Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

10/01/2021

Khởi nguồn của Champa : Một tiếp cận dựa trên sử liệu phi truyền thống

Đổng Thành Danh

Tóm tắt

Bài viết này xem xét lại lần lượt các nguồn sử liệu cũng như các cách sử dụng và diễn giả các nguồn sử liệu liên quan đến sự hình thành của (các) vương quốc Champa cổ ở miền Trung Việt Nam. Thông qua đó tác giả muốn gợi ý một số cách tiếp cận mới về sự hình thành và biến đổi của các vương quốc cổ ở miền Trung trong quá khứ từ quá trình hình thành, liên kết thông qua sự xuất hiện của một chính thể chung gọi là Champa.

champa1

Tháp Dương Long, Bình Định

Đối với những Nhà nghiên cứu sử học cổ - trung đại và những người quan tâm đến lịch sử, cái tên Champa không phải là một danh xưng xa lạ, nhưng đến nay vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Hầu hết những diễn ngôn gần nhất của giới học giả đều nhìn nhận Champa như một vương quốc tập hợp nhiều tiểu quốc ở miền Trung Việt Nam (đôi khi cả khu vực Tây Nguyên), chưa có tư liệu nào chứng minh Champa là "một quốc gia"(G. Maspero 1928 ; Dohamide - Dorohiem 1965 ; Po Dharma 1999, tr. 9 - 36 ; P-B. Lafont 1999, tr. 39 - 54, P-B. Lafont 2011 ; Lương Ninh 2006). Về thời gian tan rã của Champa hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người lấy mốc 1471 để kết thúc sự tồn tại của nhà nước Champa. Sau 1471 chỉ còn tồn tại tiểu vương Kauthara và Panduranga và lấy núi Đá Bia là ranh giới lãnh thổ.

Tuy vậy, cái nhìn đó thật ra chỉ là một cách nhìn tương đối hay nói cách khác chưa đúng hoàn toàn, trong khi các tác giả cố thoát ra khỏi "cái bóng" của một Champa tập quyền như mô hình Trung Hoa, Đại Việt mà Maspero đã lầm tưởng, họ lại khư khư giữ lấy một khung thời gian cố định cho những cột mốc của một Champa đa dạng. Trong khi cố thuyết phục độc giả rằng Champa là một thể chế "đa hợp" thì chỉ có lịch sử của các trung tâm mới được "khắc họa" trong từng trang viết của họ, khiến cho chúng ta hiểu rằng Amarawati hay Vijaya (2 tiểu quốc phương Bắc) mới là Champa, còn Panduranga hay Kauthara chỉ là những chính thể ngoại biệt.

Mặt khác, trong suốt một nửa "tuổi đời" của ngành Champa học, các học giả không ngừng đi tìm cách lý giải về thể chế chính trị của Champa với bao nhiêu kiến giải như Champa là một quốc gia liên bang, liên hiệp (Po Dharma 2012 ; W. Southworth 2001 ; Michael Vickery 2005 ; A. V. Schweyer 2010, pp. 102 - 117), một chính thể thuộc dạng Mandala (O.W. Wolter 1999 ; Momoki Shiro 2011, pp. 120 - 137 ; Lâm Thị Mỹ Dung 2017 ; Đỗ Trường Giang 2018, tr. 4 - 8), một chính thể thuộc cấu trúc liên quần đảo (Keith W. Taylor 1992, pp. 137 - 182)… tất cả những lý giải này đều nằm trên giả định, bắt nguồn từ các học thuyết bên ngoài, dựa trên những phân tích của những người đi sau hàng mấy thế kỷ. Nhưng tất cả điều đó chỉ là một cách gọi tên, bản chất thật sự của vấn đề nguồn gốc, bối cảnh hình thành, cách thức mà chính thể này liên kết, tồn tại, phát triển và suy vong vẫn chưa được nhìn nhận một cách tỉ mỉ và toàn diện. Khái niệm Champa cần phải được định nghĩa lại, vị trí của nó trong bối cảnh quá khứ, trong diễn trình lịch sử cũng nên cần được định vị lại. Để làm được điều đó ta không nên chỉ dựa vào sử liệu Trung Hoa, không nên chỉ dựa vào các lý thuyết hàn lâm mang tính giả định, mà nên dựa vào các cứ liệu có tính kiểm chứng (như khảo cổ học) và các sử liệu mang tính tự sự (bia ký).

Bài viết này là một phần nhỏ trong nỗ lực tái định vị lại Champa trong lịch sử lẫn khoa học về lịch sử, qua đó tác giả muốn chỉ ra rằng những quan điểm, những cách nhìn nhận trước kia về Champa là chưa hoàn chỉnh. Tuy vậy, đây không hề là một nghiên cứu mang tính phê phán đối với các nhà Champa học tiền bối mà hoàn toàn mang tính kế thừa và gợi mở cách tiếp cận mới. Nghiên cứu này tiếp cận Champa trên 2 khía cạnh cụ thể : Nguồn gốc hay các tiền đề hình thành Champa ; và sự xác lập của Champa với "trạng thái"đa tiểu quốc.

Những chính thể tiền Champa : nhìn từ bia ký

Trong quan điểm của nhiều nhà Champa học, Lâm Ấp là chính thể khởi đầu của Champa, điều này dẫn đến những hình dung tiếp theo của họ là những gì thuộc về Lâm Ấp ắt hẳn là cũng thuộc về Champa : sự khởi đầu của Lâm Ấp là khởi đầu của Champa, lãnh thổ Lâm Ấp là lãnh thổ Champa và sự phát triển của Lâm Ấp hiển nhiên là sự tiến hóa của Champa. Điều này cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của nguồn sử liệu Trung Hoa đối với các học giả trong bối cảnh ban đầu khi mà bia ký chưa xuất hiện. Ngay kể cả khi gần đây W. Southworth, M. Vickery đã chỉ ra các hạn chế của sử liệu Trung Hoa và nhược điểm của việc sử dụng các nguồn sử liệu ấy để "vẽ lại" lịch sử Champa, họ vẫn không thoát khỏi sự chi phối bởi những "bộ óc" của các sử gia "Thiên triều". Đối với họ, Tây Đồ (chính thể ở sông Thu Bồn), một thể chế nằm ở phía Nam Lâm Ấp, mới là Champa.

