Phần 6
Hiến pháp nhân quyền
1. "Học thuật : Tổng văn hóa viện, Tối cao chính trị nghiên cứu viện, Khí tài tổng giám bộ Tham quân viện (nghiên cứu, phát minh, chế tạo cơ khí và khí cụ)".
2. "Giáo dưỡng : Tổng văn hóa viện Quân huấn tổng giám bộ".
3. "Chính trị : Quốc dân Đại hội, Quốc dân Xu Mật Viện".
4. "Hành chính viện : 6 viện, tỉnh, huyện, hạt, xã".
Chữ Nhân quyền này phải chăng có nghĩa con người (mọi công dân) có quyền về học thuật, giáo dưỡng, sinh hoạt chính trị và tham dự hành chính công quyền ?
Căn bản của Duy Dân là tu dưỡng, giáo dưỡng. Trước khi có chế độ giáo dưỡng của đảng, chính quyền -- thì mỗi cá nhân phải tự tu dưỡng và con số này rất ít, hiếm có. Tự tu dưỡng thì dễ vì chính mình hiểu mình qua Sinh Mệnh Tâm Lý. Nhưng ngay cả cá nhân đã tu dưỡng chưa chắc đã có thể giáo dưỡng người khác. Vậy sự thực hiện giáo dưỡng cho các nhân sự của cơ cấu chính quyền sẽ được đào tạo như thế nào ? Phải chăng Quan chính viện là nơi để đào tạo, xây dựng các nhân sự của chính quyền để có đủ phẩm chất đức, tài nhằm mục đích phục vụ quốc gia chứ không phải vì lợi ích riêng tư của bản thân ?
Nếu Hiến pháp quy định Nhân quyền mà cá nhân mỗi người không có tu dưỡng thì sẽ sử dụng cái "quyền" như thế nào khi cái "nhân" chưa vững chắc ? Và một cá nhân như vậy thì xã hội sẽ có "dân chủ" kiểu nào ?
Quân sự phân quyền (Hải, Lục, Không, thống nhất và phân lập)
1. "Quân lệnh : Quốc dân Khu mật viện Quân bản bộ".
2. "Quân chính : Hành chính viện Quân chính bộ".
3. "Quân huấn : Quân huấn Tổng giám bộ, thời chiến : Tối cao Thống súy bộ gồm Hải, Lục, Không".
a. "Lục quân hàng không"
b. "Hải quân hàng không"
c. "Độc lập Không quân sư đoàn"
d. "Độc lập Tiềm đĩnh hạm đội"
Đây là phần trong quân đội và được độc lập, phân quyền. Phần này cũng giống phần b. trong Chính trị Phù bật của Cơ năng Hiến pháp (tài liệu Duy Nhân Cương Thường) và có thêm những đơn vị khác mà tài liệu Duy Dân Cơ năng không nói đến.
Quân bản bộ tổ chức
1. "Tổng tham mưu trưởng"
2. "Bản bộ tham mưu xứ trưởng"
3. "Cơ quan chiến lược"
4. "Cơ quan chuyên lo về giáo dục, bệnh Viện, động viên"
5. "Cơ quan nghiên cứu địa hình, giao thông vận tải"
6. "Cơ quan di chuyển quân, biên chế của quân đội"
7. "Cơ quan huấn luyện về tác chiến"
8. "Cơ quan lo về kế hoạch an ninh"
9. "Cơ quan lo về trao đổi quân sự với quốc tế"
10. "Cơ quan lo về các bộ phận đặc nhiệm các đơn vị chuyên môn (Special Force)"
11. "Tham mưu viên (các nhân viên không quản khoa)"
Trong phần quân sự xin để riêng cho các nhà nghiên cứu quân sự thảo luận sau này.
Yếu tố lực trong Cơ năng Hiến pháp
1. "Ý lực, sáng tạo lực của trí tuệ"
2. "Phong lực gồm tổ chức lực và xã hội phong khí, tất cả những hiệu dụng và công năng của tổ chức hình thành"
3. "Lao lực gồm trí tuệ, công cụ, lao động đối chiếu với toàn bộ vật lực"
Mỗi cá nhân con người đều có bộ óc như nhau. Nhưng tại sao mỗi người suy nghĩ khác nhau và nếu được giáo dưỡng thì có thể hiểu nhau hay hiểu chung một sự kiện, đề tài... Cái gì đã khiến trí óc của anh A có sáng kiến khác chị B ? Tại sao học cùng một lớp, cùng là tiến sĩ mà có người thành, kẻ bại ? Vậy Lý Đông A đưa ra "ý lực", "phong lực", "lao lực và vật lực" sẽ liên quan đến Sinh Mệnh Tâm Lý như thế nào ?
Công thức Lý trong Nhân sinh triết học của Cơ năng Hiến pháp
1. "Hợp lý suốt cả"
2. "Mình với người coi là mục đích, không coi là thủ đoạn"
3. "Một Lập Pháp ý chí do thực tiễn lý tính chỉ đạo nên một ý chí hợp lý. Đó là mực thước của việc làm"
Những ai mơ ước thực hiện một hiến pháp cho Việt Nam nên suy nghĩ những gì Lý Đông A đưa ra : làm sao có "hợp lý" suốt cả ? Đó là sự xuyên suốt, thấu suốt của tư tưởng. Vì Hiến pháp phải là bộ luật hoàn hảo, không thể có những mâu thuẫn, lẩm cẩm, ấm ớ, mơ hồ... mà phải do thực tiễn lý tính chỉ đạo nên một ý chí hợp lý thì mới kết hợp con người, toàn dân cùng xây dựng, chung sống chứ không phải hy sinh, tiêu diệt một lớp người "cũ" để xây dựng một lớp người "mới" hướng về một tương lai vô định thì đó là thủ đoạn.
