Tính toán của Nga khi tìm cách hiện diện quân sự lớn hơn ở Biển Đông (GDVN, 05/01/2017)
Tư lệnh Hải quân Philippines Francisco Gabudao Jnr (trái) và Chuẩn Đô đốc Nga Eduard Mikhailov tại Manila, ảnh : SCMP.
Tính toán của Moscow trong việc gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông đã được Chuẩn Đô đốc Mikhailov công khai một phần : bán vũ khí.
CNN ngày 5/1 đưa tin, hai tàu chiến Nga đến thăm Philippines tuần này trong lúc Moscow tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Biển Đông đang tồn tại nhiều tranh chấp phức tạp.
Theo CNN, có nhiều thông tin khác nhau từ truyền thông Nga về bản chất thực sự trong chuyến viếng thăm Philippines của 2 tàu Hải quân Nga, tàu khu trục Đô đốc Tributs và tàu chở dầu Boris Butomato đến Manila hôm thứ Ba.
Hãng thông tấn Spunik News dẫn lời Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương - Nga, Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov cho biết, 2 tàu Hải quân Nga sẽ tiến hành tập trận chung với các lực lượng vũ trang Philippines với nội dung chống cướp biển, chống khủng bố.
Sputnik News đánh giá, chuyến thăm này là hoạt động chưa từng có giữa Hải quân Nga và đối tác Philippines.
Tuy nhiên tờ Russia Today lại cho biết, thủy quân lục chiến Nga dự kiến sẽ thảo luận và chia sẻ với đối tác Philippines về chiến thuật chống khủng bố, chống cướp biển trong khu vực, với mục tiêu tập trận chung trong tương lai.
Người phát ngôn Hải quân Philippines, ông Lued Lincuna thì khẳng định, sẽ không có cuộc tập trận chung nào giữa hải quân hai nước trong 5 ngày chiến hạm Nga ghé thăm Manila.
Đó chỉ là hoạt động đối ngoại quân sự tỏ thiện chí. Ý tưởng về một cuộc tập trận chung trong tương lai đang được thảo luận, ông Lued Lincuna cho biết.
Giáo sư Carl Schuster từ Đại học Hawaii Pacific, cựu Giám đốc điều hành Trung tâm Tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận định :
Không có khả năng diễn ra bất kỳ cuộc tập trận chung nào giữa Hải quân Nga với đối tác Philippines. Bởi lẽ tàu hải quân Nga sử dụng một hệ thống tín hiệu riêng biệt, rất khó giao tiếp với hải quân các nước khác khi cùng hoạt động trong một khu vực.
Theo ông, hai hệ thống tàu hải quân khác nhau của Nga và Philippines khi hoạt động gần nhau có thể dẫn đến va chạm, nếu có bất kỳ sự cố nào về tín hiệu cơ động và tốc độ.
Báo Sputnik News dẫn lời Chuẩn Đô đóc Eduard Mikhailov cho biết, Nga đang tìm cách tăng cường sự can dự vào Biển Đông, nơi đang có những tranh chấp phức tạp.
Nga muốn có cuộc tập trận chung với không chỉ Philippines mà còn Trung Quốc và Malaysia. Tướng Mikhailov được Sputnik dẫn lời nói rằng :
"Duy trì sự tham dự của Nga cùng với các đối tác trong khu vực là rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định ở Biển Đông, nơi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vẫn tiếp tục là nguồn cơn của những căng thẳng địa chính trị" [1].
Nga đang chào hàng vũ khí với Philippines
The Straits Times ngày 4/1 cho biết, hôm thứ Ba 3/1 Chuẩn Đô đốc Mikhailov nói với báo giới, Moscow đang quan tâm đến việc giới thiệu cho Philippines các loại vũ khí và công nghệ quân sự của Nga có thể giúp nước này củng cố năng lực phòng thủ.
"Chúng tôi có nhiều loại thiết bị quân sự có thể giới thiệu với các bạn, hoặc là ở đây, hoặc là trong tương lai, có thể ở trên biển và có thể trong các cuộc tập trận hay triển lãm quân sự.
Chúng tôi có thể giúp các bạn thỏa mãn mọi yêu cầu mà các bạn đang cần".
Ông cho biết thêm, Nga đang tìm kiếm hợp đồng bán vũ khí cho Philippines với quy mô tương tự các hợp đồng Nga bán vũ khí cho Indonesia.
Không quân Indonesia đang sử dụng chiến đấu cơ Su-30 và Su-27 do Nga chế tạo. Jakarta cũng đang đàm phán để mua 10 máy bay chiến đấu đa năng Su-355 của Nga.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phái Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đi Nga để tìm hiểu nguồn cung cấp vũ khí thay thế Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay, Moscow đã đề nghị bán cho Manila tàu ngầm, máy bay do thám và súng trường bắn tỉa. Ông Duterte sẽ thăm Nga tháng Năm tới theo lời mời của Tổng thống Putin [2].
Nga tìm cách hiện diện quân sự lớn hơn ở Biển Đông
Với những thông tin nêu trên, người viết nhận thấy rằng chuyến cập cảng Manila của 2 tàu Hải quân Nga tuần này nhiều khả năng là hoạt động đối ngoại quân sự thông thường.
Tuy nhiên mục đích của nó là đặt nền móng, tìm kiếm những khả năng hợp tác, hiện diện quân sự sâu hơn của Nga ở Biển Đông trong tương lai.
Mục đích và tính toán của Moscow trong việc gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông đã được Chuẩn Đô đốc Mikhailov công khai một phần : bán vũ khí.
Tuy nhiên theo cá nhân người viết, ngoài mục đích chính là bán vũ khí cho Philippines sau những tuyên bố của ông Rodrigo Duterte, rất có thể Biển Đông là lựa chọn tiếp theo của Nga trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.
Bởi lẽ sau khi Nga đã chiếm thế thượng phong trong cuộc khủng hoảng Syria và Ukraine, Biển Đông sẽ là nơi Trung - Mỹ so găng trong những năm tới, có thể mang lại những cơ hội cho Nga, vừa bán vũ khí, vừa tìm kiếm tiếng nói và các lợi ích địa chính trị khác trong khu vực.
Đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ sẽ tăng cường bố trí lực lượng chiến đấu cơ F-35, nâng cấp chiến đấu cơ F-22 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường lực lượng ở khu vực này, Moscow không thể không tính đến việc hiệu chỉnh các nước cờ chiến lược.
Vì vậy nhiều khả năng Biển Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng trong những năm tới với sự hiện diện của nhiều tay chơi là những siêu cường.
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
[1]http://edition.cnn.com/2017/01/03/asia/russia-philippines-exercises-south-china-sea/
[2]http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/russia-keen-on-joint-exercises-in-south-china-sea
***************************
Nga ‘mời chào’ Philippines (VOA, 05/01/2017)
Tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs của Nga tại cảng ở thủ đô Manila (Philippines) Reuters
Đại sứ của Nga tại Philippines hôm 4/1 cho biết Nga sẵn sàng cung cấp cho Philippines vũ khí tinh vi bao gồm máy bay và tàu ngầm và nhắm mục tiêu trở thành người bạn thân thiết của nước vốn là đồng minh truyền thống của Mỹ trong khi Nga đa dạng hóa quan hệ ngoại giao của mình.
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh hai tàu chiến của Nga đang có chuyến thăm bốn ngày tới Manila trong tuần này. Đây là liên lạc chính thức đầu tiên giữa hải quân hai nước.
Đại sứ Nga Igor Khovaev Anatolyevich nhân cơ hội này tổ chức một cuộc họp báo trên chiến hạm chống tàu ngầm của Nga mang tên Đô đốc Tributs. Ông nói Nga có một loạt vũ khí để cung cấp :
"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp những vũ khí nhỏ và nhẹ, một số máy bay, máy bay trực thăng, tàu ngầm và nhiều, nhiều vũ khí khác nữa. Vũ khí tinh vi. Không phải vũ khí đã qua sử dụng".
Ông Khovaev nói thêm : "Nga có rất nhiều thứ để cung cấp nhưng mọi thứ sẽ được thực hiện hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế".
Ông cho biết vẫn còn quá sớm để nói về phạm vi hợp tác quân sự, nhưng trong một phát biểu rõ ràng nhắc tới Mỹ ông nói những đồng minh cũ không nên lo lắng.
"Những đối tác truyền thống của quý vị không cần phải lo ngại về quan hệ quân sự này... Nếu họ lo ngại, thì có nghĩa là họ cần phải gạt bỏ những khuôn sáo", ông nói.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đẩy tương lai của mối quan hệ Philippines-Mỹ vào chỗ bất định với những phát ngôn giận dữ nhắm vào nước từng là cường quốc thực dân cũ của Philippines, giảm quy mô quan hệ quân sự với Mỹ trong khi thực hiện các bước để tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga.
*********************
Giới hạn trong quan hệ quân sự Nga-Philippines (RFI, 05/01/2017)
Chiến hạm Nga ghé thăm Philippines. Ảnh ngày 03/01/2017. Reuters
Với việc hai tàu chiến Nga ghé cảng Manila, thông tin về khả năng Nga và Philippines tăng cường quan hệ quân sự liên tiếp được tung ra, từ việc Moskva sẵn sàng cung cấp vũ khí hiện đại cho Manila, đến tin Nga muốn tập trận chung với Philippines… câu hỏi được đặt ra là liệu quan hệ quốc phòng Nga-Philippines có thể tiến xa hay không ? Đâu là những cản lực cho đà phát triển này ?
Trong những ngày qua, với việc hai tàu chiến Nga ghé cảng Manila từ ngày 03/01/2017, thông tin về khả năng Nga và Philippines tăng cường quan hệ quân sự đã liên tiếp được tung ra, nào là việc Moskva sẵn sàng cung cấp vũ khí hiện đại cho Manila, từ máy bay, chiến hạm cho đến tàu ngầm, bên cạnh các loại vũ khí nhẹ, nào là Nga sẵn sàng tập trận chung với Philippines… thu hút chú ý của báo giới.
Câu hỏi kể trên được đặt ra vì lẽ trái với Việt Nam, Indonesia, thậm chí cả Malaysia, Philippines trong thời gian qua là nước hầu như không hề có quan hệ quốc phòng với Nga. Lý do cũng dễ hiểu : Manila cho đến nay là đồng minh kết ước của Hoa Kỳ, gắn bó với Washington bằng một Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương, trang thiết bị và vũ khí đều do Mỹ cung cấp.
Chỉ mới từ tháng 6/2016, từ khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng thống Philippines, vấn đề liên minh với Nga, cả về quân sự lẫn quốc phòng, mới được đặt ra, trong bối cảnh ông Duterte muốn xa rời đồng minh Mỹ. Đối với tổng thống Putin, đề nghị hợp tác của ông Duterte đến thật đúng lúc.
Bị phương Tây cô lập, Nga rất muốn tăng cường hiện diện tại Châu Á-Thái Bình Dương, kể cả tại Đông Nam Á, nơi Nga đã có một đối tác truyền thống là Việt Nam. Moskva lại sẵn sàng chiều đãi Manila hơn nữa vì như vậy sẽ lôi kéo được một đồng minh của Mỹ về phía mình.
Thế nhưng, khả năng tăng cường quan hệ quân sự Nga-Philippines vẫn nằm dưới dạng lý thuyết, hay nói đúng hơn là nguyện vọng của cả hai bên, còn thực hiện đến đâu thì cần phải chờ xem, với dấu hiệu đầu tiên sẽ được ghi nhận khi tổng thống Philippines công du Nga trong thời gian sắp tới đây.
Theo giới quan sát, việc tăng cường quan hệ quân sự, quốc phòng Nga-Philippines hiện vấp phải giới hạn rất lớn về mặt kỹ thuật. Vũ khí mà Philippines quen sử dụng đến nay là vũ khí Mỹ và phương Tây, nay nếu trang bị thêm vũ khí của Nga, vấn đề tương tác giữa vũ khí mới và hiện có được đặt ra.
Mặt khác, còn vấn đề chi phí. Nga rất muốn bán tàu ngầm hay máy bay cho Philippines, nhưng liệu Manila có ngân sách để nâng cấp quân đội của mình hay không, khi biết rằng cho đến nay, hải quân Philippines chẳng hạn, chủ yếu dùng loại tàu cũ của Mỹ được tân trang.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat, ấn bản ngày 05/01/2017, đã nêu bật những vấn đề trên trong bài viết về quan hệ quân sự Nga - Philippines khi cho rằng có lẽ phía Manila nhận thức rất rõ các giới hạn kể trên khi chỉ bàn với Nga về các kế hoạch trao đổi nhân sự, kinh nghiệm, các cam kết, chứ không thấy nói gì về vấn đề mua vũ khí.
