Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

11/11/2020

3. Những nguy cơ đe dọa sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam

Đan Tâm

9.  Nguy cơ đến từ Trung Quốc 

Về đối ngọai hiện tại thì rõ ràng là Trung Quốc đang siết chặt bao vây Việt Nam bằng 4 gọng kìm : Lào, Campuchia, đất liền biên giới và Biển Đông

dcsvn1

Kể từ lúc "Giấc Mộng Trung Hoa" xuất hiện và nhất là khi xảy ra nạn dịch Covid-19 toàn cầu, thì EU và Mỹ bắt đầu xem Trung Quốc như là một đối tác thù địch. Hoa Kỳ và các cường quốc ở Châu Âu như Anh, Pháp, Đức, và các khu vực khác như Nhật, Canada, Úc đang và sẽ có những thay đổi căn bản trong quan hệ với Trung Quốc.

Điều này diễn ra trước hết do bởi cách hành xử của Trung Quốc theo một sách lược quá chủ quan, rủi ro cao và nguy hiểm của chủ tịch Tập Cận Bình. Dù vậy, trong quá khứ Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã từng có nhiều kinh nghiệm đắng cay với Trung Quốc - người đồng chí khổng lồ phương Bắc, kinh qua các sự cố do Trung Quốc gây ra vào các thời điểm và thời kỳ : 1954, 1975-1988 và chính sách độc chiếm Biển Đông hiện nay.

Về nội tại, Đảng cộng sản Trung Quốc từ 2017 đã lâm nguy tứ phía, trong ngoài không yên do nhiều áp lực nặng nề như dịch bệnh hoành hành, lũ lụt lan rộng, kinh tế lao dốc, ngoại giao thất bại, lực lượng công lý quốc tế bao vây nhằm tiêu diệt. Mặc dù vậy, các cuộc đấu đá thanh trừng nội bộ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, trái lại ngày càng diễn biến ác liệt hơn. Về đối ngọai hiện tại thì rõ ràng là Trung Quốc đang siết chặt bao vây Việt Nam bằng 4 gọng kìm : Lào, Campuchia, đất liền biên giới và Biển Đông. Loại nguy cơ do Đảng cộng sản Trung Quốc gây ra cho Đảng cộng sản Việt Nam có thể thấy rõ như sau : 

Nguy cơ do chiêu thức thâu tóm đất vàng của Trung Quốc

Để sở hữu các lô đất vàng khắp nơi tại Việt Nam, Trung Quốc đã nghiên cứu và lợi dụng các kẽ hở của Luật Đầu Tư 2014 về việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã mô tả chiêu thức thâu tóm đất vàng được thực hiện theo hai hình thức, qua doanh nghiệp và qua cá nhân.

Thứ nhất, người Trung Quốc thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam (bên góp vốn chủ yếu bằng mặt bằng đất đai) và dần dần nắm các khu đất vàng thông qua việc tăng vốn sở hữu để giành quyền điều hành doanh nghiệp. Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (đa phần là người Việt gốc Hoa) để mua đất vàng.

Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, 83% doanh nghiệp "có yếu tố" Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới biển (5.393,7 ha) và 17% còn lại tại khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, tổng cộng hơn 6.300 ha đất biên giới. Đáng chú ý tổng số vốn đầu tư cho khu vực biên giới biển là 29,235 tỉ đô-la so với 1,637 tỉ đô-la tại khu vực biên giới đất liền.

Địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất là Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Hà Tĩnh, Bình Thuận… Một ví dụ khác là công ty China Policy Limited (CPL, đăng ký tại thiên đường trốn thuế British Virgin Islands) lừa đảo công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát của Việt Nam để chiếm đoạt 500 ha đất vàng tại Long An mà cho đến nay cơ quan trọng tài quốc tế VIAC cũng chưa giải quyết xong việc kiện cáo kéo dài từ năm 2007 đến nay.

Theo báo Tuổi Trẻ : "Người Trung Quốc đang sử dụng hơn 12.000 ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Đây là thông tin được Bộ Quốc phòng đưa ra trong báo cáo trả lời chất vấn của cử tri được gửi tới Quốc hội mới đây. Hầu hết các lô đất thuộc "sở hữu" của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong lãnh vực phòng thủ" (trích Tuổi Trẻ, 17/5/2020). 

Ngoài Biển Đông thì Trung Quốc dùng vũ lực chiếm biển đảo, trong đất liền thì dùng chiến dịch "tằm ăn dâu" qua các chiêu bài mở hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam, thâu tóm trên 3.000 dự án kéo theo hàng trăm ngàn lao động Trung Quốc vào Việt Nam lấy vợ sinh con đẻ cái, mua đất xây nhà lén lút từ Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh… 

Sự kiện mới đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu đích danh các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp và đất đai quốc phòng là vấn đề đáng lưu tâm. Với sự quản trị không rõ ràng về trách nhiệm và thiếu một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.

Trung Quốc vốn rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng các "biện pháp kinh tế cưỡng đoạt" cùng với các đe dọa về sử dụng sức mạnh để can thiệp vào chính trường Việt Nam. Và điều này vẫn đang xảy ra hàng ngày. Tất cả đã dần dần tỏ rõ âm mưu của Trung Quốc muốn nuốt trọn Việt Nam trong một ngày không xa. 

Đây chính là nguy cơ xâm lăng mềm do Trung Quốc chủ động gây ra và cấu kết với các nhóm lợi ích trong và ngoài Đảng cộng sản Việt Nam để mưu toan khống chế Đảng nầy.

dcsvn2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi thức trao chìa khóa tượng trưng Cung Hữu nghị Việt -Trung.

Nguy cơ do bức tường bao bọc xung quanh Đảng cộng sản Trung Quốc không kiên cố và không bất khả xuyên thủng

Những biến cố xảy ra mấy tháng đầu năm 2020 quanh đại dịch Covid-19 cho thấy bức tường bao bọc xung quanh Đảng cộng sản Trung Quốc không kiên cố, không bất khả xuyên thủng, như người ta vẫn lầm tưởng xưa nay. Đà phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp hóa có chu kỳ khoảng 30 năm, khoảng thời gian mà các yếu tố nhân công giá rẻ, chi phí đất đai, nguyên liệu và năng lượng thấp được khai thác hết.