Cơ năng Hiến pháp trong Đại Việt chính thống
Nhận định của Lý Đông A qua các thời kỳ lịch sử từ Hồng Bàng cho đến Pháp thuộc hoàn toàn chủ quan. Có thể các nhà sử học, chính trị học sẽ không đồng ý vì ý niệm Hiến pháp chỉ có sau thời kỳ Dân chủ (ý niệm dân chủ phát sinh xã ước, hiến pháp) và không thể có hiến pháp dưới thời kỳ bộ lạc, phong kiến. Chi tiết của phần này nói lên chính sách quản trị đất nước theo từng thời đại với quan điểm chủ quan của Lý Đông A. Sự nhận định của Lý Đông A trong phần này xin dành cho các nhà sử học quyết định.
Cơ sở Cơ năng Hiến pháp
1. "Xã hội cấu kết (90% là thành phần có tài sản rất ít và đây chính là gốc của dân tộc)"
2. "Văn hóa thời đại (phục vụ xã hội)"
3. "Chính trị lộ tuyến (cứu quốc, tồn chủng, dân tộc văn minh)"
4. "Lịch sử đặc thù (đạo, học, sử, và binh thống)"
5. "Kinh tế quan hệ (quốc dân tư bản xã hội hóa kiến thiết)"
6. "Cách mạng sử thống (kế hoạch cách mạng và chính trị)"
Hiến pháp dựa trên cơ sở của xã hội, văn hóa, chính hrị, lịch sử, kinh tế... nhưng "Cách mạng sử thống" có thực sự chính xác không ? Cách mạng dân chủ phát xuất từ cuộc nổi dậy của dân Pháp lật đổ Vương quyền đã dựa theo các điều kiện trên. Nhưng cuộc cách mạng của Nhật thời Minh Trị đã không vì các yếu tố trên mà vì áp lực quân sự của Tây Phương đòi hỏi Nhật phải canh tân. Ngay cả nền kinh tế tư bản thì phải chăng cần phải nhìn đó là một Bình sản tư bản, có nghĩa là tư bản lợi nhuận nhưng đồng thời quan tâm đến sự công bằng của xã hội, môi trường sống, và biết thế nào là đủ chứ không phải tư bản trong lòng tham không đáy như nền tư bản của Tây Phương tạo ra 1% có rất nhiều và 99% còn lại của xã hội có rất ít.
Tính chất Cơ năng Hiến pháp
1. "Trọn vẹn : Chính trị cơ cấu là một bộ phận trong cơ cấu toàn thể của quốc dân sinh hoạt. Chính trị cơ cấu như thần kinh hệ thống ăn suốt cơ thể".
2. "Liên hệ : Cơ năng tính chất suốt : dọc – ngang, động – tĩnh, quyền – năng".
3. "Đối lưu : Xem cơ năng hiến pháp phải xem suốt kiến quốc chính sách, nó là thể hệ của Thắng Nghĩa, tức Duy Dân chính trị. Có ba hệ : quốc, tư xã hội sinh hoạt, cơ năng toàn xã hội sinh hoạt theo tinh thần của tương hỗ chủ nghĩa và hợp tác dân chủ phối hợp với nhân kỷ lập thể là đại toàn".
Tính chất "trọn vẹn", "liên hệ" và "đối lưu" có thể không rõ nghĩa nếu không hiểu "tổng thể", "đan quyền", "tung hợp" cũng như "biện chứng pháp" trong Duy Dân chủ nghĩa.
Chính trị cơ cấu được ví như hệ thần kinh điều hành tất cả các hoạt động trong chính quyền và trong dân chúng. Đây là hệ thống hữu tương để cùng nhau thăng tiến. Một cơ năng trong chính quyền hay xã hội bị hư hỏng thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi sinh hoạt khác trong xã hội. Cho nên tính trọn vẹn, liên hệ, đối lưu phải đạt được để hài hòa quyền lợi của cá nhân, xã hội và quốc gia.
Trần Công Lân
Nguồn : quyenduocbiet, 25/04/2021
Hoài Nguyễn, VNTB, 26/12/2020
Phiên tòa hình sự sơ thẩm sẽ diễn ra vào ngày 5/1/2021 ở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan về tự do ngôn luận, tự do lập hội ở vụ án "Hội nhà báo độc lập Việt Nam", là một minh thị cho chuyện Việt Nam xem nhẹ tài phán Hiến pháp.
Trong lịch sử nhà nước Việt Nam, chưa bao giờ quyền lập hội của người dân không được thừa nhận và khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, ở miền Bắc Việt Nam trước 1975, và sau đó, xét từ góc độ thực tế, trong suốt thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khi Nhà nước lãnh đạo và bao cấp toàn diện đời sống của người dân, thì dường như đã không tồn tại cả điều kiện lẫn nhu cầu khách quan cho việc thực thi quyền lập hội.