Một giới hạn khác được The Diplomat nêu bật liên quan đến lãnh vực chiến lược. Dẫu sao, đối với với ông Duterte, quan hệ với Nga không có ý nghĩa chiến lược quan trong bằng quan hệ với các láng giềng như Malaysia hay Indonesia, mà Duterte coi là thiết yếu trong việc giúp Philippines giải quyết các vấn đề an ninh như cướp biển.
Moskva cũng không nặng ký bằng Bắc Kinh hay Tokyo, hai nước có thể mang đến cho Philippines trợ giúp về kinh tế, hay cơ sơ hạ tầng, điều mà Moskva không làm được.
Tóm lại, sắp tới đây, người ta sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt trong quan hệ quốc phòng Nga-Philippines, do việc cả hai đều bắt đầu từ con số không. Nhưng sau bước nhảy vọt đó, câu hỏi đặt ra là quan hệ sẽ tăng tiến ra sao.
Trọng Nghĩa
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (t) nhận quyền chủ tịch ASEAN 2017 từ tay thủ tướng Lào tại phiên bế mạc Thượng Đỉnh ASEAN ở Vientiane (Lào) ngày 08/09/2016. Ảnh tư liệu.
Chính quyền Philippines, nước làm chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017, ngày 05/01/2017 xác định : hồ sơ Biển Đông sẽ được ưu tiên thảo luận nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh của toàn khối Đông Nam Á. Tuy nhiên, phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ không có trong chương trình nghị sự.
Theo báo mạng Philippines Inquirer, trong cuộc họp báo tại phủ tổng thống Philippines, thứ trưởng Ngoại Giao Philippines phụ trách chính sách Enrique Manalo đã khẳng định rằng tranh chấp Biển Đông sẽ chiếm một vị trí ưu tiên trong đề tài được thảo luận nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN dự trù vào tháng 11/2017.
Khi được hỏi là liệu phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 phủ nhận các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông có được thảo luận trong các hội nghị ASEAN năm nay hay không, thứ trưởng Ngoại Giao Philippines cho rằng "thực ra không có nhu cầu thảo luận nào về bản phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye".
Theo ông Manalo, "vì phán quyết này đã là một thực tế đang tồn tại, đã là một phần của luật lệ, của luật pháp quốc tế…, do đó, ưu tiên hiện nay là cố sao có được bộ quy tắc ứng xử".
Quan chức Philippines nhấn mạnh : "Bản phán quyết của Tòa La Haye sẽ không nằm trong chương trình nghị sự theo nghĩa là nó đã là một bộ phận của luật quốc tế, đã có sẵn ở đó", cho nên không cần phải thảo luận nữa.
Theo nhà ngoại giao Philippines, khối ASEAN hy vọng là sẽ thông qua được một bộ quy tắc ứng xử COC để giảm thiểu căng thẳng trong vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc với các láng giềng trong đó có 4 nước Đông Nam Á là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Thứ trưởng Ngoại Giao Philippines xác định : "Vấn đề Biển Đông dĩ nhiên nằm trong chương trình nghị sự của ASEAN. Trong thực tế, trong suốt năm, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc đang làm là tập trung vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông vốn chưa hoàn chỉnh, vào bản Tuyên Bố về Quy Tắc Ứng Xử COC và các nguyên tắc của Bộ Quy Tắc Ứng Xử".
Hướng đi chính của Philippines, theo ông Manalo, là ASEAN cùng hợp tác với Trung Quốc để cố gắng đạt được một khuôn khổ chung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông vào cuối năm 2017
Nhìn chung, đại diện Philippines cố trấn an các đồng minh ASEAN khi cho rằng trong tư cách là chủ tịch khối Đông Nam Á, Manila sẽ hành xử vì lợi ích quốc gia, nhưng đồng thời đáp ứng được các mối quan tâm của các thành viên khác trong ASEAN.
Trọng Nghĩa
Bắc Kinh khoe : Tàu sân bay Liêu Ninh thử vũ khí ở Biển Đông (RFI, 04/01/2017)
Một góc trên tàu sân bay Trung Quốc, ngày 02/01/2017. REUTERS/Mo Xiaoliang
Trong một tín hiệu rõ ràng là nhằm mục tiêu thị uy, bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm nay 04/01/2017 đã loan báo là tiểu hạm đội tàu sân bay duy nhất của họ đã tiến hành thứ nghiệm vũ khí và trang thiết bị nhân cuộc tập trận đang diễn ra tại Biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảnh (Geng Shuang) cho biết là chiếc Liêu Ninh (Liaoning) và nhóm tàu hộ tống đang tiến hành "nghiên cứu khoa học và tập huấn" đúng theo kế hoạch tại vùng Biển Đông, với mục tiêu là để "thử nghiệm hiệu năng của các loại vũ khí và trang thiết bị".
Phát ngôn viên Trung Quốc không tiết lộ gì thêm, nhưng theo hãng tin Anh Reuters, trên trang mạng chính thức của mình, Hải Quân Trung Quốc cho biết là chiếc Liêu Ninh tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông với các máy bay chiến đấu và trực thăng. Hình ảnh được công bố cho thấy chiến đấu cơ J-15 tập cất cánh và hạ cánh, cũng như cảnh trực thăng diễn tập ngày 02/01.
Việc Trung Quốc đưa nhóm tác chiến với tàu sân bay xuống Biển Đông tập trận đã khiến các nước trong vùng quan ngại, đặc biệt là Đài Loan.
Giới truyền thông tại Đài Bắc tỏ ý rất quan ngại trước khả năng hạm đội Trung Quốc đi ngược lên hướng bắc để trở về căn cứ ở Thanh Đảo, và dùng ngã eo biển Đài Loan, một tuyến đường biển rất hẹp phân giới giữa Đài Loan và Hoa Lục.
Khả năng này tuy nhiên đã bị bộ Quốc Phòng Đài Loan cho là không thực tế.
Trọng Nghĩa
*************************
Tàu sân bay Trung Quốc thị uy ở Biển Đông, mẫu hạm Mỹ vắng mặt trên biển (RFI, 04/01/2017)
Một chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning), Biển Đông, ngày 02/01/2017.Ảnh : REUTERS/Stringer
Trong những ngày đầu năm 2017, Trung Quốc đã phô trương đợt tập huấn trên Biển Đông của chiếc tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning), với bài tập quan trọng nhất là cho chiến đấu cơ sử dụng con tàu làm cơ sở hạ cánh và cất cánh. Theo các chuyên gia phân tích, nhóm tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc còn lâu mới đạt được trình độ điêu luyện của hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ. Có điều là không biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà đúng vào lúc Bắc Kinh mang tàu sân bay ra thị uy với các láng giềng, thì các hàng không mẫu hạm Mỹ đều vắng bóng trên đại dương.
Cuộc diễn tập cất cánh và hạ cánh của phi đội chiến đấu cơ J-15 trên chiếc Liêu Ninh ngày 02/01 vừa qua tại một địa điểm không xác định ngoài Biển Đông đã được guồng máy tuyên truyền Trung Quốc hết lời ca ngợi khi nhấn mạnh rằng : "So sánh với các vùng biển khác như Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải (Biển Hoa Đông) thì Nam Hải (tức Biển Đông) là nơi có điều kiện khó khăn hơn".
Yêu tố quan trọng nhất được các chuyên gia quân sự ghi nhận là chiếc Liêu Ninh đã thành công trong việc tiến ra đại dương : Ngày 25/12/2016 vừa qua, lần đầu tiên con tàu đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, băng qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương, từ đó đi xuống phía nam, rẽ qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) sát Đài Loan để vào Biển Đông.
Chuyến hải hành suôn sẻ này cho thấy là về mặt động cơ, chiếc Liêu Ninh đã khắc phục được các điểm yếu kém của loại tàu sân bay Nga cùng loại như chiếc Đô Đốc Kouznetsov, mà vận tốc không thể vượt quá 18 hải lý/giờ, để hệ thống máy tàu không bị quá tải.
Về mặt năng lực tác chiến, theo các chuyên gia, với các "bài tập cuối khóa" lần này, Trung Quốc đã thành công trong việc biến một tàu sân bay huấn luyện thành một phương tiện tấn công, cho dù hỏa lực cũng như kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Trước đó, khi còn ở Bột Hải, chiếc tàu cũng lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật, kèm theo các bài khóa như không đối không, không đối hạm, hạm đối hạm.
Ngay từ ngày 15/11 năm ngoái, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng chiếc tàu sân bay duy nhất của họ đã sẵn sàng chiến đấu.
Không một chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ được triển khai làm nhiệm vụ
Điều đáng ghi nhận trong thời điểm hiện nay, là vào lúc Trung Quốc phô trương sức mạnh mới của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ngay tại vùng biển nóng là Biển Đông, với ý nghĩa hù dọa rõ rệt đối với các láng giềng, Hoa Kỳ lại ở trong tình trạng bất động.
Hãng truyền thông Mỹ Fox News ngày 30/12/2016 đã nêu bật một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng : Đó là vào lúc Bắc Kinh "khoe" tàu sân bay, thì cường quốc Hải Quân số một hành tinh là Mỹ, lại không có bất kỳ một hàng không mẫu hạm nào đang hoạt động, điều được hãng Fox News ghi nhận là chưa từng thấy từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay.
Theo nguồn tin trên, chiếc USS Dwight D. Eisenhower chịu trách nhiệm vùng Trung Đông chẳng hạn, đã quay trở lại cảng Norfolk (bang Virginia) ngày 30/12, nhưng không có chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ nào khác thay thế. Còn tại Châu Á, phải chờ đến cuối tháng Giêng này thì chiếc USS Carl Vinson mới trở lại nhận nhiệm vụ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Đối với các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh hàng không mẫu hạm luôn được xem là biểu tượng của sức mạnh Mỹ, với khả năng chuyển lực lượng hùng hậu đến mọi chiến trường một cách nhanh chóng, việc không một chiếc tàu sân bay Mỹ nào đảm trách một chiến dịch nào đó trên đại dương đã làm dấy lên những suy nghĩ không hay về sự "suy yếu" của tiềm lực quân sự Hoa Kỳ.
Tại Châu Á, điều đó đã bắn đi một tín hiệu xấu về phía các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, vốn kỳ vọng rất nhiều vào Washington để ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh.
Trọng Nghĩa
****************************
Philippines muốn dời nơi tập trận với Mỹ ra khỏi Biển Đông (VOA, 04/01/2017)
Tàu của Hải quân Hoa Kỳ USS Essex, phía sau, đến căn cứ trước đây của hải quân Hoa Kỳ ở Subic, phía Bắc Philippines (hình lưu trữ-2003)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng chuyển các cuộc tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ ra khỏi khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. Hành động này diễn ra giữa lúc ông Duterte cố gắng cải thiện mối quan hệ của Manila với Trung Quốc.
Sau khi ông Duterte tuyên bố chuyển sang mối quan hệ thân mật hơn với Trung Quốc, Philippines gần đây đã quyết định giảm số lượng các cuộc tập trận với đồng minh Hoa Kỳ.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết Tổng thống Duterte trước đó khuyên ông nên tìm một địa điểm mới để tập trận với Hoa Kỳ, có thể là đến khu vực Mindanao, và nên tránh khu vực Biển Đông đầy nhạy cảm.
"Chúng ta có thể dời các cuộc tập trận hải quân đối diện Biển Đông tới khu vực Mindanao để tránh gây khó chịu cho láng giềng của chúng ta, hãy tinh tế với các nước láng giềng", ông nói.
Trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 10 vừa qua, Tổng thống Duterte loan báo ông đang nới lỏng các mối quan hệ với Washington, đồng minh cung cấp cho Manila gần 800 triệu đô la viện trợ quân sự từ năm 2002 tới nay.
Hôm thứ năm tuần trước, ông Duterte nhắc lại rằng ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và không thấy cần phải cấp thiết thúc đẩy Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên hiệp quốc về đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông.
Tấm bản đồ với đường đứt khúc 9 đoạn trên biển Đông tại trung tâm giáo dục quốc phòng thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hôm 12/7/2016. AFP photo
Năm 2016 là năm được cho là có nhiều biến động khó lường ở biển Đông, khu vực tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa một số quốc gia ở châu Á trong suốt nhiều năm qua.
Đánh giá về tình hình biển Đông năm 2016 vừa qua, thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên của Quỹ nghiên cứu biển Đông tại Việt Nam nhận định đây là một năm với nhiều biến động khó lường :
Chúng ta nhìn thấy qua năm 2016 đầy biến động và thay đổi, có những biến động mà nhiều người không ngờ tới, trong đó có cả những học giả danh tiếng. Điều này cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới mà tốc độ thay đổi và trật tự thế giới thay đổi mỗi ngày và khó lường.
Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, ba sự kiện đáng chú ý nhất có tác động mạnh đến tình hình biển Đông trong năm vừa qua chính là phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Philippines và Hoa Kỳ có hai vị Tổng thống mới mà chính sách của những vị Tổng thống này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và hiện trạng ở biển Đông.
Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế
Hôm 12 tháng 7 vừa qua, Tòa Trọng tài quốc tế the Hague đã ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về những đòi hỏi liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Phán quyết của tòa được cho là có lợi cho phía Philippines. Nhận xét về phán quyết này ngay sau khi tòa ra tuyên bố hôm 12 tháng 7, chuyên gia Greg Poling, Giám đốc sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC nói :
Philippines đưa ra khoảng 15 điểm trong vụ kiện Trung Quốc khoảng 3 năm trước và vào sáng nay họ đã thắng đến 14 ¾ điểm… đây là một chiến thắng lớn cho Philippines và chắc chắn đặt ra câu hỏi về những nhân nhượng nào có thể có từ phía Bắc Kinh trong tương lai.
Phán quyết của tòa xác định tất cả các thực thể thuộc khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa không phải là đảo và do đó không thể có vùng đặc quyền kinh tế. Phán quyết cũng bác bỏ đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ trên biển Đông.
Ngay sau phán quyết, Thượng nghị sĩ Jonh McCain và Thượng nghị sĩ Dan Sullivan của Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung viết rằng phán quyết có lợi cho tất cả mọi người, khiến các nước, bao gồm Trung Quốc, phải ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề. Theo hai Thượng nghị sĩ, nếu Trung Quốc từ chối và vẫn duy trì quan điểm về đường đứt khúc 9 đoạn thì các nước khác phải thách thức Trung Quốc.
Tuy nhiên, không ngoài dự đoán, Trung Quốc sau đó đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa và cho biết sẽ tiếp tục những hoạt động mà họ cho là hợp pháp trên các khu vực mà nước này đòi chủ quyền.
Quân sự hóa khu vực biển Đông
Năm 2016 cũng là năm có nhiều các hoạt động được cho là gia tăng quân sự hóa khu vực biển Đông của các nước tiếp nối những hoạt động xây lấp các đảo và bãi đá từ năm 2014 đến nay.
Ảnh chụp qua vệ tinh ngày 29/11/2016 và phát hành vào ngày 15 tháng 12 năm 2016 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy các hệ thống vũ khí phòng thủ của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông. AFP photo
Vào tháng 2 năm 2016, Trung Quốc cho triển khai giàn tên lửa đất đối không được cho là hiện đại nhất thế giới ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Nhận định về hành động này của Trung Quốc, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc học viện quốc phòng Úc nói :
Tôi nghĩ là hoạt động này có liên quan đến việc máy bay tuần tra của Mỹ, rồi tàu Curtis Wilbur của Hoa Kỳ đi qua đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa… Trung Quốc đang làm gia tăng mối nguy đối với Hoa Kỳ và Bắc Kinh đã nói là sẽ làm như vậy tức là có đáp trả lại hành động của Hoa Kỳ. Đây là một trong những giàn phóng tên lửa tầm trung và cao hiệu quả nhất trên thế giới với thiết kế lấy từ Nga. Những máy bay tuần tra của Mỹ bay qua đây trong tương lai ví dụ như máy bay Poseidon sẽ gặp nguy hiểm.
Theo giáo sư Carl Thayer, Hoàng Sa thực ra đã được quân sự hóa từ trước với việc Trung Quốc cho xây dựng sân bay tại đây và đưa máy bay chiến đấu hiện đại nhất đến quần đảo này. Giàn tên lửa bổ sung giúp gia tăng khả năng phòng vệ cho Trung Quốc.
Cùng lúc những hình ảnh vệ tinh của Mỹ hồi đầu năm cũng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng khu vực đảo Bắc ở Hoàng Sa, chỉ cách đảo Phú Lâm nơi Trung Quốc đặt giàn tên lửa khoảng 12 km.
Những bức ảnh vệ tinh hồi giữa năm nay cũng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây lấp ở khu vực bãi cạn Scaborough mà Trung Quốc chiếm được từ Philippines hồi năm 2012. Một số chuyên gia cho rằng có thể Trung Quốc sẽ biến nơi này thành căn cứ tàu ngầm hoặc là trạm nghe tín hiệu thông tin tình báo.
Hôm 13 tháng 12, chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á của CSIS công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống vũ khí trên cả 7 đảo nhân tạo mà nước này xây lấp ở Trường Sa.
Hồi tháng 8, hãng tin Reuters đưa tin, Việt Nam đã chuyển những giàn phóng tên lửa di động đến một số đảo ở Trường Sa. Các giàn phóng này có thể nhắm tới các khu vực do Trung Quốc kiểm soát trên biển Đông.
Hồi cuối tháng 11, các hình ảnh vệ tinh của Hoa kỳ cho thấy nhiều tàu của Việt Nam đang tiến hành nạo vét kênh ở đảo Đá Lát (hay còn gọi là Ladd reef) thuộc Trường Sa. Hãng tin Reuters trích nhận xét của chuyên gia Trevor Hollingsbee, một nhà nghiên cứu về hải quân đã nghỉ hưu của Anh nói rằng hành động này cho thấy Việt Nam đang gia tăng cải thiện khả năng phòng vệ của mình.
Tổ chức Stratfor, chuyên nghiên cứu địa chính trị toàn cầu, hôm 16 tháng 12 có bài phân tích viết rằng những hoạt động xây lấp và đưa vũ khí ra Trường Sa của Việt Nam thời gian quan cho thấy Hà Nội kiên quyết trong việc hóa giải những tham vọng bành trướng chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Thay đổi chính sách của Mỹ và Philippines
Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, việc cả Philippines và Mỹ có hai vị Tổng thống mới trong năm vừa qua cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định ở biển Đông.
Hai bức ảnh được chụp vào ngày 05 tháng 9 năm 2016 cho thấy, ở bên trái, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, và ở bên phải, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong một báo chí hội nghị tại thành phố Davao, Philippines. AFP photo
Philippines là nước có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc và một số nước khác về chủ quyền một số khu vực ở biển Đông. Tuy nhiên, ngay sau khi lên nắm quyền vào giữa năm nay, Tổng thống mới của Philippines là ông Duterte đã nhiều lần lên tiếng cho thấy ông sẵn sàng làm việc với Trung Quốc và gạt phát quyết của tòa trọng tài quốc tế sang một bên. Ông cũng tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong khi chê bai vai trò của Mỹ, nước đồng minh lâu năm của Philippines. Nhận định về điều này, thạc sĩ luật Hoàng Việt cho biết :
Nó ảnh hưởng tới biển Đông rất nhiều bởi vì Philippines là quốc gia trực tiếp tham gia tranh chấp, là quốc gia đưa vấn đề lên tòa để tòa ra phán quyết mà bây giờ Philippines lại không thúc đẩy nữa, nó làm cho tác động của phiên tòa thay đổi rất nhiều.
Trong những năm qua Philippines đã cùng Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đổi Trung Quốc ở các diễn đàn khu vực liên quan đến vấn đề biển Đông. Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, việc Philippines trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc và Thủ tướng Malaysia mới đây tuyên bố sẵn sàng đàm phán song phương với Trung Quốc đang đặt Việt Nam vào một thế khá đơn độc.
Trong khi đó Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump cho đến lúc này vẫn chưa cho thấy rõ chính sách sắp tới của Mỹ sẽ ra sao đối với vấn đề biển Đông. Dưới thời thời của Tổng thống Barack Obama và chiến lược chuyển trục về châu Á, Hoa Kỳ đã giúp gia tăng sức mạnh quân sự cho các nước trong khu vực trước những đe dọa của Trung Quốc. Có những lo ngại cho rằng, Tổng thống mới của Mỹ sẽ chú trọng nhiều hơn vào vấn đề nội địa như những gì ông đã nói trong quá trình tranh cử. Điều này sẽ tạo ra một thách thức lớn cho các nước trong khu vực và có thể có lợi cho Trung Quốc. Thạc sĩ luật Hoàng Việt nhận định.
Chính sách của Hoa Kỳ với vấn đề biển Đông vẫn là một ẩn số nhưng dường như với những phát biểu và tuyên bố gần đây của ông Donald Trump thì vấn đề biển Đông sẽ nổi cộm, vì không có sự góp mặt của Hoa Kỳ, không có sự răn đe của Hoa Kỳ thì rõ ràng không có quốc gia nào có tiềm lực để đe dọa Trung Quốc cả, không có quốc gia nào có thể ngăn cản Trung Quốc.
Tổng thống mới của Mỹ sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 tới đây.
Theo nhận xét của thạc sĩ luật Hoàng Việt, Việt Nam hiện vẫn là một quốc gia có tiềm lực yếu, trước những diễn biến khó lường ở biển Đông thời gian tới, thách thức lớn nhất trong năm tới của Việt Nam sẽ là làm thế nào để giữ gìn hòa bình ổn định trong khi vẫn có thể bảo về được chủ quyền của mình ở các vùng biển đảo.
Việt Hà, phóng viên RFA
Một tàu lặn không người lái được vớt lên sau khi tham gia diễn tập chung Mỹ-Anh ngoài khơi Cotland ngày 08/10/2016. Reuters
Vụ hải quân Trung Quốc thu giữ một tàu lặn không người lái của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong tháng này là vụ chưa từng có và nó báo hiệu những vụ tương tự trong tương lai, bởi vì cả Washington lẫn Bắc Kinh đang sử dụng ngày càng nhiều các hệ thống không người lái ở vùng biển này, theo trang mạng The Diplomat hôm nay 29/12/2016.
Mặc dù hải quân Trung Quốc sau đó đã trao trả lại tàu lặn không người lái ( UUV ) cho phía Mỹ, nhưng vụ này vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Với hành động bị xem là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ( UNCLOS ), Bắc Kinh muốn áp đặt những giới hạn lên các hoạt động giám sát của Mỹ ở Biển Đông, vùng mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ.
Nhân vụ thu giữ tàu lặn không người lái, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ ngưng các hoạt động do thám ở vùng Biển Đông, mặc dù UNCLOS cho phép những hoạt động này. Ngoài việc biện minh cho việc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ, báo chí chính thức của Trung Quốc đã nêu lên nguy cơ các tàu lặn này thu thập không chỉ tin tình báo về các tàu ngầm Trung Quốc, mà cả những thông tin đáng giá hơn, bởi vì các tàu lặn không người lái của Mỹ tối tân hơn.
Vụ nói trên xảy ra vào lúc cả quân đội Hoa Kỳ lẫn quân đội Trung Quốc đang sử dụng ngày càng nhiều hệ thống không người lái ở Biển Đông cũng như ở vùng Biển Hoa Đông.
Theo The Diplomat, quân đội Mỹ vẫn thường sử dụng các tàu lặn không người lái để thu thập các dữ liệu về đại dương. Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, Hoa Kỳ tiến hành ngày càng nhiều chuyến bay do thám với các máy bay không người lái ( UAV ), như Global Hawk, trên vùng biển này. Đã có thông tin là Trung Quốc nhiều lần tìm cách gây nhiễu sóng điện tử các chiếc Global Hawk.
Về phần mình, quân đội Trung Quốc cũng đã mở rộng việc sử dụng các hệ thống không người lái, không chỉ nhằm do thám mà còn nhằm thiết lập một sự hiện diện thường trực ở các vùng biển đang tranh chấp. Ngoài việc đưa máy bay không người lái vào cơ cấu của lực lượng, quân đội Trung Quốc còn triển khai một số tàu lặn không người lái và đang nỗ lực phát triển tàu mặt nước không người lái (USV)
Hạm đội Nam Hải và Hạm đội Đông Hải của hải quân Trung Quốc nay có nhiều đơn vị với máy bay không người lái, mà dường như đã nhiều lần tham gia tuần tra ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cũng theo The Diplomat, gần đây Trung Quốc đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc phát triển các máy bay không người lái tối tân hơn, kể cả với khả năng “tàng hình”, tức là khó bị radar phát hiện.
Theo nhận định của The Diplomat, việc sử dụng ngày càng nhiều hệ thống không người lái, những phương tiện mà không có hạn chế về nhân lực, cũng như không có rũi ro về tính mạng, sẽ giúp Bắc Kinh củng cố những đòi hỏi chủ quyền và nâng cao khả năng kiểm soát các vùng biển tranh chấp.
Thanh Phương
Điểm tin báo chí Pháp (RFI, 03/01/2017)
Cuộc hải chiến không cân sức giữa Hà Nội và Bắc Kinh
Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm được kéo về đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày 29/05/2014. REUTERS/Stringer
Tại quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974, ngư dân Việt Nam trên tuyến đầu trước những hành động hung hăng của Trung Quốc : tầu bị đánh đắm, lưới đánh bắt bị cướp, thủy thủ đoàn bị hành hung, thậm chí bị giết chết. Nhưng Hà Nội phải cắn răng giảm nhẹ tình huống, do e sợ các hành động trả đũa.