Ở Trung Quốc, chu kỳ này đã tới hạn. Kinh tế phát triển chậm lại sẽ kéo theo các nguy cơ về tài chính. Ảnh hưởng cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến đầu tư nước ngoài sụt giảm và thất nghiệp gia tăng, làm cho bất ổn xã hội có nguy cơ xuất hiện thường xuyên. Mới đây, hôm 24/06/2020, Lữ Nguyệt (Lu Yue), một phóng viên thâm niên của Hong Kong đã viết một bài chính luận và thu hút được sự chú ý của chính giới phương Tây.

Bài chính luận có tiêu đề "Làm thế nào Chủ tịch Tập tăng tốc chiếc ôtô hết xăng" đã được xuất bản trên tờ Apple Daily của Hong Kong hôm 24/06/2020. Mở đầu bài viết, tác giả đã chỉ ra rằng sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, chiếc xe điên rồ Trung Quốc đang đạp mạnh chân ga và "lao ra ngoài", "hơn nữa ngày càng mất kiểm soát".

Bài viết này ví Trung Quốc sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX như một chiếc xe hơi mất phương hướng nhưng lại đang lao nhanh về phía trước. Bài báo chỉ ra rằng chiếc xe mất lái này không những phải đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng do dịch bệnh viêm phổi, lũ lụt và Luật an ninh quốc gia gây ra, mà hiện giờ nó còn "hết sạch xăng rồi", và vì để bóc lột thêm nhiều thuế hơn, Đảng cộng sản Trung Quốc sắp "tạo ra lượng lớn các công ty/cá thể phá sản". 

Đảng cộng sản Trung Quốc hiện tại đang phải đối mặt với một "con thiên nga đen" khác, đó là việc "chiếc xe mất kiểm soát" Trung Quốc cũng đã hết nhiên liệu. Nói cách khác, Đảng cộng sản Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà không có kinh tế và tài chính để hỗ trợ và chèo chống… Bài báo nói rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc đã dành hai năm để đánh cuộc chiến thương mại với chính phủ Hoa Kỳ, và sau đó dành một năm để đàn áp phong trào "chống Dự luật dẫn độ" của người Hong Kong.

Bài báo còn chỉ ra rằng Luật An ninh Quốc gia Hong Kong là "con thiên nga đen" lớn nhất và Đảng cộng sản Trung Quốc hiện tại đang phải đối mặt với một "con thiên nga đen" khác, đó là việc "chiếc xe mất kiểm soát" Trung Quốc cũng đã hết nhiên liệu. Bây giờ, nó lại che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán và quyết định thông qua Luật an ninh quốc gia phiên bản Hong Kong trong kỳ họp "Lưỡng hội" năm nay.

Sau một loạt những cuộc vật lộn này, chính quyền Trung Quốc cảm thấy rằng "thế giới mà họ từng nhìn bằng nửa con mắt nay đã thay đổi", bởi vì xã hội tự do do Hoa Kỳ đứng đầu "đang bao vây Đảng cộng sản Trung Quốc trên mọi phương diện". Ở phần kết của bài viết, một câu hỏi được đặt ra là : Chiếc xe hết nhiên liệu mang tên Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ đi về đâu ? .

Tình trạng đấu đá quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền cũng khiến các vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trầm trọng hơn bao giờ hết. Trong nước, hơn 1,5 triệu quan chức đã bị phát hiện tham nhũng, thoái hóa biến chất và bị đưa ra xét xử, trong đó có cả những thành viên trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc đang cầm quyền. Vì là hai đảng anh em và "4 Tốt, 16 chữ Vàng" nên sự vụ nầy lây lan sang Việt Nam làm hai thành viên trong Bộ Chính trị đảng đã bị kỷ luật, có người bị kết án tù, có ủy viên trung ương bị cách chức, hàng loạt quan chức lãnh đạo hàm bộ trưởng dính án tham nhũng.

Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán gây thiệt hại lớn cho nhiều quốc gia sẽ càng tạo nhiều sức ép quốc tế lên Trung Quốc. Ngay cả bản thân Bắc Kinh cũng ý thức được nước này đang chịu sức ép quốc tế lớn nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn. Giấc mơ Trung Hoa của những người cộng sản Trung Quốc rốt cuộc có lẽ mãi mãi là một lâu đài trên cát.

Nhận thức như thế, có xác suất cao là sách lược của Mỹ và Tây Âu đã, đang và sẽ tạo ra áp lực chính trị, kinh tế và quân sự kéo dài và lớn lao nhằm thúc đẩy một đổi thay nội chính triệt để tại Trung Quốc. Washington chắc chắn sẽ gắng giữ cường độ áp lực ở vị trí hiện tại, bởi họ trông thấy xác suất thành công mỗi lúc mỗi gia tăng.

Tổng thống Trump từ lâu cam kết đưa hoạt động sản xuất ở nước ngoài về Mỹ. Giờ đây, theo giới chức cấp cao và một số quan chức Mỹ, thiệt hại kinh tế và số người tử vong cao do dịch Covid-19 tại Mỹ đang thúc đẩy chính phủ nước này chuyển sự phụ thuộc về sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đã khẳng định rằng : "Chúng tôi vẫn đang nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc các chuỗi cung ứng vào Trung Quốc từ vài năm qua và hiện chúng tôi đang đẩy mạnh sáng kiến này". Ông Krach nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt cho an ninh Mỹ và chính phủ sẽ sớm thông báo bước đi mới về chiến lược nầy.

Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan khác của Mỹ đang tìm kiếm biện pháp nhằm thúc đẩy các công ty đưa hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong số những biện pháp đang được Mỹ cân nhắc có ưu đãi về thuế và các khoản trợ cấp. Một nguồn tin cho biết các cơ quan đang tìm hiểu xem lĩnh vực sản xuất nào nên được xem là "thiết yếu" và cách thức sản xuất những sản phẩm này bên ngoài Trung Quốc.

Đây chính là nguy nan của Trung Quốc, nhưng lại là cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận thêm đầu tư mới nếu Việt Nam không còn "định hướng xã hội chủ nghĩa". Từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Hoa Kỳ, điều tốt nhất là ông từng bước rút xương con rồng đỏ Trung Quốc, điều mà mãi đến khi đại dịch Coronavirus bùng phát và đẩy hàng trăm ngàn sinh mệnh, đẩy nền kinh tế thế giới vào chỗ chết thì Tây Âu mới thức tỉnh (Đến cuối tháng 9/2020 con số tử vong toàn cầu đã vượt mức 1 triệu).

