Mỗi năm vào 11 giờ sáng ngày 11 tháng 11, tôi và các đồng nghiệp được nghe từ loa âm thanh tại chỗ làm một giọng nói nhắc nhở về gương hy sinh của bao người nằm xuống để bảo vệ lý tưởng tự do. Sau đó là phút mặc niệm để lắng đọng tâm hồn tưởng nhớ về họ, những người mà đối với phần lớn chúng ta là vô danh. Trong những giây phút đó, tôi ngưng tất cả, ngưng nói chuyện hoặc gõ máy, để lắng lòng nghĩ về thân phận con người, về chiến tranh, hòa bình, tự do, và về những gương hy sinh cao cả.
Phút mặc niệm đầu tiên trên mộ người chiến sĩ vô danh, một năm sau ngày Thế Chiến Một chấm dứt, tại Khải Hoàn Môn, ngày 11/11/1919, Paris, Pháp. Ảnh Agence Meurisse, 1923 - source : Gallica-Bn
Năm nay ngày 11 tháng 11 rơi đúng vào Chủ Nhật nên tôi ở nhà. Sáng sớm dậy con gái lớn tôi đã nhắc nhở ngay : "Bố nhớ là chỉ còn hai tiếng mười phút nữa là đến giờ tưởng niệm đó nhe !". Nhìn đồng hồ thì lúc đó là tám giờ năm mươi sáng. Con bé chỉ mới chín tuổi mà biết nghĩ đến những điều này. Nghe cảm động quá. Tôi cảm ơn con gái. Bé còn nhắn thêm : "Đó là lễ tưởng niệm về đình chiến (armistice), 100 năm rồi đó bố".
Đọc về những nguyên do đưa đến Thế Chiến Một đã lâu nhưng mỗi lần nghĩ về nó vẫn không thể ngờ được nó xảy ra như thế. Sự khởi đầu chiến tranh thật là vô duyên và lãng nhách. Nó bắt đầu từ ngày 28 tháng Bảy năm 1914 và kết thúc ngày 11 tháng 11 năm 1918, kéo dài gần bốn năm bốn tháng sau. Cuộc chiến này sau này được diễn tả là "cuộc chiến để chấm dứt mọi cuộc chiến". Nhưng chỉ hai thập niên sau, Thế Chiến Hai lại diễn ra. Sau đó là hơn bốn thập niên của Chiến tranh Lạnh. Người lạc quan hy vọng khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, với sự sụp đổ của Liên bang Sô Viết và Cộng sản Quốc tế, thế giới sẽ hòa bình và thịnh vượng, các quốc gia sẽ dần dần chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ, và các hình thức áp bức bóc lột sẽ không còn chỗ đứng trong nền văn minh chung của nhân loại. Điều đó không xảy ra hoàn toàn như vậy. Ngược lại Nga và Trung Quốc cũng như các chế độ cường quyền và độc tài khác đã và đang trở lại.
Muốn xây dựng thì khó còn muốn đạp đổ thì rất dễ. Muốn hòa bình thì khó nhưng muốn chiến tranh thì cũng rất dễ. Có người từng nói lòng thương của con người thì có hạn còn lòng tham thì vô hạn. Tuy là người đa phần lạc quan, nhìn chung quanh tôi nhận thấy con người rất dễ bị tổn thương. Người ta rất dễ gây nhau vì những chuyện rất nhỏ nhặt. Tinh thần kiên nhẫn, bao dung, và chấp nhận trở nên rất mỏng manh thời nay. Sự tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn, độc đoán, thiển cận, và bảo thủ cho mình là đúng nhất còn mọi người khác là sai, rất tiếc lại hiện hữu trong mỗi xã hội và mỗi thời đại. Nhưng một khi thành phần đó nắm quyền lực trong tay và chiếm một tỷ lệ vừa đủ, chiến tranh, dù đó có thể là giữa hai quốc gia, trong vùng hay Thế Chiến Ba, là điều khó tránh khỏi.
Sau Thế Chiến Một chấm dứt, có lẽ rất nhiều người trong các địa vị khác nhau nghĩ đến việc làm sao một cuộc chiến như thế không tái diễn nữa. Trong khi các sử gia ghi chép lại các sự kiện lịch sử để làm bài học cho nhân loại, hay các nhà lãnh đạo quốc gia như cố tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson tìm cách thành lập Liên đoàn Quốc gia để gia tăng hợp tác và giảm thiểu đối đầu gây hấn giữa nhau, vân vân…, thì một nhà báo cựu chiến binh người Úc tên Edward George Honey đưa ra một sáng kiến độc đáo.
Honey đã từng phục vụ trong Thế Chiến Một. Khi tin tức về chiến thắng của phe Đồng minh gây ra sự hưng phấn ồn ào trên đường phố London sau ngày 11 tháng 11 năm 1918, ông đã nghĩ đến một ngôn từ đểtưởng nhớ đến sự tàn phá của chiến tranh. Im lặng. Honey đề nghị im lặng như là con thuyền chứa đựng nỗi đau đớn và mất mát của chiến tranh, kể cả sự suy nghĩ về thắng lợi. Im lặng, một từ vựng chứa đầy sức mạnh hơn bao ngôn từ khác.
