Hòa mình trong lòng sự chuẩn bị và đoàn diễu hành khai mạc Jeux Paralympiques Paris 2024 (Paragame)
Thế vận hội Paris 24 đã thành công rất tốt đẹp để lại những ấn tượng tuyệt vời cho các vận động viên, khách du lịch và các khán giả. Chỉ sau vài ngày nghỉ ngơi, ban tổ chức lại bắt tay luôn vào chuẩn bị cho Jeux Paralympiques Paris 2024, gọi tắt là Paragame.
Lễ khai mạc Paragame cũng được diễn ra ngoài trời. Đoàn diễu hành đi trên đại lộ Champs Elysée, từ Khải Hoàn Môn (Place Charles de Gaulle Etoile) để tiến vào quảng trường Concorde.
Đoàn lực sĩ phế tật của 168 quốc gia và lãnh thổ diễu hành trên Đại lộ Champs Elysées, từ Quảng trường Chiến thắng (Arc de Triomphe) xuống Quảng trường Hòa hợp (Concorde) chiều tối ngày thứ Tư 28/08/2024
Về sự thành công của lễ khai mạc, chắc các bạn đã có thể đọc được trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Ở đây, tôi sẽ chỉ kể qua về công việc, cảm xúc của các tình nguyện viên.
Cách đây một năm, tôi có ghi tên xin được làm tình nguyện viên cho Paris 2024. Khi làm "đơn", tôi không hề nghĩ đến những lợi lộc gì mà chỉ nghĩ muốn đóng góp một phần nhỏ của mình cho nước Pháp mặc dù mình có phải bỏ ra các chi phí hay thời gian…
Sau một thời gian chờ đợi tôi may mắn được trúng tuyển. Có hơn 300.000 người làm đơn, nhưng chỉ có 45.000 người may mắn. Trong số các tình nguyện viên có đầy đủ các thành phần già, trẻ, trai, gái, người khuyết tật, người trẻ nhất 16 tuổi, người già nhất 94 tuổi, 30% dưới 25 tuổi và đặc biệt là trong số này có 30% đến từ hơn 150 nước nói đủ các thứ tiếng khác nhau. Các tình nguyện viên phải tự lo chỗ ăn ở và chi phí của họ.
Nhưng nước Pháp cũng đã bỏ ra một khoản tiền lớn để trang bị cho chúng tôi. Mỗi người được phát đầy đủ quần áo đồng phục, giầy, mũ, túi sách, tổng cộng 13 món (trị giá khoảng 500 EUR). Theo đài truyền hình Pháp thì 80% trang bị này được sản xuất tại Việt Nam. Mọi người đều được cung cấp vé tầu đi lại trong suốt thời gian Đại hội và mỗi ngày làm việc được chu cấp đồ ăn hoặc 12 EUR.
Cách đây một năm, tôi có ghi tên xin được làm tình nguyện viên cho Paris 2024 và sau một thời gian chờ đợi tôi may mắn được trúng tuyển.
Tôi đã hoàn thành tốt công việc của mình trong đợt đầu thế vận tại nhà Gare de L’Est, tiếp đón và hướng dẫn các vận động viên, khách đến Paris bằng đường tầu hỏa.
Sau khi kết thúc "hiệp 1" tôi lại được chọn để tiếp làm "hiệp 2" cho Jeux paralympiques pâ 2024, gọi tắt là Paragame. Cũng như lần trước, khi nhận làm thì không biết là sẽ làm gì. Sau hiệp 1, tôi bị ốm mấy ngày, cũng ngại không muốn đi tiếp vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Nhưng rồi vợ cứ động viên nên lại nhận tiếp.
Buổi họp đầu tiên của ngày tập đầu tiên, ban tổ chức triệu tập chúng tôi gần 200 người và tuyên bố : "Các bạn được lựa chọn để làm một việc rất trọng đại là trực tiếp đi trong đoàn diễu hành, cầm cờ của đoàn, nếu các thành viên của đoàn vận động viên không mang được. Ngay cả khi họ nhận mang, các bạn vẫn phải luôn luôn theo sát để nếu họ cần thì thay thế ngay". Ngay sau tuyên bố này, cả nhóm chúng tôi đã vỗ tay rầm rập rất lâu. Rất tự hào, và sung sướng được giao nhiệm vụ trọng đại.
Những người thiện nguyện đều vô cùng vui vẻ và xã giao. Dù được giao việc gì, ở đâu, họ đều cần mẫn làm việc và không hề bao giờ kêu ca phàn nàn về bất cứ cái gì. Lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười.
Thật thà mà nói, trông diễu hành ngon lành như thế, nhưng tổ chức nó là cả một vấn đề khổng lồ. Hai ngày trước khi diễu hành, chúng tôi phải họp hành liên miên và diễn tập nhiều lần. Các cuộc họp phải bằng hai thứ tiếng. Trong đội của chúng tôi cũng có nhiều quốc tịch. Không phải ai cũng biết tiếng Anh-Pháp. Nhưng rất may trong đội cũng có người nói được các tiếng khác để dịch lại… Đại lộ Champs Elysée và hai quảng trường lớn ở hai đầu bị chắn mấy ngày để hàng ngàn người đến đây tập tành, trang trí, kẻ vạch xuống đường, lắp đặt máy phát điện, treo cờ…
Theo như kiểu tính tuổi của người Việt Nam thì tôi 70. Sau ngày thứ nhất, tôi nói với vợ là một ngày đã hết hơi rồi, mai không đi nữa. Nhưng rồi ngày hôm sau, tôi lại cố đi tập tiếp. Sang ngày thứ 3 là ngày thật vẫn sung sức vì uống một tỷ thứ thuốc vào người.
Ngày cuối thực sự là ngày mệt nhất vì vui quá. Bắt đầu từ 17g, các đoàn vận động viên bắt đầu đến để vào nơi tập kết (168 đoàn). Ban tổ chức đã bố trí các tình nguyện viên đứng hai bên chào đón, hò hét, thổi kèn... Không khí ngày hội vô cùng náo nhiệt cả buổi chiều. Đồng thời với những hoạt động đó, chúng tôi phải đi gặp gỡ với đoàn của mình, trao đổi với họ xem họ cầm cờ hay chúng tôi cầm. Sau khi trò chuyện thống nhất với nhau thì họ về nơi tập kết, chúng tôi đợi đến giờ đi lấy cờ và bảng tên đoàn, rồi kéo nhau ra vạch xuất phát đã được định trước. Hôm đó đông lắm. Đúng là không tập trước thì loạn. Cũng rất may là thời buổi bây giờ ai cũng có mobile. Các nhóm liên lạc được với nhau rất nhịp nhàng. Tất cả đã diễn ra đúng như tập.
Bản thân tôi cứ nghĩ thời khắc bước vào quảng trường Concorde mới là vui nhất. Nhưng không. Ở đó có các tình nguyện viên nhẩy múa đón tiếp chúng tôi, có truyền hình trực tiếp nên quá nghiêm trang. Đoạn trên đại lộ Champs Elysées lại là vui nhất vì nhân dân đứng hai bên đường rất đông, hò hét, cổ vũ rất nhệt tình. Cả quãng đường dài đó là một nồi nước sôi sùng sục. Lúc này, mọi người quên hết chiến tranh, chính trị. Tất cả đều nhẩy múa, ca hát, hò hét, chụp ảnh tự sướng, trao đổi vật kỷ niệm, chủ yếu là huy hiệu. Tất cả các đoàn đều được nhân dân chào đón rất nồng nhiệt. Sau khi đưa đoàn vào vị trí của họ, chúng tôi thu cờ và được mời vào ngồi ở các hàng ghế rất gần sân khấu.
Không khí dọc suốt Đạo lộ Champs Elysées, từ Quảng trường Chiến Thắng (Arc de Triomphe) đến Quảng trường Hòa Hợp (Concorde) vô cùng sôi động, náo nhiệt và vui vẻ.
Không khí tại quảng trường Concorde vô cùng sôi động và náo nhiệt vui vẻ. Mọi người nghe nhạc, nhẩy múa ôm hôn nhau thắm thiết. Mấy bạn gái trong đoàn của chúng tôi quá cảm động đến khóc rung rức. Đôi mwast của ôi cũng rớm lệ. Đây thực sự là một khoảnh khắc nhớ đời của từng con người tại đây. Đối với tôi thì nó lại càng có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Cả đời tôi chưa bao giờ được tham gia vào một sự kiện lớn cỡ hành tinh như thế. Nửa cuộc đời trước của tôi cũng kinh qua những sự kiện lớn của Việt Nam về Đảng, Bác… nhưng niềm vui tôi nhường hết cho người khác.
Rất tiếc là không có đoàn Nga, một nước lớn. Ngày xưa, biết tiếng Nga có thể nói chuyện với rất nhiều nước. Tôi biết tiếng Nga, nhưng khi gặp các đoàn Gruzia, Kazakstan… tôi không hề dám nói tiếng Nga với họ vì không biết họ phản ứng ra sao. Liên bang Nga từ một nước lớn, có uy tín, chỉ trong chốc lát trở thành một dạng hủi bị loại ra khỏi cuộc chơi của nhân loại. Cũng là một dạng vĩ đại đấy nhỉ.
Ngày xưa khi học tiếng Nga, cô giáo bắt học thuộc lòng câu : Tôi yêu tiếng Nga vì tiếng Nga là tiếng nói của Lenin, tiếng nói của Hòa Bình. Bây giờ mà thốt ra câu này thì chỉ có những thằng điên hoặc ngu.
Paragame là một phát kiến của nhân loại để vinh danh những người kém may mắn trong cuốc sống.
Hãy cùng nhau ủng hộ Paragame cũng nhưng cần phải ủng hộ tất cả những người yếu kém trong xã hội.
Vive la France ! Vive Paris 2024 !
Cám ơn nước Pháp đã cho tôi quá nhiều. Ngay cả khi tôi muốn trả ơn nước Pháp, nước Pháp lại cho tôi đặc ân mà ít người được hưởng.
Hoàng Quốc Dũng
(30/08/2024)
Quốc gia thắng lợi nhất kỳ Olympics 2024 là Pháp, nước đăng cai tổ chức. Xứng đáng được thưởng huy chương vàng, so với các Olympics gần đây ở Tokyo, Atlanta, Bắc Kinh. Muốn 329 cuộc tranh đua diễn ra êm đẹp – số lớn thứ nhì sau Thế Vận Hội Tokyo năm 2020 (339) – đòi hỏi cả nước phải cộng tác và phối hợp. Hơn 45.000 cảnh sát và nhân viên an ninh giữ trật tự - bình yên hơn so với London đang biểu tình đánh nhau chết người. Hệ thống điện được xếp đặt lại, thay thế các máy phát điện chạy bằng dầu diesel trước đây, nối liền tất cả các vận động trường ở Paris và 300 địa điểm tranh tài khác trên cả nước. Paris đặt thêm 160 cây số đường dành riêng cho xe đạp nối liền các sân vận động – dân chúng bớt than phiền nạn kẹt xe ; chính phủ nêu cao thiện chí bảo vệ môi trường ! Dân Paris sẽ thừa hưởng 10.000 chỗ đậu xe đạp !
Đôi tình nhân hôn nhau trên bờ sông Seine, Paris, trong lễ khai mạc Olympics 2024. Hình chụp ngày 26 tháng Bảy. (AP Photo/Rebecca Blackwell, File)
Ngoạn mục nhất là công tác làm sạch con sông Seine đầy rác và chất độc tích tụ, đáng lẽ phải được giữ vệ sinh liên tục trong mấy thế kỷ trước. Những dòng sông chảy qua các đô thị lớn thường thường bị nhiễm độc và nhơ bẩn nhiều hay ít. Sông Thames ở London, Spree ở Berlin Donau (Danube) ở Busapest, vân vân cũng chung số phận với Seine.
Những người yêu thơ khắp thế giới đều nhớ Appolinaire viết : "Dưới chân cầu Mirabeau, nước sông Seine vẫn chảy – cùng với cuộc tình của chúng ta" (Sous le pont Mirabeau coule La Seine – et nos amours). Tới thế kỷ 20, ai đứng trên cầu Mirabeau nhìn xuống sông Seine chắc sẽ không ước mong gửi tình yêu của mình vào dòng nước đen đen này ! Nhờ Thế Vận Hội, Paris có ngân sách "tắm gội" cho con sông nổi tiếng. Công trình lớn tiêu tốn 1,4 tỷ đồng euro, bằng 1,53 tỷ mỹ kim. Bà Thị trưởng Anne Hidalgo làm gương nhảy xuống sông bơi lội để các lực sĩ yên tâm nước sông Seine sạch rồi.
Dân Pháp vốn mang tinh thần "cartesien," lúc đầu rất hoài nghi. Nhiều người chê Thế Vận Hội là trò chơi của bọn nhà giàu, cả nước tốn tiền mà vô bổ. Lần chót Paris tổ chức Olympics cách nay đã 100 năm rồi. Nhưng sau khi đã nếm mùi dăm ngày, đa số bắt đầu đồng ý : Cũng đáng công ! Chưa bao giờ dân Paris tỏ ra "yêu thể thao" như thế. Có lẽ lần chót là năm 1998 khi đội tuyển Pháp (với Zinedine Zidane) thắng Giải Túc Cầu Thế giới, cũng diễn ra ở Paris ! Năm nay, sau khi Pháp thắng Brazil 3-0 trong trận chung kết, dân chúng kéo nhau ra đường hô khẩu hiệu "Chúng ta là vô địch !" (On est champion !) đến sáng chưa ngưng.
Mỗi lần Pháp đoạt huy chương vàng, bản quốc ca "La Marseillaise" vang từ hội trường ra ngoài đường phố, xuống đường metro xe điện ngầm, vào các hàng quán, ai nấy chú mắt trước những màn ảnh truyền hình. Đoạn cuối bài quốc ca, ra đời vào thế kỷ 18, có lời kêu gọi dân quân Marseille "Cùng tiến ! Cùng tiến !" (Marchons ! Marchons !). Năm nay có lúc dân Paris nhại lời, thành "Marchand ! Marchand !" vì lực sĩ bơi lội Pháp Léon Marchand đã đoạt bốn huy chương vàng ! Nhưng cả khi Pháp đá banh thua Tây Ban Nha, khán giả vẫn khích lệ, hô đi hô lai một khẩu hiệu : "Áo xanh, tiến lên !" (Allez les Bleus !).
Ngoài Leon Marchand, một lực sĩ nổi bật trong Thế Vận Hội Paris 2024, phải kể đến Simone Biles, vận động viên môn thể dục "gymnastics" Mỹ. Năm nay hơn 27 tuổi, cô đã đoạt 30 huy chương Vô Địch môn gymnastics toàn cầu, và tổng cộng 11 huy chương Thế Vận Hội. Năm 2020, mọi người tiên đoán cô sẽ đoạt ít nhất 4 đến 6 huy chương vàng ở Tokyo. Cô can đảm bỏ cuộc khi biết mình mắc một chứng bệnh thần kinh mất khả năng kiểm soát cơ thể khi đang nhào lộn. Năm nay được chữa trị, trở lại Paris, cô chiếm 3 huy chương vàng, một bạc. Katie Ledecky là một nữ lực sĩ bơi lội lớn tuổi khác, đã dự bốn Olympics ; từng được Tổng thống Joe Biden tặng huân chương Tự Do (Presidential Medal of Freedom), năm nay lại đoạt bốn huy chương vàng.
Riêng chúng tôi khâm phục nữ lực sĩ Kinzang Lhamo nhất, mặc dù cô không chiếm một huy chương nào cả. Lhamo người Bhutan, một nước 800 ngàn dân nằm dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, cô tới Paris cùng hai nam lực sĩ. Cô dự cuộc đua marathon phụ nữ.
Bắt đầu chạy từ 8 giờ sáng, gần một trăm nữ lực sĩ chạy trên đường phố Paris, đoạn chót phải lên dốc. Lúc 10 giờ 23, khán giả khắp nước Pháp và thế giới nhìn thấy trên truyền hình người đầu tiên vượt qua làn ranh. Tới 10 giờ 34 chín người chịu bỏ cuộc, nhưng 50 lực sĩ đã vượt 40 cây số tới đích, chỉ còn hơn 30 người vẫn đang chạy. Đến 10 giờ 43, còn 6 người ; 10 giờ 46, còn bốn. Cô Rose Harvey, Anh quốc vượt lằn ranh lúc 10 giờ 51 ; Matea Parlov Kostro, nước Croatia, lúc 10 giờ 54 ; Santoshi Shrestha nước Nepal hoàn tất lúc 10 giờ 55. Sau đó, chỉ còn một lực sĩ chưa về tới đích : cô Kinzang Lhamo. Cô đã bị rớt lại xa sau từ lâu nhưng vẫn tiếp tục chạy. Lúc 11 giờ 10, Lhamo đã chạy được 30 km.
Các báo, đài ti vi thương mại đã mang máy đi quay chỗ khác. Thế Vận Hội không bỏ rơi cô. Lâu lâu hình cô lại xuất hiện trên màn ảnh cho khán giả biết cô đang tới đâu rồi. Lúc 11 giờ 32 đi bộ, bước từng bước, không chạy nữa. Có lúc thấy cô đi bên một người đạp chiếc xe đạp, đằng sau một chiếc xe jeep. Một người vác lá cờ Bhutan đi phía sau cô, chắc để cho thế giới biết cô người nước nào. Cô đeo trước ngực chữ "BHU." Nhưng phần lớn các khán giả đứng bên đường hoặc coi truyền hình cũng không biết đó là quốc kỳ nước nào, không biết Bhutan nằm ở đâu. Lúc 11 giờ 51 phút, sau nửa giờ đi bộ dưỡng sức, cô lại bắt đầu chạy, khán giả bên đường vỗ tay hoan hô ! Cuộc đua chưa kết thúc vì cô còn chạy chưa hết đường, cho nên ban tổ chức hoãn không làm lễ phát giải !
Kinzang Lhamo là người thứ 80 về tới đích lúc 11 giờ 53, sau khi chạy (và đi bộ) 3 giờ, 52 phút, 59 giây. Cô tiếp tục chạy theo đà một quãng mới ngồi xuống cái ghế nhựa trong khi ban tổ chức cho khiêng mấy cái bục ra để làm lễ trao giải. Cô tới gần một giờ sau người về thứ 79, cô Santoshi Shrestha nước Nepal. Cô không trả lời những người phỏng vấn vì không ai biết nói ngôn ngữ Dzongkha của xứ cô. Nhưng cô không cần nói gì hết. Cô nói bằng hành động : theo đuổi cuộc chạy đua tới cùng.
Cô Kinzang Lhamo chạy qua vạch đích tại Esplanades des Invalides để hoàn tất cuộc chạy đua đường trường marathon dành cho nữ. Ảnh : Lisa Leutner/Reuters
Năm nay 26 tuổi, Linzang Lhamo, ở trong quân đội Bhutan, đã chiếm vô địch chạy marathon hồi tháng 3 vừa qua. Năm 2022 cô đã về thứ nhì trong cuộc chạy đường trường 203 cây số trên sườn rặng Himalaya. Năm nay là lần đầu tiên cô dự một cuộc tranh tài quốc tế. Mấy hôm sau cô được phỏng vấn, "Tại sao cô gắng sức chạy hết 40 cây số đường như thế ?"
"Tôi từ xa 8.000 cây số tới đây. Đất nước tôi đã đưa tôi tới đây để dự tất cả cuộc đua ; không phải đến để dự cho có mặt ! Linzang Lhamo đã nói lên một tinh thần thể thao lý tưởng.
Thời xưa các thành thị Hy Lạp tổ chức Olympics để thanh niên tới đó thi coi ai giỏi hơn ; khỏi cần ra bãi chiến trường chém giết nhau. Olympics kỳ này có 206 nước (hoặc lãnh thổ) có mặt. Trung Quốc với Mỹ Quốc khỏi đấu nhau bằng hỏa tiễn hay hàng không mẫu hạm ; chỉ gửi lực sĩ tới Paris. Mỗi nước chiếm đúng 40 huy chương vàng, coi như ngang sức. Tổng số huy chương của Trung Quốc (91) thấp hơn của Mỹ (126) cũng phản ảnh thế cân bằng kinh tế và quân sự giữa hai nước. Sau đến Anh và Pháp, với 65 và 64 huy chương, rất xứng đáng. Đáng khen nhất là Australia, leo lên hàng thứ năm với 53 cái "mề đay," cao hơn Nhật Bản, 45, dù dân số thấp hơn nhiều. Nếu tính tỷ lệ số huy chương trên số dân thì ba nước nhỏ xíu đáng khen ngợi nhất là : Grenada, 112.000 dân, chiếm được hai huy chương. Dominica, 67.000 dân, chiếm một, và St Lucia, 184.000 dân, 2 huy chương. Đúng là "Bé Hạt Tiêu !". Nói về thành tích cá nhân, tôi chọn Linzang Lhamo như tiêu biểu cho tinh thần Thế Vận Hội.
