Chuyến bay BA017 của hãng hàng không Anh British Airways đưa tôi tới Seoul vào một sáng Chủ Nhật trong tháng 11. Từ xứ sở sương mù tôi ngạc nhiên thấy cảnh mù sương ở sân bay Incheon. Nhưng máy bay hạ cánh một lúc thì sương tan và mặt trời hiện ra hứa hẹn một ngày nắng đẹp dù dự báo thời tiết nói trời hơi lạnh.
Ảnh chụp từ văn phòng BBC xuống phía trước Seoul Station. (Hình : Hùng Nguyễn)
Tôi đã tới các quốc gia có nền kinh tế phát triển khác ở châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc nên rất muốn tận mắt chứng kiến xem Hàn Quốc phát triển tới đâu. Trước chuyến đi chừng hơn một tháng, tôi có dịp gặp một bạn người Hàn trẻ tuổi làm việc cho hãng truyền thông Anh BBC. Chúng tôi cùng tham gia khóa học bốn ngày của BBC dành cho những người sẽ đi đào tạo nhân viên BBC tại các văn phòng hải ngoại. Tôi không còn là nhân viên BBC nhưng thỉnh thoảng vẫn được mời tham gia đào tạo trong mảng báo chí kỹ thuật số, vốn là thế mạnh của tôi và cũng là lĩnh vực tôi đang dạy ởĐại học Goldsmiths, University of London.
Bạn trẻ tôi gặp cao to và điển trai như diễn viên điện ảnh. Anh rất ham học hỏi và là một trong những trụ cột của Ban tiếng Hàn mới được BBC lập ra từ hơn một năm nay (anh Nguyễn Giang, trưởng ban Tiếng Việt BBC hiện nay thực ra đã có vai trò chủ chốt trong việc lập ban này) để phát thanh về Bắc Hàn cũng như cung cấp thông tin về hai miền nam bắc qua trang web và các mạng xã hội Facebook và Instagram.
Tới Hàn Quốc tôi mới biết Google không phải là công cụ tìm kiếm số một ở nước này. Trang tìm kiếm nội địa Naver chiếm tới hơn 90% thị phần trong khi Google chỉ được chừng 60%. Naver chủ yếu phục vụ người biết tiếng địa phương nên tôi sang đây cũng chỉ dùng Google. Được biết vì lý do an ninh, Hàn Quốc đặt ra những giới hạn nhất định cho dịch vụ bản đồ của Google. Phải chăng họ sợ đội quân của nhà lãnh đạo Bắc Hàn một ngày đẹp trời dùng Google Map tiến thẳng vào Seoul như quân đội Bắc Việt Nam từng "tiến vào Sài Gòn ta quét sạch giặc thù" đồng hương ? Dựa vào sự ấm nóng gần đây trong quan hệ giữa hai miền, tôi nghĩ ít khả năng một cuộc chiến huynh đệ tương tàn như cuộc chiến vốn chấm dứt ở Việt Nam hồi năm 1975 sẽ lại diễn ra ở đây. Tôi hy vọng vào một kịch bản thống nhất như đã diễn ra giữa Đông và Tây Đức trong đó sự văn minh và lịch sự trong tư tưởng dẫn dắt sự phát triển hậu thống nhất.
Khi gặp bạn trẻ Hàn Quốc ở London, tôi đem điều ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với tôi trong một lần gặp gỡ ở Hà Nội ra hỏi. Ông Thành nói nhiều người Hàn Quốc ông gặp đã nói Hàn Quốc đi trước Việt Nam nhiều chục năm về kinh tế nhưng cũng đi sau nhiều chục năm về thống nhất đất nước, điều khiến họ tiếc nuối. Bạn trẻ Hàn Quốc chẳng quan tâm lắm tới chuyện thống nhất đất nước. Bạn nói thống nhất cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Bạn là thế hệ dưới tuổi 35, thế hệ chủ yếu dùng Facebook ở Hàn Quốc. Những người già hơn thường có xu hướng dùng mạng xã hội khác là Kakao và Naver. Cả Instagram và Twitter đều ít người dùng ở Hàn Quốc.
