Ngoại trưởng Mỹ ngày 4/5 chủ trì cuộc họp đặc biệt với Ngoại trưởng các nước ASEAN tại thủ đô Washington, củng cố Đối tác Chiến lược và đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ đôi bên, theo thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tại cuộc họp, ông Rex Tillerson đã nhấn mạnh rằng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump và rằng ASEAN là đối tác quan trọng, thông cáo nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, cho biết Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á hoan nghênh cam kết của Mỹ đối với ASEAN.
Một ngày trước, trong cuộc Đối thoại Mỹ-ASEAN hôm 3/5, các giới chức cấp cao của Mỹ, 10 nước ASEAN, và Thư ký ASEAN đã thảo luận hợp tác trong các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế và nhấn mạnh cam kết chung về thăng tiến hòa bình, an ninh, thịnh vượng khu vực.
Tại cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ và ASEAN hôm nay, các bên thảo luận về căng thẳng bán đảo Triều Tiên do các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên và mối đe dọa lớn từ hoạt động này đối với ổn định khu vực. Các Ngoại trưởng cũng thừa nhận cần phải thực thi đầy đủ tất cả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, thông cáo viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói Ngoại trưởng Tillerson và giới chức tương nhiệm từ 10 nước ASEAN cũng tái khẳng định tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ ở Châu Á Thái Bình Dương và các nguyên tắc chung đã nêu rõ trong Thông cáo chung của Thượng đỉnh Đặc biệt giữa Lãnh đạo Mỹ-ASEAN 2016, bao gồm giải pháp ôn hòa cho tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, và tuân thủ luật quốc tế.
Vẫn theo người phát ngôn Nauert, Ngoại trưởng Tillerson cũng lưu ý những quan ngại chung của các nước trong khu vực về các hoạt động quân sự hóa và bồi đắp đất ở Biển Đông.
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng tại cuộc họp đặc biệt này, Ngoại trưởng Mỹ-ASEAN đã nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cần phải bảo đảm thực thi trọn vẹn, hiệu quả Tuyên bố Ứng xử Các bên ở Biển Đông và đề cập tới các nỗ lực hướng tới việc sớm chung quyết một Bộ Quy tắc Ứng xử ý nghĩa.
Ngoài vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, Mỹ-ASEAN cũng bàn về đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao nói Ngoại trưởng Tillerson trong cuộc gặp cũng bày tỏ ý định đại diện Mỹ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN, Thượng đỉnh cấp Bộ trưởng Đông Á, và các cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Mỹ với ASEAN vào tháng 8 tới đây tại Philippines.
Trà Mi
**************
Mỹ kêu gọi ASEAN và Trung Quốc ngừng quân sự hóa Biển Đông (RFI, 05/05/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chụp ảnh chung với các đồng nhiệm ASEAN, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington, ngày 04/05/2017 - REUTERS/Yuri Gripas
Tiếp kiến những người đồng cấp Đông Nam Á tại Washington, ngoại trưởng Mỹ đưa ra hai lời thông điệp : chấm dứt quân sự hóa Biển Đông, giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng đối thoại và ASEAN có thể tin cậy vào Hoa Kỳ, với hoạt động của hạm đội Thái Bình Dương.
Theo AFP, hồ sơ Biển Đông đã được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dành nhiều thời giờ để bàn thảo với các đồng sự 10 nước Đông Nam Á tại Washington hôm thứ Năm 04/05/2017 với thông điệp ASEAN có thể tin cậy vào trợ giúp của Mỹ để bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển và trên không.
Trong cuộc gặp gỡ do phía Mỹ đề xuất, ngoại trưởng Rex Tillerson đã "đặc biệt kêu gọi" ASEAN và Trung Quốc, ngừng quân sự hóa, xây dựng, đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông trong khi đã có nỗ lực đối thoại, ôn hòa, tạo cơ may cho một giải pháp lâu dài.
Về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Rex Tillerson kêu gọi Đông Nam Á "xét lại" chính sách ngoại giao với Bình Nhưỡng : cần phải thay đổi để cô lập chế độ Kim Jong-un.
Chi tiết cụ thể của cuộc họp Mỹ-ASEAN không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo trình bày của trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, Patrick Murphy, với báo chí, thì các thành viên Hiệp Hội ASEAN có thể tin tưởng vào Hoa Kỳ để khẳng định các quyền lợi cốt lõi ở Biển Đông vì có "ảnh hưởng quan trọng đến thương mại, an ninh khu vực và an ninh thế giới". Quân đội Mỹ tiếp tục tuần tra "thường xuyên tại Châu Á Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông" theo nguyên tắc bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, trên biển cũng như trên không.
Về đề xuất của Mỹ cô lập Bắc Triều Tiên, cũng theo lời trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương thì "một số nước" đã đồng ý giới hạn "nhân sự của các toà đại diện ngoại giao của Bình Nhưỡng đông quá mức bình thường". Bình Nhưỡng sử dụng các cơ quan ngoại giao này ở Đông Nam Á để làm kinh tài "tránh né" các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Tú Anh
***********************
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (giữa) cùng ngoại trưởng các nước ASEAN tham dự bữa trưa tại Bộ Ngoại giao ở Washington, DC, vào ngày 04 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Đại diện Ngoại giao Việt Nam tại hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN Mỹ diễn ra ngày 4 tháng 5 tại Washington DC lên tiếng khẳng định tầm quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao kết quả đạt được trong hợp tác ASEAN và Mỹ thời gian qua, khẳng định tiếp tục các cam kết và đà phát triển quan hệ ASEAN Hoa Kỳ là phù hợp với lợi ích hai bên.
Đại diện Việt Nam nhân dịp này cũng bày tỏ lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do tại khu vực này. Ông Nguyễn Quốc Dũng nói rằng đây là mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực, bao gồm Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa ASEAN và Mỹ trong thời gian tới bao gồm thúc đẩy sáng tạo, kinh tế số, hợp tác biển và ứng phó với khủng bố, an ninh mạng, hợp tác bảo vệ nguồn nước Sông Mekong và đối phó với biến đổi khí hậu.
*************************
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (giữa) cùng ngoại trưởng các nước ASEAN tham dự bữa trưa tại Bộ Ngoại giao ở Washington, DC, vào ngày 04 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Biển Đông tiếp tục là chủ đề được đề cập trong cuộc họp đặc biệt Ngoại trưởng các nước ASEAN và Mỹ vừa diễn ra tại Washington DC hôm 4 tháng 5 với cam kết của Hoa Kỳ về việc đảm bảo an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Nói với báo chí sau cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN và Mỹ tại Washington DC, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Patrick Murphy, cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực biển Đông (gọi tắt là FONOPS) được bắt đầu từ thời của Tổng thống Barack Obama :
"Các lực lượng của Hoa Kỳ vẫn duy trì hoạt động ở mức thường xuyên, hàng ngày ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông. Điều này sẽ không chấm dứt. Nó sẽ được tiếp tục. Các hoạt động này tuân thủ luật quốc tế và nó cho thấy một nguyên tắc cơ bản là Hoa Kỳ sẽ cho máy bay bay qua và cho tàu đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Chương trình tự do hàng hải là khá toàn bộ…. Năm ngoái, FONOPS đã được thực hiện để thách thức các đòi hỏi về chủ quyền trên biển quá mức ở 22 quốc gia trên toàn thế giới cho nên nó không dành riêng cho một nước nào. Và tôi có thể khẳng định rằng Fonops sẽ tiếp tục".
Thứ trưởng Patrick Murphy không cho biết cụ thể kế hoạch hoạt động tuần tra tiếp theo sẽ được bắt đầu cụ thể khi nào và ở đâu.
FONOPS được chính quyền của Tổng thống Barack Obama bắt đầu từ tháng 10 năm 2015 để thách thức về chủ quyền của Trung Quốc quanh các đảo tại khu vực biển Đông bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Châu Á trong đó có Việt Nam. Trong chương trình này, các tàu của Hải quân Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Vào tháng 5 năm ngoái, tàu USS William P. Lawrence của Mỹ đã đi qua đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối hoạt động này của Hoa Kỳ vì cho rằng đó là hành động phi pháp.
Vào tháng 2 năm nay, trang Navy Times của Hải quân Hoa Kỳ trích lời của quan chức Hải Quân Mỹ cho biết Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch tiếp tục chương trình FONOPS dưới thời của Tổng thống Donald Trump, người mới lên nắm quyền vào cuối tháng 1 năm nay. Theo Navy Times, việc tăng cường tàu chiến tham gia FONOPS là nằm ngăn chặn các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trong khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) và bà Elizabeth Buensuceso, đại diện thường trực của Philippines cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta vào ngày 20 Tháng 4 năm 2017. AFP photo
Nhận định về khả năng Mỹ thực hiện cam kết duy trì hoạt động tuần tra quanh các đảo đang tranh chấp ở biển Đông, thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên quỹ Nghiên cứu biển Đông của Việt Nam nói :
" Ông Trump đang rất cần Trung Quốc. Đặc biệt bây giờ ông đang rất cần Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên, và cũng như vấn đề thương mại nên khả năng vấn đề FONOPS thì tôi không lạc quan lắm. Vấn đề duy trì tự do hàng hải tự do thương mại ở biển Đông thì đó là lợi ích của Hoa Kỳ nên Hoa Kỳ phải giữ".
Tờ New York Times mới đây có bài viết nhận định bi quan về khả năng nối lại các hoạt động FONOPS tại biển Đông dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Bằng chứng mà tờ báo này đưa ra là đề nghị của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ gửi lên Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị cho phép tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh bãi Scarborouh Shoal ở biển Đông đã bị từ chối trước khi đến được bàn của Tổng thống. New York Times dẫn lời các quan chức Quốc phòng Mỹ cho biết, đã hơn 100 ngày trôi qua kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền mà tàu chiến Mỹ vẫn chưa tiến hành bất cứ một cuộc tuần tra nào trong FONOPS ở khu vực biển Đông.
Nhưng ngay cả dưới thời của Tổng thống Obama khi Mỹ thực hiện chiến lược chuyển trục về Châu Á để đối phó với sự lớn mạnh và đe dọa của Trung Quốc, các hoạt động của Mỹ trong khu vực cũng không ngăn cản nổi Trung Quốc thực hiện việc xây đảo nhân và quân sự hóa khu vực biển Đông. Thậm chí vào năm 2012, Trung quốc đã chiếm được bãi cạn Scaborough Shoal của Philippines, nước có hiệp ước đồng mình quốc phòng với Mỹ.
Mới đây trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Mỹ cho biết Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng 3 đường băng để đáp các máy bay chiến đấu ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng đã cho xây dựng xong các nhà vòm bằng bê tông để chứa máy bay chiến đấu ở các đảo.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt cho rằng, với những gì đang diễn ra ở biển Đông, và sự bối rối của chính quyền Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc ở biển Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn lướt các nước trong khu vực
"Ngay cả từ thời Barack Obama làm Tổng thống mặc dù Barack Obama có một chiến lược dài hơi nhưng vẫn không ngăn chặn được các hành động của Trung Quốc trên biển Đông một cách hiệu quả. Vì vậy đặc biệt trong thời gian này khi mà chính quyền của Donald Trump còn đang bối rối và chưa có định hướng thì Trung Quốc rất giỏi trong việc đánh giá vấn đề đó. Ngay cả phản ứng của Tổng thống Donald Trump trước những hành động của Trung Quốc thì họ cũng đánh giá được nhiều. Một số các bài báo của các học giả Trung Quốc đã tuyên bố là Mỹ không đủ khả năng và quyết tâm để có các hoạt động quân sự ở biển Đông nên Trung Quốc rất tự tin trong vấn đề này. Một mặt họ vẫn nói nhẹ nhàng, mặt khác họ vẫn sử dụng nhiều biện pháp để lấn át ở biển Đông".
Theo Thứ trưởng Patrick Murphy, tại cuộc gặp Ngoại trưởng ASEAN và Hoa Kỳ, phía Mỹ đã tiếp tục khẳng định hợp tác với các nước Đông Nam Á thể hiện qua cam kết của Tổng thống Donald Trump đến dự Thượng đinh Đông Á và ASEAN tại Philippines vào tháng 11 tới. Thứ trưởng Murphy cho biết Tổng thống Donald Trump cũng sẽ đến dự APEC ở Việt Nam vào tháng 11 năm nay.
