoa Kỳ có thể ủng hộ việc triệu tập một hội nghị quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris 1973 rất thấp và có thể nói là số không.
Cách đây hai năm, Luật sư Lê Trọng Quát, nhân danh thủ tướng Chính phủ pháp định Việt Nam Cộng Hòa, đã gửi một lá thư ngỏ cho Tổng thống Donald Trump, đồng thời gửi cho lãnh đạo các nước Pháp, Anh, Canada, Nga, Nam Dương, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để xin "phục hoạt Hội nghị Paris nhằm thực hiện toàn vẹn các điều khoản của Hiệp định Paris 27 tháng 1, 1973". Nói một cách ngắn gọn, ông Quát muốn phục hồi Hiệp định Paris 1973.
Chúng ta chưa có may mắn được ông Quát chính thức cho biết phản ứng của Tổng thống Trump về việc này ra sao. Nhưng tôi đoán, nếu có một phản ứng tích cực nào đó, ông Quát đã cho mọi người biết rồi.
Đối với Hoa Kỳ, Hiệp định Paris 1973 chỉ là một biện pháp mua thời gian để rút quân ra khỏi Việt Nam, một "Decent Interval". Hoa Kỳ bao lâu nay đã muốn quên hiệp định này.
Một vài thành viên tham dự hội luận cho rằng không có hi vọng ứng cử viên Joe Biden sẽ giúp cuộc vận động tái họp hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973 vì ông Biden chống Việt Nam Cộng Hòa và chống người tị nạn Việt Nam. Ông Donald Trump cũng không khá gì hơn vì ông từng nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tồi tệ, đáng nhẽ Hoa Kỳ không nên liên lụy vào.
Nguyễn Quốc Khải
(21/03/2020)
Cách đây hơn một thập niên có một phong trào vận động phục hồi Hiệp định Paris 1973 do các ông Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Văn Chức, Lý Tòng Bá, Nguyễn Ngọc Bích chủ xướng. Sau khi các vị này qua đời, một vài nhân vật khác đã tiếp tay thổi phồng vấn đề này lên như các ông Lê Trọng Quát, Lâm Chấn Thọ, Lê Đình Thông, Trần Thanh Hiệp, Phạm Đăng Sum và Hồ Văn Sinh.
Mề đai bạc (hai mặt) kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris 1973 - Ảnh minh họa
Theo thiển ý của tôi, đây là một việc hoang tưởng như tôi đã trình bầy từ 2012. Thêm 8 năm trôi qua, không có thêm một bằng chứng nào cho thấy phong trào phục hồi Hiệp định Paris đạt một kết quả dù là nhỏ bé. Trong hai năm vừa qua, ở hải ngoại lại dấy lên một vài tiếng nói yếu ớt để cứu vãn phong trào phục hồi Hiệp định Paris 1973. Đó chính là lý do tôi cập nhật hóa một bài báo mà tôi đã viết trước đây.
Những sáng kiến phục hồi Hiệp định Paris 1973
Sáng kiến phục hồi Hiệp định Paris 1973 đã có từ cuối thập niên 1970. Sau khi Giáo sư Vũ Quốc Thúc được chính phủ Pháp can thiệp cho di cư sang Pháp vào 1978, ông đã nhận thấy những nhân vật chủ chốt cũ của Việt Nam Cộng Hòa cần thành lập một chính phủ lưu vong để phục hồi Hiệp định Paris và tiếp tục tranh đấu chống cộng sản. Nhưng mãi đến cuối 1986, ý kiến này mới được thảo luận nghiêm chỉnh trong một cuộc hội thảo tại Paris để bàn về vấn đề thuyền nhân. Luật sư Vương Văn Bắc, cựu bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận định rằng Hiệp định Paris vẫn còn có giá trị và có những điều khoản giúp thiết lập hòa bình ở Việt Nam và như vậy sẽ chấm dứt được thảm cảnh vượt biển và quốc tế sẽ không nhìn những thuyền nhân như những người tị nạn kinh tế.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc
Cố Luật sư Vương Văn Bắc, cựu Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa
Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Luật sư Vương Bắc là hai người sáng lập Ủy ban Luật gia Việt Nam vãn hồi Hiệp định Paris 1973
Các tham dự viên của cuộc hội thảo đã quyết định thành lập Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 (Comité de Juristes vietnamiens pour la remise en vigueur des Accords de Paris de 1973) do Giáo sư Vũ Quốc Thúc làm chủ tịch. Ủy ban Luật gia Việt Nam (tức Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 viết tắt) soạn thảo bạch thư "Chiến tranh và Hòa bình ở Đông Dương" (Guerre et Paix en Indochine) và chính thức kêu gọi Chánh phủ Pháp đứng ra hòa giải vì Pháp đã tổ chức cuộc hòa đàm đưa đến Hiệp định Paris 1973.