Tôi rời máy bay lúc gần 9h sáng và tiến tới nơi làm thủ tục nhập cảnh. Cầm hộ chiếu Anh tôi lấy visa tại sân bay. Trước lúc đi tôi cũng không kiểm tra tôi sẽ ở khách sạn nào vì BBC đã bố trí người ra sân bay đón và đưa tôi về khách sạn. Tôi có địa chỉ khách sạn trong điện thư nhưng cần có internet để kiểm tra và ghi địa chỉ vào tờ khai nhập cảnh. Thật may vừa bước vào bên trong sân bay đã có wifi miễn phí mà chẳng cần đăng ký gì cả. Tôi tới bàn để tờ khai nhập cảnh đã thấy một tờ khai dở dang của anh Nguyễn Hoà nào đó ghi sinh ngày 10/6 vứt lại do anh nghi ngày và tháng trước, trong khi tờ khai yêu cầu ghi năm rồi tới tháng và ngày. Lúc xếp hàng tôi cũng thấy một đoàn khách toàn chị em phụ nữ Việt Nam nhập cảnh. Một chị tóc xoã được nhân viên xuất nhập cảnh yêu cầu vén tóc sang hai bên. Nhưng mọi người đều làm thủ tục nhanh chóng. Có cả một đôi trẻ Việt Nam gần tới lượt thì anh bạn phát hiện ra vali còn để đâu đó ở chỗ xếp hàng mà không kéo theo. Thế là anh hớt hải chạy. Một nhoáng sau đã thấy kéo theo chiếc vali về lại chỗ xếp hàng. Tới lượt tôi, anh nhân viên xuất nhập cảnh chẳng hỏi han gì, lấy dấu vân tay hai ngón trỏ, chụp ảnh rồi kẹp một tờ xác nhận nhập cảnh nhỏ xíu vào hộ chiếu. Trên tờ xác nhận có tên đầy đủ, số hộ chiếu, ngày nhập cảnh, được ở tới đầu tháng 2/2019 và tên sân bay Incheon. Mặt sau họ ghi nếu chẳng may mất tờ giấy này thì cũng không sao, không phải xin cấp lại vì khi xuất cảnh không cần tới nó. Và nếu mất vẫn được ở Nam Hàn cho tới khi hết hạn visa. Hợp lý quá !
Xong thủ tục nhập cảnh tôi tới băng chuyền nhận vali. Lúc tôi tới cũng là lúc vali đi ngang qua. Ra ngoài đã thấy một bác taxi cầm biển có tên tôi đứng chờ. Bác cúi người chào theo kiểu Hàn Quốc và nhanh tay cầm giúp tôi một vali. Đi một đoạn ngắn thấy chiếc vali tôi kéo to hơn, bác xin lỗi rối rít và muốn cầm nốt cả chiếc đó cho tôi. Tôi hơi buồn cười vì bác đã đứng tuổi mà tôi vẫn tự cho mình vẫn còn thanh niên. Tôi bảo không sao cả đâu. Trong đầu chợt nghĩ nếu tỷ phú người Anh Richard Branson mà gặp bác này chắc sẽ cho qua vòng tuyển người cuối cùng. Ông Branson thường hay đóng giả làm ông già lái taxi tới đón các nhân viên mà ông tuyển từ các nơi tới London làm việc. Ai giúp ông xách vali lên taxi thì họ đã trở thành nhân viên của tập đoàn Virgin của ông. Ai không giúp ông mời họ sớm lấy vé quay về nơi xuất phát. Tính người quan trọng hơn mọi tố chất khác.
Tôi ở Seoul một tuần và chủ yếu sẽ có các cuộc gặp gỡ trong văn phòng BBC. Tôi sẽ kể thêm về ấn tượng với Seoul trong blog sau. Hẹn gặp lại.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 07/11/2018