********************
Mỹ hối thúc khối ASEAN tham gia trừng phạt Bắc Triều Tiên (RFI, 05/05/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các đồng nhiệm ASEAN, ngày 04/5/2017. REUTERS/Yuri Gripas
Hôm qua, 04/05/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp với các đồng nhiệm khối Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN. Tăng cường hợp tác Hoa Kỳ - ASEAN, các tranh chấp trên Biển Đông và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là các chủ đề được bàn thảo trong cuộc gặp này tại Washington.
Chính sách đối ngoại của Washington với các nước trong khối ASEAN ra sao ? Lập trường của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông như thế nào ? Và Hoa Kỳ muốn ASEAN có những hành động gì để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên ? Mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn của RFI Tiếng Việt với nhà báo Phạm Trần, tại Washington.
Nhà báo Phạm Trần, Washington :05/05/2017
http ://vi.rfi.fr/chau-a/20170505-hoa-ky-hoi-thuc-khoi-asean-btt#
RFI, Phạm Trần
Từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, Mỹ không tuần tra Biển Đông (RFI, 04/05/2017)
Trong 100 ngày đảm nhiệm chức vụ tổng thống Mỹ, Donald Trump chưa từng ra lệnh tiến hành bất kỳ một cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền tới 80%. Thực tế này đi ngược với những chỉ trích của Donald Trump, khi còn là ứng viên tổng thống, cho rằng chính quyền Obama thiếu cương quyết.
Khu vực bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông nằm bên bờ tây Philippines. Ảnh chụp ngày 11/05/2015.y 11, 2015. REUTERS/RITCHIE B. TONGO/POOL
Nhật báo New York Times ngày 02/05/2017, trích lời một số quan chức bộ Quốc Phòng, nhận định kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống, chưa có bất kỳ chuyến tuần tra nào được tiến hành trong khu vực 12 hải lý xung quanh một số các đảo có tranh chấp tại Biển Đông.
Cách đây 6 tuần, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đề nghị tiến hành tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough, Lầu Năm Góc đã từ chối và đề nghị không được chuyển đến văn phòng của tổng thống Donald Trump.
Vẫn theo New York Times, dường như cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đã làm thay đổi những quan điểm trước đây của chính quyền Trump về Trung Quốc. Khi còn vận động tranh cử, ông Donald Trump từng cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ và dọa xem xét lại trao đổi mậu dịch với Trung Quốc.
Quyết định không phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông được cho là chiều theo ý Bắc Kinh, tìm sự ủng hộ của chủ tịch Tập Cận Bình trong việc giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên. Từ ba tháng nay, Bình Nhưỡng không ngừng gia tăng các hành động thách thức khi cho tiến hành 6 vụ thử tên lửa kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống. Vì vậy, Washington đã tỏ thái độ hòa hoãn hơn với Bắc Kinh để tìm sự hỗ trợ từ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng.
Dười thời tổng thống Obama, các đề nghị tuần tra của Hải Quân Mỹ trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo có tranh chấp tại Biển Đông vẫn thường xuyên bị từ chối. Chính quyền Obama cũng từng bị đảng Cộng Hòa chỉ trích vì đã tạm ngừng trong vòng hơn 2 năm các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại khu vực do e ngại leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.
Tháng 10/2015, chính quyền Obama đã điều khu trục hạm Lassen trang bị tên lửa dẫn đường đến gần bãi đá Xu Bi (Subi Reef), một trong các hòn đảo có tranh chấp, tại quần đảo Trường Sa. Vào thời kỳ đó, Nhà Trắng đã hạn chế thông tin về chiến dịch này và yêu cầu quan chức bộ Quốc Phòng không phát biểu rộng rãi để tránh gây xung đột với Trung Quốc.
Thu Hằng
*********************
Tập Cận Bình : Trung Quốc, Philippines "tin cậy lẫn nhau" (RFI, 04/05/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (P) và ông Christopher 'Bong' Go, trợ lý đặc biệt của tổng thống tại Davao, miền nam Philippines, ngày 03/05/2017. REUTERS
Hôm 03/05/2017, trong cuộc điện đàm với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi sự "tin cậy lẫn nhau" cũng như cuộc "đối thoại" giữa Bắc Kinh và Manila liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trong một thông cáo được truyền thông Nhà nước Trung Quốc đăng tải, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh : "Hiện nay, sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị ngày càng được củng cố, hợp tác song phương phát triển trong tất cả các lĩnh vực". Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định các kênh đối thoại và thương lượng giữa Bắc Kinh và Manila trong hồ sơ tranh chấp tại biển Đông cũng đang được thiết lập.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã đề cập đến cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng như việc Bắc Kinh mong muốn hướng tới một giải pháp chính trị thông qua đàm phán.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra 4 ngày sau khi tổng thống Philippnes Duterte được tổng thống Mỹ Donald Trump mời tới thăm Washington. Cuối tuần trước, thông cáo chung của thượng đỉnh ASEAN họp tại Manila đã không nhắc đến việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo trong các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dọa tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên
Trong khi đó, cũng trong ngày hôm qua (03/05), ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dọa sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên nếu cần. Ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là một trong những ưu tiên của chính quyền Donald Trump. Hôm thứ Sáu 28/04, tổng thống Mỹ đã cử ngoại trưởng Rex Tillerson tới Hội Đồng Bảo An yêu cầu Liên Hiệp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên và yêu cầu Trung Quốc gây sức ép kinh tế lên đồng minh Bắc Á.
Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định lại trước các quan chức bộ Ngoại Giao là Washington đã cam kết thực hiện chiến dịch gây sức ép và kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới áp dụng lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An chống Bắc Triều Tiên. Rex Tillerson đồng thời đe dọa trừng phạt doanh nghiệp và cá nhân của các quốc gia không chịu áp dụng lệnh trừng phạt trên.
Thùy Dương
***********************
Gạt nhân quyền, Trump ‘ve vãn’ Đông Nam Á (VOA, 03/05/2017)
Donald Trump - Ảnh minh họa
Tổng thống Donald Trump đặt các lợi ích chiến lược lên trên vấn đề nhân quyền khi mời hai nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đang bị quốc tế lên án là Philippines và Thái Lan tới Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines dẫn đầu cuộc chiến đẫm máu chống ma túy gây tranh cãi và Thủ tướng Thái, Prayuth Chan-ocha, là người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 2014, củng cố sức mạnh quân sự và nhiều lần trì hoãn bầu cử.
Manila và Bangkok là đồng minh lâu năm của Mỹ và cả hai đều ‘xích mích’ với Washington vì những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền.
Đông Nam Á từng thất vọng trước quyết định vội vàng của ông Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước tự do thương mại TPP. Theo bài phân tích của AP, một phần lý do khiến ông Trump phải chú ý tới khu vực Châu Á xuất phát từ chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Đầu tuần này, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sean Spicer bênh vực lời mời của ông Trump dành cho ông Duterte rằng Philippines có thể giúp cô lập Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế và ngoại giao. Vẫn theo lời ông Spicer, "Sẽ sai lầm khi cho rằng Tổng thống Trump sẽ không nêu vấn đề nhân quyền [với Philippines]".
Những cân nhắc của tân chính quyền Mỹ tại Đông Nam Á đang được mở rộng.
Phó Tổng thống Mike Pence tháng rồi thăm Indonesia và loan báo Tổng thống Trump cuối năm sẽ công du khu vực này. Ngoại trưởng Rex Tillerson tuần này chủ trì cuộc họp của Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á. Trong một cuộc điện đàm cuối tuần rồi, ông Trump cũng đã mời Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, tới Washington.
Bài nhận định trên AP nói các nước trong khu vực quan ngại về Trung Quốc hơn là Bắc Triều Tiên.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ cải thiện quan hệ với Miến Điện, Lào, Việt Nam. Ông Obama cũng phái tàu chiến tới hoạt động trong vùng và mở đường cho lực lượng Mỹ dùng các căn cứ Philippines.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Obama phần nào bị cản trở bởi các quan ngại về nhân quyền, đặc biệt ở Thái Lan và Philippines.
"Đây chắc chắn là nỗ lực của chính quyền Trump vực dậy các mối quan hệ này. Mỹ cần duy trì liên minh với các nước giúp tiếp tục hỗ trợ một trật tự dựa trên luật lệ và đẩy lùi sự ức hiếp từ Trung Quốc", nhà phân tích Amy Searight thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược nói.
Mọi chuyện vẫn tiếp tục biến chuyển.
Cuối tuần qua, ba tàu hải quân Trung Quốc thăm hữu nghị Philippines.
Tại thượng đỉnh ASEAN, nước chủ tịch Philippines không hề chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thái Lan, trung tâm quân sự Mỹ, tuần rồi loan báo kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc.
Tổng thống Trump, với kế hoạch thăm Manila mùa thu năm nay nhân thượng đỉnh khu vực, cũng đã ‘đổi giọng’ với Philippines khi ghi nhận chính phủ của ông Duterte đã ‘đấu tranh cật lực bài trừ ma túy’ trong cuộc điện đàm với ông Duterte hôm thứ bảy.
Chưa rõ kết cục mọi chuyện sẽ như thế nào, nhưng đôi khi những ‘lời lẽ ngọt ngào’ lại kém hiệu quả hơn những lời chỉ trích công khai.
*****************
7 tàu Trung Quốc bị bắt vì đánh bắt bất hợp pháp (VOA, 04/05/2017)
Tàu đánh cá của Trung Quốc
Các nước Tây Phi vừa bắt giữ 7 tàu Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp và chủ tàu có thể bị phạt hàng triệu đô la, nhóm bảo vệ môi trường Greenpeace và các quan chức chính phủ thông báo.
Các thanh tra của Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau đã lên thanh sát các con tàu này ngoài khơi bờ biển của họ. Họ phát giác 7 con tàu vừa kể vi phạm các quy định về đánh bắt các loài cá được bảo vệ và sử dụng lưới có lỗ nhỏ để thu hoạch nhiều hơn.
Vụ việc xảy ra sau cuộc tuần tra khu vực kéo dài 2 tháng trên con tàu Esperanza của tổ chức Greenpeace, chở theo các thanh tra của các nước Tây Phi nhằm tăng thêm nỗ lực quốc gia vốn bị hạn chế bởi eo hẹp ngân sách và công nghệ.
Ông Pavel Klinckhamers thuộc tổ chức Greenpeace cho biết : "Số các vụ bắt giữ cao bất ngờ, đặc biệt là khi họ có biết trước về công tác tuần tra của chúng tôi".
Vẫn theo Greenpeace, Tây Phi có một số vùng biển giàu tài nguyên nhất trên thế giới, nhưng trữ lượng đang cạn kiệt vì bị các tàu đánh cá công nghiệp, một số họat động bất hợp pháp, khai thác triệt để từ mặt nước xuống tận đáy biển.
Một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Marine Science ước tính tổn thất hàng năm của Tây Phi do hoạt động khai thác bất hợp pháp và không được kiểm soát là 2,3 tỷ đô la.
Tàu tuần tra Esperanza phát hiện 11 chiếc tàu vi phạm các quy định trong số 37 chiếc bị chặn, rồi báo cáo với chính quyền địa phương để kéo họ về cảng.
Một số tàu đã được thả sau khi đóng tiền phạt. Những chiếc khác vẫn đang bị điều tra.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, tuyên bố Trung Quốc luôn phản đối mọi hình thức khai thác trái phép và yêu cầu các công ty hoạt động hợp pháp và bảo vệ môi trường hàng hải.
"Trung Quốc hy vọng các nước liên quan có thể thực thi luật pháp một cách văn minh, xử lý đúng luật và bảo vệ quyền pháp lý của các công ty Trung Quốc và nhân viên của họ", ông Cảnh nhấn mạnh.
Bộ trưởng thủy sản của Guinea, Andre Loua, xác nhận các vụ bắt giữ vừa kể và nói thêm rằng nước ông cần thêm tiền và phương tiện để kiểm soát việc đánh bắt bất hợp pháp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Sierra Leone cho biết có ba tàu Trung Quốc đã bị bắt giữ và đã đóng tiền phạt, nhưng không tiết lộ bao nhiêu.
Một giới chức ngư nghiệp của Guinea-Bissau cho hay số tiền phạt vẫn đang được thương lượng với các tàu bị bắt giữ.
Mỹ vẫn giữ chính sách xoay trục sang Châu Á (RFA, 20/04/2017)
Trung Tá Brian Middleton, chỉ huy trưởng lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang đồn trú ở Darwin thuộc Úc nói rằng chính sách chuyển trục sang Châu Á được thực hiện từ thời chính phủ Obama sẽ không thay đổi.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence phát biểu trong một cuộc họp với lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản và Hoa Kỳ tại Tokyo vào ngày 19 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Trung Tá Middleton cho biết Tổng Thống đương nhiệm Donald Trump tiếp tục cam kết bảo vệ ổn định cho vùng Châu Á, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng đang tăng bởi nhiều lý do khác nhau.