Đối với tôi Champa chỉ hiện hữu khi chủ nhân của nó ý thức về Champa : khi họ gọi đất nước của mình là Campadésa [1] hay Campapura [2], gọi vua của mình là vua hay người cai trị Champa (Campésvara [3], Campaprthivibhujas [4]…), tất nhiên để có một quốc gia Champa như vậy phải có những thể chế tiền đề, tạo ra từ những sự kiện tiền đề, dựa trên những bối cảnh địa - chính trị tiền đề. Điều đó không có nghĩ rằng những gì thuộc về tiền đề phải bị đánh đồng với chính thể ấy, trong quan điểm của tôi Champa không phải là Lâm Ấp, càng không phải là Tây Đồ. Trong một bài viết trước đây, tôi đã đặt ra một kết luận rõ ràng rằng Lâm Ấp hay kể cả Tây Đồ là "sản phẩm" của các nhà viết sử Trung Hoa, nó không thể phản ánh cái bản chất thật của các chính thể tiền Champa và do đó càng không thể phản ánh bản chất của Champa (Đổng Thành Danh 2018, tr. 4 - 8).Lịch sử của những chính thể tiền Champa, cũng như Champa sau này, chỉ có thể làm rõ nét bằng những nguồn tư liệu khảo cổ học mới nhất kết hợp với những bia ký cổ.

Vậy thì, để nhìn lại diện mạo ban đầu của Champa, thay vì tập trung vào Lâm Ấp, thông qua các sử liệu Trung Hoa, hãy tập trung vào các diễn biến khảo cổ học cho thấy sự xuất hiện của những chính thể Champa sớm. Bia ký là một khối dữ liệu quan trọng để tìm hiểu lịch sử Champa. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu bia ký Champa luôn phải "đau đầu" khi sử dụng nguồn tư liệu này. Có một thực tế là bia ký Champa rất là ít ỏi, nếu như không muốn nói là bị tàn phá gần hết, nội dung của các văn bia lại đa dạng về văn tự, nội dung mang nhiều ẩn nghĩa do đó muốn xâu chuỗi, sắp xếp, tổng hợp các văn bia lại để viết sử Champa quả thật không phải là điều dể dàng. Có hai bia ký quan trọng nhất cho thấy chỉ dấu về những chính thể hay nhà nước sớm ở miền Trung Việt Nam : Võ Cạnh (C.40) thế kỷ II - III (L. Finot 1915, pp. 3 - 5 ; R. Majumdar 1927, pp. 1 - 3 ; J. Filliozat 1969, pp. 107 - 116 ; C. Jacques 1969, pp. 117 - 124), Đông Yên Châu (C174) gần Trà Kiệu có niên đại khoảng thế kỷ IV (A. W. Schweyer 1999, pp. 321 - 344).

Bia ký quan trọng nhất trong giai đoạn này là Võ Cạnh (Nha Trang, Khánh Hòa), nhắc đến một danh xưng Sri Mara, mà Maspero đồng nhất với Khu Liên (trong các ghi chép của Trung Hoa). Võ Cạnh là bia ký thu hút được nhiều sự chú ý nhất của học giới, riêng về vấn đề chủ nhân hay nguồn gốc của tấm bia này, trong khi Coedes cho rằng bia ký này thuộc Phù Nam với lập luận rằng Sri Mara chính là Phạm Sư Mạn (vua Phù Nam được nhắc đến trong các văn bản Trung Hoa). Ngược lại, Filliozat và Claude Jacques cho rằng nó không được dựng nên bởi hậu duệ của Sri Mara, mà là một người con rể kết hôn với dòng tộc mẫu hệ đang thống trị và dòng tộc này là dòng tộc của 1 người phụ nữ là cháu nội của Sri Mara. Điều này được làm rõ hơn bởi W. Southworth, và được sự ủng hộ của M. Vickery, khi ông lý giải bia ký này thể hiện một đặc trưng của chế độ mẫu hệ điển hình của một xã hội bản địa Nam đảo, tức là dù nhắc đến vua Phù Nam nhưng chủ nhân của nó là một vị thủ lỉnh bản địa (Đổng Thành Danh 2018, tr. 47 - 52).

Như vậy, nội dung của tấm bia sớm ở Nha Trang đặt ra một khả năng rằng chủ nhân của nó là một người thuộc dòng họ mẫu hệ thống trị hay một vị thủ lĩnh ở vùng địa phương. Đặc trưng mẫu hệ của dòng họ này thể hiện qua nội dung trên bia ký phản ảnh dấu ấn bản địa điển hình của nhóm người Mã Lai - Đa Đảo (trong đó có người Chăm). Tấm bia cũng phần nào cho thấy mối liên kết hay bị ảnh hưởng bởi Phù Nam của vị thủ lĩnh hay dòng tộc dựng nên tấm bia này, nhất là khi nơi dựng tấm bia khá gần với Phù Nam - một đế chế mà thời điểm ấy vẫn đang rất hùng mạnh trong khu vực. Mặt khác, khi dựng một tấm bia có sử dụng văn tự Ấn Độ, với những nội dung tôn giáo mang ảnh hưởng Ấn Độ, chủ nhân của tấm bia ký rõ ràng đang xây dựng một thể chế Ấn Độ hóa như phần lớn đế chế trong khu vực thời bấy giờ. Chính thể là chủ nhân của văn bia Võ Cạnh với những điều kiện trên rất có thể đã là một chính thể mang tính nhà nước hay nhà nước sơ khai phát triển từ các chính thể tiền nhà nước bản địa đang trong quá trình Ấn Độ hóa ở phía Nam Champa sau này.

Xa hơn về phía Bắc, ở Quảng Nam, ngoài Đông Yên Châu, 3 tấm bia có niên đại muộn hơn một chút (khoảng thế kỷ V) cho thấy thuộc về một vị thủ lĩnh hay tiểu vương ở vùng Quảng Nam : Bhadravarman [5]. Maspero đánh đồng Bhadravarman I này với Phạm Hồ Đạt (vua Lâm Ấp trong sử liệu Trung Hoa) (G. Maspero 1928, pp. 63 - 64), trong khi Coedes lại cho đây là Phạm Phật (G. Coedes 2011, tr. 101). Giả định của 2 "bậc thầy" này dựa trên lập luận Champa là nhất thể và đánh đồng Lâm Ấp với Champa, các nhận định này là kết quả của việc tìm ra sự đồng nhất giữa sử liệu Trung Hoa và các văn bia. Ngược lại, các quan điểm gần đây của Vickery và A. V. Schweyer (M. Vickery 2005, p. 27 ; A. V. Schweyer 2010, pp. 109 - 111), mà tôi phần nào ủng hộ, cho rằng Bhadravarman là vua của một chính thể ở Quảng Nam, mà A. V. Schweyer xác định rõ tên gọi là Tây Đồ, một chính thể mà Southworth định vị tại lưu vực sông Thu Bồn (W. Southworth 2001, pp. 291 - 293). Quan điểm của A. V. Schweyer, một lần nữa phần nào bị ảnh hưởng bởi tư duy đánh đồng giữa các ghi chép trong bia ký và tài liệu Trung Hoa, cố gán ghép các địa danh của 2 nguồn sử liệu khác nhau.

