Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

17/01/2019

Làm sao chấm dứt nạn xâm hại trẻ em ?

RFA tiếng Việt

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an thì năm 2018 trên toàn quốc phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó chiếm 82%, tức gần 1.300 vụ là xâm hại tình dục. Đặc biệt, có tới 43 vụ giết trẻ em, 425 vụ hiếp dâm trẻ.

xamhai1

Trẻ em ở Quảng Trị. Ảnh minh họa. AFP

Tuy nhiên đây chỉ là con số được phát hiện, là "phần nổi của tảng băng chìm" chứ con số thật thì khó mà biết vì rất nhiều trường hợp người nhà che giấu do tâm lý xấu hổ hoặc do hung thủ đe dọa.

Nguyên nhân từ đâu ?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định người có hành vi xâm phạm trẻ em có nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần xã hội khác nhau và cơ bản là trình độ văn hóa thấp và nhận thức về xã hội rất hạn chế. Trong đó số đông những người có trách nhiệm nuôi dưỡng quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế lại xâm phạm trẻ em nhiều nhất.

Ông nói thêm rằng do trình độ hiểu biết pháp luật của nạn nhân và người nhà hạn chế nên họ không trình báo với cơ quan công an mà lại tự đi phản ứng với nghi phạm.

Một phụ nữ ở Bình Thuận không muốn nêu tên có con gái bị một thanh niên hàng xóm xâm hại tình dục năm 2017, khi bé chỉ mới 11 tuổi, kể với RFA :

"Tôi về đến nhà là thấy bé đứng khóc, bé lết vô trong cánh cửa và bé khóc. Hỏi một chặp thì bé nói ‘con kể cho mẹ nghe mà mẹ đi mẹ bỏ con ở nhà thì anh Tí giết con. Lúc nào anh Tí cũng cầm dao dọa con, để dao trên cổ con, biểu con nhắm mắt lại rồi một tay nữa là bụm miệng con lại, biểu con là không được nói chứ mày nói thì tao giết mày...’.

Phản ứng đầu tiên là mình kêu Tí qua thì Tí cũng có nhận lỗi là Tí có làm. Mình đưa đơn cho công an thì công an xã biểu là về giải hòa, đừng thưa kiện đi tới đi lui tốn tiền".

Chị cho biết thêm là sau khi công an xã nói về giải hòa, chị viết thêm một lá đơn nữa đưa xuống cho huyện. Công an không cho biết rõ sự việc giám định mà cứ hỏi rằng bây giờ muốn gia đình người ta bồi thường bao nhiêu.

Còn theo Luật sư Minh Thọ ở Thành phố Hồ Chí Minh thì ngoài việc trình độ văn hóa thấp và thiếu hiểu biết pháp luật, một yếu tố nữa dẫn đến việc xâm hại trẻ em là do đạo đức xã hội băng hoại, pháp luật không được tôn trọng trong các phiên xử dẫn đến người dân coi thường pháp luật, và ông kết luận "Thượng bất chính thì hạ tắc loạn".

Ông dẫn chứng bản án quá nhẹ của ông Nguyễn Khắc Thủy với tội dâm ô trẻ em, do ông Thủy là đảng viên.

Nguyễn Khắc Thủy, 77 tuổi nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu phạm tội dâm ô với em bé gái.

Tại phiên sơ thẩm tháng 7/2017, ông Thủy bị TAND Thành phố Vũng Tàu tuyên 3 năm tù giam tội dâm ô, nhưng đến phiên phúc thẩm ngày 11/5/2018 thì tòa lại tuyên ông Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù và cho hưởng án treo.

Sau khi truyền thông trong nước và dư luận nhiều nơi lên tiếng, ngày 15/5/2018, Tòa Tối cao rút hồ sơ vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em về xem xét lại và chiều 1/6/2018, TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tuyên hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm, tức tuyên phạt ông Thuỷ 3 năm tù.

Các diễn đàn, hội thảo trong nước về thực trạng bạo hành, xâm hại trẻ em chỉ ra gần 70% trẻ em thừa nhận bị bố mẹ đánh đập dưới nhiều hình thức và có nhiều vụ trẻ em bị đánh đập dã man được phanh phui.

