Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đài Loan : Cảnh sát bắn chết một người Việt (BBC, 05/09/2017)

Một nhóm 30 người gồm lao động Việt Nam và Đông Nam Á cùng các nhà hoạt động vì quyền lao động đã biểu tình trước Cục Cảnh sát Quốc gia ở Đài Bắc (NPA) đòi điều tra vụ một người Việt Nam bị cảnh sát bắn chết hôm 31/08.

laodong1

Phía cảnh sát ra thông cáo nói người Việt Nam này đã "tấn công họ", người biểu tình yêu cầu điều tra làm rõ.

Phóng viên BBC Cindy Sui có mặt tại cuộc biểu tình hôm thứ Hai 04/09 cho biết ông Nguyễn Quốc Phi, 27 tuổi, bị một sỹ quan tại Huyện Tân Trúc bắn chết khi cảnh sát và một nhân viên chính phủ đến điều tra một vụ "ăn cắp xe hơi".

Phía cảnh sát ra thông cáo nói người Việt Nam này đã "tấn công họ" khi nhân viên công lực chặn ông Nguyễn Quốc Phi "đập phá" và "lấy cắp" xe.

Ông Phi đánh dập mũi và làm thâm tím mặt của nhân viên chính phủ, NPA nói.

Khi viên cảnh sát xịt hơi cay để trấn áp, anh ta chạy đến một cái mương gần đó để rửa mắt, rồi nhặt đá trong rãnh và ném vào hai người đàn ông đang cố bắt anh, truyền thông địa phương CNA dẫn lời cảnh sát Tân Trúc nói trước đó.

NPA nói ông Phi cố gắng vào xe tuần tra của cảnh sát, và đó là thời lúc cảnh sát bắn chín phát với sáu viên đạn bắn trúng người ông Phi.

Ông Phi được đưa đến bệnh viện, nhưng sau đó có thông báo ông đã chết.

Những người biểu tình bác bỏ cách giải thích đó và yêu cầu điều tra vụ bắn chết lao động Việt Nam.

Họ yêu cầu có giải trình thông tin về bối cảnh dẫn đến việc nổ súng để xác định xem cảnh sát có sử vũ lực quá mức hay không.

Họ nói tất cả những gì họ biết tại thời điểm này là từ truyền thông địa phương và yêu cầu điều tra kỹ và nói cảnh sát nên công bố bất kỳ video hoặc ghi âm nào về vụ việc, chẳng hạn như camera của xe.

"Tôi cảm thấy rất tức giận và buồn sau khi nghe tin này... Chúng tôi làm việc ở Đài Loan và thực sự thích Đài Loan, nhưng hôm nay, đồng hương của chúng tôi đã bị cảnh sát Đài Loan giết.

Chúng tôi cảm thấy rất sợ hãi", ông Nguyễn Viết Ca, 28 tuổi, công nhân làm tại nhà máy hóa chất và đã ở Đài Loan trong bốn năm nói. "Thỉnh thoảng tôi đi trên đường và cảnh sát Đài Loan yêu cầu kiểm tra Thẻ Cư trú của tôi. Tôi cảm thấy sợ ... Tôi hy vọng chính phủ Đài Loan sẽ đối xử công bằng với người nhập cư".

Những người biểu tình và các nhà hoạt động nói cảnh sát không nên bắn vào một người không có vũ khí và hỏi liệu cảnh sát có thể làm như thế với một người nước ngoài da trắng hay không.

"Nếu tình huống tương tự xảy ra liên quan đến một công dân Đài Loan hay một người da trắng, cảnh sát sẽ xử lý tình huống này theo cách như vậy không ?", Yibee Huang, giám đốc điều hành của tổ chức Covenants Watch, hỏi.

laodong2

Các nhà hoạt động và lao động nhập cư cũng đổ lỗi cho vấn đề người nhập cư bỏ trốn vì mức phí quá đáng cả chính phủ Việt Nam và Đài Loan tạo điều kiện cho các công ty môi giới bòn rút từ người lao động.

Các nhà hoạt động và người lao động nhập cư cũng đổ lỗi cho vấn đề người nhập cư bỏ trốn (khi hết hợp đồng và có lúc trong giai đoạn còn hợp đồng) vì mức phí quá đáng mà cả Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đài Loan tạo điều kiện cho các công ty môi giới bòn rút người lao động.

Nguyễn Duy Thông, 25 tuổi, công nhân làm cho nhà máy thép, cho biết mặc dù chính phủ Việt Nam có chính sách hạn chế phí môi giới đưa người đi lao động với mức dưới 4.000 USD nhưng không thực hiện chính sách này, và phí thực tế có thể là 5.000 USD và thậm chí lên đến 7.000 USD.

