Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

01/11/2023

Chuyện gì thực sự đã xảy ra ở Việt Nam ?

Ngô Đình Thục

Tổng giám mục Huế bàn về biến cố đã gây ra cuộc khủng hoảng tôn giáo ở Nam Việt Nam : ông khẳng định vấn đề này là chính trị, không phải là tôn giáo.

ngodinhthuc1

Giám mục Ngô Đình Thục (giữa), tổng thống Ngô Đình Diệm (phải) và cố vấn Ngô Đình Nhu - Ảnh tư liệu

Những người Công giáo ở Châu Âu, Châu Á, và Mỹ rất lo lắng và đau khổ trước những bài tường thuật của các hãng thông tấn xã quốc tế nên đã hỏi tôi tại sao những người Công giáo ở Việt Nam ngày nay lại đang đàn áp những anh chị em Phật giáo của mình. Khi đối diện với những người thiện ý mà quá đỗi thất vọng và hoang mang ấy, tôi tin với tư cách là một Tổng Giám mục của Việt Nam, tôi có trách nhiệm trình bày đơn giản những sự thật để cho mỗi người thiện tâm tự do phán xét xem ai là kẻ đàn áp và ai là người bị đàn áp, ai là kẻ vu khống và ai là người bị vu khống.

Theo thiển ý của tôi, chuyện xảy ra dưới đây là nguyên nhân trực tiếp của những bất ổn Phật giáo và cách chúng hình thành.

1. Hàng năm lễ mừng Phật đản (năm nay nhằm vào ngày 4/5/1963) diễn ra ba ngày - theo chương trình mà Ủy ban Lễ hội soạn thảo và nộp lên nhà cầm quyền tỉnh để chấp thuận. Trước đấy hai năm Bộ Nội vụ đã hai lần quy định tất cả các giáo phái nên dành vị trí ưu tiên cho cờ quốc gia khi các lá cờ được treo trong buổi lễ tôn giáo.

Hai ngày trước ngày 4/5/1963, công điện từ phủ Tổng thống có nhắc nhở thậm chí càng nghiêm khắt hơn về những chỉ thị này cho tất cả các tôn giáo. Tuân theo chỉ thị của chính quyền, tôi đích thân cho người hạ lá cờ Vatican xuống, nhân dịp cung hiến thánh đường Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế. Vả lại lệnh này là lệnh chung được thông qua cách đây hai năm. Người ta chú ý đến lệnh này chỉ hai ngày trước lễ Phật đản, nhưng lệnh này cũng là sự nhắc nhở các tín đồ Công giáo cũng chỉ hai tuần trước lễ Chúa Thăng Thiên. Vì vậy cảnh sát yêu cầu những người không phải là tín đồ Công giáo, mà đã trang hoàng cổng vườn nhà họ dọc theo con đường công cộng, tuân theo lệnh này. Điều này đã khiến các nhà sư phản đối. Chính quyền tỉnh ở Huế, chiều theo những yêu cầu của họ, ra lệnh cho cảnh sát không làm cho dân chúng tức giận. Vì thế tất cả các cờ Phật giáo đều được cho treo trong suốt ba ngày lễ. Các nhà sư, phấn khởi trước sự nhượng bộ từ phía chính quyền, đã yêu cầu rằng từ bây giờ trở đi phải thu hồi vĩnh viễn lệnh của tổng thống.

Các nhà sư đổ trách nhiệm 

2. Trong tâm trạng bạo dạn này, thay vì làm đúng theo chương trình cho buổi lễ đã được nhà cầm quyền chấp thuận, họ lại tổ chức một cuộc tụ tập đông người ở đài phát thanh quốc gia và yêu cầu phát bài diễn văn phản đối nhằm lăng nhục và chống lại chính quyền thay vì phát chương trình mà họ đã được phép rồi. Trong lúc ấy, đám đông những người biểu tình la hét rất to phản đối chính quyền, đã xông vào sân của đài phát thanh. Cảnh sát và một nhóm quân đội chính quy đến với vòi rồng và bom cay để kiểm soát cuộc biểu tình. Trong lúc tỉnh trưởng đã đến đài phát thanh trước đó và đang đàm phán với nhà sư đứng đầu thì một số người biểu tình, cùng với một số khách qua đường, bước lên bậc thềm của đài phát thanh, rồi ném đá và phá sập các cửa. Vào lúc này một vụ nổ (người ta tin là do bom plastic gây ra) xảy ra ở bậc thềm, làm bảy người chết, trong đó có hai người tân tòng Công giáo và bốn người khác là con của cảnh sát hay con của công chức.

Các nhà sư lợi dụng biến cố bi thảm này bằng cách đổ trách nhiệm cho lực lượng giữ trật tự và bằng cách phong thánh cho những nạn nhân không may - bất chấp sự phản đối của những gia đình của những người bị giết, ngoại trừ hai gia đình hợp tác với họ.

3. Kế tiếp các nhà sư đưa ra năm yêu cầu nổi tiếng của họ đối với chính quyền ; điều này báo hiệu sự khởi đầu của cuộc đối thoại giữa Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và Chính quyền Trung ương.

