Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

12/08/2024

Những con đường dẫn đến Paris

Nguyễn Văn Huy

Đóa hoa tám cánh

Paris vừa là thủ đô của nước Pháp vừa là thành phố trung tâm của Đảo Pháp Quốc (Île de France).

paris01

Hội đồng vùng Ile de France chọn đóa hoa tám cánh làm biểu tượng cho Vùng Paris (Région parisienne).

Île de France là một trong 13 vùng hành chánh đại lục (métropole) của Pháp, gồm 8 tỉnh và 1.281 đơn vị hành chánh lớn nhỏ, trong đó Paris (mã số 75) là đơn vị trung tâm với ba tỉnh ngoại ô gần : Hauts de Seine (92), Seine-Saint Denis (93) và Val de Marne (94) tạo thành Vòng Đai Nhỏ (Petite Couronne) và bốn tỉnh ngoại ô lớn : Essonne (91), Seine et Marne (77), Val d'Oise (95) và Yvelines (78) tạo thành Vòng Đai Lớn (Grande Couronne). Mỗi tỉnh có một tòa tỉnh trưởng (préfecture) và nhiều thành phố lớn nhỏ với các tòa thị chánh (mairie) ; tỉnh trưởng do tổng thống và chính phủ chỉ định, phụ trách các vấn đề an ninh, trật tự và bảo vệ môi sinh ; các chức vụ dân biểu, thị trưởng (maire), nghị viên tỉnh và vùng đều qua phổ thông đầu phiếu.

paris02

Ngày 10/10/2005 Hội đồng vùng Île de France chọn hình một ngôi sao 8 cánh, thật ra là một đóa hoa 8 cánh) làm biểu tượng bình đẳng giữa các tỉnh kết hợp thành Vùng Paris.

Do không thể lấy tháp Eiffel làm biểu tượng chung cho toàn vùng, bị phủ quyết bởi các hội đồng dân cử địa phương, ngày 10/10/2005 Hội đồng vùng Île de France chọn hình một ngôi sao 8 cánh làm biểu tượng chung cho vùng. Mỗi cánh sao tượng cho một tỉnh của vùng.

paris03

Trước đó Hội đồng vùng Ile de France chọn đóa hoa 7 lá (4 cánh lớn màu xanh dương bao 3 cánh nhỏ màu trắng ôm nhụy hoa màu đỏ, tượng trưng cho Paris là trung tâm), sau này bị bãi bỏ và thay bằng logo hình ngôi sao 8 cánh.

Tuy có một diện tích nhỏ, 12.011 cây số vuông, trong đó chỉ 20% diện tích được đô thị hóa (nhà cửa, đường sá, cầu cống, công viên, sân thể thao...), nhưng Île de France tập trung 18% dân số toàn quốc, với 12,4 triệu dân năm 2024 (12.317.279 dân năm 2021). Mật độ dân số chính vì vậy rất cao : trung bình 1.025 người trên một cây số vuông. Mật độ dân số nội thành Paris (intra-muros) là cao nhất : 20.238 người/km2 (2 133 111 người sinh sống trên 105,4 km2) ; Vòng Đai Nhỏ (gồm 3 tỉnh, 123 đơn vi hành chánh, 4.719.328 dân sinh sống trên 656,8 km2) : 7.185 người/km2 ; Vòng Đai Lớn (gồm 4 tỉnh, 384 đơn vị hành chánh, 5.464.840 dân sinh sống trên 11.250 km2) : 486 người/km2, vẫn cao hơn mật độ dân số trung bình toàn nước Pháp (106,5 người/km2).

Tỷ lệ gia tăng dân số trung bình của Île de France là 0,6% một năm. Năm 2023 có 154.000 trẻ em chào đời và 77.000 người qua đời, sai biệt dương là 77.000 người.

Vùng Île de France cũng là nơi có tỷ lệ cộng đồng người gốc ngoại quốc cao nhất nước Pháp : 2,3 triệu người (40% dân số ngoại quốc trên toàn quốc), tương đương với 20% dân số tên toàn vùng. Người gốc Châu Á và Đông Dương trong Île de France chỉ chiếm 0,3% dân số toàn vùng (khoảng 350.000 người).

Trái tim giữa hình lục lăng

Sự tập trung dân số đông đảo này đã biến Paris, ngoài vị trí là thủ đô chính trị, và vùng phụ cận thành trung tâm đầu não của mọi sinh hoạt của nước Pháp trong mọi lãnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, kỹ thuật và du lịch. Paris chính vì vậy được coi là trái tim (của vùng Île de France) trong trái tim (của nước Pháp).

paris04

Bị lu mờ bởi ánh sáng Paris, Île de France thường được gọi là Vùng Paris (RP-Région Parisienne), nhưng dân chúng ở ngoại ô không được gọi chung là Parisien mà là Francilien (đọc ngược từ chữ Île de France : France và Île). Trong thực tế, sự phân biệt này chỉ xảy ra giữa những người sinh sống trong vùng Île de France mà thôi, đối với người ngoài tất cả những ai sinh trú trong Vùng Paris đều được gọi chung là Parisien (dân Paris). Làm dân thủ đô lúc nào cũng oai hơn là dân các tỉnh lẻ !

Sự hãnh diện này có lý do của nó. Trọng lượng kinh tế, kỹ thuật và chất xám của Vùng Paris cao nhất nước Pháp : Île de France cung cấp 31% tổng sản lượng quốc gia (GDP), sử dụng 49% dân số hoạt động, tập trung 71% dịch vụ ngân hàng, 50% dịch vụ bảo hiểm, 44% kỹ thuật cao cấp (hi-tech), 27% dịch vụ truyền thông và chuyên chở, sản xuất 38% dược phẩm và hóa chất, 34% kỹ nghệ điện tử và điện toán... Sự năng động này giải thích tại sao tỷ lệ thất nghiệp của Vùng Paris luôn thấp : 7%, so với toàn quốc là 7,5%.

