Lính Đông Dương, đặc biệt là người Việt, thường được nhắc đến là chiến đấu cùng quân đội Pháp trong Thế Chiến II. Nhưng rất nhiều người Đông Dương đã có mặt trên chiến trường Châu Âu trong Thế Chiến I (1914-1918).
Đội bóng của lính Đông Dương trong Thế Chiến I (1914-1918). Carte postale
Thậm chí, họ còn đông hơn cả số lượng lính Đông Dương trong Thế Chiến II do trong giai đoạn này, Pháp ký thỏa thuận định chiến với quân Đức nên phần lớn số lính Đông Dương được dự kiến gửi sang chiến trường Châu Âu đã không đi được hoặc bị gửi về nước.
Trong giai đoạn Thế Chiến II, theo dự kiến có khoảng 75.000 lính thợ và lính tập Đông Dương được gửi sang Pháp nhưng cuối cùng chỉ còn 25.000 người. Con số này thấp hơn 1/4 so với con số hơn 93.000 người Đông Dương được đưa sang Pháp trong giai đoạn Thế Chiến I (1914-1918), trong đó gần một nửa là lính chiến đấu trực tiếp trên chiến trường.
Công lao của người lính Đông Đương được ghi công tại Vườn Nông Học Nhiệt Đới Paris (Jardin d’Agronomie Tropicale de Paris). Ngoài ra, còn có sáu công trình Ký Ức Đông Dương (Souvenir Indochinois), còn gọi là "tượng người lính An Nam chiến thắng" (Soldat annamite victorieux), được dựng ở Marseille, Aix-en-Provence, Montpellier, Tarbes, Bergerac và Toulouse.
Nhân kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến Tranh Thế Giới thứ nhất, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với sử gia Pierre Brocheux về những người lính Đông Dương, đặc biệt là lính Việt Nam, đã sát cánh cùng quân đội Pháp trên chiến trường Châu Âu.
Hoàng đế Bảo Đại khánh thành khu nhà dành cho lính Đông Dương trong bệnh viện Val-de-Grâce, Paris, ngày 09/03/1927. BNF/Agence Rol
RFI : Thưa sử gia Pierre Brocheux, lính Việt Nam tham gia vào Chiến Tranh Thế Giới thứ nhất, sát cánh với quân đội Pháp. Họ được đưa đến những mặt trận nào ở Châu Âu ?
Pierre Brocheux : Phía bộ tham mưu Pháp có một định kiến về lính Việt Nam. Thậm chí ban đầu, họ còn không muốn đưa lính Việt Nam sang Pháp vì sợ người Việt không chịu được giá lạnh vào mùa đông, hoặc sợ họ ngại đạn lửa trên tuyến đầu, không xông pha ngoài mặt trận. Lính Đông Dương còn bị so sánh với người Sénégal, được gọi là "lực lượng đen", gồm hơn 200.000 người.
Cuối cùng, sau khi chấp nhận lính Đông Dương vào năm 1915, rất nhiều người trong số này lại không được đưa ra tiền tuyến, thậm chí còn không có mặt trên chiến trường. Nhưng điều này không ngăn cản họ đóng góp trong chiến tranh. Vì có khoảng 8.000 người trong số họ được tuyển làm lái xe tải chở đạn dược, cung cấp đạn dược cho chiến trường. Ngoài ra, họ còn lái xe cứu thương và cũng xuất hiện trên tuyến đầu để tìm người bị thương.
Rất nhiều lính thợ Việt Nam cũng được đưa sang Pháp vì công nhân Pháp được điều động ra chiến trường. Vì vậy, phụ nữ phải tham gia vào sản xuất công nghiệp chiến tranh và được lao động Việt Nam hỗ trợ, từ đó mà xuất hiện từ "lính thợ". Lính thợ cũng được tổ chức thành trung đoàn, đại đội… và mặc đồng phục như những quân nhân thực thụ. Nhưng phần lớn số họ làm việc trong các nhà máy ở hậu phương.
Tóm lại, phần lớn là lính thợ, nhưng cũng có rất nhiều lính chiến đấu trên chiến trường. Thậm chí, có người nói là nhiều quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong trận đánh lớn Verdun, nhưng xác của lính Việt tử trận bị vùi cùng lính Bắc Phi. Vì thế mà sau này đóng góp của họ họ bị lu mờ.
