Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/03/2017

"Tiền mất tật mang" vì sập bẫy lừa xuất khẩu lao động

GDVN

Nhiều người dân ở Quảng Bình đã cắm sổ đỏ để xuất khẩu lao động với giấc mộng đời. Thế nhưng, giờ họ lại phải mang nợ vì bị sập bẫy các công ty lừa đảo.

Nuôi hy vọng khi đi xuất khẩu lao động nước ngoài sẽ có cơ hội được đổi đời, rất nhiều hộ dân ở Quảng Bình đã mang sổ đỏ ra ngân hàng cắm để vay tiền nộp hồ sơ. Thế nhưng, giờ họ phải ngậm ngùi ôm nợ hàng trăm triệu đồng vì bị sập bẫy các công ty lừa đảo.

Tiền đi, người ở lại

Khoảng giữa năm 2016, nhiều người dân ở xã biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) liên hệ với được một "cò lao động" tên Thống (ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) rồi nhờ ông này nhờ móc nối với một công ty ngoài Hà Nội để nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

xk1

Gia đình anh Nguyễn Văn Thoại ngồi trên đống nợ vì bị sập bẫy lừa xuất khẩu lao động (Ảnh : Thủy Phan)

Để có tiền đi, họ đã mang sổ đỏ ra ngân hàng cắm vay tiền để bây giờ phải "sống dở", "chết dở" vì ôm nợ hàng trăm triệu đồng.

Quanh năm làm nghề đi biển, vất vả nhưng làm mãi mà cuộc sống vẫn chật vật, gia đình ông Nguyễn Văn Diệu (SN 1969, ở xã Hải Ninh) đã liên hệ với người tên Thống để cho con trai Nguyễn Văn Ất (SN 1995) đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Vì không có tiền, ông Diệu đã mang sổ đỏ ra ngân hàng cắm để vay gần 200 triệu trang trải cho con đi.

Tháng 8/2016, con ông Diệu được gọi ra Hà Nội nộp hồ sơ dự tuyển vào một công ty có tên Hữu Nghị, địa chỉ ở số 12BT4, Linh Đàm, quận Hoàng Mai và đóng tiền đặt cọc 20 triệu đồng.

Chỉ trong vòng chưa đến nửa tháng, công ty này đã yêu cầu các lao động phải nộp tiền 4 lần với tổng số tiền 145 triệu đồng/người.

Đến tháng 10/2016, người của công ty trên chụp ảnh visa gửi qua tin nhắn điện thoại cho con ông Diệu và nói rằng sẽ bay vào ngày 12/10.

xk2

Đơn cầu cứu gửi cơ quan công an tỉnh Quảng Bình của các nạn nhân (Ảnh : Thủy Phan)

Ngày 10/10, con ông Diệu cùng nhiều người nữa ra Hà Nội để chuẩn bị thủ tục thì không còn liên hệ được với người của công ty, đến văn phòng công ty cũng không còn một bóng người nào.

"Con tôi nói họ chỉ cho học tiếng mấy ngày, sau đó họ bảo về nhà chờ lịch bay. Thế nhưng khi có lịch, con tôi ra Hà Nội thì họ đã biến mất. Số tiền chúng tôi nộp cho họ mỗi người hết 145 triệu đồng, nhưng nếu tính cả chi phí ăn uống, đi lại... gia đình tôi bị mất gần 200 triệu đồng trong vụ này.

Trước đây gia đình tôi nuôi tôm bị thua lỗ nặng, nợ ngân hàng còn chưa biết lấy gì trả. Vừa rồi đánh liều cắm sổ đỏ vay thêm tiền cho con đi nước ngoài với mong muốn con đi được sẽ có tiền gửi về trả nợ giúp bố mẹ. Không ngờ giờ lại càng ôm thêm nợ", ông Diệu buồn bã nói.

Cẩn thận kẻo "tiền mất tật mang"

Cũng là nạn nhân của công ty Hữu Nghị, anh Nguyễn Văn Thoại (SN 1988, ở thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh) cũng cắm sổ đỏ và vay mượn gần 200 triệu đồng để nộp phí.

xk3

Gia đình ông Nguyễn Thanh Bình (ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cũng từng bị lừa gần 200 triệu đồng vì nhẹ dạ cả tin (Ảnh : Thủy Phan)

Thế nhưng, khi đến thời gian được gọi ra làm thủ tục để chuẩn bị bay thì anh mới biết mình bị lừa, đành phải ra về tay không và ôm "cục nợ" vào người.

Sau khi biết mình bị lừa, anh Thoại và những người bị sập bẫy cùng anh đợt này đã ngay lập tức làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng ở Hà Nội. Sau đó, họ trở về quê và tiếp tục làm đơn cầu cứu gửi cơ quan công an tỉnh Quảng Bình.

Theo anh Thoại, cùng đi với anh lần này có khoảng 20 người quê ở Quảng Bình, (chủ yếu quê ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) và xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), trong đó có 15 người đã nộp hết tất cả các loại phí với số tiền 145 triệu đồng, 5 người còn lại mới nộp tiền cọc 20 triệu đồng.

Được biết, trước khi ra Hà Nội nộp hồ sơ dự tuyển, mỗi lao động nộp cho người tên Thống hơn 7 triệu đồng tiền đặt cọc và hiện số tiền này đã được trả lại.

"Đợt này tôi cũng đã tiếp tục đăng ký để đi xuất khẩu lao động lại, nhưng lần này tôi đi đường Nhà nước, thông qua sàn giao dịch việc làm của tỉnh chứ không qua các "cò lao động" nữa.

Trước đây vì mình quá cả tin nên mới bị lừa như vậy. Chỉ mong lần này tôi đi được suôn sẻ để có tiền trả nợ", anh Thoại nói.

Tình trạng "lừa xuất khẩu lao động" không phải chỉ mới xảy ra lần đầu, mà trước đây nhiều gia đình cũng đã lầm vào tình trạng này chỉ vì "nhẹ dạ cả tin".

Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1961, ở thôn Trung Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng làm hồ sơ cho con đi Hàn Quốc theo đường du học.

Hơn 2 năm học tiếng ở Hà Nội, rồi đóng tiền cho công ty hết 186 triệu đồng chưa kể chi phí ăn uống, đi lại, thế nhưng cuối cùng gia đình ông lại rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Vấn nạn "lừa xuất khẩu lao động" diễn biến phức tạp nhiều năm qua. Tuy nhiên đến nay nhiều gia đình vẫn nhẹ dạ tin vào những hình thức môi giới để rồi mang nợ vào mình.

Theo ông Hồ Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên Quảng Bình, hiện trong xã hội có rất nhiều "cò mồi" mệnh danh mình ở đơn vị này, đơn vị kia để lừa người lao động.

Theo đó, để được an toàn thì người dân nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn miễn phí.

"Các trung tâm này là cơ quan của nhà nước, họ có kinh nghiệm để thẩm định các đơn vị xuất khẩu lao động nào tốt để người dân biết và xác định hướng đi cho mình. Việc đi xuất khẩu lao động theo đường môi giới, cò mồi có rất nhiều rủi ro, vì vậy người dân muốn đi xuất khẩu lao động thì nên đi theo đường Nhà nước để được đảm bảo an toàn", ông Vân cho biết.

Thủy Phan

Quay lại trang chủ
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)