Ngoài vị trí trung tâm, Vùng Paris còn là ngã tư của Liên Hiệp Châu Âu, nếu không muốn nói là trung tâm của Liên Hiệp Châu Âu. Mỗi năm có ít nhất 200 cuộc họp quốc tế được tổ chức tại Paris.

Hai phi cảng quốc tế Vùng Paris đưa đón mỗi năm khoảng 100 triệu khách từ khắp nơi ra vào đất Pháp (Roissy Charles de Gaulle : 68 triệu và Orly hơn 32 triệu), với trên 200 công ty hàng không dân sự của 80 quốc gia trên thế giới. Đó là chưa kể phi trường Le Bourget và các phi đạo nhỏ dành cho các loại máy bay du lịch và trực thăng đưa đón mỗi năm hơn 300.000 hành khách. Những cuộc triển lãm hàng không quân sự và kỹ thuật viễn thông quốc tế mỗi năm tổ chức tại Le Bourget.

Đường xe lửa tốc độ nhanh (TGV-Train à Grande Vitesse), với sáu nhà ga lớn (Gare du Nord, Gare de l'Est, Gare de Lyon, Saint Lazare, Austerlitz và Montparnasse), rút ngắn khoảng cách giữa các trung tâm đô thị lớn với một thời gian tối thiểu : Paris-Milan : 5 giờ, Paris-Frankfurt : 3 giờ, Paris-Genève : 3 giờ 20 phút, Paris-London : 2 giờ 40 phút. Pháp có trên 2.600 km đường sắt tốc độ nhanh (LGV-Ligne à grande vitesse).

  • Gare du Nord vận chuyển khách lên miền Bắc nước Pháp (Normandie), để qua Anh, Bỉ, Hòa Lan và Đan Mạch hành khách phải lấy các chuyến xe lửa tốc hành Eurostar và Thalys ;
  • Gare de l'Est đưa hành khách đi về phía đông nước Pháp (Alssace, Lorraine) để sau qua Đức và các nước Đông Âu cũ ;
  • Gare de Lyon chuyên chở khách xuống miền đông-nam và miền nam nước Pháp để sau đó đi Thụy Sĩ hay Ý ;
  • Gare Montparnasse đưa hành khách về phía tây nước Pháp (Bretagne, Vendée, Aquitaine) để sau đó đi qua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ;
  • Gare Austerlitz vận chuyển khách đến những thành phố và thị trấn trung tâm nước Pháp ;
  • Gare Saint Lazare đưa khách đến vùng nam Normandie và bắc Bretagne.

paris05

Xe lửa tốc độ nhanh của Pháp có thể chạy với tốc độ trung bình từ 270 km/giờ đến 320 km/giờ (tốc độ chạy thử cao nhất là 575 km/giờ năm 2007 từ Strasbourg đến Paris)

Hệ thống giao thông đường bộ, các xa lộ và quốc lộ của Pháp rất tân tiến và an toàn, nối liền sự liên lạc giữa các thành phố lớn Tây Âu với Paris. Người Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg có thể vào Paris bằng xa lộ A1 ; người Đức và Thụy Sĩ đến Paris bằng xa lộ A4, người Ý vào bằng xa lộ A7, người Tây Ban Nha bằng xa lộ A10 và người Anh có thể từ cảng Calais đến Paris bằng xa lộ A16. Trong nội địa có trên 20 xa lộ lớn nhỏ nối liền các vùng và địa phương với nhau.

Chiều dài tổng cộng hệ thống đường cao tốc trên toàn nước Pháp khoảng 20.849 cây số, trong đó 12.379 cây số xa lộ và 8.470 km quốc lộ. Đó là chưa kể hàng trăm quốc lộ và tỉnh lộ với độ dài tổng cộng gần 200.000 cây số, được xây dựng rất tân tiến, đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển trong nước Pháp. Sự khác biệt duy nhất giữa xa lộ với quốc lộ và tỉnh lộ là phải trả tiền mãi lộ, trung bình từ 0,5 đến 1 EUR cho 10 km, khá đắt nhưng bù lại người lái xe hưởng mọi tiện nghi miễn phí trên xa lộ, đặc biệt là những trạm nghỉ ngơi lúc nào cũng rộng rãi, sạch sẽ và tươi mát nhất là vào mùa hè, nhiều chương trình giải trí công cộng và miễn phí được tổ chức để du khách giải trí và giảm tress. Khi bị tai nạn, xe bị hư hay đau yếu tại bất cứ địa điểm nào trên xa lộ mọi người đều được giúp đỡ miễn phí. Tốc độ cho phép chạy trên tỉnh lộ và quốc lộ là 90 cây số/giờ, trên xa lộ tối đa là 130 cây số/giờ khi đường khô, 110 cây số/giờ khi đường ướt và từ 50 đến 70 cây số/giờ khi có sương mù, nhưng trong thực tế rất ít ai tôn trọng, thường thường phải thêm 20 cây số/giờ cho mỗi bản ấn định. Trước kia Pháp là quốc gia có tỷ lệ tai nạn lưu thông cao nhất Châu Âu, mỗi năm có khoảng 6.000 chết vì tai nạn xe cộ, nay với số radar kiểm soát đặt dọc các tuyến đường bộ, số người chết vì tai nạn giao thông giảm hẳn một nửa : 3.173 năm 2023.