Đây là nội dung bài phóng sự đề tựa "Trận thủy chiến trên Biển Đông" đăng trên tờ Libération ngày 03/01/2017. Bài phóng sự do đặc phái viên Arnaud Vaulerin và phóng viên ảnh Ben Bohane thực hiện nhân một chuyến tác nghiệp báo chí do bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức.
Gương mặt chai sạm vì nắng và gió biển, giọng nghẹn ngào anh Vi, một ngư dân đảo Lý Sơn, kể lại vụ việc ngày 01/11/2016 : "Bọn chúng cướp hết mọi thứ, cắt hết cáp điện và ăng-ten, nhổ cờ Việt Nam và ném hết xuống biển, chỉ để lại cho chúng tôi đủ những gì để đi về". Rồi anh mô tả lại cảnh bị nhóm lính Trung Quốc làm nhục ra sao : từ việc bắt quỳ gối, tay chắp sau gáy, bị đánh đập, mắng chửi, cho đến bị đe dọa giết chết…
Có lẽ, không ai hiểu được cảm giác ngư dân Lý Sơn "căm ghét và chống Trung Quốc đến dường nào" như lời tâm sự của ông Nguyễn Quốc Chính, chủ tịch Hiệp Hội Nghề Cá Việt Nam. Tính từ năm 2014 đến nay, con số vụ Trung Quốc tấn công và hành hung các ngư dân Việt Nam ngày càng tăng : đánh chìm tầu cá (ít nhất là 18 chiếc), tịch thu lưới đánh bắt và số hải sản đánh bắt được, phá hủy các trang thiết bị như cáp điện, ăng-ten, và hành hung thô bạo ngư dân Việt…
Một điểm khác biệt lớn nữa là trong những năm gần đây, tầu của Trung Quốc xuất hiện ngày một đông đảo và ngang dọc khắp vùng Biển Đông nhưng không phải là để đánh cá như lời khẳng định của anh Vi với phóng viên, nhất là kể từ khi Bắc Kinh cho bồi đắp các rạn san hô và bãi đá ngầm thành những đảo nhân tạo.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Trung Quốc sử dụng một lực lượng hùng hậu không và hải quân đến trấn giữ Biển Đông : "Khi chúng tôi đến quần đảo Hoàng Sa, đầu tiên hết là các chiếc máy bay trinh sát bay lượn trên đầu chúng tôi. Hai giờ sau, mấy chiếc tầu chiến đổ ập đến. Chính những ngư dân giả này tấn công chúng tôi bằng đầu tầu bọc vỏ thép và tầu được trang bị kỹ lưỡng, đó là những dân quân biển bán vũ trang. Họ đâm thẳng vào chúng tôi, cắt lưới, bao vây chúng tôi và phá hủy tất cả khi họ lên tầu chúng tôi. Cuối cùng, họ dí súng tiểu liên vào đầu chúng tôi đe dọa những ai không muốn bị quay phim".
Đôi khi điều tồi tệ nhất cũng đã xảy ra. Ngày 28/11/2016, một ngư dân Việt Nam đã bị bắn chết trên biển. Thế nhưng, chính quyền Việt Nam buộc phải im lặng, giảm thiếu tối đa tình hình, lo sợ một khi "chạm phải nọc ong" thì không có phương cách cứu chữa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Libération, ông Trần Anh Sơn, sử gia và là giám đốc Viện Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội tại Đà Nẵng khẳng định "Việt Nam có đủ bằng chứng để xác quyết chủ quyền và đã từng chuẩn bị kiện Trung Quốc. Nhưng vì Việt Nam duy trì một mối quan hệ quá chặt chẽ trên phương diện hệ tư tưởng và chính quyền Hà Nội e sợ phản ứng thái quá từ Bắc Kinh, trả đũa kinh tế chẳng hạn. Việt Nam lệ thuộc quá nhiều Trung Quốc".
Nhưng sự nhẫn nhịn đó liệu sẽ kéo dài được bao lâu, khi ngư dân là những người phải hứng mũi chịu sào, những người trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia như khuyến khích của nhà nước Việt Nam ? Ông André Menras, một tình nguyện viên mang hai quốc tịch Pháp-Việt, luôn sát cánh cùng với ngư dân Lý Sơn, e sợ rằng "Một ngày nào đó, một trong số họ sẽ ném trái pháo vào lính Trung Quốc".
Không được hỗ trợ mạnh về tài chính và sự bảo vệ mạnh mẽ từ chính phủ, ngư dân Việt Nam đôi khi như có cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc thủy chiến âm thầm lặng lẽ này. Tiền bồi thường cho ngư dân quá ít ỏi (khoảng 11.300 euro), không đủ mua thuyền mới và trả lương cho thủy thủ đoàn.
Không dám nêu đích danh Trung Quốc, tuần duyên Việt Nam khẳng định đã làm hết mọi khả năng bảo vệ ngư dân trước những "thách thức do các tầu 'nước ngoài' gây ra, những chiếc tầu vi phạm luật quốc tế và đến xâm phạm lãnh hải Việt Nam". Đối với họ, "ngư dân là những người lính biển, họ phải bám biển để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước".
"Châu chấu đá voi"
Nhưng với chỉ có 20 chiếc tầu chiến, tuần duyên Việt Nam phải vất vả bao quát cả một vùng biển rộng lớn từ Hoàng Sa cho đến Trường Sa. Theo thuyền trưởng Ngô Công Quý, "Để đảm bảo nhiệm vụ, chúng tôi cần ít nhất là 60 chiếc tầu. Ngư dân có lý khi chỉ trích việc chúng tôi thiếu thốn các phương tiện. Khi xảy ra sự cố trên biển, chúng tôi điều hai tầu chiến và phải đối mặt với 35 chiếc tầu dân quân biển Trung Quốc". Với một hạm đội như thế, rõ ràng Bắc Kinh đã bỏ xa Hà Nội trong cuộc thủy chiến không chút thương tiếc này, bài viết kết luận.
2016 bất trắc, 2017 cũng "phập phồng" lo âu
Một năm 2016 đầy bất trắc vừa khép lại, nhưng những tàn dư của năm cũ vẫn tác động sang năm mới. Vậy "những sự kiện nào vẫn sẽ đánh dấu năm 2017 ?". Theo nhật báo kinh tế Les Echos, năm nay có đến 11 vấn đề thách thức thế giới.
Đứng đầu danh sách là một ông Donald Trump khó đoán, sẽ làm chao đảo mọi cục diện. Sau khi đã phá tan các quy tắc bầu cử, ông Trump còn dự tính làm đảo lộn cả trật tự thế giới với những phát biểu bốc đồng. Ông đe dọa mở cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran, bỏ rơi các đối tác trong NATO và dự tính một "tuần trăng mật" với Putin. Đến mức, ông Alan Lipman, một trong những người hiếm hoi dự đoán thắng lợi của Trump cho rằng chỉ còn thiếu có nước là hạt "điện tử tự do" này bị hứng chịu thủ tục phế truất do vi phạm an ninh quốc gia nữa mà thôi.
Sau Trump là Putin. Les Echos dự đoán tổng thống Nga sẽ còn xiết chặt luật chơi với phương Tây. Giả dụ như ông Putin có bị cản trở trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, thì ông vẫn có thể tiếp tục điều khiển một chiến lược ở bên ngoài biên giới, hòng trả lại uy thế cho nước Nga trên chính trường quốc tế. Câu hỏi đặt ra, liệu ông Putin, người được "Times" bình chọn là nhân vật quyền lực nhất trên hành tinh, có cảm thấy hài lòng là chủ nhân cuộc chơi tại Syria ?
Nếu như phương Tây không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, ông Putin rất có thể sẽ tiếp tục leo thang. Tại sao không thử trắc nghiệm tình đoàn kết của khối NATO đang trong trạng thái ngờ vực lẫn nhau, mà việc phá tan khối này bằng các chiến dịch gây bất ổn tại các nước vùng Baltic hay Ba Lan chẳng hạn đang là ước mơ cuối cùng của ông ?
Sự kiện thứ ba vẫn gây ra những tác động lớn đến năm 2017 là việc "quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan tiếp tục gây đổ máu trên hành tinh". Daesh và al-Qaeda sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu tại các quốc gia Hồi giáo cũng như phương Tây. Năm 2016 kết thúc với 29.300 nạn nhân của các vụ khủng bố hay tàn sát trong khuôn khổ các cuộc nội chiến trên toàn thế giới. Theo các cơ quan tình báo, quân thánh chiến đang lên kế hoạch một "Bataclan" mới tại những nước mục tiêu hàng đầu : Pháp, Hoa Kỳ, Anh quốc hay Đức.
Bên cạnh những sự kiện khác như sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, khởi động tiến trình Brexit, hồi kết cho nội chiến Syria, chế độ Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cứng rắn, mối đe dọa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lên nền kinh tế thế giới , thủ tướng Đức Angela Merkel dưới áp lực, các chỉ số phát triển được cải thiện, Les Echos nêu bật việc ông "Tập Cận Bình rõ ràng có ý định kéo dài quyền lãnh đạo đất nước".
Trên nguyên tắc, năm 2017 ông Tập sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm cuối cùng vai trò lãnh đạo đảng và đất nước. Nhưng trên thực tế, trong hậu trường, ngày càng có nhiều lời xầm xì cho rằng ông còn muốn kéo dài đến tận năm 2022. Đối mặt với sức tăng trưởng ì ạch, ông phải chứng tỏ tính hiệu quả của các chương trình cải cách, chống tham nhũng bằng mọi giá nhưng cũng phải giữ chặt lấy Biển Đông, không để cho Hồng Kông tiến tới độc lập và tiến xa hơn nữa trên những "con đường tơ lụa".
2017 và năm thách thức cho khu vực đồng euro
Trên lĩnh vực tài chính, Le Monde quan tâm đến năm thách thức cho khu vực đồng euro trong năm 2017. Theo nhật báo, chính tính chất bấp bênh trong chính trị sẽ đè nặng lên tăng trưởng của châu Âu.
Từ đây đến giữa năm, việc chờ đợi các kết quả bầu cử tại Pháp, Hà Lan và Đức, cũng như các cuộc đàm phán về Brexit có lẽ sẽ làm tê liệt phần nào các hoạt động đầu tư tư nhân.
Giá dầu thô tăng, dẫn đến lạm phát trở lại sẽ phải tác động đến tăng trưởng và sức mua của người dân châu Âu. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cũng có thể làm suy yếu Bồ Đào Nha và Ý. Các ngân hàng tại Ý tiếp tục quan ngại về thị trường tài chính.
Bảo vệ Môi trường : Pháp-Mỹ lùi, Trung Quốc tiến
Liên quan đến bảo vệ môi trường, Libération và La Croix mở hai hồ sơ lớn cho thấy hai xu hướng trái ngược nhau đang diễn ra giữa Pháp-Mỹ và Trung Quốc. Trên trang nhất, Libération lo lắng hiện tượng "Thoái lui môi sinh của Pháp và Mỹ".
Thỏa thuận về khí hậu COP 21 ký kết tại Paris hồi cuối năm 2015 có nguy cơ chết yểu. Việc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng với một đội ngũ lãnh đạo nghi ngờ hiện tượng biến đổi khí hậu làm dấy lên nỗi lo một sự thoái lui rõ rệt trong việc bảo vệ môi trường.
Tại Pháp, những vùng ngả sang cánh hữu cũng đang cắt giảm ngân sách tài trợ cho các hiệp hội môi trường, trong khi mà giá dầu thô lại tăng lên. Câu hỏi đặt ra : Không lẽ lại quay về bước khởi đầu ? Tờ báo hy vọng là Không.
Bởi vì các nhà khoa học đều đồng loạt ghi nhận : năm 2016 có lẽ đã phá kỷ lục năm nóng nhất, lần thứ ba liên tiếp. Theo thống kê cuối cùng của Tổ chức Khí tượng Thủy văn Thế giới, đưa ra hồi cuối tháng 12/2016, nhiệt độ trung bình năm 2017 có lẽ sẽ cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) khoảng 1,2°C.
Một quan điểm cũng được NASA và Cơ quan Đại dương và Khí hậu Hoa Kỳ cùng chia sẻ và không ngừng đưa ra báo động về mức kỷ lục nhiệt độ. Bắc Cực là khu vực chịu tác động nhiều nhất. Nhiệt độ tại đây cao hơn so với đầu thế kỷ XX 3,5°C và đã trải qua 12 tháng nóng nhất trong năm qua. Theo các quan sát mới nhất từ trung tuần tháng 10 cho đến cuối tháng 11/2016, mức độ mở rộng tảng băng đã ở mức thấp nhất so với những lần quan sát đầu tiên được thực hiện vào năm 1979.