************************

10. Nguy cơ từ Đảng cộng sản Trung Quốc

Kinh tế, xã hội, nội và ngoại chính Trung Quốc lâm vào thế nguy nan thì Việt Nam cũng khó tránh khỏi mối nguy dây chuyền từ Trung Quốc lan sang.

dcsvn3

Bà Thái Hà, một cựu giáo sư Trường Đảng tại phiên họp của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc (ảnh chụp màn hình video). Photo source : Đại Kỷ Nguyên

Trong nước, Trung Quốc đang đối diện với nạn "thiên nga đen" có khả năng đẩy nhanh tiêu vong của chế độ, bởi vì việc làm và tăng trưởng kinh tế đang trên đà suy giảm là mối đe dọa lớn lao cho sự tại vị của Đảng cộng sản Trung Quốc (Trung Quốc đang có mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990 và đang tiếp tục suy giảm).

Hôm 16/09/2020, Cựu giáo sư trường Đảng Trung ương, bà Thái Hà, một "thái tử đỏ" thế hệ 2 của Đảng cộng sản Trung Quốc dự đoán viễn cảnh Đảng cộng sản Trung Quốc sụp đổ theo 1 trong 3 tình huống. Bà nói : "Rốt cục nó sẽ sụp đổ một cách chóng vánh, sau đó toàn bộ xã hội sẽ giống như một vụ nổ bom nguyên tử. Sau khi bị dồn nén trong một thời gian quá dài, cuối cùng sẽ nổ tung".

Làn sóng chống Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng lan rộng cả trong lẫn ngoài thể chế. Bà Thái Hà, gần đây đã chỉ trích Đảng cộng sản Trung Quốc duy trì một hệ thống toàn trị dựa trên bạo lực, dối trá và quản chế nghiêm ngặt, nó không thua kém chủ nghĩa phát xít của Adolf Hitler.

Bà cũng phân tích 3 cách thức dẫn đến sự sụp đổ của Đảng cộng sản Trung Quốc, cách thức có khả năng nhất là áp lực nội bộ quá lớn, cuối cùng gánh nặng lớn quá không chịu được khiến nó đột nhiên sụp đổ. Ngày 09/09/2020, một đoạn ghi âm của bà Thái Hà đã được truyền rộng trên mạng, theo đó bà đã phân tích chi tiết tình thế của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như tình cảnh trong nước Trung Quốc hiện nay, đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn đến cục diện hiện tại chính là do bản chất của cái chế độ này quyết định.

Bà nói rằng, thực tế thứ nhất là bản chất của chế độ này kể từ sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, cho đến hiện nay là một hệ thống tập trung quyền lực theo chế độ Stalin và xem tất cả người dân Trung Quốc đều là nô lệ của nó. "Đó là một chế độ tàn ác cùng cực. Bản chất tàn bạo của chế độ này ít nhất cũng không thua kém chủ nghĩa phát xít của Hitler", bà Thái Hà nói "Kỳ thực, sự thống trị của nó chính là được duy trì dựa trên bạo lực và khủng bố".

Thứ hai là nó phong tỏa sự thật, phong tỏa tin tức, bóp méo thông tin và dựa vào dối trá lừa gạt để duy trì sự thống trị. Thứ ba là Đảng cộng sản Trung Quốc độc quyền tất cả các nguồn lực sâu xa. Ngay cả khi một ai đó ở ngoài thể chế, với tư cách là một nhà doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đó được tự do về tài chính, có được không gian cá nhân rộng rãi và có thể độc lập về kinh tế, nhưng chỉ cần Đảng cộng sản Trung Quốc tùy tiện gán cho họ một tội danh nào đó, thì nó có thể bắt nhốt cá nhân đó ngay.

Bà Thái Hà nhấn mạnh thêm : "Nghĩa là nó độc chiếm tất cả mọi nguồn lực và bóp nghẹt cổ họng của tất cả mọi người", khiến họ không thể sống nếu không có nó. Trong đoạn ghi âm nầy, bà Thái Hà cũng phân tích ba cách thức có thể khiến Đảng cộng sản Trung Quốc rốt cục sẽ sụp đổ.

– Thứ nhất, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ được giải quyết bằng các cuộc chiến bên ngoài, các chế độ độc tài như Hitler và Gaddafi đều được giải quyết bằng các cuộc chiến bên ngoài.

– Thứ hai là việc dựa vào cải cách nội bộ đảng, như cải cách làm nội bộ của Gorbachev đã mang đến sự thay đổi của cả chế độ, sự thay đổi này chính là từ bỏ chế độ, từ bỏ đảng chính trị và đưa toàn bộ xã hội chuyển tiếp một cách hòa bình. Nếu được vậy, thì điều cơ bản nhất là an toàn của mọi người có thể được đảm bảo. Hiện không một ai ở Trung Quốc có thể được coi là an toàn, chỉ là Đảng cộng sản Trung Quốc chưa động đến họ mà thôi, một khi nó muốn bắt ai, người đó sẽ bị bắt chỉ trong vài phút. Vậy nên, mọi người đều không có cảm giác an toàn. Xã hội Trung Quốc hiện giờ là không có giới hạn, Đảng cộng sản Trung Quốc làm việc gì cũng đều không có giới hạn.

 Thứ ba là bởi chế độ này thống trị dựa trên khủng bố và bạo lực, nó không ngừng tạo ra các mâu thuẫn bên trong, cuối cùng dưới áp lực cao độ theo dây chuyền từ trên xuống, mọi người đều không chịu đựng thêm nữa, và nó sẽ sụp đổ từ bên trong.

Bà Thái Hà xác quyết : "Chính là nói cuối cùng nó cũng sụp đổ. Sự sụp đổ này là một sự kiện diễn ra một cách ngẫu nhiên. Rốt cục nó sẽ sụp đổ một cách chóng vánh, sau đó toàn bộ xã hội sẽ giống như một vụ nổ bom nguyên tử. Sau khi bị dồn nén trong một thời gian quá dài, cuối cùng sẽ nổ tung. Có tình huống như vậy hay không ? Tôi cảm thấy rất có khả năng".