Điều đó cũng được Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence nói tới khi ghé thăm Nam Hàn và Nhật Bản để trấn an đồng minh và đảm bảo Hoa Kỳ sẽ can thiệp mạnh mẽ, không để cho Bắc Hàn có võ khí hạt nhân.
Phó Tổng Thống Pence cũng tái khẳng định nước Mỹ sẽ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, nơi Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền hầu hết các hòn đảo, bãi đá mà họ đang tranh chấp với những nước Đông Nam Á.
Sau Nhật Bản, tạm dừng chân kế tiếp của Phó Tổng Thống Mỹ sẽ là Indonesia và sau đó là Úc.
*********************
Biển Đông : Chiến lược đi dây của Nga giữa Việt Nam và Trung Quốc (RFI, 20/04/2017)
Trong bài viết tựa đề "Kế hoạch của Putin tại Biển Đông" (Putin’s Plan In The South China Sea), Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh (Centre for Security Studies) thuộc Viện Công Nghệ Liên Bang Thụy Sĩ ở Zurich ngày 17/04/2017 đã tìm hiểu thêm về chính sách Biển Đông có vẻ mâu thuẫn của Nga hiện nay, vì vừa thân Trung Quốc, vừa bán vũ khí cho Việt Nam, đối thủ của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng tại điện Kremlin ngày 17/11/2015. ALEXEI NIKOLSKY / SPUTNIK / AFP
Tác giả bài viết trước hết ghi nhận rằng chính sách của Nga về tranh chấp Biển Đông phức tạp hơn là những gì cho thấy. Trên bình diện chính thức, Moskva là một tác nhân ngoại cuộc, không phải là một bên tranh chấp. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva "chưa bao giờ can dự vào tranh chấp ở Biển Đông", và nguyên tắc của Nga là "không đứng về bên tranh chấp nào".
Tuy nhiên, đằng sau bề ngoài chính thức là không dấn thân đó, Nga vẫn tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và đàm phán hàng tỷ đô la vũ khí và dầu khí với các bên tranh chấp. Những điểm này cho thấy là dù không có những tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, Moskva vẫn có những mục tiêu chiến lược, những quyền lợi và hành động có ảnh hưởng trực tiếp trên diễn tiến của các tranh chấp ở Biển Đông.
"Đối tác tự nhiên" của Bắc Kinh và "đối tác chiến lược" của Hà Nội
Một phần tư của chương trình hiện đại hóa quân đội Nga cho đến 2020 được dành cho Hạm Đội Thái Bình Dương, đặt tổng hành dinh ở Vladivostok, thành phố miền Viễn Đông Nga, để có trang thiết bị tốt hơn dùng vào các chiến dịch ở những vùng biển xa.
Hợp tác quân sự Nga-Trung đã tiến đến mức mà tổng thống Putin đã xem Trung Quốc là "đối tác tự nhiên và đồng minh tự nhiên". Cuộc thao diễn hải quân chung giữa hai nước gần đây - Joint Sea 2016 - cũng diễn ra ở Biển Đông, và là cuộc diễn tập đầu tiên loại này giữa Trung Quốc và một nước thứ hai ở vùng Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nhưng quan hệ Nga và Việt Nam, một bên tranh chấp ở Biển Đông, cũng trên đà gia tăng tương tự : Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên hàng "đối tác chiến lược toàn diện",giống như đối với Trung Quốc. Nga và Việt Nam đang phát triển đề án chung về dầu khí ở Biển Đông và Moskva cũng đang tìm cách trở lại căn cứ Cam Ranh, đồng thời bán cho Hà Nội các vũ khí tiên tiến giúp Việt Nam nâng cao khả năng quân sự.
Cách hành xử hiện nay của Moskva, tuy nhiên, lại không mấy phù hợp với các tuyên bố trung lập chính thức. Việc đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội, hai quốc gia quan trọng trong cuộc tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, làm cho ý đồ của Nga khó hiểu hơn, và cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh liên quan đến các quyền lợi ngoại giao của Nga.
Hai tầng trong chính sách Biển Đông của Nga
Các cường quốc thường chơi những ván bài ngoại giao trên nhiều cấp độ, và đôi khi các cấp độ chồng lấn lên nhau trên những vấn đề hay khu vực cụ thế. Đối với vấn đề Biển Đông, chính sách đối ngoại của Nga được triển khai trên hai cấp độ đang chồng lấn lên nhau : ở cấp hệ thống (tức là toàn cầu) Nga muốn cân bằng lực lượng để chống tình trạng bá quyền, và ở cấp khu vực, là chủ trương khoanh vùng để bảo vệ quyền lợi.
Ở cấp toàn cầu, căn cứ vào tương quan lực lượng hiện thời và cảm nhận về những mối đe dọa lớn, với tư cách nước tìm kiếm sự cân bằng cho hệ thống quyền lực trên thế giới hiện nay (đang bị Mỹ chi phối), Nga thách thức sự lãnh đạo độc tôn của Mỹ bằng nhiều cách, như đã được chứng tỏ ở Georgia, Ukraine và Syria. Chủ trương cân bằng ảnh hưởng này đã khiến Nga xích lại gần Trung Quốc, nước cũng như Nga, muốn thách thức sự thống trị của Mỹ và xem chính sách "xoay trục qua Châu Á" là mối đe dọa lớn cho an ninh Trung Quốc.
Như thế, đánh giá của Nga và Trung Quốc về các mối đe dọa đến từ bên ngoài trùng hợp với nhau ở chỗ là đều xem các chính sách của Mỹ mang tính chất đe dọa đối với họ - sự phát triển của NATO về phía đông, trong trường hợp của Nga, và sự xoay trục sang Châu Á, trong trường hợp của Trung Quốc.
Áp lực đến từ vai trò lãnh đạo quốc tế của Mỹ, cộng thêm với ý muốn kháng lại của Nga và Trung Quốc, đã đẩy 2 nước này xích lại gần nhau. Nhìn từ góc độ đó, vấn đề Biển Đông đối với Nga là một phần trong một một ván bài lớn ở cấp độ toàn cầu, khiến Nga không đi ngược lại quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông, và trong một chừng mực nào đó, còn mặc nhiên, thậm chí công khai, ủng hộ.
Cấp độ thứ hai – tức là khoanh vùng khu vực– xuất phát từ các mục tiêu mang tính chất quốc gia và khu vực : Moskva muốn đa dạng hóa quan hệ và tránh các bất ổn định có thể tác hại đến quyền lợi kinh tế của Nga ở Châu Á Thái Bình Dương.
Về thương mại, Nga muốn thu lợi từ những hợp đồng năng lượng, hạ tầng cơ sở và vũ khí. Nhờ tăng cường hợp tác với Hà Nội, kể cả hợp tác về công nghệ quân sự, xuất khẩu vũ khí, liên doanh trong các đề án năng lượng, Moskva tạo ra một sự cân bằng lực lượng và quyền lợi chung quanh Biển Đông, và đồng thời đa dạng hóa được quan hệ đối tác với các nước Châu Á, với Việt Nam là cửa ngõ dẫn vào bên trong cộng đồng ASEAN.
Điều đó giải thích vì sao Nga, cho dù không chống chính sách của Trung Quốc, nhưng lại tỏ ra thông cảm với các quan ngại của Việt Nam ở Biển Đông. Sự chồng lấn giữa hai cấp độ nói trên đã làm cho chính sách Biển Đông của Nga mập mờ, khó hiểu.
Nhân tố chống Mỹ trong chính sách Biển Đông của Nga
Hệ quả chính của ván bài "hai cấp độ này" là đối với Nga bản thân cuộc tranh chấp Biển Đông, cũng như chính sách ứng phó của Nga, là một biến số chứ không phải là một hằng số : tranh chấp càng chuyển từ vấn đề chủ quyền trong khu vực sang thành sự đối đầu Mỹ-Trung, thì cách hành xử của Nga càng mang tính chất cân bằng lực lượng, chống lại tình trạng đơn cực. Ngược lại, nếu Mỹ càng ít can dự thì chính sách của Nga càng xa rời cấp độ cân bằng lực lượng trên toàn cầu và càng mang nhiều yếu tố khoanh vùng khu vực hơn.
Cho đến giờ, hai cấp độ nêu trên trong chính sách Biển Đông của Nga ở Biển Đông vẫn vận hành tốt, không mâu thuẫn với nhau.
Việt Nam đã hưởng lợi từ công cuộc hợp tác với Nga, không chỉ vì những lợi ích do chính Nga mang đến, mà còn là vì nhờ quan hệ gần gũi giữa Nga với Trung Quốc, Việt Nam có thêm điều kiện củng cố quan hệ với Trung Quốc, điều mà Hà Nội cũng coi trọng.
Không như quan hệ với Mỹ, quan hệ đối tác với Nga cho phép Việt Nam tiếp cận với công nghệ vũ khí tiên tiến, năng lượng, tránh bị kẹt trong thế trên đe dưới búa trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung. Hơn nữa, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng vũ khí, trang thiết bị của Nga.
Chính sách của Nga cũng phù hợp với tính toán chiến lược của Bắc Kinh. Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt với yếu tố quân sự mạnh mẽ có vẻ như mang tính chống Trung Quốc, nhưng trong thực tế lại có lợi cho Trung Quốc, vì điều đó sẽ góp phần cản trở việc tăng cường liên minh Hà Nội-Washington.
Tuy không hài lòng trước việc Nga chuyển giao vũ khí cho Việt Nam, Bắc Kinh cũng công nhận rằng nếu việc chuyển giao đó suy giảm hay chấm dứt, điều đó sẽ khiến Việt Nam thay đổi chính sách đa dạng hóa quan hệ quân sự hiện nay để nghiêng về phía Washington, và thay đổi đó sẽ siết chặt thêm vòng vây Trung Quốc mà Mỹ chủ trương. Do đó, dù nhấn mạnh trên lập trường chống quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh vẫn chấp nhận sự can dự của Nga cũng như hợp tác quân sự Nga-Việt.
Về phần Nga, khi qua lại với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, Moskva đang thực hiện các mục tiêu khu vực và toàn cầu của mình : Gia tăng ảnh hưởng của Nga trong cán cân quyền lực Châu Á, làm chậm đà liên kết Mỹ-Việt, và định hình lại tranh chấp Biển Đông sao cho có chỗ nhiều hơn cho các cuộc đàm phán đa phương. Đối với Nga, việc duy trì nguyên trạng, cho dù không hoàn hảo, vẫn hơn là phải ứng phó với chiến thắng của một bên này trên bên kia.
Mai Vân
************************
Biển Đông : Manila tin sẽ hoàn tất dự thảo khung COC giữa năm 2017 (RFI, 20/04/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ở Lào tháng 09/2016.Reuters
Trong cuộc họp báo ngày 19/04/2017, Bộ Ngoại giao Phillipines bày tỏ tin tưởng là dự thảo khung bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông sẽ được hoàn tất vào giữa năm nay.
Tờ Manila Bulletin dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, Robespierre Bolivar, cho rằng : "Mức độ cam kết giữa Trung Quốc và khối ASEAN là cao". Ông hy vọng là "dự thảo khung sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2017".
Cũng theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, trong năm nay, Nhóm Làm Việc Chung về việc thực hiện Tuyên Bố Ứng Xử của các bên tại Biển Đông đã tiến hành hai cuộc họp.
Vào tháng trước, cuộc họp thứ 20 của Nhóm Làm Việc Chung đã diễn ra tại Cam Bốt giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN. Các bên tham gia đã cam kết tăng cường hợp tác hàng hải, tích cực chuyển hướng sang tham vấn về COC, và xây dựng một bộ quy tắc khu vực có thể chấp nhận được cho tất cả các bên.
Về phần mình, Bắc Kinh đánh giá là các bên liên quan hiện đang đi đúng hướng qua việc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn. Ngoại trưởng Trung Quốc cho là bản Tuyên Bố về Ứng Xử đang được thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả, và dự thảo khung COC cũng đang được định hình.
Thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 29/4/2017 này tại Manila, Philiipines, quốc gia chủ tịch luân phiên. Ngoài vấn đề hợp tác và phát triển một ASEAN vững mạnh, các vấn đề an ninh khu vực như tranh chấp trên Biển Đông hay căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng nằm trong chương trình nghị sự.