Ông bạn tôi là Nguyễn Bá Trạc mới nhắc nhở rằng 72 năm trước, một người Việt Nam đã từng thể hiện tinh thần thượng võ giống như cô Lhamo. Đó là lực sĩ Trần Văn Lý, dự Thế Vận Hội Helsinki năm 1952. Tôi đang được ông Trạc dẫn đi thăm Phần Lan, Estonia, trước khi qua Thụy Điển. Hồ sơ của Ủy ban Thế Vận Hội Quốc tế vẫn ghi tên "Trần Văn Lý, sinh năm 1927" đại diện cho Quốc gia Việt Nam, dự Olympics kỳ thứ 15 ở Helsinki, từ ngày 19/7 đến 3/8/1952. Trần Văn Lý dự cuộc đua chạy 10.000 mét, người chiếm mề đay vàng là Emil Zátopek, đại diện nước Tiệp Khắc. Báo chí Việt Nam thời đó, nhất là ở Sài Gòn, đã ca ngợi Trần Văn Lý vì ông quyết tâm không bỏ cuộc, chạy hết 10 cây số. Ai cũng biết các lực sĩ Việt Nam không được chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện đầy đủ theo tiêu chuẩn. Dù không đoạt huy chương nào nhưng năm đó "cụ Trần Văn Lý" đã cho đồng bào được hãnh diện về tinh thần thượng võ ! Người Việt Nam cảm thấy mình cũng "vẻ vang nòi giống Lạc Hồng !"
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 18/08/2024
Kho tàng di tích lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của Paris đều nằm ở hai bên bờ sông Seine. Những di tích trên bờ tả ngạn phần lớn đã có từ thời Trung Cổ, được tân trang và cải tiến dần với thời gian, và tồn tại cho đến ngày nay. Có bảy khu vực chính cần được đi thăm : Quartier des Invalides và la Tour Eiffel, Quartier Saint Germain des Prés, Quartier Latin, Quartier du Luxembourg, Quartier du Jardin des Plantes, Montparnasse và Quartier chinois.
Paris bên bờ tả ngạn
Khu Invalides và Tháp Eiffel (quận 7)
Khu vực này nổi tiếng với hai kiến trúc độc đáo đối lập hẳn nhau : điện Ivalides và tháp Eiffel, với hai thảm cỏ rộng nhất Paris : Champs de Mars và Esplanade des Invalides.
Les Invalides (Avenue de Tourville) là một khu nhà rộng lớn (13 hecta) dành cho quân đội được vua Louis XIV giao cho Libéral Bruant xây dựng, từ 1671 đến 1676, để chăm sóc thương phế binh. Invalides có nghĩa là phế tật. Năm 1677 Jules Hardouin-Mansart xây một ngôi nhà thờ ở giữa các dãy nhà cho vua và thương bệnh binh cầu nguyện (nhà thờ Saint Louis des Invalides) với một nóc vòm đồ sộ hình tròn mạ vàng đẹp nhất Paris (Dôme des Invalides). Trong hai cuộc thế chiến, khu Invalides được biến thành quân y viện.
Năm 1890, 19 năm sau ngày từ trần, hài cốt Napoléon đệ I được cải táng ngay dưới nóc vòm Invalides ; mộ phần Napoléon bằng đá đỏ do điêu khắc gia Joachim Visconti thực hiện trong suốt 27 năm (xong năm 1861). Từ đó, hài cốt các tướng lãnh có công với đất nước (Sébastien Le Prestre de Vauban, Joseph Bonaparte, Foch, Lyautey) đều được mang về cải táng dưới nóc vòm này. Ngày nay khu Invalides trở thành văn phòng của tổng tư lệnh quân đội Paris và những văn phòng hưu bỗng của quân đội, với ba viện bảo tàng : bảo tàng Huân Chương Giải Phóng (1946) cất giữ những bằng khen và hình ảnh kháng chiến chống Đức, bảo tàng Địa Đồ thành phố Paris với bộ sưu tầm mô hình của vua Louis XIV và bảo tàng Quân Đội trưng bày các loại vũ khí, đặc biệt là những công trạng của Napoléon I. Cửa vào chính diện là một khu vườn cắt tỉa gọn đẹp trưng bày các khẩu đại bác đầu thế kỷ 18.
Năm 1890, 19 năm sau ngày từ trần, hài cốt Napoléon đệ I được cải táng ngay dưới nóc vòm Invalides ; mộ phần Napoléon bằng đá đỏ do điêu khắc gia Joachim Visconti thực hiện trong suốt 27 năm (xong năm 1861).
Cách đó không xa là Hôtel Matignon (57 rue de Varenne), được xây dựng năm 1721 bởi Jean Courtonne và hoàn tất bởi con gái vị hoàng tử Monaco, bà này sau đó có tên là bà nam tước de Matignon. Từ 1959 trở đi ngôi nhà này trở thành Phủ thủ tướng, nơi cư ngụ và làm việc của thủ tướng nước Pháp.
Đối diện với bờ sông và cầu Concorde là Assemblée nationale (Hạ Viện), còn gọi là Palais de Bourbon (126 rue de l'Université). Tòa nhà to lớn này được kiến trúc theo kiểu La Mã, xây năm 1722 và hoàn tất năm 1728, là nơi cư ngụ của bà bá tước de Bourbon (con gái vua Louis XIV), sau đó bị tịch thu dưới thời cách mạng để làm nơi hội họp của Conseil des Cinq cents (Hội đồng 500 đại biểu nhân dân) và cuối cùng trở thành tòa nhà quốc hội cho tới ngày nay.
Bên cạnh khu Invalides là bảo tàng Rodin (77 rue de Varenne) trưng bày các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Rodin (mất năm 1917), như Le Penseur (Người suy tư), Le Baiser (Nụ hôn), Porte de l'enfer (Cổng địa ngục). Chệch lên phía Bắc là Fontaine des Quatre Saisons (Hồ phun nước bốn mùa, 57-59 rue de Grenelle) với những tượng nổi chạm khắc tuyệt đẹp. Căn nhà Seita cách đó không xa là nơi sản xuất thuốc lá đầu tiên của Pháp (thế kỷ 15), năm 1963 trở thành Viện bảo tàng thuốc lá Seita (12 rue de Surcouf) trưng bày cách sản xuất xưa và nay, các loại thuốc lá trong năm thế kỷ qua.
Đối diện với cầu Alma là nơi dẫn xuống các đường cống ngầm (les égouts) dưới thành phố Paris (cửa vào đối diện số 93 Quai d'Orsay). Hệ thống cống rãnh của Paris có từ thế kỷ 14, được tu bổ và tân trang lại dưới thời Napoléon III do kỹ sư Eugène Belgrand thực hiện năm 1878, dài 600 km ; ngày nay tổng số đường cống ngầm là 2.100 km. Từ 1867 đã có những cuộc viếng thăm hệ thống cống ngầm bằng đường rầy và bằng ghe nhưng từ 1972 trở đi các cuộc viếng thăm đều bằng chân, tên mỗi con đường trên mặt đất đều được ghi lại ở mỗi góc hành lang (để khỏi bị lạc đường). Mỗi năm có hơn 500.000 người mua vé xuống thăm hệ thống đường cống ngầm Paris.
Tòa nhà UNESCO (7 Place de Fontenay), khánh thành năm 1958, là trụ sở của cơ quan giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc tại Pháp. Đây là một kiến trúc tượng tiêu biểu của thập niên 1950 với những đường nét thẳng, không có gì đặc sắc, nhưng nội thất tòa nhà được trang trí rất đẹp với những tác phẩm nổi tiếng của Picasso, Miró và Henry Moore.
Trường quân sự, L'École militaire (1 Place Joffre), do kiến trúc sư Jacques Ange Gabriel xây dựng từ 1751 đến 1773, dưới thời vua Louis XIV, để huấn luyện 500 vị trưởng giả nghèo. Nhà trường đã bắt đầu nhận khóa sinh năm 1753, Napoléon Bonaparte tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự năm 1875.
Công viên Champs de Mars trước kia là một bãi đất trống trước trường quân sự được dùng làm nơi thao dượt. Sau cuộc cách mạng Pháp, để kỷ niệm một năm ngày chiếm nhà tù Bastille, hơn 25.000 người đã được huy động đến dọn dẹp để ăn mừng ngày 14/7/1790, thời gian sau đó trở thành sân đua ngựa. Từ 1889 trở đi, khu đất này được dùng làm nơi chứa vật liệu xây dựng tháp Eiffel. Ngày nay là một bãi cỏ lớn, quang đãng và được cắt tỉa cẩn thận để khách bộ hành có thể quan sát tháp Eiffel một cách toàn diện.
Tháp Eiffel là một kỳ quang của Paris và cả nước Pháp. Được thiết kế bởi kỹ sư Gustave Eiffel, tháp được xây dựng từ ngày 28/1/1887 và hoàn tất năm 1889 để kịp thời tham gia vào cuộc Triễn Lãm Toàn Cầu (Exposition universelle). Lúc đầu dự án này chỉ là một ý kiến điên rồ thách đố thiên nhiên, không ngờ về sau khi thực hiện xong nó trở thành một kỳ quan. Khi xây dựng tháp này, Gustave Eiffel chỉ muốn đánh dấu kỹ thuật xây dựng bằng các thanh sắt của thế kỷ 20 chứ không nghĩ đến đến tính mỹ thuật ; về sau với những cố gắng phi thường công trình này được nhìn nhận như là một trong những kỳ quan của thế giới cận đại và được dùng làm biểu tượng của Paris và nước Pháp. Để ghi công, tượng của Gustave Eiffel (1832-1923), do điêu khắc gia Antoine Bourdelle tạc năm 1923, được đặt ngay dưới chân cột.
Tháp Eiffel là một kỳ quang của Paris và cả nước Pháp.
Về kỹ thuật, đây là một tháp được xây dựng bằng những thanh sắt lớn đan xéo chằng chịt với nhau để gió có thể xuyên qua, nặng 10.000 tấn với 2,5 triệu con tán, cao 318,7 m (kể cả antenne), với 1.665 bực cấp, cứ mỗi 7 năm phải dùng 50 tấn sơn chống rỉ để sơn lại. Dưới sức nóng và gió, đầu ngọn tháp có thể bị nghiêng 18 cm. Bốn chân tháp, nằm ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, là những trụ sắt khổng lồ rộng 5 m dùng làm điểm tựa để đưa người và vật dụng lên đỉnh tháp. Tháp có ba tầng : tầng 1 cách mặt đất 57 m gồm 345 bực cấp ; tầng 2 cách mặt đất 105 m với 359 bậc cấp, được nhà hàng Jules Vernes thuê để khách có thể vừa ăn vừa ngắm nhìn phong cảnh Paris ; tầng 3 cách mặt đất 276 m, chỉ có thể lên bằng thang máy, tầng này có thể chứa 800 người cùng một lúc, lúc trời quang đảng có thể nhìn xa tới 40 km. Có hai cách di chuyển lên tháp : bằng chân và bằng thang máy ; chân tháp phía Đông dành cho người lên tháp bằng chân, ba góc còn lại là bằng thang máy có từ 1899 và vẫn còn tốt. Vào mùa hè, du khách có thể phải xếp hàng chờ ít nhất hai giờ mới tới phiên được mua vé lên tháp bằng chân hay bằng thang máy, vì mỗi năm có hơn 20 triệu người lên tháp nhìn cảnh Paris.
Để mừng ngày đầu năm 2000, thị trưởng thành phố Paris có sáng kiến trang điểm tháp Eiffel bằng hệ thống đèn điện đếm lùi ngày chờ đón thiên niên kỷ mới từ đầu năm 1998, đến ngày đầu tiên của năm 2000 con số sẽ là ngày 0. Trong đêm mở đầu thềm thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba, dân chúng Paris đã chứng kiến những tràng pháo bông rực rỡ quanh tháp Eiffel. Ngày nay hệ thống đèn chiếu sáng từ tháp Eiffel được tân trang và biến đổi thường xuyên để bắt kịp đà tiến hóa về ánh sáng với kỹ thuật số (numérique).
Có một cảnh lạ là ngay cạnh Champs de Mars và tháp Eiffel là một ngôi làng Thụy Sĩ. Gọi là làng nhưng thực ra là một dãy nhà đẹp đẽ, chạy dài suốt đại lộ Suffren (quận 15), được trang trí như những ngôi nhà bên Thụy Sĩ, các lan can được trồng hoa và ngoài cửa trang hoàng các vật dụng của vùng núi Alpes (chuông đeo cổ bò, guốc gỗ...). Ngôi làng này do chính phủ Thụy Sĩ xây dựng để tham dự cuộc Triển Lãm Toàn Cầu năm 1900, giới thiệu sản phẩm của Thụy Sĩ, sau cuộc triển lãm này các căn nhà đó đươc dùng làm nơi buôn bán hàng hóa Thụy Sĩ tại Paris.
Cách đó không xa, về phía bờ sông, là một căn nhà được xây hoàn toàn bằng gạch tráng men. Năm 1901, Jules Lavirotte, một kiến trúc sư không ngừng phát kiến các kiểu nhà mới, quyết định biến căn nhà số 29 Avenue Rapp của ông Bigot thành một công trình mỹ thuật. Mặt tiền được trang trí bằng những viên gạch đủ màu với những hình tượng phụ nữ khỏa thân. Lavirotte còn trang trí mặt tiền căn nhà số 3 Square Rapp cạnh đó và khách sạn Céramic số 34 đường Wagram.
Khu Saint Germain des Prés (quận 6)
Saint Germain des Prés không có nhiều di tích lịch sử nhưng nổi tiếng với những quán cà phê, nơi tụ tập của những văn nhân nghệ sĩ, và các bảo tàng nghệ thuật. Khu này cho đến hết thời kỳ Trung Cổ là những đồng cỏ (như tên gọi của nó) dùng để chăn nuôi súc vật, thuộc quyền sở hữu của Giáo hội Công giáo từ năm 555, và những buổi họp chợ trao đổi nông phẩm. Chỉ từ sau thế kỷ 17, các vua Louis XIII và XIV nới rộng sang khu vực này xây dựng nhà cửa để những nghệ nhân từ khắp Châu Âu được tuyển dụng đến xây dựng dinh thự cho triều Bourbons. Mỗi chiều tối, sau khi làm việc xong những nghệ nhân này thường vào các quán rượu giải trí và tán ngẫu. Với thời gian những thói quen này trở thành một sinh hoạt văn hóa mà không một văn nhân nghệ sĩ tên tuổi nào bỏ lỡ cơ hội. Ngày nay các quán cà phê văn nghệ sĩ phần lớn đều nằm trên đại lộ Saint Germain, quận 6 (75006 Paris), dài 3 km ; vào mùa hè các quán này bày biện bàn ghế trên lề đường để khách ngắm nhìn người bộ hành qua lại. Đường Rue du Dragon chật hẹp là nơi cư ngụ của các họa sĩ Bỉ và Victor Hugo trong thế kỷ 19.
- Quán Les Deux Magots (170 boulevard Saint Germain), nội thất được trang trí bằng hai kỷ vật dùng làm nhãn hiệu buôn tơ và vải Trung Hoa năm 1875, là nơi các nhà thơ danh tiếng đến ngâm vịnh như Verlaine, Rimbaud và Mallarmé cuối thế kỷ 19, sau đó là nơi gặp gỡ của những nghê sĩ nổi tiếng như Picasso, Saint Exupéry, Hemingway, Jean Giraudoux, trong những năm 1950 Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir đến đây viết mỗi ngày hai giờ.
- Quán cà phê Flore (172 boulevard Saint Germain), nội thất trang trí bằng những bàn ghế màu đỏ, là nơi Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir, Albert Camus và Jacques Prévert thường xuyên đến trò chuyện.
- Quán Lipp (151 boulevard Saint Germain) được thành lập từ cuối thế kỷ 19 là nơi gặp gỡ của những chính trị gia và văn nghệ sĩ trong những năm 1920.
- Quán Le Procope (13 rue de l'Ancienne Comédie, mặt đường hiện nay vẫn còn lát đá, gồ ghề và chật hẹp như thời Trung Cổ) khai trương năm 1686 bởi một người Ý gốc Sicile, Francesco Procopio dei Coltelli, để đón tiếp những kịch tác gia Châu Âu đến trình diễn tại Paris cho giới hoàng gia, sau đó trở thành nơi gặp gỡ của nhân vật lớn như Benjamin Franklin, Voltaire, Napoléon Bonaparte ; được trùng tu lại năm 1989 quán này tiếp tục là nơi gặp gỡ của những nhân vật tên tuổi.
Ngoài ra còn hàng trăm quán cà phê khác cũng nổi tiếng không kém như Le Levantin (có từ năm 1643) giữa đường Saint Jacques và Petit Pont, quán Le Café d'Orsay có từ đầu thế kỷ 19, Le Café Voltaire nơi Ernest Hemingway thường đến, La Rotonde và Le Dôme nơi Lénine và Trotsky bàn chuyện thay đổi nước Nga, v.v... Cũng nên biết Lenin và Trotsky thường xuyên la cà khắp các quán rượu ở tả ngạn sông Seine trong suốt thời kỳ lưu vong.
Nhà hát Odéon Théâtre de l'Europe (1 Place Paul Claudel), xây năm 1779 và do cặp nghệ sĩ Marie-Joseph Peyre và Charles de Wailly thành lập năm 1782 dưới tên Comédie Française, là nơi trình diễn những vỡ kịch tân cổ điển của thời đó, năm 1792 đoàn kịch hoàng gia dời về đây và đổi tên thành nhà hát Odéon năm 1797. Bị cháy năm 1807, nhà hát này được Jean François Chalgrin xây lại như cũ và trình diễn ca kịch cho tới ngày nay. Tháng 5/1968, nhà hát này là nơi tụ tập của những sinh viên nổi loạn chống lại chính phủ của tổng thống de Gaulle.
Nhà ga Orsay là một dãy nhà đồ sộ được khánh thành ngày 14/7/1900 để đón tiếp khách đi xe ngựa, năm 1978 được biến thành Musée d'Orsay (2 rue de Bellechasse) trưng bày các tác phẩm danh tiếng của các trường phái hội họa và điêu khắc của Pháp. Nổi tiếng là bức tượng Quatres parties du monde của Carpeaux, tạc từ 1867 đến 1872 mới xong, bằng đồng đỏ với bốn người khỏa thân (hai nam và hai nữ) tượng trương cho bốn châu năng quả địa cầu với những đường kinh tuyến và vĩ tuyến.
Bức tượng Quatres parties du monde của Carpeaux, tạc từ 1867 đến 1872 mới xong, bằng đồng đỏ với bốn người khỏa thân (hai nam và hai nữ) tượng trương cho bốn châu nâng quả địa cầu với những đường kinh tuyến và vĩ tuyến.
Ngày 29/12/1857, họa sĩ Eugène Delacroix, thủ lãnh trường phái lãng mạn và là người tiên phong trong trường phái dã thú (fauvisme), dọn đến căn nhà số 6 rue Fustenberg và từ trần tại đây ngày 13/8/1863. Căn nhà này được biến thành viện bảo tàng Delacroix năm 1952 trưng bày tất cả tác phẩm của người họa sĩ quá cố.
Bảo tàng Légion d'honneur et d'ordres de chevalerie, xây dựng năm 1782, sau nhiều thăng trầm được Napoléon dùng làm bảo tàng năm 1802 trưng bày những phần thưởng danh dự nhất cho những có công với nước Pháp.
Căn nhà số 11 Quai de Conti, hoàn tất năm 1777, được vua Charles X biến thành Viện bảo tàng Tiền Tệ năm 1827, trưng bày các loại tiền đúc và tiền giấy cùng những loại huy chương danh giá nhất nước Pháp. Cũng trên Quai Conti số 23 là Institut de France, xây dựng năm 1691, làm một trong năm Hàn lâm viện của Pháp chứa đựng những tài liệu và văn kiện quan trọng của Pháp.
Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ Thuật (École nationale supérieure des Beaux Arts, 14 rue Bonaparte), được thành lập 1884, là nơi đào tạo những nghệ sĩ danh tiếng của Pháp và Châu êu.
Những ai thích sưu tầm sách báo cổ thì nên đi dọc Quai Voltaire, từ số 15 đến 25, để vào tìm báu vật mơ ước của mình. Con đường này cũng là nơi cư ngụ của những nghệ sĩ danh tiếng như Voltaire, Montherlant, Charles Beaudelaire, Richard Wagner, Jean Sibélius, Oscar Wilde, Corot, James Pradier...
Khu Latin (quận 5)
Latin ở đây có nghĩa là học thức chứ không phải là tiếng La Tinh. Năm 1118, sau khi bị đưổi khỏi tu viện Notre Dame, tu sĩ triết gia Abélard dẫn theo ba ngàn học trò lên đồi Sainte Geneviève dạy học. Từ đó đến nay, khu này tiếp tục giữ mãi truyền thống giáo dục với nhiều trường danh tiếng, trong đó có trường Sorbonne nơi xuất thân của những nhân vật chính trị và triết gia nổi tiếng của Pháp. Nổi bật nhất là nhà văn miếu Le Panthéon, nơi gìn giữ thi hài những văn nhân, triết gia, bác học danh tiếng nhất của nước Pháp. Buổi tối, nhất là dịp cuối tuần, khu Latin là nơi sinh viên học sinh, thanh niên thiếu nữ tụ tập vui chơi, xem phim, nghe nhạc và ăn uống trong hàng trăm quán ăn đủ mọi hương vị từ Âu sang Á và Địa Trung Hải.
Khu Latin ngày nay là nơi sinh viên học sinh, thanh niên thiếu nữ tụ tập vui chơi với hàng trăm quán ăn đủ mọi hương vị từ Âu sang Á và Địa Trung Hải.
Đường Saint Jacques, một trong những con đường chính của khu Latin, là con đường đầu tiên được xây dựng từ thời La Mã cách đây gần 2.000 năm, chạy từ Đảo Thị Trấn sang bờ tả ngạn. Nhiều di tích thời gallo-romain còn lưu lại dọc hai bên đường Saint Jacques, ngày nay là những trường đại học và trung học nổi danh như đại học Luật Paris I, Paris 2, Y khoa, Collège de France, các trường trung học Henri IV, Louis Le Grand, với các tiệm sách và nhà xuất bản lớn nhỏ.
