Đã lâu rồi, một lần đi nghe nhạc ở San Jose Center for Performing Art hai chúng tôi được thưởng thức một giọng ca nam đến từ trong nước, còn rất trẻ, qua những ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, dòng nhạc thường làm hồn tôi rung động. Hôm đó anh cũng đã hát một bài mới, lạ "Vì đó là em".
Quang Dũng và Don Hồ thể hiện ca khúc "Vì đó là em". (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Từ đó tôi thích giọng ca này. Còn nhà tôi thì mê, không chỉ giọng ca mà còn cả khuôn mặt, dáng điệu trẻ trung của người ca sĩ gốc Qui Nhơn.
Ca nhạc sĩ Diệu Hương. (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Quang Dũng đến với chúng tôi từ dạo đó và sau này qua những CD, DVD với dòng nhạc Trịnh, với những lời ca của Bảo Phúc. Cũng từ đó chúng tôi biết "Vì đó là em" là ca khúc đã không thể tách rời nhạc Diệu Hương với tiếng hát Quang Dũng.
Không cần biết em là ai
Không cần biết em từ đâu…
Không cần biết đêm dài sâu
Không cần biết bao gầy hao
Ta ngồi đếm tên thời gian
Nghe thương yêu dâng cao như ngọn đồi
Như xa xôi nay quay về gần gũi
Yêu em khi chỉ biết đó là em…
Chiều Chủ Nhật 18/11 vừa qua Quang Dũng đã song ca cùng với Don Hồ bài hát nổi tiếng này, như một kỷ niệm của hai nghệ sĩ về chương trình nhạc thính phòng do nhạc sĩ Diệu Hương tổ chức với chủ đề "Tìm về kỷ niệm" tại thính đường của Santa Clara Convention Center.
Quang Dũng đưa tôi đến với nhạc Diệu Hương gần hai mươi năm trước trên sân khấu ở San Jose, khi người ca sĩ mới được biết đến ở hải ngoại. Hôm nay Quang Dũng trở lại nơi này, không còn xa lạ với khán giả Thung lũng Hoa vàng và được Diệu Hương giới thiệu với những kỷ niệm từ buổi xa xưa gặp gỡ :
"Một tiếng hát mà những ngày đầu như là một cái duyên. Duyên đó đã cho Diệu Hương gặp, tuy ngày ấy tiếng hát của người ca sĩ vẫn còn non trẻ nhưng có một nỗ lực thế nào đó đã ủng hộ Diệu Hương ngay từ bài hát đầu tiên mà Diệu Hương được nghe. Rồi qua những năm tháng Diệu Hương tiếp tục thâu rất nhiều bài trong CD của mình và hiện giờ chắc quí vị biết người đó là ai".
Don Hồ và Như Ý. (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Theo nhạc sĩ Diệu Hương, tiếng hát đó đã vang ra khắp năm châu và hôm nay sẽ đến với chương trình bằng ca khúc "Hãy để mặc tôi yêu em" viết về những suy tư trong cuộc đời là chúng ta có thể yêu mà không biết đối tượng sẽ đáp ứng như thế nào.
Hãy để mặc tôi yêu em
Tình yêu là những giấc mơ trong từng đêm trường
Hãy để mặc tôi yêu em
Tình em tôi đến cho nơi nào vẫn là bình yên…
Hãy để mặc tôi yêu em
Vì trong đời đếm có bao nhiêu gặp gỡ êm đềm
Dẫu đợi chờ đêm mơ duyên
Tình ơi xin đến sẽ không còn nỗi buồn mong manh…
Sau khi nghe giới thiệu, khán giả lúc đó mới chắc là có Quang Dũng, vì khi sân khấu mở màn, các ca sĩ góp mặt cho chương trình đã ra biểu diễn mỗi người một đoạn của những ca khúc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng. Thiên Tôn với "Hoài cảm" của Cung Tiến, Như Ý với "Bài không tên cuối cùng" của Vũ Thành An, Nguyễn Vũ Anh với "Chiều nay không có em" của Ngô Thụy Miên, Thanh Hà với "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn, Don Hồ với "Trái tim ngục tù" của Đức Huy và "Vì đó là em" của Diệu Hương do chính tác giả thể hiện.
Tất cả ca sĩ tham gia chương trình đã ra hát đoản khúc khai mạc. Nhưng thiếu Quang Dũng. Có thể vì chuyến bay trễ hay trục trặc gì đó chăng. Vì thế khi Quang Dũng bước ra sân khấu, sau gần nửa chương trình đã qua, trên 600 khán giả ngồi chật thính đường đã chào đón anh bằng những chân tình nồng ấm nhất.
Như chủ đề của chương trình là "Tìm về kỷ niệm" qua 30 ca khúc được biểu diễn – một phần ba là dòng nhạc Diệu Hương – đã đưa khán giả về lại những khung trời kỷ niệm với nét nhạc của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Tuấn Khanh, Trần Thiện Thanh – Anh Thy, Trường Sa, Đỗ Lễ, Đức Huy, Vũ Đức Nghiêm, Lam Phương, Trúc Hồ.
Đoạn nhạc kịch Romeo và Juliet kết thúc chương trình. (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trong chương trình, ngoài những ca sĩ đã thành danh như Quang Dũng, Don Hồ và Thanh Hà, còn có Thiên Tôn là giọng hát đang phát triển. Riêng hai giọng ca mới được Diệu Hương giới thiệu, khán giả có nhiều tán thưởng khích lệ cho giọng nữ Như Ý.