Minh Anh
Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Stethem đang tiến hành các hoạt động tại Biển Đông.
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Stethem.
Trong một thông cáo báo chí ngày 14/4, Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trực tên lửa dẫn đường USS Stethem (DDG 63) lớp Arleigh Burke đang "tiến hàng các hoạt động thường lệ" tại Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc đối với vùng biển này.
Bên cạnh đó, thông cáo cũng lưu ý tàu USS Stethem đã được tàu HMNZS Endeavour (A 11) của New Zealand tiếp nhiên liệu trên biển. Chỉ huy cấp cao William Palmer IV cho hay : "Việc tiến hành những hoạt động như vậy với các đồng minh của chúng tôi đã góp phần nâng cao năng lực và duy trì khả năng của chúng tôi trong việc đảm bảo sự hiện diện liên tục trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7".
Thông cáo của Hải quân Mỹ cũng cho biết tàu USS Stethem đã thường xuyên liên lạc với các tàu Hải quân Trung Quốc trong quá trình hoạt động, đồng thời khẳng định các nước đã sử dụng Bộ quy tắc về đối đầu bất ngờ trên biển (CUES) để "thông báo về các ý định hàng hải nhằm đảm bảo sự di chuyển an toàn".
Tàu Stethem đóng căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản. Ngoài hoạt động ở Biển Đông, tàu đã hoạt động ở vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên cùng nhóm tàu tấn công Carl Vinson và với Hải quân Hàn Quốc trong cuộc tập trận Đại bàng Non năm 2017. Tàu này cũng tiến hành các hoạt động thăm viếng thường kỳ tới Hàn Quốc.
TTXVN/Tin Tức
*********************
Hải Quân Mỹ xác nhận đã cho một khu trục hạm tuần tra Biển Đông (RFI, 15/04/2017)
Vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên đang sôi động, Hải Quân Mỹ ngày 14/04/2017 xác nhận là một tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường của họ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.
Chiến hạm Mỹ USS Stethem (DDG-63) làm nhiệm vụ tuần tra tại Biển Đông - Ảnh : Wikipedia
Đó là khu trục hạm lớp Arleigh-Burke USS Stethem (DDG 63), đặt căn cứ tại cảng Yokosuka ở Nhật Bản, đã bắt đầu triển khai hoạt động tại khu vực Tây Thái Bình Dương từ đầu năm.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra Biển Đông, chiến hạm này từng được cử đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên phối hợp với nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Carl Vinson và Hải Quân Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung Đại Bàng Non/Foal Eagle 2017.
Trong một bản thông báo, Hải Quân Mỹ còn xác nhận rằng khi hoạt động trên Biển Đông, chiếc USS Stethem thường xuyên liên lạc với các phương tiện hải quân Trung Quốc, và đã áp dụng Bộ Quy Tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) nhằm "đảm bảo an toàn cho hai bên".
Khu trục hạm Stethem, dưới quyền điều động của Hạm Đội 7, sắp tới đây sẽ được thêm hỗ trợ từ hai chiến hạm USS Dewey and USS Sterett thuộc Hạm Đội 3, cũng đang trên đường đến vùng Biển Đông.
Khởi hành từ bản doanh Hạm Đội 3 ở San Diego (California, Hoa Kỳ) vào cuối tháng Ba, hai khu trục hạm cũng thuộc lớp có trang bị tên lửa dẫn đường đã ghé cảng Hawaii hôm 12/04, trên đường sang Tây Thái Bình Dương.
Tàu khu trục USS Stethem tuần tra vùng Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy tiến trình quân sự hóa các đảo đá mà họ chiếm giữ.
Trọng Nghĩa
********************
Trung Quốc lại tập trận chiếm đảo ở Biển Đông (RFA, 14/04/2017)
Trung Quốc gần đây đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Đông trong mấy ngày liền.
Các cơ sở Trung Quốc xây trên bãi Chữ Thập do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Hoa Kỳ chụp qua vệ tinh hôm 9/3/2017.Photo courtesy of csis.org
Hai chiến hạm đổ bộ Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn chở theo nhiều trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí ra Biển Đông tập trận bắn đạn thật để kiểm tra khả năng tác chiến thực tế.
Tin được loan đi trong ngày 14 tháng tư dẫn nguồn từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho biết cuộc tập trận hoàn toàn sử dụng đạn thật, tập trung vào tấn công lẫn phòng thủ 3 chiều, đổ bộ chiếm đảo bằng tàu đệm khí, cất hạ cánh đồng loạt trực thăng vũ trang, đổ bộ đường không và thử nghiệm tàu đệm khí tự đóng của Trung Quốc.
Thời gian qua Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận tại vùng tranh chấp Biển Đông bất chấp pháp luật quốc tế và các chỉ trích về việc quân sự hóa biển Đông.
Điển hình như cuộc tập trận kéo dài một tuần trên Biển Đông bắt đầu từ hôm 10/2 vừa qua.
Hồi tháng giêng, tàu sân bay Liêu Ninh cũng dẫn đầu một đội tàu hải quân tiến hành một cuộc tập trận khác.
Cuộc tập trận lần này của Trung Quốc diễn ra giữa những căng thẳng đang leo thang tại bán đảo Triều Tiên với các sự kiện lớn mà Triều Tiên thông báo sẽ tiến hành.
******************
Tổng thống Philippines lại nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 14/04/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, khét tiếng về những bài phát biểu có tính cách khoa trương và những kế hoạch thay đổi như chong chóng.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines dường như đang ổn định trở lại sau khi chính quyền Manila lùi bước trong kế hoạch quân sự hóa một phần quần đảo Trường Sa đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte, khét tiếng về những bài phát biểu có tính cách khoa trương và những kế hoạch thay đổi như chong chóng, hôm 6/4 tuyên bố ông sẽ hạ lệnh điều quân ra quần đảo Trường Sa. Tuyên bố đó được đưa ra sau khi ông Duterte bị chỉ trích sau khi tin tức tường thuật rằng ông có biết về việc tàu Trung Quốc thăm dò ngòa i khơi bờ biển Thái Bình Dương của Philippines hồi năm ngoái.
Bây giờ thì ông Duterte nói Philippines chỉ muốn cải thiện các cấu trúc trên 9 đá/đảo nhỏ tại quần đảo Trường Sa hiện do Philippines kiểm soát, và ông sẽ không đích thân đến thăm đảo Pag-asa, tức đảo Thị Tứ, để cắm lá cờ quốc gia. Trước đó, ông Duterte đã tuyên bố ông sẽ đi thăm đảo Thị Tứ vào ngày 12/6, nhân lễ độc lập của Philippines.
Những sự thay đổi của ông Duterte liên quan tới quần đảo Trường Sa dường như nêu bật sự kiện Manila vẫn tập trung vào nỗ lực tìm cách thay thế sự lệ thuộc truyền thống của Philippines vào Hoa Kỳ, bằng một chính sách đối ngoại đa dạng hơn trong khi theo đuổi các nguồn đầu tư từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích lưu ý rằng Trung Quốc mới hồi tuần trước bày tỏ "quan ngại", nay đã bỏ qua những lời phát biểu về quần đảo Trường Sa mà ông Duterte đưa ra trước đó.
Hôm 7/4, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói : "Trung Quốc hy vọng phía Philippines sẽ tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc để kiểm soát các vụ tranh chấp lãnh hải một cách hợp lý và tìm cách duy trì sự phát triển lành mạnh mối quan hệ Trung-Phi".
Hôm thứ Năm, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hài lòng về việc "Philippines và Trung Quốc có thể tương nhượng" để duy trì hòa khí.
Ông Duterte đã đi thăm Trung Quốc hồi tháng 10 để hàn gắn mối quan hệ đã trở nên căng thẳng vì vụ tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, sau khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế. Năm ngoái, ông Duterte hủy bỏ các cuộc tuần tra hải quân chung với Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã cam kết một khoản viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ đô la cho Philippines.
Ông Eduardo Araral, giáo sư môn chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore nhận định :
"Tôi nghĩ ông Duterte không cần phải làm gì thêm để lấy lòng Trung Quốc. Những gì mà ông ta đã làm rồi, cũng đủ để người Trung Quốc ghi tên ông vào sổ vàng rồi".
Trung Quốc đã cố tìm cách ve vãn bốn nước Đông Nam Á cũng tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc sau phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế vào tháng Bảy năm ngoái. Tòa quốc tế phán rằng những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên 90% diện tích Biển Đông, là không có cơ sở.
Chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ sức mạnh ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông làm của riêng. Và không thể ngăn chặn Trung Quốc bằng "võ miệng".
Tương lai Biển Đông hòa bình ổn định hay xung đột, đối đầu, có còn là tuyến hàng hải huyết mạch của thương mại toàn cầu, tài sản chung của khu vực và thế giới, hay sẽ biến thành ao nhà của Trung Quốc, phụ thuộc rất nhiều vào tương quan lực lượng và chính sách của Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc.
Tuần qua dư luận chứng kiến những diễn biến mới trên Biển Đông với không ít quan điểm hoài nghi, băn khoăn và lo ngại. Thậm chí có những quan điểm đổ lỗi cho cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump có thể gây ra xung đột, đối đầu ở Biển Đông.
Tuy nhiên, bình tĩnh quan sát những gì đang diễn ra trên Biển Đông cũng như các vận động chính sách từ Trung Nam Hải cho đến Tòa Bạch Ốc, người viết tin rằng Biển Đông có thể sẽ ổn định hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Kẻ khôn, người dại"
3 giờ chiều ngày hôm qua 2/3, ông Vương Quốc Khánh, người phát ngôn kỳ họp Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc khóa 12 chủ trì buổi họp báo kỳ họp thường niên tại Bắc Kinh, trong đó có trả lời câu hỏi về Biển Đông gây chú ý trong dư luận.
Phóng viên đài NBC Hoa Kỳ đặt câu hỏi :
"Chào ông, có thông tin nói Trung Quốc đang bố trí các thiết bị quân sự trên đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời có ảnh chụp làm chứng.
Không ít nhà quan sát đã cho rằng, đây là động thái quân sự hóa, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.
Trung Quốc lúc nào cũng nói mình tôn trọng tự do hàng hải, nhưng trong bối cảnh hiện nay xin hỏi, Trung Quốc sẽ đảm bảo tự do hàng hải như thế nào ?".
Ông Vương Quốc Khánh, người phát ngôn kỳ họp Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc năm nay, ảnh : Tân Hoa Xã.
Ông Khánh trả lời :
"Về câu hỏi này của bạn tôi nghĩ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng của chúng tôi đã nhiều lần nói rồi. Nhưng bạn đã nêu vấn đề, tôi cho rằng cũng nên bày tỏ rõ thái độ.
Các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, chúng tôi xây dựng một số công trình trên lãnh thổ của mình, bố trí một số thiết bị phòng ngự cần thiết là hoàn toàn chính đáng.
Đó là quyền lợi bình thường của một quốc gia có chủ quyền được luật pháp quốc tế thừa nhận. Còn nói (Trung Quốc) uy hiếp tự do hàng hải hàng không của các quốc gia khác ở Biển Đông, người Trung Quốc có câu :
Thiên hạ vốn vô sự, kẻ ngu ghè chân mình.
Thực ra Trung Quốc là nước lớn nhất ven Biển Đông, đồng thời cũng là quốc gia thương mại chủ yếu trên thế giới. Chúng tôi coi trọng tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông hơn bất kỳ quốc gia nào.
Một số quốc gia cá biệt ngoài khu vực này thường thích thổi phòng thuyết "Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải", đó hoàn toàn là một mệnh đề giả dối. Tại sao ?
Vì sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, sau khi Trung Quốc thu hồi các đảo ở Biển Đông bao nhiêu năm qua, tôi chưa nghe thấy tự do hàng hải ở Biển Đông có vấn đề gì" [1].
Ông Vương Quốc Khánh lấy hẳn thành ngữ "Dung nhân tự nhiễu" trong "Lục Tượng Tiên truyện" của Tân Đường Thư [2] phải chăng muốn minh họa cho lập luận của mình rằng :
Trung Quốc đang bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông theo cách của riêng mình (bằng cách quân sự hóa, khống chế, kiểm soát và khi cần có thể phong tỏa Biển Đông) ;
Biển Đông vốn "vô sự" vì mọi thứ đã có Bắc Kinh "bảo kê" hết, những ai lo ngại tự do và an toàn hàng không, hàng hải ở đây chẳng khác gì "kẻ ngu" ?