Nếu như Pháp và Hoa Kỳ đang phớt lờ dần việc bảo vệ môi trường, thì "Trung Quốc đang chuyển sang mầu xanh lá cây", tựa đề hồ sơ dài hai trang rưỡi trên La Croix. Bắc Kinh đang cố hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Với số dân gần 1,4 tỷ người, chiếm đến 20% dân số thế giới, nhưng chỉ sở hữu có 7% nguồn dự trữ nước, trong khi chỉ có 25% nước sử dụng được tái chế so với con số 85% tại các nước phát triển, cùng với nạn ô nhiễm, Trung Quốc quan ngại xảy ra hiện tượng khan hiếm nước nghiêm trọng.
Ý thức được vấn đề, Bắc Kinh những năm gần đây đã tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ và quy định ràng buộc áp đặt lên các ngành công nghiệp. Được chính quyền trung ương hỗ trợ, nhiều địa phương đã thực hiện chính sách tập trung các ngành công nghiệp ô nhiễm nhất vào một điểm để dễ bề quản lý và xử lý nước và chất thải, mà ví dụ điển hình là khu công nghiệp hóa chất tại Thượng Hải.
Minh Anh
*******************
Đài Loan phản đối Việt Nam trục xuất nghi phạm Đài Loan sang Trung Quốc (VOA, 04/01/2017)
Một thành viên của Hội đồng Đại lục Sự vụ Đài Loan (MAC)
Đài Loan ngày 3/1 mạnh mẽ phản đối việc Việt Nam trục xuất sang Trung Quốc bốn công dân Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông. Đài Loan cho rằng việc này do áp lực từ Bắc Kinh.
Vụ trục xuất mới nhất này diễn ra sau một loạt các trường hợp tương tự trong năm khi công dân Đài Loan ở Kenya, Malaysia, Armenia, và Campuchia bị bắt vì cáo buộc dính líu tới các nhóm chuyên lừa đảo viễn thông xuyên biên giới và bị trục xuất tới Trung Quốc.
Các vụ trục xuất này dựa trên chính sách "một nước Trung Hoa" đang áp dụng tại hầu hết các nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng không có quan hệ chính thức với Đài Loan, một hòn đảo tự trị bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.
Trong vụ việc mới đây, bốn nghi phạm quốc tịch Đài Loan và một nghi phạm quốc tịch Trung Quốc bị bắt tại Hải Phòng hồi tháng 12. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay dù đặc phái viên của họ tại Việt Nam liên tục yêu cầu trục xuất bốn người mang quốc tịch Đài Loan về Đài Loan, nhưng các nghi phạm này vẫn bị cưỡng ép đưa sang Trung Quốc.
Hôm 3/1, hãng tin CNA dẫn lời Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết việc Việt Nam quyết định trục xuất 4 nghi phạm này cho Trung Quốc là việc rất đáng tiếc.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan viết : "Trung Quốc nói các nạn nhân trong vụ này hầu hết ở Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam phải dẫn độ tất các nghi phạm tới Trung Quốc (dựa trên một hiệp ước pháp lý song phương), gây cản trở nỗ lực của chúng tôi trong việc tìm hiểu sự việc và thăm các nghi phạm Đài Loan".
Cùng ngày, cơ quan quyết định các chính sách của Đài Loan về Trung Quốc, Hội đồng Đại lục Sự vụ (MAC) kêu gọi Bắc Kinh đối thoại càng sớm càng tốt và nói rằng hành động của Trung Quốc không giúp ích cho công tác truy tìm nguồn gốc các nhóm lừa đảo xuyên biên giới và làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng lẫn nhau của hai bên trong nỗ lực chống tội phạm.
Trung Quốc đã đình chỉ đối thoại với Đài Bắc kể từ tháng 6, một tháng sau khi Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, nhậm chức. Bà Thái là người không chấp nhận nguyên tắc "một nước Trung Hoa" do Bắc Kinh đề ra.
Theo các quan chức MAC, trong năm nay có hơn 200 người Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông đã bị trục xuất từ các nước thứ ba tới Trung Quốc.
********************
Biển Đông : Bắc Kinh thúc đẩy quân sự hóa đội tàu cá (RFI, 02/01/2017)
Ảnh minh họa : Tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc bị lực lượng Tuần Duyên Hàn Quốc bắt giữ, neo tại cảng Incheon ngày 09/10/2016. Yoon Tae-hyun/Yonhap via REUTERS
Trong thông điệp năm mới dương lịch ngày 31/12/2016, lãnh đạo Bắc Kinh Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ "không để bất kỳ ai" tranh giành chủ quyền biển đảo và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Thông điệp đầy tính đe dọa này đã được minh họa một cách cụ thể trong trường hợp Biển Đông : Trước ông Tập Cận Bình ít lâu, một lãnh đạo quân sự cao cấp tại đảo Hải Nam, đã nhắc nhở các thành viên Dân Quân Biển nước này rằng họ đều là những "cột mốc chủ quyền di động".
Trong bài phát biểu hôm 29/12/2016, ông Hình Cẩm Trình (Xing Jincheng) chính ủy lực lượng võ trang Trung Quốc trên đảo Hải Nam, chịu trách nhiệm quản lý Biển Đông, đã tái khẳng định nhiệm vụ của Dân Quân Biển Trung Quốc là thực hiện các "chiến dịch chủ quyền dân quân" và bảo vệ các "vùng biển của tổ tiên", tức là những vùng lãnh hải "vốn thuộc về Trung Quốc từ ngàn xưa".
Đối với nhân vật lãnh đạo cấp ủy Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong lực lượng võ trang đảo Hải Nam này thì "các vùng biển lặng không hẳn là êm ả", do đó Dân Quân Biển Trung Quốc "phải tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu".
Tuyên bố đầy sát khí trên đây một lần nữa chứng minh ý đồ của chính quyền Trung Quốc là biến đội tàu đánh cá – trên danh nghĩa là dân sự - của Trung Quốc thành vũ khí bảo vệ điều mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ ở Biển Đông cũng như ở nơi khác.
Đạo quân trên biển thứ ba sau Hải Quân và Hải Cảnh
Theo các nhà quan sát, lực lượng Dân Quân Biển Trung Quốc đã được chính quyền tăng cường quân số, huấn luyện, đào tạo và cung cấp trang bị để trở thành một lực lượng bảo vệ biển thứ ba của Bắc Kinh, ngay sau hai lực lượng chính thống là Hải Quân và Hải Cảnh.
Được thành lập từ những năm 1970, lực lượng này không ngừng được nhân rộng. Một báo cáo năm 1978 ước tính rằng Dân Quân Biển Trung Quốc bao gồm 750.000 người và 140.000 tàu. Quy mô của lực lượng này hiện nay không được tiết lộ, nhưng với ưu tiên dành cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong kế hoạch quốc phòng của Trung Quốc, lực lượng này chắc chắn đông đảo hơn rất nhiều.
Một số liệu chính thức cho phép ước lượng quy mô của đạo dân quân biển Trung Quốc : Tính đến năm 2013, Trung Quốc có khoảng 21 triệu ngư dân, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Theo báo cáo năm 2012 của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, Trung Quốc có khoảng 439.000 tàu đánh cá chạy bằng động cơ. Hai yếu tố này làm tiền đề rất tốt cho việc tăng cường dân quân.
Không chỉ là số lượng đông. Lực lượng này còn được huấn luyện về kỹ năng hoạt động.
Nhật báo Anh Ngữ China Daily vào tháng Hai/2016 tiết lộ rằng lực lượng Dân Quân Biển của Trung Quốc "đang cải thiện khả năng hoạt động" để trở nên mạnh mẽ hơn. Đối với với tờ báo, đó là "kết quả của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực trên biển và bảo vệ lợi ích của đất nước".
Vai trò trợ thủ đắc lực cho Hải Quân Trung Quốc của lực lượng này đã được tờ báo công nhận khi cho biết là chính quyền đã tổ chức "những cuộc tập huấn thực tế trên biển cho các dân quân địa phương để tăng cường khả năng chiến đấu của họ," cho phép "dân quân biển đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc tập trận do Hải Quân tổ chức".
Mục tiêu : Áp đặt chủ quyền Trung Quốc ở vùng tranh chấp
Theo một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore : "Các quan chức Trung Quốc coi các ngư dân và tàu cá là những công cụ quan trọng trong việc mở rộng sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp".
Trong một phiên điều trần của Quốc Hội Mỹ tháng 09/2016, tiến sĩ Andrew Erickson, một chuyên gia hàng đầu về Dân Quân Biển Trung Quốc thẩm định : "Không nên ngộ nhận : đó là một lực lượng được Nhà Nước thành lập, phát triển và kiểm soát, hoạt động dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đội".
Đối với chuyên gia này Trung Quốc lại gây quan ngại "khi thúc đẩy việc phát triển dân quân biển, một lực lượng mà nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là hoạt động bán quân sự, còn đánh cá chỉ là thứ yếu".
Tóm lại, chiến lược quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc không chỉ được thể hiện trên bề nổi là sự hiện diện của quân đội và vũ khí Trung Quốc trong vùng, mà còn thông qua điều mà giới phân tích phương Tây gọi là Đạo Quân Biển Thứ Ba (Third Sea Force) này, một lực lượng bán quân sự ngụy trang dưới vỏ bọc đội tàu cá dân sự, được tung vào các "chiến dịch tấn công trong vùng xám" (grey-zone aggression).
Chiến lược gây hấn kiểu tranh tối tranh sáng
Trong một bài viết trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat ngày 24/12/2016, chuyên gia Ong Weichong cũng thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế - Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, đã vạch trần sách lược sử dụng các cuộc tấn công trong vùng xám này của Trung Quốc.
Khi tung một lực lượng trên danh nghĩa là "dân sự", vào những chiến dịch khiêu khích các lực lượng quân sự của đối phương, hoặc để chiếm đóng một nơi nào đó, Bắc Kinh luôn luôn có thể thoái thác trách nhiệm nếu bị chỉ trích, đổ lỗi cho hành vi của ngư dân hay tàu cá.
Mặt khác, nếu lực lượng chính quy của đối phương phản ứng quá mạnh, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể lớn tiếng đả kích việc dùng quân đội đàn áp "dân thường".
Theo ông Ong Weichong, "một phương pháp tiếp cận như vậy cho phép Trung Quốc tùy ý hành động nhưng lại giảm đi nguy cơ leo thang xung đột quân sự".
Một ví dụ điển hình về hành động của đội dân quân biển Trung Quốc là vụ sách nhiễu tàu nghiên cứu hải dương Mỹ USNS Impeccable tại Biển Đông ngày 08/03/2009.
Năm chiếc tàu của Trung Quốc – bao gồm một tàu do thám của Hải Quân, một ngư chính, một tàu tuần tra hải dương học của chính phủ, và hai tàu đánh cá đã bao vây chiếc Impeccable trong vùng biển quốc tế, cách bờ biển phía nam đảo Hải Nam khoảng 75 dặm. Các tàu nhà nước Trung Quốc thì ở xa, trong lúc hai tàu cá Trung Quốc thì áp sát tàu Mỹ, thậm chí dừng lại ngay trước mũi tàu của đối phương buộc chiếc Impeccable phải khẩn cấp bẻ lái để tránh va chạm và gây nên một sự cố quốc tế.
Gần đây hơn, dân quân biển Trung Quốc cũng được phái đến vùng Biển Hoa Đông vào tháng Tám 2016, với vụ 230 tàu đánh cá Trung Quốc đi kèm với sáu tàu Hải Cảnh tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Đó là chưa kể đến việc lực lượng này thường trực tại vùng bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm lấy từ tay Philippines, để chặn đường không cho ngư dân Philippines đến đánh bắt tại vùng ngư trường truyền thống của minh.
Vấn đề là cho đến nay, các chính phủ nước ngoài thường chỉ chú ý đến các hành động của hai lực lượng chính quy trên biển của Trung Quốc là Hải Quân và Hải Cảnh, còn những hành vi tai hại không kém của lực lượng Dân Quân Biển lại ít được quan tâm.
Đối với các chuyên gia, chính quyền các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ phải nhận thức đúng mức mối nguy hại này để có biện pháp đối phó, và nhất là để ngăn chặn bàn tay của Trung Quốc. Trong cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ tháng 9 vừa qua, chuyên gia Andrew Erickson khuyến cáo : "Chúng ta phải cho Bắc Kinh hiểu là chúng ta biết rõ chiêu trò của họ".
Trọng Nghĩa
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đưa vũ khí ra Trường Sa hôm 29/11/2016. Courtesy of amti.csis.org
Cả 3 cường quốc trên thế giới là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đều có các hoạt động và kế hoạch quân sự tại Biển Đông, khiến cho tình hình tại vùng biển nhiều tranh chấp này trở nên sôi động ngay trong những ngày đầu năm 2017.