Một tấm bia khác quan trọng không kém gắn với Bhadravarman là bia C41 được tìm thấy xa hơn về phương Nam nay thuộc Chợ Dinh, ven biển tỉnh Phú Yên. Sự xuất hiện của văn bia mang tên Bhadresvara (vị thần Shiva ở Mỹ Sơn mà Bhadravarman dựng nên và tôn thờ) trong giai đoạn này khiến cho Finot lầm tưởng rằng Champa là một thể thống nhất từ Bắc chí Nam cho dù quan điểm ấy ngày nay đã không con đứng vững trước "hình ảnh" Champa đa tiểu quốc đã được học giới thừa nhận rộng rãi (Finot 1902, pp. 185 - 186). Tuy vậy, sự xuất hiện một bia ký có mối liên hệ với vị thủ lĩnh thuộc một chính thể ở Quảng Nam cho thấy 2 khả năng, một là đó là bia ký do chính Bhadravarman dựng lên, hay là do một thủ lĩnh địa phương, người chịu ảnh hưởng bởi Bhadravarman dựng nên. Ta không thể trả lời chính xác chủ nhân thật sự của văn bia này nhưng ít ra ta có thể đi đến nhận định rằng tấm bia này cho thấy một sự ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) của chính thể ở Quảng Nam mà Bhadravarman xây dựng đã vươn đến vùng đất Phú Yên bây giờ : đó là tiền để mở đầu cho việc xác lập một Champa sau này. Dù vậy, vẫn không hề có một cứ liệu nào cho thấy tầm ảnh hưởng của chính thể mà Bhadravarman xây dựng lan tỏa hơn nữa về phương Nam đến vùng đất Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay.

Dấu vết khảo cổ của các nhà nước sớm

Đó là những phán đoán dựa vào những ghi chép đầu tiên của bia ký Champa. Trong những năm gần đây, các phát hiện mới nhất về khảo cổ học ở miền Trung Việt Nam củng cố hơn cho những giả thuyết ấy. Những cuộc khai quật khảo cổ học đã chỉ ra rằng ngay từ thế kỷ thứ I đã xuất hiện những di chỉ cư trú có quy mô lớn ở nhiều vùng thuộc tỉnh Quảng Nam như Trà Kiệu, Gò Cấm (Duy Xuyên), Hậu Xá, Hồ Điều Hòa (Hội An)… đến các giai đoạn muộn hơn xuất hiện trung tâm cư trú Thành Lồi (Huế), Cẩm Phô (Hội An), Cổ Lũy - Phú Thọ ở Quảng Ngãi (thế kỷ III - IV)… Đặc điểm chung của các di chỉ cư trú giai đoạn sớm là đều được phát triển từ nến móng các di chỉ thời Sa Huỳnh (sơ sử), tập trung quanh lưu vực các con sông lớn, qua các hiện vật, dấu vết di tích có thể thấy ảnh hưởng và giao lưu với Trung Hoa. Nổi bật trong số các di chỉ thời kỳ này là Trà Kiệu, không chỉ lớn về quy mô, đa dạng về loại hình di vật, di tích, và trải dài liên tục về mặt niên đại, trải dài trên nhiều tầng văn hóa. Trà Kiệu còn là một phức hợp cư trú gắn với thành lũy. Do vậy không còn nghi ngờ gì nữa, Trà Kiệu, từ thế kỷ thứ 3, đã hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm của một Nhà nước sớm ở khu vực Quảng Nam (Lâm Thị Mỹ Dung 2017, tr. 211 - 290).

Muộn hơn về niên đại, khoảng thế kỷ III -IV, di chỉ Cổ Lũy - Phú Thọ, là một phức hợp di chỉ lớn, đa chức năng không thua kém gì Trà Kiệu. Ở đây có dấu tích các đền, tháp, các thành lũy quân sự, các di chỉ cư trú lớn, rất có khả năng là trung tâm chính trị - hành chính của một nhà nước sớm ở khu vực Quảng Ngãi hiện nay (Lâm Thị Mỹ Dung 2012, tr. 45 - 62 ; Lâm Thị Mỹ Dung 2017, tr. 262 - 271). Muộn hơn, khoảng thế kỷ thứ IV, trên lưu vực sông Hương (Huế), các chuyên gia khảo cổ cũng phát hiện một dấu tích thành lũy lớn và khá nguyên vẹn - thành Lồi. Ngoài dấu tích thành quân sự muộn này, người ta chưa phát hiện một di chỉ lớn nào quy mô hơn, sớm hơn ở Thừa Thiên Huế. Dù chưa thể kết luận xem thành Lồi có phải là trung tâm của một chính thể nhà nước sớm, nhưng dấu tích thành Lồi có thể được xem như là một thành lũy quân sự có vai trò phòng thủ quan trọng ở phía Bắc lãnh thổ Champa sau này (Lâm Thị Mỹ Dung 2016, tr. 58 - 71 ; Lâm Thị Mỹ Dung 2017, tr. 211 - 215).

Những khám phá khảo cổ học đã soi sáng một phần quá khứ không được các văn liệu ghi lại ở các thế kỷ đầu Công nguyên tại khu vực miền Trung Việt Nam. Trên cơ sở tiếp nối những trung tâm, những lãnh địa của cư dân Sa Huỳnh, các di chỉ cư trú mới được ra đời, các di chỉ này liên kết với nhau qua các hoạt động giao thương, buôn bán, qua các hoạt động quân sự thôn tính hoặc sáp nhập để rồi hình thành những di chỉ phức hợp cư trú thành lũy, hội đủ các điều kiện biến thành các trung tâm hành chính - quân sự - kinh tế của những chính thể dạng nhà nước sớm (Lâm Thị Mỹ Dung 2008 ; Lâm Thị Mỹ Dung 2015, tr. 1 - 15 ; Lâm Thị Mỹ Dung 2017, tr. 400 - 409). Trong đó, Trà Kiệu đáp ứng đủ các nhu cầu để trở thành trung tâm hành chính - quân sự - kinh tế của một dạng chính thể nhà nước tiền Champa ở Quảng Nam, sự trùng khớp về niên đại lẫn không gian địa lý cho phép chúng ta đồng nhất chính thể tiền Champa này với chính thể nhà nước mà Bhadravaman I đã tạo dựng, được ghi lại trong bia ký.