Khu Latin còn được biết tới như là khu nổi loạn của các phong trào sinh viên và trí thức ; các cuộc xuống đường chống đối của sinh viên học sinh đều bắt đầu tại đây, quanh quảng trường Saint Michel. François Villon có lẽ là ông tổ của các phong trào chống đối của sinh viên học sinh tại Sorbonne từ thế kỷ 15. Ngày nay khu Latin gần như được trưởng giả hóa với những cửa hàng sang trọng và các nhà hàng lớn nhưng không ai quên đây là nơi xuất các cuộc bạo động của giới thanh niên, sinh viên như phong trào vô sản La Commune de Paris năm 1871 với 50.000 người bị giết, bị bắt và đi tù ; phong trào sinh viên học sinh năm 1968 dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền De Gaulle...
Đại học La Sorbonne (4 rue des Ecoles) lúc đầu là một trường thần học do Robert de Sorbon, một tu sĩ dòng Saint Louis, thành lập năm 1258 dành cho sinh viên nghèo. Một năm sau, trường này trở thành phân khoa thần học thuộc viện đại học Paris. Năm 1626, Richelieu, hiệu trưởng Sorbonne, sửa sang và mở rộng thêm để đón tiếp nhiều sinh viên vào học hơn và xây trong khuôn viên một giáo đường ; từ đó đến nay là trường đào tạo những nhà tư tưởng lớn nhất của Pháp.
Năm 1530, vua François I, theo lời yêu cầu của nhà nhân văn học Guillaume Budé, thành lập Collège royal de France nhằm tránh né chính sách giáo dục của viện đại học Paris, được coi là quá giáo điều và bất dung, để giảng dạy miễn phí quần chúng nghèo. Với thời gian trường này trở thành trường đào tạo những nhân vật chính trị lớn của Pháp dưới tên Collège de France (11 Place Marcelin-Berthelot), được vào giảng trường này là những nhân vật tên tuổi thuộc Viện Hàn Lâm Pháp.
Đền Panthéon (Place du Panthéon) được vua Louis XV đặt viên đá đầu tiên năm 1764 và hoàn tất năm 1790. Đây là một công trình khổng lồ, xây dựng trên đồi Sainte Geneviève, pha trộn các yếu tố kiến trúc Gothic, Hy Lạp và La Mã, với nóc nhà hình vòm cao 83 mét, sân thượng rộng rãi có thể ngắm nhìn toàn cảnh Paris, phía trên cổng chính là những hình tượng chạm trổ công phu tôn vinh văn học với 22 cột chống. Bên trong nền nhà lát cẩm thạch, nhiều hành lang dài rộng với những cột chống vàng óng trang trí bởi những tượng nhân vật được lưu giữ hài cốt. Đền Panthéon hiện lưu giữ hài cốt của 72 nhà tư tưởng và bác học có nhiều công trạng nhất đối với nước Pháp như Victor Hugo, Emile Zola, Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, Diderot, Pierre và Marie Curie, André Malraux, v.v... Hài cốt đầu tiên được đưa vào Panthéon là của nhà tư tưởng Mirabeau, sau đó bị Robespierre thời cách mạng Pháp năm 1789 vứt bỏ và thay thế bởi hài cốt nhà báo Marat, nhưng hài cốt của ông này sau đó cũng bị cách mạng vứt bỏ xuống cống.
Musée de Cluny (6 Place Paul-Painlevé) bảo tồn và trưng bày nhiều di tích và báu vật có từ thời La Mã và Trung Cổ, trong đó quí giá nhất là những cuốn sách viết tay được trang hoàng tuyệt mỹ, những tấm thảm dệt từ thế kỷ 15, cánh hoa hồng Bâle bằng vàng do điêu khắc gia Minucchio da Sienna tặng giáo hoàng Jean XXII năm 1330. Trong sân bảo tàng Cluny còn lưu vết những phòng tắm hơi (thermes) mà nóc nhà và các tượng thần bằng đất nung gần như còn nguyên vẹn từ thời La Mã.
Bảo tàng của Nha cảnh sát (1 bis rue des Carmes) trưng bày các loại vũ khí, vật dụng giết người của những tội phạm và tù nhân nổi tiếng.
Giáo đường Saint Lulien Le Pauvre (1 rue Saint Lulien le Pauvre) là một trong những nhà thờ lâu đời nhất Paris, được xây từ năm 1165 và trở thành văn phòng của viện đại học Paris, bị đóng cửa năm 1524 vì sinh viên nổi loạn, được hoạt động lại từ thế kỷ 17 và trở thành nhà nguyện của giới Công Giáo chính thống (orthodoxe bizantin) năm 1889.
Giáo đường gothic Saint Séverin (1 rue des Prêtres Saint Séverin) được xây dựng đầu thế kỷ 13, hoàn tất vào thế kỷ 16 và được tu sửa lại trong thế kỷ 17.
Đại lộ Saint Michel được xây dựng năm 1869 trên những di tích cổ có từ thời La Mã, ngày nay là con đường của những tiệm sách, nhà xuất bản và các tiệm bán áo quần sang trọng.
Quán cà phê Cluny (20 boulevard Saint Germain) là nơi tụ tập của những nhà văn và nhà tư tưởng lớn của Pháp.
Khu Luxembourg (quận 5 và 6)
Không một người Parisien nào không ao ước có căn nhà bên cạnh khu vườn Luxembourg, đây là một khu yên tịnh, mát mẽ và lãng mạn được xây dựng trên vết tích của một lâu đài, lâu đài Vauvert.
Lâu đài Vauvert được xây dựng trong hai thế kỷ 11 và 12 nhưng quá xấu đến nỗi vua Philippe Auguste không muốn kết nạp vào lãnh địa của mình (Paris). Tin đồn lâu đài Vauvert có ma lan rộng khắp nơi chỉ các tu sĩ Công giáo mới dám vào đó sinh sống và thành lập tu viện. Tu viện bị phá hủy dưới thời Cách mạng Pháp 1789 và đất đai quanh tu viện bị tịch thu để biến thành một khu vườn lớn quanh lâu đài của hoàng hậu Marie de Médicis (1573-1642), trong thời cách mạng trở thành nơi giam giữ những người chống đối cho đến cuối thế kỷ 18.
Thượng viện Pháp (Sénat) trước kia là một lâu đài được vua Henri IV giao cho kiến trúc sư Salomon de Brosse vẽ kiểu và xây dựng riêng cho vợ là hoàng hậu Marie de Médicis, người Ý, do đó cấu trúc của lâu đài mang nặng ảnh hưởng Ý, chung quanh có nhiều hồ chứa nước nhỏ nằm giữa các đường mòn rợp bóng mát. Vua Louis XIV (1643-1715) chọn lâu đài này dùng làm nơi nuôi dưỡng con cái vì sự yên tịnh của nó. Trong thời cách mạng, lâu đài này bị tịch thu và biến thành một trong những nhà giam lớn nhất Paris thời đó ; trong những năm 1795-1999 trở thành nơi hội họp của chính phủ ; trong đệ nhị thế chiến là văn phòng tổng tham mưu không lực (Luftwaffe) Đức và từ 1958 trở đi chính quyền de Gaulle chọn làm Thượng viện Pháp (15 rue de Vaugirard, quận 6).
Quanh Thượng viện là vườn Luxembourg (dọc đại lộ Saint Michel), khu vườn được đông người lui tới nhất tại Paris. Người ta đến đây có lẽ để chiêm ngắm những bức tượng điêu khắc đẹp nhất Paris và để tìm sự yên tĩnh đối với người già. Vào mùa nóng, trẻ con vào đây đùa giỡn quanh bễ nước lớn hình bát giác và xem kịch guignol (hình nộm), sinh viên các đại học kế cận tạc vào nghỉ ngơi giữa trưa. Vườn Luxembourg còn là nơi hành hương của những những người yêu nhau lãng mạn hóa cuộc tình.
Nhưng Luxembourg chỉ thật sự đẹp vào mùa thu. Dưới ánh nắng vàng vọt cuối ngày, lá vàng rơi rớt trên khắp lối đi, nhiều như những lời tình tự rót vào tai người yêu. Những đôi tình nhân vào đây quấn quít bên nhau như muốn kéo dài những giây phút thần tiên trong một không gian thơ mộng. Vườn Luxembourg là thiên đàng của những người yêu nhau và là những trang nhật ký đẹp nhất của những chuyện tình.
Nhưng cuộc tình nào cũng có hồi phải tan, đó là nỗi oan khiên của đời người.
Vườn Luxembourg đẹp và lãng mạn nhất vào mùa thu.
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, khi về lại Việt Nam, không ngừng tưởng nhớ "người em mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ" :
Mùa thu Paris trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ, hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề
Mùa thu đêm mưa phố cũ hè xưa
Công viên lá đổ, công viên lá đổ
Chờ mong em gắng khổ từng giờ !
Mùa thu âm thầm bên Vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá, ngồi quen ghế đá
Không em ôi buốt giá từ tâm...
Mùa Thu Paris, thơ Cung Trầm Tưởng (1958), nhạc Phạm Duy, tiếng hát Hà Thanh
Nhạc sĩ quá cố Phạm Trọng Cầu cũng không thua, anh đau khổ nhắc lại vết thương lòng khi mất dấu người tình :
Ngày em đi
Nghe chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg
Sương rơi trên phố mờ
Buồn này ai có mua...
Em ra đi mùa thu (1960), thơ và nhạc Phạm Trọng Cầu, tiếng hát Sĩ Phú
Jardin des Plantes (quận 5)
Gọi là Jardin des Plantes (Vườn Cây) vì khoảng cây xanh trong khu vực này chiếm một diện tích khá đáng kể bên tả ngạn sông Seine. Nhưng đặc tính nổi bậc của khu này là sự yên tịnh với những di tích cổ thời La Mã (gallo-romain) được tái tạo lại và viện bảo tàng thiên nhiên.
Năm 1626, vua Louis XIII nẩy sáng kiến lập một khu vườn cạnh lâu đài của mình vừa dùng để dạo mát vừa trồng cây thuốc. Hai vị y sĩ hoàng gia, Jean Héroard và Guy de la Brosse, được giao trách nhiệm xây dựng Jardin royal des plantes médicinales (vườn thượng uyển cây thuốc) trong phố Saint Victor, lúc đó rất ít cư dân. Vị vua kế tiếp, Louis XIV (1643-1715) tiếp tục nuôi dưỡng cây cối trong vườn và cho xây thêm một bệnh viện ở khu vực kế bên. Với thời gian, năm 1640, những gia đình trưởng giả đến dựng nhà quanh khu vườn, trước để có cơ hội tiếp xúc với hoàng tộc sau để được chữa bệnh khi cần. Nhưng số người nghèo làm việc trong một xưởng sản xuất muối diêm (kali nitrat hay salpêtre) gần đó bị bệnh quá đông nên năm 1654 nhà vua đổi thành "bệnh viện đa khoa chữa trị người nghèo", từ đó có tên là Hôpital de la Salpêtrière (47, boulevard de l'Hôpital, quận 13) và giao cho Libéral Bruant tân trang lại bệnh viện với một ngôi thánh đường hình chữ thập Hy Lạp và một nóc chuông mười cạnh do giáo sĩ Bossuet quản lý.
Từ 1739 đến 1788, bá tước Buffon, tên thật là Georges Louis Leclerc, mở rộng thêm diện tích khu vườn với 12 ngành nghiên cứu sự tiến hóa của vạn vật, đặc biệt là thuyết tiến hóa của Darwin. Nhưng sang thời cách mạng Pháp (1789), Henri Bernadin de Saint Pierre biến khu này thành khu giam giữ các thú lạ tịch thu tại điện Versailles và các đoàn nhảy múa sơn lâm và tồn tại cho tới năm 1870. Năm 1793, các đệ tử của Buffon đổi tên khu vườn thành Muséum national d'histoire naturelle năm 1793 và xây thêm một khu nuôi dưỡng côn trùng (cửa vào ở số 57 rue Cuvier). Viện Bảo Tàng Lịch Sử Vạn Vật này được phân chia thành bốn lãnh vực khác nhau : cổ sinh vật học với gần một triệu hóa thạch ; giải phẫu học đối chiếu từ lúc phát sinh các loài động vật có xương sống đến ngày nay ; cổ thực vật học ghi lại các loại thảo mộc xuất hiện cách đây hai tỷ năm ; và khoáng vật học trưng bày các loại đá quí và lạ mà loài người biết được.
Năm 1870 Paris bị quân Đức chiếm đóng, nạn đói thúc đẩy dân chúng tràn vào khu vườn này bắt hết các súc vật ăn thịt . Phải chờ tới năm 1889 vườn bách thú mới được xây dựng lại với một khu hành lang rộng lớn trưng bày các loài thú hiếm bằng rơm hay các bộ xương được tái tạo lại. Năm 1994 hành lang này biến thành Grande galerie de l'Evolution, Đại Hành Lang Tiến Hóa thuộc Viện Bảo Tàng Lịch Sử Vạn Vật (số 2 rue Buffon), trưng bày nhiều bộ xương các động vật đã biến mất như khủng long hay những động vật đang bị đe dọa biến mất như cá voi, một số chim và thú rừng.
Grande galerie de l'Evolution, Đại Hành Lang Tiến Hóa thuộc Viện Bảo Tàng Lịch Sử Vạn Vật
Năm 1938 người ta trồng thêm nhiều loại thảo mộc hiếm miền núi và ôn đới (2.000 loại cây khác nhau) mang từ khắp nơi về, trong đó có một cây đại tùng có tuổi thọ trên 450 năm mang từ Lebanon vầo trồng năm 1630, và xây một nhà kiến trong khuôn viên khu vườn trồng các loại cây nhiệt đới với hơn 2.600 loại.
Nhu cầu mở rộng khu vườn từ đầu thế kỷ thứ 18 đòi hỏi một nguồn nhân lực quan trọng ; quần chúng từ khắp nơi được tuyển vào đây làm việc và họ thành lập một khu xóm bình dân nằm đối diện với khu vườn, gọi là xóm Mouffetard, trong thực tế xóm này nằm giữa hai đường Mouffetard và Monge.
Đường Mouffetard có từ thời La Mã, đó là một đoạn đường nối liền Lutèce (Paris) với Roma (La Mã), nhà cửa hai bên đường thời đó được dùng làm nơi giam giữ nô lệ và giác đấu gốc Châu Phi, và tiếp tục tồn tại trong thời Trung Cổ. Mặt đường lát đá hoa cương chạy từ đồi Sainte Geneviève xuống khu chợ trời xưa nhất Paris, ngày nay do thương nhân bán lẻ hoa quả và tạp hóa gốc Maghrebin (Bắc Phi) nắm giữ. Năm 1671 hoàng hậu Marie de Médicis cho xây một bễ nước ở giữa con đường, Fontaine du Pot de fer, để dân chúng lấy nước nấu ăn. Đầu đường Mouffetard là Place de la Contrescarpe, nơi qui tụ những người ăn không ngồi rồi trong các quán cà phê bình dân tán ngẫu. Cuối đường là một giáo đường xưa được xây cất giữa thế kỷ 15 và hoàn tất năm 1655, mang tên Chapelle Saint Médard (141 rue Mouffetard) ; giáo đường này được kiến trúc sư Petit Radel tu bổ và nới rộng năm 1784 bằng cách nâng các cột chống chính ở giữa để có một nóc chuông cao hơn.
Đường Monge không có gì đặc biệt, đây là một khu phố dành cho người lao động và buôn bán. Những người Việt đầu tiên đến Pháp từ đầu thế kỷ 20 cho tới 1954 đa số đều đã một lần cư ngụ tại đây trước khi dọn sang nơi khác ; chính quyền Hà Nội cũng sở hữu một khu nhà dành cho sinh viên từ Việt Nam đến Paris du học. Giữa đường Monge và Geoffroy Saint Hilaire là một khu phố sang trọng dành cho các gia đình khá giả vì rất yên tịnh.
Phía trên khu xóm giàu nghèo lẫn lộn này (cạnh khu Latin) là một đấu trường thời La Mã, Arène de Lutèce (rue de Navarre), được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ nhất sau công nguyên với 15.000 chỗ ngồi và 35 hàng ghế. Ngày nay chỉ còn còn lưu lại vết tích những hàng ghế đá, chuồng thú dữ và phòng nghỉ ngơi của người giác đấu bên cạnh nhà cửa của dân chúng. Đấu trường này bị tàn phá trong thế kỷ 3 do nhu cầu cần đá xây thành quanh Đảo Thị Trấn chống lại các cuộc tấn công của quân Celt đến từ phương Bắc. Đấu trường này sau đó biến thành nơi chôn cất nạn nhân trong các cuộc chiến và rơi vào quên lãng, nó chỉ được khám phá lại khi nhu cầu xây dựng nhà cửa gia tăng. Năm 1869 đang lúc đào xới làm móng xây dựng nhà trên đường Monge người ta khám phá ra nhiều hầm mộ chôn cất người chết và di tích giác đấu trường, chính quyền thành phố liền đình chỉ mọi công tác xây dựng nhưng vẫn chưa biết phải làm gì. Phải đợi đến năm 1883 khi văn hào Victor Hugo khởi xướng chương trình phục sinh di tích, công tác này kéo dài trong 25 và chỉ chấm dứt vào năm 1918.
Đầu đường Geoffroy Saint Hilaire có một bễ nước, Fontaine de Cuvier, được xây dựng năm 1840 gắn chìm vào một bức tường ; đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ với hình một phụ nữ khỏa thân ngồi cạnh con sư tử và nhiều thú dữ khác của Châu Phi do điêu khắc gia Jean-Jacques Feuchère sáng tác. Cuối đường là một thánh đường Hồi Giáo : Institut musulman de la grande Mosquée de Paris (Place du Puits de l'Ermite) được xây dựng từ 1922 đến 1926, do các kiến trúc sư Heubès, Fournez và Matouf thực hiện, với một tháp cao 33 m. Trước thánh đường là một dãy nhà dùng làm nơi tiếp khách thập phương gồm một quán trà và một nhà hàng ả rập. Phòng đọc kinh được trang hoàng rất công phu với những mô-típ hình học trên các cột chống, vách tường và trần nhà. Sâu vào phía trong gồm có phòng đọc sách, phòng giảng giáo lý và nhiều phòng tắm hơi (hammam), tất cả nằm chung quanh một sân vuông ở giữa.
Dọc tả ngạn sông Seine là một tòa nhà đồ sộ, với lối kiến trúc tân kỳ do kiến trúc sư Jean Nouvel vẽ kiểu, là Institut du monde arabe (cổng chính ở số 1, rue des Fossés Saint Bernard). Viện Thế Giới ả Rập này do 20 quốc gia nói tiếng ả rập xây dựng năm 1980 nhằm trưng bày và trao đổi văn hóa với phương Tây. Viện có ba không gian khác nhau gồm chín tầng : một thư viện với hàng ngàn tác phẩm, một bảo tàng viện trưng bày nét độc đáo của các nền văn minh ả rập từ thế kỷ 7 đến ngày nay và một khu thính thị rộng lớn để nghe và nhìn những nền văn hóa ả rập khác nhau trên bờ Địa Trung Hải. Nội thất tòa nhà được rọi sáng bởi những 1.600 tấm kim loại độc đáo, mỗi tấm là một công trình kỹ thuật độc đáo với một con mắt lớn và 21 con mắt nhỏ bằng kim loại tự động mở và khép tùy theo luồng ánh sáng mặt trời nhận được. Mặt phía Nam là lối kiến trúc cổ kiểu moucharabieh (các bao lơn được bao phủ bởi một vòng rào bằng gỗ để che ánh sáng và những đôi mắt tò mò từ bên ngoài).
Kế bên là Viện đại học Jussieu gồm hai trường : Paris VI và VII. Đại học Paris VI nổi tiếng với các phân khoa nghiên cứu và khoa học thực nghiệm, và đại học Paris VII giảng dạy về ngôn ngữ, các nền văn minh Châu Á và con người (tác giả bài viết này cũng từng giảng dạu ở Đại học này trong những năm 1990 về môn Đông Nam Á học, những sắc tộc bản địa). Khuôn viên của viện đại học này rất rộng (10.000 m2) với những ngôi nhà hình các hạt nhân nguyên tử nối liền với nhau ; ở giữa viện là một tòa nhà cao chọc trời với hàng trăm lớp học. Sinh viên theo học tại đây đang phản đối về chất amiant dùng để cách nhiêt có thể gây bệnh ung thư. Đại học Paris VI có một khu vực dành riêng (lầu 25) để triển lãm bộ sưu tầm gồm 700 viên đá quí khác nhau được thu thập từ khắp nơi trên thế giới.
Xưởng dệt hoàng gia tọa lạc tại số 42 avenue des Gobelins, quận 13, là xưởng dệt lâu đời nhất còn tồn tại ở Paris. Được Jean Gobelin thành lập từ năm 1440, xưởng dệt được vua Henri IV tân trang lại năm 1601 và dưới thời vua Louis XIV là trung tâm sản xuất thảm treo tường và sàn nhà của hoàng gia, nhất là tại điện Versailles. Năm 1937 xưởng này sát nhập vào Viện tài sản quốc gia và mở cho công chung vào xem.