Vị giáo sư trường Đảng Trung ương nầy có nhấn mạnh thêm rằng khả năng hai giả định đầu tiên xảy ra là rất nhỏ. Bởi trong xã hội văn minh hiện nay, muốn thế giới bên ngoài tiêu diệt Đảng cộng sản Trung Quốc điều đó dường như không khả thi. Cách thức thứ hai, tình thế hiện nay là lực lượng cải cách trong đảng không dám manh động, bởi Tập Cận Bình hiện đang nắm giữ nòng súng và con dao đồ tể trong tay, vậy nên mọi người chẳng thể làm gì được. 

Một sự kiện ví dụ là ông Nhậm Chí Cường, trùm địa ốc nổi tiếng Trung Quốc và là "thế hệ đỏ thứ hai", đã dám nói lên sự thật, nhưng chưa đến chục ngày sau thì ông ấy đã mất tích, còn bà Thái Hà thì bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản Trung Quốc và hủy bỏ lương hưu cũng như khóa tài khoản ngân hàng. Vì vậy, lực lượng cải cách trong đảng đang ẩn náu, đều không thể hành động. Mọi người ai ai cũng muốn thay đổi, nhưng không ai có thể xoay chuyển được cục diện, chỉ đợi nó tự sụp đổ, đợi bản thân ông Tập Cận Bình không chống đỡ thêm được nữa, từ đó mất kiểm soát.

Nhưng bà Thái Hà tin rằng kiểu sụp đổ thứ ba có khả năng cao nhất. Bởi bây giờ chính phủ trong nước đã không có tiền, Tập Cận Bình muốn dùng tiền kỹ thuật số, điều này có thể giảm bớt hoàn cảnh khó khăn của việc in tiền mặt, nhưng tiền in sẽ dẫn đến lạm phát, thất nghiệp và nạn đói trên quy mô lớn ở Trung Quốc.

Bà Thái Hà phân tích thêm : "Rồi ba cỗ xe ngựa ‘đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu’ của nền kinh tế Trung Quốc toàn bộ đều bị đình trệ. Và nó bị tê liệt trong một thời gian dài. Một khi nó không hoạt động nữa, chỉnh thể xã hội sẽ bị tê liệt". Trong một đoạn ghi âm được phát hành vào đầu tháng 6 năm 2020, bà Thái từng chỉ trích Đảng cộng sản Trung Quốc là "thây ma chính trị" và Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là "trùm băng đảng xã hội đen".

Thể chế Đảng cộng sản Trung Quốc này đã không có lối thoát, dẫu có cải cách thế nào cũng vô dụng, vậy nên cách duy nhất chính là phải vứt bỏ nó. Bà Thái Hà kết luận : "Mọi người sẽ không bao giờ tưởng tượng được Đảng cộng sản Trung Quốc tà ác đến mức nào".

dcsvn00

"Ba cỗ xe ngựa ‘đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu’ của nền kinh tế Trung Quốc toàn bộ đều bị đình trệ. Và nó bị tê liệt trong một thời gian dài. Một khi nó không hoạt động nữa, chỉnh thể xã hội sẽ bị tê liệt" - Ảnh minh họa Con rồng Trung Quốc không còn đủ sức mạnh kinh tế và quân sự như trước sau đại dịch Covid-19 để có thể hù dọa thế giới

Trong dự đoán của mình, học giả Bùi Mẫn Hân, tác giả của tác phẩm nổi tiếng "Tư bản thân hữu Trung Quốc" cho thấy chế độ chính trị Trung Quốc sẽ sụp đổ sớm hơn nếu như không chịu cải cách. Bên ngoài, Trung Quốc đang đối diện với làn sóng tẩy chay, cảnh giác và phản ứng cứng rắn từ các nước đã phát triển. Điều quan trọng nhất mà Trung Quốc đối mặt là xu hướng cứng rắn đang lên của chính quyền Tổng thống Trump.

Nhưng nếu không phải ông Donald Trump, thì ứng cử viên Tổng thống Mỹ kỳ tới cũng sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Jake Sullivan, một cố vấn cấp cao của ứng viên Joe Biden, đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters mới đây. Theo VOA, bà Nadege Rolland, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Văn phòng Nghiên cứu Châu Á tại Washington DC cho rằng Bắc Kinh đang gặp phải thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập.

Bà nói : "Như chính ông Tập Cận Bình thừa nhận, đây là thời điểm vô cùng khó khăn đối với Bắc Kinh và là một thách thức chưa từng có. Kể từ khi thành lập, đây là một cuộc khủng hoảng chưa từng có". Bắc Kinh đang rơi vào một vòng xoáy của thảm họa và áp lực lớn do chính mình gây ra.

Vào ngày 20/05/2020, Policy Times của Mỹ cho biết 27 công ty của Mỹ đang rút khỏi Trung Quốc để chuyển qua Indonesia, vì Bắc Kinh đã lợi dụng chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo sức ép với Mỹ và các quốc gia EU trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhưng tại sao Việt Nam không được 27 công ty nầy chọn ? Phải chăng Việt Nam bị bỏ lại phía sau rất xa so với Indonesia ?

Ông Christopher Francis Patten, (tiếng Trung 彭定康), là một chính trị gia người Anh, từng là Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông từ năm 1992 đến 1997, hiện nay là Chưởng Ấn của Đại học Oxford, mới đây có nêu rõ "Chủ nghĩa cộng sản – như luôn được duy trì bởi bí mật và dối trá. Kẻ giết người nầy (Coronavirus) không phải là một số gen văn hóa hoặc thể chất của Trung Quốc, mà chính là Đảng cộng sản Trung Quốc… Chúng ta không thể đơn giản quay lại giao dịch với Đảng cộng sản Trung Quốc và làm kinh doanh như trước đây"

Một trong 2 tử huyệt mà Đảng cộng sản Trung Quốc tự tạo ra cho chính mình đập Tam Hiệp – tử huyệt kia là virus Vũ Hán (theo sách Between State Power, Technical Immensity, and Regional Implications", của tác giả Thierry Sanjuan.

dcsvn4

Thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc hôm 12/08/2020. Ảnh AFP/Getty Images.

Để đối phó với sự xâm nhập nghiêm trọng của Đảng cộng sản Trung Quốc vào các tổ chức Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Sáu 07/08/2020, Dân biểu Michael McCaul, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Chủ tịch Nhóm Công tác Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, đã đề xuất "Đạo luật Minh bạch và Trách nhiệm giải trình năm 2020 về Liên Hiệp Quốc (United Nations Transparency and Accountability Act of 2020)".