Lâm Ấp, Tây Đồ và các chính thể tương đương trong các ghi chép Trung Hoa

Đến đây ta có thể quay lại với các sử liệu Trung Hoa, nhưng hãy xem chúng như những nguồn thông tin mang tính đối chiếu với các nguồn thông tin ở trên và luôn dè dặt với từng chi tiết được ghi chép bởi các sử gia "phương Bắc". Đối với hầu hết các học giả xem sử liệu Trung Hoa như là nguồn đầu tiên để phác họa lại lịch sử Champa, cái tên Lâm Ấp luôn được định vị đầu tiên trong các trước tác của họ. Lâm Ấp xuất hiện đầu tiên trong Thủy kinh Chú, sau đó lần lượt được ghi tên trong các bộ sử lớn của Trung Hoa như Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Tùy thư, Cựu Đường thư và Tân Đường thư… Hầu hết các sử liệu này mô tả Lâm Ấp là quốc gia lập nên từ thời Hán mạt, sau cuộc nổi dậy của Khu Liên chống lại nhà Hán. Quốc gia này ở cực Nam Trung Hoa, thường xuyên là mối đe dọa với biên cương của các triều đại phương Bắc. Các sử liệu này cũng đề cập đến tình hình Lâm Ấp, các kinh thành, đời sống người dân và đặc biệt là danh sách các vị vua kéo dài luôn mở đầu bằng họ Phạm (Phạm Hùng, Phạm Văn, Phạm Hồ Đạt, Phạm Phật, Phạm Dương Mại…[6].

Lần sâu hơn về quá khứ, cũng có các nguồn sử liệu cổ hơn nói về các nhóm tộc người ở phương Nam Trung Hoa, đó là hậu Hán thư. Tài liệu này ghi nhận những sự kiện quan trọng trước thời Lâm Ấp, như các cuộc nổi dậy của người phương Nam chống lại nhà Hán năm 100, 137, 144, 178. Tư liệu đó còn ghi nhận về một quốc gia ở phương Nam Trung Hoa thường đem quân tràn qua biên giới, kết hợp với cư dân tại chổ chống lại "triều đình", dù vị trí của nó chưa được xác định cụ thể nhưng quốc gia này không phải là Lâm Ấp. Muộn hơn một chút (khoảng thế kỷ IV - V), sau khi các bộ sử Trung Hoa ghi nhận về Lâm Ấp, một nguồn sử liệu khác, là sách Thông điển, ghi nhận về một loạt các quốc gia phía Nam Lâm Ấp như : Tây Đồ, Ba Liêu, Khuất Đồ Kiển (R. Stein 1947, pp. 116 - 117)… Bằng những ghi chép về đơn vị địa lý trong văn liệu này, Southworth phán đoán rằng, Tây Đồ ở khu vực sông Thu Bồn, Ba Liêu ở Tam Kỳ (Quảng Nam), trong khi Khuất Đồ Kiền thuộc tỉnh Nha Trang, Khánh Hòa ngày nay (W. Southworth 2001, pp. 293 - 294).

Những ghi chú liên tục của Trung Hoa từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V trong sử liệu Trung Hoa cho thấy một tình trạng điển hình, làm cơ sở củng cố cho các nguồn khảo cổ và văn bia ở miền Trung Việt Nam trong những thế kỷ đầu công nguyên : đó là sự hình thành và tồn tại của một loạt các quốc gia, mà Lâm Ấp và Tây Đồ chỉ là một trong số những quốc gia ấy. Dù vậy, tôi vẫn muốn bảo vệ lập luận của mình rằng những ghi chú ấy chỉ mang tính gợi ý chứ không thể là căn cứ của bất kỳ một nhận định nào mang tính khả dĩ. Chúng ta không nên đánh đồng hay cố gán ghép những ghi chú ấy với bất kỳ một thực thể nào, một niên đại, sự kiện hay một vị trí địa lý cố định nào với các dữ liệu khảo cổ và bia ký. Do đó cần từ bỏ hay thận trọng trong việc đánh đồng Lâm Ấp với thực thể ở Bắc Hải Vân sau đó mở rộng về phương Nam (G. Coedes 2011, tr. 93 ; R. Stein 1947, pp. 241 - 245 ; Po Dharma 1999, tr. 10 ; P-B. Lafont 1999, tr. 42 ; Lafont 2011, tr. 140 - 141), hay định vị Lâm Ấp ngay tại Quảng Nam, Quảng Ngãi (P. Pilliot 1904, pp. 184 - 186 ; Đào Duy Anh 1998, tr. 186 - 189), càng không thể định vị Tây Đồ là một thực thể nổi lên ở vùng Thu Bồn và hấp thụ các nhà nước khác, kể cả Lâm Ấp và trở thành Champa (W. Southworth 2001, p. 318 ; A. V. Schweyer 2010, pp. 102 - 117).

Điều duy nhất mà chúng ta có thể đưa ra lúc này là bối cảnh chính trị phức tạp, đa quốc gia ở miền Trung Việt Nam trong suốt năm thế kỷ đầu công nguyên, làm tiền đề quan trọng cho sự hình thành Champa sau này, để chúng ta có thể định vị các nhà nước này là những nhà nước tiền Champa. Đến đây vấn đề tiếp theo mà chúng ta cần phải thực hiện là đi tìm sự lý giải cách thức mà các chính thể đa dạng này liên kết và tập hợp, đó là câu trả lời cho câu hỏi Champa được hình thành như thế nào ?

Sự ra đời của danh xưng Champa và bước ngoặc lịch sử của nó

Ở trên là những gì thuộc về các chính thể tiền Champa, những chính thể được hình thành và tồn tại dựa trên việc xác định các di chỉ cư trú, thành lũy, những dữ kiện trong văn bia, đối chiếu với các ghi chép của sử liệu Trung Hoa. Những chính thể này chắc chắn không tồn tại độc lập mà hẳn phải có một sự tương tác với nhau. Những tương tác này có thể biểu hiện trên hai khía cạnh chiến tranh và thần phục, với tính chất xung đột hoặc ôn hóa dẫn đến những sự sáp nhập mà các bia ký và sử liệu Trung Hoa không ngừng nhắc đến. Tuy vậy, không ai có thể trả lời chính xác khi nào, bằng sự kiện nào dẫn đến quá trình liên kết tập hợp giữa các nhà nước tiền Champa. Người ta cũng không biết khi nào thì Champa chính thức ra đời, điều đó diễn ra thông qua một sự kiện hay nhiều sự kiện trải qua một quá trình chuyển biến lâu dài.