Những ai muốn đến Pháp an toàn hơn thì có thể đi bằng đường biển, từ các hải cảng quốc tế rất tối tân và tiện nghi : Calais, Dieppe và Le Havre trên biển Manche, Marseille và Nice trong biển Méditerranée để đến của ải cảng khác trên toàn thế giới. Nhưng đến Paris thì khách nên dùng đường bộ, đường sắt hay đường hàng không. Ngoài ra còn có hàng trăm hải cảng nhỏ nằm rải rác các bờ biển đón nhận những khách đến bằng du thuyền hay thuyền thể thao. Đó là chưa kể hệ thông giao thông đường sông có thể di chuyển trong nội bộ nước Pháp và sang của quốc gia Châu Âu khác bằng hệ thống kinh đào chi chít từ Tây sang Đông đến Biển Đen, qua của sông lớn : Rhine, Donau, v.v.

Nhân nói đến biển, không thể quên hệ thống đường ngầm xuyên qua biển Manche nối liền nước Anh với nước Pháp0. Đây là công trình xây dựng hỗn hợp vĩ đại nhất trước giữa nửa cuối thế kỷ 20 giữa Pháp và Anh, xóa bỏ khoảng cách ngăn chia vương quốc hải đảo Anh với lục địa Châu Âu trong suốt một thời kỳ dài đầy tương tranh và thù địch trong quá khứ.

Đường ngầm xuyên biển Manche

Đường ngầm xuyên qua biển Manche (Channel Tunnel hay Chunnel, tiếng Pháp là Eurotunnel), được khánh thành ngày 6/5/1994, sau gần bảy năm xây dựng, từ tháng 12/1987 đến tháng 4/1994. Đường ngầm được đào sâu dưới lòng biển 45 mét và chia ra làm hai phần : đường sắt gồm hai đường hầm dài 53 cây số nối liền thành phố Folkstone (Anh) với thành phố Peuplingues (Pháp) để chuyên chở hàng hóa và hành khách ; phần đường bộ ở giữa dài 35 cây số ở giữa dành cho dịch vụ bảo trì, cấp cứu.

Grafik_Vorlage

Sơ đồ hệ thống đường sắt Eurotunnel - Ảnh minh họa

Ước muốn xây dựng một con đường nối liền lục địa Châu Âu với đảo Great Britain (Anh Quốc) đã có từ lâu, từ thế kỷ 19. Trước đó nhiều dự án vượt biển Manche đã được đề ra, như xây một cây cầu vĩ đại hay một đường ống ngầm trên đáy biển, nhưng đều bị quốc hội Anh bác bỏ vì sợ bị tràn ngập bởi di dân từ lục địa già vào đảo.

Năm 1802, một kỹ sư người Pháp, Albert Mathieu Favier, đề nghị xây dựng một đường ống ngầm trên đáy biển từ Pháp qua Anh dành cho xe ngựa ; một hòn đảo nhân tạo dựng lên giữa biển dùng làm trạm giao liên để thay đổi ngựa ; hệ thống chiếu sáng là những đèn dầu đặt suốt đường ngầm với những ống dẫn gió và không khí được khoét dọc đường ống ngầm trổ lên mặt biển. Dự án này bị bác bỏ vì quá rủi ro.

Một kỹ sư trẻ người Pháp tên Thomé de Gamond thiết kế một đường ngầm đào sâu dưới lòng biển nối liền hai quốc gia Anh và Pháp. Sau 40 năm nghiên cứu đất đai cấu tạo thềm lục địa và độ sâu của biển Manche, năm 1856 Thomé de Gamond công bố dự án xây dựng một con đường sắt chạy dưới đáy biển từ Folkestone (Anh) đến Cap Gris Nez (Pháp). Dự án này gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên viên giữa hai nước, sau cùng cũng bị bỏ rơi vì quá tốn kém.

Tiếp theo sau là một loạt những dự án tương tự của người Anh (dự án đường sắt của kỹ sư Low năm 1867, dự án đường sắt và đường bộ của hai kỹ sư Brumies và Hawkshaw năm 1868), tất cả đều bị bác bỏ bởi những lý do tương tự : không an toàn và quá tốn kém.

Nhưng đường ngầm dưới biển Manche vẫn tiếp tục hấp dẫn dân chúng hai bên bờ biển Manche. Trong thập niên 1870, nhiều công ty đào đường ngầm Anh và Pháp được thành lập. Trong giai đoạn từ 1860 đến 1880, đại tá Fred Beaumont phát minh ra máy đào hầm dưới đáy biển, và được kỹ sư Arthur English cải tiến, làm thay đổi tất cả kỹ thuật khoan dò. Loại máy mới này, có tên là Beaumont-English, rất hữu hiệu : ở đầu máy khoan có một hệ thống khí nén cực mạnh tống thải đất đá vừa đào ra sau, nhờ đó công tác khoan đào tiến hành rất nhanh với khối lượng thải đất rất lớn. Bắt đầu từ 1880, với máy Beaumont-English, các công ty hai bên bờ bắt đầu đào thử tại mõm Shakespeare Cliff (Anh) gần cảng Dover, sâu 2.000 mét, và tại Sangatte (Pháp) gần cảng Calais, ở độ sâu 1.600 mét, nhưng Quốc hội Anh vẫn tiếp tục ngăn cản, các công trình đều bị đình chỉ.