Quân đội Trung Quốc hôm 2/1/2017 lên tiếng xác nhận tàu sân bay Liêu Ninh của nước này lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận tại khu vực Biển Đông cùng với các chiến đấu cơ và các loại tàu chiến khác.
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết hồi chiều thứ Hai rằng một số chiến đấu cơ J-15 đã cất và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh vào cùng ngày.
Việc xác nhận như vừa nêu được đưa ra vào chiều tối hôm qua, chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc Phòng Đài Loan lên tiếng rằng tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc và 5 tàu chiến khác đã di chuyển vào khu vực Biển Đông hồi tuần trước, băng qua vùng biển phía Nam của Đài Loan, nơi đảo quốc này triển khai các chiến đấu cơ để giám sát hạm đội.
Trung Quốc gọi cuộc diễn tập vừa nêu là một phần trong chương trình diễn tập trên biển.
Tuy nhiên cuộc diễn tập này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc cũng như khiến các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thêm phần quan ngại.
Sau khi Trung Quốc lên tiếng xác nhận lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành cuộc tập trận tại Biển Đông, Nga hôm nay thông báo đang lên kế hoạch tổ chức tập trận chung với Philippines, khi mà 2 tàu chiến của Nga đến thăm Manila.
Bản đồ hình lưỡi bò do Trung Quốc tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông.AFP
Hãng thông tấn AFP dẫn lời Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov về thông tin vừa nêu, cho biết thêm đôi bên sẽ thảo luận về vấn đề này và mục tiêu của hoạt động tập trận chung giữa hải quân đôi bên là nhằm tập trung vào hai mối quan ngại an ninh hàng đầu trong khu vực là cướp biển và khủng bố.
Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov nói thêm rằng Nga có khả năng sẽ tập trận chung với Trung Quốc và Malaysia ở khu vực Biển Đông. Ông này cho báo giới biết Nga đã tiến hành tập trận chung với hải quân Indonesia rồi.
Chuyến thăm của hai tàu hải quân Nga đến Philippines kéo dài trong 4 ngày.
Cùng lúc đó tin tức từ Washington cho biết, các chiến lược gia, giới hoạch định chính sách cũng như quan chức quân đội cao cấp của Hoa Kỳ đang xem xét cách thức triển khai những loại vũ khí của nước này tại những nơi khác nhau trên thế giới, trong đó có khu vực Biển Đông.
Mạng báo National Interest loan tin này hôm đầu năm 2017 cho rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa mang tính cạnh tranh vừa hợp tác rất phức tạp ; và động thái gần đây của Bắc Kinh cho bố trí hệ thống tên lửa phòng không tại những đảo nhân tạo ở Biển Đông gây gia tăng căng thẳng buộc phía quốc phòng Hoa Kỳ phải xem xét đến những giải pháp khác nhau.
Dù chưa có những quyết định nào đưa ra vào lúc này, nhưng biện pháp bố trí vũ khí ở Biển Đông vẫn được xem xét.
Giới chức quốc phòng Hoa Kỳ công khai nhắc lại Washington tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải ; tức cho tàu đi vào khu vực 12 hải lý của những đảo đá mà Trung Quốc chiếm đóng.
Ngoài hoạt động này thì Hoa Kỳ hoàn toàn có thể tìm cách bố trí thêm những vũ khí phòng vệ và phản công tại khu vực Biển Đông.
**************************
Hoa Kỳ có thể triển khai vũ khí hạng nặng ở Biển Đông (RFA, 03/01/2017)
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Scott H. Swift. AFP photo
Các chiến lược gia, giới hoạch định chính sách cũng như quan chức quân đội cao cấp của Hoa Kỳ được cho biết đang xem xét cách thức triển khai những loại vũ khí của nước này tại những nơi khác nhau trên thế giới, trong đó có khu vực Biển Đông.
Mạng báo National Interest loan tin này hôm đầu năm 2017 cho rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa mang tính cạnh tranh vừa hợp tác rất phức tạp ; và động thái gần đây của Bắc Kinh cho bố trí hệ thống tên lửa phòng không tại những đảo nhân tạo ở Biển Đông gây gia tăng căng thẳng buộc phía quốc phòng Hoa Kỳ phải xem xét đến những giải pháp khác nhau.
Dù chưa có những quyết định nào đưa ra vào lúc này, nhưng biện pháp bố trí vũ khí ở Biển Đông vẫn được xem xét.
Giới chức quốc phòng Hoa Kỳ công khai nhắc lại Washington tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải ; tức cho tàu đi vào khu vực 12 hải lý của những đảo đá mà Trung Quốc chiếm đóng. Ngoài hoạt động này thì Hoa Kỳ hoàn toàn có thể tìm cách bố trí thêm những vũ khí phòng vệ và phản công tại khu vực Biển Đông.
************************
Biển Đông trong thông điệp năm mới, năm cũ của ông Tập Cận Bình (GDVN, 02/01/2017)
Bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi thì phải dám đối đầu trực diện, không được cúi đầu trước khó khăn, không được rút lui trước thách thức, không được đổi chác...
The Straits Times ngày 2/1 đưa tin, trong thông điệp năm mới 2017 của ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc, vấn đề Biển Đông được ông nhắc đến qua thông điệp về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, tuy không nêu đích danh :
"Chúng ta kiên trì phát triển hòa bình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển. Ai đó muốn gây chuyện, nhân dân Trung Quốc quyết không chấp nhận".
Tờ báo Singapore lưu ý, những động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền (phi pháp) ở Biển Đông đang tranh chấp, bao gồm việc bồi lấp các đảo nhân tạo đã khiến các nước láng giềng vô cùng lo ngại.
Trung Quốc tuyên bố cái gọi là "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông [1].
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi thông điệp năm mới 2017, ảnh : Tân Hoa Xã.
Theo hãng thông tấn AP, "chủ quyền" là một trong vài "từ khóa" quan trọng ông Tập Cận Bình nhắc đến không nhiều nhưng với ngữ điệu mạnh mẽ rõ ràng.
Giới phân tích cho rằng thể hiện này của ông Bình là nhằm vào Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Đa Chiều ngày 31/12/2016 cho hay, trong phiên sinh hoạt dân chủ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc cuối tháng 12/2016, ông Tập Cận Bình cũng tỏ ra khá gay gắt về vấn đề chủ quyền. Ông yêu cầu thuộc cấp :
"Bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi thì phải dám đối đầu trực diện, không được cúi đầu trước khó khăn, không được rút lui trước thách thức, không được đổi chác nguyên tắc, không được để dân tộc Trung Hoa phải nếm trái đắng cho dù dưới bất kỳ áp lực nào" [2].
Người viết cho rằng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển và lợi ích cốt lõi "hợp pháp" của quốc gia, dân tộc là thiên chức và sứ mạng của lãnh đạo bất kỳ quốc gia nào.
Chỉ xin lưu ý rằng, chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển hay lợi ích cốt lõi đó phải là hợp pháp theo tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đương đại, được cộng đồng khu vực, quốc tế thừa nhận.
Nếu cái gọi là chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển hay lợi ích quốc gia cốt lõi kia chỉ là tham vọng chính trị vĩ cuồng của ai đó mà bắt con em mình, nhân dân mình ra trước hòn tên mũi đạn để "bảo vệ", hay ép họ phải "đối đầu trực diện" với quốc gia khác, dân tộc khác vì những điều không có thật, cái giá phải trả sẽ rất lớn, cho chính mình và cho người khác.
Quay trở lại chuyện bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển mà ông Tập Cận Bình nêu ra trong kỳ sinh hoạt dân chủ Bộ chính trị năm cũ, hay thông điệp năm mới, chỉ xin chia sẻ rằng những phát biểu ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị khi cái ông hô hào bảo vệ là hợp pháp, so với các chuẩn mực luật pháp quốc tế đương đại.
Còn riêng những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan tới việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 như đường lưỡi bò hay hiệu lực pháp lý của một số cấu trúc địa lý, đã được Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 chỉ ra rất rõ.
Ông Tập Cận Bình cũng là người được dạy từ bé những điều chưa chính xác về cái gọi là "chủ quyền" đối với Biển Đông hay hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Khi trở thành lãnh đạo, tưởng rằng sẽ là cơ hội để ông sửa chữa sai lầm của một vài chính khách đi trước trong việc vạch ra đường lưỡi bò và yêu sách vô lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam với lập luận đại ngôn, vô căn cứ : "tài sản của tổ tông để lại", "Trung Quốc có chủ quyền từ thời cổ đại".
Những tiếng nói trung thực, thẳng thắn, có căn cứ rõ ràng từ các nhà nghiên cứu, học giả chính trực của dân tộc Trung Hoa như Giáo sư Lý Lệnh Hoa ở Bắc Kinh, Giáo sư Trương Bác Thụ ở Hoa Kỳ đã không đến được với người lãnh đạo cao nhất của đất nước Trung Quốc.
Danh tiếng của ông Tập Cận Bình đã vượt qua khuôn khổ biên giới Trung Quốc là nhờ vào chiến dịch chống tham nhũng nổi tiếng, đả hổ đập ruồi, và quan điểm thượng tôn pháp luật mà đảng Cộng sản Trung Quốc phải dựa vào pháp luật để quản lý đất nước.
Nhưng trong lĩnh vực đối ngoại, bộ máy tham mưu của ông đang làm ngược lại tư tưởng tiến bộ này. Ứng xử của Trung Quốc ở Biển Đông đang theo lối cá lớn nuốt cá bé, sức mạnh là lẽ phải.
Ông có niềm tin nhân dân Trung Quốc sẽ quyết không chấp nhận ai gây chuyện với Trung Quốc, còn tôi tin rằng nhân dân Trung Quốc với tư cách chủ nhân của một nền văn minh cổ đại rực rỡ của loài người, có nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc như Khổng Tử, Lão Tử thì quyết bảo vệ lẽ thật, chứ không bảo vệ sự giả dối.
Tôi nghĩ một nhà lãnh đạo tầm cỡ như Chủ tịch Tập Cận Bình phải có một niềm tin sắt đá vào những điều mình cho là đúng thì mới có động lực mạnh mẽ, hành động quyết đoán như thời gian qua.
Tuy nhiên ở cương vị người đứng đầu một nước lớn như Trung Quốc, trăm công ngàn việc mỗi ngày, những thông tin ông có được đều do bộ phận tham mưu cung cấp. Nên có thể nói niềm tin của ông được xây dựng chủ yếu từ hệ thống tham mưu.
Các Hoàng đế Trung Hoa thủa trước được người đời tôn là minh quân, sở dĩ phải luôn nghĩ cách cải trang vi hành, thâm nhập dân chúng, vì họ không có kênh thông tin nào phản biện với các báo cáo từ cấp dưới, mà không kiểm soát kiểm tra thì khó tránh khỏi những sai sót, dối trá, âm mưu.
Là lãnh đạo một nước Trung Quốc mới trong kỷ nguyên công nghệ, hy vọng những tiếng nói trung thực của đội ngũ trí thức chân chính, những hạt giống đỏ của dân tộc Trung Hoa sẽ đến được với các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước này.
Chỉ cần ông cho họ cơ hội bày tỏ, và sẵn sàng lắng nghe, chắc chắn giấc mơ Trung Quốc, phục hưng dân tộc Trung Hoa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, vì nó được xây dựng trên một nền tảng pháp lý có thật.
Cũng chỉ có cách lắng nghe được tiếng nói đa chiều từ cuộc sống như các bậc minh quân ngày trước, chính sách ban hành mới đi vào cuộc sống, tham nhũng hủ bại mới không còn đất sống. Được như thế, đó là hồng phúc của Trung Quốc, và cũng là điều tốt lành đối với khu vực.
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
[1]http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/xi-wont-let-anyone-make-great-fuss-about-territory
[2]http://global.dwnews.com/news/2016-12-31/59791600.html
************************
Trung Quốc bất ngờ tập trận lớn trên Biển Đông làm gia tăng căng thẳng (Một Thế Giới, 03/01/2017)
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang gây căng thẳng khu vực Biển Đông
Ngày 3/1, Trung Quốc xác nhận tàu sân bay Liêu Ninh và đội tàu hộ tống nó đã tiến hành cuộc tập trận lớn trên Biển Đông, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết một số máy bay chiến đấu J-15 đã cất cánh và hạ cánh xuống boong tàu sân bay Liêu Ninh hôm 2/1. Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên và duy nhất hiện nay của Trung Quốc, đã di chuyển vào Biển Đông hồi tuần trước sau khi áp sát Đài Loan.
Trung Quốc đưa ra xác nhận trên, vài ngày sau khi cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết tàu sân bay Liêu Ninh và 5 tàu chiến khác đã đi qua vùng biển phía nam Đài Loan. Đài Bắc khi đó đã phải cho máy bay chiến đấu xuất kích để theo dõi hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn một mực khẳng định đây là cuộc tập trận thường xuyên, nhưng không nêu rõ vị trí tập trận cụ thể. Trung Quốc chưa bao giờ mô tả cụ thể chiến lược sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng con tàu được xem là một thứ vũ khí lợi hại giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp của họ ở Biển Đông.