Tiếp theo sáng kiến của Ủy ban Luật gia Việt Nam vãn hồi Hiệp định Paris 1973, một vài nhân vật và một số tổ chức khác đã theo đuổi việc phục hồi Hiệp định Paris 1973.
Trước và sau khi Ủy ban Luật gia Việt Nam vãn hồi Hiệp định Paris 1973 được thành lập, cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tiếp xúc với tổ chức này thường xuyên, vì ông ủng hộ việc vãn hồi Hiệp định Paris. Chính cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đã gửi thư lên Liên Hiệp Quốc về vấn đề này vào năm 1993.
Đến năm 2008, nghĩa là hơn 20 năm sau cuộc vận động của Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 bất thành, ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu chủ tịch Hạ Viện và cựu thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, thành lập Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa lưu vong tại Hoa Kỳ. Ông Cẩn cũng chủ trương phục hồi Hiệp định Paris 1973. Sau khi ông đột ngột từ trần vào năm 2009, hai ông Nguyễn Văn Chức và Lý Tòng Bá của Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa lưu vong tiếp tục công việc vận động này. Người ta không rõ chính phủ lưu vong này đã đạt những kết quả cụ thể nào.
Sau khi ông Nguyễn Bá Cẩn qua đời, Ủy ban Lãnh đạo lâm thời Việt Nam Cộng Hòa của ông Nguyễn Ngọc Bích thành lập vào tháng 10/2012 cũng gửi thỉnh nguyện thư gồm trên 30.000 chữ ký, kêu gọi Liên Hiệp Quốc tái nhóm một Hội nghị quốc tế khẩn cấp về Việt Nam để "phục hồi Hiệp định Paris 1973 nhắm trả lại danh dự và công bằng cho 40 triệu quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa".
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, sau khi lấy lại miền Nam Việt Nam, ông Bích sẽ tổ chức tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam để tái lập Việt Nam Cộng Hòa. Những người di cư từ miền Bắc vào Nam sau 30/4/1975 được phép ở lại miền Nam, nhưng họ không có quyền đi bầu. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa được tái lập, lấy danh nghĩa này ông Bích sẽ đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa.
Thỉnh nguyện thư gửi Liên Hiệp Quốc gián tiếp xác nhận Ủy ban Lãnh đạo lâm thời Việt Nam Cộng Hòa là một chánh phủ lưu vong và có một "quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ngoài lãnh thổ". Việc phục hồi Hiệp định Paris 1973 và thành lập chính phủ lưu vong Việt Nam Cộng Hòa chỉ là phương tiện. Mục tiêu của Ủy ban Lãnh đạo lâm thời Việt Nam Cộng Hòa là phục hoạt chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên hầu hết những nhân vật chính của Việt Nam Cộng Hòa từ ngày ra nước ngoài sống ẩn dật hoặc ngày nay đã quá lớn tuổi hoặc đã qua đời.
Luật sư Lâm Chấn Thọ, một người chủ trương trở lại Hiệp định Paris 1973, phân tách rằng "Vì không có một tổ chức nào ở hải ngoại hoặc quốc nội có đủ tầm vóc để được các thành phần không cộng sản tín nhiệm, chính phủ lưu vong là chất keo kết nạp tất cả các tổ chức không cộng sản lại". Người ta muốn biết tất cả bốn chính phủ Việt Nam lưu vong ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó (nay con số này đã lên tới bẩy) có được người Việt trong và ngoài nước ủng hộ hay không, cho đến nay đã kết nạp được bao nhiêu đoàn thể, có bao nhiêu thành viên, thành lập được bao nhiêu cơ sở.
Trở ngại chính cho việc phục hồi Hiệp định Paris 1973
Việc làm của Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 được một phần chính giới Pháp ủng hộ. Tuy nhiên, quan điểm chính thức của Pháp đã được Dân biểu Georges Mesmin trình bầy tại cuộc hội thảo 1986 tại Paris rằng :
"Khi chính phủ Pháp chính thức yểm trợ Việt Nam (cộng sản) gia nhập Liên Hiệp Quốc [1977], thì mặc nhiên Pháp đã xí xóa việc Hà Nội vi phạm Hiệp định Paris 1973".