paris07

Máy đào hầm được sử dụng dưới lòng biển Manche - Ảnh minh họa

Sang đầu thế kỷ 20, quan hệ Anh Pháp thêm thuận thảo sau Đệ nhất thế chiến, các dự án xây dựng hệ thống đường sắt dưới biển Manche được hâm nóng lại. Năm 1922, máy khoan Douglas Whitaker được dùng để đào đường hầm nhưng khi vừa đạt tới độ sâu 128 mét thì bị đình chỉ vì lý do chính trị. Sau Đệ nhị thế chiến, dự án đường ngầm được hồi sinh, nhiều cuộc nghiên cứu địa chất dưới đáy biển được tiến hành. Đến năm 1956 tổ hợp Anh-Pháp đầu tiên mang tên Cơ Quan Nghiên Cứu Đường Hầm Dưới Biển Manche được thành lập ; năm 1960 tổ hợp thực hiện một số công trình tại hai địa điểm Folkestone và Sangatte. Năm 1974, hai bên quyết định đào thử một đường ngầm nhưng vừa đào được 1.400 mét công tác bị đình chỉ vì lý do tài chánh, tuy nhiên đường ngầm này vẫn được giữ nguyên. Thời gian sau, từ 1980 đến 1984, sau khi hội đủ các điều kiện kỹ thuật và tài chánh, chính phủ hai nước chuẩn y dự án xây dựng đường ngầm chung.

Tháng 1/1986, thủ tướng Margaret Thatcher và tổng thống François Mitterrand chính thức công bố chấp thuận dự án và cho gọi thầu vốn tư nhân. Hai tổ hợp tư nhân Channel Tunnel Group (Anh) và France Manche (Pháp) trúng thầu xây dựng, sau này cả hai kết hợp lại và đổi tên thành tổ hợp Eurotunnel. Ngày 12/2 cùng năm, thỏa ước xây dựng được long trọng ký kết tại Canterburry (Anh). Ngày 14/3, tổ hợp Eurotunnel được phép chuyển nhượng quyền quản lý đường ngầm, 55 năm sau khi khánh thành.

Ngày 1/12/1987, hệ thống đường ngầm bắt đầu đào tại hai nơi, một tại thành phố Folkestone (Anh) ở mõm Shakespeare Cliff và một tại thành phố Coquelles (Pháp) ở mõm Sangatte. Đây là một công trình rất tốn kém, không những cho các công trình kiến trúc tân kỳ, những các kỹ thuật đào đường hầm, dẫn điện, bơm gió, bơm nước, làm lạnh, phòng ngừa hỏa hoạn, đường ngầm cấp cứu và sửa chữa, điện toán, thông tin, v.v., mà còn cho môi sinh. Tổ hợp Eurotunnel phải xây dựng nhiều tường chắn tiếng động, trồng cây, đổ đất để cải thiện cảnh quang để không làm phiền dân chúng cư ngụ gần đó.

Có ba hệ thống đường ngầm. Hai đường ngầm dành cho hệ thống đường sắt, mỗi bên dài 53 cây số, bề ngang rộng 7,6 mét, vách bê tông kiên cố, mỗi đường cách nhau 30 mét, dùng để chuyên chở hàng hóa, xe cộ và người. Ở giữa hai đường sắt là một hệ thống đường bộ, dài 35 cây số, rộng 4,8 mét, dùng để bảo trì đường ngầm, chuyên chở cấp cứu. Các loại xe dùng trong đường ngầm ở giữa đều chạy bằng điện để tránh ô nhiễm không khí, các đường dây điện trong ba đường hầm rất chằn chịt và được gắn chặt vào các vách. Cứ mỗi 375 mét có một đường ống bắt ngang hai đường sắt qua đường ống ở giữa và cứ mỗi 200 mét có một máy thổi không khí và hơi lạnh để điều hòa khí hậu trong các đường hầm.

Trong thực tế, đường ngầm dưới đáy bể dài hơn 20 cây số, nằm sâu 45 mét dưới đáy bể, và hơn 30 cây số còn lại là trên đất liền, nằm sâu dưới lòng đất 75 mét. Mỗi phía thực hiện 6 công trình cho 3 đường hầm dưới biển và 3 đường hầm trên đất liền, tổng cộng là 12 công trình. Có tất cả 11 máy đào hầm được dùng : phía Anh có 6 máy (3 trên đất liền, 3 dưới đáy biển), phía Pháp có 5 máy (2 trên đất liền và 3 dưới đáy biển). Các máy đào hầm rất vĩ đại : máy đào hầm cho đường sắt có đường kính trung bình 8,6 mét, dài 250 mét ; máy đào hầm cho đường bộ có đường kính trung bình 5,6 mét và dài 280 mét. Tại Anh, nhờ thềm lục địa khá mềm, tiến độ đào trung bình mỗi ngày là 75 mét, mỗi tuần 428 mét, mỗi tháng 1.720 mét. Tại Pháp, vì gặp phải thềm lục địa cứng, tốc độ đào có phần chậm hơn : trung bình mỗi ngày đào được 56 mét, mỗi tuần 292 mét và mỗi tháng 1.105 mét. Đường ngầm dùng cho dịch vụ được nối liền và thông thương ngày 1/12/1990, đường ngầm dùng cho đường sắt phía Bắc đã được nối liền và thông thương ngày 22/5/1991 và phía Nam ngày 28/6/1991.

Hệ thống chuyên chở dưới biển Manche dành cho hành khác và hàng hóa chỉ có thể bằng đường sắt, thời gian di chuyển trung bình dưới biển từ bờ này đến bờ kia là 35 phút, từ Paris đến London, hay ngược lại khoảng 2 giờ 40 phút. Các loại xe hàng và xe du lịch được chở trên những toa xe bánh sắt Shuttle ; hành khách có thể đi trên các loại xe lửa tốc độ nhanh Thalys và Eurostar. Từ khi đi vào hoạt động, tháng 5/1994, số lượng hành khách, xe cộ và hàng hóa qua lại biển Manche bằng đường hầm không ngừng gia tăng, chỉ giảm đi chút đỉnh khi một đoạn đường trong hầm bị hỏa hoạn tháng 11/1998 và trở lại nhịp độ bình thường đầu năm 1999. Năm 2023 có 10,7 triệu hành khách, 3,5 triệu xe cộ đủ loại và 1,829 tỷ EUR hàng hóa qua lại bằng đường ngầm dưới biển Manche.