Bên cạnh đó, các định kiến về tư tưởng cũng góp một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, vẫn có những suy nghĩ thành lập hội một cách tự do và tự nguyện, không khác nào việc các cá nhân muốn liên kết và tập hợp lực lượng để tạo sức mạnh chính trị riêng, nhằm đi chệch hướng lãnh đạo của Nhà nước, hay gây sức ép, thách thức quyền lực với chính quyền nhân dân.
Có ý kiến, Công ước của Liên hiệp quốc về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một thành viên, đã xác định hai loại quyền công dân tách biệt : lập hội dân sự và lập đảng chính trị là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo chính trị duy nhất đã được ghi ở Hiến pháp. Như thế, tâm lý e ngại việc lập hội tự do – như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam chẳng hạn, phải chăng chỉ còn là sự chưa dám dứt bỏ các thành kiến cũ ?
Ở đây có vấn đề của tài phán Hiến pháp.
Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Xét về mặt nội dung, hiến pháp là đạo luật cơ bản quy định các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc gia, ấn định hình thể quốc gia, ấn định các cơ quan điều khiển quốc gia cùng những thẩm quyền của các cơ quan ấy. Hiến pháp là văn bản phản ánh tổ chức chính trị của quốc gia.
Trước khi là đạo luật cơ bản, hiến pháp phải là một đạo luật. Với tư cách là đạo luật, hiến pháp phải được tổ chức thực thi, mà đã là thực thi thì bên cạnh những hành vi thực hiện đúng, cũng có những hành vi thực thi sai, không khác nào việc thực thi các đạo luật bình thường khác.
Với tư cách là đạo luật cơ bản, tức là đặc biệt, có hiệu lực pháp lý tối cao nên việc thi hành và việc vi phạm cũng đặc biệt : Trước hết, chủ thể thi hành Hiến pháp là đặc biệt so với chủ thể thi hành các đạo luật bình thường khác.
Điểm khác căn bản của Hiến pháp với các đạo luật khác ở chỗ chủ thể thi hành Hiến pháp là quan chức, mà không phải là công dân. Đó là các cơ quan, tổ chức nắm quyền lực nhà nước.
Cơ quan, tổ chức quyền lực nhà nước càng có nhiều quyền lực bao nhiêu, càng phải có trách nhiệm phải thi hành hiến pháp bấy nhiêu. Bên cạnh việc thi hành là khả năng vi phạm.
Đó là Nghị viện/ Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền lập pháp. Đó là Chính phủ, cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Đó là các cơ quan Đảng cầm quyền thông qua các hoạt động của lập pháp và hành pháp. Đó là các cơ quan chính quyền địa phương.
Khác với đạo luật thường khác, việc thực thi Hiến pháp không những qua các quy định, mà còn cả tinh thần của Hiến pháp.
Như vậy, với Hiến định tại Điều 25 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định", thì cho đến nay cụm từ "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" vẫn chưa được thực thi là một hành vi của vi phạm Hiến pháp.
Hành vi không hành động vi hiến là hành vi không thực hiện thẩm quyền và nghĩa vụ đã được Hiến pháp quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Hiến pháp giao thẩm quyền, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời những thẩm quyền và nghĩa vụ đó, thì sẽ bị coi là vi phạm Hiến pháp không hành động.
Như vậy, trong phiên tòa hình sự sơ thẩm sẽ diễn ra vào ngày 5/1/2021 ở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan về tự do ngôn luận, tự do lập hội ở vụ án "Hội nhà báo độc lập Việt Nam", cần thiết xem xét trách nhiệm của các tổ chức liên quan về "không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời những thẩm quyền và nghĩa vụ" được nêu ở vế thứ hai của Điều 25, Hiến pháp 2013.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 25/12/2020
*************************
Nguyễn Nam, VNTB, 25/12/2020
Ba thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn sẽ bị một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh xét xử vào ngày 5/1/2021. Ba nhà báo tự do này bị truy tố theo khoản 2 Điều 117 Bộ Luật hình sự 2015 "Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước".
Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là một cộng tác viên thường xuyên của VOA, bị bắt ngày 21/11/2019, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".
Chính quyền Việt Nam được cho là đang gia tăng đàn áp các tiếng nói chỉ trích chính phủ trên mạng và thực hiện việc bắt giữ nhiều hơn trong năm 2020, đặc biệt sau vụ xung đột ở Đồng Tâm và trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021.
Nhà báo tự do Trương Châu Hữu Danh và Phạm Đoan Trang là những vụ bắt giữ mới nhất của chính quyền Việt Nam vì những cáo buộc "tuyên truyền", hay đăng tải thông tin "chống nhà nước Việt Nam". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao ở Việt Nam luôn nói rằng không có việc những người vì bày tỏ chính kiến mà bị bắt giam ở Việt Nam, và rằng không có cái gọi là tù nhân lương tâm ở quốc gia Đông Nam Á này.
Có lẽ mọi chuyện nếu xem xét từ góc nhìn các quyền Hiến định, thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc bắt bớ kể trên liên quan đến quyền tự do báo chí được hiến định tại Điều 25 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Do các đặc điểm về lịch sử và địa lý, Việt Nam (không đề cập đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước tháng 4/1975) – mặc dù đã có Hiến pháp, nhưng lại ít chú trọng đến việc thực thi Hiến pháp. Vì vậy việc nghiên cứu, phân tích các hành vi vi phạm Hiến pháp chưa được đặt ra đúng mức. Bàn luận về chuyện này dễ bị đánh đồng với hành vi cố tình chống phá Đảng và Nhà nước, và dễ dàng bị quy chụp chính trị hóa.