Ủy ban Luật gia Việt Nam cũng không nhận được sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Trước cuộc hội thảo một ngày, ông David Steinman, một luật sư Hoa Kỳ và cộng sự viên của Thượng nghị sĩ Daniel Moynihan, đến gặp Giáo sư Vũ Quốc Thúc và cho biết rằng Hoa Kỳ không muốn cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu công khai tham gia hội thảo mà nên đứng sau hội trường. Ông Steinman cũng khuyến cáo rằng :
"Sớm muộn gì quý vị cũng phải dùng biện pháp bất tuân dân sự (civil disobedience). Phải có phong trào bất tuân dân sự trên toàn quốc mới hy vọng thay đổi được chế độ cộng sản độc tài".
Vào năm 1989, cựu Thượng nghị sĩ Phạm Nam Sách và cựu Dân biểu Nguyễn Hữu Thống gửi đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) tại The Hague, Hòa Lan để kiện chính quyền cộng sản Việt Nam vi phạm Hiệp định Paris 1973. Tòa án Công lý Quốc tế không thụ lý được trường hợp này vì cơ quan này chỉ sử tranh chấp giữa các quốc gia hội viên thuộc Liên Hiệp Quốc mà thôi.
Hoa Kỳ không đưa ra một quan điểm chính thức nào về việc vãn hồi Hiệp định Paris 1973 cho đến năm 1990. Sau khi cuộc vận động tại Tòa án Công lý Quốc tế không thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thống nhân danh Ủy ban Luật gia Bảo vệ Dân quyền vận động thẳng với chánh phủ Hoa Kỳ và được Tổng thống George H. W. Bush phúc đáp rằng Hoa Kỳ không trở lại Hiệp định Paris 1973 nữa.
Ủy ban Luật gia bảo vệ dân quyền được thành lập vào 1990 gồm có Luật sư Nguyễn Hữu Thống, Luật sư Nguyễn Văn Chức, Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Luật sư Phạm Nam Sách, Luật sư Nghiêm Xuân Hồng, và Giáo sư Nguyễn Cao Hách.
Không có quốc tế yểm trợ, kế hoạch vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 do Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 chủ xướng từ năm 1986 đã thất bại. Giáo sư Vũ Quốc Thúc chia sẻ cảm nghĩ của ông về sự kiện này như sau :
"Dù biết trước những sự khó khăn này, ngay từ năm 1986, chúng tôi đã tìm cách nêu vấn đề trở lại Hiệp định Paris. Mục đích của chúng tôi, lúc bấy giờ, là kích thích tinh thần đấu tranh của cộng đồng Việt Nam tại Pháp, phần nào đã suy giảm sau khi thấy chính quyền cộng sản Việt Nam rầm rộ ăn mừng "mười năm tái thống nhất đất nước… Tóm lại, vấn đề trở lại Hiệp định Paris, coi như đã bị các đồng minh cũ của Việt Nam Cộng Hòa gạt bỏ hẳn".
Sau khi công cuộc phục hồi Hiệp định Paris bất thành và Hoa Kỳ bình thường hóa ngoại giao với Hà Nội, Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã hợp tác Tiến sĩ Nguyễn Bá Long, rút kinh nghiệm của những cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản ở Đông Âu, thiết lập Phong trào Hiến chương 2000 để đấu tranh với chính quyền cộng sản Việt Nam và vận động cho một thể chế tự do dân chủ tại Việt Nam. Bản Hiến chương 2000 được công bố vào ngày 25/11/2000 tại Paris.
Kể từ năm 1977, khi Việt Nam được gia nhập Liên Hiệp Quốc, tức là đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận, ngày càng có thêm trở ngại cho việc vãn hồi Hiệp định Paris 1973 và đến nay có thể nói không còn một hi vọng nào cả. Đối với quốc gia công nhận và quốc gia được công nhận, Hiệp định Paris không còn giá trị nữa.
Hoa Kỳ chính thức công nhận Việt Nam khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận với Việt Nam vào năm 1994 và tái lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995. Kể từ thời điểm này Hoa Kỳ chính thức không còn tôn trọng Hiệp định Paris 1973.
