Chiến tranh Việt - Trung 1979 : Đối thoại, con đường bảo đảm hòa bình bền vững
Tưởng niệm sự kiện Trung Quốc tấn công biên giới phía bắc Việt Nam năm 1979, ngày 17/02/2016, tại Hà Nội. Ảnh : Facebook
Tuần san Le Courrier International giới thiệu một bài viết đáng chú ý về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên trang mạng Asia Times Online. "Cái quá khứ không qua" là tựa đề của bài. Bài viết ghi nhận hiện tượng báo chính thức của nhà nước Việt Nam bắt đầu nói về cuộc tấn công năm 1979 của Trung Quốc, sau một thời gian dài im lặng. Nhiều người Việt Nam chào mừng việc nới lỏng kiểm duyệt, nhưng một số người cũng cho rằng cử chỉ này là "quá rụt rè và quá chậm chạp để có thể hàn gắn vết thương chiến tranh".
"Ngày 17/02/2017, cuộc chiến giữa hai láng giềng cộng sản bùng nổ, với việc quân đội Trung Quốc tấn công vào các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Tuy chỉ diễn ra trong 27 ngày, nhưng hậu quả rất khốc liệt… Theo một số ước tính, cuộc chiến diễn ra hoàn toàn trên đất Việt Nam khiến hàng chục nghìn người Việt, chủ yếu là dân thường, chết và bị thương, và từ 21.000 đến 63.000 người chết về phía Trung Quốc".
Tác giả Đoàn Xuân Lộc đặt câu hỏi : Phải chăng việc nhiều phương tiện truyền thông, do chính quyền Việt Nam kiểm soát, mới đây đã bắt đầu đề cập đến chủ đề cấm kỵ này, là dấu hiệu cho thấy "kiểm duyệt về cuộc chiến Việt - Trung, ngắn ngủi nhưng đẫm máu, đã được dỡ bỏ ?".
Trước khi trả lời, tác giả điểm lại thái độ của Bắc Kinh và Hà Nội về vấn đề này. Về phía Việt Nam, cần nhấn mạnh là cuộc chiến nói trên chỉ là điểm khởi đầu cho "một thập niên đối địch với Trung Quốc", với nhiều đụng độ tại biên giới, và cuộc chiến năm 1988 tại quần đảo Trường Sa.
Với sự sụp đổ của Liên Xô, Hà Nội và Bắc Kinh tìm cách hòa giải. Kể từ đó, cuộc chiến biên giới đẫm máu 1979, cũng như cuộc hải chiến Trường Sa 1988, không còn được dạy tại nhà trường, không được nêu trong các diễn văn chính trị, và trên truyền thông nói chung, do đảng cộng sản kiểm soát.
Về phía Trung Quốc, theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh thậm chí còn lặng lẽ hơn. "Có nhiều lý do để người Trung Quốc muốn quên đi cuộc chiến này". Thứ nhất là do "xung đột đã bùng nổ, sau khi Việt Nam đưa quân sang Cam Bốt lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, được Trung Quốc hậu thuẫn", và thứ hai là cuộc chiến 1979 kết thúc "với thất bại nặng nề của quân đội Trung Quốc".
Tóm lại cho đến gần đây, hai chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh đều muốn "xóa đi chương sử đau đớn này". Một số cuộc tập hợp nhân dịp ngày 17/02 tại Sài Gòn và Hà Nội đã bị an ninh giải tán (trừ một cuộc tại Hà Nội), như mọi năm trước. Tuy nhiên, một số báo đông độc giả như Thanh Niên, Vietnamnet, VnExpress đã nói về cuộc chiến tranh. Tác giả Đoàn Xuân Lộc lý giải : "Sự thay đổi này chỉ có thể xảy ra, với sự cho phép của các lãnh đạo cao nhất trong đảng, và sự khoan dung này cho thấy một sự thay đổi chắc chắn là tiệm tiến, nhưng đáng kể, trong lập trường của Hà Nội đối với các xung đột trong quá khứ và trong các quan hệ hiện tại với Trung Quốc".