Không những thế, từ lâu nay, trong nhận thức của không ít nhà quản lý có những người lầm tưởng rằng, Hiến pháp cũng giống như các đạo luật thường khác, được ban hành ra chỉ để cho nhân dân phải thực hiện. Nhận thức phổ biến này được minh chứng bằng biểu hiện của câu khẩu hiệu kiểu như : Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật.
Bên cạnh đó, lâu nay, từ các giới chức cho đến người dân đều có một nhận thức không đúng khi cho rằng, Hiến pháp là đạo luật tối cao, chỉ tập trung quy định những nguyên tắc chung, mà muốn cho những quy định chung này được thực hiện, cần phải có sự cụ thể hoá bằng các đạo luật.
Trong khi đó, các hành vi vi hiến không phải là không có, hoạt động bảo hiến ở Việt Nam chỉ được hiểu và quy định ở nghĩa rộng, bao gồm các hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước cấp trên đối với các cơ nhà nước cấp dưới và cho đến tận hành vi tuân thủ Hiến pháp của các công dân.
Cuối cùng, Hiến pháp giao cho Quốc hội được quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động tuân thủ Hiến pháp của mọi cơ quan nhà nước. Đây cũng là một điều phi lý, vì chính Quốc hội mới là chủ thể tiềm tàng khả năng nhất cho việc vi phạm Hiến pháp. Thứ đến là các cơ quan hành pháp, mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, trong danh sách các chủ thể tiềm tàng khả năng vi phạm Hiến pháp.
Hoạt động bảo hiến, hay cụ thể hơn ở nghĩa hẹp là hoạt động tài phán Hiến pháp, phần nhiều tập trung vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, tức là hoạt động ban hành các văn bản luật mâu thuẫn với Hiến pháp.
Đáng tiếc rằng, Hiến pháp trước đây và hiện hành của Việt Nam lại giao nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ Hiến pháp cho rất nhiều chủ thể : Từ Ủy ban nhân dân cấp cơ sở cho đến cấp cuối cùng cao nhất và nặng nề nhất – là Quốc hội.
Và càng đáng tiếc hơn nếu như ai đó cứ kiên trì viết – lách để phản biện về câu chuyện bảo hiến ở Việt Nam, thì những người đó – bằng cách này hay cách khác, họ sẽ nhận những ‘đòn roi’ khác nhau từ chính quyền.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 25/12/2020
********************
Hà Nguyên, VNTB, 25/12/2020
Nhưng xét dưới giác độ lý luận và pháp lý thì câu khẩu hiệu trên không đúng. Bởi vì Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý tối cao được làm ra, được thông qua không phải cho nhân dân thực hiện. Người thực hiện chính, chủ thể thực hiện chính là các cơ quan nhà nước thông qua các quan chức của Nhà nước. Cơ quan nhà nước, cá nhân trong thành phần các cơ quan nhà nước càng cao bao nhiêu thì càng phải có trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp bấy nhiêu.
Những người dân bình thường không có khả năng vi phạm Hiến pháp.
Một khi Hiến pháp được thi hành nghiêm chỉnh, thì người dân chỉ được lợi mà thôi, không có điều ngược lại. Bởi lẽ, đối tượng điều chỉnh ở nghĩa hẹp nhất của Hiến pháp là giới hạn quyền lực nhà nước.
Điều này cũng là dễ hiểu, vì bản thân sự hiện diện của một bản Hiến pháp thành văn và sự đòi hỏi việc tuân thủ bản hiến pháp này đã bao hàm sự giới hạn quyền lực nhà nước. Cũng như những đạo luật khác, sự hiện diện của nó đã đòi hỏi một sự tuân thủ. Nếu không có sự tuân thủ thì cũng chẳng cần đến việc chuẩn bị, việc thảo luận, rồi thông qua chúng.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng rất cần cơ chế bảo hiến thật sự dân chủ ở Việt Nam.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa biện luận : Thông qua hiến pháp, nhân dân trao cho nhà nước một bộ phận quyền lực, và giữ lại cho mình một số quyền lực, như quyền phúc quyết những vấn đề hệ trọng quốc gia, quyền phúc quyết sửa đổi hiến pháp, và nhất là quyền bầu cử – ứng cử dân chủ, tự do để thay đổi nhà nước nếu nhà nước làm hại cho dân.
Những ai thực sự học tập và làm theo Hồ Chí Minh thì không thể không biết đến quan điểm dân chủ và nhân văn của Người qua những câu nói nổi tiếng sau đây : "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta" (Thư gửi Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945). "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa" (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự Thật, trang 283).
Một cơ chế bảo hiến thực sự dân chủ, ngoài những công cụ bảo hiến của nhà nước, phải tạo điều kiện cho đa số nhân dân lao động, trí óc cũng như chân tay, tuỳ hoàn cảnh và năng lực của mình, được quyền trực tiếp giám sát việc tuân thủ hiến pháp, và được quyền tố giác, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi hiến của của các "công bộc", nhất là khi các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm phạm.
Đây là lý do mà mọi hiến pháp ở các nước dân chủ, văn minh đều quy định nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tụ họp hoà bình, cùng với những quyền tự do khác.