"Đó là lý do tại sao một số người lao động thấy họ trở thành lao động bất hợp pháp để họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn và gửi về cho gia đình", ông Thông nói.

Ông nói thêm là nhiều người phải bỏ trốn vì họ không thể trả nổi phí môi giới quá cao.

Ông cũng phàn nàn rằng cơ quan đại diện của Việt Nam tại Đài Loan - Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Việt Nam ở Đài Bắc - không nói gì về vụ bắn này.

"Họ hoạt động được là nhờ tiền thuế của nhân dân ; họ nên đại diện cho chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi", ông nói.

Ông Thông và những người khác kêu gọi chính phủ Việt Nam và Đài Loan điều tra kỹ những gì đã xảy ra trong vụ nổ súng, và tại sao người lao động nhập cư này lại bị bắn nhiều phát như vậy.

Một nhà hoạt động sau đó đã trao thỉnh nguyện thư cho một quan chức của NPA. Tuy nhiên, thay vì đưa ra tuyên bố, cảnh sát NPA và cảnh sát Tân Trúc đã từ chối bình luận thêm vì vụ án đang được giới công tố điều tra.

Họ không tiết lộ chi tiết bao gồm việc có bao nhiêu viên đạn đã bắn trúng ông Phi và trúng những chỗ nào. Tuy nhiên truyền thông địa phương đưa tin rằng năm viên đạn đã trúng bụng trong khi một viên vào chân.

Một phát ngôn viên của Cục Cảnh sát Quốc gia (NPA) nói với BBC rằng viên cảnh sát nổ súng hiện vẫn đang làm việc sau vụ việc này.

Hơn 600.000 lao động nhập cư, chủ yếu từ Đông Nam Á, được tuyển dụng làm công nhân xây dựng, công nhân nhà máy, người giúp việc gia đình hoặc trong các công việc thủ công khác tại Đài Loan.

Số liệu thống kê của chính phủ Đài Loan nói vào cuối năm ngoái, hơn 53.000 lao động nhập cư đã được liệt kê vào diện "vắng mặt mà không có phép chính thức" ((AWOL) ở Đài Loan.

Việc cảnh sát bắn thường dân, kể cả người nhập cư, là hiếm xảy ra ở Đài Loan.

Cindy Sui, BBC News, Đài Bắc

**********************

Ukraine bắt 20 người Việt vượt biên trái phép (BBC, 05/09/2017)

Một chiếc xe du lịch nhỏ vận chuyển trái phép 20 công dân Việt Nam đã bị bắt giữ hôm 4/9 gần thị trấn Skole, khu vực Lviv, phó giám đốc lực lượng cảnh sát quốc gia Vyacheslav Abroskin, công bố thông tin trên Facebook.

laodong3

20 người Việt sau khi bị bắt giữ vì tìm cách vượt biên trái phép vào EU

Cơ quan truyền thông tư nhân UNIAN của Ukraine cũng đưa tin phát hiện 14 người đàn ông và 6 phụ nữ người Việt Nam bên trong chiếc xe van.

laodong4

Được biết, mỗi người phải trả khoảng 5.000-8.000 đôla để vượt biên.

20 người này không có giấy tờ tùy thân và đang tìm cách vào các nước ở Liên minh Châu Âu. Họ bị nghi ngờ là đã vượt qua biên giới Nga - Ukraine tại quận Hlukhiv, khu Sumy hai ngày trước đó.

Người lái xe, một công dân Ukraine, đã bị bắt. Được biết, những người vượt biên trái phép đã trả khoảng 5.000-8.000 đôla/người để vượt biên.

Trong bài đăng trên Facebook, ông Abroskin nói chiếc xe và tất cả tài liệu đã bị tịch thu để điều tra theo Khoản 2 của Điều 332 Bộ luật hình sự về "Vận chuyển bất hợp pháp người qua biên giới quốc gia".

Trước đó ở vùng Chernihiv, các cảnh sát biên phòng cũng đã bắt giữ bốn công dân Bangladesh không có giấy tờ.

Published in Việt Nam

Đài Loan phân biệt đối xử công nhân Việt (RFA, 17/03/2017)

Công nhân Việt muốn sang làm việc tại Đài Loan phải trả các chi phí cho công ty môi giới cao do trình độ và ý thức lao động của họ kém hơn.

ldxk1

Công nhân Việt trở về nước tại sân bay Nội Bài hôm 9/2/2016. AFP photo

Đây là nội dung giải trình của Bộ Lao động-Thương binh Xã hội vừa trình Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phản ánh của công nhân Việt đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan bị thu phí quá cao, so với công nhân đến từ các nước khác.