Đường ngầm dưới đáy biển dành riêng cho xe hơi chưa thể thực hiện trong lúc này vì chưa tìm ra cách vô hiệu hóa nguồn khí thải do khói xe phun ra. Trong tương lai, khi các loại xe chạy bằng điện, hay bằng một loại nhiên liệu không ô nhiễm, các kỹ sư Anh và Pháp có thể thiết lập những dự án xây đường ngầm dành cho xe du lịch dưới biển Manche. Sự lo sợ nạn động đất có thể phá hủy đường ngầm không thể loại trừ nhưng kỹ thuật xây dựng chống động đất ngày nay rất hữu hiệu. Chỉ có vấn đề hỏa hoạn trên đường vận chuyển là đáng lo âu, trong thực tế đã xảy ra rồi (ngày 20/11/1998), tổ hợp Eurotunnel đang kiện toàn hóa các phương tiện cấp cứu và phòng chống hỏa hoạn.

Mục đích xây dựng đường ngầm dưới biển Manche là để dân tộc Anh thông thương dễ dàng với lục địa Châu Âu, nhất là với Pháp. Mỗi năm có hơn 10 triệu người Anh đến Pháp để viếng thăm Paris và các vùng trồng nho nổi tiếng. Vì quen chạy xe bên tay trái, người Anh gặp khá nhiều khó khăn khi lái xe vào Paris, cũng như người Pháp lái xe qua Anh, thăm các thắng cảnh và di tích văn hóa.

Nhiều mối tình đẹp giữa giới trẻ Anh và Pháp đã trở thành bất tử - Jean François Michael hát Adieu jolie Candy

Những con đường dẫn vào Paris

Được thiết kế như hình ngôi sao với Paris là trung tâm điểm, hệ thống giao thông của Île de France tỏa đi khắp nơi trong vùng và trên khắp nước Pháp, không một khu vực dân cư nào không có một con đường ngang qua. Hiện tại Paris có 6 xa lộ trực tiếp chạy vào vòng đai Thành phố : A1, A3, A4, A6, A13 và A14. Trong thức tế có nhiều xa lộ vào Vùng Paris phải nhập vào hệ thống xa lộ vòng đai xa A104 và vòng đai gần A86, như các xa lộ A10 (từ vùng Nouvelle Aquitaine và sông Loire) và A11 (từ vùng Bretagne) phải nhập vào xa lộ A6, các xa lộ A15 và A16 phải nhập vào xa lộ Vòng đai nhỏ A86. Phải kể thêm những quốc lộ lớn được thiết kế như xa lộ nhưng miễn phí cũng tan biến vào các xa lộ vòng đai A104 và A86 như các quốc lộ N2 (từ phía bắc), N3 (miền đông bác), N34 và N4 (miền đông), N118, N10 và N20 (miền nam), xa lộ A12 nhập vào xa lộ A13, v.v.

paris08

Paris được bao bọc bởi bốn hệ thống đường bộ vòng đai.

Vòng đai thứ nhất, Petite Ceinture hay Rocade, còn gọi la Boulevards des Maréchaux (tên những danh tướng của Napoléon đệ nhất), dài 33,7 km, tốc độ trung bình là 50 km/giờ. Vòng đai này gần như song song với Boulevard périphérique, đôi khi chỉ cách nhau khoảng 150 m.

Vòng đai thứ hai, gọi là Boulevard Périphérique (BP), hay Périphérique, dài 35 cây số, nối liền 38 cửa ra vào nội thành Paris, có cấu trúc như xa lộ với hai tuyến nội và ngoại, tốc độ trung bình là 70 km/giờ. Đây là đoạn đường chật xe nhất nước Pháp với 1,3 triệu xe đủ loại lưu thông mỗi ngày, và cũng là con đường gây ô nhiễm nhất nước Pháp, nhất là những khu dân cư (khoảng 100.000 người) ở cách đó 400 m.

Vòng đai thứ ba (Petite Couronne) : xa lộ A86 hay Autoroute périphérique, cách trung tâm Paris từ 10 đến 15 cây số, dài trên 120 cây số, nối liền các thành phố ngoại ô gần .

Vòng đai thứ tư (Grande Couronne) : xa lộ A104 hay Francilienne, cách trung tâm Paris từ 15 đến 25 cây số, dài 250 cây số nối liền các thành phố ở ngoại ô xa. 

Trên xa lộ, người lái xe thường xuyên được thông báo, bằng hệ thống các bảng báo hiệu bằng chữ đèn điện Sirius, thời gian di chuyển đến một địa điểm nào đó, hay khoảng cách có tai nạn trên đường và nạn kẹt xe. Ngoài ra người lái xe có thể mở radio để nghe đài FM107.7 để nhận những thông báo riêng trong xe về lưu thông để tránh các chốt kẹt xe. Trở ngại duy nhất cho người ngoại quốc là các tín hiệu đèn báo trên đường đều viết bằng tiếng Pháp, nhưng khách quốc tế có thể sử dụng GPS bằng ngôn ngữ của nước mình.

 Paris100

Hệ thống xa lộ, quốc lộ và tỉnh lộ đi vào Vùng Paris 

Hệ thống giao thông Vùng Paris được xem là hoàn hảo và chằng chịt nhất Châu Âu, dùng cho đủ loại phương tiện di chuyển đường bộ, đường sắt, đường thủy và trên không.