RFI : Ngoài ra lính Đông Dương còn được điều tới chiến trường nào khác không ?
Pierre Brocheux : Nhiều lính Đông Dương có mặt trong các đơn vị chiến đấu không chỉ ở Pháp, mà sau đó, họ còn được cử sang các nước vùng Balkan để chiến đấu chống quân Bulgaria, đồng minh của Đức, và chống lực lượng Bolsheviks vào năm 1917, lúc diễn ra Cách mạng Bolsheviks Nga lan sang vùng Trung Âu và Balkan.
Ngoài ra, lính Đông Dương còn được điều đến chống người Druze gốc Ả Rập theo đạo Hồi sống ở phía bắc Syria-Lebanon - người Druze không được người theo đạo Hồi khác coi trọng. Pháp được ủy quyền quản lý Lebanon và Syria, cùng lúc với việc Anh Quốc được quản lý Palestine, Jordan, có nghĩa là Pháp-Anh chia sẻ việc cai quản một phần đế chế Ottoman ngày trước. Người Druze nổi dậy vào khoảng năm 1925 khi các đội quân Pháp đến Trung Đông, mà người ta vẫn gọi là "Cuộc nổi dậy của người Druze", kéo dài khoảng 2-3 năm. Và lính Đông Dương được cử đến đây để chống người Druze.
Trên mặt trận Balkan, tất cả sĩ quan Pháp đều đánh giá lính Đông Dương là những người lính giỏi, làm tốt nhiệm vụ được giao. Lời đánh giá này được tướng Weygand, chỉ huy trưởng quân đội Pháp trong những năm 1939-1940, viết trong cuốn sách về Lịch sử quân đội Pháp (Histoire de l’armée français, 1938), trong đó có một phần nói về Quân đội thuộc địa (L’armée coloniale) và dành một chương cho lính Đông Dương. Ông đánh giá họ là những người lính tuyệt vời nếu họ được chỉ huy tốt.
Lính Bắc Kỳ cũng được điều đến Maroc để trấn áp cuộc nổi dậy ở vùng Rif (miền Bắc Morocco). Ngoài ra, họ còn được gửi đến Vladivostok (miền Viễn Đông Nga). Khi cuộc Cách Mạng Nga nổ ra năm 1917, phe Bônsêvic lên nắm quyền và thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên Bang Nga. Lính Đông Dương có mặt tại Vladivostok để chống phe Bolsheviks, trong đạo quân viễn chinh quốc tế gồm người Anh, Pháp, Mỹ, Nhật.
Lính Đông Dương ở Saint-Raphael (miền nam nước Pháp). BNF/Agence Rol
RFI : Lính Việt Nam được đưa sang Châu Âu là ai ? Quá trình tuyển mộ diễn ra như thế nào ?
Pierre Brocheux : Trên nguyên tắc, phần lớn là tình nguyện viên, có nghĩa là họ nhận được một khoản tiền ban đầu, nên có thể tạm gọi là "tình nguyện viên", tôi sẽ giải thích tại sao. Sau đó, họ được lĩnh lương, dù không cao. Lương của quân nhân Pháp cũng chẳng khả quan hơn. Rồi họ còn có trợ cấp cho gia đình trong trường hợp họ bị thương, thậm chí bị chết.
Trên nguyên tắc, quá trình tuyển quân diễn ra ở các làng, cũng có thể ở thành phố, và được giao cho thân hào trong làng đảm trách. Dĩ nhiên là thân hào xoay sở theo cách của họ và tình trạng hối lộ rất cao. Ví dụ, nếu một người đàn ông thuộc gia đình giàu có, người này hối lộ quan để không bị đăng lính. Vậy là quan chức trong làng phải đi tìm những người nghèo nhất, không có đất cày, không có việc làm… và giải thích cho những nông dân này là họ sẽ được lĩnh trước một khoản tiền. Viễn cảnh cũng được vẽ ra là khi trở về họ có thể sẽ trở thành thân hào, nếu có huân chương, họ sẽ được lĩnh trợ cấp quân nhân hoặc họ có thể vào làm trong ngạch hành chính.