Champa là một thuật ngữ có nguồn gốc Ấn Độ, đó là sự mô phỏng một địa danh Phạn ngữ mà người Chăm chịu ảnh hưởng trong quá trình tiếp xúc với văn minh Hindu (M. Vickery 2005, p. 16). Cũng theo Vickery, sự lựa chọn cái tên Champa của cư dân bản địa có nhiều kiến giải. Trong khi Finot cho rằng cái tên đó do những người Ấn Độ đem đến, thì Stein tin tưởng rằng cái tên đó do chính người bản địa lựa chọn sau các chuyến hải trình đến Ấn Độ (M. Vickery 2005, p. 16). Dù được lựa chọn hay bị lựa chọn, sự xuất hiện của danh xưng Champa ở miền Trung Việt Nam và sau đó trở thành quốc hiệu chung của các vương quốc ở vùng này là một cách tiếp thu các địa danh có nguồn gốc Ấn Độ điển hình để đặt tên cho các vùng, tiểu quốc của các chính thể bản xứ như tên gọi Amarawati (Quảng Nam, Đà Nẵng), Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận) (L. Finot 1903, p. 639 ; G. Arlo - W.A. Southworth 2011, pp. 285 - 286)… Champa còn là tên khoa học của loài hoa sứ hay hoa đại thường trồng ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự liên kết giữa quốc hiệu Champa và loài hoa này là không khả thi vì nước láng giềng Lào cũng được gọi là xứ sở hoa Champa.

Danh xưng Champa xuất hiện lần đầu tiên trong các bia ký vào khoảng thế kỷ thứ VII. Bia ký C96 ở Mỹ Sơn (ghi nhận niên đại 658 CN), có lẽ là bia ký đầu tiên đề cập đến Champa với danh từ Campapuryyam (thành phố Champa), Campapuraparamesvara (chúa tể của thành phố Champa) (L. Finot 1904, pp. 918, 921 ; R. Majumdar 1927, p. 21, 26), Campanagara (vương quốc Champa) (L. Finot 1904, pp. 921 ; R. Majumdar 1927, pp. 25) và Campesvara (chúa tể của Champa) (L. Finot 1904, pp. 921 ; R. Majumdar 1927, pp. 26). Một bia ký khác không rõ thời điểm nhưng dường như cùng thời với bia ký C96, cũng tại Mỹ Sơn, là bia C73 nhắc đến danh xưng Campadesa (người mang lại sự thịnh vượng cho đất nước Champa) (R. Majumdar 1927, pp. 12). Sự phổ cập của danh xưng Champa không chỉ tập trung ở Mỹ Sơn mà còn xuất hiện ở Huế thông qua văn bia của vua Kandarpadharma (R. Majumdar 1927, pp. 13 ; A. V. Schweyer 2011, p. 204). Danh xưng Champa càng lan rộng hơn nửa đến tận vương quốc của người Khmer, thông qua một bia ký ghi nhận rằng vào năm 667, người trị vì Champa (Campesvara) đã cử một sứ bộ đến Campuchia (M. Vickery 2005, p. 26 ; Lafont 2011, tr. 141).

Trong hai thế kỷ tiếp theo, hầu hết các văn bia của Champa chỉ tập trung một cách bất thường ở phía Nam, khi mà thế lực của các thủ lĩnh miền Nam nổi lên mạnh mẽ. Trong đó hai bia ký cổ nhất ở Ninh Thuận làYang Tikuh (C25) có đề cập đến niên đại 799 và bia Glai Lamow (C24) có ghi nhận niên đại 801. Cả hai văn bia này đều xưng tụng lần lượt là Indravarman và Psthivindravarman là người cai trị toàn Champa (R. Majumdar 1927, p. 48, 56). Một bia ký khác, ghi nhận niên đại 817, thuộc đền thờ Po Inâ Nâgar (thường được ghi sai là Pô Nagar hay Pô Nưgar) tại Nha Trang. Bia ký C31 ghi nhận một danh xưng đặc biệt chưa từng thấy là Rajadiraja Sri Campapura Paramesvara, ám chỉ vị chúa tể tối cao của Champa (R. Majumdar 1927, p. 63 ; A. V. Schweyer 2005, p. 104). Một điểm đáng chú ý là các danh xưng trên đều chỉ được truy phong cho các vị vua trên, nó được khắc ở một thời điểm sau dưới triều Vikrantavarman, tức là các danh xưng liên quan đến Champa ở các bia ký miền Nam chỉ xuất hiện khoảng thế kỷ thứ IX.

Danh xưng Champa, dù chỉ một đất nước, vùng lãnh thổ hay được gán ghép thành một liên từ chỉ người đứng đầu, người trị vì hay vua, xuất hiện từ thế kỷ thứ VII, phổ biến nhanh chóng ở khu vực Quảng Nam và được ghi nhận một cách chắc chắn ở bia ký Campuchia cho thấy nó đã trở thành một quốc hiệu của vương quốc ở Quảng Nam, một thực thể mà tôi đã từng nói đến ở phía trên. Đây có thể được xem là điểm khởi đầu của Champa. Sự lan tỏa mang tính kế tục và phổ cập của danh xưng Champa trong hai thế kỷ tiếp theo ở vùng Panduranga cho thấy danh xưng này đã được thừa nhận để chỉ toàn bộ các chính thể độc lập từ Quảng Nam đến tận vùng Ninh Thuận hiện nay, các vị thủ lĩnh ở phương Nam luôn tôn xưng hoặc được tôn xưng là người đứng đầu, vị lãnh chúa hay chúa tể của Champa.

Điểm lại hầu hết các công trình lớn về Champa (đã nêu ở trên), dù sự xuất hiện và phổ cập của danh xưng Champa được đề cập mang tính thông sử đơn thuần, nó chưa bao giờ được đánh giá một cách chi tiết trong bối cảnh hình thành vương quốc Champa. Chỉ có một lưu ý đáng kể nhất gần đây của Vickery, rằng "dù khẳng định họ cai trị toàn bộ Champa… không cần phải tin họ đã kiểm soát một cách hiệu quả đối với các vùng lãnh thổ vượt xa khỏi Nha Trang… Tất cả những gì mà chúng ta có thể chấp nhận về những người cai trị Panduranga là họ coi khu vực của họ là một bộ phận của Champa" (M. Vickery 2005, p. 29 - 30). Diễn giải của Vickery bắt nguồn từ lập luận là dù thừa nhận cai trị toàn bộ Champa nhưng sự thiếu vắng các bia ký, các công trình kiến trúc tôn giáo của các thủ lĩnh phương Nam cho thấy họ đã không có ảnh hưởng mạnh đối với miền Bắc Champa,và do đó chỉ nên xem họ thừa nhận mình là một phần của Champa.