Trong nội dung giải trình, Bộ Lao động, thương binh xã hội cho biết Chính quyền Đài Bắc không cho phép các công ty dịch vụ việc làm của Đài Loan thu phí môi giới, nhưng trên thực tế các công ty này thu một mức phí rất cao khi tiếp nhận công nhân xuất khẩu lao động vào Đài Loan, do phải cạnh tranh để được chủ sử dụng ủy quyền tiếp nhận lao động nước ngoài.

Riêng công nhân đến từ Việt Nam phải trả một mức phí cao hơn, từ 3.000 đến 4.000 Mỹ kim, vì theo phía công ty môi giới Đài Loan thì độ và ý thức lao động của công nhân Việt Nam kém hơn so với công nhân đến từ các nước khác, như Philippines và Thái Lan.

Trước phản ánh của công nhân Việt lao động ở Đài Loan là họ phải đóng các khoản chi dịch vụ quá cao, có trường hợp phải đóng mức phí lên đến 6.000 đô la Mỹ, Bộ Lao động, thương binh xã hội cũng cho biết sẽ yêu cầu và giám sát các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc thu gọn các khâu tuyển chọn, đào tạo và đưa sang Đài Loan để giảm thiểu chi phí trung gian.

********************

Lao động xuất khẩu bị "chặt" phí cao vọt do ý thức kém (Infonet, 17/03/2017)

Báo cáo giải trình của Bộ Lao động, thương binh và xã hội lên Thủ tướng Chính phủ khẳng định tình trạng thu phí quá cao với các lao động đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan là do trình độ, ý thức của lao động Việt Nam kém hơn lao động các nước khác.

Một trong những nguyên nhân mức phí môi giới đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan cao, theo giải thích của các công ty dịch vụ việc làm của Đài Loan là do trình độ, ý thức của lao động Việt Nam kém hơn lao động các nước khác.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam được phép thu của người lao động các khoản : tiền dịch vụ, tiền môi giới, tiền đào tạo, tiền ký quỹ bảo đảm hợp đồng. Ngoài ra, người lao động phải tự chi trả lệ phí cấp hộ chiếu, visa, vé máy bay (một chiều), khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Theo quy định trên, tổng chí phí người lao động phải chi bao gồm cả tiền ký quỹ theo ngành nghề, gồm : Lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xấp xỉ 5.000 USD/hợp đồng 3 năm ; lao động làm việc trong bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già, người tàn tật, xấp xỉ 4.100 USD/hợp đồng 3 năm ; Lao động chăm sóc người già, người bệnh trong gia đình là 2.800 USD/hợp đồng 3 năm ; lao động thuyền viên tàu cá là 2.500 USD/hợp đồng 3 năm.

ldxk2

Một trong những nguyên nhân mức phí môi giới đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan cao là do trình độ, ý thức của lao động Việt Nam kém hơn lao động các nước khác. (Ảnh minh họa)

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho rằng, các mức phí nêu trên là mức người lao động chấp nhận được và có tích lũy ở mức khá sau khi hoàn thành hợp đồng về nước.

Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng người lao động bị thu phí mức cao hơn quy định diễn ra tương đối phổ biến, xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan do doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh để giành thị phần từ các nước đã đưa lao động vào Đài Loan trước đó. Thời điểm trước năm 2012, nhiều người lao động bị thu đến 6.000 USD, thậm chí có trường hợp trên 6.000 USD.

Nguyên nhân của việc thu phí cao, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, do luật pháp Đài Loan không cho phép công ty dịch vụ việc làm Đài Loan thu phí môi giới, nhưng do cạnh tranh giữa các công ty này để được chủ sử dụng ủy quyền tiếp nhận lao động nước ngoài dẫn đến việc các công ty dịch vụ phía Đài Loan thường yêu cầu một khoản phí môi giới rất cao mới tiếp nhận lao động đối với tất cả các nước : Lao động Philippines, Thái Lan : 1.000-2.000 USD, Indonesia 2.000 - 3.000 USD, Việt Nam : 3.000 - 4.000 đối với lao động làm việc trong nhà máy ; do vậy phần lớn chi phí của người lao động rơi vào tay các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan.