Những quyền tự do cơ bản ấy có gì xa lạ mà chính là những quyền con người được công nhận tại Thoả ước quốc tế về các Quyền dân sự và Quyền chính trị của Liên hiệp quốc có hiệu lực từ năm 1976 mà Việt Nam đã tham gia từ 24/9/1982.
Nội luật hoá những quyền ấy và đưa nó vào cuộc sống là nghĩa vụ của các nước thành viên. Chỉ khi những quyền tự do này được nhân dân sử dụng một cách thực chất thì chúng ta mới có một cơ chế bảo hiến với những điều kiện cần và đủ, và do đó có hiệu quả cao.
Từ góc nhìn trên của luật sư Trương Trọng Nghĩa, cho thấy với vụ án "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam", sẽ được xét xử phiên hình sự sơ thẩm vào ngày 5/1/2021 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các bị cáo ở vụ án này bằng các bài viết đăng báo, họ đã sử dụng quyền trực tiếp giám sát việc tuân thủ hiến pháp, và quyền tố giác, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi hiến của của các "công bộc", nhất là khi các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm phạm.
Những hành động của công dân trong thực thi quyền dân chủ cho bảo hiến, không phải là hướng đến việc "chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 25/12/2020
Trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp Nga : Đối lập bất đồng về cách phản đối (RFI, 25/06/2020)
Chính quyền Nga tổ chức trưng cầu dân ý về dự án cải tổ Hiến pháp hôm nay, 25/06/2020. Dự án cải tổ Hiến pháp, nếu được thông qua, sẽ cho phép tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, có nghĩa là đến năm 2036. Đối lập Nga lên án một "cú đảo chính Hiến pháp".
Bỏ phiếu trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến pháp Nga. Ảnh chụp tại một đơn vị bỏ phiếu ở Vladivostok, ngày 25/06/2020. Reuters/Yuri Maltsev
Tuy nhiên, phản đối bằng cách nào : tẩy chay hay bỏ phiếu chống ? Hiện tại, nội bộ đối lập đang bị chia rẽ cao độ trong vấn đề này. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Moskva :
"Không có cơ hội tham gia trên truyền hình, cũng không thể tổ chức mít tinh do dịch Covid-19, các thủ lĩnh đối lập buộc phải tranh luận trên mạng internet. Đối với người nổi tiếng nhất trong số họ, luật sư, blogger Alexei Navalny, sẽ không có chuyện tham gia vào cuộc bỏ phiếu được coi là một trò hề này. Ông nói :
"Tôi ủng hộ việc tham gia vào các cuộc bầu cử, trong 99% trường hợp. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này là hoàn toàn bất hợp pháp, như vậy không thể tham gia. Bên cạnh đó, còn có các nguy cơ liên quan đến dịch virus corona. Theo tôi, sẽ là vô đạo đức khi kêu gọi những người ủng hộ tham gia trong những điều kiện như vậy".
Đối với những người ủng hộ việc tẩy chay bỏ phiếu, tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý là một cách thừa nhận cải tổ Hiến pháp là hợp pháp. Biện pháp duy nhất để gây áp lực, theo quan điểm của họ, là giảm đến mức tối đa tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu.
Ngược lại, theo cựu thành viên đảng Iabloko, Maxime Katz, cần phải đi bỏ phiếu, và phản đối dự án cải tổ của tổng thống Nga bằng chính lá phiếu của mình. Ông nói :
"Kể từ cuộc bầu cử năm 2018, tỉ lệ được lòng dân của Putin đã tụt dốc thê thảm. Trên đường phố, tất cả mọi người đều nói rằng họ muốn phản đối cuộc cải tổ Hiến pháp. Trong xã hội, có một sự phẫn nộ ghê gớm, mọi người muốn đi bỏ phiếu chống".
Tuy nhiên, bất luận đối lập chọn chiến lược nào thì cải cách Hiến pháp, mà ông Putin muốn có, gần như chắc chắn sẽ được thông qua vào ngày 01/07 tới. Tổng thống Nga sẽ có quyền tại vị thêm hai nhiệm kỳ nữa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình cách đây ít hôm, ông Putin lần đầu tiên nêu khả năng sẽ ra ứng cử tổng thống một lần nữa vào năm 2024".
Theo thăm dò dư luận của Viện Levada, có quan điểm độc lập, tỉ lệ ủng hộ với ông Putin giảm mạnh, từ 79% xuống còn 59%, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2020. Để tránh gây phản cảm, chiến dịch quảng bá cho dự án cải tổ Hiến pháp trên đường phố không hề nhắc đến việc cải tổ sẽ cho phép ông Putin cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa. Các áp phích tuyên truyền tập trung cổ vũ cho việc "đức tin vào Chúa Trời" sẽ được ghi vào Hiến pháp, hay việc không chấp nhận hôn nhân đồng tính. Đảng cầm quyền tin tưởng việc cổ vũ cho các giá trị bảo thủ như trên sẽ giúp thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Nga. Bỏ phiếu trưng cầu dân ý sẽ diễn ra trong một tuần lễ.
Trọng Thành
*********************
Nga tổ chức diễn binh mừng 75 năm chiến thắng Đức Quốc Xã (RFI, 24/06/2020)
Tổng thống Vladimir Putin ngày 24/06/2020 chủ trì buổi lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức. Đây là dịp để điện Kremlin nhắc nhở với thế giới về những "hy sinh" của Liên Xô và món nợ tinh thần của thế giới đối với chính quyền Moskva.