Trung Quốc hung hãn ở Biển Đông và áp lực công luận
Tương tự với cuộc chiến 1979, trận đánh tại Trường Sa năm 1988 cũng bắt đầu được chính thức kỷ niệm lần đầu tiên vào tháng 03/2016. Nhiều báo, trong đó có Nhân Dân, gọi đây là cuộc chiến "chống lại quân xâm lược Trung Quốc" và các nạn nhân là "anh hùng", "liệt sĩ". Theo Đoàn Xuân Lộc, chính "sự hung hãn gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và áp lực của công luận muốn Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình tại các vùng biển tranh chấp đã tham gia vào sự thay đổi này". Nhiều người Việt Nam chào mừng việc nới lỏng kiểm duyệt nói trên, nhưng một số người cũng cho rằng cử chỉ này là "quá rụt rè và quá chậm để có thể hàn gắn vết thương chiến tranh".
"Không khí buộc phải im lặng, về cuộc chiến đẫm máu 1979, do đảng cộng sản áp đặt, khiến nhiều người Việt Nam cho rằng giới lãnh đạo thần phục Trung Quốc, cảm nhận này nuôi dưỡng thái độ căm ghét chế độ, căm ghét Trung Quốc".
Hòa giải với lịch sử
Bài viết trên Le Courrier International gợi ý : để đạt được một nền hòa bình bền vững, Việt Nam và Trung Quốc nên "hòa giải với lịch sử", theo cách mà Hoa Kỳ và Việt Nam đã từng làm.
Cuộc chiến tranh Việt Nam với sự tham chiến của Hoa Kỳ, có tổng số nạn nhân từ 1,5 đến 3 triệu người. Tuy nhiên, hai bên Việt - Mỹ đã vượt qua được quá khứ, đặc biệt "nhờ những cuộc gặp gỡ, trao đổi thường xuyên và mang tính biểu tượng cao giữa các cựu chiến binh". Các cựu chiến binh, như cựu ngoại trưởng John Kerry, hay thượng nghị sĩ John McCain đã đóng góp nhiều.
Trong một bài viết trên báo Thanh Niên gần đây, một giảng viên đại học Việt Nam đề nghị tổ chức các tiếp xúc giữa giới nghiên cứu hai nước, hội thảo về chiến tranh và thảo luận mở, để cho phép hiểu hơn nguyên nhân xung đột quá khứ, tránh xung đột tương lai. Tác giả Đoàn Xuân Lộc nhấn mạnh : "Nếu Việt Nam và Trung Quốc thực sự muốn xây dựng quan hệ tốt hơn… thì sớm hay muộn cũng phải đối mặt với quá khứ đau đớn này".
Nguy cơ chiến tranh Triều Tiên
Bắc Triều Tiên là một điểm nóng khác tại Châu Á. Tuần san Le Courrier International giới thiệu bài "Nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên" của Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo do Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hành. Theo báo này, với việc Bình Nhưỡng bắn thử bốn tên lửa đầu tháng 03/2017 và Washington triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Hàn Quốc, nguy cơ xung đột bùng phát là hiển hiện.
Minh họa cho bài viết, Le Courrier International có bức tranh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un mũm mĩm đứng trên một trái bom mập mạp, có in dòng chữ tiếng Anh : "Hãy làm Bắc Triều Tiên vĩ đại hơn !", như để nhại lại khẩu hiệu của tân tổng thống Mỹ.
Bí quyết trỗi dậy của Nhật Bản : Giới trung lưu vì dân quyền
Báo Le Point tuần này dành một phần lớn cho Nhật Bản. Đối với phương Tây, cho dù là một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, đất nước "mặt trời mọc" này vẫn còn rất bí ẩn. Chuyên đề tuần này của Le Point giới thiệu góc nhìn mới của nhà sử học Pierre-François Souyri. Tác giả cuốn "Hiện đại nhưng không phải là phương Tây" nhận định : "Nhật Bản không đợi tiếp xúc với phương Tây mới bắt đầu hiện đại hóa".
Nhà sử học Pierre-François Souyri khẳng định, trước giai đoạn cải cách Âu hóa dưới thời hoàng đế Minh Trị (1868-1912), nước Nhật đã có đầy đủ các yếu tố cho phép cất cánh. Động lực của hiện đại hóa tại Nhật Bản trước hết sinh ra trong lòng xã hội, mà tác động của phương Tây chỉ mang tính thúc đẩy.