Thứ hai, mức phí môi giới yêu cầu đối với lao động Việt Nam thường cao hơn so với lao động của nước khác, mà theo giải thích của các công ty dịch vụ việc làm của Đài Loan là do trình độ và ý thức của lao động Việt Nam kém hơn lao động các nước khác, tỉ lệ lao động phá bỏ hợp đồng cao mang lại nhiều rủi ro cho bên sử dụng lao động, việc tuân thủ nội quy làm việc và ý thức trong sinh hoạt chưa tốt dẫn đến chi phí quản lý lao động Việt Nam tốn kém hơn.

Nhiều nhà máy tại Đài Loan tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc với chi phí xuất cảnh thấp thường không chọn lao động Việt Nam một phần vì trình độ tay nghề không đáp ứng, nhưng phần nhiều vì quản lý phức tạp và chi phí quản lý cao hơn.

Việc cạnh tranh với các nước cùng đưa lao động vào Đài Loan để lấy thị phần, đồng thời nội bộ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng cạnh tranh với nhau theo cách không lành mạnh, chấp nhận trả mức phí môi giới cao hơn các công ty khác để tranh giành hợp đồng, đẩy gánh nặng tài chính cho người lao động

Cuối cùng là do nhu cầu đi làm việc tại Đài Loan của lao động Việt Nam cao, nên nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động cũng thực hiện các hoạt động cò mồi, môi giới, lừa đảo, thu tiền của người lao động.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, thời gian tới sẽ giám sát công tác tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh đối với người lao động, công tác quản lý và giải quyết phát sinh của lao động tại Đài Loan và việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động thu phí và giải quyết khiếu nại về chi phí của doanh nghiệp đối với người lao động. Tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất nhằm gia tăng hiệu quả giám sát.

Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng tiêu chí tính tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng của doanh nghiệp tại Đài Loan, áp dụng biện pháp tạm dừng đưa lao động sang Đài Loan đối với các doanh nghiệp có tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng cao.

Minh Thư

Published in Châu Á

Nhiều người dân ở Quảng Bình đã cắm sổ đỏ để xuất khẩu lao động với giấc mộng đời. Thế nhưng, giờ họ lại phải mang nợ vì bị sập bẫy các công ty lừa đảo.

Nuôi hy vọng khi đi xuất khẩu lao động nước ngoài sẽ có cơ hội được đổi đời, rất nhiều hộ dân ở Quảng Bình đã mang sổ đỏ ra ngân hàng cắm để vay tiền nộp hồ sơ. Thế nhưng, giờ họ phải ngậm ngùi ôm nợ hàng trăm triệu đồng vì bị sập bẫy các công ty lừa đảo.

Tiền đi, người ở lại

Khoảng giữa năm 2016, nhiều người dân ở xã biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) liên hệ với được một "cò lao động" tên Thống (ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) rồi nhờ ông này nhờ móc nối với một công ty ngoài Hà Nội để nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

xk1

Gia đình anh Nguyễn Văn Thoại ngồi trên đống nợ vì bị sập bẫy lừa xuất khẩu lao động (Ảnh : Thủy Phan)

Để có tiền đi, họ đã mang sổ đỏ ra ngân hàng cắm vay tiền để bây giờ phải "sống dở", "chết dở" vì ôm nợ hàng trăm triệu đồng.

Quanh năm làm nghề đi biển, vất vả nhưng làm mãi mà cuộc sống vẫn chật vật, gia đình ông Nguyễn Văn Diệu (SN 1969, ở xã Hải Ninh) đã liên hệ với người tên Thống để cho con trai Nguyễn Văn Ất (SN 1995) đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Vì không có tiền, ông Diệu đã mang sổ đỏ ra ngân hàng cắm để vay gần 200 triệu trang trải cho con đi.

Tháng 8/2016, con ông Diệu được gọi ra Hà Nội nộp hồ sơ dự tuyển vào một công ty có tên Hữu Nghị, địa chỉ ở số 12BT4, Linh Đàm, quận Hoàng Mai và đóng tiền đặt cọc 20 triệu đồng.

Chỉ trong vòng chưa đến nửa tháng, công ty này đã yêu cầu các lao động phải nộp tiền 4 lần với tổng số tiền 145 triệu đồng/người.

Đến tháng 10/2016, người của công ty trên chụp ảnh visa gửi qua tin nhắn điện thoại cho con ông Diệu và nói rằng sẽ bay vào ngày 12/10.

xk2

Đơn cầu cứu gửi cơ quan công an tỉnh Quảng Bình của các nạn nhân (Ảnh : Thủy Phan)

Ngày 10/10, con ông Diệu cùng nhiều người nữa ra Hà Nội để chuẩn bị thủ tục thì không còn liên hệ được với người của công ty, đến văn phòng công ty cũng không còn một bóng người nào.