Cách hành xử cao thượng và nhân văn của Lục Tượng Tiên thời Đường Duệ Tông đã được con cháu ông ngày nay biến tấu để che lấp cho những mưu đồ đen tối hòng xưng hùng, xưng bá trong khu vực, dẫm đạp lên luật pháp quốc tế.
Cái gọi là "chủ quyền Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông", những hành động xâm lược trắng trợn được ông Khánh che đậy bằng cái tên "thu hồi", chúng tôi đã bình luận nhiều lần, xin không nhắc lại.
Ở đây, ông lại mượn tích xưa nói chuyện ngày nay, về "kẻ khôn, người dại" để mỉa mai những tiếng nói kêu gọi thượng tôn pháp luật, bảo vệ tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Người viết nghĩ rằng ông cũng nên đọc lại cả "Lục Tượng Tiên truyện" lẫn thiên "Thượng Hiền" trong sách "Lục Thao" để thấy cha ông mình dạy thế nào.
Một trong 7 loại người mà Khương Thái Công khuyên Chu Văn Vương cũng như các bậc quân chủ không nên dùng làm tướng soái, không nên dùng làm tham mưu, không nên thân cận hay sủng ái, mà nên cấm, nên ngăn chặn những kẻ này, đó là những kẻ chỉ biết "huyễn hoặc lương dân", nói cách khác là lừa gạt dân lành.
Sở dĩ người viết nói ông đang "huyễn hoặc lương dân" là vì luận điệu "các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc" được ông nhắc lại để ngụy biện cho các hành vi quân sự hóa vùng biển này, cũng như âm mưu độc chiếm làm ao nhà của Trung Quốc.
Nếu những quan chức tham mưu như ông mà một ngày biết 3 lần tự xét lại mình như thầy Tăng Sâm, biết trọng trách của kẻ tham mưu là can gián những điều sai quấy, lấy "Thượng Hiền" để răn mình, thì may mắn cho Trung Quốc, cũng như cho khu vực.
Nhưng phát biểu này của ông Vương Quốc Khánh cho thấy, thứ nhất Trung Quốc sẽ không dừng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, lấn dần từng bước, chờ thời cơ Mỹ suy yếu để chiếm trọn vùng biển này thành ao nhà.
Thứ hai, chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ sức mạnh ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông làm của riêng. Và không thể ngăn chặn Trung Quốc bằng "võ miệng", hay những chiến lược xoay trục trên giấy.
Tất cả tại Trump ?
Bình luận về cục diện Biển Đông và nguy cơ xung đột, chuyên gia Viện Chính sách chiến lược Australia ông Andrew Davies cho rằng, an ninh quốc tế chắc chắn sẽ tồi tệ hơn kể từ khi Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
"Nếu bạn để ý đến những hùng biện về chính sách của Trump liên quan đến Biển Đông, bạn có thể dễ dàng thấy rằng họ (chính phủ Hoa Kỳ) đang sa đà vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng Australia sẽ bị tổn thương về nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu nếu Biển Đông nóng lên. Tôi cho rằng đó sẽ là vấn đề số một của chúng ta.
Chúng ta phải dựa vào nguồn cung nhiều sản phẩm từ dầu mỏ từ Singapore và phải đi qua Biển Đông" [3].
Tiến sĩ Andrew Davies, ảnh : ABC News (abc.net.au).
Đây không phải quan điểm đầu tiên và duy nhất cho rằng, cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Biển Đông có thể dẫn đến một cuộc xung đột, đối đầu với Trung Quốc.
Có điều, những quan điểm này dường như đã làm ngơ trước các động thái leo thang quân sự hóa Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở vùng biển chiến lược này mà Bắc Kinh theo đuổi.
Người viết cho rằng, trên thực tế Tổng thống Donald Trump đã đúng khi nói với Reuters, người tiền nhiệm của ông đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông từ những ngày đầu, khiến cho tình thế hiện tại của Mỹ ở Biển Đông khó khăn hơn rất nhiều [3].
Là một nhà đàm phán tài ba, một doanh nhân tầm cỡ toàn cầu thành đạt trước khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump không để lộ chiến thuật của mình cho đối phương lợi dụng là một điểm mới, là sự khác biệt của ông so với người tiền nhiệm.
Nhưng về mặt chiến lược, Trump đã sớm bộc lộ những thiên hướng chính sách về Biển Đông mà người viết tin là ông sẽ ngăn chặn được hành vi độc chiếm vùng biển này làm ao nhà, lập chốt thu tô.
Điều này một lần nữa có thể tìm thấy qua bài phát biểu đầu tiên của ông trước hai viện Quốc hội Mỹ hôm 28/2 sau một tháng bước vào Nhà Trắng.
Do Donald Trump chủ yếu tập trung vào chính sách đối nội, nên Biển Đông không được nêu cụ thể trong diễn văn này. Tuy nhiên vẫn có thể tìm thấy một vài thông điệp chính có thể rút ra từ diễn văn này liên quan đến Biển Đông.
Thứ nhất, Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh và sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, đủ để đánh bại các mối đe dọa vị thế của nước Mỹ :
"Để bảo vệ an toàn cho nước Mỹ, chúng ta phải cung cấp cho các quân nhân nam nữ trong quân đội Hoa Kỳ những gì mà họ cần để ngăn chặn chiến tranh – và khi cần – họ phải đánh và thắng.
Tôi sẽ gởi cho Quốc hội dự thảo ngân sách để kiện toàn quân đội, không để cho quốc phòng bị cô lập nữa, và kêu gọi tăng chi tiêu cho quốc phòng lên một mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ".
"...Với những đồng minh đang thắc mắc Mỹ sẽ là một người bạn thế nào, hãy nhìn ngay các anh hùng trong sắc phục của Mỹ.
Chính sách ngoại giao của chúng ta sẽ tham gia trực tiếp, mạnh mẽ và có ý nghĩa với thế giới.
Sự lãnh đạo của nước Mỹ dựa vào lợi ích an ninh quan trọng của chúng ta và chúng ta chia sẻ lợi ích đó với các đồng minh của chúng ta trên toàn cầu".
Thứ hai, các đối tác có cùng lợi ích với Mỹ ở Biển Đông cũng sẽ phải chia sẻ trách nhiệm của mình cũng như chủ động xây dựng chính sách, Mỹ chỉ lo phần của Mỹ, chứ Donald Trump không có nghĩa vụ làm thay :
"...Các đối tác của chúng ta phải đáp ứng các bổn phận tài chính. Và giờ đây, từ các cuộc thảo luận rất cương quyết và thẳng thắn của chúng ta, họ đang bắt đầu thực hiện điều đó.
Chúng ta kỳ vọng các đối tác, dù trong NATO, Trung Đông, hay ở Thái Bình Dương, đảm nhiệm vai trò trực tiếp và có ý nghĩa trong các hoạt động cả chiến lược lẫn quân sự, và gánh vác trách nhiệm chi phí của mình".
Thứ ba, Trump tiếp tục tái khẳng định không áp đặt, xuất khẩu giá trị Mỹ sang các nước và xem đó là một yêu cầu, điều kiện cho đảm bảo an ninh :
"...Chúng ta sẽ tôn trọng các định chế lịch sử, nhưng chúng ta cũng sẽ tôn trọng quyền chủ quyền của các nước.
Các nước tự do là cỗ máy tốt nhất để thể hiện nguyện vọng của người dân - và Hoa Kỳ tôn trọng quyền của tất cả các nước tự vạch đường đi của mình.
Nhiệm vụ của tôi không phải là đại diện thế giới. Nhiệm vụ của tôi là đại diện Hợp chúng quốc Hoa Kỳ".
Thứ tư, tăng cường sức mạnh và khả năng răn đe để ngăn chặn, đẩy lùi chiến tranh xung đột, chứ không phải tìm kiếm xung đột, càng không phải là nguyên nhân có thể gây xung đột ở Biển Đông :
"...Chúng ta hiểu rằng sẽ tốt hơn cho nước Mỹ rất nhiều một khi xung đột giảm đi, thay vì tăng lên.
Chúng ta phải học hỏi từ sai lầm trong quá khứ - chúng ta đã nhìn thấy chiến tranh và sự tàn phá giày xéo trên khắp thế giới...
...Nước Mỹ sẵn lòng tìm kiếm những người bạn mới và đón nhận các đối tác mới, nơi các lợi ích chung sẽ song hành. Chúng ta muốn yên bình và ổn định, chứ không phải là chiến tranh và xung đột.
...Chúng ta muốn hòa bình, ở bất cứ nơi nào mà hòa bình có thể được tìm thấy. Nước Mỹ hôm nay đã là bạn của các cựu thù trước đây.
Một số đồng minh thân cận nhất của chúng ta, nhiều thập niên trước, từng ở phe bên kia trong các cuộc chiến tranh. Lịch sử đó mang lại cho chúng ta niềm tin về khả năng của một thế giới tốt đẹp hơn" [5].
Hiện tại có nhiều quan điểm trái ngược nhau về tân Tổng thống của nước Mỹ, cả về đối nội lẫn đối ngoại, người viết cho rằng đó là một điều bình thường, và là đặc trưng của chính trị Hoa Kỳ.
Điều này không làm cho nước Mỹ suy yếu, mà ngược lại chính nó làm cho nước Mỹ mạnh hơn. Cá nhân người viết tin rằng, chính sách của Tổng thống Trump sẽ thiết thực góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Tất nhiên khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, hoạt động bảo vệ tự do - an toàn hàng hải và luật pháp quốc tế mà Mỹ tiến hành ở Biển Đông phải đối mặt với những khiêu khích đến mức có thể nổ ra xung đột như Đô đốc Harry Harris cảnh báo, cũng không thể đổ tại nước Mỹ.
Hồng Thủy
Nguồn : GDVN, 03/03/2017
Tài liệu tham khảo :
[1]http://global.dwnews.com/news/2017-03-02/59803241.html
[2]http://www.zhengjian.org/2006/12/23/41479.%E6%88%90%E8%AF%AD%E6%95%85%E4%BA%8B%EF%BC%9A%E5%BA%B8%E4%BA%BA%E8%87%AA%E6%89%B0.html
http://chanhkien.org/2009/11/thanh-ngu-dung-nhan-tu-nhieu.html
[3]http://www.reuters.com/article/us-usa-trump-interview-highlights-idUSKBN1622RG
[4]http://www.abc.net.au/news/2017-03-03/south-china-sea-donald-trump-australia-fuel/8321230
[5]http://edition.cnn.com/2017/02/28/politics/donald-trump-speech-transcript-full-text/
Việt Nam phản đối quy chế về nghỉ đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông (Dân Trí, 28/02/2017)
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay tuyên bố, quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh : Hữu Nghị)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 28/2 đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc mới đây ra thông báo chính thức điều chỉnh và áp dụng quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển, phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế này của phía Trung Quốc.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982", ông Lê Hải Bình tuyên bố.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm : "Quyết định đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình ; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng".
An Bình
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh : Phạm Kiên/TTXVN
Ngày 28/2/2017, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo chính thức điều chỉnh và áp dụng Quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển, phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh : "Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ Quy chế này của phía Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Quyết định đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình ; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng".
TTXVN/Tin Tức
Hình ảnh trên tàu USS Carl Vinson lớp Nimitz.
Sputnik dẫn nhận định của một số nhà phân tích chính trị cho biết, Mỹ đang chơi một trò chơi địa chính trị trong khu vực, nhằm gia tăng áp lực với Trung Quốc và với cả các nước ASEAN.
Ngày 18/2, nhóm tàu Hải quân Mỹ bắt đầu chiến dịch được Hải quân Mỹ gọi là "các chiến dịch thông thường" tại Biển Đông. Dẫn đầu nhóm tàu này là tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz. Ngoài ra, nhóm tàu còn có tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer (DDG 108) lớp Arleigh Burke...
Ngày 22/2, Reuters dẫn hai người giấu tên của quan chức Mỹ cho biết "Trung Quốc đã gần như hoàn thành việc xây dựng (bất hợp pháp) hàng chục cấu trúc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, có vẻ như được thiết kế để chứa tên lửa đất đối không tầm xa".
Một quan chức tình báo Mỹ đánh giá Trung Quốc không có vẻ chỉ xây các công trình ở Biển Đông mà không có dụng ý gì. Bởi vì những cấu trúc này giống như các nhà chứa tên lửa đất đối không nên theo quan chức tình báo Mỹ giấu tên này, "kết luận hợp lý là đó chính là mục đích của công trình này".