Bắc Kinh cũng dùng tàu sân bay Liêu Ninh như là một con bài để thách thức hải quân Mỹ và các lực lượng quân sự khác trong khu vực.
Căng thẳng trên Biển Đông đang ngày càng tăng cao trong bối cảnh cả Trung Quốc và Mỹ đều tố bên kia làm gia tăng căng thẳng bằng cách dồn vũ khí đến khu vực này. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, còn Mỹ không có tuyên bố chủ quyền nhưng khẳng định bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Thiên Hà(theoABC News)
Ảnh chụp hôm 23/12/2016 tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận trong vùng biển Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía đông của Trung Quốc. AFP photo
Biển Đông tiếp tục là một trong những khu vực nóng của thế giới. Một số diễn biến mới nhất có mang tính bất ngờ không, ai được hưởng lợi nhất vào lúc này và Việt Nam đang có những động thái gì để bảo vệ lãnh hải ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Khoa Sử, Đại học Maine ở Hoa Kỳ nhận định :
Bây giờ vẫn còn sớm để nói chắc chắn là ai có thể hưởng lợi nhất bởi vì hiện nay còn đang cạnh tranh về chuyện của nước Mỹ như chuyện sắp lên làm tổng thống của ông Trump, nên chính sách ngoại giao chưa rõ ràng, thành ra Trung Quốc có vẻ đang ‘nắn gân’ ông ấy, như đưa tàu sân bay vào Biển Đông. Tôi nghĩ là về lâu về dài, các nước trong khu vực họ sẽ phản ứng. Thế nên cũng rất là khó, Đông Nam Á chẳng hạn, hay tổng thống Duterte khi Philippines làm chủ nhà ASEAN lúc đó có thái độ như thế nào, thì mình sẽ hiểu và sẽ biết tình hình như thế nào. Nhưng mà tôi nghĩ rằng sau phán quyết của tòa án PCA, Trung Quốc có làm dữ cũng không có thể làm gì hơn, tôi nghĩ thế giới sẽ phản ứng.
Gia Minh : Như giáo sư vừa nhắc rằng Trung Quốc sẽ làm chủ tịch luân phiên của ASEAN, thái độ của tổng thống Duterte cũng bất chừng, nhưng mà mới ngày đầu năm tân đại sứ của Philippines ở Bắc Kinh nói rằng Manila cần có những thay đổi cơ bản về chiến lược, có nghĩa là phải cân bằng chứ không thể để nghiêng về phía Mỹ như lâu nay ?
Ngô Vĩnh Long : Ông ấy nói thì cũng đúng, thật ra lâu nay không có Mỹ bảo vệ Philippines thì sẽ rất nguy hại cho Philippines, cho nên tôi nghĩ là lúc này chưa có gì thì nói như vậy được, nhưng khi có sự cố tôi nghĩ là Philippines sẽ chạy lại với Mỹ, chứ không thì khó có ai có thể bảo vệ Philippines lắm, nhất là vùng sát đất liền nếu Duterte hay Philippines mà nhượng bộ thì sẽ rất nguy hiểm.
Gia Minh : Còn phía Việt Nam vừa qua cũng có những thông tin, những hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cũng đã trang bị vũ khí ở những đảo đá mà Việt Nam đang chiếm giữ. Giáo sư có thấy những động thái của Việt Nam như vậy chứng tỏ sự cương quyết của chính phủ Hà Nội trong việc bảo vệ chủ quyền trước sự gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ rằng đây chỉ là hành động chứng tỏ rằng nếu Trung Quốc đẩy mạnh thì Việt Nam sẽ sẵn sàng bảo vệ mình, và khi Việt Nam bảo vệ thì lẽ đương nhiên cả biển Đông sẽ dậy sóng, mà khi biển Đông dậy sóng thì sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều nước chứ không phải mình Việt Nam. Khi Việt Nam bị ép lắm thì Việt Nam cần có sự bảo vệ, nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam chỉ làm như vậy thôi, ngoài cái động thái để cho thế giới để ý này, động thái này cũng để cho mọi người biết rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ anh ninh của Việt Nam, mà thật ra là bảo vệ an ninh tốt nhất trên đất liền của Việt Nam chứ không phải ở trên biển Đông. Biển Đông rất lớn, bảo vệ an ninh của Việt Nam ở biển Đông chỉ là sự nhỏ thôi. Tôi nghĩ là cách gây sự chú ý của nhân dân Việt Nam ra khỏi các vấn đề gây khó khăn cho dân các nước.
Việt Nam chuẩn bị gì ?
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc J-15 trên boong tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập quân sự trên Biển Đông hôm 2/1/2017. AFP photo
Gia Minh : Trung Quốc cũng triển khai vũ khí ở 7 đảo nhân tạo mà họ xây dựng lên, mà nó rất gần nhau như vậy thì so sánh lực lượng giữa 2 phía thì giáo sư thấy rằng nếu mà cùng chạy đua trang bị quân sự hóa thì có hiệu quả không ạ ?
Ngô Vĩnh Long : Những máy bay mà Trung Quốc sử dụng thì có thể bắn phá những vùng mà Việt Nam đang chiếm một cách rất là nhanh. Nhưng mà nhìn chung về vũ khí mà Trung Quốc đưa lên những đảo mà Trung Quốc bồi đắp thì tôi nghĩ cách này để nói cho Mỹ biết rằng nếu mà các anh vẫn còn đi vào khu vực này của tôi đây thì chúng tôi sẽ làm lớn đó, để thị oai với Mỹ, nếu mà được thì cũng làm cho các nước khác sợ không dám để ý tới vấn đề phán quyết của PCA.
Trung Quốc có sẵn dự tính là những vùng nào Trung Quốc đã chiếm và bồi đắp thì nghĩa là với Trung Quốc, những vùng đó không có ai đe dọa được. Tôi nghĩ trong tương lai gần Việt Nam phải kiện Trung Quốc, kiện Trung Quốc về vấn đề Trung Quốc không theo phán quyết của PCA.
Gia Minh : Giáo sư căn cứ vào những dấu hiệu gì để có thể đưa ra khả năng này, thưa giáo sư ?
Ngô Vĩnh Long : Tháng 8 vừa qua khi tôi về Việt Nam họp một hội thảo về biển Đông thì tôi có gặp một số người làm chính sách Việt Nam, họ cho tôi biết là Việt Nam đã chuẩn bị rất là nhiều tình huống nhưng mà trong lúc mà tôi đang nói chuyện với họ thì họ thấy là chưa đúng lúc. Ngược lại thì tôi nói rằng phải làm nhanh chứ chờ tới lúc nào. Theo như nói chuyện với những người này thì tôi thấy việc chuẩn bị là khá kỹ. Vấn đề mà Reuters đưa về chuyện Việt Nam đưa các hỏa tiễn mua của Israel ra các đảo, những người có chức lớn nhất của Việt Nam, tôi không nói tên làm gì, nói là có nhưng chỉ là tập thôi chứ không dại gì đặt hỏa tiễn ở đó, họ vào thả bom, bắn vào là mất hết. Thì nếu mà họ tập thì họ cũng có chuẩn bị, nhưng còn chính sách như thế nào thì mình chưa rõ.
Gia Minh : Chân thành cám ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Gia Minh, PGĐ ban Việt Ngữ
Nguồn : RFA, 03/01/2017
Thủy quân lục chiến Mỹ tập sử dụng giàn đại pháo M777 Howitzer tại một căn cứ huấn luyện ở California. Ảnh tư liệu chụp ngày 25/05/2005. US MARINE CORPS
Các chiến lược gia và các nhà hoạch định kế hoạch của quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc đang nghiên cứu việc bố trí lại các hệ thống vũ khí trên toàn cầu, trong đó có khả năng đặt các đơn vị pháo binh di động ở Biển Đông, để nếu cần, có thể được sử dụng như là súng phòng không để bắn rơi các tên lửa ở vùng biển này. Đó là thông tin do tờ The National Interest đăng tải trong một bài viết đăng ngày 01/01/2017.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đặt các tên lửa địa đối không trên những đảo mà họ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Hành động này đã gây thêm căng thẳng và khiến các chiến lược gia của Lầu Năm Góc phải nghiên cứu nhiều phương án khác nhau.
Các quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh là hiện giờ chưa có quyết định nào được đưa ra. Cho tới nay, họ vẫn chống lại việc quân sự hóa hơn nữa vùng Biển Đông và vẫn chủ trương rằng các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình bằng con đường ngoại giao.
Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cũng đã công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, đi vào trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền. Theo The National Interest, ngoài các hoạt động tuần tra, Hoa Kỳ cũng có thể tìm cách bố trí thêm các vũ khí phòng thủ và vũ khí tấn công tại vùng này.
Đó là những hệ thống vũ khí cho tới nay được sử dụng cho các cuộc tấn công trên bộ, như các dàn súng M777 Howitzer hay Paladin có cỡ nòng 155 mm. Những vũ khí này có thể được sử dụng để bắn chặn các rocket hoặc tên lửa hành trình.
Đây cũng là những dàn súng phòng không có thể sử dụng công nghệ fire control để ngắm bắn chính xác, phá hủy các mục tiêu của đối phương như phi cơ, máy bay không người lái và đạn pháo bắn tới.
Các quan chức Lầu Năm Góc không chính thức xác nhận là sẽ làm việc với các đồng minh trong khu vực để triển khai các vũ khí nói trên ở Biển Đông, nhưng họ nói là Hoa Kỳ đang gia tăng phối hợp với các đồng minh này.
Trên thực tế, theo The National Interest, Lầu Năm Góc đã gia tăng yểm trợ các đồng minh của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương. Một đạo luật quốc phòng năm 2016, có tên Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải Đông Nam Á, dành cho bộ Quốc Phòng Mỹ một ngân sách để huấn luyện, trang bị và cung cấp những hỗ trợ khác cho các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Theo lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho các tài khóa 2016-2020, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã cam kết bỏ ra tổng cộng 425 triệu đôla cho Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải Đông Nam Á.
Vấn đề là chưa biết tổng thống tương lai của Hoa Kỳ Donald Trump có sẽ tiếp tục các nỗ lực này hay không, hay nói rộng hơn là chưa biết ông có sẽ duy trì chiến lược "xoay trục" sang Châu Á do người tiền nhiệm Obama thi hành trong hai nhiệm kỳ của ông.
Thanh Phương
Nhận thức của người dân Trung Quốc bình thường về vấn đề Biển Đông mới có vấn đề. Cơ bản họ không hiểu sự thực lịch sử, sự thực cơ bản, thậm chí là kiến thức.
Giáo sư thỉnh giảng Đại học Columbia, học giả Trương Bác Thụ có những bài phân tích rất sâu sắc về Biển Đông tại Hội thảo lần thứ 23 Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc của trí thức gốc Hoa hải ngoại thành lập tại New York.
Chúng tôi đã giới thiệu và có đôi lời bình luận về những kiến giải của ông trong 2 bài Học giả gốc Hoa : Tranh chấp Biển Đông khó giải quyết vì "ý thức hệ" và Học giả gốc Hoa phản bác quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông, Trường Sa.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu một đề tài về Biển Đông được Giáo sư Trương Bác Thụ phát biểu tại cuộc hội thảo này, đồng thời xin có đôi lời bình luận làm rõ thêm một số vấn đề về pháp lý.
Người Trung Quốc muốn thảo luận về Biển Đông, trước tiên phải điều chỉnh lại một vài nhận thức căn bản
"Truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đưa bất kỳ tin tức nào về Biển Đông, dù là trong chương trình Tin tức hay Tiêu điểm hôm nay của CCTV, rất thích dùng chữ "gây hấn" để nói về vai trò của Mỹ.
Cho dù đó là bản tin, hay là bài phỏng vấn, các nhà báo Trung Quốc bao giờ cũng tuân theo "logic mặc định" :
"Biển Đông là của chúng ta, của chúng ta từ thời cổ đại.
Một bức pa-nô tuyên truyền sai sự thật của Trung Quốc về Biển Đông nói rằng, Biển Đông là "của Trung Quốc", ảnh : Internet.
Hiện tại người Mỹ từ sáng đến tối chỉ tìm cách sinh sự, gây hấn với chúng ta. Đàm phán giữa chúng ta với các nước ven Biển Đông căn bản là tốt, vấn đề là trong lúc đàm phán thương lượng, Mỹ luôn tìm cách thọc gậy bánh xe, mà gốc gác vấn đề là họ sợ Trung Quốc trỗi dậy hòa bình".
Đó là một khía cạnh.