Xa hơn về phía Đông Nam là thư viện quốc gia, Bibliothèque National de France - Tolbiac (Quai François Mauriac, quận 13), hay Bibliothèque Tolbiac - François Mitterrand. Đây là một công trình kiến trúc tân kỳ, do kiến trúc sư Dominique Perrault vẽ kiểu, nổi bật trên tả ngạn sông Seine với bốn cao ốc hình quyển sách mở ở bốn hướng dùng để chứa sách và hai phòng đọc gồm 1.600 chỗ ngồi nhìn ra vườn cây nhân tạo dưới mặt đất. Cũng nên biết hệ thống thư viện quốc gia Pháp tàng trữ trên 13 triệu sách và ấn phẩm, 250.000 sách viết tay, 350.000 tựa báo, khoảng 12 triệu tranh in tay, hình ảnh và bích chương, hơn 80O.000 bản đồ đủ loại, hai triệu nhạc phẩm, một triệu băng dĩa, hàng chục triệu băng video và CDrom, 500.000 loại tiền và huy chương... phân bổ trong bốn địa điểm : Richelieu (quận 1), Tolbiac - François Mitterrand (quận 13), Arsenal và Musée de l'Opéra (quận 9). Thư viện François Mitterrand, xây dựng năm 1989 và khánh thành năm 1995, chứa 10 triệu ấn phẩm (trong đó 200.000 thuộc loại hiếm có và 800.000 có thể tham khảo tại chỗ), 76.000 vi phim, 950.000 vi phiếu, trên 100.000 tác phẩm đánh số và trên một triệu băng, dĩa âm thành và hình ảnh đủ loại.
Tthư viện quốc gia, Bibliothèque National de France - Tolbiac (Quai François Mauriac, quận 13), hay Bibliothèque Tolbiac - François Mitterrand.
Đường xe điện ngầm số 14, Météor, vừa được khánh thành năm 1998, nối liền khu vực hữu ngạn, từ bến Madeleine, tới Bibliothèque François Mitterrand. Đây là một trong hai đường xe điện ngầm mới đưa vào sử dụng hoàn toàn tự động (không người lái). Cách thức trang trí trong hẹ thống đường xe điện ngầm mới này rất là lộng lẫy, khách không bao giờ nhàm chán khi chờ đón xe, mỗi 10 phút, vì hai bên vách được chiếu sáng làm nổi bật những tác phẩm điêu khắc cận đại trưng bày trong các khung kiếng hay trên trần.
Montparnasse (quận 14 và 15)
Montparnasse ngày nay đã là một tên quen thuộc đối với dân Parisien. Theo truyện thần thoại Hy Lạp, Parnasse (núi đá vôi, cao 2.457 m, cạnh thành phố Delphes tại Hy Lạp) là một trong nhiều nơi cư ngụ của thần Apollon (con của Zeus và Léto) và các nàng thơ (muses). Apollon là thần ánh sáng, nghệ thuật và bói toán, được thờ tại Delphes. Ví khu vực này với núi Parnasse (Montparnasse), những người đặt tên muốn xác nhận đây là một khu văn thơ và nghệ thuật.
Vào lúc thành lập thành phố Paris, đồi Montparnasse là nơi khái thác đá vôi xây dựng thành phố Paris, về sau được dùng làm nơi quan sát thiên văn vì sự trống trải của nó và nơi chôn cất người chết trong các hầm đá. Vào cuối thế kỷ 18, do nhu cầu dân số gia tăng, thành phố Paris mở rộng sang khu này, các nghĩa địa nhỏ được hốt cốt đi để xây dựng nhà cửa và nhà ga xe lửa. Do sinh sau đẻ muốn, khu Montparnasse không có những di tích lừng lẫy, nhưng bù lại đây là nơi dành riêng cho tao nhân mặc khách, giới yêu văn thơ, âm nhạc và nghệ thuật từ thời Hoàng Kim (Belle Epoque).
Di tích lâu đời nhất tại đây là đài quan sát thiên văn Observatoire de Paris (61, avenue de l'Observatoire, quận 14), được xây dựng năm 1667 theo lệnh vua Louis XIV để thiết lập bản đồ mặt trăng năm 1679. Không ngờ sau đó, đài thiên văn này trở thành nơi hội họp của những nhà thiên văn từ khắp thế giới đến trao đổi kiến thức. Chính tại nơi đây nhà thiên văn Urbain Le Verrier đã khám phá sao Neptune năm 1846, bởi phương pháp toán học.
Năm 1786, khi nhu cầu xây dựng nhà cửa phát triển, chính quyền Paris ra lệnh di dời các bộ hài cốt trong nghĩa trang Cimetière des Innocents (quận 1) có từ hơn ngàn năm trước về chôn trong các hầm đá quanh ba ngọn đồi (Montparnasse, Montrouge va Montsouris). Số hài cốt đào tìm trong nghĩa địa quá nhiều khiến công tác di dời hài cốt này kéo dài 15 tháng, sau đó người ta quyết định xây một nhà mồ lưu giữ các bộ hài cốt dưới đồi Montparnasse : Les Catacombes (1, Place Denfert Rochereau, quận 14), rộng 11.000 m2, hiện lưu giữ trên sáu triệu xương cốt. Những người không sợ ma có thể viếng thăm nghĩa địa ngầm này mỗi ngày, trừ những nghỉ ngày lễ, từ 9 đến 11 giờ và từ 14 đến 16 giờ, để nhìn xương cốt và sọ người chết từ hơn một ngàn năm qua.
Nghĩa địa là một nơi ảm đạm và buồn bã nhưng Le Cimetière du Montparnasse (3 boulevard Edgar Quinet, quận 14) là một "thắng cảnh" vì mỗi năm nơi này tiếp đón trên 500.000 du khách, chỉ thua nghĩa trang Père Lachaise đôi chút vì diện tích nhỏ hơn. Những nhân vật lớn, văn hào và nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp phần lớn đều chọn nơi đây làm nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đây là một vài ngôi mộ cần đến thăm vì nét độc đáo của nó : gia đình thống chế Pétain (riêng ông Pétain được chôn trên đảo Yeu ngoài khơi Đại tây Dương), nhà văn Guy de Maupassant (mất năm 1893), viên sĩ quan gốc Do Thái Alfred Dreyfus, nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi (người tạc bức tượng Nữ Thần Tự Do ở New York năm 1886), André Citroen (người sáng lập hãng xe mang tên ông năm 1919), Charles Pigeon (nhà phát minh và kỹ nghệ gia thời đại Hoàng Kim), nhà điêu khắc Brancusi, nhà văn Charles Augustin Sainte Beuve, nhà dương cầm Camille Saint Saens, nhạc sĩ Serge Gainsbourg, vợ chồng triết gia Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, nữ tài tử Mỹ Jean Seberg, nhà thơ Charles Beaudelaire, nhà nhiếp ảnh Mỹ Man Ray, nhà thơ Tristan Tzara, nhà điêu khắc Henri Laurens, nhà văn Samuel Beckett, v.v... Du khách sẽ tìm thấy nơi yên sự yên tịnh và nên đứng vài phút trước mỗi ngôi mộ để nhìn những tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị. Ở giữa nghĩa trang là bức tượng bằng đồng Le Génie du sommeil éternel (thiên thần của giấc ngủ ngàn thu), bên cạnh đó là một tháp tròn, vết tích của một cối xay gió còn sót lại từ thế kỷ 14.
Mộ gia đình Charles Pigeon được chọn là một trong những ngôi mộ đẹp nhất trong Nghĩa trang Montparnasse
Trở về thế giới người sống, Montparnasse là nơi tụ tập của giới văn nghệ sĩ trong các hàng quán, tương tự như khu Saint Germain des Prés nhưng đặc biệt là của giới điêu khắc, hội họa, kịch tác và triết gia. Các nhà văn nhà thơ Apollinaire, Max Jacob, Henry Miller đều đã một lần cư ngụ trong khu này. Xưởng làm việc của các họa sĩ Picasso, Modigliani, Miró, Max Ernst, Giacometti, Kandinski và nhiếp ảnh gia Eugène Atget nằm dọc con đường Campagne Première (quận 14). Rạp ca kịch Théâtre de Montparnasse (31, rue de la Gaité, quận 14) hiện nay vẫn giữ nguyên những trang trí có từ thời Hoàng Kim (Belle Epoque).
Khung cảng sang trọng và ấm cúng của nhà hàng La Coupole (102, boulevard du Montparnasse, quận 14) là nơi gặp gỡ của các triết gia Georges Simenon, Jean Paul Sartre, Joséphine Baker, nhà điện ảnh Roman Polanski... Căn phòng rộng lớn chính giữa trưng bày trên 39 tác phẩm của của các họa sĩ nổi tiếng như Chagall, Brancusi, v.v... Ngược lại, khung cảnh bình dân của quán rượu La Closerie des Lilas (71, boulevard du Montparnasse, quận 14) là nơi hội họp của những nhà văn, nhà thơ Verlaine, André Breton, Strinberg, Hemingway... Lénine và Trotsky thường hay la cà ở quán cà phê Le Dôme để bàn chuyện lật đổ Nga Hoàng Nicolas II.
Khu Montparnasse có ba bảo tàng viện nổi tiếng. Musée Zadkine (199 bis, rue d'Assas, quận 6) trưng bày 300 tác phẩm của điêu khắc gia người Nga Ossip Zadkine sáng tác từ 1928 đến 1967. Musée Antoine Bourdelle (16, rue Antoine Bourdelle, quận 15) trưng bày trên 900 tác phẩm của điêu khắc gia Antoine Bourdelle, người phụ tác của điêu khắc gia Rodin, từ 1884 đến 1949. Musée de la Poste (34, boulevard de Vaugirard, quận 15) gồm 15 phòng giới thiệu lịch sử ngành bưu điện và các bộ sưu tầm tem thư của Pháp.
Do không có di tích xưa, Montparnasse được biết đến với hai kiến trúc mới : một nhà chọc trời và một nhà ga tân kỳ. Nếu so với các nhà chọc trời tại New York hay Chicago, La tour Montparnasse (Place Raoul Dautry, quận 14) sẽ không thấm vào đây, nhưng tại Châu Âu đây là công trình cách mạng vì người Pháp êsợê ở trên lầu cao. La tour Montparnasse được hoàng thành năm 1973, cao 200 m, dựng trên 56 cột bê tông chôn dưới mặt đất 62 m, 56 tầng với một sân thượng có thế quan sát xa tới 10 cây số bằng mắt trần. Nhà ga Montparnasse được tân trang lại để đón nhận những đoàn xe lửa tốc hành TGV Atlantique đời thứ II (màu xanh dương, tốc độ trung bình 350 km/giờ) đưa khách từ vùng Bretagne, miền Tây nước Pháp, vào Paris. Vòm nhà ga do nhà trang trí Victor Vasarely trang hoàng một cách tranh nhã và tân kỳ.
Viện Pasteur (25, rue du docteur Roux, quận 15) được xây dựng từ 1887 đến 1889 bởi bác sĩ Louis Pasteur, người đã phát minh ra cách khữ trùng sữa và thuốc chích ngừa các bệnh dại, bệnh than. Ngày nay viện nay là trung tâm nghiên cứu nổi tiếng nhất thế giới về các loại bệnh khó trị như AIDS. Trong viện này có một bảo tàng lưu trữ căn phòng thử nghiệm và phòng ngủ của bác sĩ Pasteur, thi hài của ông cùng bác sĩ Roux, người phát minh ra ênước biển (sérum), được chôn trong ngôi giáo đường trong viện.
Công viên André Citroen (Quai André Citroen, quận 5) nằm trên tả ngạn sông Seine về phía Tây, cạnh hai công viên Les Invalides và Champs de Mars, là nơi dạo mát của dân Parisien vào những ngày đẹp trời. Công viên này được các nhà dựng cảnh Alain Provost và Gilles Clément và các kiến trúc sư Patrick Berger, Jean Paul Viguier, François Jodry vẽ kiểu và tạo dựng một cách mỹ thuật để khách bộ hành không nhằm chán vì cảnh vật thay đổi liên tục theo từng bước chân và mặt nước.
Công viên Montsouris (Boulevard Jordan, quận 14) được cảnh trí gia Adolphe Alphand xây dựng theo kiểu Anh Quốc, từ 1865 đến 1878, với những cây cổ thụ và thảm cỏ chạy thoai thoải xuống một hồ nước_.
Ngoài ra phải kể thêm Cité universitaire (19-21, boulevard Jordan, quận 14) là nơi cư ngụ của hơn 5.000 sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến Paris học tập. Khu đại học này, được xây dựng trong thập niên 1929, gồm 37 cư xá tượng trưng 37 lối kiến trúc khác nhau trên thế giới.
Quartier chinois (quận 13)
Người Pháp có một khuyết điểm lớn là không thể nào phân biệt ai là người Hoa, người Việt, người Lào hay người Kampuchea ; họ gọi chung những người xuất thân từ Đông Nam Á là Tàu (Chinois). Paris có hai nơi tập trung đông đảo hàng quán của người Đông Nam Á : quận 13 và quận 10. Vì là nơi tập trung đông nhất người gốc Châu Á, quận 13 có tên là Quartier chinois.
Người Việt và người Hoa đã có mặt tại Pháp từ lâu đời, từ đầu thế kỷ 20, nhưng chỉ thực sự đông đảo kể từ sau 1975. Tại Paris, cho đến trước thập niên 1960, cộng đồng người Hoa tập trung vào các khu Les Marais (quận 4) vào Belleville (quận 10) và cộng đồng người việt tại Maubert (quận 5), nhưng từ thập niên 1970 trở đi quận 13 trở thành nơi hội tụ đông đảo của làn sóng người đến từ Đông Nam Á (Việt, Hoa, Lào và Khmer). Ngoài ra cộng đồng người Hoa và Việt cũng có mặt tại các quận 9, 11 và 18.
Một góc Phố Tàu Paris 13 - Ảnh minh họa
Sự hiện diện của người Châu Á tại quận 13 này cũng rất tình cờ. Chương trình chỉnh trang thành phố Paris trong thập niên 1960 buộc phần lớn người Châu Á sinh trú tại khu vực trung tâm (Belleville, Marais và Maubert Mutualité) ra khỏi những khu nhà cũ nát để tái định cư ở vùng ngoại ô. Cùng lúc đó, tại quận 13, chính quyền Paris vừa xây xong những căn nhà chọc trời để cho thuê, nay là khu Olympiades, nhưng bị người Pháp tẩy chay vì không quen ở nhà cao tầng, người Châu Á mới được vào thuê. Cho đến cuối thập niên 1970, do làn sóng người Đông Dương tị nạn nhập cư ồ ạt vào Paris, khu Olympiades này rất được chiếu cố : ở phía Nam, trên cao và cạnh sông Seine, ba yếu tố địa lý này phù hợp với niềm tin về địa linh của người Việt và Hoa. Từ đó xuất hiện cộng đồng người Châu Á tại quận 13, sinh sống bằng nghề thương mại, đông nhất và lớn nhất đối với Châu Âu chứ nếu so với các Chinatown tại Hoa Kỳ, các khu này chẳng thấm vào đâu về sự sang trọng và đồ sộ.
Sinh hoạt thương mại chính tập trung vào ngành ăn uống (44,1%), kế đến là các các sinh hoạt buôn bán xuất nhập cảng và tạp hóa (37,4%), ngành dịch vụ (18,5%), trong đó cộng đồng người Hoa nói tiếng Triều Châu từ Kampuchea chiếm phần áp đảo. Nổi bật nhất là hai siêu thị hàng Châu Á : Tang Frères (7 cửa tiệm trong Ile de France, trong đó 4 tại Marne La Vallée, phía Đông Paris) và Paris Store (4 cửa tiệm, trong đó 3 tiệm ở Marne La Vallée).
Phần lớn các sinh hoạt thương mại của người Châu Á tại Paris tập trung quanh hai tục giao thông chính : Avenue d'Ivry và Avenue de Choisy. Trên một vài đại lộ khác (Avenue d'Italie, Boulevard Vincent Auriol, rue Tolbiac...), các cửa tiệm ăn uống Việt và Hoa đông ngang nhau. Như tại Đông Nam Á, các cửa tiệm của người Hoa nằm ở mặt tiền hay các nơi thuận lợi cạnh các trục giao thông lớn, còn các tiệm của người Việt, Khmer và Lào lùi vào các đường nhỏ hay trong hẻm. Đi dạo trong Khu Tàu quận 13 không khác gì đi dạo tại Chợ Lớn, ở đâu cũng thấy những cửa hiệu viết chữ Hán thật lớn, bên cạnh đó là những cửa hiệu viết chữ Việt thật nhỏ.
Những dịp lễ lớn, Tết Nguyên Đán hay Tết Trung Thu, sinh hoạt văn hóa hay những cuộc biểu diễn múa lân ngoài đường của người Trung Hoa gây nhiều chú ý nhất.
Nguyễn Văn Huy
(02/08/2024)
Đóa hoa tám cánh
Paris vừa là thủ đô của nước Pháp vừa là thành phố trung tâm của Đảo Pháp Quốc (Île de France).
Hội đồng vùng Ile de France chọn đóa hoa tám cánh làm biểu tượng cho Vùng Paris (Région parisienne).
Île de France là một trong 13 vùng hành chánh đại lục (métropole) của Pháp, gồm 8 tỉnh và 1.281 đơn vị hành chánh lớn nhỏ, trong đó Paris (mã số 75) là đơn vị trung tâm với ba tỉnh ngoại ô gần : Hauts de Seine (92), Seine-Saint Denis (93) và Val de Marne (94) tạo thành Vòng Đai Nhỏ (Petite Couronne) và bốn tỉnh ngoại ô lớn : Essonne (91), Seine et Marne (77), Val d'Oise (95) và Yvelines (78) tạo thành Vòng Đai Lớn (Grande Couronne). Mỗi tỉnh có một tòa tỉnh trưởng (préfecture) và nhiều thành phố lớn nhỏ với các tòa thị chánh (mairie) ; tỉnh trưởng do tổng thống và chính phủ chỉ định, phụ trách các vấn đề an ninh, trật tự và bảo vệ môi sinh ; các chức vụ dân biểu, thị trưởng (maire), nghị viên tỉnh và vùng đều qua phổ thông đầu phiếu.
Ngày 10/10/2005 Hội đồng vùng Île de France chọn hình một ngôi sao 8 cánh, thật ra là một đóa hoa 8 cánh) làm biểu tượng bình đẳng giữa các tỉnh kết hợp thành Vùng Paris.
Do không thể lấy tháp Eiffel làm biểu tượng chung cho toàn vùng, bị phủ quyết bởi các hội đồng dân cử địa phương, ngày 10/10/2005 Hội đồng vùng Île de France chọn hình một ngôi sao 8 cánh làm biểu tượng chung cho vùng. Mỗi cánh sao tượng cho một tỉnh của vùng.
Trước đó Hội đồng vùng Ile de France chọn đóa hoa 7 lá (4 cánh lớn màu xanh dương bao 3 cánh nhỏ màu trắng ôm nhụy hoa màu đỏ, tượng trưng cho Paris là trung tâm), sau này bị bãi bỏ và thay bằng logo hình ngôi sao 8 cánh.
Tuy có một diện tích nhỏ, 12.011 cây số vuông, trong đó chỉ 20% diện tích được đô thị hóa (nhà cửa, đường sá, cầu cống, công viên, sân thể thao...), nhưng Île de France tập trung 18% dân số toàn quốc, với 12,4 triệu dân năm 2024 (12.317.279 dân năm 2021). Mật độ dân số chính vì vậy rất cao : trung bình 1.025 người trên một cây số vuông. Mật độ dân số nội thành Paris (intra-muros) là cao nhất : 20.238 người/km2 (2 133 111 người sinh sống trên 105,4 km2) ; Vòng Đai Nhỏ (gồm 3 tỉnh, 123 đơn vi hành chánh, 4.719.328 dân sinh sống trên 656,8 km2) : 7.185 người/km2 ; Vòng Đai Lớn (gồm 4 tỉnh, 384 đơn vị hành chánh, 5.464.840 dân sinh sống trên 11.250 km2) : 486 người/km2, vẫn cao hơn mật độ dân số trung bình toàn nước Pháp (106,5 người/km2).
Tỷ lệ gia tăng dân số trung bình của Île de France là 0,6% một năm. Năm 2023 có 154.000 trẻ em chào đời và 77.000 người qua đời, sai biệt dương là 77.000 người.
Vùng Île de France cũng là nơi có tỷ lệ cộng đồng người gốc ngoại quốc cao nhất nước Pháp : 2,3 triệu người (40% dân số ngoại quốc trên toàn quốc), tương đương với 20% dân số tên toàn vùng. Người gốc Châu Á và Đông Dương trong Île de France chỉ chiếm 0,3% dân số toàn vùng (khoảng 350.000 người).
Trái tim giữa hình lục lăng
Sự tập trung dân số đông đảo này đã biến Paris, ngoài vị trí là thủ đô chính trị, và vùng phụ cận thành trung tâm đầu não của mọi sinh hoạt của nước Pháp trong mọi lãnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, kỹ thuật và du lịch. Paris chính vì vậy được coi là trái tim (của vùng Île de France) trong trái tim (của nước Pháp).
Bị lu mờ bởi ánh sáng Paris, Île de France thường được gọi là Vùng Paris (RP-Région Parisienne), nhưng dân chúng ở ngoại ô không được gọi chung là Parisien mà là Francilien (đọc ngược từ chữ Île de France : France và Île). Trong thực tế, sự phân biệt này chỉ xảy ra giữa những người sinh sống trong vùng Île de France mà thôi, đối với người ngoài tất cả những ai sinh trú trong Vùng Paris đều được gọi chung là Parisien (dân Paris). Làm dân thủ đô lúc nào cũng oai hơn là dân các tỉnh lẻ !