Sau đây là tóm lược năm yêu cầu này :

1- "Yêu cầu chính quyền thu hồi vĩnh viễn công điện ra lệnh cấm treo giáo kỳ Phật giáo".

2- "Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10".

3- "Yêu cầu chính quyền chấm dứt bắt bớ và đàn áp tín đồ Phật giáo".

4- "Yêu cầu cho tăng ni Phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo".

5- "Yêu cầu chính quyền bồi thường công bằng cho những nạn nhân bị giết oan và trừng phạt thích đáng những kẻ chủ mưu".

Rồi họ thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo (đại diện cho nhiều môn phái khác nhau), để đạt được sự thỏa mãn với những yêu cầu này bằng các phương tiện ôn hòa, tức là, bằng những cuộc biểu tình trên đường phố, tuyệt thực theo kiểu Phật giáo, và những vụ tự thiêu.

Để giúp các bạn hiểu điều sau, tôi thêm vào những nhận xét này : cuộc đấu tranh này đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng Hội Phật Giáo được thành lập độ cách đây năm năm và là hội được tổ chức tốt nhất trong số những giáo phái Phật giáo độc lập khác. Hội này tuyên bố có đến một triệu hội viên : hội có đông hội viên nhất, nhưng hội còn lâu mới chiếm tới 85 phần trăm dân số của Nam Việt Nam, với một tổng dân số 15 triệu người, mà hầu hết đều thuộc về đạo thờ cúng tổ tiên, như ở Trung Hoa. Đối với tín đồ Phật giáo, Phật giáo chỉ là lớp men dày ít hay nhiều được tráng lên đạo thờ cúng tổ tiên căn bản này. Vì vậy, cái chúng ta thấy ở đây là cuộc chiến đấu chống lại chính quyền của những người lãnh đạo nào đấy của Tổng Hội Phật Giáo, chứ không phải cuộc chiến đấu của tất cả những ai thuộc về Hội này. Một vài giáo phái Phật giáo khác - không phải tất cả các giáo phái - đã chung sức với Hội để thực hiện chiến dịch này.

ngodinhthuc2

Tổng giám mục Ngô Đình Thục, ông Ngô Đinh Nhu và vợ, bà Trần Lệ Xuân, trước biệt điện Bảo Đại trong dịp khai mạc Hội chợ Kinh tế Cao nguyên tại Ban Mê Thuột, xuân 1957

4. Chính quyền thành lập Ủy ban Liên bộ do Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (một người không phải là tín đồ Công giáo) đứng đầu để gặp gỡ Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo nhằm thỏa mãn càng nhiều càng tốt những gì chính đáng trong năm yêu cầu này.

Những đề nghị phi lý 

Trước tiên, những tín đồ Phật giáo đã được ban cho những gì họ cố gắng đạt được cho lá cờ của họ. Họ cũng yêu cầu rằng những giáo phái Phật giáo khác, không tham gia trong cuộc đối thoại, cũng được hưởng quyền lợi như họ. Chính quyền chấp thuận yêu cầu này.

Thừa thắng xông lên, họ yêu cầu trừng phạt những viên chức mà họ nói đã ngược đãi tín đồ Phật giáo trong thời gian qua. Chính quyền đề nghị rằng Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo nên tham gia vào một ủy ban chung gồm có vài bộ trưởng trong chính quyền đã được thành lập nhằm điều tra những vụ đàn áp này. Các cuộc điều tra sau đó sẽ công bố trước dân chúng và báo chí. Tổng Hội Phật Giáo đã ra điều kiện tiên quyết cho sự hợp tác là chính quyền phải chịu trách nhiệm về những cái chết ở Huế. Chính quyền đáp lại rằng chính vì để quyết định trách nhiệm về biến cố ở Huế mà ủy ban điều tra chung đang được thành lập. Các nhà sư vẫn khăng khăng đòi phải có điều kiện tiên quyết của họ, cho nên sự hợp tác không thể thành được. 

Trong thời gian ấy, những cuộc tự thiêu bắt đầu. Đây là cách các nhà sư thực hiện : Họ chọn ra ba nhà sư già đức hạnh, và bốc thăm để xem ai sẽ bị thiêu. Họ đánh thuốc mê người trúng thăm rồi đổ xăng lên khắp người ông để thiêu ông. Tại Huế chúng tôi đã nghe những tiếng thét thất thanh của nhà sư sắp bị thiêu ở chùa Từ Đàm, trung tâm của Tổng Hội Phật Giáo. Nhà sư này lại không chịu chết cho nên những nhà sư khác dùng búa đánh gục ông - đây là lý do tại sao có những tiếng thét thất thanh khiến người nghe khiếp sợ. Tương tự, ở Huế một nhà sư trẻ, mà người ta nói đã chết vì những nguyên nhân tự nhiên, bị thiêu, và các nhà sư không cho phép mổ xác - họ cũng không cho phép điều này trong trường hợp khác vừa mô tả khi nhà cầm quyền muốn xác định nguyên nhân chết. Nhà cầm quyền đành phải chịu thua để không có vẻ như khiêu khích những kẻ cuồng tín này.