Ở góc độ cứ liệu lịch sử, lập luận trên là một quan điểm khẳng định an toàn, tôi tán thành với nhận định đó. Nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua một giả thuyết khả dĩ rằng sự tập trung các bia ký và di tích ở miền Nam (trong hai thế kỷ này) cho thấy sự nổi lên của khu vực Kauthara và Panduranga, đối ngược với sự suy tàn của các chính thể miền Bắc. Điều này có vai trò quan trọng khi liên hệ với việc Vikrantavarman xưng tụng các tổ tiên của mình là người cai trị gắn với danh xưng Champa. Điều này dẫn đến một sự tiếp nối danh xưng Champa từ Bắc chí Nam, nó đã được thừa nhận như là một quốc hiệu chung. Về mặt chính trị, điều đó cho thấy các chính thể từ Bắc chí Nam đã thừa nhận mình là một bộ phận của một chính thể đa dạng theo kiểu liên hiệp các tiểu quốc.

Tuy nhiên, sự tiếp nối mang tính phổ cập kể trên của danh xưng Champa không phải chỉ đồng nhất một cách đơn thuần về mặt thời gian cùng với sự vươn lên của chính thể phương Nam. Những khám phá về bia ký học gần đây cho thấy rằng một số bản văn khắc ở Nha Trang và Ninh Thuận không đồng nhất về thời gian. Phần lớn các vị vua phương Nam như Psthivindravarman, Indravarman và Harivarman chỉ được truy tôn là người cai trị Champa, tức là được xưng tụng sau khi đã qua đời, mà chủ nhân của những lời xưng tụng đó là vị vua kế tục Vikrantavarman, người trị vì khoảng thế kỷ thứ IX (G. Arlo - W.A. Southworth 2007, pp. 349 - 381 ; G. Arlo - W.A. Southworth 2011, pp. 271 - 317). Như vậy, gần như khái niệm Champa chỉ xuất hiện rất muộn ở Kauthara và Panduranga. Điều này cho thấy khái niệm này chỉ được thừa nhận rộng rãi như một quốc hiệu chung ở miền nam Champa từ thế kỷ IX. Đó là một quá trình thay đổi và diễn tiến lâu dài của một quốc hiệu chung được thừa nhận trên toàn lãnh thổ Champa từ Bắc chí Nam, dù tên gọi đó là chỉ chung nhiều chính thể có quyền tự trị rộng rãi.

Sau thời điểm danh xưng Champa xuất hiện ở miền Bắc và trước thời điểm nó "lan tỏa" xuống phương Nam, các sử liệu Trung Hoa cũng có một sự thay đổi danh xưng để gọi các chính thể phương Nam một cách đột ngột và không hề có một giải thích. Danh xưng Lâm Ấp (và cả Tây Đồ) hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một danh xưng mới, mà hầu hết các học giả tin tưởng đó là Champa sau này : Hoàn Vương. Maspero, trong một diễn ngôn về một Champa thống nhất, tin rằng Hoàn Vương chính là Lâm Ấp và tất nhiên Champa sau này (G. Maspero 1928, p. 95). Lafont diễn giải Hoàn Vương là tên gọi Champa khi thủ đô đã dời về phương Nam nằm trong tiểu quốc Kauthara và Panduranga (Lafont 2011, tr. 144). Nghiên cứu mới đây hơn của Vickery lại cho thấy rằng Hoàn Vương thật ra chỉ là tên gọi của một chính thể ở phương Bắc, danh xưng này không bao gồm Kauthara và Panduranga như Maspero hay Lafont tin tưởng (M. Vickery 2005, p. 29). Lập luận mới này càng được khẳng định khi các nghiên cứu gần đây về bia ký của Arlo và Southworth, dẫn lại quan điểm của Pelliot xuất phát từ 1 nguồn sử liệu Trung Hoa, cho rằng trong khoảng thời điểm này ở miền Trung Việt Nam ngày này có 4 vương quốc : Hoàn vương (Quảng Nam), Môn Độc/Medu (ở Bình Định, Phú Yên), Cổ Đất/Guda (Nha Trang) và Bôn Đà Lãng/Bentoulang (tức vùng Panduranga) (Arlo - W.A. Southworth 2007, p. 357 ; G. Arlo - W.A. Southworth 2011, pp. 288 - 289).

Bước sang thế kỷ sau, tên gọi Hoàn Vương lại lùi sau vào quá khứ với một các danh xưng mới xuất hiện đó là Chiêm Bà (R. Stein 1947, p. 234) và tên gọi phổ biến hơn gần như trở thành chính thống, cũng đồng dạng với tên trên, Chiêm Thành (G. Maspero 1928, p. 96 ; M. Vickery 2005, p. 28 ; Lafont 2011, tr. 142). Từ đó tên gọi này trở thành cách gọi chính thức của vương quốc Champa trong các sử liệu Trung Quốc và sau này là Đại Việt trong suốt nhiều thế kỷ. Xét về mặt ngữ nghĩa học Chiêm Bà hay Chiêm Thành gần như là phiên âm chính thức của Champa (Chăm = Chiêm, Pa = Bà) hay Campapura (Campa = Chiêm, Pura = thành phố) (Po Dharma 1999, tr. 12 ; Lafont 1999, tr. 40). Tuy nhiên, Vickery lập luận rằng Chiêm Thành là chỉ thành phố của người Chăm chứ không phải chỉ Champa (M. Vickery 2005, p. 16), lập luận trên của Vickery có phần gượng ép, vì trong các văn liệu đương thời không hề có khái niệm Chăm hay người Chăm xuất hiện trong sử liệu Trung Quốc. Chiêm Bà hay Chiêm Thành là phiên âm chính thức của người Trung Hoa từ thuật ngữ Champa hay thành của Champa và dùng người Chiêm để chỉ người Champa. Trong thực tế, thuật ngữ "Chăm/Cam" hay người "Chăm/Cam" chỉ là một thuật ngữ bản địa thuộc hiện tượng mất âm chủ từ Champa, nhưng cần phải phân biệt thuật ngữ này vì nội hàm của "Chăm/Cam" để chỉ một tộc người cụ thể, có vai trò quan trọng trong vương quốc Champa nhưng không thể đại diện cho toàn thể Champa (L. Finot 1928, p. 286 ; B. Gay 1988, pp. 49 - 58).