Một khía cạnh khác cần chú ý, do chính sách tuyên truyền một chiều và áp đặt của truyền thông nhà nước Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc hay còn gọi là "chủ nghĩa quốc gia mới" lên rất cao và khá phổ biến trong dân chúng Trung Quốc.
Tôi đã phát hiện thấy điều này từ rất lâu về đặc điểm nhận thức và tình cảm của dân chúng Trung Quốc.
Nếu nói về vấn đề tham ô tham nhũng, hách dịch cửa quyền thì người dân đều coi đó là kẻ thù, trăm người như một chửi lãnh đạo tham nhũng.
Nhưng hễ cứ động đến các vấn đề ngoại giao, hay các vấn đề dân tộc thì họ cũng gần như trăm người như một, không cần biết đúng sai hư thực, ngay lập tức đứng về phía chính quyền Trung Quốc.
Dường như họ nghĩ rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ đang bảo vệ "lợi ích quốc gia", nên họ phối hợp chặt chẽ với truyền thông nhà nước.
Nói cho đúng hơn, xu hướng nhận thức và tình cảm này là kết quả của hoạt động truyền thông định hướng có mục đích của nhà nước Trung Quốc.
Chính vì thế mới nảy sinh vấn đề : rốt cuộc là chuyện Biển Đông, bao gồm các kiến thức cơ bản, người dân Trung Quốc hiểu được bao nhiêu ? Rõ ràng người hiểu không nhiều.
Bởi lẽ truyền thông nhà nước Trung Quốc cung cấp tin tức về Biển Đông rất hạn chế và đã được chọn lọc, định hướng từ trước. Internet tại Trung Quốc bị kiểm soát gắt gao, những gì chính quyền không muốn người dân đọc được thì dân Trung Quốc rất khó đọc được.
Vì thế nhận thức của người dân Trung Quốc bình thường về vấn đề Biển Đông mới có vấn đề. Cơ bản họ không hiểu sự thực lịch sử, sự thực cơ bản, thậm chí là kiến thức cơ bản về Biển Đông.
Đương nhiên ngay cả bản thân tôi trước kia cũng không hiểu. Từ nhỏ tôi đã được dạy rằng :
"Tổ quốc vĩ đại đất rộng vật nhiều, Đông kéo đến bãi biển Hoa Đông, Tây trải dài đến cao nguyên Pamir (vùng ráp gianh 5 nước Afghanistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Tajikistan, Pakistan).
Bắc trải dài đến Mạc Hà, Hắc Long Giang, Nam kéo xuống tận bãi Tăng Mẫu". Bãi Tăng Mẫu được hiểu là điểm cực Nam của Trung Quốc", chúng tôi được dạy từ nhỏ như thế.
Giáo sư Trương Bác Thụ, ảnh : chinesepen.org.
Nhưng bãi Tăng Mẫu nằm ở đâu ? Sau này xem bản đồ tôi mới thấy, nó ở quá xa Trung Quốc lục địa. Lại còn có đường 9 đoạn được vẽ như sợi dây thừng thòng xuống bao lấy toàn bộ Biển Đông, bãi Tăng Mẫu nằm ở cực Nam của đường 9 đoạn.
Do đó khi chúng ta thảo luận về Biển Đông, đầu tiên chúng ta phải điều chỉnh lại nhận thức về một vài vấn đề cơ bản, ví như "chủ quyền" với Biển Đông và đường 9 đoạn".
Lai lịch của đường 9 đoạn mà Giáo sư Trương Bác Thụ cung cấp, chúng tôi đã giới thiệu trong bài Học giả gốc Hoa phản bác quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông, Trường Sa.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định rõ ràng
"Trung Quốc tuyên truyền rằng, vùng biển bên trong đường 9 đoạn đều là 'của chúng tôi'. Thực ra cách nói này vốn mập mờ trong một thời gian khá dài.
Nói thế nghĩa là sao ? Toàn bộ vùng biển bên trong đường 9 đoạn là của Trung Quốc ? Hay là các cấu trúc đảo, đá bên trong đường 9 đoạn là của Trung Quốc ?
Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vẽ ra đường đứt đoạn 11 nét, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kế thừa và sửa thành đường 9 nét đứt, cả hai đều không nói rõ.
Mặt khác, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ Biển Đông.
Yêu sách chủ quyền của Việt Nam cơ bản bao trùm toàn bộ quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.
Yêu sách của Philippines ban đầu bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây có điều chỉnh, thu gọn lại phạm vi.
Nói chung đối với quần đảo Trường Sa, 5 nước 6 bên đều nói "chỗ này là của chúng tôi". Vậy làm thế nào để xác định việc quy thuộc của nó ?
Vốn dĩ có một giải pháp rất đơn giản : năm 1982, Liên Hợp Quốc xây dựng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và đại bộ phận các quốc gia trên thế giới đều ký vào công ước này, Trung Quốc nằm trong số đó.
UNCLOS 1982 quy định rất rõ, thế nào là lãnh hải, thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, làm thế nào để xác định chúng với những quy định chặt chẽ.
Ví dụ, từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển kéo ra ngoài (tối đa) 12 hải lý được gọi là lãnh hải, từ đường cơ sở này kéo ra ngoài 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế.
Trong lãnh hải, anh có chủ quyền tuyệt đối. Trong vùng đặc quyền kinh tế, anh có đặc quyền khai thác các tài nguyên, kinh tế, gọi là quyền tài phán.
Cứ theo những quy định này mà áp dụng vào Biển Đông, thì bất luận là Philippines, Việt Nam hay Trung Quốc, yêu sách chủ quyền đều không hoàn toàn hợp lý. Đương nhiên vô lý nhất là yêu sách của Trung Quốc.
Tại sao ? Tính từ bờ biển đảo Hải Nam đến Tăng Mẫu (bãi cát ngầm James) cách xa chừng 1500 hải lý, trong khi bãi cát ngầm James chỉ cách bờ biển Malaysia hơn 100 hải lý.
Cứ theo quy định của UNCLOS 1982, James là một phần của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Malaysia.
Đương nhiên yêu sách của Việt Nam cũng không hợp lý, Việt Nam gọi cả vùng biển này là Biển Đông vì nằm ở phía Đông lãnh thổ của mình, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, toàn bộ đều nằm trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam.
Nhưng nếu theo quy định về vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam cũng chỉ có thể đòi một phần quần đảo Trường Sa chứ không thể đòi toàn bộ quần đảo.
Philippines ban đầu cũng đòi cả quần đảo, nhưng theo quy định này Philippines chỉ có thể yêu sách một phần quần đảo Trường Sa nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.
Riêng Trung Quốc thì không thể với tới Trường Sa, vì cách lãnh thổ nước này quá xa.
Cứ theo hoạch định của UNCLOS 1982, Công ước căn bản đã bác bỏ việc quy thuộc cả một vùng Biển Đông rộng lớn cho một quốc gia cụ thể nào.
Đương nhiên ở đây còn một vấn đề nữa, là các cấu trúc địa lý ở Biển Đông. UNLCOS 1982 quy định chỉ có 3 loại với hiệu lực pháp lý tương ứng, đó là đảo, đá và bãi cạn lúc nổi lúc chìm.
Khái niệm về đảo khá rõ ràng : là vùng đất bao quanh bởi nước và luôn luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Đảo mặc nhiên có lãnh hải (không quá) 12 hải lý.
Tuy nhiên đảo muốn được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (không quá) 200 hải lý, nó phải thỏa mãn điều kiện phù hợp cho con người sinh sống, ví dụ như có thể canh tác, có nước ngọt...
Nếu cứ theo tiêu chuẩn này, số cấu trúc ở Trường Sa là đảo theo UNCLOS 1982 vô cùng ít, bao gồm đảo Ba Bình hiện do Đài Loan chiếm đóng, đảo Nam Yết do Việt Nam chốt giữ, đảo Thị Tứ đang do Philippines kiểm soát.
Thứ hai là đá, đó là một cấu trúc địa mạo vẫn nhô lên mặt biển khi thủy triều lên, bao gồm các mỏm đá. Hiệu lực pháp lý của đá nhỏ hơn đảo, chúng chỉ có lãnh hải (không quá) 12 hải lý, không thể có vùng đặc quyền kinh tế.
Thứ ba là bãi cạn lúc chìm lúc nổi. Thủy triều lên chúng ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển, thủy triều xuống chúng lộ trên mặt nước biển. Chúng không có lãnh hải riêng, và tất nhiên không có vùng đặc quyền kinh tế."
Vài lời nhận xét
Người viết cho rằng, những phân tích của Giáo sư Trương Bác Thụ về cơ bản rất khách quan, xác đáng và có giá trị rất lớn trong phản biện, phản bác các yêu sách vô lý mà Trung Quốc đòi ở Biển Đông, mặc dù vẫn có một vài điều cần làm rõ.
Có thể Internet bị kiểm duyệt chặt chẽ tại Trung Quốc, nhưng những trí thức Trung Quốc chân chính và người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, công lý sẽ vẫn có cách, có ngày tìm ra được sự thật, nhờ chính những phân tích khách quan như những gì Giáo sư Trương Bác Thụ đã và đang làm.
Ở đây chúng tôi nhận thấy có vài điều cần phải trao đổi cho rõ thêm, đồng thời cũng để những người Việt Nam chúng ta quan tâm tới chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc ở Biển Đông cần nhìn lại mình và bổ sung những kiến thức pháp lý cần thiết.
Thứ nhất, không thể phủ nhận vai trò, vị trí của UNCLOS 1982 đối với việc giải quyết các tranh chấp phức tạp trên biển và đại dương giữa các nước thành viên Công ước, nhất là ở Biển Đông.
Điển hình là Phán quyết Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc được Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 tuyên, đã làm rất rõ việc ứng dụng và giải thích UNCLOS ở Biển Đông.
Tuy nhiên, UNCLOS 1982 không phải chìa khóa vạn năng cho mọi tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.
Bên cạnh tranh chấp về ứng dụng, giải thích Công ước mà Philippines xác định làm nội dung chính để kiện Trung Quốc, còn có những tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được giải quyết dựa vào hệ thống các quy tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế hoàn toàn khác với UNCLOS 1982, đó là các quy tắc và thực tiễn pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.
Vì vậy chúng tôi chưa đồng tình với Giáo sư Trương Bác Thụ ở chỗ, coi UNCLOS 1982 là chìa khóa, căn cứ giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa.
Thứ hai, nói Việt Nam đòi "chủ quyền" toàn bộ Biển Đông như cách hiểu của Giáo sư Trương Bác Thụ và có lẽ của cả không ít người Việt Nam, là không chính xác, có thể do ngộ nhận từ tên gọi.
Việt Nam có chủ quyền tuyệt đối với nội thủy, lãnh hải cũng như 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ; có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế - thềm lục địa hợp pháp thành lập theo UNCLOS 1982.
Ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS 1982 ở Biển Đông là vùng biển quốc tế.
Còn về chủ quyền được Nhà nước Việt Nam xác lập một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục từ khi còn là đất vô chủ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo các nguyên tắc, thực tiễn pháp lý về thụ đắc lãnh thổ, chúng tôi đã có nhiều lần giới thiệu các bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục.
Do đó, tìm hiểu những nghiên cứu và phát biểu của Giáo sư Trương Bác Thụ thiết nghĩ cũng là một cơ hội rất tốt cho những ai quan tâm đến Biển Đông bổ sung thêm các kiến thức pháp lý cần thiết khi tiếp cận những vấn đề tranh chấp phức tạp ở khu vực này để có cái nhìn khách quan, thượng tôn pháp luật.
Từ đó mới có thể góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích "hợp pháp" của quốc gia, dân tộc. Nếu thiếu ngọn đuốc pháp lý dẫn đường, rất có thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái chủ nghĩa dân túy chẳng khác gì Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ ba, có lẽ Hội thảo lần thứ 23 của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, New York đã diễn ra trước thời điểm Phán quyết Trọng tài 12/7 và bây giờ tạp chí Minh Kính mới đăng công khai, miễn phí nội dung cuộc hội thảo này.
Vì thế nên có những chi tiết, khía cạnh pháp lý chưa được Giáo sư Trương Bác Thụ cập nhật.
Đó là Phán quyết Trọng tài đã làm rất rõ quy chế pháp lý của các cấu trúc ở Trường Sa, trong đó không một cấu trúc nào phù hợp cho con người sinh sống mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài, do đó không cấu trúc nào ở Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, kể cả Ba Bình, Nam Yết hay Thị Tứ.
Cá nhân người viết tin rằng, với thái độ khách quan cầu thị, thượng tôn pháp luật mà Giáo sư Trương Bác Thụ đã thể hiện, chắc chắn ông sẽ đồng tình cao và ủng hộ Phán quyết này của Tòa Trọng tài.
Hồng Thủy
Nguồn : GDVN, 02/01/2017
Tài liệu tham khảo :
http://www.mingjingnews.com/MIB/news/news.aspx ?ID=N000172617