Tại sao dùng từ "cuồng tín" để đặt tên cho những cá nhân nào đấy núp dưới áo cà sa ?

Có hai hạng nhà sư. Hạng thứ nhất gồm có những người chính thức độc thân và sống trong cộng đồng. Trước đây, người Việt, một dân tộc thường châm biếm một cách dễ dàng, hay nói rằng chỉ những kẻ lười biếng và những kẻ bất tài mới trở thành sư, vì thu nhập của chùa trước sau gì cũng đảm bảo đủ nuôi họ. Giáo dục của họ, ngoại trừ một vài học giả, thì hầu như không có. Họ thuộc lòng kinh kệ bằng tiếng Pali mà họ đọc thuộc lòng nhưng không hiểu, giống như những cậu bé giúp lễ của chúng ta ngày nay đọc thuộc lòng tiếng La tinh. Chiếc áo choàng màu vàng nghệ phân biệt họ với người tục. Vì vậy, bất kỳ ai muốn trở thành sư vẫn có thể thành sư, và họ có thể dễ dàng trở lại đời thường, nếu họ muốn. Chùa quả là nơi ẩn náu tuyệt vời cho những người bạn cộng sản của chúng ta để trốn tránh cảnh sát vì các chùa đều được hưởng quyền nương náu.

Hạng thứ hai gồm có những nhà sư đã lập gia đình trông coi những miếu đền nhỏ rải rác khắp các làng quê.

Việc các nhà sư được chọn một cách lỏng lẻo và hời hợt giải thích hành vi của những cá nhân nào đấy mặc áo người tu hành nhưng không có ơn gọi : họ khiến các nhà sư đích thực đáng kính phải cảm thấy xấu hổ thay.

Sự hiện diện của cộng sản trong giới nhà sư là chuyện rất có thể xảy ra vì họ thậm chí xâm nhập vào Đạo binh Đức Mẹ ; thông qua một người nhiệt huyết đạo đức giả từng là trụ cột của tiểu đội của đạo binh ở họ đạo La Mã, thánh địa Đức Mẹ trong giáo khu Vĩnh Long.

Cộng sản vốn là bậc thầy đục nước thả câu nay công khai lên tiếng bảo vệ Phật giáo, phát biểu nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt), nơi hầu như tất cả các chùa đều bị phá hủy còn các nhà sư thì bị cộng sản sát hại hay biến họ thành nô lệ.

Ủy ban Bảo vệ Phật giáo, sử dụng những phương pháp lẩn tránh kiểm duyệt, đã gởi ra ngoài những lời kêu gọi dựa vào những vu cáo, đến Tổ chức Phật giáo Thế giới. Tổ chức này dùng ảnh hưởng của họ với chính quyền các nước Phật giáo, chẳng hạn như Tích Lan và Cao Miên, rồi chính quyền các nước này lại khẩn cầu đến Liên Hiệp Quốc. Hầu hết các thông tấn xã quốc tế đều thi đua nhau lặp lại những vu cáo này.

Những kẻ phiêu lưu chính trị quốc tế, giận dữ rằng Tổng thống Diệm cương quyết không vâng lời họ một cách mù quáng, thấy đây là cơ hội thuận lợi để gây ra cuộc đảo chính dưới cớ bảo vệ Phật giáo, nhưng thực tế là toan tính lập ra một chính quyền Việt Nam phục vụ cho những tham vọng của họ, như vậy họ cũng giả dối như cộng sản, kẻ thù của họ. Theo báo chí cuộc đảo chính sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng Tám. Tình trạng bao vây, được công bố kịp thời, đã bất ngờ làm hỏng kế hoạch của những kẻ làm loạn này.

Về phương diện nào Giáo hội Công giáo chịu trách nhiệm cho những bất ổn này ? Hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì. Nhưng các nhà sư, qua tuyên truyền kín trong dân chúng, đã tố cáo những người Công giáo có tội thảm sát ở Huế. Những người không phải Công giáo tin những xác nhận của những nhân vật thánh thiện này cho nên sẵn sàng thảm sát những người Công giáo trong ít nhất hai tỉnh Huế và Quam (?) mà tôi hiện làm Tổng Giám mục - ngay khi cuộc đảo chính xảy ra. May mắn thay nó đã bị phá hỏng.

Vậy thì ai là những kẻ đàn áp ? Mọi người hãy tự phán xét. Công việc cung cấp thông tin của tôi đã xong.

whats_really_going_on_in_vietnam p 388-389.pdf

Whats_Really_Going_On_in_Vietnam_p_390.pdf

Tổng Giám mục Ngô đình Thục

Nguyên tác : What's really going on in Vietnam ?, National Review, 05/11/1963, tr. 388-390

Trần Quốc Việt dịch

(06/11/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Đình Thục, Trần Quốc Việt
Read 1822 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)