Trong quá trình suy vong của vương triều Chăm Pa oai hùng một thuở, những người con Chăm tứ tán, có người lưu vong ngay trên bản quán của mình, có người theo dòng chảy cuộc sống sang tận trời Tây hay nước láng giềng, cũng có người lưu lạc về tận cùng dải đất hình chữ S. Làng du lịch Chăm Pa ở xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang còn sót lại với nghề đánh bắt, dệt thổ cẩm như một cụm tháp nhỏ nằm bơ vơ trên vùng biên giới Việt Nam – Campuchia, nơi tận cùng của xứ Việt.
Cầu từ làng Chăm ra sông Hậu RFA
Tập tục Mẫu hệ
Ông A.Mak, xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang, chia sẻ : "Người Chăm ở Đa Phước đi mua bán là nhiều, đi nửa tháng hoặc 20 ngày mới về, về nghỉ 2 ngày, 3 ngày rồi đi tiếp. Còn người ở lại thì như đàn bà ở đây cũng đi mua bán ở chợ, hoặc về làm bánh mang đi bán… Người Chăm bắt rể không là vấn đề, đám cưới thì người ta đưa rể đi bên gái rồi ở bên gái nửa tháng hoặc một năm…"
Ông A.Mak chia sẻ thêm là người Chăm ở Đa Phước vẫn còn giữ tập tục Mẫu Hệ, nghĩa là người phụ nữ làm chủ gia đình, con cái lấy theo họ mẹ và người phụ nữ đứng ra cưới người đàn ông về làm chồng. Người đàn ông Chăm hiện đại không khác mấy so với người đàn ông Chăm xa xưa, nghĩa là họ cũng tôn trọng vợ, yêu thương vợ và hầu như không bao giờ có chuyện chồng đánh vợ hoặc ngược lại. Người Chăm có thể nghèo khổ, cô đơn, lẻ loi trên dải đất hình chữ S này, nhưng người Chăm sống đầm ấm, coi trọng giá trị gia đình và những giá trị văn hóa do ông bà để lại.
Cũng chính vì coi trọng mọi giá trị cổ xưa và biết phát huy theo thời gian, những nét hoa văn trên thổ cẩm Chăm có sự giao thoa giữa cái mới và cổ xưa, chất liệu thổ cẩm cũng không còn thuần túy thủ công như trước mà có cả yếu tố công nghiệp trong đó. Nhưng cái hồn Chăm trên thổ cẩm Chăm thì không thể giấu vào đâu được. Dường như đây là nét đặc trưng để nhận biết và phân biệt thổ cẩm Chăm giữa rất nhiều thổ cẩm của các tộc người H’Mông, Tày, Nùng, Mạ, Mường, Thái…
Nghiệt nỗi, thời đại du lịch phì đại, bùng nổ và đánh mất không ít những giá trị truyền thống. Làng Chăm Đa Phước cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù đây là điểm nhấn du lịch An Giang. Các tuyến du lịch bằng ca nô, xuồng máy trên sông Hậu đều đổ về bến Đa Phước, sau đó di chuyển trên một chiếc cầu gỗ nhỏ, thơ mộng. Nơi đây, du khách được trải nghiệm cảm giác lạc vào một vùng gần như không thấy bóng dáng hiện đại, con người sống với nhau hòa ái, khách cũng được thưởng thức các món ăn Chăm truyền thống và mục kích các nghệ nhân Chăm dệt thổ cẩm, sau đó mua các món hàng thổ cẩm Chăm với giá vừa phải, đẹp. Nhưng cũng chính cái giá hàng vừa phải mà đẹp này làm cho các nghệ nhân Chăm chỉ đủ sức cầm cự qua ngày, không có người nào khá lên nhờ du lịch được.
Cần được phát triển
Chị Fa La, nghệ nhân dệt thổ cẩm Chăm, chia sẻ : "Trước có nhiều lắm, giờ còn có 1, 2 nhà người ta làm à, kiểu như làm để cho khách du lịch người ta coi khung dệt nó sao đó. Kiểu như làm thế này không không đủ ăn phải đi làm nghề khác, vợ thì làm buôn bán chẳng hạn, ở đây chồng cũng phải làm thêm nghề khác như đi buôn bán, làm công hoặc là làm ruộng nữa, đủ thứ nghề hết. Vì bán cho du lịch nên không phải bán được cả năm mà chủ yếu bán được 4 đến 5 tháng khách đông, còn 6, 7 tháng còn lại ế lắm, mình phải kiếm nghề khác sống. Ở đây mình bán cho địa phương sao bán cho du khách vậy thôi chứ không như những chỗ khác, bán bình dân vậy đó nên không được lời nhiều… !"
Người Chăm ở An Phú vẫn giữ tập Mẫu hệ RFA
Chị Fa La chia sẻ thêm là hiện nay, các công đoạn dệt thổ cẩm Chăm ở Đa Phước vẫn chưa có gì hiện đại hóa, nghĩa là mọi thứ đều dựa trên thủ công, riêng nguồn sợi và màu thì phải nhập từ bên ngoài bởi diện tích đất trồng bông không còn, cộng đồng Chăm ở Đa Phước sống co cụm trong một khu nhỏ lẻ, diện tích cho mỗi gia đình chỉ ngót nghét 100 mét vuông. Những gia đình có đất rộng nhất cũng không tới 500 mét vuông. Sống ở vùng quê tỉnh lẻ, kinh tế dựa vào dệt thổ cẩm và trồng bông vải nhưng không có đất trồng bông vải là một thiệt thòi nặng nề đối với người Chăm. Việc đánh bắt cũng chỉ là loa lấp sống qua ngày chứ không phải mũi nhọn kinh tế. Nhìn chung, người Chăm Đa Phước cần một chính sách phát triển thật hợp lý và tử tế mới hi vọng thoát nghèo.
Cảm nhận về đời sống làng Chăm Đa Phước, chị Olga Prian Roy, du khách Tây Ban Nha, chia sẻ : "Ở bên Tây Ban Nha có những người vô gia cư, cuộc sống ở đây có vẻ vui hơn vì người ta có nguồn sống để kiếm tiền, nuôi cá, bắt cá, mấy đứa trẻ thì chơi đá bóng nhưng nhìn chung thì cuộc sống của những người thiểu số bên Tây Ban Nha cao hơn, bên này họ có cái nhà nhưng họ có vẻ nghèo hơn".
Chị Olga nhận xét thêm là nhìn chung, làng du lịch Đa Phước vẫn tốt hơn những khu vô gia cư trên đất Tây Ban Nha của chị, nghĩa là các gia đình Chăm ở đây hiện hòa, sống có văn hóa, sạch sẽ, biết dệt thổ cẩm và đánh bắt để sống.
Nhận xét của chị Olga Prian Roy khiến cho chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi đối tượng so sánh của chi Olga là một nhóm vô gia cư bên đất Tây Ban Nha, trong khi đó, làng Chăm Đa Phước là một tâm điểm du lịch, là nơi hái ra tiền của tỉnh An Giang. Trong bản đồ du lịch An Giang, ngoài quần thể Bảy Núi, còn có thể kể đến đến làng Chăm Đa Phước. Trong khi đó, nếu xét về mặt văn hóa và dân tộc học cũng như sức hút du lịch, làng Chăm Đa Phước thu hút khá mạnh khách đến đây. Nhưng bù vào đó, đời sống nghèo khổ, khó khăn của làng Chăm lại trở thành sản phẩm du lịch đắt khách.
Nhóm phóng viên
Nguồn : RFA tiếng Việt, 15/11/2018