Tên lửa Pantsir-SA trong lễ diễn binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức của Nga trên quảng trường Đỏ, Moskva, ngày 24/06/2020. Reuters - MAXIM SHEMETOV
Buổi lễ trọng đại này lẽ ra đã được tổ chức ngày 09/05/2020, nhưng đã bị hoãn lại đến hôm nay vì tình hình dịch bệnh. Điều thất vọng đối với tổng thống Nga là sự vắng mặt của các nguyên thủ trên thế giới, từ Mỹ đến Trung Quốc.
Trong buổi lễ hôm nay, tổng thống Putin nhắc lại "quân đội Liên Xô đã giải phóng Châu Âu khỏi ách đô hộ, chấm dứt thảm họa Holocauste nhắm vào người Do Thái, cứu nước Đức ra khỏi móng vuốt của quân phát xít". Đồng thời nguyên thủ Nga không quên kêu gọi quốc tế "đoàn kết", "đối thoại, hợp tác" trên các hồ sơ nóng của thế giới.
14.000 lính Nga tham gia lễ diễu binh trên Quảng Trường Đỏ. Quân đội phô trương từ xe tăng đến các giàn tên lửa, chiến đấu cơ ... Thông tín viên Daniel Vallot từ thủ đô Moskva tường trình :
Lễ diễu binh bắt đầu trước tượng đài Lênin và khán đài danh dự nơi có mặt tổng thống Putin và nhiều quan khách. Sự kiện này diễn ra trong hoàn cảnh khá đặc biệt do tình hình dịch Covid-19. Mỗi ngày nước Nga vẫn có thêm nhiều ngàn bệnh nhân và trên nguyên tắc thì các cuộc tụ tập vẫn bị cấm.
Đô trưởng Moskva kêu gọi người dân xem lễ diễu binh qua truyền hình.
Trên khán đài, số quan khách giảm hẳn so với bình thường, nhất là khi tổng thống Vladimir Putin đã muốn mời rất nhiều các nguyên thủ, thủ tướng quốc tế đến dự. Ông từng hy vọng mời được từ tổng thống Mỹ Donald Trump đến nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng rốt cuộc trên khán đài danh dự chủ yếu chỉ có các lãnh đạo trong khu vực và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Lễ diễu binh lần này nhằm đề cao sức mạnh của Nga, và đây là chủ đề chính trong buổi lễ. Tổng thống Putin liên tục nhắc đến quá khứ, đến vai trò của Liên Xô trong Thế Chiến Thứ Hai, cũng như trong giai đoạn chiến tranh lạnh.
Ông cho rằng đã phần nào khôi phục lại hào quang của đất nước qua các cuộc can thiệp vào Ukraine hay Syria. Điều này lại càng quan trọng hơn nữa đối với Vladimir Putin trong bối cảnh tuần tới nước Nga tổ chức trưng cầu dân ý, sửa đổi Hiến pháp cho phép ông tại chức cho đến năm 2036.
Bắt buộc Moskva phải sang trang khủng hoảng y tế. Lễ diễu binh lần này phải được duy trì và phải là biểu tượng của một nước Nga giai đoạn hậu Covid-19 đã trở lại với cuộc sống bình thường.
Thanh Hà
Trong dân gian Việt Nam thường nghe nói "lươn lẹo mãi sẽ có ngày đứt lưỡi" để răn đe những kẻ mồm loa mép giải chuyên nói những điều gian dối để lừa người.
Lưỡi gỗ là ngôn ngữ thông dụng trong mọi văn kiện pháp lý của chính quyền cộng sản Việt Nam - Ảnh minh họa
Nhưng với người cộng sản Việt Nam, nhất là hàng ngũ lãnh đạo và tuyên truyền thì lại cứ nghĩ họ càng khoác lác bao nhiêu thì có lợi bấy nhiêu, và càng nói dối nhiều thì kết qủa tốt sẽ tăng cao.
Thói quen này, không may đã biến thành công cụ được sử dụng trong các văn kiện đảng, nhà nước và quốc hội nên khi đến tay nhân dân thì chúng chỉ còn là những tờ giấy vô nghĩa. Nhưng cũng trớ trêu thay là những mớ giấy lộn này lại bị đảng luật hóa để áp đặt cai trị dân.
Chẳng hạn như hồi tháng 2 năm 2014, sau khi Hiến pháp 2013 sửa đổi và bổ sung được ban hành thì ông giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, khi ấy là ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực Việt Nam, đã nói văng mạng rằng : "Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp năm 2013 là tất yếu lịch sử, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bởi nó xuất phát từ bản chất, vai trò, uy tín của Đảng, được nhân dân tin tưởng, lựa chọn và ủy thác. Đó là điều không thể bác bỏ !" (trích Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, 10/02/2014).
Điều được gọi là "tất yếu của lịch sử" là do đảng tự khoác cho mình để tiếm quyền lãnh đạo đất nước của nhân dân. Bằng chứng : chưa hề bao giờ trong lịch sử 87 năm (1930-2017) có mặt đảng cộng sản trên đất nước Việt Nam mà người dân Việt đã bỏ phiếu bầu đảng vào vị trí cai trị đất nước, nói chi đến lối nhận khống nói đó là "nguyện vọng của nhân dân", hay "được nhân dân tin tưởng, lựa chọn và ủy thác" ?