Dự luật yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ chỉ đích danh các quốc gia thành viên được xác định có hành vi gây ảnh hưởng xấu và vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và ủy quyền cho Tổng thống Mỹ chỉ định các quốc gia thành viên này là "tác nhân gây độc hại toàn cầu", nhằm chống lại các hành vi xấu trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, đi ngược lại tiêu chí và hoạt động của tổ chức toàn cầu này. Dự luật nầy còn có mục đích tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong tổ chức quốc tế này.

Trước đây, hai thượng nghị sĩ của Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã từng đề xuất một dự luật đánh giá các hoạt động của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Ngòai ra, các nhà trí thức có ảnh hưởng của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nổi tiếng và thậm chí các đảng viên lão thành có đầu óc tự do lại tin rằng đây đang là những ngày cùng tháng tận trong kỷ nguyên cầm quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc và đảng nầy sẽ bị xóa sổ nếu không chịu sớm tiến hành những cải cách chính trị nghiêm túc.

Trong cuốn sách năm 1992 tựa đề Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and The Last Man), Francis Fukuyama đã lập luận rằng dân chủ tự do phương Tây đại diện cho thể thức cuối cùng của sự cai trị con người và là điểm tận cùng trong sự tiến hóa của ý thức hệ.

Fukuyama, bây giờ là một nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Stanford, nói ông tin rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường của hầu hết các quốc gia, có thể thông qua một quá trình tự do hóa dần dần vốn rốt cuộc dẫn tới dân chủ. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, ông cho rằng các cuộc nổi dậy của người dân dưới dạng Mùa xuân Ả Rập cũng là một khả năng.

Thế hệ mới của Trung Quốc rất khác so với thế hệ đã từ bỏ nông nghiệp và thúc đẩy làn sóng công nghiệp hóa thứ nhất – thế hệ mới nầy được giáo dục tốt hơn, giàu có hơn nhiều và có những đòi hỏi mới, những đòi hỏi như không khí sạch, nước sạch, thực phẩm an toàn và những vấn đề khác vốn không thể được giải quyết chỉ bằng tăng trưởng kinh tế nhanh.

Cho tới vài năm trước đây, David Shambaugh, giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington và là chuyên gia hàng đầu về hệ thống chính trị Trung Quốc, vẫn là một người ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này. Nhưng ông đã thay đổi quan điểm và giờ đây tin rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang ở trong một trạng thái suy thoái và phản ảnh những ngày hấp hối của các triều đại Trung Quốc trong lịch sử trước đây.

Các dấu hiệu cho điều này bao gồm một ý thức hệ nhà nước trống rỗng mà xã hội không còn tin tưởng, chỉ phục tùng mang tính lấy lệ ; tình trạng tham nhũng ngày càng tồi tệ, thiếu khả năng cung cấp cho người dân một hệ thống phúc lợi xã hội đầy đủ và một cảm giác mất an ninh và thất vọng lan tràn trong dân chúng.

Các dấu hiệu khác bao gồm tình trạng bất ổn sắc tộc và xã hội gia tăng, nạn bè phái trong giới lãnh đạo, sưu cao thuế nặng với lợi nhuận chủ yếu chui vào túi các quan chức, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập nghiêm trọng và càng ngày càng tăng, cùng với nền pháp trị không đáng tin cậy. Shambaugh nói rằng một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy niềm tin vào hệ thống rất ít ỏi chính là số lượng những người giàu Trung Quốc có tài sản và nhà đất ở nước ngoài, tài khoản ngân hàng và số con em đang theo học tại các trường đại học phương Tây.

"Những cá nhân này đã sẵn sàng tháo chạy ngay lập tức, ngay khi chế độ chính trị lâm vào cảnh hấp hối – nhưng họ sẽ vẫn tiếp tục ở lại Trung Quốc để vơ vét tới tận đồng nhân dân tệ cuối cùng trước lúc thời khắc đó xảy tới", ông nói, "Hành vi phòng bị nước đôi của họ nói lên nhiều điều về sự ổn định mong manh của nhà nước độc đảng ở Trung Quốc ngày nay".

Perry Link, một giáo sư tại Đại học California Riverside và là một trong những chuyên gia phương Tây về Trung Quốc được kính trọng nhất nói thêm : "Ngày nay người ta vào đảng chỉ để tạo quan hệ và trục lợi hơn là vì các lý tưởng xã hội chủ nghĩa". Giáo sư Link cho rằng "Trung Quốc có nhiều sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế hơn so với trước đây rất nhiều và nó có thể yêu cầu những nước khác như Mỹ và Anh thoái lui theo cách mà trước đây nó không thể. Nhưng dù có rất nhiều sức mạnh đối ngoại mới như vậy thì ở trong nước họ dường như lại yếu đuối hơn rất nhiều, quan ngại hơn rất nhiều về việc họ còn có thể trụ lại được trên chảo dầu đang sôi này bao lâu nữa". 

"Tài liệu số chín", một văn bản mật được phân phát cho các cán bộ hồi tháng 4/2020 và bị rò rỉ ra báo chí hải ngoại, đã cho thấy ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc bất an đến thế nào về những mối đe dọa được nhận thấy đối với sự cai trị của đảng. "Các thế lực thù địch phương Tây và những kẻ bất đồng chính kiến trong nước đang thường xuyên thâm nhập vào lãnh địa tư tưởng", tài liệu cho biết, "Nhằm bảo vệ sự cầm quyền của đảng, cần phải chú ý đến những cách nghĩ, lập trường và hành động sai lầm".

Theo tài liệu này, đảng đã tham gia vào một cuộc đấu tranh "khốc liệt" liên quan đến bảy mối đe dọa nghiêm trọng mà bây giờ thường được nhắc đến trong giới học giả Trung Quốc là "bảy điều không được bàn đến". Đứng đầu danh sách này là "dân chủ lập hiến phương Tây", theo sau đó là những điều cấm kỵ khác như ủng hộ nhân quyền, tư pháp độc lập, báo chí truyền thông độc lập và việc chỉ trích quá khứ của Đảng.

Theo Giáo sư Link "Nếu đúng như vậy thì Trung Quốc không có hi vọng gì và cuối cùng sự giận dữ trong xã hội sẽ bùng nổ trở thành các cuộc nổi dậy của dân chúng". Theo logic chính trị kinh tế, khả năng mang lại tăng trưởng nhanh chóng và nâng cao mức sống – nguồn mang lại tính chính danh chính của Đảng cộng sản Trung Quốc từ khi đoạn tuyệt chủ nghĩa Mao – lại chính là điều rốt cuộc sẽ dẫn tới việc Đảng mất quyền kiểm soát tuyệt đối về chính trị.