Hấp thụ một thuật ngữ ngoại lai thành tên gọi để chỉ vùng lãnh thổ bản xứ (thế kỷ 7), truyền bá, tiếp thu và chuyển hóa thuật ngữ này thành một danh xưng để chỉ chung cho các tiểu quốc ở miền Trung Việt Nam trong khoảng thế kỷ thứ 8 và 9 không chỉ là một sự kiện mang tính định danh hay chọn quốc hiệu đơn thuần. Tiếc thay, dù không ngừng đề cập đến các sự kiện này, các nghiên cứu về Champa chưa bao giờ xem sự xuất hiện và chuyển biến của danh từ Champa như một vấn đề lịch sử nghiêm túc cần thảo luận và do đó chưa bao giờ đặt nó trong bối cảnh phân tích cũng với những chuyển biến của lịch sử Champa. Thuật ngữ Champa, từ khi nó xuất hiện cho đến khi nó trở nên phổ biến từ Bắc chí Nam, không chỉ là sự tiến hóa của một tên gọi mà còn là sự biến chuyển của toàn bộ chính thể và số phận của từng tiểu quốc cấu thành chính thể ấy :

- Champa : thể kỷ 7 là tên một tiểu quốc (Quảng Nam) ;

- Bước sang thế kỷ 8, được hấp thu và trở thành tên của các tiểu quốc khác ở Phương Nam (Kauthara, Panduranga) ;

- Bước vào các thế kỷ sau trở thành quốc hiệu chung của cả khu vực miền Trung Việt Nam.

Như vậy, việc hợp thức hóa danh xưng Champa ở từng lãnh thổ và toàn khu vực cho thấy sự thừa nhận một "thỏa ước chung" về tính đồng nhất và liên kết. Bối cảnh địa phương, bối cảnh vùng miền và rộng hơn là bối cảnh khu vực buộc các tiểu quốc miền Trung (dù mạnh hay yếu, lớn hay nhỏ, Bắc hay Nam) phải xây dựng những liên minh bằng bạo lực hoặc tự nguyện, bằng chiến tranh hoặc một thỏa thuận liệp hiệp. Trong khối liên hiệp đó, các trung tâm giữ vai trò chủ đạo, kiểm soát liên minh bằng nhiều biện pháp cứng rắn hoặc mềm dẻo. Các "tiểu vệ tinh" thần phục, chấp nhận làm chư hầu nhưng duy trì một sự độc lập tương đối và bất cứ khi nào có cơ hội sẽ tách riêng, thậm chí vươn lên, tranh giành ảnh hưởng với các chính thể khác để đưa mình vào vị trí trung tâm của liên minh.

Danh xưng Champa hình thành và tiến hóa trong bối cảnh chính trị phức tạp như vậy và ta có thể xem đây là sự tượng trưng cho sự hình thành và tiến hóa của vương quốc Champa.

Tạm kết

Với những diễn giải ở trên, giờ đây khái niệm Champa cần được định nghĩa lại, vị trí lịch sử của nó trong lịch sử cũng cần được đánh giá lại. Tôi bảo vệ quan điểm rằng việc đánh đồng hay gán ghép bất cứ một nhân vật, một dữ kiện lịch sử nào trong bia ký, tài liệu khảo cổ với các ghi chép của Trung Hoa chỉ nên được xem là một "chứng cứ" để tham khảo chứ hoàn toàn không thể tạo nên các giả thuyết khả dĩ. Bia ký và các bằng chứng khảo cổ cho thấy sự hiện diện của các tiểu quốc sơ khai, nhà nước sớm vào thời điểm những thế kỷ đầu sau Công nguyên, nhưng không hề có một dữ liệu cụ thể nào ghi rằng một trong các thực thể đó hoặc toàn bộ các thực thể ấy là Lâm Ấp, Tây Đồ hay bất kỳ một cái tên nào khác mà sử liệu Trung Hoa nhắc đến. Như vậy vấn đề thời điểm hình thành (thường là năm 192), địa bàn hình thành quốc gia Champa ở một đại điểm cụ thể như Huế, Quảng Nam, cần phải bị từ bỏ.

Mặt khác, Champa cần được đánh giá như là một tập hợp các tiểu quốc mà kết quả hình thành là do sự sáp nhập hoặc liên minh giữa nhiều chính thể từ khoảng một thời gian dài từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 9, thời điểm danh xưng Champa xuất hiện và dần dần mang tính phổ biến. Như vậy, cần từ bỏ luôn quan điểm, bị tác động bởi nguồn sử liệu Trung Hoa, rằng Lâm Ấp mở rộng là Champa, Hoàn Vương là Champa hay Tây Đồ hấp thụ Lâm Ấp trở thành Champa… Những góc nhìn này chưa bao giờ được xác nhận một cách chính xác bởi các nguồn lịch sử tự sự Champa. Tên gọi Champa xuất hiện ở Quảng Nam, được thừa nhận khu vực Khánh Hòa và Ninh Thuận hiện nay, thể hiện sự đồng thuận về một quốc hiệu chung, tức là ý thức rằng Champa là một quốc gia chung nhưng tập hợp nhiều tiểu quốc tự trị.

Điều đó cho thấy rằng cả các thực thể ở Bắc và Nam Champa đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhà nước Champa trong lịch sử. Không nên xem nhẹ vai trò của bất kỳ một thực thể nào trong khối chung ấy. Từ thế kỷ thứ 10, lịch sử Champa bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ xác lập và hình thành Champa lâu dài đã qua, Champa sẽ đi theo một "quỹ đạo" chung được quyết định bởi chính thể mạnh nhất, nhưng các chính thể khác đôi khi cũng muốn thoát ra hay giữ vai trò độc lập hơn trong "quỹ đạo" chúng ấy.

Đổng Thành Danh

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/07/2020

Chú thích :

[1] Bia ký C73 (Mỹ Sơn A1), xem : L. Finot 1904, p. 206 - 211 ; R. Majumdar 1927, pp. 9 - 13.

[2] Bia ký tháp Po Inâ Nâgar - C31 (Nha Trang) xem : R. Majumdar 1927, pp. 61 - 64 ; A. V. Schweyer 2005, pp. 104.

[3] Bia ký C111 (Huế), xem : L. Finot 1915, pp. 18 ; R. Majumdar 1927, p. 13.

[4] Bia ký C96 tại tháp Mỹ Sơn E6 (L. Finot 1904, pp. 918 - 925 ; R. Majumdar 1927, pp. 16 - 26).

[5] Ba tấm bia đó là bia C72 ở Mỹ Sơn, bia C105 ở Hòn Cụt, bia C147 ở Chiêm Sơn (L. Finot 1902, pp. 185 - 191).

[6] Các nguồn sử liệu của Trung Hoa ghi nhận về Lâm Ấp bao gồm Lâm Ấp Ký, Thủy Kinh chú, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Tùy thư, Nam sử, Đường thư, Lĩnh Ngoại đại đáp… (Léonard Aurousseau 1914, pp. 8 - 43 ; Đào Duy Anh 1998 ; Lịch Đạo Nguyên 2005 ; Lương Ninh 2006).