Mặc dù chỉ chiếm 2% diện tích trên một khu đất hẹp (12.000 cây số vuông), hệ thống đường bộ vùng Île de France rất là hoàn hảo và miễn phí. Île de France có hơn 900 cây số xa lộ vòng đai, 1.800 cây số quốc lộ, 6.000 cây số liên tỉnh lộ và trên 50.000 cây số nội thành cho hơn 10 triệu xe đủ loại di chuyển mỗi ngày. Điểm xấu và cũng là điểm nổi bật của hệ đường sá tại Pháp là rất hẹp và ngoằn nghèo, những người lái xe thường rất vội vả và không biết nhường nhau. Tuy vậy những người lái xe trong Vùng Paris nổi tiếng là chạy rất nhanh và giỏi luồn lách, xe phía trước chỉ cần chạy chậm một giây hay để hỡ vài thước là có xe khác chen vào ngay. Đó là chưa kể các bãi đậu xe rất hẹp, chỉ vừa đủ để cho xe ra vào và mở cửa để ra ; khoảng cách giữa hai chiếc xe đậu trên bãi là 10 cm trước và sau, và người lái xe chỉ có từ 5 đến 10 giây để đưa xe vào, chậm hơn là bị bấm còi vì làm cản trở lưu thông. Do đó chạy xe trong nội thành Paris phải rất bình tĩnh, kiên nhẫn và nhất là phải có bản lãnh cao cường mới đối phó được mọi tình huống. Tốc độ cho xe chạy trong nội thành hiện nay là 30 km/giờ và ngoại thành là từ 50 đến 70 km/giờ nhưng ít ai tôn trọng, thường phải tăng thêm 20 km/giờ ; trên xa lộ thì không có giới hạn, có người chạy tới 200 km/giờ (135 miles), tai nạn lưu thông do đó thường xuyên xảy ra, nhiều khi có người chết, nhưng bực nhất là bị mất thì giờ vì giao thông tắt nghẽn.

Nhân nói tắt nghẽn giao thông, mỗi năm dân Franciliens bị kẹt xe chừng 100 triệu giờ, hệ thống đường bộ ra vào Paris là thường xuyên bị tắc nghẽn trong các giờ cao điểm. Tiếng ồn và nạn ô nhiễm do bụi khói xe gây khá nhiều phiền nhiễu cho dân chúng trong vùng, đó là chưa kể một số đường sá bị cấm lưu thông ban đêm để tu sửa gây cảnh tắc ứ hay phải đổi đường (nhất là trước ngày Thế Vận Hội Paris 2024 khai mạc). Các hãng sản xuất xe hơi lớn của Pháp (Peugeot, Citroën và Renault) đã nghiên cứu và tung ra thị trường các loại xe chạy bằng điện trong nội thành Paris vào năm 2000. Chính vì thế, chính quyền khuyến khích dân chúng sử dụng các loại chuyên chở công cộng (xe bus, xe điện ngầm, xe lửa) di chuyển trong vùng. Tại một số đường phố trung tâm phố Paris, chính quyền còn dành một số ngày trong năm để dân chúng di chuyển bằng xe đạp và roller. Trong nội thành, con đường tốc hành xuyên trung tâm Paris, Voie express Pompidou, dọc hai bờ sông Seine từ Đông sang Tây giúp tránh nạn kẹt xe ở các ngã tư đèn đỏ.

paris08

Boulevard Périphérique (BP), hay Périphérique, dài 35 cây số, nối liền 38 cửa ra vào nội thành Paris, có cấu trúc như xa lộ với hai tuyến nội và ngoại

Hệ thống xe bus trong nội thành Paris cũng rất hoàn chỉnh, ban ngày (từ 5 giờ đến 22 giờ) có 57 tuyến đường khác nhau đưa đón khách từ 1.760 trạm ; ban đêm có 10 tuyến chạy tới 2 giờ sáng. Ngoại thành có trên một ngàn tuyến xe bus với 7.200 trạm do công ty quốc doanh RATP quản lý và hàng trăm tuyến do hai công ty tư nhân APTR và ADATRIF làm chủ. Cứ mỗi 10 hay 15 phút là có một chuyến xe bus ghé trạm, bất cứ nơi đâu trong vùng. Hệ thống xe bus Vùng Paris, rất tiện nghi, mỗi năm đưa đón trên một tỷ người.

Hệ thống đường sắt có lẽ điểm son của Vùng Paris, không nơi nào không có một trạm đường sắt băng ngang và thường xuyên cứ mỗi 5 hay 20 phút là có một chuyến xe cập bến, tùy nơi cư ngụ. Với trên 1.300 cây số đường sắt và 254 trạm đón khách, do công ty quốc doanh SNCF trực tiếp quản lý, mỗi ngày có trên 22 triệu người sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng trên đường rầy di chuyển trong Vùng Paris. Mỗi năm có gần hai tỷ rưỡi người sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng trên các đường sắt ra vào Paris, trong đó 1,3 tỷ người dùng métro (xe điện ngầm) trên 14 tuyến đường khác nhau từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam, 400 triệu người dùng xe lửa điện RER (Réseau Express Régional-Hệ thống Tốc Hành Vùng) với 4 tuyến (A, B, C, D) từ tám hướng ngoại thành ra vào Paris, và 600 triệu người đi trên 260 tuyến đường sắt từ các nơi khác ra vào sáu nhà ga lớn của Paris. Hiện nay dân chúng vùng Île de France có thể di chuyển trên những chuyến xe bus điện (Tramway) hay xe lửa điện không người lái (Eole và Météor) trong nội thành Paris và Vòng Đai Nhỏ, mỗi giờ có thể chuyên chở trên 18.000 hành khách. Trong tương lai hệ thống chuyên chở đường sắt không người lái hay tự động sẽ được tăng cường thêm với các tuyến BOA và Orbitale (170 cây số với 170 trạm) trong chương trình Grand Paris Express dự trù đi vào hành động cuối năm 2025 và hoàn tất năm 2030. Tại một số thành phố ngoại ô gần, hệ thống xe điện treo (tramway) tái xuất hiện, vì ít ô nhiễm và gây tiếng ồn hơn cmác loại chuyên chở khác.