Một khoảnh khắc im lặng chứa đựng một nhu cầu sâu sắc trong con người để cảm nhận ra được những gì xảy ra cho họ.
Sinh ra năm 1885 tại thành phố St Kilda, Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Châu, Honey đã từng sở hữu một tạp chí, học về truyền thông/ký giả tại Tân Tây Lan, và như bao người khác cùng thời, gia nhập lực lượng Hoàng gia Anh vào năm 1915. Vì lý do sức khỏe, ông bị giải ngũ. Ông ở lại London và tiếp tục nghề ký giả. Ông đã chứng kiến những người lính trở về từ chiến tranh, bị thương và tan nát (injured and broken). Ông viết xuống những suy nghĩ của mình dưới bút hiệu Warren Forster trên the London Evening News vào ngày 8 tháng Năm năm 1919 như sau :
"Tại sao chúng ta không thể dành các mảnh của giờ Hòa bình này, hân hoan tưởng niệm một cách im lặng cho sự chết chóc vĩ đại này ?
Một cách cá nhân, đúng là có. Rất nhiều người trong chúng ta biết chúng ta sẽ dành cho người thân và thân nhân của riêng mình, cho người bạn sẽ không bao giờ quay trở lại. Nhưng với tính cách quốc gia ?
"Tôi chỉ yêu cầu năm phút, chỉ năm phút nhỏ nhoi thôi. Năm phút im lặng của lễ tưởng niệm quốc gia. Một sự can thiệp rất thiêng liêng".
Đề nghị của ông đã đi vào quên lãng. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, một tác giả và chính trị gia tại Nam Phi ngài James Percy FitzPatrick đã có một hành động chính trị để thiết lập một truyền thống về sau.
Vào ngày 4 tháng Mười năm 1919, FitzPatrick đã viết thư đề nghị phút mặc niệm cho một người bạn hiện đang là một thành viên trong nội các chính phủ Anh. Sau cùng nó cũng được trình lên vua George thứ Năm (George Frederick Ernest Albert). FitzPatrick và Honey được mời đến tập dợt tại Cung điện Buckingham. Mớt đầu họ dự trù 5 phút mặc niệm, nhưng khi dợt, tất cả đều thấy năm phút là quá lâu, ngay cả cho những người chuyên diễn hành lâu dài. Cuối cùng họ đồng ý còn lại hai phút. Chỉ vài ngày trước ngày kỷ niệm một năm Thế Chiến Một chấm dứt, vua George V ra sắc lệnh hai phút mặc niệm yêu cầu vào giờ thứ 11 ngày 11 tháng 11 mỗi năm, tất cả mọi hoạt động bình thường hay các âm thanh và di động, ngoại trừ những trường hợp bất khả, phải ngưng lại để được tĩnh lặng hoàn toàn, để các suy nghĩ của mọi người có thể tập trung vào việc tưởng nhớ đến những cái chết vinh quanh. Và từ đó trở đi nó trở thành truyền thống. Ngày nay nó là một hình thức phổ quát.
Cách đây đúng 100 năm, vào lúc 11 giờ sáng những tiếng súng đã được ngưng dọc theo mặt trận kéo dài 400 cây số, và các tiếng nổ sét tai của nó đã được thay thế bởi tiếng rung của chuông nhà thờ. Hơn hai thập niên sau, Thế Chiến Hai lại diễn ra. Winston Churchill từng nói "Những ai không học hỏi từ lịch sử bị lên án lập lại nó". Tôi nghĩ rằng biết lịch sử thì có biết. Học, cũng có thể rất nhiều người học. Nhưng nó chỉ cần vài cá nhân bất bình thường, hiếu chiến, cuồng vọng và điên rồ, thì mọi người khác dù có học cũng chẳng ngăn cản được sự suy thoái và leo thang cấp tốc của xung đột và chiến tranh.
Hơn nữa, tuy học là cần thiết, nhưng khi chưa trãi nghiệm, người ta không thể thẩm thấu những gì người khác đã trãi qua, nhất là những mất mát lớn lao. Trãi nghiệm là cần thiết cho sự phát triển của con người. Nhưng không ai muốn trãi nghiệm thêm một chiến tranh thế giới nữa trong thời đại của vũ khí hạt nhân/sinh học/hóa học, hay nói chung là vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Điều chúng ta có thể làm để tránh những đau thương mất mát to lớn gây cho nhau là trau dồi khả năng phản ánh, tự chiếu (self-reflection). Trung tâm điểm của chức năng tự chiếu là giúp cho chúng ta tìm đến ý nghĩa làm người. Trong thế giới ngày càng ồn ào này - khó có không gian và thời gian cho tĩnh lặng - thì việc bỏ qua các tiếng ồn để tìm đến sự im lặng sẽ giúp cho chúng ta gia tăng khả năng tự chiếu và phát triển.
Im lặng sẽ rất là hữu ích cho chúng ta, lúc tưởng niệm như Honey đề nghị, cũng như lúc tư/chánh niệm, khi mọi tiếng ồn hay những thứ tiếng khác làm mình dao động. Trong thế giới bất định hôm nay, có lẽ chúng ta cần đến im lặng hơn bao giờ hết.