----

Tài liệu tham khảo :

  1. Aurousseau, Léonard 1914", Georges Maspero : Le Royaume de Champa", trong Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient (BEFEO), Tome 14, pp. 8 - 43.
  2. Arlo, G - Southworth, W.A 2011, "La Stèle d’installation de Sri Adidevesvara : une nouvelle inscription de Satyavarman trouvée dans le temple de Hòa Lai et son importance pour l’histoire du Panduranga", trong Journal Asiatique, 299.1, pp. 285 - 286.
  3. Arlo, G - Southworth, W.A 2007, "La Stèle d’installation de Sri Satyadesvara : une nouvelle inscription Sanskrite du Campa trouvée à Phước Thiện", Journal Asiatique, 295/2, pp. 349 - 381.
  4. Coedes, G 2011, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nhà xuất bản Thế giới, tr. 101.
  5. Đào Duy Anh 1998, Lịch sử Cổ đại Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  6. Đổng Thành Danh 2018, "Nhìn lại các diễn ngôn về bia ký Võ Cạnh", Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đã Nẵng, số 98 (tháng 2), tr. 47 - 52.
  7. Đổng Thành Danh 2018, "Đặt lại vấn đề thời điểm ra đời nhà nước Lâm Ấp", Tạp chí Xưa và Nay, số 493 (tháng 3), tr. 4 - 8.
  8. Dohamide - Dorohiem 1965, Dân tộc Chàm lược sử, Saigon.
  9. Đỗ Trường Giang 2018, "Nagara Vijaya trong lịch sử Mandala Champa", Tạp chí Xưa và Nay, số 491, tr. 4 - 8.
  10. Finot, L1902, "Notes d’Épigraphie I : Deux nouvelles inscriptions de Bhadravarman I", BEFEO, 2, pp. 185 - 191.
  11. Finot, L 1903, "Notes d’Epigraphie : V Panduranga", BEFEO, III, pp. 630 - 648.
  12. Finot, L 1904, "Notes d’Épigraphie, III : Stèle de Cambhuvarman a Mi-son", BEFEO, 4, p. 206 - 211.
  13. Finot, L 1915, "Notes d’Épigraphie, XIV : Les incriptions du musée de Hanoi", BEFEO, 15, pp. 1 - 38.
  14. Finot, L 1928, "Review of Maspero : Le royaume de Champa", BEFEO, 28 (1), pp. 285 - 292.
  15. Filliozat, J 1969, L’inscription dite de Vo Canh", BEFEO, 55 (1), pp. 107 - 116.
  16. Gay, G 1988, "Vue nouvelle sur la composition ethnique du Campa", Actes du Séminaire sur le Campa l’University de Copenhague le 23 mai 1987, CHCPI, Paris, pp. 49 - 58.
  17. Jacques, C 1969, "Notes sur la stèle de Vo-Canh", BEFEO, 55 (1), pp. 117 - 124.
  18. Lafont, P-B 1999, "Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa", trong Champaka 1, IOC -Champa, San Jose, tr. 39 - 54.
  19. Lafont, P-B 2011, Vương quốc Champa : địa dư - dân cư - lịch sử, IOC - Champa, San Jose.
  20. Lịch Đạo Nguyên 2005, Thủy Kinh Chú sớ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
  21. Lương Ninh 2006, Lịch sử Vương quốc Champa, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  22. Lâm Thị Mỹ Dung 2008, Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ Sơ sử sang Sơ kỳ lịch sử ở miền Trung Trung bộ và Nam Trung bộ Việt Nam, Đề tài Nghiên cứu Khoa học trọng điểm cấp Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  23. Lâm Thị Mỹ Dung 2012, "Cổ Lũy - Phú Thọ trong bối cảnh khảo cổ học Champa nửa đầu Thiên niên kỷ I SCN", Tạp chí Khảo cổ học, số 1, tr. 45 - 62.
  24. Lâm Thị Mỹ Dung 2015, "Miền Trung Việt Nam thời kỳ hình thành nhà nước sớm qua nghiên cứu phân bố và tính chất của các địa điểm khảo cổ học", Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 1, Hà Nội, tr. 1 - 15.
  25. Lâm Thị Mỹ Dung 2016, "Thành Lồi Thừa thiện Huế qua những kết quả nghiên cứu mới", Tạp chí Khảo cổ học, số 5, tr. 58 - 71.
  26. Lâm Thị Mỹ Dung 2017, Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Champa, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
  27. Maspero, G 1928, Le Royaume de Campa, G.Van Oest, Paris.
  28. Majumdar, R 1927, Acient Indian Colonies in Far East, vol 1 : Champa, Lahore (India).
  29. Momoki Shiro 2011, "Mandala Champa seen from Chinese Sources, trong The Cham of Vietnam, Tran Ky Phuong - Bruce M. Lockhart (ed), NUS, Singapore, pp. 120 - 137.
  30. Pilliot, P 1904, "Deux Itineraes de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle", BEFEO, V, pp. 184 - 186.
  31. Po Dharma 1999, "Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa", trong Champaka 1, IOC - Champa, San Jose, tr. 9 - 36.
  32. Po Dharma 2012, Vương quốc Champa : lịch sử 33 năm cuối cùng, IOC - Champa, San Jose.
  33. Stein, R 1947",Le Lin-Yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champaetsesliensavec la Chine", trong Han-Hiue, II-1-3.
  34. Southworth, W 2001, The Origins of Campā in Central Vietnam, A Preliminary Review, Ph.D. thesis, Archaeology, SOAS, University of London.
  35. Schweyer, A. W 1999, "Chronologie des incriptins publiées du Campa", BEFEO, 86, pp. 321 - 344.
  36. Schweyer, A. V 2005, "Po Nagar de Nha Trang : Le dossier épigraphique", Aséanie, 15, pp. 87 - 119.
  37. Schweyer, A. V 2010, "The Birth of Champa", Connecting Empires and States, NUS Press, Singapore, pp. 102 - 117.
  38. Schweyer, A. V 2011, Acient Vietnam History, Art and Archaeology, River Book.
  39. Taylor, Keith 1992, "The Early Kingdoms", trong The Cambridge history of Southeast Asia, Cambridge, pp. 137 - 182.
  40. Vickery, Michael 2005, "Champa revised", trongARI Working Paper No 36, Asia Research Institute, Singapore.
  41. Wolter, O.W 1999, Culture and Religions in Southeast Asian Perspectives, Institude of Southeast Asian Studies, Revised Edition.
Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đổng Thành Danh
Read 1474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)