Tính theo cách nào đi nữa thì Trung Quốc cộng sản giờ đây là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên thế giới, với phần lớn của cải tập trung vào tay một giới tinh hoa nhỏ có các mối quan hệ với chính quyền. 

Mao Yushi, một nhà kinh tế 84 tuổi được coi là cha đẻ của kinh tế học vĩ mô hiện đại của Trung Quốc, cho rằng : "Trong vòng hai thế kỷ qua 30 năm vừa rồi là giai đoạn kéo dài duy nhất không có chiến tranh, nạn đói hay hành quyết tập thể, một giai đoạn mà cuộc sống mọi người dân đều khá giả hơn. Tính chính danh của chế độ chủ yếu đến từ thành công trong cải cách kinh tế nhưng vấn đề nghiêm trọng là các kỳ vọng giờ đây là quá lớn".

Mao dự đoán rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính "không thể tránh khỏi" trong vòng từ một đến ba năm tới do khối lượng nợ xấu khổng lồ đang tích tụ và một bong bóng tài sản khổng lồ, nhưng ông nghĩ rằng điều này sẽ đẩy đất nước đến với dân chủ. "Tôi nghĩ một cuộc khủng hoảng tài chính thực ra lại tốt cho Trung Quốc vì nó sẽ buộc chính phủ phải thực thi các cải cách kinh tế và chính trị", Mao nói. "Đó là kịch bản tốt nhất nhưng kịch bản xấu nhất sẽ là một cuộc nổi dậy bạo lực và theo sau đó là một thời kỳ dài của bất ổn và suy thoái kinh tế, giống như tình hình ở Ai Cập".

Bằng cách vay nợ và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc đạt được nhiều thành tích kinh tế ngắn hạn, nhưng đi kèm với nó là sự tha hóa của toàn bộ đội ngũ cầm quyền. Tập Cận Bình khá thực lòng khi phát biểu công khai trong một hội nghị cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 : "Chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ tội phạm để cai trị đất nước".

Đất nước Trung Quốc quá lớn, quá đông dân và quá phức tạp. Trong nhiều thiên niên kỷ, người Trung Quốc tồn tại bằng các cuộc chiến tranh xâm lược nối tiếp nhau. Văn hóa của họ được xây dựng trên nền tảng của lối tư duy nô dịch. Nếu biến động xã hội xảy ra ở Trung Quốc, nó sẽ khiến đất nước này bị chia nhỏ làm nhiều phần.

Đó sẽ là câu chuyện trong một tương lai xa. Còn hiện tại, với tư cách là một đại cường, Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều giải pháp để duy trì sự tồn tại của mình hơn là Việt Nam. Nguy cơ Trung Quốc tiến hành các cuộc chiến tranh quy mô nhỏ trong khoảng 10 năm tới là rất cao, và nó sẽ là một công cụ mà Đảng cộng sản Trung Quốc vận dụng thường xuyên để đánh lạc hướng và xoa dịu các bất ổn chính trị trong nước. Có thể thấy rõ điều đó qua các phát ngôn ngày càng kiên quyết của Tập Cận Bình về các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Đó không phải là vấn đề quyền lợi quốc gia, nó giống một chiếc phao cứu sinh của Đảng cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh ngày một mất dần tính chính danh trước xu thế thời đại. Chế độ cộng sản ở Trung Quốc rồi sẽ kết thúc, nhưng nó sẽ không chết một mình trước khi gây ra những tổn thương sâu sắc cho phần còn lại của thế giới kể cả nước cộng sản Việt Nam và cho chính người dân Trung Quốc.

Nguy cơ nầy của Đảng cộng sản Việt Nam do chính sách gắn chặt nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc suốt 30 năm qua, nay kinh tế, xã hội, nội và ngoại chính Trung Quốc lâm vào thế nguy nan thì Việt Nam cũng khó tránh khỏi mối nguy dây chuyền từ Trung Quốc lan sang. 

*************************

11. Nguy cơ do các nước trong khối tự do đang đoàn kết để đối đầu với hiểm họa Trung Quốc  

 

"Việt Nam là bản sao mô hình Trung Quốc thu nhỏ" chính là một nguy cơ cho dân vận, quan hệ quốc tế, giao thương kinh tế và ổn định chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ năm 2020.

dcsvn8

Việt Nam chỉ là bản sao mô hình Trung Quốc thu nhỏ - Ảnh minh họa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cụng lý cùng Tổng bí thư Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 

Mới đây, Washington Post nêu ý kiến của Nikki Haley (cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc) như sau : "Đây không phải là thử thách riêng đối với Hoa Kỳ mà thôi, nhưng các nước trong khối tự do phải đoàn kết để đối đầu với hiểm họa Trung Quốc. Ở khu vực Thái Bình Dương, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã nhận ra mối nguy hiểm của Trung Quốc. Những người bạn Châu Âu thì nhận ra bộ mặt thật của Trung Quốc chậm hơn, nhưng nhờ con vi khuẩn Corona xuất phát từ Trung Quốc mà các nước Châu Âu này đang dần dần thức tỉnh.

Các quốc gia đang phát triển đã lọt bẫy hào phóng giả tạo của Trung Quốc giờ đây đang nhìn vấn đề qua một lăng kính rõ ràng hơn. Chú tâm vào các hành động ngang tàng của Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch này thật sự cần thiết, nhưng con vi khuẩn chỉ là một phần nhỏ trong các mối đe dọa do Trung Quốc sắp đặt. Thế giới càng sớm nhận ra điều đó, thì sự chuẩn bị càng tốt hơn để ngăn chặn hiểm họa Trung Quốc".

Hôm thứ Hai, 31/08/2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng lên tiếng về ý định thành lập liên minh tương tự như NATO để đối phó với Trung Quốc. Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – để tạo nên một "Bộ Tứ" – một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo SCMP.

Mục tiêu của chính phủ Mỹ là hợp tác với nhóm bốn quốc gia này cùng một số quốc gia khác trong khu vực để tạo nên một bức tường thành chống lại thách thức từ Trung Quốc, đồng thời "tạo ra một khối sức mạnh chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, từ đó thu hút được nhiều quốc gia hơn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới tham dự… để liên kết lại theo một cách thức có cấu trúc hơn", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết như vậy.