Dù ai hát, hay ca khúc do nhạc sĩ nào viết, không khí thính đường luôn đượm nét tình yêu với đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, chia lìa nhiều hơn quấn quýt qua "Diễm xưa" (Thanh Hà hát), "Người tình trăm năm" (Don Hồ), "Niệm khúc cuối" (Quang Dũng), "Gọi người yêu dấu" (Nguyễn Vũ Anh), "Một mai em đi" (Như Ý), "Riêng một góc trời" (Thiên Tôn), "Xin còn gọi tên nhau" (Don Hồ), Sang ngang (Thanh Hà) v.v…
Don Hồ và Như Ý rất tình tứ qua "Bản tình cuối" của Ngô Thụy Miên :
Mưa có rơi và nắng có phai
Trên cuộc tình yêu em ngày nào
Ta đã yêu và ta đã mơ
Mơ trăng sao đưa đến bên người
Một lần gặp gỡ đã như thuở nào
Một lần gặp gỡ nhưng tình đã xa xưa…
Quang Dũng thể hiện "Hạ trắng" của Trịnh Công Sơn trong giai điệu nhẹ nhàng, tự nhiên theo phong thái điệu nhạc xanh.
Anh đưa em về, chân em bước nhẹ trời buồn gió cao
Đời xin có nhau dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...
Thanh Hà ray rức, nức nở cho một cuộc tình đã lỡ với "Sang ngang" của Đỗ Lễ :
Thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi buồn thương nhớ chi
Anh hỡi đôi mình mộng nay đã tan tình đã dở dang…
Dòng nhạc Diệu Hương là nét chính trong chương trình, khán giả đã được thưởng thức "Chơi vơi", "Đêm buồn", "Nhớ người" qua giọng hát Thanh Hà ; "Nói với tôi một lời", "Một đời vẫn thế" do Quang Dũng thể hiện. Ban nhạc của chương trình là Upbeat.
Thanh Hà trong chương trình nhạc thính phòng "Tìm về kỷ niệm". (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Diệu Hương cũng đã thể hiện hai ca khúc là "Chút hương cho đời" và "Mình ơi". Về bài "Mình ơi", theo thể điệu dân ca, người nữ nhạc sĩ tâm sự cùng khán giả :
"Hôm nay Diệu Hương được hát cho quí vị nghe một ca khúc mang một kỷ niệm thật sự không vui cho Diệu Hương khi thân phụ qua đời cách đây rất nhiều năm và nhìn sự đau khổ của người mẹ, cũng như sự buồn phiền của mẹ, Diệu Hương đã viết một ca khúc nói lên tâm trạng của một người đàn bà về người thân của mình đã ra đi".
Ðôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi của mình là mình ơi
Ðêm qua thức giấc bùi ngùi
Nhìn quanh là em không thấy
Mặt người là người mình thương…
Mình là mình, mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Ðôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là em thôi hết
Được gọi mình là mình, mình ơi.
Chương trình kết thúc với một đoạn của vở nhạc kịch "Romeo and Juliet" do Diệu Hương biên soạn.
Đây là nét nghệ thuật mới cho chương trình. Sân khấu được dựng lên với nhạc nền "A time for us" - lời Việt của Diệu Hương - và cảnh trong nhà mồ tại một ngôi làng bên Ý thời Trung cổ. Juliet (Như Ý) chết giả theo kế hoạch của một linh mục đã bí mật làm lễ cưới cho đôi trẻ trước đó. Rồi Romeo (Don Hồ) xuất hiện để sau đó là bi kịch đôi uyên ương trẻ vì muốn vượt qua thù hận gia đình mà đã kết liễu cuộc đời bằng độc dược để mãi mãi được bên nhau.
Câu chuyện của văn hào Shakespeare đã trở nên huyền thoại tình yêu từ mấy thế kỷ qua.
Khai mạc trễ một giờ, chương trình dài gần 5 tiếng nhưng hầu hết khán giả đã ở lại cho đến phút hạ màn, khi Diệu Hương và nghệ sĩ ra sân khấu chào tạm biệt. Điều đó nói lên sự yêu thích nội dung và lòng quí mến của khán giả dành cho các nghệ sĩ.
Trời đã khuya. Trên đường về, ấn tượng của đêm nhạc để lại trong tôi là những suy tư về tình yêu và đá sỏi.
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
[nhạc Trịnh Công Sơn, giọng hát Thanh Hà]
Em hỏi tôi phiến đá có tình yêu không
Em hỏi tôi phiến đá có linh hồn không
Linh hồn tôi nay là đá sỏi
Nhưng đá nằm khổ đau với tình yêu em…
Tôi hôm nay là ai
Thà như một phiến đá nằm
Trăm năm như ngàn năm
Người cùng đá băn khoăn
[nhạc Diệu Hương, giọng hát Don Hồ]
Tôi dễ cất tiếng ngân nga ca từ nhạc Trịnh. Với nhạc Diệu Hương, đã nghe nhiều CD qua tiếng hát Quang Dũng, Tuấn Ngọc, Don Hồ, Diệu Hương và có nhiều bài mình thích, vì ca từ lãng mạn, mang mang sâu lắng như "Vì đó là em", "Tôi muốn hỏi tại sao", "Khắc khoải", "Còn những bâng khuâng", "Nơi đâu hạnh phúc".
Thích nhất là "Phiến đá sầu". Nhưng hát nhạc Diệu Hương thì không dễ.
Bùi Văn Phú
Nguồn : VOA, 26/11/2018