Hệ thống xe lửa tốc độ nhanh (TGV-Train à grande vitesse) trong tương lai sẽ cạnh tranh với các hãng hàng không dân sự trong việc chuyên chở hành khách vào các trung tâm thành phố lớn trong nội địa. Ưu điểm của hệ thống đường sắt tại Pháp là rất êm và tiện nghi, các nhà ga chính nằm ở trung tâm thành phố, không như các phi trường ở các xa trung tâm thành phố trung bình từ 10 đến 20 cây số. Hiện nay Pháp đang thử nghiệm một loại xe mới với tốc độ trung bình là 545 km/giờ (370 miles), rút ngắn mọi khoảng cách vào trung tâm Paris. Bất tiện duy nhất là chưa có hệ thống đường sắt tốc hành chạy sang sang các quốc gia Tây Âu và xuyên các biển. Khuyết điểm lớn của ngành đường sắt Pháp là hay trễ giờ, do các nghiệp đoàn thường tổ chức đinh công vào những dịp nghỉ lễ và nghỉ hè (để làm áp lực với ban giám đốc SNCF, và cũng để chọc tức giới trung lưu Pháp).

Hệ thống đường thủy trong vùng Paris, với 70 giang cảng lớn nhỏ, tuy ít được nhắc tới nhưng rất hữu hiệu trong việc chuyên chở vật liệu xây cất cồng kềnh và nặng nề. Phần lớn những di chuyển trên sông đều thực hiện từ sông Seine ra tới cửa biển Manche tại Rouen và Le Havre. Trọng lượng chuyên chở tổng cộng là 30 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Con kinh Ourcq, dài 108 cây số nối liền sông Seine với phụ lưu sông Marne ở phía Bắc Paris, trước kia dùng để đưa nước uống về Paris nay được dùng để chuyên chở vật liệu xây cất và là nơi đi dạo mát của dân Parisien, nhiều nơi có cảnh trí tuyệt đẹp và thơ mộng, nhất là vào mùa thu và mùa xuân. Điểm dừng của con kinh Ourcq tại Paris mang tên Saint Martin ở quận 10.

Tuy có tầm vóc của một thành phố quốc tế nhưng Paris trước hết được thiết kế riêng cho dân Parisien. Lịch sử thành lập 20 quận (arrondissement) nội thành có một lôgíc riêng, tất cả xoay quanh Đảo Thị Trấn (Ile de la Cité) trên sông Seine, hòn đảo lịch sử đã tạo ra thị trấn của người Parisii.

20 quận nội thành

Năm 1851, dười thời Napoléon III, nam tước Georges Haussmann được giao nhiệm vụ mở rộng Paris theo đúng qui hoạch của một thành phố lớn đang phát triển. Haussmann cải thiện hệ thống đường sá, cầu cống, nước uống, công viên và chia Paris thành 20 quận theo hình ốc soắn.

paris09

20 quận nội thành Paris - Ảnh minh họa

Quận 1 tập trung các di tích văn hóa nổi tiếng : quảng trường Concorde, bảo tàng Louvre, phố Rivoli, điện Palais Royal, đường Saint Honoré và điện Tuileries.

Quận 2 có Opéra (nhà hát lớn), Opéra comique (nhà hát Hài hước), đền La Madeleine, Grands Boulevards (những đại lộ lớn có trồng cây), La Bourse (thị trường chứng khoán Paris).

Quận 3 gồm hai khu Marais và Beaubourg. Khu Marais là nơi có nhiều di tích hoàng tộc và sinh hoạt thương mại sầm uất. Cộng đồng người Do Thái tập trung vào quận này rất đông, về sau có thêm cộng đồng người Hoa vào đây lập nghiệp. Beaubourg là nơi tuổi trẻ tìm đến giải trí, các quán cà phê lề đường (café terrasse) lúc nào cũng đầy nghẹt khách khi có nắng ấm. Trung tâm Pompidou có một thư viện rất lớn và một khu triểm lãm tranh mới.

Jeanne Mas hát Loin d'ici (2008)

Quận 4 bao gồm một phần khu Marais, nhà hát mới (Opéra Bastille), đảo Saint Louis và quảng trường Vosges. Mỗi hòn đá, mỗi kiến trúc, mỗi con đường trong quận này đều có một lịch sử rất lâu đời gắn liền với Paris.

Quận 5 được biết nhiều nhất bởi giáo đường Notre Dame de Paris, văn miếu Panthéon, Jardin des Plantes, bảo tàng văn hóa Ả Rập với những khu Saint Germain des Prés, Saint Michel và Quartier Latin, nơi các văn nghệ sĩ, sinh viên các trường đại học kế cận thường đến giải trí. Nhà hàng ca vũ nhạc kịch Paradis Latin nằm trên đường Cardinal Lemoine.

Quận 6 là một khu yên tịnh với khu vườn Luxembourg rộng lớn, Sénat (Thượng Viện), bảo tàng các loại tiền (Monnaie de Paris) và một phần Saint Michel và Saint Germain des Prés.

Quận 7 có Assemblée nationale (Hạ Viện), đền Invalides, tháp Eiffel, công viên Champs de Mars, Ecole Militaire (trường quân sự), bảo tàng Orsay và văn phòng các bộ trong chính phủ.