Ngay từ đầu, Hiệp định Paris 1973 cũng chỉ là một thỏa hiệp tạm bợ để Hoa Kỳ hi vọng có thêm thời gian tháo chạy ra khỏi Việt Nam mà không bị mất mặt. Do đó, không có một động cơ nào để Hoa Kỳ phục hồi hiệp định này. Trái lại, chính sách của Hoa Kỳ hiện nay là liên kết với chính quyền Hà Nội để ngăn chặn lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Tại buổi hội thảo về chính sách ngoại giao vào giữa tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, Đại tá quân đội cộng sản Việt Nam Trần Đăng Thanh, giảng viên thuộc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, nói rằng Hoa Kỳ "đang dùng Việt Nam như một lực lượng tiên phong để chặn Trung Quốc".
Trong một buổi hội thảo vào cuối năm 1987, cũng tại Paris do Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 tổ chức, ông Henri Kissinger, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Richard Nixon, giải thích rằng :
"Hoa Kỳ không phản ứng khi Hà Nội vi phạm hiệp định vì Hoa Kỳ đang bị lúng túng với vụ Watergate. Dư luận Hoa Kỳ cho rằng Hoa Kỳ đã rút hết quân rồi, việc Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris xâm chiếm miền Nam là việc nội bộ của Việt Nam, Hoa Kỳ không thể nào nhân cơ hội này trở lại Việt Nam để bị lôi cuốn một lần nữa vào ‘vũng bùn chiến tranh’ và Quốc hội Mỹ cũng không chấp nhận".
Trở ngại chính cho việc phục hồi Hiệp định Paris 1973 là thiếu hỗ trợ quốc tế. Phục hồi nó không dễ dàng và không đem lại quyền lợi thực tiễn nào cho các nước tham dự Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Từ lâu hiệp định này đã là một sự kiện quá khứ.
Trong 40 năm vừa qua, theo thiển ý của tôi, mặc dù có những cá nhân xuất sắc nhưng ở hải ngoại chưa thấy xuất hiện một tổ chức nào lớn mạnh, có uy tín và hậu thuẫn của người Việt để có thể đảm đương những việc làm có tầm vóc quốc tế như việc vận động phục hồi Hiệp định Paris, giả sử nếu đó là một việc hợp lý và thực tiễn đáng làm. Chúng ta không có thực lực. Đó là trở ngại không kém quan trọng. Và nếu không có thực lực, không một định chế quốc tế nào ủng hộ chúng ta cả.
Hiệp định Paris 1973 chỉ còn giá trị lịch sử
Hiệp định Paris 1973 đã chết ngắc ngoải vào đầu năm 1974, khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố Hiệp định Paris 1973 vô giá trị vì phe cộng sản Việt Nam lợi dụng thời gian ngưng bắn để lấn chiếm những vùng hẻo lãnh. Những vi phạm này được xác nhận trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ ngày 10/4/1973 và công hàm của Hoa Kỳ gửi 11 nước yểm trợ Hội nghị quốc tế về Việt Nam.
Khi phe cộng sản Bắc Việt xua quân vượt qua sông Bến Hải để tiến chiếm Việt Nam vào 8/1/1975, Hiệp định Paris đã bị khai tử từ ngày đó. Cả thế giới làm ngơ trước sư vi phạm trắng trợn này. Hoa Kỳ cũng không có một phản ứng nào mặc dù Điều 7 (b) của Đạo Luật về Hội nghị quốc tế về Việt Nam (Act of The International Conference of Vietnam) ký ngày 2/3/1973 bởi 12 nước bảo đảm Hiệp định Paris 1973 qui định rằng, trong trường hợp có sự vi phạm Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ và nước Dân chủ Cộng hòa Việt Nam có thể triệu tập hội nghị quốc tế thay mặt những nước đã ký kết hoặc trong trường hợp có it nhất sáu nước đồng ý.
Hiệp định Paris 1973 đã chết thì không thể làm sống lại được vì những điều khoản trong hiệp định này. Thật vậy, Hiệp định Paris 1973 công nhận Việt Nam có hai miền Bắc và Nam. Riêng miền Nam Việt Nam có hai chánh phủ : 1) Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa và 2) Chánh phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.
Điều 9 (b) của Chương IV qui định rằng :
"Nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế".
Sau ngày 30/4/1975, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa không còn và sau ngày 2/7/1976 Chánh phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam cũng bị sát nhập vào Chánh phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam không có hai miền Nam Bắc riêng biệt nữa. Sau 30/4/1975 cả triệu người Bắc di cư vào Nam lập nghiệp, không kể 150.000 quân quân cộng sản Bắc Việt được hai ông Chu Ân Lai và Kissinger cho phép chính thức ở lại miền Nam Việt Nam kể từ ngày Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973. Miền Nam hiện nay không còn là miền Nam trước 30/4/1975 nữa. Phục hồi Hiệp định Paris 1973 để đòi Chánh phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trả lại phần đất phía nam vĩ tuyến 17, để miền Nam tổ chức tổng tuyển cử là một chuyện hoàn toàn thiếu thực tế. Ngoài ra, không ai muốn Việt Nam lại bị chia cắt ra làm hai phần một lần nữa.