Ông nói : "Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Nơi này chưa có bất cứ điều gì có sức mạnh như NATO hoặc Liên Hiệp Châu Âu. Tôi nghĩ, các khối liên kết mạnh nhất ở Châu Á chưa mang tính bao quát. Vì vậy… cần đặt vấn đề là đến một thời điểm nào đó sẽ cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy". Ông cũng lưu ý Washington thật sự mong muốn thiết lập một NATO phiên bản Thái Bình Dương.

Ông nói rằng một liên minh chính thức như vậy "sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác có sự cam kết như Hoa Kỳ". Nhận xét của ông Biegun nối tiếp những bình luận của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, người gần đây đã gọi những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là "lố bịch".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo hôm 01/09/2020 nói rằng cả thế giới đang bắt đầu đoàn kết chống lại các hành vi không công bằng của Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 1/9 đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo đã phát biểu : "Tôi nghĩ rằng mọi người đang thấy toàn thế giới bắt đầu đoàn kết với nhau xoay quanh nhận thức cốt yếu rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đơn giản là sẽ từ chối cạnh tranh một cách công bằng, có đi có lại và minh bạch".

Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nầy khẳng định, Tổng thống Trump sẽ đẩy lùi Trung Quốc trên mọi mặt trận, kể cả việc Trung Quốc dùng quyền lực mềm mưu toan bá chủ thế giới. Có thể nói mà không sợ mang tiếng cường điệu rằng Trung Quốc không thể sử dụng quyền lực mềm (ở bất cứ nơi đâu) giản dị chỉ vì Trung Quốc không hề thủ đắc thứ quyền lực đó.

Điều may mắn trong cơn đại dịch Virus Vũ Hán chính là các quốc gia phát triển đã nhận thức được sự lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều và đang làm giảm sự phụ thuộc này bằng cách đưa doanh nghiệp của họ từ Trung Quốc trở về nước, hoặc phân tán ra nhiều nước. Đây không chỉ việc giải quyết việc làm trong nước, mà còn là an ninh và tự chủ hàng hóa, kỹ thuật & công nghệ của các quốc gia. 

Ngay trong lúc người Nhật phải vật vã chống chọi với cơn đại dịch Virus Vũ Hán, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, đã kêu gọi doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc. Chính phủ Nhật còn cụ thể hơn, dành hơn hai tỷ đô la Mỹ trong gói gần 1.000 tỷ đô-la kích thích kinh tế trong thời gian có đại dịch Virus Vũ Hán để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc.

Liên Hiệp Châu Âu từng cổ vũ rất nhiều cho việc đầu tư & làm ăn với Trung Quốc để đi tìm thị trường xuất khẩu cho các quốc gia trong khối nay đang nhận trái đắng khi nhiều quốc gia phát triển ở châu lục này đang quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính Pháp từng nói trên đài phát thanh France Internationale hồi tháng 3/2020 : "Cần phải giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu một số sản phẩm từ nước ngoài. Đặc biệt là từ Trung Quốc". 

Không như Mỹ hay Nhật Bản, Châu Âu đang còn kín tiếng trong việc giao thương với Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, việc Liên Hiệp Châu Âu (EU), hay các quốc gia trong khối này công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong thời gian sắp đến sẽ không lạ. Bởi chiến lược "Made in China 2025" nếu thành công, không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, mà Châu Âu sẽ cùng chịu chung tổn hại nặng nề.

Truyền thông quốc tế cho biết tại cuộc họp báo hôm 16/04/2020 ở Phủ Thủ Tướng tại Downing Street, London, khi được hỏi về mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai, Ngoại trưởng Anh Quốc Raab nói : "Hiện chúng tôi phải xem xét tất cả những khía cạnh trong mối quan hệ với Trung Quốc và thực hiện một cách thức cân bằng, nhưng chắc chắn rằng nước Anh không thể làm ăn với Trung Quốc như bình thường sau cuộc khủng hoảng Coronavirus này". 

Một yếu tố quan trọng trong cuộc đối đầu chiến lược của Washington với Bắc Kinh là việc tách rời kinh tế, một sự giảm thiểu đáng kể trong các mối quan hệ thương mại rộng lớn mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xây dựng được trong bốn thập niên qua. Những người ủng hộ cho việc tách biệt như vậy là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã phát động một cuộc thương chiến với Trung Quốc vào năm 2018 và các nghị sĩ Thượng Viện Mỹ.

Ông Trump tin rằng, bằng cách cắt Trung Quốc ra khỏi thị trường rộng lớn và công nghệ tinh vi của Hoa Kỳ, Washington có thể làm giảm đi tiềm năng tăng trưởng của sức mạnh Trung Quốc một cách đáng kể. Bất chấp việc thỏa thuận đình chiến trong cuộc thương chiến, sau thỏa thuận tạm thời mà Trump đã ký với Tập Cận Bình vào tháng 1/2020, việc tách rời kinh tế Mỹ-Trung gần như chắc chắn sẽ tiếp tục trong những năm tới, bất kể ai sẽ vào Tòa Bạch Ốc từ 2021, bởi vì làm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Hoa Kỳ vào Trung Quốc là quốc sách hiện nay của chính giới Mỹ. Chiến lược kìm hãm sự phát triển sức mạnh của Trung Quốc hiện đang là mục tiêu của hai đảng Cộng hòa & Dân chủ Mỹ. 

dcsvn6

Trong cơn đại dịch Virus Vũ Hán, các quốc gia phát triển đã nhận thức được sự lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều và đang làm giảm sự phụ thuộc

Qua vụ việc Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh Covid-19 dẫn đến các thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước Việt Nam & nhiều nước khác, giờ đây Đảng cộng sản Việt Nam cần có biện pháp đề phòng ngay chính người đồng chí đến từ phương Bắc. Trung Quốc sẽ rút lui và con cụm lại dù có hay không có nạn dịch Covid-19. Sự kiện Covid-19 này chỉ khiến Trung Quốc rút lui và co cụm lại nhanh hơn.