"Con tôi nói họ chỉ cho học tiếng mấy ngày, sau đó họ bảo về nhà chờ lịch bay. Thế nhưng khi có lịch, con tôi ra Hà Nội thì họ đã biến mất. Số tiền chúng tôi nộp cho họ mỗi người hết 145 triệu đồng, nhưng nếu tính cả chi phí ăn uống, đi lại... gia đình tôi bị mất gần 200 triệu đồng trong vụ này.

Trước đây gia đình tôi nuôi tôm bị thua lỗ nặng, nợ ngân hàng còn chưa biết lấy gì trả. Vừa rồi đánh liều cắm sổ đỏ vay thêm tiền cho con đi nước ngoài với mong muốn con đi được sẽ có tiền gửi về trả nợ giúp bố mẹ. Không ngờ giờ lại càng ôm thêm nợ", ông Diệu buồn bã nói.

Cẩn thận kẻo "tiền mất tật mang"

Cũng là nạn nhân của công ty Hữu Nghị, anh Nguyễn Văn Thoại (SN 1988, ở thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh) cũng cắm sổ đỏ và vay mượn gần 200 triệu đồng để nộp phí.

xk3

Gia đình ông Nguyễn Thanh Bình (ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cũng từng bị lừa gần 200 triệu đồng vì nhẹ dạ cả tin (Ảnh : Thủy Phan)

Thế nhưng, khi đến thời gian được gọi ra làm thủ tục để chuẩn bị bay thì anh mới biết mình bị lừa, đành phải ra về tay không và ôm "cục nợ" vào người.

Sau khi biết mình bị lừa, anh Thoại và những người bị sập bẫy cùng anh đợt này đã ngay lập tức làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng ở Hà Nội. Sau đó, họ trở về quê và tiếp tục làm đơn cầu cứu gửi cơ quan công an tỉnh Quảng Bình.

Theo anh Thoại, cùng đi với anh lần này có khoảng 20 người quê ở Quảng Bình, (chủ yếu quê ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) và xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), trong đó có 15 người đã nộp hết tất cả các loại phí với số tiền 145 triệu đồng, 5 người còn lại mới nộp tiền cọc 20 triệu đồng.

Được biết, trước khi ra Hà Nội nộp hồ sơ dự tuyển, mỗi lao động nộp cho người tên Thống hơn 7 triệu đồng tiền đặt cọc và hiện số tiền này đã được trả lại.

"Đợt này tôi cũng đã tiếp tục đăng ký để đi xuất khẩu lao động lại, nhưng lần này tôi đi đường Nhà nước, thông qua sàn giao dịch việc làm của tỉnh chứ không qua các "cò lao động" nữa.

Trước đây vì mình quá cả tin nên mới bị lừa như vậy. Chỉ mong lần này tôi đi được suôn sẻ để có tiền trả nợ", anh Thoại nói.

Tình trạng "lừa xuất khẩu lao động" không phải chỉ mới xảy ra lần đầu, mà trước đây nhiều gia đình cũng đã lầm vào tình trạng này chỉ vì "nhẹ dạ cả tin".

Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1961, ở thôn Trung Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng làm hồ sơ cho con đi Hàn Quốc theo đường du học.

Hơn 2 năm học tiếng ở Hà Nội, rồi đóng tiền cho công ty hết 186 triệu đồng chưa kể chi phí ăn uống, đi lại, thế nhưng cuối cùng gia đình ông lại rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Vấn nạn "lừa xuất khẩu lao động" diễn biến phức tạp nhiều năm qua. Tuy nhiên đến nay nhiều gia đình vẫn nhẹ dạ tin vào những hình thức môi giới để rồi mang nợ vào mình.

Theo ông Hồ Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên Quảng Bình, hiện trong xã hội có rất nhiều "cò mồi" mệnh danh mình ở đơn vị này, đơn vị kia để lừa người lao động.

Theo đó, để được an toàn thì người dân nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn miễn phí.

"Các trung tâm này là cơ quan của nhà nước, họ có kinh nghiệm để thẩm định các đơn vị xuất khẩu lao động nào tốt để người dân biết và xác định hướng đi cho mình. Việc đi xuất khẩu lao động theo đường môi giới, cò mồi có rất nhiều rủi ro, vì vậy người dân muốn đi xuất khẩu lao động thì nên đi theo đường Nhà nước để được đảm bảo an toàn", ông Vân cho biết.

Thủy Phan

Published in Việt Nam
Trang 2 đến 2