Kết luận
Sau 45 năm, tình hình thế giới đã thay đổi. Biển Đông nổi sóng vì tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Bàn cờ Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Không nên và cũng không thể nào lập lại bàn cờ cũ được. Cách đây một phần tư thế kỷ, những cố gắng của Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 và Ủy ban Luật gia Bảo vệ Dân quyền chứng tỏ đã quá trễ rồi. Rút kinh nghiệm của những người đi trước, ngày nay ý tưởng phục hồi một hiệp định đã trở thành vô giá trị, với toan tính dựa dẫm nặng nề một lần nữa vào thế lực ngoại quốc, là một hoang tưởng và một dại dột.
Ông Lê Quế Lâm đã góp ý trong một bài báo phổ biến vào 2012 như sau :
"Hiệp định Paris 1973 ra đời đến nay vừa tròn 40 năm, đất nước đã thay đổi quá nhiều, làm sao có thể tái tạo bối cảnh cũ để trình diễn. Chỉ còn cách đóng tuồng để hoài vọng quá khứ".
Theo thiển ý của tôi, về mặt quốc tế, lội ngược dòng là chết. Tương kế tựu kế là sách lược khôn ngoan cho một quốc gia nhỏ bé và chậm tiến như Việt Nam trong tình trạng hiện nay. Về mặt quốc nội, yểm trợ những nhà dân chủ kiên cường ở trong nước là quốc sách.
Cách đây vài năm, tôi được dịp tham gia một cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam tại Hòa Lan. Trong dịp này tôi được hân hạnh gặp một thuyết trình viên là bà J. W. E Spies, lúc đó bà là Chủ tịch đảng Christian Democratic Appeal và dân biểu quốc hội Hòa Lan và từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi được hỏi về vấn đề vận động quốc tế cho tự do dân chủ ở Việt Nam, bà nói rằng người Việt Nam trước tiên phải hi sinh, phải tranh đấu cụ thể cho đất nước của chính mình trước khi mong đợi người ngoài giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng lời khuyến cáo của bà Spies thật rất thực tiễn và chí lý đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Nguyễn Quốc Khải
10/03/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Lam Chan Tho, "Est-il une solution pour le Vietnam ?", 2/10/2012.
2. Lê Quế Lâm, "Những đóng góp cho đất nước sau 1975 của một chứng nhân lịch sử : Giáo sư Vũ Quốc Thúc", Thụ Nhân Âu Châu, 16/7/2011.
3. Lê Quế Lâm, "Đọc hồi ký của Giáo sư Vũ Quốc Thúc", Việt Thức, 28/12/2010.
4. Nguyễn Hữu Thống, "Hiệp định Hòa bình Paris dẫn đến Hòa bình của những nấm m", Việt Vùng Vịnh, 2/6/2010.
5. Nguyễn Quốc Khải, "Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973", RFA, 17/12/2012.
6. Nguyễn Quốc Khải, "Mạn đàm về Chính phủ lưu vong", Đàn Chim Việt, 05/12/2012.
7. Nguyễn Thiếu Nhẫn, "Sự vong thân của một vị tôn sư", Tin Paris, 2/10/2011.
8. Paris Peace Accords, "Act of the International Conference of Vietnam", March 2, 1973.
9. Trần Đăng Thanh, "Đại tá Trần Đăng Thanh giảng về Biển Đông cho lãnh đạo các trường đại học", Ba Sàm. 19/12/2012.
10. Trần Thị Diệu Tâm, "Buổi giới thiệu sách của Giáo sư Vũ Quốc Thúc tại Paris", 12/11/2010.
11. Trần Thị Diệu Tâm, "Tang lễ của Luật sư Vương Văn Bắc", 28/12/2011.
12. U.S. Department of State, "Complaints of Violations of the Cease-fire : United States Note Verbale transmitted April 10, 1973 for delivery to prticipants in the International Conference in Vietnam", April 10, 1973.
13. Vũ Quốc Thúc, "Thời đại của tôi", nhà xuất bản Người Việt, 2010.
14. Đào Nương, "Chỉ một ngày là lập xong Chính phủ", Saigon Nhỏ số 1019, 9/11/2012.