Sự hãnh diện này có lý do của nó. Trọng lượng kinh tế, kỹ thuật và chất xám của Vùng Paris cao nhất nước Pháp : Île de France cung cấp 31% tổng sản lượng quốc gia (GDP), sử dụng 49% dân số hoạt động, tập trung 71% dịch vụ ngân hàng, 50% dịch vụ bảo hiểm, 44% kỹ thuật cao cấp (hi-tech), 27% dịch vụ truyền thông và chuyên chở, sản xuất 38% dược phẩm và hóa chất, 34% kỹ nghệ điện tử và điện toán... Sự năng động này giải thích tại sao tỷ lệ thất nghiệp của Vùng Paris luôn thấp : 7%, so với toàn quốc là 7,5%.
Ngoài vị trí trung tâm, Vùng Paris còn là ngã tư của Liên Hiệp Châu Âu, nếu không muốn nói là trung tâm của Liên Hiệp Châu Âu. Mỗi năm có ít nhất 200 cuộc họp quốc tế được tổ chức tại Paris.
Hai phi cảng quốc tế Vùng Paris đưa đón mỗi năm khoảng 100 triệu khách từ khắp nơi ra vào đất Pháp (Roissy Charles de Gaulle : 68 triệu và Orly hơn 32 triệu), với trên 200 công ty hàng không dân sự của 80 quốc gia trên thế giới. Đó là chưa kể phi trường Le Bourget và các phi đạo nhỏ dành cho các loại máy bay du lịch và trực thăng đưa đón mỗi năm hơn 300.000 hành khách. Những cuộc triển lãm hàng không quân sự và kỹ thuật viễn thông quốc tế mỗi năm tổ chức tại Le Bourget.
Đường xe lửa tốc độ nhanh (TGV-Train à Grande Vitesse), với sáu nhà ga lớn (Gare du Nord, Gare de l'Est, Gare de Lyon, Saint Lazare, Austerlitz và Montparnasse), rút ngắn khoảng cách giữa các trung tâm đô thị lớn với một thời gian tối thiểu : Paris-Milan : 5 giờ, Paris-Frankfurt : 3 giờ, Paris-Genève : 3 giờ 20 phút, Paris-London : 2 giờ 40 phút. Pháp có trên 2.600 km đường sắt tốc độ nhanh (LGV-Ligne à grande vitesse).
Xe lửa tốc độ nhanh của Pháp có thể chạy với tốc độ trung bình từ 270 km/giờ đến 320 km/giờ (tốc độ chạy thử cao nhất là 575 km/giờ năm 2007 từ Strasbourg đến Paris)
Hệ thống giao thông đường bộ, các xa lộ và quốc lộ của Pháp rất tân tiến và an toàn, nối liền sự liên lạc giữa các thành phố lớn Tây Âu với Paris. Người Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg có thể vào Paris bằng xa lộ A1 ; người Đức và Thụy Sĩ đến Paris bằng xa lộ A4, người Ý vào bằng xa lộ A7, người Tây Ban Nha bằng xa lộ A10 và người Anh có thể từ cảng Calais đến Paris bằng xa lộ A16. Trong nội địa có trên 20 xa lộ lớn nhỏ nối liền các vùng và địa phương với nhau.
Chiều dài tổng cộng hệ thống đường cao tốc trên toàn nước Pháp khoảng 20.849 cây số, trong đó 12.379 cây số xa lộ và 8.470 km quốc lộ. Đó là chưa kể hàng trăm quốc lộ và tỉnh lộ với độ dài tổng cộng gần 200.000 cây số, được xây dựng rất tân tiến, đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển trong nước Pháp. Sự khác biệt duy nhất giữa xa lộ với quốc lộ và tỉnh lộ là phải trả tiền mãi lộ, trung bình từ 0,5 đến 1 EUR cho 10 km, khá đắt nhưng bù lại người lái xe hưởng mọi tiện nghi miễn phí trên xa lộ, đặc biệt là những trạm nghỉ ngơi lúc nào cũng rộng rãi, sạch sẽ và tươi mát nhất là vào mùa hè, nhiều chương trình giải trí công cộng và miễn phí được tổ chức để du khách giải trí và giảm tress. Khi bị tai nạn, xe bị hư hay đau yếu tại bất cứ địa điểm nào trên xa lộ mọi người đều được giúp đỡ miễn phí. Tốc độ cho phép chạy trên tỉnh lộ và quốc lộ là 90 cây số/giờ, trên xa lộ tối đa là 130 cây số/giờ khi đường khô, 110 cây số/giờ khi đường ướt và từ 50 đến 70 cây số/giờ khi có sương mù, nhưng trong thực tế rất ít ai tôn trọng, thường thường phải thêm 20 cây số/giờ cho mỗi bản ấn định. Trước kia Pháp là quốc gia có tỷ lệ tai nạn lưu thông cao nhất Châu Âu, mỗi năm có khoảng 6.000 chết vì tai nạn xe cộ, nay với số radar kiểm soát đặt dọc các tuyến đường bộ, số người chết vì tai nạn giao thông giảm hẳn một nửa : 3.173 năm 2023.
Những ai muốn đến Pháp an toàn hơn thì có thể đi bằng đường biển, từ các hải cảng quốc tế rất tối tân và tiện nghi : Calais, Dieppe và Le Havre trên biển Manche, Marseille và Nice trong biển Méditerranée để đến của ải cảng khác trên toàn thế giới. Nhưng đến Paris thì khách nên dùng đường bộ, đường sắt hay đường hàng không. Ngoài ra còn có hàng trăm hải cảng nhỏ nằm rải rác các bờ biển đón nhận những khách đến bằng du thuyền hay thuyền thể thao. Đó là chưa kể hệ thông giao thông đường sông có thể di chuyển trong nội bộ nước Pháp và sang của quốc gia Châu Âu khác bằng hệ thống kinh đào chi chít từ Tây sang Đông đến Biển Đen, qua của sông lớn : Rhine, Donau, v.v.
Nhân nói đến biển, không thể quên hệ thống đường ngầm xuyên qua biển Manche nối liền nước Anh với nước Pháp0. Đây là công trình xây dựng hỗn hợp vĩ đại nhất trước giữa nửa cuối thế kỷ 20 giữa Pháp và Anh, xóa bỏ khoảng cách ngăn chia vương quốc hải đảo Anh với lục địa Châu Âu trong suốt một thời kỳ dài đầy tương tranh và thù địch trong quá khứ.
Đường ngầm xuyên biển Manche
Đường ngầm xuyên qua biển Manche (Channel Tunnel hay Chunnel, tiếng Pháp là Eurotunnel), được khánh thành ngày 6/5/1994, sau gần bảy năm xây dựng, từ tháng 12/1987 đến tháng 4/1994. Đường ngầm được đào sâu dưới lòng biển 45 mét và chia ra làm hai phần : đường sắt gồm hai đường hầm dài 53 cây số nối liền thành phố Folkstone (Anh) với thành phố Peuplingues (Pháp) để chuyên chở hàng hóa và hành khách ; phần đường bộ ở giữa dài 35 cây số ở giữa dành cho dịch vụ bảo trì, cấp cứu.
Sơ đồ hệ thống đường sắt Eurotunnel - Ảnh minh họa
Ước muốn xây dựng một con đường nối liền lục địa Châu Âu với đảo Great Britain (Anh Quốc) đã có từ lâu, từ thế kỷ 19. Trước đó nhiều dự án vượt biển Manche đã được đề ra, như xây một cây cầu vĩ đại hay một đường ống ngầm trên đáy biển, nhưng đều bị quốc hội Anh bác bỏ vì sợ bị tràn ngập bởi di dân từ lục địa già vào đảo.
Năm 1802, một kỹ sư người Pháp, Albert Mathieu Favier, đề nghị xây dựng một đường ống ngầm trên đáy biển từ Pháp qua Anh dành cho xe ngựa ; một hòn đảo nhân tạo dựng lên giữa biển dùng làm trạm giao liên để thay đổi ngựa ; hệ thống chiếu sáng là những đèn dầu đặt suốt đường ngầm với những ống dẫn gió và không khí được khoét dọc đường ống ngầm trổ lên mặt biển. Dự án này bị bác bỏ vì quá rủi ro.
Một kỹ sư trẻ người Pháp tên Thomé de Gamond thiết kế một đường ngầm đào sâu dưới lòng biển nối liền hai quốc gia Anh và Pháp. Sau 40 năm nghiên cứu đất đai cấu tạo thềm lục địa và độ sâu của biển Manche, năm 1856 Thomé de Gamond công bố dự án xây dựng một con đường sắt chạy dưới đáy biển từ Folkestone (Anh) đến Cap Gris Nez (Pháp). Dự án này gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên viên giữa hai nước, sau cùng cũng bị bỏ rơi vì quá tốn kém.
Tiếp theo sau là một loạt những dự án tương tự của người Anh (dự án đường sắt của kỹ sư Low năm 1867, dự án đường sắt và đường bộ của hai kỹ sư Brumies và Hawkshaw năm 1868), tất cả đều bị bác bỏ bởi những lý do tương tự : không an toàn và quá tốn kém.
Nhưng đường ngầm dưới biển Manche vẫn tiếp tục hấp dẫn dân chúng hai bên bờ biển Manche. Trong thập niên 1870, nhiều công ty đào đường ngầm Anh và Pháp được thành lập. Trong giai đoạn từ 1860 đến 1880, đại tá Fred Beaumont phát minh ra máy đào hầm dưới đáy biển, và được kỹ sư Arthur English cải tiến, làm thay đổi tất cả kỹ thuật khoan dò. Loại máy mới này, có tên là Beaumont-English, rất hữu hiệu : ở đầu máy khoan có một hệ thống khí nén cực mạnh tống thải đất đá vừa đào ra sau, nhờ đó công tác khoan đào tiến hành rất nhanh với khối lượng thải đất rất lớn. Bắt đầu từ 1880, với máy Beaumont-English, các công ty hai bên bờ bắt đầu đào thử tại mõm Shakespeare Cliff (Anh) gần cảng Dover, sâu 2.000 mét, và tại Sangatte (Pháp) gần cảng Calais, ở độ sâu 1.600 mét, nhưng Quốc hội Anh vẫn tiếp tục ngăn cản, các công trình đều bị đình chỉ.
Máy đào hầm được sử dụng dưới lòng biển Manche - Ảnh minh họa
Sang đầu thế kỷ 20, quan hệ Anh Pháp thêm thuận thảo sau Đệ nhất thế chiến, các dự án xây dựng hệ thống đường sắt dưới biển Manche được hâm nóng lại. Năm 1922, máy khoan Douglas Whitaker được dùng để đào đường hầm nhưng khi vừa đạt tới độ sâu 128 mét thì bị đình chỉ vì lý do chính trị. Sau Đệ nhị thế chiến, dự án đường ngầm được hồi sinh, nhiều cuộc nghiên cứu địa chất dưới đáy biển được tiến hành. Đến năm 1956 tổ hợp Anh-Pháp đầu tiên mang tên Cơ Quan Nghiên Cứu Đường Hầm Dưới Biển Manche được thành lập ; năm 1960 tổ hợp thực hiện một số công trình tại hai địa điểm Folkestone và Sangatte. Năm 1974, hai bên quyết định đào thử một đường ngầm nhưng vừa đào được 1.400 mét công tác bị đình chỉ vì lý do tài chánh, tuy nhiên đường ngầm này vẫn được giữ nguyên. Thời gian sau, từ 1980 đến 1984, sau khi hội đủ các điều kiện kỹ thuật và tài chánh, chính phủ hai nước chuẩn y dự án xây dựng đường ngầm chung.
Tháng 1/1986, thủ tướng Margaret Thatcher và tổng thống François Mitterrand chính thức công bố chấp thuận dự án và cho gọi thầu vốn tư nhân. Hai tổ hợp tư nhân Channel Tunnel Group (Anh) và France Manche (Pháp) trúng thầu xây dựng, sau này cả hai kết hợp lại và đổi tên thành tổ hợp Eurotunnel. Ngày 12/2 cùng năm, thỏa ước xây dựng được long trọng ký kết tại Canterburry (Anh). Ngày 14/3, tổ hợp Eurotunnel được phép chuyển nhượng quyền quản lý đường ngầm, 55 năm sau khi khánh thành.
Ngày 1/12/1987, hệ thống đường ngầm bắt đầu đào tại hai nơi, một tại thành phố Folkestone (Anh) ở mõm Shakespeare Cliff và một tại thành phố Coquelles (Pháp) ở mõm Sangatte. Đây là một công trình rất tốn kém, không những cho các công trình kiến trúc tân kỳ, những các kỹ thuật đào đường hầm, dẫn điện, bơm gió, bơm nước, làm lạnh, phòng ngừa hỏa hoạn, đường ngầm cấp cứu và sửa chữa, điện toán, thông tin, v.v., mà còn cho môi sinh. Tổ hợp Eurotunnel phải xây dựng nhiều tường chắn tiếng động, trồng cây, đổ đất để cải thiện cảnh quang để không làm phiền dân chúng cư ngụ gần đó.
Có ba hệ thống đường ngầm. Hai đường ngầm dành cho hệ thống đường sắt, mỗi bên dài 53 cây số, bề ngang rộng 7,6 mét, vách bê tông kiên cố, mỗi đường cách nhau 30 mét, dùng để chuyên chở hàng hóa, xe cộ và người. Ở giữa hai đường sắt là một hệ thống đường bộ, dài 35 cây số, rộng 4,8 mét, dùng để bảo trì đường ngầm, chuyên chở cấp cứu. Các loại xe dùng trong đường ngầm ở giữa đều chạy bằng điện để tránh ô nhiễm không khí, các đường dây điện trong ba đường hầm rất chằn chịt và được gắn chặt vào các vách. Cứ mỗi 375 mét có một đường ống bắt ngang hai đường sắt qua đường ống ở giữa và cứ mỗi 200 mét có một máy thổi không khí và hơi lạnh để điều hòa khí hậu trong các đường hầm.
Trong thực tế, đường ngầm dưới đáy bể dài hơn 20 cây số, nằm sâu 45 mét dưới đáy bể, và hơn 30 cây số còn lại là trên đất liền, nằm sâu dưới lòng đất 75 mét. Mỗi phía thực hiện 6 công trình cho 3 đường hầm dưới biển và 3 đường hầm trên đất liền, tổng cộng là 12 công trình. Có tất cả 11 máy đào hầm được dùng : phía Anh có 6 máy (3 trên đất liền, 3 dưới đáy biển), phía Pháp có 5 máy (2 trên đất liền và 3 dưới đáy biển). Các máy đào hầm rất vĩ đại : máy đào hầm cho đường sắt có đường kính trung bình 8,6 mét, dài 250 mét ; máy đào hầm cho đường bộ có đường kính trung bình 5,6 mét và dài 280 mét. Tại Anh, nhờ thềm lục địa khá mềm, tiến độ đào trung bình mỗi ngày là 75 mét, mỗi tuần 428 mét, mỗi tháng 1.720 mét. Tại Pháp, vì gặp phải thềm lục địa cứng, tốc độ đào có phần chậm hơn : trung bình mỗi ngày đào được 56 mét, mỗi tuần 292 mét và mỗi tháng 1.105 mét. Đường ngầm dùng cho dịch vụ được nối liền và thông thương ngày 1/12/1990, đường ngầm dùng cho đường sắt phía Bắc đã được nối liền và thông thương ngày 22/5/1991 và phía Nam ngày 28/6/1991.
Hệ thống chuyên chở dưới biển Manche dành cho hành khác và hàng hóa chỉ có thể bằng đường sắt, thời gian di chuyển trung bình dưới biển từ bờ này đến bờ kia là 35 phút, từ Paris đến London, hay ngược lại khoảng 2 giờ 40 phút. Các loại xe hàng và xe du lịch được chở trên những toa xe bánh sắt Shuttle ; hành khách có thể đi trên các loại xe lửa tốc độ nhanh Thalys và Eurostar. Từ khi đi vào hoạt động, tháng 5/1994, số lượng hành khách, xe cộ và hàng hóa qua lại biển Manche bằng đường hầm không ngừng gia tăng, chỉ giảm đi chút đỉnh khi một đoạn đường trong hầm bị hỏa hoạn tháng 11/1998 và trở lại nhịp độ bình thường đầu năm 1999. Năm 2023 có 10,7 triệu hành khách, 3,5 triệu xe cộ đủ loại và 1,829 tỷ EUR hàng hóa qua lại bằng đường ngầm dưới biển Manche.
Đường ngầm dưới đáy biển dành riêng cho xe hơi chưa thể thực hiện trong lúc này vì chưa tìm ra cách vô hiệu hóa nguồn khí thải do khói xe phun ra. Trong tương lai, khi các loại xe chạy bằng điện, hay bằng một loại nhiên liệu không ô nhiễm, các kỹ sư Anh và Pháp có thể thiết lập những dự án xây đường ngầm dành cho xe du lịch dưới biển Manche. Sự lo sợ nạn động đất có thể phá hủy đường ngầm không thể loại trừ nhưng kỹ thuật xây dựng chống động đất ngày nay rất hữu hiệu. Chỉ có vấn đề hỏa hoạn trên đường vận chuyển là đáng lo âu, trong thực tế đã xảy ra rồi (ngày 20/11/1998), tổ hợp Eurotunnel đang kiện toàn hóa các phương tiện cấp cứu và phòng chống hỏa hoạn.
Mục đích xây dựng đường ngầm dưới biển Manche là để dân tộc Anh thông thương dễ dàng với lục địa Châu Âu, nhất là với Pháp. Mỗi năm có hơn 10 triệu người Anh đến Pháp để viếng thăm Paris và các vùng trồng nho nổi tiếng. Vì quen chạy xe bên tay trái, người Anh gặp khá nhiều khó khăn khi lái xe vào Paris, cũng như người Pháp lái xe qua Anh, thăm các thắng cảnh và di tích văn hóa.
Nhiều mối tình đẹp giữa giới trẻ Anh và Pháp đã trở thành bất tử - Jean François Michael hát Adieu jolie Candy
Những con đường dẫn vào Paris
Được thiết kế như hình ngôi sao với Paris là trung tâm điểm, hệ thống giao thông của Île de France tỏa đi khắp nơi trong vùng và trên khắp nước Pháp, không một khu vực dân cư nào không có một con đường ngang qua. Hiện tại Paris có 6 xa lộ trực tiếp chạy vào vòng đai Thành phố : A1, A3, A4, A6, A13 và A14. Trong thức tế có nhiều xa lộ vào Vùng Paris phải nhập vào hệ thống xa lộ vòng đai xa A104 và vòng đai gần A86, như các xa lộ A10 (từ vùng Nouvelle Aquitaine và sông Loire) và A11 (từ vùng Bretagne) phải nhập vào xa lộ A6, các xa lộ A15 và A16 phải nhập vào xa lộ Vòng đai nhỏ A86. Phải kể thêm những quốc lộ lớn được thiết kế như xa lộ nhưng miễn phí cũng tan biến vào các xa lộ vòng đai A104 và A86 như các quốc lộ N2 (từ phía bắc), N3 (miền đông bác), N34 và N4 (miền đông), N118, N10 và N20 (miền nam), xa lộ A12 nhập vào xa lộ A13, v.v.
Paris được bao bọc bởi bốn hệ thống đường bộ vòng đai.
Vòng đai thứ nhất, Petite Ceinture hay Rocade, còn gọi la Boulevards des Maréchaux (tên những danh tướng của Napoléon đệ nhất), dài 33,7 km, tốc độ trung bình là 50 km/giờ. Vòng đai này gần như song song với Boulevard périphérique, đôi khi chỉ cách nhau khoảng 150 m.
Vòng đai thứ hai, gọi là Boulevard Périphérique (BP), hay Périphérique, dài 35 cây số, nối liền 38 cửa ra vào nội thành Paris, có cấu trúc như xa lộ với hai tuyến nội và ngoại, tốc độ trung bình là 70 km/giờ. Đây là đoạn đường chật xe nhất nước Pháp với 1,3 triệu xe đủ loại lưu thông mỗi ngày, và cũng là con đường gây ô nhiễm nhất nước Pháp, nhất là những khu dân cư (khoảng 100.000 người) ở cách đó 400 m.
Vòng đai thứ ba (Petite Couronne) : xa lộ A86 hay Autoroute périphérique, cách trung tâm Paris từ 10 đến 15 cây số, dài trên 120 cây số, nối liền các thành phố ngoại ô gần .
Vòng đai thứ tư (Grande Couronne) : xa lộ A104 hay Francilienne, cách trung tâm Paris từ 15 đến 25 cây số, dài 250 cây số nối liền các thành phố ở ngoại ô xa.
Trên xa lộ, người lái xe thường xuyên được thông báo, bằng hệ thống các bảng báo hiệu bằng chữ đèn điện Sirius, thời gian di chuyển đến một địa điểm nào đó, hay khoảng cách có tai nạn trên đường và nạn kẹt xe. Ngoài ra người lái xe có thể mở radio để nghe đài FM107.7 để nhận những thông báo riêng trong xe về lưu thông để tránh các chốt kẹt xe. Trở ngại duy nhất cho người ngoại quốc là các tín hiệu đèn báo trên đường đều viết bằng tiếng Pháp, nhưng khách quốc tế có thể sử dụng GPS bằng ngôn ngữ của nước mình.
Hệ thống xa lộ, quốc lộ và tỉnh lộ đi vào Vùng Paris
Hệ thống giao thông Vùng Paris được xem là hoàn hảo và chằng chịt nhất Châu Âu, dùng cho đủ loại phương tiện di chuyển đường bộ, đường sắt, đường thủy và trên không.