Một quan chức khác cho biết các cấu trúc trong diện nghi vấn tên lửa này dài khoảng 20 m và cao 10 m.
Phản ứng lại việc Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 22/2 cho biết đã nắm thông tin này, tuyên bố cuộc tuần tra đe dọa cái gọi là chủ quyền và an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có cuộc gặp ở Boracay, Philippines ngày 21/2 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại giảm căng thẳng ở vùng biển có tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời quan ngại khả năng quân sự hóa một số địa điểm trong khu vực.
Bình luận về những diễn biến trong khu vực, Konstaintin Sivkov, chủ tịch của Viện Các vấn đề Địa Chính trị ở Moskva nhấn mạnh sự trùng hợp về mặt thời điểm các sự kiện Mỹ tuần tra ở Biển Đông, các cuộc gặp cấp bộ trưởng của ASEAN và thông tin về các công trình của Trung Quốc, có thể phản ánh áp lực Mỹ đồng thời tạo ra với cả Trung Quốc và ASEAN.
Theo chuyên gia này, nhằm kiềm chế Trung Quốc, Mỹ triển khai các hoạt động quân sự. Việc này dẫn đến mối quan ngại của các nước ASEAN về nguy cơ cao của một cuộc đụng độ trong khu vực với sự tham gia của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Chuyên gia này cho biết dù nguy cơ của một cuộc đụng độ quy mô lớn khó có khả năng xảy ra, có thể có một cuộc chạm trán quân sự trong khu vực giữa một bên là hạm đội của Mỹ và Nhật Bản với một bên là hạm đội của Trung Quốc.
Cũng theo chuyên gia này, Mỹ đang tiến hành một trò chơi địa chính trị trong khu vực và thông tin về việc Trung Quốc xây dựng các công trình trên các đảo nhân tạo là công cụ của Mỹ trong cuộc khắc chế Trung Quốc.
Dẫu vậy, chuyên gia Nga cho rằng, Washington thừa biết Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề này cho dù Mỹ có gây áp lực như thế nào đi nữa.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh : "Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".
Vũ Anh
*******************
Trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày 11/1 khi được xác nhận làm ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson đã gây chấn động cộng đồng quan sát Trung Quốc khi cam kết : "Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ rằng rằng, thứ nhất, ngừng xây dựng (phi pháp) các đảo, và thứ hai, sẽ không được phép tiếp cận các đảo này".
Những bình luận trên ngay lập tức khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng. Trong một bài xã luận, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc lập tức lên tiếng cảnh báo : "Bất kỳ cách tiếp cận nào nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo này sẽ là điều ngu ngốc, trừ khi Mỹ định phát động chiến tranh quy mô lớn ở Biển Đông".
Đối với dư luận Trung Quốc, quan điểm của ông Tillerson không có căn cứ, là hành động gây hấn và không có chiến lược và họ cho rằng đề cử ông làm ngoại trưởng Mỹ là không có căn cứ về mặt pháp lý, nguy hiểm về mặt chính trị và không hiệu quả về mặt thực tiễn.
Ông Rex Tillerson (trái) đã có phát biểu gây chấn động về việc ngăn Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, phản ứng của dư luận Trung Quốc cho thấy họ đã hiểu sai đề xuất của ông Tillerson và hiểu nhầm thực tế phức tạp ở Biển Đông. Dùng hải quân phong tỏa các hòn đảo không phải là cách duy nhất để đạt được mục tiêu mà ông Tellerson đề xuất. Hơn nữa, Trung Quốc cũng có lợi lớn khi tránh chiến tranh với Mỹ trong khu vực.
Để lý giải đề xuất của ông Tillerson, cần sử dụng lăng kính nhìn từ góc độ khác. Nhìn từ góc độ này, đề xuất trên không có nghĩa là dùng quân đội ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận đảo như hầu hết các nhà bình luận đồn đóan. Thay vào đó, Mỹ và các đối tác có thể thực hiện hàng loạt động thái khác để "phong tỏa" Trung Quốc như đàm phán ngoại giao, trừng phạt kinh tế. Những biện pháp như vậy dù trực tiếp hay gián tiếp cũng có thể ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa (phi pháp) các đảo ở Biển Đông.
Trừng phạt và "cải bắp"
Một trong những hành động là trừng phạt các cá nhân, công ty hỗ trợ, tham gia vào các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Dự luật mà thượng nghị sĩ Marco Rubio đề xuất hồi tháng 12/2016 đi theo hướng tiếp cận này. Theo đó, ông Rubio đề xuất đóng băng tài sản và cấm vào Mỹ đối với những người và thực thể đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển các dự án ở khu vực tranh chấp ; đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định của Biển Đông. Dự luật của ông Rubio có thể được hoặc không được thông qua, nhưng các biện pháp trừng phạt như vậy là một công cụ quan trọng nhằm gián tiếp thay đổi hành vi của Trung Quốc.
Một lựa chọn trực tiếp hơn mà Mỹ và đối tác có thể áp dụng là dùng chiến thuật "cải bắp" của chính Trung Quốc để bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các hòn đảo ở Biển Đông (mà nước này chiếm giữ phi pháp). Chiến thuật "cải bắp" gồm bao bọc các hòn đảo tranh chấp bằng nhiều lớp bảo vệ quân sự và bán quân sự. Các lớp lá "cải bắp" dùng để chống lại Trung Quốc sẽ gồm ba lớp : dùng tàu thuyền tư nhân dân sự bao vây các đảo ở vòng trong, tiếp đó dùng tàu của lực lượng thực thi pháp luật ở vòng ngoài, cuối cùng dùng tàu chiến bảo vệ khu vực ngoài cùng.
Liên minh chống Trung Quốc không thể địch lại với sức mạnh hải quân và bán quân sự của Trung Quốc, nhưng có thể đưa các tình nguyện viên dân sự để điều khiển hàng phòng vệ đầu tiên.
Không cần phải bắn hạ máy bay hay đánh mìn các cảng Trung Quốc, liên minh có thể dùng thiết bị không người lái cả trên không và dưới nước được phóng từ các tàu dân sự và tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm chặn lối vào các đảo nhân tạo.
Tính pháp lý
Những biện pháp này tưởng như là phạm pháp nhưng thực ra lại hoàn toàn nhất quán với luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc không công nhận quyền tự do trên biển của Mỹ và các đối tác thì Mỹ có quyền hạn chế tự do của Trung Quốc. Tòa trọng tài ở La Haye hồi tháng 7/2016 đã ra phán quyết bác : tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn (ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam), việc Trung Quốc tiếp cận bãi cạn Scarborough, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam, việc Trung Quốc gây rối ở khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuy nhiên, tòa lại không có công cụ thể thực thi phán quyết trên. Do đó, mọi việc tùy thuộc vào cộng đồng quốc tế để hành động vì lợi ích chung và buộc Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ. Luật pháp quốc tế cho phép các nước thực hiện các biện pháp đối phó với các hành vi sai trái. Ông James Kraska, giáo sư luật quốc tế thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định : Thách thức quyền tiếp cận đảo nhân tạo của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhiều người lo rằng dù hợp pháp nhưng việc ngăn Trung Quốc vào các đảo mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp sẽ là hành động chiến tranh và nguy cơ gây xung đột vũ trang. Tuy nhiên, lo sợ này đã bị thổi phồng. Khi Trung Quốc chặn lối vào bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây, không ai coi đó là hành động chiến tranh và cũng không có cuộc xung đột nào nổ ra. Do vậy, áp dụng đúng chiêu "cải bắp" mà Trung Quốc đã sử dụng, Mỹ và các nước có thể thành công trong ngăn Trung Quốc khơi mào chiến tranh.
Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc có lợi lớn hơn Mỹ khi tránh gây chiến trong khu vực. Thực tế, tránh xung đột quy mô lớn là một trong những chiến lược lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông. Sở dĩ Trung Quốc tỏ ra hung hăng trong những năm gần đây là do Mỹ đã can thiệp quá tay vào "vùng xám" giữa chiến tranh và hòa bình.
Do đó, mẹo để vừa tránh chiến tranh vừa khiến Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế chính là cách tiếp cận hai hướng, theo đó khéo léo kết hợp sức mạnh của "cây gậy và củ cà rốt".
Trở lại với bình luận của ông Tillerson, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói : "Nếu Mỹ muốn làm điều đó, họ có lực lượng để làm, hãy để họ làm".
Cách tiếp cận "cải bắp" để ngăn Trung Quốc tiếp cận bãi Scarborough hay Vành Khăn sẽ hợp pháo và hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines và tình nguyện viên dân sự Philippines cũng như nước khác.
Các biện pháp trừng phạt các cá nhân, công ty Trung Quốc tham gia các dự án ở Biển Đông sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu được nhiều nước khác ủng hộ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc rất rộng nên Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương với các biện pháp trừng phạt có mục tiêu. Các dự án xây dựng ở Biển Đông đều liên quan tới một vài công ty nhà nước lớn hào hứng làm ăn ở nước ngoài.
Tóm lại, bắn tín hiệu sẵn sàng ngăn Trung Quốc xây đảo nhân tạo và tiếp cận các đảo này là cách phản ứng hợp lý nếu Mỹ thực sự muốn răn đe ở Biển Đông.
Thùy Dương (theo Foreign Policy)
******************
Trung Quốc đang đàm phán song phương về Biển Đông (VOA, 25/02/2017)
Máy bay ném bom Trung Quốc bay trên bãi cạn Scarborough
Trung Quốc đang đối thoại với từng nước một trong khu vực Đông Nam Á về các quyền lợi chung trong việc khai thác hải sản và nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Biển Đông đang có những tranh chấp chủ quyền chồng chéo. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc hoặc việc thiếu niềm tin chính trị sẽ gây cản trở cho bất kỳ một thỏa thuận chính thức nào và có thể sẽ chuyển trọng tâm sang các thỏa thuận kinh tế không chính thức.
Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Việt Nam đã gặp nhau vào tháng trước để thảo luận về hợp tác hàng hải mà có thể bao gồm việc thăm dò dầu khí dưới biển. Đó là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm đối thoại riêng với các quốc gia có tranh chấp hàng hải kể từ khi một tòa trọng tài quốc tế ở La Hague ra phán quyết vào tháng Bảy năm ngóai nói rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khoảng 95% diện tích trên biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý.
Trung Quốc cũng đối thoại với Malaysia và Philippines về vùng biển có diện tích 3,5 triệu km vuông, nơi có nguồn hải sản và trữ lượng dầu khí dồi dào, và là một hải lộ quốc tế trọng yếu.
Các thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giảm bớt những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền bằng cách cho tất cả các quốc gia một ít quyền lợi mà không mất đi sự kiểm sóat hiệu quả của bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc bác bỏ phán quyết của trọng tài quốc tế nhưng sau đó đã tự tìm cách cải thiện quan hệ với các nước đang có tranh chấp.
Năm ngóai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi việc theo đuổi các thỏa thuận song phương.
Phần lớn các cuộc đối thoại về Biển Đông được tổ chức bí mật, nhưng các chuyên gia dự báo rằng các thỏa thuận cuối cùng cũng là về quyền đánh bắt hải sản hoặc quản lý khai thác hải sản. Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang đặc biệt quan tâm về quyền đánh bắt hải sản với những đội tàu đánh bắt xa bờ.
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng nghiên cứu chính sách cao cấp về Trung Quốc ở Đài Loan cho biết : "Điều đầu tiên mà họ muốn làm là xác định các quyền đánh bắt hải sản. Và tôi nghĩ rằng điều này là quan trọng bởi vì bạn phải bàn đến một số quy tắc hoặc một số vấn đề thực tế thay vì bàn về việc phân chia lao động hoặc khu vực đánh bắt".
Một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận ngư nghiệp đang hiện hữu là kể từ năm 2006 Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau tuần tra chung hoạt động khai thác hải sản ở Vịnh Bắc Bộ. Năm ngóai, hai bên đã mở rộng các tuyến tuần tra.
Ông Duterte gặp ông Tập Cận Bình vào tháng 10/2016 tại Bắc Kinh
Sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 10, Trung Quốc đã thôi ngăn chặn các tàu đánh cá Philippines ở vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough, phía tây đảo Luzon, theo tin tức báo chí cho biết.
Nhưng các thỏa thuận kinh tế gắn kết một cách không chính thức với các tranh chấp hàng hải có thể dẫn đến nguy hiểm nếu các mối quan hệ này xấu đi.
Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay, đồng thời là chủ tịch luân phiên hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cho biết, ông "lo ngại sâu sắc" hành động của Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói phát biểu trên là "khó hiểu và đáng tiếc". Ông Sảng nói các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte đang được triển khai thực hiện, và Trung Quốc đã hứa sẽ ngừng việc xây dựng trên biển.
Ít nhất là từ năm 2013, Trung Quốc và Việt Nam đã bàn về việc cùng nhau khai thác dầu hỏa, và việc thảo luận khai thác dầu giữa Trung Quốc và Philippines đã bắt đầu vào tháng 10.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ foot khối khí đốt tự nhiên dưới đáy Biển Đông. Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam hiện nay đang làm khảo sát riêng và Philippines đã nhận đơn thầu thực hiện thăm dò dầu khí từ các công ty tư nhân.
Ông Carl Baker, Giám đốc các chương trình thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS tại Honolulu nói rằng việc cùng nhau tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch thiếu khả thi vì khi chia sẻ bất kỳ nguồn tài nguyên nào cũng sẽ có hàm ý là phải từ bỏ chủ quyền ở nơi mà tài nguyên đó được phát hiện.
Ông Douglas Guilfoyle, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Monash ở Australia nói rằng các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên sẽ được thực hiện một cách hợp pháp nếu các quốc gia ký kết đặt các vấn đề chủ quyền sang một bên, nhưng người dân trong nước thì vẫn hoài nghi việc này.
Ông Guilfoyle nói : "Thực tế khó thực hiện hơn so với lý thuyết. Hiện có những vấn đề thực tế đang được đàm phán, nhưng sau đó các vấn đề khác liên quan đến chính trị, sự tin tưởng và liệu công dân của bạn cuối cùng có ủng hộ một thỏa thuận như vậy không".
Ông Guilfoyle nói thêm rằng những thay đổi trong giới lãnh đạo của một quốc gia có thể gây phương hại đến tiến trình ra thỏa thuận, và một số nước thiếu sự tin cậy chính trị nên không thể bắt đầu. Ví dụ người tiền nhiệm của ông Duterte, vì giận dữ với Trung Quốc nên đã nộp đơn kiện tại tòa trọng tài quốc tế. Còn ông Duterte thì làm lành với Bắc Kinh sau khi nhậm chức vào tháng Sáu.
Các thỏa thuận song phương có thể bao gồm điều khoản làm thế nào để tránh rủi ro trên biển, tránh giao tranh, như vụ đụng độ đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1974 và 1988.
Trong năm nay, riêng Trung Quốc sẽ theo đuổi bộ khung quy tắc ứng xử (COC) với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau nhiều năm Trung Quốc chống lại COC.
Ông Herman Kraft, giáo sư nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman nói rằng bộ quy tắc ứng xử (COC) của ASEAN phù hợp với bất kỳ thỏa thuận song phương nào.
Nếu không có các thỏa thuận cụ thể về các hoạt động trên biển, Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới để tăng cường thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển cho các bên có tranh chấp ở Biển Đông, những nước khát khao mong muốn phát triển nền kinh tế riêng của mình.
Sáng kiến "Đường tơ lụa Hàng hải thế kỷ 21" của Bắc Kinh được thiết lập để phân bổ một số tiền từ một nguồn quỹ 40 tỷ đôla và 100 tỷ đôla đầu tư vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để mua cổ phần xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á, một lợi ích khổng lồ cho các công ty Trung Quốc khi thị trường trong nước quá cạnh tranh.
Du khách Trung Quốc đến Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh
Có nhiều dấu hiệu giao dịch kinh tế khá hào phóng khi có sự gia tăng lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam vào năm ngóai, trong khi Philippines kỳ vọng đạt 24 tỷ đôla viện trợ phát triển cũng như các khoản đầu tư từ Trung Quốc, sau cuộc đối thoại của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines vào tháng 10.
Trong tháng 11, Malaysia và Trung Quốc đã ký kết 14 bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh. Trung Quốc đã lên kế hoạch bán cho Malaysia 4 tàu chiến, cung cấp khoảng tín dụng 55 tỷ ringgit (khoảng 12,4 tỷ đôla) để xây một đường tàu hỏa. Malaysia đã xem Trung Quốc là đối tác thương mại và là quốc gia cấp vốn đầu tư trực tiếp hàng đầu.
Malaysia hiếm khi chỉ trích Trung Quốc một cách công khai vì các hoạt động hàng hải, mặc dù cả hai bên đều khẳng định chủ quyền các khu vực trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh có thể yêu cầu các nước khác im lặng về việc Trung Quốc cải tạo các hải đảo, việc Trung Quốc tăng sự hiện diện quân sự trên một số đảo nhỏ hoặc các đội tuần duyên Trung Quốc tuần tra trên vùng biển mà các bên khác thường xuyên qua lại.
Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Loan nói : "Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Họ đang cố gắng để một mặt hiển thị trên sức mạnh của Trung Quốc và mặt khác ngăn cản các nước khác tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông".
Hạm đội Hoa Kỳ bắt đầu tuần tra trên biển Đông vào ngày thứ bảy 18 tháng hai, năm 2017.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ở Thái Bình Dương hôm 3/2/2017. AFP photo
Dẫn đầu lực lượng hải quân Mỹ trong chuyến tuần tra biển Đông lần này là hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson.
Tin tức về cuộc tuần tra này được đưa trên trang Facebook của USS Carl Vinson.
Vị chỉ huy đội tàu chiến Mỹ là Chuẩn Đô đốc James Kilby nói rằng hải quân Mỹ đang phô trương khả năng của mình đồng thời với việc xây dựng quan hệ hữu nghị với các đồng minh, các đối tác, và bạn bè trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hạm đội Hoa Kỳ bắt đầu chuộc tuần tra chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Trung quốc kết thúc cuộc tập trận trên biển Đông.
Hiện chưa thấy Bắc Kinh lên tiếng về việc này, nhưng hôm thứ tư tuần trước Bộ trưởng ngoại giao Trung quốc có cảnh cáo Hoa Kỳ là đừng thách thức chủ quyền của Trung quốc trên biển Đông.
Xin nhắc lại là trong những năm cuối nhiệm kỳ của chính quyền Mỹ dưới quyền Tổng thống Obama, lực lượng hải quân Mỹ đã tiến hành nhiều lần các cuộc hành quân trên biển Đông được mệnh danh là tự do hàng hải. Đôi khi các tàu chiến Mỹ đi sát các đảo nhân tạo mà Trung quốc chiếm đóng và bồi đắp trên biển Đông.
Những chuyến hải hành này được cho là để thách thức đòi hỏi về lãnh hải quá đáng của Bắc Kinh trên vùng biển quan trọng này.
***********************
Biết Mỹ tuần tra, Trung Quốc tập trận 'Tấn công bất ngờ' (Đất Việt, 19/02/2017)
Nắm tin đội tàu sân bay Mỹ thực hiện tuần tra thông thường theo kế hoạch trên Biển Đông, Trung Quốc tập trận "tấn công bất ngờ" trước 1 tuần.
Ngày 18/2, Hải quân Mỹ cho biết một nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này đã bắt đầu các cuộc tuần tra trên Biển Đông.
Các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, viết tắt là FONOPS, có thể do các tàu tấn công của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thực hiện.
Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến trên, trong đó có tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson, đã bắt đầu các hoạt động tuần tra thông thường trên Biển Đông vào ngày 18/2. Tuyên bố trên được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Facebook của tàu USS Carl Vinson.
Tàu USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ.
Đội tàu đã có một đợt huấn luyện ở Hawaii, Guam và vùng biển Philippines và hôm 18/2 đã bắt đầu tiến hành tuần tra ở Biển Đông.
Hiện tại Hải quân Mỹ chưa cho biết, cụm tàu sân bay tấn công này có tuần tra trong vòng 12 hải lý ở các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp tại Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hay Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp hay không.
Hôm 12/2, tờ Navy Times đã tiết lộ khả năng này, trong đó cụm USS Carl Vinson có thể tuần tra trong 12 hải lý đảo nhân tạo ở Trường Sa và, hoặc cả ở Hoàng Sa. Đây sẽ là động thái thách thức những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, từng gây ra căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh vừa qua.
Việc USS Carl Vinson bắt đầu cuộc tuần duyên chứng tỏ kế hoạch của Hải quân Mỹ đã được tân chủ nhân Nhà Trắng phê chuẩn, đặt nền móng cho chính sách châu Á của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Thông tin về kế hoạch của quân đội Mỹ trùng khớp với các báo cáo được báo chí Nhật Bản dẫn lại nói rằng tại các cuộc họp kín trong chuyến thăm châu Á gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đảm bảo với các quan chức Nhật Bản rằng quân đội Mỹ đang lên kế hoạch áp sát Trung Quốc quyết liệt ở Biển Đông.
Một ngày trước khi Hải quân Mỹ tiến hành cuộc tập trận trên, Trung Quốc đã kết thúc một tuần tập trận trên Biển Đông.
Đội tàu chiến Trung Quốc gồm một khu trục hạm trang bị tên lửa, đã tiến hành tập trận từ tuần trước, và hiện nay đang tiến về vùng đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương.
Theo Tân Hoa Xã, cuộc tập trận lần này bao gồm các khoa mục "tấn công bất ngờ" và đã được thực hiện thành công trong điều kiện biển rất xấu.
Chiến hạm Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển
Chuyên gia quân sự Yin Zhuo nói với Đài truyền hình Trung Quốc rằng các cuộc diễn tập "không theo kịch bản sắp xếp từ trước" và "sát với điều kiện chiến đấu thực tế".
Doãn Trác, một nhà bình luận quân sự nói trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, các cuộc tập trận này "không có kịch bản trước, càng gần càng sát thực tế chiến đấu".
Ông Trác lưu ý thêm, xu hướng Trung Quốc tiến hành thường xuyên các hoạt động tập trận như thế ở Biển Đông là "không thể thay đổi", mặc dù ông cho rằng, khả năng tác chiến tầm xa của hải quân Trung Quốc "không đủ đảm bảo lợi ích của mình trong các vùng biển mở".
Các cuộc tập trận nói trên được thông báo sau khi Trung Quốc vừa cảnh cáo Mỹ không được thách thức yêu sách chủ quyền (phi pháp, vô lý) của Trung Quốc ở Biển Đông, vì có thông tin Washington chuẩn bị mở lại các cuộc tuần tra để bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực, và điều các chiến hạm Mỹ đến sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp và các cơ sở quân sự trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp. Washington quan ngại rằng các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do di lại trên tuyến hàng hải quan trọng này, và do đó hải quân Mỹ đã nhiều lần điều tàu chiến đến khu vực để khẳng định "quyền tự do hàng hải".
Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc hiện cũng đang xem xét việc sửa đổi luật an toàn hàng hải, buộc các tàu ngầm nước ngoài khi đi vào vùng biển Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước và báo cáo hành trình của họ cho nhà chức trách Trung Quốc.
Tuy không đề cập trực tiếp đến Biển Đông, nhưng bản dự thảo luật sửa đổi cho phép các cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc ngăn chặn tàu nước ngoài đi vào vùng biển Trung Quốc nếu xét thấy những tàu này có thể gây phương hại cho an toàn hàng hải và trật tự.
*********************
Hàng không mẫu hạm Mỹ tuần tra Biển Đông (RFI, 19/02/2017)
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời cảng North Island, Coronado, California, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2017. REUTERS/Mike Blake
Một đơn vị hải chiến của Mỹ, gồm chiến đấu cơ và hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson bắt đầu tuần tra tại Biển Đông từ ngày 18/02/2017. Hải quân Mỹ thông báo tin này vài ngày sau khi Bắc Kinh cảnh cáo Washington không nên thách đố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.
Tại Biển Đông, cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc vừa kết thúc, Mỹ đưa một hải đội tác chiến vào vùng.
Mạng thông tin của hải quân Mỹ cho biết, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng với nhiều chiến hạm bắt đầu vào vùng Biển Đông hôm thứ Bảy, 18/02, để tuần tra như thông lệ. Đơn vị "hải chiến" này mới kết thúc một cuộc tập dượt gần Hawai để kiện toàn khả năng phối hợp tấn công tác chiến.
Theo AFP, tuy khẳng định nhiệm vụ "tuần tra theo thông lệ", chỉ huy trưởng "nhóm hải chiến", phó đô đốc James Kilby, nhấn mạnh đến mục tiêu "tăng cường quan hệ vững chắc với các đồng minh trong vùng Ấn Độ- Châu Á-Thái Bình Dương".