Trong thời kỳ Minh Trị, sở dĩ các cải cách chính trị để xây dựng một nhà nước hiện đại có thể thành công là vì một bộ phận giới trung lưu trong những năm 1880 đã trỗi dậy, với các phong trào hiệp hội và chính trị, vì quyền tự do và quyền lợi của dân chúng, đặc biệt các quyền của phụ nữ (chẳng hạn với những nhân vật nổi tiếng như Kishida Toshiko, một "trợ tá văn chương" của hoàng hậu).
Một cuộc "cách mạng văn hóa thực sự" đã xảy ra cho phép quá trình "dân chủ hóa xã hội" diễn ra thông qua các thảo luận, phản biện. Làn sóng dân chủ hóa này sẽ còn tiếp diễn trong những năm 1920, trước khi bị chủ nghĩa quân phiệt bóp nghẹt.
Nhật Bản tiếp tục gây bất ngờ
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn Le Point, chuyên gia về Nhật Bản lưu ý đến hàng loạt vấn đề hàng đầu mà nước Nhật đương đại đang đối mặt. Một xã hội già đi về tuổi trung bình, có xu hướng khép lại với bên ngoài, theo truyền thống ốc đảo. Về mặt kinh tế, sau nhiều thập niên cách tân công nghệ đứng đầu thế giới, Nhật không còn tiên phong trong nhiều lĩnh vực.
Về mặt chính trị, đối mặt với Trung Quốc, vốn bị coi là mối đe dọa về quân sự, các liên minh của Nhật là tương đối mong manh, cụ thể là quan hệ với láng giềng Hàn Quốc gặp khó khăn, quan hệ với Nga bị vấn đề tranh chấp lãnh thổ "đầu độc". Trong khi đó, quan hệ của Tokyo với tân chính quyền Mỹ bị nhiều nhà đối lập chỉ trích là mang tính thần phục.
Tuy nhiên, tuần san Le Point cũng có một bài khác nhấn mạnh đến một lĩnh vực người Nhật đang đi đầu thế giới : chế tạo robot. Robot rất được khuyến khích trong mọi lĩnh vực. Tỉ lệ robot trên đầu người của Nhật là cao nhất thế giới. Nhiều vấn đề nước Nhật đang phải đối mặt cũng là các vấn đề nhiều nước phát triển sẽ phải đối diện trong tương lai, đặc biệt là mối quan hệ người với robot.
Hơn một thế kỷ rưỡi sau cuộc hiện đại hóa gây ngạc nhiên, nước Nhật ngày nay vẫn tiếp tục tạo ra những bất ngờ.
"Ai muốn giết Châu Âu ?"
Chủ đề chính của Le Courrier International tuần này là Châu Âu. Trang bìa tuần báo có hình con chim ủ rũ, trên nền lá cờ Châu Âu, cùng hàng tựa : "Ai muốn giết Châu Âu ?". Xã luận LCI ghi nhận tâm trạng ngờ vực các định chế Liên Âu khá phổ biến trong dân chúng các quốc gia sáng lập cộng đồng (Pháp, Ý, Bỉ, Đức) và đặt câu hỏi : "Phải chăng các nước của Liên Hiệp cần học lại bảng chữ cái Châu Âu ?" (tiều đề bài viết).
Tuần san dẫn lại lời cật vấn của nhà văn Đức Heinrich Mann, cách nay gần một thế kỷ : "Nếu chúng ta muốn xây dựng một Châu Âu thống nhất, cần phải ngừng coi sự thống nhất này là một ảo tưởng, một ý tưởng thất thường, một ảo ảnh xa xăm. Hoặc chúng ta cuối cùng sẽ thấu triệt được tính tuyệt đối cần thiết (của lý tưởng Châu Âu thống nhất) này, hoặc Châu Âu, đứa con của Châu Á, sau khi tạo ra không biết bao nhiêu những ồn ào, huyên náo, lại sẽ ngoan ngoãn trở về núp trong lòng mẹ".
Album Hà Nội DUO
Liên quan đến Việt Nam, trong lĩnh vực văn hóa, tuần san L’Obs giới thiệu một album của hai nghệ sĩ Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang, mang tên "Hà Nội DUO", pha trộn phong cách nhạc truyền thống và nhạc jazz, blue.