Mặc dù chỉ chiếm 2% diện tích trên một khu đất hẹp (12.000 cây số vuông), hệ thống đường bộ vùng Île de France rất là hoàn hảo và miễn phí. Île de France có hơn 900 cây số xa lộ vòng đai, 1.800 cây số quốc lộ, 6.000 cây số liên tỉnh lộ và trên 50.000 cây số nội thành cho hơn 10 triệu xe đủ loại di chuyển mỗi ngày. Điểm xấu và cũng là điểm nổi bật của hệ đường sá tại Pháp là rất hẹp và ngoằn nghèo, những người lái xe thường rất vội vả và không biết nhường nhau. Tuy vậy những người lái xe trong Vùng Paris nổi tiếng là chạy rất nhanh và giỏi luồn lách, xe phía trước chỉ cần chạy chậm một giây hay để hỡ vài thước là có xe khác chen vào ngay. Đó là chưa kể các bãi đậu xe rất hẹp, chỉ vừa đủ để cho xe ra vào và mở cửa để ra ; khoảng cách giữa hai chiếc xe đậu trên bãi là 10 cm trước và sau, và người lái xe chỉ có từ 5 đến 10 giây để đưa xe vào, chậm hơn là bị bấm còi vì làm cản trở lưu thông. Do đó chạy xe trong nội thành Paris phải rất bình tĩnh, kiên nhẫn và nhất là phải có bản lãnh cao cường mới đối phó được mọi tình huống. Tốc độ cho xe chạy trong nội thành hiện nay là 30 km/giờ và ngoại thành là từ 50 đến 70 km/giờ nhưng ít ai tôn trọng, thường phải tăng thêm 20 km/giờ ; trên xa lộ thì không có giới hạn, có người chạy tới 200 km/giờ (135 miles), tai nạn lưu thông do đó thường xuyên xảy ra, nhiều khi có người chết, nhưng bực nhất là bị mất thì giờ vì giao thông tắt nghẽn.
Nhân nói tắt nghẽn giao thông, mỗi năm dân Franciliens bị kẹt xe chừng 100 triệu giờ, hệ thống đường bộ ra vào Paris là thường xuyên bị tắc nghẽn trong các giờ cao điểm. Tiếng ồn và nạn ô nhiễm do bụi khói xe gây khá nhiều phiền nhiễu cho dân chúng trong vùng, đó là chưa kể một số đường sá bị cấm lưu thông ban đêm để tu sửa gây cảnh tắc ứ hay phải đổi đường (nhất là trước ngày Thế Vận Hội Paris 2024 khai mạc). Các hãng sản xuất xe hơi lớn của Pháp (Peugeot, Citroën và Renault) đã nghiên cứu và tung ra thị trường các loại xe chạy bằng điện trong nội thành Paris vào năm 2000. Chính vì thế, chính quyền khuyến khích dân chúng sử dụng các loại chuyên chở công cộng (xe bus, xe điện ngầm, xe lửa) di chuyển trong vùng. Tại một số đường phố trung tâm phố Paris, chính quyền còn dành một số ngày trong năm để dân chúng di chuyển bằng xe đạp và roller. Trong nội thành, con đường tốc hành xuyên trung tâm Paris, Voie express Pompidou, dọc hai bờ sông Seine từ Đông sang Tây giúp tránh nạn kẹt xe ở các ngã tư đèn đỏ.
Boulevard Périphérique (BP), hay Périphérique, dài 35 cây số, nối liền 38 cửa ra vào nội thành Paris, có cấu trúc như xa lộ với hai tuyến nội và ngoại
Hệ thống xe bus trong nội thành Paris cũng rất hoàn chỉnh, ban ngày (từ 5 giờ đến 22 giờ) có 57 tuyến đường khác nhau đưa đón khách từ 1.760 trạm ; ban đêm có 10 tuyến chạy tới 2 giờ sáng. Ngoại thành có trên một ngàn tuyến xe bus với 7.200 trạm do công ty quốc doanh RATP quản lý và hàng trăm tuyến do hai công ty tư nhân APTR và ADATRIF làm chủ. Cứ mỗi 10 hay 15 phút là có một chuyến xe bus ghé trạm, bất cứ nơi đâu trong vùng. Hệ thống xe bus Vùng Paris, rất tiện nghi, mỗi năm đưa đón trên một tỷ người.
Hệ thống đường sắt có lẽ điểm son của Vùng Paris, không nơi nào không có một trạm đường sắt băng ngang và thường xuyên cứ mỗi 5 hay 20 phút là có một chuyến xe cập bến, tùy nơi cư ngụ. Với trên 1.300 cây số đường sắt và 254 trạm đón khách, do công ty quốc doanh SNCF trực tiếp quản lý, mỗi ngày có trên 22 triệu người sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng trên đường rầy di chuyển trong Vùng Paris. Mỗi năm có gần hai tỷ rưỡi người sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng trên các đường sắt ra vào Paris, trong đó 1,3 tỷ người dùng métro (xe điện ngầm) trên 14 tuyến đường khác nhau từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam, 400 triệu người dùng xe lửa điện RER (Réseau Express Régional-Hệ thống Tốc Hành Vùng) với 4 tuyến (A, B, C, D) từ tám hướng ngoại thành ra vào Paris, và 600 triệu người đi trên 260 tuyến đường sắt từ các nơi khác ra vào sáu nhà ga lớn của Paris. Hiện nay dân chúng vùng Île de France có thể di chuyển trên những chuyến xe bus điện (Tramway) hay xe lửa điện không người lái (Eole và Météor) trong nội thành Paris và Vòng Đai Nhỏ, mỗi giờ có thể chuyên chở trên 18.000 hành khách. Trong tương lai hệ thống chuyên chở đường sắt không người lái hay tự động sẽ được tăng cường thêm với các tuyến BOA và Orbitale (170 cây số với 170 trạm) trong chương trình Grand Paris Express dự trù đi vào hành động cuối năm 2025 và hoàn tất năm 2030. Tại một số thành phố ngoại ô gần, hệ thống xe điện treo (tramway) tái xuất hiện, vì ít ô nhiễm và gây tiếng ồn hơn cmác loại chuyên chở khác.
Hệ thống xe lửa tốc độ nhanh (TGV-Train à grande vitesse) trong tương lai sẽ cạnh tranh với các hãng hàng không dân sự trong việc chuyên chở hành khách vào các trung tâm thành phố lớn trong nội địa. Ưu điểm của hệ thống đường sắt tại Pháp là rất êm và tiện nghi, các nhà ga chính nằm ở trung tâm thành phố, không như các phi trường ở các xa trung tâm thành phố trung bình từ 10 đến 20 cây số. Hiện nay Pháp đang thử nghiệm một loại xe mới với tốc độ trung bình là 545 km/giờ (370 miles), rút ngắn mọi khoảng cách vào trung tâm Paris. Bất tiện duy nhất là chưa có hệ thống đường sắt tốc hành chạy sang sang các quốc gia Tây Âu và xuyên các biển. Khuyết điểm lớn của ngành đường sắt Pháp là hay trễ giờ, do các nghiệp đoàn thường tổ chức đinh công vào những dịp nghỉ lễ và nghỉ hè (để làm áp lực với ban giám đốc SNCF, và cũng để chọc tức giới trung lưu Pháp).
Hệ thống đường thủy trong vùng Paris, với 70 giang cảng lớn nhỏ, tuy ít được nhắc tới nhưng rất hữu hiệu trong việc chuyên chở vật liệu xây cất cồng kềnh và nặng nề. Phần lớn những di chuyển trên sông đều thực hiện từ sông Seine ra tới cửa biển Manche tại Rouen và Le Havre. Trọng lượng chuyên chở tổng cộng là 30 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Con kinh Ourcq, dài 108 cây số nối liền sông Seine với phụ lưu sông Marne ở phía Bắc Paris, trước kia dùng để đưa nước uống về Paris nay được dùng để chuyên chở vật liệu xây cất và là nơi đi dạo mát của dân Parisien, nhiều nơi có cảnh trí tuyệt đẹp và thơ mộng, nhất là vào mùa thu và mùa xuân. Điểm dừng của con kinh Ourcq tại Paris mang tên Saint Martin ở quận 10.
Tuy có tầm vóc của một thành phố quốc tế nhưng Paris trước hết được thiết kế riêng cho dân Parisien. Lịch sử thành lập 20 quận (arrondissement) nội thành có một lôgíc riêng, tất cả xoay quanh Đảo Thị Trấn (Ile de la Cité) trên sông Seine, hòn đảo lịch sử đã tạo ra thị trấn của người Parisii.
20 quận nội thành
Năm 1851, dười thời Napoléon III, nam tước Georges Haussmann được giao nhiệm vụ mở rộng Paris theo đúng qui hoạch của một thành phố lớn đang phát triển. Haussmann cải thiện hệ thống đường sá, cầu cống, nước uống, công viên và chia Paris thành 20 quận theo hình ốc soắn.
20 quận nội thành Paris - Ảnh minh họa
Quận 1 tập trung các di tích văn hóa nổi tiếng : quảng trường Concorde, bảo tàng Louvre, phố Rivoli, điện Palais Royal, đường Saint Honoré và điện Tuileries.
Quận 2 có Opéra (nhà hát lớn), Opéra comique (nhà hát Hài hước), đền La Madeleine, Grands Boulevards (những đại lộ lớn có trồng cây), La Bourse (thị trường chứng khoán Paris).
Quận 3 gồm hai khu Marais và Beaubourg. Khu Marais là nơi có nhiều di tích hoàng tộc và sinh hoạt thương mại sầm uất. Cộng đồng người Do Thái tập trung vào quận này rất đông, về sau có thêm cộng đồng người Hoa vào đây lập nghiệp. Beaubourg là nơi tuổi trẻ tìm đến giải trí, các quán cà phê lề đường (café terrasse) lúc nào cũng đầy nghẹt khách khi có nắng ấm. Trung tâm Pompidou có một thư viện rất lớn và một khu triểm lãm tranh mới.
Jeanne Mas hát Loin d'ici (2008)
Quận 4 bao gồm một phần khu Marais, nhà hát mới (Opéra Bastille), đảo Saint Louis và quảng trường Vosges. Mỗi hòn đá, mỗi kiến trúc, mỗi con đường trong quận này đều có một lịch sử rất lâu đời gắn liền với Paris.
Quận 5 được biết nhiều nhất bởi giáo đường Notre Dame de Paris, văn miếu Panthéon, Jardin des Plantes, bảo tàng văn hóa Ả Rập với những khu Saint Germain des Prés, Saint Michel và Quartier Latin, nơi các văn nghệ sĩ, sinh viên các trường đại học kế cận thường đến giải trí. Nhà hàng ca vũ nhạc kịch Paradis Latin nằm trên đường Cardinal Lemoine.
Quận 6 là một khu yên tịnh với khu vườn Luxembourg rộng lớn, Sénat (Thượng Viện), bảo tàng các loại tiền (Monnaie de Paris) và một phần Saint Michel và Saint Germain des Prés.
Quận 7 có Assemblée nationale (Hạ Viện), đền Invalides, tháp Eiffel, công viên Champs de Mars, Ecole Militaire (trường quân sự), bảo tàng Orsay và văn phòng các bộ trong chính phủ.
Quận 8 là nơi đón mừng những ngày lễ lớn hay một thành tích thể thao : đai lộ Champs Elysées với các cửa hiệu mỹ phẩm và trang sức nổi tiếng, nhà hàng ca vũ kịch Lido, quảng trường Concorde, Arc de Triomphe (đài chiến thắng). Đại lộ Montaigne tập trung các cửa hàng mỹ phẩm và thời trang đắt nhất thế giới, Faubourg Saint Honoré là nơi đặt văn phòng Phủ tổng thống. Nhà ga Saint Lazare có lịch sử lâu đời nhất Paris với những khu thương mại sầm uất. Công viên Parc Monceau là nơi các thiếu nữ Pháp cởi trần nằm phơi nắng vào mùa hè.
Quận 9 là khu vui chơi với các đại lộ lớn, nhà hát lớn (Opéra) và những nhà hàng ca vũ nhạc nổi tiếng nhất thế giới : Pigalle, Folies Bergères, Moulin Rouge.
Từ quận 10 đến quận 20 là khu dân cư đông đảo với những khu sinh hoạt thương mại trung bình.
Quận 10 có một vài đại lộ buôn bán và hai nhà ga lớn (Gare du Nord, Gare de l'Est) ; con kinh Canal Saint Martin tạo cho quận này đôi chút duyên dáng. Quảng trường République là nơi xuất phát những buổi văn nghệ đại chúng lớn hay những cuộc biểu tình lớn.
Quận 11 tập trung chung quanh các quảng trường République, Bastille và Nation, với các cửa hàng phục vụ ăn uống và giải trí, các cửa hàng buôn bán vật phẩm giá thấp phục vụ nhu cầu ăn mặc hàng ngày.
Quận 12 là một khu đông dân với nhà hát Opéra Bastille, Ga Lyon "đèn vàng", vườn bách thú Vincennes, bảo tàng lịch sử thiên nhiên, Palais Omnisport de Bercy.
Quận 13 thường được gọi là Chinatown của Pháp vì có đông người Á Đông cư ngụ, các sinh hoạt thương mại và cửa tiệm ăn uống tại đây đa số do người Châu Á (phần lớn là người Hoa) làm chủ. Tuy vậy tại đây cũng có một vài địa danh nổi tiếng như Place d'Italie, ga Austerlitz và Musée de l'Homme (bảo tàng lịch sử con người). Thư viện Mitterrand là thư viện quốc gia lớn nhất nước Pháp được xây cất cạnh sông Sreine với dáng hình bốn cuốn sách đang mở.
Quận 14 chỉ thuần túy là một khu buôn bán với tòa nhà chọc trời và nhà ga Montparnasse, quảng trường Denfert Rochereau với những đại lộ rộng lớn đầy bóng mát. Đây cũng là nơi lưu trữ hàng trăm ngàn bộ xương khô của dân Paris trong suốt nhiều thế kỷ, gọi là Catacombes.
Quận 15 nổi tiếng với khu triển lãm lớn ở cửa Versailles, mỗi năm có trên một trăm cuộc triển lãm quốc tế : thú vật chăn nuôi, xe hơi, vật liệu xây cất, trang hoàng nhà cửa, mỹ phẩm, dược phẩm, máy điện toán, hàng điện tứ, sản phẩm tiểu thủ công nghệ, v.v... Dọc sông Seine có một công viên hữu tình (Parc André Citroen) và sân đáp trực thăng.
Quận 16 là khu trưởng giả của Paris với những ngôi nhà đắt giá nhất vì gần Arc de Triomphe, Etoile Charles de Gaulle, Trocadéro. Khu rừng Boulogne ban ngày dành cho khác bộ hành đi dạo mát, ban đêm dành cho những kẻ bán hoa (thực giá lẫn lộn). Số tiền cá cuộc trong các cuộc đua ngựa tại sân Auteuil rất cao.
Quận 17 là khu dân cư, cạnh các khu du lịch lớn của thành phố. Sân vận động Parc des Princes (Sân của các ông hoàng) rất đẹp nhưng nhỏ, chỉ chứa tối đa được 50.000 người trong mỗi trận bóng tròn.
Quận 18 có giáo đường Sacré Coeur de Montmartre được xây trên một ngọn đồi cao, phía sau là nơi các họa sĩ trưng bày tranh để bán.
Quận 19 hoàn toàn là một khu bình dân với đủ các sắc tộc sinh sống. Tại đây có Parc de la Villette triển lãm các phát minh mới của khoa học ngày mai, nhà chiếu phim ba chiều vĩ đại Géode, và một vài khu đi dạo đẹp dọc con kinh Ourcq và đồi Chaumont.
Quận 20 nổi tiếng với nghĩa trang Père Lachaise, nơi các danh nhân và nghệ sĩ được chôn cất, và là một khu dân cư sang trọng và yên tịnh. Diện tích của quận này lấn qua đường phân chia nội thành để nối liền Lâu đài và Thảo cầm viên Vincennes.
Đặc điểm các công trình kiến trúc của Paris, công sở cũng như các khu dân cư, là không cái nào giống cái nào. Nếu chịu khó quan sát, du khách sẽ thấy những rào sắt bảo vệ các bao lơn (balcon), những trang hoàng trên cổng ra vào, các cánh cửa và chốt mở cửa của mỗi nhà đều khác nhau. Các kiến trúc cổ xưa của Paris đều được gìn giữ cẩn thận vì đó là những di tích văn hóa của một quá khứ huy hoàng và là niềm hành diện của người dân Paris.
Nguyễn Văn Huy
(29/07/2024)
Thế Vận Hội Paris 2024 vừa được khai mạc chiều ngày Thứ sáu 26/07/2024 trong niềm vui và hoành tráng, chính thức mở màn cho hơn 2 tuần tranh tài hấp dẫn của sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.
Đây là lễ khai mạc Thế vận hội lần đầu tiên không đóng khung trong sân vận động, mà được trải dài trên dòng sông Seine - giữa thủ đô nước Pháp - nhằm giới thiệu tới khán giả quốc tế về con người và lịch sử nước Pháp.
Một vài hình ảnh đáng nhớ trong Lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024 tối 2/07/2024 / France TV
Lễ khai mạc, kéo dài trong 4 giờ dưới cơn mưa tầm tã, bắt đầu bằng video trình chiếu màn rước đuốc của cựu danh thủ bóng đá người Pháp Zinedine Zidane.
Ngọn đuốc được lấy từ sân vận động Stade de France, đi từ các đường hầm thoát nước và metro dưới lòng Thành phố Paris rồi lên mặt đất với các danh lam và kiến trúc lịch sử nổi tiếng dọc sông Seine của thủ đô Paris để đến Quảng trường Trocadero, nơi Tổng thống Emmanuel Macron cùng hơn 160 nguyên thủ quốc gia và quan chức cấp cao của nhiều nước trên thế giới có mặt để chứng kiến lễ khai mạc. Nhiều khán đài được dựng lên dọc hai bên bờ sông cho 220.000 khách mời và khán giả đến tham dự.
Trên cây cầu bắc qua sông Seine, một làn khói khổng lồ với ba màu lam, trắng và đỏ, tượng trưng cho lá cờ Pháp được phun bay lên cao, như lời chào của nước chủ nhà với thế giới, cũng là phần mở màn cho cuộc diễu hành của 85 tàu thuyền lớn nhỏ, chở 7.000/10.500 lực sĩ thuộc các đoàn thể thao của 205 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự Thế vận hội.
Suốt dọc 6 km hai bên bờ sông, tàu chở các đoàn lực sĩ đã lần đi qua những địa danh mang tính biểu tượng của nước Pháp - xen kẻ những màn trình diễn văn nghệ và nhảy múa độc đáo của những nghệ sĩ quốc tế và Pháp - như cầu Austerlitz, cầu Alexandre III, Pont des Arts, nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre, tháp Eiffel cùng một số địa điểm thi đấu như Esplanade des Invalides, Grand Palais… để đến điểm kết thúc là quảng trường Trocadero cạnh tháp Eiffel, nơi diễn ra các nghi thức chính của lễ khai mạc.
Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành ở phần áp cuối (nhóm V) với 10 thành viên, trong đó có 6 vận động viên gồm : Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung).
Hình ảnh của đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024, tay vợt Lê Đức Phát là người cầm cờ - Ảnh : AFP
Đoàn thể thao Pháp, chủ nhà của Olympic năm nay, xuất hiện cuối cùng.
Sau khi cờ Olympic được kéo lên tung bay dưới bóng tháp Eiffel, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach cùng Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố khai mạc Olympic Paris 2024 lần thứ 33.
Sau đó là màn rước đuốc đầy bất ngờ của nước chủ nhà với những lực sĩ Pháp và quốc tế từng đoạt huy chương vàng Olympic. Hai lực sĩ cùng châm lửa ngọn đuốc thiêng Olympic được thắp sáng trên khinh khí cầu bay lên cao thắp sáng bầu trời Paris, thay vì đài đuốc như truyền thống.
Ngọn đuốc thiêng Olympic được thắp sáng trên khinh khí cầu bay lên cao thắp sáng bầu trời Paris
Lễ khai mạc kết thúc trong sự xúc động với ca khúc "Hymn to Love" do nữ danh ca Celine Dion (người Canada) hát trên tầng 1 của Tháp Eiffel. Đây là buổi biểu diễn đầu tiên của cô sau bốn năm trị bệnh, thu hút sự cổ vũ nồng nhiệt từ đám đông khán giả.
Đây là Thế vận hội đầu tiên có số lượng vận động viên nam và nữ gần bằng nhau, một bước tiến mới kể từ khi 22 vận động viên nữ đầu tiên được tham gia thi đấu tại Olympic cách đây 124 năm.
Nữ danh ca Céline Dion hát bài Hymne à l'amour kết thúc Lễ khai mạc Thế Vận Hội Pái 2024 tối ngày 26/07/2024
Paris hy vọng Thế vận hội Paris 2024 truyền tải thông điệp đến thế hệ trẻ về việc nâng cao ý thức hơn trong bảo vệ môi trường. Pháp hướng tới một thế vận hội ít ô nhiễm và bền vững. Đáng chú ý, các điểm tổ chức thi đấu thể thao của Thế vận hội năm nay chỉ là tạm thời vì Paris không muốn lặp lại sai lầm của các thành phố từng đăng cai Olympic trước đây, tập trung vào việc xây dựng các sân vận động mới nhưng không được sử dụng về sau.
Nguyễn Văn Huy
-----------------------------
Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu với độc giả loạt bài viết về Paris để cùng chia sẻ.