Điển hình là câu chuyện bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị chính cha ruột và mẹ kế bạo hành đến mức gãy xương sườn, nứt sọ não khiến ông bà nội và mẹ ruột không thể nhận ra. Cơ quan điều tra - Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án sau khi bé trai trốn được ra khỏi nhà để về nhà ông bà nội.

Không chỉ trong gia đình mà còn ở nhà trường, nơi các thầy cô giáo hay bảo mẫu phải có kiến thức xã hội và luật pháp cao hơn, thì trẻ em vẫn bị xâm hại.

Rất nhiều những vụ bạo hành trẻ mầm non được đưa lên mạng xã hội ; học sinh tiểu học bị bạo hành ngay trong lớp học mà một trong những vụ gây bức xúc trong xã hội là một học sinh lớp 6, vì bị cho là nói bậy đã bị tát đến 231 cái đến nỗi phải nhập viện, hay như vụ một giáo viên tiểu học tại Hà Nội bị tố bắt trẻ lớp 2 tát bạn 50 cái.

Ai bảo vệ trẻ ?

Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua với những quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, nhằm bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh ; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tuy vậy, những vụ xâm hại trẻ em về mọi mặt như bạo hành, xâm hại tình dục vẫn xảy ra rất nhiều ở Việt Nam từ nông thôn cho đến thành thị. Nhiều tổ chức xã hội dân sự hay NGO được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để tuyên truyền, vận động và giúp đỡ trẻ, nhưng vẫn chưa thành công vì chưa thể kết hợp từ nhiều phía như công an, luật pháp…

Một diễn đàn có tên Diễn đàn bảo vệ trẻ em (Child Protection Forum) để mọi người lên tiếng, chia sẻ với mọi người câu chuyện của mình ; câu chuyện mình biết hay giải pháp có thể góp phần giải quyết tình trạng bạo hành trẻ em, bạo lực học đường.

Lời kêu gọi mới nhất trên diễn đàn này được đưa ra ngay sau vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My ở Phú Thọ dâm ô hàng chục nam sinh rằng "Cho dù chúng ta là ai, chúng ta đều liên quan đến nỗ lực kiến tạo một môi trường xã hội an toàn, trong đó có môi trường học đường an toàn. Lên tiếng theo cách của bạn và chúng ta cùng lên tiếng tố cáo, vạch trần cái ác".

Một xã hội ổn định phải có luật pháp nghiêm minh. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng chuyện xâm phạm trẻ em đã xử rất nhiều nhưng vẫn không ngăn chặn được bởi rào cản định chế trong luật pháp Việt Nam. Ông nói :

"Tôi thấy chuyện xâm phạm trẻ em vừa rồi đã xử rất nhiều nhưng Việt Nam có một định chế là suy đoán vô tội nên trước hết phải chứng minh người đó phạm tội bằng chứng cứ chứ không thể chỉ nghe trẻ em kể lại.

Nếu không tạo điều kiện thu thập chứng cứ thì rất khó tố tụng. Dây là cái khó khăn hiện nay".

Ông nêu lên một giải pháp mà theo ông có thể giảm bớt phần nào những hành vi xâm hại trẻ em :

"Ngoài việc tuyên truyền kiến thức cho người dân thì luật cần bổ sung thêm là phải cấm vĩnh viễn những người có hành vi dâm ô với trẻ em hay phạm tội tình dục với trẻ em được làm những công việc có liên quan tới trẻ, không được tiếp cận với trẻ, đồng thời công khai tên tuổi trên trang thông tin quốc gia. Cơ quan công an điều tra có thể dùng bẫy để phát hiện tội phạm".

Luật sư Ngô Anh Tuấn, trưởng văn phòng luật mang tên ông ở Sài Gòn từng nói với chúng tôi rằng phía luật sư có ý kiến rất nhiều lần rồi với Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và cần phải sớm điều chỉnh, cụ thể là bổ sung lời khai của trẻ em qua một quy trình giám định, qua một quy trình lấy cung đặc biệt sẽ được xem như một chứng cứ buộc tội bị cáo.

Khi mà xem lời khai là chứng cứ thì khả năng buộc tội dễ dàng và hợp pháp hơn. Hiện giờ những việc đó hoàn toàn chưa thừa nhận trừ khi mà họ nhận tội, còn lời khai của trẻ em không được xem là chứng cứ buộc tội nên rất khó.

Nguồn : RFA, 17/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 574 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)