Quận 8 là nơi đón mừng những ngày lễ lớn hay một thành tích thể thao : đai lộ Champs Elysées với các cửa hiệu mỹ phẩm và trang sức nổi tiếng, nhà hàng ca vũ kịch Lido, quảng trường Concorde, Arc de Triomphe (đài chiến thắng). Đại lộ Montaigne tập trung các cửa hàng mỹ phẩm và thời trang đắt nhất thế giới, Faubourg Saint Honoré là nơi đặt văn phòng Phủ tổng thống. Nhà ga Saint Lazare có lịch sử lâu đời nhất Paris với những khu thương mại sầm uất. Công viên Parc Monceau là nơi các thiếu nữ Pháp cởi trần nằm phơi nắng vào mùa hè.

Quận 9 là khu vui chơi với các đại lộ lớn, nhà hát lớn (Opéra) và những nhà hàng ca vũ nhạc nổi tiếng nhất thế giới : Pigalle, Folies Bergères, Moulin Rouge.

Từ quận 10 đến quận 20 là khu dân cư đông đảo với những khu sinh hoạt thương mại trung bình.

Quận 10 có một vài đại lộ buôn bán và hai nhà ga lớn (Gare du Nord, Gare de l'Est) ; con kinh Canal Saint Martin tạo cho quận này đôi chút duyên dáng. Quảng trường République là nơi xuất phát những buổi văn nghệ đại chúng lớn hay những cuộc biểu tình lớn.

Quận 11 tập trung chung quanh các quảng trường République, Bastille và Nation, với các cửa hàng phục vụ ăn uống và giải trí, các cửa hàng buôn bán vật phẩm giá thấp phục vụ nhu cầu ăn mặc hàng ngày.

Quận 12 là một khu đông dân với nhà hát Opéra Bastille, Ga Lyon "đèn vàng", vườn bách thú Vincennes, bảo tàng lịch sử thiên nhiên, Palais Omnisport de Bercy.

Quận 13 thường được gọi là Chinatown của Pháp vì có đông người Á Đông cư ngụ, các sinh hoạt thương mại và cửa tiệm ăn uống tại đây đa số do người Châu Á (phần lớn là người Hoa) làm chủ. Tuy vậy tại đây cũng có một vài địa danh nổi tiếng như Place d'Italie, ga Austerlitz và Musée de l'Homme (bảo tàng lịch sử con người). Thư viện Mitterrand là thư viện quốc gia lớn nhất nước Pháp được xây cất cạnh sông Sreine với dáng hình bốn cuốn sách đang mở.

Quận 14 chỉ thuần túy là một khu buôn bán với tòa nhà chọc trời và nhà ga Montparnasse, quảng trường Denfert Rochereau với những đại lộ rộng lớn đầy bóng mát. Đây cũng là nơi lưu trữ hàng trăm ngàn bộ xương khô của dân Paris trong suốt nhiều thế kỷ, gọi là Catacombes.

Quận 15 nổi tiếng với khu triển lãm lớn ở cửa Versailles, mỗi năm có trên một trăm cuộc triển lãm quốc tế : thú vật chăn nuôi, xe hơi, vật liệu xây cất, trang hoàng nhà cửa, mỹ phẩm, dược phẩm, máy điện toán, hàng điện tứ, sản phẩm tiểu thủ công nghệ, v.v... Dọc sông Seine có một công viên hữu tình (Parc André Citroen) và sân đáp trực thăng.

Quận 16 là khu trưởng giả của Paris với những ngôi nhà đắt giá nhất vì gần Arc de Triomphe, Etoile Charles de Gaulle, Trocadéro. Khu rừng Boulogne ban ngày dành cho khác bộ hành đi dạo mát, ban đêm dành cho những kẻ bán hoa (thực giá lẫn lộn). Số tiền cá cuộc trong các cuộc đua ngựa tại sân Auteuil rất cao.

Quận 17 là khu dân cư, cạnh các khu du lịch lớn của thành phố. Sân vận động Parc des Princes (Sân của các ông hoàng) rất đẹp nhưng nhỏ, chỉ chứa tối đa được 50.000 người trong mỗi trận bóng tròn.

Quận 18 có giáo đường Sacré Coeur de Montmartre được xây trên một ngọn đồi cao, phía sau là nơi các họa sĩ trưng bày tranh để bán.

Quận 19 hoàn toàn là một khu bình dân với đủ các sắc tộc sinh sống. Tại đây có Parc de la Villette triển lãm các phát minh mới của khoa học ngày mai, nhà chiếu phim ba chiều vĩ đại Géode, và một vài khu đi dạo đẹp dọc con kinh Ourcq và đồi Chaumont.

Quận 20 nổi tiếng với nghĩa trang Père Lachaise, nơi các danh nhân và nghệ sĩ được chôn cất, và là một khu dân cư sang trọng và yên tịnh. Diện tích của quận này lấn qua đường phân chia nội thành để nối liền Lâu đài và Thảo cầm viên Vincennes.

Đặc điểm các công trình kiến trúc của Paris, công sở cũng như các khu dân cư, là không cái nào giống cái nào. Nếu chịu khó quan sát, du khách sẽ thấy những rào sắt bảo vệ các bao lơn (balcon), những trang hoàng trên cổng ra vào, các cánh cửa và chốt mở cửa của mỗi nhà đều khác nhau. Các kiến trúc cổ xưa của Paris đều được gìn giữ cẩn thận vì đó là những di tích văn hóa của một quá khứ huy hoàng và là niềm hành diện của người dân Paris.

Nguyễn Văn Huy 

(29/07/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 821 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)