Sự kiện hải quân Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông diễn ra sau khi Trung Quốc thông báo vừa kết thúc một cuộc tập trận "giao tranh bất ngờ" kéo dài một tuần lễ cho đến thứ Sáu 17/02/2017.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng chiến hạm và tầu sân bay có quyền họat động trong vùng, theo luật quốc tế.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư, khi được hỏi về tin hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sắp tới Biển Đông và Hoa Kỳ sắp mở lại những cuộc tuần tra trong khu vực, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc trả lời là Bắc Kinh "kiên quyết chống lại mọi quốc gia âm mưu phá hoại chủ quyền của Trung Quốc" và "thúc giục Hoa Kỳ ngưng thách thức chủ quyền Trung Quốc tại biển Nam Hải".
Tú Anh
***********************
Nhật Bản đóng thêm tầu chiến để củng cố phòng vệ Biển Hoa Đông (RFI, 18/02/2017)
Nhật Bản đang lên kế hoạch thúc đẩy chương trình đóng tầu chiến, nâng số lượng lên hai tầu mỗi năm. Theo những người nắm rõ hồ sơ được Reuters trích dẫn ngày 18/02/2017, những chiến hạm trên có nhiệm vụ tuần tra vùng bờ biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Ảnh minh họa : Khu trục hạm Nhật Bản Inazuma. US NAVY
Kế hoạch ban đầu của Nhật Bản là đóng mỗi năm một tầu khu trục có trọng tải 5.000 tấn. Tuy nhiên, từ tháng 04/2018, con số này sẽ tăng lên gấp đôi và mỗi tầu có trọng tải 3.000 tấn. Tokyo muốn thành lập một đội tầu gồm 8 chiếc loại mới nhỏ hơn và rẻ hơn, song vẫn có khả năng rà soát mìn và chống tầu ngầm. Trị giá của mỗi tầu được thẩm định từ 353 triệu đến 443 triệu đô la.
Vẫn theo nguồn tin ẩn danh trên, các tập đoàn đóng tầu, trong đó có Mitsubishi Heavy Industries, Japan Marine United Corp (JMU) và Mitsui Engineering & Shipbuilding, đều được mời thầu. Trong bản thông cáo ngày 15/02, bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết yêu cầu nhà thắng thầu phải nhượng một phần hợp đồng đóng 8 tầu khu trục cho các tập đoàn tham gia đấu thầu khác nhằm đảm bảo các xưởng đóng tầu trong nước tiếp tục hoạt động.
Trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishada bên lề hội nghị G20 đang diễn ra tại Bonn (Đức), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Nhật Bản có những động thái "tiêu cực" trên nhiều vấn đề quan trọng gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Theo ông Vương Nghị, hai nước cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện mối quan hệ này.
Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, cách đông bắc Đài Loan khoảng 220 km. Nhiều sĩ quan Nhật Bản lo ngại về việc Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Biển Hoa Đông, xung quanh chuỗi đảo Okinawa, ở miền nam Nhật Bản. Tokyo cũng trợ giúp về mặt quân sự cho nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó Philippines và Việt Nam, để đối phó những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Thu Hằng
Bắc Kinh cảnh báo Mỹ về kế hoạch tuần tra ở Biển Đông (RFI, 16/02/2017)
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 15/02/2016 đã cảnh cáo những thách thức của Washington vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Động thái này được đưa ra nhằm đáp trả những thông tin cho rằng Mỹ đang chuẩn bị những cuộc tuần tra mới để đảm bảo quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson - Ảnh : Wikipedia
Trong buổi họp báo thường kỳ hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Song (Geng Shuang), khẳng định quan hệ căng thẳng trong khu vực Biển Đông đã được ổn định nhờ sự nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, và yêu cầu các nước khác, trong đó có cả Hoa Kỳ, tôn trọng thành quả này. Ông nói : "Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ không có bất kỳ hành động nào gây hấn với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".
Trong khi đó, theo Reuters, ông Dave Bennett, phát ngôn viên của Đội tầu sân bay tấn công số 1 (Carrier Strike Group One), cho biết chưa có thảo luận nào về hoạt động sắp tới của các đơn vị. Phát ngôn viên Đội tầu sân bay tấn công số 1 cho biết thêm : "Hàng không mẫu hạm Carl Vinson thường xuyên được triển khai tại Tây Thái Bình Dương trong khuôn khổ hoạt động nhằm mở rộng chức năng chỉ huy và kiểm soát của Hạm đội 3 của Hoa Kỳ. Từ hơn 70 năm nay, các cụm tầu tấn công của Hải Quân Mỹ thường xuyên tuần tra tại vùng biển Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương".
Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa vùng Biển Đông, nơi trung chuyển đến 5.000 tỉ đô hàng hóa mỗi năm. Trước đó, ngày 12/02, trang mạng Navy Times đưa tin các quan chức Hải Quân Mỹ và Bộ Chỉ Huy lực lượng Thái Bình Dương đang xem xét tái triển khai chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải tại vùng Biển Đông có tranh chấp và nhiệm vụ này sẽ do các tầu thuộc cụm tấn công của hàng không mẫu hạm Carl Vinson, có căn cứ tại San Diago (California), thực hiện.
Tháng 10/2016, Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển này, khi cho tầu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur vào gần quần đảo Hoàng Sa và bên trong nhiều khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Thu Hằng
********************
Trung Quốc sửa luật để kiểm soát chặt hơn tàu ngầm nước ngoài (RFI, 16/02/2017)
Tàu tàu lặn Mỹ trong lần nghiên cứu tại bờ bắc Scotland, ngày 08/10/2016, giống mẫu tàu bị Hải Quân Trung Quốc thu giữ trên Biển Đông hôm 15/12/2016. Navy photo by Cmdr. Santiago Carrizosa
Bắc Kinh đang xem xét việc sửa đổi luật an toàn hàng hải, buộc các tàu ngầm nước ngoài khi đi vào vùng biển Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước và báo cáo hành trình của họ cho nhà chức trách Trung Quốc.
Hãng tin Reuters hôm nay, 16/02/2017, trích dẫn báo chí Nhà nước của Trung Quốc, cho biết là bản dự thảo luật sửa đổi không đề cập trực tiếp đến Biển Đông. Hãng tin China New Service hôm qua chỉ đăng một đoạn của dự thảo luật an toàn hàng hải : "Tàu ngầm của nước ngoài, khi đi ngang qua lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phải di chuyển trên mặt nước, treo cờ nước họ và báo cáo cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc".
Cũng theo China News Service, dự thảo luật còn cho phép các cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc ngăn chận tàu nước ngoài đi vào vùng biển Trung Quốc, nếu xét thấy những tàu này có thể gây phương hại cho an toàn hàng hải và trật tự. Hãng tin này khẳng định dự thảo luật an toàn hàng hải sửa đổi được soạn thảo dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Vào tháng 12 năm ngoái, hải quân Trung Quốc đã thu giữ một tàu lặn không người lái của Mỹ ở vùng Biển Đông. Mặc dù sau đó Bắc Kinh đã trả lại tàu ngầm không người lái này, nhưng vụ việc đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Hiện chưa rõ là việc sửa đổi luật nói trên có liên quan gì đến vụ này hay không.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cam kết tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông, nhưng vẫn phản đối việc Hoa Kỳ đưa các chiến hạm đến tuần tra sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng.
Thanh Phương
Máy bay Mỹ, Trung Quốc áp sát nhau ở Biển Đông (RFA, 10/02/2017)
Máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc KJ-200. AFP photo
Một máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc và một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ trong tuần này có vụ bay sát nhau ở Biển Đông ở cự ly được nói là ‘đối mặt không an toàn’. Đây là một sự cố đầu tiên giữa hai phía vào thời của tân tổng thống Donald Trump.
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hôm nay loan báo tin này. Theo tin cho biết thì vụ việc xảy ra hôm thứ tư. Hãng tin Reuter nói rõ chiếc KJ-200 của Trung Quốc và chiếc P-3C của Hoa Kỳ bay sát nhau ở cự ly trong phạm vi 305 mét trên bầu trời gần khu vực bãi cạn Scaborough. Vùng trời nơi hai chiếc máy bay được nói bay ở cự ly sát nhau như thế được Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ khẳng định thuộc không phận quốc tế.
Theo phát ngôn nhân Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Robert Shuford, thì khi xảy ra sự vụ, chiếc P-3C của Hoa Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ thường lê và hoạt động theo đúng luật pháp quốc tế. Ông này nói thêm phía Bộ Quốc Phòng và Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ luôn quan ngại về những vụ va chạm với lực lượng quân sự Trung Quốc.
Hãng thông tấn AP cho biết có fax đến Bộ Quốc Phòng Trung Quốc để hỏi về vụ việc mà Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ loan đi hôm nay ; thế nhưng AP chưa nhận được trả lời.
Tuy nhiên trên trang chủ tờ Toàn cầu Thời báo của Trung Quốc có trích dẫn của một quan chức quân đội Hoa Lục ẩn danh nói rằng viên phi công của chiếc máy bay cảnh báo sớm của nước này đã phản ứng một cách hợp pháp và chuyên nghiệp.
Vị quan chức ẩn danh này nói thêm là phía Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ sẽ tập trung vào mối quan hệ giữa hai quốc gia và quân đội hai nước trong toàn cục, có những biện pháp cụ thể và loại bỏ mọi nguyên nhân căn bản các sự cố giữa đôi bên trên biển cũng như trên không.
Một số vụ việc từng đôi lần xảy ra tại khu vực Biển Đông nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ ; mặc dù Bắc Kinh luôn nói tôn trọng quyền tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này và phản đối hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ; đặc biệt công tác thu thập thông tin tình báo do máy bay Mỹ thực hiện gần vùng biển phía nam tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đây là nơi có một số căn Bắc Kinh cho đặt một số căn cứ quân sự.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc có ký hai thỏa thuận nhằm phòng ngừa những vụ đối đầu có thể đưa đến khủng hoảng quốc tế như vụ hồi tháng tư năm 2000 khiến một phi công Hoa Lục tử nạn và phía Trung Quốc bắt giữ 24 thành viên trên chiếc máy bay trinh sát của Mỹ trong vòng 10 ngày.
Vào năm ngoái có 2 vụ đối mặt giữa máy bay Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
***********************
Máy bay Mỹ và Trung Quốc đối mặt nhau "không an toàn" ở Biển Đông (RFI, 10/02/2017)
Máy bay KJ-200 của Không quân Trung Quốc trên bầu trời ngoại ô Bắc Kinh, ngày 02/07/2015 - REUTERS/Jason Lee
Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ, hôm nay, 10/02/2017, thông báo là trong tuần, máy bay của Trung Quốc và Mỹ đã bay sát nhau một cách "không an toàn" trên không phận Biển Đông. Đây là sự cố đầu tiên dưới thời chính quyền Donald Trump.
Phát ngôn viên Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương, Robert Shuford, được AFP trích dẫn, cho biết, sự cố xẩy ra hôm thứ Tư, 08/02/2017, trên không phận quốc tế vùng Biển Đông, khi một chiếc máy bay Trung Quốc KJ-200 và máy bay trinh thám của Hải quân Mỹ P-3C bay đối mặt nhau và khoảng cánh giữa hai máy bay là "không an toàn", thuật ngữ được chỉ là bay quá gần nhau. Tuy nhiên, đại diện quân đội Mỹ không cho biết rõ chi tiết về sự cố này.
Theo ông Shuford, chiếc máy bay trinh thám của Mỹ hoạt động theo như thông lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bộ Quốc Phòng Mỹ và Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương "luôn luôn quan ngại về những hành động không an toàn" từ phía quân đội Trung Quốc.
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức. Nhưng trang mạng của Hoàn Cầu Thời Báo, thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, thì trích dẫn một quan chức xin ẩn danh, nhận định rằng viên phi công Trung Quốc đã hành xử "đúng pháp luật và chuyên nghiệp", và bày tỏ hy vọng quân đội hai nước hợp tác với nhau để tránh tái diễn những sự cố tương tự.
Trung Quốc đưa ra những đòi hỏi chủ quyền và lãnh thổ đối với gần như toàn bộ Biển Đông, và nơi đây thường xuyên xẩy ra các sự cố đối đầu, "không an toàn", giữa tàu bè và máy bay của Trung Quốc và Mỹ.
Bắc Kinh tuyên bố tôn trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhưng phản đối, cản trở các hoạt động quân sự của Mỹ ở trong vùng, đặc biệt là các phi vụ trinh thám của không quân Hoa Kỳ gần vùng phía nam đảo Hải Nam, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Trung Quốc.
RFI tiếng Việt