Cứ tiếp tục nhận vơ như thế rồi đảng dùng dao găm, họng súng khủng bố tiêu diệt đối lập để bảo vệ độc tài lãnh đạo từ 1946 đến 1954 ở miền Bắc, sau đó từ 1975 trên cả nước thì không thể nào huyênh hoang nói rằng "nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân" như đảng tuyên truyền.
Diễn biến hòa bình
Cũng tương tự như lập luận bảo thủ và giáo điều này, ít lâu nay đảng lại quay ra sử dụng chiêu bài chống kẻ thù vô hình gọi là "diễn biến hòa bình" để bảo vệ độc quyền cai trị.
Từ một năm qua, Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận trung ương đã tập trung các bài viết phản biện chống người chống đảng vào một chung một rọ được gọi là "các thế lực thù địch" thực hiện mục tiêu "diễn biến hòa bình" để loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nội dung các bài viết, được phân phối cho các thợ tuyên truyền và dư luận viên bên đảng, quân đội và công an để tấn công những ai đòi loại các chính trị viên ra khỏi quân đội, để quân đội tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ đất nước thay vì chỉ biết tuyên truyền bảo vệ đảng cầm quyền như hiện nay.
Họ cũng tăng cường tấn công, và khủng bố tinh thần các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền ; đòi tự do tín ngưỡng, tôn giáo ; đấu tranh đòi quyền lập hội và quyền tự do ngôn luận ; đòi đóng cửa Formosa Hà Tĩnh để bảo vệ môi trường biển và chống cưỡng chế đất đai, cườp đoạt tài sản.
Đội ngũ loa phường này cũng được lệnh tấn công các chỉ trích Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, của một số Dân biểu và Nghị sĩ Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu, Tổ chức Ân xá quốc tế và các tổ chức nhân quyền quốc tế, v.v…
Bằng chứng này đã thấy xuất hiện trong Tạp chí Quốc phòng Toàn dân ngày 08/06/2017.
Người viết mang tên Nguyễn Xuân Quỳnh bắt đầu rằng : "Trong chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội là thủ đoạn thường xuyên được sử dụng. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc này là vấn đề cấp thiết hiện nay".
Lý do Đảng Cộng sản Việt Nam chống đòi tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương không mới của những người vô thần cộng sản. Nhưng xuyên tạc người đòi nhà nước phải thi hành những quyền tự do được quy định trong Hiến pháp, do Quốc hội của đảng biểu quyết chấp thuận và ban hành thì Đảng và Nhà nước đã chà đạp lên bộ luật cao nhất của quốc gia.
Dù biết rõ như thế nên Đảng đã lươn lẹo vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm cách để tiêu hủy những cam kết và bảo đảm của Hiến pháp bằng những cái đuôi phản dân chủ như "theo quy định của pháp luật, do pháp luật quy định hay "do luật định"
Hãy đọc một số Điều của Hiến pháp 2013 để thấy tính gian dối, lừa dân của Quốc hội cộng sản Việt Nam :
Điều 23 :
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Điều 24 :
1 : Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo đểvi phạm pháp luật.
Điều 25 :
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Điều 27 :
Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Việc gài Luật vào Hiến Pháp, trong trường hợp của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nhắm mục đích làm giảm tính hữu hiệu và ràng buộc trách nhiệm pháp lý của nhà nước khi thi hành Hiến Pháp.
Bằng chứng như cho đến nay, sau nhiều lần trì hoãn, hai bộ Nội vụ và Công an vẫn chưa trình ra Quốc hội 2 Dự luật Lập hội và Biểu tình, mặc dù Điều 25 Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Cả hai bộ đều nêu lý do láo lếu điều được gọi là "vẫn còn có nhiều ý kiến khác biệt" giữa các bộ và chuyên viên trong Chính phủ về nội dung.
Ở các nước văn minh và dân chủ thì quyền lập pháp, tức quyền làm luật nằm trong tay Quốc hội. Các dân biểu và nghị sĩ nói chung là đại biểu của dân trong Quốc hội là những tác giả hay "đồng tác giả" các bộ luật.
Đằng này ở Việt Nam, được gọi là xã hội chủ nghĩa, rất hiếm hoi thấy có dự luật nào được thuần túy đề nghị bởi các đại biểu quốc hội. Hầu hết, nếu không là tất cả đều từ Đảng và Nhà nước đem qua cho Quốc hội thảo luận biều quyết chấp thuận.
Vì vậy, tính bù nhìn của Quốc hội đảng cử dân bầu này mỗi ngày một cao. Hầu hết đại biểu quốc hội là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nên chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi", hay "diễn tuồng" đã làm cho vai trò đại diện dân chỉ còn là hình thức.
Ai phá hay tự phá ?
Riêng trong lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo, Quốc hội đã chấp thuận và ban hành Luật ngày 18/11/2016 và sẽ thi hành từ ngày 01/01/2018.
Nhưng Luật này đã làm theo lệnh đảng chỉ để gây khó khăn hơn cho các hoạt động tôn giáo. Vì vậy, ngày 20/10/2016, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam đã "hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo". Hội đồng này quy tụ nhiều chức sắc của 5 tôn giáo lớn (Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Tin Lành) có mục đích tranh đấu cho các quyền tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền tại Việt Nam.