Paris trong ký ức của người Việt Nam
Paris là thành phố huyền thoại mà nhiều người Việt trong và ngoài nước từ lâu ao ước được "đến thăm một lần rồi chết". Những người yêu văn hóa mến nghệ thuật muốn đến Paris thăm những di tích văn hóa nổi tiếng từ thời hoàng kim và những bảo tàng lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật từ thời cổ đại đến hiện nay. Phái nữ muốn giữ gìn nét đẹp trời cho đều muốn đến thiên đàng của thời trang, mỹ phẩm để chọn lựa và ngắm nhìn tận mắt những báu vật giữ gìn sắc đẹp của trần gian ; những người yêu nhau tìm đến Paris để đặt chân trên những con đường đã nẩy sinh những cuộc tình. Paris còn là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà cách mạng lớn... Loạt bài này sẽ lần lượt giới thiệu thành phố Paris dưới từng góc cạnh độc đáo để mọi người cùng tìm đến khám phá.
Paris là thành phố huyền thoại mà nhiều người Việt trong và nước ngoài từ lâu ao ước được "đến thăm một lần rồi chết".
1. Tổng quan về nước Pháp
Nước Pháp ngày nay có lẽ không còn xa lạ gì đối với người Việt. Gần một trăm năm khống chế toàn cõi Việt Nam, người Pháp đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng và trong cách sống của người Việt. Bảy mươi năm đã trôi qua đi kể từ sau cuộc chiến giành độc lập của người Việt năm 1954, quan hệ Pháp-Việt đã bình thường trở lại. Người Pháp đã biết thua và người Việt cũng không phủ nhận di sản văn hóa do Pháp để lại. Hiện nay nguyện vọng của nhiều người Pháp đã từng biết Việt Nam là được nhìn lại đất nước này trước khi giã từ cuộc sống, họ quí mến Việt Nam như chính một phần thân thể của họ. Nhiều người, vì tuổi già sức yếu không thể đi xa, đã nhờ con cái đến thăm viếng Việt Nam khi về đem theo vài tấm hình chụp lại mảnh đất, khu phố hay căn nhà cũ để nhớ lại một thời đã sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Có thể lúc ban đầu những "thực dân" này đã đến Việt Nam với tham vọng thống trị và khai thác thuộc địa nhưng với thời gian và trước sự hiền hòa và hiếu khách của người Việt, quan hệ thống trị - bị trị trở thành quan hệ tình cảm, quyến luyến. Đó là tâm trạng của những người đã một thời gắn bó với chế độ "thực dân".
Còn tuổi trẻ Pháp ngày nay như thế nào ? Đó là một tuổi trẻ đầy may mắn, không hề biết đến chiến tranh và cũng không va chạm với sự nghèo khó, họ sống trong tiện nghi, tự do và hạnh phúc. Từ giữa cuối thế kỷ 20 đến nay, các chính quyền và dân chúng Pháp dồn mọi nổ lực biến nước Pháp thành mảnh đất của tình yêu và quyền con người.
Pháp ngày nay là một trong bảy quốc gia giàu nhất thế giới, thường được biết dưới tên nhóm G7. Pháp đứng vào hàng thứ tư về sức mạnh nguyên tử, sau Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, và thứ 7 về sự giàu có (2.854 tỷ USD/2023). Lợi tức bình quân đầu người năm 2022 : 40.886 USD, hạng thứ 23 theo World Bank (Việt Nam : 4.164 USD, hạng 120).
Năm 2023, dân số nước Pháp là 68,4 triệu người. Chỉ số sinh sản : 1,68/phụ nữ ; tuổi thọ trung bình nam/nữ : 80/85,7 tuổi. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế : 0,9%, tỷ lệ lạm phát : 4,9%, thất nghiệp : 7,3%%.
Hệ thống giao thông của Pháp trên đất liền, trên mặt nước và trên không được xem là hoàn hảo nhất thế giới, không một nơi nào trên đất Pháp không có một trục giao thông đầy đủ tiện nghi và an toàn đi ngang qua.
Về địa lý, Pháp là một quốc gia lục địa nằm ở phía Tây Châu Âu, tương đối lớn, được bao bọc bởi ba đại dương : Manche, Atlantique và Méditerranée. Diện tích tổng cộng là 549.000 km2, trong đó 543.965 km2 ở chính quốc (với 3.100 cây số bờ biển và trên 3.000 cây số biên giới đất liền) và hơn 5.000 km2 ở hải ngoại. Tại chính quốc, nếu nối liền các đường thẳng từ các điểm xa nhất vào nhau, nước Pháp có hình lục giác (hexagone) ; do đó trong cách nói thân mật người Pháp thường dùng chữ "Hexagone" để chỉ "nước Pháp". Đồng bằng và núi non tại chính quốc được phân bố khá đồng đều, khí hậu ôn đới, bốn mùa rõ ràng, nhưng phía Bắc lạnh hơn phía Nam và phía Tây mưa mù hơn phía Đông ; phía Đông có nhiều núi non, phía Tây có nhiều đồng bằng và bờ biển. Lãnh thổ hải ngoại phần lớn là các hải đảo trên các đại dương, khí hậu nhiệt đới.
Mật độ trung bình 105,8 người trên một cây số vuông. Số người làm việc chiếm 68% tổng dân số (2022), trong đó 4,5% trong nông nghiệp, 26,5% trong kỹ nghệ và xây dựng và 69% trong các lãnh vực dịch vụ và hành chánh. Trình độ dân trí cao : 90% dân số có trình độ trung học và 50% trình độ đại học. Ngôn ngữ chính là tiếng Pháp (langue française), nhưng tại mỗi vùng dân chúng có quyền sử dụng tiếng địa phương như tiếng Breton, Alsacien, Basque, Catalan, Corse, Flamand, Occitan, Créole, Kanak...
Về hành chánh, nước Pháp có hai lãnh thổ : chính quốc (métropolitaine hay hexagone) và hải ngoại (outre-mer). Năm 2024, nước Pháp được chia thành 14 vùng (région) : 12 tại chính quốc (métropole) và 2 tại hải ngoại (outre-mer) ; 93 tỉnh (département) : 91 tại chính quốc và 2 tại hải ngoại ; 34 934 đơn vị hành chánh địa phương (thành phố, thị xã, quận, huyện, làng) trong đó 34 805 tại chính quốc và 129 tại hải ngoại. Ngoài ra Pháp cũng dành cho một số đơn vị hành chánh được hưởng qui chế đặc biệt, như qui chế đơn vị hành chánh duy nhất cho đảo Corse, Guyane, Martinique và Mayotte ; qui chế riêng biệt cho Thành phố Paris và Lyon ; qui chế đảo hải ngoại : Polynésie thuộc Pháp (Tahiti), Saint Barthelémy, Saint Martin, Saint Pierre et Miquelon, Wallis et Futuna ; sau cùng là qui chế "tự trị" (sui generis) dành cho vùng Alsace, Nouvelle Calédonie và hai vùng Bắc cực và Nam cực thuộc Pháp.
Về chính trị, Pháp là một quốc gia dân chủ theo chế độ cộng hòa (hiện nay là nền đệ ngủ cộng hòa), tổng thống chế, trung ương tập quyền, dân chủ nghị trường. Tổng thống, các dân biểu quốc hội trung ương và nghị viên các vùng và tỉnh, 34 934 chủ tịch cơ quan hành chánh địa phương (mairies) được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, hai vòng. Đại biểu dân cử vào Quốc hội Liên Hiệp Châu Âu được bầu theo tỷ lệ một vòng. Mỗi tỉnh có một tỉnh trưởng (préfet) do tổng thống chỉ định, chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh, quốc phòng và môi sinh. Thủ tướng, do tổng thống chỉ định, là thủ lãnh của liên minh chính trị có đa số phiếu sau cuộc bầu cử quốc hội để điều hành chính phủ. Sinh hoạt chính trị tập trung vào hai liên minh : tả phái (đảng xã hội, cộng sản, môi sinh và cực tả) và hữu phái (cộng hòa, dân chủ, cực hữu, bảo hoàng và thiên chúa giáo), ngoài ra còn có nhiều đảng phái nhỏ chỉ có tiếng nói ở địa phương như nhóm săn bắn và câu cá, các phong trào kanak tự trị ở Nouvelle Calédonie, créole ở Antilles, v.v... Chính quyền trung ương tài trợ mọi chi phí điều hành và quản trị hành chánh ở các lãnh thổ hải ngoại.
Hiện nay Pháp đã cùng 24/27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (443 triệu dân và 4,2 triệu km2) xóa bỏ lằn ranh ngăn cách giữa các quốc gia để thành lập Liên Hiệp Châu Âu từ 1990 để chuẩn bị thống nhất về mặt chính trị vào đầu thế kỷ 21. Liên Hiệp Châu Âu hiện nay có 27 thành viên : 6 năm 1958 (Pháp, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Luxemburg, Ý) , 2 en 1973 (Danmark, Ireland), 1 năm 1981 (Hy Lạp), 2 năm 1986 (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), 3 năm 1995 (Áo, Finland và Sweden), 10 năm 2004 (Cyprus, Estonia, Latvia, Lithuania, Poland, Hungary, Czech Republic, Slovakia, Slovenia, Malta), 2 năm 2007 (Bulgary và Romania), 1 năm 2013 (Croatia). Vương quốc Anh gia nhập Liên Âu năm 1973 nhưng đã làm một cuộc trưng cầu dân ý ra khỏi Liên Âu năm 2016 và chính thức rút tên năm 2020.
Tuổi trẻ Pháp cũng đang biến thể để trở thành công dân Châu Âu và thế giới, và có mặt trong hầu hết các tổ chức thiện nguyện nhân đạo quốc tế.
Đồng Euro là đồng tiền lưu hành song phương với đồng Franc từ đầu năm 1999 đến cuối tháng 6/2002. Từ ngày 1/7/2002, Euro (EUR) là đồng tiền chính thức của và 19 nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu (một đồng Euro bằng 1,1 USD). Sản phẩm của Pháp, đặc biệt là mỹ phẩm, áo quần thời trang, fromage và rượu ngon, rất được ưa chuộng trên các thị trường lớn quốc tế. Kỹ thuật cao cấp (hi-tech) của Pháp cũng rất đáng kể : xe lửa tốc hành (TGV-Train à grande vitesse, có thể chạy đến 500 cây số/giờ, rút ngắn khoảng cách giữa các thành phố lớn tại Tây Âu), xe điện ngầm (métro), máy bay Airbus, hỏa tiễn Ariane, dụng cụ truyền tin, v.v. được thán phục tại khắp nơi.
Pháp là một cường quốc quân sự trung bình và được trang bị đủ loại vũ khí chiến lược như một đại cường quốc quân sự, nhưng vì tầm vóc nhỏ nên người ta có thể gọi là một "cường quốc quân sự bonsai", nhờ được trang bị đủ loại vũ khí từ máy bay 5G đến tàu ngầm nguyên tử.
Nhưng sự giàu có của nước Pháp không chỉ tập trung vào phần vật chất và những con số, di sản văn hóa và tinh thần tích lũy từ nhiều ngàn năm đã biến nước Pháp thành nơi hành hương của những người yêu mến văn học, nghệ thuật và kiến trúc. Pháp là trung tâm văn hóa, du lịch và ẩm thực lớn nhất thế giới. Năm 2023 Pháp đã đón hơn 98 triệu khách du lịch từ khắp nơi đến hội thảo, thăm viếng và nghỉ hè tại các thành phố di tích văn hóa, các bờ biển (Manche, Atlantique và Méditerranée) và các vùng núi non đẹp nhất Châu Âu (Vosges, Massif Central, Jura, Alpes, Pyrénées). Nhừng con đường chế biến rượu nổi tiếng của Pháp thu hút hàng chục triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới, đông nhất là Mỹ và quốc gia Đông Á, đến thăm và thưởng thức đủ loại rượu ngon từ nới sản xuất và chế biến : Alsace, Champagne, Bourgogne, Val de Loire, Côtes du Rhône, Beaujolais, Bordeaux, Languedoc-Roussillon, Corse. Miền Nam nước Pháp (Côte d'Azur) là nơi mỗi năm các thiếu nữ từ khắp Châu Âu đến khoe sắc đẹp trời cho trên những bãi biển tràn đầy nắng ấm.
Như mọi dân tộc có nền văn minh sáng chói, người Pháp đã biết tận dụng vị trí địa lý tự nhiên của mình để di chuyển, giao dịch, thám hiểm và chinh phục thế giới. Pháp có năm con sông dài (Seine : 776 km, Loire : 1.020 km, Garonne : 575 km, Rhône : 872 km và Rhin : 1.320 km, trong đó 700 km tại Pháp) và ba biển lớn (Manche, Atlantique và Méditerrannée). Vị trí này rất là hiếm có, những nền văn minh xưa lớn nhất của thế giới thường chỉ nhờ một vài con sông hay một vùng biển (vùng Mésopotamie chỉ có hai con sông Tigre và Euphrate, Ai Cập có sông Nil, Hy Lạp chỉ có một biển Egée, La Mã có biển Méditerrannée, Ấn Độ có sông Gange, Trung Hoa có sông Dương Tử và Hoàng Hà, cả Trung Âu chỉ có một dòng sông Danube) mà đã để lại cho đời sau biết bao kinh ngạc.
Thêm vào đó, nhờ chiếm giữ một vị trí trung tâm, Pháp còn là ngã tư của những giao lưu nhân chủng, tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật của Châu Âu, từ Nam lên Bắc và từ Đông sang Tây, đó là chưa kể những giao lưu văn hóa giữa Nam và Bắc bán cầu, giữa văn hóa Đông phương và Tây phương. Từ thời tiền sử đến nay không nơi nào trên đất Pháp không lưu lại vết tích một nền văn minh lâu đời hay một sinh hoạt văn hóa rực rỡ. Di sản văn hóa của Pháp chính vì thế, nếu không cho là quá đáng, là văn hóa chung của cả nhân loại.
Mỗi vùng và mỗi tỉnh, ở chính quốc hay hải ngoại, đều nổi tiếng về một di sản văn hóa, một đặc sản địa phương hay một thắng cảnh nào đó. Chính quyền và dân chúng, ngoài những sinh hoạt chuyên nghiệp thường nhật, tập trung cố gắng để thăng hoa những ưu điểm văn hóa và du lịch của địa phương mình thành một sinh hoạt liên tục trong suốt năm để tạo công ăn việc làm cho các cộng đồng sinh cư trung khu vực. Mỗi địa phương tự tổ chức những sinh hoạt dành riêng cho mùa hè và những sinh hoạt dành riêng cho mùa đông, do đó nước Pháp lúc nào cũng tấp nập du khách.
Năm 2014, nước Pháp chính quốc được chia lại thành 13 vùng, chúng ta lần lượt khám phá theo kim đồng hồ.
Năm 2014, nước Pháp chính quốc được chia lại thành 13 vùng
1. Vùng Hauts de France bao gồm hai địa danh Nord-Pas de Calais và Picardie.
Nord-Pas de Calais nổi tiếng với bãi biển Dunkerque, nơi quân đội Pháp thua trận chạy ra biển tìm đường sang Anh và những lô cốt kiên cố do Đức xây trong hai thế chiến đọc bờ biển, ngư cảng Boulogne sur Mer cung cấp đồ biển cho Paris và phụ cận, đường hầm dưới biển Manche. Thành phố Villeneuve d'Ascq nổi tiếng về nghề làm thủy tinh cao cấp và bảo tàng viện nghệ thuật tân thời.
Picardie được biết đến với những di tích gallo-romain quanh thành phố Amiens, nghĩa trang quân đội dọc sông Somme, các loại đường củ cải, vựa lúa thứ hai của Pháp, và là trung tâm sản xuất các loại kem sữa của Pháp quanh thành phố Beauvais.
2. Vùng Grand Est bao gồm ba địa danh nổi tiếng Lorraine, Alsace và Champagne-Ardenne.
Lorraine nổi tiếng với các di tích chiến tranh với Đức, nhất là tại Verdun nơi hài cốt của gần 500.000 chiến sĩ vô danh hai bên được chôn và trưng bày trong những tòa nhà bằng kiếng đồ sộ. Hai thành phố Metz và Nancy còn lưu lại di tích kiến trúc của Đức. Ngoài ra Lorraine còn lưu lại vết tích các mỏ than đá, nghề dệt cổ truyền, làm kẹo mật ong và bánh thịt heo nướng một thời đã làm vinh quang nước Pháp.
Alsace bị Đức sát nhập nhiều lần, nổi tiếng với ngôn ngữ nửa Đức nửa Pháp và nghề làm rượu nho trắng dọc sông Rhin dùng để ăn kèm với đồ biển và món choucroute thịt heo. Colmar và Montbéliard là "thánh địa" sản xuất xe hơi hiệu Peugeot của Pháp với một xa lộ miễn phí do hãng Peugeot tài trợ. Nhà thờ gothic Strasbourg nổi tiếng với các mũi nhọn bằng đá đỏ và tổ cò trên các ống khói.
Champagne-Ardenne được cả thế giới biết đến với rượu Champagne và di tích chiến tranh hồi đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Nhà thờ Reims là di tích duy nhất còn sót lại sau các cuội dội bom của quân đội đồng minh trong đệ nhị thế chiến. Thành phố Troyes là trung tâm sản xuất các loại áo quần thời trang cho cả nước Pháp và thế giới.
3. Vùng Bourgogne Franche-Comté bao gồm hai lãnh địa Franche Comté và Bourgogne.
Franche Comté là nhượng địa cũ của Tây Ban Nha, nổi tiếng với nghề sản xuất đồng hồ, súc xích thịt heo và fromage mặn cứng Comté, thắng cảnh thần tiên vào mùa thu và là nơi lạnh nhất nước Pháp. Cảnh vật nơi đây gợi lại phong cảnh thiên nhiên của thành phố Đà Lạt.
Vùng Bourgogne là lãnh địa của các quận công từ thế kỷ 9 đến 15, nổi tiếng với nghề sản xuất rượu nho Bourgogne, fromage bò, moutarde và nghề nuôi gà thịt. Các đồng lúa mì và cây moutarde từ mùa xuân đến mùa thu vẽ ra nhiều một bức tranh đầy màu sắc mang vóc dáng Van Gogh. Khu rừng Morvan được biết đến với những loài thú hoang hiếm được bảo vệ.
4. Vùng Auvergne Rhône-Alpes bao gồm hai địa danh cũ Auvergne và Rhône Alpes.
Auvergne giống miền Trung của Việt Nam, nghĩa là nghèo hơn những nơi khác nhưng là nơi sinh trưởng của những nhân vật chính trị và quân sự nổi tiếng của Pháp. Đây là nơi sản xuất các loại xúc xích ngon nhất thế giới. Trụ sở hãng võ xe Michelin đặt ở Clermont-Ferrand với hằng trăm dãy nhà bằng gạch đen đủi dành cho công nhân. Cảnh trí nơi đây rất đẹp, các đồi cỏ chạy dài trên những núi đồi bao quanh mõm núi lửa Puy de Dôme đã ngừng hoạt động từ vài trăm năm nay.
Rhône Alpes là nơi du khách đến nghỉ đông và trượt tuyết. Những ngôi nhà miền núi (châlets) đầy đủ tiện nghi và ấm cúng được dựng tại khắp các thành phố lớn như tại Chambéry, Annecy, v.v... Mùa xuân và mùa hè cây cỏ khoe màu rực rỡ trên các triền núi và thung lũng sâu thẳm dành Chi Phương những du khách thích đi bộ để khám phá. Vào thu, cảnh rừng núi Alpes rất đẹp, các màu đỏ vàng của lá rừng làm tăng sự lộng lẫy của thiên nhiên hùng vĩ. Thành phố Thonon les Bains là nơi sản xuất nước Evian, đây là nơi các nhà văn nhà thơ tìm sự thanh tịnh để sáng tác và cũng là nơi để những người có tiền đến tiêu xài trong các sòng bạc bên hồ Léman. Thành phố Lyon là nơi chuyển tiếp giữa Bắc và Nam với nhiều di tích lịch sử dọc theo sông Rhône. Thành phố Saint Etienne nổi tiếng với nghề sản xuất vũ khí cổ truyền.
Limousin được biết đến với nghề nuôi bò thịt. Thành phố Limoges nghề sản xuất đồ sành sứ đẹp nhất nước Pháp. Khung cảnh thiên nhiên rất ngoạn mục với núi đồi và sông ngòi đan xen phức tạp, thích hợp cho những cuộc du ngoạn sơn dã.
5. Vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur là nơi các tài tử giai nhân đến nghỉ ngơi và chơi du thuyền, hàng năm hàng chục triệu người đến đây nghỉ hè. Thành phố Cannes tổ chức Liên Hoan Phim hàng năm. Những bãi biển Saint Tropez, Saint Maxime dành riêng cho giới đại gia quốc tế và giới nghệ sĩ nổi tiếng đến ở, đây cũng là nơi để những mỹ nữ có thân hình kiều diễm, thích khoe ngực trần khi tăm biển. Tiểu vương quốc Monaco và Nice là hai sòng bạc lớn nhất Địa Trung Hải. Toulon là quân cảng lớn nhất nước Pháp, nơi xuất phát các loại tàu chiến hiện đại nhất. Thành phố Marseille là thương cảng lớn nhất của Pháp, có rất nhiều di tích thời La Mã. Vào dịp hè, các thành phố Nîmes thường tổ chức các trận đấu bò, thành phố Arles và Orange tổ chức ca nhạc kịch trong các khu di tích La Mã, thành phố Avignon tổ chức các buổi văn nghệ bên cạnh cây cầu cùng tên nổi tiếng. Đó là chưa kể các trại chăn nuôi ngựa và bò đấu trên những vùng sình lầy rộng lớn ở Camargue.