Dĩ nhiên, ngoài những người "được liên lạc", "bị ép" theo một số ý kiến gây tranh cãi vẫn gọi như thế, nhưng thực ra họ không bị như vậy, còn có rất nhiều tình nguyện viên, thường là phiên dịch, thư ký, kế toán.
Đừng quên một điều là những người này, dù bị ép đi lính hay không, đều phải qua kỳ kiểm tra sức khỏe. Tại sao Pháp lại phải tuyển những người bị bệnh lao hoặc quá yếu ? Họ phải trải qua hai cuộc kiểm tra. Lần đầu ở trung tâm tuyển quân và ở vòng này, khá nhiều người đã bị loại. Khi đến bến cảng trước khi lên tầu sang Pháp, những người vượt qua vòng kiểm tra lần một được kiểm tra sức khỏe lần nữa.
Theo nhiều tài liệu lưu trữ, vào khoảng năm 1916 hoặc sau đó, trên tổng số 6.000 người đến cảng xuất phát, vài nghìn người đã bị loại trong đợt kiểm tra sức khỏe thứ hai. Đó là chuyện đã diễn ra, là thực tế và trái với những lời đồn đại.
Vậy tại sao lại có nhiều người tình nguyện ? Không phải chỉ có mỗi phiên dịch viên, hoặc người làm việc văn phòng, mà còn có nhiều tình nguyện viên khác vì họ muốn thoát cảnh đói. Chín trên 10 lính thợ đến từ tỉnh Thái Bình, một tỉnh đông dân ở Bắc Kỳ và rất nhiều người trong số đó không có đất cày.
Lính thợ Đông Dương (1914-1918) yên nghỉ ở nghĩa trang Bagneux, ngoại ô Paris.BNF/Agence Meurisse
RFI : Tại Pháp, điều kiện sống của người lính Đông Dương ra sao ? Họ được đối xử ra sao ? Và sau khi hết nghĩa vụ, họ làm gì ?
Pierre Brocheux : Thư từ trao đổi của những người lính này cho thấy điều kiện sống của họ rất đa dạng, rất khác nhau. Có thư nói rằng họ bị ngược đãi hoặc có nhiều thư viết rằng dù gì thì Pháp cũng yếu hơn Đức và Pháp sẽ không thắng trận.
Nhưng cũng có nhiều lá thư nói ngược lại. Họ được người Pháp đón rất chu đáo, như một bức thư viết : "Tôi được một gia đình Pháp đón và coi tôi như con trai họ", hoặc "Đồng đội của tôi tên là Joseph. Gia đình anh ấy đón tôi". Một số lính thợ có bạn gái người Pháp.
Ví dụ, trong một bức thư được sử gia Kim Loan Vũ Hiến trích lại trong cuốn sách của bà, cho biết một hạ sĩ quan người Việt yêu một cô giáo tiểu học sống ở tỉnh. Vào năm 1919, khi được giải ngũ, người ta nói với ông rằng nếu về Đông Dương, ông sẽ tiếp tục giữ chức hạ sĩ quan trong quân đội, nhưng nếu vẫn quyết tâm cưới người phụ nữ đó, ông sẽ gia nhập lực lượng quân đội Pháp chính quốc nhưng bị mất quân hàm, chỉ còn là một quân nhân bình thường. Trong thư gửi một đồng đội khác ở Marseille, người đàn ông đó viết là đã bỏ chức vụ, ở lại Pháp và cưới người yêu.
Ngoài ra còn có một số bức thư khác mà tác giả cho biết là được chăm sóc rất cẩn thận trong bệnh viện khi họ bị ốm hoặc bị thương, rồi họ được các gia đình Pháp đón trong thời gian hồi phục.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bức thư cho thấy, một cách chung chung là rất nhiều người Việt, với vị thế là người dân của một xứ bị đô hộ, mong Pháp thua trận. Nhưng khi Đức thất bại, người ta nhận thấy là lính Đông Dương không thể hiện niềm vui, nhưng khoảng một-hai năm sau đó, họ cũng thừa nhận là Pháp đã chiến thắng.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 12/11/2018
***********************
"Người Việt Nam trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất" (Dân Trí, 21/11/2014)
"Người Việt Nam trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918)" là tên cuộc triển lãm ảnh do Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) tổ chức tại trụ sở của Hội tại Paris từ ngày 19/11 đến ngày 30/12/2014.