L’Obs nhận xét : Cây guitare Nguyên Lê "giương cao lá cờ Châu Á không biên giới". Trong album mới, ông đã tập hợp được một nhóm nhạc sĩ Việt Nam, Nhật Bản và Ấn Độ, cùng cây kèn trumpet người Ý Paolo Fresu.
Phát hiện mầm ung thư 4 năm trước khi phát bệnh
Về y tế, báo L’Express tuần này giới thiệu phương pháp phát hiện sớm các mầm ung thư trong máu mang lại hy vọng tận diệt hoàn toàn căn bệnh đáng sợ này.
Từ cuốn sách bán chạy "Giết chết ung thư" của một giáo sư về sinh học phân tử Pháp gốc Ý Patrizia Paterlini-Bréchot đến một loạt các tác phẩm best-seller gần đây tại Mỹ, tất cả đều nói đến ước mơ xác định sớm nhất mầm ung thư. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có một nghiên cứu sơ bộ duy nhất cho thấy phương pháp này là khả thi.
Nghiên cứu được thực hiện tại Nice (Pháp) trên 168 bệnh nhân mắc chứng viêm phế quản. Giáo sư Hoffman cho biết xác định được - với một số bệnh nhân - các tế bào u trong máu từ một đến bốn năm, trước khi các tế bào ung thư có thể chiếu chụp được. Theo các nhà nghiên cứu Pháp, vẫn còn rất nhiều việc phải trước khi phương pháp chẩn đoán sớm này có thể được áp dụng đại trà.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, chẩn đoán về mức độ và xu hướng phát triển của ung thư bằng phương pháp xét nghiệm máu (đối với những người đã biết là có bệnh), để thay cho "phương pháp sinh thiết truyền thống", cũng đang là vấn đề rất được các bác sĩ quan tâm. Chẩn đoán bằng máu không những đơn giản hơn, ít tốn kém hơn, ít nguy cơ hơn, thậm chí không làm được trong một số trường hợp, mà còn giúp các bác sĩ xác định được hướng điều trị dễ dàng hơn. Theo L’Obs, hiện đã có khoảng 50 kỹ thuật chẩn đoán như vậy lưu hành trên thị trường.
Pháp : Mác hàng đầu tiên do người tiêu thụ chủ trì
Trong lĩnh vực kinh tế, L’Obs giới thiệu một hiện tượng mới. Lần đầu tiên tại Pháp, một nhãn hàng - hoàn toàn do người tiêu thụ chủ trì - đã được nhiều chuỗi siêu thị đón nhận. Mác sữa bò mang tên "C’est qui le patron /Ai là chủ ?", chỉ sau bốn tháng ra mắt, đã bán được sáu triệu lít.
Laurent Pasquier, một kỹ sư điện tử 42 tuổi, đã nghĩ đến sáng kiến này, trong thời gian phụ trách một địa chỉ trên mạng so sánh các sản phẩm sữa. Trong cuộc khủng hoảng sữa tại Pháp hồi năm ngoái, Laurent Pasquier đã hỏi ý kiến những người tiêu thụ. Hàng nghìn người đã hưởng ứng ý tưởng góp thêm vài centimes cho một lít sữa, để điều kiện chăn nuôi tốt hơn, điều kiến sống và làm việc của người sản xuất được cải thiện.
Sáng kiến của Laurent Pasquier được Carrefour hưởng ứng. Chuỗi siêu thị này là nơi đầu tiên bán mác sữa bò "Ai là chủ ?", không cần quảng cáo, không thông qua trung gian. Ngày 11/03, mác sữa đầu tiên do người tiêu thụ chủ trì tại Pháp được bán tại siêu thị Intermarché, và tiếp theo đó là chuỗi siêu thị Auchan và Cora.
Trang nhất các báo : thăng trầm của ứng viên tổng thống Fillon
Về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, hầu hết các tuần báo Pháp dành ưu tiên cho những thăng trầm của ứng cử viên đảng Những Người Cộng Hòa (LR) François Fillon. L’Express chạy tựa trang nhất : "Cánh hữu liệu còn khả năng chiến thắng ?". Le Point chạy tít : "Người sống sót trở về. Cú đánh cược không thể tin nổi của François Fillon". Trong khi đó, báo Le Nouvel Observateur đặt câu hỏi : "Đây có phải là một kẻ nguy hiểm ?" trên nền chân dung của ứng cử viên cánh hữu.
Trọng Thành