Sau đó, ngày 01/06/2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam, đại diện cho trên 7 triệu người Công giáo cũng đã lên tiếng chỉ trích Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mới.
Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam thì Luật mới đã "có những bước lùi" so với hai bản Dự thảo Luật số 4 và số 5 mà nhà nước đã gửi ra để tham khảo ý kiến.
Chỉ 7 ngày sau khi Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố Bản Nhận định về Luật Tôn giáo thì báo Quốc phòng Toàn dân phổ biến bài phản biện xuyên tạc của Nguyễn Xuân Quỳnh.
Nguyễn Xuân Quỳnh viết : "Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo, đồng bào tôn giáo chiếm tỷ lệ khá cao trong cộng đồng người Việt Nam. Nếu tranh thủ lợi dụng được đông đảo đồng bào tôn giáo thì sẽ tạo hiệu ứng lớn trong việc chống phá của chúng. Đó là chưa đề cập đến các hệ quả khác liên quan. Tính chất thâm độc, nguy hiểm của âm mưu này là ở đây. Ở một khía cạnh khác, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền công dân, quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo được quy định và đảm bảo bằng Hiến pháp, pháp luật. Cùng với việc trắng trợn can thiệp - "đấu tranh pháp lý", chúng triệt để lợi dụng cụm từ "tự do" mà cố tình lờ đi "... trong khuôn khổ pháp luật" để tổ chức các hoạt động chống phá, hòng gây mất ổn định chính trị - xã hội…".
Mấy chữ "trong khuôn khổ pháp luật" chính là những cạm bẫy của Luật Tôn giáo hay bất cứ luật nào do Quốc hội cộng sản Việt Nam ban hành nhằm mục đích hạn chế tối đa quyền dân đã được quy định trong Hiến pháp.
Bài viết của Nguyễn Xuân Quỳnh đã vu khống các cuộc đấu tranh chân chính và hợp pháp của người dân rằng : "Để thực hiện mưu đồ, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn nhằm tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước ; hậu thuẫn về vật chất, tinh thần cho các đối tượng chống đối, đưa tôn giáo ở Việt Nam trở thành lực lượng chính trị "đối trọng" với Đảng. Chúng xác định lấy "tự do tôn giáo" làm "ngòi nổ" để chống phá Việt Nam ; tuyệt đối hóa tính toàn cầu, tính phổ cập của các quyền trên lĩnh vực tôn giáo với luận điểm : "nhân quyền cao hơn chủ quyền". Đồng thời cho rằng : "Việt Nam coi tôn giáo như là một công cụ tuyên truyền cho Đảng, Nhà nước, phục vụ các chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng", v.v.
Oang oang cái miệng như thế chưa hả dạ, Quỳnh còn cáo buộc những nhà lãnh đạo tôn giáo bị đảng đàn áp và cướp mất tài sản của giáo hội đã lợi dụng tôn giáo để xúi bẩy dân chống đảng.
Nguyễn Xuân Quỳnh viết : "Họ lợi dụng những vụ việc nảy sinh trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào tôn giáo, hoạt động tôn giáo và những bất cập, sơ hở của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo, nhất là những vấn đề liên quan đến giải tỏa, đền bù đất đai, cơ sở thờ tự,… để kích động quần chúng, tín đồ đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ, phá rối an ninh, trật tự, cản trở giao thông tại các địa phương. Qua đó, tổ chức ghi hình, chụp ảnh, thổi phồng, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, v.v.".
Kêu gọi chống dân
Để lấy điểm cho nhiệm vụ phản bác của mình, Nguyễn Xuân Quỳnh hô hào : "Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng, tín đồ về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và ý thức cảnh giác của nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch".
Dư luận viên Quỳnh mách nước thêm : "Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi công tác này luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo Đảng ; sự quản lý, điều hành của Nhà nước ; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Thường xuyên nâng cao nhận thức cho nhân dân, tín đồ, chức sắc về chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm cho nhân dân, tín đồ, chức sắc trong việc tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này".
Lập luận chống người có tín ngưỡng và các nhà lãnh đạo các tôn giáo bằng những đòn ma giáo của Nguyễn Xuân Quỳnh có phải là gắp lửa bỏ bàn tay không, hay cái bẫy "trong khuôn khổ pháp luật" quen thuộc đã bị lật tẩy mất rồi ?
Phạm Trần
(28/06/2017)
V
Người dân Thái, già có trẻ có, viết lời chúc năm mới cho Nhà vua bên trong Grand Palace hôm 10/1/2017. AFP photo
Tân quốc vương Thái Lan không phê chuẩn bản hiến pháp do quốc hội lâm thời soạn thảo, yêu cầu phải viết lại những điều khoản nói về quyền hạn của hoàng gia.
Tin này được Tướng Prayuth Chan-O-Cha, người đang điều khiển chính trường Thái Lan nói với báo chí tại Bangkok, nhưng không cho biết Tân Vương Thái muốn sửa lại những điều khoản nào, dù nói là phải mất nhiều tháng trời để sửa lại bản hiến pháp như ý của hoàng gia.
Cũng theo lời Tướng Prayuth, việc sửa đổi hiến pháp không ảnh hưởng gì đến kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối năm nay, để cử tri Thái Lan chọn đại biểu Quốc Hội và tân chính phủ sẽ được thành lập vào đầu năm tới.