Pano giới thiệu Triển lãm ảnh về Người Việt Nam trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất tại Pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, hơn 100 bức ảnh tư liệu được khai thác từ Kho Hình ảnh tư liệu quân sự được lưu giữ tại Thư viện Tài liệu đương đại quốc tế của Pháp đã cho thấy điều kiện sống và làm việc của những người Việt Nam đầu tiên bị Chính phủ bảo hộ Pháp đưa sang "mẫu quốc" trong những năm đầu thế kỷ XX để phục vụ chiến tranh.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, đại diện ban lãnh đạo UGVF cho biết cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Pháp là một cộng đồng có truyền thống lâu đời nhất. Năm nay, nước Pháp kỷ niệm 100 năm Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Đây là dịp để UGVF tổ chức hoạt động tưởng nhớ những người Việt Nam bị chính quyền thực dân đưa sang Pháp để phục vụ chiến tranh, nhưng thường bị lãng quên trong các lễ kỷ niệm tại Pháp.
Nhà sử học Pierre Brocheux giới thiệu bối cảnh lịch sử khi người Việt Nam bị trưng dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất
Nhân dịp này, nhà sử học Pierre Brocheux đã giới thiệu bối cảnh lịch sử khi gần 100.000 người Việt Nam được tuyển dụng và đưa sang Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Theo ông, những người này vừa là "thợ" vừa là "lính", làm việc chủ yếu trong các lĩnh vực như hậu cần, chế tạo vũ khí và quân dụng, thu dọn chiến trường, vận chuyển thương binh và trực tiếp tham gia chiến đấu. Cụ thể, 4 tiểu đoàn chiến đấu lính thuộc địa Đông Dương đã được thành lập, trong đó 2 tiểu đoàn chiến đấu chống lại quân Đức trên các chiến trường ở Đông Bắc nước Pháp, 2 tiểu đoàn còn lại chiến đấu ở mặt trận phía Đông bao gồm Hy Lạp, Macedonia chống lại các đạo quân đến từ Áo, Bulgaria và Albania. 15 tiểu đoàn khác cũng được hình thành để làm công tác hỗ trợ hậu cần cho quân đội. Họ là những người thợ được đưa đến làm việc tại các kho vũ khí, xưởng thuốc súng và các xưởng quân giới khác thay thế những người Pháp phải ra chiến trường.
Theo các tài liệu lưu trữ, gần 100.000 người xuất thân chủ yếu từ các vùng quê nghèo của Việt Nam được huy động cho các cuộc chiến tranh của Pháp trên tổng số 340.000 lính thuộc địa đến từ châu Phi và Đông Dương là một một tỷ lệ khá lớn. Ngoài ra, Ngân quỹ Đông Dương cũng đóng góp 541 triệu quan Pháp cho chi phí chiến tranh của Pháp. Bên cạnh đó, hàng chục tấn vũ khí và hàng hóa các loại cũng được chuyển từ Đông Dương thuộc địa nhằm cung ứng cho chiến trường tại Pháp. Đối với những người lao động Việt Nam, hành trình di chuyển cực khổ đã làm cho một số người chết vì bệnh tật trước khi đặt chân lên đất Pháp. Khi đến Pháp, họ phải làm những công việc nặng nhọc và độc hại. Nhiều người trong số họ đã sớm nhận thức được sự phi nghĩa khi nước Pháp bắt người dân các nước thuộc địa phải đổ máu và chi tiền cho cuộc chiến tranh của họ.
Ảnh tư liệu về những người lính thợ Việt Nam được khai thác từ Thư viện tư liệu quốc tế đương đại của Pháp
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, nhà nghiên cứu François Triệu, người đã dành 4 tháng để nghiên cứu và tập hợp các bức ảnh tư liệu cho biết, đối với ông, một người Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Pháp, triển lãm này là một "nghĩa vụ tinh thần" nhằm thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn với những hy sinh của lớp người đi trước. Đồng thời, nó cũng cho người Pháp và người Việt Nam tại Pháp thấy được một phần trang sử đã qua, để hiểu và trân trọng những gì có được ngày nay.
Bích Hà
(Phóng viên TTXVN tại Paris)