6. Đảo Corse, còn gọi là Đảo của Sắc Đẹp (Ile de la Beauté), được chia làm hai vùng Nam và Bắc. Thắng cảnh tại đây rất đẹp với những bãi biển nhỏ, đôi lúc chỉ dành cho hai người những giây phút không bao giờ quên. Nhưng gần đây phong trào đòi độc lập lên cao nên tình hình an ninh có phần lơ đễnh.
Những vùng sản xuất rượu nho ngon nhất nước Pháp
7. Vùng Occitanie bao gồm hai vùng Languedoc-Roussillon và Midi Pyrénées cũ.
Languedoc-Roussillon sống nhờ du khách đến tắm biển mùa hè và nổi tiếng với rượu nho hồng (rosé) để ăn kèm với thịt đỏ và cá. Thành phố Montpellier được biết đến với các trường đại học danh tiếng, thành phố Perpignan là nơi hàng hóa Tây Ban Nha tràn sang với giá rẻ. Nhưng đặc biệt hơn cả các bãi biển lõa thể dọc các bờ biển như Le Canet, Saint Cyprien, Cap d'Adge, Port Leucate và La Grande Motte, các thiếu nữ tóc vàng mắt xanh từ Bắc Âu xuống nghỉ hè rất đông.
Midi-Pyrénées nổi tiếng với thành phố Toulouse, trung tâm âm nhạc và kỹ nghệ sản xuất máy bay Airbus. Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại Lourdes hàng năm đón nhận trên 10 triệu người đến thăm viếng. Vùng này còn nổi tiếng về sản xuất fromage sữa dê. Tiểu vương quốc Andorre là nơi hàng hóa được miễn thuế, giá rẻ và tốt, hàng triệu người mỗi năm ghé vào mua hàng. Hoàng hôn trên dãy Pyrénées lúc nào cũng đẹp, những triền núi đá bên cạnh các vùng thảo nguyên mênh mông tạo ra một sức hấp dẫn kỳ lạ vào mùa đông cũng như mùa hè.
8. Vùng Nouvelle Aquitaine kết hợp hai vùng Aquitaine và Poitou-Charentes cũ.
Aquitaine nổi tiếng với thành phố Bordeaux với rượu nho cùng màu. Đây là nơi sản xuất các loại rượu nho ngon (Saint Emilion) và đắt nhất thế giới (cognac) vì các vườn nho được trồng dọc các sườn đồi đầy nắng ấm chảy dài xuống sông Garonne và các sông phụ cận.
Poitou-Charentes không có gì đặc sắc ngoài các bãi biển dài và đẹp dành cho những người ham thích trượt nước (surf). Vùng này cũng nổi tiếng với một vài loại rượu nho và xúc xích trung bình. Thành phố Poitiers nổi tiếng với khu kiến trúc tân kỳ Fururoscope trưng bày những kỹ thuật của thế kỷ 21.
9. Vùng sông Loire nổi tiếng với hàng chục lâu đài nguy nga dựng lên dọc sông Loire từ thời Trung Cổ đến đầu thế kỷ 19. Những thành phố Angers và Nantes rực rỡ với các loài hoa, thành phố Le Mans nổi tiếng với các cuộc đua xe moto và xe thể thao F3 chạy 24 giờ liên tục. Thành phố hải cảng Saint Lazaire là nơi sản xuất các tàu viễn dương và du thuyền. Rượu nho vùng Loire tương đối ngon, đặc biệt là loại rượu nho trắng khai vị.
10. Vùng Centre (Trung Tâm) và Val de Loire (Thung lũng sông Loire) kết hợp ba lãnh địa cũng là ba vựa lúa mì lớn nhất nước Pháp : Berry, Orléanais và Touraine (Tours). Đây là vùng đất thừa hưởng quá khứ vương giả của các vua chúa với những lâu đài được xây dựng đó đây dọc sông Loire, trong các thành phố lớn (Orléans, Blois, Chateaudun, Vendôme) và trong những khu rừng đầy thơ mộng. Thành phố Orléans, Tours và Bourrges nổi tiếng với các kiến trúc thời Trung Cổ và Phục Hưng giữa trung tâm thành phố.
11. Vùng Bretagne là nơi xuất thân của các nhà mạo hiểm trên các biển cả, cũng là nơi nổi tiếng bởi những di tích thời đồ đá, đặc biệt là Carnac, và các nghề làm bánh crêpe mặn và ngọt, bánh bích qui bơ. Vùng này có rất nhiều bãi biển hoang dã và thơ mộng dành riêng cho những cặp tình nhân muốn tìm nơi yên lặng để tình tự, hay cho những tay ngao du dọc các các mõm đá phân chia biển Manche và Đại Tây Dương. Brest vừa là quân cảng lớn thứ hai của Pháp vừa là nơi sản xuất các loại tàu chiến, hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử. Các cuộc đua thuyền vượt đại dương hay vòng quanh thế giới đều xuất phát tại vịnh Morbihan.
12. Vùng Normandie ở phía bắc bao gồm hai khu thượng và hạ cũ.
Normandie thượng nổi tiếng với các xưởng đóng tàu đi biển trọng tải lớn và du thuyền. Cảng Le Havre là nơi xuất phát các đoàn tàu thám hiểm đi chinh phục thế giới ngày xưa, nay trở thành cảng thứ hai của Pháp sau Marseille về trọng lượng và là nơi dự trữ dầu lửa nhập cảng lớn nhất toàn nước Pháp. Nhà thờ Đức Bà Evreux là nơi hàng trăm ngàn tín đồ công giáo đến hành hương vì có Đức Mẹ hiện ra.
Normandie hạ nổi tiếng với nghề sản xuất sữa bò, nước cốt trái táo, rượu Calvados. Các bãi biển Omaha Beach, Utah Beach còn ghi lại vết tích cuộc đổ bộ vĩ đại của quân đồng minh tháng 6 năm 1944, quân cảng Cherbourg tại mũi Cotentin là nơi lưu trú hạm đội nguyên tử vùng Bắc nước Pháp. Các bãi biển Deauville, Cabourg nổi tiếng với các sòng bài và trường đua ngựa, và cũng là nơi nghỉ mát của danh nhân, tài tử và dân chúng Paris mỗi cuối tuần hay dịp hè. Nhà thờ Saint Michel, di sản văn hóa của Unesco, là kiến trúc độc đáo duy nhất xây trên một hòn đảo ở giữa biển, hơn 10 triệu người đến thăm mỗi năm.
Vừa rồi là phần giới thiệu tóm lược 12 vùng lãnh thổ tại chính quốc (métropole), nước Pháp còn có những vùng lãnh thổ hải ngoại, phần lớn lad những hải đảo nằm rãi rác trên khắp của đại dương, từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Vùng Antilles trong biển Caribean (Trung Mỹ) là nơi mà du khách đến nghỉ hè đông đảo tại hai đảo lớn thuộc Pháp (Guadeloupe, Martinique), khí hậu quanh năm ấm áp. Du khách khó thể bỏ qua hơi nồng của rượu rhum làm bằng đường mía cùng với thức ăn créole rất cay. Những bãi biển cát trắng dọc quanh đảo làm nổi bật màu xanh của biển cùng những hàng dừa ngã mình trên sóng. Ngoài khơi Thái Bình Dương, quần đảo Tahiti là thiên đường hạ giới, ai đã đến nơi đây thì sẽ khó rời đi vì sức hấp dễn lạ lùng của núi lửa Drohena và các bãi biển cát trắng xanh ngợp bóng dừa.
Nói đến những vùng đảo hải ngoại, chúng ta không thể không nhắc tới một hòn đảo khác, Île de France (Đảo Pháp Quốc), tại ngay chính quốc ở giữa phía Bắc nước Pháp.
13. Vùng Ile de France (Đảo Pháp quốc) bao gồm của tỉnh Seine et Marne, Yvelines, Essonne, Haut de Seine, Seine-Sant Denis và Paris. Đây là nơi đông dân và năng động nhất nước Pháp (31% GDP quốc gia và 5,3% PIB Liên Âu).
Vùng Île de France
Île de France và Paris
Sở dĩ gọi là đảo vì trước kia, vào lúc khai thiên lập địa, Île de France là một mõm đất nằm giữa một vũng nước lớn. Với thời gian, hàng chục triệu năm đã qua đi, phù sa từ sông Seine và các phụ lưu (Marne, Oise và Essonne) bồi đắp các vùng đất chung quanh để khai sinh một vùng đất màu mỡ canh tác được. Sự có mặt của con người với sinh hoạt thường nhật đã biến vùng đất này thành nơi giao lưu văn hóa và kinh tế như một hòn đảo lạc lỏng giữa một biển kém văn minh.
Sinh hoạt chính của Île de France tập trung quanh sông Seine, dòng sông chính chảy qua vùng đất này từ khi được thành hình. Những nhóm dân cư bản địa đầu tiên đã biết dùng thuyền di chuyển trên sông Seine từ 4.500 năm trước công nguyên và đã thành lập nhiều làng xã dọc hai bờ sông.
Cách đây 2.300 năm, một bộ tộc Celte, người Parisii, đến đây định cư trên một hòn đảo nhỏ giữa sông Seine, Đảo Thị Trấn (Île de la Cité, sau này trở thành trung tâm của thành phố Paris), sinh sống bằng nghề nông và trao đổi nông phẩm với thuyền bè qua lại. Hòn đảo này không ngờ chiếm giữ một vị trí chiến lược quan trọng, nó vừa là địa điểm trung gian giao thương với những nhóm Gaulois khác ở sâu trong đất liền, vừa là địa điểm lý tưởng ngăn chặn các cuộc tiến công của người Celte từ cửa biển vào (Vikings). Chính vì thế, từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất, hoàng đế La Mã, Jules César, cử nhiều đoàn quân hùng hậu chiếm cho bằng được bình nguyên phía Bắc nước Pháp, trong đó có Île de France ; người Gaulois đã chống trả dữ dội nhưng đã thất bại.
Năm 52 trước công nguyên, Vercingétorix, lãnh chúa xứ Gaule vùng Auvergne, bị César đánh bại trên chiến trường Alésia. Cùng năm đó, Labienus, chỉ huy trưởng quân đội La Mã vùng Bắc xứ Gaule (Pháp), đánh bại những nhóm quân Gaulois khác tại Camulgène, cạnh Île de France ; dân Parisii phải đốt làng trên Đảo Thị Trấn bỏ chạy. Kể từ đó người La Mã thay người Parisii chiếm đóng Ile de la Cité, kiểm soát sự qua lại trên sông Seine và cải danh thành Lutecea (Lutèce). Từ năm 100 sau công nguyên trở đi, sau khi đã bình định toàn bộ xứ Gaule, người La Mã bắt đầu xây dựng dinh thự, đền đài, nhà cửa trên Ile de la Cité và mở rộng thêm khu vực tả ngạn sông Seine, mà dấu tích vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với thời gian, Lutecea trở thành trung tâm chính trị và thương mại của xứ Gaule La Mã (gallo-romain) ; những người Parisii, đã trở thành người Celte-Gaulois, trở về chốn cũ sống chung với người La Mã. Những người Gaulois khác cũng dựng lập làng xã mới dọc hữu ngạn sông Seine và canh tác nông nghiệp phục vụ dân cư Lutecea ngày càng đông thêm. Từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 5, sự phồn vinh của Lutecea hấp dẫn các toán cướp từ khắp đến đánh phá.
Cũng từ cuối thế kỷ 3, La Mã không quản lý nổi một đế quốc rộng lớn kéo dài từ Đông sang Tây, do đó phải chia làm hai, Constantinople cai trị đế quốc phương Đông và Roma cai trị phương Tây. Đầu thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, đế quốc phương Tây trở nên suy yếu vì những tranh chấp nội bộ. Năm 360, thống đốc La Mã xứ Gaule, Julien, tự xưng hoàng đế, chọn Lutecea làm đế đô và đổi tên thành Paris.
Vào giữa thế kỷ thứ 5, quân La Mã bị rợ Hung, do Attila lãnh đạo, đánh bại tại khắp nơi, từ Đông sang Tây, kể cả xứ Gaule ; thành phố Paris bị bỏ trống. Năm 451, bà Genovefa (Geneviève), một nữ tu Công giáo gốc La Mã, kêu gọi dân Parisii hãy cùng bà đọc kinh cầu xin Thiên Chúa ngăn cản quân của Attila tràn vào thành phố tàn sát dân chúng ; lời cầu xin này đã được nghe và quân của Attila đã rút đi. Từ đó bà Geneviève đã được phong làm nữ thánh (Sainte Geneviève) hộ mạng của thành phố Paris.
Sau cuộc tấn công của Attila, uy quyền của La Mã tại xứ Gaule yếu hẳn. Đến đầu thế kỷ thứ 6, dưới sự lãnh đạo của Clovis, người Francs (một sắc dân mới pha trộn yếu tố Gaulois và Celte) đánh bại quân La Mã và giải phóng toàn bộ xứ Gaule. Clovis trở thành vị vua người Francs đầu tiên và thành lập triều đại Mérovingien, đặt tên nước là France. Bà Geneviève trở thành cố vấn của nhà vua và Paris trở thành thủ đô của người Francs Công giáo. Khi Clovis mất (511), con cháu dòng họ Mérovingien chia rẽ, lãnh thổ bị phân chia thành nhiều mảnh nhỏ, nhưng Paris vẫn tiếp tục là nơi lưu trú của các vị vua và hoàng triều. Năm 800, Charlemagne lên ngôi hoàng đế và cũng chọn Paris làm đế đô của nước Pháp thống nhất. Đạo Công giáo phát triển mạnh trong suốt thời Trung Cổ (Moyen Âge), từ thế kỷ 8 đến thế ký 15, nhiều thánh đường và tu viện lớn nổi tiếng được xây dựng trong thời kỳ này.
Cuộc Chiến Một Trăm Năm với Anh vừa chấm dứt (1453), vua Louis XI xây dựng lại đất nước và biến kinh đô Paris thành một trung tâm nghệ thuật, kiến trúc, trang trí và thời thượng nhất của Pháp. Các dòng vua sau tiếp tục phát triển thành phố Paris theo khuynh hướng Phục Hưng (Renaissance) của Ý cho đến giữa thế kỷ thứ 17. Năm 1661, vua Louis XIV (vua Mặt Trời) mở rộng thành phố Paris về phía Tây, cho xây dựng nhiều thêm dinh thự, lâu đài xa hoa tráng lệ nhất Châu Âu (Palais Royal, Palais Bourbon, Invalides, Place Vendôme) và dời triều đình về Versailles năm 1682, mở ra một thời đại huy hoàng được biết dưới tên Đại Thế Kỷ.
Sang thế kỷ 18, Paris trở thành kinh đô ánh sánh, văn hóa Pháp không ngừng tỏa sáng khắp nơi, đến tận thủ đô các nước Anh, Đức, Hoa Kỳ. Paris là nơi qui tụ những nhà tư tưởng và kịch tác gia danh tiếng (Diderot, Rousseau, Voltaire), những tác phẩm của họ được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, tư tưởng tự do dân chủ lan rộng trong giới doanh nhân và trung lưu. Nhưng ngày 14/7/1789, dân chúng Paris và vùng phụ cận nổi lên đốt nhà giam Bastille, lật đổ nền quân chủ chuyên chế, thành lập chính quyền cách mạng và thi hành chính sách kinh hoàng (terreur). Bạo loạn xảy ra khắp nơi, các nơi thờ phượng của đạo Công giáo và dinh thự của giới quan quyền đều bị thiêu đốt hay bị đập phá. Tinh thần Cách Mạng Pháp lan rộng sang các quốc gia lân bang, nhưng Pháp là nước duy nhất thời đó dám đưa cả tất cả hoàng gia và vương tộc lên đoạn đầu đài (guillotine).
Năm 1804, Napoléon sau khi dẹp yên loạn lạc trong nước lên ngôi hoàng đế, mở ra một thời đại mới, sáng chói hơn các thời kỳ trước về chiến tích, xây dựng và văn hóa. Napoléon muốn biến Paris thành thủ đô của thế giới, ông đã cho xây dựng tại khắp nơi trong thành phố Paris những đền đài, quảng trường kỷ niệm chiến tích và chiến lợi phẩm của mình mang về từ các chiến trường nổi tiếng : Arc de Triomphe (Đài Chiến Thắng) de l'Etoile và du Carrousel, Place de la Concorde, Place de la Bastille, Place de Vendôme, Palais de la Bourse, đường Rivoli, đền La Madeleine, nghĩa trang Père Lachaise, cầu Alma, Đài Carroussel, Pont des Arts, v.v...
Phải chờ đến thời Napoléon III, năm 1851, thành phố Paris mới được chỉnh trang đúng theo qui hoạch của một thành phố lớn. Nam tước (baron) Georges Haussman được giao nhiệm vụ mở rộng thành phố, cải thiện hệ thống đường sá, cầu cống, nước uống, công viên... và chia Paris thành 20 quận theo hình ốc soắn và còn tồn tại cho tới ngày nay.
Nhưng sự huy hoàng của Paris chỉ thực sự bắt đầu sau cuộc chiến với Đức năm 1871, các chính quyền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp tập trung cải tiến Paris thành thủ đô của kỹ thuật và nghệ thuật ; đời sống của dân chúng nhờ đó được cải thiện và có quyền nghĩ tới hưởng thụ. Thời kỳ này nổi danh với các họa sĩ tên tuổi như Renoir, Monet, Matisse, Picasso, Braque thuộc các trường phái hội họa ấn tượng và trừu tượng. Đèn điện được thắp dọc các đường phố, số lượng xe hơi tăng nhanh nhờ đường sá được trải nhựa, xe điện ngầm đầu tiên được khánh thành năm 1891. Rạp chiếu bóng đầu tiên được thành lập năm 1895 ; phòng trà ca múa nhạc Le Moulin Rouge, xây năm 1885 và khai trương năm 1890 tại Montmartre, qui tụ những mỹ nữ đẹp nhất Châu Âu và Hoa Kỳ ; cửa hiệu Galeries Lafayette khánh thành năm 1906... Đệ nhất thế chiến chấm dứt Thời Kỳ Đẹp (Belle Epoque) kéo dài trong gần 50 năm.
Những thập năm sau, từ 1920 đến 1940, Paris như sống trong cơn điên loạn, mọi người đều chán ngán chiến tranh và hưởng thụ trực tiếp cuộc sống. Paris như có nam châm thu hút thanh nhân tao khách từ khắp nơi về nhập cuộc, nhiều trường phái hội họa mới được thành lập : hình khối (cubisme), siêu thực ; kiến trúc sư Le Corbusier vẽ ra nhiều ngôi nhà với những đường nét hình học vượt khuôn mẫu cổ điển. Lối ăn mặc cũng nhẹ nhàng và quần chúng hóa hơn và đặc biệt là các vũ nữ và nghệ sĩ da đen Mỹ (Joséphine Baker, Sidney Bechet) đến Paris trình diễn trong các phòng trà nổi tiếng. Cơn điên loạn sống cuồng này chỉ chấm dứt khi nhị thế chiến bắt đầu, Paris bị quân đội Đức chiếm đóng năm 1940.
Từ 1946 trở đi, Paris tìm lại cuộc sống xưa nhưng lần này những nhà lãnh đạo Pháp quyết tâm đổi mới Paris theo kịp đà tiền hóa của kỹ thuật. Những công trình kiến trúc tân kỳ và đồ sộ được xây dựng lên để cạnh tranh với các quốc gia Tây Âu khác và đánh dấu một bước ngoặc mới trên đường tiến về tương lai. Các tòa nhà cao ốc ở Paris La Défense, các kiến trúc đồ sộ UNESCO, Maison de la Radio, Montparnasse, Centre Pompidou, Opéra de Bastille. Những kiến trúc mới ở vùng Marne la Vallée phí đông Paris có những đường nét hình học thẳng tắp nhưng không đối nghịch với những kiến trúc cổ điển đã có. Những nhà sáng tạo đã biến Paris thành thủ đô của thời trang và mỹ phẩm.
Hiện nay dân chúng và chính quyền dân cư Île de France đang xây dựng một kế hoạch khổng lồ chuyển hóa vùng đất này thành một vùng đất hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa cái cũ và cái mới, để Paris tiếp tục là trung tâm văn hóa, chính trị và xã hội của nước Pháp và của cả Châu Âu trong thế kỷ tới.
* * *
Với một quá khứ huy hoàng và những con người tôn trọng sự hiểu biết, Paris vẫn là trạm dừng chân bắt buộc của những người muốn để tên tuổi sống mãi với đời sau và tiếp tục là La Mecque của những người yêu chuộng văn hóa. Các trào lưu tư tưởng, văn hóa, chính trị và xã hội của Châu Âu và thế giới chảy qua Paris, như sông Seine ngày xưa chảy qua Ile de la Cité, sẽ tiếp tục bồi đắp cánh đồng kiến thức cho các thế hệ sau trong thiên niên kỷ mới.
Tìm hiểu Paris chính vì vậy giống như xem một vở kịch hay, độc giả sẽ lần lượt khám phá và thưởng thức một quá khứ rực rỡ trong một hiện tại đầy thú vị của thành phố này qua nhiều bài viết ngắn. Khi bức màn mỗi phân đoạn vừa được kéo lên, độc giả sẽ không ngừng ồ lên vui thích.
Nguyễn Văn Huy
(28/07/2024)