Từ giờ đến cuối năm chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Trái với lo ngại của nhiều người là Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng sau Covid-19, quan hệ giữa các nước phát triển và Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch. Cô lập và phong tỏa Trung Quốc bằng cách rút các công ty đầu tư ra khỏi Trung Quốc là điều mà thế giới phải làm cho dù có tốn kém đến đâu đi nữa. Đây cũng là sự thay đổi bắt buộc của phong trào toàn cầu hóa. Thay vì bỏ hết trứng vào cái giỏ của Trung Quốc thì thế giới sẽ "khu vực hóa" chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa ra khắp năm châu…

Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ phát triển : trong quý đầu tiên của năm 2020, dịch Covid-19 đã buộc nhiều nhà máy và doanh nghiệp phải đóng cửa. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm 6,8% theo dữ liệu chính thức được công bố hôm thứ Sáu 16/04/2020.

Mối nguy lớn nhất là từ nay Bắc Kinh không còn khả năng đảo nợ – nghĩa là vay nợ mới để trả nợ cũ, trong khi khối nợ tổng cộng của họ đã lên tới mức kinh khủng là 40.000 tỷ đô-la, hay 350% GDP, và các quỹ đầu tư cũng không còn tiền để cho vay nữa. Nhiều đại công ty Trung Quốc sẽ phá sản. Khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc là chắc chắn, và hệ luỵ gây ra suy trầm kinh tế toàn cầu sẽ tương tự như khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2009.

Hơn nữa, Liên minh tình báo "Ngũ Nhãn" (5 Eyes) gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand đang lo kết nạp thêm thành viên Nhật Bản để mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc, theo bản tin ngày 29/7/20 của The Guardian. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh, Trung tướng Jim Hockenhull nói với truyền thông Anh Quốc vào hôm Chủ nhật 13/09/2020 rằng "chế độ Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới".

Ông nói : "Trung Quốc ngày càng độc tài và quyết đoán, Trung Quốc gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới, tìm cách áp đặt các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Trung Quốc và sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng và lật đổ, được hỗ trợ bằng đầu tư lớn vào hiện đại hóa các lực lượng vũ trang".

Vào ngày 22/07/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Vương cuốc Anh, Dominic Raab cho biết ông "quan ngại sâu sắc" về bằng chứng cho thấy "Trung Quốc đang tham gia vào các cuộc tấn công mạng độc hại nhằm vào các tổ chức thương mại, y tế và học thuật, bao gồm cả những tổ chức đang ứng phó với đại dịch corona".

Trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo rằng hai tin tặc Trung Quốc đã bị truy tố vì đã tấn công vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ ở một số quốc gia như Anh, Bỉ, Đức, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản và  đánh cắp bí mật thương mại và thông tin nhạy cảm khác có giá trị hàng triệu đô la đồng thời  cố gắng đánh cắp nghiên cứu về Covid-19.

dcsvn07

Ông Nguyễn Phú Trọng và nguyên thủ Trung Quốc trong buổi tiệc trà hôm 13/11/2019.

Đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung từ Trung Quốc liên quan tới các khoáng sản quan trọng và nguồn cung thiết bị y tế. Vì thế, "Ngũ Nhãn" đang lên các kế hoạch nhằm gia tăng sản xuất các kim loại hiếm và bán hiếm từ một số quốc gia khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nghị sĩ Úc Andrew Hastie, một người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, ủng hộ ý tưởng về việc thiết lập một khối thương mại tự do "Ngũ nhãn". Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã ngỏ lời về đề xuất trở thành thành viên thứ 6 của nhóm tình báo Ngũ Nhãn nầy. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Tom Tugendhat đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất nói trên.

Tình hình càng nguy hiểm vì các dấu hiệu bất phục tùng đã xuất hiện khắp nơi và ngay trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc làm cho uy tín của chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu bị thách thức. Lối thoát duy nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc là co cụm lại và dùng bạo lực để cố duy trì sự thống nhất, ít nhất trên danh nghĩa.

Nếu thành công, giải pháp này sẽ biến Trung Quốc thành một thế giới riêng, một đế quốc biệt lập với thế giới bên ngoài, tuy nghèo nhưng mức sống cũng đã cao hơn nhiều so với 40 năm về trước khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu chính sách kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (hay còn gọi là "đặc thù Trung Quốc"). Giải pháp này cùng lắm chỉ giúp chế độ chính trị Trung Quốc kéo dài thêm được một thời gian ngắn.

Mặt khác, sự suy sụp nhanh chóng sắp tới của Trung Quốc sẽ khiến rất nhiều đảng viên cộng sản hiểu rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là một thây ma đã mục rữa mà họ phải khẩn cấp tránh xa. Các sự kiện trong quý 1/2020 vừa qua đã cho thấy sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc dễ vỡ hơn nhiều so với nhiều hình thức phô trương bề ngoài của chính nó. 

Sự kiện "dễ vỡ của Đảng cộng sản Trung Quốc" và "chiến lược kinh tế rời khỏi Trung Quốc của quốc tế" là một nguy cơ thiết tử cho Đảng cộng sản Việt Nam, vì thế giới vẫn còn nghi ngại là chế độ cộng sản Việt Nam chưa hoàn toàn "thoát Trung" và vẫn còn đến 90% là một bản sao nhỏ của mô hình Trung Quốc. "Việt Nam là bản sao mô hình Trung Quốc thu nhỏ" chính là một nguy cơ cho dân vận, quan hệ quốc tế, giao thương kinh tế và ổn định chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ năm 2020 nầy.

Đan Tâm

Nguồn : VNTB, 24/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đan Tâm
Read 1450 times

1 comment

  • Comment Link Sơn Trân vendredi, 23 octobre 2020 16:31 posted by Sơn Trân

    Sau khi đọc kỷ vài trang mở đầu của bài phân tích, tổng hợp và nghị luận chính trị nầy, tôi có cảm tưởng là Việt Nam Thời báo đã đặt tựa từng kỳ báo không đúng với logic của bài viết khá dài nầy. Theo thiển ý của tôi, hình như tác giả chia ra những phần chính là "nguy cơ do nội tình ĐCSVN" tiếp theo là "nguy cơ do tình hình mới của quốc tế" sau đó là "nguy cơ đến từ Trung Quốc cộng sản", rồi mới đến phần sau sẽ là "cái thế sống chết của ĐCSVN -chết nhiều hơn sống- trong bối cãnh thế giới hậu COVID-19.
    Do đó, tôi đang theo dõi và đón đọc loạt bài nầy trên Thông Luận cũng như trên VNTB thừ xem cảm nghiệm của mình có đúng hay không, hay là duy ý chí & chủ quan.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)